Từ điển Phật học Việt Việt

A DI ĐÀ TAM DA TAM PHẬT TÁT LÂU PHẬT ĐÀN QUÁ ĐỘ NHÂN ĐẠO KINH

Từ Điển Bách Khoa Phật Học Việt Nam

阿彌陀三耶三佛薩樓佛檀過度人道經

Phạn: Amitasamyaksambuddhasattvaloka- praõidhànasåtra

Hán: (pâ) A Di Đà Tam Da Tam Phật Tát Lâu Phật Đàn Quá Độ Nhân Đạo Kinh 阿彌陀三耶三佛薩樓佛檀過度人道經, Phật Thuyết Chư Phật A Di Đà Tam Da Tam Phật Tát Lâu Đàn Quá Độ Nhân Đạo Kinh 佛説諸佛阿彌陀三耶三佛薩樓佛檀過度人道經, A Di Đà Tam Da Tam Phật Tát Lâu Đàn Quá Độ Nhân Đạo Kinh 阿彌陀三耶三佛薩樓檀過度人道經, Đại A Di Đà Kinh 大阿彌陀經, A Di Đà Kinh 阿彌陀經, Vô Lượng Thọ Kinh 無量壽經, Quá Độ Nhân Đạo Kinh 過度人道經, Nhị Thập Tứ Nguyện Kinh 二十四願經

Tên kinh, hai quyển, Đại tạng kinh 12, Bảo tích bộ H ĐTK 362, Chi Khiêm dịch, ghi lại tiền thân của đức Phật A Di Đà là tỳ kheo Pháp Tạng cùng với hai mươi bốn nguyện, rồi tả quốc độ Tu ma đề của đức Phật ấy với việc kế ngôi của Bồ tát Quán Âm và Đại Thế Chí, cũng như việc vãng sinh của ba hạng người về nước đó.

Nội dung kinh chia làm hai quyển. Quyển thượng bắt đầu về việc Đức Thích Ca ở tại núi Kỳ xà quật, thành La duyệt kỳ trả lời những câu hỏi của A Nan, nói về sự kiện vào đời quá khứ vô ương số kiếp có ba mươi ba vị Phật xuất thế, kể từ Phật Đề Hòa Kiệt La trở xuống. Đến thời Phật Lâu Di Hoàn tại thế, có vị đại quốc vương nghe kinh của Phật, vui vẻ bỏ nước nhường ngôi, xuất gia làm sa môn hiệu là Đàm Ma Ca, phát nguyện làm Phật, trang nghiêm nước Phật, khiến cho nhân dân và chư thiên sinh về nước ấy, tự mình thấy được hai trăm mười ức quốc độ của các đức Phật và lựa chọn theo sở nguyện của mình. Tổng kết bản nguyện của Đàm Ma Ca có hai mươi bốn lời và được ghi lại nguyên văn từng lời một. Rồi nói đến việc Đàm Ma Ca sẽ thành Phật quang minh đệ nhất. Tới đây thì có sự xuất hiện của vua A Xà Thế và các người khác tới nghe kinh. Đức Phật tiếp tục mô tả quốc độ thù thắng của Phật A Di Đà với đất nước nhà cửa cây cối đều làm bảy báu, nhân dân chỉ gồm các vị Bồ tát, La hán, mà không có phụ nữ, và bản thân đức Phật A Di Đà thì sống lâu vô lượng, sau khi niết bàn, Bồ tát Ạp Lâu Hoàn được bổ xứ thành Phật, và sau khi Bồ tát ấy niết bàn, Bồ tát Ma Ha Na Bát lại thành Phật kế tục giáo hóa.

Quyển hạ phân biệt ba hạng người vãng sinh, thường gọi là tam bối. Trong ba hạng này, trừ hạng thượng, hai hạng trung và hạ, cũng có những người còn nghi hoặc mà bị thoái lui. Những người này sẽ sinh trong thành bảy báu ở ven nước Tu ma đề, năm trăm năm sau mới ra khỏi thành đó. Rồi đức Phật nói với A Dật Đa về năm ác, năm thiêu và năm thống của chư thiên và nhân dân. Tiếp theo Ngài vận thần thông cho A Nan thấy đức Phật A Di Đà và nước Tu Ma Đề, kể ra số Bồ tát vãng sinh ở mười bốn cõi Phật. Cuối cùng để kết thúc, đức Phật nói việc kinh này sẽ lưu lại trăm năm sau khi các kinh pháp khác đã diệt tận một ngàn năm.

Nội dung kinh này như thế chứng tỏ nó là một bản dịch khác của Vô lượng thanh tịnh bình đẳng giác kinh, bởi vì cả hai bản đêu đề cập đến tiền thân tỳ kheo Pháp Tạng và ghi Pháp Tạng có hai mươi bốn bản nguyện. Và cũng vì có nội dung như thế, nó thuộc về hệ thống các kinh Vô lượng thọ sau này, tức Vô lượng thọ kinh, Vô Lượng Thọ Như Lai hội của Đại bảo tích kinh và Đại thừa vô lượng thọ trang nghiêm kinh. Các bản in Tống, Nguyên và Minh đều có tên A Di Đà kinh ở đầu cũng như cuối sách. Riêng bản in Cao ly ở đầu kinh có tên A Di Đà tam da tam Phật tát lâu Phật đàn quá độ nhân đạo kinh, còn cuối kinh thì đề A Di Đà Kinh. Sự kiện bản in Cao ly có một đề kinh dài như thế không phải là mới mẻ. Xuất tam tạng ký tập 2 dưới mục A Di Đà kinh hai quyển, có chua thêm “bên trong đề A Di Đà tam da tam Phật tát lâu đàn quá độ nhân đạo kinh. Chúng kinh mục lục 2 của Pháp Kinh và Chúng kinh mục lục 2 của Tĩnh Thái chỉ ghi tên A Di Đà kinh. Đến Đại Đường nội điển lục 2 và Khai nguyên thích giáo lục 2 đều có ghi đầy đủ cả hai tên, theo đúng câu chú của Xuất tam tạng ký tập. Đại Châu san định chúng kinh mục lục 3 có hai hạng mục, một mang tên Tam da tam Phật tát đàn quá độ nhân đạo kinh, một bộ hai quyễn và nói là do Khương Tăng Khải dịch, một mang tên A Di Đà kinh, một bộ hai quyển do Chi Khiêm dịch. Cả hai hạng mục này, nó ghi là rút từ Lịch đại tam bảo ký của Phí Trường Phòng. Nhưng khảo Lịch đại tam bảo ký 5 thì Khương Tăng Khải chỉ có dịch Vô lượng thọ kinh, còn A Di Đà kinh với lời chua bên dưới là bên trong “đề A Di Đà tam da tam Phật tát lâu đàn quá độ nhân đạo kinh”. Trinh nguyên tân định thích giáo mục lục ghi theo Khai nguyên thích giáo lục với lời chua: “Bên trong đề Chư Phật A Di Đà tam da tam Phật tát lâu Phật đàn quá độ nhân đẳng đạo kinh”

Như vậy, theo các kinh lục, A Di Đà tam da tam Phật tát lâu đàn quá độ nhân đạo kinh cũng có tên A Di Đà kinh. Theo Cảnh Hưng trong Vô lượng thọ kinh liên nghĩa thuật văn tán T thì “Thời Ngô, Chi Khiêm đặt tên Chư Phật A Di Đà tam da tam Phật tát lâu Phật đàn quá độ nhân đạo kinh, cũng gọi là Đại A Di Đà”. Nói khác đi, từ thế kỷ thứ VII vì để phân biệt với A Di Đà kinh của La Thập, bản dịch của Chi Khiêm được gọi là Đại A Di Đà kinh. Còn về tên A Di Đà tam da tam Phật tát lâu Phật đàn quá độ nhân đạo kinh hẳn là một hỗn hợp vừa phiên âm chữ Phạn vừa dịch nghĩa Trung quốc. Quá độ nhân đạo, hay Quá độ nhân đẳng đạo chắc chắn là một dịch nghĩa. A Di Đà tam da tam Phật tát lâu Phật đàn thì hẳn là một phiên âm. Tên phiên âm này cho đến nay chưa ai đề nghị một tên Phạn tương đương. Theo chúng tôi, nó có thể là phiên âm của tên Amitasamyaksambuddhasattvaloka- pranidhàna, nghĩa là lời nguyện đối với thế giới chúng sinh của đức Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Lượng. Phiên âm Amitasamyaksambuddha bằng A Di Đà tam da tam Phật, tất không có vấn đề gì. Tát lâu là một phiên âm của sattvaloka, tuy cũng có một số vấn đề nhưng không quan trọng lắm, bởi vì ta đã có kèm theo những chữ dịch nghĩa là nhân đạo hay nhân đẳng đạo. Còn lại là chữ Phật đàn, mà một số đề nghị là phiên âm của buddhàn / buddham, song không có nghĩa lắm. Chúng tôi nghĩ nó hẳn là một phiên âm của pranidhàna, nếu không là buddha / dhyàna. Trong hai phiên âm này, chúng tôi thấy pranidhàna có nghĩa hơn.

Từ bản kinh lục xưa nhất hiện còn là Xuất tam tạng ký tập 2 và tiền thân của nó là Tổng lý chúng kinh mục lục của Thích Đạo An (312-385), dịch giả của A Di Đà tam da tam Phật tát lâu Phật đàn quá độ nhân đạo kinh là Chi Khiêm. Tuy nhiên, những người nghiên cứu căn cứ vào dịch ngữ và dịch phong của bản văn thì nghĩ nó là bản dịch của Chi Lâu Ca Sấm. Song nếu khẳng định như thế thì không lý bản kinh lục xưa nhất đáng tin cậy vừa nêu đã tỏ ra sai lầm chăng? Cho nên, Okayama đã đưa ra thuyết dung hòa, nói rằng bản văn nguyên do Chi Lâu Ca Sấm dịch, rồi sau đó được Chi Khiêm san định lại. Thuyết này xuất phát từ một nhận xét của Chi Mẫn Độ trong Hiệp thủ lăng nghiêm ký ở Xuất tam tạng ký tập 7, theo đó, kinh Thủ lăng nghiêm nguyên do Chi Lâu Ca Sấm dịch, sau đó Chi Khiêm “không thích những chỗ Sấm dịch, lời nó chất phác, có nhiều tiếng Hồ, nên những chỗ khác bèn tước đi mà định lại, còn những chỗ giống Khiêm chỉ chép ra mà không thay đổi”. Nói cách khác, nếu văn phong và dịch ngữ của A Di Đà tam da tam Phật tát lâu Phật đàn quá độ nhân đạo kinh có nhiều điểm tương đồng với những bản văn biết chắc chắn do Chi Lâu Ca Sấm dịch, ấy bởi vì Chi Khiêm đã dựa trên bản dịch của Chi Lâu Ca Sấm mà sửa lại, “chỗ nào khác thì tước bỏ mà dịch lại, chỗ nào giống thì chép ra mà không sửa”. Cho nên, trong A Di Đà tam da tam Phật tát lâu Phật đàn quá độ nhân đạo kinh hiện nay có những đoạn lời văn rất chải chuốt. Đoạn nói về năm ác hiên không thấy tương đương trong Phạn bản, lại mang nhiều sắc thái Trung quốc, lời văn lưu loát, là một thí dụ. Và sự thực một số kinh lục như Đại Đường nội điển lục 1 đã ghi nhận là Chi Lâu Ca Sấm dịch

Vô lượng thanh tịnh bình đẳng giác kinh, một dị bản của bản dịch Chi Khiêm. Tất nhiên, bản Vô lượng thanh tịnh bình đẳng giác kinh hiện vẫn còn và được ghi nhận là của Chi Lâu Ca Sấm, có phải là của Chi Lâu Ca Sấm không, đang là một vấn đề bàn cãi. Chỉ cần nhấn mạnh là Chi Lâu Ca Sấm có liên hệ ít nhiều đến việc dịch một truyền bản của hệ thống kinh Vô lượng thọ. Dẫu sao chăng nữa, các kinh lục đã nhất trí ghi A Di Đà tam da tam Phật tát lâu Phật đàn quá độ nhân đạo kinh là một dịch phẩm của Chi Khiêm, và trước mắt chưa có những bằng cớ gì xác thực nói ngược lại sự ghi nhận ấy.

A Di Đà tam da tam Phật tát lâu Phật đàn quá độ nhân đạo kinh dù là bản dịch của Chi Khiêm hay của Chi Lâu Ca Sấm, là một trong những bản dịch xưa nhất cùng với Vô lượng thanh tịnh bình đẳng giác kinh của hệ thống kinh Vô lượng thọ hiện còn. Nó tượng trưng cho giai đoạn đầu của quá trình tín ngưỡng A Di Đà. Ở giai đoạn này, nó còn giữ những điểm cộng thông với những kinh điển khác. Thí dụ, cùng với A Di Đà cổ âm vương thanh đà la ni kinh, nó nhìn nhận sự nhập diệt của Phật A Di Đà và sự kế nghiệp của Bồ tát Quán Âm và Thế Chí. Đấy là một điểm cộng thông giữa tín ngưỡng A Di Đà và tín ngưỡng A Súc Bệ. A Sơ Bệ Phật quốc kinh H cũng nói tới sự nhập diệt của Phật A Súc. Hệ thống bản nguyện giữa hai tín ngưỡng ấy cũng có nhiều điểm nhất trí. Đối với hệ thống kinh Vô lượng thọ nó ghi nhận sự có mặt và phát nguyện vãng sinh Tịnh độ của vua A Xà Thế, sự nhập diệt của Phật A Di Đà, Quán Âm thành đạo. Đây là những điểm mà những kinh trong hệ thống đó không có, trừ Vô lượng thanh tịnh bình đẳng giác kinh. Về tư tưởng bản nguyện, hệ thống hai mươi bốn nguyện của nó có thể nói tượng trưng cho nỗ lực đầu tiên của quá trình hình thành và có một quyết định ảnh hưởng đối với những phát triển về sau, đặc biệt đối với bốn mươi tám nguyện nổi tiếng.

Về thời gian và địa điểm hình thành A Di Đà tam da tam Phật tát lâu Phật đàn quá độ nhân đạo kinh có nhiều quan điểm khác nhau. Từ xưa đã có thuyết Đại thừa phi Phật thuyết. Cho nên, kinh này với tư cách là một bộ kinh Đại thừa, tất cũng bị cho là không phải do đức Phật giảng dạy. Ngày nay, một số người nghiên cứu đã giả thuyết nó hình thành trong những vùng đất do người Hy lạp cai trị ở miền tây bắc Ấn độ. Yashioka đề xuất giả thuyết kinh Vô lượng thọ hình thành tại vùng Bamyan là một phản ảnh khách quan của tình trạng kinh tế xã hội phát triển cực kỳ rực rỡ của vùng đó dưới sự cai trị của người Hy lạp. Thêm vào đó, nội dung của các bản văn thuộc hệ thống kinh Vô lượng thọ lại không có những yếu tố như sùng bái Phật tháp. Sự vắng mặt yếu tố này tại các vùng có người Hy lạp cư trú và sự xuất hiện của tập quán lễ bái Phật tượng mà tín ngưỡng A Di Đà nhấn mạnh đến đã chứng tỏ khi người Hy lạp trở thành Phật tử, họ một mặt tiếp thu một số nguyên tắc căn bản của đạo Phật, nhưng mặt khác đã du nhập vào trong Phật giáo một số tập quán tín ngưỡng bản địa của họ. Một trong những tập quán ấy là việc lễ bái hình tượng. Quán vô lượng thọ Phật kinh mô tả quán tưởng bằng hình tượng Phật A Di Đà, chính là để đáp ứng lại yêu cầu lễ bái hình tượng vừa nói.

Tất nhiên, thuyết này không phải là không có những khó khăn. Thứ nhất, những di vật của nền nghệ thuật Phật giáo, thường gọi là nền nghệ thuật Phật giáo Gàndhàra tìm thấy cho đến nay, đã không có một hình tượng Phật A Di Đà riêng biệt nào. Thứ hai, những mô tả về thế giới Cực Lạc của đức Phật A Di Đà có thể phản ảnh một phần nào vẻ đẹp phong phú và sự giàu có tuyệt vời của thủ đô Sàgala mà Những câu hỏi của Mi Lan Đà ghi lại, nhưng đồng thời chúng cũng có nguồn gốc trong Thế ký kinh của Trường a hàm kinh 18-22. Cho nên, chúng tôi nghĩ rằng, việc hình thành hệ thống kinh Vô lượng thọ, trong đó bao gồm cả A Di Đà tam da tam Phật tát lâu Phật đàn quá độ nhân đạo kinh tại vùng cai trị của người Hy lạp ở miền tây bắc Ấn độ ngày xưa, là không thỏa đáng. Sự thật, nếu căn cứ vào những di liệu nghệ thuật cụ thể là những hình tượng chạm vào đá và những tượng khắc hiện còn, tín ngưỡng A Di Đà đã phân bố rộng rãi trên nhiều miền khác nhau của đất nước Aán độ, từ Mathura phía tây đến Orissa phía đông, từ Gàndhàra phía bắc đến Amaravatã phía nam.

Nói thế tức cũng muốn nói A Di Đà tam da tam Phật tát lâu Phật đàn quá độ nhân đạo kinh đã hình thành tại vùng bình nguyên sông Hằng ở chính cái nôi Phật giáo Ấn độ. Một khi đã khẳng định như vậy, vấn đề thời điểm ra đời của bản kinh này không thể giới hạn vào sự xuất hiện của người Hy lạp ở miền tây bắc Ấn độ ngày xưa, tức cuối thế kỷ thứ tư đầu thế kỷ thứ ba trước dl.; mà phải truy về chính thời đại đức Phật.

Xem thêm Fujita Kotatsu, Genshi Jòdò Shisò No Kenkyù (Tokyo 1973); Okayama Hajime, Dai Amida Kyò Yakusha Ni Kansuru Ichi Kasetsu (IBA 28/2 (1980) 735-8); Yoshioka Ryòon, Muryòja Kyo Seiritsu No Minzokuteki Haikei (IBK 17/1 (1968) 366-9)

CÁC CÁC

Từ điển Đạo Uyển


各各; C: gègè; J: kakukaku;
Mỗi cái, từng cái, riêng từng cái, từng người một (s: prati-prati).

CÁCH

Từ điển Đạo Uyển


格; C: gé; J: kaku;

  1. Biết rõ. Tìm hiểu chắc chắn;
  2. Đạt đến, trở thành, đạt được;
  3. Đạt được kết quả; nắm bắt được nguyên tắc;
  4. Hiệu chỉnh;
  5. Phép tắc, giới hạn. mô thức, nguyên tắc;
  6. Khôn ngoan, thông minh, thông thái;
  7. Kháng cự, công kích.

CÁCH NGHĨA

Từ điển Đạo Uyển


格義; C: géyì; J: kakugi;
“Làm cho hợp nghĩa”. Danh xưng được đề ra cho phương pháp dịch thuật kinh điển Phật học Ấn Độ sang tiếng Hán trong thời kì đầu. Những thuật ngữ Ấn Độ như śūnyatā (không) được dịch sang tiếng Hán với khái niệm tương đương là “vô” (無), kết quả từ sự hiểu lầm ý nghĩa căn gốc của Phật pháp.

CÁCH NGÔN

Từ điển Đạo Uyển


格言; C: géyán; J: kakugen;
Những lời nói mang tính trí tuệ.

CÁCH-LỖ PHÁI

Từ điển Đạo Uyển

格魯派; T: gelugpa [dGe-lugs-pa]; nguyên nghĩa “tông của những hiền nhân”, cũng được gọi là Hoàng mạo phái (黃帽派) vì các vị tăng phái này mang mũ màu vàng;

Một trong bốn tông tại Tây Tạng do Tông-khách-ba thành lập. Tông này đặc biệt nhấn mạnh đến Luật tạng (s, p: vinaya) và nghiên cứu kinh điển. Căn bản của cách tu tập trong tông này là những bộ luận Bồ-đề đạo thứ đệ (t: lamrim) và những tác phẩm nói về học thuyết của các trường phái. Kể từ thế kỉ thứ 17 tông này có trách nhiệm chính trị tại Tây Tạng, với sự có mặt của Ðạt-lại Lạt-ma, được xem là người lĩnh đạo chính trị và tinh thần của nước này.

Giáo pháp của phái Cách-lỗ dựa trên các bộ luận của Tông-khách-ba và hai vị đại đệ tử là Gyaltshab (1364-1432) và Kherub (1385-1483). Sau một cuộc gặp Văn-thù Sư-lị trong lúc nhập định, Sư biên soạn một bộ sách về giáo lí Trung quán (s: madhyamaka) có ảnh hưởng trực tiếp đến tông Cách-lỗ. Trong những tập sách giảng giải về các phương pháp thiền quán, Tông-khách-ba chỉ rất rõ phương tiện để hành giả có thể đạt được tri kiến Trung luận đó. Tập sách đó bắt đầu bằng nói về sự không toàn diện của Luân hồi và cách phát triển Bồ-đề tâm. Sau đó là phần khai thị để chứng được tính Không.

Phép tu thật sự nằm ở chỗ làm sao đạt được Ðịnh. Sư hướng dẫn rất rõ trong các tác phẩm của mình, hành giả phải phối hợp cân đối giữa Chỉ (s: śamatha) và Quán (s: vipaśyanā) thế nào để đạt được mục đích đó. Song song với cách tu luyện này, giáo pháp Tan-tra cũng được xem là phương pháp đặc biệt để đạt sự phối hợp cân đối đó.

CÁI TRIỀN

Từ điển Đạo Uyển


蓋纏; Danh từ Hán Việt được dịch từ Phạn ngữ. Cái (s: āvarāṇa) nghĩa là sự che đậy, gò bó và Triền (s: paryavasthāna) nghĩa là vấn xung quanh, vây bọc xung quanh.
Có thể hiểu là những Phiền não, những gì trói buộc con người, gây chướng ngại trên con đường đạt Giải thoát.

Cái bao gồm:

  1. Dục tham (欲貪; kāmachanda);
  2. Thận khuể (慎恚; s: vyāpāda), nghĩa là sự tức giận;
  3. Thuỵ miên (睡眠; s: middha);
  4. Trạo hối (掉悔; s: uddhaccha), chỉ lòng hối tiếc không yên;
  5. Nghi (疑; s: vicikitsā), tâm trạng nghi ngờ.

Triền gồm có:

  1. Vô tàm (無慚; s: āhrīkya), không tôn kính, không biết hổ thẹn về việc tội lỗi đã làm;
  2. Vô quý (無愧; s: anapatrāpya, anapatrapā), tâm không biết sợ với tội quả, không biết hổ thẹn đối với người khác khi phạm tội;
  3. Tật (嫉; s: īrṣyā), ganh ghét vì thấy người ta hơn mình;
  4. Xan (慳; s: mātsarya), xan tham, ích kỉ;
  5. Hối (悔; s: kaukṛtya), hối hận;
  6. Miên (眠; s: middha), giấc ngủ;
  7. Trạo cử (掉舉; s: auddhatya), hồi hộp không yên;
  8. Hôn trầm (昏沉; s: styāna), tâm chìm đắm, lừ đừ, thiếu linh động, thiếu nhạy bén;
  9. Phẫn (忿; s: krodha);
  10. Phú (覆; s: mrakṣa), che dấu tội lỗi, đạo đức giả (xem thêm Tâm sở).

CAM-CHÂU-NHĨ/ÐAN-CHÂU-NHĨ

Từ điển Đạo Uyển

甘珠爾丹珠爾; T: kangyur/tengyur [bK’-‘gyur/ bsTan-‘gyur];
Tên của Ðại tạng tại Tây Tạng, bao gồm toàn bộ kinh điển của Phật giáo tại đây. Ðại tạng này bao gồm hơn 300 bộ kinh, được dịch từ văn hệ Phạn ngữ (sanskrit). Cam-châu-nhĩ là Kinh tạng với những lời giáo hoá của Phật Thích-ca, gồm 92 bộ với 1055 bài; Ðan-châu-nhĩ bao gồm các bộ luận của các Ðại sư Ấn Ðộ, có thể gọi là Luận tạng, gồm 224 bộ với 3626 bài.

Kinh luận Phật giáo phát xuất từ Ấn Ðộ ngày nay hầu như chỉ còn trong dạng chữ Hán và Tây Tạng. Trong thời kì đầu của Phật giáo Tây Tạng, nhiều kinh sách được phiên dịch nhưng sau đó vì mất bản gốc chữ Phạn nên các bản dịch đó không được chính thức thừa nhận. Ðến khoảng thế kỉ thứ 11, người ta mới xét lại các bản dịch và cho vào thư mục Ðan-châu-nhĩ/Cam-châu-nhĩ.
Cam-châu-nhĩ được chia làm sáu phần:

  1. Mật bộ (Tan-tra);
  2. Bát-nhã ba-la-mật bộ (s: prajñāpāra-mitā);
  3. Bảo tích bộ (s: ratnakūṭa);
  4. Hoa nghiêm bộ (s: buddhāvataṃsaka);
  5. Kinh bộ (s: sūtra, giáo pháp Ðại thừa, Tiểu thừa) và
  6. Luật bộ (s: vi-naya).

Ðan-châu-nhĩ được chia làm 3 phần:

  1. Tán tụng (s: stotra);
  2. Tan-tra;
  3. Kinh luận. Các tập luận về kinh chứa đựng các tác phẩm Bát-nhã, Trung quán, Duy thức học cũng như A-tì-đạt-ma, và còn có thêm những luận giải về Nhân minh học (lí luận lo-gic), thơ văn, y khoa và ngữ pháp. Văn học Tây Tạng cũng dựa vào các bản dịch mà dần dần phát triển một cách toàn diện.

CAM-ĐAN PHÁI

Từ điển Đạo Uyển


甘丹派; T: kadampa [bKa’-gdams-pa]; nguyên nghĩa là »khai thị bằng lời«;
Một tông phái của Phật giáo Tây Tạng do Ðại sư A-đề-sa sáng lập. Tông này chủ trương thiết lập lại kinh điển sau khi thấy Phật giáo suy tàn ở thế kỉ thứ 10 tại Tây Tạng. Giáo pháp quan trọng nhất được gọi là Lo-jong (sám hối). Tông này không còn truyền đến ngày nay, nhưng học thuyết lại được các tông khác hấp thụ, nhất là phái Cách-lỗ (t: gelugpa).

Ðóng góp lớn nhất của tông này vào Phật giáo Tây Tạng là một số phép tu thiền, ngày nay được gọi là »phép sám hối.« Phép này dựa trên quan điểm Bồ Tát đạo và được xem như một cách tu để phát triển Bồ-đề tâm. Trong thời A-đề-sa, phép tu này chỉ được truyền miệng, về sau mới được ghi chép lại. Hai văn bản quan trong nhất là »Tám câu sám hối« của Kadampa Geshe Langri Thangpa và »Bảy ý nghĩa của sám hối.« Câu kệ sau đây là của Lạt-ma Ðông-đốn (t: dromton, 1008-1064), một vị Lạt-ma quan trọng của tông Cam-đan:

Nếu nghe lời không đẹp,
Hãy xem là tiếng dội.
Nếu thân chịu khổ ải,
Xem đó là tiền nghiệp.

Sáu bộ luận căn bản (s: ṣaḍājñādeśa) của phái này: 1. Bồ Tát địa luận (s: bodhisattvabhūmi); 2. Ðại thừa kinh trang nghiêm luận (s: mahāyānasūtra-laṅkara); 3. Tập Bồ Tát học luận (s: śikṣāsamuc-caya); 4. Nhập Bồ Tát hạnh (s: bodhisattvacāryā-vatāra) hoặc Nhập bồ-đề hành luận (s: bodhicaryā-vatāra); 5. Bản sinh kinh (s: jātakamala); 6. Tự thuyết (s: udāna).v

CĂN

Từ điển Đạo Uyển


根; S: indriya, jñānendriya, buddhīndriya; P: in-driya; C: gēn; J: kon; nghĩa là giác quan;
Cách vận hành, cơ cấu, tính năng, năng lực.

  1. Căn gốc của thảo mộc và cây cối, hàm ý khả năng sinh trưởng từ trong dạng tĩnh để trở thành thân và nhánh; trong nghĩa nầy được gọi là rễ cây;
  2. Thuật ngữ con có nghĩa là “cơ quan” – nơi phát sinh sự nhận biết. Do đó, nó được dùng như tên gọi 5 giác quan (ngũ căn 五根). 5 giác quan nầy không thể được nhìn thấy và chúng được tạo nên do sự chuyển hoá của tứ đại, và có năng lực thấy, nghe v.v… Dù chúng vô hình và thanh tịnh; về mặt lí thuyết, chúng có trong khắp mọi nơi, do vậy nên chúng được hệ thống giáo lí Pháp tướng tông xếp vào “sắc” pháp;
  3. Khả năng, năng lực, bản tính, tính năng của người hoặc vật, thông thường là bén nhạy, bình thường, và chậm lụt. Năng lực cá biệt mà một cá nhân nào đó có để nhận thức về một tầng bậc giáo lí nhất định và chứng ngộ. Xem Cơ (機); 4. Những điều khuyến khích sự giác ngộ trong con người, gọi là Ngũ căn: tín, tiến, niệm, định, huệ.

Người ta phân biệt 22 căn, tức là tất cả khả năng tâm lí và thể chất, gồm có: sáu căn cơ bản (Lục căn; s: ṣaḍāyatana), nam căn, nữ căn (bộ phận sinh dục); các khả năng thuộc thân như biết đau đớn, biết vui thích, biết buồn rầu, và vô kí (trung hoà); năm cơ sở tâm lí có thể biến thành Năm lực, đó là Tín (s: śraddhā), Tinh tiến (s: vīrya), chính niệm, Ðịnh (s: samādhi) và Bát-nhã (s: prajñā); ba khả năng xuất thế: lòng tin chắc chắn mình sẽ khám phá nhiều điều chưa khám phá được trong giai đoạn đầu của Thánh đạo (s: ārya-mārga), trí huệ cao nhất lúc đạt quả Dự lưu (s: śrotāpanna; p: sotā-panna) và cuối cùng là khả năng của hành giả đã đạt tới thánh quả A-la-hán (s: arhat).

CẦN

Từ điển Đạo Uyển


勤; C: qín; J: gon;
Có hai nghĩa:

  1. Sự nỗ lực, sự phấn đấu, tiến hành (s: virya);
  2. Siêng năng, cần cù, ý chí tích cực.

CĂN BẢN

Từ điển Đạo Uyển


根本; C: gēnběn; J: konpon;

  1. Gốc, căn nguyên, căn bản (s: mūla);
  2. Nguồn gốc sinh khởi mọi hiện tượng (s: vastu; t: gshi).

CĂN BẢN PHIỀN NÃO

Từ điển Đạo Uyển


根本煩惱; C: gēnběn fánnăo; J: konpon bonnō;

Sáu thứ phiền não chính, từ đó mà các tuỳ phiền não (隨煩惱) phát sinh: tham (貪, còn gọi là ái 愛), sân (瞋), si (癡, hoặc vô minh 無明), mạn (慢), nghi (疑), và (tà) kiến (見). Còn gọi là Lục phiền não (六煩惱).

Mười thứ phiền não chính được giải trừ khi tu tập đạt đến giai vị Kiến đạo. Năm thứ phiền não đầu, là đặc điểm mà hành giả có công phu tu tập đạt đến năng lực nhận thức cao thường gặp, đó là: thân kiến (身見), biên kiến (邊見), tà kiến (邪見), kiến thủ kiến (見取見), và giới cấm thủ kiến (戒禁取見). Năm thứ phiền não kế là đặc điểm của những hành giả chưa phát huy được công phu tinh nhạy, đó là: dục, sân, si, mạn, nghi. Đồng nghĩa với Thập sử (十使), Thập hoặc (十惑).

CĂN BẢN THỨC

Từ điển Đạo Uyển


根本識; C: gēnběnshì; J: konponshiki; S: mūla-vijñāna; T: rtsa baḥi rnam.

Được Đại chúng bộ (大衆部, s: mahā-sāṃghika) thừa nhận, được hiểu đó là thức nối kết với sinh tử luân hồi. Khái niệm nầy là một tiên phong cho ý tưởng về một thức gom chứa được Du-già hành tông đề xướng. Đồng nghĩa với A-lại-da thức trong Du-già hành tông.

CĂN BẢN TRÍ

Từ điển Đạo Uyển


根本智; C: gēnběnzhì; J: konponchi;

Trí huệ bản hữu mà người ta dùng để thể nhập chân tính thực tại – chân đế, chân lí tối thượng (s: jñāna-sattva). Sau đó, chư Bồ Tát phát khởi Hậu đắc trí (後得智) để cứu độ chúng sinh.

CĂN BẢN VÔ MINH

Từ điển Đạo Uyển

根本無明; C: gēnběn wúmíng; J: konpon mumyō;

Cội gốc vô minh, hay vô minh vốn có. Vô thuỷ vô minh (無始無明).

CĂN CƠ

Từ điển Đạo Uyển


根機; C: gēnjī; J: konki;
Năng lực tu tập căn bản của mình. Năng lực tâm linh (s: indriya). Đồng nghĩa với Cơ căn (機根).

CẦN KHỔ

Từ điển Đạo Uyển


勤苦; C: qínkŭ; J: gonku;

Có hai nghĩa:

  1. Tự gắng sức, tinh tấn, phấn đấu;
  2. Sự đau khổ trong thế gian. Sự gian khó trong nỗ lực. Sự hành xác để hối lỗi; sự khổ hạnh.

CĂN MÔN

Từ điển Đạo Uyển


根門; C: gēnmén; J: konmon;
Cửa của các giác quan, qua đó mà thoát ra tham dục và chấp trước.

CẬN SỰ NAM

Từ điển Đạo Uyển


近事男; S, P: upāsaka; dịch theo âm Hán Việt là Ưu-bà-tắc;
Cư sĩ

CẬN SỰ NỮ

Từ điển Đạo Uyển


近事女; S, P: upāsikā; dịch theo âm Hán Việt là Ưu-bà-di;
Cư sĩ

CĂN TRẦN

Từ điển Đạo Uyển


根塵; C: gēn chén; J: konjin;
Sáu cơ quan nhận thức và đối tượng của nó. Sáu đối tượng được xem là nguyên nhân khách quan của phiền não, vì thế nên được đề cập với tính chất tiêu cực là »bụi« hoặc »dơ«.

CẦN TU

Từ điển Đạo Uyển


勤修; C: qínxiū; J: gonshū;
Sự nỗ lực, tinh tấn tu tập (s: prayujyate, vīrya, prayoga).

CẬN TỬ NGHIỆP

Từ điển Đạo Uyển


近死業
Là Nghiệp, là hành động hoặc tư tưởng ngay trước khi chết; là tất cả những hoạt động cơ thể, tâm lí của người sắp lâm chung. Cận tử nghiệp rất quan trọng vì nó trực tiếp quyết định điều kiện, môi trường sinh sống trong cuộc đời kế tiếp của người chết (Tử).

Ðặc biệt tại Tây Tạng, các Phật tử rất chú tâm đến cận tử nghiệp và Kim cương thừa – nhất là theo hệ thống Vô thượng du-già (s: anuttarayogatantra) – có rất nhiều phương pháp để chuyển hoá cận tử nghiệp thành một Phương tiện để đạt Giác ngộ. Người ta cho rằng, ý nghĩ (niệm) cuối cùng trước khi chết là nguyên nhân chính tạo các hoàn cảnh của cuộc đời sau.
Ðạt-lại Lạt-ma thứ 14 thường thuyết giảng về khoảng thời gian cận tử và nêu rất rõ những hiện tượng mà các Du-già sư uyên thâm đều tự chứng được. Chính Sư cũng bảo rằng, trong khi thiền định (khoảng 3-4 tiếng), Sư bước qua lại ngưỡng cửa sinh tử 6-7 lần với mục đích trau dồi kinh nghiệm để chinh phục được cửa ải quan trọng này. Sư thuyết trình như sau:

“…Con người chết với một trong ba tâm trạng: thiện, ác và trung tính. Trong trường hợp đầu thì người chết chú tâm đến một đối tượng thiện tính như Tam bảo hoặc vị Chân sư và vì thế tự tạo cho mình một tâm trạng đầy niềm tin sâu thẳm, hoặc người ấy phát lòng từ, bi, hỉ, xả vô lượng (Bốn Phạm trú), hoặc tư duy về tính Không (s: śūnyatā) Người này chỉ có thể thực hiện những đức hạnh nêu trên khi họ đã từng trau dồi chúng trong lúc còn sống. Nếu trước khi chết mà người ta có thể phát khởi những tâm trạng thiện trên thì một sự tái sinh hạnh phúc hơn được xem như là chắc chắn. Chết như thế thì tốt.

Nhưng cũng có lúc thân quyến làm xao động tâm trạng của người sắp chết và làm cho người ấy – tuy là vô tình – khởi tâm sân hận. Có khi thân quyến hội họp xung quanh, khóc lóc than thở làm cho người ấy quyến luyến, tham ái. Nếu người ấy chết với một trong hai tâm trạng trên – và hơn nữa, một tâm trạng mà người ấy rất thường phát triển trong cuộc sống trước đây – thì đó là một mối nguy lớn. Cũng có người chết với một tâm trạng trung tính không thiện không ác… Trong mọi trường hợp thì tâm trạng trước khi chết rất quan trọng. Ngay cả một người đã có chút ít tiến triển trên con đường tu tập cũng có thể không tự chủ, để tâm tán loạn trước khi chết, trực tiếp tạo điều kiện cho sân và ái hiện hành. Nguyên nhân là những Nghiệp (s: karma), những Chủng tử (s: bīja) đã được tích luỹ (熏習; huân tập; s: vāsanā) từ lâu; chúng chỉ chờ đợi những điều kiện thuận lợi – ở đây là những duyên bất thiện – để mặc sức hiện hành. Chính những chủng tử này tạo điều kiện để người chết tái sinh trong ba ác đạo: súc sinh, Ngạ quỷ và Ðịa ngục… Cũng như thế, người nào bình thường chỉ biết làm những việc ác nhưng chết với một tâm trạng thiện lành cũng có thể tái sinh trong một môi trường hạnh phúc hơn…

Trong một cuộc sống sinh hoạt bình thường thì các tâm trạng như tham ái, sân, ganh ghét v.v… xuất hiện ngay với những yếu tố nhỏ nhặt (duyên) – những tâm trạng đã khắc sâu đến tận cốt tuỷ của con người. Một tâm trạng mà người ta không quen phát triển – nếu muốn được hiển bày thì phải cần một sự kích thích, ví dụ như sự tư duy, tập trung cao độ. Vì thế mà trước khi chết, những tư tưởng đã đi sâu vào cốt tuỷ của con người là tâm trạng chính, là yếu tố chính quyết định sự tái sinh…” (trích lời dẫn nhập của Ðạt-lại Lạt-ma trong Death, Intermediate State and Rebirth in Tibetan Bud-dhism, Lati Rinpoche/Jeffrey Hopkins).

CÀN-ĐÀ-LA

Từ điển Đạo Uyển


乾陀羅; S, P: gandhāra; tên dịch theo âm Hán Việt, cũng đọc là Kiền-đà-la;

Một vùng miền Tây bắc Ấn Ðộ, ngày nay thuộc về Afganistan và một phần của Pakis-tan. Ngày xưa Càn-đà-la là một trung tâm Phật giáo và văn hoá nghệ thuật đạo Phật. Trong thế kỉ thứ 1, 2, Phật giáo Ðại thừa cũng bắt đầu xuất hiện tại đây. Ngày nay, các đạo trường Phật giáo không còn bao nhiêu dấu tích vì bị phá huỷ trong thế kỉ thứ 5. Theo kí sự của Huyền Trang Pháp sư thì đạo Phật tại đây đã bị huỷ diệt trong khoảng thế kỉ thứ bảy.

Khác với giai đoạn đầu của nghệ thuật Phật giáo, đức Phật được diễn tả như một con người tại Càn-đà-la. Phần lớn các hình ảnh của Phật được tạc trên đá, nhắc lại các tiền thân và tiểu sử của Ngài. Người ta trình bày Phật như một vị tu sĩ với một thân tâm hoàn toàn tự tại, có khi người ta xem Ngài như một vị thầy, luôn luôn giữ phong cách vô vi và hướng nội. Một số tranh khác diễn tả Ngài sống khổ hạnh, thân thể hao mòn chỉ còn xương da. Nghệ thuật tại đây đã đạt tới tình trạng trừu tượng, các tranh tượng đều có vẽ các Ấn và các hảo tướng của Phật. Người ta cũng chú ý đến các trình bày y phục của Phật, một sáng tạo nghệ thuật đặc sắc Càn-đà-la.

CÀN-ĐẠP-BÀ

Từ điển Đạo Uyển


乾沓婆; C: gāntàpó; J: kantōba;
Dịch từ chữ gandharva tiếng Phạn. Càn-thát-bà.

CÀN-ĐẠP-HOÀ

Từ điển Đạo Uyển


乾沓和; C: gāntàhé; J: kantōwa;

Dịch từ chữ gandharva tiếng Phạn. Càn-thát-bà.

CĂN-ĐÔN CHÂU-BA, 1. ÐẠT-LẠI LẠT-MA

Từ điển Đạo Uyển


Căn-đôn Châu-ba, 1. Ðạt-lại Lạt-ma

根敦珠巴; T: gendun drub [dGe-’dun grug]; S: saṅghasiddhi; 1391-15. 01. 1475; Giáo chủ của tông Cách-lỗ từ 1438-1475; thuỵ hiệu là Ðạt-lại Lạt-ma thứ I;
Ðại sư Tây Tạng, thuộc tông Cách-lỗ, một trong những môn đệ xuất sắc nhất của Tông-khách-ba. Sư được phong danh hiệu Gyalwang – “Người chiến thắng” – và sắc thuỵ là

  1. Ðạt-lại Lạt-ma. Sư sáng lập rất nhiều ngôi chùa, trong số đó, chùa Ta-shi-lhun-pô (t: tashilhunpo) nổi danh hơn hết. Sư được xem là người đầu tiên trong dòng Cách-lỗ đề xướng việc duy trì chính pháp bằng một dòng tái sinh. Sau khi Sư qua đời, môn đệ bắt đầu tìm một hiện thân mới của Sư, đó cũng chính là sự bắt nguồn của dòng Ðạt-lại Lạt-ma, được truyền cho đến ngày nay. Hiện thân kế thừa Sư là Căn-đôn Gia-mục-thố (t: gendun gyatso),
  2. Ðạt-lại Lạt-ma. Sư sinh năm 1391, trong một gia đình du mục trong tỉnh Tsang. Cha mất khi Sư lên bảy và ngay sau đó, Sư được mẹ gửi đến một vị thầy danh tiếng bấy giờ là Drub-pa She-rab, vị Tổ thứ 14 của dòng Nar-thang. Nơi đây, Sư thụ giới Sa-di. Năm lên 20, Sư thụ giới cụ túc và trong khoảng thời gian sau đó, Sư tham học dưới sự hướng dẫn của nhiều vị thầy, chuyên cần nghiên cứu kinh, luận của các vị Ðại luận sư Ấn Ðộ như Long Thụ, Vô Trước và A-đề-sa. Ngoài ra, Sư cũng tinh thông các ngành như thi pháp, từ điển học (e: lexicography), văn phạm… Học lực vĩ đại của Sư có thể giảng nghĩa phần nào việc nắm giữ chính quyền của các vị Ðạt-lại Lạt-ma sau này song song với việc duy trì Phật pháp. So với khả năng, tài sức của các vương triều trước đây thì quả nhiên là khả năng của các vị Ðạt-lại Lạt-ma vượt trội hơn nhiều.

Tông-khách-ba trực tiếp hướng dẫn Sư vào thuyết Trung quán qua Căn bản trung quán luận tụng (s: mūlamadhyamaka-śāstra-kārikā) của Long Thụ, Nhập trung luận (s: madhyamakāvatāta) của Nguyệt Xứng (s: candrakīrti). Ngoài ra, Sư cũng thông hiểu Nhân minh học (s: hetuvidyā), tự tay dịch và chú Lượng thích luận (s: pramāṇavarttika-kārikā) của Pháp Xứng (s: dharmakīrti).
Sư sống rất đơn giản, rất khiêm tốn và thường tự nhắc nhở: “Chư Phật chẳng để tâm đến những việc như vinh nhục, khen chê (Bát phong)…; và vì thế, ta cũng chẳng nên lưu ý đến chúng.” Sư thường răn chúng đệ tử như sau: “Chớ nên tranh cãi với người khác và cũng đừng hài lòng với những lời nói suông, rỗng tuếch. Hãy thực nghiệm ý nghĩa của giáo pháp mà các ngươi đã học được vì chỉ như thế, các ngươi mới bước đi trên Phật đạo. Các vị Tổ thường dạy: giữ lòng từ bi đối với tất cả những loài Hữu tình, tôn trọng những người thực hành Phật pháp. Hãy chinh phục cái Ngã.”Trước khi tịch, Sư căn dặn các vị đệ tử là không nên xây một bảo tháp xa hoa, chỉ đốt xác và lấy tro nắn thành 1000 tượng Phật Bất Ðộng. Ngày 15. 01. 1475 (dương lịch), Sư viên tịch, thọ 83 tuổi. Tương truyền rằng, một sự yên lặng lạ lùng kéo dài 13 ngày sau khi Sư tịch, không một con chim nào hót, đất, nước tự nhiên nóng lên, cây cối rủ cành.

CÀN-THÁT-BÀ

Từ điển Đạo Uyển


乾闥婆; C: gāntàpó; J: kendatsuba; S: gan-dharva; tên dịch âm Hán Việt, dịch nghĩa là Hương thần (香神), Nhạc thần (樂神);

Càn-thát-bà (p: gandhabba) cùng với (thần) Khẩn-na-la (緊那羅; s: kiṃnara) chuyên hoà tấu nhạc ở cõi trời, là một trong 8 bộ chúng thường hộ trì Phật pháp như trong kinh luận Đại thừa có đề cập đến. Có khi thuật ngữ tiếng Anh gọi là Centaur (trong thiên văn học, đó là chòm sao nhân mã có hình người ngựa). Theo truyền thuyết, thần nầy không uống rượu ăn thịt, chỉ sống bằng ngửi mùi hương. Thân họ có nhiều màu sắc, nổi tiếng về việc cướp trinh tiết của cô dâu trước đêm cưới. Có nhiều từ phiên âm thuật ngữ nầy như: Kiện-đạt-phọc (健達縛), Kiện-thát-bà (犍闥婆), Ngạn-đạt-bà (彥達婆), Càn-đạp-bà (乾沓婆), Càn-đạp-hoà (乾沓和), v. v… Còn được dịch là Thực hương (食香), Tầm hương hành (尋香行), Hương ấm (香陰), Hương thần (香神), Tầm hương (尋香) v. v…

CÁNH

Từ điển Đạo Uyển


更; C: gèng; J: kō;

  1. Mặt khác, thay vì, hơm là. Lại nữa, lại lần nữa, mặt khác. Thêm nữa, hơn nữa;
  2. Trong Phật pháp, Cánh đôi khi có nghĩa tương đương với »xúc« (觸, s: sparśa), là 1 chi phần trong 12 nhân duyên);
  3. Thụ nhận cảm giác khổ.

CẢNH

Từ điển Đạo Uyển


境; C: jìng; J: kyō;

Có các nghĩa sau:

  1. Đối tượng, khách thể. Hiện tượng, trình hiện. Hoàn cảnh, tình hình, vấn đề; Những gì được cảm nhận và nhận biết qua tâm và các giác quan. Thuật ngữ thường đề cập đến các đối tượng làm sinh khởi sự nhận thức của các giác quan; như Lục cảnh (六境). Vì những cảnh nầy làm ô nhiễm tâm thức con người, nên thuật ngữ Trần (塵) còn được dùng chung với Cảnh (境, s: visaya, gocara, artha);
  2. Đối tượng của nhận thức. Đối tượng của mọi phán lượng; đồng nghĩa với Sở thủ (所取);
  3. Đối tượng của 5 giác quan, nên dẫn đến có 5 trần cảnh. Thêm đối tượng của tâm ý vào thì có Lục trần như đã được nêu ở trên;
  4. Sự nhận thức về Phật pháp, đối tượng của trí huệ siêu việt;
  5. Trạng thái tâm thức hay điều kiện; lĩnh vực, quan điểm;
  6. Theo giáo lí tông Duy thức, có ba loại cảnh được phân biệt theo đặc tính của chúng: »tính cảnh« (性境), »độc ảnh cảnh« (獨影境) và »đới chất cảnh« (帶質境);
  7. Thế giới, cõi giới. Thế giới khách quan;
  8. Ranh giới, giới hạn, biên giới, môi trường, hoàn cảnh (s: ālam-bana).

CẢNH ĐỊA

Từ điển Đạo Uyển


境地; C: jìngdì; J: kyōchi;

Điều kiện, tình huống, trạng thái, trường hợp; giai đoạn, mức độ.

CẢNH ÐỨC TRUYỀN ĐĂNG LỤC

Từ điển Đạo Uyển


景德傳燈錄; C: jǐngdé chuándēng-lù; J: kei-toku-dentōroku;

Tác phẩm lịch sử cổ nhất của Thiền tông Trung Quốc, được một vị Thiền sư thuộc tông Pháp Nhãn là Ðạo Nguyên – môn đệ của Quốc sư Thiên Thai Ðức Thiều – biên soạn vào năm Cảnh Ðức, đời Tống Nhân Tông (1004). Bộ sách này nói về cơ duyên của các chư tổ cho đến Thiền sư Pháp Nhãn Văn Ích (885-958).

Cảnh Ðức truyền đăng lục bao gồm 30 quyển, ghi chép những lời nói và hành trạng của hơn 600 vị Thiền sư. Bộ sách này là nguồn tham khảo quan trọng nhất trong Thiền tông và rất nhiều Công án được nhắc đến lần đầu ở đây.

CẢNH GIỚI

Từ điển Đạo Uyển


境界; C: jìngjiè; J: kyōkai;
Có các nghĩa sau:

  1.  Phạm vi, tình trạng, quan điểm (s: visaya, gocara);
  2.  Đối tượng nhận thức được bởi các giác quan và ý thức. Lĩnh vực của nhận thức (s: visaya, jñeya);
  3.  Lĩnh vực, trạng thái, tình hình;
  4.  Cảm giác, cảm nhận, tâm trạng. Trạng thái của tâm thức, điều kiện, tình trạng, hoàn cảnh;
  5. Trạng thái kết quả mà mỗi chúng sinh nhận chịu tương ứng với hành động của họ: “quả”, “quả báo”;
  6. Lĩnh vực chuyên môn, phạm vi của một người

CẢNH GIỚI ÁI

Từ điển Đạo Uyển


境界愛; C: jìngjiè ài; J: kyōgai ai;
Dính mắc vào các hiện tượng chung quanh mình, chẳng hạn như gia đình, nhà cửa, tài sản sở hữu đặc biệt lúc họ đang tiếp cận cái chết. Một trong Tam ái (三愛).

CẢNH KHÔNG THỨC HỮU

Từ điển Đạo Uyển


境空識有; C: jìngkōng shìyŏu; J: kyōkūshikiu;
Cảnh giới khách quan không có, thức thì có.

CẢNH NHÀN

Từ điển Đạo Uyển


景閑; C: jĭngxián; J: kyōkan; K: kyŏnghan, 1299-1375

Thiền sư danh tiếng Hàn Quốc, còn được biết với pháp danh là Bạch Vân (白雲, k: paegun). Sư được truyền thụ Phật pháp do ngài Thạch Ốc (石屋), là người cùng thời và là pháp hữu của Thiền sư nổi tiếng Thái Cổ Phổ Ngu (太古普愚, k: t’aego pou).

CẢNH THỨC CÂU MẪN

Từ điển Đạo Uyển


境識倶泯; C: jìngshì jùǐn; J: kyōshiki gumin;
Cảnh giới và thức đều quên (từ khước).

CẢNH TRÍ

Từ điển Đạo Uyển


境智; C: jìngzhì; J: kyōchi; S: jñeya-jñāna

Chức năng nhận thức về thế giới khách quan.

CÁO

Từ điển Đạo Uyển


告; C: gào; J: koku, kō;

Có các nghĩa sau:

  1. Nói với, kể chuyện, trò chuỵên, nói; dạy, thông báo, tường trình, thức tỉnh cho; công bố cho;
  2. Kết tội;
  3. Thường được dùng trong văn kinh khi đức Phật dạy cho đệ tử, có nghĩa rộng là nói bằng âm thanh lớn cho thính chúng đông đảo.

CAO SA-DI

Từ điển Đạo Uyển

高沙彌; tk. 8/9, cũng được gọi là Dược Sơn Cao Sa-di (c: yàoshān gāo shāmí);

Thiền sư Trung Quốc, môn đệ đắc pháp của Thiền sư Dược Sơn Duy Nghiễm.

Không rõ quê quán của Sư ở đâu. Ban đầu, Sư đến vấn Dược Sơn, Dược Sơn hỏi: “Từ đâu đến?” Sư thưa: “Từ Nam Nhạc đến.” Dược Sơn hỏi: “Ði về đâu?” Sư thưa: “Ði Giang Lăng Thụ giới” Dược Sơn hỏi: “Thụ giới mong làm gì?” Sư thưa: “Mong thoát khỏi sinh tử.” Dược Sơn hỏi thêm: “Có một người không thụ giới, cũng không sinh tử để khỏi, ông biết chăng?” Sư hỏi: “Thế ấy thì giới luật của Phật dùng để làm gì?” Dược Sơn bảo: “Cái ông sa-di này còn môi lưỡi.” Sư nhân đây tỉnh ngộ, lễ bái rồi lui.

Ðến chiều, Dược Sơn thượng đường gọi: “Sa-di đến hồi sớm ở đâu?” Sư bước ra, Dược Sơn hỏi: “Ta nghe Trường An náo loạn, ông có biết chăng?” Sư thưa: “Nước con an ổn.” Dược Sơn hỏi: “Ông do xem kinh được, hay thưa hỏi được?” Sư thưa: “Chẳng do xem kinh, cũng chẳng do thưa hỏi.” Dược Sơn hỏi lại: “Có lắm người chẳng xem kinh, cũng chẳng thưa hỏi, vì sao họ chẳng được?” Sư thưa: “Chẳng nói họ chẳng được, chỉ vì chẳng chịu nhận.”Sư từ giã Dược Sơn, Dược Sơn hỏi: “Ði đâu?” Sư thưa: “Con ở trong chúng có ngại nên đến bên đường cất một am tranh tiếp đãi trà nước cho khách qua lại.” Dược Sơn hỏi: “Sinh tử là việc lớn, sao chẳng thụ giới đi?” (có nghĩa là thụ giới để chính thức trở thành một Tỉ-khâu). Sư thưa: “Biết thì những việc ấy liền thôi, lại gọi cái gì là Giới?” Dược Sơn hài lòng bảo: “Ông đã biết như thế chẳng được lìa xa ta. Có lúc ta cùng ông lại cần gặp nhau.”

Không biết Sư tịch nơi nào.

CẤP CÔ ÐỘC

Từ điển Đạo Uyển

給孤獨; S, P: anāthapiṇḍika; cũng được gọi là Tu-đạt-đa (s, p: sudatta);

Trưởng giả ở Xá-vệ (s: śrāvāsti), sống trong thời Phật Thích-ca tại thế và là một trong những người cư sĩ nhiệt thành nhất thời đó. Ông bỏ tiền mua Kì viên (s, p: jetavana) cúng dường Phật và Tăng-già. Ðức Phật lưu lại đây phần lớn trong mùa mưa. Trong kinh sách, trưởng giả Cấp Cô Ðộc được nhắc tới như là người cúng dường nhiều nhất. Có nhiều bài giảng của đức Phật cho ông được ghi lại trong Tăng-nhất bộ kinh (p: aṅgutta-ra-nikāya).

CÁT (KIẾT) TƯỜNG

Từ điển Đạo Uyển


吉祥; C: jíxiáng; J: kichijō;

  1. Tốt lành, có điềm tốt lành, nhiều triển vọng (s: dhanya);
  2. Dịch từ chữ Śrī, một tước hiệu của Ấn Độ;
  3. Tên của một vị Bồ Tát.

CÁT ĐẰNG

Từ điển Đạo Uyển


葛藤; J: kattō; nghĩa là “dây leo” (chằng chòt), thường được dịch là dây “bìm bìm”, “sắn bìm”;

Một danh từ thường được sử dụng trong Thiền tông để chỉ việc lạm dụng ngôn ngữ văn tự để trình bày, giải thích Phật pháp. Danh từ “Cát đằng thiền” (kattō-zen) cũng thường được sử dụng để chỉ sự chấp trước, quá chú tâm vào văn tự được ghi trong kinh sách thay vì cố gắng tìm hiểu tu tập để trực nhận được chân lí được diễn bày trong nó.

CÁT TẠNG

Từ điển Đạo Uyển


吉藏; C: jízàng; J: kichizō; cũng được gọi là Gia Tường Ðại sư Cát Tạng, 549-623;

Một trong những danh nhân của Tam luận tông (三論宗) và là đệ tử giỏi nhất của Pháp Lãng. Sư viết nhiều bài luận nổi tiếng về ba bài luận (tam luận) căn bản của tông này, đó là Trung quán luận (s: madhyamaka-śāstra), Thập nhị môn luận (s: dvādaśadvā-ra-śāstra) của Long Thụ (s: nāgārjuna) và Bách luận (s: śata-śāstra) của Thánh Thiên (s: āryadeva). Sư cũng viết nhiều bài luận về những bộ kinh Ðại thừa, một luận nói về lí thuyết Tam luận tông (Tam luận huyền nghĩa 三論玄義). Sư được xem là người đã đưa giáo lí Tam luận tông đến tuyệt đỉnh. Lúc còn trú tại chùa Gia Tường (嘉祥寺), sư thường được gọi là Đại Sư Gia Tường.

Sư người gốc An Tức (parthie) và một thời gian ngắn sau khi Sư ra đời (549 ở Nam Kinh) thì cha của Sư xuất gia học đạo. Năm bảy tuổi Sư vào một chùa thuộc về Tam luận tông và bắt đần học hỏi những kinh luận của Trung quán tông. Vì tình thế chính trị lúc đó căng thẳng nên Sư phải lánh về phía Nam Trung Quốc và trong thời gian viễn li này Sư viết những bộ luận tuyệt hảo đã nêu trên. Lí luận của Sư về »hai chân lí« (Nhị đế; s: satyadvaya) rất quan trọng và được chia làm ba cấp:

Chân lí tương đối (Thế tục đế; s: saṃvṛti-satya): 1. Chấp Hữu, cho rằng tất cả đều có; 2. Chấp hữu hoặc chấp vô; 3. Chấp hoặc không chấp cả hữu lẫn vô.
Chân lí tuyệt đối (Chân đế; s: paramārtha-satya): 1. Chấp vô, cho rằng tất cả là không; 2. Không chấp cả hữu lẫn vô; 3. Không chấp và cũng không không chấp cả hữu lẫn vô.
Từ lí thuyết này Sư đạt được (qua nhiều phủ nhận) một giai cấp, nơi cả hữu lẫn vô đều có ý nghĩa. Ðây chính là mức độ cao nhất của Trung đạo (s: madhyamā-pratipadā).
Tiếng tăm lừng lẫy của Sư vang đến Vương triều và vì vậy Sư được Vua thỉnh về Trường An truyền pháp. Người theo học pháp với Sư có lúc lên đến hàng vạn. Vì sự đóng góp phát triển Phật giáo Trung Quốc quá lớn nên đời sau xếp Sư vào mười vị Ðại sư đời Hậu tuỳ (618-626).

CÁT-MÃ CA-NHĨ-CƯ PHÁI

Từ điển Đạo Uyển


葛嗎迦爾居派; T: karma-kagyu [kar-ma bKa’bgyud]; hoặc Cát-mã phái;

Một phái thuộc tông Ca-nhĩ-cư (t: kagyupa [bKa’-brgyud-pa]), phái được đưa vào Tây Tạng trong thế kỉ thứ 12, do Cầu-tùng Khẳng-ba (dusum khyenpa, Cát-mã-ba thứ nhất) sáng lập. Giáo pháp của phái Cát-mã Ca-nhĩ-cư rất gần với dòng tái sinh Cát-mã-ba (t: karmapa).

Tên gọi của dòng này có ý nghĩa huyền bí: Ca-nhĩ (kagyu) là một vương miện kết bằng tóc của các vị Không hành nữ (s: ḍākinī) và Cát-mã (t, s: karma) được xem là toàn bộ thiện nghiệp của chư Phật. Giáo lí của phái Cát-mã Ca-nhĩ-cư hiện được truyền bá nhiều tại Tây phương.

Cát-mã-ba thứ nhất (1110-1193) thành lập ba tu viện lớn cho tông phái này và sống tại Tsurphu. Với Cát-mã-ba thứ hai (1204-1283), ảnh hưởng của của phái Cát-mã-ba lớn mạnh đến Mông Cổ. Cát-mã-ba thứ ba (1284-1339) viết một số tác phẩm quan trọng cho tông phái mình và là người tổng hoà giáo lí của Ðại thủ ấn (s: mahāmudrā) và Ðại cứu kính (t: dzogchen). Cát-mã-ba thứ năm (1384-1415) là giáo thụ của đại đế Trung Quốc và là người nhận được vương miện đen của nhà vua. Cát-mã-ba thứ tám (1507-1554) là tác giả xuất sắc trên mọi lĩnh vực của triết lí Phật giáo. Cát-mã-ba thứ chín (1556-1603) là người viết nhiều tác phẩm hướng dẫn thực hành thiền định (xem tài liệu tham khảo cuối sách). Cát-mã-ba thứ 16 (1924-1982) là người đã giữ và bảo vệ được truyền thống giáo phái, đã sống và giáo hoá tại Sikkim/Ấn Ðộ.

Dòng Cát-mã-ba được sự hỗ trợ của ba dòng Chu-cô (t: tulku) là Ha-mã Chu-cô (t: shamar-tulku), Thư-đố Chu-cô (t: situ-tulku) và Gyalashab-Tulku. Một Ðại sư nổi tiếng của phái Cát-mã Ca-nhĩ-cư trong thế kỉ 19 là Jam-gon Kong-trul với những kiệt tác bao gồm mọi lĩnh vực Phật giáo.

CÁT-MÃ-BA

Từ điển Đạo Uyển


葛嗎波; T: karmapa; cũng được dịch là Hạt-mã-la, Hạt-mã-ba, có thể hiểu là “Người hành động theo Phật”;

Tên của một dòng cao tăng lĩnh đạo Cát-mã Ca-nhĩ-cư phái và là dòng tái sinh (Chu-cơ; t: tulku) lâu đời nhất của Phật giáo Tây Tạng. Tương truyền sự hiện diện của dòng cao tăng này đã được Phật Thích-ca cũng như Liên Hoa Sinh (s: padmasambhava) tiên đoán trước. Tới nay đã có 16 lần tái sinh của dòng Cát-mã-ba, được xem là những vị “tái sinh vì lợi ích của chúng sinh.” Kể từ thế kỉ 15, mỗi vị được xác nhận là tái sinh kế thừa được mang một vương miện màu đen trong một buổi lễ đặc biệt. Vương miện đó được xem là hiện thân của đức Quán Thế Âm.
Lịch sử cho thấy các vị Cát-mã-ba tái sinh dưới nhiều dạng khác nhau, làm bậc trí thức, tu khổ hạnh, nhà nghệ thuật, người làm thơ. Mục đích quan trọng nhất của dòng tái sinh Cát-mã-ba là giữ Kim cương thừa (s: vajrayāna) được lưu hành.

Các vị Cát-mã-ba có tên như sau:

  1. Cát-mã-ba Cầu-tùng Khẳng-ba (karmapa dusum khyenpa, 1110-1193);
  2. Cát-mã-ba Cát-mã Ba-hi (karma pakshi, 1204-1283);
  3. Cát-mã-ba Lãng-tuấn Ða-kiệt (rangjung dorje, 1284-1339);
  4. Cát-mã-ba La-bồi Ða-kiệt (rolpe dorje, 1340-1383);
  5. Cát-mã-ba Ðức-hân Hỉ-ba (deshin shegpa, 1384-1415);
  6. Cát-mã-ba Thắng-ngỏa Ðông-đốn (tongwa donden, 1416-1453);
  7. Cát-mã-ba Thu-trác Kiết-thố (chodrag gyatsho, 1454-1506);
  8. Cát-mã-ba Mễ-khước Ða-kiệt (mikyo dorje, 1507-1554);
  9. Cát-mã-ba Uông-thu Ða-kiệt (wangchuk dorje, 1556-1603);
  10. Cát-mã-ba Xác-ánh Ða-kiệt (choying dorje, 1604-1674);
  11. Cát-mã-ba Da-hi Ða-kiệt (yeshe dorje, 1676-1702);
  12. Cát-mã-ba Cường-thu Ða-kiệt (changchub dorje, 1703-1732);
  13. Cát-mã-ba Ðô-đoạt Ða-kiệt (dudul dorje, 1733-1797);
  14. Cát-mã-ba Ðức-xác Ða-kiệt (thegchog dorje, 1798-1868);
  15. Cát-mã-ba Tạp-nhã Ða-kiệt (khakh yab dorje, 1871-1922);
  16. Cát-mã-ba Lãng-tuấn Lôi-tỉ Ða-kiệt (rangjung rigpe dorje, 1924-1982).

Hiện nay có một thiếu niên sinh năm 1985 được xem là Cát-mã-ba thứ 17 đang sống tại Tây Tạng.

CÂU

Từ điển Đạo Uyển


倶; C: jù; J: ku;
Có các nghĩa sau:

  1. Cùng với… (s: sardham, sahita);
  2. Cả hai, hai cái cùng nhau (s: ubhaya);
  3. Gắn bó cùng nhau (s: samyuta);
  4. Tạo ra cùng với nhau, cùng nhau sinh ra;
  5. Đồng thời.

CẤU

Từ điển Đạo Uyển


垢; C: gòu; J: ku; S: mala; danh từ Hán Việt, nghĩa là cấu uế, dơ bẩn, xấu xa trong ý nghĩa vật chất cũng như đạo lí.
Có các nghĩa sau:

  1. Bẩn thỉu, điều ô trọc (s: mala);
  2. Tên gọi phiền não. Đặc tính của phiền não bất tịnh, nó huân tập vào tâm và làm ô nhiễm;
  3. Viết tắt của phiền não cấu (煩惱垢), là “lục cấu” phát sinh từ căn bản phiền não. Đó là não, hại, hận, xiểm, cuống, kiêu.

Trong Phật pháp, cấu được hiểu là kiến giải sai lầm, là Vô minh, cho rằng giữa người nhận thức và vật – cái được nhận thức – có một sự khác biệt, có chủ thể, có khách thể. Nếu những cặp đối đãi nêu trên còn tồn tại thì hành giả không thể nào Kiến tính, ngộ đạo.

CẦU

Từ điển Đạo Uyển


求; C: qiú; J: gu;

  1. Theo đuổi, tìm kiếm, mong ước, cầu xin, thỉnh cầu (s: mṛgyate, anveṣaṇa);
  2. Theo đuổi công việc hết sức và trọn vẹn; kết thúc hoàn chỉnh, hoàn thành (Cứu thông 究通, chung 終);
  3. Bình đẳng, đều đặn (等);
  4. Đồng nghĩa với Thụ (受, s: vedanā). Chi phần thứ 7 trong 12 nhân duyên.

CẦU BẤT ĐẮC KHỔ

Từ điển Đạo Uyển


求不得苦; C: qiúbùdékŭ; J: gufutokuku;

Khổ do mong muốn mà không đạt được, khổ ta trải qua khi không đạt được điều ta ưa thích. Đây là một trong »Tứ khổ bát khổ« (四苦八苦) do Đức Phật dạy trong Tứ diệu đế.

CÂU CẢNG

Từ điển Đạo Uyển


溝港; C: gōugăng; J: kōkō;
Cựu dịch chữ srota-āpatti từ tiếng Phạn và chữ sota-āpanna từ tiếng Pā-li. Tân dịch là Dự lưu (預流).

CÂU CHI

Từ điển Đạo Uyển

俱胝; C: jūzhī; J: gutei; cũng được gọi là Kim Hoa Câu Chi; tk. 9;

Thiền sư Trung Quốc dòng Mã Tổ Ðạo Nhất. Sư nối pháp Thiền sư Hàng Châu Thiên Long. Sử sách không viết gì nhiều về Sư ngoài “Thiền một ngón tay” (Bích nham lục, Công án 19 và Vô môn quan, công án 3). Tương truyền rằng, hể ai hỏi gì về thiền, Sư chỉ đưa một ngón tay lên.

Sự tích Giác ngộ của Sư cũng thuộc vào hạng “độc nhất vô nhị” – như ngón tay thiền Sư đã dùng hướng dẫn thiền sinh. Một hôm có vị ni tên Thật Tế đến am, đi thẳng vào chẳng lột nón, cầm tích trượng đi nhiễu giường thiền ba vòng, nói: “Nói được thì cởi nón.” Hỏi như thế ba lần, Sư không đáp được. Vị ni liền đi. Sư bèn mời ở lại nghỉ vì đã chiều. Ni liền nói: “Nói được thì ở lại.” Sư cũng chẳng đáp được. Vị ni liền đi. Sư tự than rằng: “Ta tuy mang hình trượng phu mà không có khí trượng phu”, tự hổ thẹn, quyết rõ được việc này. Sư dự tính bỏ am đi các nơi tham thỉnh, làm người Hành cước tu luyện nhưng đêm ấy có Sơn thần đến mách rằng “Chẳng cần rời chỗ này, ngày mai có nhục thân Bồ Tát đến vì Hoà thượng giảng pháp.” Ðúng ngày hôm sau có Hoà thượng Thiên Long (nối pháp Ðại Mai Pháp Thường) đến am. Nghe Sư thưa rõ việc xong Hoà thượng chỉ đưa một ngón tay lên chỉ đó. Sư bỗng nhiên đại ngộ.

Sau này có ai hỏi, Sư liền đưa một ngón tay lên. Trong am của Sư có đứa bé, ra ngoài có người hỏi: “Bình thường Hoà thượng lấy pháp gì dạy người?” Ðứa bé cũng đưa một ngón tay lên. Trở về am nó thưa lại, Sư bèn lấy dao chặt ngón tay, đau quá nó chạy kêu khóc. Sư gọi một tiếng, nó quay đầu lại, Sư đưa một ngón tay lên, nó hoát nhiên tỉnh ngộ.
Khi sắp tịch, Sư dạy chúng: “Ta được Thiền một ngón tay của Thiên Long, bình sinh dùng chẳng hết, cần hiểu chăng?” Nói xong Sư viên tịch.

CẦU DANH BỒ TÁT

Từ điển Đạo Uyển

求名菩薩; C: qiúmíng púsà; J: gumyō bosatsu;
Tên của Bồ Tát Di-lặc (彌勒) trong một kiếp trước.

CẦU ĐẠO

Từ điển Đạo Uyển


求道; C: qiúdào; J: gudō;
Mong cầu (tu tập, tinh tiến) để được giác ngộ.

CẦU ĐẠO GIẢ

Từ điển Đạo Uyển


求道者; C: qiúdàozhĕ; J: gudōsha;
Người tu đạo, hành giả, người mong cầu giác ngộ (s: mokṣin).

CẦU ĐẠO NHÂN

Từ điển Đạo Uyển


求道人; C: qiúdàorén; J: gudōnin;
Người tu đạo, hành giả, người mong cầu giác ngộ (s: yoga-avacara).

CẦU ĐẠO TÂM

Từ điển Đạo Uyển

求道心; C: qiúdàoxīn; J: gudōshin;
Tâm dốc lòng tìm cầu giác ngộ. Đồng nghĩa với Cầu pháp tâm (求法心).

CÂU GIẢI THOÁT

Từ điển Đạo Uyển

倶解脱; C: jùjiětuō; J: gugedatsu;
Đồng thời giải thoát. Phân biệt với Huệ giải thoát, là trường hợp hành giả chỉ dùng trí huệ để được hoàn toàn tự tại đối với Phiền não chướng (煩惱障), thay vì hành giả dung cả hai loại Huệ và Định để giải thoát mình khỏi phiền não chướng và giải thoát chướng (解脱障). Nhờ sự giải thoát nầy mà hành giả đạt được Diệt tận định (滅盡定). Một trong 27 bậc Kiên thánh (二十七堅聖), và là 1 trong 9 bậc Vô học (Cửu vô học 九無學, theo Du-già luận 瑜伽論).

CÂU HÀNH 

Từ điển Đạo Uyển

倶行; C: jùxíng; J: kugyō;
Xảy ra đồng thời. Tương tác với nhau (theo Du-già luận 瑜伽論).

CÂU HỮU

Từ điển Đạo Uyển

倶有; C: jùyǒu; J: kuu;
Có hai nghĩa:

  1. Cùng tồn tại;
  2. Vốn có, bẩm sinh (theo Du-già luận 瑜伽論).

CẦU SÁCH (TÁC)

Từ điển Đạo Uyển

求索; C: qiúsuŏ; J: gusaku;

  1. Cầu mong, tìm cầu;
  2. Người tìm cầu.

CÂU SINH

Từ điển Đạo Uyển

倶生; C: jùshēng; J: gushō;
Có hai nghĩa:

  1. Cùng sinh (khởi, tạo ra) với nhau (s: sama-utpatti);
  2. Vốn có (cố hữu), bẩm sinh; một phần của bản tính con người (s: sahaja, theo Du-già luận 瑜伽論).

CÂU SINH CHƯỚNG

Từ điển Đạo Uyển

倶生障; C: jùshēng zhàng; J: kushōshō;
“Nghiệp chướng phát sinh đồng thời” hoặc “nghiệp chướng bẩm sinh”. Thuật ngữ thường dùng trong Du-già hành tông. Nghiệp chướng sinh khởi cùng với tâm thức. Khi chấp vào ngã, thì có sự chấp trước do phân biệt một bản ngã trong tâm. Nên ngay khi có ý định kềm chế niệm tưởng phân biệt nầy, thì có một niệm chấp trước sinh khởi đồng thời với Ngã (chấp). Cho dù người ta cố gắng không để cho niệm tưởng phân biệt ấy sinh khởi và cố gắng uốn dẹp Ngã kiến, nhưng vẫn có một niệm chấp vào ngã sinh khởi. Đây được gọi là “sinh khởi đồng thời với tâm thức”. Chấp trước nầy sinh khởi trong thức thứ 7 cũng như thức thứ 6. Chủng tử phát sinh từ chướng này khác với những chủng tử phát sinh bởi “phân biệt chướng” (分別障). Vì Phân biệt chướng được trừ diệt khi hành giả giác ngộ lí nhân duyên, nó được trừ sạch một lúc khi đạt đến giai vị Kiến đạo. Tuy vậy, Câu sinh chướng là tập khí nhiều đời, thế nên dù hành giả là người đã hiểu đạo, nghiệp chướng vẫn sinh khởi. Nên khi tập khí đã sinh khởi, hành giả phải thường xuyên quán sát lí duyên sinh để diệt trừ câu sinh chướng nầy.

Xem thêm Câu sinh khởi (倶生起). Còn gọi là Câu sinh phiền não (倶生煩惱).

Câu sinh phiền não

Từ điển Đạo Uyển

倶生煩惱; C: jùshēngfánnăo; J: gushōbonnō;
(Bốn) loại phiền não bẩm sinh đi kèm với thức thứ 7 (Mạt-na thức 末那識), đồng nghĩa với Nhậm vận phiền não (任運煩惱). Xem Câu sinh chướng (倶生障) và Câu sinh khởi (倶生起).

Những phiền não, nghiệp chướng… được mang theo từ kiếp trước, do vậy đeo bám rất sâu. Những phiền não nầy thường được giải trừ trong giai vị Tu đạo (修道). Ngược lại, những phiền não phát sinh do (trí) phân biệt trong đời nầy (phân biệt phiền não 分別煩惱), có thể được giải trừ sớm hơn trong giai vị Kiến đạo (見道).

Cầu văn trì pháp

Từ điển Đạo Uyển

求聞持法; C: qiúwén chífă; J: gubun jihō;

  1. Tên gọi một nghi lễ trong Mật giáo, được xem là làm tăng trưởng trí nhớ. Bản tôn là Hư Không Tạng Bồ Tát (虚空藏菩薩, s: ākāśagarbha). Nghi thức gồm dâng cúng các phẩm vật và tụng đà-la-ni của ngài.
  2. Viết tắt của Hư Không Tạng Bồ Tát năng mãn chư nguyện tối thắng tâm đà-la-ni cầu văn trì pháp (虚空藏菩薩能滿諸願最勝心陀羅尼求聞持法), được dạy trong nghi thức ghi ở phần 1.

Câu-lô châu

Từ điển Đạo Uyển

倶盧洲; C: jùlúzhōu; J: kurushū;
Bắc-câu-lô châu (北倶盧洲).

Cầu-na

Từ điển Đạo Uyển


求那; C: qiúnà; J: guna;
Phiên âm từ chữ guṇa trong tiếng Phạn.

  1. Trong Phật học, thuật ngữ nầy chỉ chung cho ý niệm về tướng (相), đức (德), hay phẩm chất (質);
  2. Trong triết học phái Số luận (s: saṃkhyā) Ấn Độ, nó chỉ cho 3 loại phẩm chất căn bản của hợp thể cấu thành sự hiện hữu: tịnh, ưu, và ám.

Cầu-na Bạt-đà-la

Từ điển Đạo Uyển

求那跋陀羅; C: qiúnàbátuóluó; J: gunabaddara; S: guṇabhadra; dịch nghĩa là Công Ðức Hiền; 394-468;
Hán dịch theo nghĩa là Công Đức Hiền (功徳賢). Là tăng sĩ dịch kinh vào thời Lưu Tống (劉宋). Sư sinh ở vùng Trung Ấn, sau đó qua Tích Lan, rồi qua Quảng Châu bằng đường biển. Sư tiến hành dịch nhiều kinh luận Đại, Tiểu thừa nhất khi sư ở chùa Kì Hoàn tại Kiến Khang (建康) và Tân tự (辛寺) ở Hình Châu (c荊州). Trong số hơn 30 bản dịch của sư, tác phẩm quan trọng nhất là Tạp A-hàm kinh (雜阿含經), kinh Thắng Man, và kinh Nhập Lăng-già (s: laṅkāvatāra-sūtra) sang Hán ngữ – bản dịch thứ hai sau bản của Ðàm-vô-sấm (曇無讖; s: dharmarakṣa). Các trứ tác của sư gây ảnh hưởng nhiều đến tư tưởng Phật giáo Đông Á. Sư được vương triều ở Hồ Nam kính trọng.
Nhiều nhà nghiên cứu Phật giáo cho rằng, Sư chính là người đề xướng phương pháp tu theo thuyết “Trực chỉ chân tâm, kiến tính thành Phật”– và nếu như vậy, Sư cũng là người sáng lập Thiền tông. Sư mất tại Trung Quốc năm 468, thọ 75 tuổi.

Câu-xá

Từ điển Đạo Uyển


倶舍; C: jùshè; J: kusha;
Có các nghĩa sau:

  1. Bao gồm, giữ, chứa, duy trì. Dịch sang tiếng Hán là Tạng;
  2. Chỉ A-tì-đạt-ma Câu-xá luận (阿毘達磨倶舍論) hay A-tì-đàm tông của Phật giáo.

Câu-xá luận

Từ điển Đạo Uyển

倶舍論; C: jùshèlùn; J: kusharon;
Tên gọi tắt thông dụng của A-tì-đạt-ma câu-xá luận (阿毘達磨倶舍論).

Câu-xá tông

Từ điển Đạo Uyển


俱舍宗; J: kusha-shū;
Một phái Phật giáo Trung Quốc, lấy A-tì-đạt-ma câu-xá luận làm cơ sở. Câu-xá luận do Thế Thân (s: vasubandhu) soạn, được Chân Ðế (s: paramārtha) và Huyền Trang dịch ra chữ Hán. Câu-xá tông được xem là Tiểu thừa, chấp nhận mọi Pháp (s: dharma) trong quá khứ, hiện tại và vị lai đều có hiện hữu.

Câu-xá tông chỉ tồn tại trong đời Ðường. Kể từ năm 793, tông này được xem như một bộ phái của Pháp tướng tông, được truyền sang Nhật trong thế kỉ thứ 7, thứ 8.

Câu-xá tông cho rằng chư Pháp chính là yếu tố của tất cả hiện hữu và chia chúng ra thành hai loại: Hữu vi pháp (s: saṃskṛtadharma) và Vô vi pháp (s: asaṃskṛtadharma). Các pháp lúc nào cũng tồn tại (Nhất thiết hữu bộ) nhưng các tướng mà chúng tạo ra đều Vô thường, biến chuyển.

Các pháp hữu vi (72 pháp) được Câu-xá tông chia làm bốn nhóm: 1. Sắc, 11 pháp; 2. Thức, 1 pháp; 3. Tâm sở (s: cetasika), 46 pháp; 4. Tâm bất tương ưng hành pháp, nghĩa là chẳng thuộc tâm mà cũng chẳng thuộc vật, 14 pháp, trong đó có sinh, trụ, diệt… Ðược xếp vào vô vi pháp có ba loại: 1. Trạch diệt (s: pratisaṃkhyā-nirodha); 2. Phi trạch diệt (s: apratisaṃkhyā-nirodha) và 3. Hư không (s: ākāśa). 75 pháp trên có liên hệ với nhau về nhân quả và sự quan hệ này lại được chia ra 6 nhân (nguyên nhân), 4 duyên và 5 quả.

Cha-ba-ri-pa

Từ điển Đạo Uyển


S: carbaripa, javari, caparipa, cavaripa, capā-lipa, cārpaṭi; biệt danh “Người biến hoá đá”;

Một trong 84 vị Tất-đạt (s: siddha) của Ấn Ðộ, có lẽ sống trong cuối thế kỉ 9, đầu thứ 10.

Thời nọ có một nông dân giàu có tại Ma-kiệt-đà, có hàng ngàn bị ngựa. Lúc đám tang cha, ông ra sông Hằng cầu nguyện, vợ con ông ở nhà. Khi ông đi vắng thì Cha-ba-ri-pa đến nhà khất thực, người vợ lúc đầu không dám bố thí, sợ chồng la rầy nhưng cuối cùng bố thí và được nghe thuyết pháp. Ðến lúc gia đình chồng về, bị mẹ chồng la mắng, người vợ tủi thân bồng con đi tìm Cha-ba-ri-pa. Vị Du-già sư này rảy nước thánh lên hai mẹ con và biến hai người thành tượng Phật bằng đá. Trong lúc đó người chồng về nhà, tìm vợ không thấy, cuối cùng ông đến chỗ Cha-ba-ri-pa. Người chồng cũng bị biến thành tượng đá. Cuối cùng cả gia đình đi tìm rồi ai cũng thành tượng đá cả, tổng cộng 300 người và bị con đều thành đá.

Trong số người hoá đá đó thì người con trai nhỏ của nông dân nọ đạt tám Tất-địa và nổi tiếng khắp vùng. Nhà vua Cham-pa (s: campā) quý trọng, cho dựng một ngôi đền để thờ người con trai và ba trăm tượng đá. Ở đền này có nhiều chuyện lạ xảy ra và người ta nói rằng đền này vẫn còn đứng vững để chờ Phật Di-lặc ra đời. Cha-ba-ri-pa được gọi là “người biến hoá đá”, để lại chứng đạo ca như sau:

Thờ cúng Phật cao nhất,
thật không có gì bằng,
tự mình chứng giác ngộ.
Ai tự mình chứng thật,
Tâm thanh tịnh vô thuỷ,
người đó có tri kiến,
như tất cả chư Phật.

Cha-kra sam-va-ra tan-tra S: cakrasaṃvara-tantra; cũng được gọi ngắn là Saṃ-va-ra tan-tra;
Một Tan-tra, được biên soạn trong thế kỉ thứ 8. Cha-kra sam-va-ra có nghĩa là “Người chặn đứng bánh xe (Luân hồi)” Nhiều Ma-ha Tất-đạt (s: mahāsiddha) tu học và đạt thánh quả với Tan-tra này.

Cha-ma-ri-pa

Từ điển Đạo Uyển


S: cāmāripa, hoặc cāmāri, cāmāra; biệt danh là “Người đóng giày”;

Một trong 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ, không rõ sống trong thời đại nào.

Ông là người thợ giày, nhưng không hài lòng với nghề nghiệp. Một ngày nọ gặp một Sa-môn, ông liền mời vào nhà tiếp đãi ân cần rồi quì xuống lạy nói: “Tôi chán, tôi bệnh vì cái khổ nhọc, cái vô minh, tham vọng của thế giới này. Hãy chỉ dạy cho tôi con đường giải thoát.” Vị Sa-môn liền dạy một phương pháp thiền quán thích hợp với khả năng của ông. Ông vâng lời tu tập ngay trong lúc đóng giày, có khi vị Hộ thần của nghề thủ công là Phổ Nghiệp (s: viśvakārmān) xuất hiện, làm thay ông để ông rảnh rổi tu tập. Sau 12 năm, ông đạt thánh quả, quy phục được rất nhiều người theo Phật pháp. Thánh đạo ca của ông như sau:

Ta lấy da thành kiến
và miếng da khái niệm,
đem cắt thành dạng hình
Không tính và Từ bi;
Lấy giùi của trực giác
may bằng sợi chỉ đời
vô thuỷ lẫn vô chung.
Ta đã giải thoát khỏi,
tám bận tâm thế gian (Bát phong),
may chiếc giày Pháp thân
Không một chút lo nghĩ.

Cha-tra-pa

Từ điển Đạo Uyển


S: catrapa; biệt danh: “Khất sĩ hạnh phúc”;

Một trong 84 vị Tất-đạt (s: siddha) của Ấn Ðộ, không định rõ được thời đại.

Ông là một người ăn xin nhưng lúc nào cũng mang theo một tập sách trên tay. Một lần nọ, một vị Du-già sư đi ngang qua, thương hại ông và cho phép ông tu tập Hô kim cương tan-tra (s: hevajratantra), dạy phép quán tất cả đều từ tâm sinh. Sau sáu năm tu tập, ông đạt Tất-địa (s: siddhi). Bài ca ngộ đạo của ông như sau:

Những gì mà ta thấy,
đều là bài giáo hoá.
Tri kiến rốt ráo rằng,
vạn sự đều vô sinh,
tri kiến đó: vị thầy.
Chứng được phi nhị nguyên,
đó mới thật là đạo.
Tác động của thiện ác,
đã biến thành một thứ.

Cham-pa-ka

Từ điển Đạo Uyển


S: campaka; với biệt hiệu là “Nhà vua ái hoa”;

Một trong 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ, không rõ sống trong thời đại nào.

Ông là nhà vua xứ Cham-pa (s: campā), Cham-pa cũng là tên của một loài hoa sắc trắng, vàng. Vương quốc của ông phồn vinh và trong thời trẻ tuổi, ông không hề nghĩ gì đến kiếp sau của mình. Lần nọ, có một vị Du-già sư (s: yogin) đến khất thực, ông tiếp đãi nồng hậu và hãnh diện hỏi có nước nào thơm tho trong sạch như nước ông. Vị Du-già sư trả lời rằng hoa thì thơm thật nhưng thân thể ông không thơm bằng và một ngày nào nó ông sẽ từ giã cõi đời, trong tay không có gì cả. Nhà vua giật mình tỉnh ngộ và xin học Phật pháp. Vì nhà vua không quên được mùi thơm của hoa nên vị này dạy ông quán tưởng như sau:

Hãy quán mọi hiện tượng,
đều là tính Không cả,
đó là đoá hoa thơm,
của lời khai thị này.
Ong bướm trên cành hoa,
đó chính là tâm thức.
Nhuỵ hoa, nguồn bất tận.
Hoa, bướm cùng với nhuỵ,
cả ba đều là một,
mật mới là Ðại lạc.
Ðó là chân ngôn của,
Bậc Ðại Trì Kim Cương,
Phật thứ sáu, không sai.

(Phật thứ sáu Ma-ha Kim Cương Trì [s: mahāvajra-dhāra] là Bản sơ Phật s: ādibuddha], xem Phổ Hiền).

Chân Dung Tông Diễn

Từ điển Đạo Uyển


真融宗演; 1640-1711

Thiền sư Việt Nam, thuộc tông Tào Ðộng đời thứ 37, dòng được truyền sang miền Bắc. Sư nối pháp Thiền sư Thông Giác Thuỷ Nguyệt.

Sử sách không ghi rõ tên tục của Sư, chỉ biết rằng, Sư mất cha lúc còn nhỏ và được mẹ nuôi nấng. Một hôm, mẹ Sư dặn ở nhà nấu canh cáy (là con còng, một loài cua). Thấy những con cáy sủi bọt dường như khóc, Sư không nỡ bỏ vào cối giã và đem phóng sinh hết. Vì trái ý mẹ nên Sư bị ăn đòn và sợ hãi, quay lưng chạy một mạch đi biệt tích.
Cuộc đời phiêu bạt của Sư sau đó không được nghe nhắc đến. Chỉ biết rằng, nghe tin Thiền sư Thông Giác từ Trung Quốc trở về trụ trì chùa Vọng Lão trên núi Yên Tử, Sư đến yết kiến. Thông Giác hỏi: “Như khi ta đang nghỉ, đợi đến bao giờ mới có tin tức?” Sư đáp: “Ðúng Ngọ thấy bóng tròn, giờ Dần mặt trời mọc.” Thông Giác hỏi: “Bảo nhậm thế nào?” Sư trình kệ:

應有萬緣有。隨無一切無
有無俱不立。日耿本當晡

Ưng hữu vạn duyên hữu
Tuỳ vô nhất thiết vô
Hữu vô câu bất lập
Nhật cảnh bản đương phô
*Cần có muôn duyên có
Ưng không tất cả không
Có không, hai chẳng lập
Ánh nhật hiện lên cao.
Thông Giác bước xuống bảo: “Tào Ðộng hợp quân thần, tiếp nối dòng của ta. Nên cho ngươi pháp danh Tông Diễn” và nói kệ truyền pháp:

一切法不生。一切法不滅
佛佛祖祖傳。蘊空蓮頭舌
Nhất thiết pháp bất sinh
Nhất thiết pháp bất diệt
Phật Phật Tổ Tổ truyền
Uẩn không liên đầu thiệt.
*Tất cả pháp chẳng sinh
Tất cả pháp chẳng diệt
Phật Phật Tổ Tổ truyền
Uẩn không sen đầu lưỡi.

Hơn ba mươi năm sau, khi đã trở thành một Hoà thượng trụ trì, Sư nhớ đến mẹ liền về quê cũ tìm kiếm. Gặp mẹ tại một quán nước, Sư nhận ra ngay sau vài câu dọ hỏi. Sư mời bà về chùa ở cùng với tăng chúng – lúc này Sư vẫn không để lộ tung tích của chính mình – và tuỳ khả năng mà tu tập hoặc phụ giúp chúng công tác. Mỗi ngày, Sư phân công bà làm những việc nhỏ như nhổ cỏ, quét sân và luôn luôn nhắc nhở bà tu hành.
Một thời gian sau, bà tịch trong lúc Sư vắng mặt. Vì biết trước sự việc này nên Sư căn dặn đệ tử không đậy nắp áo quan và đợi Sư về. Về đến chùa, Sư nhìn mặt mẹ lần cuối rồi đậy nắp quan lại, nói to: “Như lời Phật dạy: một người tu hành ngộ đạo cha mẹ sinh thiên, nếu lời ấy không ngoa xin cho quan tài bay lên hư không để chứng minh lời Phật” Sư liền cầm Tích trượng gõ ba cái, quan tài từ từ bay lên hư không rồi hạ xuống. Nhân đây mọi người mới biết bà lão là mẹ của Sư.

Niên hiệu Vĩnh Trị đời nhà Lê, vua Lê Hi Tông chiếu chỉ đuổi tăng ni già trẻ vào rừng núi. Thấy tình cảnh như thế, Sư vận dụng tất cả tài năng của mình để thuyết phục được vua. Vì những lời giảng chân thật, đầy thuyết phục của Sư về các vấn đề an dân trị nước theo nguyên lí đạo Phật nên vua nghe theo, lệnh thu hồi chiếu chỉ. Vì đã thấm nhuần Phật pháp nên vua cũng sai đúc tượng vua quì mọp trên lưng vác tượng Phật để sám hối.
Sau, Sư trụ trì chùa Hồng Phúc (hay chùa Hoè Nhai nằm ở phố Hàng Than, Hà Nội), thường tới lui giảng đạo cho vua chúa nghe.
Sắp đến ngày viên tịch, Sư gọi đệ tử đến phó chúc và nói kệ:
花開春方到。葉落便智秋
枝頭霜瑩玉。萼上雪連珠
清晨雲散產龍甲。白日霞光裸象軀
豹文雖見一。鳳眾體全俱
達摩西來傳何法。蘆花涉海水浮浮
Hoa khai xuân phương đáo
Diệp lạc tiện tri thu
Chi đầu sương oánh ngọc
Ngạc thượng tuyết liên châu
Thanh thần vân tán sản long giáp
Bạch nhật hà quang loả tượng khu
Báo văn tuy kiến nhất
Phụng chúng thể toàn câu
Ðạt-ma Tây lai truyền hà pháp?
Lô hoa thiệp hải thuỷ phù phù.
*Xuân đến hoa chớm nở
Thu về lá vàng rơi
Ðầu cành sương lóng lánh
Cánh hoa tuyết rạng ngời
Buổi sáng trời trong rồng bày vẩy
Ngày trưa mây sáng voi hiện hình
Vằn cọp tuy thấy một
Bầy phụng thể toàn đồng
Ðạt-ma Tây sang truyền pháp gì?
Cành lau qua biển thổi phau phau.
Nói kệ xong, Sư bảo: “Báo thân của ta đến đây đã hết” rồi ngồi trên giường thiền yên lặng thị tịch, thọ 72 tuổi.

Chân đế

Từ điển Đạo Uyển


真諦; S: paramārtha-satya;
Có hai nghĩa:

1. Chân lí tuyệt đối, ngược lại với Chân lí quy ước, chân lí tương đối (s: saṃvṛti-satya).

2. Chân Ðế (paramārtha, 499-569), một vị Cao tăng, chuyên dịch kinh ra tiếng Hán. Sư người Ấn Ðộ, đến Trung Quốc năm 546. Ban đầu Sư ở Nam Kinh, nhưng không bắt đầu ngay được công trình dịch thuật mà đợi đến khi về Quảng Ðông, Sư mới bắt đầu dịch các tác phẩm quan trọng của Duy thức tông (s: vijñānavāda) như Nhiếp đại thừa luận (s: mahāyāna-saṃgraha) của Vô Trước (s: asaṅga), A-tì-đạt-ma câu-xá luận (s: abhi-dharmakośa), Duy thức nhị thập luận tụng (vijñāptimātratāviṃśatikā-kārikā) của Thế Thân (s: vasubandhu) và kinh Kim cương ra chữ Hán. Tổng cộng, Sư dịch 64 tác phẩm với 278 tập.

Với các tác phẩm dịch thuật của mình, Chân Ðế đã giúp đưa Duy thức tông vào Trung Quốc với dạng Pháp tướng tông mà người sáng lập là Huyền Trang và Khuy Cơ. Bản dịch Câu-xá luận của Sư đã trở thành giáo pháp của Câu-xá tông tại Trung Quốc.

Chân Không

Từ điển Đạo Uyển


真空; 1045/46-1100

Thiền sư Việt Nam, thuộc thiền phái Tì-ni-đa Lưu-chi đời thứ 16. Sư nối pháp Thiền sư Thảo Nhất. Sư có hai vị kế thừa nổi danh là Thiền sư Viên Học và Ni sư Diệu Nhân.

Sư họ Vương, quê ở làng Phù Ðổng, huyện Tiên Du. Thuở nhỏ, Sư chỉ thích ở riêng một mình, siêng năng đọc sách và đến năm 15 tuổi đã tinh thông sách sử. Lên 20, Sư xuất gia dạo khắp tùng lâm tìm đạo.
Ðến chùa Tĩnh Lự núi Ðông Cứu, Sư nghe giảng kinh Pháp Hoa bỗng nhiên tỉnh ngộ. Sư ở lại đây sáu năm và được truyền tâm ấn. Sau, Sư đến núi Từ Sơn dừng trụ, hai mươi năm không hề xuống núi. Ðạo hạnh của Sư vang đến tai Lí Nhân Tông. Vua xuống chiếu mời vào vương triều giảng kinh thuyết pháp. Người người nghe giảng đều kính phục.

Ngày mùng 1 tháng 11, niên hiệu Hội Phong thứ 9, Sư gọi chúng lại phó chúc và nói kệ:
妙本虛無明自誇。和風吹起遍娑婆
人人盡識無爲樂。若得無爲始是家

Diệu bản hư vô minh tự khoa
Hoà phong xuy khởi biến Sa-bà
Nhân nhân tận thức vô vi lạc
Nhược đắc vô vi thuỷ thị gia.
*Diệu bản thênh thang rõ tự bày
Gió hoà nổi dậy khắp Sa-bà
Người người nhận được vô vi lạc
Nếu được vô vi mới là nhà.

Ðến nửa đêm, Sư bảo: “Ðạo của ta đã thành, ta giáo hoá đã xong, vậy ta tuỳ ý ra đi” và ngồi kết già thị tịch, thọ 55 tuổi, 36 tuổi hạ.

Chân lí quy ước

Từ điển Đạo Uyển


S: saṃvṛti-satya; còn gọi là Thế tục đế;

Là chân lí tương đối của thế giới hiện tượng, ngược lại với Chân đế (chân lí tuyệt đối; s: paramārtha-satya). Quan điểm “hai chân lí” (Nhị đế; s: satyadvaya) này được nhiều tông phái Phật giáo chủ trương, nhưng cũng có rất nhiều cách định nghĩa khác nhau.

Chân ngôn tông

Từ điển Đạo Uyển


真言宗; J: shingon-shū;

Dạng Mật tông tại Nhật, do Hoằng Pháp (j: kōbō) Ðại sư Không Hải (j: kūkai, 774-835) sáng lập. Sư tu học Mật tông tại Trung Quốc và chuyên học về Man-tra (chân ngôn, chân âm, thần chú). Ðặc biệt tông này rất quan tâm đến “ba bí mật” (Thân, khẩu, ý), đó là ba phương tiện để mỗi người đạt được Phật quả.

Ba bí mật nói trên được khẩu truyền giữa thầy với trò trong các buổi hành lễ, điều này khác hẳn với các tông phái thuộc hiển giáo. Chân ngôn tông thờ Phật Ðại Nhật (s: vai-rocana), chính là Pháp thân vô tận, là vị Phật nguyên thuỷ tuyệt đối, và chỉ kẻ được điểm đạo mới được tu tập theo tông này. Phái này chủ trương không thể diễn tả giáo pháp bằng văn tự mà chỉ bằng hình ảnh nghệ thuật và vì vậy các Man-đa-la đóng một vai trò quan trọng trong tông này.
Chân ngôn tông không phủ nhận tính có thật của thế giới hiện tượng này cũng như hạnh phúc của con người trong thế giới đó. Chân ngôn tông cho phép tăng sĩ hành lễ và được thu tiền. Qua thời gian, trong tông này nảy sinh tệ mê tín dị đoan và vì vậy cũng có nhiều bộ phái nhỏ xuất hiện. Ngày nay, tông này vẫn là một tông phái mạnh tại Nhật.
Bí mật của Thân được bày tỏ qua các thủ Ấn, trong các tư thế thiền định và trong cách sử dụng các pháp khí như Kim cương chử hay hoa sen. Các điều đó được xem có liên hệ cụ thể với một vị Phật hay Bồ Tát.

Bí mật của Khẩu được diễn tả trong Man-tra và Ðà-la-ni. Bí mật của ý dựa trên “năm trí” và thông qua năm trí đó hành giả tiếp cận với Chân như. Qua các phép hành lễ với Thân, khẩu, ý, hành giả sẽ đạt mối liên hệ với vị Phật, đạt tri kiến “Phật ở trong ta, ta trong Phật”, đạt Phật quả ngay trong đời này.

Hai Man-đa-la quan trọng nhất của Chân ngôn tông là Mẫu thai giới (s: garbhadhātu-maṇḍala) và Kim cương giới (s: vajradhātu-maṇḍala), trình bày Phật Ðại Nhật và các vị Phật khác. Trong một buổi lễ quan trọng của tông này, đệ tử Chân ngôn tông cầm hoa ném vào Man-đa-la, hoa rơi đúng vị Phật nào thì đó là vị Ðạo sư của người đệ tử đó.

Chân Nguyên Huệ Ðăng

Từ điển Đạo Uyển


真源慧燈; 1647-1726

Thiền sư Việt Nam, thuộc tông Lâm Tế truyền sang miền Bắc, pháp hệ thứ 36. Sư nối pháp Thiền sư Minh Lương. Sư sau cũng được truyền y bát của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Sư tên Nguyễn Nghiêm, tự Ðình Lân, người làng Tiền Liệt, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Năm lên 19, Sư xin xuất gia với Thiền sư Chân Trụ Huệ Nguyệt. Sau khi Bản sư tịch, Sư cùng với bạn là Như Niêm đi tham vấn nhiều nơi. Về sau đến học với Thiền sư Minh Lương, chùa Vĩnh Phúc.

Sư hỏi Minh Lương: “Bao năm dồn chứa ngọc trong đãy, hôm nay tận mặt thấy thế nào, là sao?” Minh Lương đưa mắt nhìn Sư, Sư nhìn lại liền cảm ngộ, sụp lạy. Minh Lương bảo: “Dòng thiền Lâm Tế trao cho ông, ông nên kế thừa làm thịnh ở đời”, đặt cho Sư pháp hiệu Chân Nguyên và nói bài kệ truyền pháp:

Mĩ ngọc tàng ngoan thạch
Liên hoa xuất ứ nê
Tu tri sinh tử xứ
Ngộ thị tức Bồ-đề
*Ngọc quý ẩn trong đá
Hoa sen mọc từ bùn
Nên biết chỗ sinh tử
Ngộ vốn thật Bồ-đề.

Sau khi đắc pháp với Thiền sư Minh Lương, Sư đến trụ trì chùa Long Ðộng, núi Yên Tử. Trong dịp xây đài Cửu Phẩm Liên Hoa, Sư đốt hai ngón tay, phát nguyện hành hạnh Bồ Tát. Năm 1692 vua Lê Hi Tông phong cho Sư hiệu là Vô Thượng Công. Năm 1722, vua Lê Dụ Tông phong chức Tăng thống, ban hiệu Chính Giác Hoà Thượng.
Sư phục hưng truyền thống thiền Trúc Lâm Yên Tử, đào tạo nhiều đệ tử và trong đó ưu tú nhất là hai vị Như Trừng Lân Giác và Như Hiện Nguyệt Quang. Như Trừng viết nhiều tác phẩm quan trọng và về sau trở thành Khai tổ phái thiền Liên Tông. Sư để lại nhiều tác phẩm như Tôn sư phát sách đăng đàn thụ giới, Nghênh sư duyệt định khoa…
Năm 1726, Sư họp đệ tử lại đọc bài kệ:

顯赫分明十二時。此之自性任施爲
六根運用真常見。萬法縱橫正遍知
Hiển hách phân minh thập nhị thời
Thử chi tự tính nhậm thi vi
Lục căn vận dụng chân thường kiến
Vạn pháp tung hoành chính biến tri.
*Bày hiện rõ ràng được suốt ngày
Ðây là tự tính mặc phô bày
Chân thường ứng dụng sáu căn thấy
Muôn pháp dọc ngang giác ngộ ngay.
Ðến cuối mùa đông đó, Sư viên tịch.  Xá-lị được tôn trí trong tháp ở chùa Quỳnh Lâm và Long Ðộng.

Chân như

Từ điển Đạo Uyển

真如; S, P: tathatā, bhūtatathatā;

Một khái niệm quan trọng của Ðại thừa Phật giáo, chỉ thể tính tuyệt đối cuối cùng của vạn sự. Chân như chỉ thể tính bất động, thường hằng, nằm ngoài mọi lí luận nhận thức. Chân như nhằm chỉ cái ngược lại của thế giới hiện tượng thuộc thân thuộc tâm. Tri kiến được Chân như tức là Giác ngộ, vượt ra khỏi thế giới nhị nguyên, chứng được cái nhất thể của khách thể và chủ thể. Chân như đồng nghĩa với Như Lai tạng, Phật tính, Pháp thân.

Chấp

Từ điển Đạo Uyển


執; C: zhí; J: shū; S: abhiniveśa.
Sự dính mắc hư dối vào sự vật.

Chấp thụ

Từ điển Đạo Uyển


執受; C: zhíshòu; J: shūju;

  1. Nhận thức sự hiện hữu của trần cảnh, trên cơ sở nầy, phát sinh cảm giác. Cảm nhận, nhận thấy (s: upādi; t: len pa);
  2. Duy trì trong chính niệm danh hiệu A-di-đà Phật.

Chấp trì

Từ điển Đạo Uyển


執持; C: zhíchí; J: shūji;
Có các nghĩa sau: 1. Chức năng của tâm để nhận ra mọi thứ như là đối tượng của nó; 2. Tín tâm bền vững, hoặc tâm an định không tán loạn; 3. Giữ vật gì trong tay; 4. Thức thứ 7 hoặc thức thứ 8. Chấp trì thức.

Chấp trì thức

Từ điển Đạo Uyển

執持識; C: zhíchíshì; J: shūjishiki;
Thức duy trì. Xem A-đà-na thức (阿陀那識, s: ādāna-vijñāna).

Châu-ran-gi-pa

Từ điển Đạo Uyển


S: cauraṅgipa; “Người con ghẻ bị chặt đoạn”;
Một trong 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ, sống trong thế kỉ thứ 10.
Ông là một vị hoàng tử. Khi mẹ mất đi, vua cha lấy một bà khác, nàng này đem lòng yêu mến ông. Bị ông từ chối, hoàng hậu bày mưu và sau đó ông bị vua cha sai người chặt tay chân vứt vào rừng. Sau đó ông được Mi-na-ba (s: mīnapa) hướng dẫn vào một Nghi quỹ (s: sādhana) 12 năm với một cách điều khiển hơi thở đặc biệt (s: kumbhaka) và trong thời gian này, ông được Gô-rắc-sa (s: gorakṣa) săn sóc. Sau mười hai năm tu tập, ông đạt Tất-địa (s: siddhi), tay chân mọc lại như cũ. Tương truyền rằng gốc cây ngày xưa ông ngồi ngày nay vẫn còn.
Người ta cho rằng phép tu của ông là quán tưởng Pháp thân, sau đó mọi tư duy tưởng tượng đều hiện thành vật chất. Bài thánh ca (s: dohā) của ông như sau:
Từ tận thuở vô thuỷ,
gốc rễ của vô minh,
đã được tưới bằng nước,
của thói quen hàng ngày,
đã thành lá thành cành.
Nghe, ngẫm nghĩ, thực hành!
Hãy đốn cây đó đi,
bằng chiếc rìu lời dạy,
của Ðạo sư đích thật.

Chế

Từ điển Đạo Uyển

制; C: zhì; J: sei;

  1. Đè nén, chế ngự;
  2. Cai quản, cai trị;
  3. Chấm dứt, đình chỉ.

Chê-lu-ka-pa

Từ điển Đạo Uyển

S: celukapa hoặc celuki, cilupa; »Kẻ giãi đãi tái sinh«;
Một Ma-ha Tất-đạt (s: mahāsiddha) trong 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ, sống khoảng thế kỉ thứ 12.
Ông sinh tại Man-ga-pa-lua (s: maṅgapalur), thuộc giai cấp thấp kém. Ông là người lười biếng, không ham thích gì cả. Lần nọ, ông đang ngồi dưới gốc cây thì Du-già sư Mai-tri-pa (s: maitripa) đi qua. Mai-tri-ba khuyến khích ông tu tập Phật pháp, nương vào đó mà đối trị tính giải đãi. Vị này cho ông nhập môn, truyền năng lực của Cha-kra sam-va-ra và khai thị: »Tập trung toàn bộ hoạt động của đời sống lên Thân khẩu ý, tưởng tượng Thân là hồ nước và khả năng nhận thức là con thiên nga bơi lượn trên hồ. Trong trạng thái vô niệm ngươi sẽ vượt qua tình trạng mệt mỏi.«
Chê-lu-ka-pa quán tưởng suốt chín năm, loại trừ ô nhiễm khỏi tâm và đạt Ðại thủ ấn tất-địa (s: ma-hāmudrāsiddhi). Bài ca ngộ đạo của ông có những dòng sau:
Nghe lời bậc Ðạo sư,
năm này qua năm khác,
Ðất, Nước, Lửa và Gió,
dần dần tận hoại diệt.
Tất cả mọi hiện tượng,
bỗng tự nhiên hoá thành,
Ðại thủ ấn huyền diệu!

Chỉ

Từ điển Đạo Uyển


旨; C: zhĭ; J: shi;

  1. Ngọt, ngon;
  2. Mục tiêu, mục đích, ý chính;
  3. Giáo lí, chỉ thị. Nội dung, đề tài;
  4. Khéo tay, tài giỏi.

止; S: śamatha; P: samatha; T: zhi gnas;

  1. Dừng lại, xong, chấm dứt;
  2. Khiến dừng lại; làm cho dựng lại. Dừng, sự đình chỉ. Giới hạn. Ngừng nghỉ;
  3. Duy chỉ;
  4. Dừng lại các hành vi ác;
  5. Thiền định, pháp thiền tập trung tâm ý, khác với pháp thiền phân tích (quán 觀), là sự tịnh chỉ, đồng nghĩa với Ðịnh (定; s, p: samādhi), Nhất tâm (一心; p: cittekagattā) và bất loạn (不亂; p: avikhe-pa). Ðó là một trong những yếu tố của thiện tâm.

Theo dòng Cách-lỗ (t: gelugpa) ở Tây Tạng, người ta còn phân biệt nhiều giai cấp của chỉ và nhập định là cấp cao nhất của chỉ. Muốn nhập định, hành giả phải chuyên tập chỉ và quán. Chỉ làm cho tâm bất loạn trong khi Quán (觀; quán sát với trí huệ) giúp hành giả quan sát phân tích những hiện tượng xung quanh, chứng được Chân như, tính Không.
Theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng, các chướng ngại của việc phát triển, tu tập chỉ được diệt trừ bằng: 9 cấp bậc của Tâm (九住心; Cửu trụ tâm; s: navākārā cittasthiti), 6 lực (六力; Lục lực; s: ṣaḍabala) và 4 hoạt động của tâm (四作意; Tứ tác ý).

  1. Cửu trụ tâm là:
    1. Nội trụ (內住; s: cittasthā-pana): sự tập trung cao độ vào đối tượng thiền quán;
    2. Ðẳng trụ (等住; s: saṃsthāpana): Làm tâm vững chắc;
    3. An trụ (安住; s: avasthānana): Trau dồi liên tục sự tập trung;
    4. Cận trụ (近住; s: upasthānana): Chỉ chú tâm, chỉ đặt tâm vào phạm vi, giới hạn của đối tượng thiền quán;
    5. Ðiều phục (調服; s: damana): Thuần hoá tâm;
    6. Tịch tĩnh (寂靜; s: śamana): An tâm dạng thô;
    7. Tối cực tịch tĩnh (最極寂靜; s: vyupaśamana): An tâm dạng tinh tế;
    8. Chuyên trụ nhất thù chi lưỡng trụ (專住一殊之兩住; s: ekotīkaraṇa): Nhất tâm bất loạn;
    9. Ðẳng trì (等持; s: samādhāna): Nhập định.
  2. Lục lực bao gồm:
    1. Thính văn lực (聽聞力): Lực để nghe Phật pháp (tương ưng I,1);
    2. Tư duy lực (思惟力): Năng lực của tư duy về Phật pháp (tương ưng I, 2);
    3. Niệm lực (念力): Năng lực của Niệm (tương ưng I, 3 và 4);
    4. Chính tri lực (正知力): Năng lực của sự thông hiểu (I, 5 và 6);
    5. Tinh tiến lực (精進力): Năng lực của sự tập trung (I, 7 và 8);
    6. Xuyến tập lực (串習力; xuyến tập ở đây có nghĩa là đã thấm nhuần, quen thuộc lắm rồi): Năng lực của sự thuần hoá, quen thuộc tự nhiên (I, 9).
  3. Tứ tác ý là:
    1. Lực lệ vận chuyển (力勵運轉; Cố gắng vận động): Trong hai giai đoạn đầu thì tâm phải cố gắng nhiều mới an trụ nơi đối tượng (sở duyên), tạo mối liên hệ giữa tâm và đối tượng quán chiếu (tương ưng I, 1 và 2);
    2. Hữu gián khuyết vận chuyển (有間缺運轉; một sự cố gắng còn gián đoạn, thiếu sót): Từ giai đoạn thứ ba đến thứ bảy thì sự tập trung vận chuyển vẫn còn khiếm khuyết. Tạo đi tạo lại sự tập trung vào đối tượng (tương ưng I, 3 đến 7);
    3. Vô gián khuyết vận chuyển (無間缺運轉): Trong giai đoạn thứ tám thì tâm đã có khả năng an trụ vô gián nơi đối tượng (tương ưng I, 8); 4. Vô công dụng vận chuyển (無功用運轉); vận chuyển không cần dụng công): Trong giai đoạn thứ chín thì tâm thức an trụ nơi đối tượng một cách tự nhiên, vô công dụng (tương ưng I, 9).

Phương pháp trên được phát triển dựa theo nền tảng của Duy thức tông, được các tông phái tại Tây Tạng thống nhất sử dụng. Toàn bộ quá trình tu tập để đạt định thường được trình bày với những biểu tượng; hai khuynh hướng cản trở con đường tu tập là tâm đắm chìm, lừ đừ (hôn trầm) và hồi hộp không yên (trạo cử) được biểu tượng hoá bằng hai con thú: khỉ và voi. Trong quá trình tu tập chỉ thì hai con thú này dần dần được thuần hoá, chinh phục.

Chỉ bệnh

Từ điển Đạo Uyển


止病; C: zhǐbìng; J: shibyō;
“Bệnh” (mất quân bình) khi chú trọng thái quá đến thiền định (chỉ), và tin rằng nó có thể đưa đến giác ngộ. Vấn đề nầy được đề cập trong phẩm 10 của kinh Viên Giác.

Chi Ðộn

Từ điển Đạo Uyển


支遁; C: zhīdùn; 314-366, còn được gọi là Chi Ðạo Lâm (c: zhī-dàolín);

Cao tăng Trung Quốc đời Tấn. Sư là người sáng lập trường phái Bát-nhã (Lục gia thất tông) trong thời gian đầu của Phật giáo Trung Quốc. Sư là người đầu tiên luận giải lại danh từ Lí (理) theo quan niệm Phật giáo. Lí theo quan niệm xưa của Trung Quốc chỉ là quy luật của vũ trụ nhưng Sư lại cho rằng, Lí tức là Chân lí cùng tột, Tuyệt đối, Chân như. Quan niệm Lí của Sư sau được các tông khác thâu nhập và phát triển thêm (Hoa nghiêm tông).

Chỉ phạm

Từ điển Đạo Uyển


止犯; C: zhǐfàn; J: shibon;

Sai phạm hay tạo nghiệp ác qua sự »không làm« đúng vào lúc có những việc cần phải làm một cách tích cực.

Chỉ quán phụ hành truyền hoằng quyết

Từ điển Đạo Uyển

止觀輔行傳弘決; C: zhǐguān fǔxíng chuán hóngjué; J: shikan fukōten kōketsu;

40 quyển.

Chỉ quản đả toạ 只管打坐; J: shikantaza; nghĩa là “Chỉ phải ngồi thiền”;

Một cách ngồi thiền theo Thiền tông không có sự hỗ trợ của các phương pháp khác như đếm hơi thở hoặc quán Công án. Theo Thiền sư Ðạo Nguyên Hi Huyền thì Chỉ quản đả toạ – an trụ trong một tâm trạng vô tư nhưng tỉnh táo, không nương bám vào vật gì – là dạng siêu việt nhất của toạ thiền, là phương pháp toạ thiền của chư Phật, Tổ.

Chỉ tác nhị trì

Từ điển Đạo Uyển

止作二持; C: zhǐzuò èrchí; J: shisa niji;

“Sự tuân thủ vào sự thực hiện hay không thực hiện”. Hai phương cách tu tập thiện pháp. Một bằng cách dừng hẳn, không tạo việc ác, cách kia là làm việc thiện.

Chỉ trì

Từ điển Đạo Uyển


止持; C: zhǐchí; J: shiji;

Làm các việc thiện bằng cách tu tập đình chỉ các việc ác. Giữ giới có nghĩa là kiềm chế không phạm các việc ác.

Chỉ trú

Từ điển Đạo Uyển

止住; C: zhǐzhù; J: shijū;

An trú; xa-ma-tha (śamatha, upasthita).

Chỉ tức

Từ điển Đạo Uyển

止息; C: zhǐxí; Jshisoku:;

  1. Tiến hành việc dừng hẳn khổ đau;
  2. Hán dịch chữ śamatha (xa-ma-tha 奢摩他) trong tiếng Phạn;
  3. Hán dịch chữ śramana (Sa-môn 沙門).

Chỉ-Quán

Từ điển Đạo Uyển

止觀; C: zhǐguān; J: shikan; S: śamatha-vipaś-yanā; P: samatha-vipassanā; J: shikan;

  1. Hai pháp thiền căn bản của Phật giáo: chỉ (止, còn gọi xa-ma-tha 奢摩他, s: śamatha) và quán (觀, tì-bà-xá-na 毘婆舍那, s: vipaśyanā). Chỉ thường được dịch sang tiếng Anh là “stabilizing meditation” và “calm abiding.” Là pháp tu thiền nhắm vào làm an tĩnh tâm ý và phát huy sức tập trung (định 定). Quán được dịch là “phân tích” hay “quán sát rõ ràng”, là áp dụng định lực quán sát sự biểu hiện một ý niệm dẫn đến thực tại trong Phật pháp, như duyên khởi (縁起);
  2. Viết tắt tên bài luận giải Ma-ha chỉ quán (摩訶止觀).
    Một phép tu đặc biệt của Thiên Thai tông ở Trung Quốc. “Chỉ” nói sự lặng yên, tịch tĩnh của tâm thức, đạt cảnh vô phân biệt, “Quán” là quán xét phù hợp với sự thật. Chỉ là trạng thái phải đạt được để có thể quán xét đúng đắn. Các vị luận sư ví Chỉ như một hồ nước tĩnh lặng và Quán là những con cá bơi lượn. Trong một số tác phẩm được lưu hành tại Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam, phép Chỉ-Quán được truyền bá rộng rãi, nhất là Ma-ha chỉ quán của Trí Khải Ðại sư.
    Cách tu tập Chỉ-Quán bao gồm hai phần: Phần chuẩn bị và phần chính. Phần chuẩn bị bao gồm: tạo điều kiện thuận lợi cho việc tu tập (順境; thuận cảnh); giảm các nhu cầu hằng ngày (少慾; thiểu dục); điều hoà các hoạt động hằng ngày như ăn uống, ngủ, thân, hơi thở và tâm (離多所作; li đa sở tác); chuyên chú vào việc trì giới (清淨律儀; thanh tịnh luật nghi).
    Trong phần chính, hành giả thực hiện nhiều cách Chỉ-Quán khác nhau.

Người ta phân biệt ba cách tu chỉ:

  1. Chú tâm vào chóp mũi;
  2. Thuần phục tâm bằng cách nhận ra sự khởi động, phát sinh của ý nghĩ và lập tức gián đoạn nó ngay;
  3. Nhận thức được nguyên lí Duyên khởi (s: pratītyasamutpāda) và tính Không (s: śūnyatā) của vạn vật.

Quán được thực hành theo nhiều cách khác nhau:

  1. Quán bất tịnh;
  2. Quán tâm Từ (s: maitrī) để đối trị tâm sân hận;
  3. Quán những hạn chế, không trọn vẹn, không hoàn hảo trong sáu nẻo luân hồi (Lục đạo) để hàng phục ngã kiến;
  4. Quán tính không của các Pháp (s: dharma).

– Tất cả những cách tu luyện trên có thể được thực hành trong mọi hoạt động thân thể hằng ngày.
Kế theo đó là việc phòng hộ các giác quan (Nhiếp căn) và tu chỉ ở đây được hiểu là sự nhận thức được tính huyễn của tất cả những hiện hữu, phòng ngừa sự xuất hiện của hai tâm trạng đối đãi là yêu và ghét. Quán là sự hướng nội của tâm trong khi thụ nhận những tin tức từ những giác quan, với mục đích là nhận thức được tính vô sắc, vô tướng của tâm.

– Cuối cùng hành giả phải quán tưởng đến tính chất “phi thật” của hiện hữu để trực ngộ được tính không của chúng và ý nghĩa tột cùng của Trung đạo.

Chích thủ

Từ điển Đạo Uyển

隻手; J: sekishu, “Một bàn tay”;
Tên gọi ngắn của Công án “Thế nào là tiếng vỗ của một bàn tay” (如何是隻手之聲; “Như hà thị chích thủ chi thanh?”) xuất xứ từ Thiền sư Bạch Ẩn Huệ Hạc. Sư cho rằng, công án này rất hiệu nghiệm trong việc hướng dẫn thiền sinh đến kinh nghiệm Kiến tính lần đầu song song với công án “Vô” của sư Triệu Châu Tòng Thẩm.

Chiên-đàn

Từ điển Đạo Uyển

栴檀; C: zhān tán; J: sendan;

Phiên âm chữ candana từ tiếng Phạn và Pāli, dịch sang Anh ngữ là sandalwood. Là một loại cây có vỏ dùng làm dược thảo, và làm nhang.

Chiên-đàn hương

Từ điển Đạo Uyển

栴檀香; C: zhāntánxiāng; J: sentankō;

Hương của cây chiên đàn. Nhang bằng chiên đàn.

Chiên-đàn hương thân đà-la-ni kinh

Từ điển Đạo Uyển

栴檀香身陀羅尼經; C: zhāntán xiāng shēn tuóluóníjīng; J: sendankōshin daranikyō; S: candanāṅga; t: tsandan gyi yan lag;
1 quyển, Pháp Hiền dịch.

Chiêu

Từ điển Đạo Uyển


昭; C: zhāo; J: shō;
Rõ ràng. Chói sáng.

Chính

Từ điển Đạo Uyển

正; C: zhèng; J: shō; S: samyak.

  1.  Đúng, phải, chính xác, ngay thẳng, chân thực, thẳng thắn (s: sat);
  2. Sửa cho thẳng, hiệu chỉnh, điều chỉnh, chỉnh lí (方);
  3. Ống bọt nước, mặt phẳng (s: śāta);
  4. Theo đúng (s: nyāna);
  5. Chân tính, niết-bàn (s: nir-vāṇa);
  6. Căn bản của nhận thức đúng đắn (s: pramāṇa);
  7. Thành thực, nghiêm chỉnh;
  8. Chủ yếu, trọng yếu, ngược với thứ yếu.

Chính đẳng giác

Từ điển Đạo Uyển

正等覺; S: samyak-saṃbodhi, samyak-saṃbud-dha;

Có hai nghĩa:

  1. Phật quả, cũng được dịch theo âm là Tam-miệu Tam-bồ-đề;
  2. Ðức Phật, một Bậc chính đẳng giác, Bậc chính biến tri, cũng thường được gọi theo âm là Tam-miệu Tam-phật-đà (Mười danh hiệu).

Chính định vương kinh

Từ điển Đạo Uyển


正定王經; S: samādhirāja-sūtra; còn có tên Nguyệt đăng tam-muội kinh (s: candrapradīpa-sūtra);

Kinh Ðại thừa với 40 chương, ngày nay chỉ còn 16 chương bằng tiếng Phạn (sanskrit), còn lại là chữ Hán và Tây Tạng. Giáo pháp kinh này tương tự như Bát-nhã ba-la-mật-đa kinh, chuyên chú về sự đồng nhất thể tính của các Pháp.

Chính pháp nhãn tạng

Từ điển Đạo Uyển

正法眼藏; J: shōbōgenzō;
Có hai nghĩa:

  1. Con mắt trí huệ thấu suốt chân lí bao hàm trong mọi hiện tượng;
  2. Tên của một tác phẩm của Thiền sư Nhật Bản Ðạo Nguyên Hi Huyền. Tác phẩm này bao gồm những Ðề xướng (s: teishō) và những bài viết trong hai thập niên cuối đời của sư. Chính pháp nhãn tạng được xem là một trong những tác phẩm sâu sắc nhất trong tất cả những thiền ngữ và là tác phẩm văn học tôn giáo tiêu biểu nhất của Nhật Bản.

Chính sư

Từ điển Đạo Uyển

正師; J: shōshi;

Sự chứng nhận của một Lão sư (j: rōshi) rằng, môn đệ của mình đã trở thành một Lão sư chân chính. Vị đệ tử này có thể đã được Ấn chứng trước đó và đã hướng dẫn một thiền đường.

Chính sử

Từ điển Đạo Uyển


正使; C: zhèngshǐ; J: shōshi;

  1. Bản chất của phiền não, ngược với chức phương diện huân tập (薫) hay tập khí (習氣);
  2. Phiền não hiện hành trong khoảnh khắc hiện tại.

Chính truyền

Từ điển Đạo Uyển

正傳; C: zhèngzhuàn; J: shōden;

Truyền đạt chân chính Phật pháp từ thầy sang trò.

Chu

Từ điển Đạo Uyển

周; C: zhōu; J: shū;

  1. Chung quanh, đi quanh, chuyền quanh, quay tròn, xoay quanh;
  2. Sự tuần hoàn;
  3. Toàn thể, bao gồm tất cả, trùm khắp. Hoạt dụng trùm khắp;
  4. Đến, trải dài đến; chỗ tột cùng;
  5. Năm đủ.

Chú

Từ điển Đạo Uyển

呪; C: zhòu; J: ju;

Tiếng Hán dịch từ chữ dhāraṇī hay mantra của tiếng Phạn; có nghĩa là thần chú. Đà-la-ni (陀羅尼). Chỉ sức thâu nhiếp, câu thần chú, sự trì niệm thần chú, mạn-đà-la, đà-la-ni. Mạn-đà-la và đà-la-ni thường thấy trong các kinh điển Đại thừa, đặc biệt được dùng nhiều trong các kinh văn Mật giáo (密教).

注; C: zhù; J: chū;

  1. Rót vào, đổ vào, chảy vào, rót đầy, thêm vào. Tâm hướng về một mục tiêu khác;
  2. Chú giải; viết chú thích, dẫn giải về một bản kinh.

Chủ bạn

Từ điển Đạo Uyển

主伴; C: zhǔbàn; J: shuban;

  1. Chủ và người giúp việc; chủ yếu và thứ yếu; chủ và khách; thể và dụng (體用);
  2. Đức Phật và các vị Bồ Tát.

Chu biến

Từ điển Đạo Uyển

周遍 (徧); C: zhōubiàn; J: shūhen;

Bao quát, phổ biến. Cùng khắp, lan toả và vận hành khắp chốn.

Chú châu

Từ điển Đạo Uyển

咒珠; C: zhòuzhū; J:;

  • Chuỗi tràng hạt (s: japa-māla).
  • Sổ châu (數珠).

Chú ngũ thủ

Từ điển Đạo Uyển

呪五首; C: zhòuwŭshŏu; J: jugoshu;

Thiên chuyển đà-la-ni Quán Thế Âm Bồ Tát chú (千轉陀羅尼觀世音菩薩呪).

Chú ngũ thủ kinh

Từ điển Đạo Uyển

咒五首經; C: zhòuwŭshŏu; J: jugoshu kyō;

1 quyển, Huyền Trang dịch năm 664. Nội dung trình bày năm loại thần chú.

Chú ngũ thủ năng diệt chúng tội thiên chuyển đà-la-ni kinh

Từ điển Đạo Uyển

呪五首能滅衆罪千轉陀羅尼經; C: zhòuwŭshŏu néngmiè zhòngzuì qiānzhuăn tuóluóní jīng; J: jugoshu nōmetsu shūzai senten darani kyō;

Thiên chuyển đà-la-ni Quán Thế Âm Bồ Tát chú (千轉陀羅尼觀世音菩薩呪).

Chủ tể

Từ điển Đạo Uyển

主宰; C: zhǔzăi; J: shusai;

  1. Người giám sát, chủ toạ, người điều khiển, người kiểm soát. Sự giám sát, việc quản lí;
  2. Từ để gọi Như Lai (如來);
  3. Đề cập đến quan niệm ảo tưởng độc đoán về Ngã (ngã kiến 我見).

Chu-cô

Từ điển Đạo Uyển

T: tulku [sprul-sku]; S: nirmāṇakāya;

Thuật ngữ rất quan trọng được dịch âm từ tiếng Tây Tạng nhằm chỉ một hiện tượng chỉ tồn tại nơi đây và Mông Cổ. Thuật ngữ này có nguồn gốc từ hai thứ tiếng, Phạn và Mông Cổ. Tại Mông Cổ, người ta sử dụng hai danh từ tương ưng với ý nghĩa gần như nhau là:

  1. Hô-tất Lặc-hãn (hoblighan khublighan) với nghĩa “Tự tại chuyển sinh” (自在轉生) và
  2. Hô-đồ Khắc-đồ (khutuktu), nghĩa là “Minh tâm kiến tính, sinh tử tự chủ” (明心見性生死自主). Danh từ Phạn ngữ (sanskrit) tương ưng là “Nirmāṇakāya”, Hán dịch nghĩa là “Ứng hoá thân” (應化身) hoặc “Hoá thân” (化身; Ba thân).

Tại Tây Tạng, danh từ này chuyên chỉ các dòng tái sinh (s: jātimāla) và các vị tái sinh, chỉ các vị khi chết không quên bản tính, đầu thai trở lại và tiếp nối chức vị và sự việc hoằng hoá trước. Ðó là những người được công nhận là sự tái sinh của một người đã chết, sau khi được thử thách kiểm nghiệm. Quan điểm này phát sinh từ giáo pháp Ba thân và được áp dụng tại Tây Tạng với sự phát hiện Cát-mã-ba (t: karmapa) thứ 2, Cát-mã Ba-hi (karma pakshi, 1204-1283). Chu-cô là một phương tiện quan trọng nhằm giữ vững sự nối tiếp bất đoạn về tinh thần và lĩnh đạo trong các trường phái Tây Tạng. Tây Tạng có 4 dòng tái sinh lớn mà dòng quan trọng nhất là Ðạt-lại Lạt-ma. Ngoài ra có một số lớn các dòng tái sinh khác. Các vị Chu-cô thường được dân chúng tôn là “Phật sống” (Hoạt Phật).

Kinh điển Ðại thừa đã nói đến khả năng chủ động trong sự tái sinh. Người bình thường vì chưa đoạn được vọng niệm, còn bị thần thức lôi cuốn, theo Nghiệp (s: karma) mà chuyển sinh, không tự tại. Còn các vị đã cắt đứt vọng niệm, đã đoạn ô nhiễm thì chứng ngộ được Pháp tính (法性; s: dharmatā), không còn bị nghiệp lực lôi cuốn trôi nổi mà ngược lại, có thể tự chủ được sinh tử, tuỳ cơ ứng biến hoằng hoá, trải qua ải tái sinh mà không bị mê hoặc. Ðó là khả năng của các vị Bồ Tát đã đạt địa vị thứ tám trong Thập địa. Cùng với quan điểm Ba thân (s: trikāya), trong đó thân người được xem là hiển hiện của Pháp thân (s: dharmakāya), quan niệm này là cơ sở của hiện tượng Chu-cô.

Trong phái Cát-mã Ca-nhĩ-cư (t: karma-kagyu) của Tây Tạng, nguyên lí chủ động tái sinh được tận dụng, nhất là nhằm bảo vệ giáo pháp Ðại thủ ấn (s: mahāmudrā) Khi một đứa trẻ được khám phá ra là Chu-cô, các vị thầy dốc sức giúp trẻ phát triển để sớm nắm vững toàn bộ giáo pháp và tới thời kì, đứa trẻ đó lại chỉ dạy giáo pháp cho các thầy để chuẩn bị cho việc tái sinh của các vị đó. Quan niệm tái sinh cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự lĩnh đạo, mà thí dụ rõ nhất là các vị Ðạt-lại Lạt-ma. Các vị tái sinh quan trọng nhất thời nay là Ðạt-lại Lạt-ma thứ 14 Ðăng-châu Gia-mục-thố (t: tenzin gyatso, sinh 1935), giáo chủ dòng Cách-lỗ (t: gelugpa); Cát-mã-ba Lãng-tuấn Lôi-tỉ Ða-kiệt (rigpe dorje, 1924-1982), giáo chủ dòng Ca-nhĩ-cư (kagyupa); Ðôn-châu (dujom, 1904-1987), giáo chủ dòng Ninh-mã (nyingmapa) và Tát-ca-ba Tát-ca Xứ-châu (sakyapa sakya trizin, sinh 1945), giáo chủ phái Tát-ca (sakya).

Chu-đà

Từ điển Đạo Uyển

周陀; C: zhōutuó; J: shūda;

  1. Tên của Tỉ-khâu Śuddhipanthaka;
  2. Thuần Đà (s: cunda), đệ tử của Phật Thích-ca Mâu-ni. Thuần-đà (純陀). ›

Chú-đồ Bán-thác-ca

Từ điển Đạo Uyển

注荼半託迦; S: cūḍapantbaka; C: zhùtú-bàntuōjiā; J: chūdabantaka;

Một trong 16 vị A-la-hán phát nguyện ở lại thế gian nầy để hộ trì chính pháp.

Chuẩn-đề đà-la-ni kinh

Từ điển Đạo Uyển

准提陀羅尼經; C: zhǔntí tuóluóní jīng; J: shundai darani kyō;

Thất Câu Chi Phật mẫu sở thuyết Chuẩn-đề đà-la-ni kinh (七倶胝佛母所説准提陀羅尼經).

Chứng đạo ca

Từ điển Đạo Uyển

證道歌; J: shōdōka; nghĩa là “bài ca về sự trực nhận chân lí”;

  1. Chỉ những bài ca tán tụng Chân như của các vị Thánh nhân khi thành đạo;
  2. Một kiệt tác của Thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác, cũng được gọi là Tối thượng thừa Phật tính ca (最上乘佛性歌; j: saijōjō busshō-ka). Tác phẩm này chứa đựng những khái niệm căn bản của Pháp bảo đàn kinh, của các bộ kinh thuộc hệ Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Ngay trong bài kệ đầu, Sư đã nhấn mạnh đến quan niệm trung tâm của Thiền tông (bản dịch của Trúc Thiên):
無明實性即佛性。幻化空身即法身
“Tính thật vô minh tức Phật tính,
thân không ảo hoá tức Pháp thân.”
Câu “(Bản lai) Vô nhất vật”, từ trước đến bây giờ chẳng có một vật – vốn đã có trong Pháp bảo đàn kinh – được nhắc lại hai lần trong bài ca này. Theo Sư, sự chứng ngộ chân lí xẩy ra một cách bất thình lình (Ðốn ngộ). Cùng với Tín tâm minh của Tam tổ Tăng Xán, Chứng đạo ca là tác phẩm thiền nổi danh, được dịch sang rất nhiều thứ tiếng.

Chủng tử

Từ điển Đạo Uyển

種子; S: bīja; là mầm sống, hạt mầm, cũng có nghĩa là năng lực;

Năng lực thúc đẩy vạn vật hiện hữu, đặc biệt rất có uy lực trong những Chủng tử Man-tra (s: bījamantra). Những chữ trong một Man-tra – ví dụ như chữ OṂ – bao hàm một khía cạnh đặc biệt của sự thật tuyệt đối được trình bày bằng một âm thanh tiêu biểu. Những âm thanh này chứa đựng – nếu đệ tử tín tâm được tiếp nhận qua một vị Ðạo sư chân chính – những năng lực diệu kì. Những hành giả trong Mật tông đều nhận được một Chủng tử man-tra từ Ðạo sư của mình khi được Quán đỉnh (s: abhiṣeka).

Chương Kính Hoài Huy

Từ điển Đạo Uyển

章敬懷暉; C: zhāngjìng huáihuī; J: shōkei eki; 756-815;

Thiền sư Trung Quốc, môn đệ đắc pháp của Mã Tổ. Sư có hai đệ tử nối pháp xuất sắc là Thiền sư Hoằng Biện và Trí Chân.

Chuyển luân vương

Từ điển Đạo Uyển

轉輪王; S: cakravartin, cakravartī-rāja;

Là một vị vua quay bánh xe. Có bốn thứ bánh xe: bánh xe bằng vàng, bạc, đồng, sắt. Danh hiệu Chuyển luân vương cũng được dành để chỉ một vị Phật, người chuyển pháp luân với giáo pháp toàn triệt, tuyệt đối.

Chuyển pháp luân

Từ điển Đạo Uyển

轉法輪; S: dharmacakra-pravartana; P: dham-macakkappavattana;

Chỉ lần đầu đức Phật Thích-ca giáo hoá sau khi Giác ngộ tại Lộc uyển (gần Benares). Lần đó, Phật giảng Tứ diệu đế và Bát chính đạo cho Năm tỉ-khâu, những người cùng tu học với Phật trước khi Ngài thành đạo.

Chuyển thức

Từ điển Đạo Uyển

轉識; T: phowa [‘pho-ba]; S: saṃkrānti; nguyên nghĩa là “đổi chỗ”;

Một phương pháp tu tập trong Na-rô lục pháp (t: nāro chodrug) của Na-rô-pa (t: nā-ropa), là các phép tu mà Mã-nhĩ-ba (t: mar-pa) đưa từ Ấn Ðộ qua Tây Tạng trong thế kỉ thứ 11. Ðó là phép tu nhằm chuyển hoá tâm thức mình vào một Tịnh độ, cõi Phật (s: bud-dhakṣetra), thí dụ như cõi Cực lạc của Phật A-di-đà trong lúc cận tử. Hành giả Tây Tạng theo phép tu này đã tập luyện và chuẩn bị trong lúc còn sống, phần lớn họ đọc tụng một số thần chú và thiền theo Kim cương thừa (Nghi quỹ; s: sādhana). Tại phương Tây phép tu này được phái Ca-nhĩ-cư (t: ka-gyupa) phổ biến.

Cơ (ki)

Từ điển Đạo Uyển

機; C: jī; J: ki;

  1. Chìa khoá, điểm chính, then chốt của mọi việc, điều cơ bản nhất. Việc then chốt;
  2. Cơ chế, công việc, phương sách. Phương tiện, dụng cụ, động cơ, tác nhân (s: yantra);
  3. Sự vận hành, chức năng, động cơ thúc đẩy. Thời cơ, duyên cớ của tâm ý. Thay đổi quan niệm. đặc biệt trong thiền ngữ.;
  4. Dấu hiệu hay biểu thị của vật thể trước khi nó xuất hiện. Khả năng của một vật phát ra nhờ vào sự liên kết với một vật khác. Dấu hiệu, biểu thị, điềm, triệu chứng;
  5. Nguồn suối, xung lực, cơ hội, dịp, thời cơ;
  6. Năng lực tâm linh (căn 根), là kết quả của sự hành trì Phật pháp, đột nhiên biểu hiện qua sự trực nhận được tinh tuý của giáo lí. Tài năng, năng lực. Phong thái của người tu đạo. Khuynh hướng tâm linh của chúng sinh;
  7. Người đang được điều phục (s: vineya);
  8. Loài người, chúng sinh (s: āśaya);
  9. Nhanh nhẹn, linh lợi, lẹ làng;
  10. Sự thay đổi, sự vận động, năng lực vận động của…

Cơ cảm

Từ điển Đạo Uyển

機感; C: jī găn; J: kikan;

Cơ (機) đề cập đến Cơ loại (機類), là vô số căn cơ chúng sinh khác nhau, cảm (感) là cảm ứng (感應), sự nhận biết của đức Phật về những ước nguyện của chúng sinh và đáp ứng cho họ. Mối liên hệ giữa ân phúc của chư Phật với công đức của riêng từng chúng sinh.

Cơ duyên

Từ điển Đạo Uyển

機縁; C: jīyuán; J: kien;

  1. Động cơ, cơ hội;
  2. Cơ hội liên quan đến trạng thái tinh thần của người ta đang có liên hệ;
  3. Chúng sinh;
  4. Theo giáo lí Hoa Nghiêm, là phẩm tính thiện ác có trong tâm trạng con người;
  5. Thuật ngữ đề cập đến trạng thái chúng sinh được giáo hoá trực tiếp bởi Đức Phật hay Tổ sư (đặc biệt trong thiền tông);
  6. Theo Thiền tông thì đây chỉ việc ứng dụng cơ hội và tuỳ thuận nhân duyên;
  7. Công án (公案); được ghi lại qua cuộc “pháp chiến” của hai Thiền sư, được truyền lại cho hậu học.

Cơ giáo

Từ điển Đạo Uyển

機教; C: jījiāo; J: kikyō;

Sự chín muồi căn cơ chúng sinh tướng ứng với giáo lí của Đức Phật.

Cơ loại

Từ điển Đạo Uyển

機類; C: jīlèi; J: kirui;

  1. Sự đa dạng trong căn cơ và khả năng của chúng sinh;
  2. Chúng sinh.

Cơ nghị

Từ điển Đạo Uyển

機誼; C: jīyí; J: kigi;

  1. Sự vận hành của tâm để khế hợp với việc thiện;
  2. Chúng sinh;
  3. Khế hợp với căn tính của chúng sinh.

Cổ Phật

Từ điển Đạo Uyển

古佛; J: kobutsu; nguyên nghĩa là một vị Phật của thời xa xưa.

Danh hiệu này được sử dụng để tỏ sự kính trọng trước một người đã đạt Giác ngộ thâm sâu. Các vị Thiền sư cũng thường sử dụng danh từ này trong các Ngữ lục của mình để chỉ các vị Tổ sư, các bậc tiền bối.

Cô Phong Giác Minh

Từ điển Đạo Uyển

孤峰覺明; J: kohō kakumyō; 1271-1361;

Thiền sư Nhật Bản, thuộc tông Lâm Tế, nối pháp Thiền sư Tâm Ðịa Giác Tâm (j: shinchi kakushin) và là thầy của Thiền sư Bạt Ðội Ðắc Thắng (j: bassui tokushō).

Dưới sự hướng dẫn của Giác Tâm, Sư thâm nhập giáo lí của Chân ngôn cũng như Thiền tông. Sư cũng tham học với Ðạo Nguyên Hi Huyền (j: dōgen kigen) và Thụ giới Bồ Tát nơi vị này. Sư cũng kết bạn thân với Oánh Sơn Thiệu Cẩn (j: keizan jōkin), một vị Thiền sư nổi danh của tông Tào Ðộng Nhật Bản. Trong một cuộc du hành sang Trung Quốc, Sư cũng đến Thiền sư Trung Phong Minh Bản (c: zhōngfēng míngběn) và tham học nơi đây.

Cơ tiên

Từ điển Đạo Uyển

機先; C: jīxiān; J: kisen;

Trạng thái của vật thể trước khi chúng tự biểu hiện qua hành động.

Cô Vân Hoài Trang

Từ điển Đạo Uyển

孤雲懷奘; J: koun ejō; 1198-1280

Thiền sư Nhật Bản, Tổ thứ hai của tông Tào Ðộng tại đây sau Ðạo Nguyên Hi Huyền (j: dōgen kigen). Kế thừa Sư và cũng là người trụ trì thứ ba của Vĩnh Bình tự (j: eihei-ji) là Thiền sư Triệt Thông Nghĩa Giới (j: tettsū gikai).

Các tài liệu không ghi rõ thời niên thiếu, chỉ biết là Sư sinh trưởng tại Kinh Ðô (j: kyōto) và sớm được dạy dỗ theo nhà Phật trên núi Tỉ Duệ (j: hiei). Năm lên 17 (1215), Sư Thụ giới cụ túc và năm 20 tuổi thụ giới Bồ Tát tại chùa Diên Lịch (j: enryaku-ji) trên núi Tỉ Duệ. Nơi đây, Sư tham học Phật pháp với một vị Pháp sư tên là Viên Năng (圓能; j: ennō) và tương truyền rằng, Sư đã tiếp xúc với tất cả các tông phái đạo Phật đương thời như Thiên Thai (j: tendai), Chân ngôn (j: shingon) và cả Tịnh độ (j: jōdō). Nhưng tất cả những dạng tu tập này đều không thoả mãn được lòng quyết tâm đạt đạo của Sư. Thiền sư Oánh Sơn Thiệu Cẩn (keizan jō-kin) – môn đệ chính của Sư – ghi lại lời khuyên của bà mẹ khi Sư về thăm bà: “Mẹ không cho con xuất gia tu hành để đạt danh vọng và liên hệ với dòng dõi quý tộc. Con không nên tu tập vì tham vọng. Mẹ rất mong rằng, con tu học khổ hạnh, choàng ca-sa đen với nón tre trên lưng và tự đi đứng một mình, thay vì ngồi trên kiệu để người vác.”

Ngay sau khi nghe những lời dạy này, Sư không bước chân đến núi Tỉ Duệ nữa, ban đầu tu tập theo Tịnh độ tông, sau gia nhập học thiền (khoảng 1222/23) với Giác Yển (覺晏; j: kakuan) thuộc Nhật Bản Ðạt-ma tông (j: nihon darumashū), một môn đệ của Ðại Nhật Năng Nhẫn (j: dainichi nōnin). Nhân lúc đọc kinh Thủ-lăng-nghiêm (s: śūraṅgama-sūtra; j: shuryōgongyō), Sư có tỉnh và cho rằng, kinh nghiệm Giác ngộ này chính là diệu giác (j: myōkaku) của đức Phật Thích-ca. Thời gian tu tập của Sư nơi Nhật Bản Ðạt-ma tông kéo dài khoảng sáu năm và sau đó, Sư yết kiến Thiền sư Ðạo Nguyên (1928) tại Kiến Nhân tự (kenninji) ở Kinh Ðô. Trong một cuộc Pháp chiến (j: hōssen) sôi nổi, Ðạo Nguyên thừa nhận kinh nghiệm giác ngộ của Sư nhưng chính Sư cũng thấy rõ kinh nghiệm thâm sâu của Ðạo Nguyên vượt xa mình. Vì vậy, Sư quì lạy, lễ bái Ðạo Nguyên làm thầy. Ðạo Nguyên khuyên Sư đợi một thời gian nữa hãy đến.

Năm 1230, Ðạo Nguyên rời Kiến Nhân tự và sau đó thành lập một Thiền viện với tên Hưng Thánh Pháp Lâm tự (j: kōshōhōrin-ji). Năm 1234, một năm sau khi Hưng Thánh tự được thành lập, Sư đến Ðạo Nguyên một lần nữa và được thu nhận làm đệ tử. Hai năm sau, nhân khi tham quán câu hỏi của một vị tăng đến Thiền sư Thạch Sương Sở Viên “Thế nào khi một sợi tóc đào nhiều lỗ?” Sư bỗng nhiên Ðại ngộ (11. 1236). Sư bèn thắp hương lễ Phật và chạy đến Ðạo Nguyên trình sự việc. Ðạo Nguyên nghe xong bảo: “Sợi tóc đã đào đến nơi đến chốn” và Ấn khả. Từ đây, Sư giữ chức thủ toạ (đứng đầu chúng trong việc giáo hoá thay thầy) và làm thị giả cho đến lúc Ðạo Nguyên viên tịch.

Sau, tại Vĩnh Bình tự, Ðạo Nguyên giao lại cho Sư trách nhiệm thực hành các nghi lễ vào nói rằng: “Ta không còn sống lâu nữa. Ngươi thọ mệnh cao hơn ta và chắc chắn sẽ truyền giáo pháp của ta. Vì chính pháp mà ta phó chúc công việc cho ngươi.” Sau khi Ðạo Nguyên tịch, Sư kế thừa trụ trì chùa Vĩnh Bình và mất năm 1280, thọ 82 tuổi.

Tác phẩm duy nhất của Sư là Quang minh tạng tam-muội (j: kōmyōzōzanmai), nhưng Sư biên tập nhiều tác phẩm khác của Ðạo Nguyên như Chính pháp nhãn tạng (j: shōbōgenzō), Chính pháp nhãn tạng tuỳ văn kí (shōbōgenzō zuimonki)… Những tác phẩm của Ðạo Nguyên được truyền đến hậu hế phần lớn là nhờ công lao của Sư.

Cơ yếu

Từ điển Đạo Uyển

機要; C: jīyào; J: kiyō;

Điểm then chốt quan trọng. Nghĩa sâu mầu nhất (xu yếu 樞要, chân quyết 眞訣). Khoảnh khắc hay tình huống nguy kịch nhất.

Con-ze, Ed-ward

Từ điển Đạo Uyển

1904-1979
Triết gia và một nhà nghiên cứu Phật pháp lỗi lạc người Anh (gốc Ðức). Ông đã phiên dịch và sắp xếp bộ Bát-nhã ba-la-mật-đa kinh theo hệ thống và cũng từ đây, tư tưởng Ðại thừa đã lan truyền khắp châu Âu, Mĩ. Ðối với Phật tử châu Âu, những trứ tác của ông là tài liệu nghiên cứu tu tập Phật pháp quý báu không thể bỏ qua được.

Ông sinh ngày 18. 03. 1904 tại Forest Hill, Lewisham, London trong một gia đình gốc Ðức. Cha của ông trước la một nhân viên ngoại giao, sau lại quản lí một quan toà tại Düsseldorf, CHLB Ðức. Con-ze trưởng thành và được giáo dục tại Ðức (lúc này mang tên Eberhard thay vì Edward sau này) và nơi đây, ông sớm biểu hiện những cá tính đặc thù: sự cảm nhận nhạy bén cho những vấn đề xã hội, lòng căm phẫn trước những trào lưu “ái quốc cực đoan của Toàn đức quốc xã”, lòng yêu thiên nhiên và một cuộc sống tĩnh mịch ở thôn quê.

Năm lên 13, Con-ze đã có dịp nghe chút ít về Phật giáo. Ông học triết, tâm lí và Ấn Ðộ học tại những đại học Tübingen, Heidelberg, Kiel và Köln. Tại Heidelberg, Max Walleser – một trong những người đầu tiên dịch kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sang tiếng Ðức – đã hướng dẫn ông vào Ðại thừa Phật pháp (1924/25) và qua Heinrich Rickert, ông cũng có dịp làm quen với Thiền tông (j: zen). Năm 1928, ông làm luận án tiến sĩ (Dr. phil.) tại Köln với tựa đề Danh từ Huyền học của Franciscus Suarez S. J. (g: Der Begriff der Metaphysik bei Franciscus Suarez S. J.). Cũng trong năm này, ông gia nhập Ðảng cộng sản và nhân dịp này, ông nói với một người bạn thân: “Như anh thấy, tôi mang nhiều gương mặt!”

Năm 1932, ông cho xuất bản tác phẩm Phương thức đối lập. Bình luận về lí thuyết Duy vật biện chứng (g: Der Satz von Widerspruch. Zur Theorie des Dialektischen Materialismus). Vì những hành vi chống Ðức quốc xã nên ông phải rời CHLB Ðức (1933), tị nạn sang Anh quốc và không lâu sau, ông nhập quốc tịch Anh. Chỉ vài năm sau, ông rời Ðảng cộng sản.
Từ 1933 trở đi, ông sinh sống bằng cách dạy tâm lí và triết học tại Oxford và London. Các tác phẩm của D. T. Su-zu-ki và một học giả Ấn Ðộ Har Dayal lại hướng dẫn ông trở về với Phật giáo. Từ 1943-49, ông nghiên cứu rất nhiều về Ấn Ðộ học, gia nhập giáo hội Phật giáo tại London (e: buddhist society) và cũng tổ chức nhiều buổi thuyết giảng. Trong những năm sau chiến tranh thế giới thứ hai, ông đã cho xuất bản khoảng 20 quyển sách và hơn 100 tiểu luận về những vấn đề của Phật giáo và chính những tác phẩm này đã làm cho tên ông lan truyền khắp mọi nước. Ông đã từng thuyết giảng tại Wisconsin, Madison (Wisconsin, 1963/64), Wa-shington, Seattle (Washington, 1965/68), Bonn (1969/79) và Berkeley, Santa Barbara (1972/ 73).

Năm 1973, Con-ze đình chỉ việc thuyết giảng, lui về quê nhà tại Sherborne, Somerset và từ đây chuyên chú vào việc nghiên cứu Phật học. Những điểm nghiên cứu trung tâm của ông chính là triết lí Bát-nhã ba-la-mật-đa và về vấn đề này, ông đã xuất bản hàng loạt tiểu luận. Ông cũng đã dịch sang Anh ngữ và xuất bản nhiều bài kinh thuộc hệ này.

Năm 1979, ông cho ra một quyển hồi kí với tựa The Memoirs of a Modern Gnostic. Ông luôn luôn tự cho mình là một người có cá tính mâu thuẫn. Con-ze có một cái nhìn, một cảm nhận sâu sắc cho những vấn đề, nhân sinh quan khác biệt của thế kỉ này. Quyển hồi kí của ông đã chứng tỏ khả năng, nghệ thuật “bao dung nhiều quan điểm” của ông. Ðối với Con-ze, lối sống có thể chấp nhận được là lối sống của người Anh, Ðạo lí có thể chấp nhận được là Phật pháp.

Ông mất ngày 24. 09. 1979 tại Yeovil, Somerset, London.

Trứ tác nổi tiếng nhất của E. Con-ze: 1. Buddhism. Its Essence and Development (bản dịch Việt ngữ: Tinh hoa và sự phát triển của Ðạo Phật), Oxford 1951; 2. Buddhist Meditation, London 1956; 3. Buddhist Thought in India, London 1962. Bài luận tiêu chuẩn về Ðại thừa Ấn Ðộ; 4. A Short History of Buddhism, xuất bản 1980. Ngoài ra ông còn dịch nhiều kinh điển từ Phạn ngữ (sanskrit) ra Anh ngữ như Kim cương kinh, Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật-đa tâm kinh, Ma-ha bát-nhã ba-la-mật-đa kinh…

Công

Từ điển Đạo Uyển

功; C: gōng; J: ku, kō;

Có các nghĩa sau:

  1. Công lao. công đức; sự thành đạt, công trạng, vinh dự;
  2. Tài năng, năng lực, hiệu lực, hiệu quả;
  3. Tác dụng.

Cộng

Từ điển Đạo Uyển

共; C: gòng; J: guu;

Có các nghĩa sau:

  1. Đồng thời, xảy ra cùng một lúc (s: pūrva-apara-sahakrama);
  2.  Có chung với, cùng chung, tham gia với;
  3. Cùng tu tập với nhau;
  4. Gặp nhau, tham gia.

Công án

Từ điển Đạo Uyển

公案; C: gōng-àn; J: kōan;

nguyên nghĩa của danh từ này là một án công khai, quyết định phải trái trong quan phủ;

Một thuật ngữ quan trọng của Thiền tông, chỉ một phương pháp tu tập thiền định đặc biệt.

Công án có thể là một đoạn Kinh, một kinh nghiệm giác ngộ, một câu chuyện về một vị sư, một cuộc đàm thoại, Vấn đáp hay một cuộc Pháp chiến. Nhưng chúng có chung một điều là nói đến thể tính của vạn vật. Ðặc trưng của công án là thường thường nghịch lí, “nằm ngoài phạm vi của lí luận”. Công án không phải là “câu đố” thông thường vì nó không hề được giải đáp bằng lí luận, muốn hiểu nó phải nhảy qua một cấp độ khác của nhận thức.

Khoảng giữa thế kỉ thứ 10, Thiền tông bắt đầu dùng công án như phương tiện để giáo hoá và các thiền sinh sử dụng chúng làm đối tượng quán tưởng trong lúc thiền. Vì lời giải của công án thường nằm ngoài lí luận, nên thiền sinh thấy rõ giới hạn của tư duy và bị buộc phải chuyển hoá tâm thức bằng một bước nhảy của trực giác, nhảy qua khỏi sự mâu thuẫn của lí luận nhị nguyên. Với tâm thức này, thiền sinh có một kinh nghiệm trực tiếp về thể tính. Phương tiện công án được phổ biến trong các dòng Thiền Lâm Tế, Tào Ðộng ở Trung Quốc và Nhật Bản. Người ta cho rằng có tất cả khoảng 1700 công án – một con số mang giá trị trừu tượng – và trong số đó 500-600 ngày nay còn được lưu hành tại Nhật. Phần lớn các công án được ghi lại trong các tập như Vô môn quan, Bích nham lục, Thong dong lục, Lâm Tế lục.

Người ta thường nhắc đến việc sử dụng công án làm phương tiện tu tập trong tông Lâm Tế nhưng chính tông Tào Ðộng cũng thường hay sử dụng. Các vị Thiền sư sau này khuyến khích môn đệ của mình tham quán công án nhằm cản trở tâm thức của thiền sinh trở lại tâm trạng của Phàm phu – sau khi đã nếm được mùi vị giác ngộ lần đầu, có thể gọi là “lần đầu thấy đạo.” Ngoài ra, việc quán công án cũng giúp thiền sinh phát triển và mở rộng kinh nghiệm giác ngộ cho đến lúc Ðại ngộ triệt để, được thầy Ấn khả.

Khi trắc nghiệm sự chứng ngộ của môn đệ đang trong lúc tu tập công án cấp cao, các vị Thiền sư thường đặt ra những câu hỏi đặc biệt, hỏi ngang dọc, hỏi về sự liên hệ của công án (thiền sinh đang quán) với giáo lí Ðại thừa, đặt những câu hỏi mới, khác biệt (雜則; tạp tắc; j: zassoku) song song với công án chính (本則; bản tắc; j: honsoku) và vì vậy, công án chính được sáng rọi cùng tận bằng nhiều cách khác nhau. Ðiều dĩ nhiên là thiền sinh không thể tham quán tất cả 1700 công án nhưng một số tương đối lớn được tham quán và thiền sinh được trắc nghiệm tường tận.
Trong tông Lâm Tế tại Nhật, các vị Thiền sư thường phân biệt năm loại công án:

  1. Pháp thân công án (法身公案; j: hosshin-kō-an): chỉ các loại công án có thể giúp đỡ thiền sinh chỉ một bước một vượt thế giới nhị nguyên, lần đầu chứng ngộ trực tiếp Pháp thân (s: dharmakāya; j: hosshin), Phật tính (s: buddhatā; j: busshō), theo Tâm kinh thì gọi là “Sắc tức là Không.” Rất nhiều công án trong các tập danh tiếng được xếp vào loại này mà nổi danh nhất có lẽ là công án thứ nhất của tập Vô môn quan với tên “Con chó của Triệu Châu.”
  2. Cơ quan công án (機關公案; j: kikan-kōan; ›cơ quan‹ ở đây có thể hiểu là bộ phận, dụng cụ): mục đích của các Pháp thân công án là thế giới bất phân biệt, nhưng thiền sinh chưa được dừng chân nơi đây. Cơ quan công án hướng dẫn thiền sinh đến một bước nữa, phân biệt trong thế giới không phân biệt, ngộ được lí “Không tức là Sắc.” Ðược xếp vào loại này là công án 17 và 37 của Vô môn quan.
  3. Ngôn thuyên công án (言詮公案; j: gonsen-kōan): chỉ những công án mà thiền sinh phải tham quán ý nghĩa tột cùng của ngôn ngữ mà chư vị tiền bối sử dụng hoằng hoá (ngôn thuyên nghĩa là ngôn ngữ giải thích kĩ càng, trọn vẹn). Các vị Thiền sư sử dụng ngôn ngữ rất tài tình, đầy thi vị nhưng điểm đặc sắc nhất là các ngôn ngữ này không hề dừng bước chỉ trong khuôn khổ thẩm mĩ mà vượt qua cả nó, bao hàm ý nghĩa cùng tột, trực chỉ chân lí. Ðại diện cho loại công án này chính là Bích nham lục của Thiền sư Viên Ngộ. Một số công án trong Vô môn quan cũng được xếp vào loại này (21, 24, 27, 30, 33, 34).
  4. Nan thấu công án (難透公案; j: nantō-kōan): chỉ những công án khó (nan) lĩnh hội (thấu) vì những sự đối nghịch ngay trong trường hợp được trình bày. Các công án thuộc loại này giúp thiền sinh khinh an thấu rõ được sự vô ngại của sự vật, có thể nói theo giáo lí của Hoa nghiêm tông là Sự sự vô ngại (事事無礙). Chính sự chinh phục, thấu hiểu lí này là yếu tố của tâm tư khinh an, tự do tự tại mà các bậc giác ngộ thụ hưởng. Thiền sư Bạch Ẩn Huệ Hạc thường nhắc đến tám công án thuộc loại này mà trong đó ba công án nằm trong tập Vô môn quan, đó là tắc 13, 35, 38. Công án 38 như sau: “Ngũ Tổ Pháp Diễn hỏi chúng: Ví như con trâu đi qua khung cửa, đầu, sừng, bốn chân đều lọt, sao đuôi lại chẳng lọt được?”
  5. Ngũ vị công án (五位公案; j: goi-kōan): chỉ các công án cuối cùng mà thiền sinh phải vượt qua. Các công án này có liên hệ trực tiếp với Ngũ vị quân thần (Ðộng Sơn ngũ vị) của vị Khai tổ tông Tào Ðộng là Thiền sư Ðộng Sơn Lương Giới. Kinh nghiệm giác ngộ của thiền sinh – đạt được qua bốn loại công án trước – được thử thách lần cuối.

Là một phương tiện tối trọng để đạt giác ngộ, phép quán công án đòi hỏi ba yếu tố mà thiền sinh phải đạt được, đó là Ðại phấn chí, Ðại nghi đoàn và Ðại tín căn. Ðại tín ở đây được hiểu như là niềm tin tuyệt đối vào khả năng giác ngộ của chính mình, Ðại phấn chí là sự tinh tiến, kiên trì dũng mãnh. Ðại nghi đoàn ở đây không có nghĩa nghi ngờ bình thường mà chỉ trạng thái tập trung tư tưởng tuyệt đỉnh. Các điểm mâu thuẫn trong công án có nhiệm vụ gia tăng Ðại nghi đoàn này và Thiền sư Bạch Ẩn bảo rằng: “Ðại nghi – đại ngộ” (大疑大悟).

Trong lời bình của công án đầu tiên của Vô môn quan, Thiền sư Vô Môn Huệ Khai viết như sau: “… Hãy tận dụng ba trăm sáu mươi xương cốt, tám vạn bốn ngàn lỗ chân lông, vận dụng cả thân tâm trở thành một khối nghi, tham ngay chữ không, ngày đêm nghiền ngẫm… Bỏ hết những cái biết tệ hại trước kia, lâu ngày trở thành thuần thục, tự nhiên trong ngoài thành một khối, như kẻ câm nằm mộng chỉ một mình mình hay. Bỗng nhiên bộc phát, trời kinh đất chuyển, như đoạt được thanh đại đao của Quan Vũ, gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ, dửng dưng với bờ sinh tử, đạt đại tự tại, chu du trong Lục đạo, Tứ sinh…”.

Cộng cảnh

Từ điển Đạo Uyển

共境; C: gòngjìng; J: gukyō;

Cùng chung một cảnh giới (theo Nhị chướng nghĩa 二障義).

Công dụng

Từ điển Đạo Uyển

功用; C: gōngyòng; J: kuyō;

Có các nghĩa sau:

  1. Sự nỗ lực;
  2. Công năng của hành động, lời nói và việc làm (thân, khẩu, ý; s: vyāpāra);
  3. Công năng, hoạt dụng, năng lực (s: sāmarthya);
  4. Hiệu quả của sự tu tập.

Công đức

Từ điển Đạo Uyển

功德; C: gōngdé; J: kudoku; S: guṇa;

Có các nghĩa sau:

  1. Đức hạnh ưu tú, công lao, đức hạnh, phẩm chất cao quý (s: guṇa), tích lũy được do làm các việc thiện;
  2. Phúc lành, đức hạnh, điều tốt lành, việc thiện (s: punya);
  3. Cái nhân của quả báo đầu thai vào các cõi giới lành (thiện thú); thiện căn;
  4. Việc thiện, sự tu tập;
  5. Năng lực to lớn;
  6. Yếu tố cần thiết để chứng được quả vị Phật.

Công đức lực

Từ điển Đạo Uyển


功德力).; C: gōngdélì; J: kudokuriki;

Năng lực của công đức tích lũy qua tu đạo. Một trong Tam lực (三力).

Công Ðức Hiền

Từ điển Đạo Uyển

功德賢; C: gōngdéxián; J: kudokuken; S: guṇa-bhadra; 394-468, dịch theo âm Hán Việt là Cầu-na Bạt-đà-la.

Dịch nghĩa tên của Đại sư Cầu-na Bạt-đà-la (求那跋陀羅; s: guṇabhadra).

Cộng kết

Từ điển Đạo Uyển

共結; C: gòngjié; J: guketsu;

Cùng vướng mắc phiền não với nhau; cùng một mối ràng buộc với nhau. Những mối ràng buộc trong vòng luân hồi mà nhiều loài chúng sinh cùng chia sẻ với nhau (theo Nhiếp Đại thừa luận 攝大乘論).

Công lực

Từ điển Đạo Uyển

功力; C: gōnglì; J: kuriki;

  1. Sự có hiệu lực, hiệu quả, công lao (s: yatna);
  2. Công đức, năng lực, nghị lực có được do kết quả tu đạo. Như Công đức lực (功徳力);
  3. Sức lực, sức mạnh.

Công năng

Từ điển Đạo Uyển


功能; C: gōngnéng; J: kunō;

Có các nghĩa sau:

  1. Sự có hiệu lực, tính có hiệu quả, sự tiện dụng (theo Ngũ giáo chương 五教章);
  2. Năng lực tiềm ẩn, lực tiềm tàng (theo Tứ giáo nghi chú 四教儀註);
  3. Năng lực vốn có (s: samartha, theo Câu-xá luận 倶舎論);
  4. Kết quả (theo Câu-xá luận 倶舎論).

Từ điển Đạo Uyển

句; C: jù; J: ku;

Có hai nghĩa:

  1. Một câu, bài kệ, một dòng;
  2. Chỗ uốn cong, đường vòng, vòng quay.

Cụ duyên tông

Từ điển Đạo Uyển

具緣宗; S: prāsaṅgika, cũng được gọi là Ứng thành tông (應成宗);

Một trong hai nhánh của Trung quán tông.

Cụ giới địa

Từ điển Đạo Uyển

具戒地; C: jùjiè dì; J: gukaichi;

Giai vị tu tập đầy đủ các giới luật. Giai vị thứ hai trong Thập địa (十地). Còn gọi là li cấu địa (離垢地).

Cụ hữu

Từ điển Đạo Uyển

具有; C: jùyǒu; J: guu;

Vốn đã có đủ. Nguyên vẹn (theo Nhị chướng nghĩa 二障義).

Cú nghĩa

Từ điển Đạo Uyển

句義; C: jùyì; J: kōgi;

Có hai nghĩa:

  1. Theo hệ thống triết học của Thắng tông (勝宗 s: vaiśeṣika) thì có nghĩa là yếu tố căn bản, hay là thành phần của hiện thật (s: pada-artha);
  2. Tên gọi, thuật ngữ, danh từ.

Cụ phần

Từ điển Đạo Uyển


具分; C: jùfēn; J: gubun;

Tràn khắp, bao trùm nhiều phần (s: vyāpin). Phản nghĩa với Nhất phần (一分; theo Biện trung biên luận 辯中邊論).

Cụ phọc

Từ điển Đạo Uyển


具縛; C: jùfú; J: gubaku;

Bị ràng buộc, bị trói buộc, vướng mắc trong phiền não (theo Nhị chướng nghĩa 二障義, Du-già luận 瑜伽論).

Cư sĩ

Từ điển Đạo Uyển

居士; S: gṛhapati, P: gahapati, dịch âm Hán Việt là Ca-la-việt;

Danh từ này có hai nghĩa: 1. Người dòng họ giàu sang; 2. Người tại gia mộ đạo. Phần lớn, danh từ Cư sĩ được hiểu dưới nghĩa thứ hai và đồng nghĩa với Cận sự nam (近事男; s, p: upāsaka), Cận sự nữ (近事女; s, p: u-pāsikā). Cư sĩ là một danh từ chỉ người theo đạo Phật nhưng vẫn giữ đời sống thế gian, đã quy y Tam bảo và giữ Năm giới.

Theo Tiểu thừa thì cư sĩ đạo Phật thông thường còn rất lâu mới đạt Niết-bàn vì họ không chịu từ bỏ dục lạc thế gian. Tuy nhiên nếu họ giữ hạnh Bố thí (dāna) thì Phúc đức (s: puṇya) có thể giúp họ tái sinh làm tăng sĩ và nhờ đó tu học đến cấp bậc A-la-hán và đạt Niết-bàn. Tiểu thừa xem cư sĩ là người phụng sự đạo pháp bằng cách cúng dường thực phẩm, quần áo, là người lo lắng cho đời sống của tăng, ni. Ðại thừa xem cư sĩ có vai trò quan trọng hơn, quan niệm rằng cư sĩ cũng có khả năng thành Phật như tất cả những ai. Nhiều Bồ Tát trong Ðại thừa ẩn dưới đời sống của một cư sĩ tại gia thông thường.

Tại Trung Quốc có giáo hội của cư sĩ và thường thường, các vị này lấy việc giữ năm giới làm nền tảng chung. Nếu vì lí do gì mà một hay nhiều giới bị vi phạm thì cư sĩ có quyền chỉ nguyện giữ những giới kia. Có người cho đốt ba hay nhiều chấm vào cánh tay để xác nhận mình là cư sĩ. Có nhiều cư sĩ nguyện giữ cả giới Bồ Tát.

Cú thân

Từ điển Đạo Uyển

句身; C: jùshēn; J: kushin; S: pada-kāya.

Một trong 24 Tâm bất tương ưng hành pháp theo giáo lí Duy thức tông. Sự hợp thành của 2 hay nhiều câu.

Cụ trần

Từ điển Đạo Uyển

具陳; C: jù chén; J: guchin;

Trình bày chi tiết.

Cụ túc

Từ điển Đạo Uyển

具足; C: jùzú; J: gusoku;

Có các nghĩa sau:

  1. Được phú cho, được cung cấp đầy đủ, chuẩn bị đầy đủ, có, thừa hưởng (cụ bị; s: upeta, sampad);
  2. Được trang bị đầy đủ, không thiếu thứ gì;
  3. Hoàn thành, hoàn thiện (s: paripūrna);
  4. Chi tiết, chăm sóc chu đáo, hoàn chỉnh;
  5. Sự thụ nhận giới luật của người xuất gia;
  6. Đồ dùng, công cụ, phương tiện sinh hoạt;
  7. Giới Cụ túc (Tỉ-khâu) mà chư Tăng, Ni xuất gia thụ nhận. Cụ túc giới (具足戒).

Cực lạc

Từ điển Đạo Uyển

極樂; S: sukhāvatī; J: gokuraku; còn được gọi là An lạc quốc (安樂國);

Tên của Tây phương Tịnh độ, nơi đức A-di-đà cai trị. Tịnh độ này được Ngài tạo dựng lên bằng thiện nghiệp của mình và thường được nhắc đến trong các kinh Ðại thừa. Tịnh độ tông cho rằng, nhờ lòng tin kiên cố nơi Phật A-di-đà và kiên trì niệm danh hiệu của Ngài, hành giả sẽ được tái sinh nơi cõi này và hưởng một đời sống an lạc cho tới khi nhập Niết-bàn.

Tịnh độ này được nhắc nhiều trong các kinh A-di-đà (s: amitābha-sūtra), Ðại thừa vô lượng thọ trang nghiêm kinh (s: sukhāvatī-vyūha), Quán vô lượng thọ kinh (s: amitāyurdhyāna-sūtra). Ðối với quần chúng Phật tử và cũng theo kinh A-di-đà thì đây là một thế giới có nơi chốn hẳn hoi, nhưng trong một nghĩa sâu kín hơn thì đây là một dạng ưu việt của tâm thức.

Theo kinh sách, Cực lạc tịnh độ nằm ở phương Tây. Ðây là một nơi đầy ánh sáng rực rỡ do A-di-đà phát ra. Thế giới này tràn ngập mùi hương thơm, đầy hoa nhạc và châu báu. Ở đó không có súc sinh, địa ngục cũng như A-tu-la. Chúng sinh nhờ nguyện lực được sinh ở thế giới này sẽ thấy mình từ hoa sen sinh ra, mọi mong cầu sẽ được như ý, không còn già chết bệnh tật. Trong thế giới này, mọi chúng sinh đều cầu pháp và sẽ được nhập Niết-bàn. Nguồn hạnh phúc lớn nhất là được nghe A-di-đà giảng pháp, bên cạnh có hai vị Ðại Bồ Tát Quán Thế Âm và Ðại Thế Chí.

Cực quang tịnh thiên

Từ điển Đạo Uyển

極光淨天; C: jíguāngjìng tiān; J: gokukōjō ten; S: ābhā-svarāḥ

Tầng trời thứ 3 trong Nhị thiền thiên (二禪天). Được xếp vào 1 trong 17 tầng trời cõi Sắc.

Cung (cúng)

Từ điển Đạo Uyển

供; C: gōng; J: ku.

Có các nghĩa sau:

  1. Dâng tặng, dâng cúng, hiến dâng;
  2. Trình dâng, phục tùng, đáp ứng;
  3. Đi theo, hộ tống;
  4. Sự dâng cúng;
  5. Thị giả, người theo hầu, đoàn tùy tùng.

Cung cấp

Từ điển Đạo Uyển

供給; C: gōngjǐ; J: kukyū.

Cúng dường (供養; theo Pháp Hoa kinh 法華經)

Cung dưỡng (cúng dường)

Từ điển Đạo Uyển

供養; C: gòngyăng; J: kuyō.

Còn gọi là Cung thí (供施) và Cung cấp (供給):

  1. Cung dưỡng (s: pūjā). Việc dâng cúng thực phẩm, y phục… cho Đức Phật, chư Tăng, Giáo thụ sư, ông bà…;
  2. Một nghi lễ đặc biệt cử hành để đánh dấu những việc như xây chùa, dựng tượng, hay hoàn thành việc in kinh (ấn tống).

Cung dưỡng chủ

Từ điển Đạo Uyển

供養主; C: gōngyăngzhǔ; J: kuyōshu.

Có các nghĩa:

  1. Người đảm nhiệm việc dâng cúng;
  2. Theo Phật giáo Hàn Quốc thì biểu thị này chỉ vị chịu trách nhiệm nấu ăn trong tu viện, là vị đầu bếp.

Cung đạo

Từ điển Đạo Uyển

弓道; J: kyūdō;

Nghệ thuật bắn cung xuất phát từ Nhật Bản mang đậm tính chất Thiền, được nhiều người hâm mộ.

Cung thí

Từ điển Đạo Uyển


供施; C: gōngshī; J: kuse.

Có các nghĩa sau:

  1. Dâng cúng;
  2. Vị tăng đảm nhiệm việc cúng dường (s: yaṣṭṛ).

Cương

Từ điển Đạo Uyển

剛; C: gāng; J: gō;

  1. Cứng, rắn, mạnh, cứng đầu, bền;
  2. Phổ biến, phát triển mạnh;
  3. Thật như vậy, đúng như, chính xác như;
  4. Ngay bây giờ, mau chóng.

Cữu

Từ điển Đạo Uyển


咎; C: jiù; J: ku;

Có 2 nghĩa:

  1. Thiếu sót, lỗi lầm, sai lầm, sai trái, sự phạm tội, tội lỗi (s: doṣa);
  2. Khiển trách, chỉ trích, quở trách, trách móc, không thừa nhận.

Cửu cao

Từ điển Đạo Uyển

九皐; C: jiǔgāo; J: kyūgō;

Chín “Vũng lầy”:

  1. Địa ngục, cõi tối tăm bên dưới;
  2. Vùng đất ngập nước; đầm nước sâu, ẩn dụ chỉ một nơi xa xôi, tối tăm.

Cứu Chỉ

Từ điển Đạo Uyển

究旨; tk. 10-11

Thiền sư Việt Nam, thuộc phái Vô Ngôn Thông đời thứ 7. Sư nối pháp Thiền sư Ðịnh Hương.

Sư họ Ðàm, quê ở làng Phù Ðàm, phủ Chu Minh. Thuở nhỏ, Sư rất ham học, nghiên cứu tất cả các sách của Tam giáo (Khổng, Lão, Thích). Sư tự than: “Khổng Mặc câu chấp về lẽ ›Có‹, Lão Trang (Lão Tử, Trang Tử) đắm đuối vào lẽ ›Không‹. Chỉ có Phật giáo chẳng kể ›Có‹ hay ›Không‹, có thể liễu thoát sinh tử, nhưng phải siêng năng tu trì giữ Giới thanh tịnh và tìm Thiện tri thức ấn chứng mới được.” Sau đó, Sư xuất gia, tìm đến chùa Cảm Ứng ở Ấp Sơn xin làm đệ tử của Ðịnh Hương Trưởng lão.

Sư hỏi Ðịnh Hương: “Thế nào là nghĩa cứu kính?” Ðịnh Hương im lặng giây lát, hỏi lại Sư: “Hiểu chưa?” Sư thưa: “Chưa hiểu.” Ðịnh Hương bảo: “Ta đã cho ngươi nghĩa cứu kính.” Sư suy nghĩ, Ðịnh Hương bảo: “Lầm qua rồi!”. Ngay câu này, Sư triệt ngộ và nhân đây, Ðịnh Hương ban cho Sư hiệu Cứu Chỉ.

Sau, Sư lên chùa Quang Minh, núi Tiên Du tu hạnh Ðầu-đà, không hề bước chân xuống núi. Ðạo hạnh của Sư vang đến cả triều đình. Vua Lí Thái Tông mời vào cung giảng đạo mấy lần nhưng Sư đều từ chối và vì vậy vua phải đích thân đến đây ba lần thưa hỏi. Sau, Sư được mời đến chùa Diên Linh trụ trì.

Khoảng niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh (1059-1065), biết mình sắp tịch, Sư gọi dệ tử đến dạy: “Phàm tất cả các Pháp vốn từ tâm của các ngươi… Phiền não, trói buộc, tất cả đều không. Tội phúc phải quấy, tất cả đều huyễn. Không nên ở trong Nghiệp mà phân biệt báo, không nên ở trong báo mà phân biệt nghiệp, nếu có phân biệt thì chẳng được tự tại. Tuy thấy tất cả các pháp mà không có chỗ thấy, tuy biết tất cả các pháp mà không có chỗ biết. Biết tất cả các pháp lấy nhân duyên làm gốc… Rõ thấu chúng sinh chỉ là một pháp, không có hai pháp. Chẳng rời cảnh nghiệp mà Phương tiện khéo léo, ở trong cõi Hữu vi hiện bày pháp hữu vi mà không phân biệt. Tướng Vô vi là do hết dục, dứt Ngã, quên Niệm mà nhận lấy vậy.” Dạy xong, Sư nói kệ:

覺了身心本凝寂。神通變化現諸相
有爲無爲從此出。河沙世界不可量
雖然變滿虛空界。一一觀來沒形狀
千古萬古難比況。界界處處常朗朗
Giác liễu thân tâm bản ngưng tịch
Thần thông biến hoá hiện chư tướng
Hữu vi vô vi tòng thử xuất
Hà sa thế giới bất khả lượng
Tuy nhiên biến mãn hư không giới
Nhất nhất quan lai một hình trạng
Thiên cổ vạn cổ nan tỉ huống
Giới giới xứ xứ thường lãng lãng
*Giác ngộ thân tâm vốn lặng yên
Thần thông các tướng biến hiện tiền
Hữu vi vô vi từ đây có
Thế giới hà sa không thể lường
Tuy nhiên đầy khắp cõi hư không
Mỗi mỗi xem ra chẳng tướng hình
Muôn đời ngàn đời nào sánh được
Chốn chốn nơi nơi thường rạng ngời.
Nói kệ xong, Sư ngồi yên viên tịch.

Cửu cư

Từ điển Đạo Uyển

九居; C: jiǔjū; J: kuko;

Gọi tắt của Cửu hữu tình cư (九有情居).

Cửu du-già

Từ điển Đạo Uyển

九瑜伽; C: jiǔ yúqié; J: ku yuga;

Chín loại Du-già (đạo):

  1. Thế gian đạo (世間道);
  2. Xuất thế đạo (出世道);
  3. Phương tiện đạo (方便道);
  4. Vô gián đạo (無間道);
  5. Giải thoát đạo (解脱道);
  6. Thắng tiến đạo (勝進道);
  7. Nhuyễn phẩm đạo (軟品道);
  8. Trung phẩm đạo (中品道);
  9. Cửu thượng phẩm đạo (九上品道; theo Du-già luận 瑜伽論).

Cửu địa

Từ điển Đạo Uyển

九地; C: jiǔdì; J: kuji, kuchi;

Chín cấp bậc của sự hiện hữu. Sự phân chia sự sống của chúng sinh thành ba cõi Dục giới (欲界), Tứ thiền (Sắc giới) và Tứ vô sắc (Vô sắc giới). Dục giới tạo thành một địa, cõi Tứ thiền và Vô sắc giới mỗi cõi có 4 địa.

Cửu hữu tình cư

Từ điển Đạo Uyển

九有情居; C: jiǔ yǒuqíng jū; J: ku ujōko;

Chín nơi chúng sinh cư trú như đã được ghi trong Câu-xá luận (s: abhidharmakośa-bhā-ṣya). Như loài người cư trú nơi cõi Dục. Trong cõi Sắc, đó là các cõi trời Phạm chúng (衆), Cực quang tịnh (極光淨), Biến tịnh (遍淨), và 4 cõi trời Vô tưởng. Trong cõi Vô sắc giới, đó là Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ và Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Cửu liên

Từ điển Đạo Uyển

九蓮; C: jiǔlián; J: kuren;

Viết tắt của Cửu phẩm liên đài (九品蓮臺), biểu tượng cho chín bậc mà hành giả Tịnh độ tông có thể đạt được khi vãng sinh.

Cửu phẩm

Từ điển Đạo Uyển

九品; C: jiǔpǐn; J: kuhon;

Chín loại, chín bậc. Kinh điển Phật giáo thường định rõ các phạm trù như phiền não, vãng sinh, năng lực của chúng sinh thành chín bậc, gồm ba bậc thuộc thượng hạng, ba thuộc hạng trung và ba bậc thuộc hạng thấp (hạ), chung quy thành 9 bậc.

  1. Theo A-tì-đạt-ma Câu-xá luận và theo giáo lí Tịnh độ tông, chín phẩm là:
    1. Thượng thượng;
    2. Thượng trung;
    3. Thượng hạ;
    4. Trung thượng;
    5. Trung trung;
    6. Trung hạ;
    7. Hạ thượng;
    8. Hạ trung;
    9. Hạ hạ.
  2. Chín loại phiền não. Cửu phẩm hoặc.

Cửu phẩm hoặc

Từ điển Đạo Uyển


九品惑; C: jiǔpǐnhuò; J: kuhonwaku;

Chín loại phiền não; còn gọi là Cửu phẩm phiền não (九品煩惱). Là sự phân loại các căn bản phiền não tham (貪), sân (瞋), mạn (慢) và vô minh (無明) thành thô và tế tùy theo chín bậc. Những loại nầy lại được chia ra, phối hợp với 9 cõi trong tam giới (三界) lập thành tất cả 81 loại. (Theo Câu-xá luận 倶舎論)

Cửu phẩm liên đài

Từ điển Đạo Uyển

九品蓮臺; C: jiǔpǐn liántái; J: kuhon ren-dai;

Chín phẩm mà hành giả được vãng sinh ở Tịnh độ (淨土), trong 9 những toà sen được chia thành 9 bậc. Theo Quán Vô Lượng Thọ kinh (觀無量壽經), các bậc nầy được phân như sau: Thượng phẩm thượng sinh, Thượng phẩm trung sinh, Thượng phẩm hạ sinh, Trung phẩm thượng sinh, Trung phẩm trung sinh, Trung phẩm hạ sinh, Hạ phẩm thượng sinh, Hạ phẩm trung sinh và Hạ phẩm hạ sinh.

Cửu Phong Ðạo Kiền

Từ điển Đạo Uyển

九峰道虔; C: jiǔfēng dàoqián, J: kyūhō dōken; tk. 9;

Thiền sư Trung Quốc dòng Thạch Ðầu Hi Thiên, môn đệ đắc pháp của Thạch Sương Khánh Chư và là thầy của Thiền sư Hoà Sơn Vô Ân.

Sư sinh ra trong một gia đình nhà Nho, sớm đã mộ đạo. Nơi Thạch Sương, Sư đạt yếu chỉ Thiền. Mức độ Sư thông đạt huyền chỉ của Thạch Sương thế nào được trình bày rõ trong câu chuyện sau:

Sư là thị giả của Thạch Sương. Khi Thạch Sương quy tịch, chúng tăng quyết định chọn vị Thủ toạ kế thừa trụ trì. Sư không đồng ý, đứng lên nói: “Trước hết chúng ta cần phải biết Thủ toạ có thật sự hiểu được ý của tiên sư không.” Vị Thủ toạ hỏi: “Ông muốn hỏi gì về giáo lí của thầy?” Sư liền hỏi: “Thầy bảo: ›Quên tất cả, đừng động gì, cố ngơi nghỉ hoàn toàn! Cố vượt qua mười ngàn năm trong một niệm! Cố trở thành tro lạnh và cây khô! Cố ở gần lư hương trong ngôi cổ tự! Cố trở nên một dải lụa trắng.‹ Tôi chẳng hỏi ông về phần đầu của lời dạy này mà chỉ hỏi về câu cuối ›Cố trở nên một dải lụa trắng‹, thế có nghĩa lí gì?” Thủ toạ đáp: “Ðó chỉ là một câu giải thích về vấn đề Nhất tướng.” Sư bèn nói: “Tôi biết ông không hề hiểu giáo lí của thầy.” Thủ toạ hỏi: “Ông không chấp nhận kiến giải nào của tôi? Bây giờ hãy đốt một nén hương. Nếu tôi không thể chết trước khi hương cháy hết thì tôi chấp nhận là không hiểu ý tiên sư nói gì.” Chúng bèn thắp hương và vị Thủ toạ ngồi thẳng như một cây gậy. Trước khi hương cháy hết, Thủ toạ đã mất. Sư bèn vỗ lưng tử thi, bảo: “Ông muốn ngồi hay đứng mà hoá cũng được, chỉ có ý nghĩa của những lời dạy của thầy ông vẫn chưa hiểu chút nào!” (Như Hạnh dịch).

Sau sự việc này, Sư đến núi Cửu Phong trụ trì. Không biết Sư tịch năm nào.

Cửu sơn

Từ điển Đạo Uyển


九山; C: jiǔshān; J: kyūsan; K: kusan.

  1. Chín ngọn núi. Vốn là tên gọi Thiền tông Cao li trước đây khi sự ra đời của tông phái nầy gắn liền với 9 ngọn núi khác nhau. Đó là:
    1. Ca Trí Sơn (迦智山; k: kaji-san), thành lập tại Bảo Lâm tự (寶林寺; k: porim sa), dưới sự ảnh hưởng của Đạo Nghĩa (道義; k: toǔi, ?-825) và đệ tử lớn của sư là Thể Trừng (體澄; k: ch’ejing, 804-890). Đạo Nghĩa tham học với Thiền sư Tây Đường Trí Tạng (西堂智藏; 735-814) và Bách Trượng Hoài Hải (百丈懷海; 749-814) ở Trung Hoa;
    2. Thánh Trú sơn (聖住山; k: sǒngju san), được Vô Nhiễm (無染; k: muyǒm, 800-888) sáng lập. Sư được Ma Cốc Bảo Triệt (麻谷寶徹) ấn khả;
    3. Thật Tướng sơn (實相山; k: silsang san), được Hồng Trắc (洪陟; k: hongch’ǒk, fl. 830) sáng lập. Sư cũng là môn đệ của Trí Tạng;
    4. Hi Dương sơn (曦陽山; k: hǔiyang san): Do Pháp Lãng (法朗; k: pǒmnang) và Trí Săn Đạo Hiến (智詵道憲; k: chisǒn tohǒn; 824-882) sáng lập, sư được truyền thụ qua một Thiền sư trong dòng Mã Tổ;
    5. Phụng Lâm sơn (鳳林山), do Viên Giám Huyền Dục (圓鑑玄昱; k: wǒngam hyǒn’uk, 787-869) sáng lập cùng với đệ tử của sư là Thẩm Hy (審希; k: simhǔi). Viên Giám Huyền Dục là môn đệ của Thiền sư Chương Kính Hoài Huy (章敬懷暉; 748-835);
    6. Đồng Lí sơn (桐裡山), do Huệ Triệt (慧徹; k: hyech’ǒl, 785-861), môn đệ của Trí Tạng, sáng lập;
    7. Xà-quật sơn (闍崛山; k: sagul san), sáng lập bởi Phạm Nhật (梵日; k: pǒmil, 810-889), sư tham học ở Trung Hoa với Thiền sư Diêm Quan Tề An (鹽官齊安) và Dược Sơn Duy Nghiễm (藥山惟嚴);
    8. Sư Tử sơn (獅子山; k: saja san), do Đạo Doãn (道允; k: toyun, 797-868) sáng lập, sư dã từng tham học với Nam Tuyền Phổ Nguyện (南泉普願);
    9. Tu-di sơn (須彌山; k: sumi-san), do Lợi Nghiêm (利嚴; k: iǒm, 869-936) sáng lập, tông nầy phát triển theo truyền thống tông Tào Động.
      Từ Cửu sơn trong tiếng Cao li trở thành thuật ngữ chung để gọi “các tông phái Thiền”, và ý nghĩa này còn được duy trì cho đến ngày nay.
  2. Tên của một vị Thiền sư đương thời, trú trì Tu viện Songgwangsa.

Cửu tập

Từ điển Đạo Uyển

久習; C: jiǔxí; J: kyūjū;

Hành giả lão luyện. Người tinh chuyên tu tập lâu năm và tích tập được nhiều công đức.

Cửu thập bát sử

Từ điển Đạo Uyển

九十八使; C: jiǔshíbāshǐ; J: kujūhasshi;

98 loại mê hoặc, thường được chia thành 88 Kiến hoặc (見惑) và 10 loại Tư hoặc (思惑). Chữ “sử”(使) đồng nghĩa với “nhiễm”(染) và “phiền não”(煩惱). Còn được gọi là “98 loại tùy miên”(Cửu thập bát tuỳ miên 九十八隨眠).

Cửu thế

Từ điển Đạo Uyển

九世; C: jiǔshì; J: kuse;

Nghĩa là Chín đời, theo giáo lí của Hoa Nghiêm tông:

  1.  Quá khứ của quá khứ (過去過去);
  2. Tương lai của quá khứ (過去未來);
  3. Hiện tại của quá khứ (過去現在);
  4. Quá khứ của tương lai (未來過去);
  5. Hiện tại của tương lai (未來現在);
  6. Tương lai của tương lai (未來未來);
  7. Tương lai của hiện tại (現在未來);
  8. Quá khứ của hiện tại (現在過去);
  9. Hiện tại của hiện tại (現在現在; theo kinh Hoa Nghiêm)

Cửu thứ đệ định

Từ điển Đạo Uyển

九次第定; C: jiǔ cìdì dìng; J: kyūshidaijō;

Chín pháp tu thiền định theo tuần tự thứ lớp. Pháp thiền mà hành giả tiến hành theo thứ tự không gián đoạn từ Tứ thiền (四禪), Tứ vô sắc định (四無色定), đến Diệt tận định (滅盡定).

Cửu thức

Từ điển Đạo Uyển

九識; C: jiǔshì; J: kushiki;

Thức thứ chín, do Duy thức tông thêm vào trong hệ thống 8 thức. Theo tông Hoa Nghiêm và Thiên Thai, thức nầy được gọi là Thanh tịnh thức (A-ma-la thức).

Cửu tướng

Từ điển Đạo Uyển

九相; C: jiǔxiāng; J: kusō;

Chín nghiệp tướng vô minh được đề cập trong Đại thừa khởi tín luận. Đó là Tam tế (三細) và Lục thô (六麁).

Cửu viễn

Từ điển Đạo Uyển

久遠; C: jiǔyuăn; J: kuon;

  1. Thời gian rất lâu dài;
  2. Thời quá khứ;
  3. Thời cổ đại.

Cưu-lặc-na

Từ điển Đạo Uyển

鳩勒那; S: haklenayaśa;

Tổ thứ 23 của Thiền tông Ấn Ðộ

Cưu-ma-la-đa

Từ điển Đạo Uyển


鳩摩邏多; S: kumāralāta;
Tổ thứ 19 của Thiền tông Ấn Ðộ.

Cưu-ma-la-thập

Từ điển Đạo Uyển

鳩摩羅什; S: kumārajīva; dịch nghĩa là Ðồng Thọ ; 344-413;

Một dịch giả Phật học nổi tiếng, chuyên dịch kinh sách từ văn hệ Phạn ngữ (sanskrit) ra tiếng Hán. Cưu-ma-la-thập xuất phát từ một gia đình quý tộc tại Dao Tần (kucha), thuộc xứ Tân Cương ngày nay. Sư bắt đầu tu học Tiểu thừa (s: hīnayāna) nhưng về sau lại trở thành pháp khí Ðại thừa (s: mahāyāna). Năm 401 Sư đến Trường An và bắt đầu công trình dịch thuật với sự góp sức của hàng ngàn nhà sư. Năm 402, Sư được phong danh hiệu “Quốc sư”.

Những kinh sách quan trọng được Cưu-ma-la-thập dịch là: A-di-đà kinh (s: amitābha-sūtra, năm 402), Diệu pháp liên hoa kinh (s: saddharmapuṇḍarīka-sūtra, 406), Duy-ma-cật sở thuyết kinh (s: vimalakīrtinirdeśa-sūtra, 406), Bách luận (s: śataśāstra, 404) của Thánh Thiên (s: āryadeva) cũng như Trung quán luận tụng (s: madhyamaka-kārikā, 409), Ðại trí độ luận (s: mahāprajñā-pāramitā-śāstra, 412), Thập nhị môn luận (s: dvādaśadvāra-śāstra, 409) của Long Thụ (s: nāgārjuna), người thành lập tông Trung quán (s: mādhyamika). Nhờ ba công trình cuối kể trên Sư đã truyền bá giáo pháp của Trung quán tông rộng rãi tại Trung Quốc.

Mới lên bảy, Cưu-ma-la-thập đã cùng mẹ là một công chúa gia nhập Tăng-già. Hai mẹ con đến Kashmir và học giáo lí Tiểu thừa với các vị sư nổi tiếng nhất. Sau đó hai người lưu lại tại Kashgar một năm và Sư học thêm ngành thiên văn, toán và khoa học huyền bí. Cũng nơi đó, Sư bắt đầu tiếp xúc với Ðại thừa và sau đó chuyên tâm tìm hiểu giáo pháp này. Dần dần danh tiếng của Sư là luận sư xuất sắc lan xa, đến tới triều đình Trung Quốc. Năm 384 Sư bị bắt trong một cuộc chiến tranh tại Dao Tần (ku-cha) và bị một viên tướng Trung Quốc giam giữ 17 năm. Năm 402 Sư được thả về Trường An và được triều đình Trung Quốc ủng hộ trong công tác dịch kinh.

Công lớn của Sư trước hết là thay đổi phương pháp phiên dịch. Bản thân Sư nói được tiếng Trung Quốc và cộng sự viên cũng đều là người giỏi Phật giáo và Phạn ngữ (sanskrit). Cách dịch kinh của Sư như sau: giảng kinh hai lần bằng tiếng Trung Quốc, sau đó các tăng sĩ Trung Quốc thảo luận và viết lại bằng tiếng Hán. Sau đó Sư lại kiểm soát và so sánh nguyên bản cũng như bản dịch để ra bản chung quyết. Khác với các nhà dịch thuật khác tìm cách dịch từng chữ, Sư là người đưa được nội dung sâu xa của kinh sách vào chữ Hán và – nếu thấy cần thiết – cũng mạnh dạn cắt bỏ một vài đoạn kinh không hợp và biến đổi văn từ cho hợp với người Trung Quốc.

Dã hồ thiền

Từ điển Đạo Uyển

野狐禪; J: yakōzen; nghĩa là “Thiền của loài chồn hoang”;

Chỉ loại thiền của những người chưa Kiến tính mà đi lừa người, chỉ biết bắt chước làm và thuyết giảng chân lí mà chính mình chưa trực nhận. Người Trung Quốc tin rằng, chồn là một con thú được dùng để cưỡi của loài yêu tinh và chính nó cũng là con tinh, có khả năng biến thành nhân dạng để mê hoặc người.

Da-du Ða-la

Từ điển Đạo Uyển

耶輸多羅; S: yaśodharā; P: yasodhāra;

Vợ của Tất-đạt-đa, đức Phật lịch sử và là mẹ của La-hầu-la.

Dạ-xoa

Từ điển Đạo Uyển

夜叉; S: yakṣa; P: yakkha; cũng được gọi là Dược-xoa

Là một loại thần. Kinh sách có khi nhắc nhở đến loài này, gồm hai loại chính:

  1. Loài thần, có nhiều năng lực gần giống như chư thiên;
  2. Một loài ma quỷ hay phá các người tu hành bằng cách gây tiếng động ồn ào trong lúc họ thiền định.

Dâm

Từ điển Đạo Uyển

淫; C: yín; J: in;

  1. Không chặc chẽ, tự do, không ràng buộc;
  2. Rải rác, lúng túng;
  3. Quá mức, vượt quá giới hạn, vi phạm;
  4. Dâm dật, gợi dục, ham muốn tình dục (婬)

Danh

Từ điển Đạo Uyển

名; C: míng; J: myō; S: nāman; P: nāma;

  1. Danh từ chỉ những tâm sở (thuộc về tâm) đối nghĩa với sắc (色; s, p: rūpa). Danh bao gồm bốn uẩn:
    • Thụ (受; s, p: vedanā),
    • Tưởng (想; s: saṃjñā; p: sañña),
    • Hành (行; s: saṃskāra; p: saṅkhāra),
    • Thức (識; s: vijñā-na; p: viññāṇa).

Cùng với sắc, danh thành lập Ngũ uẩn, tạo một chúng sinh, một Hữu tình.
Danh là nhân duyên thứ tư trong Mười hai nhân duyên, bắt nguồn từ thức. Trong Ðại thừa, Danh đối nghịch với Chân như, bởi vì danh không thể bao trùm, tiết lộ hết tất cả sự thật. Từ suy luận này, quan niệm “Tất cả là không thật, là ảo ảnh” trở thành giáo lí trung tâm của Ðại thừa.

  1. Danh từ, thuật ngữ. Danh xưng của vật. Nhất thiết hữu bộ xem Danh là một trong những Tâm bất tương ưng hành pháp (心不相應行法).

Danh hiệu

Từ điển Đạo Uyển

名號; C: mínghào; J: myōgō;

Tên gọi, đặc biệt là tước hiệu, hay là một danh hiệu đặc biệt tỏ lòng kính trọng, như thường dùng cho chư Phật và các vị đại Bồ Tát (s: nāman).

Danh nghĩa

Từ điển Đạo Uyển

名義; C: míngyì; J: myōgi;

Có hai nghĩa:

  1. Sự diễn đạt, ngôn ngữ, lời nói;
  2. Ngôn từ và ý nghĩa; biểu tượng và biểu hiện.

Danh ngôn

Từ điển Đạo Uyển

名言; C: míngyán; J: myōgon;

  1. Những thứ làm phương tiện diễn đạt, những biểu hiện qua ngôn ngữ, lời nói (s: abhidhāyaka);
  2. Danh tự diễn đạt khái niệm (s: nāman).

Danh ngôn chủng tử

Từ điển Đạo Uyển

名言種子; C: míngyán zhŏngzí; J: myōgonshū-ji;

Phần bổ sung của các chủng tử tạo tác. Chỉ những chủng tử trong A-lại-da thức (阿頼耶識; s: ālaya-vijñāna), được huân tập trực tiếp qua các biểu thị ngôn ngữ. Là nguyên nhân trực tiếp của tâm thức hiện hành và các hiện tượng vật chất trong vũ trụ.

Danh Nguyệt

Từ điển Đạo Uyển


名月; C: míngyuè; J: myōgetsu;

Tên một vị thần trong kinh Pháp Hoa.

Danh sắc

Từ điển Đạo Uyển

名色; C: míngsè; J: myōshiki; S, P: nāmarūpa;

  1. Khái niệm chỉ hai yếu tố quan trọng nhất của con người, gồm tinh thần và thân thể. Sắc (s, p: rūpa) là uẩn thứ nhất trong Ngũ uẩn và Danh (s, p: nāma) là bốn uẩn còn lại. Danh sắc chính là toàn bộ yếu tố cấu tạo thành còn người. Danh sắc là yếu tố thứ tư trong Mười hai nhân duyên, được sinh ra khi một Thức (s: vijñāna, yếu tố thứ ba) đi vào bụng mẹ và kết thành một cá nhân mới.
  2. Thuật ngữ được dùng trong văn học Áo nghĩa thư (s: upaniṣad) cổ xưa để biểu thị các hiện tượng vật lí trong vũ trụ

Danh thân

Từ điển Đạo Uyển

名身; C: míng shēn; J: myōshin; S: nāma-rūpa; nāma-kāya.

Có các nghĩa sau:

  1. Danh và sắc;
  2. Sự tích tụ danh mục; từ nầy có nghĩa sự hiện hữu của từ có hơn một danh mục. Một trong 3 cách tạo thành ngôn cú căn bản để kiến lập các pháp. Một trong 24 Tâm bất tương ưng hành pháp. Một phần tử giả lập dựa trên sự phân biệt âm thanh.

Danh tự

Từ điển Đạo Uyển

名字; C: míngzì; J: myōji;

Có các nghĩa sau:

  1. Danh và sắc (s: nāma-rūpa);
  2. Danh hiệu, tước vị (s: nirukti, nāman);
  3. Tên gọi và ngôn từ;
  4. Giả danh;
  5. Thuật ngữ và ngôn từ trong văn học Phật giáo.

Danh tướng

Từ điển Đạo Uyển

名相; C: míngxiāng; J: myōsō;

Có hai nghĩa:

  1. Danh và sắc, tên gọi và hình dáng; thấy được bằng mắt và nghe được bằng tai (s: nāma-saṃsthāna);
  2. Để gọi một giả danh.

Dĩ tâm truyền tâm

Từ điển Đạo Uyển

以心傳心; C: yǐxīn chuánxīn; J: ishin-denshin; tức là “Lấy tâm truyền tâm”;

Một cách diễn bày của Thiền tông, chỉ sự truyền giao Phật pháp thâm thuý từ thầy sang trò trong hệ thống truyền thừa. Danh từ này xuất phát từ Pháp bảo đàn kinh của Lục tổ Huệ Năng và sau này trở thành một danh từ quan trọng trong giới thiền. Lục tổ chỉ rõ rằng, cái được lưu trì trong truyền thống thiền không phải cái hiểu biết suông, vay mượn từ kinh sách, mà hơn nữa, một cách hiểu biết tường tận qua kinh nghiệm Kiến tính và người có thể dẫn môn đệ đến nơi này chính là một vị Thiền sư.

Di-già-ca

Từ điển Đạo Uyển

彌伽迦; S: miśaka;

Tổ thứ 6 của Thiền tông Ấn Ðộ.

Di-lặc

Từ điển Đạo Uyển

彌勒; S: maitreya, P : metteyya; dịch nghĩa là Từ Thị (慈氏), cũng có tên là Vô Năng Thắng (無能勝; s, p: ajita), hoặc theo âm Hán Việt là A-dật-đa;

Một vị Ðại Bồ Tát và cũng là vị Phật thứ năm và cuối cùng sẽ xuất hiện trên trái đất. Trong Phật giáo Tây Tạng, Phật Di-lặc được thờ cúng rất rộng rãi. Cõi giáo hoá của Ngài hiện này là trời Ðâu-suất (s: tuṣita). Theo truyền thuyết, Phật Di-lặc sẽ giáng sinh trong khoảng 30.000 năm nữa.

 

Di-lặc Bồ Tát
Di-lặc Bồ Tát

Trong hình này, Ngài chưa ngồi trên toà sen, đang ở trong tư thế chuẩn bị (nói chung là nghệ thuật vùng Bắc Ấn, Hi-mã-lạp sơn ít khi trình bày Di-lặc Bồ Tát dưới dạng ngồi). Tay Ngài bắt ấn chuyển pháp luân, có nghĩa rằng, khi xuất hiện trên thế gian, Ngài sẽ quay bánh xe pháp một lần nữa để cứu độ tất cả chúng sinh.

Tranh tượng hay vẽ Ngài ngồi trên mặt đất, biểu tượng sẵn sàng đứng dậy đi giáo hoá chúng sinh. Tại Trung Quốc, Phật Di-lặc cũng hay được biểu tượng là một vị mập tròn vui vẻ, trẻ con quấn quýt xung quanh. Theo truyền thuyết thì đó chính là hình ảnh của Bố Ðại Hoà thượng, một hoá thân của Di-lặc ở thế kỉ thứ 10. Nếu năm đức Phật xuất hiện trên trái đất nói trên được xem là hoá thân của Ngũ Phật thì Phật Di-lặc được xem như hoá thân của Thành sở tác trí (xem Phật gia, Năm trí).

Có thuyết cho rằng, chính Ngài là người khởi xướng Ðại thừa Phật giáo hệ phái Duy thức. Một số học giả cho rằng, vị này chính là Mai-tre-ya-na-tha (s: maitreyanātha), thầy truyền giáo lí Duy thức cho Vô Trước (s: asaṅga). Truyền thống Phật giáo Tây Tạng cho rằng, Ngài là tác giả của năm bài Luận (s: śāstra), được gọi là Di-lặc (Từ Thị) ngũ luận:

  1. Ðại thừa tối thượng (đát-đặc-la) tan-tra (s: mahāyānottaratantra);
  2. Pháp pháp tính phân biệt luận (s: dharmadharmatāvibaṅga);
  3. Trung biên phân biệt luận (s: madhyāntavibhāga-śāstra);
  4. Hiện quán trang nghiêm luận (s: abhisamayā-laṅkāra);
  5. Ðại thừa kinh trang nghiêm luận (s: mahāyānasūtralaṅkāra).

Di-lan-đà

Từ điển Đạo Uyển

彌蘭陀; S, P: milinda;

Di-lan-đà vấn đạo kinh

Di-lan-đà vấn đạo kinh

Từ điển Đạo Uyển


彌蘭陀問道經; P: milindapañha, cũng được gọi là Na-tiên tỉ-khâu kinh;

Bộ sách quan trọng trong Thượng toạ bộ (p: theravāda) ngoài Tam tạng. Sách này ghi lại những cuộc đàm thoại giữa vua Di-lan-đà (milinda, lịch sử châu Âu viết là menandros) gốc Hi Lạp – người đã đi chinh phục Bắc Ấn từ Peshāwar đến Pat-na – và Na-tiên tỉ-khâu. Tương truyền rằng, sau những cuộc tranh luận này, vua Di-lan-đà theo đạo Phật.

Di-lan-đà vấn đạo kinh xuất hiện trong khoảng thế kỉ thứ nhất, được lưu lại bằng một bản văn hệ Pā-li và hai bản dịch chữ Hán, có lẽ được dùng để tuyên truyền Phật giáo miền Tây Bắc Ấn Ðộ. Các câu hỏi của vua Di-lan-đà xoay quanh những vấn đề căn bản của Phật pháp như Vô ngã, tái sinh, Nghiệp, và Na-tiên giải đáp những vấn đề này bằng cách sử dụng những ẩn dụ rất thú vị.

Dịch, dị

Từ điển Đạo Uyển

易; C: yì; J: eki, i;

  1. Thay đổi, biến đổi;
  2. Kinh Dịch (易經), được dùng để tiên đoán sự biến chuyển;
  3. Dễ, dễ dàng. Đơn giản, giản dị.

Diêm Quan Tề An

Từ điển Đạo Uyển

鹽官齊安; C: yōnguān qíān; J: enkan seian; ~ 750-842;

Thiền sư Trung Quốc, một môn đệ của Mã Tổ Ðạo Nhất. Sư được nhắc lại trong Công án 91 của Bích nham lục.

Sư họ Lí, quê ở Hải Môn. Khi Sư ra đời hào quang chiếu đầy nhà. Một vị tăng lạ nói: “Sứ giả dựng cờ vô thắng, xoay mặt trời Phật soi trở lại, đâu không phải người này?” Lớn lên, nghe Mã Tổ hoằng hoá ở Giang Tây, Sư tìm đến học và được Mã Ðại sư truyền tâm ấn. Sau, Sư đến trụ viện Hải Xương tại Diêm Quan Trấn Quốc ở Hàng Châu và vì vậy thời nhân gọi là hội Diêm Quan.
Có một giảng sư đến tham vấn, Sư liền hỏi: “Toạ chủ chứa chất sự nghiệp gì?” Giảng sư đáp: “Giảng kinh Hoa nghiêm.” Sư hỏi: “Có mấy thứ Pháp giới?” Giảng sư trả lời: “Nói rộng thì lớp lớp không cùng, nói lược có bốn thứ Pháp giới.” Sư liền dựng đứng Phất tử hỏi: “Cái này là Pháp giới thứ mấy?” Giảng sư suy nghĩ lựa lời đáp, Sư bảo: “Suy mà biết, nghĩ mà hiểu là kế sống nhà quỷ, ngọn đèn côi dưới trời quả nhiên mất chiếu.”

Một vị sư tên Pháp Không đến hỏi những ý nghĩa trong kinh. Sư mỗi mỗi đáp xong, bảo: “Từ khi Thiền sư lại đến giờ, Bần đạo thảy đều không được làm chủ nhân.” Pháp Không thưa: “Thỉnh Hoà thượng làm chủ nhân lại.” Sư bảo: “Ngày nay tối rồi hãy về nghỉ ngôi, đợi sáng mai hãy đến.” Sáng hôm sau, Sư bảo Sa-di mời Thiền sư Pháp Không. Pháp Không đến, Sư nhìn sa-di bảo: “Bậy! Sa-di này không hiểu việc, dạy mời Thiền sư Pháp Không, lại mời người giữ nhà đến!” Pháp Không không đáp được.

Sau, Sư không bệnh ngồi an nhiên thị tịch, được vua ban hiệu là Ngộ Không Thiền sư.

Diêm vương

Từ điển Đạo Uyển

閻王; S, P: yama; gọi trọn âm là Diêm-ma vương hoặc Diêm-la;

Trong huyền thoại Phật giáo, thì Diêm vương là chúa tể của Ðịa ngục (s: na-raka).

Theo truyền thuyết, Diêm vương nguyên là vua của xứ Vệ-xá-li (s: vaiśālī) Trong một trận chiến tranh đẫm máu, ông ước nguyện làm vua địa ngục và quả nhiên dược tái sinh làm Diêm vương.

Diêm vương có 8 tướng quân và 80 000 binh sĩ. Mỗi ngày ba lần Diêm vương và các tướng sĩ phải chịu hình phạt bị đổ đồng sôi vào miệng cho đến khi tội ác của họ được tha thứ. Diêm vương là người phái cái già, cái chết đến cho con người, nhắc nhở họ đừng làm gì trái với đạo lí. Diêm vương có người em gái là Yami, nữ chúa cai trị nữ nhân ở địa ngục.

Diễn

Từ điển Đạo Uyển

演; C: yăn; J: en;

  1. Mở rộng;
  2. Giảng nói, giảng thuyết, giảng giải; thuyết giảng chính pháp;
  3. Thực hiện (công trình, buổi lễ, v.v…);
  4. Thi hành, trình diễn, liên hoan nhảy múa;
  5. Nghiên cứu, thực hành.

Diễn bí

Từ điển Đạo Uyển

演秘; C: yănmì; J: enbi;

Tên vắn tắt thông dụng thường gọi tác phẩm Thành duy thức luận diễn bí (成唯識論演秘).

Diện bích

Từ điển Đạo Uyển

面壁; J: menpeki; là “quay mặt nhìn tường”.

Danh từ chỉ Bồ-đề Ðạt-ma ngồi thiền đối tường chín năm tại chùa Thiếu Lâm. Vì vậy mà danh từ Diện bích trở thành đồng nghĩa với Toạ thiền. Trong tông Tào Ðộng tại Nhật, các thiền sinh thường xoay mặt vào tường ngồi thiền trong khi các vị thuộc tông Lâm Tế lại xoay mặt vào khu chính giữa của thiền đường. Trong nhiều bức tranh trình bày Bồ-đề Ðạt-ma, người ta thường vẽ Ngài xoay mặt vào một bức tường đá toạ thiền.

“Diện bích” không chỉ là yếu tố, điều kiện bên ngoài của việc tu tập thiền định – trong một ý nghĩa thâm sâu khác thì nó mô tả tâm trạng của một hành giả tham thiền. Vị này một mặt muốn tiến bước trên con đường tu tập để đạt giác ngộ, mặt khác lại bị đoạt hết những phương pháp hỗ trợ, những khái niệm về đường đi và mục đích trong khi tu thiền và vì vậy phải đứng trước một tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”, không thể tiến lên một bước như đứng trước một bức tường vĩ đại. Tâm trạng này và sự tuyệt vọng phát sinh từ đây có thể là một yếu tố để thiền sinh xả bỏ tất cả những ý nghĩ, nguyện vọng, khái niệm và mục đích, hoát nhiên nhảy một bước phá vỡ bức tường nhị nguyên – phá vỡ ở đây có nghĩa là sự trực nhận rằng, bức tường này xưa nay chưa hề có.

Diễn nghĩa

Từ điển Đạo Uyển

演義; C: yănyì; J: engi;

Đề ra và giải thích ý nghĩa hay thực chất của vấn đề.

Diễn sướng

Từ điển Đạo Uyển

演暢; C: yănchàng; J: enchō;

Giảng giải rõ ràng, trình bày chi tiết, truyền dạy, truyền bá (s: niścarati).

Diễn thuyết

Từ điển Đạo Uyển

演説; C: yănshuō; J: enzetsu; S: deśanā

Giảng giải giáo lí, đặc biệt trước đại chúng.

Diệp Huyện Quy Tỉnh

Từ điển Đạo Uyển

葉縣歸省; C: yèxiàn guīshěng; tk. 10-11;

Thiền sư Trung Quốc, thuộc tông Lâm Tế, môn đệ đắc pháp của Thủ Sơn Tỉnh Niệm.
Sư họ Cổ, quê ở Kí Châu xuất gia thụ giới lúc còn trẻ. Trong lúc du phương, Sư đến tham vấn Thủ Sơn. Một hôm, Thủ Sơn đưa một khúc tre lên hỏi: “Gọi là Trúc bề thì xúc phạm, chẳng gọi trúc bề thì trái, vậy gọi là cái gì?” Sư chụp trúc bề, ném xuống đất, nói: “Là cái gì?” Thủ Sơn bảo: “Mù!” Sư nhân đây triệt ngộ.
Sư cùng một vị tăng đi đường, nhân thấy một tử thi, tăng hỏi: “Xe ở đây mà trâu ở đâu?” Sư đáp: “Ngươi đã bước chân đi.” Tăng thưa: “Trâu cũng không mà đi cái gì?” Sư bảo: “Ngươi đã không trâu, tại sao đạp nát gót chân?” Tăng thưa: “Thế ấy là chính từ Diệp Huyện đến.” Sư bảo: “Chớ chạy loạn!”
Có vị tăng hỏi về Công án ›Cây tùng của Triệu Châu.‹ Sư bảo: “Ta chẳng tiếc nói với ngươi, mà ngươi có tin không?” Tăng thưa: “Lời của Hoà thượng quý trọng, con đâu dám chẳng tin.” Sư bảo: “Ngươi lại nghe giọt mưa rơi trước thềm chăng?” Vị tăng hoát nhiên có ngộ nhập, bấc giác thốt lên “Chao!” một tiếng. Sư hỏi: “Ngươi thấy đạo lí gì?” Vị tăng bèn làm bài tụng:

Thiềm đầu thuỷ đích
Phân minh lịch lịch
Ðả phá càn khôn
Ðương hạ tâm tức.
*Giọt mưa trước thềm
Rành rẽ rõ ràng
Ðập nát càn khôn
Liền đó tâm dứt.

Sư có chút bệnh, biết mình sắp tịch. Vị tăng khám bệnh đến, hỏi: “Hoà thượng Tứ đại vốn Không, bệnh từ chỗ nào đến?” Sư đáp: “Từ chỗ Xà-lê hỏi đến.” Tăng thưa: “Khi con chẳng hỏi thì sao?” Sư đáp: “Xuôi tay nằm dài trong hư không.” Tăng thốt lên “Chao!” Sư liền tịch.

Diệt

Từ điển Đạo Uyển


滅; C: miè; J: metsu;

  1. Chấm dứt, kết thúc, dừng, xoá sạch, phủ nhận, huỷ diệt. Trong Phật giáo, thường đề cập đến sự trừ diệt phiền não – do vậy, có nghĩa là Niết-bàn. Là tướng thứ tư trong Tứ tướng (四相);
  2. Quan niệm vũ trụ như là thực thể hoàn toàn không (vô 無), thuyết hư vô.

Diệt đạo úy

Từ điển Đạo Uyển

滅道畏; C: mièdàowèi; J: metsudōi;

Nỗi sợ quy về hai chân lí Diệt đế và Đạo đế. Người mê đắm trong luân hồi trở nên sợ hãi khi đối diện với giáo pháp thanh tịnh, khi nó đặt vấn đề về khả năng tương tục của họ trong đời sống hiện tại.

Diệt đế

Từ điển Đạo Uyển

滅諦; C: mièdì; J: metsutai;

Chân lí về sự diệt trừ khổ (s: nirodha-satya), do Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đưa ra, cho rằng mọi khổ đau rồi sẽ được trừ diệt; là 1 trong Tứ diệu đế. Còn gọi là Diệt thánh đế (滅聖諦) và Khổ diệt đế (苦滅諦).

Diệt định

Từ điển Đạo Uyển


滅定; C: mièdìng; J: metsujō;

Cảnh giới định đạt đến sự đình chỉ hoàn toàn tâm hành. Xem Diệt tận định (滅盡定).

Diệt độ

Từ điển Đạo Uyển


滅度; C: mièdù; J: metsudo;

  1. Niết-bàn (s: nirvāṇa, parinirvāṇa);
  2. Sự hoại diệt hoàn toàn mọi khổ đau thể xác và tinh thần;
  3. Sự nhập diệt của Đức Phật;
  4. Sự không tồn tại, sự chấm dứt.

Diệt Hỉ

Từ điển Đạo Uyển

滅喜; S: vinītaruci; là tên dịch nghĩa, dịch ra âm Hán Việt là Tì-ni-đa Lưu-chi.

Tì-ni-đa Lưu-chi.

Diệt tận định

Từ điển Đạo Uyển

滅盡定; C: miè jìn dìng; J: metsujinjō; S, P: nirodha-samāpatti;

Một loại định rất sâu, trong đó mọi tâm hành đều được tiêu diệt hoàn toàn. Theo học thuyết A-tì-đạt-ma Câu-xá luận, đó là 1 trong 14 pháp tâm bất tương ưng hành, và theo giáo lí Duy thức, đó là 1 trong 24 tâm bất tương ưng hành pháp. Khi định nầy được thành thục, thì mạt-na thức cũng được chuyển hoá, và hành giả sẽ được sinh ở cõi trời Hữu đỉnh thứ tư của cõi Sắc. Do định nầy có năng lực diệt trừ sạch các tâm sở trong mạt-na thức, nên nó được xem là thiền định của bậc thánh tu tập. Do hành giả căn cơ thấp kém và hàng ngoại đạo sợ rằng tự ngã sẽ diệt mất, nên họ không dám thâm nhập rốt ráo vào định nầy. Còn được gọi là “Diệt thụ tưởng định”. Chủng tử của tâm phẫn nộ được tạo thành trên cơ sở định nầy.

Diệt thánh đế

Từ điển Đạo Uyển

滅聖諦; C: mièshèngdì; J: metsushōtai;

Chân lí về sự diệt trừ khổ. Diệt đế (滅諦).

Diệt tội

Từ điển Đạo Uyển


滅罪; C: mièzuì; J: metsuzai;

  1. Chuyển hoá các chủng tử nghiệp gây tội lỗi bằng những hành vi như sám hối (懺悔), niệm Phật (念佛), trì tụng đà-la-ni (陀羅尼), v.v…
  2. Người đã diệt trừ được mọi tội lỗi của mình.

Đức Phật.

Diệu mẫu

Từ điển Đạo Uyển


曜母; C: yàomŭ; J: yōmo;

Tên một vị nữ thần (s: grāha-mātṛkā).

Diệu Nhân

Từ điển Đạo Uyển


妙因; 1041-1113

Nữ Thiền sư Việt Nam, thuộc phái Tì-ni-đa Lưu-chi đời thứ 17. Sư nối pháp Thiền sư Chân Không.

Sư tên Ngọc Kiều, là trưởng nữ của Phụng Loát Vương. Thuở nhỏ, Sư đã có phong cách thuần hậu, đoan trang, được vua Lí Thánh Tông nuôi trong cung. Lớn lên, vua gả cho một người họ Lê. Khi chồng sớm qua đời, Sư tự thệ thủ tiết không chịu tái giá.
Một hôm, Sư tự than: “Ta xem tất cả Pháp trong thế gian như giấc mộng, huyễn ảo, huống là các thứ phù vinh mà đáng trông cậy sao!” Sau đó, Sư đem tất cả tư trang ra bố thí và xuất gia cầu đạo. Sư đến Thiền sư Chân Không tại làng Phù Ðổng xin xuất gia Thụ giới Bồ Tát. Chân Không ban cho pháp danh Diệu Nhân và truyền yếu chỉ Thiền tông. Sau đó, Chân Không khuyên Sư đến làng Phù Ðổng, Tiên Du trụ trì chùa Hương Hải (cũng được gọi là chùa Linh Ứng). Tại đây, Sư thường dạy chúng: “Chỉ tính mình trở về nguồn, đốn tiệm liền tuỳ đó mà vào.”

Thường ngày, Sư chỉ ngồi lặng lẽ, không thích thanh sắc, ngôn ngữ. Có người thấy vậy liền hỏi: “Tất cả chúng sinh bệnh nên ta bệnh, tại sao lại kị sắc thanh?” Sư dùng kệ trong kinh Kim cương đáp: “Bằng dùng sắc thấy ta, âm điệu nhận ra ta, người ấy hành tà đạo, hẳn không thấy được ta.” Lại hỏi: “Tại sao ngồi yên?” Sư đáp: “Xưa nay không đi.” Hỏi: “Thế nào chẳng nói?” Sư đáp: “Ðạo vốn không lời.”
Năm Hội Tường Ðại Khánh thứ tư, ngày mùng 1 tháng 6, Sư có bệnh gọi chúng lại nói kệ:

生老病死。自古常然。欲求出離。解縛添纏
迷之求佛。惑之求禪。禪佛不求。枉口無言

Sinh lão bệnh tử, tự cổ thường nhiên.
Dục cầu xuất li, giải phược thiêm triền.
Mê chi cầu Phật, hoặc chi cầu Thiền.
Thiền Phật bất cầu, uổng khẩu vô ngôn.
*Sinh già bệnh chết, xưa nay lẽ thường
Muốn cầu thoát ra, mở trói thêm ràng
Mê đó tìm Phật, lầm đó cầu Thiền
Phật Thiền chẳng cầu, uổng miệng không lời.
Nói kệ xong, Sư cạo tóc, tắm rửa rồi ngồi kết già viên tịch, thọ 72 tuổi.

Diệu pháp liên hoa kinh

Từ điển Đạo Uyển


妙法蓮華經; S: saddharmapuṇḍarīka-sūtra; cũng được gọi ngắn là kinh Pháp hoa;

Một trong những bộ kinh Ðại thừa quan trọng nhất, được lưu hành rộng rãi ở Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Tạng và Việt Nam. Tông Thiên Thai lấy kinh này làm căn bản giáo pháp. Nội dung kinh này chứa đựng quan điểm chủ yếu của Ðại thừa, đó là giáo pháp về sự chuyển hoá của Phật tính và khả năng giải thoát. Kinh này do đức Phật giảng trong cuối đời Ngài, được kết tập trong khoảng năm 200 (Tây lịch).
Kinh này do Phật giảng trên đỉnh Linh Thứu cho vô số người nghe gồm có nhiều loài khác nhau. Trong kinh này, Phật chỉ rõ, tuy có nhiều cách để giác ngộ, nhưng chúng chỉ là phương tiện nhất thời và thật tế chúng chỉ là một. Các phương tiện khác nhau như Thanh văn thừa, Ðộc giác thừa hay Bồ Tát thừa thật ra chỉ khác nhau vì phải cần phù hợp vào căn cơ của hành giả. Phật chỉ tuỳ cơ duyên, sử dụng các Phương tiện (s: upāya) mà nói Ba thừa nhưng thật chất chỉ có Phật thừa (s: buddhayāna) – nó dẫn đến Giác ngộ và bao trùm cả Ðại thừa lẫn Tiểu thừa. Quan điểm này được làm sáng tỏ bằng ẩn dụ, trong đó một người cha muốn cứu những đứa con ra khỏi một cái nhà đang cháy. Vì những đứa trẻ không chịu nghe lời chạy ra khỏi nhà, người cha đành phải hứa với mỗi đứa cho một món quà tuỳ theo ý thích của chúng, đứa thì được con nai, con dê, xe trâu… để chúng chịu ra ngoài.

Kinh này còn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Tín tâm (s: śraddhā) trên bước đường giải thoát. Sau khi Phật giảng tới đó thì các vị Phật và Bồ Tát tuyên bố hỗ trợ kẻ tu hành để tăng phần tín tâm. Một phẩm quan trọng của kinh này với tên Phổ môn (普門品) được dành cho Quán Thế Âm, trong đó vị Bồ Tát này nói rất rõ sự hộ trì của mình đối với người tu học kinh Pháp hoa. Phẩm Phổ môn này được Phật tử Trung Quốc và Việt Nam đặc biệt ưa thích và tụng đọc.

Trong kinh này, đức Phật không còn được xem là vị Phật lịch sử nữa mà Ngài là dạng xuất hiện của Pháp thân (s: dharmakāya; Ba thân), là thể tính đích thật của muôn loài. Mỗi chúng sinh đều xuất phát từ dạng chuyển hoá này của Phật tính và vì vậy đều có thể trở về với chân tính của mình, trở thành một vị Phật.

Diệu Tâm tự

Từ điển Đạo Uyển


妙心寺; J: myōshin-ji;

Một ngôi chùa danh tiếng, thuộc tông Lâm Tế tại Kinh Ðô (j: kyōto), Nhật Bản, được Thiền sư Quan Sơn Huệ Huyền (j: kanzan egen, 1277-1360) khai sáng.

Chùa này được Thiền sư Huệ Huyền – vì vâng lệnh Hoa Viên Thiên hoàng – sửa đổi từ li cung của ông mà thành. Ban đầu, chùa này chỉ là một ngôi nhà nhỏ, sụp nát, mưa chảy cả vào trong. Nơi đây, Thiền sư Huệ Huyền dẫn dắt môn đệ rất kĩ lưỡng, nghiêm khắc. Một lần nọ, Quốc sư Mộng Song Sơ Thạch (j: musō sōseki) đến viếng thăm và khi trở về, sư bảo các vị đệ tử của mình rằng “tương lai của Thiền Lâm Tế nằm tại Diệu Tâm tự.”

Dòng Lâm Tế sau chủ yếu lấy chùa này làm trung tâm mà phát triển. Ðến pháp tôn đời thứ sáu là Tuyết Giang Tông Thâm (sekkō sáshin, 1408-1486) thì chia thành 4 phái và trở thành chủ lực lớn nhất của Thiền tông Nhật Bản.

Do-tuần

Từ điển Đạo Uyển


由旬; S: yojana;

Ðôn vị chiều dài của Ấn Ðộ thời xưa hay được dùng trong kinh sách đạo Phật. Ðó là khoảng cách binh sĩ đi một ngày đường, khoảng 15-20 km.

Drug-pa Kun-leg

Từ điển Đạo Uyển


T: drugpa kunleg [‘brug-pa kun-legs], 1455-1570, nghĩa là “Con rồng tốt bụng”;

Một trong những “Cuồng Thánh” nổi tiếng nhất Tây Tạng. Sư trước học theo dòng Drug-pa trong tông Ca-nhĩ-cư (t: kagyupa), sau đó lại thích du phương tuỳ duyên giáo hoá.

Sư được xem là hiện thân của hai vị Ma-ha Tất-đạt (s: mahāsiddha) Sa-ra-ha và Sa-va-ri-pa (s: śa-varipa). Sư có công lớn trong việc truyền Phật pháp đến nước Bhutan và nổi danh trong quần chúng vì sự “mê” gái và rượu bia. Sư để lại nhiều bài hát thổ lộ điều nhận thức chân lí trực tiếp của mình, có thể so sánh được với những bài kệ của những vị Thiền sư Trung Quốc – ví như:

Tên ta là rồng điên, Drug-pa Kun-leg
Ta không phải du tăng xin ăn, xin áo
Ta đã xuất gia hành hương
Một cuộc hành hương bất tận.

Sư là biểu tượng đặc sắc nhất của những vị Ma-ha Tất-đạt với nhiều gương mặt khác nhau, nếu không nói là nghịch nhau. Mặt nạ cuồng điên tạo điều kiện sinh sống, hoằng hoá tự do tự tại, vượt qua tất cả những luân lí trói buộc của thế gian. Và chính vì những hành động điên rồ này mà Sư đã chinh phục được nhiều người ở những tầng cấp xã hội khác, những người không thể thuyết phục được bằng những lời thuyết pháp bình thường. Sư tự hát:

Vũ sư trong dòng ảo ảnh bất diệt
Người có uy quyền, … Vị anh hùng…
Du-già sư nhỏ bé… Tiên tri
Du-già sư, người đã nếm Nhất vị
Ðó chỉ là một vài mặt nạ ta mang.

Câu chuyện sau thường được nhắc lại và qua đó người ta có thể lường được phong cách “cuồng” nhưng siêu việt của Sư:
Một ngày nọ, có một bà cụ già tay cầm một bức Thăng-ka vào một tu viện cầu mong vị viện chủ ban phép lành cho bức ảnh này – một tục lệ phổ biến tại Tây Tạng, gần giống như việc Khai nhãn một tượng Phật hoặc Bồ Tát tại Ðông, Ðông nam á. Bức tranh của bà lão trình bày vị Hộ Thần Hê-ru-ka và được cuốn tròn để dễ cầm tay. Vừa đi đến tu viện – vốn nằm trên một ngọn đồi – bà lão tự nghĩ “Viện chủ là một người tài cao đức rộng, nhưng sư đệ của ông lại là một người phiêu bồng, không bằng một phần của viện chủ.” Vừa mới phát ý nghĩ này thì Drug-pa Kun-leg xuất hiện trước mặt bà như một bóng ma, hỏi bà muốn gì và bảo rằng: “Sư huynh của ta ngồi như một lĩnh chúa với đám tuỳ tòng, ngoài sự việc này ra thì chẳng có gì đáng xem trên ấy cả.” Chần chừ giây lâu, bà lão đành phải trình bày nguyện vọng của mình và mở bức tranh cho Sư xem. Sư hỏi với một giọng ngớ ngẩn: “Bức tranh này mà Bà muốn ban phép à?” Bà thưa: “Tất nhiên là con muốn” nhưng chưa kịp nói thêm thì Sư đã vạch quần, tiểu tiện vào bức tranh và bảo: “Những người như ta thì ban phép lành cho mọi thứ tranh ảnh thế này đây.” Nói xong, Sư biến mất một cách đột ngột như lúc xuất hiện. Gặp viện chủ, bà lão trình lại sự việc trên và chỉ nhận được một tràng cười to. Viện chủ bảo bà cứ mở bức tranh ra xem và lạ thay, bức tranh lúc này đã được phủ một lớp bụi vàng óng ánh. Viện chủ tươi cười bảo: “Hê-ru-ka đã tự mình ban phép cho bức tranh, bà không cần tôi nữa đâu.”

Dự lưu

Từ điển Đạo Uyển


預流; S: śrotāpanna; P: sotāpanna; dịch theo âm Hán Việt là Tu-đà-hoàn;

Chỉ một người mới nhập dòng, đạt quả thứ nhất của Thánh đạo (ārya-mārga), trước đó là một bậc Tuỳ tín hành (s: śraddhānusārin) hay bậc Tuỳ pháp hành (s: dharmānusārin). Bậc dự lưu là người đã giải thoát ba Trói buộc đầu tiên là ngã kiến, nghi ngờ và giới cấm thủ (bám vào quy luật), nhưng vẫn còn Ô nhiễm (s: kleśa) dính mắc. Bậc dự lưu sẽ tái sinh nhiều nhất là bảy lần, sau đó đạt giải thoát; nếu thoát được Ái dục (s: kāma-tṛṣṇā) và sân hận thì chỉ cần tái sinh hai hay ba lần nữa.

Du-già

Từ điển Đạo Uyển

瑜伽; S, P: yoga; nguyên nghĩa “tự đặt mình dưới cái ách”;
Có nghĩa là phương pháp để đạt tiếp cận, thống nhất với “Tuyệt đối”, “Thượng Ðế” Vì có nhiều cách tiếp cận nên Du-già là một khái niệm rất rộng.

Ngay trong Ấn Ðộ giáo, người ta đã kể nhiều cách khác nhau phù hợp với căn cơ của mỗi hành giả. Các quan niệm đạo lí tại phương Tây, nhất là sự tiếp cận với Thượng Ðế cũng chính là Du-già, đó là Hành động vị tha du-già (karmayoga), Thương yêu (Thượng Ðế) du-già (bhaktiyoga), Trí huệ du-già (jñāna-yoga)

Tại phương Tây, ngày nay nói đến Du-già là người ta nghĩ đến Ha-ṭha du-già (tập luyện thân thể), phối hợp với phép niệm hơi thở. Phương pháp Du-già thân thể này, đối với Ấn Ðộ, chỉ là giai đoạn chuẩn bị cho một Du-già thuộc về tâm thức sau này, đó là các phép thiền quán khác nhau.

Du-già không phải phương pháp riêng tư của tư tưởng Ấn Ðộ. Tất cả mọi hoạt động, từ những phép tu huyền hoặc tại châu Á đến các buổi cầu nguyện trong nhà thờ Thiên chúa giáo đều có thể gọi là Du-già. Trong đạo Phật, thiền và các phép tu theo Tan-tra cũng được gọi là Du-già và các vị Ma-ha Tất-đạt (s: mahāsiddha) như Mật-lặc Nhật-ba (t: milarepa) là Du-già sư (s: yogin).

Du-già hành tông

Từ điển Đạo Uyển

瑜伽行宗; S: yogācāra;

Một tên khác của Duy thức tông. Danh từ này được Vô Trước (s: asaṅga) sử dụng trong các tác phẩm của mình vì có lẽ Sư đặc biệt chú trọng đến việc thực hành Du-già. Danh từ Duy thức (s: vijñāptimātratā) hoặc Thức học (s: vijñānavāda) thường được Thế Thân (s: vasubandhu) sử dụng.

Du-già sư

Từ điển Đạo Uyển

瑜伽師; S: yogi, yogin, sādhaka, tantrika; hoặc Du-già tăng;

Chỉ người tu tập Du-già (s: yoga), đặc biệt là những người tu tập theo các Tan-tra, danh từ dùng cho nữ giới là Du-già ni (s: yoginī).
Thật sự thì không có sự khác biệt nào giữa một Du-già sư và một Tỉ-khâu về mặt tu tập thực hiện thiền định, nhưng danh từ Du-già sư thường được dùng để chỉ những người tu tập “tự do” hơn, không Thụ giới tỉ-khâu và cũng không sống cố định trong một Tinh xá.

Du-già sư địa luận

Từ điển Đạo Uyển

瑜伽師地論; S: yogācārabhūmi-śāstra;

Tác phẩm cơ bản của Duy thức và Pháp tướng tông, tương truyền do Vô Trước (s: asaṅga) viết theo lời giáo hoá của Bồ Tát Di-lặc (s: maitreya), đức Phật tương lai. Có người cho rằng tác phẩm này của Mai-tre-ya-na-tha (s: maitreyanātha), một ứng thân của Di-lặc trong thế kỉ thứ 5. Ðây là một bộ luận tầm cỡ nhất của đạo Phật, trình bày toàn bộ giáo lí của Duy thức tông.

Ngày nay nguyên bản Phạn ngữ (sanskrit) chỉ còn một phần, nhưng toàn bộ bằng chữ Hán và chữ Tây Tạng vẫn còn được lưu giữ. Nổi danh nhất là bản dịch của Huyền Trang, bao gồm 100 quyển.

Tác phẩm này được viết bằng văn vần và chia làm 5 phần:

  1. Bản địa phần (s: yogācarābhūmi): bao gồm 17 “địa”, tức là những cảnh giới thiền quán Du-già cấp bậc tu tập của một Bồ Tát (xem Thập địa) để tiến đến giác ngộ, là phần chính của luận;
  2. Nhiếp quyết trạch phần (s: nirṇayasaṃgrahavini-ścayasaṃgrahaṇī): luận giải sâu xa về các địa;
  3. Nhiếp thích phần (s: vivaraṇasaṃgraha), giải thích các bộ kinh làm căn bản cho luận này;
  4. Nhiếp dị môn phần (s: paryāyasaṃgraha), giải thích sự sai biệt về danh nghĩa của các pháp được nêu trong các kinh đó;
  5. Nhiếp sự phần (s: vastusaṃgraha), luận giải về Tam tạng.

Dục

Từ điển Đạo Uyển


欲 (慾); S, P: kāma;

欲; C: yù; J: yoku;

  1. Mong muốn, ao ước, mong mỏi;
  2. Lòng tham muốn, sự thèm khát, sự đam mê. Thèm muốn.
    1. [Phật học] Thường có nghĩa là “khát ái, ái dục, tham dục, ái trước” (s: tṛṣṇā, raga);
    2. Theo A-tì-đạt-ma Câu-xá luận, đó là một tâm sở pháp: mong cầu ái dục, khát ái, mong muốn những đối tượng thoả mãn ái dục (s: chanda, āśaya);
  3. Theo giáo lí Du-già hành tông, đó là tâm sở pháp mong mỏi đón nhận những cảm thụ mà nó thích. Thuộc nhóm Biệt cảnh, là một trong 5 nhóm thuộc Tâm bất tương ưng hành pháp;
  4. Cõi Dục;
  5. Tham muốn tình dục giữa nam và nữ.

Theo đạo Phật, dục là một trong những chướng ngại lớn nhất của sự tu học. Người ta phân biệt năm thứ dục dựa trên năm giác quan: sự tham ái về sắc, về thanh âm, về hương, về mùi vị, về thân thể. Dục là một trong Ba độc (Ái, tham, ham muốn), Năm chướng ngại (s: nīvaraṇa) và một trong những Ô nhiễm (s: āśrava).

Dục bạo lưu

Từ điển Đạo Uyển

欲暴流; C: yùbàoliú; J: yokubōru;

Dòng chảy mãnh liệt của ái dục (s: kāma-ogha), đặc biệt theo hướng 5 trần cảnh. Là một trong Tứ bạo lưu. Tương đương nghĩa Dục lậu (欲漏).

Dục cầu

Từ điển Đạo Uyển

欲求; C: yùqiú; J: yokugu;

Ái dục, khát ái, khát khao ái dục. Tâm tham muốn mọi vật trong dục giới.

Dục giới

Từ điển Đạo Uyển

欲界; C: yùjiè; J: yokukai; S, P: kāmaloka, kāmadhātu;

Cõi Dục (s: kāma-dhātu).

  1. Một trong 3 cõi Hữu, trong đó tâm thức con người là chủ thể của sự tham muốn thực phẩm, tình dục và ngủ nghỉ;
  2. Trạng thái khát ái của tâm thức. Ba thế giới.

Dục lậu

Từ điển Đạo Uyển


欲漏; C: yùlòu; J: yokuro; S: kāmāsrava; P: kāmāsava.

Phiền não hay “lậu” trong cõi Dục. Phiền não do mê chấp vào đối tượng ái dục. Là một trong Tam lậu (三漏).

Dục thủ

Từ điển Đạo Uyển

欲取; C: yùqŭ; J: yokushu;

Dính mắc vào ái dục, đặc biệt là 5 trần cảnh (s: kāmopādāna). Một trong Tứ thủ (四取).

Duệ trí

Từ điển Đạo Uyển


叡智; C: ruìzhì; J: eichi;

Trí huệ, nhìn xa trông rộng, thông minh.

Dũng kiện

Từ điển Đạo Uyển


勇健; C: yǒngjiàn; J: yōken;

Có các nghĩa sau:

  1. Kiên cố, hùng mạnh (s: ṛddha);
  2. Tiếng Hán dịch chữ Yakṣa (Dạ-xoa 夜叉) từ tiếng Phạn;
  3. Tên của một vị Tăng Nhật Bản.

Dũng phục định

Từ điển Đạo Uyển


勇伏定; C: yǒngfúdìng; J: yōfukujō;

Tiếng Hán dịch nghĩa từ chữ Śūrāṃgama-samādhi. Thủ-lăng-nghiêm tam-muội (首楞嚴三昧).

Dũng Thí

Từ điển Đạo Uyển


勇施; C: yǒngshī; J: yōse;

Có hai nghĩa:

  1. Tên của một vị Bồ Tát (theo kinh Pháp Hoa);
  2. Tên của một vị tăng được đề cập trong kinh Tịnh nghiệp chướng (淨業障經). Vị tăng này yêu cô con gái của một nhà giàu. Khi chồng cô ta nghi ngờ muốn giết vị tăng, thì vị tăng giết ông ta trước. Tâm hối hận vì nghiệp ác nầy đã khiến vị tăng nỗ lực tu tập, đạt được Vô sinh pháp nhẫn (無生法忍).

Dược Sơn Duy Nghiễm

Từ điển Đạo Uyển

藥山惟儼; C: yàoshān wéiyǎn; J: yakusan igen; 745-828 hoặc 750-834;

Thiền sư Trung Quốc. Môn đệ xuất sắc của Thạch Ðầu Hi Thiên và Mã Tổ Ðạo Nhất Thiền sư. Nối pháp của Sư có nhiều người, trong đó Ðạo Ngô Viên Trí, Vân Nham Ðàm Thạnh và Thuyền Tử Ðức Thành (Hoa Ðình Thuyền Tử) là ba vị được sử sách nhắc đến nhiều nhất.
Sư họ Hán, người ở Ráng Châu, Sơn Tây, xuất gia năm 17 tuổi. Sư học thông kinh luận, nghiêm trì giới luật nhưng vẫn không nắm được yếu chỉ, tự than rằng: “Bậc đại trượng phu nên xa lìa các pháp để giữ mình trong sạch, nào ai có thể tỉ mỉ làm những việc nhỏ.”

Sư đến tham vấn Thạch Ðầu Hi Thiên và hỏi: “Ba thừa mười hai phần giáo con còn hiểu sơ, đến như thường nghe phương Nam nói ›chỉ thẳng tâm người, thấy tính thành Phật “thật con mù tịt. Cúi mong Hoà thượng từ bi chỉ dạy.” Thạch Ðầu bảo: “Thế ấy cũng chẳng được, không thế ấy cũng chẳng được, thế ấy không thế ấy đều chẳng được, ngươi làm sao.” Sư mờ mịt không hiểu, Thạch Ðầu liền bảo: “Nhân duyên của ngươi không phải ở đây, hãy đến Mã Ðại sư.”

Sư đến Mã Tổ thưa lại câu đã trình với Thạch Ðầu. Mã Tổ bèn nói: “Ta có khi dạy y nhướng mày chớp mắt, có khi không dạy y nhướng mày chớp mắt. Có khi nhướng mày chớp mắt là phải, có khi nhướng mày chớp mắt là không phải, ngươi làm sao?” Ngay câu này Sư đạt yếu chỉ, bèn lễ bái. Mã Tổ hỏi: “Ngươi thấy đạo lí gì lễ bái?” Sư thưa: “Con ở chỗ Thạch Ðầu như con muỗi đậu trên trâu sắt.” Mã Tổ bảo: “Ngươi đã biết như thế, phải khéo gìn giữ.” Sau khi hầu Mã Tổ ba năm, Sư trở về Thạch Ðầu và được truyền Tâm ấn nơi đây.
Rời Thạch Ðầu, Sư đến Dược Sơn Lễ Châu, môn đệ theo học rất đông. Một hôm có vị tăng hỏi: “Tổ sư chưa đến nước này, nước này có ý Tổ sư chăng?” Sư đáp: “Có.” Tăng lại hỏi: “Ðã có ý Tổ sư, lại đến làm gì?” Sư lại đáp: “Bởi có, cho nên đến.”

Ðời Ðường niên hiệu Thái Hoà, năm thứ tám, tháng hai, sắp thị tịch, Sư kêu to: “Pháp đường ngã! Pháp đường ngã!” Ðại chúng đều mang cột đến chống, Sư liền khoát tay bảo: “Các ngươi không hiểu ý ta.” Nói rồi Sư từ giã chúng thị tịch, thọ 84 tuổi, 60 tuổi hạ. Vua sắc phong là Hoằng Ðạo Ðại sư.

Dược Sư Phật

Từ điển Đạo Uyển

藥師佛; S: bhaiṣajyaguru-buddha; J: yakushi; gọi đầy đủ là Dược Sư Lưu Li Quang Phật (s: bhaiṣajyaguruvaidūrya-prabha-buddha);
Vị Phật đại diện cho sự trọn vẹn của Phật quả. Ngài ngự cõi phía đông (Tịnh độ), tranh tượng hay vẽ tay trái Ngài cầm thuốc chữa bệnh, tay mặt giữ Ấn thí nguyện.

Phật Dược Sư thường được thờ chung với Phật Thích-ca Mâu-ni và A-di-đà, trong đó Ngài đứng bên trái còn Phật A-di-đà đứng bên mặt đức Thích-ca. Trong kinh Dược Sư – hiện nay chỉ còn bản chữ Hán và chữ Tây Tạng – người ta đọc thấy 12 lời nguyện của Ngài, thệ cứu độ chúng sinh, với sự giúp đỡ của chư Phật, Bồ Tát và 12 vị Hộ Pháp và Thiên vương.

Hình Phật Dược Sư

Trong các tranh tượng, Ngài luôn luôn được trình bày với những cây cỏ có vị thuốc (dược thảo). Trong hình này, tay phải Ngài bắt ấn thí nguyện (cho phép, s: varada-mudrā) và cầm một nhánh cây Myrobalan (s: harītakī, tên khoa học là terminalia bellerica, người Việt gọi là cây Bàng biển. Cây này cho hạt màu xám nhung với tinh dầu có tác dụng nhuận trường). Tay trái của Ngài cầm bình bát, cũng có lúc cầm một hộp linh dược.

Tại Trung Quốc, Tây Tạng, Nhật Bản và Việt Nam, Phật Dược Sư được thờ cúng rộng rãi. Các lời nguyện của Phật Dược Sư:

  1. Phát hào quang chiếu sáng mọi chúng sinh;
  2. Cho chúng sinh biết đến Nhất thiết trí của mình;
  3. Cho chúng sinh thực hiện được ước nguyện;
  4. Hướng dẫn chúng sinh đi trên đường Ðại thừa;
  5. Giúp chúng sinh giữ giới hạnh;
  6. Giúp chúng sinh chữa lành các thứ bệnh do sáu giác quan sinh ra;
  7. Chữa bệnh thuộc về thân tâm cho mọi chúng sinh;
  8. Cho phụ nữ tái sinh trở thành nam giới;
  9. Tránh cho chúng sinh khỏi rơi vào tà kiến và giúp trở về chính đạo;
  10. Tránh cho chúng sinh khỏi tái sinh trong thời mạt kiếp;
  11. Ðem thức ăn cho người đói khát;
  12. Ðem áo quần cho người rét mướt.