Các Ngày Lễ

Các Ngày Lễ, Vía Trong Năm
(Tính theo ngày Âm-lịch)

 

THÁNG GIÊNG:
01.- Vía đức Di-Lặc.

THÁNG HAI:
08.- Vía Phật Thích-Ca xuất-gia.
15.- Vía Phật Thích-Ca nhập-diệt.
19.- Vía Ðức Quán-Thế-Âm Bồ-tát.
21.- Vía Ðức Phổ-Hiền Bồ-tát.

THÁNG BA:
16.- Vía Ðức Chuẩn-Ðề Bồ-tát.

THÁNG TƯ:
04.- Vía Ðức Văn-Thù Bồ-tát.
081.- Phật Thích-Ca Đản-sanh.
20.- Tưởng Niệm ngày Hòa Thượng Thích Quảng Đức vị Pháp thiêu thân (11-06-1963).

THÁNG NĂM:

10.- Tưởng niệm ngày Hòa Thượng Tuyên Hóa Nhập Niết Bàn.
24.- Tưởng niệm ngày Hòa Thượng Thích Hải Quang, vãng sanh.

THÁNG SÁU:
19.- Vía Ðức Quán-Thế-Âm Bồ-tát.

THÁNG BẢY:
13.- Vía Ðức Ðại-Thế-Chí Bồ-tát.
15.- Vu Lan Bồn – Lễ Tự Tứ
30.- Vía Ðức Ðịa-Tạng Bồ-tát.

THÁNG CHÍN:
19.- Vía Ðức Quán-Thế-Âm Bồ-tát.
30.- Vía Phật Dược-Sư.

THÁNG MƯỜI MỘT:
17.- Vía Phật A-Di-Ðà.
21.- Tưởng niệm Hòa Thuợng Thích Thiền Tâm, vãng sanh.

THÁNG CHẠP:
08. – Vía Đức Phật Thích Ca thành đạo
20. – Tưởng niệm Hoà thượng Thích Thiện Hoa, viên tịch.

*********

NHỮNG NGÀY CHAY

Nhị trai: Mỗi tháng hai ngày: Mùng 1, 15. 

Tứ trai: Mỗi tháng bốn ngày: Mùng 1, 14, 15, 30. (tháng thiếu thì ngày 29)

Lục trai: Mỗi tháng sáu ngày: 8, 14, 15, 23, 29, 30. (tháng thiếu thì ngày 28, 29)

Thập trai: Mỗi tháng mười ngày: 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29, 30. (tháng thiếu thì ngày 27, 28, 29)

Tam ngoạt trai – Một năm ba tháng: tháng Giêng, tháng Năm và tháng Chín

********

Vấn đề ăn uống là một vấn đề quan trọng đối với tất cả mọi người, mọi chúng sanh. Nếu sống mà không cần ăn, thì tất cả chúng sanh đều thành Thánh cả rồi. Ðức Phật Thích Ca, khi còn là một vị Thái Tử, đã nói một câu đầy ý nghĩa: “Sự sống sống bằng sự chết”. Hãy nghĩ lại mà xem: từ khi lọt lòng mẹ đến bây giờ, để được sống, mỗi chúng ta đã làm chết bao nhiêu sinh vật rồi? Chúng ta ăn, chúng ta uống, chúng ta thở, chúng ta nằm, chúng ta đứng, chúng ta đi, mỗi mỗi động tác như thế, đều đã gây bao tang tóc cho những sinh vật ở chung quanh chúng ta! Ðó là chưa kể những kẻ hung ác, giết để được thích thú, được tiền tài, danh vọng…Nếu sự sống mà không làm *ai chết ai cả, thì cuộc đời sẽ đẹp đẽ biết bao nhiêu ! Sự ước ao này có thể thực hiện được một phần lớn, nếu chúng ta áp dụng phương pháp ăn chay mà Phật đã chế ra.

Như thế, ăn chay đối với người Phật tử không phải là một sự hiếu kỳ, một sự hiếu danh, một cách đổi món ăn cho ngon miệng, một cách kiêng cữ theo lời dặn của bác sĩ. Ăn chay chính là một phương pháp tu hành rất quan trọng, mà người Phật tử thực hành được nhiều chừng nào thì được nhiều kết quả tốt đẹp chừng ấy.

Khi đức Phật còn tại thế, một hôm Ngài A Nan hỏi Phật rằng:

“Bạch Phật , tại sao trước kia, Phật cho các Ðệ tử ăn ngũ tịnh nhục (Ngũ tịnh nhục là năm thứ thịt thanh tịnh: 1) Thịt ăn mà không thấy người giết. 2) Thịt ăn mà mình không nghe tiếng con vật bị giết kêu. 3) Thịt ăn mà mình không nghi người ta giết cho mình. 4) Thịt con thú tự chết. 5) Thịt con thú khác ăn còn dư), mà nay Ngài lại cấm tuyệt ăn thịt cá?”

Phật trả lời Ngài A Nan: Vì trình độ các ông trong buổi sơ cơ còn thấp kém, chưa có thể lãnh thọ giáo pháp Ðại Thừa, thực hành đúng lý đặng, nên khi ta còn nói pháp Tiểu Thừa, phương tiện cho các ông tạm dùng ngũ tịnh nhục. Ðến nay trình độ các ông đã cao, lãnh thọ được giáo pháp Ðại Thừa, nên ta cấm tuyệt ăn thịt cá. Còn ăn thứ ấy, thì còn phạm giới sát sanh, nếu không trực tiếp sát thì cũng gián tiếp sát, làm mất hạt giống từ bi bình đẳng, không thể nào tu hành thành Phật được.

Lời Phật dạy đã rõ ràng: Ăn chay là cốt yếu để nuôi dưỡng lòng từ bi và tinh thần bình đẳng.

Thật thế, Phật tử là người đã theo đạo từ bi, thì không lý nào lại không thực hành đức từ bi trong đời sống của mình từ ý nghĩ, lời nói, cho đến cách ăn uống.

Nếu chúng ta vì muốn ăn cho khoái khẩu, sướng bụng, mà nhẫn tâm nhìn cảnh chặt đầu, lột da những con vật hiền lành vô tội, nhẫn tâm bịt tai giả điếc trước những kêu la thảm thiết của những con vật đang giẫy giụa trêm tấm thớt, trên bàn thịt, thì sao được gọi là Phật tử.

Nếu không có một lòng thương xót trước những cảnh giết chóc như thế, thì hạt giống từ bi mỗi ngày mỗi héo khô, cằn cỗi, và công phu tu hành, tụng kinh niệm Phật của chúng ta trở thành vô ích.

Ðạo Phật là đạo Từ Bi mà cũng là đạo Bình Ðẳng. Phật dạy: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh như nhau”. Vậy thì người Phật tử dưới tầm con mắt của mình, không nên thấy *Người và vật khác nhau, mà chỉ đồng một tri giác bình đẳng, ẩn trong thân hình sai biệt. Nói rằng: “Vật dưỡng nhơn” là một quan niệm rất sai lầm, do sự ích kỷ và ngạo mạn của người sinh ra. Quan niệm ấy dung túng cho người ta thẳng tay giết hại sanh vật, và tạo ra một tình trạng bất bình đẳng, thì không bao giờ cõi đời có thể yên ổn, hòa bình được.

*********

Ăn chay có hai phương diện:  chay kỳ và chay trường.  Ăn chay trường hay trường trai là hành giả tự nguyện suốt đời dùng chất thanh đạm, không thọ dụng đồ huyết nhục.  Ăn chay kỳ thì có những thuyết:  Nhị trai, Tứ trai, Lục trai, Thập trai, Nhứt ngoạt trai, Tam ngoạt trai.

Nhị trai là ăn chay mỗi tháng hai lần vào ngày mùng một và rằm.  Tứ trai là ăn bốn lần chay trong tháng, vào ngày mùng một, mùng tám, rằm, hăm ba (hoặc ba mươi, mùng một, mười bốn, rằm).  Nhứt ngoạt trai là ăn chay luôn trong một tháng, vào tháng giêng, tháng bảy, hay tháng mười.  Cách thức ăn chay như trên, thật ra không có điển cứ, chẳng qua là bước tập lần để đi đến trường trai mà thôi.  Bởi ăn chay dù rằng hữu ích và hợp lý, nhưng cũng tùy theo hoàn cảnh và căn cơ, không phải người Phật tử nào cũng có thể bỏ ăn mặn liền trong một lúc được.  Vì muốn đạt mục đích trường trai, có người không y theo lệ trên, mỗi tháng tập ăn chay từ năm, mười, mười lăm ngày, lần lần cho đến trọn tháng.

 Lục trai là ăn chay trong các ngày mùng 8, 14, 15, 23, 29, 30 (tháng thiếu 28, 29).  Theo kinh Tứ Thiên Vương thì vào những ngày đó, Tứ Thiên Vương xem xét việc lành dữ của nhơn gian, và các ác quỷ cũng rình rập chờ người làm ác để gia hại.  Nên trong mấy ngày ấy, mọi người cần phải giữ gìn ba nghiệp không nên làm ác.  Thêm vào đấy, nếu kẻ nào biết trì trai, giữ giới, tụng kinh, tu phước, sẽ được tránh khỏi nạn tai, tăng phần phước huệ.  Luận Trí Ðộ nói:  “Tại sao trong sáu ngày trai, cần phải thọ tám giới và tu phước?  Bởi vào các ngày ấy ác quỷ rình theo người muốn gia hại, gây những việc tật bịnh hung suy.  Vì thế nên thuở kiếp sơ, trong mấy ngày đó, thánh nhơn dạy người trì trai, tu phước, làm lành.  Nhưng cách trì trai khi xưa chỉ lấy trọn ngày không ăn, gọi là trai.  Ðến khi Phật ra đời, chế lại cho thọ Bát quan trai giới trong một ngày đêm, và lấy quá ngọ không ăn làm trai.  Ðức Thế Tôn đã bảo:  – Nên như chư Phật, thọ trì tám giới và không ăn quá ngọ trong một ngày đêm.  Công đức ấy sẽ đưa người mau đến niết bàn!”

Thập trai là ăn chay mười ngày trong mỗi tháng.  Kinh Ðịa Tạng, phẩm Như Lai Tán Thán nói:  “Nầy Phổ Quảng!  Trong các ngày:  mùng 1, mùng 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29, 30 (tháng thiếu 27, 28, 29) của mỗi tháng, các tội được kết tập để định phần khinh trọng.  Nếu chúng sanh đời sau, vào mười ngày trai, đối trước tượng Phật, Bồ Tát, Hiền, Thánh, tụng kinh nầy một biến, thì mỗi phương đông, tây, nam, bắc, trong vòng 100 do tuần, không các tai nạn”.

Tam ngoạt trai là ăn chay trong tháng giêng, tháng năm, tháng chín.  Thuyết nầy phát xuất trong các phạm điển như:  kinh Phạm Võng, kinh Ðề Vị, bộ Hành Sự Sao Tư Trì Ký.  Kinh Phạm Võng nói:  “Trong sáu ngày trai và ba tháng trường trai, nếu sát sanh, trộm cướp, phá trai, phạm giới, phạm tội khinh cấu (đối với người thọ giới Bồ Tát).  Kinh Ðề Vị bảo:  “Vào ngày mùng một tháng giêng, mùng một tháng năm, mùng một tháng chín, chư thiên Ðế Thích, Thái tử sứ giả, nhật nguyệt quỉ thần, Diêm La ở địa ngục, trăm vạn chư thần an bố khắp nơi.  Vì trừ tội danh, định phước lộc, mọi người cần trì trai trong ba tháng ấy”.  Trong Tư Trì Ký cũng có nói:  “Trong tháng giêng, tháng năm, tháng chín, nghiệp cảnh ở cõi u minh theo vòng xoay chiếu đến châu Nam Thiệm Bộ.  Người đời có bao nhiêu việc thiện ác, thảy đều hiện bóng rõ trong gương.  Lại trong mấy tháng đó, Tứ thiên vương tuần thú đến Nam Châu, cũng là lúc ác quỷ đắc thế, vì vậy nên phải trì trai, tu phước”.

Theo như trên, thì thuyết Lục trai, Thập trai và Tam ngoạt trai đều có điểm cứ.  Nhưng để cho đúng với nghĩa trai, thì trong các ngày tháng ấy chẳng những ăn lạt, mà còn phải không ăn quá ngọ mới phù hợp lời Phật dạy, và có lẽ được nhiều công đức hơn.  Lại theo kinh Phạm Võng, đức Phật bảo không nên dùng ngũ tân gia vị vào thức ăn, vì những thứ ấy làm cho thân thể hôi và dễ sanh các phiền não như ái dục, sân hận…  Như thế thì muốn cho sự tu phước thêm phần toàn vẹn, vào ngày Lục trai hay Thập trai, người Phật tử nên thọ trì Bát quan trai giới, song phải ăn lạt và không dùng ngũ vị tân.  Thọ trì Bát quan trai giới là giữ tám giới:  không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu, không trang điểm, không tự hành và cố ý xem nghe ca múa âm nhạc, không ngồi nằm chỗ cao rộng sang đẹp; và giữ một phép trai là không ăn quá ngọ.  Tám điều trước duy thuộc về giới, vì có công năng đóng ngăn cửa ác, nên gọi là Bát quan.  Một điều sau gồm nghĩa trai và giới mà trai là phần chánh, nên mới thêm chữ “trai” sau hai chữ Bát quan.  Như thế, tổng hợp lại chín điều gọi là Bát quan trai giới.  Và đây là nghĩa giải thích của Trí Ðộ Luận.

Về việc trong những ngày tháng Lục trai, Tam ngoạt trai ác quỷ đắc thế, có thuyết nói vào thời gian ấy các ngoại giáo bên Ấn Ðộ thường theo thông lệ giết sanh vật cúng tế thần linh, hoặc cắt lấy máu thịt nơi thân để làm phép hộ ma.  Và bởi duyên cớ đó, những ác quỷ cũng y theo lệ mà đi tìm ăn đồ huyết nhục.  Do sự kiện nầy, vào các ngày trên, đức Phật khuyên đồ chúng nên giữ trai giới không được sát sanh, để phản ảnh phong thái từ bi của thánh đạo.  Nếu quả như thế thì sự ăn lạt vào các ngày trai lại càng hợp lý hơn.

Ăn chay đã vâng giữ theo lời Phật dạy, có lợi ích, hợp tình lý như trên, thì tất cả Phật tử đều nên tùy hoàn cảnh, khả năng tập lần, để tiến bước lên đường phước huệ.  Ðiều cần yếu là khi ăn phải từ nơi cơ bản thiết thật của nó, không nên vì mê tín phi lý, vì háo danh muốn được tiếng khen mà ăn, hoặc sanh lòng kiêu mạn trở lại khinh người ăn mặn.  Lại ăn chay phải hợp vệ sinh, biết chọn lựa thay đổi thức ăn, không nên ép xác cố ăn một cách quá kham khổ.  Cũng không nên nấu chay giả thành đồ mặn mà làm trò cười cho thế gian.

Hòa Thượng Thích Thiền Tâm

error: Alert: Content selection is disabled!!