Chân Dung Tông Diễn

Từ điển Đạo Uyển


真融宗演; 1640-1711

Thiền sư Việt Nam, thuộc tông Tào Ðộng đời thứ 37, dòng được truyền sang miền Bắc. Sư nối pháp Thiền sư Thông Giác Thuỷ Nguyệt.

Sử sách không ghi rõ tên tục của Sư, chỉ biết rằng, Sư mất cha lúc còn nhỏ và được mẹ nuôi nấng. Một hôm, mẹ Sư dặn ở nhà nấu canh cáy (là con còng, một loài cua). Thấy những con cáy sủi bọt dường như khóc, Sư không nỡ bỏ vào cối giã và đem phóng sinh hết. Vì trái ý mẹ nên Sư bị ăn đòn và sợ hãi, quay lưng chạy một mạch đi biệt tích.
Cuộc đời phiêu bạt của Sư sau đó không được nghe nhắc đến. Chỉ biết rằng, nghe tin Thiền sư Thông Giác từ Trung Quốc trở về trụ trì chùa Vọng Lão trên núi Yên Tử, Sư đến yết kiến. Thông Giác hỏi: “Như khi ta đang nghỉ, đợi đến bao giờ mới có tin tức?” Sư đáp: “Ðúng Ngọ thấy bóng tròn, giờ Dần mặt trời mọc.” Thông Giác hỏi: “Bảo nhậm thế nào?” Sư trình kệ:

應有萬緣有。隨無一切無
有無俱不立。日耿本當晡

Ưng hữu vạn duyên hữu
Tuỳ vô nhất thiết vô
Hữu vô câu bất lập
Nhật cảnh bản đương phô
*Cần có muôn duyên có
Ưng không tất cả không
Có không, hai chẳng lập
Ánh nhật hiện lên cao.
Thông Giác bước xuống bảo: “Tào Ðộng hợp quân thần, tiếp nối dòng của ta. Nên cho ngươi pháp danh Tông Diễn” và nói kệ truyền pháp:

一切法不生。一切法不滅
佛佛祖祖傳。蘊空蓮頭舌
Nhất thiết pháp bất sinh
Nhất thiết pháp bất diệt
Phật Phật Tổ Tổ truyền
Uẩn không liên đầu thiệt.
*Tất cả pháp chẳng sinh
Tất cả pháp chẳng diệt
Phật Phật Tổ Tổ truyền
Uẩn không sen đầu lưỡi.

Hơn ba mươi năm sau, khi đã trở thành một Hoà thượng trụ trì, Sư nhớ đến mẹ liền về quê cũ tìm kiếm. Gặp mẹ tại một quán nước, Sư nhận ra ngay sau vài câu dọ hỏi. Sư mời bà về chùa ở cùng với tăng chúng – lúc này Sư vẫn không để lộ tung tích của chính mình – và tuỳ khả năng mà tu tập hoặc phụ giúp chúng công tác. Mỗi ngày, Sư phân công bà làm những việc nhỏ như nhổ cỏ, quét sân và luôn luôn nhắc nhở bà tu hành.
Một thời gian sau, bà tịch trong lúc Sư vắng mặt. Vì biết trước sự việc này nên Sư căn dặn đệ tử không đậy nắp áo quan và đợi Sư về. Về đến chùa, Sư nhìn mặt mẹ lần cuối rồi đậy nắp quan lại, nói to: “Như lời Phật dạy: một người tu hành ngộ đạo cha mẹ sinh thiên, nếu lời ấy không ngoa xin cho quan tài bay lên hư không để chứng minh lời Phật” Sư liền cầm Tích trượng gõ ba cái, quan tài từ từ bay lên hư không rồi hạ xuống. Nhân đây mọi người mới biết bà lão là mẹ của Sư.

Niên hiệu Vĩnh Trị đời nhà Lê, vua Lê Hi Tông chiếu chỉ đuổi tăng ni già trẻ vào rừng núi. Thấy tình cảnh như thế, Sư vận dụng tất cả tài năng của mình để thuyết phục được vua. Vì những lời giảng chân thật, đầy thuyết phục của Sư về các vấn đề an dân trị nước theo nguyên lí đạo Phật nên vua nghe theo, lệnh thu hồi chiếu chỉ. Vì đã thấm nhuần Phật pháp nên vua cũng sai đúc tượng vua quì mọp trên lưng vác tượng Phật để sám hối.
Sau, Sư trụ trì chùa Hồng Phúc (hay chùa Hoè Nhai nằm ở phố Hàng Than, Hà Nội), thường tới lui giảng đạo cho vua chúa nghe.
Sắp đến ngày viên tịch, Sư gọi đệ tử đến phó chúc và nói kệ:
花開春方到。葉落便智秋
枝頭霜瑩玉。萼上雪連珠
清晨雲散產龍甲。白日霞光裸象軀
豹文雖見一。鳳眾體全俱
達摩西來傳何法。蘆花涉海水浮浮
Hoa khai xuân phương đáo
Diệp lạc tiện tri thu
Chi đầu sương oánh ngọc
Ngạc thượng tuyết liên châu
Thanh thần vân tán sản long giáp
Bạch nhật hà quang loả tượng khu
Báo văn tuy kiến nhất
Phụng chúng thể toàn câu
Ðạt-ma Tây lai truyền hà pháp?
Lô hoa thiệp hải thuỷ phù phù.
*Xuân đến hoa chớm nở
Thu về lá vàng rơi
Ðầu cành sương lóng lánh
Cánh hoa tuyết rạng ngời
Buổi sáng trời trong rồng bày vẩy
Ngày trưa mây sáng voi hiện hình
Vằn cọp tuy thấy một
Bầy phụng thể toàn đồng
Ðạt-ma Tây sang truyền pháp gì?
Cành lau qua biển thổi phau phau.
Nói kệ xong, Sư bảo: “Báo thân của ta đến đây đã hết” rồi ngồi trên giường thiền yên lặng thị tịch, thọ 72 tuổi.