Cha-ba-ri-pa

Từ điển Đạo Uyển


S: carbaripa, javari, caparipa, cavaripa, capā-lipa, cārpaṭi; biệt danh “Người biến hoá đá”;

Một trong 84 vị Tất-đạt (s: siddha) của Ấn Ðộ, có lẽ sống trong cuối thế kỉ 9, đầu thứ 10.

Thời nọ có một nông dân giàu có tại Ma-kiệt-đà, có hàng ngàn bị ngựa. Lúc đám tang cha, ông ra sông Hằng cầu nguyện, vợ con ông ở nhà. Khi ông đi vắng thì Cha-ba-ri-pa đến nhà khất thực, người vợ lúc đầu không dám bố thí, sợ chồng la rầy nhưng cuối cùng bố thí và được nghe thuyết pháp. Ðến lúc gia đình chồng về, bị mẹ chồng la mắng, người vợ tủi thân bồng con đi tìm Cha-ba-ri-pa. Vị Du-già sư này rảy nước thánh lên hai mẹ con và biến hai người thành tượng Phật bằng đá. Trong lúc đó người chồng về nhà, tìm vợ không thấy, cuối cùng ông đến chỗ Cha-ba-ri-pa. Người chồng cũng bị biến thành tượng đá. Cuối cùng cả gia đình đi tìm rồi ai cũng thành tượng đá cả, tổng cộng 300 người và bị con đều thành đá.

Trong số người hoá đá đó thì người con trai nhỏ của nông dân nọ đạt tám Tất-địa và nổi tiếng khắp vùng. Nhà vua Cham-pa (s: campā) quý trọng, cho dựng một ngôi đền để thờ người con trai và ba trăm tượng đá. Ở đền này có nhiều chuyện lạ xảy ra và người ta nói rằng đền này vẫn còn đứng vững để chờ Phật Di-lặc ra đời. Cha-ba-ri-pa được gọi là “người biến hoá đá”, để lại chứng đạo ca như sau:

Thờ cúng Phật cao nhất,
thật không có gì bằng,
tự mình chứng giác ngộ.
Ai tự mình chứng thật,
Tâm thanh tịnh vô thuỷ,
người đó có tri kiến,
như tất cả chư Phật.

Cha-kra sam-va-ra tan-tra S: cakrasaṃvara-tantra; cũng được gọi ngắn là Saṃ-va-ra tan-tra;
Một Tan-tra, được biên soạn trong thế kỉ thứ 8. Cha-kra sam-va-ra có nghĩa là “Người chặn đứng bánh xe (Luân hồi)” Nhiều Ma-ha Tất-đạt (s: mahāsiddha) tu học và đạt thánh quả với Tan-tra này.