Đôi Lời Tri Ân Về Đại Tạng Kinh Chữ Việt Trên Trang Tạng Thư Phật Học

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Người đời khi còn ở trường, đều cần thiết nhất để trở thành người hữu dụng lợi ích cho xã hội sau này. Quan trọng là gặp được thầy giỏi, bạn lành, người có lòng giảng dạy về giáo dục, sách tấn trên con đường học vấn. Sách vở cũng nắm phần quan trọng thiết yếu cho sự học tập. Sách vở giống như là mực thước để đo lường mọi lý thuyết của sự thực hành để có một thành quả tốt đẹp. Dĩ nhiên bản thân của người đó cần phải siêng năng và chịu khó.

Tuy biết rằng chữ trên sách cũng chỉ là một lý thuyết. Nhưng nếu không có lý thuyết thì không thể nào thực hành đúng theo khuôn mẫu. Đó là nói về vấn đề giáo dục của thế gian, mà sách vở cũng đã có tầm quan trọng lắm rồi, huống hồ là một nền giáo dục xuất thế của Phật đà.

Đức Phật đã trải suốt 49 năm trường, đi khắp mọi nơi trong lục địa của Ấn Độ thời bấy giờ, thuyết Pháp độ chúng sanh. Những lời dạy của đức Phật đà, là kim chỉ nam, là khuôn mẫu để cho những ai muốn y theo khuôn mẫu của Ngài mà trở về với chân tâm, bất sinh bất diệt. Nếu có chúng sinh nào muốn trở về với căn nhà vốn có của chính mình thì bắt buột phải y theo khuôn mẫu của Ngài đã dạy. Ngoài ra, không còn con đường nào khác để lựa chọn. Tất nhiên, nếu bạn không muốn trở về với căn nhà của chính mình, hay không muốn thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi. Thì không cần phải theo khuôn mẫu của Phật giáo.

Lời dạy của đức Phật đà, được ghi chép lại và được gọi là Kinh. Hầu hết những quốc gia theo Phật giáo, Tiểu thừa hay Đại thừa. Mỗi quốc gia đều có một công trình phiên dịch vĩ đại, sớm để có một đại Tạng Kinh riêng cho quốc gia mình. Nhưng chỉ có Việt Nam là một quốc gia rất chậm về việc chiếm hữu được một Tạng Kinh bằng chữ Việt (vì quốc ngữ mới thành hình và chịu ảnh hưởng của thời cuộc chiến tranh).

Đại đa số, tín đồ Phật giáo Việt Nam theo Phật giáo Đại thừa. Vì không có Đại Tạng Kinh cho riêng mình, chỉ dựa theo Đại Tạng Kinh của Phật giáo Trung Hoa, được gọi là Hán Tạng. Việt Nam là một quốc gia ra công phiên dịch chậm nhất chỉ bắt đầu trong vài thập niên trong thời cận đại.

Kinh là lời dạy của bậc đại trí huệ, giác ngộ hoàn toàn viên mãn. Nếu người học Phật mà rời Kinh văn thì sẽ không thể đi đúng đường, hướng đến sự giác ngộ và giải thoát chân chánh. Do đó, mà biết tầm quan trọng của Kinh văn như thế nào.

Có số người không xem trọng Kinh văn, hoặc vì một lý do nào đó. Họ đã đưa ra những lối suy nghĩ hoàn toàn trái ngược và điên rộ. Khi cho rằng, đó chỉ là chữ viết trên trang giấy, thì bạn đã từ chối đường tu học, tu tâm dưỡng tánh, nuôi trí huệ của hàng xuất thế.

Là con đường học để thực hành để đến nơi an lạc và giải thoát rốt ráo. Dẫu biết đó chỉ là lý thuyết, nhưng nếu rời bỏ lý thuyết thì sẽ rơi vào tà kiến, và phải chịu đọa lạc trong chốn khổ đau, trôi lăn mãi không biết ngày ra. Kinh văn là ánh sáng của ngọn đèn trí huệ mà đức Phật đà đã thắp sáng, nếu từ bỏ hoặc không có lòng cung kính và chân thành thì tự bản thân của mỗi người sẽ không bao giờ ra khỏi màn đen tăm tối trong chốn u minh.

Nhưng nếu chỉ dựa vào ánh sáng kia thì cũng không được, vì có khác nào người cầm đèn soi sáng trong màn đêm tăm tối ở một khu rừng đầy mọi sự nguy hiểm mà chẳng muốn bước ra. Do đó, người học Phật cần phải y theo Kinh, lý thuyết và thực hành cùng phải đi đôi, như vậy mới mong ra khỏi được khu rừng tăm tối đầy mọi nguy hiểm.

Đối với người Phật tử chân chánh, Kinh văn thật sự rất quan trọng. Kinh văn ví như là bản đồ có ghi chú mọi nguy hiểm, đường dốc cheo leo, nhiều hiểm nạn trên đường của mỗi bước chúng ta đi. Do đó, chớ vội vàng theo ý riêng dựa vào sự chút thông minh do thiện nghiệp từ đời trước đã trồng, mà vội bày xích hoặc không có lòng xem trọng Kinh văn.

Là một Phật tử chân chánh cần phải hiểu rõ, cần phải phước huệ song tu. Nếu có tâm đắc với lời dạy nào của Đức Phật đà qua Kinh Tạng, nên khéo suy nghĩ, đọc đi đọc lại để càng thâm hiểu ý nghĩa của kinh văn. Để trên đường tu học của mình được tinh tấn, và tránh đi vào những chốn u tối của tà thuyết lang tràng khắp mọi nơi, hoặc được chen lẫn, ẩn náo qua hình tướng giáo lý của đạo Phật, huống hồ là những gì ngoài Phật giáo thì còn nguy hiểm đến dường nào.

Phật giáo là gì? Phật giáo nghĩa là lời dạy của đấng hoàn toàn giác ngộ và sáng suốt. Người con Phật cần phải dè dặt, cẩn thận, chớ theo ý riêng mình hay phụ họa theo những người chỉ biết trao chuốt ở đầu môi, chót lưỡi. Rồi chê bai, bày xích đưa ra nhiều lý do, để dụ dẫn những người nhẹ dạ, cả tin, không rõ giáo lý. Cứ tưởng chừng là đang tu học Phật. Nhưng thật tế thì cách quá xa. Cho nên, trên đường tu bồi giới hạnh, để tìm ra con đường giác ngộ, giải thoát chân chánh cho mình. Thì cần phải y theo Kinh văn, tức là lời dạy của đức Phật đà. Để biết được đúng, sai, chánh, tà v.v… Vì giữa sinh tử và Niết Bàn chỉ ở một niệm, Thiện và ác, si mê và trí huệ mà thôi.

Sự thông minh con người còn rất giới hạn, dầu đó là sự học rộng hiểu nhiều. Nhưng chỉ bất quá là những tư tưởng của sự hiểu biết sinh diệt trong vòng sinh tử, chớ đó chẳng phải là tuệ-giác. Chỉ có thể giúp biện giải những việc mà còn giới hạn trong mọi mặt so với bậc đại trí huệ của hàng xuất thế. Do đó, người học Phật để tìm đến sự giác ngộ, giải thoát cần phải từ bỏ những tập khí kiêu căn, ngã mạn, do sự si mê ngăn trở cho sự tu học và lánh xa những hạng người như thế. Nếu không, sớm muộn gì, tự mình chuốt lấy mà không phải là từ người nào khác ngoài chính mình.

Kinh văn thật sự rất quan trọng, vì là mực thước để đo lường. Là ánh sáng thường hằng, là ngọn đèn trí huệ đã được đức Phật đà thắp sáng. Là cửa thành kiên cố. Là bản đồ vĩ đại có nhiều ghi chú rõ ràng từng mỗi nơi trong vòng sinh tử, thiện-ác, chánh-tà, tiệm-giáo, đốn giáo, giải thoát, chưa giải thoát, viên mãn hay chưa viên mãn, sinh tử hay Niết bàn, tất cả đều rõ ràng nhất nhất. Tóm lại, Tam Tạng Kinh ví như là bộ Đại Từ Điển vĩ đại, bất cứ điều gì đều có thể tra trong bộ Đại Từ Điển này. Vậy phần còn lại là phải tự chính mình theo ánh sáng rộng lớn kia mà tự thắp đuốc lên mà đi để đến bờ giác ngộ, giải thoát.

Các Kinh của phái Thanh Văn (Pàli Tạng) đã được Hòa Thượng Thích Minh Châu ra công dịch hầu như đã hoàn tất. Cùng đóng góp vào sự phiên dịch này còn có giáo sư Trần Phương Lan, V.V…

Những bộ kinh lớn có tầm quan trọng như Kinh Hoa Nghiêm, Đại Bát Nhã, Pháp Hoa, Niết Bàn, Thủ Lăng Nghiêm v.v… đã sớm được các dịch giả dịch ra chữ Việt từ sớm, như Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Hòa Thượng Thích Minh Lễ,  Cư sĩ Tâm Minh, v.v… và v.v…

Bộ Mật Giáo Đại Tạng Việt Nam, được quý thầy như Thích Thiện Trí, Thích Quảng Trí, Thích Viên Giác, Thích Viên Đức, Cư sĩ Huyền Thanh và Hòa Thượng Thích Thiền Tâm v.v…dịch ra chữ Việt.

Với mong muốn có đủ Kinh văn thắp sáng để xua tan hết những màn đen tăm tối trong chốn u minh. Có nơi nương tựa, để tham tường khi lạc lối đi, cũng là ngọn đuốc soi đường trong chốn u minh sinh tử, đầy tà thuyết trong thời tranh chấp kiên cố của mạt pháp này.

Thật hy hữu là phước duyên biết bao, được Bộ Đại Tạng Kinh Chữ Việt của Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh. Không có gì vui mừng bằng, tâm hoan hỷ cùng tột, với ước nguyện đó, trên tinh thần đó. Trang Tạng Thư Phật Học sẽ cập nhật đưa vào mạng Đại Tạng Kinh Chữ Việt này (Từ Bộ A Hàm đến bộ Sự Vựng).

Rất cảm kích, tri ân đến Cư sĩ Quảng Minh, chùa Hải Đức, đã gởi tặng các Tập Kinh (scan từ Kinh qua dạng hình bằng PDF) để chúng tôi có thể tiết kiệm thời gian trong quá trình xử lý (Scan Kinh văn qua dạng word). Lại xin chân thành cám ơn quý Phật tử, đã dành nhiều thời gian quý báu, chuyển đổi Đại Tạng Kinh qua dạng word, để trang nhà Tạng Thư Phật Học, có cơ hội giới thiệu cũng như phổ biến trên mạng toàn cầu.

Dù vậy, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, chỉ dịch từ Bộ A Hàm đến Bộ Sự Vựng trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng. Rất mong và ngưỡng nguyện chư tôn thiền đức ra công phiên dịch tiếp các Bộ còn lại, để cho Phật giáo đồ Việt Nam đầy đủ Đại Tạng Kinh chữ Việt. Có nơi tham khảo tìm học.

Vì trong Tạng Kinh của Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng, chỉ dịch riêng bộ Kinh Thủ Lăng Nghiêm (trong Bộ Mật Tông) mà không dịch các Kinh được nằm trong bộ này. Do đó, chúng tôi dùng Bộ Mật Tạng Việt của quý thầy Thích Quảng Trí và Cư sĩ Huyền Thanh, hầu đã dịch ra toàn Bộ Mật Tông trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng. Cư sĩ cũng hiện đang phổ biến toàn bộ Kinh Mật Tạng trên blog cá nhân “Kinh Mật Tạng”. Nếu quý vị nào có nhu cầu xin ghé thăm trang nhà của Cư sĩ, nơi phổ biến hầu như khá đầy đủ của giáo lý Mật tạng.

Kinh sách phổ biến trên trang nhà Tạng Thư Phật Học, không giữ bản quyền. Chỉ tuỳ thuộc quyền của tác giả và dịch giả của Kinh, sách đó.

Chúng tôi rất hoan hỷ, mọi sự sao chép phổ biến trên tinh thần bất vụ lợi. Chúng tôi hoàn toàn không hoan hỷ, mọi việc sao chép vì lợi nhuận, quyên góp .v.v…Nếu được, khi đăng lại thông tin từ trang nhà Tạng Thư Phật Học, rất mong quý vị hoan hỷ ghi lại nguồn trích dẫn.

Tha thiết hướng về Tam bảo, với lòng chân thành hoan hỷ và tri ân đến tất cả các bậc chư tôn thiền đức, quý vị Cư sĩ, đã giúp cho Phật giáo Việt nam có được một Đại Tạng Kinh bằng quốc ngữ riêng mình. Giúp chúng con có đủ lòng tin kiên cố, có nơi nương tựa giữa chốn phù trầm, dõng mạnh tiến bước hoằng dương chánh Pháp, qua nền giáo dục của Phật đà, thông qua ba Tạng Kinh Điển của Phật giáo. Để đi đúng đường và vượt qua khỏi bao thử thách, tà thuyết và đầy cạm bẫy, nhiễu nhương trong thời đấu tranh kiến cố này.

Thành kính tri ân,

Nam Mô A Di Đà Phật.

Lời Phi Lộ

 

Chúng tôi thấy chư vị hoằng dương về Thiền Tông, dường như có ý bài xích Tịnh Độ. Chẳng hạn như trong quyển Sáu Cửa Vào Động Thiếu Thất có câu: ‘Niệm Phật tụng kinh đều là vọng tưởng’. Còn trong đây lại bảo: ‘Môn Tịnh Độ hợp thời cơ, gồm nhiếp ba căn, kiêm thông cả Thiền, Giáo, Luật, Mật’. Xem ra cũng dường như có ý cho Tịnh Độ là độc thắng, sự việc ấy như thế nào?

Đáp: Không phải thế đâu? Mỗi môn đều có tông chỉ riêng. Các bậc hoằng dương tùy theo chỗ lập pháp của mình, bao nhiêu phương tiện thuyết giáo đều đi về những tông chỉ ấy. Như bên Thiền lấy: ‘Chỉ thẳng lòng người, thấy tánh thành Phật’ làm tông chỉ. Tịnh Độ môn lấy: ‘Một đời vãng sanh, được bất thối chuyển’ làm tông. Bên Hoa Nghiêm lấy: ‘Lìa thế gian nhập pháp giới’ làm tông. Thiên Thai giáo lấy: ‘Mở, bày, ngộ vào tri kiến Phật’ làm tông. Bên Tam Luận lấy: ‘Lìa hai bên, vào trung đạo’ làm tông. Pháp Tướng môn lấy: ‘Nhiếp muôn pháp về Chân Duy Thức’ làm tông. Mật giáo lấy: ‘Tam mật tương ưng, tức thân thành Phật’ làm tông. Và Luật môn lấy: ‘Nhiếp thân ngữ ý vào Thi La Tánh’ làm tông.

Cho nên, lời nói bên Thiền ở trên, không phải bác Tịnh Độ, hay bác niệm Phật tụng kinh, mà chính là phá sự chấp kiến về Phật và Pháp của người tu. Nếu niệm Phật và tụng kinh là thấp kém sai lầm, tại sao từ Đức Thích Tôn cho đến chư Bồ Tát, Tổ Sư đều ngợi khen khuyên dạy tụng kinh niệm Phật? Nên biết, Vĩnh Minh thiền sư, tương truyền là hóa thân của Phật A Di Đà, mỗi ngày đều tụng một bộ Pháp Hoa. Lại, Phổ Am đại sư cũng nhân tụng kinh Hoa Nghiêm mà được ngộ đạo. Sự thuyết giáo bên Tịnh Độ cũng thế, không phải bác phá Thiền Tông, chỉ nói lên chỗ đặc sắc thiết yếu của bản môn, để cho học giả suy xét tìm hiểu sâu rộng thêm, mà tùy thích tùy cơ, chọn đường thú nhập.

Lại, mỗi môn tuy tông chỉ không đồng, nhưng đều là phương tiện dẫn chung về Phật Tánh. Như một đô thành lớn có tám ngõ đi vào, mà nẻo nào cũng tập trung về đô thị ấy. Các tông đại khái chia ra làm hai, là Không môn và Hữu môn. Không môn từ phương tiện lý tánh đi vào. Hữu môn từ phương tiện sự tướng đi vào. Nhưng đi đến chỗ tận cùng thì dung hội tất cả, sự tức lý, lý tức sự, tánh tức tướng, tướng tức tánh, nói cách khác: ‘sắc tức là không, không tức là sắc, không và sắc chẳng khác nhau. Cho nên khi xưa có một vị đại sư tham thiền ngộ đạo, nhưng lại mật tu về Tịnh Độ. Lúc lâm chung ngài lưu kệ phó chúc cho đại chúng, rồi niệm Phật sắp vãng sanh. Một vị thiền giả bỗng lên tiếng hỏi: ‘Cực Lạc là cõi hữu vi, sao tôn đức lại cầu về làm chi?’ Đại sư quát bảo: ‘Ngươi nói vô vi ngoài hữu vi mà có hay sao?’ Thiền giả nghe xong chợt tỉnh ngộ. Thế nên Thiền và Tịnh đồng về một mục tiêu. Hữu môn cùng Không môn tuy dường tương hoại mà thật ra tương thành cho nhau vậy.

Đến như nói: ‘Tịnh Độ hợp thời cơ, gồm nhiếp ba căn, kiêm thông cả Thiền, Giáo, Luật, Mật’, chính là lời khai thị của chư cổ đức như: ‘Liên Trì, Triệt Ngộ, Ngẫu Ích, Kiên Mật. Các đại sư này là những bậc long tượng trong một thời, sau khi tham thiền ngộ đạo, lại xương minh về lý mầu của Tịnh Độ pháp môn. Như Triệt Ngộ đại sư, trong tập Ngữ Lục, đã bảo: ‘Một câu A Di Đà, tâm yếu của Phật ta. dọc quán suốt năm thời, ngang gồm thâu tám giáo’. Và Kiên Mật đại sư sau khi quán sát thời cơ, trong Tam Đại Yếu, cũng bảo: ‘Đời nay tham thiền chẳng nên không kiêm Tịnh Độ, phòng khi chưa chứng đạo bị thối chuyển, há chẳng kinh sợ lạnh lòng?’ Một câu A Di Đà, nếu không phải là bậc thượng căn, đại triệt, đại ngộ, tất không thể hoàn toàn đề khởi. Nhưng với câu này, kẻ hạ căn tối ngu vẫn chẳng chút chi kém thiếu!’ Thế nên, thuốc không quí tiện, lành bệnh là thuốc hay; pháp chẳng thấp cao, hợp cơ là pháp diệu. Tịnh Độ với Thiền Tông thật ra chẳng thấp cao hơn kém. Nhưng luận về căn cơ, thì Thiền Tông duy bậc thượng căn mới có thể được lợi ích; còn môn Tịnh Độ thì gồm nhiếp cả ba căn, hạng nào nếu tu cũng đều dễ thành kết quả. Luận về thời tiết thì thời mạt pháp này, người trung, hạ căn nhiều, bậc thượng căn rất ít nếu muốn đi đến thành quả giải thoát một cách chắc chắn, tất phải chú tâm về Tịnh Độ pháp môn. Đây do bởi lòng đại bi của Phật, Tổ, vì quán thấy rõ thời cơ, muốn cho chúng sanh sớm thoát nỗi khổ luân hồi, nên trong các kinh luận đã nhiều phen nhắc nhở. Điều này là một sự kiện rất quan yếu và hết sức xác thật!

Tuy nhiên, như trong kinh nói: chúng sanh sở thích và tánh dục có muôn ngàn sai biệt không đồng, nên chư Phật phải mở vô lượng pháp môn mới có thể thâu nhiếp hết được. Vì vậy Tịnh Độ tuy hợp thời cơ, song chỉ thích ứng một phần, không thể hợp với sở thích của tất cả mọi người, nên cần phải có Thiền Tông và các môn khác, để cho chúng sanh đều nhờ lợi ích, và Phật Pháp được đầy đủ sâu rộng. Cho nên dù đã tùy căn cơ, sở thích của mình mà chọn môn Tịnh Độ, thâm ý bút giả vẫn mong cho Thiền Tông và các môn khác được lan truyền rộng trên đất nước này. Và các môn khác, nếu đem lại cho chúng sanh dù một điểm lợi ích nhỏ nhen nào, bút giả cũng xin hết lòng tùy hỷ. Tóm lại, Hữu môn và Không môn nói chung, Thiền Tông và Tịnh Độ nói riêng, đồng cùng đi về chân tánh, tuy hai mà một, đều nương tựa để hiển tỏ thành tựu lẫn nhau, và cũng đều rất cần có mặt trên xứ Việt Nam, cho đến cả thế giới.

Bút giả lại trần thuật bài kệ của Tây Trai lão nhơn để kết luận, và chứng tỏ người xưa cũng đã từng đồng quan điểm ấy:
Tức tâm là độ lý không ngoa
Tịnh khác Thiền đâu, vẫn một nhà
Sắc hiển trang nghiêm miền diệu hữu
Không kiêm vô ngại cõi hằng sa
Trời Tây sáng đẹp màu châu ngọc
Nguyện Phật bao la đức hải hà
Ngoảnh lại đường tu, ai sớm tỉnh?
Nỗi thương ác đạo mãi vào ra!

Trích đăng lời dạy của cố Hòa thượng Thích Thiền Tâm

Bịnh trầm kha của con người là thích tìm tòi những giải đáp thắc mắc cao siêu để thỏa mãn óc hiếu kỳ mà thiếu thực tế với đời sống, thích luận bàn những việc xa vời viễn vong không tưởng hơn là thực hành để đem lại an lành hạnh phúc bản thân. Chứng bịnh trầm kha nầy đã đẩy con người sống chơi vơi trong huyền đàm phiếm luận của thiết thực đến đời sống đạo đức tiến bộ. Vì vậy số người mang danh hành đạo thì nhiều mà chứng đạo thì gần như gợn mây mỏng trong bầu trời giáo pháp. Để tránh mắc phải bịnh năng thuyết bất năng hành, cổ đức đã khuyên: Muốn đạt thành tâm nguyện tiến bộ thì cần phải “tri hành hợp nhất, trí đức tương ưng”.

Vì mắc phải bịnh trầm kha nầy, nên có lắm người khi nghiên cứu đạo Phật đã bỏ quên giáo lý căn bản, chỉ muốn tìm đến những kinh điển cao siêu, chuyên tâm bới đào các hệ tư tưởng Hoa Nghiêm, Bát Nhã, Duy thức, say sưa biện luận lý vô ngã, vô pháp, bất nhị, tánh không, thích thú lý lẽ thấp cao, vô tình rơi vào trạng thái hí luận phiếm đàm không tưởng, như người lơ lửng trong chân không mất trọng lực thăng bằng của đời sống tri hành hợp nhất, từ đó quên mất thực hành giáo lý căn bản trong ba mươi bảy phẩm trợ đạo, xa lìa cả diều tiên quyết phải có của người Phật tử là Tam quy Ngũ giới, ăn chay, hành thiện, tâm thức họ có khác nào bong bóng lơ lửng chơi vơi trong không trung, vì mất căn bản mất định hướng không nơi nương tựa. Do cái bịnh phóng tâm truy cầu say sưa ngây ngất với các triết thuyết cao siêu để thỏa óc hiếu kỳ, nên quên đi phần giáo lý căn bản xây dựng hành nghi của đời sống thực tế, để rồi sống với tâm lý mông lung không tưởng.

Trên đường hành đạo Tỳ-kheo Quê Mùa tôi đã gặp không biết bao người đến khoa trương rằng, họ chuyên trì kinh Kim Cang, thể nhập lý bát-Nhã; họ đã thấu suốt tư tưởng duyên khởi của Hoa-Nghiêm, nắm vững lý bất nhị của Duy-Ma; họ đã thấu triệt lý vạn pháp duy thức của pháp tướng, nên tư tưởng Đại Thừa đối với họ đều đã làu thông vô ngại, đạt đến chỗ “tâm tịnh thì độ tịnh”. Họ còn phô trương chỗ sở đắc kiến tánh của họ đồng với Lục-tổ Huệ-Năng “xưa nay không có vật, thì làm gì có bụi nhơ”.

Họ bạo nói “tâm tức Phật, Phật tại tâm” thì cần gì giữ giới, trì kinh, bái sám, niệm Phật, ăn chay, bố thí, cúng dường. Những việc làm nầy họ cho là hình tướng thuộc tiệm pháp của kẻ sơ cơ căn trí thấp kém. Họ tự hào là tu đốn pháp, còn ví von thao thao bất tuyệt nào là: Phải thể đạt hành xả, vô ngã vô pháp, như thiền sư A chẻ tượng Phật, thiền sư B chặt mèo, thiền sư C không cần phải cạo râu tóc là hình thức không đáng chú tâm. Họ còn lý luận Huệ Năng đạt đạo trước khi cạo tóc, đâu biết chữ nào; cư sĩ Duy-Ma-Cật thành Bồ tát đâu cần phải vào chùa, tự ví họ đâu có khác gì với Lục tổ Huệ-Năng, cư sĩ Bồ tát Duy-Ma-Cật! Tôi lặng thinh nghe họ tuôn xổ với thái độ tự đắc mà phát chóng mặt, xót thương cho những kẻ mắc phải bịnh trầm kha cuồng luận, năng thuyết bất năng hành, cờ ngã mạn đã dựng trên trường thành biên kiến.

Kinh nghiệm cho thấy, phần đông hạng người nầy chẳng bao lâu sau đó thối tâm, tà niệm, trở lại hủy báng Phật Pháp, xem đạo hạnh giới đức chẳng có nghĩa gì, rồi bịa đặt sửa bỏ kinh luật hoặc không còn thiết tha liên hệ với những sinh hoạt hành đạo. Đấy là hậu quả tai hại của bịnh đa văn hiếu kỳ, thế trí biện thông, chỉ mong thỏa mãn trí phân biệt.

Bốn mươi chín năm thuyết pháp của Đức Phật, tuyệt đối không nhằm mục đích để thỏa mãn kiến thức phân biệt của con người, cũng không nhằm gợi cảm để cho con người đắm chìm trong trầm tư mặc tưởng, huyền đàm tạp luận các triết lý cao thấp rộng hẹp, mà Đức Phật thuyết pháp nhằm thích hợp căn tánh của mỗi chúng sanh, theo đó thực hành để rủ sạch phiền não, đạt thành giác ngộ giải thoát.

Muốn đạt đạo giác ngộ giải thoát thì không thể lơ đễnh quên phần thực hành giáo pháp căn bản. Nếu chỉ biết để tâm suy cứu giáo pháp cao sâu, mong cầu hiểu biết quảng bát, xem nhẹ phần tu tâm sửa tánh dứt trừ phiền não tham sân si, tức là đi vào ma đạo, cát không bao giờ thành cơm, học hiểu rộng giáo lý thuyết suông không bao giờ tạo nên người đạo hạnh thánh thiện.

Giáo pháp căn bản là gì? Đó là Tam quy, trì giới, bố thí, nhẫn nhục, tụng kinh, sám hội, niệm Phật, ăn chay, hiếu thuận, tứ nhiếp pháp, lục độ… 37 phẩm trợ đạo. Người tin học Phật mà không thực hành theo giáo pháp Phật dạy thì chẳng khác nào học trò không làm bài, bịnh nhân không uống thuốc, tránh sao khỏi nhận lấy hậu quả bất-xứng-ý, để rồi thối thất đạo tâm, xoay ra thống trách Phật Pháp, chê bai Tăng già. Tại ai? Họ đâu có chịu bình tâm để tự kiểm điểm lại hành vi tâm niệm từ thuở phát tâm cho đến khi lạc đạo. Lại có kẻ xem nhẹ phần hành trì, chuyên tìm văn hay ý lạ, mang danh nghĩa tín tu học học Phật, mà hững hờ năm tháng luống không trôi qua, tuổi già sức yếu ngẫm lại thấy mình đạo hạnh thiếu kém, phiền não còn nguyên, có cố gắng cũng chẳng còn sức lực và thời gian. Còn có khi bị những thứ danh vị chức tước hư giả trói buộc khiến cho tâm bất an, trí bất định, chẳng có phút giây để tự quán chiếu tiến tu.

Như vậy đắm chìm trong việc tìm hiểu giáo lý cao siêu quên phần căn bản thực hành cũng là bịnh. Học rộng hiểu nhiều nặng về lý thuyết cũng là bịnh. Không học, không hiểu mà thực hành cũng là bịnh. Người mắc bịnh cần uống thuốc, chứ không phải đem thuốc ra phân chất chê khen. Người bị tên bắn phải lập tức lấy mũi tên độc ra, chứ không phải ngồi luận bàn để truy tìm nơi nào phát xuất mũi tên. Chúng sanh là kẻ mắc bịnh tham dục, bị mũi tên tam độc lâu đời, nghiệp chướng sâu dày, phiền não chất chồng lớp lớp, bịnh thâm căn cố đế như vậy, chỉ còn phương pháp cứu chữa duy nhất là lấy thuốc giáo pháp của Đức Phật để trị. Thân bịnh dùng thuốc. Tâm bịnh thì dùng giáo pháp. Thân ô uế thì nhờ nước rửa. Tâm phiền não thì phải nhờ đến nước cam lồ. Thế nên Đức Phật được tôn xưng là vô-thượng y-vương, là bậc đạo sư giác ngộ dẫn đường giải thoát. Đức Phật thuyết pháp nhằm để cho chúng sanh y pháp tu hành đoạn trừ phiền não, dứt sạch vô minh, thoát ly sanh tử luân hồi, đạt đến giác ngộ giải thoát. Đó là tâm nguyện Đức Phật ra đời độ sanh. Thế nên trong kinh Pháp Hoa, Phật nói: “Ta ra đời vì một đại sự nhân duyên lớn là, khai thị chúng sanh, ngộ nhập tri kiến Phật”.

Vậy mà người đời lại đem kinh điển giáo pháp Đức Phật ra để phân tích cạn sâu, hý luận huyền đàm để cho sướng miệng, nghe cho sướng tai, để khoái trí phân biệt, tự mãn óc hiếu kỳ, mà quên đi phần thực hành là điều lầm lẫn nghiêm trọng đối với người muốn thăng hoa thánh thiện trên đường giải thoát. Người học Phật chỉ cần hiểu mà chẳng cần hành thì khác nào có khác kẻ đói lâu ngày được gạo tốt lại bận tâm đem gạo ra phân chất để tìm nguồn gốc gạo từ đâu có, quên nấu cơm. Kẻ khát nước cháy cổ được bát nước mát lại lo hỏi nước này lấy từ sông suối nào chứ không chịu uống. Kẻ đang bịnh hấp hối trên giường được bác sĩ cho thuốc không chịu uống lại mải mê đem thuốc ra phân chất. Những hạng người trên đây không khác kẻ tham cầu đa văn, thích hý luận trong Phật Pháp. Tôn giả A-Nan đã hơn một lần bị Phật quở trách cũng vì ham học không ham tu.

Trên đời có kẻ đến với Đức Phật bằng ước vọng đem kinh điển Phật ra phân tích luận bàn mà lảng quên phần hành trì, do đó mà đời sống đạo đức chẳng những không đi đến đâu, lâu dài về sau còn có thể tổn hại không ít cho Phật Pháp. Bởi lẽ hiểu biết giáo lý càng cao mà thiếu chánh hạnh tâm đức chỉ là nhân tố sanh khởi ngã mạn tự hào, đào sâu hố thế trí biện thông, xoay cuồng theo tam nghiệp tham sân si mà thôi. Lại có kẻ đến với đạo Phật bằng cõi lòng cầu mong được ban ân giáng phước, như sở cầu thì thỏa thích khen Phật Bồ tát linh, không như sở cầu thì chê bai, chạy đi tìm cầu thần linh khác. Đối với nhân quả nghiệp báo, họ mơ hồ bán tin bán nghi. Cũng có kẻ đến với đạo Phật bằng tâm ý tìm xem để phê bình thị phi, mà quên đi tu chỉnh chính bản thân mình. Tuy họ đến với đạo đã lâu ngày mà thật ra tâm tánh họ không hơn gì kẻ phạm tục. Những hạng người trên đây thật sự chẳng phải là chân chánh hành đạo Phật. Người thật sự tu học theo đạo Phật thì phải khởi đi từ căn bản giới pháp, y giới pháp Phật dạy mà hành trì, xoay lại quán chiếu tự tâm để thanh tịnh hóa đời sống, không ngừng tinh tấn để cho ngày một trở tên hiền lương thánh tiện. Người tu học Phật có căn bản nền tảng vững chắc, mới đích thật chân chánh là người tu học Phật.

Đến với đạo Phật mà mang tâm ý bỏ thấp tìm cao, lấy giáo lý Đức Phật để thỏa mãn óc hiếu kỳ, thỏa thích trí phân biệt hầu để trang sức kiến thức cho mình, như thế đạo đức bản thân mình. Tuy họ đến với đạo Phật đã lâu ngày mà thật ra tâm tánh họ không hơn gì kẻ phàm tục. Những hạng người trên đây thật sự chẳng phải là chân chánh hành đạo Phật. Người thật sự tu học theo đạo Phật thì phải khởi đi từ căn bản giới pháp, y giới pháp Phật mà hành trì, xoay lại quán chiếu tự tâm để thanh tịnh hóa đời sống, không ngừng tinh tấn để cho ngày một trở nên hiền lương thánh thiện. Người tu học Phật có căn bản nền tảng vững chắc, mới đích thật chân chánh là người tu học Phật.

Đến với đạo Phật mà mang tâm ý bỏ thấp tìm cao, lấy giáo lý Đức Phật để thỏa mãn óc hiếu kỳ, thỏa thích trí phân biệt hầu để trang sức kiến thức cho mình, như thế đạo đức bản thân chẳng những không tiến bộ mà ánh sáng an lành sẽ không bao giờ hiển lộ trong tâm hồn. Người mới đến với đạo Phật chớ vội hỏi lý kinh Kim-cang, Bát-Nhã, Lăng-Già, Hoa-Nghiêm thì tránh được ngã mạn, cuồng tâm loạn tưởng, ngoại trừ các bậc thượng căn thượng trí. Trong thiền sử ghi rằng: Xưa có người đến hỏi vị thiền sư danh tiếng: “Bậc đại tu hành đã ngộ lý chân không?” Thiền sư đáp: “Bậc tu hành đạt lý chân không thì chẳng còn lạc vào vòng nhân quả nữa”. Chỉ vì câu trả lời lời nầy mà vị đại thiền sư kia phải bị đọa làm năm trăm kiếp chồn, sau gặp ngày Bách-Trượng mới được giải thoát. Điều căn bản là tin sâu nhân quả luân hồi nghiệp báo để từ đó phát tâm tu bồi phước huệ. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tin là mẹ đẻ nguồn gốc các công đức, làm sanh trưởng các pháp lành. Tin là sức mạnh đưa người vượt thoát ba đường khổ, để đạt đến cảnh giới Phật thánh”. Thế nên hành giả muốn tránh khỏi lạc vào ma đạo, tạo cho mìnnh đời sống an lành tiến bộ trên đường giác ngộ giải thoát, thì trước tiên cần tìm đến những kinh điển căn bản, tín hành những giáo pháp thực tế mật thiết với đời sống, đó là quy y Tam Bảo, thọ trì giới pháp, tin sâu nhân quả, luân hồi, nghiệp báo, thiện ác.

Trích đăng Lời Dạy Của Cố Hòa Thượng Thích Đức Niệm