T-Từ Điển Đạo Uyển

Tá Trợ

Từ Điển Đạo Uyển

佐助; C: zuǒzhù; J: sajo;
Người phụ tá; giúp đỡ, hỗ trợ, ủng hộ (p: sāhāyya; theo kinh Niết-bàn 涅槃經)

Tác

Từ Điển Đạo Uyển

作; C: zuò; J: sa.
Có các nghĩa: 1. Tạo ra, sáng tạo, làm, kiến lập. Viết văn, soạn nhạc, sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật. Thuật ngữ Sanskrit là īhate, karoti; 2. Sự hoạt động, sự tạo tác (s: karman, kriyā); 3. Sự việc được tạo tác, được làm ra, đặc biệt là từ nhân duyên (s: krtā-katva, kṛtā). Là thứ (đặc biệt là phiền não) được tạo ra do tâm phân biệt, khác với những gì xảy ra một cách ngẫu nhiên (nhậm vận) hoặc bẩm sinh (câu sinh); 4. Hành vi, công hạnh; 5. Nghề nghiệp, thiên hướng; 6. Người tạo tác; 7. Hành động chỉ nhắm đến bề ngoài; 8. Một trong Mười như thị đề cập trong kinh Pháp Hoa. Thập như thị (十如是).

Tác Bệnh

Từ Điển Đạo Uyển

作病; C: zuòbìng; J: sabyō.
Bệnh do tin rằng mình có thể dụng công trù liệu mà được giác ngộ. Một trong 4 bệnh (Tứ bệnh 四病, được hiểu là vọng kiến) được mô tả trong kinh Viên Giác.

Tác Chứng

Từ Điển Đạo Uyển

作證; C: zuòzhèng; J: sashō.
Kinh nghiệm chứng ngộ rốt ráo riêng của một người. Thành tựu công phu tu đạo. Sự ấn chứng trạng thái giác ngộ cho một người (theo Nhị chướng nghĩa 二障義).

Tác Dụng

Từ Điển Đạo Uyển

作用; C: zuòyòng; J: sayū.
Có các nghĩa sau: 1. Chức năng, sự hoạt dụng (s: vyāpāra, kāritra, pravartate); 2. Căn nguyên chủ yếu của các pháp, sự khích lệ, lực thúc đẩy, nguyên nhân; 3. Sự sinh khởi và tịch diệt của thật thể; 4. Công phu tu tập thật tế.

Tác đắc

Từ Điển Đạo Uyển

作得; C: zuòdé; J: sakutoku.
Có được do dụng công, sáng tạo ra. Đối lại là “sinh đắc” (生得), nghĩa là có do bẩm sinh.

Tác Phạm

Từ Điển Đạo Uyển

作犯; C: zuòfàn; J: sabon.
Làm các việc ác, vi phạm giới luật.

Tác Phật

Từ Điển Đạo Uyển

作佛; C: zuòfó; J: sabutsu.
“Làm Phật”, có nghĩa là trở thành một vị Phật, đạt được sự giác ngộ rốt ráo. Như biểu thị “Thành Phật” (成佛; theo Nhị chướng nghĩa 二障義).

Tác Tập Pháp

Từ Điển Đạo Uyển

作集法; C: zuòjífǎ; J: sashūhō.
Hội nghị các tăng sĩ Phật giáo để minh định chính pháp. Kết tập (結集).

Tác Trì

Từ Điển Đạo Uyển

作持; C: zuòchí; J: saji.
Làm các việc thiện; thực hành các thiện pháp, tương phản với hạnh “chỉ trì,” (止持), không làm các việc ác.

Tác Tứ đế

Từ Điển Đạo Uyển

作四諦; C: zuòsìdì; J: sashitai.
Thuật ngữ trong kinh Thắng Man (s: śrī-mālā-sūtra), nghĩa là “Tứ đế được tạo tác”, đối nghịch lại là Vô tác tứ đế.

Tác ý

Từ Điển Đạo Uyển

作意; C: zuòyì; J: sakui.
1. Để ý đến, chú ý, nhận biết, chú tâm (s: manasi-karoti); 2. Tập trung tâm ý, ngăn ngừa tâm tán loạn, tập trung vào một đối tượng(s: manas-kāra); Một trong 10 Đại địa pháp (十大地法) trong luận A-tì-đạt-ma, tương đương với Tư (s: cetanā); 3. Một trong 5 loại biến hành (五遍行) trong Tâm sở pháp (心所) của Du-già hành tông (theo Du-già luận).

Tắc-Kiện-đà

Từ Điển Đạo Uyển

塞建陀; C: sāijiàntuó; J: saikenda;
Phiên âm chữ skandha trong tiếng Phạn. Xem Uẩn (蘊).

Tắc-Kiện-đà-La

Từ Điển Đạo Uyển

塞建陀羅; C: sāijiàntuóluó; J: saikendara;
Có 2 nghĩa: 1. Skandhila. Một vị tăng Ấn Độ, tác giả của Nhập A-tì-đạt-ma luận (入阿毘達磨論, s: abhidharma-āvatāra-prakaraṇa); 2. Phiên âm chữ Uẩn (蘊; s: skandha) trong tiếng Phạn.

Tai

Từ Điển Đạo Uyển

哉; C: zāi; J: sai;
Có các nghĩa sau: 1. Dùng trong câu hỏi – Chẳng phải vậy sao?; 2. Nghi vấn từ; 3. Từ diễn đạt sự ngạc nhiên, thán phục, hay thương cảm; 5. Bắt đầu.

Tai-Lô-Pa

Từ Điển Đạo Uyển

S: tilopa, tailopa;
Một trong những vị Ma-ha Tất-đạt (s: mahā-siddha) và là người đầu tiên truyền phép Ðại thủ ấn (s: mahāmudrā). Sư là người thống nhất các phép tu Tan-tra của Ấn Ðộ và truyền cho đệ tử là Na-rô-pa (t: nāropa). Dưới tên Na-rô-pa (Na-rô lục pháp; t: nāro chodrug), giáo pháp này được truyền bá rộng rãi tại Tây Tạng và đóng vai trò quan trọng trong phái Ca-nhĩ-cư (t: kagyupa). Tên “Tai-lô-pa” có nghĩa là “người làm dầu mè” vì Sư từng ép dầu mè kiếm sống.
Tai-lô-pa là vị Ðạo sư (s: guru; xem A-xà-lê) đầu tiên được biết đến trong lịch sử Phật giáo: không phải là một Pháp sư (người tinh thông và thuyết giảng Tam tạng), không phải là Luận sư (người chuyên tranh luận và viết luận) mà chỉ là một người siêng năng tu tập, thực hành Phật pháp. Với Tai-lô-pa, trong lịch sử Phật giáo xuất hiện một hạng Ðạo sư mới.

H 50: Tai-lô-pa (tilopa)
Sư sinh ra trong một gia đình Bà-la-môn tại Śāliputra (Hoa Thị thành?). Mặc dù Long Thụ được xem là thầy của Sư nhưng Sư không theo tông phái nào, chỉ thí nghiệm nhiều phương pháp tu mật và trong lúc nhập định, Sư chứng kiến được các vị Không hành nữ (s: ḍākinī) và A-đề Phật, ngộ sự nhất thể của mình với họ. Hộ Thần (s: sādhita) của Sư là Cha-kra sam-va-ra (s: cakrasaṃvara). Về cuộc đời giáo hoá của Sư sau đó thì có nhiều tài liệu khác nhau. Tương truyền rằng, Sư trụ trì tại một tịnh viện tại Odantaputra và nơi đây Sư truyền pháp lại cho Na-rô-pa. Phật tử Tây Tạng rất tôn thờ Sư, mặc dù Sư không bao giờ bước chân đến đây. Ðại tạng của Tây Tạng còn giữ lại chín tác phẩm của Sư và dòng Ca-nhĩ-cư (kagyupa) xem Sư là Sơ tổ.
Trong hệ thống 84 vị Ma-ha Tất-đạt Ấn Ðộ, Tai-lô-pa là Ðạo sư của nhà vua xứ Viṣṇunagara. Ngày nọ, bỗng nhiên Sư cảm nhận cuộc đời vô thường, vô vị và ngay tối hôm đó lẳng lặng ra đi về miền Nam. Sư được môn đệ là Na-rô-pa tận lòng phục vụ. Sau mười năm tu tập, Sư đạt thánh quả Ðại thủ ấn tất-địa. Tranh tượng hay trình bày Sư tay không bắt cá. Kệ tụng của Sư như sau:
Chim đậu núi Tu-di,
hầu như làm bằng vàng.
Thánh nhân, kẻ đã biết,
tất cả đều khả dĩ,
bỏ thế gian vật chất,
bám đậu vào đất Phật.

Tâm

Từ Điển Đạo Uyển

心; C: xīn; J: shin; S: citta, hṛdaya, vijñāna;
Thuật ngữ quan trọng của đạo Phật, có nhiều nghĩa:
1. Tâm được xem đồng nghĩa với Mạt-na (s: manas, thức suy nghĩ phân biệt) và Thức (s: vijñāna). Tâm chỉ toàn bộ sinh hoạt và hiện tượng của tâm trí.
2. Trong luận A-tì-đạt-ma câu-xá, tâm được xem như một thể riêng biệt, trên thể đó thế giới hiện tượng xuất hiện.
3. Trong Duy thức tông, tâm được xem là A-lại-da thức (s: ālayavijñāna; còn được gọi là Tạng thức), gốc của tất cả mọi hiện tượng tâm trí. Theo quan điểm này, thì toàn bộ vũ trụ này chính là “tâm thanh tịnh.” Nhiều quan điểm cho rằng tâm này chính là “vô thuỷ vô minh”, vô minh nguyên thuỷ của Phật tính và là thật tại tối thượng của mọi hiện tượng nhị nguyên.
Tổng quát lại, người ta có thể phân biệt sáu loại tâm: 1. Nhục đoàn tâm (肉團心), trái tim thịt; 2. Tinh yếu tâm (精要心), chỉ cái tinh hoa cốt tuỷ; 3. Kiên thật tâm (堅實心), chỉ cái tuyệt đối, cái Chân như của các Pháp – ba loại tâm trên được dịch từ danh từ Hṛdaya của Phạn ngữ (sanskrit); 4. Tập khởi tâm (集起心; citta), là thức thứ 8 – A-lại-da thức (ālayavijñāna); 5. Tư lượng tâm (思量心), là thức thứ 7, Mạt-na (manas); 6. Duyên lự tâm (緣慮心), là thức thứ sáu, Ý thức (s: manovijñāna).

Tam A-Tăng-Kì Kiếp

Từ Điển Đạo Uyển

三阿僧祇劫; C: sān āsēngqí jié; J: sana-sōgikō;
“Ba vô lượng kiếp” (A-tăng-kì). Năm mươi hai cấp bậc tu tập của một vị Bồ Tát được chia thành ba a-tăng kì kiếp. Thập tín (十信), Thập trú (十住), Thập hạnh (十行) và Thập hồi hướng (十迴向) thuộc về đại kiếp thứ nhất. Từ địa vị thứ nhất đến thứ bảy của Bồ Tát thập địa kéo dài một đại kiếp, đại kiếp thứ hai, và địa thứ tám đến mười được thực hiện trong đại kiếp thứ ba.

Tam ái

Từ Điển Đạo Uyển

三愛; C: sānài; J: san’ai;
Ba loại luyến ái: 1. Dục ái (欲愛), Sắc ái (色愛, cũng gọi là Hữu ái 有愛) và Vô sắc ái (無色愛 hoặc Vô hữu ái 無有愛); 2. Ba loại ái, đặc biệt trở nên mạnh mẽ khi giờ phút lâm chung đến gần: a. Tự thể ái (自體愛), lưu luyến thân thể đang có, b. Cảnh giới ái (境界愛), lưu luyến gia quyến, vật sở hữu, c. Đương sinh ái (當生愛), lưu luyến những cảnh tượng đã trải qua trong cuộc sống.

Tâm ấn

Từ Điển Đạo Uyển

心印; J: shin-in;
Là dấu hiệu của tâm. Truyền tâm ấn có nghĩa là sự truyền yếu chỉ Phật pháp của thầy cho đệ tử. Ai được truyền tâm ấn là người đó được Ấn khả, được phép hoằng hoá nối pháp của thầy.

Tam Bảo

Từ Điển Đạo Uyển

三寶; C: sānbăo; J: sanbō; S: triratna; P: tiratana; “Ba ngôi báu”;
Ba cơ sở chính của Phật giáo: Phật, Pháp, Tăng, tức là bậc giác ngộ, giáo pháp của bậc giác ngộ và bạn đồng học. Người có niềm tin kiên cố nơi Tam bảo được gọi là bậc Dự lưu (vào dòng). Người Phật tử biểu lộ sự tin tưởng bằng cách quy y Tam bảo (Ba quy y). Trong mười phép quán Tuỳ niệm (p: anussa-ti), ba đối tượng đầu tiên là Tam bảo.
Ý nghĩa của Tam bảo được hiểu rộng hơn theo truyền thống Ðại thừa. Trong các buổi giảng dạy về Thiền, đặc biệt sau các chương trình Tiếp tâm (j: sesshin), quán Công án, các thiền sinh được hướng dẫn vào lối nhìn Tam bảo của Ðại thừa. Theo cách nhìn này thì người ta có thể phân ý nghĩa Tam bảo ra ba tầng cấp: a) Nhất thể tam bảo (j: ittai-sambō), b) Hiện tiền tam bảo (j: genzen-sambō) và c) Trụ trì tam bảo (j: juji-sambō).
Nhất thể tam bảo (一體三寶; cũng được gọi là Ðồng thể tam bảo; 同體三寶) bao gồm: 1. Ðại Nhật Phật, hiện thân của Pháp thân (s: dharmakāya), biểu hiện của sự bình đẳng vô vi, sự thông suốt tính Không (s: śūnyatā) và Phật tính của vạn vật; 2. Pháp (s: dharma), được hiểu là luân lí của toàn thể vũ trụ và theo đó thì tất cả những pháp hiện hữu đều theo nhân duyên mà sinh, đều phụ thuộc vào nhau; 3. Sự xuyên suốt giữa hai điểm 1. và 2. nêu trên và từ đó xuất phát ra một sự thật, một sự thật mà chỉ một bậc Giác ngộ mới có thể trực chứng được.
Hiện tiền tam bảo (現前三寶; cũng có lúc được gọi là Biệt thể tam bảo; 別體三寶) gồm có: 1. Ðức Phật lịch sử Thích-ca Mâu-ni (s: śākyamuni), người sáng lập Phật giáo qua sự giác ngộ của chính mình và là người đã thực hiện được Nhất thể tam bảo; 2. Pháp, ở đây được hiểu là giáo lí của đức Phật, được Ngài thuyết giảng và 3. Các vị đệ tử của Ngài.
Trụ trì tam bảo (住持三寶) bao gồm: 1. Những tranh tượng của đức Phật được truyền lại đến ngày nay; 2. Những lời dạy của chư vị Phật trong kinh sách và 3. Chư Phật tử hiện nay, những người đang tu học và thực hiện Chính pháp.

Tam Bảo Kỉ

Từ Điển Đạo Uyển

三寶紀; C: sānbăojì; J: sanbōki;
Lịch đại tam bảo kỉ (歴代三寶紀).

Tâm Bất Khả đắc

Từ Điển Đạo Uyển

心不可得; J: shin fuka toku; nghĩa là “không thể nào nắm bắt được tâm”;
Một cách trình bày của Thiền tông để chỉ những biến chuyển vô cùng của các Pháp trong Tâm; nghĩa là chúng luôn luôn biến đổi như một dòng nước chảy, không có thật theo ý nghĩa dài lâu và cũng vì vậy, người ta cũng không thể nào nắm giữ được “Tâm” hay hiểu một cách khác, “Tâm” vượt qua mọi định nghĩa thông thường, vượt qua mọi ngôn ngữ diễn bày (Bất khả tư nghị, Bất khả thuyết).

Tam Bất Thiện Căn

Từ Điển Đạo Uyển

三不善根; C: sān bùshàngēn; J: san fuzengon;
Ba cội nguồn bất thiện là tham (貪), sân (瞋) và si (癡). Chúng tương đương với Ba độc (tam độc 三毒; theo Du-già luận 瑜伽論)

Tám Báu Vật

Từ Điển Đạo Uyển

S: aṣṭamaṅgala; Hán Việt: Bát cát tường (八吉祥);
Tám vật tượng trưng cúng dường “Chúa tể thế gian” (ám chỉ Phật). Tám vật này hay được trưng bày trước tượng Phật trong các chùa Trung Quốc. Ðó là:
1. Dù trắng (s: sitāpatra): tượng trưng cao quý, trừ tà; 2. Hai con cá (s: matsyayugma): biểu tượng của chúa tể thế gian, sự giàu sang, thịnh vượng; 3. Tù-và (s: śaṅkha): sự toàn thắng; 4. Hoa Sen (s: padma): sự tinh khiết; 5. Bình Cam lộ (s: amṛta-kalaśa): chứa nước bất tử; 6. Ngọn cờ cuốn lại (s: dhvaja): sự chiến thắng; 7. Gút thắt vô tận (s: granthi): chỉ đời sống vô tận); 8. Pháp luân (s: dharmacakra).

Tam Bình Nghĩa Trung

Từ Điển Đạo Uyển

三平義忠; C: sānpíng yìzháng; J: sampei gichū; tk. 8/9;
Thiền sư Trung Quốc dòng Thạch Ðầu Hi Thiên, môn đệ của Ðại Ðiên Bảo Thông.
Sư họ Dương, quê ở Phúc Châu. Ban đầu Sư đến tham vấn Thạch Củng Huệ Tạng. Thạch Củng dương cung bảo: “Xem tên đây!” Sư bèn vạch ngực thưa: “Ðây là mũi tên giết người, đâu là mũi tên cứu người?” Thạch Củng gảy dây cung ba cái, Sư liền làm lễ. Thạch Củng bảo: “Ba mươi năm một phen dương cung, một hai mũi tên chỉ bắn được nửa người thánh.”
Sư đến tham vấn Ðại Ðiên thuật lại việc trên, Ðại Ðiên bảo: “Ðã là mũi tên cứu người, vì sao nhằm trên dây cung mà biện?” Sư đáp không được. Ðại Ðiên bảo: “Ba mươi năm sau cần người nhắc câu này cũng khó được.” Sư hỏi: “Chẳng cần chỉ Ðông vẽ Tây, thỉnh thầy chỉ thẳng.” Ðại Ðiên bảo: “Cửa sông U Châu người đá ngồi xổm.” Sư bảo: “Vẫn là chỉ Ðông vẽ Tây” Ðại Ðiên bảo: “Nếu phượng hoàng con không đến bên này bàn.” Sư làm lễ, Ðại Ðiên bảo: “Nếu chẳng đặng câu sau thì lời trước khó tròn.”
Sư dạy chúng: “Các ngươi! Nếu chưa gặp trí thức thì chẳng nên, nếu từng gặp trí thức rồi phải nhân ngay ý độ ấy, đến trên chót núi, hóc đá, ăn cây, mặc lá, thế ấy mới có ít phần tương ưng. Nếu chạy cầu hiểu biết nghĩa cú, tức là trông quê hương muôn dặm xa vậy.”
Không biết Sư tịch nơi nào, năm nào.

Tam Bộ Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

三部經; C: sānbùjīng; J: sanbukyō;
Ba bộ kinh căn bản, thay đổi tuỳ theo truyền thống: I. Pháp Hoa tam bộ kinh (法華三部經); 2. Di-lặc tam bộ kinh (彌勒三部經); 3. Tịnh độ tam bộ kinh (淨土三部經); 4. Đại Nhật tam bộ kinh (大日三部經); 5. Trấn hộ quốc gia tam bộ kinh (鎮護國家三部經).

Tam Ca-Diếp

Từ Điển Đạo Uyển

三迦葉; C: sān jiāyè; J: sankashō;
Ba anh em họ Ca-diếp: 1. Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp (優楼頻螺迦葉; s: uruvilvā-kāśya-pa); 2. Na-đề Ca-diếp (那提迦葉; s: kāśya-pa); 3. Già-da Ca-diếp (伽耶迦葉; s: gayā-kāśyapa). Họ nguyên là Pháp sư chuyên thờ thần lửa với hơn ngàn đệ tử. Khi được đức Phật chuyển hoá, họ gia nhập tăng-già với chúng đệ tử của họ. Ba anh em này sau là những người góp phần trong việc quản lí, tổ chức tăng-già sau này.

Tam Căn

Từ Điển Đạo Uyển

三根; C: sāngēn; J: sankon;
1. Chỉ ba căn cơ của con người: Thượng, trung và hạ; 2. Ba nguồn gốc bất thiện là Tham, sân và si.

Tam Chi Tác Pháp

Từ Điển Đạo Uyển

三支作法; C: sānzhī zuòfǎ; J: sanshi sahō;
Ba thành phần của Tam đoạn luận pháp (e: syllogism) trong tân phái của Nhân minh học Phật giáo. Ba thành phần này là: Tông (宗; s: pratijñā), là tông chỉ; Nhân (因; s: hetu), nguyên nhân; và Dụ (喩; s: udāharana), thí dụ cụ thể. Các cựu phái thường sử dụng luận pháp với năm thành phần (Ngũ chi tác pháp 五支作法), nhưng kể từ thời Trần-na, năm thành phần như vậy được xem là thừa và thay vào đó, Tam chi tác pháp được sử dụng.

Tam Chủng Duyên Sinh

Từ Điển Đạo Uyển

三種縁生; C: sānzhǒng yuànshēng; J: sanshu enshō;
Ba loại nhân duyên, nguyên do của một sự tái sinh: 1. Cùng sinh tử duyên sinh (窮生死縁生): nhân do đã đến giới hạn của sinh tử; 2. Ái phi ái đạo duyên sinh (愛非愛道縁生): nhân do không còn luyến ái và cũng không không luyến ái và 3. Thụ dụng duyên sinh (受用縁生): Đã đạt được một thân hưởng thụ (Thụ dụng thân; theo Nhiếp đại thừa luận 攝大乘論).

Tam Chủng Huân Tập

Từ Điển Đạo Uyển

三種熏習 (薰) 習; C: sānzhǒng xūnxí; J: sanshu kunshū;
Ba loại Huân tập (chữ Huân cũng được viết 熏 thay vì 薰): I. 1. Danh ngôn huân tập (名言薫習): Sự huân tập của danh ngôn; 2. Sắc thức huân tập (色識薫習), huân tập của sắc thức và 3. Phiền não huân tập (煩惱薫習), sự huân tập của những loại phiền não. II. 1. Huân tập của ngôn thuyết (言説); 2. Huân tập của Ngã kiến (我見) và 3. Huân tập có liên hệ đến sự tồn tại của chính mình (有分), tỉ như ở trong một trong Tam giới hoặc Lục thú (theo Nhiếp đại thừa luận 攝大乘論).

Tam Chủng Phiền Não

Từ Điển Đạo Uyển

三種煩惱; C: sānzhǒng fánnăo; J: sanshu bonnō;
Ba loại phiền não: 1. Những phiền não xảy ra trên Kiến đạo (見道), Tu đạo (修道), và những phiền não không xuất sinh trên hai con đường trên (theo Nhị chướng nghĩa 二障義). 2. Lục căn (六根), Lục cảnh (六境) và Lục thức (六識).

Tam Chủng Tất-địa Phá địa Ngục Chuyển Nghiệp Chướng Xuất Tam Quả Bí Mật đà-La-Ni Pháp

Từ Điển Đạo Uyển

三種悉地破地獄轉業障出三界祕密陀羅尼法; C: sānzhǒng xīdì pòdìyù zhuàn yèzhàng chū sānjiè mìmì tuóluónífǎ; J: sanshu shicchi hajigoku ten gosshō shutsu sangai himitsu daranihō;
“Bí mật đà-la-ni của ba loại thành tựu, tiêu diệt địa ngục, chuyển biến nghiệp chướng trong tam giới”. Một tác phẩm bao gồm một quyển, tác giả được xem là Thiện Vô Uý (善無畏; s: śubhākarasiṁha). Quyển này có những đoạn đề cập đến sự tương quan giữa Ngũ tự (五字) và Ngũ bộ (五部) của Mật giáo đạo Phật và Ngũ Hành thuyết (五行説) của Đạo giáo và chính những đoạn văn này cũng thường được trích dẫn làm một ví dụ – xuất phát từ phía Trung Hoa –, là biểu trưng của một sự tổng hợp tư tưởng Ấn Hoa.

Tam Duyên

Từ Điển Đạo Uyển

三縁; C: sānyuàn; J: san’en;
Ba loại nhân duyên (điều kiện). I. 1. Chung sinh (終生): Nhân duyên chấm dứt cuộc sống; 2. Đoạn hoặc (斷惑): Nhân duyên cắt đứt lậu hoặc, phiền não; 3. Thụ sinh (受生): Nhân duyên thụ sinh (thụ thai, tái sinh). II. Tà sư, tà giáo và tà kiến. III. Theo Thiện Đạo (善導) thì có ba nhân duyên thiện hảo được khởi dẫn trong lúc niệm Phật: 1. Thân duyên (親縁): Hành giả trở nên thân thiện hơn với Phật A-di-đà trong lúc xưng tán hồng danh của ngài, quán tưởng công đức của ngài cũng như tỏ vẻ cung kính tuỳ thuận; 2. Cận duyên (近縁): Hành giả nhờ lòng thành tha thiết yết kiến Phật mà được ngài cảm ứng; 3. Tăng thượng duyên (増上縁): Vì lòng thành xưng tán danh hiệu Phật nên hành giả tiêu diệt được nghiệp chướng, đạt được một cấp bậc tái sinh tốt hơn.

Tam đại

Từ Điển Đạo Uyển

三大; C: sāndà; J: sandai;
Là ba sự huyền diệu to lớn đã có sẵn trong tâm bồ-đề của chúng sinh, được dạy trong luận Đại thừa khởi tín. Sự huyền diệu lớn đầu tiên là Thể đại (體大), có tương quan đến chất lượng căn bản của tâm thức là Chân như. Thứ hai là Tướng đại (相大), có liên hệ đến muôn vàn hiện tượng kì diệu xuất phát từ Như Lai tạng (如來藏; s: tathāgatagarbha), và thứ ba là Dụng đại (用大), liên hệ đến những chức năng có thể thấy được trong việc nỗ lực tu tập để trực chứng tâm bồ-đề. Đại thừa khởi tín luận viết như sau:
云何爲三一者體大謂一切法眞如平等不增減故二者相大謂如來藏具足無量性功徳故三者用大能生一切世間出世間善因果故
Vân hà vi tam? Nhất giả Thể đại vị nhất thiết pháp chân như bình đẳng bất tăng giảm cố. Nhị giả Tướng đại vị Như Lai tạng cụ túc vô lượng tính công đức cố. Tam giả Dụng đại năng sinh nhất thiết thế gian xuất thế gian thiện nhân quả cố.

Tam đạo

Từ Điển Đạo Uyển

三道; C: sāndào; J: sandō;
I. Ba thánh đạo (ba con đường lấy giác ngộ làm cơ sở) trong Du-già hành tông: Kiến đạo (見道), Tu đạo (修道) và Vô học đạo (無學道). II. Ba ác đạo, Tam ác đạo (三惡道). III. Hoặc (惑), Nghiệp (業), Khổ (苦).

Tam đế

Từ Điển Đạo Uyển

三諦; C: sāndì; J: sandai;
“Ba chân lí” hoặc “Chân lí ba phần”. Một thuật ngữ của tông Thiên Thai để giải thích hiện thật qua ba khía cạnh: 1. Không đế (空諦), sự thật của Tính không, nghĩa là tất cả những hiện hữu đều trống không, không có một bản chất nào; 2. Giả đế (假諦), tất cả đều là giả hợp tạm thời. Tất cả những hiện hữu đều do nhân duyên hợp lại mà thành; 3. Trung đế (中諦), sự thật không thể được diễn bày qua phủ định hoặc xác định, mà nằm ở khoảng giữa.

Tam đế Viên Dung Quán

Từ Điển Đạo Uyển

三諦圓融觀; C: sāndì yuánróng guān; J: sandaienyūkan;
Sự quán sát nguyên tắc hiện thật, giúp hành giả nhận thức được tính viên dung thông suốt của Tam đế: Không, Giả và Trung.

Tam địa

Từ Điển Đạo Uyển

三地; C: sāndì; J: sanchi;
Địa vị thứ ba trong Thập địa; được gọi là Phát quang địa (發光地; theo Nhị chướng nghĩa 二障義.)

Tam đức

Từ Điển Đạo Uyển

三徳; C: sāndé; J: santoku;
Ba khía canh công đức của một vị Phật: 1. Công đức của lòng bi; 2. Công đức của sự đoạn diệt phiền não và 3. Công đức của trí huệ.

Tâm Ðịa Giác Tâm

Từ Điển Đạo Uyển

心地覺心; J: shinchi kakushin; 1207-1298;
Thiền sư Nhật Bản thuộc tông Lâm Tế, đắc pháp nơi Thiền sư Vô Môn Huệ Khai. Sư là người mang tập Công án quan trọng Vô môn quan sang Nhật và phổ biến phương pháp quán công án tại đây.
Sư sinh trưởng tại Nagano, xuất gia năm 14 tuổi và thụ giới cụ túc năm 28 tuổi. Ban đầu Sư tu tập theo Chân ngôn tông trên núi Cao Dã (kōya) và cũng nơi đây, Sư tiếp xúc với Thiền tông lần đầu qua một vị đệ tử của sư Minh Am Vinh Tây (myōan eisai) là Thối Canh Hành Dũng (退耕行勇; j: taikō gyōyū). Sau đó, Sư tham học với nhiều vị Thiền sư đương thời, trong đó có cả Thiền sư Ðạo Nguyên Hi Huyền (dōgen kigen). Năm 1249, Sư cất bước sang Trung Quốc du học, một cuộc hành trình kéo dài gần sáu năm (1249-1254).
Ðến Trung Quốc, Sư có nguyện vọng tham học nơi Thiền sư Vô Chuẩn Sư Phạm nhưng vị Thiền sư danh tiếng này đã qua đời và vì thế, Sư cất bước chu du khắp nơi. Trong cuộc hành trình này, Sư cũng có dịp tiếp xúc với các Thiền sư thuộc Phổ Hoá tông và học cách thổi sáo Xích bát (尺八; j: shakuhachi) của họ – một cách nhiếp tâm khác thay vì tụng kinh Niệm Phật. Ðược một bạn đạo đồng hương khuyên, Sư đến Thiền sư Vô Môn Huệ Khai – vị Thiền sư danh tiếng nhất đương thời – cầu học yếu chỉ Thiền. Cuộc gặp gỡ này xảy ra một cách rất thân mật. Khi thấy vị khách hiếu học từ Nhật đến, sư Huệ Khai hỏi ngay: “Chẳng có cửa nào để vào đây, ngươi vào thế nào được?” Sư đáp: “Con đến từ nơi không cửa (vô môn).” Huệ Khai hỏi tiếp: “Ngươi tên gì?” Sư thưa: “Giác Tâm.” Sư Huệ Khai liền làm ngay bài kệ:
Tâm chính là Phật
Phật chính là Tâm
Quá khứ, hiện tại
Phật Tâm như nhau
Chỉ sau sáu tháng tu tập, Sư được Huệ Khai Ấn khả. Trước khi rời thầy, Sư được Huệ Khai chính tay trao cho ca-sa, một bức chân dung và một bản của Vô môn quan.
Sau khi trở về Nhật, Sư lưu lại một thời gian tại núi Cao Dã và không bao lâu, Sư sáng lập một thiền viện tại Wakayama với tên Tây Phương tự (saihō-ji) – sau được đổi tên là Hưng Quốc tự (kōkoku-ji) – nơi Sư trụ trì 40 năm sau đó. Sư được các vị Nhật hoàng mời đến Kinh Ðô (kyōto) nhiều lần thuyết pháp và được phong danh hiệu Pháp Ðăng Viên Minh Quốc sư (hottō emmyō kokushi).
Sư truyền dòng Thiền Lâm Tế hệ phái Dương Kì (yōgi-ha) tại Nhật và được xem là một trong những Ðại Thiền sư nơi đây. Sư sử dụng phương pháp quán công án để hướng dẫn các đệ tử trên đường Giác ngộ và công án thường được Sư sử dụng nhất là công án thứ nhất, “Vô” của Vô môn quan. Ngoài phương pháp quán công án, Sư cũng chú trọng đến việc thực hành các nghi lễ theo Chân ngôn tông. Ngoài các việc nói trên, Sư cũng được xem là người truyền tông Phổ Hoá sang Nhật, một tông phái tồn tại đến thời cận đại.
Sư và các môn đệ sau vài thế hệ thành lập một hệ phái trong tông Lâm Tế tại Nhật Bản, được gọi là Pháp Ðăng phái (hottō-ha). Thành tựu lớn của Sư được xem là việc đem tập Vô môn quan sang Nhật. Không bao lâu sau đó, tập công án quan trọng thứ hai của tông Lâm Tế là Bích nham lục (j: hekigan-roku) cũng được truyền sang đây và như vậy, hai tác phẩm căn bản của tông này đã có mặt, việc truyền bá Thiền đã đứng vững.

Tam Giác Sơn

Từ Điển Đạo Uyển

三角山; C: sānjueshān; J: sankakusan; K: samgaksan.
Một ngọn núi nằm ở quận Cao Dương (高陽郡; k: koyanggun), Hàn Quốc, nổi danh vì những chùa chiền ở đây.

Tam Giai Giáo

Từ Điển Đạo Uyển

三階教; C: sānjiē-jiào; J: sankaikyō;
“Giáo lí dành cho ba giai cấp”. Một phong trào Phật giáo được khởi dẫn bởi Tín Hành (信行, 540-594). Tam giai tương ưng với căn cơ khác nhau của chúng sinh, bao gồm: 1. Căn cơ tu hành theo Nhất thừa, dành cho những người căn cơ tuyệt đỉnh; 2. Căn cơ thực hiện Tam thừa, dành cho những người tuy không thực hiện được Nhất thừa, nhưng vẫn có khả năng phán đoán chân chính, phân biệt đúng sai, và 3. Không có căn cơ, khả năng gì, hoặc căn cơ thấp kém nhất, phá giới, ôm ấp tà kiến. Giáo lí dành cho hai giai cấp đầu được gọi là Biệt pháp (別法), giáo lí phân tích, phân biệt được chân nguỵ và giáo lí dành cho giai cấp cuối cùng được gọi là Phổ pháp (普法), lấy nguyên tắc “tất cả đều là Pháp thân” làm cơ sở, đặc biệt dành cho những chúng sinh căn cơ thấp kém, mù quáng từ lúc sinh ra (sinh manh 生盲), không có khả năng phân biệt thiện ác, chân nguỵ.
Phái này chia giáo pháp đức Phật ra ba giai đoạn: 1. Giai đoạn Chính pháp, là lúc mọi người đều tuân thủ giáo pháp Phật, kéo dài khoảng 500 năm kể từ Phật nhập diệt; 2. Giai đoạn Tượng pháp, là lúc pháp bị lẫn lộn đúng sai, kéo dài khoảng 1000 năm; 3. Giai đoạn Mạt pháp, là lúc giáo pháp không còn ai tin và bị huỷ diệt, giai đoạn này kéo dài 10.000 năm. Thời mạt pháp được xem là bắt đầu từ năm 550 sau Công nguyên và hiện nay còn kéo dài.
Tín Hành và các môn đệ cho rằng, chỉ môn phái của mình mới giữ đúng giáo pháp. Phái Tam giai chủ trương giữ nghiêm khắc Giới luật (s: śīla), ép xác, khổ hạnh, chỉ ăn mỗi ngày một bữa. Giáo phái này công kích các phái khác, gọi các nhà cầm quyền là “chệch hướng” nên bị cấm năm 600, và khoảng năm 845 mới thật sự biến mất.
Theo Tín Hành thì Nhất thừa (s: ekayāna) hay Phật thừa được giảng trong giai đoạn thứ nhất. Trong giai đoạn thứ hai thì Ba thừa (Thanh văn, Ðộc giác, Bồ Tát thừa) được truyền bá. Theo tông này, cả hai giai đoạn này đều có giới hạn. Giai đoạn thứ ba dành cho thời kì mạt pháp. Giáo lí phải thật toàn triệt và Tam giai giáo là đại diện.
Thời kì mạt pháp có đặc tính là con người chê bai giới luật, ngã theo tà đạo, không phân biệt tốt xấu, đúng sai. Theo phái này thì con người như thế nhất thiết phải tái sinh ở địa ngục, và một đời sống thiền định, phạm hạnh trong tu viện cũng không cứu được con người trong thời mạt pháp. Tông này chủ trương tu sống khổ hạnh, rời tu viện và sống với sự nghèo khổ của quần chúng. Quan điểm của phái này là mọi hiện tượng đều do Phật tính biến hiện ra, tất cả chúng sinh là “Phật sẽ thành”. Nhằm biểu hiện quan điểm này, đệ tử phái này hay quì lạy những người chẳng quen biết ngoài đường ngoài chợ, thậm chí quì lạy cả chó mèo và vì vậy hay bị cười đùa. Ðệ tử của Tam giai giáo tu phép bố thí và vì thế, hay nhận được của bố thí. Nhờ vậy với thời gian, phái này có nhiều của cải, có nhiều phương tiện làm việc thiện xã hội. Họ tổ chức những hoạt động từ thiện, ban phát quần áo, thức ăn cho người nghèo khổ hay bỏ tiền sửa chữa chùa chiền, tổ chức nghi lễ.

Tam Giai Phật Pháp

Từ Điển Đạo Uyển

三階佛法; C: sānjiē fófǎ; J: sankai buppō;
Tam giai Phật pháp là một trong những tác phẩm quan trọng nhất của Tam giai giáo trong thời kì Tuỳ-Đường; người ta đã tìm thấy lại nhiều bản ở cả hai nước, Nhật Bản và Trung Hoa.

Tám Giải Thoát

Từ Điển Đạo Uyển

S: aṣṭavimokṣa;
Phép thiền định giúp hành giả vượt tám cấp thiền và giải thoát các vướng mắc về sắc và vô sắc. Tám giải thoát là: 1. Ở trong sắc giới, quán nội sắc và ngoại sắc, nhằm bỏ tâm ham thích sắc thể (nội hữu sắc tưởng quán ngoại sắc giải thoát 内有色想觀外色解脱); 2. Không quán nội sắc, quán ngoại sắc, nhận ngoại sắc là ô nhiễm (nội vô sắc tưởng quán ngoại sắc giải thoát 内無色想觀外色解脱); 3. Quán tưởng về thanh tịnh nhưng không bám giữ (tịnh thân tác chứng cụ túc tác giải thoát 淨身作證具足作解脱); 4. Vượt qua sắc thể, nghĩ “hư không là vô biên” (Không vô biên xứ giải thoát 空無邊處解脱); 5. Ðạt “thức là vô biên” (thức vô biên xứ giải thoát 識無邊處解脱); 6. Ðạt tâm “không có vật gì” (vô sở hữu xứ giải thoát 無所有處解脱); 7. Ðạt Phi tưởng phi phi tưởng xứ (phi tưởng Phi phi tưởng xứ giải thoát 非想非非想處解脱); 8. Ðạt cấp Diệt thụ tưởng xứ (diệt tận định giải thoát 滅盡定解脱). Cấp 1 của Tám giải thoát liên hệ với cấp 1, 2 của Tám thắng xứ, cấp 2 liên hệ với cấp 3, 4. Cấp 4-7 của Tám giải thoát đồng nghĩa với Bốn xứ.

Tam Giáo

Từ Điển Đạo Uyển

三教; C: sānjiào; J: sankyō;
Có hai cách phân loại thường gặp: I. Ba truyền thống Đạo học lớn tại Đông á: 1. Phật giáo (佛教), 2. Nho giáo (儒教) và 3. Đạo giáo (道教); II. Theo Thiền sư Khuê Phong Tông Mật trong bài chú giải Viên Giác kinh (圓覺經) thì cách phân chia Tam giáo trong Phật giáo như sau: 1. Đốn giáo (頓教) được trình bày trong kinh Hoa nghiêm (華嚴經), 2. Tiệm giáo (漸教) trong thời kì Phật giảng dạy ở Lộc Uyển cho đến khi nhập niết-bàn tại Sa-la thụ viên, và 3. Bất định giáo (不定教), dạy về tính viên mãn vô khiếm, vĩnh hằng của Phật tính.

Tam Giới

Từ Điển Đạo Uyển

三界; C: sānjiè; J: sangai; S: triloka;
Ba cõi hiện hữu trong Vòng sinh tử: 1. Dục giới (欲界), nơi chúng sinh chỉ đắm say vào những khoái lạc thân thể; 2. Sắc giới (色界), nơi chúng sinh đã vượt khỏi những khoái lạc thân thể nêu trên, nhưng vẫn còn cảm nhận thân sắc vi tế. Đây là cõi của Tứ thiền thiên (四禪天); 3. Vô sắc giới (無色界), là cõi tối cao của Luân hồi, chúng sinh đã thoát khỏi sự tồn tại vật chất, hoàn toàn không có sắc tướng. Đây là cõi của Tứ vô sắc định (四無色定).
Theo A-tì-đạt-ma Câu-xá luận của Thế Thân, Tam giới nêu trên còn được phân thành nhiều cõi khác nhau. Dục giới bao gồm 20 cõi. Gồm có: Tứ đại châu (四大洲), Bát nhiệt địa ngục (八熱地獄), và sáu cõi trời của Dục giới – Lục dục thiên (六欲天). Ngoài Lục dục thiên ra còn có 17 cõi trời của Sắc giới – Sắc giới thập thất thiên (色界十七天). Bên trên Sắc giới là Vô sắc giới, nơi vật chất, sắc tướng không còn tồn tại. Ba thế giới

Tam Giới

Từ Điển Đạo Uyển

三戒; C: sānjiè; J: sankai;
Ba loại giới luật. Giới luật dành cho cư sĩ, cho tăng sĩ và giới luật dành chung cho cả hai nhóm này.

Tam Giới Tạng

Từ Điển Đạo Uyển

三界藏; C: sānjiècáng; J: sankaizō;
Ba cõi hiện hữu được xem như là xuất xứ của tất cả những phiền não, nghiệp chướng (Nhất thiết chúng sinh phiền não bất xuất tam tạng giới 一切衆生煩惱不出三界藏, theo Nhân vương kinh 仁王經).

Tam Hạnh

Từ Điển Đạo Uyển

三行; C: sānxíng; J: sangyō;
1. Ba hạnh tạo nghiệp của thân, khẩu và ý; 2. Ba hạnh: thiện, ác và không thiện không ác; 3. Ba hạnh theo kinh Kim Cương: Hành động theo tình thế, hành động theo tâm thức và hành động tuỳ theo Chân như.

Tam Hiền

Từ Điển Đạo Uyển

三賢; C: sānxián; J: sangen;
1. Trong A-tì-đạt-ma của Tiểu thừa, Tam hiền đây là Ngũ đình tâm quán (五停心觀), Biệt tướng niệm trú (別相念住), và Tổng tướng niệm trú (總相念住). 2. Trong Pháp tướng tông, Tam hiền gồm ba nhóm Thập trú, Thập hạnh và Thập hồi hướng.

Tam Hoặc

Từ Điển Đạo Uyển

三惑; C: sānhuò; J: sanwaku;
Ba sự mê hoặc, ba phiền não. Có hai cách phân loại: 1. Ba loại phiền não căn bản là Tham dục (貪欲), Sân khuể (瞋恚), và Ngu si (愚癡). Chúng tương đương với Ba độc (Tam độc 三毒); 2. Trong Thiên Thai tông, ba loại hoặc chính là là Kiến tư hoặc (見思惑) – Phiền não xuất phát từ những kiến giải, những mối tư duy sai –, Trần sa hoặc (塵沙惑) – phiền não cản trở trí huệ và nhiều như số cát sông Hằng –, và Vô minh hoặc (無明惑), những phiền não gây chướng ngại cho việc thấu hiểu sự vật. Loại hoặc đầu được phá huỷ bởi hành giả Tiểu cũng như Đại thừa. Hai loại hoặc sau chỉ được tiệt đoạn bởi những vị Bồ Tát.

Tam Học

Từ Điển Đạo Uyển

三學; C: sānxué; J: sangaku;
Chỉ ba việc thực hành Phật pháp: Giới (戒; s: śīla), định (定; s: dhyāna) và Huệ (慧; s: prajñā). Ba môn học.

Tam Huệ

Từ Điển Đạo Uyển

三慧 (惠); C: sānhuì; J: san’e;
Ba loại trí huệ, Văn tư tu.

Tam Hữu

Từ Điển Đạo Uyển

三有; C: sānyǒu; J: san’u;
1. Ba cách tồn tại: Cách tồn tại trong Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới; 2. Đồng nghĩa với Tam giới (三界), Ba thế giới.

Tam Khổ

Từ Điển Đạo Uyển

三苦; C: sānkǔ; J: sanku;
Ba loại khổ: 1. Khổ khổ (苦苦): Khổ não khi phải chạm trán những sự việc không hay; 2. Hành khổ (行苦): Khổ não vì sự biến chuyển; 3. Hoại khổ (壞苦): Khổ não vì sự hoại diệt.

Tam Khoa

Từ Điển Đạo Uyển

三科; C: sān kē; J: sanka;
Cách phân chia tất cả các pháp thành ba loại: Ngũ uẩn (五蘊), Thập nhị xứ (十二處) và Thập bát giới (十八界).

Tam Không

Từ Điển Đạo Uyển

三空; C: sānkōng; J: sankū;
1. Ba loại tính Không được mô tả trong Kim cương tam-muội kinh (金剛三昧經): Tướng không (相空), Không không (空空) và Sở không (所空); 2. Theo Kỉ Hoà trong tác phẩm Ngũ gia giải thoát nghị (五家解説誼; k: o ka hae sǒrǔi) thì Tam không bao gồm Ngã không (我空), Pháp không (法空) và Không không (空空); 3. Ngã không (我空), Pháp không (法空) và Ngã pháp không (我法空), tính không của cả hai, Ngã và Pháp; 4. Không (空), Vô tướng (無相) và Vô nguyện (無願); 5. Trong khi thực hiện hạnh bố thí thì Tam không gồm Tính không của người bố thi, của người nhận và Tính không của vật được bố thí; 6. Vô tính không (無性空), Dị tính không (異性空) và Tự tính không (自性空).

Tam Kiến

Từ Điển Đạo Uyển

三見; C: sānjiàn; J: sanken;
Ba kiến ở đây có nghĩa là ba kiến giải sai lầm sau hai tà kiến đầu là Thân kiến (身見) và Biên kiến (邊見), tất cả đều hệ thuộc vào hệ thống Thập hoặc (十惑). Chúng là: Tà kiến (邪見), Kiến thủ kiến (見取見) và Giới cấm thủ kiến (戒禁取見).

Tam Kiếp

Từ Điển Đạo Uyển

三劫; C: sānjié; J: sankō;
Ba kiếp, ba giai đoạn rất dài: 1. Là lối viết tắt của Tam a-tăng-kì kiếp (三阿僧祇劫); 2. Trong Chân Ngôn tông, thuật ngữ này chỉ những vướng mắc, trói buộc mù quáng; 3. Ba thời kiếp: Dĩ vãng, hiện tại và tương lai.

Tam Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

三經; C: sānjīng; J: sangyō;
Ba bộ kinh được xem là căn bản của mỗi truyền thống Phật giáo. Tam bộ kinh (三部經).

Tâm Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

心經
Ma-ha bát-nhã ba-la-mật-đa tâm kinh

Tam Lậu

Từ Điển Đạo Uyển

三漏; C: sānlòu; J: sanro; S: traya-āsravāh.
Ba loại ô nhiễm, rỉ chảy: I. 1. Dục lậu (欲漏), sự ô nhiễm của tham dục; 2. Hữu lậu (有漏), ô nhiễm của sự tồn tại và 3. Vô minh lậu (無明漏), ô nhiễm của vô minh (theo Du-già luận 瑜伽論). II. Sự nhiễm ô của ba giới: Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới.

Tam Li Dục

Từ Điển Đạo Uyển

三離欲; C: sānlíyù; J: sanriyoku;
Ba dạng li dục. Theo Du-già sư địa luận thì Tam li dục bao gồm: 1. Vị li dục (未離欲), chưa rời bỏ dục vọng; 2. Bội li dục (倍離欲), thoát khỏi khát vọng gấp đôi bình thường và 3. Dĩ li dục (已離欲), đã thoát khỏi dục vọng hoàn toàn.

Tam Loại Cảnh

Từ Điển Đạo Uyển

三類境; C: sān lèijìng; J: san ruikyō;
“Ba loại cảnh giới”. I. Theo thuyết Duy thức (唯識), các cảnh giới tâm thức được phân loại tuỳ theo bản chất của chúng. Bao gồm: 1. Tính cảnh (性境): Cảnh giới xuất phát từ những chủng tử trong A-lại-da thức; 2. Độc ảnh cảnh (獨影境): là những cảnh giới xuất phát một cách tạm thời từ một quan điểm chủ quan; và 3. Đái chất cảnh (帶質境): Cảnh giới hiển hiện tuỳ thuộc vào cả hai trường hợp vừa nêu trên.

Tam Luận

Từ Điển Đạo Uyển

三論; C: sānlùn; J: sanron;
Ba bộ luận. Chỉ ba bộ luận quan trọng, được xem là cơ sở của một tông phái Phật giáo Trung Quốc có cùng tên: Tam luận tông (三論宗). Ba bộ luận này là 1. Trung quán luận (中觀論), 2. Thập nhị môn luận (十二門論) với tác giả là Long Thụ (龍樹) và 3. Bách luận (百論) của Thánh Thiên (聖天). Cả ba bộ luận này được Cưu-ma-la-thập (鳩摩羅什; s: kumārajīva) dịch sang Hán văn. Tông Tam luận góp phần quan trọng trong lĩnh vực luận lí Tính không. Trung quán luận dạy Tám phủ định (Bát bất 八不): Bất sinh bất diệt, bất thường bất đoạn, bất nhất bất nhị, bất lai bất xuất (不生不滅,不常不斷,不一不異,不來不出). Tám phủ định này được dùng để đả phá tất cả những khái niệm, tất cả những quan điểm về Hữu, Vô, và như vậy thì ý nghĩa của “Trung đạo” nằm ở chỗ: Tất cả các pháp đều được xem là tồn tại, nhưng lại không mang một bản chất, một tự ngã nào. Thập nhị môn luận giảng giải Tính không của tất cả các pháp trong mười hai chương, và Bách luận giảng giải Tính không để đả phá luận cứ của những triết gia ngoại đạo.
Cưu-ma-la-thập truyền ba bộ luận này đến ba đại đệ tử của mình là Đạo Sinh (道生), Tăng Triệu (僧肇) và Tăng Lãng (僧朗). Tăng Lãng là người nhấn mạnh sự khác biệt của tông Tam luận và tông Thành Thật và vì vậy, có thể được xem là người sáng lập tông môn Tam luận đích thật. Trong thế kỉ thứ 6, những đại biểu quan trọng nhất là Pháp Lãng (法朗), Cát Tạng (吉藏) và lúc này cũng là thời hoàng kim của giáo lí Tam luận. Trong thế kỉ thứ 7, giáo lí Tam luận được truyền sang Hàn Quốc bởi Huệ Quán (慧觀), một đệ tử của Cát Tạng. Sau khi tông Pháp Tướng xuất hiện, tông Tam luận ngày càng rơi vào quên lãng.

Tam Luận Huyền Nghĩa

Từ Điển Đạo Uyển

三論玄義; C: sānlùn xuányì; J: sanron gen-gi;
“Ý nghĩa sâu sắc của Tam luận”, một tác phẩm của Cát Tạng (吉藏).

Tam Luận Tông

Từ Điển Đạo Uyển

三論宗; C: sānlùn-zōng; J: sanron-shū; K: samnon chong.
Tông phái Ðại thừa của Phật giáo Trung Quốc. Danh xưng này xuất phát từ ba bộ luận căn bản của tông này: Trung quán luận tụng (中觀論頌; s: madhyamaka-kārikā), Thập nhị môn luận (十二門論; s: dvā-daṣadvāra-śāstra hoặc dvādaśanikāya-śās-tra) của Long Thụ (龍樹; s: nāgārjuna) và Bách tuận (百論; s: śata-śāstra) của Thánh Thiên (聖天; s: āryadeva). Các bộ luận này được Cưu-ma-la-thập dịch và chú giải trong thế kỉ thứ 5. Cưu-ma-la-thập (鳩摩羅什; s: kumārajīva) truyền cho đệ tử là Ðạo Sinh (道生), Tăng Triệu (僧肇), Tăng Duệ (僧叡) và Ðạo Dung (道融). Các vị này vạch rõ sự khác nhau giữa tông phái mình với Thành thật tông và có thể xem là những người sáng lập Tam luận tông.
Trong thế kỉ thứ 6, Tam luận tông rất thịnh hành và những Cao tăng thời này là Pháp Lãng (法朗) và đệ tử là Cát Tạng (吉藏). Trong thế kỉ thứ 7, Tam luận tông được Cao tăng Huệ Quán (慧灌; ekwan), đệ tử của Cát Tạng truyền qua Nhật. Tam luận tông dần dần mất ảnh hưởng sau khi Pháp tướng tông ra đời.
Tam luận tông bắt nguồn từ Trung quán tông của Ấn Ðộ nhưng cũng có những nét đặc thù của Trung Quốc: Tam luận tông cho rằng đức Phật đã chỉ dạy hai phép tu: Thanh văn thừa và Bồ Tát thừa, và Tam luận tông thuộc về Bồ Tát thừa. Tông này cho rằng có ba thời giáo: kinh Hoa nghiêm là thời giáo thứ nhất. Kinh này chứa những lời khai thị cho Bồ Tát nhưng các đệ tử Phật thời đó chưa đủ sức lĩnh hội. Vì vậy thời giáo thứ 2, kéo dài giữa thời kinh Hoa nghiêm và kinh Diệu pháp liên hoa, trong đó mọi giáo pháp của Phật bao gồm cả Tiểu thừa lẫn Ðại thừa, có giá trị cho Thanh văn thừa, Ðộc giác thừa và Bồ Tát thừa. Thời kì thứ 3 là thời kì mà mọi đệ tử đã sẵn sàng để nghe kinh Diệu pháp liên hoa, đó là thời Phật thừa, chỉ một pháp duy nhất.
Tam luận tông Nhật Bản (j: sanron-shū) được đưa từ Trung Quốc qua năm 625 do Cao tăng Huệ Quán (慧灌; ekwan), người Triều Tiên truyền lại. Huệ Quán có hai đệ tử chính và Tam luận tông Nhật Bản cũng vì vậy mà có hai bộ phái (Thành thật tông). Tam luận tông không có mấy ảnh hưởng tại Nhật, mặc dù nhiều trường phái khác cũng tham khảo giáo pháp của tông này để hiểu thêm kinh điển Ðại thừa.
Tam luận tông tại Nhật có ảnh hưởng lớn lên hoàng thân Thánh Ðức (shotoku, 574-622), người đã thống nhất nước Nhật. Trong thiền viện của vị hoàng thân này thời đó có ba vị luận sư Triều Tiên của Tam luận tông giảng dạy. Trong “hiến pháp” của Nhật Bản mà Thánh Ðức soạn thảo, người ta thấy có vài yếu tố của Tam luận tông.

Tam Lượng

Từ Điển Đạo Uyển

三量; C: sānliáng; J: sanryō;
Ba cách suy lượng theo cựu phái của Nhân minh học: 1. Hiện lượng (現量; s: prayakṣa), thấy rõ trực tiếp bằng cặp mắt; 2. Tỉ lượng (比量; s: anumāna), biết bằng suy ngẫm; 3. Thánh giáo lượng (聖教量), biết được qua giáo lí của những bậc thánh hiền.

Tam Minh

Từ Điển Đạo Uyển

三明; C: sānmíng; J: sammyō; S: tisrovidyā;
I. Ba “Nhận thức”, “Hiểu biết”: 1. Nhận thức được nhân duyên, những nghiệp còn lại của những cuộc sống trước đây (để rồi qua đó đoạn diệt Thường kiến); 2. Nhận thức được những gì xảy ra trong tương lai (để rồi qua đó diệt trừ Đoạn kiến); 3. Một sự hiểu biết vô cấu (giúp diệt trừ những kiến hoặc trong thâm tâm). II. Ba trong sáu loại thần thông (Lục thần thông 六神通): 1. Thiên nhãn thông (天眼通; s: divyācakṣurjñānasākṣat-kriyāvidyā), có thể thấy được chúng sinh trong sáu nẻo luân hồi; 2. Túc mệnh thông (宿命通; s: pūrvanivāsānusmṛtijñāna-sākṣatkriyāvidyā) hoặc Túc trú thông (宿住通), biết được những gì xảy ra trong những cuộc sống của chính mình trước đây, trong những kiếp trước đây cũng như cuộc sống của chúng sinh trong sáu nẻo luân hồi (Lục đạo 六道, Lục thú 六趣); 3. Lậu tận thông (漏盡通; s: āśravakṣayajñānasākṣatkriyāvi-dyā), biết được là mình đã đoạn diệt tất cả những ô nhiễm, lậu hoặc, sẽ không phải tái sinh trong Tam giới.

Tam Nghi

Từ Điển Đạo Uyển

三疑; C: sān yí; J: sangi;
Ba mối nghi ngờ cản trở việc tu hành nghiêm túc bất động: Nghi ngờ chính mình, nghi ngờ bậc thầy, nghi ngờ Phật pháp.

Tam Phân Biệt

Từ Điển Đạo Uyển

三分別; C: sānfēnbié; J: sanfunbetsu;
Sự phân biệt với ba thành phần; xảy ra giữa giác quan, đối tượng, và nhận thức hệ thuộc phát sinh qua sự tiếp xúc (theo Biện trung biên luận 辯中邊論).

Tam Pháp

Từ Điển Đạo Uyển

三法; C: sānfǎ; J: sanhō;
Ba loại pháp: I. 1. Giáo (教), nghĩa là giảng dạy; 2. Hành (行) với ý nghĩa thực hành và 3. Chứng (證) với ý nghĩa chứng ngộ, trực chứng; II. Chỉ ba bộ phần trong tam tạng là Kinh (經), Luật (律) và Luận (論); III. Chỉ ba loại pháp: 1. Chân pháp (真法), giáo lí chan thật; 2. Giả pháp (假法), pháp giả tạo và 3. Mạt pháp (末法), pháp trong lúc suy tàn.

Tam Pháp ấn

Từ Điển Đạo Uyển

三法印; C: sānfǎyìn; J: sanbōin;
Ba dấu ấn của pháp, ba đặc tính của nguyên tắc. Chỉ ba khía cạnh đặc thù của Phật pháp, hoàn toàn khác biệt những giáo lí ngoại đạo: 1. Chư hành vô thường (諸行無常), tất cả đều vô thường; 2. Chư pháp vô ngã (諸法無我), tất cả đều không có một cơ sở tự tồn và 3. Niết-bàn tịch tĩnh (涅槃寂靜), tức là niết-bàn là sự an tĩnh tuyệt đối.

Tắm Phật

Từ Điển Đạo Uyển

Hán Việt: Dục Phật (浴佛)
Một buổi lễ phổ biến tại Trung Quốc, được tổ chức vào ngày Phật đản sinh, mùng 8 tháng 4 âm lịch. Trong buổi lễ này, một pho tượng nhỏ của đức Phật Thích-ca – được trình bày dưới dạng liên hoa toạ (Phật toạ), tay phải chỉ trời, tay trái chỉ xuống đất – được đem ra tắm và cúng lạy. Toàn thể Tăng-già đều tham dự buổi lễ tắm Phật này.
Truyền thống tắm Phật vốn xuất xứ từ Ấn Ðộ, bắt nguồn từ sự tích rằng, sau khi sinh ra tại Lam-tì-ni (lumbinī), đức Phật được chín con rồng đến phun nước tắm rửa.

Tam Phiền Não

Từ Điển Đạo Uyển

三煩惱; C: sānfánnăo; J: sanbonnō;
Trong luận Du-già sư địa (瑜伽師地論; s: yogācārabhūmi-śāstra), Vô minh (無明), Ái (愛) và Thủ (取) là ba nhánh nghiệp quan trọng trong Thập nhị chi (十二支).

Tam Quả

Từ Điển Đạo Uyển

三果; C: sānguǒ; J: sanka;
1. Là quả vị thứ ba của bốn thánh quả (Tứ quả 四果) được dạy trong Tiểu thừa: quả vị Bất Hoàn (不還), hoặc ba quả vị đầu của Tứ quả; 2. Ba loại hậu quả hoặc ba loại (cách) tái sinh; 3. Trong Thiên Thai tông, đây là quả vị của Tạng (藏, với ý nghĩa Đại tạng), Thông (通) và Biệt (別).

Tam Quán

Từ Điển Đạo Uyển

三觀; C: sānguān; J: sangan;
I. Ba cách quán sát. Ba cách thiền quán được dạy đầu tiên trong Anh lạc bản nghiệp kinh, sau được chiếu rọi tường tận bởi Trí Khải (智顗). Chúng là: 1. Không quán (空觀), phủ nhận những cảm thụ, nhận thức hiện thật một cách sai lạc; 2. Nhân duyên quán (因緣觀), giúp diệt trừ kiến giải chấp không; 3. Trung quán (中觀), dung nhiếp cả hai lối quán trên nhưng không chấp trước, vướng mắc vào chúng. II. Ba phương pháp thiền định được dạy trong kinh Viên Giác: 1. Xa-ma-tha (奢摩他; s: śamatha), một dạng thiền định mà trong đó, tâm thức của hành giả được lắng đọng qua sự tập trung vào một đối tượng; 2. Tam-ma Bát-để (三摩鉢提; s: samāpatti), quán sát một chân lí Phật pháp, ví như nguyên lí Duyên khởi, và 3. Thiền-na (禪那; s: dhyāna), không dựa vào hai cách Thiền quán trên. Ba phương pháp thiền này gần giống như ba phương pháp nêu bên trên.

Tam Quốc Di Sự

Từ Điển Đạo Uyển

三國遺事; C: sānguó wèishì; J: sankoku yuiji;
Một tác phẩm bao gồm năm quyển của Cao tăng Hàn quốc Nhất Nhiên (一然; k: iryǒn, 1206-1289), với những mẩu chuyện nói về sự truyền bá và phát triển đạo Phật tại Hàn quốc, đặc biệt chú trọng đến thời kì Tam quốc và Tân La. Tác phẩm này là nền tảng của việc nghiên cứu lịch sử Phật giáo Hàn quốc, đã được dịch sang Anh ngữ năm 1972.

Tam Quy Y

Từ Điển Đạo Uyển

三歸依; S: triśaraṇa; P: tisaraṇa;
Ba quy y

Tam Sinh

Từ Điển Đạo Uyển

三生; C: sānshēng; J: sanshou;
Ba đời sống, ba kiếp sống. I. Kiếp sống trước, hiện tại và tương lai. II. Ba cấp bậc chính trong thời gian thực hiện Phật quả: 1. Phát nguyện, quyết định trở thành một Phật-đà; 2. Tu tập và tích luỹ công đức; 3. Chứng ngộ Phật quả, thành Phật. III. Ba cấp bậc (cuộc sống) được dạy trong tông Thiên Thai, cơ bản cũng như ba cấp bậc trước đây: 1. Chủng (種, cũng gọi là Phát tâm 發心); 2. Thục (熟, chín muồi, có thể gọi là Tu hành 修行) và 3. Giải thoát (解脱). VI. Ba cuộc sống theo Hoa Nghiêm tông: 1. Kiến văn sinh (見聞生), thấy và nghe Phật thuyết pháp trong kiếp sống trước đây; 2. Giải hành sinh (解行生), nghĩa là tu tập đạt giải thoát đời nay và 3. Chứng nhập sinh (證入生), tức là chứng ngộ và nhập đạo trong cuộc đời tương lai.

Tâm Sở

Từ Điển Đạo Uyển

心所; S, P: cetasika; hoặc Tâm sở hữu pháp (s: caitta-dharma);
Là những yếu tố phụ thuộc vào tâm, gắn liền với một nhận thức (s: vijñāna) – nhận thức đây cũng được gọi là Tâm vương (s: citta-rāja), là hoạt động tâm thức chủ yếu – đang sinh khởi và khởi lên đồng thời với nhận thức đó. Việc phân tích và hệ thống hoá các tâm sở là một kì công của các Ðại luận sư Ấn Ðộ. Chúng mô tả tất cả những khía cạnh tâm trạng mà ai cũng có thể tự khám phá, tìm được nơi chính mình – có thể gọi là bản đồ tâm lí của con người.
Trong khi Kinh tạng tóm thâu mọi hiện tượng của sự sống dưới Ngũ uẩn sắc, thụ, tưởng, hành, thức thì A-tì-đạt-ma của Thượng toạ bộ đề cập 3 khía cạnh triết lí, phân tích tâm lí khi bàn đến những gì hiện Hữu (s: bhava): Tâm (citta), Tâm sở và Sắc (rūpa). Tâm sở bao gồm Thụ (vedanā), Tưởng (saṃjñā) và 50 Hành (saṃskāra), tổng cộng là 52 tâm sở. Trong số này, 25 có tính chất cao cả (thiện và trung tính về phương diện nghiệp), 14 là Bất thiện (akuśala) còn 13 bất định, nghĩa là có thể thiện, bất thiện hay trung tính tuỳ thuộc vào tâm (thức) mà chúng tương ưng.
Nhất thiết hữu bộ (sarvāstivāda) chia các tâm sở thành sáu loại theo luận A-tì-đạt-ma câu-xá (abhidharmakośa) của Thế Thân (vasubandhu) và A-tì-đạt-ma phát trí luận (abhidharmajñānaprasthāna-śāstra) của Già-đa-diễn-ni tử (kātyāyanīputra), tổng cộng là 46 tâm sở:
I. 10 Ðại địa pháp (大地法; s: mahābhūmikā-dharma); chỉ mười tác dụng tâm lí tương ưng và đồng sinh khởi với tất cả Tâm vương: 1. Thụ (受; vedanā), thụ, lĩnh nạp. Có ba loại thụ, đó là: khổ thụ, lạc thụ, phi khổ phi lạc thụ; 2. Tưởng (想; saṃjñā), tưởng, tưởng tượng, đối cảnh mà chấp tướng sai biệt; 3. Tư (思; cetanā), ý định, ý muốn, tâm tạo tác; 4. Xúc (觸; sparśa): xúc, sự xúc đối do căn, cảnh và thức sinh ra; 5. Dục (欲; chanda), mong cầu vì đối ngoại cảnh; 6. Huệ (慧; prajñā, mati), trí huệ phân tích, đối với các pháp có sự phân biệt, chọn lựa; 7. Niệm (念; smṛti), tâm niệm, ghi nhớ không quên; 8. Tác ý (作意; mānaskāra), tỉnh táo cảnh giác hay khiến cho tâm cảnh giác; 9. Thắng giải (勝解; adhimokṣa), sự hiểu biết thù thắng, đối cảnh sinh ra tác dụng ấn khả, thẩm định; 10. Tam-ma-địa (三摩地) hoặc Ðịnh (定; sa-mādhi), chính định, đẳng trì, tức là định tâm chuyên chú vào một cảnh, một đối tượng.
II. 10 Ðại thiện địa pháp (大善地法; kuśalama-hābhūmikādharma): 1. Tín (信; śraddhā), lòng tin tưởng chắc chắn; 2. Cần (勤) hoặc Tinh tiến (精進; vīrya), siêng năng tu tập; 3. Xả (捨; upekṣā); 4. Tàm (慚; hrī), cung kính tuỳ thuận người có đức hạnh; 5. Quý (愧; apatrāpya, apatrapā), biết sợ quả báo của tội lỗi, biết xấu hổ; 6. Vô tham (無貪; alobha); 7. Vô sân (無瞋; adveśa); 8. Bất hại (不害; ahiṃsā); 9. Khinh an (輕安; praśrabdhi); 10. Bất phóng dật (不放逸; apramāda).
III. 6 Ðại phiền não địa pháp (大煩惱地法; kle-śamahābhūmikā-dharma) là các pháp gây phiền não, gây khổ, bao gồm sáu loại: 1. Si (癡) hoặc Vô minh (無明; moha, avidyā); 2. Phóng dật (放逸; pramāda); 3. Giải đãi (懈怠; kausīdya), tâm trạng không tinh tiến, biếng nhác; 4. Bất tín (不信; āśraddya); 5. Hôn trầm (昏沉; styāna), tâm chìm đắm, lừ đừ, thiếu linh động, nhạy bén; 6. Trạo cử (掉舉; auddhatya), hồi hộp không yên.
IV. 2 Ðại bất thiện địa pháp (大不善地; akuśa-lamahābhūmikā-dharma): 1. Vô tàm (無慚; ā-hrīkya), không tôn kính, không biết tự hổ thẹn về việc tội lỗi đã làm; 2. Vô quý (無愧; anapatrāpya, anapatrapā), tâm không biết sợ với tội quả, không biết hổ thẹn đối với người khác khi phạm tội.
V. 10 Tiểu phiền não địa pháp (小煩惱地法; parīttabhūmikā-upakleśa): 1. Phẫn (忿; krodha); 2. Phú (覆; mrakṣa), thái độ đạo đức giả, che dấu cái xấu của mình; 3. Xan (慳; mātsarya), xan tham, ích kỉ; 4. Tật (嫉; īrṣyā), ganh ghét; 5. Não (惱; prādaśa), cứng đầu, ngoan cố, làm bực bội; 6. Hại (害; vihiṃsā), tâm trạng muốn hành động ác hại; 7. Hận (恨; upanāha), lòng hận thù; 8. Xiểm (諂; mā-yā), nói xạo, loè người; 9. Cuống (誑; śāṭhya), gian lận, dối gạt, lừa lọc; 10. Kiêu (憍; mada), tự phụ.
VI. 8 Bất định địa pháp (不定地法; anityatābhū-mikādharma), gọi là “bất định” vì chúng có thể thuộc về dạng thiện hoặc bất thiện, tuỳ theo căn cơ của Tâm vương. Ví dụ như Tầm, là tâm sở suy nghĩ phân tích. Nó là tâm sở tốt nếu Tâm vương có gốc thiện – ví dụ như suy nghĩ, chú tâm về giáo pháp của đức Phật, diệt khổ – hoặc xấu, nếu Tâm vương là một pháp bất thiện, như suy nghĩ phân tích cách lừa gạt người… Bất định địa pháp bao gồm tám loại: 1. Hối (悔; kaukṛtya), ăn năn, hối hận; 2. Miên (眠; middha), giấc ngủ; 3. Tầm (尋; vitarka), suy nghĩ, tìm hiểu dạng thô; 4. Tứ (伺; vicāra), suy nghĩ, tìm hiểu dạng tinh tế; 5. Tham (貪; rāga), tham mê, đắm mê; 6. Sân (瞋; pratigha), tức giận; 7. Mạn (慢; māna), kiêu mạn; 8. Nghi (疑; vicikitsā).
Trong Duy thức tông, người ta phân biệt 51 loại tâm sở. Ðại sư Vô Trước (asaṅga) phân chia 51 tâm sở này thành sáu loại trong Ðại thừa a-tì-đạt-ma tập luận (abhidharmasamu-ccaya):
I. 5 Biến hành tâm sở (遍行; sarvatraga), năm loại tâm pháp lúc nào cũng hiện hành xuất phát cùng với một tâm vương, gồm có: 1. Xúc (sparśa); 2. Tác ý (manaskāra); 3. Thụ (vedanā); 4. Tưởng (saṃjñā); 5. Tư (cetanā), tương ưng với tất cả tâm và tâm sở;
II. 5 Biệt cảnh tâm sở (別境; viniyata) năm loại tâm pháp xác định ngoại cảnh: 1. Dục (chanda); 2. Thắng giải (adhimokṣa); 3. Niệm (smṛti);
4. Ðịnh (samādhi); 5. Huệ (prajñā), chỉ duyên (nương) theo các cảnh khác nhau mà sinh khởi.
III. 11 Thiện tâm sở (善; kuśala): 1. Tín (śraddhā); 2. Tàm (hrī); 3. Quý (apatrāpya); 4. Vô tham (a-lobha); 5. Vô sân (adveṣa); 6. Vô si (amoha); 7. Tinh tiến (vīrya); 8. Khinh an (praśrabdhi); 9. Bất phóng dật (apramāda); 10. Xả (upekśā); 11. Bất hại (avihiṃsā).
IV. 6 Căn bản phiền não tâm sở (根本煩惱; mū-lakleśa): 1. Tham (rāga); 2. Hận (pratigha); 3. Mạn (māna); 4. Vô minh (avidyā); 5. Nghi (vicikit-sā); 6. Kiến (dṛṣṭi) cũng được gọi là Ác kiến.
Ðiểm thứ sáu là Kiến cũng thường được chia ra làm năm loại: 1. Thân kiến (身見; satkāyadṛṣṭi): một kiến giải cho rằng thân thể được tạo bằng ngũ uẩn là một cái “ta” (我), là “cái của ta” (我所); 2. Biên kiến (邊見; tagrāhadṛṣṭi): một kiến giải liên hệ đến phiền não, cho rằng cái “ta” được tạo bằng ngũ uẩn là một cái gì đó thường còn, vĩnh viễn [thường kiến] hoặc ngược lại, là một cái gì đó bị đoạn diệt, không có gì tiếp nối giữa hai cuộc sống con người [đoạn kiến]; 3. Kiến thủ kiến (見取見; dṛṣṭiparā-marśa): kiến giải cho rằng một kiến giải bất thiện hoặc ngũ uẩn, cơ sở xuất phát của kiến giải bất thiện này là những điều tuyệt hảo. Kiến giải bất thiện trong trường hợp này là Thân kiến, Biên kiến; 4. Giới cấm thủ kiến (戒禁取見; śīlavrata-pa-rāmarśa): là một kiến giải cho rằng, những quy tắc xử sự sai hoặc những lời hướng dẫn tu tập sai – như tự xem mình như con thú và bắt chước thái độ của nó –, hoặc ngũ uẩn, cơ sở của những việc sai trái trên là điều hay nhất; 5. Tà kiến (邪見; mith-yādṛṣṭi): kiến phủ nhận cái gì thật sự tồn tại, thêu dệt thêm vào những gì thật sự không có.
V. 20 Tuỳ phiền não tâm sở (隨煩惱; upakleśa):
1. Phẫn (krodha); 2. Hận (upanāha), uất ức, tâm thù oán; 3. Phú (mrakṣa), che dấu tội lỗi, đạo đức giả; 4. Não (pradāśa), làm bực bội phiền nhiễu; 5. Tật (īrṣyā), ganh ghét vì thấy người ta hơn mình; 6. Xan (mātsarya), xan tham, ích kỉ; 7. Xiểm (māyā), giả dối, nói mình có những đức tính tốt mà thật ra thì không có; 8. Cuống (śāṭhya), gian lận, dối gạt, lừa lọc; 9. Kiêu (mada), tự phụ; 10. Ác (vihiṃsā); 11. Vô tàm (āhrīkya), không tôn kính, không biết hổ thẹn về việc tội lỗi đã làm; 12. Vô quý (anapa-trāpya, anapatrapā), tâm không biết sợ với tội quả, không biết hổ thẹn đối với người khác khi phạm tội; 13. Hôn trầm (styāna), tâm chìm đắm, lừ đừ, thiếu linh động, nhạy bén; 14. Trạo cử (auddhatya), hồi hộp không yên; 15. Bất tín (āśraddhyā); 16. Giải đãi (kausīdya), tâm trạng không tinh tiến, biếng nhác; 17. Phóng dật (pramāda); 18. Thất niệm (失念; muṣitasmṛtitā), chóng quên, không chú tâm; 19. Tán loạn (散亂; vikṣepa); 20. Bất chính tri (不正知; asaṃ-prajanya), hiểu biết sai.
VI. 4 Bất định tâm sở (aniyata), bất định bởi vì các tâm sở này thay đổi giá trị tuỳ theo các tâm vương. Chúng bao gồm: 1. Hối (kaukṛtya), hối hận; 2. Miên (middha), giấc ngủ; 3. Tầm (vitarka), suy nghĩ, tìm hiểu dạng thô; 4. Tứ (vicāra), suy nghĩ, tìm hiểu dạng tinh tế.
Cách phân chia như trên của Duy thức tông được xem là bước tiến triển cuối cùng trong việc phân tích, phân loại các tâm sở và cũng là bản phân loại tiêu chuẩn cho tất cả những trường phái Ðại thừa tại Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam và Tây Tạng.

Tam Sự

Từ Điển Đạo Uyển

三事; C: sānshì; J: sanji;
Có nhiều cách phân loại: 1. Giới, định và huệ; 2. Tham, sân, si; 3. Uống, ăn và quần áo (ẩm, thực, y phục 飲食衣服); 4. Kinh, luật, luận.

Tam Tam-Muội

Từ Điển Đạo Uyển

三三昧; C: sān sānmèi; J: sansanmai;
Ba loại tam-muội (Định): 1. Không tam-muội (空三昧); 2. Vô tướng tam-muội (無相三昧); 3. Vô tác tam-muội (無作三昧; theo Kim cương tam-muội kinh 金剛三昧經)

Tam Tạng

Từ Điển Đạo Uyển

三藏; S: tripiṭaka; P: tipiṭaka;
I. Là ba phần cốt tuỷ của kinh sách đạo Phật, gồm: Kinh tạng (經藏; s: sūtra-piṭaka; p: sutta-piṭaka), Luật tạng (律藏; s, p: vinaya-piṭaka), Luận tạng (論藏; s: abhi-dharma-piṭaka; p: abhidhamma-piṭaka).
Kinh tạng gồm các bài giảng của chính đức Phật hoặc các đại đệ tử, chia làm năm bộ: Trường bộ kinh (p: dīgha-nikāya), Trung bộ kinh (p: majjhima-nikāya), Tương ưng bộ kinh (p: saṃyutta-nikāya), Tăng-nhất bộ kinh (p: aṅguttara-nikāya) và Tiểu bộ kinh (p: khuddaka-nikāya).
Luật tạng chứa đựng lịch sử phát triển của Tăng-già (s, p: saṅgha) cũng như các giới luật của người xuất gia, được xem là tạng sách cổ nhất, ra đời chỉ vài mươi năm sau khi Phật nhập Niết-bàn.
Luận tạng – cũng được gọi là A-tì-đạt-ma – chứa đựng các quan niệm đạo Phật về triết học và tâm lí học. Luận tạng được hình thành tương đối trễ, có lẽ là sau khi các trường phái đạo Phật tách nhau mà vì vậy, nó không còn giữ tính chất thống nhất, mặc dù sự khác biệt giữa các trường phái không đáng kể.
Tam tạng còn được truyền lại trọn vẹn nhất chính là Tam tạng Pā-li, có lẽ xuất phát từ một bản của Trưởng lão bộ (s: sthavira) ở Trung Ấn. Theo truyền thuyết, Kinh tạng và Luật tạng bằng tiếng Pā-li được viết lại trong lần kết tập thứ nhất (năm 480 trước Công nguyên), trong đó Ưu-bà-li nói về Luật và A-nan-đà trình bày giáo pháp. Những lời thuật lại của hai vị đại đệ tử này của Phật (Mười đại đệ tử) đã trở thành cơ sở của hai tạng đó. Theo một số tài liệu thì Luận tạng cũng hình thành ngay sau đó. Ngoài văn hệ Pā-li, ngày nay người ta cũng còn các tạng kinh, luật bằng Phạn ngữ (sanskrit), được Nhất thiết hữu bộ (s: sarvāstivāda) lưu truyền, nhất là ở những vùng Tây Bắc Ấn Ðộ.
Kinh sách của các tông phái khác như Ðại chúng bộ (s: mahāsāṅghika) và Pháp Tạng bộ (s: dhar-maguptaka) ngày nay chỉ còn trong bản chữ Hán. Các kinh sách quan trọng của Phật giáo Trung Quốc và Nhật Bản phần lớn đều xuất phát từ Pháp Tạng bộ. Các bộ này không xếp thành hệ thống nghiêm khắc như những tạng Pā-li và qua thời gian cũng có thay đổi. Danh mục cũ nhất về các Kinh tạng vào năm 518 (sau Công nguyên) ghi lại 2113 tác phẩm. Toàn bộ kinh sách đó được in lại lần đầu trong năm 972 (Ðại chính tân tu đại tạng kinh, Cam-châu-nhĩ/Ðan-châu-nhĩ).
II. Một danh hiệu dành cho những Cao tăng, những vị Đại sư được xem là tinh thông Tam tạng, như vậy là thông suốt hết tất cả những thánh điển nhà Phật.
III. Một cách gọi kinh điển, giáo lí của hàng Nhị thừa.
VI. Chỉ ba loại hành giả: Hành giả Thanh Văn (聲聞), hành giả Duyên Giác (緣覺) và hành giả Bồ Tát (菩薩).

Tam Tế

Từ Điển Đạo Uyển

三細; C: sānxì; J: sansai;
“Ba tinh tế” hoặc “Ba tướng tinh tế”. Là cách phân chia Vô minh thành ba thành phần tinh tế, được tìm thấy trong luận Đại thừa khởi tín (大乘起信論): 1. Vô minh nghiệp tướng (無明業相), tướng vi tế của nghiệp, được thúc đẩy bởi vô minh; 2. Năng kiến tướng (能見相), là tướng vi tế của kẻ nhìn, tâm thức chủ quan; 3. Cảnh giới tướng (境界相), tướng vi tế của thế giới khách quan. Tuỳ người cảm nhận (năng kiến), cảnh giới trình hiện một cách sai lạc. Chức năng của những khía cạnh nêu trên rất vi tế, đối nghịch với Lục thô (六麁), sáu tướng thô trọng (theo Khởi tín luận 起信論).

Tam Tế

Từ Điển Đạo Uyển

三際; C: sānjì; J: sanzai;
“Ba thời kì”. 1. Trước, giữa, và sau hoặc là dĩ vãng, hiện tại và vị lai; 2. Ba thế giới, thời gian vô hạn lượng.

Tam Tế Lục Thô

Từ Điển Đạo Uyển

三細六麁; C: sānxì liùcū; J: sanzairokuso;
“Ba tướng vi tế và sáu tướng thô thiển” được giảng thuyết trong luận Đại thừa khởi tín (大乘起信論).

Tam Thân

Từ Điển Đạo Uyển

三身; C: sānshēn; J: sanshin; S: trikāya;
Ba thân

Tám Thắng Xứ

Từ Điển Đạo Uyển

Thắng xứ: S, P: abhibhāvāyatana;
Tám phép thiền định để vượt dục giới bằng cách làm chủ các thụ tưởng. Các phép thiền định này được trình bày rất sớm trong các kinh sách đạo Phật. Tám thắng xứ là: 1. Quán nội sắc, quán ngoại sắc có hạn lượng. 2. Quán nội sắc, quán ngoại sắc vô hạn lượng. Hai giai đọạn này giúp hành giả từ bỏ lòng ham muốn các sắc và tương ưng cấp 1 của Tám giải thoát (s: aṣṭavimokṣa). 3. Quán vô sắc ở nội tâm, quán ngoại sắc có hạn lượng. 4. Quán vô sắc ở nội tâm, quán ngoại sắc vô hạn lượng. Hai giai đoạn này giúp hành giả kiên cố chính định và tương ưng với cấp 2 của Tám giải thoát. Trong giai đoạn 5 đến 8, hành giả quán vô sắc ở nội tâm, thấy ngoại sắc màu xanh, vàng, đỏ, nhằm ngăn chận lòng ham muốn sắc thể đẹp xấu. Các giai đoạn 5-8 tương với cấp thứ ba của Tám giải thoát và cấp 5-8 của phép quán biến xứ (p: kasiṇa).
“Quán nội sắc” có nghĩa là lựa một chỗ lớn (vô hạn) hay chỗ bé (có hạn) trên thân và tập trung quán sát nó, sau nhiều lần thấy nó chỉ là phản ánh của tâm. Trong giai đoạn 3. và 4., hành giả lựa một ngoại sắc (thí dụ một cánh hoa). Lựa ngoại sắc thì nên lấy một ngoại sắc nhỏ dành cho người có tâm bất định, ngoại sắc lớn dành cho người có tâm si mê, ngoại sắc đẹp dành cho người hay từ chối, ngoại sắc xấu dành cho người còn tham dục.

Tám Thánh đạo

Từ Điển Đạo Uyển

S: ārya-aṣṭāṅgika-mārga; P: ariya-aṭṭhāṅgika-magga;
Bát chính đạo

Tam Thánh Huệ Nhiên

Từ Điển Đạo Uyển

三聖慧然; C: sānshèng huìràn; J: sanshō enen; tk. 9;
Thiền sư Trung Quốc, một trong những môn đệ thượng thủ nối pháp của Thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền. Sư cũng là người biên soạn những pháp ngữ của Lâm Tế trong Lâm Tế ngữ lục.
Sau khi được Lâm Tế ấn khả, Sư chu du khắp nơi, tiếng tăm lừng lẫy. Sư thăm viếng nhiều tùng lâm và đến đâu cũng được tiếp đãi trọng hậu. Công án 49 trong Bích nham lục thuật lại cuộc gặp gỡ của Sư với Thiền sư Tuyết Phong Nghĩa Tồn. Sư hỏi: “Cá vàng thoát lưới lấy gì làm thức ăn?” Tuyết Phong đáp: “Ðợi ông ra khỏi lưới rồi đến đây sẽ nói.” Sư bảo: “Là thiện tri thức của 1500 người mà thoại đầu cũng không biết.” Tuyết Phong bèn nói: “Lão tăng trụ trì nhiều việc.”
Ðến gặp Thiền sư Hương Nghiêm Trí Nhàn. Hương Nghiêm hỏi: “Từ đâu đến?” Sư đáp: “Từ Lâm Tế đến.” Hương Nghiêm hỏi: “Ðem được kiếm của Lâm Tế đến chăng?” Sư chẳng nói, lấy toạ cụ đánh Hương Nghiêm rồi đi. Hương Nghiêm im lặng mỉm cười.
Ðến viếng Thiền sư Ðức Sơn Tuyên Giám. Vừa thấy Sư trải toạ cụ ra, Ðức Sơn liền bảo: “Chớ có trải cái khăn phủi bụi, nơi đây không có canh cặn cơm thừa.” Sư đáp: “Dù có cũng không có chỗ đổ.” Ðức Sơn liền đánh, Sư chụp gậy và đẩy thẳng đến giường thiền. Ðức Sơn cười to. Sư nói: “Trời xanh!” rồi xuống nhà tham thiền.
Thiền sư Ngưỡng Sơn Huệ Tịch rất mến tài hùng biện của Sư. Lúc mới gặp, Ngưỡng Sơn hỏi: “Ông tên gì?” Sư thưa: “Huệ Tịch.” Ngưỡng Sơn ngạc nhiên bảo: “Huệ Tịch là tên của ta.” Sư liền nói: “Huệ Nhiên.” Ngưỡng Sơn cười lớn.
Một ông quan đến thăm, Ngưỡng Sơn hỏi: “Quan ở vị nào?” Quan thưa: “Dẹp quan.” Ngưỡng Sơn dựng phất tử hỏi: “Lại dẹp được cái này chăng?” Ông quan không đáp được và trong chúng cũng không ai trả lời vừa lòng Ngưỡng Sơn. Lúc đó Sư đang nằm tại Niết-bàn đường (nơi nuôi dưỡng bệnh nhân), Ngưỡng Sơn sai thị giả đến trình. Sư đáp: “Hoà thượng có việc.” Ngưỡng Sơn lại sai thị giả hỏi: “Chưa biết có việc gì?” Sư lại đáp: “Tái phạm chẳng tha.” Nghe vậy Ngưỡng Sơn thầm nhận và có ý định truyền Phất tử của Bách Trượng lại cho Sư (Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải trao cho Hoàng Bá Hi Vận thiền bản bồ đoàn, trao cho Quy Sơn Linh Hựu phất tử, Quy Sơn lại truyền cho Ngưỡng Sơn) nhưng Sư từ chối không nhận vì đã có thầy. Ngưỡng Sơn nhân đây mới biết Sư là môn đệ của Lâm Tế.
Sau, Sư trụ trì tại Viện Tam Thánh, học chúng đến rất đông. Không biết Sư tịch nơi nào, năm nào.

Tam Thập Nhị Tướng

Từ Điển Đạo Uyển

三十二相; C: sānshíèr xiāng; J: sanjūni sō; S: dvātriṃśan mahā-puruṣa-lakṣaṇāni.
Ba mươi hai tướng đặc thù của một hóa thân Phật. Có nhiều kinh luận khác nhau miêu tả, trình bày ba mươi hai tướng này khác nhau, nhưng một trong những cách trình bày thường gặp nhất được tìm thấy trong Du-già sư địa luận (瑜伽師地論; s: yogācārabhū-mi-śāstra) bao gồm:
1. Lòng bàn chân phẳng (túc hạ an bình lập tướng 足下安平立相; s: supratiṣṭhita-pāda); 2. Bánh xe pháp dưới lòng bàn chân (túc hạ nhị luân tướng 足下二輪相; s: cakrāṅkita-hasta-pāda-tala); 3. Ngón tay thon dài (trường chỉ tướng 長指相; s: dīr-ghāṅguli); 4. Bàn chân thon (túc cân phu trường tướng 足跟趺長相; s: āyata-pāda-pārṣṇi); 5. Ngón tay ngón chân cong lại (thủ túc chỉ man võng tướng 手足指縵網相; s: jālāvanaddha-hasta-pāda); 6. Tay chân mềm mại (thủ túc nhu nhuyễn tướng 手足柔軟相; s: mṛdu-taruṇa-hasta-pāda-tala); 7. Sống (mu) chân cong lên (túc phu cao mãn tướng 足趺高滿相; s: ucchaṅkha-pāda); 8. Cặp chân dài thon như chân sơn dương (y-ni-diên-đoán tướng 伊泥延踹相; s: aiṇeya-jaṅgha); 9. Đứng thẳng tay dài quá đầu gối (正立手摩膝相; s: sthi-tānavanata-pralamba-bāhutā); 10. Nam căn ẩn kín (âm tàng tướng 陰藏相; s: kośopagata-vasti-guhya); 11. Dang tay ra rộng dài bằng thân mình (thân quảng trường đẳng tướng 身廣長等相; s: nyagrodha-parimaṇḍala); 12. Lông đứng thẳng (mao thượng hướng tướng 毛上向相; s: ūr-dhvaṃga-roma); 13. Mỗi lỗ chân lông có một cọng lông (nhất nhất khổng nhất mao sinh tướng 一一孔一毛生相; s: ekaika-roma-pradakṣiṇāvarta); 14. Thân vàng rực (kim sắc tướng 金色相; s: suvarṇa-varṇa); 15. Thân phát sáng (đại quang tướng 大光相); 16. Da mềm mại (tế bạc bì tướng 細薄皮相; s: sūkṣma-suvarṇa-cchavi); 17. Tay, vai và đầu tròn tương xứng (thất xứ long mãn tướng 七處隆滿相; s: sapta-utsada); 18. Hai nách đầy đặn (lưỡng dịch hạ long mãn tướng 兩腋下隆滿相; s: citāntarāṃsa); 19. Thân người như sư tử (thượng thân như sư tử tướng 上身如獅子相; s: siṃha-pūrvārdha-kāya); 20. Thân thẳng đứng (đại trực thân tướng 大直身相; s: ṛjugātratā); 21. Hai vai đầy đặn mạnh mẽ (kiên viên hảo tướng 肩圓好相; susaṃvṛta-skandha); 22. Bốn mươi cái răng (tứ thập xỉ tướng 四十齒相; s: catvāriṃśad-danta); 23. Răng đều (xỉ tề tướng 齒齊相; s: sama-danta); 24. Răng trắng (nha bạch tướng 牙白相; s: suśukla-danta); 25. Hàm sư tử (sư tử giáp tướng 獅子頰相; s: siṃha-hanu); 26. Nước miếng có chất thơm (vị trung đắc thượng vị tướng 味中得上味相; s: rasa-rasāgratā); 27. Lưỡi to dài (đại thiệt tướng 大舌相; s: prabhūta-tanu-jihva); 28. Tiếng nói tao nhã (phạm thanh tướng 梵聲相; s: brahma-svara); 29. Mắt xanh trong (chân thanh nhãn tướng 眞青眼相; s: abhinīla-netra); 30. Mắt giống mắt bò (ngưu nhãn tiệp tướng 牛眼睫相; s: go-pakṣmā); 31. Lông trắng giữa cặp chân mày (bạch mao tướng 白毛相; s: ūrṇā-keśa); 32. Một khối u trên đỉnh đầu (đỉnh kế tướng 頂髻相; s: uṣṇīṣa-śiraskatā).

Tam Thập Tam Thiên

Từ Điển Đạo Uyển

三十三天; C: sānshísān tiān; J: sanjūsan ten; S: trāyastriṃśa.
Ba mươi ba vị Thiên sống trên đỉnh của núi Tu-di, trong tầng trời thứ hai của sáu tầng trời cõi dục (Lục dục thiên 六欲天). Đế-thích thiên ngự tại trung tâm với tám vị Thiên khác ở mỗi hướng trong bốn hướng xung quanh.

Tam Thập Thất đạo Phẩm

Từ Điển Đạo Uyển

三十七道品; C: sānshíqī dàopǐn; J: sanjū-nanadōhin;
Ba mươi bảy thành phần hỗ trợ con đường giác ngộ, là những cách tu tập giúp hành giả đạt bồ-đề. Chúng bao gồm: Tứ niệm xứ (四念處), Tứ chính cần (四正勤), Tứ thần túc (四神足), Ngũ căn (五根), Ngũ lực (五力), Thất giác chi (七覺支) và Bát thánh đạo (八聖道).

Tam Thất Nhật

Từ Điển Đạo Uyển

三七日; C: sānqī rì; J: sanshichinichi;
1. Một chu kì bao gồm 21 ngày; 2. Ngày thứ hai mươi mốt.

Tam Thế

Từ Điển Đạo Uyển

三世; C: sānshì; J: sansei;
Ba thế giới; ba thời; ba thời dĩ vãng, hiện tại và vị lai (s: try-adhvan, try-adhvahak, loka-traya). Cũng gọi là Tam tế (三祭).

Tam Thiện Căn

Từ Điển Đạo Uyển

三善根; C: sān shàngēn; J: san zenkon;
Có hai cách phân chia: 1. Ba thiện căn của Vô tham (無貪), vô sân (無瞋), và vô si (無癡). Chúng được gọi như vậy bởi gì được xem là những tâm trạng căn bản của thiện lành. Theo Du-già hành tông thì tất cả những nhân tố thiện lành đều xuất phát từ ba thiện căn này. 2. Thí (施), Từ (慈) và Huệ (慧). Chúng được xem là đối nghịch với Tam độc (三毒).

Tam Thiên đại Thiên Thế Giới

Từ Điển Đạo Uyển

三千大千世界; C: sānqiān dàqiān shìjiè; J: sanzen daisen sekai; S: trisāhasra-mahāsāha-sra-loka-dhātu.
Hàng tỉ thế giới, tạo thành một cõi Phật. Là thế giới bao gồm đục giới và tầng thứ nhất của cung trời thuộc Sắc giới. Một ngàn nhân một ngàn nhân một ngàn là một tỉ thê giới, thường được viết ngắn là Tam thiên thế giới (三千世界). Đây là một cách mô tả tính chất rộng mở mênh mông, xuyên suốt của toàn thể vũ trụ theo vũ trụ quan của người Ấn thời xưa.

Tam Thỉnh

Từ Điển Đạo Uyển

三請; C: sānqǐng; J: sanshō;
Ba lời thỉnh cầu. Hỏi ba lần. Trong những bài kinh, đức Phật thường được thỉnh cầu ba lần trước khi ngài thuyết pháp.

Tam Thời

Từ Điển Đạo Uyển

三時; C: sānshí; J: sanji;
Ba thời; cách hệ thống hoá, phân chia giáo pháp của Phật Thích-ca Mâu-ni thành ba thời đoạn, ba chu kì: Chính pháp (正法); Tượng pháp (像法) và Mạt pháp (末法). Chính tượng mạt (正像末).

Tam Thời Giáo Phán

Từ Điển Đạo Uyển

三時教判; C: sānshí jiāopàn; J: sanji kyōhan;
Cách phân loại giáo lí thành ba thời. Chỉ cách phân loại giáo lí của đức Phật Thích-ca Mâu-ni thành ba thời. Pháp tướng tông (法相宗) chủ trương ba thời giáo: Phật thuyết các pháp đều hiện hữu, đều trống không và Phật thuyết trung đạo. 1. Giáo lí của thời kì đầu (hữu) chủ trương tồn tại trên cơ sở nhân duyên, nhưng những thành phần (pháp) của sự tồn tại này thật sự tồn tại. Giáo lí này được giảng dạy trong những bộ kinh A-hàm và những bộ kinh Tiểu thừa khác; 2. Giáo lí thời kì thứ hai, chủ trương nguồn gốc của tất cả vạn vật đều là trống không. Thời kì này cũng được gọi là “thời kì phủ định”, là thời điểm bắt đầu của giáo lí Đại thừa, chuyển đổi dần từ giáo lí Tiểu thừa. Kinh điển hệ Bát-nhã Ba-la-mật-đa là những ví dụ tiêu biểu cho giáo lí thời kì này; 3. Giáo lí thời kì thứ ba được gọi là “Chân không”: Trung đạo được giải thích một cách xác định trong những bộ kinh như Hoa nghiêm và Giải thâm mật. Thời kì này cũng được gọi là “Chân Đại thừa”.

Tam Thụ

Từ Điển Đạo Uyển

三受; C: sānshòu; J: sanju;
Ba cảm thụ, cảm xúc: An vui, đau khổ, và chẳng vui chẳng khổ.

Tam Thừa

Từ Điển Đạo Uyển

三乘; C: sānshèng; J: sanjō; S: triyāna;
Ba thừa

Tam Thừa Thánh Nhân

Từ Điển Đạo Uyển

三乘聖人; C: sānshèngshèngrén; J: sanjō shōnin;
Chỉ ba hàng Thánh nhân của ba cỗ xe: Thanh Văn (聲聞; s: śrāvaka), Duyên Giác (縁覺; s: pratyekabuddha) và Bồ Tát (菩薩; s: bodhisattva).

Tam Tính

Từ Điển Đạo Uyển

三性; hoặc Tam tướng; S: trilakṣaṇa; P: ti-lakkhaṇa;
Ba tính

Tam Trí

Từ Điển Đạo Uyển

三智; C: sānzhì; J: sanchi;
Ba loại trí huệ. Có nhiều cách phân loại trong nhiều kinh luận khác nhau nên mối liên hệ trong mỗi trường hợp phải được chú ý:
I. 1. Pháp trí (法智), trí huệ hiểu biết chư pháp; 2. Tỉ trí (比智), trí hiểu biết, phân biệt vạn vật sai biệt và 3. Đẳng trí (等智), trí thế tục (theo A-tì-đàm Tì-bà-sa luận 阿毘曇毘婆沙論).
II. 1. Nhất thiết trí (一切智), trí huệ hiểu biết tất cả; 2. Đạo chủng trí (道種智), trí biết được những con đường tu tập khác nhau; 3. Nhất thiết trí trí (一切智智), trí thông đạt tất cả những loại trí huệ khác. Ba loại trí này tương quan đến ba Thánh quả Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát (theo Tứ giáo nghi chú 四教儀註).
III. 1. Văn huệ (trí); 2. Tư huệ và Tu huệ (theo Du-già luận 瑜伽論, Tam huệ).
VI. Ba loại trí được dạy trong Đại trí độ luận (大智度論): 1. Nhất thiết trí (一切智) của hàng Nhị thừa (Thanh Văn), là trí hiểu biết tất cả những khía cạnh khác biệt của chư pháp; 2. Đạo chủng trí (道種智) của hàng Bồ Tát, là trí hiểu biết khía cạnh toàn vẹn của chư pháp và 3. Nhất thiết chủng trí (一切種智) của chư Phật, trí huệ toàn hảo biết được tất cả khía cạnh của các pháp.

Tam Trú (trụ)

Từ Điển Đạo Uyển

三住; C: sānzhù; J: sanjū; S: trayo vihārāḥ; P: tayo vihārā.
Ba chỗ trú của tâm: Thiên trú, Phạm trú và Huệ trú. Nói một cách khác: Ba chỗ an trú thiện hảo của tâm (theo Du-già luận 瑜伽論).

Tam Tụ

Từ Điển Đạo Uyển

三聚; C: sānjù; J: sanju;
Ba loại hội tụ, ba nhóm: 1. Chính tính định tụ (正性定聚): Nhóm sẽ theo con đường chân chính; 2. Tà tính định tụ (邪性定聚): Nhóm sẽ theo con đường tà và 3. Bất định tụ (不定聚): Nhóm sẽ theo con đường bất định.

Tam Vật

Từ Điển Đạo Uyển

三物; J: sanmotsu;
Chỉ ba vật mà một vị Lão sư nhận được từ Bản sư của mình sau một thời gian hoằng hoá đạt kết quả tốt đẹp. Ai chính thức được công nhận là Chính sư (j: shōshi) và đã hướng dẫn những người khác trên thiền đạo với kết quả tốt đẹp, người ấy sẽ được trao tam vật trong một buổi lễ. Thời xưa, tiêu chuẩn để được trao tam vật được đặt rất cao, rất nghiêm ngặt.
Trong buổi lễ này, pháp danh của vị được trao tam vật được ghi bằng ba cách khác nhau trên ba tấm giấy (vì vậy mà có tên là tam vật, kích thước khoảng 30×100 cm) và trên ba tấm giấy này, hệ thống truyền thừa từ Phật Thích-ca đến người được truyền trao tam vật được ghi lại.

Tam Vô Lậu Căn

Từ Điển Đạo Uyển

三無漏根; C: sān wúlòugēn; J: san murō-kon;
Ba căn cơ không bị ô nhiễm: 1. Hiểu được nguyên tắc của Tứ đế (四諦) mà trước đó chưa hề biết; 2. Nghiên cứu thực hiện Tứ đế để tiêu diệt phiền não; 3. Biết là mình đã chứng ngộ được tứ đế (theo Câu-xá luận 倶舎論).

Tam Vô Số đại Kiếp

Từ Điển Đạo Uyển

三無數大劫; C: sānwúshǔdàjié; J: sanmushudaikō;
Ba kiếp lớn vô số kể, Tam a-tăng-kì kiếp (三阿僧祇劫).

Tam Vô Tính

Từ Điển Đạo Uyển

三無性; C: sān wúxìng; J: sanmushō;
Ba loại vô tính. Đối nghịch với Tam tính (Biến kế sở chấp tính, Y tha khởi tính và Viên thành thật tính), Ba loại vô tính này được kiến lập trên cơ sở các pháp đều không có một cơ sở tự tồn. 1. Tướng vô tính (相無性): Các tướng, các trình hiện, những gì thấy được đều không thật, ví như một sợi dây thừng trông giống như một con rắn; 2. Sinh vô tính (生無性): Sinh thành, tồn tại không có một cơ sở tự tồn nào. Sinh thành trình hiện tuỳ nhân duyên, và sự tồn tại của nó chỉ tạm thời; 3. Thắng nghĩa vô tính (勝義無性): Sự thật tối thượng cũng vô tính.

Tam Vô Tính Luận

Từ Điển Đạo Uyển

三無性論; C: sānwúxìng lùn; J: sanmushō ron;
Luận nói về thuyết Tam vô tính, được Chân Đế dịch sang Hán văn, gồm hai quyển. Tác phẩm này đặc biệt chú trọng đến thuyết Tam vô tính trong hệ thống Du-già hành. Tác giả được xem là Vô Trước (無著) hoặc Thế Thân (世親).

Tam Xa

Từ Điển Đạo Uyển

三車; C: sānchē; J: sansha;
“Ba cỗ xe”. Một ẩn dụ trong kinh Pháp Hoa, câu chuyện “căn nhà cháy”, cụ thể như sau: Một vài đứa trẻ đang chơi trong nhà, mà không ngờ nó căn nhà đang cháy. Bố của chúng dụ chúng ra khỏi nhà bằng cách nói bên ngoài có ba chiếc xe, một chiếc xe kéo bởi con dê, một chiếc thứ hai được kéo bởi con hưu và chiếc thứ ba được kéo bởi con bò. Và khi những đứa trẻ ra khỏi nhà, chúng chỉ thấy tất cả chỉ là một chiếc xe bò trắng. Ba cỗ xe này là ví dụ cho Tam thừa: Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát thừa. Câu chuyện này được đề ra để giảng giải rằng, mặc dù có Đại thừa Tiểu thừa trong giáo lí nhà Phật, nhưng chung quy thì tất cả những phương tiện đều dẫn đến giác ngộ như nhau. Căn nhà cháy tượng trưng cho biển sinh tử luân hồi, bị vây phủ bởi phiền não vô minh. Những đứa trẻ là hành giả của Tam thừa. Cỗ xe kéo bởi con dê tượng trưng cho Thanh văn thừa, xe với con hưu là Duyên Giác thừa và xe bò tượng trưng cho Bồ Tát thừa. Và khi bọn trẻ ra khỏi nhà thì những cỗ xe bò trắng giống nhau đã được chuẩn bị để trao cho chúng. Đây là những ẩn dụ chỉ lòng đại từ đại bi của đức Phật khi ngài gạt bỏ những phương tiện tam thời, dẫn dắt chúng sinh trở về một Phật thừa duy nhất. Các đại biểu Phật giáo Trung Quốc được chia thành hai nhóm: nhóm thứ nhất với quan điểm xe bò trước khi nhóm trẻ thơ ra khỏi nhà và xe bò trắng to (như vậy là xe thứ tư) là một (và như vậy thì chỉ có ba cỗ xe). Thuộc vào nhóm này là tông Pháp tướng và tông Tam luận. Nhóm thứ hai, với tông Hoa Nghiêm và Thiên Thai là đại biểu, quan niệm rằng, cỗ xe trắng lớn sau này khác cỗ xe bò trước đây. Như vậy thì “Tam thừa gia” quan niệm Bồ Tát thừa và Phật thừa như nhau, trong khi “Tứ thừa gia” lại quan niệm chúng khác nhau.

Tam Y

Từ Điển Đạo Uyển

三衣; S: tricīvara; y phục ba phần, cũng được gọi là “Nạp y” (衲衣; s: kanthā) bộ áo vá chắp;
Y phục của một Tỉ-khâu hoặc Tỉ-khâu-ni. Phần trong (dưới) được gọi là An-đà-hội (安陀會; s: antaravāsaka) là một mảnh vải vá (năm mảnh vải vá lại) cuộn lại dùng làm đồ lót dưới. Phần ngoài là Uất-đa-la-tăng (鬱多羅僧; s: uttarāsaṅga) cũng là một tấm vải vá dùng để khoác ngoài để đi khất thực. Phần thứ ba là Tăng-già-lê (僧伽梨; s: saṅgāti), một tấm vải khoác ngoài, chỉ được dùng trong những ngày lễ và được vá từ 9-25 mảnh vải nhỏ. Màu của nạp y thường là màu vàng nhưng cũng thay đổi tuỳ theo tông phái, theo truyền thống. Tăng, ni tại Trung Quốc thường mang màu xanh, nâu. Tại Tây Tạng người ta chuộng màu đỏ, tại Nhật màu đen. Tất cả những y phục này đều phải được may từ nhiều mảnh vải để nhấn mạnh truyền thống sống cơ hàn, vô sản của một tỉ-khâu.

Tam-Da-Tam-Phật

Từ Điển Đạo Uyển

三耶三佛; C: sānyésānfó; J: sanyasanbut-su;
Tam-miệu Tam-phật-đà.

Tam-Ma-Bát-đề

Từ Điển Đạo Uyển

三摩鉢提; C: sānmóbōtí; J: sanmapattei;
Một cách dịch âm của chữ Phạn samāpatti. Tam-ma-bát-để (三摩鉢底).

Tam-Ma-Bát-để

Từ Điển Đạo Uyển

三摩鉢底; C: sānmóbōdī; J: sanmapattei;
Cách dịch âm của chứ Phạn samāpatti. Một thuật ngữ thiền định. Một trạng thái định. Một tâm thức cân bằng, đạt được qua sự tập trung chuyên nhất, hội tụ những năng lực trong tâm. Được dịch ý là Đẳng chí (等至).

Tam-Ma-đề

Từ Điển Đạo Uyển

三摩提; C: sānmótí; J: sanmaji;
Một cách phiên âm của chữ Phạn và Pa-li samādhi, cũng được phiên âm là Tam-muội (三昧) và Tam-ma-địa (三摩地). Dịch ý là Định.

Tam-Miệu Tam-Bồ-đề

Từ Điển Đạo Uyển

三藐三菩提; C: sānmiǎo sānpútí; J: sammyaku sambodai;
Cách dịch âm từ chữ Phạn saṃyak-saṃbodhi, có nghĩa là “giác ngộ một cách chân chính”, chỉ sự giác ngộ viên mãn của một vị Phật; được Hán dịch ý là Đẳng chính giác (等正覺) và Chính đẳng giác (正等覺). Thuật ngữ này thường được thấy trong biểu thị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề (阿耨多羅三藐三菩提; s: anuttarā-saṃyak-saṃbodhi).

Tam-Miệu-Tam-Một-đà

Từ Điển Đạo Uyển

三藐三沒馱; C: sānmiǎosānmòtuó; J: san-myakusanbodda;
Tam-miệu Tam-phật-đà (三藐三佛陀).

Tam-Miệu-Tam-Phật

Từ Điển Đạo Uyển

三藐三佛; C: sānmiǎosānfó; J: sanmyaku-sanbutsu;
Tam-miệu Tam-phật-đà (三藐三佛陀).

Tam-Miệu-Tam-Phật-đà

Từ Điển Đạo Uyển

三藐三佛陀; C: sānmiǎosānfótuó; J: san-myaku sambutta; S: samyak-saṃbuddha; P: sammā-sambuddha;
“Một vị Phật giác ngộ viên mãn”. Một trong Mười danh hiệu của một vị Phật. Cũng được dịch âm là Tam-miệu Tam-một-đà (三藐三沒馱), Tam-da Tam-phật (三耶三佛), Tam-da Tam-phật-đà (三耶三佛陀), và dịch nghĩa là Chính Biến Tri (正遍知), Chính Đẳng Giác (正等覺), Chính Đẳng Giác giả (正等覺者).

Tam-Muội

Từ Điển Đạo Uyển

三昧; C: sānmèi; J: sammai, zammai; S, P: samādhi; J: zan-mai; dịch âm, dịch nghĩa là Ðịnh;
Thuật ngữ dịch âm từ chữ Phạn samādhi, có nghĩa là “Gom lại”, “phối hợp tâm”, “Tĩnh lự một cách chuyên chú”, “Hấp thụ toàn hảo”. Một cấp bậc tập trung thiền định cao. Ðịnh.

Tam-Muội Chính Thụ

Từ Điển Đạo Uyển

三昧正取; C: sānmèi zhèngqǔ; J: sanmai-shōju;
1. Hoàn toàn tin tưởng không nghi ngờ giáo lí của một Thánh nhân đã đạt một cấp bậc thiền định thâm sâu; 2. Định, cấp bậc tập trung cao.

Tam-Muội-Da

Từ Điển Đạo Uyển

三昧耶; C: sānmèiyé; J: sanmaiya;
Một cách phiên âm chữ Phạn “samaya”: 1. Thời gian, đặc biệt là một khoảng thời gian đặc thù; 2. Một cuộc hội họp, gặp gỡ; 3. Giáo lí cơ bản của một trường phái.

Tam-Muội-Da Hình

Từ Điển Đạo Uyển

三昧耶形; C: sānmèiyéxíng; J: sanmaiya-gyō;
Một hình ảnh với giá trị biểu tượng. Trong đạo Phật thì đây chính là những biểu tượng tỏ bày lời nguyện ước của chư Phật, chư Bồ Tát như cung, tên, gậy, bình hoặc những thủ Ấn.

Tấn Thuỷ

Từ Điển Đạo Uyển

晉水; C: jìn shuĭ; J: shinsui;
Tên gọi khác của Tịnh Nguyên (淨源), Tăng sĩ tông Hoa Nghiêm trong thời kì Phật giáo phục hưng đời Tống.

Tần-Bà-Sa-La

Từ Điển Đạo Uyển

擒婆娑羅; S, P: bimbisāra;
Vua xứ Ma-kiệt-đà (magadha) trong thời Phật Thích-ca Mâu-ni. Năm 30 tuổi – nhân nghe một bài giảng của Ðức Phật – ông trở thành tín đồ phụng sự đạo pháp. Ông là người tặng đức Phật Trúc Lâm (p: veḷuvana), nơi Ðức Phật và Tăng-già thường dừng chân. Tần-bà-sa-la sau bị con trai là A-xà-thế (p: ajātasattu) giết chết.

Tan-Tê-Pa

Từ Điển Đạo Uyển

S: taṅtepa; “Người mê cờ bạc”;
Một trong 84 vị Tất-đạt (siddha) Ấn Ðộ, không rõ sống trong thế kỉ nào.
Ông ở xứ Câu-thướng-di (s: kauśāmbī), thuộc giai cấp thấp kém, ham đánh bạc. Khi thua hết gia sản, không còn ai cho mượn tiền đánh bạc, ông buồn rầu rút lui sống trên bãi đốt xác. Một vị Du-già sư đi ngang, khuyên ông tu tập, ông trả lời có phép nào tu tập mà vẫn đánh bạc được thì ông mới chịu tu. Vị này liền dạy ông phép quán tưởng, “xem thế giới trống rỗng như túi tiền của mình, nếu có thể phá tan gia sản bằng con súc sắc, thì cũng thể phá tan khái niệm bằng tri kiến. Sự mất mát chính là niềm vui!”
Như ngươi mất hết tiền,
lúc đánh trò súc sắc,
hãy đánh mất tư duy,
về cả ba cõi giới,
hãy chơi trò súc sắc,
của tâm thức vô niệm.
Như bị con nợ đánh,
hãy đánh hạ tư duy,
vào không gian trống rỗng.
Ngồi trên bãi đốt xác,
mà tự hoà tan mình
trong Ðại lạc mênh mông.

H 51: Tan-tê-pa (taṅtepa) đang trình bày tính Không (s: śūnyatā).
Tan-tê-pa nghe lời tu phép quán niệm và đạt tri kiến. Sau khi đạt Tất-địa, ông biến mất vào thế giới của các vị Không hành nữ (s: ḍākinī). Chứng đạo ca của ông có những dòng sau:
Mọi tư duy, tưởng tượng
đã biến mất tan vào,
trong thức vô biên xứ.
Mọi kinh nghiệm hiện tượng,
tan biến trong tính Không.
Trong 84 vị Tất-đạt, Tan-tê-pa (kẻ đánh bạc) làm ta nhớ đến Khát-ga-pa (khaḍgapa), người ăn trộm và Tha-ga-na-pa (thaganapa), người mang tật nói dối.

Tan-Ti-Pa

Từ Điển Đạo Uyển

S: tantipa; “Người thợ dệt”;
Một Ma-ha Tất-đạt trong 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ, sống trong đầu thế kỉ thứ 9.
Ông là một thợ dệt, có nhiều con. Ðến lúc được 89 tuổi, ông bị con cái lại ruồng bỏ, cho vào ở một túp lều trong vườn. Ngày nọ, một vị Ma-ha Tất-đạt là Ja-lan-đa-ra (s: jālandhara) đến nhà ông khất thực, được con cái của ông bố thí thức ăn và mời ở lại nghỉ qua đêm. Ông gặp vị Du-già sư này và than: “Cuộc đời thật bạc bẽo, nuôi con cho lớn khôn rồi chúng nó hổ thẹn với người ngoài vì có ông cha già nua, đem dấu trong vườn để không ai phải nhìn.” Ja-lan-đa-ra khuyên ông: “Tất cả những gì chúng ta làm là một trò chơi, một trò chơi có ngày phải chấm dứt; ai bước vào cõi này đều cũng phải chịu đau khổ; tất cả, và thật là tất cả đều là Ảo ảnh, không có tự tính. Niết-bàn mới là tịch tịnh, là hạnh phúc”, rồi hỏi: “Ông có muốn tu tập chuẩn bị đón cái chết không?” Người thợ dệt nhận lời ngay và Ja-lan-đa-ra truyền cho ông bí mật của Hô Kim cương tan-tra (s: hevajra-tantra) và phép thiền quán. Sau mười hai năm tu tập, ông đạt Ðại thủ ấn tất-địa (s: mahā-mudrāsiddhi). Về sau con cái tình cờ thấy ông được thiên nhân hầu hạ mới biết cha mình đắc đạo. Nhờ phép thần, ông trẻ lại và sống thêm 16 năm nữa. Trong thời gian này, ông giáo hoá rất nhiều người và sau đó được lên cõi của các vị Không hành nữ (s: ḍākinī). Thánh đạo ca của Tan-ti-pa như sau:
Căng ngang rồi căng dọc,
là cách dệt thế gian.
Còn ta, với Ðạo sư,
dệt tấm vải chứng thật,
bằng sợi chỉ Năm trí.
Lược là lời Khai thị,
Khung là chính tri kiến,
toàn hảo về tính Không
Dệt chiếc áo Pháp thân,
từ không gian vô tận,
và tri kiến thuần tịnh.

Tan-Tra

Từ Điển Đạo Uyển

S: tantra; cũng được gọi theo âm Hán Việt là Ðát-đặc-la (怛特羅), nguyên nghĩa “tấm lưới dệt”, “mối liên hệ”, “sự nối tiếp”, “liên tục thống nhất thể”, đôi lúc được dịch là Nghi quỹ;
Một danh từ trừu tượng, khó dịch nên phần lớn các ngôn ngữ trên thế giới (Anh, Pháp, Ðức) đều không có từ tương ưng. Trong Phật giáo Tây Tạng, Tan-tra chỉ tất cả các kinh sách về nhiều ngành khác nhau (Tan-tra y học, Tan-tra thiên văn…), nhưng trong nghĩa hẹp Tan-tra chỉ tất cả các sách vở nói về phép tu thiền định của Kim cương thừa và cũng được dùng để chỉ những phép tu thiền định này. Phép tu luyện Tan-tra có tính chất kinh nghiệm cá nhân, và thường dựa trên ba khái niệm: Nhân, Ðạo, Quả. Nhân chính là hành giả, Ðạo là con đường, phương pháp tu luyện, nhằm thanh lọc con người và Quả là tình trạng mà hành giả chứng ngộ. Ba giai đoạn này được Tan-tra chỉ bày trong vô số phương tiện khác nhau. Người ta cho rằng khi Phật Thích-ca thể hiện Phật quả qua dạng Pháp thân (s: dharmakāya) thì Ngài đã hành trì Tan-tra. Vì vậy cũng có người xem đức Phật là người sáng lập Tan-tra.
Truyền thống Tây Tạng chia Tan-tra làm bốn loại để tương ưng với căn cơ của từng người:
1. Tác tan-tra (s: kriyā-tantra): Tan-tra hành động (tác), nghi lễ. Người tu tập Tan-tra này có kết đàn trường, cúng dường, đọc chú, bắt ấn nhưng chưa quán tưởng, tu tập thiền định;
2. Hành tan-tra (s: caryā-tantra): Tan-tra tu luyện qua hành động hằng ngày, dành cho những người tu tập nhưng không cần hiểu rõ lí tột cùng;
3. Du-già tan-tra (s: yoga-tantra): Tan-tra luyện tâm (thiền định);
4. Vô thượng du-già tan-tra (s: anuttarayoga-tantra): phương pháp tu luyện tột cùng, thành Phật trong kiếp này, với thân này.
Sự khác nhau giữa bốn cấp này xuất phát từ căn cơ của hành giả và tính hiệu quả của các phép tu. Các tác phẩm quan trọng của Vô thượng du-già tan-tra là Bí mật tập hội tan-tra (s: guhyasamāja-tantra), Hô kim cương tan-tra (s: hevajra-tantra) và Thời luân tan-tra (s: kālacakra-tantra).
Trường phái Ninh-mã (t: nyingmapa) lại chia Vô thượng du-già tan-tra làm ba loại: Ma-ha du-già (s: mahāyoga), A-nậu du-già (s: anuyoga) và A-tì du-già (s: atiyoga, xem Ðại cứu kính). Những phép Tan-tra này xem tâm thanh tịnh là gốc của mọi phép tu. Ngoài ra, Tan-tra xem việc vượt qua tính nhị nguyên để đạt nhất thể là một nguyên lí quan trọng. Tính nhị nguyên có khi được Tan-tra diễn tả bằng nguyên lí nam tính (s: upāya; khía cạnh Phương tiện) và nữ (s: prajñā; Trí huệ), vì vậy tại phương Tây không ít người hiểu lầm, cho rằng tu tập Tan-tra là thuần tuý liên hệ với tính dục nam nữ.

Tăng

Từ Điển Đạo Uyển

僧; C: sēng; J: sō;
Có các nghĩa sau: 1. Đầu tiên là gọi tắt phiên âm từ Tăng-già (僧伽; s: saṃgha), nghĩa là đoàn thể của Tăng ni; 2. Thuộc về Tăng, hoặc là của Tăng; 3. Về sau, trong cách dùng của người Đông Á, trở thành từ đề cập đến cá nhân Tăng và Ni, nhưng trước đó, từ nầy đã đề cập đến đoàn thể gồm 3 đến 4 vị Tăng ni trở lên.

Tăng

Từ Điển Đạo Uyển

增; C: zēng; J: zō;
Có các nghĩa sau: 1. Nhanh hơn, thêm, mở rộng, nâng cao, tăng thêm (s: vṛddhi, abhyudaya, pravardhita, vivardhana); 2. Cao cả, đề cao. Xuất sắc, cao cấp, khá hơn, ưu tú; 3. Trên, hơn, vượt xa hơn. Thượng hạng, quá mức, thặng dư; 4. Gắn bó, phụ chương, nhận làm chi nhánh; phụ thuộc, bổ trợ; 5. Không bị ngăn trở (tăng thượng 增上); 6. Tám địa ngục càng lúc càng trở nên đau khổ.

Tằng

Từ Điển Đạo Uyển

曾; C: céng; J: sō;
1. Đã, rồi, quá khứ. Có, đã có. Biểu thị cho quá khứ; 2. Trải qua; 3. Rồi, thì; 4. Hơn nữa, thêm vào; 5. Tên dòng họ.

Tăng Chính

Từ Điển Đạo Uyển

僧正; C: sēngzhèng; J: sōjō;
Trách nhiệm lớn nhất trong hàng giáo phẩm Phật giáo, tương đương với Tổng giám mục trong giáo hội Thiên chúa giáo La-mã.

Tăng Chúng

Từ Điển Đạo Uyển

僧衆; C: sēngzhòng; J: sōshū;
Tăng ni thuộc đoàn thể tăng lữ Phật giáo; đoàn thể của những người xuất gia tu đạo (s,p: saṃgha).

Tăng Cương

Từ Điển Đạo Uyển

僧綱; C: sēnggāng; J: sōgō;
Tăng thống (còn gọi là Tăng quan 僧官) – một chức việc hành chính mà thành viên trong hàng Tăng lữ Phật giáo được bổ nhiệm, nguồn gốc phát xuất từ Trung Hoa, và cũng được thành lập dưới nhiều dạng khác nhau ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Ba chức danh thông dụng nhất, xếp từ giai vị trên xuống dưới là Tăng chính (僧正), Tăng đô (僧都), Luật sư (律師).

Tăng Cường

Từ Điển Đạo Uyển

增強; C: zēngqiáng; J: sōkyō;
Làm mạnh hơn, gia tăng sức lực.

Tăng đô

Từ Điển Đạo Uyển

僧都; C: sēngdū; J: sōto, sōzu;
Chức danh thứ hai trong 3 chức danh tiêu biểu của vị Tăng coi sóc việc hành chính của tăng đoàn trong hệ thống tổ chức tăng lữ vùng Đông Á. Tăng cương (僧綱).

Tăng Hải

Từ Điển Đạo Uyển

僧海; C: sēnghăi; J: sōkai; 599-654;
Môn đệ của Tín Hành (信行), người sáng lập Tam giai giáo (三階教), trú tại Hoá Độ tự (化度寺) thuộc Trường An.

Tăng Hưu

Từ Điển Đạo Uyển

僧休; C: sēngxiū; J: sōkyū;
Cao Tăng thời Bắc Nguỵ, là thành viên Địa luận tông (地論宗) trường phái phía Bắc. Sư là đệ tử của Đạo Sủng (道寵).

Tăng Hựu

Từ Điển Đạo Uyển

僧祐; C: sēngyòu; J: sōyū; 445-518.
Một trong những vị sớm nhất lập mục lục Tam tạng kinh điển Trung Hoa lưu hành thời đó. Tác phẩm lớn có tên là Xuất tam tạng tập kí (出三藏集記). Tăng Hựu hoàn tất mục lục ngay trước khi tịch diệt, biên soạn một danh mục đồ sộ dựa trên danh mục cũ (hiện nay đã thất lạc) mà sư có được trong suốt quá trình nghiên cứu thời ấy.

Tăng ích

Từ Điển Đạo Uyển

增益; C: zēngyì; J: zōyaku;
1. Gia tăng, mở rộng, nâng cao; 2. Nhận thức sai lầm và thừa nhận vật gì không thật sự hiện hữu. Tự mình dính líu vào một dạng hiện hữu khách quan. Quan niệm cường điệu về sự hiện hữu, đối nghịch với Tổn diệt (損滅); 3. Mang đến vận may, làm cho hưng thịnh, thịnh vượng, sung túc.

Tăng ích Chấp

Từ Điển Đạo Uyển

增益執; C: zēngyìzhí; J: zōekishū;
Chấp vào quan niệm có (hữu 有), hoặc thường (常), là một cực đoan – theo Nguyên Hiểu (元曉, k: wŏnhyo), môn đệ của tông Pháp tướng – rất thường xảy ra.

Tăng Lãng

Từ Điển Đạo Uyển

僧朗; C: sēnglăng; J: sōrō; K: sǔngnang;
Một trong những vị Cao tăng sớm nhất tại Hàn Quốc (Cao Cú Li 高句麗; k: koguryǒ, tk. 6-6) đến Trung Hoa, trải qua một thời gian rất lớn để tham học Tam luận (三論) và Hoa Nghiêm (華嚴) trước khi trở về quê nhà.

Tăng Lữ

Từ Điển Đạo Uyển

僧侶; C: sēnglǚ; J: sōryo;
Thành viên trong Tăng đoàn. Giới tăng lữ (s: saṃgha); còn gọi Tăng chúng (僧衆).

Tăng Nhất A-Hàm Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

增一阿含經; C: zēngyī āhán jīng; J: zōichi agonkyō; S: ekottara-āgama-sūtra;
Một trong 4 bộ kinh trong tạng A-hàm; gồm 51 quyển, do Cồ-đàm Tăng-già-đề (瞿曇僧伽提, s: gautama-saṃghadeva) dịch năm 397. Toàn kinh có 52 phẩm, gồm tất cả 451 kinh. Chi tiết các chủ đề được đánh số từ 1 đến 11 và các kinh được tập hợp theo nội dung.

Tăng Phẩm

Từ Điển Đạo Uyển

增品; C: zēngpǐn; J: sōhon;
Hạng, loại vật gì được tinh chế tốt hơn, hay hơn… loại trước.

Tăng Quan

Từ Điển Đạo Uyển

僧官; C: sēngguān; J: sōkan;
Vị coi sóc về mặt hành chính của toàn thể tăng đoàn. Tăng cương (僧綱).

Tăng Thạnh

Từ Điển Đạo Uyển

增盛; C: zēngshèng; J: sōjō; S : udrika; P: vuddhi
Gia tăng, mở rộng, phát triển, đạt được bằng quyền lực, mãnh liệt.

Tăng Thượng

Từ Điển Đạo Uyển

增上; C: zēngshàng; J: zōjō; S: ādhipatya
Có các nghĩa sau: 1. Làm tăng thêm, gia tăng, phát triển; 2. Cao cấp, ưu thế, vượt trội, tột bực; 3. Chủ yếu, không ngăn ngại.

Tăng Thượng Duyên

Từ Điển Đạo Uyển

增上縁; C: zēngshàng yuán; J: zōjōen; S: adhipati-pratyaya.
Là 1 trong 4 duyên theo giáo lí của tông Duy thức. Có nghĩa là “nhân duyên liên quan đến sự thiếu vắng hay có mặt của điều kiện cho phép”. Là tất cả mọi nhân duyên góp thêm vào nhân duyên chính để tạo thành sự hiện hữu (hữu lực 有力), cùng những điều kiện dù không góp phần trực tiếp vào nguyên nhân, cũng đều thuộc về tính chất của vô lực (無力). Do vậy, đối với mọi trường hợp, khi một vật sinh khởi, có vô số yếu tố tác động và chi phối. Những yếu tố nầy được gọi là “nguyên nhân vượt qua các điều kiện ảnh hưởng trực tiếp” hoặc Tăng thượng duyên.

Tăng Thượng Mạn

Từ Điển Đạo Uyển

增上慢; C: zēngshàngmàn; J: sōjōman;
1. Quá tự cao; cực kì kiêu ngạo, quá ngạo mạn (s: adhimāna); 2. Tuyên bố dối trá rằng mìmh đã chứng được chân lí tối hậu và có thần thông; 3. Tự cho rằng mình có đức hạnh lớn trong khi thực không có. Đây là loại thứ 5 trong Thất mạn (七慢).

Tăng Thượng Quả

Từ Điển Đạo Uyển

增上果; C: zēngshàng guŏ; J: zōjōka; S: adhipati-phala
Nguyên nhân phụ thuộc đi cùng với nguyên nhân chính được gọi là “tăng thượng duyên”, và kết quả của việc nầy được gọi là Tăng thượng quả.

Tăng Tiến

Từ Điển Đạo Uyển

增進; C: zēngjìn; J: zōshin;
Mở rộng và phát triển; phát triển và thăng tiến; gia tốc.

Tăng Triệu

Từ Điển Đạo Uyển

僧肇; C: sēngzhào; J: sōjō; 374 hoặc 378-414;
Cao tăng của Tam luận tông, một dạng Trung quán tông truyền từ Ấn Ðộ qua Trung Quốc. Có thể nói rằng, Sư là luận sư xuất sắc nhất của Trung Quốc ở đầu thế kỉ thứ năm và cũng là người đầu tiên trong Phật giáo Trung Quốc nắm vững và trình bày hoàn hảo giáo lí tính Không của Long Thụ. Tác phẩm nổi tiếng nhất là Triệu luận (肇論) và Bảo tạng luận (寶藏論). Sư cũng soạn bài tựa cho kinh Duy-ma-cật, bài tựa cho kinh Trường A-hàm, bài tựa cho Bách luận.
Sư là người Kinh Triệu, xuất thân từ một gia đình nghèo. Sư có nghề viết mướn nên có điều kiện đọc rất nhiều sách và rất chú tâm đến các lời dạy của hai vị Lão Tử, Trang Tử. Sau khi nghiên cứu kĩ quyển Ðạo đức kinh của Lão Tử, Sư tự than: “Hay thì hay lắm nhưng còn trụ nơi hư vô, chưa đến chỗ tột cùng.” Sau khi đọc được kinh Duy-ma-cật sở thuyết (s: vimalakīrtinirdeśa-sūtra) – bản dịch của Cưu-ma-la-thập (s: kumārajīva) – Sư hoan hỉ nói: “Nay mới biết được chỗ về!” Sư nhân đây phát tâm xuất gia, trở thành tăng sĩ và đến với Cưu-ma-la-thập tại Cô Tàng, xin được theo học ý chỉ. Sau khi Cưu-ma-la-thập dời về Trường An, Sư cũng theo thầy về đó để phụ giúp trong việc dịch thuật. Nơi Cưu-ma-la-thập, Sư ngộ được giáo lí Trung đạo, giáo lí tính Không của Long Thụ.
Sư nổi tiếng với tính cách của một tư tưởng gia và văn sĩ là nhờ bốn quyển sách, gọi chung lại là Triệu luận (肇論), bao gồm: Bát-nhã vô tri luận (般若無知論), Bất chân không luận (不真空論), Vật bất thiên luận (物不遷論) và Niết-bàn vô danh luận (涅槃無名論). Trong đó, Sư nêu tính thống nhất của tương đối và tuyệt đối, của hiện tượng và bản thể, chúng vừa không rời nhau, vừa đối nghịch nhau. Tác phẩm của Sư hết sức uyên bác và có trình độ văn chương cao, là những tổng hợp thật sự của tư tưởng Trung Quốc và Ấn Ðộ. Sau khi đọc luận Bát-nhã vô tri, Cưu-ma-la-thập bảo Sư: “Kiến giải ta không hơn ông, vậy nên kính trọng nhau vậy.” Khi bài luận này đến tay Huệ Viễn – Khai tổ của Tịnh độ tông – Huệ Viễn chỉ biết thốt lên: “Chưa từng có!”
Trong luận Vật bất thiên, Tăng Triệu quan niệm rằng, tính “bất biến” của sự vật được biểu lộ bằng: cái đã qua không hề “bất động” và đồng nhất với cái đang là, đồng thời, cái đã qua cũng chẳng vận động để trở thành cái đang là. Theo Sư, vừa không có động cũng chẳng có bất động. Sư viết như sau (bản dịch của Thích Duy Lực):
“… Thật đáng thương xót! Ðã biết vật xưa chẳng đến mà lại nói vật nay có đi; vật xưa đã chẳng đến mà vật nay làm sao đi được? Tại sao? Tìm vật xưa nơi xưa, xưa chưa từng không; tìm vật xưa nơi nay, nay chưa từng có. Nay chưa từng có thì rõ ràng không đến; xưa chưa từng không, nên biết vật chẳng đi…”
Sư nhấn mạnh rằng, Thánh nhân lúc nào cũng sống trong thật tại, hiện tại, sống theo nhịp sống của thời gian nên chính vì vậy, họ thoát khỏi vòng ảnh hưởng, trói buộc của thời gian, ở ngay trong thiên hình vạn trạng mà không bị chúng lay động, ở ngay trong động mà không thấy nó động. Việc gì có giá trị cho hiện tại thì nó chỉ có giá trị cho hiện tại, việc gì có giá trị cho ngày hôm qua thì nó chỉ có giá trị cho ngày hôm qua. Người ta không nên so sánh phân biệt những gì đã xảy ra với những việc đang xảy ra hoặc sẽ xảy ra. Trong trường hợp này, người châu Âu thường sử dụng một câu rất hay là “Ðó chỉ là tuyết của ngày hôm qua” (bởi vì hôm nay tuyết đã tan và trở về với mây khói). Ðể nhấn mạnh điều này, Sư dẫn một ví dụ của một nhân vật xưa tên Phạn Chí. Phạn Chí tuổi trẻ xuất gia, đến lúc đầu bạc trở về thì các người láng giềng trầm trồ: “Người xưa còn sống sao?” Phạn Chí đáp: “Tôi giống người xưa mà chẳng phải người xưa ấy.” Hàng xóm nghe không hội cho rằng ông nói sai.
Về tính Không (s: śūnyatā), Sư cho rằng sự vật vừa tồn tại vừa không tồn tại: tất cả đều phụ thuộc lẫn nhau, một khi nguyên nhân của sự vật mất đi thì sự vật cũng hết tồn tại. Ðối với Sư, trình hiện tồn tại tương tự như một hình ảnh ảo thuật, hình ảnh đó không thật, nhưng có trình hiện tồn tại – trên bình diện ảo thuật – cho nên cũng không thể nói nó không tồn tại.
Trong luận Bát-nhã vô tri – luận quan trọng nhất trong bốn bộ luận – Sư cho rằng Bát-nhã là loại trí mà trong đó, cái tuyệt đối chính là đối tượng nhận thức. Nhưng, cái tuyệt đối lại trống rỗng và phi tính chất nên cái tuyệt đối không thể trở thành đối tượng nhận thức. Thế nhưng cái tuyệt đối đó lại là bản thể của mọi sự vật. Vì vậy, một Thánh nhân vừa an trụ trong Không tính và Vô vi, nhưng vừa lại nằm trong lĩnh vực của hành động (Bất hành nhi hành). Nguyên văn:
“Lại sự chiếu dụng của Bát nhã không cần tác ý cho nên chân tâm của bậc thánh nếu trống rỗng trong sạch được chừng nào thì sự chiếu dụng đầy đủ chừng ấy, do đó suốt ngày tri (biết) mà chưa từng tri vậy. Thật lí chứng bên trong, ánh sáng tiềm ẩn mà quyền trí luôn luôn hiện ra sự ứng cơ hoá độ bên ngoài. Vì vô tri nên tâm được trống rỗng, tự nhiên đạt đến chiếu soi nhiệm mầu, lấp bít tâm trí thông minh mà sự độc giác lại âm thầm cùng khắp nơi, thành ra chẳng có chỗ bất tri là nghĩa đây vậy.”
Triệu luận đã có ảnh hưởng rất nhiều trong nền Phật giáo Trung Quốc, ngay cả Thiền tông, một môn phái không chú trọng nhiều đến văn tự. Tương truyền rằng, khi đọc luận Niết-bàn vô danh – đến chỗ “Bậc chí nhân trống rỗng vô hình mà vạn vật đều do tâm tạo. Ngộ được vạn vật đều quy về tự kỉ, ấy chỉ có bậc Thánh mới chứng được”, Thiền sư Thạch Ðầu Hi Thiên bỗng nhiên có ngộ nhập, cao hứng tự vỗ bàn nói to: “Thánh nhân chẳng có cái ta (Ngã) bởi vì tất cả chính là ta. Còn gì để mà phân biệt ta và người!” Thiền sư Pháp Nhãn Văn Ích cũng đã nghiên cứu kĩ bộ luận này trước khi đến và ngộ chân lí nơi La-hán Quế Sâm.
Với Tăng Triệu, Ðại thừa hệ phái Trung quán đã đứng vững và đã mang một sắc thái riêng biệt của Trung Quốc – nhưng hoàn toàn không kém đẳng cấp cũ tại Ấn Ðộ với những Ðại luận sư như Long Thụ, Thánh Thiên.

Tăng Trưởng

Từ Điển Đạo Uyển

增長; C: zēngzhăng; J: zōjō;
Có các nghĩa sau: 1. Gia tăng, mở rộng, nới rộng ra (s: vṛddhi); 2. Tăng cường, củng cố, phát triển; 3. Làm phấn chấn; 4. Trở nên khá hơn hay chiềm ưu thế hơn; 5. Nhân duyên để hoàn tất nghiệp báo; 6. Đưa ra, dẫn đến, làm nổi bật; 7. Sự đề cao ảnh hưởng và thế lực, do vậy, cao mạn.

Tăng Trưởng Thiên

Từ Điển Đạo Uyển

增長天; C: zēngchángtiān; J: zōjōten; S: virūḍhaka
Một trong Tứ thiền thiên. Cai quản loài quỷ Cưu-bàn-trà (s: kumbhāṇḍa) và trấn giữ phương Nam.

Tăng Ung

Từ Điển Đạo Uyển

僧邕; C: sēngyōng; J: sōyū; 543-631;
Đệ tử của Tín Hành, người sáng lập Tam giai giáo, trú trì chùa Hoá Độ (化度寺), Trường An.

Tăng Xán

Từ Điển Đạo Uyển

僧璨; C: sēngcàn; J: sōsan; ?-606;
Tổ thứ ba của Thiền tông Trung Quốc, nối pháp của Nhị tổ là Huệ Khả và là thầy của Tứ tổ Ðạo Tín. Sau khi được ấn khả, Sư lang thang đây đó, sống ẩn dật không ai biết. Ngoài Thiền sư Ðạo Tín, Sư có truyền pháp cho Tì-ni-đa Lưu-chi, người sau này đem Thiền tông sang Việt Nam. Sư cũng là tác giả của Tín tâm minh, một tác phẩm trứ danh, rất phổ biến trong giới thiền.

Tăng-Già

Từ Điển Đạo Uyển

僧伽; C: sēng qié; J: sōgya; S, P: saṅgha;
1. Chỉ hội đoàn của các vị Tỉ-khâu (s: bhik-ṣu), Tỉ-khâu-ni (s: bhikṣuṇī) cũng như các Sa-di (s: śrāmaṇera). Trong nhiều trường hợp, các Cư sĩ cũng được liệt vào Tăng-già.
Tăng-già là một trong Tam bảo (s: triratna), là một đối tượng trong Ba quy y của Phật tử. Ðời sống của Tăng-già được quy định trong các giới luật được ghi trong Luật tạng.
2. Chỉ phái Số luận (s: saṃkhya);
3. Con sư tử (s: siṃha).

Tăng-Già Tự

Từ Điển Đạo Uyển

僧伽寺; C: sēngqiésì; J: sōgyaji;
Một ngôi chùa toạ lạc trên núi Tam Giác (三角山), sinh hoạt trong thời đại Cao Li (高麗; k: koryǒ) và Triều Tiên (朝鮮; k: chosǒn).

Tăng-Già-Lợi Y

Từ Điển Đạo Uyển

僧伽利依; C: sēngqié lìyī; J: sōgyarie; S: saṃghha-ārāma.
Nơi tăng chúng tụ tập để tu tập Phật pháp: Chùa hay Tu viện. Thường viết là Tăng-già-lam (僧伽藍) hoặc Già-lam (伽藍).

Tăng-Kì

Từ Điển Đạo Uyển

僧祇; C: sēngqí; J: sōgi;
A-tăng-kì (阿僧祇).

Tăng-Nhất Bộ Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

增一部經; S: ekottarāgama; P: aṅguttara-nikāya;
Bộ kinh thứ tư của Kinh tạng. Bộ này gồm 11 tập, thường ngắn hơn các kinh khác và được sắp xếp thứ tự theo pháp số mà chủ đề của mỗi bài kinh được chia ra. Về mặt cấu trúc này thì Tăng-nhất bộ kinh khá giống A-tì-đạt-ma (s: abhidharma).

Tăng-Tắc Ca-La

Từ Điển Đạo Uyển

僧塞迦羅; C: sēngsē jiāluó; J: sōsokukara;
Phiên âm của từ “samskāra” trong tiếng Phạn, thường được diễn đạt qua tiếng Hán là Hành (行). Một trong Ngũ uẩn (五蘊; s: skandha). Sự thúc đẩy.

Tào Ðộng Tông

Từ Điển Đạo Uyển

曹洞宗; C: cáo-dòng-zōng; J: sōtō-shū;
Tông phái Thiền quan trọng tại Trung Quốc được hai vị Thiền sư sáng lập là Ðộng Sơn Lương Giới và đệ tử là Tào Sơn Bản Tịch. Người ta ghép hai chữ đầu của tên hai vị này và gọi là Tào Ðộng.
Mặc dù mục đích tu tập trong hai trường phái Lâm Tế và Tào Ðộng như nhau nhưng phương pháp tu tập cụ thể thì có khác biệt. Tào Ðộng tông chú trọng đến phương pháp Mặc chiếu thiền (j: mokushō-zen), tức là Chỉ quản đả toạ (j: shikan-taza), Lâm Tế tông chủ trương phương pháp Khán thoại thiền (kanna-zen), là quán Công án.
Trong thế kỉ 13, Thiền sư Nhật là Ðạo Nguyên Hi Huyền (j: dōgen kigen) đưa tông này qua Nhật và Tào Ðộng trở thành môn phái Thiền quan trọng, ngày nay vẫn còn. Trong tông Tào Ðộng tại Nhật, phương pháp Ðộc tham (dokusan) – một trong những thành phần tối trọng của Thiền tông – đã thất truyền từ thời Minh Trị (meiji).
Thiền Tào Ðộng được Thiền sư Thông Giác Thuỷ Nguyệt (1636-1704) truyền sang Việt Nam giữa thế kỉ thứ 17. Sư rời Ðại Việt năm 1664, cùng với hai đệ tử sang Trung Quốc, đến Hồ Châu học đạo với Thiền sư Nhất Cú Tri Giáo và ở đó ba năm sau mới về. Thông Giác truyền giáo cho Chân Dung Tông Diễn và phái này hoạt động ở Ðàng ngoài (miền Bắc), rất thịnh hành cuối thế kỉ 17 và đầu 18. Ðàng trong (miền Trung), thiền Tào Ðộng do một Thiền sư Trung Quốc là Thạch Liêm (1633-1704), hiệu Ðại Sán Hán Ông truyền dạy. Năm 1695, theo lời mời của chúa Nguyễn Phúc Chu, Sư đến Thuận Hoá. Sư là người tổ chức giới đàn Thiền Lâm với hàng ngàn người tham dự.

Tào Khê

Từ Điển Đạo Uyển

曹溪; C: caó xī; J: sōkei;
Dòng suối nằm về phía Đông Nam Thiều Châu, tỉnh Quảng Đông, trở thành tên gọi của Lục tổ Huệ Năng.

Tào Khê Chân Giác Quốc Sư Ngữ Lục

Từ Điển Đạo Uyển

曹溪眞覺國師語録; C: caóqī zhēnjué guóshī yŭlù; J: sōkei shinkaku kokushi goroku; k: chogye chin’gak kuksa ŏrok;
Ghi chép những bài thuyết pháp và bài viết ngắn của Huệ Kham (慧諶).

Tào Khê Tông

Từ Điển Đạo Uyển

曹溪宗; C: caóxī zōng; J: sōkei-shū; k: chogye chong.
Tông phái thiền quan trọng nhất trong Phật giáo Hàn Quốc. Được thành lập vào thời kì Koryŏ, nó đã được qua sự thử thách, dưới sự ảnh hưởng chủ yếu của Tri Nột (k: chinul), để hoà nhập hai dòng thiền (sŏn) và giáo (kyo). Tông nầy đã trải qua nhiều thay đổi theo nhiều thế kỉ, Tào Khê tông vẫn còn lưu truyền ở Hàn Quốc đến ngày nay như là một tông phái nổi bật nhất, với vô số tu viện và trung tâm thiền học sinh động khắp Hàn Quốc.

Tào Sơn Bản Tịch

Từ Điển Đạo Uyển

曹山本寂; C: cáoshān běnjì; J: sōzan honjaku; 840-901;
Thiền sư Trung Quốc, môn đệ đắc pháp của Thiền sư Ðộng Sơn Lương Giới và cùng với thầy, Sư thành lập tông Tào Ðộng. Tông Tào Ðộng là một trong hai tông phái Thiền mà ngày nay còn đầy sức sống tại Nhật Bản. Tắc thứ 10 của Vô môn quan có nhắc đến Sư. Ngoài ra sử sách còn lưu truyền các giai thoại của Sư trong Phủ Châu Tào Sơn Bản Tịch Thiền sư ngữ lục.
Sư họ Huỳnh, ban đầu chuyên học Nho giáo, Năm 19 tuổi, Sư lên núi Linh Thạch xuất gia và thụ giới cụ túc. Sư thường đến Ðộng Sơn nghe Thiền sư Lương Giới giảng pháp. Một ngày kia, trong một cuộc Vấn đáp, Ðộng Sơn nhận ra căn cơ của Sư và nhận làm đệ tử. Sư tham thiền với Ðộng Sơn và ngộ yếu chỉ nơi đây.
Sau đó, Sư từ biệt Ðộng Sơn ra đi. Cảnh Ðức truyền đăng lục thuật lại câu chuyện sau: “Ðộng Sơn hỏi: ›Ngươi đi đến chỗ nào?‹ Sư đáp: ›Ði đến chỗ không biến dị.‹ Ðộng sơn lại hỏi: ›Chỗ không biến dị lại có đến sao?‹ Sư đáp: ›Cái đến cũng chẳng biến dị.‹”
Sau khi rời Ðộng Sơn, Sư vân du hoằng hoá. Cuối cùng Sư được mời về Cát Thuỷ và vì ngưỡng mộ Lục Tổ tại Tào Khê, Sư đổi tên núi là Tào Sơn. Về sau Sư cũng trụ trì tại núi Hà Ngọc, học trò cả hai chỗ rất đông. Tắc thứ 10 trong Vô môn quan nhắc lại pháp thoại của Sư với đệ tử là Thanh Thoát: “Tăng thưa: ›Thanh Thoát nghèo nàn đơn chiếc, xin Sư phụ cứu giúp.‹ Sư gọi: ›Thầy Thoát!‹ Tăng ứng đáp: ›Dạ.‹ Sư đáp: ›Ðã uống ba chén rượu Thanh Nguyên và dám nói môi không hề ướt!‹”
Sư là người được Thiền sư Lương Giới truyền dạy Ðộng sơn ngũ vị và cũng là người khai thác và phát triển công thức này triệt để. Mặc dù môn đệ dưới trướng rất đông và tông phong Ðộng Sơn rất thịnh hành – Sư được xem là Nhị tổ – dòng thiền của Sư tàn lụi chỉ sau vài thế hệ. Tào Ðộng chính mạch sau này được Thiền sư Vân Cư Ðạo Ưng và môn đệ thủ trì.
Ðời Ðường niên hiệu Thiên Phục (901), một đêm mùa hạ, Sư hỏi Tri sự: “Hôm nay là ngày tháng mấy?” Tri sự thưa: “Ngày rằm tháng sáu.” Sư bảo: “Tào Sơn bình sinh hành cước chỉ biết 90 ngày là một hạ, sáng mai giờ thìn ta hành cước.” Hôm sau, đúng giờ thìn, Sư thắp hương ngồi yên viên tịch, thọ 62 tuổi, 37 tuổi hạ. Vua sắc phong là Nguyên Chứng Thiền sư, tháp hiệu Phúc Viên.

Táp

Từ Điển Đạo Uyển

匝; C: zā; J: sō;
Đi quanh, xoay quanh, đi vòng quanh, đi chung quanh.

Tập Bộ Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

集部經; P: sutta-nipāta;
Một phần của Tiểu bộ kinh, chứa những bài kinh dưới dạng thi kệ.

Tập Khí

Từ Điển Đạo Uyển

習氣; S: vāsanā;
Nguyên nghĩa Phạn ngữ (sanskrit) là “Ấn tượng, tưởng tượng, sự thúc dục.” Tập khí chỉ thói quen, những bản năng, bản tính tiềm tàng có thể hiện lên bất cứ lúc nào.

Tát-Ca Phái

Từ Điển Đạo Uyển

薩迦派; T: sakyapa [sa-skya-pa];
Một trường phái của Phật giáo Tây Tạng, mang tên ngôi chùa Tát-ca – Tát-ca nghĩa là “Ðất xám”. Theo lời khải thị của A-đề-sa, chùa Tát-ca được xây dựng năm 1073 và các cao tăng chùa này tập trung truyền pháp Kim cương thừa với tên Tây Tạng là Lam-dre.
Trường phái này tập trung công sức tu tập và tổ chức lại các kinh sách của giáo pháp Tan-tra, nhưng cũng có nhiều đóng góp cho Nhân minh học Phật giáo và có ảnh hưởng lên nền chính trị Tây Tạng giữa thế kỉ 13 và 14.
Phái này được trở thành độc lập là nhờ công của năm vị Lạt-ma sống từ 1092 đến 1280. Ðó là: Sa-chen Kun-ga Nying-po (1092-1158), hai người con trai là So-nam Tse-mo (1142-1182) và Drak-pa Gyalt-sen (1147-1216), người cháu Sa-kya Paṇ-ḍi-ta (1182-1251) và Chog-yal Phag-pa (1235-1280). Tất cả năm vị này đều được xem là hoá thân của Văn-thù (s: mañjuśrī) và thuộc gia đình Khon. Trong năm vị thì Sa-kya Paṇ-ḍi-ta là có ảnh hưởng lớn nhất, giáo pháp của ông bao trùm nhiều ngành khoa học khác nhau. Khả năng về Phạn ngữ (sans-krit) vang đến Ấn Ðộ và Mông Cổ và sau đó ông được mời đi Mông Cổ thuyết pháp và trường phái Tát-ca lan rộng tại Trung Tây Tạng năm 1249. Trong các thế kỉ sau, phái Tát-ca đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tôn giáo Tây Tạng và gây cả ảnh hưởng đến Tông-khách-ba và tông của Sư là Cách-lỗ (t: gelugpa).
Mười tám bộ kinh, luận quan trọng được giảng dạy trong trường phái này (s: aṣṭadaśa-mahākīrtigran-tha):
1. Ba-la-đề mộc-xoa kinh (s: prātimokṣa-sūtra); 2. Tì-nại-da kinh (vinaya-sūtra); 3. Hiện quán trang nghiêm luận (abhisamayālaṅkāra-śāstra), được xem là của Di-lặc; 4. Ðại thừa kinh trang nghiêm luận tụng (mahāyāna-sūtralaṅkāra-kārikā), Di-lặc; 5. Ðại thừa tối thượng tan-tra luận (mahāyānottara-tantra-śāstra), Di-lặc; 6. Biện trung biên luận tụng (madhyānta-vibhāga-kārikā), Di-lặc; 7. Pháp pháp tính phân biệt luận (dharma-dharmatā-vibhāga), Di-lặc; 8. Nhập bồ-đề hành luận (bodhicār-yāvatāra), Tịch Thiên (śāntideva); 9. Căn bản trung quán luận tụng (mūlamadhyamaka-śāstra), Long Thụ (nāgārjuna) tạo; 10. Tứ bách luận (catuḥśataka), Thánh Thiên (āryadeva) tạo; 11. Nhập trung luận (mādhyamāvatāra), Nguyệt Xứng (candrakīrti) tạo; 12. Ðại thừa a-tì-đạt-ma tập luận (abhidharma-samuccaya), Vô Trước (asaṅga) tạo; 13. A-tì-đạt-ma câu-xá luận (abhidharmakośa), Thế Thân (vasubandhu) tạo; 14. Tập lượng luận (pra-māṇasamuccaya), Trần-na (dignāga) tạo; 15. Lượng thích luận (pramāṇavarttika-kārikā), Pháp Xứng (dharmakīrti) tạo; 16. Lượng quyết định luận (pramāṇaviniścaya), Pháp Xứng tạo; 17. Pramāṇa-yuktinīti; 18. Trisaṃvarapravedha.

Tất-đàn-đa

Từ Điển Đạo Uyển

悉檀多; S: siddhānta; có thể dịch nghĩa là Học thuyết (學說);
Danh từ được dùng tại Tây Tạng chỉ các giáo thuyết, giáo lí được chứng minh và lưu tồn của các bộ phái Phật giáo tại Ấn Ðộ. Trong thời gian Phật pháp được truyền sang Tây Tạng lần đầu người ta đã đem qua những tác phẩm này nhưng khi phái Cách-lỗ (t: gelugpa) thịnh hành thì các loại sách này được hệ thống hoá chặt chẽ.
Tất-đàn-đa được phân ra hai loại, Tất-đàn-đa ngoại đạo và Tất-đàn-đa của nội bộ. Các bộ phái khác nhau của Phật giáo được nghiên cứu tại đây là Tì-bà-sa bộ (s: vaibhāṣika), Kinh lượng bộ (s: sautrāntika), Duy thức (s: vijñānavāda) và Trung quán (s: mādhyamika). Các tác giả nổi tiếng nhất của Tất-đàn-đa là Jam-yang Sha-pa (1648-1721) và Kon-chok Jig-me Wan-gpo (1728-1781). Mục đích của các tác phẩm Tất-đàn-đa là làm cho giáo lí Phật pháp được luận giảng trong các bộ phái dễ hiểu hơn, ít mâu thuẫn và như vậy dễ tiếp thu. Hai đề tài được tranh luận nhiều nhất là tính Không và đặc điểm của các pháp Hữu vi (s: saṃskṛta).

Tất-đạt

Từ Điển Đạo Uyển

悉達; S: siddha; cũng được gọi là Thành tựu giả;
Chỉ người tu tập Tan-tra đã đạt Tất-địa (s: siddhi). Ai đạt một trong những Tất-địa được gọi là Tất-đạt, đạt nhiều Tất-địa thì được gọi là Ma-ha Tất-đạt (s: mahāsiddha).

Tất-đạt-đa Cồ-đàm

Từ Điển Đạo Uyển

悉達多瞿曇; S: siddhārtha gautama; P: sid-dhattha gotama; Tất-đạt-đa có nghĩa là Nhất thiết nghĩa thành (一切義成), Thành tựu chúng sinh (成就眾生; dịch từ dạng dài của tên Phạn ngữ là Sarvārthasiddha);
Tên của đức Phật lịch sử, từng sống trên trái đất, người sáng lập Phật giáo. Ngài sinh khoảng năm 566 (hay 563) trước Công nguyên trong một gia đình quý tộc thuộc dòng Thích-ca (s: śākya) tại Ca-tì-la-vệ (s: kapilavastu) thuộc Nepal ngày nay. Cha Ngài là vua Tịnh Phạn (s, p: suddhodana), mẹ là Ma-da (s, p: māyādevi) sinh Tất-đạt-đa trong vườn Lam-tì-ni (lumbinī). Sau khi mẹ mất, 7 ngày sau khi sinh, Tất-đạt-đa sống với người dì Ma-ha Bà-xà-bà-đề (mahāpra-jāpatī). Năm 16 tuổi, Tất-đạt-đa cưới Gia-du-đà-la (yaśodharā). Năm 29 tuổi, sau khi sinh La-hầu-la (rāhula), Tất-đạt-đa thoát li, sống không nhà, cùng tu khổ hạnh với nhiều nhóm tăng sĩ khác nhau. Không đạt giải thoát với cách tu khổ hạnh, Tất-đạt-đa từ bỏ phép tu này, chú tâm thiền định và đạt Giác ngộ hoàn toàn năm 35 tuổi. Biết rằng không dễ truyền đạt những gì mình giác ngộ, mới đầu Ngài không định truyền bá giáo pháp. Cuối cùng, được sự thỉnh cầu nhiều nơi, Ngài mới quyết định chuyển Pháp luân. Ngài được mang danh hiệu Thích-ca Mâu-ni – “Trí giả của dòng dõi Thích-ca”. Sống đến năm 80 tuổi, đức Thích-ca từ trần. Qua 45 năm giảng dạy, sợ rằng đệ tử chấp lời mình nói là chân lí, chứ không phải chỉ là phương tiện giác ngộ, Ngài tuyên bố chưa từng nói lời nào. Lời dạy cuối cùng của Ngài là “Tất cả các pháp đều vô thường, hãy tinh tiến tu học”.
Có nhiều truyền thuyết về Tất-đạt-đa: Mẹ Ngài nằm mơ thấy một vị Bồ Tát với dạng một con voi trắng nhập vào người mình. Ngài sinh ra từ hông bên mặt của mẹ, sau đó đi bảy bước, một tay chỉ lên trời, tay kia chỉ xuống đất, nói: “Trên trời dưới đất chỉ có ta là người đáng tôn kính [Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn], đây là lần sinh cuối cùng, ta sẽ chấm dứt Khổ của sinh, lão bệnh tử.” Dưới mỗi bước chân đi của Ngài là một đoá sen. Ngày nay, trong tranh tượng, ta còn thấy tích này.
Ngay lúc sinh ra, Tất-đạt-đa đã có đầy đủ hảo tướng (Ba mươi hai tướng tốt). Các nhà tiên tri cho rằng, Ngài sẽ trở thành hoặc một đại đế hay một bậc giác ngộ. Vua cha Tịnh Phạn muốn con mình nối dõi nên tìm mọi cách dạy dỗ cho con, nhất là không để Tất-đạt-đa tiếp cận với cảnh khổ, xa một cuộc sống tu hành.
Tuy thế, sau bốn lần ra bốn cửa thành và thấy cảnh người già, người bệnh, người chết và một vị tu sĩ, Tất-đạt-đa từ biệt hoàng cung, sống cảnh không nhà. Tương truyền rằng bốn cảnh ngộ vừa kể là những cảnh tượng do các vị thiên nhân tạo ra nhằm nhắc nhở Tất-đạt-đa lên đường tu học Phật quả. Ngài thấy rằng ba cảnh đầu tượng trưng cho cái Khổ trong thế gian và hình ảnh tu sĩ chính là cuộc đời của mình. Ngài quyết tâm tìm cách diệt khổ và tìm mọi đạo sư với các giáo pháp khác nhau. Theo truyền thống Ấn Ðộ bấy giờ chỉ có con đường khổ hạnh mới đưa đến đạt đạo. Các vị đạo sư khổ hạnh danh tiếng thời đó là A-la-ra Già-đa-na (s: ārāda kālāma; p: āḷāra kālāma) và Ưu-đà-già La-ma tử (s: rudraka rāmaputra; p: uddaka rāmaputta). Nhưng Tất-đạt-đa cũng không tìm thấy nơi các vị đó lời giải cho thắc mắc của mình. Ngài quyết tâm tự mình tìm đường giải thoát và có Năm tỉ-khâu cùng đi với Ngài. Sau nhiều năm tu khổ hạnh gần kề cái chết, Ngài nhận ra đó không phải là phép tu dẫn đến giác ngộ, bắt đầu ăn uống bình thường, năm Tỉ-khâu kia thất vọng bỏ đi.
Sau đó Tất-đạt-đa đến Giác Thành, ngồi dưới gốc một cây Bồ-đề và nguyện sẽ nhập định không rời chỗ ngồi cho đến lúc tìm ra nguyên nhân và cơ chế của Khổ. Sau 49 ngày thiền định – mặc dù bị Ma vương quấy nhiễu – Ngài đạt Giác ngộ hoàn toàn ở tuổi 35. Từ thời điểm đó, Ngài biết mình là Phật, là một bậc Giác ngộ, và biết rằng mình sẽ không còn tái sinh. Kinh nghiệm giác ngộ của Phật được ghi lại như sau trong kinh sách theo chính lời của Ngài:
“… Sau khi hoàn lại sinh lực (sau khi tu khổ hạnh vô ích), ta chú tâm giải thoát khỏi những tư tưởng tham ái, bất thiện và đạt được sơ thiền, sau đó nhị thiền, tam thiền và tứ thiền (Tứ thiền), nhưng những cảm giác hỉ lạc này không để lại dấu vết gì trong tâm ta.
Khi tâm (citta) ta được an tịnh, thanh lọc, không bị dục vọng cấu uế, nhạy bén, chắc chắn, bất động, ta hướng nó về những kí ức và nhận thức về các kiếp trước. Ta nhớ lại nhiều tiền kiếp, một, hai, ba, bốn, năm, …, trăm ngàn kiếp trước, nhớ những chu kì của thế giới. ›Nơi đó ta đã sống, tên của ta đã như thế, gia đình của ta là như thế, nghề nghiệp của ta, giai cấp xã hội của ta… Ta đã chết như vầy…‹. Sự hiểu biết (p: vijjā) đầu tiên này ta đã đạt được trong canh đầu (từ 21 đến 24 giờ đêm)…
Sau đó ta chú tâm đến sự sinh thành và hoại diệt của chúng sinh. Với con mắt của chư thiên, trong sáng, siêu việt vượt qua mọi giới hạn nhân thế, ta thấy chúng sinh hình thành và tiêu hoại, …chúng sinh tái sinh theo nghiệp lực. Ta nhận ra rằng ›Chúng sinh tạo nghiệp bất thiện qua ba ải thân khẩu ý đều chìm đắm sau khi chết, tái sinh trong đoạ xứ, địa ngục. Các chúng sinh nào tạo thiện nghiệp bằng thân khẩu ý được tái sinh trong thiện đạo, sau khi chết được lên cõi thiên‹… Sự hiểu biết thứ hai này ta dã đạt được trong canh hai (từ 24 giờ đêm đến 3 giờ sáng).
Sau đó ta chú tâm nhận thức về sự tiêu diệt các Ô nhiễm (漏; lậu; p: āsava) và nhìn nhận như thật: ›Ðây là khổ, đây là nguyên nhân của khổ, đây là phương pháp tiêu diệt khổ, đây là con đường tiêu diệt khổ‹, và khi ta nhận thức được điều này, tâm ta thoát khỏi dục vọng, ham muốn tồn tại, vô minh. Ta tự hiểu chân lí ›Tái sinh ta đã đoạn, cuộc sống tu tập của ta đã hoàn tất, ta đã hoàn thành những gì phải làm. Cuộc sống (khổ đau) này ta đã vượt qua‹… Sự hiểu biết thứ ba này ta đã đạt được trong canh ba (3 đến 6 giờ sáng)…” (Trung bộ kinh 36, tóm tắt).
Bậc giác ngộ lúc đó biết rằng kinh nghiệm giác ngộ của mình không thể dùng ngôn từ hay bất cứ một cách nào khác để truyền đạt nên Ngài tiếp tục yên lặng ngồi thiền định dưới gốc cây Bồ-đề. Sau đó Ngài gặp lại năm vị tỉ-khâu, các vị đó nhận ra rằng Ngài đã hoàn toàn thay đổi. Qua hào quang toả ra từ thân Ngài, các vị đó biết rằng Ngài đã đạt đạo, đã tìm ra con đường thoát khổ, con đường mà các vị đó không thể tìm ra bằng phép tu khổ hạnh. Các vị đó xin Ngài giảng pháp và vì lòng thương chúng sinh, Ngài chấm dứt sự im lặng.
Ðức Phật bắt đầu giảng pháp bằng cách trình bày con đường dẫn đến kinh nghiệm giác ngộ và giải thoát. Trên cơ sở kinh nghiệm giác ngộ của mình, Ngài giảng Tứ diệu đế, Mười hai nhân duyên và quy luật Nhân quả (Nghiệp). Tại Lộc uyển này, Ngài bắt đầu những bài giảng đầu tiên, bắt đầu “chuyển pháp luân”. Năm vị tỉ-khâu đó trở thành năm đệ tử đầu tiên của Ngài và là hạt nhân đầu tiên của Tăng-già. Sau đó Ngài thuyết pháp từ năm này qua năm khác. Ngài hay lưu trú tại Vương xá (s: rājagṛha) và Vệ-xá-li (s: vaiśālī), sống bằng khất thực, đi từ nơi này qua nơi khác. Ðệ tử của Ngài càng lúc càng đông, trong đó có vua Tần-bà-sa-la (bimbisāra) của xứ Ma-kiệt-đà. Vị vua này đã tặng cho Tăng đoàn một tu viện gần Vương xá. Các đệ tử quan trọng của Ngài là A-nan-đà, Xá-lị-phất và Mục-kiền-liên. Cũng trong thời gian này, đoàn Tỉ-khâu-ni (s: bhikṣuṇī) được thành lập.
Ðức Phật cũng có kẻ thù muốn ám hại. Ðề-bà Ðạt-đa, người em họ, thống lĩnh Tăng-già muốn giết Phật nhưng không thành. Tuy thế Ðề-bà đạt-đa thành công trong việc chia rẻ Tăng-già ở Vệ-xá-li. Ngược lại với đức Phật, Ðề-bà Ðạt-đa chủ trương một cuộc sống khổ hạnh.
Theo kinh Ðại bát-niết-bàn (p: mahāparinibbāna-sutta) đức Phật nhập diệt tại Câu-thi-na (s: kuṣi-nagara) năm 486 (hay 483 trước Công nguyên) vì một thức ăn độc. Ngài nằm nghiêng bên mặt, hướng về phía Tây và nhập Niết-bàn. Theo truyền thuyết Pā-li thì Phật diệt độ ngày rằm tháng tư, văn bản Phạn ngữ (sanskrit) cho rằng ngày rằm tháng 11. Trong buổi hoả thiêu xác Phật có nhiều hiện tượng lạ xẩy ra. Xá-lị của Ngài được chia làm 8 phần và được thờ trong các tháp khác nhau.
Mặc dù cuộc đời đức Phật có nhiều huyền thoại bao phủ nhưng các nhà khảo cổ học và nhân chủng học – vốn hay có nhiều nghi ngờ và thành kiến – cũng đều nhất trí công nhận là một nhân vật lịch sử và là giáo chủ của đạo Phật.

Tất-địa

Từ Điển Đạo Uyển

悉地; S: siddhi; nghĩa là “khả năng toàn diện,” “thành đạt,” cũng có thể hiểu là Thần thông;
Chỉ khả năng kiểm soát năng lực của cơ thể và năng lực chinh phục được thiên nhiên. Tất-địa là quả vị của các vị Ma-ha Tất-đạt (s: mahāsiddha). Kim cương thừa nêu tám loại Tất-địa bình thường, thuộc vào thế tục: 1. Kiếm bất bại; 2. Mắt nhìn thấu trời; 3. Ði nhanh; 4. Tàng hình; 5. Thuốc chống lão; 6. Bay bổng; 7. Tạo linh dược; 8. Chinh phục ma quỷ.
Tám Tất-địa này vẫn còn nằm trong thế tục, chỉ có Giác ngộ mới được gọi là Tất-địa xuất thế, cũng được gọi là Ðại thủ ấn tất-địa (s: mahāmudrāsiddhi) trong truyền thống Ðại thủ ấn.

Tây Ðường Trí Tạng

Từ Điển Đạo Uyển

西堂智藏; C: xītáng zhìcáng; J: seidō chizō; 734/735-814;
Thiền sư Trung Quốc, đắc pháp nơi Mã Tổ. Sư với Nam Tuyền, Bách Trượng là bạn đạo và là môn đệ xuất sắc của Mã Tổ. Sau khi Mã Tổ tịch, Sư được thỉnh ở lại giáo hoá. Sau Sư đến Tây Ðường trụ trì.
Sư xuất thân từ Kiền Hoá (虔化). Sư xuất gia vào thời niên thiếu, chẳng bao lâu sau hành cước đến Kiến Dương (建陽), làm môn đệ của Mã Tổ Đạo Nhất, cùng được ấn chứng với Bách Trượng Hoài Hải (百丈懷海). Sau đó sư dạy thiền tại Tây Đường tự (西堂寺) ở Kiền Châu. Sư nổi tiếng đã dạy nhiều môn đệ từ nhiều nước khác nhau, bao gồm những cao tăng sau nầy như Đạo Nghĩa (道義, k: toŭi), Hồng Trắc (洪陟, k: hongch’ŏk) và Huệ Triệt (慧徹, k: hyech’ŏl) vào triều đại Tân La, Hàn Quốc. Sư viên tịch năm 814 lúc 80 tuổi.
Có một Cư sĩ (Trương Chuyết Tú Tài) đến hỏi: “Có thiên đường địa ngục không?” Sư đáp: “Có.” Cư sĩ hỏi: “Có Phật, Pháp, Tam bảo không?” Sư đáp: “Có.” và cứ như vậy câu hỏi nào Sư đều trả lời “Có.” Cư sĩ thưa: “Hoà thượng nói thế có lầm chăng?” Sư hỏi lại: “Ông gặp vị Tôn túc nào rồi mới đến đây?” Cư sĩ trả lời là đã đến thăm Hoà thượng Cảnh Sơn và Cảnh Sơn nói tất cả đều không. Sư hỏi: “Ông có vợ không?” Cư sĩ đáp: “Có.” Sư hỏi tiếp: “Hoà thượng Cảnh Sơn có vợ không?” Cư sĩ trả lời: “Không.” Sư bảo: “Hoà thượng Cảnh Sơn nói không là phải.” Cư sĩ lễ tạ.

Tây Lai ý

Từ Điển Đạo Uyển

西來意
Dạng viết ngắn của câu hỏi “Thế nào là ý nghĩa của việc Bồ-đề Ðạt-ma từ bên Tây (Ấn Ðộ) sang” (如何是祖師西來意; “Như hà thị Tổ sư tây lai ý?”). Câu hỏi rất cô đọng này tương đương với những câu như Ðệ nhất nghĩa, Yếu chỉ Phật pháp, Ðại ý Phật pháp, Nghĩa tột cùng, Chí đạo… và được rất nhiều thiền sinh nêu lên trong những cuộc Vấn đáp. Những câu trả lời của các Thiền sư cho câu hỏi này cũng rất “khác biệt” rất thú vị.
Triệu Châu trả lời: “Cây tùng trước ngõ” (庭前柏樹子; “Ðình tiền bách thụ tử”; Vô môn quan 37).
Hương Lâm trả lời: “Ngồi lâu sinh nhọc” (坐久成勞; “Toạ cửu thành lao”; Bích nham lục 17).

Tế

Từ Điển Đạo Uyển

濟; C: jì; J: sai, sei;
1. Qua sông, cứu tế; 2. Chỗ cạn, nơi có thể vượt qua được; 3. Làm, giúp đỡ, cứu giúp; 4. Làm xong, hoàn thành; 5. Gia tăng.

Tế độ

Từ Điển Đạo Uyển

濟度; C: jì dù; J: saido;
“Cứu giúp và độ thoát”. Dẫn dắt chúng sinh mê muội đến nơi tự do giải thoát. Đưa chúng sinh vượt biển khổ đến bờ giải thoát “bên kia”. Sự cứu độ.

Ter-Ma

Từ Điển Đạo Uyển

T: terma [gter-ma]; dịch nghĩa là “báu vật”;
Trong Phật giáo Tây Tạng, Ter-ma là kinh sách của thế kỉ thứ 8, trong thời gian mới đầu lúc truyền bá Phật pháp, phải được dấu kín để được khám phá ra lúc cơ duyên chín muồi. Người khám phá ra kinh sách đó được gọi là Ter-ton, và có trách nhiệm truyền bá và giải thích. Ðặc biệt trong giáo phái Ninh-mã (t: nyingmapa) người ta rất tin tưởng các Ter-ma. Việc cất giữ kinh sách trong một chỗ bí mật thật ra là truyền thống Ấn Ðộ. Người ta còn kể lại rằng, Long Thụ đã nhận được kinh điển từ Long vương (s: nāga) trao cho và có trách nhiệm truyền bá giáo pháp ấy.
Tông phái có nhiều Ter-ma nhất của Tây Tạng là Ninh-mã (nyingmapa), mà phần quan trọng nhất do Liên Hoa Sinh (padmasambhava) và nữ đệ tử là Ye-she Tsog-yel (t: yeshe tsogyel) truyền lại. Các bí lục này không chỉ gồm giáo pháp từ Ấn Ðộ mà của cả xứ Ô-trượng-na (t: orgyen). Tương truyền Liên Hoa Sinh đã dấu các tác phẩm này trong 108 chỗ bí mật tại Tây Tạng, trong các hang hốc hay tranh tượng. Một trong những bí lục quan trọng đó là hồi kí cuộc đời của Liên Hoa Sinh cũng như bộ Tử thư (t: bardo thodol). Ngoài ra các tài liệu về thiên văn và y học cũng được xem là Ter-ma.
Khoảng giữa thế kỉ 10 và 14, nhiều vị nhận được khải thị tìm thấy Ter-ma, thường thường là khải thị trong giấc mộng hoặc linh ảnh. Các vị đó có trách nhiệm tìm kiếm, xếp đặt lại và luận giải thêm về các Ter-ma đó. Trong trường phái Ninh-mã, người ta rất trọng thị các vị Ter-ton (người tìm ra các Ter-ma), nhất năm vị “vua tìm thấy báu vật” mà một trong năm vị đó là Org-yan Pe-ma Ling-pa (1445-1521), được xem là hậu thân của Long-chen-pa. Có khi một Ter-ma vừa tìm ra được lại phải dấu kín lại vì chưa đến lúc công bố. Các Ter-ma đó được gọi là “của báu phải dấu hai lần.”

Tha

Từ Điển Đạo Uyển

他; C: tā; J: ta;
Có các nghĩa sau: 1. Kia, cái khác (s: para); 2. (Một) người khác (s: para-puruṣa); 3. Trong ngôn ngữ Thiền, đó là nhân vật đang được đề cập đến trong cuộc nói chuyện, nhân vậy thứ 3 (ông ấy, cô ấy); 4. Tiếng dùng để chuyển âm tha trong tiếng Phạn (sanskrit).

Tha Hoá Tự Tại Thiên

Từ Điển Đạo Uyển

他化自在天; C: tāhuà zìzài tiān; J: takejizai ten;
Cõi trời nơi mà chư thiên ở đó có thể hưởng được sự khoái lạc nhờ vào việc tạo khoái lạc từ các cõi trời khác, đó cũng là nơi Thiên ma Ba-tuần cư ngụ (s: para-nirmita-vaśa-vartino-devāḥ). Đó là cõi thứ 6 của Lục dục thiên (六欲天).

Tha Lực

Từ Điển Đạo Uyển

他力; C: tālì; J: tariki; là lực từ bên ngoài, lực của người khác;
Tha lực ở đây được hiểu là sức cứu độ của Phật A-di-đà, mà theo quan điểm của Tịnh độ tông là vị sẽ tiếp dẫn những ai cầu xin Ngài. Tha lực được dùng đối ngược lại từ Tự lực (自力). Thiền tông là một môn phái dựa trên tự lực.

Tha Ngộ

Từ Điển Đạo Uyển

他悟; C: tāwù; J: tago;
Được người khác đánh thức; giác ngộ qua sự giúp đỡ của người khác.

Thả Như

Từ Điển Đạo Uyển

且如; C: qiěrú; J: shonyo;
Giống như, như là.

Tha Sự

Từ Điển Đạo Uyển

他事; C: tāshì; J: taji;
Có các nghĩa: 1. Việc khác, chuyện của người khác; 2. Hoạt động của các yếu tố khác.

Tha Tác

Từ Điển Đạo Uyển

他作; C: tāzuò; J: tasa;
Sự tạo tác nhờ vào những yếu tố khác.

Tha Tâm Thông

Từ Điển Đạo Uyển

他心通; C: tāxīntōng; J: tashintsū; S: para-citta-jñāna.
Khả năng siêu nhiên đọc được ý nghĩ của người khác. Một tróng sáu loại thần thông (Lục thần thông 六神通).

Tha Thụ Dụng Thân

Từ Điển Đạo Uyển

他受用身; C: tā shòuyòng shēn; J: taju-yūshin;
Có các nghĩa sau: 1. Thân hiện tại của đức Phật, xuất hiện vì lợi ích của chúng sinh. Một trong bốn thân của một vị Phật-đà. Là phần bổ sung của Tự thụ dụng thân (自受用身); 2. Thân hiện diện của một vị Phật, khiến chúng sinh nhận thức và an lạc nơi Phật pháp; 3. Thân Phật hiển hiện để thuyết pháp cho những vị Bồ Tát từ địa (Thập địa) thứ nhất trở lên. Cũng được gọi là Ứng thân (應身).

Thả ước

Từ Điển Đạo Uyển

且約; C: qiěyuē; J: shaaku;
Theo quan điểm nầy, từ phương diện nầy.

Tha-Ga-Na-Pa

Từ Điển Đạo Uyển

S: thaganapa; “Người bệnh nói dối”;
Một trong 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ, được xem là sống trong thế kỉ 11.
Tha-ga-na-pa là người mang bệnh nói dối, vì vậy mà mọi người đều tránh xa. Lần nọ, ông gặp một Du-già sư, vị này nghe biết ông nói dối liền khuyên: “Nếu ngươi nói dối thường xuyên và nghiệp báo đến lúc chín muồi, ngươi sẽ tái sinh trong Ðịa ngục. Nói dối nhiều lần sẽ thấy quen và hậu quả là lưỡi bị chẻ làm đôi, hơi thở hôi hám…”. Nghe như vậy ông sợ quá và cũng thú nhận muốn học hỏi nhưng sự dối trá đã trở thành thói quen. Vị Du-già sư dạy ông phép quán tưởng rằng mọi sự trên đời đều là hư dối:
Vì ngươi không hề biết,
hiện tượng là dối trá,
nên ngươi mới dối trá.
Nếu ngươi biết rõ rằng,
vật biết và người biết,
đều cùng giả dối cả,
và sáu căn sáu trần,
đều cũng đang lừa dối,
ngươi tìm đâu sự thật?
Tưởng mê vọng là chân,
nên còn dính sinh tử.
Trẻ không thấy tuồng giả,
tưởng cái giả là thật,
các ngươi quay không nghỉ,
trong bánh xe sinh tử,
chẳng khác bánh xe nước,
đi lên rồi đi xuống.
Hãy quán mọi hiện tượng,
là ảo ảnh, giả tạo.
Mọi sắc thể: giả tướng,
mọi âm thanh: tiếng vọng,
và cuối cùng hãy xem
lòng tin của chính ngươi,
rằng chúng là giả tạo,
lòng tin đó cũng giả!
Sau bảy năm thiền định, vị Du-già sư lại xuất hiện và khuyên ông quán tưởng tự tính mọi sự đều là tính Không (s: śūnyatā). Sau đó Tha-ga-na-pa đạt thánh quả, chứng ngộ được Không. Bài ca ngộ đạo sau của ông bày tỏ phép vận dụng đặc biệt của Kim cương thừa, dĩ độc trị độc:
Muốn nước chảy khỏi tai,
hãy xòt nước vào tai.
Muốn thấy rõ thật tại,
quán hiện tượng đều giả.

Thạch Củng Huệ Tạng

Từ Điển Đạo Uyển

石鞏慧藏; C: shígòng huìcáng; J: shakkyō ezō; tk. 8/9;
Thiền sư Trung Quốc, truyền nhân của Mã Tổ.
Trước khi xuất gia, Sư làm nghề thợ săn. Một hôm nhân đuổi bầy nai qua am Mã Tổ, gặp Tổ đứng trước, Sư hỏi: “Hoà thượng có thấy bầy nai chạy qua đây không.” Tổ không đáp hỏi: “Ông là người gì?” Sư đáp: “Thợ săn.” Tổ hỏi: “Ông bắn giỏi không?” Sư đáp: “Bắn giỏi.” Tổ hỏi bắn một lần được mấy con, Sư giật mình nói mỗi mũi chỉ bắn được một con. Nghe Mã Tổ nói mỗi mũi bắn được một bầy, Sư nói: “Sinh mệnh của chúng, đâu nên bắn một bầy?” Tổ hỏi: “Ông đã biết như thế sao không tự bắn?” Sư thưa: “Nếu dạy tôi bắn tức không chỗ hạ thủ.” Mã Tổ nói: “Chú này phiền não vô minh nhiều kiếp, ngày nay đã đoạn.” Ngay lúc đó, Sư ném cung bẻ tên, tự cạo đầu quy y (xem thêm câu chuyện của Sa-va-ri-pa).
Sư cùng Thiền sư Tây Ðường Trí Tạng đi dạo, Sư hỏi: “Sư đệ biết bắt hư không chăng?” Tạng đáp: “Biết.” Tạng liền lấy tay chụp hư không. Sư thấy thế bảo: “Làm như thế sao bắt được hư không!” Tạng hỏi: “Sư huynh làm sao bắt được?” Sư liền nhéo mũi Trí Tạng một cái mạnh. Tạng đau quá la: “Giết chết lỗ mũi người ta! Buông ngay!” Sư bảo: “Phải như thế mới bắt được hư không.” Trí Tạng về phòng và đến khuya rõ chuyện.
Không biết Sư tịch ở đâu, lúc nào.

Thạch Ðầu Hi Thiên

Từ Điển Đạo Uyển

石頭希遷; C: shítóu xīqiān; J: sekitō kisen; 700-790;
Thiền sư Trung Quốc, đắc đạo nơi Thanh Nguyên Hành Tư. Môn đệ của Sư có ba vị danh tiếng là Dược Sơn Duy Nghiễm, Ðan Hà Thiên Nhiên và Thiên hoàng Ðạo Ngộ.
Sư ở Hồ Nam và Mã Tổ ở Giang Tây là hai vị thầy danh tiếng nhất đương thời. Sử sách ghi lại rằng “Mã Ðại sư hoằng hoá tại Giang Tây, Thạch Ðầu Hoà thượng tại Hồ Nam và Thiện tri thức đều đến hai nơi này. Ai không yết kiến hai vị này là uổng công tu hành”.
Sư họ Trần, quê ở Cao Yếu, Ðoan Châu. Sư mộ đạo từ nhỏ, nhân nghe Lục tổ Huệ Năng giáo hoá tại Tào Khê Sư liền đến. Ðến chưa bao lâu thì Tổ báo tin sắp tịch, khuyên Sư đến Thanh Nguyên Hành Tư tham vấn. Sư đến Thiền sư Hành Tư và nhân đây ngộ đạo. Sau, Sư đến Hoành Nhạc tại Nam Tự cất am tranh ở. Cạnh chùa có đồi đá cao nên thời nhân kính trọng gọi Sư là Hoà thượng Thạch Ðầu.
Có vị tăng hỏi: “Thế nào là giải thoát?” Sư đáp: “Ai trói ngươi?” Tăng hỏi: “Thế nào là →Tịnh độ?” Sư đáp: “Cái gì làm nhơ ngươi?” Tăng hỏi: “Thế nào là →Niết-bàn?” Sư đáp: “Ai đem sinh tử cho ngươi?”
Ðời Ðường niên hiệu Trinh Nguyên năm thứ sáu, ngày rằm tháng chạp Sư viên tịch, thọ 91 tuổi, được 63 tuổi hạ. Vua sắc phong là Vô Tế Thiền sư, tháp hiệu Quy Sơn.

Thạch Liêm

Từ Điển Đạo Uyển

石溓; 1633-1704
Thiền sư Trung Quốc thuộc tông →Tào Ðộng đời thứ 29. Sư là người đầu tiên truyền tông Tào Ðộng sang miền Trung Việt Nam.
Sư quê ở Giang Tây, học vấn uyên bác, rành thiên văn địa lí, thư, thi pháp và cả hội hoạ. Sư sớm xuất gia tu hành và là môn đệ của Thiền sư Giác Lãng thuộc tông Tào Ðộng.
Ðược lời mời của Thiền sư →Nguyên Thiều, Sư sang Việt Nam ngày 15 tháng giêng năm Ất Hợi, niên hiệu Khang Hi thứ 34 (1695). Ngày 28 tháng giêng, Sư đến Thuận Hoá và mồng 1 tháng 2, Sư gặp chúa Nguyễn Phúc Chu.
Chúa Nguyễn thỉnh Sư ở chùa Thiên Mụ để dạy đệ tử và thường đến thưa hỏi đạo lí. Ngoài ra, các Thiện tri thức tham vấn Sư rất nhiều, hoặc trực tiếp thưa hỏi, hoặc gián tiếp qua thư từ. Sư cũng không ngần ngại trả lời những bức thư này với tất cả tấm lòng và nhiều bức thư trả lời của Sư vẫn được lưu truyền đến ngày nay.
Nhưng đáng tiếc là Sư hoằng hoá hai năm ở Việt Nam và sau đó trở về Trung Quốc và viên tịch tại đây. Tông Tào Ðộng do Sư truyền sang không rõ người Việt Nam thừa kế trong phái xuất gia, còn trong giới Cư sĩ thì có chúa Nguyễn Phúc Chu, hiệu Hưng Long và Thiều Dương Hầu, anh thứ ba của chúa. Ðệ tử nối pháp người Trung Quốc thì có ba vị được nhắc đến là Hưng Liên Quả Hoằng (sang Việt Nam trước thầy), Hưng Triệt và Hoàng Thần.

Thạch Sương Khánh Chư

Từ Điển Đạo Uyển

石霜慶諸; C: shíshuāng qìngzhū; J: sekisō kei-sho; 807-888/889;
Thiền sư Trung Quốc, môn đệ của Ðạo Ngô Viên Trí.
Sư con nhà họ Trần, quê ở Tân Cang, Lô Lăng. Ban đầu Sư theo học Luật nhưng cho đây không phải là pháp môn đốn ngộ, bèn đến Quy Sơn Linh Hựu và làm chức giữ kho (tri khố). Một hôm Sư sàng gạo, Quy Sơn đến bảo: “Vật của thí chủ chớ để rơi rớt.” Sư thưa: “Chẳng dám rơi rớt.” Quy Sơn lượm từ dưới đất một hạt gạo lên hỏi: “Chẳng rơi rớt, đây là cái gì?” Sư không đáp được, Quy Sơn lại nói: “Chớ xem thường một hạt này, trăm ngàn hạt đều từ một hạt này sinh.” Sư thưa: “Trăm ngàn hạt từ một hạt này sinh, chẳng biết hạt này từ đâu sinh?” Quy Sơn cười ha hả rồi trở về phương trượng. Buổi chiều, Quy Sơn thượng đường bảo: “Ðại chúng! Trong gạo có sâu, các ngươi hãy khéo xem!”
Sau, Sư đến Ðạo Ngô. Sư hỏi: “Thế nào chạm mắt là Bồ-đề?” Ðạo Ngô gọi: “Sa-di!” Sư ứng: “Dạ!” Ðạo Ngô bảo: “Thêm nước trong tịnh bình”. Im lặng giây lâu Ðạo Ngô lại hỏi Sư: “Vừa rồi hỏi cái gì?” Sư toan thuật lại, Ðạo Ngô liền đứng dậy đi. Sư nhân đây có tỉnh.
Một hôm, Ðạo Ngô nói với chúng: “Ta trong tâm có một vật để lâu thành bệnh, có người nào hay vì ta dẹp?” Sư thưa: “Tâm vật đều không, trừ đó càng thêm bệnh.” Ðạo Ngô nói: “Lành thay! Lành thay!”
Sau đó khoảng hai năm, Sư rời Ðạo Ngô, đến Lưu Dương ở ẩn, sáng đi tối về không ai hay. Sau, Ðộng Sơn Lương Giới nhân lời nói của một thiền khách biết được Sư tại đây và từ đây chúng quanh lại thỉnh Sư trụ trì núi Thạch Sương. Sư trụ ở Thạch Sương 20 năm, dạy môn đệ rất kỉ luật, học chúng thường ngồi chẳng nằm vì vậy người ta thường gọi là “Chúng cây khô” (石霜枯木眾; Thạch Sương khô mộc chúng). Vua Ðường Hiến Tông quý trọng đạo hạnh của Sư, ban cho tử y (ca-sa tía), nhưng Sư từ chối không nhận.
Niên hiệu Quang Khải năm thứ tư (889), ngày 20 tháng 2 năm Mậu Thân, Sư có chút bệnh rồi tịch, thọ 82 tuổi, 59 tuổi hạ. Vua sắc phong là Phổ Hội Ðại sư, tháp hiệu Kiến Tướng.

Thạch Sương Sở Viên

Từ Điển Đạo Uyển

石霜楚圓; C: shíshuāng chǔyuán; J: sekisō soen; 986-1039, còn được gọi là Từ Minh (慈明);
Thiền sư Trung Quốc tông Lâm Tế, nối pháp của Thiền sư Phần Dương Thiện Chiêu. Sư có nhiều đệ tử đắc pháp nhưng có hai vị trội hơn hết, sáng lập ra hai hệ phái trong tông Lâm Tế là Hoàng Long Huệ Nam và Dương Kì Phương Hội.
Sư họ Lí quê ở Toàn Châu, xuất gia năm 22 tuổi. Mẹ Sư khuyến khích Sư đi du phương. Nghe danh Phần Dương là thiện tri thức bậc nhất, Sư tìm đến bất chấp mọi khó khăn. Phần Dương thấy Sư liền thầm nhận cho nhập hội.
Sư ở hai năm mà chưa được riêng dạy, mỗi lần vào thưa hỏi chỉ bị mắng chửi, nghe Phần Dương chê bai những vị Tôn túc khác, hoặc dùng những lời thô kệch. Một hôm Sư trách: “Từ ngày đến bây giờ đã hai năm mà chẳng được dạy bảo, chỉ làm tăng trưởng niệm thế tục trần lao, năm tháng qua nhanh việc mình chẳng sáng, mất cái lợi của kẻ xuất gia.” Phần Dương nhìn thẳng vào mặt Sư mắng: “Ðây là ác tri thức dám chê trách ta” và cầm gậy đánh. Sư toan la cầu cứu, Phần Dương liền bụm miệng Sư. Sư bỗng nhiên đại ngộ, nói: “Mới biết đạo Lâm Tế vượt ngoài thường tình.” Sư ở lại hầu hạ thầy bảy năm.
Sau, Sư trụ ở Thạch Sương. Nhân ngài giải hạ, Sư dạy chúng:
Ngày xưa làm trẻ con, hôm nay tuổi đã già, chưa rõ ba tám chín, khó đạp đường ngôn ngữ khéo léo. Tay quét Hoàng hà khô, chân đạp Tu-di ngã, phù sinh thân mộng huyễn, mệnh người đêm khó giữ. Thiên đường địa ngục đều do tâm tạo ra, núi Nam tùng ngọn Bắc, ngọn Bắc cỏ núi Nam. Một giọt thấm vô biên, gốc mầm mạnh khô kháo, tham học vào năm hồ, chỉ hỏi hư không thảo. Chết cởi áo trời hạ, sinh đắp mền trăng đông, rõ ràng người vô sự, đầy đất sinh phiền não.
Sư nói xong hét một tiếng rồi xuống toà.
Sư hoằng hoá tại Thạch Sương, môn phong Lâm Tế rất thịnh hành. Một hôm, sau khi thăm người bạn đạo Lí Công xong, Sư cùng thị giả trở về. Giữa đường, Sư bảo thị giả: “Ta vừa bị bệnh phong.” Nhìn thấy Sư bị bệnh phong giật méo qua một bên, thị giả dậm chân nói: “Tại làm sao lúc bình thường quở Phật mắng Tổ, hôm nay lại như vậy?” Sư bảo: “Ðừng lo, ta sẽ vì ngươi sửa lại ngay”. Nói xong, Sư lấy tay sửa miệng lại ngay như cũ và nói: “Từ nay về sau chẳng nhọc đến ngươi.”
Năm 1041, Sư đến Hưng Hoá. Ngày mùng năm tháng giêng, Sư tắm gội xong từ biệt chúng rồi ngồi kết già an nhiên thị tịch, thọ 54 tuổi, 32 tuổi hạ.

Thái Dương Cảnh Huyền

Từ Điển Đạo Uyển

太陽警玄; C: tàiyáng jǐngxuán; J: taiyō keigen; 943-1027;
Thiền sư Trung Quốc thuộc tông Tào Ðộng, đắc pháp nơi Thiền sư Lương Sơn Duyên Quán. Môn đệ chính truyền của Sư là Thánh Nham Viên Giám, Hưng Dương Thanh Phẩu và đặc biệt là Phù Sơn Pháp Viễn, một vị Thiền sư thuộc tông Lâm Tế. Phù Sơn – vốn là đệ tử kế thừa Diệp Huyện Quy Tỉnh – được Sư truyền trao y bát, sau lại truyền cho Thiền sư Ðầu Tử Nghĩa Thanh. Trong hệ thống truyền thừa của tông Tào Ðộng tại Trung Quốc và Nhật Bản, Ðầu Tử được xem là người kế thừa trực tiếp của Sư.
Không biết Sư quê quán ở đâu, chỉ biết lúc du phương, Sư đến tham học với Thiền sư Lương Sơn Duyên Quán. Gặp Lương Sơn, Sư hỏi: “Thế nào là đạo trường vô tướng?” Lương Sơn chỉ tượng Quán Thế Âm bảo: “Cái này là do Ngô Xử Sĩ vẽ.” Sư đang suy nghĩ để nói tiếp, Lương Sơn lại nói nhanh: “Cái này có tướng, cái kia không tướng.” Sư nhân đây tỉnh ngộ, liền lễ bái. Lương Sơn hỏi: “Sao không nói lấy một câu?” Sư thưa: “Nói thì chẳng từ, sợ sa vào dấy mực.” Lương Sơn cười bảo: “Lời này vẫn còn ghi trên bia.” Sư trình kệ:
我昔初機學道迷,萬水天山覓見知
明今辨古終難會,直說無心轉更疑
蒙師點出秦時鏡,照見父母未生時
如今覺了何所得,夜放烏雞帶雪飛.
Ngã tích sơ cơ học đạo mê
Vạn thuỷ thiên sơn mích kiến tri
Minh kim biện cổ chung nan hội
Trực tiếp vô tâm chuyển cánh nghi
Mông sư điểm xuất Tần thời cảnh
Chiếu kiến phụ mẫu vị sinh thì
Như kim giác liễu hà sở đắc
Dạ phóng ô kê đới tuyết phi.
*Con xưa học đạo cứ sai lầm
Muôn núi ngàn sông kiếm thấy nghe
Luận cổ bàn kim càng khó hội
Nói thẳng vô tâm lại sinh nghi
Nhờ thầy chỉ rõ thời Tần kính
Soi thấy cha mẹ lúc chưa sinh
Hiện nay giác ngộ đâu còn đắc
Ðêm thả gà đen trong tuyết bay.
Lương Sơn nghe kệ khen: “Có thể làm hưng thịnh tông Tào Ðộng.”
Sau khi rời Lương Sơn, Sư đến núi Thái Dương trụ trì, khai đường hoằng hoá. Sư có tinh thần rất kì lạ, từ nhỏ đến lớn chỉ ăn ngày một bữa và trụ trì tại Thái Dương 50 năm mà chưa bao giờ bước qua khỏi ranh giới.
Có một vị tăng hỏi: “Tùng lâm bát ngát, trống pháp ầm ầm, nhằm trên tông thừa nói bày thế nào?” Sư đáp: “Y không có tin tức, đâu cho phù hợp.” Tăng lại hỏi: “Hôm nay tông thừa đã nhờ thầy chỉ dạy, chưa biết pháp tự ai, nối pháp người nào?” Sư đáp: “Lương Sơn chỉ thẳng thời Tần kính, Trước ngọn Trường Khánh một ngôi ngời.” Tăng hỏi: “Thế nào là cảnh Thái Dương?” Sư đáp: “Hạc côi vượn lão kêu vang dội, tùng gầy trúc lạnh toả khói xanh.” Lại hỏi: “Thế nào là người trong cảnh?” Sư hỏi lại: “Cái gì? Cái gì?” Tăng hỏi: “Thế nào là gia phong Thái Dương?” Sư đáp: “Bình đầy nghiêng chẳng đổ, khắp nơi chẳng người đói.”
Ðời nhà Tống, niên hiệu Thiên Thánh năm thứ năm, ngày 16 tháng 7, Sư từ biệt chúng. Ba hôm sau, Sư viết kệ gửi Thị Lang Vương Thự:
Ngô niên bát thập ngũ
Tu nhân chí ư thử
Vấn ngã quy hà xứ
Ðỉnh tướng chung nan đổ
*Ta tuổi tám mươi lăm
Tu nhân đến thế ấy
Hỏi ta đi về đâu
Tướng đỉnh trọn khó thấy.
Sư viết xong liền tịch.
Thái Nguyên Tông Chân 太源宗真; J: taigen sáshin, ?-1370;
Thiền sư Nhật Bản thuộc tông Tào Ðộng, một trong năm vị đại đệ tử của Thiền sư Nga Sơn Thiều Thạc (gasan jōseki, 1275-1365).
Sư kế thừa Nga Sơn trụ trì Tổng Trì tự (sōji-ji) và cũng như thầy mình, Sư lấy thuyết Ðộng Sơn ngũ vị làm lí thuyết căn bản của tông phong. Dòng thiền của Sư được truyền bá rất rộng với hơn trăm lần khai sơn lập tự tại Trung và Ðông Nhật Bản. Về cuối đời, Sư trụ tại Vĩnh Quang tự (yōkō-ji) và sáng lập Phật-đà tự (budda-ji) tại tỉnh Kaga.

Thái Nhiên

Từ Điển Đạo Uyển

泰然; C: tàirán; J: taizen;
Thanh thản, điềm tỉnh; ung dung, không lay động.

Thâm

Từ Điển Đạo Uyển

深; C: shēn; J: shin;
Sâu sắc, uyên thâm, không dò được- đặc biệt đề cập đền giáo pháp.

Thâm Mật

Từ Điển Đạo Uyển

深密; C: shēnmì; J: shinmitsu;
Giáo pháp sâu sắc, thâm diệu.

Thâm Mật Giải Thoát Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

深密解脱經; C: shēnmì jiĕtuō jīng; J: shin-mitsu gedatsukyō; S: saṃdhinirmocana-sūtra
Tên bản dịch của Bồ-đề Lưu-chi dịch từ Saṃdhinirmocana-sūtra; gồm 5 quyển. Xem Giải thâm mật kinh (解深密經).

Thâm Mật Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

深密 (蜜) 經; C: shēnmì jīng; J: shinmikkyō;
Giải thâm mật kinh (解深密經; s: saṃ-dhinirmocana-sūtra).

Tham Thiền

Từ Điển Đạo Uyển

參禪; J: sanzen; nghĩa là “đến với Thiền”, “đi đến Thiền”, hoặc Toạ thiền;
Ðến tham vấn một vị Lão sư để nhận sự chỉ dạy. Trong tông Lâm tế tại Nhật Bản thì Tham thiền đồng nghĩa với Ðộc tham (j: dokusan), theo Thiền sư Ðạo Nguyên Hi Huyền thì Tham thiền chính là sự tu tập thiền đúng đắn (Tổng tham).

Thẩm Tường

Từ Điển Đạo Uyển

審祥; C: shěnxiáng; J: shinshō; tk. 8;
Cao tăng Trung Quốc thuộc tông Hoa nghiêm, đã đem giáo lí của tông này truyền sang Nhật và được ở đây xem là Sơ tổ (Hoa nghiêm tông).

Thâm Viễn

Từ Điển Đạo Uyển

深遠; C: shēnyuăn; J: shin’on, jinnon;
1. Thâm diệu; thâm diệu và có ảnh hưởng sâu rộng; 2. Trí tuệ sâu mầu.

Thâm-Trập Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

深蟄經; C: shēnzhé jīng; J: shinchūkyō;
Một cách gọi khác của Thâm mật kinh (深蜜經), tên gọi tắt của kinh Giải thâm mật (解深密經; s: saṃdhinirmocana-sūtra).

Thán

Từ Điển Đạo Uyển

歎; C: tàn; J: tan;
1. Thán phục, tán thành, khen ngợi; 2. Thở dài, than van.

Thần đạo

Từ Điển Đạo Uyển

神道; J: shintō;
Tôn giáo truyền thống của Nhật Bản bắt đầu từ Công nguyên. Trong thế kỉ thứ 5, 6, Thần đạo chịu ảnh hưởng của Nho giáo và Phật giáo Trung Quốc. Từ Phật giáo, Thần đạo thu nhận thêm một số tư tưởng triết học và giới luật. Năm 1868, Thần đạo trở thành quốc giáo, nhà vua được xem là có thiên mệnh. Năm 1945, Thần đạo mất tính chất quốc giáo và kể từ năm 1946, nhà vua không còn tự cho mình có tính thần quyền.
Thần đạo thời nguyên thuỷ tin tưởng đa thần: mỗi con sông, ngọn núi, mỗi hiện tượng thiên nhiên đều do một vị thần (kami) trấn giữ. Các vị thần quan trọng nhất là cha trời mẹ đất, là hai vị đã tạo nên hải đảo Nhật Bản và các vị thần khác. Thần Amaterasu Omikami được xem là vị đại thần quan trọng nhất do cha trời mẹ đất sinh ra, vị này thống lĩnh mặt trời, cho con cháu xuống đất thống lĩnh từng hòn đảo của Nhật và dựng nên vương quốc vĩnh viễn tại đó. Ðó là huyền thoại xây dựng nước Nhật và hoàng gia, trở thành quan niệm của Thần đạo. Ðến năm 1868, Thần đạo vẫn đóng một vai trò phụ thuộc bên cạnh Phật giáo. Hơn thế nữa, Thần đạo chịu ảnh hưởng của Thiên Thai tông (j: tendai), Chân ngôn tông (j: shingon) và các vị thần Thần đạo được xem là hoá thân của chư Phật và Bồ Tát. Từ thế kỉ 16 đến giữa thế kỉ 19, dưới thời Ðức Xuyên (tokugawa), Thần đạo bắt đầu kết hợp với Khổng giáo, một lí do là vì Khổng giáo tôn sùng quyền lực của triều đình. Cũng trong thời gian đó, Thần đạo bị chia thành nhiều bộ phái khác nhau, dựa trên niềm tin mỗi nơi mỗi khác. Người ta tìm thấy 13 khuynh hướng khác nhau với nhiều khía cạnh khác nhau về phong tục, trong đó có cả nhóm chuyên thờ thần núi và thực hành phép chữa bệnh đồng cốt.

Thân Loan

Từ Điển Đạo Uyển

親鸞; J: shinran; 1173-1262;
Cao tăng người Nhật, sáng lập Tịnh độ chân tông (j: jōdo-shin-shū) của Phật giáo Nhật Bản.
Ông là học trò của Pháp Nhiên (法燃; j: hōnen, Tịnh độ tông) nhưng có quan điểm khác thầy. Giáo pháp của tông này không còn giống Phật pháp nguyên thuỷ là bao nhiêu. Ba ngôi báu (Tam bảo; s: triratna) được đơn giản hoá thành lời thệ nguyện của đức Phật A-di-đà (s: amitābha, amitāyus) – nói chính xác hơn là lời nguyện thứ 18 trong 48 lời nguyện của Ngài. Ngôi báu thứ ba của Tam bảo là Tăng-già bị bác bỏ, các đệ tử của ông hoàn toàn là những Cư sĩ, chính ông lập gia đình. Theo Thân Loan thì sự tu tập thuần tuý theo Tự lực vô bổ. Ông quan niệm rằng, mọi người đều cần sự giúp đỡ từ bên ngoài (Tha lực) của đức A-di-đà và giải thoát chỉ có thể đạt được với sự giúp đỡ của Ngài. Ông quy tất cả các phương pháp tu hành về một: là Niệm Phật, niệm danh hiệu của Phật A-di-đà và cho rằng, đó chính là sự báo ân đối với vị Phật này và ngay cả cách niệm Phật này cũng trở thành dư thừa nếu niềm tin của người niệm danh nơi Ngài đủ mạnh, vững chắc.
Thân Loan quan niệm rằng, người tu hành Phật đạo có thể sống tại gia. Ông bị Tăng-già tại Kinh Ðô (kyōto) trục xuất và bị đày đi đến một tỉnh miền Bắc bởi vì sống chung với một phụ nữ. Theo yêu cầu của thầy, ông cưới vợ để chứng minh rằng, Giới luật dành cho tăng chúng không phải là điều kiện chính yếu để đạt giải thoát. Việc này gây sự bất hoà và chia rẽ trong giới đệ tử của Pháp Nhiên vì đa số tăng sĩ muốn giữ giới độc thân.
Sau đó Thân Loan sống bên lề xã hội, cùng với những kẻ mà theo ông là không biết phân biệt thiện ác. Thân Loan cho rằng Phật A-di-đà là vị sẵn sàng hơn cả cứu độ những người “kém cỏi” vì những người này không có gì khác hơn là lòng tin nơi A-di-đà. Còn những người “giỏi giang” hơn thì hay bị rơi vào ý nghĩ – theo ông là mê lầm – là nhờ thiện nghiệp hay Công đức tự tạo mà có thể đạt giải thoát. Ông chỉ biết đến thệ nguyện thứ 18 của Phật A-di-đà và vì vậy có nhiều khác biệt với Tịnh độ tông và Pháp Nhiên.

Thần Nghi

Từ Điển Đạo Uyển

神儀; ?-1216
Thiền sư Việt Nam thuộc dòng thiền Vô Ngôn Thông thứ 13, nối pháp Thiền sư Thường Chiếu.
Sư họ Quách, quê ở Ngoại Trại, xuất thân từ một gia đình mộ đạo. Sau khi xuất gia, Sư đến học với Thiền sư Thường Chiếu.
Lúc Thường Chiếu sắp tịch, Sư hỏi: “Mọi người đến thời tiết này, vì sao đều theo thế tục mà chết?” Thường Chiếu bảo: “Ngươi nhớ được mấy người không theo thế tục?” Sư thưa: “Một mình Tổ (Bồ-đề) Ðạt-ma.” Thường Chiếu hỏi: “Có những đặc biệt gì?” Sư thưa: “Một mình đạp trên sóng mà trở về Tây.” Thường Chiếu hỏi: “Núi Hùng Nhĩ là nhà ai?” Sư thưa: “Chỉ là nơi chôn chiếc gậy trong hòm mà thôi.” Thường Chiếu bảo: “Lừa người lấy lợi, đứng đầu là Thần Nghi.” Sư hỏi: “Ðâu thể nói Tống Vân truyền dối, việc vua Trang Ðế quật mồ thì sao?” Thường Chiếu bảo: “Một con chó lớn sủa láo.” Sư hỏi: “Hoà thượng cũng tuỳ tục chăng?” Thường Chiếu bảo: “Tuỳ tục.” Sư hỏi: “Vì sao như thế?” Thường Chiếu đáp: “Ấy là cùng người đồng đều.” Sư nhân đây bỗng nhiên tỉnh ngộ, lễ bái thưa: “Con đã hiểu lầm rồi.” Thường Chiếu liền hét.
Sau đó Thường Chiếu lấy bản đồ truyền thừa của Thiền sư Thông Biện ra vì Sư giảng nghĩa.
Sau khi Thường Chiếu tịch, Sư về trụ trì chùa Thắng Quang ở làng Thị Trung, Kim Bài. Ðồ chúng theo học rất đông.
Ngày 18 tháng 2 năm Bính Tí, niên hiệu Kiến Gia thứ 6 đời Lí Huệ Tông, Sư gọi đệ tử là Ẩn Không đến lấy bản đồ của Thường Chiếu trao cho và dặn: “Phương này hiện nay tuy loạn, ngươi khéo giữ bản dồ này, cẩn thận đừng để binh lửa làm hại, ắt là tổ phong của ta không mất vậy”. Nói xong, Sư tịch.

Thần Thông

Từ Điển Đạo Uyển

神通; S: ṛddhi; P: iddhi; cũng được gọi là Như ý thông, Thần túc thông;
Thần thông siêu nhiên, một trong Lục thông (sáu thắng trí). Người ta hiểu thần thông với các khả năng như sau: năng lực biến ra nhiều người, lấy dạng hình người khác, tàng hình, xuyên qua đất đá, đi trên nước, rờ mặt trời mặt trăng, đến những tầng trời cao nhất, cứu độ người đang hiểm nguy… Những khả năng này được xem là kết quả phụ của các phép tu thiền định. Tuy nhiên tăng, ni không được dùng các khả năng này để biểu diễn hay lạm dụng. Phạm những quy định này có thể bị loại ra khỏi Tăng-già.

Thần Tú

Từ Điển Đạo Uyển

神秀; C: shénxiù; J: jinshū; ~ 605-706, cũng được gọi là Ngọc Tuyền Thần Tú;
Thiền sư Trung Quốc, một trong những môn đệ xuất sắc của Ngũ tổ Hoằng Nhẫn. Theo truyền thuyết, Sư thua cuộc trong việc chọn người nối pháp của Hoằng Nhẫn và Huệ Năng được truyền y bát. Sư vẫn tự xem mình là người nối pháp của Hoằng Nhẫn và sáng lập Bắc tông thiền, một dòng thiền vẫn còn mang đậm sắc thái Ấn Ðộ với bộ kinh Nhập Lăng-già làm căn bản.
Sư thuở nhỏ đã thông minh hơn người. Ban đầu, Sư học Nho giáo nhưng không hài lòng, sau đó (năm 46 tuổi) đến núi Hoàng Mai nhập hội của Hoằng Nhẫn. Nơi đây, Sư là môn đệ xuất sắc của Ngũ tổ (Sử sách có ghi lại tên của 11 người đệ tử của Hoằng Nhẫn đã giáo hoá danh tiếng). Sau khi Hoằng Nhẫn viên tịch, Sư rời Hoàng Mai và đi du phương gần 20 năm. Sau, khi Vũ Hậu là Tắc Thiên mời đến kinh đô, Sư chần chừ rồi nhận lời. Nơi đây, Sư giáo hoá rất nhiều người, danh tiếng lừng lẫy.
Năm Thần Long thứ hai (706), Sư viên tịch. Vua sắc phong là Ðại Thông Thiền sư. Ðến giữa thế kỉ 8, vương triều công nhận Sư là người thừa kế Ngũ tổ, nhưng dòng Thiền của Sư tàn lụi sau vài đời, có lẽ vì liên hệ chính trị nhiều với vương triều.

Thản Văn

Từ Điển Đạo Uyển

坦文; C: tănwén; J: tanbun; K: tanmun, 900-975;
Học giả chính của Hoa Nghiêm tông trong thời Cao Li (k: koryŏ).

Thân, Khẩu, ý

Từ Điển Đạo Uyển

身口意; S: kāya-vāk-citta;
Ba khái niệm quan trọng (thân thể, lời nói, ý niệm) trong đạo Phật, có ý nghĩa rất sâu xa. Từ thời Phật giáo nguyên thuỷ, khi luận về Nghiệp (s: karma), người ta đã chia ra ba loại Nghiệp do thân, khẩu, ý sinh ra. Ðến Kim cương thừa, ba thành phần trên đây của con người trở thành ba phép tu luyện thiền định. Mục đích cuối cùng của hành giả qua phương pháp tu tập các Nghi quỹ là chứng được Ba thân Phật (s: trikāya). Hành giả bắt Ấn (s: mudrā) thuộc thân, thực hành Thiền định (s: samādhi) thuộc ý và tụng đọc Man-tra (Thần chú) thuộc khẩu để chứng được ba thân đó. Sau đây là mối liên hệ: Phạm vi Phương pháp Chứng ngộ
Thân Bắt ấn Ứng hoá thân Khẩu Man-tra Báo thân Ý Thiền định Pháp thân
Phép chia ba thành phần này thường được biểu diễn bởi ba âm OṂ ĀḤ HŪṂ. Ba thành phần và ba âm đó đóng vai trò tuyệt đối quan trọng trong các phép hành trì Nghi quỹ (s: sādhana) và là bước đi cần thiết để tạo linh ảnh. OṂ được xem là có sắc trắng, đặt tại trán và đại diện cho Thân. ĀḤ có sắc đỏ, đặt tại cổ, đại diện cho Khẩu và HŪṂ sắc xanh, đặt tại tim, đại diện cho Ý. Ba khuynh hướng xấu ác của ba thành phần này chính là tham, sân và si, là ba nguyên nhân trói buộc trong Luân hồi. Sau khi được chuyển hoá, Thân khẩu ý được biểu diễn bằng ba Kim cương chử (s: vajra; t: dorje) tượng trưng cho thể tính đích thật của ba thành phần. Trong các tranh trình bày đức Phật (Thăng-ka), người ta hay thấy mặt sau bức tranh các âm OṂ ĀḤ HŪṂ đặt tại trán, cổ và tim.
Giáo pháp tu luyện biến Thân khẩu ý thành Ba thân được trình bày trong hệ thống Ðại thủ ấn (s: mahā-mudrā) và trong Ðại cứu kính (t: dzogchen) của Phật giáo Tây Tạng, gồm có bốn phép tu đặc biệt: 1. Quy y tam bảo (t: kyabdro) và phát Bồ-đề tâm (s: bodhicitta); 2. Quán tưởng đến Kim cương Tát-đoá (s: vajrasattva) để rửa sạch thân khẩu ý; 3. Tích tụ phúc đức (s: puṇya) bằng cách quán niệm Man-đa-la (s: maṇḍala); 4. Hoà nhập tự ngã vào một dòng tu dưới sự hướng dẫn của một Ðạo sư (s: guru).
Cần biết thêm rằng rất nhiều phép tu của Phật giáo Tây Tạng đều nằm trong mối liên hệ chung với ba thành phần Thân khẩu ý. Ðặc biệt trong ba thành phần này thì Khẩu đóng một vai trò trung gian giữa Thân và Ý.

Thắng

Từ Điển Đạo Uyển

勝; C: shèng; J: shō;
Có các nghĩa sau: 1. Xuất sắc, đặc biệt, nổi bật, cao cấp, trội hơn, cao cả (s: viśista, viśa-da, parama, agra); 2. Trội hơn, vượt hơn; 3. Khắc phục, chế ngự. Đủ khả năng đáp ứng được, giữ vững được, chống đỡ được; 4. Điểm xuất sắc, điều xuất sắc; 5. Tính ưu việt, trạng thái chiếm ưu thế (s: prādhānya); 6. Chinh phục; 7. Người thông minh thính nhạy khác thường; đức Như Lai.

Thắng Giải

Từ Điển Đạo Uyển

勝解; C: shèngjiĕ; J: shōge; S: adhimukti, adhi-mokṣa; T: mospa;
Theo giáo lí của Du-già hành phái (瑜伽行派; s: yogācāra), tâm hành nhận biết rõ các pháp. Một trong 5 Biệt cảnh của Tâm sở hữu pháp (theo Thành duy thức luận 成唯識論).

Thắng Giải Hạnh địa

Từ Điển Đạo Uyển

勝解行地; C: shèngjiĕxíngdì; J: shōgegyōji; S: adhimukti-caryā-bhūmi.
Thuật ngữ nói đến toàn bộ các giai vị Thập tín (十信), Thập trú (十住), Thập hạnh (十行), và Thập hồi hướng (十廻向; theo Nhị chướng nghĩa 二障義).

Thắng Luận

Từ Điển Đạo Uyển

勝論; C: shènglùn; J: shōron; S: vaiśeṣika-śāstra.
Tên một bộ luận và tông phái triết học Ấn Độ mang tên bộ luận ấy. Thắng Luận tông (勝論宗).

Thắng Luận Sư

Từ Điển Đạo Uyển

勝論師; C: shènglùnshī; J: shōronshi;
Các luận sư hay triết gia của Thắng luận tông.

Thắng Luận Tông

Từ Điển Đạo Uyển

勝論宗; C: shènglùn zōng; J: shōron shū; S: vaiśeṣika-śāstra;
Một tông phái triết học Ấn Độ mang tên bộ luận Vaiśeṣika, phiên âm là Vệ-thế-sư (衛世師), người sáng lập được xem là Ca-na-đà (迦那陀; s: kaṇāda). Là tông phái xưa nhất trong “Sáu tông phái ngoại đạo” của triết học Ấn Độ (lục ngoại đạo 六外道). Vaiśeṣika theo tiếng Phạn có nghĩa là “sai biệt” (差別) và “thù thắng” (殊勝; s: viśeṣa). Tông nầy chia trạng thái đa dạng của bản chất thành 6 phạm trù (lục cú nghĩa 六句義; s: padārtha), hơi có khuynh hướng khoa học. Thắng luận tông giữ quan niệm là thông qua sự thực hành trọn vẹn các bổn phận đặc thù mà con người có thể hiểu được 6 phạm trù (lục cú nghĩa), và sự hiểu biết nầy có thể đưa đến phúc lạc. Ca-na-đà trình bày hệ thống quan điểm của ông trong luận Vaiśeṣika-sūtra, gồm 10 chương.

Thắng Man Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

勝鬘經; C: shèngmán jīng; J: shōmangyō; S: śrīmālādevī-sūtra; là tên gọi ngắn của Thắng Man sư tử hống nhất thừa đại phương tiện phương quảng kinh (śrīmālādevī-siṃhanāda-sū-tra);
Kinh Ðại thừa, được hai vị Cao tăng Ấn Ðộ dịch sang Hán văn. Bản thứ nhất của Cầu-na Bạt-đà-la (求那跋陀羅; s: guṇabhadra), được dịch đời Lưu Tống (tk. 5, ~ 435-443) dưới tên trên. Bản thứ hai được Bồ-đề Lưu-chi (bodhruci) dịch (~ 508-535) dưới tên Thắng Man phu nhân hội, bởi vì kinh này cũng là một phần của bộ kinh Ðại bảo tích, hội 48. Một bản dịch cũ của kinh nầy có tên Phu nhân kinh (夫人經). Kinh này tương đối ngắn, bao gồm 15 phẩm. Phẩm thứ nhất nói về đức tính chân thật của Như Lai và sự việc công chúa Thắng Man được Phật thụ kí. Phẩm 2 – 4 nói về việc phát triển Bồ-đề tâm. Nội dung của phẩm thứ 5 – 15 có thể gọi chung là “nhập Như Lai tạng” nói về việc xác quyết Nhất thừa (s: ekayāna), về Như Lai tạng (s: tathagātagarbha), Pháp thân (s: dharmakāya), bản tính thanh tịnh. Vì bản chất nội dung, kinh thường được bàn luận và so sánh với các kinh luận như Bảo tính luận, Lăng-già (楞伽經; s: lankāvatāra-sūtra), Đại thừa khởi tín luận (大乘起信論)… Kinh này đã được Wayman dịch sang Anh ngữ năm 1974.
Công chúa Thắng Man, nhân vật chính trong kinh này có quan điểm rằng, Phật chỉ vì Ðại thừa thuyết pháp và pháp này bao gồm tất cả ba cỗ xe (Ba thừa). Thắng Man nêu ba hạng người có thể đi trên đường Ðại thừa, đó là 1. Hạng người thực hiện được Trí huệ vô thượng một mình; 2. Hạng người nhờ nghe pháp mà đạt trí huệ; 3. Hạng người có Tín tâm (s: śraddhā), tin tưởng nơi Phật pháp, mặc dù không đạt được trí huệ tột cùng.
Thắng Man sư tử hống nhất thừa đại phương tiện phương quảng kinh 勝鬘獅子吼一乘大方便方廣經; C: shèngmán shīzǐ hŏu yīshèng dàfāngbiàn fāng-guăng jīng; J: shōman shishikō ichijō daihōben hōkō kyō; S: śrīmālādevī-siṃhanāda-sūtra;
Tên gọi đầy đủ của kinh Thắng Man.

Thắng Nghĩa

Từ Điển Đạo Uyển

勝義; C: shèngyì; J: shōgi;
Có các nghĩa sau: 1. Nghĩa cao tột; nghĩa vi diệu nhất. Thực tại tối thượng. Nghĩa chân thật (s: pāramārthika, paramārtha); 2. Cõi giới vi diệu. Chân như; 3. Lí sâu mầu từ kinh nghiệm chứng ngộ, khác hẳn cảnh giới của người chưa chứng ngộ.

Thắng Nghĩa đế

Từ Điển Đạo Uyển

勝義諦; C: shèngyì dì; J: shōgitai; S: paramār-tha-satya.
Nguyên lí tột cùng, thực tại tối thượng. Thực tại được nhận biết trên căn bản liễu tri về tính không. Còn gọi là Chân đế (眞諦) và Đệ nhất nghĩa đế (第一義諦). Là một trong hai phương diện của thật tại, phương diện kia là Thế tục đế (世俗諦).

Thắng Nghĩa Giai Không Tông

Từ Điển Đạo Uyển

勝義皆空宗; C: shèngyì jiēkōngzōng; J: shōgikaikūshū;
Giáo lí tối thượng, cho rằng các pháp đều trống không.

Thắng Nghĩa Vô Tính

Từ Điển Đạo Uyển

勝義無性; C: shèngyì wúxìng; J: shōgimushō;
Một trong Tam vô tính (三無性) của Pháp tướng tông. Tính chất vô tự tính của thật tại tối thượng.

Thắng Pháp

Từ Điển Đạo Uyển

勝法; C: shèngfă; J: shōhō;
Có các nghĩa sau: 1. Giáo pháp siêu việt; 2. Giai vị giác ngộ thù thắng (s: śreyas, dharma-netrī); 3. Việc chưa từng xảy ra, chuyện trước đây chưa từng có (vị tằng hữu 未曾有; s: adbhuta).

Thắng Thân Châu

Từ Điển Đạo Uyển

勝身洲; C: shèngshēnzhōu; J: shōshinshū;
Đông thắng thân châu (東勝身洲).

Thắng Tiến

Từ Điển Đạo Uyển

勝進; C: shèngjìn; J: shōshin;
Có các nghĩa sau: 1. Tiến đến tầng bậc kế đến; hành giả đạt mức độ công phu gần đến giai vị kế đến; 2. Xuất sắc, cao cả, ngoại hạng, hoàn hảo, thù thắng (s: vaiśesika); 3. Tiến lên chiều hướng xuất sắc, tiến bộ vĩ đại.

Thắng Tiến đạo

Từ Điển Đạo Uyển

勝進道; C: shèngjìndào; J: shōshindō;
Có các nghĩa sau: 1. Đạo tu tập để tiến đến giai vị kế tiếp; 2. Đạo thăng tiến siêu tuyệt. Một trong 9 pháp Du-già (Cửu Du-già 九瑜伽, theo Du-già luận 瑜伽論).

Thắng Tiến Phần

Từ Điển Đạo Uyển

勝進分; C: shèngjìnfēn; J: shōshinbun;
Một phần trong các giai vị tu đạo (Thập địa 十地 hay Ngũ vị 五位), nơi ấy hành giả đã đạt được giai vị đó rồi và bây giờ tiến lên giai vị kế tiếp. Ngược với Tự phần (自分), là hành giả mới đạt được một giai vị riêng biệt (theo Nhị chướng nghĩa 二障義).

Thắng Tông

Từ Điển Đạo Uyển

勝宗; C: shèngzōng; J: shōshū;
Thắng luận tông (勝論宗).

Thắng Tông Thập Cú Nghĩa Luận

Từ Điển Đạo Uyển

勝宗十句義論; C: shèngzōng shíjùyì lùn; J: shōshū jūkōgi ron; S: vaiśeṣika-daśapadārtha śāstra;
Luận, được Huệ Nguyệt (慧月; s: mati-candra) soạn, 1 quyển. Huyền Trang dịch tại chùa Hoằng Phúc năm 647. Một bộ kinh của Thắng luận tông Ấn Độ. Cú nghĩa (s: padārtha) là nội dung cơ bản cấu thành Thực tại trong hệ thống triết học Thắng tông. Thắng tông thường đề ra 9, đúng hơn là 6 cú nghĩa.

Thắng Tràng Tí ấn đà-La-Ni Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

勝幢臂印陀羅尼經; C: shèng chuáng bì yìn tuóluóníjīng; J: shōtō hiin darani kyō;
Kinh, 1 quyển. Huyền Trang dịch năm 654.

Thắng Tướng

Từ Điển Đạo Uyển

勝相; C: shèngxiāng; J: shōsō;
Tướng tiêu biểu, tướng nổi bật, tướng thù thắng (theo Nhiếp Đại thừa luận 攝大乘論).

Thăng-Ka

Từ Điển Đạo Uyển

T: thaṅ-ka;
Tranh vẽ trong Phật giáo Tây Tạng. Các Thăng-ka thường là vải lụa được cuốn tròn. Tranh này phần lớn lấy nội dung là giáo pháp, hay cuộc đời đức Phật. Vẽ tranh này, người ta phải chú ý đến ba nguyên tắc: sức truyền lên người xem, sự hài hoà và chi tiết bức tranh. Người ta cho rằng việc đặt vẽ Thăng-ka cũng như bản thân vẽ Thăng-ka mang lại rất nhiều phúc đức.
Thăng-ka được vẽ bằng màu lấy trong thiên nhiên và là đối tượng hay phương tiện để thiền định và tạo linh ảnh, như tranh vẽ Vòng sinh tử (s: bhavacakra), cuộc đời và tiền thân đức Phật (Bản sinh kinh). Ngoài ra, Thăng-ka cũng trình bày lại hình ảnh các vị giáo chủ các tông phái để các đệ tử chú tâm lúc quy y. Tuy nhiên, nội dung quan trọng nhất của Thăng-ka chính là phương tiện để thiết tưởng (e: visualize) linh ảnh lúc hành trì các giáo pháp Tan-tra, Nghi quỹ (s: sādhana). Ðến thế kỉ 16 tại Tây Tạng vẫn tiếp tục hình thành các trường phái vẽ Thăng-ka khác nhau, trong đó khuynh hướng vẽ của phái Cát-mã Ca-nhĩ-cư (t: karma-kagyu) là nổi tiếng nhất.

Thang-Ton Gyel-Po

Từ Điển Đạo Uyển

T: thangtong gyelpo [thaṅ-ston rgyal-po]; “Vua của miền hoang dã”;
Tên của một vị Lạt-ma Tây Tạng, sống ở thế kỉ 15. Tương truyền Sư sống đến 125 tuổi. Một trong những tác phẩm nổi tiếng của Sư nói về phép Thiền quán về đức Quán Thế Âm (Nghi quỹ). Ngày nay, bộ luận đó vẫn còn được tu học trong phái Cát-mã Ca-nhĩ-cư (t: karma-kagyu) và được nhiều Ðạo sư đời sau luận giải thêm. Sư là người xây những chiếc cầu sắt tại Tây Tạng và tông phái của Sư được gọi là “Thiết kiều tông.” Trong tông Ninh-mã (t: nyingmapa), Sư được xem là người chuyên đi tìm các kinh sách được dấu kín (Ter-ma).

Thành

Từ Điển Đạo Uyển

城; C: chéng; J: jō;
Có 2 nghĩa: 1. Thành phố, thành trì, thành luỹ; 2. Ở Ấn Độ, là khu rừng nơi các vị tu khổ hạnh thực hành khất thực.

Thanh Biện

Từ Điển Đạo Uyển

清辯; S: bhāvaviveka, bhavya; C: qīngbiàn; J: shōben;
Một Luận sư quan trọng của tông Trung quán (s: mādhyamika), sống khoảng giữa 490 và 570. Sư sinh tại Nam Ấn Ðộ, theo học giáo lí của Long Thụ (nāgārjuna) tại Ma-kiệt-đà (magadha). Sau đó Sư trở về quê hương và trở thành một luận sư danh tiếng. Trong các tác phẩm được dịch ra chữ Hán và chữ Tây Tạng (phần lớn của nguyên bản Phạn ngữ đã thất truyền), Duy thức tông (s: vijñānavāda, yogācāra) là đối tượng bị Sư chỉ trích. Là người sáng lập hệ phái Trung quán-Y tự khởi (中觀依自起; mādhya-mika-svātantrika, cũng được gọi là Độc lập luận chứng phái 獨立論證派), một trong hai trường phái của Trung quán, Sư cũng đả kích Phật Hộ (s: buddhapālita), người sáng lập hệ phái Trung quán-Cụ duyên (中觀具緣; prāsaṅgika-mādhyamika) bằng một phương pháp suy luận biện chứng trên cơ sở nhân minh học (s: hetuvidyā), Nhận thức học (s: pramāṇavāda). Vào thế kỉ thứ 8, trường phái của Sư được Tịch Hộ (s: śānta-rakṣita) biến thành phái Trung quán-Duy thức (mādhyamika-yogācāra).
Các trứ tác của Sư (trích): 1. Ðại thừa chưởng trân luận (mahāyānatālaratnaśāstra), Huyền Trang dịch; 2. Bát-nhã đăng luận thích (prajñāpradīpa, cũng có tên prajñāpradīpa-mūlamadhyamaka-vṛtti), Ba-la-phả Mật-đa dịch; 3. Trung quán tâm luận tụng (madhyamakahṛdayakārikā), Tạng ngữ; 4. Trung quán tâm quang minh biện luận (madhyamaka-hṛdaya-vṛttitarkajvālā), chú giải Trung quán tâm luận tụng (madhyamakahṛdayakārikā), Tạng ngữ; 5. Trung quán nhân duyên luận (madhyamikapratītya-samutpāda-śāstra), Tạng ngữ; 6. Nhập trung quán đăng luận (madhyamakāvatārapradīpa), Tạng ngữ; 7. Nhiếp trung quán nghĩa luận (madhyamārtha-saṃgraha), còn bản Tạng ngữ và Phạn ngữ; 8. Dị bộ tông tinh thích (nikāyabheda-vibhaṅgavyākhyāna), chỉ còn lưu lại trong Tạng ngữ, nói về các tông phái phật giáo sau khi Phật diệt độ đến thời Thanh Biện, rất giống Dị bộ tông luân luận (samayabhedavyū-hacakraśāstra) của Thế Hữu (vasumitra).

Thanh Biện

Từ Điển Đạo Uyển

清辯; ?-686
Thiền sư Việt Nam thuộc thiền phái Tì-ni-đa Lưu-chi đời thứ tư, nối pháp Thiền sư Huệ Nghiêm.
Sư họ Ðỗ, quê ở Cổ Giao, xuất gia năm 12 tuổi với Thiền sư Pháp Ðăng. Khi Pháp Ðăng thị tịch, Sư chuyên trì tụng kinh Kim cương và lấy đó làm sự nghiệp. Một hôm, một vị thiền khách ghé chùa, hỏi Sư: “Kinh này là mẹ của Phật tam thế (quá khứ, hiện tại, vị lai), thầy hiểu ›mẹ Phật‹ thế nào?” Sư đáp: “Tôi từ trước trì tụng kinh này nhưng cũng chư hiểu ý ấy.” Khách hỏi: “Trì tụng đã bao lâu?” Sư thưa: “Tám năm.” Khách bảo: “Tám năm chỉ trì tụng một kinh mà chưa hiểu ý nghĩa thì dù trì tụng cả trăm năm cũng chẳng có công dụng gì.”
Nghe lời khuyên của thiền khách, Sư đến tham vấn Thiền sư Huệ Nghiêm tại chùa Sùng Nghiệp. Thấy Sư, Huệ Nghiêm hỏi: “Ngươi đến có việc chi?” Sư thưa: “Ðệ tử trong tâm chưa yên ổn.” Huệ Nghiêm hỏi: “Chưa ổn cái gì?” Sư thuật lại cuộc đàm thoại với thiền khách. Huệ Nghiêm bảo: “Ngươi quên hết rồi! Sao ngươi không nhớ câu kinh ›Các Phật tam thế cùng lối pháp Vô thượng chính đẳng chính giác đều xuất xứ ở kinh Kim cương‹, thế chẳng là ›Mẹ của Phật‹ hay sao?” Sư thưa: “Quả thật đệ tử còn mê muội.” Huệ Nghiêm lại hỏi: “Thế kinh ấy ai thuyết.” Sư hỏi: “Chẳng phải là lời thuyết pháp của Như Lai hay sao?” Huệ Nghiêm nói: “Trong kinh nói ›Nếu nói Như Lai có thuyết pháp gì thì phỉ báng Như Lai.‹ Câu ấy người ta không giải được. Cái nghĩa ta vừa nói, ngươi cứ thử nghĩ xem, nếu nói kinh ấy không phải là lời thuyết pháp của Phật thì thế là phỉ báng kinh; nếu lại nói đúng là những lời thuyết pháp của Phật lại là phỉ báng Phật. Sao ngươi lại cứ muốn ta trả lời ngay?” Sư suy nghĩ, muốn hỏi thêm, Huệ Nghiêm bèn cầm Phất tử đánh vào miệng. Sư ngay đây tỉnh ngộ, bèn sụp lạy.
Sau, Sư đến trụ trì chùa Kiến Dương giáo hoá tông đồ. Năm Bính Tuất, niên hiệu Ðường Thuỳ Cung thứ hai (686), Sư quy tịch.

Thánh đạo

Từ Điển Đạo Uyển

聖道; S: ārya-mārga; P: ariya-magga;
Ðạo xuất thế, con đường xuất thế bao gồm bốn cấp bậc. Mỗi cấp lại được phân biệt là: Thánh nhân (s: ārya-pudgala) đi trên đạo và Thánh quả (s: phala) của đạo đó. Bốn cấp của đạo xuất thế là: 1. Dự lưu (s: śrotāpana), người mới nhập dòng; 2. Nhất lai (s: sakṛḍāgāmin), người tái sinh trở lại thế gian này một lần nữa; 3. Bất hoàn (s: anāgāmin), người không bao giờ trở lại thế gian này nữa; và 4. A-la-hán (s: arhat).

Thánh điện

Từ Điển Đạo Uyển

聖殿; S: caitya; P: cetiya;
Nơi các vị Tỉ-khâu ngày xưa hội họp và ngồi thiền. Về sau, Thánh điện này không còn được chú trọng và hoà nhập lại thành Chính điện, nơi thờ tượng của đức Phật.

Thanh Học

Từ Điển Đạo Uyển

清學; C: qīngxué; J: shōgaku; K: ch’ŏnghak, 1570-1654.
Thiền sư Triều Tiên. Tác giả của Vịnh nguyệt đường đại sư văn tập (詠月堂大師文集; k: yŏngwŏldang taesa munjip).

Thanh Lương

Từ Điển Đạo Uyển

清涼; C: qīngliáng; J: shōryō;
Thiền sư Trung Hoa, thường gọi Quốc sư Thanh Lương. Xem Pháp Nhãn Văn Ích.

Thanh Nguyên Hành Tư

Từ Điển Đạo Uyển

青原行思; C: qīngyuán xíngsī; J: seigen gyōshi; 660-740;
Thiền sư Trung Quốc, môn đệ hàng đầu của Lục tổ Huệ Năng. Từ dòng thiền của Sư xuất phát ra ba tông trong Ngũ gia thất tông mặc dù Sư chỉ có một đệ tử đắc pháp là Thạch Ðầu Hi Thiên.
Sư họ Lưu, quê ở Kiết Châu, An Thành, xuất gia từ nhỏ. Nhân nghe Lục tổ dạy chúng ở Tào Khê, Sư đến tham học. Sư được Lục tổ ấn khả và trở về trụ trì chùa Tịnh Cư trên núi Thanh Nguyên ở Kiết Châu.
Thiền sư Hà Trạch Thần Hội đến, Sư hỏi: “Ở đâu đến?” Thần Hội đáp: “Từ Tào Khê đến.” Sư hỏi: “Ý chỉ Tào Khê thế nào?” Thần Hội chỉnh thân rồi thôi. Sư bảo: “Vẫn còn đeo ngói gạch.” Thần Hội hỏi: “Ở đây Hoà thượng có vàng ròng chăng?” Sư đáp: “Giả sử có cho, ông để chỗ nào?”
Sau khi truyền pháp cho Hi Thiên xong, ngày 13 tháng 12 năm Canh Thìn, đời Ðường niên hiệu Khai Nguyên năm thứ 28, Sư từ biệt chúng lên pháp đường viên tịch. Vua Ðường Hiến Tông ban hiệu là Hoằng Tế Thiền sư, tháp hiệu Quy Sơn.

Thánh Nhân

Từ Điển Đạo Uyển

聖人; S: ārya-pudgala; P: ariya-puggala;
Danh từ chỉ người đang đi trên Thánh đạo nhưng cũng thường được dùng cho những người có đạo hạnh xuất chúng.

Thành Phật

Từ Điển Đạo Uyển

成佛; J: jōbutsu;
Một cách trình bày sự chứng ngộ tự tính, Phật tính. Theo Thiền tông thì người ta không thể thành Phật được bởi vì người ta là Phật, nghĩa là chân tính của họ đồng với Phật tính, là Phật tính. Tuy nhiên, phàm phu không tự biết được sự việc tối trọng này và có cảm tưởng như là mình trở thành Phật khi nếm được kinh nghiệm Kiến tính lần đầu. Ðồng nghĩa với “Thành Phật” là “Thành Ðạo”, “Ðạt Ðạo.”

Thanh Quy

Từ Điển Đạo Uyển

清規; J: shingi; nghĩa là “Quy luật rõ ràng”;
Danh từ chỉ những quy luật cho tăng, ni và Cư sĩ trong cũng như ngoài những Thiền viện. Trong những tác phẩm nói về quy luật, người ta thường gắn hai chữ Thanh quy phía sau, ví dụ như Bách Trượng thanh quy của Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải, Vĩnh Bình thanh quy của chùa Vĩnh Bình tại Nhật Bản.

Thành Thật Tông

Từ Điển Đạo Uyển

成實宗; C: chéngshí-zōng; J: jōjitsu-shū;
Tông phái Phật giáo Trung Quốc, xuất phát từ giáo pháp của Kinh lượng bộ (s: sautrān-tika) Ấn Ðộ. Cơ bản của tông phái này là bộ Thành thật luận (s: satyasiddhiśāstra) của Ha-lê Bạt-ma (s: harivarman) trong thế kỉ thứ 4, được Cưu-ma-la-thập (kumārajīva) dịch ra chữ Hán trong thế kỉ thứ 5.
Ðại diện cho tông phái này là Tăng Ðạo (僧導) và Tăng Khải (僧楷), cả hai đều là đệ tử của Cưu-ma-la-thập, là hai vị đã truyền bá Thành thật tông khắp Trung Quốc và vì vậy, tông này trở thành một tông phái mạnh của Trung Quốc ở đầu thế kỉ thứ 6. Tông phái này khác với Tam luận tông vì các vị Tam luận tông cho rằng luận sư của Thành thật tông đã hiểu sai ý nghĩa của biểu đạt tính Không. Các vị Luận sư quan trọng của Tam luận tông như Pháp Lãng và Cát Tạng đã công kích Thành thật tông mạnh mẽ nên ảnh hưởng của phái này giảm dần.
Tông này được xem là Tiểu thừa vì họ chỉ chuyên tâm nghiên cứu những lời giảng của đức Phật. Quan điểm chính của tông phái này là phủ nhận mọi sự hiện hữu. Tâm thức hay vật chất đều không hiện hữu thật sự. Theo tông phái này, có hai loại chân lí: một loại chân lí “thế gian”, chân lí có tính chất quy ước và chân lí kia là chân lí tuyệt đối. Dựa trên chân lí thế gian, tông này chấp nhận sự hiện hữu của các pháp (s: dharma), các pháp này hiện hành tuỳ thuộc lẫn nhau, vô thường và sẽ bị hoại diệt. Trên phương diện tuyệt đối thì mọi pháp đều trống Không (s: śūnyatā). Như thế, Thành thật tông cũng cho rằng cả ngã lẫn pháp đều không (人法皆空; Nhân pháp giai không) nên cũng có khi tông này được xem là Ðại thừa. Tuy thế, khác với các trường phái Ðại thừa khác – vốn cho rằng có một cái Không làm nền tảng, biến hoá ra mọi hiện tượng (真空妙有; Chân không diệu hữu) – Thành thật tông nhìn nhận tính Không một cách tiêu cực hơn, đó chỉ là sự trống rỗng đằng sau các hiện tượng, thấy rõ được qua sự phân tích, phủ nhận, và vì thế tông này cũng có tên Nhất thiết không tông (一切空宗; sarvaśūnyavāda). Quan điểm về tính Không này còn vướng mắc trong trạng thái phủ định, phủ nhận thế gian, khác hẳn quan điểm tính Không của Tam luận tông Trung Quốc.
Thành thật tông Nhật Bản (jōjitsu-shū) được Cao tăng Triều Tiên là Huệ Quán (慧灌; ek-wan), người đã từng học tại Trung Quốc truyền qua Nhật năm 625. Kể từ đó Thành thật tông được nhiều người nghiên cứu, nhưng không trở thành tông phái hẳn hoi, chỉ được xem là một phần của Tam luận tông.

Thánh Thiên

Từ Điển Đạo Uyển

聖天; S: āryadeva; cũng được gọi là Ðề-bà, Ka-na Ðề-bà, Ðơn nhãn Ðề-bà (s: kāṇadeva);
Học trò của Long Thụ (nāgārjuna) và Ðại luận sư của Trung quán tông (s: mādhyami-ka), tác giả của nhiều bộ luận. Người ta cho rằng Thánh Thiên sinh trong thế kỉ thứ 3 tại Tích Lan và là Tổ thứ 15 của Thiền Ấn Ðộ dưới tên “Ðề-bà một mắt” (kāṇadeva). Tương truyền Sư bị ngoại đạo chống đạo Phật giết. Ngày nay, tác phẩm của Sư chỉ còn được giữ lại trong các bản dịch tiếng Hán và Tây Tạng, phần lớn là các luận đề về giáo pháp của Long Thụ. Truyền thống Tan-tra xem Sư là một trong 84 vị Ma-ha Tất-đạt (s: mahāsiddha).
Sư sinh ra trong một gia đình quý tộc tại Tích Lan. Thay vì nhận chức làm quan thì Sư lại gia nhập Tăng-già dưới sự hướng dẫn của Hermadeva. Sau khi học xong các thuyết luận, Sư đi hành hương, viếng thăm những thánh tích của Phật giáo tại Ấn Ðộ. Nhân dịp này, Sư gặp Long Thụ và theo hầu học nhiều năm và khi Long Thụ rời Na-lan-đà đi Trung Ấn, Sư cũng theo thầy. Dần dần, Sư được truyền trao trách nhiệm giảng pháp và được xem là người kế vị Long Thụ. Không rõ là Sư lưu lại Trung Ấn bao nhiêu lâu nhưng trong thời gian này, Sư có thành lập nhiều tu viện. Nghe tin một luận sư lừng danh thuộc dòng Bà-la-môn tung hoành tại viện Na-lan-đà và không một Tỉ-khâu nào đủ tài năng đối đầu tranh luận, Sư liền đến Na-lan-đà một lần nữa và chiến thắng vị Bà-la-môn trong ba vòng tranh luận. Sau nhiều năm trụ tại Na-lan-đà, Sư trở về miền Nam và mất tại Raṅganātha, Kiến-chí (kāñcī).
Tác phẩm Tứ bách luận (catuḥśataka) của Sư gồm 400 câu kệ, với suy luận biện chứng phủ định, giải thích giáo pháp Vô ngã và tính Không. Tập Bách luận (śataśāstra) được xem là bản thu gọn lại của Tứ bách luận, cũng gây ảnh hưởng lớn trong Phật giáo. Trong tập Bách luận Thánh Thiên đã đưa nhiều luận giải đối trị các quan điểm bài bác Phật giáo. Bách luận là một tác phẩm căn bản của Tam luận tông tại Trung Quốc.

Thánh Thiên

Từ Điển Đạo Uyển

聖天; S: āryadeva; cũng được gọi là “Ðơn nhãn”;
Một Ma-ha Tất-đạt trong 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ, được xem sống trong đầu thế kỉ thứ 8, đệ tử của Ma-ha Tất-đạt Long Thụ (s: nāgārju-na). Trong thế kỉ thứ hai cũng có vị Long Thụ của Trung quán tông và vị này cũng có đệ tử tên Thánh Thiên.
Thánh Thiên là một Tỉ-khâu tu học tại Na-lan-đà. Một hôm Sư nghe có vị Tất-đạt nổi danh tên Long Thụ sống tại Nam Ấn Ðộ liền bỏ đi tìm, được Quán đỉnh vào Bí mật tập hội (s: guhyasamāja-tantra), và ở lại luyện Nghi quỹ (s: sādhana) chung với thầy. Sư đi khất thực luôn luôn được nhiều thức ăn ngon lạ hơn thầy. Long Thụ lấy làm lạ cho Sư ở nhà, tự mình đi. Khi về nhà thì Long Thụ thấy một thần nữ đã dâng cúng bánh trái cho Thánh Thiên và phê bình là mình chưa hết ô nhiễm hẳn như đệ tử. Long Thụ khâm phục môn đệ mình và đặt tên Thánh Thiên. Bài kệ chứng đạo của Thánh Thiên như sau:
Chư Phật cả ba đời,
duy nhất một Tự tính.
Chứng được tự tính này,
là chứng được tâm thức.
Ðể mọi sự diễn ra,
hoà vào với thật tại,
không hề có cơ cấu.
Chính trạng thái buông thỏng,
là đời sống Du-già.
Sau khi Long Thụ chế tạo được nước trường sinh, ông lè lưỡi liếm và đưa cho Sư làm theo. Sư liền cầm bát nước đổ hết vào một gốc cây, cây này bất chợt đâm tược. Long Thụ quát lớn: “Nếu ngươi phí phạm nước bất tử của ta thì phải hoàn lại!” Sư liền cầm một cái thùng, tiểu tiện vào rồi cầm một nhánh cây quậy đưa Long Thụ. “Nhiều quá” Long Thụ nói. Sư liền đổ nửa thùng vào gốc cây, cây này liền ra lá. Long Thụ nghiêm trang bảo: “Nay ngươi đã chứng Ðạo, đừng lưu lại lâu trong Luân hồi (saṃ-sāra)”. Nghe câu này, thân Sư bay vọt lên cao. Ngay lúc này, một người đàn bà đến gần xin Sư một con mắt. Không một chút chần chừ, Sư móc con mắt phải ra trao cho bà này và từ đây mang tên là “Ðơn nhãn” hay “Ðơn nhãn Ðề-bà”. Sau khi thuyết pháp từ trên không trung, Sư đứng ngược đầu xuống đất, chân đối trời rồi biến mất.

Thanh Tịnh

Từ Điển Đạo Uyển

清淨; C: qīngjìng; J: shōjō; S: pariśuddha
1. Trong sáng, tinh khiết, không bị ô uế. Không có tội lỗi (s: samśuddhi, śauca, viśodhita, viśuddha). Không động niệm; 2. Được làm trong sạch, làm an định; 3. Làm cho thanh khiết, làm cho sạch sẽ; sự lắng trong; 4. Một người thanh tịnh (s: tathāgata). Đối nghịch với nhiễm (染), ô (汚).

Thanh Tịnh Chân Chư

Từ Điển Đạo Uyển

清淨眞如; C: qīngjìng zhēnrú; J: shōjō shinnyo;
Chân như thanh tịnh, đề cập đến chân đế của sự diệt khổ. Là một trong 7 loại chân như (七種眞如).

Thanh Tịnh đạo

Từ Điển Đạo Uyển

清淨道; P: visuddhi-magga; nghĩa là con “Ðường dẫn đến thanh tịnh”;
Tên của một bộ luận cơ bản của Thượng toạ bộ (p: theravāda), được Phật Âm (p: bud-dhaghosa) soạn trong khoảng thế kỉ thứ 5 sau Công nguyên. Thanh tịnh đạo trình bày giáo lí của Ðại Tự (p: mahāvihāra), một trong những trường phái Pā-li.
Bộ luận này gồm có 3 phần với 23 chương: chương 1-2 nói về Giới (p: sīla), chương 3-13 nói về Ðịnh (s, p: samādhi) và chương 14-23 nói về Trí huệ (p: pañña). Phần nói về Ðịnh trình bày rõ các phương pháp và đối tượng quán niệm của Thượng toạ bộ, khả năng phát triển và thánh quả của các phép thiền định. Trong phần Huệ, Thanh tịnh đạo trình bày giáo lí cơ bản của đạo Phật như Tứ diệu đế, Mười hai nhân duyên, Bát chính đạo…
Thanh tịnh đạo là một bộ luận tuyệt hảo, gần như là một bộ Bách khoa toàn thư của Phật giáo và được rất nhiều Phật tử chú trọng đến, không phân biệt Tiểu hay Ðại thừa. Nhà Phật học danh tiếng của châu Âu, Ed-ward Con-ze có lần nói rằng, nếu ông chỉ được mang theo một quyển sách ra một hòn đảo hoang vắng thì đó là quyển Thanh tịnh đạo.

Thanh Tịnh Huệ

Từ Điển Đạo Uyển

清淨慧; C: qīng jìng huì; J: shōjōe;
Tên của 1 trong 12 vị Bồ Tát xuất hiện như là 1 đương cơ trong phẩm thứ 6 trong kinh Viên Giác.

Thanh Tịnh Phẩm

Từ Điển Đạo Uyển

清淨品; C: qīngjìngpĭn; J: shōjōhon;
Phẩm chất thanh tịnh, khác biệt với phẩm chất ô nhiễm.

Thanh Tịnh Pháp Giới

Từ Điển Đạo Uyển

清淨法界; C: qīngjìng făjiè; J: shōjōhōkai;
Pháp giới thanh tịnh. Pháp giới trong trí huệ giác ngộ của chư Phật. Pháp giới bản thể thanh tịnh. Nền tảng của mọi công đức. Chân như.

Thanh Tịnh Pháp Thân Tì-Lô-Giá-Na Tâm địa Pháp Môn Thành Tựu Nhất Thiết đà-La-Ni Tam Chủng Tất địa

Từ Điển Đạo Uyển

清淨法身毘盧遮那心地法門成就一切陀羅尼三種悉地; C: qīngjìng făshēn pílúzhēnă xīndì fămén chéngjiù yīqiè tuóluó ní sānzhŏng xīdì; J: shōjō hosshin birushana shinji hōmon jōju issai darani sanshu shicchi;
1 quyển; Dịch giả khuyết danh (có ý kiến cho là ít nhất kinh được biên soạn hay phiên dịch từng phần do một tăng sĩ Ấn Độ).

Thanh Tịnh Quán Thế Âm Phổ Hiền đà-La-Ni Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

清淨觀世音普賢陀羅尼經; C: qīngjìng guānshìyīn pŭxián tuóluóní jīng; J: shōjō kanzeion fugen darani kyō;
Xem Quán tự tại Bồ Tát thuyết Phổ Hiền đà-la-ni kinh (觀自在菩薩説普賢陀羅尼經)

Thanh Văn

Từ Điển Đạo Uyển

聲聞; S: śrāvaka; nghĩa là “người nghe”;
Lúc đầu, Thanh văn có nghĩa là học trò của đức Phật. Dần dần, trong Ðại thừa, người ta cũng dùng từ Thanh văn để chỉ tất cả những ai nhờ nghe pháp và nhờ cố gắng cá nhân mà đạt đến giác ngộ, chứng tri kiến Tứ diệu đế và tính Không của thế giới hiện tượng. Mục đích cao nhất của Thanh văn là đạt Vô dư Niết-bàn (s: nirupadhiśeṣa-nirvāṇa), lúc đó Thanh văn trở thành A-la-hán.

Thanh Văn Thừa

Từ Điển Đạo Uyển

聲聞乘; S: śrāvakayāna;
Dùng chỉ “cỗ xe” đầu tiên của ba cỗ xe (Ba thừa; s: triyāna) có thể đưa đến Niết-bàn. Thanh văn thừa đưa đến thánh quả A-la-hán và được xem là Tiểu thừa.

Thanh Viễn Phật Nhãn

Từ Điển Đạo Uyển

清遠佛眼; ?-1120
Thiền sư Trung Quốc thuộc tông Lâm Tế hệ phái Dương Kì. Sư là bạn đồng học với hai vị “Phật” khác là Viên Ngộ Khắc Cần Phật Quả và Huệ Cần Phật Giám dưới trướng của Thiền sư Ngũ Tổ Pháp Diễn.
Sư họ Lí, quê ở Lâm Ngang, phong cách nghiêm chỉnh, ít nói. Năm lên 14, Sư xuất gia học luật. Nhân lúc đọc kinh Pháp hoa đến câu “Pháp ấy không phải chỗ suy nghĩ phân biệt hay hiểu”, Sư hỏi giảng sư. Giảng sư không giải được, Sư thất vọng tự than: “Nghĩa học danh tướng không phải nguyên nhân liễu việc lớn sinh tử.” Sư bèn sửa soạn hành lí đến phương Nam tham vấn các thiền gia.
Ðến Pháp Diễn tại chùa Thái Bình, Thô Châu, Sư nhập hội. Nhân một hôm làm công tác, Sư có chút ngộ nhập bèn đến Pháp Diễn trình bày. Nói lời gì Pháp Diễn cũng bảo “Ta chẳng bằng ông, ông tự hội được thì tốt”, hoặc “Ta chẳng hội, ông hội được thì tốt.” Sư càng nghi ngờ liền đến Thủ toạ hỏi. Thủ toạ nắm lỗ tai Sư đi quanh lò mấy vòng, vừa đi vừa nói: “Ông tự hội được thì tốt.” Sư thưa: “Có lòng mong khai phát có phải đùa với nhau sao?” Thủ toạ bảo: “Ông về sau ngộ rồi mới rõ được việc khúc chiết ngày nay.” Nghe tin Pháp Diễn đến Hải Hội, Sư bèn từ giã ra đi.
Nhân gặp được Thiền sư Linh Nguyên, Linh Nguyên khuyên Sư trở về học với Pháp Diễn. Sư nghe lời trở về, được Pháp Diễn cử làm Ðiển toạ. Gặp lúc đêm lạnh, Sư vạch trong lò thấy một đóm lửa bằng hạt đậu bỗng nhiên mừng rỡ nói: “Vạch sâu thấy đóm lửa nhỏ xíu, việc bình sinh chỉ như đây.” Sư đứng dậy đến bàn mở bộ Cảnh Ðức truyền đăng lục, đọc đến nhân duyên của sư Phá Táo Ðọa bỗng nhiên triệt ngộ, liền làm kệ:
刀刀林鳥啼。披衣終夜坐
撥火悟平生。窮神歸破墮
事皎人自迷。曲淡誰能和
念之永不忘。門開少人過
Ðao đao lâm điểu đề
Phi y chung dạ toạ
Bát hoả ngộ bình sinh
Cùng thần quy Phá Ðọa
Sự hiểu nhân tự mê
Khúc đạm thuỳ năng hoà
Niệm chi vĩnh bất vong
Môn khai thiểu nhân quá
*Líu lo chim rừng hót
Khoác áo ngồi đêm thâu
Vạch lửa, bình sinh tỏ
Quẫn trí về Phá Ðọa
Việc rõ người tự mê
Nhạc khúc ai hoà được
Nghĩ đó khăng khăng nhớ
Cửa mở, ít người qua.
Sư trước trụ trì chùa Vạn Thọ, sau chùa Long Môn. Danh tiếng của sư vang khắp nơi.
Sư dạy chúng: “Nói ngàn nói muôn không bằng chính mặt thấy, dù chẳng nói cũng tự phân minh. Dụ đao báu vương tử, dụ đám mù sờ voi, trong thiền học việc cách sông đưa tay ngoắt, việc trông châu đình thấy nhau, việc xa bặt chỗ không người, việc chỗ núi sâu bờ cao, đây đều chính mặt thấy đó, chẳng ở nói suông vậy.”
Sắp tịch, Sư ngồi Kết già bảo đồ chúng: “Những bậc lão túc các nơi sắp tịch để kệ từ biệt thế gian, thế gian có thể từ biệt sao? Sắp đi an ổn!” Nói xong Sư vui vẻ chắp tay viên tịch.

Thảo Ðường

Từ Điển Đạo Uyển

草堂; tk. 11
Thiền sư Trung Quốc thuộc Vân Môn tông người đã đem dòng thiền này đến Việt Nam. Sư là môn đệ của Thiền sư Tuyết Ðậu Trọng Hiển, không biết vì lí do gì sang ở Chiêm Thành và bị vua Lí Thánh Tông bắt làm tù binh năm 1069 trong cuộc chiến tranh với Chiêm Thành. Khám phá ra Thảo Ðường là một Cao tăng, bị bắt trong lúc đi truyền giáo pháp, Lí Thánh Tông phong làm Quốc sư. Ðến 50 tuổi, Sư có chút bệnh, ngồi kết già viên tịch.
Thảo Ðường lập ra một dòng Thiền, đó là dòng thiền thứ ba của Việt Nam, bên cạnh Tì-ni-đa Lưu-chi và Vô Ngôn Thông. Thiền sư Tuyết Ðậu có đặc điểm là dung hợp Phật giáo và Nho giáo và cũng như thầy mình, Thảo Ðường và các môn đệ sau này thiên về văn chương và trí thức. Dòng Thảo Ðường truyền được sáu thế hệ, trong đó thế hệ thứ hai phải kể Lí Thánh Tông, một nhà vua kiệt xuất. Trong phái này có cả hai Thiền sư Minh Không và Giác Hải, vốn thuộc dòng Vô Ngôn Thông nhưng lại theo học với phái Thảo Ðường, đồng thời lại có khuynh hướng Mật tông kì bí. Hai nhà vua Lí Anh Tông và Lí Cao Tông cũng được xem là thuộc phái Thảo Ðường.

Tháp

Từ Điển Đạo Uyển

塔; C: tǎ; J: tō; S: stūpa; P: thūpa; dịch nguyên âm là Tháp-bà, dịch nghĩa là Cao hiển xứ, Miếu, Linh miếu, cũng được gọi là Bảo tháp;
Kiến trúc Phật giáo, một trong những đặc trưng của chùa chiền thánh tích đạo Phật.
Từ xưa, tháp trước hết là nơi chứa đựng Xá-lị (s: śarīra) các vị Phật hoặc các bậc Thánh. Tháp cũng được xây dựng tại các thánh tích quan trọng, kỉ niệm cuộc đời của đức Thích-ca Mâu-ni (Lam-tì-ni, Giác Thành, Câu-thi-na, Vương xá). Dưới thời vua A-dục, thế kỉ thứ 3, nhiều tháp được xây để thờ các vị thánh, ngày nay vẫn còn.

H 52: Ba dạng tháp khác nhau (từ trái sang phải): nghệ thuật Ấn Ðộ, nghệ thuật Càn-đa-la và Tây Tạng.
Tháp không nhất thiết là những nơi chứa đựng Xá-lị, đó cũng là nơi chứa đựng kinh điển, tranh tượng. Một trong những tháp lớn nhất còn tới ngày nay là Bô-rô-bu-đua (e: borobudur) tại Nam Dương (indonesia). Tháp cũng là một trong những đối tượng thiền quán, thường thường có nhiều ý nghĩa tượng trưng. Các bậc thang lên tháp đôi lúc biểu hiện cho các khái niệm Ðại thừa, như bốn bậc là từ, bi, hỉ, xả hay mười bậc là Thập địa. Tại Kiến-chí (sāñcī), Ấn Ðộ, người ta tìm thấy những tháp xưa nhất. Ðó là những kiến trúc hình bán cầu xây trên nền hình tròn. Trên bán cầu thường có những kiến trúc bằng đá. Trong tháp thường có những hộp đựng xá-lị, các hộp đó cũng có hình tháp, làm bằng vật liệu quý, đặt ngay tại giữa bán cầu hoặc trên đỉnh. Từ các tháp tại Kiến-chí, người ta xây các kiến trúc tương tự, kể từ đầu Công nguyên. Ngay cả kiến trúc các chùa tại Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam cũng có nguồn gốc từ các tháp này.
Một loại kiến trúc tháp khác, xuất phát từ Càn-đà-la (Tây bắc Ấn Ðộ), trong đó nền hình tròn bằng phẳng nói trên được thay thế bằng một nền hình ống, chia thành nhiều đoạn. Phần bán cầu cũng được kéo dài ra, nhưng so với nền hình ống thì nhỏ hơn trước. Phần nằm trên bán cầu cũng được kéo dài, chia nhiều tầng, biến thành hình nón. Khoảng giữa những năm 150 và 400 sau Công nguyên, phần gốc hình ống lại biến thành vuông và trở thành phổ biến tại vùng Nam Á.
Tại Tây Tạng, kiến trúc tháp có mối liên hệ trực tiếp với giáo pháp Ðại thừa. Bốn bậc thấp nhất của tháp tượng trưng cho bốn tâm từ, bi, hỉ, xả. Trên đó là mười bậc tượng trưng cho mười bậc tu học của Bồ Tát (Thập địa). Trung tâm của tháp gồm có một kiến trúc hay một linh ảnh, tượng trưng cho Bồ-đề tâm (s: bodhicitta). Trên đó là 13 tầng tháp, tượng trưng cho các phương tiện truyền pháp khác nhau, trên đó là một hoa sen năm cánh, tượng trưng cho Ngũ Phật và cao nhất là hình mặt trời tượng trưng cho Chân như.

Thấp

Từ Điển Đạo Uyển

濕; C: shī; J: shitsu;
1. Sự ẩm ướt, hơi ẩm; bị ẩm ướt; sự ẩm ướt, không khí ẩm thấp; 2. Vật có tính lỏng, hay thay đổi; điểm đặc thù của nước; 3. Tính bầy nhầy, kết dính; 4. Tính lỏng, độ chảy loãng (s: drava, dravatva).

Thập địa

Từ Điển Đạo Uyển

十地; S: daśabhūmi;
Mười quả vị tu chứng của các vị Bồ Tát. Có nhiều hệ thống khác nhau nhưng theo Bồ Tát địa (菩薩地; s: bodhisattva-bhūmi) và Thập địa kinh (十地經; s: daśabhūmika-sūtra) thì Thập địa gồm:
1. Hoan hỉ địa (歡喜地; pramuditā-bhūmi): Ðắc quả này Bồ Tát rất hoan hỉ trên đường Giác ngộ (bodhi). Bồ Tát đã phát Bồ-đề tâm và thệ nguyện cứu độ tất cả các chúng sinh thoát khỏi Luân hồi (saṃsāra), không còn nghĩ tới mình, Bố thí (dāna) không cầu phúc và chứng được tính Vô ngã (anātman) của tất cả các Pháp (dharma).
2. Li cấu địa (離垢地; vimalā-bhūmi): Bồ Tát giữ Giới (śīla) và thực hiện thiền định (dhyāna, samādhi).
3. Phát quang địa (發光地; prabhākārī-bhūmi): Bồ Tát chứng được quy luật Vô thường (anitya), tu trì tâm Nhẫn nhục (kṣānti) khi gặp chướng ngại trong việc cứu độ tất cả chúng sinh. Ðể đạt đến cấp này, Bồ Tát phải diệt trừ Ba độc là tham, sân, si, thực hiện được bốn cấp định an chỉ (dhyāna) của Bốn xứ và chứng đạt năm thành phần trong Lục thông (abhijñā).
4. Diệm huệ địa (燄慧地; arciṣmatī-bhūmi): Bồ Tát đốt hết tất cả những quan niệm sai lầm, tu tập trí huệ, Bát-nhã (prajñā) và 37 Bồ-đề phần (bodhipākṣika-dharma).
5. Cực nan thắng địa (極難勝地; sudurja-yā-bhūmi): Bồ Tát nhập định, đạt trí huệ, nhờ đó liễu ngộ Tứ diệu đế và Chân như, tiêu diệt nghi ngờ và biết phân biệt. Bồ Tát tiếp tục hành trì 37 giác chi.
6. Hiện tiền địa (現前地; abhimukhī-bhū-mi): Bồ Tát liễu ngộ mọi pháp là vô ngã, ngộ lí Mười hai nhân duyên và chuyển hoá trí phân biệt thành trí bát-nhã, nhận thức tính Không. Trong xứ này, Bồ Tát đã đạt đến trí huệ Bồ-đề (bodhi) và có thể nhập Niết-bàn thường trụ (pratiṣṭhita-nirvāṇa). Vì lòng từ bi đối với chúng sinh, Bồ Tát lưu lại trong thế gian, nhưng không bị sinh tử ràng buộc, đó là Niết-bàn vô trụ (apratiṣṭhita-nirvāṇa).
7. Viễn hành địa (遠行地; dūraṅgamā-bhū-mi): đạt tới cảnh giới này, Bồ Tát đầy đủ khả năng, có mọi phương tiện (upāya) để giáo hoá chúng sinh. Ðây là giai đoạn mà Bồ Tát tuỳ ý xuất hiện trong một dạng bất kì.
8. Bất động địa (不動地; acalā-bhūmi): trong giai đoạn này, không còn bất kì cảnh ngộ gì làm Bồ Tát dao động. Bồ Tát đã biết lúc nào mình đạt Phật quả.
9. Thiện huệ địa (善慧地; sādhumatī-bhū-mi): Trí huệ Bồ Tát viên mãn, đạt Mười lực (daśabala), Lục thông (ṣaḍabhijñā), Bốn tự tín, Tám giải thoát. Biết rõ cơ sở mọi giáo pháp và giảng dạy giáo pháp.
10. Pháp vân địa (法雲地; dharmameghā-bhūmi): Bồ Tát đạt Nhất thiết trí (sarvajña-tā), đại hạnh. Pháp thân của Bồ tát đã đạt tới mức viên mãn. Ngài ngự trên toà sen với vô số Bồ Tát chung quanh trong cung trời Ðâu-suất. Phật quả của Ngài đã được chư Phật ấn chứng. Những Bồ Tát đạt cấp này là Di-lặc (maitreya), Quán Thế Âm (avaloki-teśvara) và Văn-thù (mañjuśrī).

Thập địa Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

十地經; S: daśabhūmika, daśabhūmīśvara;
Một phần độc lập của Ðại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh (s: buddhāvataṃsaka-sūtra) do Bồ Tát Kim Cương Tạng (s: vajra-garbha) trình bày với Ðức Phật về các giai đoạn tu chứng. Một bài luận quan trọng của Thế Thân (s: vasubandhu) về Thập địa được Bồ-đề Lưu-chi (bodhiruci) dịch ra chữ Hán, đã trở thành kinh sách cơ bản của Ðịa luận tông, một tông phái cổ của Phật giáo Trung Quốc.

Tháp Miếu

Từ Điển Đạo Uyển

塔廟; C: tǎmiào; J: tōbyō;
Chùa và miếu, Tháp.

Thập Mục Ngưu đồ

Từ Điển Đạo Uyển

十牧牛圖; J: jūgyū-no-zu;
Mười bức tranh chăn trâu nổi tiếng trong Thiền tông, tương ưng với quá trình hành đạo của một người phát nguyện đạt Giác ngộ. Mười bức tranh này có thể xem là biểu hiện cô đọng nhất, trình bày tinh hoa của Phật giáo Ðại thừa.
Các bức tranh chăn trâu được sáng tạo trong thời nhà Tống (960-1279) và ngay từ đầu đã được xem như những bức hoạ tiêu biểu, trình bày tinh hoa, cốt tuỷ của Thiền Trung Quốc. Có nhiều bộ tranh – có thuyết nói là bốn, thuyết khác nói là 5, 6 chăn trâu khác nhau – nhưng có lẽ nổi danh nhất và cũng bao hàm ý nghĩa nhiều nhất là bộ với mười bức tranh của Thiền sư Khuếch Am Sư Viễn (廓庵師遠; c: kuòān shīyuǎn; j: kakuan shion; ~ 1150), được lưu lại trong bản sao của hoạ sĩ người Nhật tên Châu Văn (周文; shūbun; ?-1460). Một bộ khác với sáu bức tranh cũng thường được nhắc đến. Ban đầu, Thiền sư Thanh Cư (清居; c: qīngjū; j: seikyo) chỉ vẽ có năm bức nhưng sau, Thiền sư Tự Ðắc (自得; c: zìdé; j: jitoku; tk. 12) vẽ thêm bức tranh thứ sáu. Trong bộ này, con trâu dần dần trắng ra và cuối cùng thì trắng hoàn toàn, một biểu tượng cho chân tâm thanh tịnh, vô cấu.
Mười bức tranh sau được xem là của Thiền sư Khuếch Am, được trích từ tác phẩm Thiền nhục, Thiền cốt (Zen flesch, Zen bones) của Paul Reps. Những bức tranh này cũng được chú thích rất rõ, rất hay trong Thiền luận của Dai-setz Tei-ta-ro Su-zu-ki, bản dịch của Trúc Thiên và Tuệ Sĩ. Bài tụng của Thiền sư Khuếch Am được Thích Thanh Từ dịch.

H 53: Tìm trâu (tầm ngưu 尋牛, 1)
Nao nao vạch cỏ kiếm tìm trâu
Núi thẳm đường xa nước lại sâu
Kiệt sức mệt nhoài tìm chẳng thấy
Chỉ nghe réo rắt giọng ve sầu.

H 54: Thấy dấu (kiến tích 見跡, 2)
Ven rừng bến nước dấu liên hồi
Vạch cỏ ruồng cây thấy được thôi
Ví phải non sâu lại sâu thẳm
Ngất trời lỗ mũi hiện ra rồi.

H 55: Thấy trâu (kiến ngưu 見牛, 3)
Hoàng anh cất tiếng hót trên cành
Nắng ấm gió hoà bờ liễu xanh
Chỉ thế không nơi xoay trở lại
Ðầu sừng rành rõ vẽ khôn thành

H 56: Bắt trâu (đắc ngưu 得牛, 4)
Dùng hết thần công bắt được y
Tâm hùng sức mạnh khó khăn ghì
Có khi vừa hướng cao nguyên tiến
Lại xuống khói mây mãi nằm ì

H 57: Chăn trâu (mục ngưu 牧牛, 5)
Nắm chặt dây roi chẳng lìa thân
Ngại y chạy sổng vào bụi trần
Chăm chăm chăn dữ thuần hoà dã
Dây mũi buông rồi vẫn theo gần

H 58: Cỡi trâu về nhà (kị ngưu quy gia 騎牛歸家, 6)
Cỡi trâu thong thả trở về nhà
Tiếng sáo vi vu tiễn vãn hà
Một nhịp một ca vô hạn ý
Tri âm nào phải động môi à

H 59: Quên trâu còn người (vong ngưu tồn nhân 忘牛存人, 7)
Cỡi trâu về thẳng đến gia san
Trâu đã không rồi người cũng nhàn
Mặt nhật ba sào vẫn say mộng
Dây roi dẹp bỏ bên cạnh sàng

H 60: Người, trâu đều quên (nhân ngưu câu vong 人牛俱忘, 8)
Roi gậy, người trâu thảy đều không
Trời xanh thăm thẳm tin chẳng thông
Lò hồng rừng rực nào dung tuyết
Ðến đó mới hay hiệp Tổ Tông

H 61: Trở về nguồn cội (phản bản hoàn nguyên 返本還源, 9)
Phản bản hoàn nguyên đã phí công
Ðâu bằng thẳng đó tợ mù câm
Trong am chẳng thấy ngoài vật khác
Nước tự mênh mông hoa tự hồng

H 62: Thõng tay vào chợ (nhập triền thuỳ thủ 入廛垂手, 10)
Chân trần bày ngực thẳng vào thành
Tô đất trét bùn nụ cười thanh
Bí quyết thần tiên đâu cần đến
Cây khô cũng khiến nở hoa lành
… Lúc còn trụ tại Quy Sơn, sư Trường Khánh Ðại An dạy chúng: “… Sở dĩ, Ðại An này ở tại Quy Sơn ba mươi năm, ăn cơm Quy Sơn, đại tiện Quy Sơn mà không học thiền Quy Sơn, chỉ coi chừng con trâu. Nếu nó lạc đường hay vào trong cỏ liền lôi nó lại. Nếu nó ăn lúa mạ của người liền dánh đập điều phục nó… Bây giờ nó đã trở thành con trâu trắng đứng trước mặt, trọn ngày hiện sờ sờ đuổi cũng chẳng đi…”.
Mã Tổ hỏi sư Thạch Củng Huệ Tạng: “Làm việc gì?” Sư thưa: “Chăn trâu.” Tổ hỏi: “Làm sao chăn?” Sư đáp: “Một khi vào cỏ thì nắm mũi kéo lại.” Tổ nghe bảo: “Con thật là khéo chăn trâu.”

Thấp Sinh

Từ Điển Đạo Uyển

濕生; C: shīshēng; J: shitsushō;
(Các loài) sinh nơi ẩm thấp; như muỗi và các côn trùng khác. Một trong Tứ sinh (四生).

Thập Thiện

Từ Điển Đạo Uyển

十善; S: daśakuśalakarmāṇi
Là mười việc thiện được thực hiện qua thân (3), khẩu (4) và ý (3). Thập thiện bao gồm:
1. Bất sát sinh (不殺生; s: pāṇāṭipātā paṭi-virati); 2. Bất thâu đạo (不偷盜; adat-tādānādvirati), tức là không trộm cắp; 3. Bất tà dâm (不邪婬; kāmamithyācārādvira-ti); 4. Bất vọng ngữ (不妄語; mṛṣāvā-dātvirati), nghĩa là không nói xằng, nói bậy; 5. Bất lưỡng thiệt (不兩舌; paisunyātvira-ti), không nói hai lời; 6. Bất ác khẩu (不惡口; pāruṣyātprativirati), không nói xấu người; 7. Bất ỷ ngữ (不綺語; saṃbinnapra-lāpātprativirati), không dùng lời thêu dệt không đâu; 8. Bất tham dục (不貪欲; abhi-dhyāyāḥprativirati); 9. Bất thận khuể (不慎恚; vyāpādātprativirati), không giận dữ; 10. Bất tà kiến (不邪見; mithyādṛṣṭi-prativi-rati), không ôm ấp những ý niệm, kiến giải sai lầm.

Thất ác

Từ Điển Đạo Uyển

七惡; C: qī è; J: shichiaku;
Bảy hành vi xấu ác: ba thuộc về thân và bốn thuộc về khẩu.

Thất Bách Kết Tập

Từ Điển Đạo Uyển

七百結集; C: qībăi jiéjí; J: shichihyaku keketsujū;
Lần kết tập thứ hai của Phật giáo (với sự tham dự của bảy trăm vị A-la-hán) tại Tì-xá-li (s: vaiśālī). Đệ nhị kết tập (第二結集).

Thất Bách Tập Pháp

Từ Điển Đạo Uyển

七百集法; C: qībăi jífǎ; J: shichihyaku shūhō;
Lần kết tập thứ hai của Phật giáo (với sự tham dự của bảy trăm vị A-la-hán) tại Tì-xá-li (s: vaiśālī). Đệ nhị kết tập (第二結集).

Thất Bảo

Từ Điển Đạo Uyển

七寶; C: qībăo; J: shichihō;
Bảy loại châu báu. Nhiều kinh luận Phật học đề cập đến bảy loại châu báu khác nhau. Thông dụng nhất là: 1. Vàng (金), bạc (銀), lưu li (琉璃), pha lê (頗胝迦), xa cừ (硨磲), xích châu (赤珠), mã não (碼瑙); 2. San hô, hổ phách, như ý châu (s: cintāmaṇi), kiṃśuka, śakrābhilagna, ngọc lục bảo, kim cương; 3. Vàng, bạc, lưu li, san hô, hổ phách, xa cừ, mã não….

Thất Câu Chi Phật Mẫu Sở Thuyết Chuẩn-đề đà-La-Ni Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

七倶胝佛母所説准提陀羅尼經; C: qī jùzhī fómǔ suǒshuō zhǔntí tuóluóníjīng; J: shichi kutei butsumo josetsu jundei darani kyō;
Kinh. Có nhiều bản dịch: 1. Thất Câu chi Phật mẫu tâm Đại Chuẩn-đề đà-la-ni kinh (七倶胝佛母心大准提陀羅尼經). Viết tắt là Đại Chuẩn-đề đà-la-ni kinh (大准提陀羅尼經), 1 quyển, Địa-bà Ha-la (地婆訶羅; s: divākara) dịch; 2. Thất Câu chi Phật mẫu Chuẩn-đề đại minh đà-la-ni kinh (七倶胝佛母准提大明陀羅尼經), 2 quyển, Kim Cương Trí (金剛智; s: vajrabodhi) dịch; 3. Thất Câu chi Phật mẫu sở thuyết Chuẩn-đề đà-la-ni kinh (七倶胝佛母所説准提陀羅尼經), viết tắt là Chuẩn-đề đà-la-ni kinh (准提陀羅尼經), 1 quyển, Bất Không dịch. Bản dịch nầy cấu trúc trong sáng hơn bản dịch trước. Luận giải bằng tiếng Hán của Hoằng Tán (弘贊) gồm có: Thất Câu chi Phật mẫu sở thuyết Chuẩn-đề đà-la-ni kinh hội thích (七倶胝佛母所説準提陀羅尼經會釋) và Trì tụng Chuẩn-đề chân ngôn pháp yếu (持誦準提眞言法要).

Thất Chúng

Từ Điển Đạo Uyển

七衆; C: qīzhòng; J: shichishu;
Bảy chúng đệ tử Phật. Gồm: 1. Tỉ-khâu, 2. Tỉ-khâu-ni, 3. Ưu-bà-tắc (cư sĩ nam), 4. Ưu-bà-di (cư sĩ nữ), 5. Sa-di (沙彌): Tăng trẻ chưa đủ tuổi thụ giới Tỉ-khâu, 6. Sa-di ni (沙彌尼): Ni chưa đủ tuổi thụ giới Tỉ-khâu-ni. Trong ni giới, đặc biệt có số người trong dạng chuyển tiếp, là sa-di-ni đã lớn tuổi, chuẩn bị thụ giới Tỉ-khâu-ni, được gọi là Thức-xoa-ma-na (式叉摩那; s: śikṣamāṇā, p: sikkhamānā). Hai nhóm đầu tiên thực hành toàn bộ giới luật đức Phật đã chế. Hai nhóm cư sĩ chỉ giữ năm giới (五戒). Thức-xoa-ma-na ngoài giới sa-di còn phải thực hành thêm Sáu học pháp (六法); Sa-di và sa-di-ni giữ Mười giới (十戒).

Thất Chủng Chân Như

Từ Điển Đạo Uyển

七種眞如; C: qīzhǒng zhēnrú; J: shichishu shinnyo;
Bảy loại chân như được đề cập trong bài luận về mười tám loại tính Không (Thập bát Không luận 十八空論). Đó là: Sinh chân như (生眞如), Tướng chân như (相眞如), Thức chân như (識眞如), Y chỉ chân như (依止眞如), Tà hạnh chân như (邪行眞如), Thanh tịnh chân như (清淨眞如) và Chính hạnh chân như (正行眞如).

Thất Diệu Nhương Tai Quyết

Từ Điển Đạo Uyển

七曜攘災決; C: qīyào răngzāi jué; J: shichiyō jōsai ketsu;
Một quyển, Kim-câu-tra (金倶吒; s: koṅta) dịch.

Thất địa

Từ Điển Đạo Uyển

七地; C: qīdì; J: shichiji;
Địa thứ bảy trong Thập địa (十地). Còn gọi là Viễn hành địa (遠行地). Gồm một phần của Tu đạo vị (修道位) trong Du-già hành tông.

Thất điều

Từ Điển Đạo Uyển

七條; C: qītiáo; J: shichijō; S: uttara-āsanga;
Một trong ba y (三衣) mà Tỉ-khâu và Tỉ-khâu-ni được phép sử dụng. Đó là y phục may bằng những mảnh vải chắp lại với nhau và có bảy điều (đường may dọc).

Thất Giác Chi

Từ Điển Đạo Uyển

七覺支; C: qījuézhī; J: shichikakushi; S: sapta-bodhy-angāni.
Bảy giác chi.

Thất Mạn

Từ Điển Đạo Uyển

七慢; C: qīmàn; J: shichiman;
Bảy loại kiêu mạn: 1. Mạn (慢; s: māna): Đối với người kém mình mà cho mình hơn; chưa được bằng người mà cho là bằng; 2. Quá mạn (過慢; s: ati-māna): Đối với người bằng mình mà cho là hơn, đối với người hơn mình mà cho mình bằng; 3. Mạn quá mạn (慢過慢; s: mānāti-māna): Đối với người hơn mình mà cho rằng mình hơn họ; 4. Ngã mạn (我慢; s: asmi-māna, ātma-māna): Tự hào có một hợp thể là ngã và ta là sở hữu cái ngã đó; 5. Tăng thượng mạn (增上慢; s: adhi-māna): Chưa chứng đạo mà kiêu hãnh cho rằng mình đã chứng đắc rồi; 6. Ti mạn (卑慢; s: avamāna, ūna-māna): Đối với người tài giỏi, kiêu hãnh cho rằng mình kém họ ít thôi; 7. Tà mạn (邪慢; s: mithyā-māna): Mình không có đức hạnh, trí huệ mà kiêu hãnh cho rằng mình có đủ các điều ấy (theo A-tì-đạt-ma câu-xá thích luận 阿毘達磨倶舎釋論).

Thất Phật

Từ Điển Đạo Uyển

七佛; C: qīfó; J: shichibutsu; S: sapta-tathā-gata.
Bảy đức Phật thời quá khứ, gồm đức Phật Thích-ca Mâu-ni (釋迦牟尼) và sáu vị Phật tiền bối: 1. Tì-bà-thi Phật (毘婆尸佛; s: vi-paśyin; p: vipassin), 2. Thi-khí Phật (尸棄佛; s: śikhin; p: sikkhin), 3. Tì-xá-phù Phật (毘舎浮佛; s: viśvabhū; p: vessabhū), 4. Câu-lưu-tôn Phật (拘留孫佛; s: krakuc-chanda; p: kondañña), 5. Câu-na-hàm Mâu-ni Phật (拘那含牟尼佛; s: kanakamuni; p: konāgamana) và 6. Ca-diếp Phật (迦葉佛; s: kāśyapa; p: kassapa).

Thất Phật Danh Hiệu Công đức Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

七佛名號功德經; C: qīfó mínghào gōngdé jīng; J: shichibutsu myōgō kudoku kyō;
Tên gọi tắt của Thụ trì thất Phật danh hiệu sở sinh công đức kinh (受持七佛名號所生功德經).

Thất Phật Danh Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

七佛名經; C: qīfó ming jīng; J: shichibutsu myō kyō;
Tên gọi tắt của Thụ trì thất Phật danh hiệu sở sinh công đức kinh (受持七佛名號所生功德經).

Thất Phật Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

七佛經; C: qīfó jīng; J: shichibutsu kyō;
Kinh, một quyển, Pháp Thiên (法天) dịch, nằm trong bộ A-hàm. Là một trong năm bản dịch của kinh nầy, ghi chép hành trạng của bảy vị Phật thời quá khứ. Tên gọi đầy đủ là Phật thuyết thất Phật kinh (佛説七佛經).

Thật Phong Lương Tú

Từ Điển Đạo Uyển

實峰良秀; J: jippō ryōshū; 1318-1405;
Thiền sư Nhật Bản thuộc tông Tào Ðộng, một trong năm vị đại đệ tử của Thiền sư Nga Sơn Thiều Thạc (gasan jōseki, 1275-1365). Sư là một Thiền sư rất tài năng uyên bác. Tương truyền rằng, khi nhìn thấy Thập mục ngưu đồ, Sư quyết tâm tu học thiền. Sư lưu lại nơi Nga Sơn hơn mười năm giữ chức thị giả. Sư có công khai sáng Vĩnh Trường tự (eishō-ji) tại Bitchū. Môn đệ của Sư hoằng hoá khắp cả nước Nhật.

Thất Sinh

Từ Điển Đạo Uyển

七生; C: qīshēng; J: shichishō;
1. Bảy đời, tái sinh vào trong thế gian bảy đời; 2. Là số lần mà một vị Dự lưu (預流) sẽ phải tái sinh trong cõi luân hồi.

Thất Tài

Từ Điển Đạo Uyển

七財; S: saptadhanāṇi; cũng được gọi là Thất thánh tài;
Bảy của báu của một tu sĩ đạo Phật, bao gồm:
1. Tín tài (信財; śraddhādhana): lòng tin vững chắc là của quý; 2. Giới tài (戒財; śīladhana): lấy giới luật thanh tịnh làm của báu; 3. Tàm tài (慚財; hrīdhana): cung kính tuỳ thuận người có đức hạnh là tài của; 4. Quý tài (愧財; apatrāpya-, apatrapādhana): biết sợ quả báo của tội lỗi, biết xấu hổ; 5. Văn tài (聞財; śrutadhana): lấy việc nghe nhiều lời thuyết pháp, sự hiểu rộng làm tài của; 6. Xả tài (捨財) hoặc Thí tài (施財; tyāgadhana): xem bố thí là tài của riêng; 7. Huệ tài (慧財; prajñādhana): Trí huệ là tài của.

Thất Tâm Giới

Từ Điển Đạo Uyển

七心界; C: qī xīn jiè; J: shichishinkai;
Gồm nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý thức, cộng thêm ý căn (thức thứ bảy). Bảy loại nầy được rút ra từ mười tám giới (Thập bát giới).

Thất Thức

Từ Điển Đạo Uyển

七識; C: qīshì; J: shichishiki;
1. Bảy thức, ngoại trừ A-lại-da thức (阿頼耶識). Chuyển thức (轉識); 2. Đệ thất thức (第七識): Thức thứ bảy, Mạt-na thức (s: manas), nơi có khuynh hướng chấp giữ bản ngã.

Thất Trân

Từ Điển Đạo Uyển

七珍; C: qīzhēn; J: shichichin, shicchin;
Bảy thứ châu báu, bảy thứ ngọc quý, có nghĩa như Thất bảo (七寶).

Thâu đạo

Từ Điển Đạo Uyển

偸盜; C: tōudào; J: tōtō;
Lấy những vật thuộc về người khác; lấy trộm (p: adinnādāna), dồng nghĩa với Bất dữ thủ (不與取). Trong Phật pháp, tội nầy được xếp là một trong Thập ác (十惡), và là giới cấm căn bản trong Ngũ giới (五戒).

Thế

Từ Điển Đạo Uyển

世; C: shì; J: se;
1. Thế giới, vũ trụ, vạn vật; 2. Một thế hệ, một thời đại, 1 kỉ nguyên; 3. Kế thừa, cha truyền con nối; 4. Sống trong thế gian, thuộc về cõi trần, thế tục; 5. Trong Phật pháp, đó là 3 thời: quá khứ, hiện tại, vị lai.

Thế

Từ Điển Đạo Uyển

勢; C: shì; J: sei;
Có các nghĩa sau: 1. Sức mạnh, năng lực, sức lực, sinh lực; 2. Nghị lực, nhiệt tình, sinh khí (s: vega); 3. Thế lực, sức mạnh, quyền lực, uy thế; 4. Lực thúc đẩy, sức đẩy tới; 5. Tiến trình của các pháp, chiều hướng hay khuynh hướng chung; 6. Phương diện, trường hợp, điều kiện.

Thế đế

Từ Điển Đạo Uyển

世諦; C: shìdì; J: setai;
Chân lí, sự thật thế gian hoặc Chân lí tương đối. Thật tại được nhìn từ quan điểm của tâm phân biệt.

Thế đệ Nhất Pháp

Từ Điển Đạo Uyển

世第一法; C: shìdìyīfǎ; J: sedaiippō;
Pháp cao nhất trong thế gian. Theo các trường phái A-tì-đạt-ma thì đây đó là dạng thứ tư của Tứ thiện căn (四善根). Giai vị sau cùng trong hàng Hữu lậu (有漏), khi đến cuối giai đoạn Gia hạnh vị (加行位), sau khi hành giả đạt giai vị Kiến đạo (theo Câu-xá luận). Theo Du-già hành tông, giai vị nầy gọi là Sơ địa (初地), sau đó, hành giả nhập vào Kiến đạo (theo Du-già luận).

Thế Gian

Từ Điển Đạo Uyển

世間; C: shìjiān; J: seken;
1. Thế giới phàm trần. Thuật ngữ thế (世) có nghĩa dời đổi; trong khi chữ gian (間) có nghĩa là hạn cuộc. Có nghĩa là thế giới hiện tượng, thế giới của sự biến hoại (s: loka-dhā-tu, sarva-loka, sarga); 2. Khí thế gian (器世間): thế giới tự nhiên; 3. Trong thế gian; 4. Con người trong trần gian, chúng sinh; 5. Tập quán, phong tục của thế giới phàm trần.

Thế Gian Giải

Từ Điển Đạo Uyển

世間解; C: shìjiānjiě; J: sekenge; S: lokavid; P: loka-vidū;
Người biết thế giới phàm trần. Người hiểu biết toàn triệt về bản chất và sự vận hành của thế giới hiện tượng. Một trong Mười danh hiệu của Đức Phật.

Thế Gian Tĩnh Lự

Từ Điển Đạo Uyển

世間靜慮; C: shìjiān jìnglǜ; J: sekenjōryo;
Thiền định thế gian, một dạng Thiền định ở cấp thấp, trong cõi hữu lậu, giúp cho hành giả giải trừ những phiền não thô trọng (麁重), nhưng không thể chuyển hoá được những chủng tử phiền não nhiễm ô. Phản nghĩa với Vô lậu tĩnh lự (無漏靜慮, theo Du-già luận).

Thế Hữu

Từ Điển Đạo Uyển

世友; C: shìyǒu; J: shou; S: vasumitra; dịch âm là Bà-tu Mật-đa;
Cao tăng Ấn Ðộ sống khoảng đầu thế kỉ thứ hai, người xứ Càn-dà-la (s: gandhāra). Là thượng thủ kiệt xuất của trường phái Hữu bộ (有部; s: sarvāstivāda). Vào lần Kết tập thứ tư, do Vua Ca-nị sắc-ca triệu tập. Sư phục vụ như là vị hướng dẫn 500 vị A-la-hán, những vị hỗ trợ sư biên soạn A-tì-đạt-ma đại tì-bà-sa luận (阿毘達磨大毘婆沙論; s: abhidharma-mahāvibhāṣā-śāstra). Sư được xem là tác giả của A-tì-đạt-ma giới thân túc luận (阿毘達磨界身足論).
Tương truyền Sư cũng là tác giả của hai bộ luận là Dị bộ tông luân luận (s: samayabhe-davyūhacakra-śāstra) và Tôn Bà-tu-mật Bồ Tát sở tập luận (ārya-vasumitra-bodhi-sattva-saṃcita-śāstra). Dưới tên Bà-tu Mật-đa, Sư là Tổ thứ 7 của Thiền tông. Giáo lí của Sư nằm giữa Tiểu thừa và Ðại thừa.

Thế Lai

Từ Điển Đạo Uyển

世來; C: shìlái; J: serai;
Từ quá khứ đến nay, xưa nay.

Thế Lực

Từ Điển Đạo Uyển

勢力; C: shìlì; J: seiriki;
1. Sinh khí, sinh lực, tính hăng hái, tinh sôi nổi (s: vega; theo Câu xá luận 倶舎論); 2. Năng lực lớn lao, sức mạnh to lớn (s: vibhutva); 3. Sức mạnh, năng lực (s: thāma-bala, utsāha); 4. Uy lực lớn (s: virya).

Thế Pháp

Từ Điển Đạo Uyển

世法; C: shìfǎ; J: sehō;
Các pháp thế tục, các sự việc của cõi trần. Các pháp sinh khởi và hoại diệt theo nhân duyên.

Thế Thân

Từ Điển Đạo Uyển

世親; C: shìqīn; J: seshin; S: vasubandhu; ~ 316-396; cũng được dịch là Thiên Thân (天親), gọi theo Hán âm là Bà-tu Bàn-đầu;
Một Luận sư xuất sắc của Nhất thiết hữu bộ (s: sarvāstivāda) và Duy thức tông (s: vijñānavāda), được xem là Tổ thứ 21 của Thiền tông Ấn Ðộ. Người ta cho rằng Sư sinh tại Peshāwar (địa danh ngày nay), sống tại Kashmir và chết tại A-du-đà (ayodhyā). Sư vừa là em vừa là đệ tử của Vô Trước (asaṅga), người sáng lập phái Duy thức. Vô Trước là người đã khuyến dụ Thế Thân theo Ðại thừa.
Có nhiều giả thuyết về con người Thế Thân, trong đó Erich Frauwallner – một nhà Phật học người Ðức – cho rằng có hai người tên Thế Thân, một là luận sư của Nhất thiết hữu bộ, là người soạn A-tì-đạt-ma câu-xá luận nổi danh của phái này. Người kia là em của Vô Trước, đã soạn bộ Duy thức nhị thập luận. Bộ này là sự tổng kết quan điểm của Duy thức tông, được dịch ra chữ Hán và Tây Tạng. Sư cũng là tác giả của Duy thức tam thập tụng, luận giải quan điểm của Duy thức tông, cũng như tác giả của nhiều bài luận về các tác phẩm của Vô Trước và về giáo lí Ðại thừa như Thập địa, kinh Kim cương, Diệu pháp liên hoa, Ðại thừa vô lượng thọ trang nghiêm (s: sukhāvatī-vyūha).
Sư sinh ra trong một gia đình Bà-la-môn, một năm sau khi người anh là Vô Trước thụ giới cụ túc. Lúc đầu, Sư học giáo lí Tiểu thừa tại Phú-lâu-sa Phú-la (s: puruṣapura), sau đó tại Kashmir. Sau bốn năm ngụ tại Kashmir (342-346), Sư trở về Phú-lâu-sa Phú-la và soạn bộ luận A-tì-đạt-ma câu-xá (abhidharmakośa). Sau đó, Sư đi du phương và danh tiếng của Sư là một nhà biện luận xuất chúng vang dội. Khi gặp Vô Trước tại Phú-lâu-sa Phú-la và được người anh giảng giải giáo lí Ðại thừa, Sư bỗng nhiên tỉnh ngộ, bắt đầu say mê nghiên cứu Ðại thừa và viết luận về kinh điển hệ này, nhất là Bát-nhã ba-la-mật-đa kinh. Sư biên soạn nhiều bài luận, trong đó Sư hệ thống hoá tư tưởng “Duy thức” được lập nên bởi Vô Trước.


H 63: Thế Thân trong tư thế dương cung, bắn một mũi tên vô hình để phá những thuyết giải của địch thủ.
Khoảng năm 383, vua Candragupta II. Vikramā-ditya (Siêu Nhật) mời Sư làm đạo sư cho vương tử Govindagupta Bālāditya (Tân Nhật) trong cung điện tại A-du-đà (ayodhyā). Sư nhận lời và nhân thời cơ này khuyến khích vương triều làm những việc thiện như xây dựng bệnh viện, trường học và nhà ở công cộng. Sau đó một thời gian, Sư cũng hoằng hoá tại viện Na-lan-đà. Ðệ tử xuất sắc nhất của Sư là nhà Nhân minh học lừng danh Trần-na (diṅnāga). Sau khi Govindagupta lên ngôi, ông lại mời Sư đến triều đình giảng dạy và định cư tại đây. Sư nhận lời mời nhưng vẫn thường hay du phương và tuỳ cơ giáo hoá. Những bài luận cuối cùng của Sư được soạn tại Sa-ka-la (śākala) và Kiều-thướng-di (kauśambī). Năm 396, Sư tịch tại A-du-đà (một thuyết khác là tại Nepāl).
Các tác phẩm còn lưu lại dưới tên Sư (trích): 1. A-tì-đạt-ma câu-xá luận (s: abhidharmakośaśāstra), bao gồm A-tì-đạt-ma câu-xá luận tụng (abhidharmako-śa-śāstra-kārikā) và A-tì-đạt-ma câu-xá luận thích (abhidharmakośa-bhāṣya); 2. Duy thức nhị thập luận (tụng) (viṃśatikāvijñāptimātratāsiddhi-kārikā), còn bản Tạng và Hán ngữ. Có ba bản Hán văn, Huyền Trang dịch 1 quyển, Chân Ðế (paramārtha) dịch riêng 1 quyển dưới tên Ðại thừa duy thức luận, Bát-nhã Lưu-chi (prajñāruci) dịch 1 quyển dưới tên Duy thức luận; 3. Duy thức nhị thập luận thích (viṃśatikā-vṛtti), còn bản Tạng và Phạn; 4. Duy thức tam thập tụng (triṃśikā-vijñāptimātratāsiddhi-kāri-kā), còn bản Tạng và Hán ngữ, Huyền Trang dịch, 1 quyển; 5. Tam tính luận (trisvabhāva-nirdeśa), còn bản Phạn và Tạng ngữ; 6. Biện trung biên luận thích (madhyānta-vibhāga-bhāṣya), còn bản Tạng và Hán ngữ, Huyền Trang dịch; 7. Kim cương bát-nhã ba-la-mật kinh luận (vajracchedikā-prajñāpāramitā-sūtra-śāstra), chỉ còn bản Hán ngữ; 8. Thập địa kinh luận (ārya-daśabhūmi-vyākhyāna), còn bản Tạng và Hán ngữ, bản Hán ngữ được Bồ-đề Lưu-chi (bo-dhiruci) dịch; 9. Ðại thừa kinh trang nghiêm luận thích (mahāyāna-sūtralaṅkāra-vyākhyā), còn bản Tạng và Hán ngữ; 10. Nhiếp đại thừa luận thích (mahāyānasaṃgraha-bhāṣya), còn bản Tạng và Hán ngữ. Có ba bản Hán văn, Huyền Trang dịch gồm 10 quyển, Chân Ðế (paramārtha) dịch gồm 15 quyển, Ðạt-ma Cấp-đa (dharmagupta) dịch riêng 10 quyển dưới tên Nhiếp Ðại thừa thích luận; 11. Ngũ uẩn luận (pañcaskandha-prakaraṇa), chỉ còn bản Tạng và Hán ngữ; 12. Phật tính luận (buddhagotra-śāstra), Chân Ðế dịch, 4 quyển; 13. Ðại thừa bách pháp minh môn luận (mahāyāna-śatadharmavidyā-dvāra-śāstra), 1 quyển, Huyền Trang dịch; 14. Diệu pháp liên hoa kinh ưu-ba-đề-xá (saddharmapuṇḍa-rīka-sūtropadeśa), 2 quyển, Bồ-đề Lưu-chi cùng Ðàm Lâm dịch; 15. Chuyển pháp luân kinh ưu-ba-đề-xá (dharmacakra-pravartana-sūtropadeśa), 1 quyển, Tì-mục Trí Tiên dịch; 16. Vô lượng thọ kinh ưu-ba-đề-xá (amitāyussūtropadeśa), 1 quyển, Bồ-đề Lưu-chi dịch; 17. Lục môn giáo thụ tập định luận (Phạn?), 1 quyển, Nghĩa Tịnh dịch; 18. Niết-bàn kinh bản hữu kim vô kệ luận (Phạn?), 1 quyển, Chân Ðế dịch; 19. Niết-bàn luận (Phạn?), 1 quyển, Ðạt-ma Bồ-đề (dharmabodhi) dịch; 20. Như thật luận; 21. Thắng tư duy phạm thiên sở vấn kinh luận; 22. Thành nghiệp luận (karmasiddhi-prakara-ṇa), còn bản Hán và Tạng ngữ; 23. śīlaparikathā, một bài luận ngắn về giới, cho rằng giữ giới luật hiệu nghiệm hơn bố thí (dāna), chỉ còn bản Tạng ngữ; 24. Duyên khởi kinh thích (pratītyasamutpāda-sūtrabhāṣya), một phần Phạn ngữ đã được tìm lại, giáo sư Giuseppe Tucci xuất bản.

Thế Thế

Từ Điển Đạo Uyển

世世; C: shìshì; J: seze;
Đời nầy kế tiếp đời khác. Thế hệ nầy nối tiếp thế hệ khác. Thời nầy tiếp theo thời khác.

Thế Tốc

Từ Điển Đạo Uyển

勢速; C: shìsù; J: seisoku;
Sự nhanh chóng, tức thời. Một trong 24 Tâm bất tương ưng hành pháp trong giáo lí Duy thức. Một phần tử tạm thời được lập ra rất nhanh chóng trong năng lực của pháp hữu vi sinh khởi và hoại diệt không dừng nghỉ.

Thế Tôn

Từ Điển Đạo Uyển

世尊; C: shìzūn; J: seson;
Chuyển ngữ của chữ Bhagavat từ tiếng Phạn và Pa-li và lokanātha từ Phạn ngữ, có nghĩa là “Đấng dược thế gian tôn trọng”. Một trong Mười danh hiệu cua Đức Phật (thập hiệu 十號).

Thế Trí

Từ Điển Đạo Uyển

世智; C: shìzhì; J: sechi;
Tri thức thế gian, tri thức thuộc về cõi phàm trần. Là tri thức nhiễm ô của hàng phàm phu. Còn gọi là Thế tục trí (世俗智).

Thế Tục

Từ Điển Đạo Uyển

世俗; C: shìsú; J: sezoku;
1. Thế gian, trần tục, thế tục, không giải thoát; phản nghĩa với thiêng liêng, siêu phàm, giải thoát, xuất thế gian. Cũng gọi là Thế gian (世間); 2. Chỉ Thế tục đế (世俗諦), để phân biệt với Chân đế.

Thế Tục đế

Từ Điển Đạo Uyển

世俗諦; C: shìsúdì; J: seizokutai;
Chân lí tương đối, chân lí của thế gian. Là thật tại được nhìn từ phía chúng sinh chưa giác ngộ. Con gọi là Thế đế, Tục đế (s: loka-saṃvṛti-satya, saṃvṛti-satya; t: kun rdsob bden pa). Phản nghĩa với Thắng nghĩa đế (勝義諦), Chân đế (眞諦). Nhị đế (二諦).

Thế Tục Khổ

Từ Điển Đạo Uyển

世俗苦; C: shìsúkǔ; J: sesokko;
Cái khổ trong thế gian, khổ của hàng phàm phu.

Thế Tục Trí

Từ Điển Đạo Uyển

世俗智; C: shìsúzhì; J: sezokuchi;
Trí thế gian. Tri thức của người chưa giác ngộ, tương đương với “nhiễm ô trí” hoặc Hữu lậu trí (有漏智). Một trong 10 loại trí (Thập trí 十智).

Thị

Từ Điển Đạo Uyển

是; C: shì; J: ze;
1. Phải, đúng; 2. Đây, nầy (此); 3. Là; chính là (hệ từ); 4. Đúng là. Thích đáng, thích hợp hoàn toàn; 4. Chính là đây; 5. Hoàn hảo.

Thị Cố

Từ Điển Đạo Uyển

是故; C: shìgù; J: shiko, zeko, konoyueni;
1. Cho nên, như vậy; 2. Vì lí do nầy, vì việc nầy.

Thị Giả

Từ Điển Đạo Uyển

侍者
Là người hầu cận của một vị thầy, của một vị Thiền sư, một Cao tăng. Thị giả nổi danh nhất có lẽ là Tôn giả A-nan-đà, người hầu cận đức Phật Thích-ca khi Ngài còn tại thế.

Thị Phi

Từ Điển Đạo Uyển

是非; C: shìfēi; J: zehi;
Được và không. Đúng và sai; xác định và phủ định.

Thị Tòng

Từ Điển Đạo Uyển

侍從; C: shìcóng; J: shijū.
Theo hầu; chăm sóc; phục vụ (theo Pháp Hoa kinh 法華經).

Thích-Ca

Từ Điển Đạo Uyển

釋迦; S: śākya; P: sakka;
Dòng dõi quý tộc, gốc của vị Phật lịch sử Tất-đạt-đa. Dòng Thích-ca là dòng cai trị một trong 16 vương quốc của Ấn Ðộ thời bấy giờ, ngày nay thuộc miền Nam Nepāl. Kinh đô thời đó là Ca-tì-la-vệ (s: kapilavastu), là nơi đức Phật sinh ra và trưởng thành. Vua cha của Phật là Tịnh Phạn (s, p: sud-dhodana), trị vì tiểu vương Thích-ca.
Thời bấy giờ, tiểu vương dòng Thích-ca có một hội đồng trưởng lão tham gia quốc sự, nhưng tiểu vương này bị phụ thuộc vào nước Kiêu-tát-la (s: kośala). Ngay trong thời đức Phật còn tại thế, tiểu vương Thích-ca bị một quốc vương của Kiêu-tát-la đem quân xâm chiếm và tiêu diệt gần hết. Sau khi Phật thành đạo và trở lại Ca-tì-la-vệ giảng dạy, nhiều vị trong dòng dõi Thích-ca xin gia nhập Tăng-già. Tại đó, người thợ cạo Ưu-bà-li (upāli) xin gia nhập, trở thành tăng sĩ trước và vì vậy được xem cao quý hơn các vị lĩnh đạo trong hoàng gia gia nhập sau.

Thích-Ca Mâu-Ni

Từ Điển Đạo Uyển

釋迦牟尼; S: śākyamuni; P: sakkamuni; dịch nghĩa là “Trí giả trầm lặng của dòng Thích-ca” (Mâu-ni);
Một tên khác của Tất-đạt-đa Cồ-đàm (s: siddhārtha gautama) là người sáng lập Phật giáo. Tất-đạt-đa mang tên này sau khi Ngài từ bỏ các vị thầy và tự mình tìm đường giải thoát. Danh hiệu “Thích-ca Mâu-ni” thường được dùng để chỉ vị Phật lịch sử đã từng sống trên trái đất này, nhằm phân biệt với các vị Phật khác.


H 64: Thích-ca Mâu-ni, Trí giả trầm lặng của dòng Thích-ca

Thiên

Từ Điển Đạo Uyển

偏; C: piān; J: hen;
Có các nghĩa sau: 1. Nghiêng về một phía. Khuynh hướng, thiên vị, thành kiến. Quả quyết, trong ý không tốt; 2. Đôi lúc do những nét viết giống nhau, từ nầy cũng được dùng khác hẳn với nghĩa chính xác của nó là Biến (遍, 徧), có nghĩa là toàn thể, hoàn toàn, rộng khắp; 3. Biến đổi, đảo lộn, thay đổi.

Thiên

Từ Điển Đạo Uyển

天; S, P: deva; nguyên nghĩa “người sáng rọi”;
Chỉ chư Thiên, chỉ chúng sinh sống trong thiện đạo (Lục đạo), trong một tình trạng hạnh phúc, tuy nhiên vẫn nằm trong Luân hồi (saṃsāra). Nhờ những nghiệp tốt đã tạo, chư thiên có thọ mệnh rất dài và rất sung sướng. Nhưng chính hạnh phúc này là chướng ngại trên đường giải thoát vì họ không hiểu được khổ đế trong Tứ diệu đế.
Theo Phật giáo, có 28 cõi thiên, gồm có 6 thuộc Dục giới (s, p: kāmaloka, kāmadhātu), 18 thuộc Sắc giới (s, p: rūpaloka, rūpadhātu) và 4 thuộc Vô sắc giới (s, p: arūpaloka, arūpadhātu, xem Ba thế giới; s: triloka).
Trong Dục giới có: 1. Tứ thiên vương (四天王; s: caturmahārājika-deva), sống gần núi Tu-di; 2. Tam thập tam thiên (三十三; s: trāyastriṃśa-deva), chư thiên sống trên đỉnh Tu-di; 3. Dạ-ma thiên (夜摩; s: yāma-, suyāma-deva), sống hạnh phúc trường cửu; 4. Ðâu-suất thiên (兜率天; s: tuṣita-deva), cõi của thiên nhân “có niềm vui thầm lặng”, chỗ Phật Di-lặc đang giáo hoá; 5. Hoá lạc thiên (化樂天; s: nirmāṇarati-deva), loài thiên nhân thấy niềm vui nơi sự biến hoá; 6. Tha hoá tự tại thiên (他化自在天; paranirmita-vaśavarti-deva), các chư thiên của dục giới còn tham ái xác thịt.
Sinh trong sắc giới là các vị đạt Tứ thiền, đã diệt tận tham ái xác thịt, nhưng vẫn còn sắc thân. Các vị Phạm thiên (brahma) sống trong cấp thấp của sắc giới. Các vị đạt Bốn xứ sẽ sinh trong vô sắc giới, các vị này đã giải thoát khỏi sắc uẩn nhưng vẫn còn có bốn uẩn thụ, tưởng, hành thức (Ngũ uẩn).

Thiền

Từ Điển Đạo Uyển

禪; hoặc Thiền-na (禪那); S: dhyāna; P: jhāna; C: chánnà, chán; J: zenna, zen; Anh ngữ: medita-tion; cũng được dịch nghĩa là Tĩnh lự (靜慮);
Một danh từ được nhiều tôn giáo sử dụng để chỉ những phương pháp tu tập khác nhau, nhưng với một mục đích duy nhất là: đạt kinh nghiệm “Tỉnh giác”, “Giải thoát”, “Giác ngộ.” Trong những trường phái tu tập mật giáo – “mật” (e: esoteric) ở đây có nghĩa là tu tập để tự đạt kinh nghiệm tỉnh giác, không để ý đến những cái rườm rà bên ngoài của tôn giáo, có thể gọi là “bí truyền” – các vị tiền nhân đã nghiên cứu và phát triển những con đường khác nhau thích hợp với cá tính, căn cơ của từng người để đạt đến kinh nghiệm quý báu nói trên. Nếu người ta hiểu “Tôn giáo” là câu trả lời, giải đáp cho những cái “không hoàn hảo”, “không trọn vẹn”, cái “bệnh” của con người thì Thiền chính là liều thuốc trị những bệnh đó.
Dấu hiệu chung của tất cả các dạng tu tập Thiền là sự hướng dẫn con người đạt một tâm trạng tập trung, lắng đọng, như là một hồ nước mà người ta chỉ có thể nhìn thấu đến đáy nếu mặt nước không bị xao động. Tâm trạng bình yên, lắng đọng này có thể đạt được qua nhiều cách khác nhau như luyện tập uốn nắn thân thể theo Ha-tha Du-già (s: haṭhayoga), sự tập trung vào một tấm tranh, một Thăng-ka hoặc âm thanh như Man-tra, một Công án…
Ý chí cương quyết tu tập Thiền sẽ dẫn hành giả đến một tâm trạng Bất nhị, nơi mà những ý nghĩ nhị nguyên như “ta đây vật đó” được chuyển hoá; hành giả đạt sự thống nhất với “Thượng đế”, với cái “Tuyệt đối”, những khái niệm về không gian và thời gian đều được chuyển biến thành cái “hiện tại trường hằng”, hành giả chứng ngộ được sự đồng nhất của thế giới hiện hữu và bản tính. Nếu kinh nghiệm này được trau dồi thâm sâu và hành giả áp dụng nó vào những hành động của cuộc sống hằng ngày thì đó chính là trạng thái mà tất cả những tôn giáo đều gọi chung là “Giải thoát”.
Tiến sĩ khoa tâm lí học kiêm Thiền sư người Anh David Fontana viết tóm tắt rất hay về Thiền và Phi thiền: “Thiền không có nghĩa là: ngủ gục; để tâm chìm lặng vào cõi hôn mê; trốn tránh, xa lìa thế gian; vị kỉ, chỉ nghĩ tới mình; làm một việc gì không tự nhiên; để rơi mình vào vọng tưởng; quên mình ở đâu. Thiền là: giữ tâm tỉnh táo, linh động; chú tâm, tập trung; nhìn thế giới hiện hữu rõ ràng như nó là; trau dồi tấm lòng nhân đạo; biết mình là ai, ở đâu.”
Theo đạo Phật, hành giả nhờ Ðịnh (s: samā-dhi) mà đạt đến một trạng thái sâu lắng của tâm thức, trong đó toàn bộ tâm thức chỉ chú ý đến một đối tượng thiền định thuộc về tâm hay vật. Tâm thức sẽ trải qua nhiều chặng, trong đó lòng tham dục dần dần suy giảm. Một khi hành giả trừ Năm chướng ngại (s: nīvaraṇa) thì đạt được bốn cõi thiền (Tứ thiền định) của sắc giới (s: rūpadhātu; xem Ba thế giới), đạt được Lục thông (s: abhijñā) và tri kiến vô thượng. Tri kiến này giúp hành giả thấy rõ các đời sống trước của mình, thấy diễn biến của sinh diệt và dẫn đến giải thoát mọi Ô nhiễm (s: āśrava). Hành giả đạt bốn cõi thiền cũng có thể chủ động tái sinh trong các cõi Thiên (deva) liên hệ.
Trong giai đoạn một của thiền định, hành giả từ bỏ lòng tham dục và các pháp bất thiện, nhờ chuyên tâm suy tưởng mà đạt đến. Trong cấp này, hành giả có một cảm giác hỉ lạc. Trong giai đoạn hai, tâm suy tưởng được thay thế bằng một nội tâm yên lặng và tâm thức trở nên sắc sảo bén nhọn, xuất phát từ sự chú tâm quán sát. Hành giả tiếp tục ở trong trạng thái hỉ lạc. Qua giai đoạn ba, tâm hỉ lạc giảm, tâm xả bỏ hiện đến, hành giả tỉnh giác, cảm nhận sự nhẹ nhàng khoan khoái. Trong giai đoạn bốn, hành giả an trú trong sự xả bỏ và tỉnh giác.
Tại Trung Quốc, Thiền có một ý nghĩa rộng hơn rất nhiều. Nó bao gồm tất cả phép tu như quán niệm hơi thở (p: ānāpānasati), Bốn niệm xứ (p: sa-tipaṭṭhāna)… với mục đích nhiếp tâm và làm tâm tỉnh giác. Từ phép Thiền do Bồ-đề Ðạt-ma truyền, Thiền Trung Quốc đã phát triển rất mạnh (Thiền tông).
Trong một ý nghĩa bao quát, Thiền cũng không phải là những phương pháp đã nêu trên. Thiền là một trạng thái tâm thức không thể định nghĩa, không thể mô tả và phải do mỗi người tự nếm trải. Trong nghĩa này thì Thiền không nhất thiết phải liên hệ với một tôn giáo nào cả – kể cả Phật giáo. Trạng thái tâm thức vừa nói đã được các vị thánh nhân xưa nay của mọi nơi trên thế giới, mọi thời đại và văn hoá khác nhau trực nhận và mô tả bằng nhiều cách. Ðó là kinh nghiệm giác ngộ về thể sâu kín nhất của thật tại, nó vừa là thể của Niết-bàn và vừa của Luân hồi, sinh tử. Vì vậy, Toạ thiền không phải là một phương pháp đưa con người đi từ vô minh đến giác ngộ, mà là giúp con người khám phá bản thể thật sự của mình đang mỗi lúc hiện diện.

Thiện

Từ Điển Đạo Uyển

善; C: shàn; J: zen; S: kuśala; P: kusala;
Có các nghĩa sau: 1. Đức hạnh, đạo đức tốt, tính tốt, điều thiện, đức tính tốt (s: kusala, kuśala, kalyāna; t: dge ba); 2. Tài giỏi, thông thạo, từng trải, khéo léo; 3. Làm cho hoàn thiện.
[Phật học] 1. Có thể chấp nhận, chính đáng, đúng, chính xác, hài lòng; 2. Việc lành, việc làm tốt lành và quả báo của nó (thiện nghiệp 善業; s: śubham karma, śubha); 3. Như một trạng từ, có nghĩa là hay, giỏi, khéo léo, hoàn thiện; 4. Theo giáo lí của tông Duy thức, “thiện” lập thành 1 trong 5 nhóm thuộc phạm trù “Tâm sở pháp”, gồm 11 “thiện” pháp trong nhóm ấy. Đó là: 1. Tín (信; śraddhā), lòng tin tưởng chắc chắn; 2. Cần (勤) hoặc Tinh tiến (精進; vīrya), siêng năng tu tập; 3. Xả (捨; upekṣā); 4. Tàm (慚; hrī), cung kính tuỳ thuận người có đức hạnh; 5. Quý (愧; apatrāpya, apatrapā), biết sợ quả báo của tội lỗi, biết xấu hổ; 6. Vô tham (無貪; alobha); 7. Vô sân (無瞋; adveśa); 8. Bất hại (不害; ahiṃsā); 9. Khinh an (輕安; praśrabdhi); 10. Bất phóng dật (不放逸; a-pramāda).

Thiền Bản

Từ Điển Đạo Uyển

禪版; J: zemban;
Một tấm gỗ được các thiền sinh thời xưa sử dụng. Trong thời gian tu tập, Toạ thiền lâu dài, thiền sinh thường để thiền bản vào hai bàn tay và chống cằm lên để khỏi ngục đầu xuống ngủ.
Thiền bản cũng đóng một vai trò giáo hoá trong các Công án. Bích nham lục ghi lại trong công án 20 với tên “Thuý Vi thiền bản”:
Thiền sư Long Nha đến Thuý Vi Vô Học, hỏi: “Thế nào là Tây lai ý?” Thuý Vi bảo: “Ðưa thiền bản đây!” Long Nha đưa thiền bản, Thuý Vi cầm thiền bản đập Long Nha. Long Nha la lớn: “Ðánh thì cứ đánh, không có ý của Tổ sư sang.”

Thiền Bệnh

Từ Điển Đạo Uyển

禪病; J: zenbyō, zembyō;
Có hai nghĩa chính: 1. Chỉ những cảnh giới kinh dị, Ma cảnh xuất hiện trong lúc hành giả Toạ thiền; 2. Sự bám chặt vào kinh nghiệm Kiến tính cũng như tâm thức chấp Không, để tâm trạng rơi vào hư vô. Một dạng nặng của thiền bệnh chính là sự phô trương quá đáng kinh nghiệm đạt được trên con đường tu tập và cho đó là một cái gì “đặc biệt.” Người mang những dấu hiệu của sự ngộ nhập (Ngộ tích) cũng được gọi là “mắc thiền bệnh.”

Thiện Căn

Từ Điển Đạo Uyển

善根; C: shàngēn; J: zengon;
Căn lành, đức hạnh lành. Nghiệp nhân lành mang đến kết quả lành. Căn lành, như rễ cây được dùng làm ví dụ cho thiện nghiệp. Theo giáo lí của A-tì-đạt-ma Câu-xá, nền tảng cho người tu thể nhập địa vị Kiến đạo là phát khởi trí tuệ vô lậu (s: kuśala-mūla; p: kusala-mūla). Thông thường được xem là phát khởi ba món: vô tham, vô sân và vô si. Tam thiện căn (三善根).

Thiên Chấp

Từ Điển Đạo Uyển

偏執; C: piānzhí; J: henshu;
Khuynh hướng, sự thiên về, thành kiến. Không chịu thay đổi quan niệm của mình.

Thiện Châu

Từ Điển Đạo Uyển

善珠; C: shànzhū; J: zenjū, 727-797.
Tăng sĩ tông Pháp tướng Nhật bản, đệ tử của Huyền Phảng (玄昉; j: genbō), là học giả Du-già hành tông cũng như Nhân minh học (因明). Sau khi sư sáng lập chùa Akishino, sư trứ tác nhiều tác phẩm về cả Pháp tướng lẫn Nhân minh. Sư phần nào tin rằng mình là tái sinh của Khuy Cơ.

Thiên Chính

Từ Điển Đạo Uyển

偏正; C: piānzhèng; J: henshō;
Thành kiến và công bằng. Sai và đúng.

Thiện Dạ Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

善夜經; C: shànyè jīng; J: zenya kyō; S: bhadrakalātrī; T: mtshan mo bzang po.
Nghĩa Tịnh dịch, 1 quyển.

Thiên đản Hữu Kiên

Từ Điển Đạo Uyển

偏袒右肩; C: piāntăn yòujiān; J: hendan’u-ken;
Vạch y bày vai bên phải (hướng về phía đức Phật). Nghi thức Ấn Độ biểu hiện lòng tôn kính bậc Đạo sư.

Thiện Đạo

Từ Điển Đạo Uyển

善導; C: shàndăo; J: zendō; 613-681.
Vị thứ 3 trong 5 vị tổ Tịnh độ tông và là vị thứ 5 trong 7 vị tổ của Tịnh độ chân tông. Ngài xuất gia khi còn nhỏ tuổi và tu tập thiền quán tưởng A-di-đà và Tịnh độ. Khi nghe tiếng Đạo Xước (道綽), Thiện Đạo đến gặp và nhận giáo lí Tịnh độ từ vị này. Suốt đời Thiện Đạo hiến mình tu tập và hoằng truyền giáo lí nầy. Tương truyền sư đã chép kinh A-di-đà hơn 100.000 lần và vẽ hơn 300 bức tranh về Tịnh độ. Ngoài việc tụng kinh và niệm Phật thường xuyên, sư còn tiền hành các thời khoá thiền quán tưởng đức Phật A-di-đà và Cực lạc quốc của Ngài. Thiện Đạo còn trứ tác 5 tác phẩm trong 9 cuốn, gồm những luận giải khác nhau về kinh Quán vô lượng thọ. Ngài thường được gọi là Quang Minh tự Hoà thượng (光明寺和尚), Chung Nam Đại sư (終南大師)…

Thiền đường

Từ Điển Đạo Uyển

禪堂; J: zendō;
Là nơi các vị tăng Toạ thiền trong một Thiền viện. Cũng được dùng chỉ một Thiền viện.

Thiên Ðồng Như Tịnh

Từ Điển Đạo Uyển

天童如淨; C: tiāntóng rújìng; J: tendō nyojō; 1163-1228;
Thiền sư Trung Quốc thuộc tông Tào Ðộng, nối pháp Thiền sư Trúc Am Trí Giám. Pháp tự nổi danh của Sư là Thiền sư Ðạo Nguyên Hi Huyền, vị Tổ thứ nhất tông Tào Ðộng Nhật Bản.

Thiện Hiện Hạnh

Từ Điển Đạo Uyển

善現行; C: shànxiàn xíng; J: zengen gyō;
Theo kinh Hoa Nghiêm, là giai vị thứ 6 trong Thập hạnh của hàng Bồ Tát.

Thiện Hiện Thiên

Từ Điển Đạo Uyển

善現天; C: shànxiàn tiān; J: zengen ten;
Cõi trời Thiện hiện (s: sudṛśāḥ), cõi trời thứ 6 trong 8 cõi trời trong Tứ thiền thiên (四禪天) của Sắc giới. Cũng được xếp vào 1 trong 17 cõi trời thiền ở Sắc giới.

Thiên Hoá

Từ Điển Đạo Uyển

遷化; J: senge; có thể dịch là “bước vào cõi biến hoá”;
Một danh từ chỉ cái chết của một người (Tử), đặc biệt là cái chết của một Cao tăng. Qua danh từ “Thiên hoá” này người ta có thể thấy rằng, Phật giáo không có quan niệm rằng, cái chết (Tử) không phải là sự chấm dứt, mà chỉ là một sự biến chuyển của chư Pháp, sắc tướng; Phật tính của mỗi người đều trường tồn, vượt thời gian và không gian.

Thiên Hoàng Ðạo Ngộ

Từ Điển Đạo Uyển

天皇道悟; C: tiānhuáng dàowù; J: tennō dōgo; 738/748-807;
Thiền sư Trung Quốc thuộc dòng Thanh Nguyên Hành Tư, đắc pháp nơi Thiền sư Thạch Ðầu Hi Thiên. Nối pháp của Sư là Long Ðàm Sùng Tín.
Sư họ Trương, quê ở Ðông Dương Vụ Châu, xuất gia với Ðại đức Minh Châu. Sư còn nhỏ mà đã nổi danh dũng mãnh phi phàm, mưa gió mà vẫn dám thiền nơi gò mã. Lúc đầu, Sư có tham vấn Quốc sư Nam Dương Huệ Trung và Mã Tổ, nhân đây có chút sở đắc.
Sau Sư đến yết kiến Thạch Ðầu, hỏi: “Lìa định, huệ, Hoà thượng lấy gì dạy người?” Thạch Ðầu đáp: “Ta trong ấy không tôi tớ, lìa cái gì?” Sư hỏi: “Làm sao rõ được?” Thạch Ðầu hỏi lại: “Ông bắt được hư không chăng?” Sư đáp: “Thế ấy ắt chẳng từ ngày nay đi.” Thạch Ðầu bảo: “Chưa biết ông bao giờ từ bên kia đến?” Sư thưa: “Ðạo Ngộ chẳng phải từ bên kia đến.” Thạch Ðầu: “Ta đã biết chỗ ông đến.” Sư hỏi: “Sao thầy lại lấy tang vật vu khống người?” Thạch Ðầu đáp: “Thân ông hiện tại.” Sư hỏi lại: “Tuy nhiên như thế, rốt ráo vì người sau thế nào?” Thạch Ðầu hỏi vặn lại: “Ông hãy nói, ai là người sau?” Sư nhân câu hỏi này triệt ngộ, mọi thắc mắc nghi ngờ đều tan biến.
Có vị tăng hỏi: “Thế nào là nói huyền diệu?” Sư bảo: “Chớ bảo ta hiểu nhiều Phật pháp.” Tăng thưa: “Nỡ để học nhân nghi mãi sao?” Sư hỏi lại: “Sao chẳng hỏi Lão tăng?” Tăng đáp: “Tức nay hỏi rồi.” Sư quát: “Ði! Chẳng phải chỗ ông nương tựa.”

Thiện Hội

Từ Điển Đạo Uyển

善會
1. Thiền sư Trung Quốc, Giáp Sơn Thiện Hội
2. ?-900; Thiền sư Việt Nam, thuộc thiền phái Vô Ngôn Thông đời thứ hai. Sư đắc pháp nơi Thiền sư Cảm Thành và sau truyền lại cho đệ tử là Vân Phong.
Sư quê ở Dữ Lãnh, xuất gia từ nhỏ và có hiệu là Tổ Phong. Lớn lên, Sư vân du đây đó tham học, sau lại đến chùa Kiến Sơ thụ giáo nơi Thiền sư Cảm Thành. Ở đây, Sư hầu hạ thầy hết lòng suốt mười năm.
Một hôm, Sư vào thất hỏi: “Trong kinh có nói: Ðức Thích-ca Như Lai đã từng tu hành trải vô số kiếp mới được thành Phật. Nay Thầy dạy rằng: Tâm tức là Phật, con chưa hiểu lẽ đó, cúi xin thầy một phen khai ngộ cho.” Cảm Thành hỏi: “Trong kinh người nào thuyết pháp?” Sư thưa: “Ðâu không phải là Phật thuyết ư?” Cảm Thành bảo: “Nếu là Phật thuyết, tại sao kinh Văn-thù lại nói: ›Ta trụ ở đời 49 năm, chưa từng nói một chữ dạy người.‹ Cổ đức nói: ›Người tìm nơi văn, chấp nơi chứng càng thêm trệ; khổ hạnh cầu Phật là mê, lìa tâm cầu Phật là ngoại đạo; chấp tâm cầu Phật là ma.‹” Sư hỏi: “Như thế, tâm ấy cái gì chẳng phải Phật, cái gì là Phật?” Cảm Thành bảo: “Xưa có người đến hỏi Mã Tổ: ›Tâm tức là Phật, tâm nào là Phật?‹ Tổ bảo: ›Ông nghi cái nào không phải là Phật chỉ xem?‹ Người kia không đáp được, Tổ dạy: ›Ðạt thì khắp tất cả cảnh đều là Phật, chẳng ngộ thì trái xa.‹ Chỉ câu nói nay, ngươi lại hội chăng?” Ngay đây, Sư thưa: “Nay con hội rồi.” Cảm Thành hỏi: “Ngươi hội thế nào?” Sư thưa: “Khắp mọi chỗ không đâu chẳng phải tâm Phật.” và quì xuống lễ bái. Cảm Thành bảo: “Thế là ngươi hiểu đúng rồi!” Nhân đây, Cảm Thành ban hiệu cho Sư là Thiện Hội.
Sau, Sư trụ trì hoằng hoá tại chùa Ðịnh Thiền ở làng Siêu Loại và tịch tại đây năm thứ 3 niên hiệu Quang Hoá đời Ðường.

Thiện Huệ địa

Từ Điển Đạo Uyển

善慧地; C: shànhuìdì; J: zeneji; S: sādhu-matī; T: legs paḥi blo gros.
Giai vị thứ 9 trong Thập địa của hàng Bồ Tát. Trong giai vị nầy, trí tuệ của Bồ Tát trở nên viên mãn khi chứng đạt được Tứ vô ngại giải (四無礙解), do vậy nên có khả năng giảng pháp khắp mọi nơi, bằng mọi ngôn ngữ mà không ngăn ngại.

Thiện Kiến Thiên

Từ Điển Đạo Uyển

善見天; C: shànjiàn tiān; J: zenken ten; S: sudarśanāḥ.
“Tầng trời của cái nhìn thiện”. Tầng trời thứ 7 trong 8 cõi trời thuộc Tứ thiền thiên của Sắc giới. Cũng được xếp vào 1 trong 17 cõi trời thiền ở Sắc giới.

Thiền Lâm

Từ Điển Đạo Uyển

禪林; J: zenrin;
Một tên khác của Thiền viện, cũng được dùng chỉ giới thiền.

Thiền Lão

Từ Điển Đạo Uyển

禪老; tk. 10-11
Thiền sư Việt Nam, thuộc dòng thiền Vô Ngôn Thông đời thứ 6. Sư kế thừa Thiền sư Ða Bảo và truyền pháp cho đệ tử là Quảng Trí. Vua Lí Thái Tông cũng được xem là môn đệ đắc pháp của Sư.
Không biết tên họ và nơi sinh của Sư ở đâu, chỉ biết Sư đến chùa Kiến Sơ yết kiến Thiền sư Ða Bảo và được truyền tâm ấn. Sau đó, Sư đến Từ Sơn trụ trì chùa Trùng Minh trên núi Thiên Phúc, huyện Tiên Du. Tông phong của thiền Vô Ngôn Thông nhờ đạo hạnh của Sư cao vút, học chúng quy tụ lại rất đông.
Vua Lí Thái Tông thường viếng chùa và vấn đạo. Ban đầu, vua hỏi: “Hoà thượng trụ núi này đã bao lâu?” Sư đáp:
但知今日月。誰識舊春秋
“Ðãn tri kim nhật nguyệt
Thuỳ thức cựu xuân thu”
*”Chỉ biết ngày tháng này
Ai rành xuân thu trước”.
Vua hỏi: “Hằng ngày Hoà thượng làm gì?” Sư đáp:
翠竹黃花非外境。白雲明月露全真
“Thuý trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh
Bạch vân minh nguyệt lộ toàn chân”.
*”Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác
Trăng trong mây bạc hiện toàn chân”.
Vua lại hỏi: “Có ý chỉ gì?” Sư đáp: “Lời nhiều sau vô ích.” Vua nhân đây lĩnh hội ý chỉ.
Sau khi về cung, vua sai sứ giả đến chùa rước Sư vào triều làm cố vấn. Khi đến nơi, Sư đã viên tịch. Vua mến tiếc sai trung sứ đến cúng và tặng lễ, sau đó thu cốt xây tháp cúng dường.

Thiên Long Tự

Từ Điển Đạo Uyển

天龍寺; J: tenryū-ji;
Một trong những Thiền viện lớn của Kinh Ðô (kyōto), Nhật Bản. Thiền viện này được kiến lập với sự hỗ trợ của vị Tướng quân (j: shōgun) Túc Lợi Tôn Thị (ashikaga takauji) và sự chỉ đạo của Thiền sư Mộng Song Sơ Thạch (musō soseki), được xếp vào Ngũ sơn của Kinh Ðô. Thiền viện này nổi danh với một vườn cảnh tuyệt đẹp do chính tay Quốc sư Mộng Song xếp đặt.

Thiện Nam Tử

Từ Điển Đạo Uyển

善男子; C: shàn nánzí; J: zennanshi;
Có các nghĩa sau: 1. Người con trai có căn lành, hoặc con trai của gia đình có thiện căn, một trong những danh xưng đức Phật thường gọi đệ tử, tương tự như “người cao quý”. Người có niềm tin chân chính (s: kula-putra); 2. Được dùng để gọi chúng sinh hữu tình hơn là gọi tăng sĩ Phật giáo; 3. Ông, anh.

Thiện Nghiệp

Từ Điển Đạo Uyển

善業; C: shànyè; J: zengyō;
Việc làm tốt, hành động tốt lành, nghiệp lành. Hành xử theo cách để đêm lại kết quả tốt đẹp trong tương lai. Thực hành năm giới hay Mười việc thiện (s: sucarita, śubhaṃ-karma; t: dge baḥi las).

Thiền Nham

Từ Điển Đạo Uyển

禪巖; 1093-1163
Thiền sư Việt Nam, thuộc thiền phái Tì-ni-đa Lưu-chi đời thứ 13. Sư nối pháp Thiền sư Ðạo Pháp.
Sư tên Khương Thông, dáng vẻ quắc thước, tiếng nói trong thanh, gia thế vốn làm tăng quan.
Khi triều đình mở khoa thi về Kinh điển Ðại thừa, Sư dự thi và đỗ thủ khoa. Sư tìm đến chùa Ðắc Thành tham vấn Thiền sư Ðạo Pháp và chỉ qua một câu nói, Sư lĩnh hội ngay yếu chỉ. Sư nhân đây mới xuất gia.
Ban đầu, Sư trụ trì chùa Thiên Phúc trong núi Tiên Du, đói thì ăn lá cây, khát thì uống nước suối và cứ như thế sáu năm liên tục. Sau đó, Sư trở về quê trùng tu chùa Trí Quả làng Cổ Châu, Long Biên. Vì Sư cầu mưa linh nghiệm nên vua Lí Thần Tông rất tôn trọng.
Năm Chính Long Bảo Ứng thứ nhất, khoảng giữa xuân, Sư đốt hương từ biệt mọi người ngồi an nhiên thị tịch, tho 71 tuổi.

Thiện Nhân

Từ Điển Đạo Uyển

善人; C: shànrén; J: zenjin;
Người tốt. Khi tái sinh làm thân người, được kể là sinh vào 1 trong “sáu (hoặc 5) đường”. Thường có nghĩa ngụ ý biểu hiện thiện nghiệp, và như thế, có liên quan đến sự tái sinh trong ba đường thấp kém, biểu hiện cho nghiệp bất thiện.

Thiền Ông

Từ Điển Đạo Uyển

禪翁; 902-979, cũng được gọi là Thiền Ông Ðạo giả
Thiền sư Việt Nam, thuộc thiền phái Tì-ni-đa Lưu-chi, pháp hệ thứ 11. Sư xuất gia và đắc pháp nơi Thiền sư La Quý An. Hai đệ tử danh tiếng của Sư là Vạn Hạnh và Ðịnh Huệ.
Sư trụ trì chùa Song Lâm ở làng Phù Ninh, phủ Thiên Ðức và tịch năm Kỉ Mão, niên hiệu Thái Bình thứ 10, thọ 78 tuổi.

Thiện Pháp Hạnh

Từ Điển Đạo Uyển

善法行; C: shànfăxíng; J: zenhōgyō;
Giai vị thứ 9 trong Thập hạnh (十行) của Bồ Tát đạo.

Thiện Pháp Phương Tiện đà-La-Ni Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

善法方便陀羅尼經; C: shànfă fāngbiàn tuóluóníjīng; J: zembō hōben daranikyō; S: sumukha-dhāraṇī; T: sgo bzang po shes bya ba’i gzungs.
Hiện đang lưu hành 5 bản dịch tiếng Hán:
1. Thiện pháp phương tiện đà-la-ni kinh (善法方便陀羅尼經), 1 quyển, dịch giả Vô danh.
2a. Kim Cương bí mật thiện môn đà-la-ni kinh (金剛祕密善門陀羅尼經), 1 quyển, dịch giả Vô danh.
2b. Kim Cương bí mật thiện môn đà-la-ni chú kinh (金剛祕密善門陀羅尼呪經); 1 quyển, dịch giả Vô danh.
3. Hộ mệnh pháp môn thần chú kinh (護命法門神呪經), 1 quyển, Bồ-đề Lưu-chí (菩提流志) dịch.
4. Diên thọ diệu môn đà-la-ni kinh (延壽妙門陀羅尼經), 1 quyển, Pháp Hiền (法賢) dịch.

Thiên Sứ

Từ Điển Đạo Uyển

天使; S: devadūta; nghĩa là “Sứ giả của chư thiên”;
Danh từ này được dùng để chỉ Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Các Thiên sứ này có nhiệm vụ giúp đỡ, nhắc nhở loài người nhận thức được tính chất Vô thường và Khổ đau của cuộc sống, tìm con đường giải thoát.

Thiền Sư

Từ Điển Đạo Uyển

禪師; C: chánshī; J: zenji;
Danh hiệu dành cho những vị đã Giác ngộ và hoằng hoá trong Thiền tông. Thường thường các bậc tôn túc được ban danh hiệu này sau khi viên tịch nhưng cũng có nhiều người được mang danh hiệu trong lúc còn giáo hoá.

Thiên Thai Ðức Thiều

Từ Điển Đạo Uyển

天台得韶; C: tiāntāi déshōo; J: tendai tokushō; 881-972;
Thiền sư Trung Quốc, môn đệ đắc pháp của Thiền sư Pháp Nhãn Văn Ích. Người nối pháp của Sư là Vĩnh Minh Diên Thọ và Ðạo Nguyên, người đã soạn bộ sử kí danh tiếng nhất của Thiền tông là Cảnh Ðức truyền đăng lục.
Sư họ Trần quê ở Long Tuyền, Xử Châu. Năm Sư 15 tuổi, một vị tăng lạ đến vỗ vai Sư nói: “Ông nên xuất gia, trần tục không phải là chỗ của ông.” Sư xuất gia năm 17 tuổi, năm 18 tuổi đến chùa Khai Nguyên ở Tín Châu thụ giới.
Sau, Sư cất bước du phương, lúc đầu đến tham vấn Thiền sư Ðầu Tử Ðại Ðồng có chút tỉnh. Sau Sư đến Thiền sư Long Nha Cư Độn, hỏi: “Bậc tôn hùng hùng vĩ sao gần chẳng được?” Long Nha đáp: “Như lửa với lửa.” Sư lại hỏi: “Bỗng gặp nước đến thì sao?” Long Nha bảo: “Ði! Ông chẳng hội lời ta nói.” Sư hỏi tiếp: “Trời chẳng che, đất chẳng chở là lí gì?” Long Nha đáp: “Ðạo giả nên như thế.” Cứ hỏi như thế nhiều lần mà Sư vẫn không thông, Long Nha bèn nói: “Ðạo giả, ông về sau tự hội lấy.”
Sau khi rời Long Nha, Sư còn tham vấn rất nhiều vị Thiền sư khác nhưng vẫn chưa triệt ngộ, cuối cùng dừng chân tại hội của Pháp Nhãn. Sư vì mệt chán nên chẳng buồn thưa hỏi. Một hôm nghe vị tăng hỏi Pháp Nhãn: “Thế nào là một giọt nước nguồn Tào?” Pháp Nhãn trả lời: “Là một giọt nước nguồn Tào.” Tăng mờ mịt thối lui nhưng Sư nhân đây đại ngộ. Sư đem chỗ sở đắc trình Pháp Nhãn. Pháp Nhãn khen nói: “Ông sau làm thầy của vua, làm Tổ đạo sáng ngời, ta chẳng bằng.”
Sư đến núi Thiên Thai thăm những di tích của Ðại sư Trí Khải, có cảm giác là chỗ ở cũ. Vì họ của Sư (Trần) cũng như Trí Khải nên thời nhân nói Sư là hậu thân của Trí Khải Ðại sư.
Sư thượng đường dạy chúng: “Phật pháp hiện hành, tất cả đầy đủ. Người xưa nói ›viên đồng thái hư, vô khiếm vô dư.‹ Nếu như thế thì cái gì thiếu, cái gì dư, cái gì phải, cái gì quấy? Ai là người hội, ai là người chẳng hội? Do đó nói, đi Ðông cũng cũng là Thượng toạ, đi Tây cũng là thượng toạ, đi Nam cũng là Thượng toạ, đi Bắc cũng là Thượng toạ. Thượng toạ lại sao được thành Ðông, Tây, Nam, Bắc? Nếu hội được tự nhiên con đường thấy nghe hiểu biết bặt dứt, tất cả các pháp hiện tiền. Vì sao như thế? Vì Pháp thân không tướng, chạm mắt đều bày, Bát-nhã vô tri, đối duyên liền chiếu, một lúc hội triệt để là tốt. Chư thượng toạ! Kẻ xuất gia làm gì? Cái lí bản hữu này chưa phải là phần bên ngoài. ›Thức tâm đạt bản nguyên nên gọi là Sa-môn.‹ Nếu biết rõ ràng, không còn một mảy tơ làm chướng ngại. Thượng toạ đứng lâu, trân trọng.”
Niên hiệu Khai Bảo thứ tư, ngày 28 tháng sáu, Sư có chút bệnh, họp chúng từ giã rồi ngồi kết già viên tịch, thọ 82 tuổi, 65 tuổi hạ.

Thiên Thai Tông

Từ Điển Đạo Uyển

天台宗; C: tiāntāi-zōng; J: tendai-shū;
Một tông phái Phật giáo Trung Quốc do Trí Khải (538-597) sáng lập. Giáo pháp của tông phái này dựa trên kinh Diệu pháp liên hoa.
Thiên Thai tông xem Long Thụ (s: nāgār-juna) là Sơ tổ vì ba quan điểm chính (Ba chân lí) của tông phái này dựa trên giáo lí của Long Thụ – đó là: tất cả mọi hiện tượng dựa lên nhau mà có và thật chất của chúng là tính Không (s: śūnyatā). Mọi hiện tượng là biểu hiện của một thể tuyệt đối, đó là Chân như (s: tathatā). Tông phái này gọi ba chân lí đó là không (空), giả (假) và trung (中):
1. Chân lí thứ nhất cho rằng mọi Pháp (s: dharma) không có thật thể và vì vậy trống rỗng;
2. Chân lí thứ hai cho rằng, tuy thế, các pháp vẫn có một dạng tồn tại tạm thời với thời gian và giác quan con người có thể nắm bắt được;
3. Chân lí thứ ba tổng hợp hai chân lí đầu, cho rằng thể của sự vật lại không nằm ngoài tướng, không thể bỏ hiện tượng để tìm bản chất, thể và tướng là một.
Quan điểm này nhấn mạnh tính toàn thể và xuyên suốt của sự vật. Cái toàn thể và cái riêng lẻ là một. Toàn bộ các pháp có khác nhau nhưng chúng đan lồng vào nhau, cái này chứa đựng cái kia. Không, giả và trung chỉ là một và từ một mà ra.
Các Ðại sư của tông phái này hay nói “toàn thể vũ trụ nằm trên đầu một hạt cải” hay “một ý niệm là ba ngàn thế giới.” Tổ thứ hai của tông này là Huệ Văn, Tổ thứ ba là Huệ Tư và Tổ thứ tư là Trí Khải. Dưới sự lĩnh đạo của Ðại sư Trí Khải, giáo lí của tông Thiên Thai đã đạt đến tuyệt đỉnh.
Phép tu của Thiên Thai tông dựa trên phép thiền Chỉ-Quán, và chứa đựng các yếu tố mật tông như Man-tra (thần chú) và Man-đa-la (s: maṇḍala). Tông này sau được Truyền Giáo Ðại sư Tối Trừng (767-822), đệ tử của Tổ thứ 10 Thiên thai tông, truyền qua Nhật trong thế kỉ thứ 9. Tại đây, Thiên Thai tông đóng một vai trò quan trọng.
Thiên Thai tông được xem như một tông phái rộng rãi vì nó tổng hợp, chứa đựng nhiều quan điểm của các phái khác. Sự tổng hợp này phản ánh trong quan điểm “năm thời, tám giáo” (五時八教; Ngũ thời bát giáo), trong quan niệm mọi loài đều có Phật tính và vì vậy Thiên Thai tông có đầy đủ phương tiện đưa đến giác ngộ. Các bộ luận quan trọng của Thiên Thai tông là: Ma-ha Chỉ-Quán (s: mahā-śamatha-vipāśyanā), Lục diệu pháp môn và những bài luận của Trí Khải về kinh Diệu pháp liên hoa.
Phép Chỉ-Quán có hai mặt: Chỉ là chú tâm và qua đó thấy rằng mọi pháp đều không. Nhờ đó không còn ảo giác xuất hiện. Quán giúp hành giả thấy rằng, tuy mọi pháp đều không, nhưng chúng có một dạng tồn tại tạm thời, một sự xuất hiện giả tướng và lại có một chức năng nhất định. Trí Khải phân chia kinh sách thành “năm thời và tám giáo” với mục đích hệ thống hoá Phật giáo theo trình tự thời gian và theo nội dung giáo pháp. Sự phân chia đó cũng giúp giải thích các vấn đề siêu hình. Hơn các tông phái khác, Thiên Thai tông là phái tìm cách thống nhất mọi giáo pháp trong hệ thống của mình bằng cách dành cho mọi kinh sách một chỗ đứng và xem Tiểu thừa cũng như Ðại thừa đều là những lời dạy của chính đức Phật.
Sự phân chia làm năm thời dựa trên trình tự thời gian như sau: 1. Thời giáo Hoa nghiêm, 2. Thời giáo A-hàm, 3. Thời giáo Phương đẳng, 4. Thời giáo Bát-nhã ba-la-mật-đa và 5. Thời giáo Diệu pháp liên hoa và Ðại bát-niết-bàn.
Thời giáo thứ nhất chỉ kéo dài 3 tuần, theo Trí Khải, dựa trên Ðại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh (s: buddhāvataṃsaka-sūtra) là giai đoạn giáo hoá của Phật ngay sau khi Ngài đắc đạo. Kinh Hoa nghiêm chỉ rõ, toàn thể vũ trụ chỉ là phát biểu của cái Tuyệt đối. Thời đó các vị đệ tử của Phật chưa lĩnh hội được điều này. Vì thế mà Phật bắt đầu giảng các kinh A-hàm (s: āgama), thời giáo thứ hai. Trong giai đoạn này, Phật chưa nói hết tất cả, chỉ thuyết những điều mà đệ tử có thể hiểu nổi. Ngài thuyết Tứ diệu đế, Bát chính đạo và thuyết Mười hai nhân duyên. Thời giáo này kéo dài 12 năm. Trong thời giáo thứ ba, Phật bắt đầu giảng giai đoạn sơ khởi của Ðại thừa. Ngài nhắc đến tính ưu việt của một vị Bồ Tát nếu so sánh với một vị A-la-hán và nhấn mạnh đến sự đồng nhất giữa Phật và chúng sinh, giữa Tương đối và Tuyệt đối. Thời giáo thứ tư, kéo dài 22 năm, chứa đựng giáo pháp của kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa, tức là nói đến tính Không của vạn sự và cái ảo tưởng giả tạo của mọi hiện tượng nhị nguyên. Thời giáo cuối cùng, thời giáo thứ năm, bao gồm 8 năm cuối đời đức Phật. Trong thời giáo này, Phật thuyết về thể tính duy nhất của mọi hiện tượng tưởng chừng rất khác biệt. Ba thừa là Thanh văn, Ðộc giác và Bồ Tát thừa chỉ có giá trị tạm thời và nằm chung trong một thừa duy nhất, đó là Nhất thừa (s: ekayāna) hay Phật thừa (s: buddhayāna). Trong thời giáo cuối cùng này, thời giáo của kinh Diệu pháp liên hoa và Ðại bát-niết-bàn, Phật đã nói rõ và trọn vẹn nhất giáo lí của mình. Ðó là năm thời giáo theo thứ tự thời gian.
Thiên Thai tông cũng chia giáo pháp đức Phật ra làm tám hệ thống, trong đó bốn hệ thống dựa trên phương pháp và bốn dựa trên tính chất. Bốn hệ thống có tính phương pháp luận là: 1. Phương pháp đốn ngộ, dành cho hạng đệ tử xuất sắc nhất có khả năng tiếp cận sự thật nhanh chóng. Ðó là phương pháp của kinh Hoa nghiêm; 2. Phương pháp tiệm ngộ, đi từ giản đơn đến phức tạp, là phương pháp của các kinh A-hàm, Phương đẳng, Bát-nhã ba-la-mật-đa. Còn kinh Diệu pháp liên hoa lại không thuộc “đốn” hay “tiệm” mà chứa đựng sự thật cuối cùng; 3. Phương pháp mật giáo, là cách Phật dạy cho một người nhất định và chỉ người đó được lĩnh hội. Phương pháp này có thể được Phật áp dụng trong chốn đông người, nhưng nhờ thần thông của Phật chỉ có người đó được hiểu; 4. Phương pháp bất định, là phương pháp Phật dùng dạy cho nhiều người, nhưng mỗi người nghe hiểu khác nhau. Hai phương pháp 3 và 4 được Phật áp dụng khi người nghe có trình độ không đồng đều.
Bốn hệ thống có tính chất luận là: 1. Giáo pháp Tiểu thừa, dành cho Thanh văn và Ðộc giác Phật, 2. Giáo pháp tổng quát, bao gồm Tiểu thừa và Ðại thừa, dành cho Thanh văn, Ðộc giác và Bồ Tát cấp thấp. 3. Giáo pháp đặc biệt dành cho Bồ Tát và 4. Giáo pháp viên mãn, tức là giáo pháp trung quán phá bỏ mọi chấp trước. Kinh Hoa nghiêm đại diện cho giáo pháp 3 và 4. Kinh A-hàm là kinh của Tiểu thừa. Các kinh Phương đẳng chứa đựng cả 4 giáo pháp. Kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa chứa giáo pháp 2, 3, 4. Cuối cùng thì chỉ có kinh Diệu pháp liên hoa chứa giáo pháp viên mãn.

Thiện Thệ

Từ Điển Đạo Uyển

善逝; C: shàn shì; J: zenzei; S: sugata.
Một trong 10 danh hiệu của chư Phật. Người hoàn tất việc của mình một cách thiện hảo (tự giác), người đã làm xong tất cả mọi việc (giác tha, giác hạnh viên mãn).

Thiện Thông

Từ Điển Đạo Uyển

善通; C: shàntōng; J: zentsū;
Thông đạt, tương giao mật thiết với nhau không ngăn ngại.

Thiện Thú

Từ Điển Đạo Uyển

善趣; C: shànqù; J: zenshu;
Cõi giới lành. Tái sinh vào cảnh giới trong lành có được từ kết quả tích tập các thiện nghiệp trong đời trước (s: sugati-gati). Tái sinh làm người, hay chư thiên trong sáu đường (lục đạo 六道). Ngược lại là tái sinh trong các đường dữ (ác đạo 惡道). Một số truyền thống xem tái sinh làm a-tu-la là một trong các đường lành.

Thiện Thủ

Từ Điển Đạo Uyển

善取; C: shànqŭ; J: zenshu;
Khéo thông hiểu nghĩa lí.

Thiện Tính

Từ Điển Đạo Uyển

善性; C: shànxìng; J: zenshō;
Phẩm chất đạo đức tốt. Một trong ba tính của mọi hành nghiệp, hai tính kia là Bất thiện tính (不善性) và Vô kí tính (無記性).

Thiền Tông

Từ Điển Đạo Uyển

禪宗; C: chán-zōng; J: zen-shū;
Một tông phái của Phật giáo Ðại thừa tại Trung Quốc. Thiền tông sinh ra trong khoảng thế kỉ thứ 6, thứ 7, khi Bồ-đề Ðạt-ma đưa phép Thiền của đạo Phật vào Trung Quốc, hấp thụ một phần nào của đạo Lão. Tại đây, Thiền tông trở thành một tông phái lớn, với mục đích là hành giả trực nhận được bản thể của sự vật và đạt giác ngộ, như Thích-ca Mâu-ni đã đạt được dưới gốc cây Bồ-đề. Thiền tông là môn phái quan tâm đến kinh nghiệm chứng ngộ, đả phá mạnh nhất mọi nghi thức tôn giáo và mọi lí luận về giáo pháp. Thiền tông chỉ khuyên hành giả Toạ thiền (j: zazen), là con đường ngắn nhất, đồng thời cũng là con đường khó nhất. Những nét đặc trưng của Thiền tông có thể tóm tắt được như sau:
教外別傳。不立文字。直指人心。見性成佛
Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm, Kiến tính thành Phật
1. Truyền giáo pháp ngoài kinh điển; 2. Không lập văn tự; 3. Chỉ thẳng tâm người; 4. Thấy tính thành Phật.


H 65: Ðức Phật cầm hoa (拈花; Niêm hoa), Ca-diếp mỉm cười (微笑; vi tiếu). Phật Thích-ca khai sáng một tông mới nằm ngoài giáo pháp, chỉ tâm truyền tâm. Vì vậy mà Thiền tông cũng có tên là Phật tâm tông (佛心宗) hay gọi tắt là Tâm tông.
Bốn tính chất rất rõ ràng dễ nhập tâm này được xem là do Bồ-đề Ðạt-ma nêu lên, nhưng cũng có người cho rằng chúng xuất phát từ Thiền sư đời sau là Nam Tuyền Phổ Nguyện (南泉普願; 749-835), một môn đệ của Mã Tổ. Truyền thuyết cho rằng quan điểm “Truyền pháp ngoài kinh điển” đã do đức Thích-ca áp dụng trên núi Linh Thứu (s: gṛdhrakūṭa). Trong pháp hội đó, Ngài im lặng đưa lên một cành hoa và chỉ có Ma-ha Ca-diếp (s: mahākāśyapa), một Ðại đệ tử, mỉm cười lĩnh hội ý chỉ của cách “Dĩ tâm truyền tâm” (以心傳心; xem Niêm hoa vi tiếu). Ðức Thích-ca ấn chứng cho Ca-diếp là Sơ tổ của Thiền tông Ấn Ðộ. Từ đó, Thiền tông coi trọng tính chất Ðốn ngộ (頓悟; giác ngộ ngay tức khắc) trên con đường tu học.
Thiền tông Ấn Ðộ truyền đến đời thứ 28 là Bồ-đề Ðạt-ma. Ngày nay, người ta không còn tư liệu gì cụ thể về lịch sử các vị Tổ Thiền tông Ấn Ðộ, và thật sự thì điều đó không quan trọng trong giới Thiền. Ðiều hệ trọng nhất của Thiền tông là “tại đây” và “bây giờ.” Ðầu thế kỉ thứ 6, Bồ-đề Ðạt-ma sang Trung Quốc và được xem là Sơ tổ của Thiền tông tại đây. Trong suốt thời gian từ đó đến Lục tổ Huệ Năng (慧能; 638-713), Phật giáo và Lão giáo đã có nhiều trộn lẫn với nhau, nhất là trong phái Thiền đốn ngộ của Huệ Năng, phát triển miền Nam Trung Quốc. Một phái Thiền khác ở phía Bắc, do Thần Tú (神秀) chủ trương, chấp nhận “tiệm ngộ” (漸悟) – tức là ngộ theo cấp bậc – không kéo dài được lâu. Phái Thiền của Huệ Năng phát triển như một ngọn đuốc chói sáng, nhất là trong đời Ðường, đầu đời Tống và sản sinh vô số những vị Thiền sư danh tiếng như Mã Tổ Ðạo Nhất (馬祖道一), Bách Trượng Hoài Hải (百丈懷海), Triệu Châu Tòng Thẩm (趙州從諗), Lâm Tế Nghĩa Huyền (臨濟義玄) … và truyền ra các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam (Phật giáo). Thiền phương Nam dần dần chia thành Ngũ gia thất tông (五家七宗; năm nhà, bảy tông), đó là những tông phái thường chỉ khác nhau về cách giáo hoá, không khác về nội dung đích thật của Thiền. Ngũ gia thất tông gồm Tào Ðộng (曹洞), Vân Môn (雲門), Pháp Nhãn (法眼), Quy Ngưỡng (潙仰), Lâm Tế và hai bộ phái của Lâm Tế là Dương Kì (楊岐) và Hoàng Long (黃龍; xem các biểu đồ cuối sách).
Trong các tông này thì có hai tông Lâm Tế và Tào Ðộng du nhập qua Nhật trong thế kỉ 12, đầu thế kỉ 13, đến nay vẫn sinh động và còn ảnh hưởng lớn cho Thiền thời nay. Khoảng đến đời nhà Tống thì Thiền tông Trung Quốc bắt đầu suy tàn và trộn lẫn với Tịnh độ tông trong thời nhà Minh (thế kỉ thứ 15). Trong thời gian đó, Thiền tông đúng nghĩa với tính chất “dĩ tâm truyền tâm” được xem như là chấm dứt. Lúc đó tại Nhật, Thiền tông lại sống dậy mạnh mẽ. Thiền sư Ðạo Nguyên Hi Huyền (道元希玄), người đã đưa tông Tào Ðộng qua Nhật, cũng như Thiền sư Minh Am Vinh Tây (明菴榮西), Tâm Ðịa Giác Tâm (心地覺心), Nam Phố Thiệu Minh (南浦紹明) và nhiều vị khác thuộc phái Lâm Tế đã có công thiết lập dòng Thiền Nhật Bản. Giữa thế kỉ 17, Thiền sư Trung Quốc là Ẩn Nguyên Long Kì (隱元隆琦) sang Nhật thành lập dòng Hoàng Bá, ngày nay không còn ảnh hưởng. Vị Thiền sư Nhật xuất chúng nhất phải kể là Bạch Ẩn Huệ Hạc (白隱慧鶴), thuộc dòng Lâm Tế, là người đã phục hưng Thiền Nhật Bản trong thế kỉ 18.
Thiền tông Trung Quốc được sáng lập trong thời kì Phật pháp đang là đối tượng tranh cãi của các tông phái. Ðể đối lại khuynh hướng “triết lí hoá”, phân tích chi li Phật giáo của các tông khác, các vị Thiền sư bèn đặt tên cho tông mình là “Thiền” để nhấn mạnh tầm quan trọng của phương pháp Toạ thiền để trực ngộ yếu chỉ.
Thiền bắt nguồn từ Ấn Ðộ nhưng đã trở thành một tông phái độc lập khi được truyền sang Trung Quốc, đặc biệt là sau thời của Lục tổ Huệ Năng. Nơi đây, Thiền tông đã hấp thụ cốt tuỷ của nền văn hoá, triết lí Trung Quốc. Nhà Ấn Ðộ học và Phật học danh tiếng của Ðức H. W. Schumann viết như sau trong tác phẩm Ðại thừa Phật giáo (Mahāyāna-Buddhismus): “Thiền tông có một người cha Ấn Ðộ nhưng đã chẳng trở nên trọn vẹn nếu không có người mẹ Trung Quốc. Cái ›dễ thương‹, cái hấp dẫn của Thiền tông chính là những thành phần văn hoá nghệ thuật, những đặc điểm sắc thái riêng của Trung Quốc, không phải của Ấn Ðộ. Những gì Phật giáo mang đến Trung Quốc – với tư tưởng giải thoát tuyệt đối, trình bày một cách nghiêm nghị khắc khe với một ngón tay trỏ chỉ thẳng – những điều đó được các vị Thiền sư thừa nhận, hấp thụ với một nụ cười thầm lặng đầy thi vị. Thành tựu lớn lao của các Ðại luận sư Ấn Ðộ là nhét ›con ngỗng triết lí‹ vào lọ, thì – chính nơi đây, tại Trung Quốc – con ngỗng này được thả về với thiên nhiên mà không hề mang thương tích.”
Thiền như các vị Thiền sư nhấn mạnh, là trở về với tự nhiên, không hẳn là sự phản đối truyền thống như những học giả sau này thường xác định. Thiền tông phản bác, vứt bỏ những nghi thức rườm rà, những bài luận khó hiểu, bất tận nhưng không phủ nhận nội dung, tinh hoa của chúng. Thiền tông chính là sự tổng hợp độc đáo của hai giáo lí, hai học thuyết nền tảng của Ðại thừa Ấn Ðộ, đó là Trung quán (中觀; s: madhyamaka) và Duy thức (唯識; s: vijñānavāda). Người ta có thể hiểu phần nào những hành động, lời nói, phương pháp hoằng hoá “mâu thuẫn”, “nghịch lí” của các vị Thiền sư nếu nắm được giáo lí của Trung quán và Duy thức. Trong các tập công án của Thiền tông, người ta có thể nhận ra hai loại: 1. Những công án xoay quanh thuyết Thật tướng (實相) của Trung quán tông (s: mādhyamika), tức là tất cả đều là Không (s: śūn-yatā) và 2. Những công án với khái niệm “Vạn pháp duy tâm” (萬法唯心; s: cittamātra) của Duy thức tông.
Công án danh tiếng nhất với thuyết tính Không là Con chó của Triệu Châu (Vô môn quan 1): Tăng hỏi Triệu Châu: “Con chó có Phật tính không?” Triệu Châu trả lời: “Không!” (無).
Một công án không kém danh tiếng theo thuyết Duy thức (Vô môn quan 29): Hai ông tăng cãi nhau về phướn (một loại cờ). Một ông nói: “Phướn động.” Ông khác nói: “Gió động”, và cứ thế tranh cãi. Lục tổ Huệ Năng liền nói: “Chẳng phải gió, chẳng phải phướn, tâm các ông động.” Nghe câu này, hai vị giật mình run sợ.
Tuy không bao giờ trở lại thời vàng son của thế kỉ thứ 7, thứ 8, Thiền tông vẫn luôn luôn gây được một sức thu hút mãnh liệt nơi tín đồ Phật giáo và đóng một vai trò quan trọng trong nghệ thuật Ðông Á. Khoảng vài mươi năm nay, Thiền tông bắt đầu có ảnh hưởng tại phương Tây và Mĩ.

Thiển Trí

Từ Điển Đạo Uyển

淺智; C: qiăn zhì; J: senchi; S: alpa-buddhi.
Dạng trí thức nông cạn, để đối chiếu với trí huệ sâu mầu của Đức Phật.

Thiện Tri Thức

Từ Điển Đạo Uyển

善知識; C: shàn zhīshì; J: zenchishiki; S: kalyā-ṇamitra; P: kalyānamitta; hoặc Thiện hữu (善友), Ðạo hữu (道友);
Danh từ chỉ một người bạn đạo. Trong thời Phật giáo nguyên thuỷ, danh từ này được dùng để chỉ một vị tăng đầy đủ những đạo hạnh như nắm vững lí thuyết Phật pháp và tinh thông thiền định, có thể giúp đỡ những vị khác trên con đường tu học.
Ðức Phật Thích-ca Mâu-ni rất quý trọng tình bạn trên con đường giải thoát. Ngài dạy như sau: “Cả một cuộc đời tầm đạo đều lấy tình bạn làm căn bản… Một Tỉ-khâu, một Thiện tri thức, một người bạn đồng hành – từ một vị này người ta có thể mong đợi rằng, ông ta sẽ tinh cần tu học Bát chính đạo để đạt giải thoát cho chính mình và những người bạn đồng hành.”
Dần dần, danh từ này cũng thường được sử dụng để chỉ những người tìm đạo, trong giới Cư sĩ và cả trong Tăng già. Trong những bài thuyết pháp, các vị Thiền sư thường dùng các biểu thị Thiện tri thức, Ðạo lưu… để chỉ những người hâm mộ Phật pháp đang chú tâm lắng nghe.
Người ta thường phân Thiện tri thức thành ba hạng: 1. Giáo thụ thiện tri thức (教授善知識), là những người có khả năng hướng dẫn, dạy dỗ trên con đường tu hành, là bậc thầy; 2. Ðồng hạnh thiện tri thức (同行善知識), là những người đồng chí, đồng hạnh, tức là người bạn tốt, trung thành; 3. Ngoại hộ thiện tri thức (外護善知識), là những người giúp cho những tiện nghi, tạo điều kiện tốt cho người tu hành.

Thiện Trụ Bí Mật Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

善住祕密經; C: shànzhù mìmì jīng; J: zenjū himitsu kyō;
Tên gọi tắt của Đại bảo quảng bác lâu các thiện trụ bí mật đà-la-ni kinh (大寶廣博樓閣善住祕密陀羅尼經).

Thiện Tu

Từ Điển Đạo Uyển

善修; C: shànxiū; J: zenshu;
Tu hành chân chính.

Thiền Uyển Tập Anh

Từ Điển Đạo Uyển

禪苑集英
Tên của một quyển sách rất quan trọng của Thiền tông Việt Nam, nói về các “Anh tú vườn thiền”, các vị Thiền sư Việt Nam từ cuối thế kỉ thứ sáu đến đầu thế kỉ thứ 13. Ðây là tài liệu lịch sử Phật giáo cổ nhất hiện còn tại Việt Nam. Người ta không biết rõ tác giả của Thiền uyển tập anh là ai, nhưng có thể xác định được rằng, nó là một tác phẩm được hình thành qua nhiều giai đoạn và Thiền sư Thông Biện (?-1134) chính là người khởi thảo.
Theo dịch giả của Thiền uyển tập anh là Ngô Ðức Thọ và những manh mối được tìm thấy trong chính quyển sách này, người ta có thể xác định được Quốc sư Thông Biện chính là người khởi thảo bản đầu của quyển sách này, bởi vì Sư đã trình bày, chứng tỏ kiến thức quảng bác của mình trong một buổi đàm luận với Linh Nhân Hoàng thái hậu vào năm 1096. Ðoạn trả lời của Thông Biện được ghi lại trong Thiền uyển tập anh không dài lắm nhưng nó chính là một pho sử vô cùng quý báu về Phật giáo của Việt Nam được thâu gọn trong tầm kiến thức của vị Thiền sư lỗi lạc này và bản thảo của Thiền uyển tập anh – có thể mang tên Chiếu đối lục. Sau đó, Thông Biện giao phó công việc biên sửa Chiếu đối lục cho một đệ tử người gốc Trung Quốc là Biện Tài. Nơi truyện của Thiền sư Thần Nghi, người ta có thể biết được rằng, Thiền sư Thường Chiếu – thầy của Thần Nghi – sử dụng Chiếu đối lục để giảng nghĩa hệ thống truyền thừa của Thiền tông tại Việt Nam cho đệ tử trước khi viên tịch. Chiếu đối lục của Thông Biện đến tay Thường Chiếu như thế nào thì không rõ lắm nhưng sau đó, Thường Chiếu có soạn một quyển sách mang tên Nam tông tự pháp đồ – nay đã thất truyền nhưng được ghi lại trong các tác phẩm khác – có lẽ với nội dung tương tự như Thiền uyển tập anh và biểu đồ truyền thừa. Thiền sư Thần Nghi đã nhận hai bộ sách quý này từ chính vị thầy và truyền lại cho đệ tử mình là Thiền sư Ẩn Không. Với những tài liệu còn lại và sự đối chiếu mạch lạc, người ta có thể xác định được rằng, Thiền uyển tập anh được hoàn tất dưới tay Thiền sư Ẩn Không đầu đời Trần.

Thiền Viện

Từ Điển Đạo Uyển

禪院; J: zen’en;
Là nơi tu tập của những người theo Thiền tông. Thiền sư Bách Trượng là người đầu tiên sáng lập Thiền viện và những quy củ tổ chức ở đây.

Thiện Vô Uý

Từ Điển Đạo Uyển

善無畏; C: shàn wúwèi; J: zemmui; S: śubhā-karasiṃha, 637-735.
Học giả Ấn Độ truyền bá Mật tông Phật giáo sang Trung Hoa. Được xem là một trong 8 vị tổ của giáo lí Phó thụ bát tổ (傅授八祖) của Chân ngôn tông. Sinh trong một hoàng tộc thuộc vùng Orissa, kế thừa ngôi vào năm 13 tuổi, nhưng sư từ bỏ khi các người anh khởi binh bạo loạn tranh quyền kế vị. Sư xuất gia làm Tăng tại Trúc lâm tinh xá (竹林精舎, s: veṇuvanavihāra) trong chùa Na-lan-đà (那爛陀寺). Theo chỉ đạy của thầy là Đạt-ma Cúc-đa (達磨掬多, s: dharma-gupta), sư dấn thân vào cuộc hành trình sang Trung Hoa qua đường Thổ Phồn (吐蕃, e: turfan), đến nơi vào năm 716. Sư được vua Huyền Tông (玄宗) tiếp kiến năm 717, và bắt đầu dịch kinh tại chùa Tây Minh (西明寺). Khi vua trùng tu lại chùa năm 724, sư dời đến chùa Đại Phúc Tiên (大福先寺) ở Lạc Dương, cộng tác với Nhất Hạnh (一行) dịch Đại Nhật kinh (大日經, s: vairoca-nābhisambodhi). Dù đã nổi tiếng với việc dịch kinh ấy, sư còn dịch những nhiều kinh văn Mật tông quan trọng khác như kinh Tô-tất-địa (蘇悉地經; s: susiddhi). Sư còn tổ chức những nghi lễ cho triều đình và giảng thuyết; một trong những pháp ngữ nầy là Vô Uý tam tạng thiền yếu (無畏三藏禪要). Một số kinh văn khác được soạn ở Trung Hoa dưới sự hướng dẫn của sư. Đồ hình “Ngũ bộ tâm quán” (五部心観) có kể đến hành trạng của Thiện Vô Uý. Cho đến cuối đời, sư thỉnh nguyện được trở về Ấn Độ, nhưng bị từ chối, và sư viên tịch ở Lạc Dương. Sau khi an táng sư trên đồi quanh Long môn vào năm 740, tín đồ Phật tử vẫn tiếp tục thờ phụng nhục thân của sư.

Thiên Vương

Từ Điển Đạo Uyển

天王; S: devarāja; C: tiānwáng; J: tennō;
Ðược xem như là người canh giữ thế giới, thường được thờ trong các chùa. Truyền thuyết cho rằng các Thiên vương sống trên núi Tu-di (s: meru), canh giữ thế giới và Phật pháp. Các vị đó chiến đấu chống cái ác và bảo vệ những nơi Phật pháp được truyền bá. Thân thể các vị đó được áo giáp che chở, đầu mang giáp sắt.
Có bốn vị Thiên vương (Tứ Thiên vương; s: catur-mahārāja) ở bốn hướng:
1. Bắc Thiên vương với tên là Ða văn thiên (多聞天; s: vaiśravaṇa) có thân màu lục, tay trái cầm cờ chiến thắng, tay phải mang tượng chùa hoặc một bảo tháp (mà trong đó – theo truyền thuyết – Long Thụ đã tìm được những bộ kinh dưới Long cung), hoặc một con chuột mầu bạc phun ngọc. Vị Bắc Thiên vương là vị quan trọng nhất trong bốn vị Thiên vương;
2. Nam Thiên vương là Tăng trưởng thiên (增長天; virūḍhaka) có thân màu xanh, cầm gươm chém Vô minh. Vị này chuyên giữ gìn những chủng tử tốt đẹp trong con người;
3. Ðông Thiên vương là Trì quốc thiên (持國天; dhṛtarāṣṭra) có thân trắng, tay cầm đàn, tiếng đàn sẽ làm tâm thức con người trở nên thanh tịnh;
4. Tây Thiên vương tên Quảng mục thiên (廣目天; virūpākṣa) có thân màu đỏ, tay phải cầm rắn (s: nāga) nhưng không cho nó chiếm giữ Như ý châu (ngọc như ý). Ngọc như ý chỉ chuyên dành cho những bậc giác ngộ và rắn chỉ là người canh giữ viên ngọc đó.
Truyền thuyết Trung Quốc đã nhắc các vị này từ thế kỉ thứ 4, nhưng đến đời Ðường (thế kỉ thứ 7) người ta mới thật sự thờ cúng các vị Thiên vương. Mỗi vị này có 91 con trai và 8 tướng quân, giúp canh giữ mười phương thế giới. Tương truyền rằng, năm 742, Ðại sư Bất Không Kim Cương (s: amoghavajra, Mật tông) niệm chú Ðà-la-ni gọi các vị Thiên tướng xuống giúp chống ngoại xâm. Vị Bắc Thiên vương và Tây Thiên vương hiện xuống đẩy lùi giặc, nhà vua nhớ ơn cho xây tượng các vị trong chùa chiền.

Thiện Xảo

Từ Điển Đạo Uyển

善巧; C: shàn qiăo; J: zengyō; S: upāya-(kauśalya).
“(Phương tiện) thiện xảo”. Hướng dẫn chúng sinh tuỳ theo căn tính của họ một cách khéo léo (phương tiện 方便).

Thiên Y Nghĩa Hoài

Từ Điển Đạo Uyển

天衣義懷; C: tiānyī yìhuái; tk. 11;
Thiền sư Trung Quốc thuộc tông Vân Môn. Sư là môn đệ đắc pháp của sư Tuyết Ðậu Trọng Hiển và là thầy của hai vị Viên Chiếu Tông Bản và Viên Thông Pháp Tú.
Sư họ Trần, quê ở Lạc Thanh, Vĩnh Gia. Mẹ Sư nằm mộng thấy ngôi sao rơi vào nhà liền có thai Sư. Thuở bé, Sư theo cha đi đánh cá. Cha bắt được con cá nào thì Sư lén thả hết và an nhiên chịu đòn khi bị cha đánh. Lớn lên, Sư đến chùa Cảnh Ðức xuất gia.
Một hôm, đang lúc đi trong chợ có một vị tăng lạ vỗ vai Sư nói: “Vân Môn, Lâm Tế.” Sư nghe vậy liền đi đến yết kiến nhiều vị Thiền sư bấy giờ nhưng không khế hợp.
Sau, Sư đến Thiền sư Tuyết Ðậu Trọng Hiển (lúc này còn đang hoằng hoá tại Thuý Phong, chưa dời sang Tuyết Ðậu). Tuyết Ðậu hỏi Sư: “Ngươi tên gì?” Sư thưa: “Nghĩa Hoài.” Tuyết Ðậu hỏi: “Sao chẳng đặt là Hoài Nghĩa?” Sư thưa: “Bây giờ sẽ được.” Tuyết Ðậu hỏi: “Ai vì ngươi đặt tên?” Sư thưa: “Thụ giới đến bây giờ đã mười lăm năm.” Tuyết Ðậu hỏi: “Ngươi hành cước đã rách bao nhiêu đôi giày?” Sư thưa: “Hoà thượng chớ có lừa người tốt.” Tuyết Ðậu bảo: “Ta không xét tội lỗi, ngươi cũng không xét tội lỗi, ấy là sao?” Sư không đáp được, Tuyết Ðậu bảo: “Kẻ rỗng nói suông đi đi!”
Sư vào thất, Tuyết Ðậu trông thấy bảo: “Thế ấy chẳng được, chẳng thế ấy cũng chẳng được, thế ấy chẳng thế ấy cũng chẳng được.” Sư suy nghĩ, Tuyết Ðậu đánh đuổi ra. Cứ như thế Sư bị ăn gậy bốn lần. Một hôm, Sư đang gánh nước bỗng nhiên đòn gánh gẫy đánh rơi cặp thùng. Sư nhân đây đại ngộ, liền làm bài kệ:
一二三四五六七。萬仞峰頭獨足立
驪龍頷下奪明珠。一言勘破維摩詰
Nhất nhị tam tứ ngũ lục thất
Vạn nhẫn phong đầu độc túc lập
Li Long hạm hạ đoạt minh châu
Nhất ngôn khám phá Duy-ma-cật.
*Một hai ba bốn năm sáu bảy
Chót núi muôn nhẫn một chân đứng
Dưới hàm Li long đoạt minh châu
Một lời phá được Duy-ma-cật.
Tuyết Ðậu nghe kệ vỗ bàn khen hay.
Sư thượng đường: “Nạp tăng nói ngang nói dọc mà chưa biết có con mắt trên trán.” Một vị tăng bước ra hỏi: “Thế nào là con mắt trên trán?” Sư đáp: “Áo rách bày xương gầy, nhà lủng thấy trăng sao.”
Sư trụ trì tất cả bảy đạo trường, giáo hoá rất nhiều người và tông phong của Vân Môn rất thịnh. Lúc sắp tịch, Sư sai gọi đệ tử là Trí Tài về gấp. Vừa thấy Trí Tài về, Sư bảo: “Ðến giờ đi đây” và nói kệ:
紅日照扶桑,寒雲封華嶽
三更過鐵圍,拶折驪龍角
Hồng nhật chiếu phù tang
Hàng vân phong hoa nhạc
Tam canh quá thiết vi
Tạt chiết Li long giác.
*Ðất Nhật trời hồng soi
Ðảnh đỉnh hoa mây lạnh quấn
Canh ba vượt thiết vi
Sừng Li long bẻ gẫy.
Trí Tài hỏi: “Tháp trứng đã thành, thế nào là việc cứu kính?” Sư nắm tay chỉ đó và đến bên giường, xô gối rồi viên tịch.

Thiệp

Từ Điển Đạo Uyển

渉; C: shè; J: shō;
Có sự liên quan với. Có sự quen thuộc với; thân tình với.

Thiếu Lâm Tự

Từ Điển Đạo Uyển

少林寺; C: shàolín-sì; J: shōrin-ji;
Một ngôi chùa nổi danh nằm trên ngọn Thiếu Thất thuộc dãy Tung sơn. Chùa này do vua Hiếu Văn Ðế nhà Hậu Nguỵ xây dựng cho một vị sư là Phật-đà Thiền sư người Thiên Trúc (Ấn Ðộ). Ðầu thế kỉ thứ 6, Bồ-đề Lưu-chi có dừng chân tại đây và phiên dịch rất nhiều kinh sách. Sau, Bồ-đề Ðạt-ma cũng đến đây vì Ngài thấy thời hoằng hoá chưa đến. Tương truyền rằng, Bồ-đề Ðạt-ma lưu lại đây chín năm và trong thời gian này chỉ xoay mặt vào tường Toạ thiền.
Bây giờ khi nhắc đến Thiếu Lâm tự, người ta chỉ thường nghĩ đến những môn võ công của chùa này. Theo truyền thuyết thì võ công, một dạng của khí công được các vị Cao tăng tại đây sáng tạo và phát triển. Câu chuyện sau đây thường được nhắc lại khi nói đến võ công chùa Thiếu Lâm: “Một hôm, chùa bị giặc Hoàng Cân tấn công, tăng chúng sợ quá muốn tan. Chợt có một vị tăng cao tuổi làm đầu bếp múa gậy chạy ra bảo chúng ›Các vị chớ lo, Lão tăng chỉ một gậy là đuổi chúng chạy hết‹. Nghe như vậy ai cũng phì cười vì cho là nói khoát. Vị tăng đó liền múa gậy xông vào đám giặc, tên nào bị ăn gậy đều kinh khiếp chạy loạn. Cuối cùng giặc tan, vị tăng này truyền lại cho chúng võ nghệ rồi sau đó ẩn mất. Người sau cho rằng đó là hiện thân của Khẩn-na-la Phật.”

Thố Giác

Từ Điển Đạo Uyển

兎角; C: tùjiǎo; J: tokaku;
Sừng thỏ, vật chỉ có trong trí tưởng tượng.

Thoại đầu

Từ Điển Đạo Uyển

話頭; C: huàtóu; J: wato;
Chỉ cái trọng yếu, trung tâm, “chữ đầu” của một Công án. Một công án có thể có một hoặc nhiều thoại đầu và một thoại đầu có thể chỉ là một chữ duy nhất (xem Nhất tự quan).

Thời

Từ Điển Đạo Uyển

時; C: shí; J: ji;
1. Thời gian. Một thời gian hay giờ phút nào đó. Một mùa. Một dịp; 2. Mọi lúc, luôn luôn. Lúc nầy đến lúc khác; [Phật học] 3. Là một trong 24 pháp bất tương ưng hành theo giáo lí Duy thức; 4. Thời gian ương tục. “Thời gian” được thiết định căn cứ vào sự phân biệt quá khứ, hiện tại, tương lai (s: adhvan); 5. Hoàn cảnh, tình thế (s: avasthā); 6. Thỉnh thoảng, đôi khi; 7. Bây giờ, trong thế giới hiện tại.

Thời Giáo

Từ Điển Đạo Uyển

時教; C: shí jiāo; J: jikyō;
Sự phân loại giáo lí căn cứ vào từng thời kì.

Thời Luân Tan-Tra

Từ Điển Đạo Uyển

S: kālacakra-tantra; nghĩa là “Bánh xe thời gian”;
Tên của một Tan-tra Phật giáo, xuất phát từ thế kỉ thứ 10, tương truyền do nhà vua thần bí Sam-ba-la (s: śambhala) biên soạn. Trong bộ Mật kinh này, cách tính thời gian và thiên văn học đóng một vai trò quan trọng. Khi được đưa vào Tây Tạng năm 1027, Thời luân được sử dụng và trở thành gốc của lịch Tây Tạng. Ngoài việc này, Thời luân cũng trở thành một đối tượng quán sát của Mật tông, trong đó yếu tố Bản sơ Phật (A-đề-phật; s: ādi-buddha; Phổ Hiền) được thêm vào hệ thống Ngũ Phật, trở thành một Man-đa-la (s: maṇḍala) với tên là “Mười phần uy lực” của Mật tông.
Theo truyền thống Tây Tạng thì Thời luân được bảy nhà vua xứ Sam-ba-la và 25 vị truyền nhân chính tông lần lượt truyền lại. Ðến vị truyền nhân thứ 12 thì giáo pháp này đến Ấn Ðộ và sau đó qua Tây Tạng. Một trong những dòng truyền quan trọng là dòng qua Bố-đốn (t: buton, 1290-1364) đến Tông-khách-ba và ngày nay mật giáo Thời luân được tông Cách-lỗ (t: gelugpa) tu tập. Thời luân này gồm có ba phần: ngoại giáo, nội giáo và tha giáo. Ngoại giáo lấy thế giới vật chất làm đối tượng, giáo pháp này mô tả sự hình thành của vũ trụ và nói về thiên văn, địa lí. Trọng tâm của giáo lí này đặt vào tính lịch và thời gian, và vì vậy nó tập trung vào toán học. Ngược lại, phần nội giáo lấy thế giới tâm lí làm đối tượng, tập trung giảng giải về các kênh năng lượng (s: nāḍī; Trung khu). Phần tha giáo đề cập đến các linh ảnh nhận thức được trong các Nghi quỹ (s: sādhana). Cả ba phần này đều được xem là ba dạng của A-đề-phật (xem Phổ Hiền). Giáo pháp Thời luân chỉ một loạt sáu phương pháp Thiền định. Sáu phép này tuy cũng được Na-rô-pa (t: nāropa) luận giải, nhưng không giống với sáu phép Na-rô lục pháp (t: nāro cho-drug) của sư, chỉ có chung phép tu luyện để phát triển Nội nhiệt.

Thời Lượng

Từ Điển Đạo Uyển

時量; C: shíliáng; J: jiryō;
Khoảng thời gian; thời gian tịch tụ – hay trôi qua. Viết tắt của Thời lượng vô gián (時量無間).

Thời Lượng Vô Gián

Từ Điển Đạo Uyển

時量無間 (閒); C: shíliángwújian; J: jiryō mu-gen;
Thời gian trôi qua, không ngắt quãng hoặc gián đoạn.

Thời Tông

Từ Điển Đạo Uyển

時宗;; C: shízōng; J: jishū
Một nhánh của Tịnh độ tông Nhật Bản, xuất hiện thông qua sự giáo hoá của Nhất Biến (一遍, j: ippen) vào khoảng năm 1278, với ngôi chùa Du Hành tự (遊行寺, j: yugyōji) làm trụ sở. “Thời” nghĩa là niệm danh hiệu Đức Phật A-di-đà vào mọi lúc. Trước khi sư viên tịch, phái nầy có được hơn 200 tín đồ nam nữ, và Nhất Biến đã đặt ra giới luật hành trì là an bần và thường xuyên đi bộ. Thời tông thực hành một điệu nhảy đặc biệt (j: odori nembutsu) để ca ngợi sự cứu độ tức thời khi niệm danh hiệu Đức Phật A-di-đà. Vốn mang tính ngẫu hứng tự nhiên và xuất thần, vũ điệu ấy trở thành nghi lễ được các môn đệ thực hiện trước chánh điện và bàn thờ, cùng các nơi công cộng khác như trên bãi biển hoặc trong chợ. Sau khi bị trục xuất ra khỏi thủ đô Liêm Thương (kamakura) trong thời Mạc phủ, vảo năm 1282, Nhất Biến truyền bá Thời tông qua Kinh Đô. Ở đây sư thành công lớn, thường được những ngôi chùa và đền thờ quý tộc thỉnh đến. Năm 1288, Nhất Biến đưa nhóm của mình trở về quê hương Iyo rồi trở lại bên kia Inland Sea, nơi sư viên tịch vào năm 1289. Thời tông còn lưu truyền đến ngày nay với khoảng 500 ngôi chùa chi nhánh. Về kinh điển, tông nầy phần lớn căn cứ vào kinh A-di-đà, nhưng cũng công nhận kinh Pháp Hoa và kinh Hoa Nghiêm.

Thời Xứ Quỹ

Từ Điển Đạo Uyển

時處軌; c: shíchùguĭ; J: jishoki;
Kim cương đỉnh kinh nhất tự đỉnh luân vương Du-già nhất thiết thời xứ niệm tụng Phật nghi quỹ (金剛頂經一字頂輪王瑜伽一切時處念誦成佛儀軌).

Thông Biện

Từ Điển Đạo Uyển

通辯; ?-1134
Thiền sư Việt Nam đời thứ 8 dòng Vô Ngôn Thông, đắc pháp nơi Thiền sư Viên Chiếu. Môn đệ lừng danh của Sư là Ðạo Huệ.
Sư họ Ngô, quê ở Ðan Phượng (Hà Ðông). Sư học với Thiền sư Viên Chiếu, thầm nhận được ý chỉ, về sau đến trụ tại Quốc Tự trong kinh đô Thăng Long, lấy hiệu là Trí Không.
Ngày rằm tháng hai năm 1096, Hoàng Thái hậu Phù Thánh Cảm Linh Nhân đến chùa thiết lễ trai tăng và hỏi ý nghĩa Phật pháp, hỏi về các dòng thiền. Sư trả lời uyên thâm, thông suốt. Thái hậu hoan hỉ ban hiệu là Thông Biện Ðại sư và bái phong làm Quốc sư. Nội dung trả lời của Sư rất được các nhà nghiên cứu lịch sử Phật giáo sau này quan tâm, xem là thông tin quan trọng của thế kỉ thứ 12 về việc truyền thừa của đạo Phật tại Việt Nam. Sư được xem là một trong những tác giả của Thiền uyển tập anh, một quyển sách rất quan trọng của Thiền tông Việt Nam.
Nhờ sự giáo hoá của Sư, về sau Thái hậu cũng là người ngộ đạo. Lúc tuổi cao, Sư về trụ trì chùa Phổ Minh, thường dạy người kinh Pháp hoa, nên có có hiệu là Ngô Pháp Hoa. Ngày rằm tháng hai năm Giáp Dần (1134), đời Lí Thần Tông, Sư lâm bệnh rồi tịch.

Thong Dong Lục

Từ Điển Đạo Uyển

從容錄; C: cóngróng-lù; J: shōyō-roku;
Tên của một tập Công án, được hai vị Thiền sư Hoằng Trí Chính Giác và Vạn Tùng Hành Tú (萬松行秀; c: wànsōng xíngxiù, 1166-1246) biên soạn trong thế kỉ 12.
Tập công án này được biên soạn vài thập niên sau Bích nham lục của Thiền sư Viên Ngộ Khắc Cần. Thiền sư Hành Tú sử dụng 100 tắc công án và kệ tụng của sư Chính Giác dưới tên Tụng cổ bách tắc làm căn bản và thêm vào Trước ngữ, Bình xướng và vì vậy, mỗi tắc bao gồm 5 phần. Sư sử dụng tập này để dạy tăng chúng tại am Thung Dung (cũng đọc Thong Dong) và vì vậy tập công án này được truyền lại dưới tên này. Năm tắc được trích từ trong kinh sách, phần còn lại là những pháp thoại của các vị Thiền sư đời Ðường, thuộc về Ngũ gia thất tông. Tập này được xuất bản đầu tiên năm 1224, gần một thế kỉ sau Bích nham lục. Hơn hai phần ba của Thong dong lục trùng hợp với Bích nham lục và Vô môn quan và có lẽ vì vậy mà tập này ít được nhắc đến.

Thông Giác Thuỷ Nguyệt

Từ Điển Đạo Uyển

通覺水月; 1637-1704
Thiền sư Việt Nam, thuộc tông Tào Ðộng truyền sang miền Bắc, pháp hệ thứ 36. Sư nối pháp Thiền sư Nhất Cú Tri Giáo và truyền lại cho đệ tử là Chân Dung Tông Diễn.
Sư họ Ðặng, quê ở Thanh Triều, huyện Ngự Thiên, phủ Tiên Hưng. Sư trước học Nho giáo nhưng không hài lòng. Năm 20 tuổi, Sư xuất gia cầu đạo, vân du khắp nơi nhưng không tìm được nơi khế hợp. Sau, Sư quyết chí sang Trung Quốc tu học.
Chuyến du học này gặp đầy trở ngại, một trong hai đệ tử đi theo lâm bệnh, mất giữa đường và khi đến núi Phụng Hoàng, Sư phải ở ngoài chờ ba tháng mới vào được cổng chùa yết kiến Thiền sư Nhất Cú Tri Giáo.
Nhất Cú gặp Sư hỏi: “Trước khi cha mẹ sinh, trong ấy thế nào là Bản lai diện mục của ngươi?” Sư thưa: “Mặt trời sáng giữa hư không.” Nhất Cú bảo: “Ba mươi gậy, một gậy không tha”, và cho phép Sư nhập chúng.
Sáu năm trôi qua, một hôm, Nhất Cú gọi Sư vào Phương trượng hỏi: “Ðã Kiến tính chưa?” Sư lễ bái và trình kệ:
Viên minh thường tại thái hư trung
Cương bị mê vân vọng khởi long
Nhất đắc phong xuy vân tứ tán
Hằng sa thế giới chiếu quang thông.
*Sáng tròn thường ở giữa hư không
Bởi bị mây mê vọng khởi lồng
Một phen gió thổi mây tứ tán
Thế giới hà sa sáng chiếu thông.
Nhất Cú đưa tay điểm vào đầu Sư, ban hiệu là Thông Giác Ðạo Nam Thiền sư và nói kệ sau để truyền tông Tào Ðộng tại Việt Nam:
Tịnh trí thông tông, từ tính hải khoan
Giác đạo sinh quang, chính tâm mật hạnh
Nhân đức vi lương, huệ đăng phổ chiếu
Hoằng pháp vĩnh trường.
Nhất Cú căn dặn: “Ngươi về nên tinh tiến làm Phật sự, giảng thuyết đề cao chính pháp, không nên chần chờ để tâm theo vọng trần, trái lời Phật, Tổ dặn dò. Ngươi thành tâm đi muôn dặm đến đây nay ta cho một bài kệ để gắng tiến:
Quế nham suy phức tục truyền đăng
Thu nhập trường không quế bích đằng
Trì nhĩ viên lai khai bảo kính
Từ dư quy khứ thị kim thằng
Thuỵ thâm Phượng lĩnh thiên trùng tuyết
Cáp thụ An Nam nhất cá tăng
Dạ bán cẩm hà sơn hậu khởi
Hạo tòng thiên tế thức tăng hằng.
*Rừng quế gương xưa đền nối sáng
Thu về đâu đấy ngát mùi hương
Vì người xa đến treo gương báu
Từ biệt ta về chỉ đạo Thiền
Ai vào núi Phụng nghìn trùng tuyết
Dường có An Nam một vị tăng
Nửa đêm áo gấm ra sau núi
Như ở chân trời thấy mặt trăng”.
Từ biệt thầy, Sư cùng với đệ tử trở về Việt Nam. Về đến Việt Nam, Sư đi khắp các thắng cảnh như Yên Tử, Quỳnh Lâm và sau, Sư dừng chân tại Ðông Sơn ở huyện Ðông Triều, trụ tại chùa Hạ Long. Dân chúng xa gần nghe danh Sư đều đến xin quy y, tăng chúng đua nhau đến tham học.
Sắp tịch, Sư gọi Tông Diễn đến nói kệ:
Thuỷ xuất đoan do tẩy thế trần
Trần thanh thuỷ phục nhập nguyên chân
Dữ quân nhất bát cam lộ thuỷ
Bái tác ân ba độ vạn dân.
*Nước cốt tuôn ra rửa bụi trần
Sạch rồi nước lại trở về chân
Cho ngươi bát nước cam lộ quý
Ân tưới chan hoà độ vạn dân.
Sau, Sư nói kệ truyền pháp:
山織錦水畫圖。玉泉涌出白酡酥
岸上黃花鶯弄語。波中碧水鰈群呼
月白堂堂魚父醉。日紅耿耿繭婆晡
Sơn chức cẩm thuỷ hoạ đồ
Ngọc tuyền dũng xuất bạch đà tô
Ngạn thượng hoàng hoa oanh lộng ngữ
Ba trung bích thuỷ điệp quần hô
Nguyệt bạch đường đường ngư phủ tuý
Nhật hồng cảnh cảnh kiển bà bô.
*Núi dệt gấm, nước vẽ hình
Suối ngọc chảy, tuôn rượi đà tô
Bờ cúc nở hoa hoàng oanh hót
Nước trong sóng biếc cá điệp nhào
Trăng sáng rỡ ràng ông chài ngủ
Trời soi rừng rực kén nằm nhơ.
Nói kệ xong, Sư bảo: “Nay ta lên chơi trên núi Nhẫm Dương. Nếu bảy ngày không trở về, các ngươi tìm thấy chỗ nào có mùi thơm là ta ở đấy.” Chúng bùi ngùi mà không dám theo. Sau đúng bảy ngày, chúng cùng nhau đi tìm thì nghe gió thổi mùi hương ngào ngạt, thấy Sư ngồi kết già trên một tảng đá trong hang. Bấy giờ là ngày 6 tháng 3 năm Giáp Thìn, niên hiệu Chính Hoà thứ 20 đời vua Lê Hi Tông.

Thông Huyễn Tịch Linh

Từ Điển Đạo Uyển

通幻寂靈; J: tsūgen jakurei; 1322-1391;
Thiền sư Nhật Bản, thuộc tông Tào Ðộng, một trong năm vị đại đệ tử của Thiền sư Nga Sơn Thiều Thạc (gasan jōseki, 1275-1365).
Trong năm vị đại đệ tử này thì Sư là thượng thủ. Lúc còn nhỏ Sư đã đọc Kinh và năm lên 17, Sư xuất gia cầu đạo. Ban đầu, Sư đến học với Thiền sư Minh Phong Tố Triết (1277-1350) tại chùa Ðại Thừa (daijō-ji). Nơi đây, Sư tu tập không kể ngày đêm và vì vậy được tăng chúng cũng như dân dã xung quanh tôn kính. Sau hơn mười năm tu tập với Minh Phong, Sư chuyển sang Tổng Trì tự (sōji-ji) tu học với Thiền sư Nga Sơn và ngay tại đây, Sư triệt ngộ và được Nga Sơn Ấn khả.
Song song với bạn đồng học Thái Nguyên Tông Chân (taigen sáshin, ?-1370), Sư rất thành công trong việc truyền bá dòng thiền Tào Ðộng. Sư khai sáng và trụ trì nhiều thiền viện lớn và nhiều thiền sinh đến tham học dưới sự hướng dẫn của Sư – khắc khe nhưng nhiệt tình. Trong số các vị đệ tử thì Liễu Am Huệ Minh (了菴慧明; j: ryōan emyō) trội hơn hết. Liễu Am lần lượt trụ trì Tổng Trì tự, Vĩnh Trác tự (yōtaku-ji) và sau khai sáng Tối Thừa tự (saijō-ji) tại Sagami.

Thông Thiền

Từ Điển Đạo Uyển

通禪; ?-1228
Thiền sư Việt Nam, thuộc thiền phái Vô Ngôn Thông pháp hệ thứ 13. Sư đắc pháp nơi Thiền sư Thường Chiếu và truyền lại cho đệ tử là Tức Lự.
Sư họ Ðặng, quê ở làng Ốc, An La. Sư cùng Thiền sư Thần Nghi thờ Thường Chiếu làm thầy.
Một hôm, Sư vào thất hỏi: “Làm thế nào để biết rõ Phật pháp?” Thường Chiếu đáp: “Phật pháp không thể biết rõ, đây đâu có pháp để biết. Chư Phật như thế, tu tất cả pháp mà không thể được.” Sư nhân đây lĩnh ngộ ý chỉ.
Sau, Sư về cố hương trụ trì chùa Lưỡng Pháp, học chúng đến rất đông. Niên hiệu Kiến Trung thứ 4 đời Trần Thái Tông, Sư viên tịch.

Thủ

Từ Điển Đạo Uyển

取; S, P: upādāna;
Là sự chấp giữ, lưu luyến vướng mắc làm loài Hữu tình cứ lẩn quẩn trong Vòng sinh tử. Ngũ uẩn chính là đối tượng của Thủ, cho nên người ta gọi Thủ là Uẩn thủ. Theo Mười hai nhân duyên (s: pratītya-samutpāda), Ái (s: tṛṣṇā) là lòng ái dục sinh Thủ (ở đây là sự ham muốn được có thân, tìm cha mẹ) và Thủ lại sinh Hữu (bhava), tức là có đời sống mới.
Theo luận A-tì-đạt-ma câu-xá (abhidharma-kośa) thì có bốn loại Thủ: Dục thủ (欲取), Kiến thủ (見取; giữ những quan niệm sai lầm), Giới cấm thủ (戒禁取; ràng buộc nơi luật lệ, quy định) và Ngã luận thủ (我論取; chấp nơi một cái ta).

Thụ

Từ Điển Đạo Uyển

受; C: shòu; J: ju; S: vedanā.
Thuật ngữ Phật học tiếng Hán phiên dịch chữ vedanā từ tiếng Phạn, nghĩa là cảm giác; 1. Thụ uẩn, thành phần thứ hai trong Ngũ uẩn (五蘊); 2. Chi phần thứ 7 trong 12 nhân duyên; 3. Đón nhận, trải qua, kết quả của nghiệp thiện và ác. Nhận chịu nghiệp quả (s: paribhoga; t: so sor myoṅ ba); 4. Kiềm chế, hạn chế, câu thúc, ràng buộc; 5. Nhận chịu sự tương tục của Ngũ uẩn.

Thứ

Từ Điển Đạo Uyển

次; C: cì; J: shi;
1. Tiếp theo, theo sau; người thứ hai; 2. Thứ bậc, theo thứ bậc; 3. Kém hơn, thấp hơn, thứ yếu; 4. Một lượt, một loạt, một quãng; 5. Một nơi, chỗ ngập ngừng. Đến, đạt đến; 6. Vị trí của mặt trời và mặt trăng.

Thụ Bồ-đề Tâm Giới Nghĩa

Từ Điển Đạo Uyển

受菩提心戒義; C: shòupútíxīnjièyì; J: jubo-daishinkaigi; S: bodhicitta-śīlādānakalpa;
1 quyển. Bất Không (不空) dịch, có lẽ do Nhất Hạnh (一行) sưu tập. Nội dung chính là sự thụ giới theo nghi thức của Kim Cương thừa (s: vajrayāna).

Thụ Dụng

Từ Điển Đạo Uyển

受用; C: shòuyòng; J: juyū;
Có các nghĩa sau: 1. Nhận biết các cảnh trần qua các căn (giác quan). Trải qua (s: pratyu-pabhoga, upabhoga); 2. Tiếp nhận và sử dụng. Cách dùng; 3. Thưởng thức điều mình đang có; 4. Viết tắt của Thụ dụng thân (受用身), một trong các thân của Phật.

Thụ Dụng Thân

Từ Điển Đạo Uyển

受用身; C: shòuyòng shēn; J: juyūshin; S: saṃ-bhogakāya;
Là kết quả của sự giác ngộ, hưởng niềm vui của chính pháp và giúp cho người khác cùng được hưởng. Là một trong các thân của chư Phật, đồng nghĩa với Báo thân (報身). Từ nầy thường có nghĩa là thân tiếp nhận và hưởng niềm vui của chính pháp cho chính mình. Còn thân giúp người khác có được niềm vui thì gọi là Tha thụ dụng thân (他受用身). Một trong Ba thân

Thư đạo

Từ Điển Đạo Uyển

書道; J: shodō; cũng gọi là Thư pháp;
Nghệ thuật viết chữ; một trong những tu tập đạo của giới hâm mộ thiền Nhật Bản. Thư đạo được xem là nghệ thuật cốt tuỷ của tất cả các nghệ thuật bởi vì nơi đây, tâm trạng của nghệ sĩ được thể hiện một cách rõ ràng, hoàn thiện. Trong Thư đạo, người ta không chủ ý đến việc “viết đẹp” mà muốn gói gém vào tác phẩm một tâm trạng, một biểu tượng cô đọng của nghệ thuật, của cuộc sống. Những đặc điểm của Thư đạo nêu trên người ta có thể tìm thấy ở những Mặc tích, “dấu mực”, những tác phẩm được xem là tiêu biểu nhất của nghệ thuật này.

Thứ đệ

Từ Điển Đạo Uyển

次第; C: cìdì; J: shidai; S: krama.
Một trong 24 pháp tâm bất tương ưng hành theo giáo lí Duy thức. Khả năng thiết lập tạm thời của các pháp hữu vi trong tiến trình sinh diệt của chúng, theo trật tự trước sau liên quan đến nhân quả, có nghĩa: đặc tính của các pháp là sinh khởi và hoại diệt không đồng thời.

Thứ đệ Duyên

Từ Điển Đạo Uyển

次第縁; C: cìdìyuàn; J: shidaien;
Nhân duyên tiếp nối trước sau (s: anantara-pratyaya). Một trong Tứ duyên theo giáo lí Du-già hành tông, trong đó các hiện tượng có một trật tự trước sau nghiêm mật. Đây là thuật ngữ được Chân Đế dùng trong khi Huyền Trang dịch là Đẳng vô gián duyên (等無間縁)

Thụ Giới

Từ Điển Đạo Uyển

受戒; J: jukai;
Chỉ ngày lễ mà một người gia nhập Tăng-già, tự nguyện giữ Giới luật dành cho họ. Có nhiều loại giới, giới luật cho Cư sĩ, cho Tỉ-khâu (Cụ túc giới; p: upasampadā) v.v.

Thụ Kí

Từ Điển Đạo Uyển

受 (授) 記; C: shòujì; J: juki; S: vyākaraṇa.
Một người nhận lời báo trước của đức Phật rằng mình sẽ thành tựu huệ giác viên mãn trong tương lai (s: vyākaraṇa). Là 1 trong 12 thể loại của kinh điển Phật giáo. Thập nhị bộ kinh (十二部經).

Thụ Quyết

Từ Điển Đạo Uyển

受決; C: shòujué; J: juketsu; S: vyākaraṇa;
Cựu dịch từ chữ vyākaraṇa tiếng Phạn, có nghĩa sự nói trước tương lai sẽ thành Phật, do đức Phật truyền cho cho đệ tử. Về sau trong tiếng Hán thường dịch là Thụ kí (授記 hoặc 受記). cũng là một trong 12 thể loại của kinh điển Phật giáo. Thập nhị bộ kinh (十二部經).

Thụ Sinh

Từ Điển Đạo Uyển

受生; C: shòushēng; J: jushō;
Có các nghĩa sau: 1. Được sinh ra, tiếp nhận mệnh sống, trải qua cuộc sống (s: upapatti); 2. Được sinh ra trong đau khổ; 3. Bản sinh (s: jātaka), chuyện cuộc đời của Đức Phật, là 1 trong 12 thể loại của kinh điển Phật giáo.

Thủ Sơn Tỉnh Niệm

Từ Điển Đạo Uyển

首山省念; C: shǒushān xǐngniàn; J: shuzan shōnen; 925-993;
Thiền sư Trung Quốc tông Lâm Tế, đệ tử xuất sắc nhất của Phong Huyệt Diên Chiểu. Sư là người gìn giữ tông Lâm Tế trước cơ nguy tàn lụi. Thiền sư Phong Huyệt đã tỏ nỗi lo rằng chính pháp của Lâm Tế sẽ thiên hoá cùng với mình vì không tìm được người nối dõi. Nhưng sau đó Sư đến hội Phong Huyệt và được ấn chứng. Trong thời loạn (hậu Ðường sang đời Tống), Sư ẩn cư không để lộ tung tích. Sau khi bình yên lại, Sư mới bắt đầu tụ chúng và giáo hoá. Sư có 16 truyền nhân, trong đó Phần Dương Thiện Chiêu xuất sắc nhất, người đã đưa Thiền tông lên hàng đầu trong các môn phái đạo Phật đời Tống.
Sư họ Ðịch, quê ở Lai Châu, xuất gia tại chùa Nam Thiền. Vừa thụ giới cụ túc xong, Sư diêu du khắp nơi và thường tụng kinh Pháp hoa nên Sư cũng có biệt danh là Niệm Pháp Hoa.
Sau, Sư đến pháp hội của Thiền sư Phong Huyệt và được cử làm Tri khách. Một hôm, Sư đứng hầu, Phong Huyệt than với Sư: “Bất hạnh! Ðạo Lâm Tế ta sắp chìm lặng vậy.” Sư nghe vậy thưa: “Xem trong đại chúng đâu không có người kế thừa Hoà thượng?” Phong Huyệt bảo: “Người thông minh thì nhiều, kẻ kiến tính rất ít.” Sư thưa: “Như con, Hoà thượng xem thế nào?” Phong Huyệt bảo: “Ta tuy trông mong ở ngươi đã lâu nhưng vẫn e ngại đắm mến kinh này không thể buông rời.” Sư thưa: “Việc này có thể làm được, mong nghe yếu chỉ ấy.” Phong Huyệt thượng đường, nhắc lại việc đức Phật dùng cặp mắt như sen xanh nhìn đại chúng, bèn hỏi: “Chính khi ấy hãy bảo nói cái gì? Nếu bảo chẳng nói mà nói, lại là chôn vùi thánh trước. Hãy bảo nói cái gì?” Sư liền phủi áo đi ra. Phong Huyệt ném gậy trở về phương trượng. Thị giả chạy theo Phong Huyệt hỏi: “Niệm Pháp Hoa sao chẳng đáp lời Hoà thượng?” Phong Huyệt bảo: “Niệm Pháp Hoa đã hội.”
Sư đến Thủ Sơn trụ trì. Ngày khai đường có vị tăng hỏi: “Thầy xướng gia khúc tông phong ai, Nối pháp người nào?” Sư đáp: “Thiếu Thất trước núi xem bàn tay.” Tăng hỏi: “Lại thỉnh hồng âm hoà một tiếng?” Sư đáp: “Như nay cũng cần toàn thể biết.”
Sư dạy chúng: “Phật pháp không nhiều, chỉ vì nơi các ông tự tin chẳng đến. Nếu các ông tự tin thì ngàn vị Thánh ra đời cũng không làm gì được các ông. Vì sao như thế? Vì trước mặt các ông không có chỗ mở miệng. Chỉ vì các ông không có tự tin, chạy ra ngoài tìm cầu. Sở dĩ đến được trong ấy bèn là Phật Thích-ca, sẽ cho các ông ba mươi gậy. Tuy nhiên như thế, kẻ sơ cơ hậu học vào bằng đạo lí nào? Hãy hỏi các ông được cùng ấy hay chưa?” Sư im lặng giây lâu nói tiếp: “Nếu được cùng ấy mới là vô sự.”
Một giai thoại của Sư được nhắc lại trong Vô môn quan, Công án 43. Sư giô gậy trúc lên nói: “Này các ông, nếu gọi là gậy trúc thì xúc phạm, không gọi là gậy trúc thì trái nghịch, vậy gọi là gì?”
Ðời Tống, niên hiệu Thuần Hoá năm thứ ba (992), giờ Ngọ ngày mùng 4 tháng chạp, Sư nói kệ:
Kim niên lục thập thất
Lão bệnh tuỳ duyên thả khiển nhật
Kim niên kí thước lai niên sự
Lai niên kí trước kim triêu nhật.
*Năm nay sáu mươi bảy
Già bệnh tuỳ duyên hãy đuổi theo
Năm nay ghi lại việc năm tới
Năm tới ghi chắc việc ngày nay.
Ðến năm sau đúng ngày giờ nói trước, Sư từ biệt chúng và nói kệ:
Chư tử mạn ba ba
Quá khước cơ Hằng hà
Quan Âm chỉ Di-lặc
Văn-thù bất nại hà?
*Các con dối lăng xăng
Lỗi nhiều cát sông Hằng
Quan Âm chỉ Di-lặc
Văn-thù biết làm sao?
Sau khi im lặng giây lát, Sư lại nói kệ:
Bạch ngân thế giới kim sắc thân
Tình dữ phi tình cộng nhất chân
Minh ám tận thời câu bất chiếu
Nhật luân ngọ hậu kiến toàn thân.
*Thế giới bạch ngân thân sắc vàng
Tình với phi tình một tính chân
Tối sáng hết rồi đều chẳng chiếu
Vầng ô vừa xế thấy toàn thân.
Mặt trời vừa xế, Sư ngồi yên thị tịch, thọ 68 tuổi.

Thụ Thức

Từ Điển Đạo Uyển

受識; C: shòushì; J: jushiki;
Thức trải qua các kinh nghiệm, thường được gọi là Chuyển thức (轉識). Bảy thức khác bên cạnh Duyên thức (縁識), đồng nghĩa với Tạng thức (藏識; theo Nhiếp đại thừa luận 攝大乘論).

Thụ Trì

Từ Điển Đạo Uyển

受持; C: shòuchí; J: juji;
Có các nghĩa sau: 1. Tiếp nhận và ghi nhớ lời dạy; nhận và giữ lấy; ghi nhận và tán trợ (s: dhārayati, dhāraṇa); 2. Tiếp nhận và mặc y phục tuỳ theo từng nghi lễ riêng biệt.

Thụ Trì Thất Phật Danh Hiệu Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

受持七佛名號經; C: shòuchí qīfó mínghào jīng; J: juji shichibutsu myōgō kyō;
Tên gọi khác của Thụ trì thất Phật danh hiệu sở sinh công đức kinh (受持七佛名號所生功德經).

Thụ Trì Thất Phật Danh Hiệu Sở Sinh Công đức Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

受持七佛名號所生功德經; C: shòuchí qī-fó mínghào suŏshēng gōngdé jīng; J: juji shi-chibutsu myōgō shoshō kudoku kyō;
Còn gọi là Thụ trì thất Phật danh hiệu kinh (受持七佛名號經), Thất Phật danh hiệu công đức kinh (七佛名號功德經), Thất Phật danh kinh (七佛名經). 1 quyển. Với nội dung đức Phật nói về danh hiệu và công đức của bảy vị Phật cho Xá-lợi-phất. Huyền Trang dịch năm 651.

Thụ Uẩn

Từ Điển Đạo Uyển

受蘊; C: shòuyùn; J: ju-un; S: vedanā-skandha.
Một trong Ngũ uẩn (五蘊). Là một chức năng của tâm, tiếp nhận cảm giác từ ngoại cảnh. Theo giáo lí phân tích tâm sở hữu pháp của Duy thức tông, thụ uẩn bao gồm những yếu tố của chức năng cảm thụ qua giác quan.

Thủ-Lăng-Nghiêm Tam-Muội Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

首楞嚴三昧經; S: śūraṅgama-samādhi-nirdeśa-sūtra; cũng được gọi ngắn là Thủ-lăng-nghiêm hoặc Lăng-nghiêm kinh;
Một bộ kinh Ðại thừa chỉ còn được lưu lại qua bản chữ Hán, nguyên bản Phạn ngữ (sanskrit) đã thất truyền. Kinh này ảnh hưởng quan trọng lên Phật giáo Ðại thừa tại Trung Quốc. Kinh nhấn mạnh tầm quan trọng của Ðịnh (samādhi) để đạt giác ngộ. Kinh giải thích nhiều phương pháp quán tính Không (s: śūnyatā), nhờ đó mà tu sĩ cũng như cư sĩ đạt được tâm giác ngộ của Bồ Tát. Kinh này rất được phổ biến trong Thiền tông.

Thừa

Từ Điển Đạo Uyển

乘; C: shèng; J: jō; S: yāna; cũng đọc “Thặng”;
1. Lợi dụng; trèo lên, đi lên, lên (ngôi); đi (bằng phương tiện giao thông); 2. Phép nhân; 3. Cỗ xe bốn ngựa kéo; 4. Đồng hồ đo tốc độ xe; 5. Xe; 6. Giáo lí nhà Phật.
Trong Phật giáo, danh từ này đã có từ thời Tiểu thừa, quan niệm giáo pháp là “xe” đưa người tới Giác ngộ. Các cỗ xe khác nhau vì mỗi chặng đường đi có những quan niệm khác nhau, chủ tâm của hành giả và phương tiện đến mục đích cũng khác nhau. Theo Phật giáo Tây tạng thì sự lựa chọn cỗ xe nào là tuỳ căn cơ của hành giả và tuỳ trình độ của đạo sư. Người ta phân biệt ba thừa: Tiểu thừa, Ðại thừa và Kim cương thừa. Theo Kim cương thừa, thì cả ba thừa đều có thể được thực hành đồng thời, quan diểm này được gọi là Nhất thừa (s: ekayāna).
Trong giai đoạn đầu của sự phát triển Phật giáo tại Tây Tạng, người ta phân chia các Thừa theo nhiều cách, trong đó quan điểm “chín thừa” được trường phái Ninh-mã (t: nyingmapa) đại diện và được nhóm Ri-mê chấp nhận trong thế kỉ thứ 19. Theo quan điểm này thì Hiển giáo gồm có 3 thừa như sau: 1. Thanh văn thừa, 2. Ðộc giác thừa, 3. Bồ Tát thừa. Ðó là cách chia theo Tiểu thừa và Ðại thừa. Còn trong Mật giáo lại chia làm hai: Ngoại Tan-tra và Nội tan-tra. Ngoại tan-tra là ba loại Tan-tra được mọi trường phái Mật tông chấp nhận, đó là: 4. Tác tan-tra, 5. Hành tan-tra và 6. Du-già tan-tra. Theo phái Ninh-mã lại có thêm ba phép Nội tan-tra nữa, là ba phép Tan-tra cao nhất, đó là: 7. Ma-ha du-già (mahā-yoga), 8. A-nậu du-già (s: anu-yoga) và 9. A-tì du-già (atiyoga đồng nghĩa với dzogchen, Ðại cứu kính). Theo quan điểm của phái Ninh-mã thì ba thừa đầu tiên (Thanh văn, Ðộc giác, Bồ Tát) do đức Thích-ca truyền lại, đó là Ứng thân (s: nirmāṇakāya, xem Ba thân) của Pháp giới. Ba Ngoại tan-tra là do Báo thân chân truyền (xem Kim cương Tát-đoá). Ba Nội tan-tra là do Phổ Hiền (s: saman-tabhadra) chân truyền và Phổ Hiền là hiện thân của Pháp thân. Vì thế, theo quan điểm của Ninh-mã thì Bồ Tát không phải qua Thập địa mà phải qua 16 cấp bậc tu học, vì thật sự không phải ba thừa mà chín thừa.

Thừa Giới

Từ Điển Đạo Uyển

乘戒; C: shèngjiè; J: jōkai;
Thừa nghĩa là giáo pháp giúp người giác ngộ, giới là những điều luật giúp người phòng tránh các việc ác. Hai từ nầy được dùng chung với nhau để chỉ bốn loại giới thứ thông dụng, gọi là Giới thừa tứ cú (戒乘四句).

Thức

Từ Điển Đạo Uyển

識; S: vijñāna; P: viññāṇa; J: shiki;
1. Một thuật ngữ quan trọng trong Phật pháp chỉ sự “nhận biết.” Có sáu thức thông thường gồm năm thức của năm giác quan và ý thức. Ðó là hoạt động tâm lí sau khi giác quan (căn) tiếp xúc với đối tượng (trần), thức được sinh ra. Thức là một yếu tố của Ngũ uẩn và là yếu tố thứ 3 trong Mười hai nhân duyên.
Thức là “giác quan” tâm lí, ở đây được xem là ngang hàng với năm giác quan kia nhằm tránh quan niệm cho rằng thức chính là cái chứa đựng cái “Ta”, một cái gì độc lập thường hằng. Thức chỉ là một yếu tố tạo nên cái mà ta tưởng là một con người mà thật chất con người đó chỉ là sự cảm nhận giả hợp (xem thêm Tâm sở). Ðặc biệt là trong Duy thức tông, người ta phân biệt tám loại thức khác nhau (Pháp tướng tông).
2. Theo Ấn Ðộ giáo thì “vijñāna” là trạng thái cao nhất của kinh nghiệm giác ngộ, trong đó, Bậc giác ngộ không trực nhận Chân lí (s: brahman) ở một trạng thái định (s: samādhi) riêng biệt nào đó mà trực nhận nó ngay ở trong thế giới hiện hữu. Ðối với ông ta thì thế giới chính là hiện thân của cái Chân lí đó. Hệ thống Vê-đan-ta (s: vedānta) gọi trạng thái này là “Nhìn Chân lí với cặp mắt mở to” và người đạt trạng thái này được gọi là một “Vijñānin.”

Thương

Từ Điển Đạo Uyển

傷; C: shāng; J: shō;
Có hai nghĩa: 1. Vết thương, bị thương; 2. Đau khổ thể xác và tinh thần – đặc biệt là đau khổ về tinh thần hay sự xúc cảm.

Thường Chiếu

Từ Điển Đạo Uyển

常照; ?-1203
Thiền sư Việt Nam, thuộc phái thiền Vô Ngôn Thông, pháp hệ thứ 12. Sư kế thừa Thiền sư Quảng Nghiêm và truyền pháp lại cho Thông Thiền và Thần Nghi.
Sư họ Phạm, quê ở làng Phù Ninh. Ðời vua Lí Cao Tông, Sư có giữ một chức quan nhưng sau đó từ chức, xuất gia tu học với Thiền sư Quảng Nghiêm ở chùa Tịnh Quả. Trong hội Quảng Nghiêm, Sư là người đứng đầu chúng và ở lại hầu thầy nhiều năm.
Rời Quảng Nghiêm, Sư đến phường Ông Mạc trụ trì một ngôi chùa cổ nhưng sau lại dời về chùa Lục Tổ ở làng Dịch Bảng, phủ Thiên Ðức. Học chúng quy tụ về ngày càng đông. Danh tiếng Sư vang khắp tùng lâm.
Ngày 24 tháng 9 niên hiệu Thiên Gia Bảo Hựu thứ hai, Sư có chút bệnh gọi chúng lại nói kệ phó chúc:
道本無顏色。新鮮日日誇
大天沙界外。何處不爲家
Ðạo bản vô nhan sắc
Tân tiên nhật nhật khoa
Ðại thiên sa giới ngoại
Hà xứ bất vi gia.
*Ðạo vốn không màu sắc
Ngày ngày lại mới tươi
Ngoài đại thiên sa giới
Chỗ nào chẳng là nhà.
Nói xong, Sư ngồi Kết già thị tịch.

Thượng địa

Từ Điển Đạo Uyển

上地; C: shàngdì; J: jōchi, jōji; S: upari-bhūmi.
Cảnh giới cao trong công phu tu tập, cảnh giới cao của tâm thức Hạ địa (下地; theo Du-già luận 瑜伽論)

Thượng Giới

Từ Điển Đạo Uyển

上界; C: shàngjiè; J: jōkai;
1. Sắc giới, Vô sắc giới, không kể Dục giới (theo Du-già luận 瑜伽論); 2. Viết tắt của Thiên thượng giới (天上界), cõi trời phía trên; 3. Cảnh giới của chư thiên ở các cõi trời như Nhân-đà-la (s: śakra) hay Đế-thích (s: indra).

Thượng Hạ Bát đế

Từ Điển Đạo Uyển

上下八諦; C: shàngxiàbādì; J: jōgehachitai;
Tám chân lí (bát đế 八諦) trên và dưới. Bốn chân lí trên thuộc về Sắc giới (色界) và Vô sắc giới (無色界); bốn chân lí dưới thuộc về Dục giới (theo Nhị chướng nghĩa 二障義).

Thượng Hành

Từ Điển Đạo Uyển

上行; C: shàngxíng; J: jōgyō;
1. Đi về hướng trên. Đi ngược dòng về phía trên, có khuynh hướng ngược dòng để lên phía trên; 2. Công hạnh của một chúng sinh căn cơ bậc thượng. Công hạnh cao tột; 3. Tên của một vị Bồ Tát trong kinh Pháp Hoa.

Thượng Phẩm

Từ Điển Đạo Uyển

上品; C: shàngpǐn; J: jōbon;
Tầng lớp trên, thứ bậc trên. Thường dùng để nói đến căn cơ của hành giả. Đối nghịch với Trung phẩm (中品) và Hạ phẩm (下品).

Thượng Phiền Não

Từ Điển Đạo Uyển

上煩惱; C: shàngfánnăo; J: jōbonnō;
1. Trạng thái cường thịnh của căn bản phiền não; 2. Phiền não hiện hành (theo Khởi tín luận 起信論, Thắng-man kinh 勝鬘經).

Thượng Sinh

Từ Điển Đạo Uyển

上生; C: shàngshēng; J: jōshō;
Tái sinh ở trong cõi tốt lành hơn. Chẳng hạn tái sinh vào Sắc giới thay vì Dục giới.

Thượng Sinh Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

上生經; C: shàngshēng jīng; J: jōshō kyō;
Viết tắt của Di-lặc thượng sinh kinh (彌勒上生經).

Thượng Tâm

Từ Điển Đạo Uyển

上心; C: shàngxīn; J: jōshin;
1. Trong Bồ Tát trì địa kinh (菩薩地持經), đây là trạng thái tinh thần của thiền định trong cõi trời Vô sắc (無色界天); 2. Thượng tâm phiền não (上心煩惱).

Thượng Tâm Phiền Não

Từ Điển Đạo Uyển

上心煩惱; C: shàngxīn fánnăo; J: jōshin bon-nō;
Cũng viết Thượng tâm hoặc: 1. Theo trong Tam vô tính luận, phiền não tái sinh khởi sau khi trực quán được diệu đế; 2. Thượng phiền não.

Thượng Thủ

Từ Điển Đạo Uyển

上首; C: shàngshǒu; J: jōshu;
1. Cao quý nhất, quan trọng nhất; 2. Giai vị cao nhất, hoặc người đang trên giai vị đó. Người đứng đầu, lĩnh đạo, thủ lĩnh.

Thượng Thượng Phẩm

Từ Điển Đạo Uyển

上上品; C: shàngshàngpǐn; J: jōjōhon;
Thứ nhất (thượng 上) trong hàng cao cấp nhất (thượng phẩm 上品). Bậc cao nhất trong chín hạng thường được đề cập trong kinh văn Phật giáo để phân loại các giới bằng phẩm lượng. Thuật ngữ nầy thường được dùng để nói đển căn cơ của chúng sinh (theo Nhiếp Đại thừa luận 攝大乘論).

Thượng Toạ

Từ Điển Đạo Uyển

上座; C: shàngzuò; J: jōza; S: sthavira; P: the-ra;
I. Chỉ một người cao tuổi đã đạt bốn tiêu chuẩn sau: 1. Ðức hạnh cao; 2. Nắm vững tất cả giáo lí căn bản của Phật pháp; 3. Nắm vững các phép Thiền định; 4. Người đã diệt Ô nhiễm (s: āśrava), Phiền não (s: kleśa) và đạt Giải thoát (s: vimokṣa).
Danh hiệu Thượng toạ được dùng sau này không hẳn là theo tất cả các tiêu chuẩn trên, thường chỉ để dùng cho các Tỉ-khâu có danh tiếng, cao tuổi hạ (Hoà thượng).
II. Trong Thiền tông, là danh hiệu kính cẩn để gọi thầy của mình;
III. Chỉ cho Thượng toạ bộ.

Thượng Toạ Bộ

Từ Điển Đạo Uyển

上座部; C: shàngzuòbù; J: jōzabu; S: sthavira-vāda; P: theravāda;
Trường phái thuộc Trưởng lão bộ (s: sthavi-ravāda), xuất phát từ Phân biệt bộ (s: vibhajyavādin), do Mục-kiền-liên Tử-đế-tu (p: moggaliputta tissa) thành lập (Kết tập). Phái này được Ma-hi-đà đưa về Tích Lan năm 250 trước Công nguyên và được các sư tại Ðại Tự (mahāvihāra) tu tập. Về giới luật cũng có nhiều bất đồng trong nội bộ phái Thượng toạ bộ. Ngày nay Thượng toạ bộ được lưu hành tại các nước Tích Lan, Miến Ðiện, Thái Lan, Campuchia và Lào.
Thượng toạ bộ là trường phái Tiểu thừa duy nhất còn lưu lại đến ngày nay, tự xem là dạng Phật giáo nguyên thuỷ nhất. Thượng toạ bộ cho rằng các kinh điển viết bằng văn hệ Pā-li của mình là ngữ thuyết của chính đức Phật (Tam tạng). Giáo pháp của Thượng toạ bộ chủ yếu gồm Tứ diệu đế, Bát chính đạo, Mười hai nhân duyên và thuyết Vô ngã. Thượng toạ bộ nhấn mạnh khả năng từng người tự giải thoát bằng cách kiên trì giữ giới luật và sống một cuộc đời phạm hạnh. Hình ảnh cao quý của Thượng toạ bộ là A-la-hán. Giáo pháp của Thượng toạ bộ có khuynh hướng phân tích, trong đó A-tì-đạt-ma (s: abhidharma) đóng một vai trò quan trọng. Ngoài ra bộ Thanh tịnh đạo (p: visuddhi-magga) và Di-lan-đà vấn đạo kinh (p: milinda-pañha) cũng rất được phổ biến. Luận sư xuất sắc của Thượng toạ bộ là Phật Âm (p: buddhagosa), Hộ Pháp (p: dhammapāla), A-na-luật (anuruddha) và Phật-đà Ðạt-đa (buddhadatta).

Thương-Yết-La-Chủ

Từ Điển Đạo Uyển

商羯羅主; C: shāngjiéluózhŭ; J: shōkarashu; S: śaṃkarasvāmin
Nhà luận lí học Ấn Độ vào cuối thế kỉ thứ 6. Sư là đệ tử của Trần-na (s: dignāga) và là tác giả của Nhân minh nhập chính lí luận (因明入正理論, s: nyāyapraveśa-śāstra), một trong những tác phẩm chủ yếu về luận lí học ở Đông á.

Thuỳ

Từ Điển Đạo Uyển

垂; C: chuí; J: sui;
Có các nghĩa sau: 1. Treo lơ lững, rủ xuống, cúi xuống, hạ xuống, lòng thòng; 2. Chùng xuống, nhỏ từng giọt, chảy từng giọt; 3. Để lại, di tặng, ban cho; 4. Đến sát gần; kết thúc; 5. Chiếu cố; có thiện chí.

Thuỷ

Từ Điển Đạo Uyển

水; C: shuĭ; J: sui;
Nước, sông, biển hay đại dương. Một trong Tứ đại (四大).

Thuỷ Nga

Từ Điển Đạo Uyển

水鵝; C: shuĭé; J: suiga;
Ngỗng chúa (s: haṃsa), có khả năng rút sữa từ trong nước ra để uống.

Thuỵ Nham Sư Ngạn

Từ Điển Đạo Uyển

瑞巖師彥; C: ruìyán shīyàn; J: zuigan shigen; tk. 9;
Thiền sư Trung Quốc, môn đệ của Thiền sư Nham Ðầu Toàn Hoát.
Sư họ Hứa, quê ở Mân Việt, xuất gia từ nhỏ. Sư đến tham vấn Nham Ðầu, hỏi: “Thế nào là lí bản thường?” Nham Ðầu đáp: “Ðộng.” Sư thưa: “Khi động thế nào?” Nham Ðầu đáp: “Chẳng phải lí bản thường.” Sư trầm ngâm dây lâu. Nham Ðầu bảo: “Chấp nhận tức chưa khỏi căn trần, chẳng chấp nhận tức hằng chìm sinh tử.” Nghe câu này, Sư lĩnh hội.
Sư đến Ðan Khưu, suốt ngày ngồi trên bàn đá làm như kẻ ngu, hàng ngày tự gọi: “Ông chủ!” Rồi tự đáp: “Dạ.” Lại nói: “Tỉnh táo nhé!” Tự đáp: “Dạ.” Lại nói: “Mai kia mốt nọ đừng để người gạt!” Rồi tự đáp: “Dạ, dạ” (Vô môn quan, công án 12).
Một hôm, có bà lão đến lễ Sư. Sư bảo: “Bà về mau cứu mấy ngàn sinh mệnh.” Bà lão về đến nhà, thấy con dâu xách một giỏ ốc từ ngoài đồng mang về. Bà liền đem xuống hồ thả hết.
Không biết Sư tịch ở đâu, lúc nào.

Thuỷ Thần

Từ Điển Đạo Uyển

水神; C: shuĭshén; J: suijin; S: varuṇa.
Thuỷ thiên (水天).

Thuỷ Thiên

Từ Điển Đạo Uyển

水天; C: shuĭtiān; J: suiten;
Là Varuṇa trong thần thoại Ấn Độ. Là 1 vị thần lão luyện trong tín ngưỡng Vệ-đà, nhân cách hoá của Thượng đế, là đấng sáng tạo và giữ gìn vũ trụ. Sau trở thành chuá tể cuả các thần mặt trời, rồi thành thần của sông biển. Còn được dịch là Thuỷ thân (水神) và Thuỷ vương (水王). Phiên âm là Hoà luân (和輪) và Bà-lâu-na (婆樓那).

Thuỷ Tinh

Từ Điển Đạo Uyển

水晶(精); C: shuĭjīng; J: suishō; S: sphaṭika.
Pha lê, là một trong bảy thứ châu báu (Thất bảo 七寶).

Thuý Vi Vô Học

Từ Điển Đạo Uyển

翠微無學; C: cuìwēi wúxué; J: suibi mugaku; tk. 9;
Thiền sư Trung Quốc, môn đệ của Ðan Hà Thiên Nhiên. Sử sách không ghi lại nhiều về Sư, chỉ kể lại là Sư hoằng hoá giống như thầy mình là Ðan Hà, chẳng để ý gì đến tục lệ, chẳng coi trọng hiểu biết sách vở, chỉ tuỳ cơ dạy chúng nên tự xưng mình là Vô Học. Sư có năm người nối pháp và một trong những người đó là Thiền sư Ðầu Tử Ðại Ðồng.

Thuỷ Vương

Từ Điển Đạo Uyển

水王; C: shuĭwáng; J: suiō; S: varuṇa.
Thuỷ thiên (水天).

Thuyên Ngư

Từ Điển Đạo Uyển

筌魚; J: sengyo; là cái nơm cá;
Một biểu thị thường được sử dụng trong Thiền tông, vốn xuất phát từ Trang Tử, một hiền triết của Ðạo giáo. Trang Tử viết như sau trong Trang Tử nam hoa chân kinh (Nguyễn Duy Cần dịch):
筌者所以在魚。得魚而忘筌。蹄者所以在兔。得兔而忘蹄。言者所以在意。得意而忘言。吾安得夫忘言之人而與之言哉
Thuyên giả sở dĩ tại ngư, đắc ngư nhi vong thuyên. Ðề giả sở dĩ tại thố, đắc thố nhi vong đề. Ngôn giả sở dĩ tại ý, đắc ý nhi vong ngôn. Ngô an đắc phù vong ngôn chi nhân nhi dữ chi ngôn tai.
*Có nơm là vì cá, đặng cá hãy quên nơm. Có dò là vì thỏ, đặng thỏ hãy quên dò. Có lời là vì ý, đặng ý hãy quên lời. Ta sao tìm đặng người biết quên lời hầu cùng ta bàn luận!
Như vậy có nghĩa là: hành giả không nên bám chặt vào văn tự và phương pháp bởi vì mục đích không nằm trong đó. Chúng chỉ là những phương tiện nhất thời nhằm hướng dẫn hành giả vượt qua nó để đạt đến đích. Vì thế nên mọi người đều phải quên đi những phương tiện này để có thể trực chứng được đạo, để đạo có cơ hội tự hiển hiện. Chính đức Phật cũng khuyên các đệ tử không nên bám vào ngón tay chỉ trăng mà cho nó là sự thật. Cái nơm của Trang Tử và ngón tay chỉ trăng của đức Phật được nêu ra là cũng vì những lí do trên. Thuyết “Bất lập văn tự” của Thiền tông được lập ra chính là dựa trên cơ sở này.

Thuyền Tử Ðức Thành

Từ Điển Đạo Uyển

船字德誠; C: chuánzǐ déchéng; J: sensu tokujō; tk. 8-9;
Thiền sư Trung Quốc, đạt yếu chỉ nơi Dược Sơn Duy Nghiễm. Sư chỉ có một người đệ tử ngộ đạo là Giáp Sơn Thiện Hội.
Sư là người tiết tháo độ lượng, làm bạn cùng với Ðạo Ngô Viên Trí và Vân Nham Ðàm Thạnh. Sau khi từ giã thầy và hai bạn, Sư đến bến Hoa Ðình ở sông Ngô Tú Châu sắm thuyền đưa người qua sông. Người ở đó không biết tung tích Sư nên gọi là Hoà thượng Thuyền Tử. Thiền sư Thiện Hội nhân được Ðạo Ngô mách đến yết kiến Sư. Vừa thấy đến Sư liền hỏi: “Ðại đức trụ trì nơi nào?” Thiện Hội đáp: “Chùa tức chẳng trụ, trụ tức chẳng giống.” Sư hỏi: “Chẳng giống, giống cái gì?” Thiện Hội đáp: “Chẳng pháp trước mắt.” Sư hỏi: “Ở đâu học được nó?” Thiện Hội trả lời: “Chẳng phải chỗ tai mắt đến.” Sư cười bảo: “Một câu dù lĩnh hội, muôn kiếp cọc cột lừa. Thả ngàn thước tơ ý đầm sâu, lìa lưỡi câu ba tấc, nói mau! Nói mau!” Thiện Hội vừa mở miệng bị Sư đánh một chèo té xuống nước. Vừa mới leo lên thuyền Sư lại thúc: “Nói mau! Nói mau!” Thiện Hội vừa mở miệng lại bị Sư đánh. Thiện Hội hoát nhiên đại ngộ.
Sư căn dặn Thiện Hội: “Ngươi ra đi phải tìm chỗ ẩn thân mất dấu vết, chỗ mất dấu vết chớ ẩn thân. Ta ba mươi năm ở Dược Sơn chỉ sáng tỏ việc này. Nay ngươi đã được nó, sau chớ ở chỗ xóm làng thành thị, nên vào trong núi sâu bên cạnh đồng để tìm lấy trọn một cái, nửa cái còn lại không thể đoạn đứt.”
Ngay sau khi Ấn khả cho Thiện Hội, Sư tự lật úp thuyền viên tịch.

Từ Điển Đạo Uyển

毘; C: pí; J: bi;
1. Giúp đỡ, trợ giúp; 2. Liệng bỏ; 3. Dùng để kí âm “vi” (वि) trong tiếng Phạn.

Tỉ Duệ Sơn

Từ Điển Đạo Uyển

比叡山; J: hieizan;
Một ngọn núi gần Kinh Ðô (kyōto), nơi Ðại sư Tối Trừng (j: saichō) xây dựng Nhất Thừa Chỉ Quán viện (sau được đổi tên là chùa Diên Lịch) của tông Thiên Thai Nhật Bản vào thế kỉ thứ 9. Chùa này trở thành một trung tâm quan trọng của Phật giáo Nhật Bản trong thời trung cổ và đã từng đón nhiều Cao tăng của các trường phái khác như Chân ngôn tông (j: shingon) và Thiền tông (j: zen-shū).

Tì Thế

Từ Điển Đạo Uyển

毘世; C: píshì; J: bisei;
Phiên âm chữ Vaiśeṣika trong tiếng Phạn. Xem Thắng luận.

Tì-Bà-Sa

Từ Điển Đạo Uyển

毘婆沙; C: pípóshā; J: bibasha;
Phiên âm chữ vibhāṣā trong tiếng Phạn, có nghĩa là sự chọn lựa, hoặc cái nầy hay cái kia. Một lối diễn dịch rộng hơn và giải thích khác hơn.

Tì-Bà-Sa Bộ

Từ Điển Đạo Uyển

毘婆娑部; S: vaibhāṣika; nguyên ngĩa là “bộ phái của những người theo Tì-bà-sa luận”;
Một nhánh được thành lập sau của Nhất thiết hữu bộ (s: sarvāstivāda). Như danh hiệu nêu rõ, bộ phái này dựa trên hai tác phẩm A-tì-đạt-ma đại tì-bà-sa luận (s: abhi-dharma-mahāvibhāṣā) và Tì-bà-sa luận (vibhāṣā), có nhiều cống hiến cho A-tì-đạt-ma (abhidharma) của Nhất thiết hữu bộ.

Tì-Bà-Sa Luận

Từ Điển Đạo Uyển

毘婆沙論; C: pípóshā lùn; J: bibasharon; S: vibhāṣā-śāstra
Là một chuyên luận triết học của Ca-đa-diễn-ni tử (s: kātyāyanīputra). Những người theo Đại Tì-bà-sa luận (s: vaibhāṣika) vốn là đệ tử của phái Hữu bộ. A-tì-đạt-ma Đại Tì-bà-sa luận (阿毘達磨大毘婆沙論).

Tì-Bà-Xá-Na

Từ Điển Đạo Uyển

毘婆舍那; C: pípóshènà; J: bibashana;
Phiên âm từ chữ vipaśyanā trong tiếng Phạn và chữ vipassanā trong tiếng Pāli. Hán dịch là Quán. Là pháp thiền quán sát hay phân tích, thường được hiểu là bước kế tiếp trong pháp thiền Chỉ (s: śamatha) của Phật giáo.

Tì-Bát-Xá-Na

Từ Điển Đạo Uyển

毘鉢舎那; C: píbōshènà; J: bibasshana;
Còn gọi là Tì-bà-xá-na (毘婆舎那). Phiên âm chữ vipaśyanā trong tiếng Phạn, là pháp thiền quán chiếu hay phân tích theo giáo lí Phật pháp, đi cùng với pháp thiền Chỉ (止, s: śamatha).

Tì-Câu-Chi

Từ Điển Đạo Uyển

毘倶胝; C: píjùzhī; J: biguchi; S: bhrukuṭi.
Một trong 37 vị Bồ Tát trong Thai tạng giới (胎藏界, s: garbha-dhātu)

Tì-Da

Từ Điển Đạo Uyển

毘耶; C: píyé; J: biya; S: vaiśāli
Quê hương của Duy-ma-cật (s: vimalakīrti).

Tì-Da Quật

Từ Điển Đạo Uyển

毘耶窟; C: píyé kū; J: biyakutsu;
“Trượng thất tại thành Tì-da”, chỉ cho căn phòng của Duy-ma-cật, trong văn học thiền thường dịch là phương trượng, “một trượng vuông” (tương đương 9 mét vuông). Đây là thuật ngữ chỉ cho sự kính trọng đối với nơi ở của vị trú trì, hay đối với chính vị trú trì một thiền viện.

Tì-Da-Khư-Lê-Na

Từ Điển Đạo Uyển

毘耶佉梨那; C: píyéqūlínà; J: biyakyo-rina;
Phiên âm chữ vyākaraṇa trong tiếng Phạn, có nghĩa là sự báo trước tương lai sẽ thành Phật do Đức Phật bảo cho đệ tử, thường dịch là Thụ kí (授 [受] 記). Là một trong 12 thể loại truyền thống của kinh văn Phật giáo.

Tì-đàm

Từ Điển Đạo Uyển

毘曇; C: pítán; J: bidon;
1. Viết tắt từ Phiên âm chữ abhidharma, Phiên âm đầy đủ là A-tì-đàm (阿毘曇) và A-tì-đạt-ma (阿毘達磨), dịch nghĩa là Luận (論); 2. Thuật ngữ đề cập đến A-tì-đạt-ma Câu-xá luận (倶舍論, s: abhidharmakośa-bhāṣya); 3. Đề cập đến học thuật hoặc học giả Tiểu thừa.

Tì-đàm Tông

Từ Điển Đạo Uyển

毘曇宗; C: pítánzōng; J: bidonshū;
Tông theo học thuyết A-tì-đạt-ma. Một trong 13 tông phái Phật giáo Trung Hoa. Không thật sự là một tông phái Phật giáo đặc biệt thành lập ở Á Đông, nhưng đề cập đến những người chuyên tập trung nghiên cứu kinh luận của Nhất thiết hữu bộ, ví như Tạp A-tì-đàm tâm luận (雜阿毘曇心論).

Tỉ-Khâu

Từ Điển Đạo Uyển

比丘; S: bhikṣu; P: bhikkhu;
Danh từ chỉ một nam giới xuất gia, sống cuộc đời không nhà. Theo quan điểm nguyên thuỷ, chỉ có những người sống viễn li mới có thể đạt được Niết-bàn. Hoạt động chính của những vị này là thiền định và giảng dạy giáo pháp, không được thụ hưởng cuộc đời và chịu sống lang thang không nhà. Giới luật của tỉ-khâu là đời sống nghèo khổ, không vợ con và thực hành từ bi, được đề ra trong Luật tạng.
Cuộc sống cơ hàn của tỉ-khâu được thể hiện trong chiếc Tam y của các vị đó, gồm có ba phần (s: tri-cīvara) và do vải vụn kết lại. Vật dụng hàng ngày chỉ gồm bát khất thực, dao cạo, kim chỉ, đồ lọc nước và gậy kinh hành. Tỉ-khâu không được nhận tiền bạc hay các vật dụng khác. Thức ăn là do cúng dường, thuốc men chủ yếu là nước tiểu thú vật.
Ðầu tiên, tỉ-khâu thường sống một cuộc đời lang thang. Trong mùa mưa, các vị đó thường buộc phải an trú trong một tinh xá (精舍; s, p: vihāra). Lí do là vì nếu đi lại trong mùa mưa, các vị có thể gây tai hại cho động vật và cây cối. Vì vậy, các vị chỉ được rời tu viện vì lí do đặc biệt trong mùa này. Mùa An cư này được chấm dứt bằng buổi lễ Tự tứ (自恣; p: pravāraṇā), trong đó các vị cùng sống chung trong thời gian qua kiểm điểm lại lỗi lầm hay thiếu sót với nhau. Qua năm tháng, tỉ-khâu ít đi vân du, các vị sống nhiều trong các tu viện, tuy nhiên, tục đi hành hương chiêm bái vẫn còn được giữ đến ngày nay. Ngày nay, các tỉ-khâu phần lớn vẫn còn giữ tập tục như hồi đức Phật còn tại thế, nhưng mặt khác, họ phải thích nghi với đời sống xã hội và điều kiện địa lí. Ví dụ như các tỉ-khâu Trung Quốc thường hay làm công việc đồng áng, đó là điều mà tỉ-khâu ngày xưa không được làm vì sợ giết hại sinh mệnh côn trùng. Trong một vài trường phái của Tây Tạng và Nhật Bản, tỉ-khâu có thể lập gia đình, có vợ con. Các quy định về khất thực cũng thay đổi nhiều qua thời gian.

Tỉ-Khâu-Ni

Từ Điển Đạo Uyển

比丘尼; S: bhikṣuṇī; P: bhikkhunī;
Nữ giới xuất gia. Theo truyền thuyết, tỉ-khâu-ni đoàn được kế mẫu của Ðức Phật sáng lập với sự ủng hộ của A-nan-đà (s: ā-nanda). Vì điều này mà A-nan-đà bị công kích nặng nề trong lần Kết tập thứ nhất. Chính đức Phật cũng lo ngại sự có mặt của nữ giới sẽ làm Tăng-già khó tu hành và dự đoán là giáo pháp vì lí do đó, thay vì tồn tại 1000 năm, chỉ còn 500 năm.
Quy định về đời sống của tỉ-khâu-ni khắc nghiệt hơn nhiều so với nam giới. Trong khi tu học, tỉ-khâu-ni luôn luôn phải tuân thủ quyết định của các vị đồng tu nam giới. Không bao giờ một tỉ-khâu ni được xem là ngang hàng với tỉ khâu, một vị ni lớn tuổi cũng phải tỏ vẻ cung kính đối với một vị tăng nhỏ tuổi hơn mình. Quy định bị trục xuất ni giới hết sức ngặt nghèo, ni giới không bao giờ đóng một vai trò gì trong Tăng-già.

Tì-Lam-Bà

Từ Điển Đạo Uyển

毘藍婆; C: pílánpó; J: biranba; S: vilambā
Một trong 10 loại la-sát nữ hộ trì Phật pháp trong kinh Pháp Hoa. Xem Thập la-sát nữ.

Tì-Lê-Da

Từ Điển Đạo Uyển

毘梨耶; C: pílíyé; J: biriya;
Phiên âm chữ vīrya từ tiếng Phạn, có nghĩa là nỗ lực, cố gắng, tinh tiến. Tiếng Hán thường dùng là Cần (勤) hoặc Tinh tiến (精進). Là một trong sáu ba-la-mật (六波羅蜜).

Tì-Lô-Giá-Na

Từ Điển Đạo Uyển

毘盧遮那; C: pílúzhēnà; J: biroshana; S: vairocana;
Đại Nhật Như Lai (大日如來).

Tì-Lô-Xá-Na Phật

Từ Điển Đạo Uyển

毘盧舎那佛; C: pílúshènà fó; J: biroshana-butsu; S: vairocana buddha.
Còn viết Tì-lô-giá-na. Vairocana có nghĩa là “chiếu khắp”, tiếng Ấn Độ chỉ cho mặt trời. Đức Phật nầy có trí huệ thấm nhuần khắp mọi nơi, là biểu tượng chính của Hoa Nghiêm tông.

Tì-Lưu-Li

Từ Điển Đạo Uyển

毘琉璃; C: píliúlí; J: biruri; S: vaiḍūrya.
Đá quý màu xanh. Lam ngọc. Một trong bảy loại châu báu. Còn viết là Lưu li (琉璃).

Tì-Ma-Chất-đa-La

Từ Điển Đạo Uyển

毘摩質多羅; C: pímózhíduōluó; J: bimashit-tara; S: vimalacitra.
Tên một vị vua A-tu-la.

Tì-Na-Da

Từ Điển Đạo Uyển

毘那耶; C: pínàyé; J: binaya;
Phiên âm chữ vinaya trong tiếng Sanksrit và Pāli, Hán dịch là Luật. Phần kinh văn ghi rõ giới luật, như là chỉ dẫn cho mọi sinh hoạt hằng ngày của tăng sĩ Phật giáo. Còn phiên âm là Tì-nại-da (毘奈耶).

Tì-Nại-Da

Từ Điển Đạo Uyển

毘奈耶; C: pínàiyé; J: binaya;
Phiên âm chữ vinaya từ tiếng Phạn và Pali, Hán dịch nghĩa là Luật. Phần kinh văn ghi rõ giới luật, như là chỉ dẫn cho mọi sinh hoạt hằng ngày của tăng sĩ Phật giáo.

Tì-Nại-Da Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

毘奈耶經; C: pínàiyē jīng; J: binaya kyō;
1 quyển. Chữ “Giới luật” (Tì-nại-da 毘奈耶, s: vinaya) trong đề kinh chỉ cho sự kiềm chế 6 giác quan của người tu tập thiền định.

Tì-Ni

Từ Điển Đạo Uyển

毘尼; C: píní; J: bini;
Hệ thống giới luật (s: vinaya) mà các tăng sĩ Phật giáo phải tuân thủ. Xem Giới luật.

Tì-Ni Tạng

Từ Điển Đạo Uyển

毘尼藏; C: pínízàng; J: binizō; S: vināya-piṭaka.
Tạng luật trong kinh tạng Phật giáo, nội dung gồm giới luật. Xem Giới luật.

Tì-Ni-đa Lưu-Chi

Từ Điển Đạo Uyển

毘尼多流支; S: vinītaruci; ?-594; dịch nghĩa là Diệt Hỉ (滅喜);
Thiền sư Ấn Ðộ sang Trung Quốc tham học, môn đệ đắc pháp của Tam tổ Tăng Xán và là người khai sáng thiền phái Tì-ni-đa Lưu-chi tại Việt Nam.
Sư là người Nam Thiên Trúc (Ấn Ðộ), thuộc dòng dõi Bà-la-môn. Sư thuở nhỏ đã có ý chí khác thường, đi khắp mọi nơi cầu học Phật pháp. Năm 574, Sư sang Trung Quốc và nhân đây có cơ hội yết kiến Tam tổ Tăng Xán tại núi Tư Không. Thấy cử chỉ uy nghiêm của Tổ, Sư bỗng đem lòng kính mộ, đứng trước vòng tay cung kính. Tổ vẫn ngồi im nhắm mắt không nói. Sư đứng im suy nghĩ giây lát bỗng nhiên tự ngộ, liền quì xuống lạy ba lạy. Tổ thấy vậy cũng chỉ gật đầu ba lần. Sư muốn đi theo hầu Tổ nhưng Tổ lại khuyên đến phương Nam giáo hoá.
Sư sang Việt Nam khoảng cuối thế kỉ thứ sáu (~580), cư trú tại chùa Pháp Vân (chùa Dâu) tỉnh Hà Bắc. Nơi đây Sư dịch bộ kinh Ðại thừa phương quảng tổng trì, sau khi đã dịch xong bộ Tượng đầu tinh xá tại Trung Quốc.
Trước khi tịch, Sư gọi đệ tử là Pháp Hiền đến và phó chúc: “Tâm ấn của chư Phật không có lừa dối, tròn như thái hư, không thiếu không dư, không đi không lại, không được không mất, chẳng một chẳng khác, chẳng thường chẳng đoạn, vốn không có chỗ sinh, cũng không có chỗ diệt, cũng chẳng xa lìa và cũng chẳng phải chẳng xa lìa. Vì đối với vọng duyên mà giả lập tên ấy thôi… Tổ Tăng Xán khi Ấn khả chứng minh tâm này cho ta bảo ta mau về phương Nam giáo hoá. Ðã trải qua nhiều nơi nay đến đây gặp ngươi quả là phù hợp với lời huyền kí. Vậy ngươi khéo giữ gìn, giờ đi của ta đã đến.”
Nói xong, Sư chắp tay thị tịch. Pháp Hiền làm lễ hoả táng, thâu Xá-lị và xây Tháp thờ cúng, nhằm niên hiệu Khai Hoàng đời nhà Tuỳ, năm 594.
Người ta cho rằng Sư là tổ Thiền tông Việt Nam. Nhưng cũng có khuynh hướng cho rằng Khang Tăng Hội mới là người khởi xướng dòng thiền tại Giao Chỉ. Dòng Thiền Tì-ni-đa Lưu-chi lấy kinh Tượng đầu tinh xá làm nền tảng, chú trọng tư tưởng Bát-nhã và tu tập thiền quán. Phái thiền này để lại ảnh hưởng rất lớn lên các vua đời Lí như Lí Thái Tông.
Hệ thống truyền thừa của thiền phái này không được lưu lại đầy đủ, sử sách ghi chép lại không rõ, khi tỏ khi mờ, truyền được 19 thế hệ với Sư là Sơ tổ và chấm dứt với Y Sơn (mất năm 1213).

Tì-Phật-Lược

Từ Điển Đạo Uyển

毘佛略; C: pífólüè; J: hibutsuryaku;
Phiên âm chữ vaipulya trong tiếng Phạn, là một trong 12 thể loại truyền thống của kinh điển Phật giáo (Thập nhị bộ kinh 十二部經). Đây là những bản kinh mà đề tài trải rộng cho mọi căn cơ. Hán dịch ý là Phương quảng (方廣).

Tì-Sa-Môn

Từ Điển Đạo Uyển

毘沙門; C: píshāmén; J: bishamon; S: vaiśravaṇa
Xem Đa văn thiên (多聞天).

Tì-Xá

Từ Điển Đạo Uyển

毘舍; C: píshè; J: bisha;
Phiên âm chữ vaiśya trong tiếng Phạn, là giai cấp thứ 3 trong 4 giai cấp của xã hội Ấn Độ – là giai cấp thương gia.

Tì-Xá-Li

Từ Điển Đạo Uyển

毘舍離; C: píshèlí; J: bishari; S: vaiśālī
Tên của thành Tì-xá-li và nước Tì-xá-li ở vùng Trung Ấn trong thời Đức Phật Thích-ca Mâu-ni tại thế.

Tì-Xá-Li Quốc

Từ Điển Đạo Uyển

毘舍離國; C: píshèlíguó; J: bisharikoku;
Quốc gia Tì-xá-li (s: vaiśālī) thuộc vùng Trung Ấn, chủng tộc Licchavī cư ngụ ở đó. Là 1 trong 16 quốc gia chính trong thời Đức Phật. Thủ đô còn gọi là thành Tì-xá-li, là nơi có nhiều Phật pháp lưu hành, ngày nay gọi là vùng Besarb, cách Patna 27 dặm về phía Bắc.

Tì-Xá-Li Thành

Từ Điển Đạo Uyển

毘舍離城; C: píshèlíchéng; J: bisharijō;
Thành Tì-xá-li (s: vaiśālī), nơi tổ chức kì kết tập kinh điển lần thứ 2, được tổ chức 100 năm sau khi Đức Phật nhập niết-bàn.

Tì-Xá-Li Thành Kết Tập

Từ Điển Đạo Uyển

毘舍離城結集; C: píshèlíchéng jiéjí; J: bisharijō ketsujū;
Kì kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ 2, được tổ chức tại thành Tì-xá-li. Xem Đệ nhị kết tập (第二結集).

Tích

Từ Điển Đạo Uyển

析; C: xī; J: shaku;
2. Tách ra, làm rời ra, chia ra; phân chia. Nghiền nhỏ, tán thành bột, ép thành miếng; 2. Phân tích, tách bạch ra, hiểu ra.

Tịch Diệt

Từ Điển Đạo Uyển

寂滅; J: jakumetsu;
Một cách dịch nghĩa khác của danh từ Niết-bàn (s: nirvāṇa; p: nibbāna); “Tịch diệt” mô tả một tâm trạng tịch tĩnh tuyệt đối, vượt khỏi sinh tử, thành hoại, không gian và thời gian, vượt qua tất cả mọi sự lệ thuộc, mô tả trạng thái tâm thức của một Bậc Giác ngộ, một vị Phật. Trạng thái này không thể được trình bày bởi vì nó nằm ngoài tư duy (Bất khả tư nghị) và ngôn ngữ (Bất khả thuyết). Những lời xác định tâm trạng này chính là sự cố gắng nhọc nhằn vô ích, ví như nhét vào khuôn khổ cái “Vô biên.” Những lời duy nhất có thể sử dụng được là những câu phủ định (Tứ cú bách phi) như “Không phải cái này, không phải cái kia” (s: neti, neti!) hoặc “Vượt qua” tất cả những khái niệm, suy tư.
Theo giáo lí tuyệt đỉnh của đạo Phật – như Kim cương thừa (s: vajrayāna) và Thiền tông – thì Tịch diệt hoàn toàn không khác biệt với Luân hồi (saṃsāra). Cái “Vô biên”, “Vô vi”, “Vô tướng” chính là cái “Hữu biên”, Hữu vi”, là thế giới hiện hữu. Nếu Niết-bàn đã vượt qua mọi khái niệm thì sự đồng nhất của Niết-bàn và Luân hồi cũng không thoát khỏi sự “Bất khả tư nghị”, “bất khả thuyết” và chỉ có thể trực nhận được khi đã giác ngộ. Vô thượng chính đẳng chính giác (a-nuttara samyaksaṃbodhi) có nghĩa là, một vị Phật sống ngay trong thế giới hiện hữu với một tâm trạng tịch tịnh, không phải chỉ nhập Niết-bàn, bước qua một cách tồn tại khác sau khi thoát khỏi thân do Tứ đại hợp thành.

Tịch Hộ

Từ Điển Đạo Uyển

寂護; S: śāntarakṣita; 750-802;
Cao tăng Ấn Ðộ thuộc Trung quán tông, người truyền bá Phật pháp sang Tây Tạng thời kì đầu. Quan niệm của Sư là Trung quán nhưng có tính chất dung hoà với Duy thức và vì vậy, Sư và đệ tử giỏi là Liên Hoa Giới (s: kamalaśīla) được xem là đại biểu của hệ phái Trung quán-Duy thức (madhyamaka-yogācāra). Một trong những trứ tác quan trọng của Sư mang tên Chân lí tập yếu (s: tat-tvasaṃgraha).
Sư không phải là Cao tăng đầu tiên sang Tây Tạng hoằng hoá, nhưng là người đầu tiên để lại dấu vết đến bây giờ. Sư quê tại Bengal (Ðông Bắc Ấn) và có giữ một chức giảng sư tại viện Na-lan-đà (nālandā). Nhận được lời mời của vua Tây Tạng là Tri-song Ðet-sen (Hán Việt: Ngật-lật-sang Ðề-tán; t: trhisong detsen [khrisroṅ ldebtsan]), Sư liền thu xếp hành lí đến Tây Tạng. Cuộc hành trình của Sư đến Tây Tạng đầy vất vả chướng ngại và điều quan trọng nhất là rất nhiều thiên tai xảy ra trong thời điểm này. Những dấu hiệu này được quần chúng xem là dấu hiệu chống đối Phật pháp của các thần linh tại miền núi cao và nghe lời vua Tri-song Ðet-sen, Sư trở về Ấn Ðộ và khuyên vua nên thỉnh cầu Liên Hoa Sinh đến giáo hoá. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, Liên Hoa Sinh đặt chân đến Tây Tạng với tư cách của một người chinh phục tà ma, gây ấn tượng lớn và thuyết phục được niềm tin của người xứ này.
Sau khi được Liên Hoa Sinh dọn đường, Sư đến Tây Tạng một lần nữa và cùng với Liên Hoa Sinh thành lập ngôi chùa Phật giáo đầu tiên tại Tây Tạng, đó là chùa Tang-duyên (t: samye [nsam-yas]), nằm phía Ðông nam thủ đô Lha-sa. Sư là người đầu tiên thực hành nghi lễ Thụ giới cho người Tây Tạng. Sư hoằng hoá 13 năm tại chùa Tang-duyên và trong thời gian này, rất nhiều kinh sách được phiên dịch từ Phạn ngữ (sanskrit) sang tiếng Tây Tạng. Theo các nhà Ấn Ðộ học thì Sư mất năm 802 vì bị móng ngựa (hoặc lừa) đạp.

Tích Không

Từ Điển Đạo Uyển

析空; C: xīkōng; J: shakukū;
“Tính không qua phân tích”, phản nghĩa với Thể không (體空). Khám phá sự không tồn tại trên cơ sở tự tính của các hiện tượng thông qua tiến trình phân tích.

Tích Không Quán

Từ Điển Đạo Uyển

析空觀; C: xīkōngguān; J: shakukūkan;
Phép thiền quán phân tích ra bản tính của mọi hiện tượng là trống không. Nghĩa là khi hợp thể các phần tử của một vật được phân tịch trọn vẹn, thì vật ấy không còn thầy tồn tại trong bất kì một yếu tố riêng biệt nào nữa cả; do đó vật ấy được gọi là chỉ tồn tại trên danh nghĩa, và trong thực tế là không hiện hữu. Cũng vậy, khi sự hiện hữu của một con người được phân tích theo lối nầy, thì cái ngã cụ thể hoặc vĩnh hằng (s: ātman) sẽ không được tìm thấy trong hợp thể các phần tử. Do vậy Phật giáo cho rằng ngã (ātman) là không thật sự hiện hữu. Đây là quan niệm về Không phổ biến trong giáo lí Tiểu thừa.

Tịch Thất Nguyên Quang

Từ Điển Đạo Uyển

寂室元光; J: jakuhitsu genkō; 1290-1367;
Thiền sư Nhật Bản, thuộc tông Lâm Tế, sau Thiền sư Lan Khê Ðạo Long hai đời.
Sư xuất gia năm 12 tuổi, thụ giới cụ túc năm 15 tuổi và sau đó tham học với Thiền sư Ước Ông Ðức Kiệm (yakuō tokken, 1244-1320), một môn đệ đắc pháp của Thiền sư Lan Khê Ðạo Long. Một hôm, Sư thỉnh Ước Ông nói lời cuối (mạt ngữ; j: matsugo). Ước Ông không nói gì, chỉ dùng tay tát Sư một cái. Sư nhân đây đại ngộ, vào năm 18 tuổi.
Nghe lời khuyên của thầy, Sư yết kiến nhiều vị Thiền sư khác và đặc biệt là Sư thường tham học với các vị Thiền sư Trung Quốc giáo hoá tại Nhật, trong đó có Nhất Sơn Nhất Ninh. Nơi Nhất Sơn, Sư lưu lại hai năm để học cách làm thơ (thi pháp học) và chính vì vậy, các bài thơ, kệ tụng của Sư được đánh giá rất cao, nếu không nói là nổi danh nhất của thời đại này.
Sau, Sư đến Trung Quốc học hỏi nơi Thiền sư Trung Phong Minh Bản và nhiều vị khác. Cuộc du học này kéo dài sáu năm và sau khi trở về Nhật, Sư tiếp tục cuộc đời du tăng của mình, 25 năm liền không trụ trì chùa nào. Năm 1361, Sư nhận lời thỉnh cầu, khai sơn trụ trì chùa Vĩnh Nguyên (eigen-ji). Nhiều ngôi chùa lớn tại Kinh Ðô (kyōto) và Liêm Thương (kamakura) thỉnh Sư về trụ trì nhưng Sư đều từ chối.
Lối sống đơn giản, cơ hàn không phụ thuộc, bác bỏ coi thường những nghi lễ long trọng, những ngôi chùa to lớn, từ chối những chức vụ cao quý, đó chính là những đức tính làm cho Sư nổi bật lên trong những vị Thiền sư thời bấy giờ. Mặc dù tên của Sư không nổi tiếng bằng những vị khác đồng thời, nhưng những phong cách cao quý trên nêu rõ tinh thần Thiền thuần tuý của Sư.
Sư tịch năm 1367.

Tịch Thiên

Từ Điển Đạo Uyển

寂天; S: śāntideva;
Cao tăng thuộc phái Trung quán. Truyền thuyết cho rằng Sư là một vương tử miền Nam Ấn Ðộ, sống trong thế kỉ thứ 7, 8, và hoạt động tại viện Na-lan-đà. Sư là tác giả của hai tác phẩm quan trọng là (Ðại thừa) Tập Bồ Tát học luận (s: śikṣāsamuccaya) và Nhập bồ-đề hành luận (bodhicaryāvatāra). Một tác phẩm thứ ba cũng thường được nhắc đến là Tập kinh luận (s: sūtrasamuccaya) đã thất truyền (theo Thánh Nghiêm thì được dịch ra Hán ngữ dưới tên Ðại thừa thật yếu nghĩa luận). Nhập bồ-đề hành luận rất thông dụng trong Phật giáo Tây Tạng, là kinh điển giáo khoa.
Nhập bồ-đề hành luận trình bày các bước tu học vị Bồ Tát, từ lúc phát Bồ-đề tâm (bodhicitta) cho đến lúc đạt trí Bát-nhã (prajñā), dựa trên Lục độ (pāramitā). Nhập bồ-đề hành luận là tác phẩm nhằm hướng dẫn cho Cư sĩ hay người mới nhập môn. Tịch Thiên giảng giải trong tác phẩm này hai phương pháp nhằm giúp vị Bồ Tát tương lai nhận biết tại sao mình lại cứu độ cho người và xuất phát từ đó các hành động cần thiết. Một mặt hành giả phải tu học phép quán chiếu cái nhất thể giữa mình và người (parātmasamatā), mặt khác phải học phép hoán đổi mình và người (parātmaparivar-tana, xem thêm Bất hại) giữa, tức là đặt mình vào địa vị của chúng sinh để thấu rõ tâm trạng của Hữu tình (s: sattva).

Tịch Thiên

Từ Điển Đạo Uyển

寂天; S: śāntideva; “Kẻ lười biếng”;
Tịch Thiên theo truyền thống 84 vị Tất-đạt của Ấn Ðộ và cũng là người viết Nhập bồ-đề hành luận.
Tịch Thiên là một vương tử được thụ giới Tỉ-khâu tại Ðại học Phật giáo Na-lan-đà. Trong lúc các bạn đồng học tập trung học tập thì Sư chỉ thích ngủ nghỉ, vì thế bạn bè khinh khi, đặt tên là “lười biếng” (s: bhusuku), có nghĩa người chỉ biết thực hiện ba việc: ăn, ngủ và bài tiết. Thời đó tại Na-lan-đà, các học viên thường phải đọc thuộc lòng Kinh điển trước đại chúng, lần đó đến lượt Tịch Thiên. Vị giáo thụ xem chừng Sư không thuộc bài, khuyên Sư nên ra khỏi Tăng-già, nhưng Sư không chịu. Tới ngày phải tụng đọc, Sư thành tâm cầu khẩn Bồ Tát Văn-thù giúp đỡ, quả nhiên Văn-thù hiện ra hứa giúp. Lúc Sư lên giảng đường tụng đọc, mọi người tề tựu đông đủ, kể cả nhà vua Thiên Hộ (s: devapāla), ai cũng nghĩ Sư sẽ bị một vố ê chề. Thế nhưng Sư đọc một bài kinh hoàn toàn mới, gồm có 10 chương, đó là tập Nhập bồ-đề hành luận (s: bodhicāryāvatāra) vô song, còn truyền đến ngày nay. Ðến chương thứ chín thì người Sư lơ lửng trên không, mọi người đều ngạc nhiên kinh hoàng. Sau đó không ai gọi Sư là “lười biếng” nữa mà đặt tên là “Pháp sư” Tịch Thiên, mời Sư làm Viện trưởng của Na-lan-đà.
Sau đó Sư rời Na-lan-đà ra đi không lời từ giã, lấy một thanh gỗ biến thành gươm và đi làm kiếm sĩ cho nhà vua xứ Ðô-ri-ki (s: dhokiri). Sau, Sư vào rừng ẩn cư và làm thợ săn. Bị nhiều người chê trách là đã tu mà còn giết hại sinh vật, Sư dùng thần thông làm chúng sống lại cả và bảo:
Con nai trên bàn ăn,
chưa hề sống, hề chết,
chẳng bao giờ vắng bóng.
Ðã không gì là Ngã,
sao lại có thợ săn
hay thịt của thú rừng?
Ôi, người đời đáng thương,
mà các ngươi lại gọi,
ta là người “lười biếng”!
Sư sống trên trăm năm và đưa nhiều người trở về chính pháp. Phật giáo Tây Tạng rất coi trọng Tịch Thiên, bộ Nhập bồ-đề hành luận là sách giáo khoa tại đó. Chứng đạo ca của Sư có những lời sau:
Trước ngày thật chứng ngộ,
ta biết nhiều hương vị,
trong khắp cõi luân hồi,
ta xa lánh đức Phật.
Tới lúc thật chứng rồi,
Sinh tử và Niết-bàn
hợp nhất thành Ðại lạc,
ta trở thành viên ngọc
sáng trong biển vô tận.

Tịch Tịnh

Từ Điển Đạo Uyển

寂淨; J: jakujō;
Chỉ sự an lành, tịch tịnh trong tâm, sự thoát khỏi sự trói buộc của Vô minh với những Phiền não (j: bonnō), chướng ngại hệ thuộc. Danh từ này miêu tả trạng thái Tịch diệt (j: jakumetsu).

Tích Trượng

Từ Điển Đạo Uyển

錫杖; S: khakkhara; J: shakujō; dịch âm là Khiết-khí-la;
Chỉ cây gậy thiếc có tra những vòng bằng thiếc hoặc đồng được các Tỉ khâu sử dụng đi khất thực. Tiếng kêu của những vòng thiếc báo hiệu cho thí chủ có người đến xin ăn và cũng được dùng để đuổi những con thú hung dữ (Quải tích).

Tiềm

Từ Điển Đạo Uyển

潛; C: qián; J: sen;
Ẩn náu, bí mật, nằm khuất dưới nước; giấu diếm, giữ kín, bưng bít. Ẩn núp, tiềm tàng, che đậy, như những phiền não vi tế.

Tiệm Giáo

Từ Điển Đạo Uyển

漸教; C: jiàn jiāo; J: zengyō;
1. Giáo lí giảng dạy pháp tiến tu từ bậc thấp tiến dần lên bậc cao; khác hẳn với Đốn giáo; 2. Một trong 4 phương pháp giảng dạy giáo lí của Đức Phật, theo tông Thiên Thai, đó là sự chỉ dạy cho căn cơ từ thấp đến cao; 3. Theo giáo lí Hoa Nghiêm, thời kì đầu và cuối của giáo lí Đại thừa gọi là Tiệm giáo, vì nó đáp ứng phương pháp tu tập tiệm tiến dưa đến giác ngộ. Ngũ giáo (五教).

Tiệm Ngộ

Từ Điển Đạo Uyển

漸悟; J: zengo;
Giác ngộ từ từ, theo từng cấp bậc. Thuyết này được Bắc tông thiền đề cao và cũng được ghi lại trong kinh Nhập Lăng-già.

Tiệm Nguyên Trọng Hưng

Từ Điển Đạo Uyển

漸源仲興; C: jiànyuán zhòngxīng; J: zengen chūkō; tk. 9;
Thiền sư Trung Quốc, thuộc dòng Thanh Nguyên Hành Tư, môn đệ của Ðạo Ngô Viên Trí.
Sư được xem là người nối pháp Ðạo Ngô mặc dù chưa triệt ngộ khi rời thầy. Sự việc này được ghi lại trong Công án 55 của Bích nham lục:
Một hôm Sư cùng Ðạo Ngô đến một đám tang phúng điếu. Sư vỗ quan tài nói: “Sinh ư? Tử ư?” Ðạo Ngô nói: “Sinh cũng chẳng nói, Tử cũng chẳng nói!” Sư hỏi: “Vì sao chẳng nói?” Ðạo Ngô bảo: “Chẳng nói chẳng nói!” Trên đường về Sư thưa: “Hôm nay Hoà thượng phải vì con nói, nếu không nói, con đánh Hoà thượng.” Ðạo Ngô nói: “Ðánh thì mặc cho ông đánh, nói tức chẳng nói.” Sư liền đánh. Khi đến viện, Ðạo Ngô khuyên Sư lánh đi kẻo có ngại trong chúng. Sư từ giã thầy đi. Một hôm nghe một người tụng phẩm Phổ môn trong kinh Pháp hoa đến chỗ “Nên dùng thân tỉ-khâu được độ tức hiện thân tỉ-khâu”, Sư bỗng nhiên Ðại ngộ, đốt hương lễ bái nói: “Rõ thật lời của Tiên sư để lại, trọn chẳng hư dối, tự ta chẳng hội lại oán trách Tiên sư.”
Sau, Sư đến Thạch Sương Khánh Chư nhờ thay mặt sư phụ chứng minh và làm lễ sám hối.

Tiềm Phục

Từ Điển Đạo Uyển

潛伏; C: qiánfú; J: senpuku;
Sự giấu diếm, sự che đậy, sự ủ bệnh. Bí mật, tiềm tàng. Ẩn nấp. Mặc dù hành giả tiến hành công phu tu tập và được xem là người thanh tịnh, nhưng phiền não vi tế vẫn còn tiềm tàng trong tạng thức.

Tiệm Thứ

Từ Điển Đạo Uyển

漸次; C: jiàncì; J: zenji;
Tiến lên dần; giai vị tu tập tiến lên từ từ (s: upanisad, kramaśas).

Tiệm Tu

Từ Điển Đạo Uyển

漸修; C: jiànxiū; J: senshū;
Pháp tu tiệm tiến; chỉ cho sự chuyển hoá dần tập khí phiền não thông qua thực hành Tam vô lậu học: Giới (戒, s: śīla), định (定, s: samādhi), huệ (慧, s: prajñā). Có rất nhiều giáo lí được xem là tiệm tu thật sự đã từng dẫn đến giác ngộ. Chẳng hạn có người tin rằng tiệm tu là con đường thích hợp để tiép cận sự giải thoát tối hậu. Phần nhiều các Thiền sư bác bỏ cách tiếp cận nầy, cho đó là cơ sở của nhị nguyên, nên cho đó là sai lầm. Những Thiền sư như Tông Mật (宗密) và Tri Nột (知訥, k: chinul) thừa nhận tiến trình tiệm tu, nhưng giải thích rằng đó chỉ là công phu phải thực hành sau khi đã đạt kinh nghiệm đốn ngộ (頓悟). Những các nhà tư tưởng khác như Tính Triệt (性徹, k: sŏng-ch’ŏl) phủ nhận bất kì dạng tiệm tu nào. Xem Tiệm giáo (漸教) và Đốn ngộ (頓悟) ở dưới.

Tiên

Từ Điển Đạo Uyển

仙; C: xiān; J: sen;
Có các nghĩa: 1. Người tu trong núi; người sống ẩn dật, ẩn sĩ; 2. Hiền nhân đạo Lão, sống nơi rừng núi xa xôi, xa lánh thế tục; 3. Là những ẩn sĩ tu trong rừng, xả li thế tục tại Ấn Độ; 4. Bậc Đạo sư (s: ṛṣi), những tác giả của kinh Vệ-đà cổ xưa (s: veda).

Tiền

Từ Điển Đạo Uyển

前; C: qián; J: zen;
1. Phía trước, phần trước mặt, phần đầu, mặt tiền; 2. Trước đó, trước hết, trước đây, trước nay, cho đến bây giờ (s: pūrva); 3. Một khoảng thời gian trước đây, cách đây lâu. Nguyên thuỷ là, trước đó.

Tiện

Từ Điển Đạo Uyển

便; C: biàn; J: ben;
Có các nghĩa sau: 1. Sự cảm ứng với cảnh giới Phật viên mãn; 2. Rất thích hợp, lí tưởng, ổn đáng, thuận lợi; 3. Giáo lí phương tiện; 4. Nương vào, sự trông cậy vào; 5. Ngay lập tức, tức thì, nhanh chóng, thanh thản, thoải mái.

Tiền Cảnh

Từ Điển Đạo Uyển

前境; C: qiánjìng; J: zenkyō;
Một vật hiển hiện (s: avabhāsa); Một đối tượng trình hiện trước tâm thức, một vật mà tâm thức nhận ra được.

Tiên đạt

Từ Điển Đạo Uyển

先達; C: xiāndá; J: sendatsu;
Có các nghĩa sau: 1. Bậc tu đạo lâu năm; 2. Sự hướng dẫn việc tu hành khổ hạnh trên núi; 3. Hạng người Tu nghiệm đạo (修驗道; j: shugendō).

Tiên Giá

Từ Điển Đạo Uyển

仙駕; C: xiānjià; J: senga;
Phong thái của một vị tiên nhân ẩn sĩ.

Tiền Hậu Tế đoạn

Từ Điển Đạo Uyển

前後際斷; C: qiánhòu jì duàn; J: zengo-saidan;
Sự phủ nhận của quá khứ và vị lai. Chẳng có gì hết ngoài hiện tại vĩnh hằng. Một quan điểm của Trung quán tông, có sự tương quan trực tiếp với hiện thật Bất sinh bất diệt.

Tiên Lai

Từ Điển Đạo Uyển

先來; C: xiānlái; J: senrai;
Từ trước, từ lúc bắt đầu, từ quá khứ (theo Du-già luận 瑜伽論).

Tiên Nhai Nghĩa Phạm

Từ Điển Đạo Uyển

仙崖義梵; J: sengai gibon; 1751-1837;
Thiền sư Nhật Bản, thuộc tông Lâm Tế (j: rinzai-shū), hệ phái Diệu Tâm tự (myōshin-ji). Sư nối pháp Thiền sư Nguyệt Thuyền Thiền Huệ (月船禪慧; gessen zenne, 1702-1781).
Sư xuất gia năm 11 tuổi và Hành cước năm lên 19. Sau khi yết kiến Nguyệt Thuyền, Sư lưu lại tu học nơi đây và được Nguyệt Thuyền Ấn khả. Sau đó Sư lại cất bước du phương, nhận lời trụ trì chùa Thánh Phúc (shōfuku-ji), Thiền viện đầu tiên tại Nhật – được Thiền sư Minh Am Vinh Tây khai sáng năm 1195 –, và trở thành vị trụ trì thứ 123 của thiền viện này.
Sư nổi danh vì phương pháp giáo hoá nghiêm khắc nhưng vô cùng hiệu nghiệm, những đặc tính được phản ánh lại trong những tác phẩm nghệ thuật thiền như Mặc tích và những bức tranh mực tàu của Sư – hiện rất được ưa chuộng trong giới hâm mộ Thiền trên khắp hoàn cầu.

Tiên Nữ

Từ Điển Đạo Uyển

仙女; C: xiānnǚ; J: sennyo;
Nữ đạo sĩ; nữ ẩn sĩ xả li thế tục.

Tiền Phi

Từ Điển Đạo Uyển

前非; C: qiánfēi; J: zenpi;
Những lỗi lầm trước đây.

Tiền Sinh

Từ Điển Đạo Uyển

前生; C: qiánshēng; J: zenshō;
1. Thế giới trước đó, cuộc sống trước đây, cuộc sống trước đây của một người nào đó (s: pūrva-jāta); 2. Sinh trởi trước đây (theo Nhị chướng nghĩa 二障義).

Tiên Thế

Từ Điển Đạo Uyển

先世; C: xiānshì; J: senze;
Đời sống trong kiếp trước của một người; sinh mệnh trong kiếp trước (s: pauruva-jan-mika, theo Du-già luận 瑜伽論).

Tiên Uyển

Từ Điển Đạo Uyển

仙苑; S: ṛṣipatana; P: isipatana; cũng được gọi là Tiên nhân uyển, Thấu Thị uyển;
Một khu rừng cạnh thành phố Benares. Trong khu này, tại Lộc uyển, đức Phật đã chuyển Pháp luân, thuyết bài pháp đầu tiên cho năm vị bạn cùng học trước khi đạt đạo (Năm tỉ-khâu).


H 66: Hàn Sơn & Thập Ðắc, Tiên Nhai Nghĩa Phạm minh hoạ, được lưu lại tại viện bảo tàng Idemitsu, Tōkyō, Nhật Bản.

Tiếp Tâm

Từ Điển Đạo Uyển

接心; J: sesshin; nghĩa là “thâu nhiếp tâm”;
Danh từ chỉ một khoảng thời gian tu tập thiền định cao độ thường được tổ chức trong các Thiền viện tại Nhật.
Trong những ngày thường thì ngoài vài giờ Toạ thiền, các vị tăng còn phải làm việc, thi hành bản phận của mỗi người. Nhưng đặc biệt trong giai đoạn Tiếp tâm – được xem là đỉnh cao của quá trình tu học – các vị tăng ni chỉ chú tâm đến một việc duy nhất là toạ thiền. Những chu kì toạ thiền dai dẳng chỉ được gián đoạn bằng vài giờ ngủ trong đêm, lúc tụng kinh và một thời gian nghỉ ngắn sau hai bữa ăn trưa và tối. Ngay trong những khoảng thời gian gián đoạn để nghỉ này thì sự chú tâm tuyệt đối vào chủ đề (Thoại đầu) mà vị Lão sư đã giao phó cho mỗi thiền sinh cũng không được xao lãng. Các buổi Ðộc tham (j: dokusan) trong ngày cũng có nhiệm vụ giúp đỡ các thiền sinh bảo trì sự tập trung tuyệt đối vào Công án đang được quán.

Tiêu

Từ Điển Đạo Uyển

標; C: biāo; J: hyō;
1. Giải thích (s: uddiśati); 2. Bày tỏ, biểu thị, biểu lộ, chỉ ra; 3. Dấu hiệu, sự chỉ dẫn.

Tiểu Bộ Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

小部經; P: khuddaka-nikāya;
Bộ kinh thứ năm của Kinh tạng (p: sutta-piṭaka), gồm có 15 phần:
1. Tiểu tụng (小頌; khuddaka-pātha): bao gồm quy định về thực hành nghi Lễ; 2. Pháp cú (法句; dhammapada): gồm 426 câu kệ trong 26 chương về các nguyên lí căn bản đạo Phật, được lưu truyền rộng trong các nước theo Thượng toạ bộ; 3. Tự thuyết (自說; udāna): gồm 80 bài giảng của đức Phật; 4. Như thị ngữ (如是語; “Tôi nghe như vầy”; p: itivuttaka) gồm các kinh dựa trên hỏi đáp với đức Phật; 5. Tập bộ kinh (集部經; sutta-nipāta): một trong những kinh điển cổ nhất, đặc biệt có giá trị văn chương cao; 6. Thiên cung sự (天宮事; vimāṇa-vatthu): kể lại 83 truyền thuyết nêu rõ, có một đời sống phạm hạnh sẽ được sinh vào cõi của chư Thiên (deva); 7. Ngạ quỷ sự (餓鬼事; peṭa-vatthu): nói về sự tái sinh làm Ngạ quỷ sau một cuộc đời nhiều ác nghiệp; 8. Trưởng lão tăng kệ (長老僧偈; thera-gāthā): ghi lại 107 bài kệ của các vị Thượng toạ (thera); 9. Trưởng lão ni kệ (長老尼偈; therī-gāthā): gồm 73 bài kệ của các vị ni trưởng lão (therī); 10. Bản sinh kinh (本生經; jātaka); 11. Nghĩa thích (義釋; niddesa): luận giải về Tập bộ kinh (sutta-nipāta), phần thứ 5; 12. Vô ngại giải đạo (無礙解道; paṭisam-bhidā-magga): luận thuyết về vô ngại, theo phương pháp của A-tì-đạt-ma (abhidham-ma); 13. Thí dụ (譬喻; apadāna): kể lại tiền kiếp các vị sư danh tiếng; 14. Phật chủng tính (佛種性; buddhavaṃsa): truyện thơ kể đời sống 24 đức Phật có trước Phật Thích-ca; 15. Sở hạnh tạng (所行藏; cariya-piṭaka): kể tiền kiếp đức Phật, trong đó nêu rõ trong các đời sống cũ, Ngài đã đạt mười Ba-la-mật-đa (pāramitā).

Tiêu Cử

Từ Điển Đạo Uyển

標擧; C: biāo jǔ; J: hyōkyo;
Tán dương. Ca ngợi đức hạnh cao lớn. Ca ngợi.

Tiêu Kí

Từ Điển Đạo Uyển

標記; C: biāojì; J: hyōki;
Tiêu chuẩn, đặc trưng. Điểm chỉ dẫn cho tàu thuyền; điểm đánh dấu để phân biệt.

Tiêu Kiệt

Từ Điển Đạo Uyển

消竭; C: xiāojié; J: shōketsu;
Trừ sạch, loại ra hết, trừ diệt sạch.

Tiêu Phục độc Hại Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

消伏毒害經; C: xiāofú dúhài jīng; J: shōfuku dokugai kyō;
Tên gọi khác của bản dịch Lục tự thần chú vương kinh (六字神呪王經).

Tiêu Sí

Từ Điển Đạo Uyển

標幟; C: biāozhì; J: hyōji;
1. Dấu vết, kí hiệu. Theo Phật giáo Mật tông, thì từ này chỉ việc dùng ấn chú và các phương tiện để bày tỏ công đức giác ngộ của chư Phật.

Tiêu Thích

Từ Điển Đạo Uyển

消釋; C: xiāoshì; J: shōshaku;
Giảng giải và phân tích rõ.

Tiêu Thú

Từ Điển Đạo Uyển

標趣; C: biāoqù; J: hyōshu;
Tuyên bố, bày tỏ, biện hộ.

Tiểu Thừa

Từ Điển Đạo Uyển

小乘; S: hīnayāna; nghĩa là “cỗ xe nhỏ”;
Nguyên là danh từ của một số đại biểu phái Ðại thừa (s: mahāyāna) thường dùng chỉ những người theo “Phật giáo nguyên thuỷ”. Biểu thị này được dùng để lăng mạ, chỉ trích. Ngày nay ý nghĩa chê bai của danh từ này đã mất đi và nó chỉ còn có tính chất mô tả. Nhiều nhà nghiên cứu Phật giáo có ý định thay thế danh từ này nhưng không đạt kết quả vì danh từ này đã khắc sâu trong tư tưởng của nhiều Phật tử. Các đại biểu của Tiểu thừa tự xem mình theo phái Thượng toạ bộ (p: theravāda), mặc dù Thượng toạ bộ chỉ là một trong những trường phái Tiểu thừa, và là trường phái duy nhất của Tiểu thừa còn tồn tại đến ngày nay. Tiểu thừa cũng được gọi là Nam tông Phật pháp vì được thịnh hành tại các nước Nam Á như Tích Lan (śrī laṅkā), Thái lan, Miến Ðiện (myanmar), Cam-pu-chia, Lào.
Theo truyền thuyết, Tiểu thừa gồm có 18 bộ phái khác nhau, xuất phát từ Tăng-già nguyên thuỷ. Trong lần kết tập thứ ba, Tăng-già phân ra thành hai phái: Trưởng lão bộ (長老部; s: sthavira) và Ðại chúng bộ (大眾部; s: mahāsāṅghika). Giữa năm 280 và 240 trước Công nguyên, Ðại chúng bộ lại bị chia thành sáu phái: Nhất thuyết bộ (一說部; s: ekavyāvahārika), Khôi sơn trụ bộ (灰山住部; s: gokulika). Từ Nhất thuyết bộ lại sinh ra Thuyết xuất thế bộ (說出世部; s: lokottaravāda). Từ Khôi sơn trụ bộ lại tách ra 3 bộ phái là Ða văn bộ (多聞部; s: bahuśrutīya), Thuyết giả bộ (說假部; s: prajñaptivāda) và Chế-đa sơn bộ (制多山部; s: caitika). Từ Trưởng lão bộ (s: sthavira) của thời gian đó, khoảng năm 240 trước Công nguyên, phái Ðộc Tử bộ (犢子部; s: vātsīputrīya) ra đời, gồm có bốn bộ phái nhỏ là Pháp thượng bộ (法上部; s: dharmottarīya), Hiền trụ bộ (賢胄部; s: bhadra-yānīya), Chính lượng bộ (正量部; s: saṃmitīya) và Mật lâm sơn bộ (密林山部; s: sannagarika, sandagiriya). Từ Trưởng lão bộ (sthavira) lại xuất phát thêm hai phái: 1. Nhất thiết hữu bộ (一切有部; s: sarvāstivāda), từ đây lại nẩy sinh Kinh lượng bộ (經量部; s: sautrāntika) khoảng năm 150 trước Công nguyên và 2. Phân biệt bộ (分別部; s: vibhajyavāda). Phân biệt bộ tự xem mình là hạt nhân chính thống của Trưởng lão bộ (s: sthavira). Từ Phân biệt bộ (s: vibhajyavāda) này sinh ra các bộ khác như Thượng toạ bộ (上座部; p: thera-vāda), Hoá địa bộ (化地部; s: mahīśāsaka) và Ẩm Quang bộ (飲光部; cũng gọi Ca-diếp bộ; 迦葉部; s: kāśyapīya). Từ Hoá địa bộ (s: mahīśāsa-ka) lại sinh ra Pháp Tạng bộ (法藏部; s: dhar-maguptaka).
Tiểu thừa được phát triển nhất giữa thời gian Ðức Phật nhập Niết-bàn và Công nguyên. Ðại biểu phái này cho rằng mình theo sát những lời dạy nguyên thuỷ của Ðức Phật, do chính Ðức Phật nói ra. Giới luật của Tiểu thừa hoàn toàn dựa vào Luật tạng. Trong A-tì-đạt-ma, Tiểu thừa dựa trên Kinh tạng để phân tích và hệ thống hoá giáo lí của Phật.
Tiểu thừa tập trung tuyệt đối vào con đường đi đến giải thoát. Các lí luận triết học không đóng vai trò quan trọng – chúng thậm chí được xem là trở ngại trên đường giải thoát. Tiểu thừa phân tích rõ trạng thái của đời sống con người, bản chất sự vật, cơ cấu của chấp ngã và chỉ ra phương pháp giải thoát khỏi sự Khổ (s: duḥkha). Tất cả các trường phái Tiểu thừa đều có một quan điểm chung về sự vật đang hiện hữu: khổ có thật, phải giải thoát khỏi cái Khổ. Giải thoát khỏi Luân hồi (s, p: saṃsāra), thoát khỏi sự tái sinh và đạt Niết-bàn (s: nirvāṇa) là mục đích cao nhất của Tiểu thừa. Muốn đạt được mục đích này, hành giả phải dựa vào sức mình, xa lánh thế gian. Vì vậy Tiểu thừa quan niệm phải sống viễn li, sống cuộc đời của một kẻ tu hành. Ðối với Tiểu thừa, cuộc sống tại gia không thể nào đưa đến sự giải thoát. Hình ảnh tiêu biểu của Tiểu thừa là A-la-hán (s: arhat), là người dựa vào tự lực để giải thoát.
Tiểu thừa tránh không đưa lí thuyết gì về Niết-bàn, mục đích cuối cùng, là kinh nghiệm của sự giác ngộ, trong đó, hành giả chứng được vô ngã và từ bỏ tham ái. Ðối với Tiểu thừa, Phật là một nhân vật lịch sử, được xem là một con người và thầy dạy, không phải là Hoá thân của một thật thể nào. Giáo pháp cơ bản của Tiểu thừa gồm có Tứ diệu đế, Mười hai nhân duyên (s: pratītya-samutpāda), thuyết Vô ngã (s: anātman) và luật nhân quả, Nghiệp (s: karma). Phép tu hành của Tiểu thừa dựa trên Bát chính đạo. Theo quan điểm của Ðại thừa, sở dĩ phái này được gọi là “tiểu thừa” vì – ngược lại với chủ trương của Ðại thừa là nhằm đưa tất cả loài Hữu tình đến giác ngộ – phái tiểu thừa chỉ quan tâm đến sự giác ngộ của cá nhân mình. Chủ trương này được xem là giáo pháp sơ cấp của đức Phật vì sau đó Ngài giảng giáo pháp toàn vẹn hơn, đó là giáo pháp Ðại thừa (xem thêm biểu đồ của các bộ phái Phật giáo Ấn Ðộ cuối sách).

Tín

Từ Điển Đạo Uyển

信; S: śraddhā; P: saddhā; C: xìn; J: shin;
1. Lòng tin tưởng nơi đức Phật và Phật pháp. Tín là cơ sở của hai yếu tố đầu tiên – Chính kiến và Chính tư duy – trong Bát chính đạo và một yếu tố của Năm lực. Trong Ðại thừa, tín còn đóng một vai trò quan trọng hơn, vì tín là hạnh nguyện quan trọng mà ai cũng có và sẽ đưa mỗi người đến Phật quả. Tuy nhiên tín không phải là niềm tin mù quáng, mà chính là lòng tin tưởng chắc chắn sau khi đã tìm hiểu và áp dụng giáo pháp của Phật. Tin tưởng mù quáng nơi lời nói của Phật hay đạo sư là đi ngược với quan điểm đạo Phật, như chính Phật đã từng khuyến cáo.
Tuy nhiên trong Tịnh độ tông, lòng tin nơi Phật A-di-đà có tính chất tuyệt đối. Vì vậy tông phái này cũng có khi được gọi là “Tín đạo”. Tín là một trong những cơ sở khi nhập vào Thánh đạo: một bậc Dự lưu (s: śrota-āpanna) có thể là một bậc Tuỳ tín hành (s: śraddānusarin) hay Tuỳ pháp hành (s: dharmānusarin) và khi giải thoát cũng có thể phân biệt là người nương vào Tín mà được giải thoát (śraddhāvimukta) hay nương vào Quán chứng được giải thoát (s: dṛṣṭiprāpta).
2. Một tên gọi của Tâm;
3. Một trong 10 thiện tâm sở đề cập trong luận Câu-xá; một trong 11 thiện tâm sở đề cập trong Pháp tướng tông. Khi gặp cảnh giới thanh tịnh, nhờ đó mà làm thanh tịnh các tâm sở khác. Tin nhận pháp giới như chúng đang là. Theo Pháp tướng tông, Tín là “thật pháp” có cái dụng suốt khắp Tam giới.

Tín Giải

Từ Điển Đạo Uyển

信解; C: xìnjiě; J: shinge;
Có các nghĩa sau: 1. Tin và hiểu giáo lí. Có cả niềm tin và thông hiểu Phật pháp. Niềm tin chân chính. Niềm tin trọn vẹn (s: adhimukti, theo kinh Pháp Hoa); 2. Tin vào chính mình và người khác; 3. Niềm hân hoan, phát sinh do tâm mình tin nhất định sẽ được giác ngộ.

Tín Hành

Từ Điển Đạo Uyển

信行; C: xìnxíng; J: shingyō, 540-594;
Người sáng lập Tam giai giáo (三階教).

Tín Học

Từ Điển Đạo Uyển

信學; ?-1190
Thiền sư Việt Nam, thuộc thiền phái Vô Ngôn Thông, pháp hệ thứ 10. Sư kế thừa Thiền sư Ðạo Huệ, đệ tử của Quốc sư Thông Biện.
Sư họ Tô, quê ở làng Chu Minh, phủ Thiên Ðức. Sư xuất thân từ một gia đình chuyên nghề khắc bản kinh, thuở nhỏ đã có tính thâm trầm, không thích giao du.
Năm 32 tuổi, Sư đến Thiền sư Ðạo Huệ ở núi Tiên Du thụ giáo. Sau ba năm tu học, Sư ngộ được yếu chỉ thiền và cất bước du phương. Ðến chùa Quán Ðỉnh ở núi Không Lộ, huyện Thạch Thất, Sơn Tây, Sư dừng lại trụ trì. Sư chuyên tu theo kinh Viên giác và ngộ được huyền nghĩa. Học chúng đến tham vấn rất đông.
Ngày 9 tháng giêng, niên hiệu Thiên Tư Gia Thuỵ thứ 5 đời vua Lí Cao Tông, Sư có bệnh gọi chúng lại truyền kệ:
山林虎豹。橫文班駁。若欲甄別。子啐母啄
Sơn lâm hổ báo, hoành văn ban bác
Nhược dục chân biệt, tử thối mẫu trác.
*Núi rừng cọp beo, vằn vện lẫn lộn
Nếu muốn phân rành, con kêu, mẹ mổ.
Nói kệ xong, Sư viên tịch.

Tín Lạc

Từ Điển Đạo Uyển

信樂; C: xìnlè; J: shingyō;
Có các nghĩa sau: 1. Có niềm tin và lòng thiết tha; 2. Có niềm tin rạch ròi, tin một cách không mơ hồ, không nghi ngờ; 3. Niềm tin hân hoan; 4. Tin và hiểu (信解).

Tín Phụng

Từ Điển Đạo Uyển

信奉; C: xìnfèng; J: shinbō;
Đức tin, niềm tin, sự tin tưởng.

Tín Tâm Minh

Từ Điển Đạo Uyển

信心銘; C: xìnxīmíng; J: shinjinmei;
Một bài kệ tụng danh tiếng của Tam tổ Tăng Xán bao gồm 584 chữ. Ðây là một tác phẩm căn bản của Thiền tông. Ðặc biệt là hai câu đầu:
至道無難,唯嫌揀擇
“Chí đạo vô nan, duy hiềm giản trạch.”
*”Ðạo tột cùng không khó
Chỉ đừng phân biệt chọn lựa”.
được rất nhiều Thiền sư sau này nhắc lại và giảng giải.

Tín Thụ

Từ Điển Đạo Uyển

信受; C: xìnshòu; J: shinju;
Ghi nhận (lời dạy) với niềm tin tưởng. Có được niềm tin và hành trì theo.

Tín Thụ Phụng Hành

Từ Điển Đạo Uyển

信受奉行; C: xìnshòu fèngxíng; J: shin-jubukyō;
Ghi nhận lời dạy của đức Phật với niềm tin và sự thông hiểu, rồi chân chính thực hành những lời dạy nầy. Câu nầy thường xuất hiện vào cuối những bản kinh hoặc luận (s: śāstra).

Tín Túc

Từ Điển Đạo Uyển

信宿; C: xìnsù; J: shinshuku;
Nghỉ lại qua hai đêm.

Tín Tương ưng địa

Từ Điển Đạo Uyển

信相應地; C: xìn xiāngyīng dì; J: shin sō-ōji;
Thuật ngữ trong Đại thừa khởi tín luận dành cho Thập trú (十住), khi hành giả đạt đến giai vị Bất thối chuyển.

Tịnh

Từ Điển Đạo Uyển

淨; C: jìng; J: jō; S: śuddhi, śuddha, viśuddhi, pariśuddha
1. Trong sạch, sạch sẽ, thanh khiết; 2. Không nhiễm ô hoặc phiền não; 3. Không còn sinh khởi vọng tưởng; 4. Cõi Tịnh độ; 5. Pháp tu tập đưa đến vãng sinh Tịnh độ; 6. Dịch nghĩa chữ brahman từ tiếng Phạn và Pāli.

Tịnh Chí

Từ Điển Đạo Uyển

淨志; C: jìngzhì; J: jōshi;
Hán dịch chữ samaṇa trong tiếng Pāli và chữ śramaṇa trong tiếng Phạn. Sa-môn (沙門).

Tịnh Chư Nghiệp Chướng

Từ Điển Đạo Uyển

淨諸業障; C: jìng zhū yè zhàng; J: jōshogō-shō;
Tên của một trong 12 vị Bồ Tát xuất hiện như 1 đương cơ trong phẩm thứ 9 kinh Viên Giác.

Tịnh Cư

Từ Điển Đạo Uyển

淨居; C: jìngjū; J: jōgo;
Nơi ở thanh tịnh, cảnh giới thanh tịnh của tâm.

Tịnh Danh Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

淨名經; C: jìngmíng jīng; J: jōmyōkyō;
Hán dịch nhan đề kinh Duy-ma-cật sở thuyết kinh (s: vimalakīrti-nirdeśa-sūtra).

Tịnh Diệu

Từ Điển Đạo Uyển

淨妙; C: jìngmiào; J: jōmyō;
Trong sạch, thanh tịnh (s: accha).

Tịnh độ

Từ Điển Đạo Uyển

淨土; S: buddhakṣetra; C: jìngtǔ; J: jōdo; nguyên nghĩa Phạn ngữ là Phật độ, cõi Phật, cõi thanh tịnh;
Trong Ðại thừa, người ta hiểu mỗi cõi Tịnh độ thuộc về một vị Phật và vì có vô số chư Phật nên có vô số Tịnh độ. Ðược nhắc nhở nhiều nhất là cõi Cực lạc (s: sukhāvatī) của Phật A-di-đà (s: amitābha) ở phương Tây. Tịnh độ phía Ðông là cõi Phật Dược Sư (s: bhaiṣajyaguru-buddha), có khi cõi đó được gọi là Ðiều hỉ quốc (s: abhirati) của Phật Bất Ðộng (s: akṣobhya). Phía Nam là cõi của Phật Bảo Sinh (s: ratnasambhava), phía Bắc là cõi của Phật Cổ Âm (s: dundubhisvara). Ðức Phật tương lai Di-lặc (s: maitreya), là vị đang giáo hoá ở cõi Ðâu-suất (s: tuṣita), sẽ tạo một Tịnh độ mới.
Tịnh độ được xem là “hoá thân” của thế giới, là cõi xứ của người tu hành muốn được tái sinh. Muốn đạt được cõi này, hành giả không phải chỉ trau dồi thiện Nghiệp mà còn phải nguyện cầu các đức Phật của các cõi đó cứu độ được tái sinh. Trong nhân gian, người ta thường hiểu Tịnh độ là một nơi có vị trí địa lí nhất định, nhưng thật ra Tịnh độ là một dạng của tâm thức giác ngộ, không bị ô nhiễm và các phương hướng Ðông, Tây, Nam, Bắc chỉ có tính chất hình tượng. Tịnh độ không phải là mục đích cuối cùng trên con đường tu tập – chỉ là nơi được xem là cõi cuối cùng mà hành giả phải tái sinh để rồi đạt Niết-bàn (Tịnh độ tông).

Tịnh độ Chân Tông

Từ Điển Đạo Uyển

淨土真宗; J: jōdo-shin-shū;
Một nhánh của Tịnh độ tông tại Nhật do Thân Loan (1173-1262) sáng lập. Tông này đặt cơ sở trên Ðại thừa vô lượng thọ trang nghiêm kinh (s: sukhāvatīvyūha), là kinh với 48 đại nguyện của Phật A-di-đà. Giáo pháp của tông này là chuyên trì tụng danh hiệu A-di-đà, với hi vọng sẽ được tái sinh trong Cực lạc Tịnh độ, nhờ sức cứu độ của Phật. Vì vậy, yếu tố quan trọng nhất trong tông phái này là niềm tin kiên cố nơi Phật A-di-đà.
Chân tông là một giáo phái gồm Cư sĩ tại gia. Một đặc trưng quan trọng của tông này là các vị đứng đầu được quyền trao quyền cho con. Ngày nay, Chân tông là tông phái mạnh nhất ở Nhật với hai bộ phái nhỏ: tani và Honganji, đều đặt chính tự tại Kinh Ðô (kyōto). Hai bộ phái này được tách ra trong thế kỉ thứ 17 nhưng thật ra chỉ khác nhau trong cách tụng niệm thờ cúng. Cả hai đều thành lập các viện đại học lớn.

Tịnh độ Môn

Từ Điển Đạo Uyển

淨土門; C: jìngtǔmén; J: jōtomon;
Giáo lí Tịnh độ, khuyên tìm cầu sự cứu độ thông qua nguyện lực của Đức Phật A-di-đà.

Tịnh độ Tam Bộ Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

淨土三部經; C: jìngtŭ sānbùjīng; J: jōdo sanbukyō;
Ba bộ kinh căn bản của Tịnh độ tông: Vô lượng thọ kinh (無量壽經), Quán Vô lượng thọ kinh (觀無量壽經) và A-di-đà kinh (阿彌陀經).

Tịnh độ Tông

Từ Điển Đạo Uyển

淨土宗; C: jìngtǔ-zōng; J: jōdo-shū; có khi được gọi là Liên tông;
Trường phái được lưu hành rộng rãi tại Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam do Cao tăng Trung Quốc Huệ Viễn (c: huìyuǎn; 334-416) sáng lập và được Pháp Nhiên (j: hōnen) phát triển tại Nhật. Mục đích của Tịnh độ tông là tu học nhằm được tái sinh tại Tây phương Cực lạc (s: sukhāvatī) Tịnh độ của Phật A-di-đà. Ðặc tính của tông này là lòng tin nhiệt thành nơi Phật A-di-đà và sức mạnh cứu độ của Ngài, là vị đã thệ nguyện cứu độ mọi chúng sinh quán tưởng đến Ngài. Vì thế chủ trương tông phái này có khi được gọi là “tín tâm”, thậm chí có người cho là “dễ dãi” vì chỉ trông cậy nơi một lực từ bên ngoài (tha lực) là Phật A-di-đà.
Phép tu của Tịnh độ tông chủ yếu là niệm danh hiệu Phật A-di-đà và quán tưởng Cực lạc. Phép tu này cũng được nhiều tông phái khác thừa nhận và hành trì. Các kinh quan trọng của Tịnh Ðộ tông là Lạc hữu trang nghiêm hay Ðại thừa vô lượng thọ trang nghiêm (s: sukhāvatī-vyūha), A-di-đà kinh (s: amitābha-sūtra) và Quán vô lượng thọ (s: amitāyurdhyāna-sūtra). Ngày nay Tịnh độ tông là tông phái Phật giáo phổ biến nhất tại Trung Quốc, Nhật và Việt Nam.
Năm 402, Huệ Viễn thành lập Bạch Liên xã, trong đó tăng sĩ và cư sĩ tụ tập trước tượng A-di-đà và nguyện thác sinh về cõi Cực lạc phương Tây. Như thế, Huệ Viễn được xem là sơ tổ của Tịnh độ tông. Sau đó Ðàm Loan (曇鸞; 476-542) là người phát triển tích cực tông Tịnh độ. Sư cho rằng trong thời mạt pháp thì tự lực không còn đủ sức để giải thoát, Sư từ chối con đường “gian khổ” của những tông phái khác và chấp nhận giải pháp “dễ dãi” là dựa vào một tha lực là đức A-di-đà. Theo Sư, chỉ cần nhất tâm quán niệm danh hiệu A-di-đà là đủ để sinh về cõi của Ngài. Sư viết nhiều luận giải về Quán vô lượng thọ kinh. Trong thời này tông Tịnh độ được truyền bá rộng rãi – vì so với các môn phái khác, tông này xem ra “dễ” hơn.
Mục đích của phép niệm danh hiệu A-di-đà là tìm cách chế ngự tâm. Thường thường hành giả tự đặt cho mình một chỉ tiêu niệm bao nhiêu lần. Phép quán niệm này được xem là có thể giúp hành giả “thấy” được A-di-đà và hai vị Bồ Tát tả hữu là Quán Thế Âm (s: avalokiteśvara) và Ðại Thế Chí (s: mahāsthāmaprāpta) và biết trước được giờ chết của mình. Phép niệm này có thể thực hiện bằng cách đọc to hay đọc thầm, không nhất thiết phải có tranh tượng A-di-đà. Ðó là cách tu thông thường nhất. Ngoài ra hành giả có thể thực hiện phép thứ 16 trong Vô lượng thọ kinh, bằng cách tạo linh ảnh của A-di-đà và thế giới Cực lạc, xem như hiển hiện trước mắt. Phép tu cao nhất của tông này là tự xem thể tính của mình chính là A-di-đà. Tất cả mọi hành giả của Tịnh độ tông đều mong muốn được thấy A-di-đà trong một linh ảnh, đó là bằng chứng chắc chắn nhất sẽ được tái sinh trong cõi Cực lạc. Niệm danh hiệu và tạo linh ảnh là điều kiện “bên ngoài”, lòng tin kiên cố nơi A-di-đà là điều kiện “bên trong” của phép tu này, với hai điều kiện đó thì hành giả mới được tái sinh nơi cõi Cực lạc.
Tịnh độ tông Nhật Bản vốn có nguồn gốc từ Tịnh độ tông Trung Quốc, được Viên Nhân (圓仁; j: ennin, 793-864) truyền sang Nhật song song với giáo lí của Thiên Thai và Mật tông mà sư đã hấp thụ trong thời gian du học tại Trung Quốc. Sư là người truyền bá phương pháp Niệm Phật, niệm danh hiệu của Phật A-di-đà. Những vị nổi danh của tông này trong thời gian đầu là Không Dã Thượng Nhân (空也上人; j: kūya shōnin, 903-972), cũng được gọi là Thị Thánh (市聖), “Thánh ở chợ” và Nguyên Tín (源信; j: genshin, 942-1017). Trong thời này, niệm Phật là một thành phần trong việc tu hành của tất cả các tông phái tại Nhật, đặc biệt là Thiên Thai và Chân ngôn tông.
Trong thế kỉ 12, Pháp Nhiên (法燃; j: hōnen; 1133-1212) chính thức thành lập tông Tịnh độ. Sư muốn mở một con đường tu tập mới, “dễ đi” trong thời mạt pháp cho những người sống đau khổ. Sư rất thành công trong việc thuyết phục quần chúng và rất nhiều người quy tụ lại, thành lập một trường phái rất mạnh. Vì sư tự tôn giáo lí mình – cho rằng đó là giáo lí tột cùng – nên không thoát khỏi sự tranh chấp dèm pha. Sư bị đày ra một vùng hoang vắng năm 74 tuổi.
Giáo lí cơ sở của Pháp Nhiên dựa trên các bộ kinh Ðại thừa vô lượng thọ trang nghiêm (s: sukhāvatī-vyūha), A-di-đà kinh (s: amitābha-sūtra) và Quán vô lượng thọ (s: amitāyurdhyāna-sūtra). Cách tu hành của tông này chỉ là việc tụng câu “Nam-mô A-di-đà Phật” (j: namu amida butsu). Việc niệm danh Phật rất quan trọng để phát triển lòng tin nơi Phật A-di-đà, nếu không thì hành giả không thể nào thác sinh vào cõi của Ngài, mục đích chính của việc tu hành của tông này. Ngược với Tịnh độ chân tông, hành giả của tông này sống một cuộc đời tăng sĩ.
Không Dã Thượng Nhân là người đầu tiên tín ngưỡng đức A-di-đà và truyền bá công khai việc niệm Phật giữa chợ và vì vậy mang biệt hiệu là Thị Thánh. Sư nhảy múa ở ngoài đường và ca tụng danh hiệu A-di-đà theo nhịp gõ của bình bát trên tay.
Lương Nhẫn (良忍; ryōnin), một Cao tăng thuộc Thiên Thai tông đã nổi danh trong việc tín ngưỡng và tán tụng đức A-di-đà trong những bài hát. Sư chịu ảnh hưởng mạnh của hai tông Thiên Thai và Hoa Nghiêm và trên cơ sở này, Sư phát triển một cách “Dung thông niệm Phật” (融通念佛): Nếu một người nào đó niệm Phật thì công đức này sẽ đến với tất cả những người khác và ngược lại, ai cũng có phần của mình trong việc tụng niệm danh Phật. Cách diễn giảng giáo lí của sư như trên thuyết phục được nhiều người trong vương triều và sau khi tịch, giáo lí này được các vị đệ tử kế thừa.
Nguyên Tín (源信; genshin), một Cao tăng trên núi Tỉ Duệ (比叡) – trung tâm của các trường phái tín ngưỡng A-di-đà – tin chắc rằng, có một con đường đưa tất cả chúng sinh đến giải thoát. Sư trình bày phương pháp tu tập của mình trong Vãng sinh yếu tập (往生要集), một quyển sách nói về niềm tin nơi đức A-di-đà. Trong sách này, Sư trình bày trong mười phẩm những hình phạt khủng khiếp dưới Ðịa ngục và ích lợi của cách tu hành niệm Phật. Sư tự tin là mình đã tìm biết được hai tính chất đặc thù của con người là: tâm trạng sợ hãi kinh khiếp địa ngục và lòng khao khát được tái sinh vào cõi Cực lạc. Quyển sách này là một trong những tác phẩm có ảnh hưởng lớn nhất trong truyền thống tín ngưỡng Phật A-di-đà tại Nhật. Sư không những viết sách phổ biến giáo lí của mình mà còn sử dụng hội hoạ, nghệ thuật tạc tượng để truyền bá tông phong của mình đến những người ít học. Nhưng đến đây, việc tôn thờ A-di-đà Phật vẫn chưa là một trường phái độc lập, mà chỉ là một thành phần tu học của những tông phái tại đây.
Với Pháp Nhiên, Tịnh độ tông chính thức được hình thành. Sư quan niệm rằng, đa số con người không thể đi con đường khó, hoàn toàn tin vào tự lực trong thời mạt pháp và cơ hội duy nhất của họ là tin vào sự hỗ trợ của Phật A-di-đà, tin vào tha lực.

Tịnh đức

Từ Điển Đạo Uyển

淨德; C: jìngdé; J: jōtoku;
Đức hạnh thanh tịnh. Một trong Tứ đức (四德)

Tịnh Giới

Từ Điển Đạo Uyển

淨戒; C: jìng jiè; J: jōkai;
1. Giới luật thanh tịnh. Giới luật mà chư tăng ni phải tu tập; 2. Sự thanh tịnh trong giới luật. Trì giữ giới luật; 3. Một cách dịch nghĩa chữ Tỉ-khâu (比丘; s: bhikṣu).

Tịnh Hành

Từ Điển Đạo Uyển

淨行; C: jìngxíng; J: jōgyō;
1. Hạnh (tư cách đạo đức) thanh tịnh, đặc biệt trong ý nghĩa không dính líu đến việc dâm dục (s: brahma-cārya); 2. Người an trú trong các công hạnh thanh tịnh; 3. Tên của vị Bồ Tát thứ 3 trong 4 vị Bồ Tát xuất hiện trong phẩm Tòng địa dũng xuất trong kinh Pháp Hoa.

Tịnh Không

Từ Điển Đạo Uyển

淨空; 1091-1170
Thiền sư Việt Nam, thuộc thiền phái Vô Ngôn Thông, pháp hệ thứ 10. Sư kế thừa Thiền sư Ðạo Huệ.
Sư người gốc Trung Quốc, họ Ngô, quê ở Phúc Châu (Phúc Kiến). Ban đầu, Sư đến viện Sùng Phúc xuất gia và Thụ giới cụ túc.
Năm lên 30, Sư Hành cước đến phương Nam, đến chùa Khai Quốc phủ Thiên Ðức dừng lại trụ trì. Ở đây, Sư chuyên tu theo hạnh Ðầu-đà, ngồi hoài không nằm, mỗi khi nhập Ðịnh nhiều ngày mới xuất. Mọi người xung quanh rất kính trọng, đem lễ vật cúng dường chất cao như núi.
Một hôm, một vị thiền khách đến chùa hỏi thăm sự tu hành. Vị này biết Sư chưa ngộ yếu chỉ bèn chỉ đến Thiền sư Ðạo Huệ tham học. Sư bèn giao chùa đi thẳng đến Ðạo Huệ.
Ðến nơi, Sư hỏi Ðạo Huệ: “Nơi này có tông chỉ Thiền tông chăng?” Ðạo Huệ đáp: “Nơi đây tông chỉ chẳng phải không, nhưng Xà-lê làm sao đảm nhận?” Sư suy nghĩ trả lời, Ðạo Huệ nạt: “Ngay trước mặt đã lầm qua rồi!” Sư liền lĩnh hội ý chỉ, ở lại hầu thầy ba năm.
Sau, Sư về chùa cũ trụ trì hoằng hoá. Năm thứ 8 niên hiệu Chính Long Bảo Ứng đời vua Lí Anh Tông, Sư từ giã chúng và căn dặn: “Các ngươi khéo tự giữ gìn như lúc ta còn, chớ nhiễm thế gian sinh ra quyến luyến.” Ðến giữa đêm, Sư ngồi Kết già thị tịch.

Tĩnh Lực

Từ Điển Đạo Uyển

靜力; 1112-1175
Thiền sư Việt Nam, thuộc thiền phái Vô Ngôn Thông, thế hệ thứ 10. Sư nối pháp Thiền sư Ðạo Huệ.
Sư tên tục là Ngô Trạm, quê ở Cát Lăng, Vũ Bình. Sư bẩm chất thông minh, lại thông cả ba môn: Văn nghệ, học thuật và thể dục. Sư đến Thiền sư Ðạo Huệ thụ giáo và sau đó được ấn chứng.
Nghe lời khuyên của thầy, Sư đến Vũ Ninh cất trên núi một am cỏ ở làng Cương Việt. Tương truyền tiếng nói của Sư trong vắt và thời nhân bảo rằng, trong miệng Sư có con chim Hoàng oanh.
Niên hiệu Thiên Cảm Chí Bảo thứ hai, một hôm Sư cáo bệnh gọi đồ chúng lại dạy: “Các ngươi! Tất cả các người học đạo lấy tâm siêng năng cúng dường Phật, không gì khác hơn chỉ cầu dứt được các nghiệp ác. Tâm miệng niệm tụng, tin hiểu nghe nhận, ở chỗ vắng vẻ yên lặng, gần Thiện tri thức. Nói ra lời hoà nhã, nói phải thời, trong tâm không khiếp nhược. Liễu đạt nghĩa lí, xa lìa ngu mê, an trụ chỗ bất động. Quán tất cả các pháp Vô thường, Vô ngã, vô tác Vô vi. Nơi nơi lìa phân biệt, ấy là người học đạo. Nay phần hoá duyên của ta đã xong.” Sư nói kệ:
先雖言吉後言凶。自是太祖諱不從
爲遇見龍爲佛子。忽遭鼠出寂無窮
Tiên tuy ngôn kiết hậu ngôn hung
Tự thị Thái Tổ huý bất tòng
Vi ngộ kiến long vi Phật tử
Hốt tao thử xuất tịch vô cùng.
*Trước tuy nói kiết, sau gọi hung
Từ đời Thái Tổ kiêng chẳng tòng
Vì thấy rồng lên làm Phật tử
Chợt trông chuột hiện lặng vô cùng.
Nói xong, Sư ngồi ngay thẳng thị tịch, thọ 64 tuổi.

Tịnh Nghiệp Chướng Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

淨業障經; C: jìng yèzhàng jīng; J: jō gōshō kyō;
1 quyển. Dịch giả khuyết danh, nhưng kinh có lẽ được dịch vào đời Tây Tần (西秦) khoảng từ năm 350-430. Kinh kể chuyện 2 vị tăng tên Vô Cấu Quang (無垢光) và Dũng Thí (勇施) bị phạm tội trọng, nhưng chuyển hoá được ác nghiệp nhờ nhận ra được bản tính vô sinh của các pháp. Tên gọi đầy đủ là Phật thuyết tịnh nghiệp chướng kinh (佛説淨業障經).

Tịnh Nhãn

Từ Điển Đạo Uyển

淨眼; C: jìngyăn; J: jōgen;
1. Con mắt thanh tịnh, hay con mắt thanh tịnh của Đức Phật nhìn thấu suốt mọi hiện tượng; 2. Tên một người con của một vị Bồ Tát vương xuất hiện trong kinh Pháp Hoa.

Tịnh Phạn Vương

Từ Điển Đạo Uyển

淨飯王; S: suddhodhana; C: jìngfàn wáng; J: jōbanō;
Thân phụ của Phật Thích-ca Mâu-ni. Ông là vua trị vì vương quốc Ca-tì-la-vệ Ấn Độ. Tên ông còn được phiên âm là Thủ-đồ-đà-na (首圖駄那).

Tịnh Phạn Vương Tử

Từ Điển Đạo Uyển

淨飯王子; C: jìngfàn wángzí; J: jōbanōshi;
Con của vua Tịnh Phạn, tức đức Phật Thích-ca Mâu-ni.

Tịnh Sắc

Từ Điển Đạo Uyển

淨色; C: jìng sè; J: jōshiki;
Sắc pháp thanh tịnh. Thể chất thuần thanh tịnh. Năm giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi và thân.

Tịnh Tâm địa

Từ Điển Đạo Uyển

淨心地; C: jìng xīndì; J: jōshinji;
Thuật ngữ dùng trong luận Đại thừa khởi tín, chỉ cho giai vị đầu tiên của hàng Thập địa Bồ Tát.

Tịnh Tạng

Từ Điển Đạo Uyển

淨藏; C: jìngzàng; J: jōzō;
Kho tàng thanh tịnh. Cùng với Tịnh Nhãn (淨眼), là 2 người con của Diệu Trang Nghiêm Vương (妙莊嚴王), được nhắc đến tronh kinh Pháp Hoa.

Tịnh Thân

Từ Điển Đạo Uyển

淨身; C: jìngshēn; J: jōshin;
1. Làm cho thân được thanh tịnh; 2. Làm cho con người được thanh tịnh.

Tịnh Thiền

Từ Điển Đạo Uyển

淨禪; 1121-1193
Thiền sư Việt Nam, thuộc thiền phái Tì-ni-đa Lưu-chi đời thứ 17, nối pháp Thiền sư Ðạo Lâm.
Sư tên Phí Hoàn, quê ở làng Cổ Giao, quận Long Biên. Ban đầu, Sư cùng bạn là Tịnh Không thờ Thiền sư Ðạo Lâm ở chùa Long Vân làm thầy. Sư ngày ngày tu tập chuyên cần nên thâm nhập huyền chỉ, được Ðạo Lâm ấn chứng. Khi Ðạo Lâm qua đời, Sư chu du đây đó học hỏi thêm ở các Thiện tri thức. Khi thấy đã đủ duyên, đạo hạnh thuần thục, Sư trở về quê nhà trùng tu chùa Long Hoa và trụ trì nơi đây.
Sư tịch năm Quý Sửu, ngày 12 tháng 8 niên hiệu Thiên Tư Gia Thuỵ thứ 8, thọ 73 tuổi.

Tinh Tiến

Từ Điển Đạo Uyển

精進; S: vīrya; P: viriya;
Chỉ năng lực, ý chí làm những điều thiện, tránh những điều bất thiện. Tinh tiến là yếu tố thứ 6 trong Bát chính đạo và chính là Bốn tinh tiến, ngoài ra Tinh tiến là một trong Năm lực, một hạnh Ba-la-mật-đa, một trong Bảy giác chi, một trong năm Căn (indri-ya).

Tịnh Vô Kí

Từ Điển Đạo Uyển

淨無記; C: jìng wújì; J: jō muki;
Đồng nghĩa với Vô phú vô kí (無覆無記).

Tịnh Vực Tự

Từ Điển Đạo Uyển

淨域寺; C: jìngyù sì; J: jōiki ji;
Ngôi chùa ở Tràng An, bản doanh của Tam giai giáo (三階教), có liên quan đến Pháp Tạng (法藏; 637-714).

Tố

Từ Điển Đạo Uyển

泝; C: sù; J: so;
1. Bơi ngược dòng, trở về nguồn; 2. Quay về nguồn cội, trở về dĩ vãng; 3. Chạm trán, đối diện.

Tô Ðông Pha

Từ Điển Đạo Uyển

蘇東坡; C: sūdōngpō; 1037-1101, cũng được gọi là Ðông Pha Cư sĩ;
Văn hào nổi danh kiêm Cư sĩ ngộ đạo người Trung Quốc. Ông kế thừa Thiền sư Ðông Lâm Thường Tổng (東林常總; cũng được gọi là Ðông Lâm Chiếu Giác), một môn đệ đắc pháp của Thiền sư Hoàng Long Huệ Nam.
Ông tên Tô Thức, tự là Tử Chiêm, hiệu Ðông Pha. Cha ông là Tô Tuân, người em trai là Tô Triệt (tự là Tử Do). Ðiểm đặc sắc nhất trong gia đình họ Tô là cả ba cha con đều được xếp vào “Bát đại gia” của văn học Trung quốc từ suốt đời Ðường đến đời Tống. Ông đã sớm tỏ tài năng của mình, lên 11 tuổi đã đọc nhiều sách vở. Năm 22 tuổi, cùng với em là Tô Triệt, ông đi thi và đỗ tiến sĩ.
Cuộc đời sau đó của ông rất thăng trầm, lúc thì đạt những địa vị cao cả, lúc thì bị đày ra những nơi hẻo lánh khổ cực. Nhưng không lúc nào ông rời chủ trương của cuộc đời mình là đem triết lí của đạo Phật, Lão Tử, Trang Tử vào thơ văn, áp dụng tinh thần từ bi vào việc trị dân, đào kinh đắp đập chống thiên tai… Lúc rảnh rỗi thì ngao du sơn thuỷ tham vấn các vị Thiền sư để học Ðạo. Nhân một lần dừng chân tại Ðông Lâm, ông được Thiền sư Thường Tổng thuyết về “vô tình thuyết pháp” và nhân đây có ngộ nhập. Sáng hôm sau ông trình kệ:
溪聲便是廣長舌。山色豈非清淨身
夜來八萬四千偈。他日如何舉似人
Khê thanh tiện thị quảng trường thiệt
Sơn sắc khởi phi thanh tịnh thân
Dạ lai bát vạn tứ thiên kệ
Tha nhật như hà cử tự nhân
*Suối reo quả thật lưỡi rộng dài
Màu non đây hẳn thân thanh tịnh
Ðêm nghe tám vạn bốn ngàn kệ
Sáng dậy làm sao nói với người.
(cô T. N. dịch, theo Thích Phước Hảo, Thích Thông Phương).
Thú vị nhất có lẽ là những giai thoại thiền giữa ông và những vị Cao tăng đương thời. Qua đó, người ta có thể hình dung được tinh thần của ông và cái “Ðại cơ đại dụng” của các vị Thiền sư.
Một hôm, ông đến viếng Thiền sư Hạo ở Ngọc Tuyền. Ngọc Tuyền thấy ông liền hỏi: “Tôn quan tên gì?” Ông thưa: “Tên Cân, nghĩa là “cân” các vị trưởng lão trong thiên hạ.” Ngọc Tuyền liền quát một tiếng to, rồi sau đó bảo: “Hãy nói tiếng hét này nặng bao nhiêu!” Ông không đáp được, từ đó thầm khâm phục.
Ông cũng kết bạn rất thân với Thiền sư Phật Ấn Liễu Nguyên. Một hôm, ông đi thuyền ghé thăm Phật Ấn ngay lúc vị này đi vắng. Ðợi mãi không được, ông bèn viết vài dòng lưu lại và những chữ cuối cùng là “Tô Ðông Pha, người Phật tử vĩ đại, dù có tám ngọn gió (Bát phong) thổi cũng chẳng động.” Phật Ấn về đọc thấy thế liền viết thêm những dòng sau “Nhảm nhí! Những gì ông viết ở đây chẳng hơn gì phát rắm.” Khi nghe được lời lăng mạ này Tô Ðông Pha nổi giận lôi đình, cấp tốc đi thuyền qua sông. Thấy Phật Ấn, ông quát to: “Thầy có quyền gì mà thoá mạ tôi như vậy? Tôi há không phải là một Phật tử mộ đạo, chỉ để tâm đến đạo không thôi hay sao? Quen biết tôi lâu như vậy không lẽ thầy lại mù quáng đến thế hay sao?” Phật Ấn chỉ lặng lẽ nhìn ông một vài giây, sau đó mỉm cười nói chậm rãi: “Tô Ðông Pha, Phật tử vĩ đại kêu rằng tám ngọn gió cũng khó mà động được ông một tấc, thế mà giờ đây chỉ một phát rắm cũng thổi ông qua đến tận bên này sông!”
Danh vọng của ông cao mà tính tình lại rất là bình dân, có lúc tự cày ruộng, cất nhà như một nông phu. Ông viết lên vách nhà đế tự răn mình: “Hay ngồi xe thì chân sẽ tàn tật, ở nhà rộng dễ bị cảm, hiếu sắc thì sức mau kiệt, ăn đồ cao lương thì dễ đau bao tử.” Vì tâm hồn khoáng đạt người đời đều quý mến ông hơn tất cả các văn hào khác đời Tống.

Tổ Sư

Từ Điển Đạo Uyển

祖師; J: soshi;
Thường được hiểu là những vị Tổ trong Thiền tông. Tổ sư là những Ðại sư đã thấu hiểu Phật pháp, đã được truyền tâm ấn qua cách “Dĩ tâm truyền tâm” và truyền lại cho những Pháp tự. Biểu tượng của việc “Truyền tâm ấn” là pháp y và Bát, gọi ngắn là “y bát”. Theo truyền thuyết, 28 vị Tổ sư Ấn Ðộ kế thừa nhau sau đức Phật Thích-ca để truyền bá Thiền tông và Bồ-đề Ðạt-ma – vị Tổ thứ 28 tại đây – được xem là Tổ thứ nhất của Thiền Trung Quốc.
Vị Tổ thứ 6 tại Trung Quốc là Huệ Năng không chính thức truyền y bát lại cho ai và vì vậy, biểu tượng này và với nó là danh hiệu Tổ sư thất truyền. Nhưng Huệ Năng lại có năm vị đệ tử đắc pháp xuất sắc – được thời nhân gọi là Ngũ đại tông tượng –, là những vị đã khai sáng và phát triển nhiều nhánh thiền quan trọng.
Năm vị Ðại Thiền sư được tôn là Ngũ đại tông tượng của Lục tổ: 1. Thanh Nguyên Hành Tư; 2. Nam Nhạc Hoài Nhượng; 3. Nam Dương Huệ Trung; 4. Vĩnh Gia Huyền Giác và 5. Hà Trạch Thần Hội.
Trong những nhánh thiền này (Ngũ gia thất tông), những vị Thiền sư xuất sắc được các tăng ni cũng như giới Cư sĩ tôn sùng và gọi là Tổ sư.

Toạ

Từ Điển Đạo Uyển

坐; C: zuò; J: za;
Có các nghĩa sau: 1. Ngồi; 2. Chỗ ngồi; 3. Giữ gìn, bảo quản, giữ vững.

Toạ Bồ đoàn

Từ Điển Đạo Uyển

坐蒲團; J: zabuton; cũng được gọi tắt là Bồ đoàn;
Một dụng cụ để Toạ thiền, thường được dồn bằng bông gòn và bọc bằng một lớp vải xanh dương đậm. Toạ bồ đoàn có hình vuông, với kích thước mà một người ngồi thiền trong tư thế Kết già phu toạ vừa đủ ngồi và để hai đùi gối lên.

Toạ Cao Quảng đại Sàng

Từ Điển Đạo Uyển

坐高廣大牀; C: zuògāoguăngdàchuáng; J: zakōkōdaishō;
Việc sử dụng giường cao rộng; các tăng sĩ Phật giáo không được dùng theo điều luật trong Thập giới.

Toạ Cụ

Từ Điển Đạo Uyển

坐具; J: zagu; là “Dụng cụ để ngồi (thiền)”;
Ban đầu toạ cụ chỉ là một tấm vải để ngồi và là một trong sáu vật (lục vật) mà một thiền tăng được mang theo tuỳ thân. Nếu thiền sinh đi Hành cước thì toạ cụ thường được xếp gọn và cất giữ dưới y phục. Trong Thiền tông thì toạ cụ trở thành một tấm khăn mà ngày nay cũng còn được sử dụng trong những buổi lễ, ví dụ như khi thiền sinh trải toạ cụ để quì lạy, lễ bái. Toạ cụ cũng được nhắc đến trong một vài Công án.

Toạ đoạn

Từ Điển Đạo Uyển

坐斷; J: zadan; cũng được gọi là Toạ diệt (坐滅; j: zasetsu);
Nghĩa “Ngổi thiền để đoạn diệt” và cái được đoạn diệt ở đây chính là những vọng tưởng, ý nghĩ Si mê, Vô minh.
Khi các vọng tưởng trong một phàm phu tâm thức đã được cắt đứt thì người ta sẽ trực ngộ được Phật tính, ngộ được tính Không (s: śūnyatā; j: kū) của hiện hữu. Nếu người ta còn vướng mắc, bám vào khía cạnh sắc tướng của sự vật và cho nó là sự thật tuyệt đối thì không bao giờ trực chứng được cái chân tính nằm sau mọi hiện tượng. Trong lúc toạ thiền thì tất cả những vọng tưởng che đậy Chân như dần dần được đoạn diệt một cách có hệ thống – đến khi cách nhìn theo lối nhị nguyên “Ta đây vật đó” bất thình lình bị phá vỡ và hành giả chết một cái chết lớn (大死; đại tử) trên Toạ bồ đoàn. Cái chết lớn này chính là điều kiện căn bản của sự sống mới hoàn toàn tự do tự tại, không còn bị ảnh hưởng của sinh tử luân hồi.

Toạ Hạ

Từ Điển Đạo Uyển

坐夏; J: zage; nghĩa là “Toạ thiền mùa hè”;
Một tên khác của mùa An cư (j: ango).

Toạ Thiền

Từ Điển Đạo Uyển

坐禪; C: zuòchán; J: zazen; nghĩa là ngồi thiền;
Phương pháp tu tập trực tiếp đưa đến Giác ngộ. Mới đầu toạ thiền đòi hỏi thiền giả tập trung tâm trí lên một đối tượng (ví dụ một Man-đa-la hay linh ảnh một vị Bồ Tát), hay quán sát về một khái niệm trừu tượng (ví dụ như quán tính Vô thường hay lòng Từ bi). Sau đó toạ thiền đòi hỏi thiền giả phải thoát ra sự vướng mắc của tư tưởng, ảnh tượng, khái niệm vì mục đích của toạ thiền là tiến đến một tình trạng vô niệm, tỉnh giác, không dung chứa một nội dung nào. Sau một giai đoạn kiên trì trong vô niệm, hành giả sẽ bỗng nhiên trực ngộ thể tính của mình, đó là tính Không, cái “thể” của vạn vật.
Trong một chừng mực nhất định, toạ thiền đối lập với cách thiền quán Công án vì công án là một đề tài nghịch lí, bắt thiền giả phải liên tục quán tưởng để đến một lúc nào đó bỗng chợt phát ngộ nhập. Trong các phái Thiền Trung Quốc và Nhật Bản, có phái nghiêng về công án (Khán thoại thiền), có phái nghiêng về toạ thiền (Mặc chiếu thiền).
Như từ “thiền” cũng có nghĩa “trầm lắng”, toạ thiền là “ngồi trong sự trầm lắng.” Toạ thiền quan trọng đến mức có người cho rằng không có toạ thiền thì không có thiền. Thiền sư Nam Nhạc Hoài Nhượng có lần nói đại ý “không thể thành Phật bằng việc ngồi.” Công án này có nhiều người hiểu sai, cho rằng Nam Nhạc chê bai việc “ngồi”, vì con người vốn đã là Phật. Ðã đành, Phật giáo Ðại thừa cũng như Thiền tông đều cho rằng chúng sinh đã là Phật, nhưng Thiền cũng nhấn mạnh rằng, điều khác nhau là tin hiểu điều đó một cách lí thuyết hay đã trực ngộ điều đó. Kinh nghiệm trực ngộ đó chính là giác ngộ, mà hành trì toạ thiền là một phương pháp ưu việt.
Như Tổ Thiền Trung Quốc Bồ-đề Ðạt-ma đã ngồi chín năm quay mặt vào vách tại chùa Thiếu Lâm, phép toạ thiền là phép tu chủ yếu của Thiền và được mọi Thiền sư hành trì. Thiền sư Ðạo Nguyên Hi Huyền cho rằng toạ thiền là “đường dẫn đến cửa giải thoát.” Trong tác phẩm Bạch Ẩn Thiền sư toạ thiền hoà tán, Thiền sư Bạch Ẩn viết:
“Ôi toạ thiền, như Ðại thừa chỉ dạy, không có lời tán dương nào nói hết. Tu sáu Ba-la-mật hay tu hạnh bố thí, giữ giới hay hành trì, kể sao cho hết.
Tất cả đều xuất phát từ toạ thiền. Chỉ một lần toạ thiền, công đức sẽ rửa sạch tất cả nghiệp chướng chồng chất từ vô thuỷ.”
Lục tổ Huệ Năng giảng về Toạ thiền trong Pháp bảo đàn kinh: “Thiện tri thức, tại sao gọi là Toạ thiền? Trong Pháp môn này vô chướng, vô ngại, bên ngoài đối với tất cả cảnh giới thiện ác tâm niệm chẳng khởi gọi là Toạ, bên trong thấy tự tính chẳng động gọi là Thiền. Thiện tri thức, sao gọi là Thiền định? Bên ngoài lìa tướng là Thiền, bên trong chẳng loạn là Ðịnh. Ngoài nếu chấp tướng trong tâm liền loạn, ngoài nếu lìa tướng thì tâm chẳng loạn. Bản tính tự tịnh, tự định, chỉ vì thấy cảnh chấp mà thành loạn. Nếu người thấy mọi cảnh mà tâm chẳng loạn, đó là Chân định vậy.”

Toàn

Từ Điển Đạo Uyển

旋; C: xuán; J: sen;
1. Đi quanh, quay trở lại, quay tròn, quay xung quanh, di chuyển quanh một quỹ đạo; 2. Xoáy nước; 3. Sự trở về, trở lại; 4. Chẳng bao lâu, ngay sau đó.

Toàn Hoả Luân

Từ Điển Đạo Uyển

旋火輪; C: xuánhuŏ lún; J: senkarin;
Khi cầm một sợi dây hay cây gậy bằng lửa quay quanh, trông giống như có một vòng lửa. Được dùng trong kinh Viên Giác để ẩn dụ cho tính vọng tưởng của chúng sinh.

Tộc

Từ Điển Đạo Uyển

族; C: zú; J: zoku;
Một thị tộc, bộ lạc, dòng họ (s: anvaya). Một tầng lớp; tập trung lại cùng nhau. Tiêu diệt toàn thể gia đình vì một người phạm tội.

Tối Chính Giác

Từ Điển Đạo Uyển

最正覺; C: zuìzhèngjué; J: saishōgaku; S: agra-bodhi.
Chân chính giác ngộ tuyệt đối. Giác ngộ chân chính nhất.

Tối Hậu Thân

Từ Điển Đạo Uyển

最後身; C: zuìhòushēn; J: saigoshin;
Thân sau cùng sinh ở thế giới Sa-bà, nghĩa là thân của một A-la-hán, bậc đã dập tắt mọi phiền não và không tái sinh nữa (s: antima-deha, antima-sarīra).
Trong cùng một ý nghĩa, tuỳ thuộc ngữ cảnh khác, thuật ngữ nầy có thể được dùng uyển chuyển hơn, đề cập đến thân sau cùng của một Đức Phật hay một bậc giác ngộ như Bích-chi Phật hay Bồ Tát.

Tối Nột

Từ Điển Đạo Uyển

最吶; C: zuìnà; J: saitotsu; K: ch’oenul, 1717-1790
Thiền sư Triều Tiên, tác giả của Chư kinh hội yếu (諸經會要, k: chegyŏng hoeyo).

Tối Thắng

Từ Điển Đạo Uyển

最勝; C: zuìshèng; J: saishō;
Xuất sắc nhất, vĩ đại nhất, tốt nhất, cao cấp nhất (s: parama, paramatā, agra, pravara; t: gtso bo). Nổi bật nhất; có uy thế nhất.

Tối Thắng Tử

Từ Điển Đạo Uyển

最勝子; C: zuìshèngzǐ; J: saishōshi; S: jina-putra, sau thế kỉ thứ 6-?.
Còn được phiên âm là Chân-na-phất-đán-la (慎那弗呾羅) và Chấn-đa-phất-đa-la (辰那弗多羅), viết tắt là Thắng tử (勝子). Là một tăng sĩ thuộc Du-già hành tông Ấn Độ, là môn đệ của Hộ Pháp (s: dharmapāla), và là tác giả của Du-già sư địa luận thích (瑜伽師地論釋, s: yogācārabhūmi-śāstra-kārikā). Sư còn viết luận giải về Duy thức tam thập tụng của Thế Thân (唯識三十頌, s: triṃsikā).

Tối Thượng Bí Mật Na Nã Thiên Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

最上祕密那拏天經; C: zuìshàng mìmì nănátiān jīng; J: saijō himitsu nadaten gyō; S: śravanasyaputranaḍagupilāya-kalparāja;
3 quyển, viết tắt là Na-nã thiên kinh (那拏天經), Pháp Hiền (法賢) dịch.
Tối thượng đại thừa kim cương đại giáo bảo vương kinh 最上大乘金剛大教寶王經; C: zuìshàng dàshèng jīngāng dàjiào băowáng jīng; J: saijō daijō kongō daikyō hōō kyō; s: vajragarbha-ratnarāja-tantra.
2 quyển, Pháp Thiên (法天) dịch.

Tối Trừng

Từ Điển Đạo Uyển

最澄; J: saichō; C: zuìchéng; 767-822; cũng được gọi là Truyền Giáo Ðại sư;
Người thành lập tông Thiên Thai Nhật Bản. Sư lưu tâm đến Phật pháp từ lúc mới 12 tuổi, sư trở thành đệ tử của Hành Biểu (行表, j: gyōhyō) trú trì chùa Quốc Phân (國分寺, j: kokubunji) ở Cận Giang (近江, j: ōmi) vào lúc 14 tuổi, và sau khi thụ giới cụ túc vào năm 19 tuổi tại chùa Đông Đại (東大寺, j: tōdaiji), sư đến núi Tỉ Duệ (比叡山, j: hiei) để tu tập thiền quán và nghiên cứu về Hoa Nghiêm tông. Nhưng sư say mê nhất giáo lí của tông Thiên Thai, điều mà sư trở nên quen thuộc qua đọc các tác phẩm của ngài Trí Khải. Sư nổi tiếng là một học giả uyên bác đến mức sư được Hoàng đế Kammu ban tặng cho một cơ hội sang Trung Hoa nghiên cứu Phật pháp với mục đích tạo dựng nên một sắc thái Phật giáo tương ứng với bản sắc Nhật Bản. Sư đáp thuyền đi năm 804 cùng với người bạn đồng hành là Không Hải (空海, j: kūkai). Tại Trung Hoa, sư trở thành môn đệ của Ngưu đầu thiền với Thiền sư Tiêu Nhiên (翛禪). Sư nghiên cứu tông Thiên Thai với ngài Đạo Thuý (道邃), nghiên cứu Chân ngôn tông (眞言) với ngài Thuận Hiểu (順曉), trong đó không có giáo lí nào còn tồn tại như một tông phái độc lập ở Nại Lương. Sư trở về Nhật Bản vào năm sau, và vào năm 806, sư chính thức thành lập Thiên Thai tông Nhật Bản. Nhưng mặc dù chịu ảnh hưởng giáo lí tông Thiên Thai nhiều nhất, nhưng qua mối quan hệ với ngài Không Hải, sư vẫn có quan tâm sâu sắc đến Chân Ngôn tông. Thế nên hệ thống giáo lí riêng của sư có khuynh hướng là một giáo lí hoà hợp. Sư dành thời gian còn lại của đời mình để truyền bá kiến thức Phật học của mình cho Phật tử quanh vùng núi Tỉ Duệ, nhưng gặp phải sự chống đối thường xuyên với những tông phái đã được thành lập từ trước, đặc biệt là về những cải cách mà sư đang nỗ lực thực hiện, như việc sư tìm kiếm sự hợp lí hoá một vài nghi thức truyền thụ giới pháp Đại thừa. Sư trứ tác rất nhiều, một trong những tác phẩm quan trọng là Thủ hộ quốc giới chương (守護國界章, j: shugo kokkaishō), Pháp Hoa tú cú (法華秀句, j: hokkeshūku) và Hiển giới luận (顯戒論, j: kenkai ron).
Chủ trương của Thiên Thai tông tại Nhật không khác gì với Thiên Thai Trung Quốc. Ðó là quan điểm đặt cơ sở trên kinh Diệu pháp liên hoa, trên lời thuyết pháp thật sự của đức Phật. Sư cho rằng các tông phái khác hay dựa trên các luận giải, chứ không phải trên kinh điển chính thức của đức Phật nên Thiên Thai tông ưu việt hơn. Sư cũng có quan điểm khác với các tông phái khác và nhấn mạnh đến tính thống nhất và bao trùm của Thiên Thai tông. Tính bao trùm thể hiện trong luận điểm, mọi chúng sinh đều có khả năng giác ngộ và thành Phật. Tính này cũng thể hiện trong Phật tính, là tính chất chung nhất của mọi chúng sinh. Ðối với Sư, muốn đạt Phật quả, hành giả phải sống một đời sống trong sạch và tu tập Chỉ-Quán.
Sư quan tâm giữ gìn mối quan hệ với hoàng gia đương thời. Núi Tỉ Duệ được xem là “Trung tâm bảo vệ quốc gia” của Nhật và xem Ðại thừa Phật giáo là người bảo vệ đất nước Nhật. Sư chia tăng sĩ học trong thiền viện mình ra làm nhiều hạng: những người xuất sắc nhất được xem là “bảo vật của quốc gia” và phải ở trong chùa, phụng sự đất nước. Những người kém hơn thì cho vào các công sở, dạy học hoặc làm nhà nông, nói chung là phục vụ xã hội.

Tối Tự Tại

Từ Điển Đạo Uyển

最自在; C: zuìzìzài; J: saijizai;
Tự do tột cùng; hoàn toàn tự tại.

Tối Vô Tỉ Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

最無比經; C: zuì wúbĭ jīng; J: sai muhi kyō;
Huyền Trang dịch năm 649 tại Từ Ân tự, gồm 1 quyển. Nội dung kinh Đức Phật giảng giải công đức của tam quy, ngũ giới, và cụ túc giới cho A-nan-đà. Tên đầy đủ là Phật thuyết tối vô tỉ kinh (佛説最無比經).

Tòng Lâm

Từ Điển Đạo Uyển

叢林; C: cónglín; J: sourin;
Nghĩa gốc của thuật ngữ nầy là “rừng cây”, “lùm cây”, “khu rừng nhỏ”. Trong Phật pháp, nó có nghĩa là nơi Tăng chúng tu tập, như tu viện hay chùa.

Tông Phong Diệu Siêu

Từ Điển Đạo Uyển

宗峰妙超; J: shūhō myōchō; 1282-1338; cũng được gọi là Ðại Ðăng Quốc sư (j: daitō kokushi);
Thiền sư Nhật Bản lỗi lạc thuộc tông Lâm Tế. Sư nối pháp Nam Phố Thiệu Minh (j: nampo jōmyō) và là thầy của Quan Sơn Huệ Huyền (j: kanzan egen). Sư là người thành lập và trụ trì đầu tiên của Ðại Ðức tự (j: daitoku-ji) ở Kinh Ðô (kyōto), một trong những ngôi chùa quan trọng nhất của Nhật Bản.
Sư sinh trưởng tại Harima, cách thành phố Osaka không xa. Lúc còn nhỏ Sư đã có những dấu hiệu lạ thường, lên mười đã không thích chơi với trẻ con cùng lứa. Sư bắt đầu nghiên cứu tu tập Phật pháp rất sớm và chu du viếng thăm nhiều thiền viện. Năm 22 tuổi, Sư đến tham học với Thiền sư Cao Phong Hiển Nhật (kōhō kennichi) tại Vạn Thọ tự (manju-ji) ở Liêm Thương (kamakura) và nơi đây có ngộ nhập. Sau, Sư đến học nơi Thiền sư Nam Phố Thiệu Minh và được vị này Ấn khả. Nam Phố khuyên Sư tu tập thêm hai mươi năm nữa trước khi nhập thế hoằng hoá thế gian.
Sau khi Nam Phố tịch (1308), Sư trở về Kinh Ðô sống ẩn dật hai mươi năm. Trong thời gian này, Sư sống cùng với những kẻ ăn xin và ngủ dưới cầu. Tin truyền về một kẻ ăn xin lạ thường đồn đến tai Thiên hoàng Hoa Viên (hanazono) và ông đích thân đến cầu để tìm cho ra lai lịch của vị khất sĩ phi thường này. Ông mang theo một giỏ dưa và nói trước các khất sĩ: “Ta sẽ tặng quả dưa cho người nào đến đây mà không sử dụng đôi chân.” Mọi người đều suy nghĩ chần chừ, Sư liền bước ra nói: “Ðưa quả dưa cho ta mà không được dùng đôi tay!” Ngay sau sự việc này, Nhật hoàng thỉnh Sư về cung điện tham vấn.
Sau đó, Sư dựng một cái am trên đồi gần Kinh Ðô, học chúng đua nhau đến rất đông, đến nỗi Thiền viện Ðại Ðức được xây dựng để đáp ứng nhu cầu của học khách. Sư được Cựu Thiên hoàng Hoa Viên phong là Hưng Thiền Ðại Ðăng Quốc sư (興禪大燈國師; kōzen daitō kokushi). Tông phong của Sư nổi tiếng là uy nghiêm dũng mãnh. Nổi danh nhất là bản Di giới (遺誡; j: yuikai) của Sư – được viết hai năm trước lúc Sư quy tịch. Bản Di giới này nêu rõ phong cách của dòng thiền Ứng-Ðăng-Quan và truyền thống của Thiền tông từ Trung Quốc đến Nhật Bản nói chung. Bản này – thỉnh thoảng được biến đổi đôi chút – vẫn còn được treo trước mỗi Thiền viện của tông Lâm Tế tại Nhật. Nội dung bản này như sau:
“Dù các thiền viện được hưng thịnh thế nào sau khi lão tăng qua đời đi nữa, dù tượng hình Phật và các bộ kinh được tạo bằng vàng ròng đi nữa, dù thiền sinh tham học đông đảo, tụng kinh, phát nguyện, toạ thiền suốt đêm, ăn chỉ một bữa, chuyên cần giữ giới đi nữa, – nếu họ không chú tâm tìm cho bằng được diệu pháp nằm ngoài kinh điển của chư Phật, Tổ thì họ không thể nào đoạn diệt lưới nghiệp, tông chỉ sẽ bị hoại, họ sẽ theo nhà ma. Dù khoảng thời gian từ khi lão tăng qua đời có dài thế nào đi nữa thì cũng không được gọi họ là con cháu của lão tăng.
Nhưng – nếu có người nào tại đây, ở nhà lá, ăn rau cỏ từ nồi nghiêng bếp hỏng để sống qua ngày, nếu người này tự tìm hiểu nguồn gốc của chính mình thì ngày ngày sẽ thấy được lão tăng và sẽ là người báo ân chân thật.”
Sư lâm bệnh nặng năm 55 tuổi và phó chúc công việc cai quản thiền viện cho môn đệ là Triệt Ông Nghĩa Hanh (tettō gikō). Sư căn dặn không được xây tháp cho Sư sau khi Sư tịch. Câu chuyện rất cảm động sau được truyền lại, tả lúc Sư quy tịch. Như phần lớn các vị Thiền sư, Sư muốn ngồi Kết già viên tịch mặc dù chân của Sư bị thương và trước đó Sư cũng không thể nào ngồi kết già toạ thiền. Biết thời điểm đã đến, Sư dùng hết sức mình kéo chân trái đặt trên chân phải. Xương chân của Sư gẫy, máu tuông đầy ca-sa. Sư an nhiên ngồi thẳng và viết những dòng kệ sau:
Phật, Tổ ta đã đoạn
Tóc bay đã hết rối
Bánh xe tự tại chuyển
Chân không bèn nghiến răng.
Với sự xuất hiện của Sư, Thiền Nhật Bản đã vượt qua giai đoạn du nhập, các Thiền sư Nhật đã đạt được phong độ của các tiền bối tại Trung Quốc đời Ðường, đời Tống.

Tổng Tham

Từ Điển Đạo Uyển

總參; J: sōsan;
Một dạng của Tham thiền (j: san-zen), là một buổi họp mặt với đầy đủ những nghi lễ, trong đó một thiền sinh đã Kiến tính trình bày kinh nghiệm của mình và sẵn sàng bước vào một cuộc Pháp chiến (j: hossen) với những người muốn thử tài, trắc nghiệm mức độ kiến tính của mình. Buổi Tổng tham này thỉnh thoảng được tổ chức với sự hiện diện của những vị Thiền sư cùng một dòng trước khi một thiền sinh chính thức được công nhận là đã đạt đạo, được Ấn khả.
Danh từ Tổng tham cũng được sử dụng để chỉ một buổi thuyết trình, giải đáp những câu hỏi của thiền sinh về việc tu hành mà không mang tính cách của một buổi Ðề xướng (j: teishō).

Tổng Trì Tự

Từ Điển Đạo Uyển

總持寺; J: sōji-ji;
Một trong hai Thiền viện chính của tông Tào Ðộng (j: sōtō-shū) tại Nhật Bản. Thiền viện này được một vị Cao tăng tên Hành Cơ (j: gyōgi) sáng lập, với tính cách là một ngôi chùa của tông Pháp tướng (j: hossū-shū). Ngôi chùa này ban đầu nằm tại tỉnh Ishikawa. Từ khi Thiền sư Oánh Sơn Thiệu Cẩn trụ trì ở đây, chùa này trở thành một thiền viện. Năm 1898, Tổng Trì tự được dời về tỉnh Yokohama sau một cơn hoả hoạn. Thiền viện chính thứ hai của tông Tào Ðộng là Vĩnh Bình tự (j: eihei-ji), được Thiền sư Ðạo Nguyên Hi Huyền sáng lập.

Tông-Khách-Ba

Từ Điển Đạo Uyển

宗喀巴; T: tsong-kha-pa; 1357-1419;
Lạt-ma Tây Tạng, nhà cải cách lừng danh của Phật giáo tại đây. Sư sáng lập tông phái Cách-lỗ (t: gelugpa), với một trong những giáo pháp quan trọng nhất của Phật giáo Tây Tạng. Sư sinh ra trong lúc các Tạng kinh tại Tây Tạng đã soạn xong nhưng Sư chủ trương soát xét lại toàn bộ kinh điển và tổng kết thành quả của mình trong hai tác phẩm chính: Bồ-đề đạo thứ đệ (t: lamrim chenmo) và Chân ngôn đạo thứ đệ (t: ngagrim chen-mo). Sư là người xây dựng nhiều tháp quan trọng tại Tây Tạng như Drepung, Sera và Ganden.
Sư sinh tại Amdo, Ðông Bắc Tây Tạng và lúc còn nhỏ, Sư đã đi vào con đường tu học. Năm ba tuổi, Sư thụ giới Cư sĩ với Cát-mã-ba (t: karmapa) thứ 4, La-bồi Ða-kiệt (t: rolpe dorje; 1340-1383). Sư học với nhiều vị đạo sư khác nhau và nghe nhiều khai thị của hai tông phái Tát-ca (t: sakyapa) và Cam-đan (t: kadampa). Khả năng luận giảng xuất sắc của Tông-khách-ba biểu lộ trong 18 tác phẩm và các tác phẩm này đã trở thành kinh sách giáo khoa cho các thế hệ sau. Sư cho rằng, một tỉ-khâu cần phải nghiên cứu năm ngành học (Ngũ minh) và muốn thế, vị này cần biết lắng nghe các lời khai thị, biết tự mình suy xét phân biệt và biết thực hiện chúng thông qua thiền định. Trong năm ngành đó thì về triết học, Sư khuyên học Trung quán và ngành Nhân minh (s: hetuvidyā), về thiền định nên nghiên giáo pháp của kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa và A-tì-đạt-ma (s: abhidharma), về một đời sống chân chính nên dựa vào Luật tạng (s, p: vina-ya).


H 67: Tông-khách-ba. Trong hình này, Sư được diễn tả như một hiện thân của Văn-thù, với những dụng cụ thuộc tính như hoả kiếm (s: khaḍga) và quyển kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa (s: prajñāpāramitā-sūtra). Tay Sư đang bắt Ấn chuyển pháp luân. Phía trên đầu là ba bảo ngọc, tượng trưng cho Tam bảo. Mũ nhọn trên đầu Sư là biểu hiện của một học giả (s: paṇḍita).
Ngoài các thành tích trên, Sư còn hoàn tất bốn công trình lớn được kể là: tu chỉnh một bức tượng quan trọng của Di-lặc, kiên trì giữ Luật tạng, thành lập lễ nguyên đán Mon-lam và xây nhiều tháp.

Trà đạo

Từ Điển Đạo Uyển

茶道; J: chadō;
Một trong những đạo tu tập tại Nhật với những nghệ thuật, lễ nghi rất đặc sắc. Nhưng nghệ thuật chính của Trà đạo chính là cái làm quên đi những nghi lễ có tính nhị nguyên, không có trà và kĩ thuật uống trà mà chỉ có trà, một tâm thức bất phân. Tâm thức vô phân biệt này chính là mục đích của tất cả các “đạo” như Hoa đạo, Kiếm đạo, Cung đạo.
Sau đây là một bài dạy của Thiền sư Triệu Châu Tòng Thẩm có liên quan đến trà. Sư thường hỏi các vị tăng mới đến tham vấn “Uống trà chưa?” Trả lời “Từng đến” hay “Chưa từng đến,” Sư cũng bảo “Uống trà đi!” Viện chủ thấy như vậy nuôi lòng thắc mắc, bèn hỏi Sư vì sao trong hai trường hợp Sư đều bảo “Uống trà đi.” Sư liền quát to: “Viện chủ!” Viện chủ ứng thanh: “Dạ!” Sư bảo: “Uống trà đi!” Viện chủ nhân đây có chút tỉnh ngộ.

Trắc

Từ Điển Đạo Uyển

測; C: cè; J: soku;
Biết bằng sự tính toán. Đo lường, đánh giá, thăm dò.

Trắc đạc

Từ Điển Đạo Uyển

測度; C: cèdù; J: sokudo;
Sự phỏng đoán, ước đoán, suy luận, ước chừng, giả định, suy xét, thăm dò.

Trắc Lượng

Từ Điển Đạo Uyển

測量; C: cèliáng; J: sokuryō;
Thăm dò, đo lường, đánh giá.

Trạch Am Tông Bành

Từ Điển Đạo Uyển

澤庵宗彭; J: takuan sōhō; 1573-1645;
Thiền sư Nhật Bản, thuộc tông Lâm Tế, dòng Nam Phố Thiệu Minh (j: nampo jō-myō). Sư không những là một vị Thiền sư lỗi lạc, tinh thông kinh điển mà còn là một nghệ sĩ trứ danh, một thi hào với những tác phẩm còn được nhắc đến ngày nay.
Sư sinh ra trong một gia đình mộ đạo, sớm xuất gia tu học với nhiều vị Thiền sư nổi danh lúc bấy giờ như Hi Tiên Tây Ðường (希先西堂; kisen seidō), Ðổng Phủ Tông Trọng (董甫宗仲; tōho sōchū). Sau, Sư đến học với Thiền sư Nhất Ðống Thiệu Ðích (一凍紹滴; ittō shōteki; 1539-1612) và ngộ đạo nơi đây.
Song song với việc tu tập Thiền, Sư cũng chú tâm đến việc nghiên cứu các môn học thuộc ngoại điển như Nho giáo, Thư đạo (shōdō), thi pháp… Ðặc biệt là những bài dạy cho những vị kiếm sĩ theo Kiếm đạo (kendō) đương thời của Sư thường được nhắc nhở đến, nổi danh nhất là tác phẩm Bất động trí thần diệu lục (不動智神妙錄). Trong những bài khuyên này, Sư phân tích tư tưởng, tâm trạng của một kiếm sĩ theo quan niệm của Thiền tông.

Trạch Diệt

Từ Điển Đạo Uyển

擇滅; S: pratisaṃkhyā-nirodha;
Nghĩa là diệt độ bằng trí huệ phân tích, phân biệt đúng sai (trạch); Chấm dứt Ô nhiễm (s: kleśa), đồng nghĩa với Niết-bàn. Trạch diệt là một trong những Pháp Vô vi (s: asaṃskṛta) của Nhất thiết hữu bộ (s: sar-vāstivāda) và Duy thức tông (s: vijñānavāda, yogācāra). Một loại diệt thứ hai được nhắc đến, đối nghĩa với Trạch diệt là Phi trạch diệt (s: apratisaṃkhyā-nirodha).

Trạm

Từ Điển Đạo Uyển

湛; C: zhàn; J: tan;
1. Rót đầy, đầy (ngang miệng); 2. Sự yên tĩnh, lắng dịu; 3. Ấm áp, thân mật; 4. Sâu.

Trầm

Từ Điển Đạo Uyển

沈; C: shěn; J: jin;
1. Chìm, bị ngập dưới nước, biến mất, bị mất, bị tiêu huỷ, bị suy yếu, tàn tạ; 2. Trở nên yên tĩnh, lặng lẽ; 3. Nặng nề.

Trạm Nhiên

Từ Điển Đạo Uyển

湛然; C: zhànrán; J: tanzen;
1. Như thể là đổ đầy nước ngang miệng; 2. Yên tĩnh, lặng lẽ; 3. Sâu; 4. Trạm Nhiên (711-782), Tổ thứ 6 của tông Thiên Thai Trung Hoa.

Trần

Từ Điển Đạo Uyển

塵; C: chén; J: jin;
Có các nghĩa sau: 1. Đối tượng của các giác quan. Đồng nghĩa với Cảnh (境, s: artha, visaya, gocara); 2. Vật chất. Thế gian nầy; 3. Bất tịnh, ô nhiễm (s: rajas, pāmsu); 4. Sự nhiễm ô, phiền não (upakleśa); 5. Dơ bẩn, vết dơ, bẩn thỉu, sự rỉ thoát, sự thiếu sót; 6. Vật rất nhỏ, thời phần, vi trần.

Trần Cấu

Từ Điển Đạo Uyển

塵垢; C: chéngòu; J: jin’ku;
Các đối tượng của giác quan không lành mạnh; Tuỳ phiền não (s: upakleśa).

Trần Giới

Từ Điển Đạo Uyển

塵芥; C: chénjiè; J: jinke;
Bụi, bẩn, bả rác; vật vô giá trị.

Trần Hoàn

Từ Điển Đạo Uyển

塵寰; C: chénhuán; J: jinkan;
Cõi nhiễm ô, thế giới khách quan. Đồng nghĩa với Trần cảnh (塵境).

Trần Lao

Từ Điển Đạo Uyển

塵勞; C: chénláo; J: jinrō;
1. Phiền não làm hao tổn tâm trí. “Nhiễm ô”. Sự nhiễm ô tâm thức khiến liên tục luân hồi sinh tử; 2. Bị nhiễm ô bởi phiền não.

Trần Nhân Tông

Từ Điển Đạo Uyển

陳仁宗; 1258-1308; cũng được gọi là Trúc Lâm Ðầu Ðà (竹林頭陀), Ðiều Ngự Giác Hoàng (調御覺皇);
Thiền sư Việt Nam uyên thâm, đạt đạo và cũng là một nhà vua xuất sắc, từng đánh bại quân Nguyên. Sư khai sáng phái thiền Trúc Lâm Yên Tử, được tôn là Ðệ nhất tổ của phái này.
Ông là vua thứ ba nhà Trần, tên huý là Khâm, con trưởng của vua Trần Thánh Tông.
Năm 16 tuổi, ông được lập Hoàng Thái tử. Cố nhường lại chức này cho em nhưng không được, ông trốn triều đình vào núi Yên Tử tu học. Ðến chùa Tháp ở núi Ðông Cứu thì trời vừa sáng, ông bèn vào trong nghỉ. Thấy dung mạo của ông khác thường, vị trụ trì chùa này ân cần làm cơm thiết đãi. Hay tin, vua cha liền sai quan thỉnh ông trở về cung điện.
Năm lên 21, ông lên ngôi Hoàng Ðế. Mặc dù ở địa vị cùng tột nhưng ông vẫn giữ mình thanh tịnh, thường ăn chay. Vì bẩm chất thông minh nên ông sớm tinh thông nội (kinh luận) lẫn ngoại điển. Lúc rỗi, ông thường hay mời các bậc hiền triết đến luận đạo, tôn Huệ Trung Thượng sĩ làm thầy và cũng ngộ huyền chỉ của thầy mình.
Năm 1293, ông truyền ngôi lại cho con là vua Anh Tông và chỉ sáu năm sau đó, vào năm 1299, ông chính thức xuất gia và sau được xem là người thừa kế chính thức của phái Yên Tử, thế hệ thứ sáu.
Sư trở thành Tổ thứ nhất của phái Trúc Lâm, là một dòng Thiền mạnh mẽ thời bấy giờ, có tính nhập thế. Tổ thứ hai của dòng Trúc lâm là Thiền sư Pháp Loa, là truyền nhân chính của Sư.
Nhân một buổi pháp hội tại chùa Sùng Nghiêm tại núi Chí Linh, Sư thượng đường bảo: “Thích-ca Văn Phật vì một đại sự mà xuất hiện trong đời, 49 năm mấp máy đôi môi mà chưa nói lời nào. Ta nay vì các ông lên toà, sẽ nói cái gì đây?” Rồi Sư sang ngồi bên giường thiền, đánh một tiếng chuông và ngâm kệ:
Thân như hô hấp tĩ trung khí
Thế tự phong hành lãnh ngoại vân
Ðỗ Quyên đề đoạn nguyệt như trú
Bất thị tầm thường không quá xuân
*Thân như hơi thở ra vào mũi
Ðời giống mây trôi đỉnh núi xa
Chim Quyên kêu rã bao ngày tháng
Ðâu được ngày xuân để luống qua!
Một vị tăng hỏi: “Thế nào là Phật?” Sư đáp: “Chấp nhận như xưa là không đúng.” Tăng hỏi: “Thế nào là pháp?” Sư đáp: “Chấp nhận như xưa là không đúng.” Tăng hỏi: “Thế nào là tăng?” Sư đáp: “Chấp nhận như xưa là không đúng.” Tăng hỏi: “Rốt cuộc như thế nào?” Sư đáp:
“Bát tự đả khai phân phó liễu
Cánh vô dư sự khả trình quân.”
“Tất cả mở toang trao hết sạch
Ðâu còn việc chi nói cùng người.”
Một vị khác bước ra hỏi: “Thế nào là Ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp?” Sư dùng bài kệ trong kinh Kim cương đáp:
“Bằng dùng sắc gọi ta
Âm điệu nhận ra ta
Người ấy hành tà đạo
Ắt chẳng thấy được ta”
Hỏi: “Thế nào là Phật?” Sư đáp: “Tấm cám dưới cối.” Hỏi: “Thế nào là ý của Tổ sư từ Tây sang?” Sư đáp: “Bánh vẽ.” Hỏi: “Thế nào là Ðại ý Phật pháp?” Sư đáp: “Cùng hầm, đất không khác.” Hỏi: “Xưa có vị tăng hỏi Triệu Châu ›Con chó có Phật tính không.‹ Triệu Châu nói ›Không‹, là thế nào?” Sư đáp: “Nước biển hoà muối mặn, màu lá rặt sơn xanh.” Hỏi: “› Câu hữu câu vô như dây leo‹, là thế nào?” Sư đáp bằng kệ Hữu cú vô cú (Băng Thanh dịch):
有句無句。藤枯樹倒。幾個衲僧。撞頭磕腦
有句無句。體露金風。殑伽沙數。犯刃傷鋒
有句無句。立宗立旨。打瓦鑽龜。登山涉水
有句無句。非有非無。刻舟求劍。索驥按圖
有句無句。互不回互。笠雪鞋花。守株待兔
有句無句。自古自今。執指忘月。平地陸沉
有句無句。如是如是。八字打開。全無巴鼻
有句無句。顧左顧右。阿刺刺地。鬧聒聒地
有句無句。忉忉怛怛。截斷葛藤。彼此快活
Hữu cú vô cú, đằng khô thụ đảo
Kỉ cá nạp tăng, chàng đầu hạp não
Hữu cú vô cú, thể lộ kim phong
Căng già sa số, phạm nhẫn thương phong
Hữu cú vô cú, lập tông lập chỉ
Ðả ngỏa toản quy, đăng sơn thiệp thuỷ
Hữu cú vô cú, phi hữu phi vô
Khắc chu cầu kiếm,* sách kí án đồ
Hữu cú vô cú, hỗ bất hồi hỗ
Lạp tuyết hài hoa, thủ chu đãi thố
Hữu cú vô cú, tự cổ tự kim
Chấp chỉ vong nguyệt, bình địa lục trầm
Hữu cú vô cú, như thị như thị
Bát tự đả khai, toàn vô ba tĩ
Hữu cú vô cú, cố tả cố hữu
A thích thích địa, náo quát quát địa
Hữu cú vô cú, đao đao đát đát
Tiệt đoạn cát đằng, bỉ thử khoái hoạt.
*Câu hữu câu vô, dây khô cây đổ
Mấy gã thầy tu, dập đầu trán vỡ
Câu hữu câu vô, gió vàng thể lộ
Vô số cát sông, kiếm đâm dao bổ
Câu hữu câu vô, lập chỉ lập tông
Dùi rùa đập ngói, trèo núi lội sông
Câu hữu câu vô, chẳng vô chẳng hữu
Khắc thuyền tìm gươm,* so tranh tìm ngựa
Câu hữu câu vô, tác động lại qua
Nón tuyết hài hoa, ôm cây đợi thỏ
Câu hữu câu vô, dù xưa dù nay
Quên trăng nắm ngón, chết đuối bên bờ
Câu hữu câu vô, là thế là thế
Tám chữ mở ra, không còn khó nghĩ
Câu hữu câu vô, ngó phải ngó trái
Thuyết lí ồn ào, liến láu tranh cãi
Câu hữu câu vô, rầu rầu rĩ rĩ
Cắt đứt sắn bìm, đó đây vui vẻ.
*Khắc chu cầu kiếm (刻舟求劍): Sách Lã Thị Xuân Thu (呂氏春秋) nhắc đến một người nước Sở qua đò. Anh ta giữa sông đánh mất cây kiếm, bèn đánh dấu vào mạn thuyền. Khi thuyền đến bờ, anh ta nhảy xuống, theo dấu đã khắc ở mạn thuyền mà tìm kiếm. Chữ “Kiếm khách” trong bài kệ ngộ giải của sư Linh Vân Chí Cần có lẽ cũng chỉ vị kiếm khách qua sông này.
Ngày mồng một tháng 11 năm 1308, lúc nửa đêm, Sư hỏi thị giả Bảo Sát: “Bây giờ là giờ gì?” Bảo Sát thưa: “Giờ Tí.” Sư giô tay mở cửa sổ ngắm trời nói: “Ðây là lúc ta đi.” Bảo Sát hỏi: “Tôn đức đi đâu?” Sư đáp:
一切法不生。一切法不滅
若能如是解。諸佛常現前
何去來之了也
“Nhất thiết pháp bất sinh
Nhất thiết pháp bất diệt
Nhược năng như thị giải
Chư phật thường hiện tiền
Hà khứ lai chi liễu dã”
*”Tất cả pháp không sinh
Tất cả pháp không diệt
Nếu hiểu được như thế
Chư Phật thường hiện tiền
Có chi là đi lại!”
Bảo Sát lại hỏi: “Nếu như không sinh không diệt thì sao?” Sư đưa tay bụm miệng Bảo Sát nói: “Chớ nói mê!” rồi nằm theo thế sư tử an nhiên thị tịch. Vua Trần Anh Tông tôn hiệu Ðại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Ðầu-đà Tịnh Huệ Giác Hoàng Ðiều Ngự Tổ Phật, chia Xá-lị thành hai phần, một phần cất thờ tại bảo tháp ở khu đất Ðức Lăng ở Hưng Long, một phần cất vào Huệ Quang Kim tháp tại chùa Vân Yên (nay là Hoa Yên) trên núi Yên Tử.
Trần Nhân Tông đã để lại các tác phẩm quan trọng như Thiền lâm thiết chuỷ ngữ lục, Trúc lâm hậu lục, Thạch thất mị ngữ, Ðại hương hải ấn thi tập, Tăng-già toái sự. Sư chẳng những là một vị Thiền sư uyên bác mà còn là một thi sĩ tuyệt vời với những bài thơ mang đậm thiền vị, gợi cho người đọc một cảm giác xuất trần. Sau đây là hai bài thơ của Sư nói về xuân, có thể hiểu là mùa “Xuân trong cửa Thiền”:
Xuân cảnh 春景
楊柳花深鳥語遲。畫堂簷影暮雲飛
客來不問人間事。共倚欄杆看翠微
Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì
Hoạ đường thiềm ảnh mộ vân phi
Khách lai bất vấn nhân gian sự
Cộng ỷ lan can khán thuý vi.
*Chim nhẩn nha kêu, liễu trổ dày,
Thềm hoa chiều rợp bóng mây bay.
Khách vào chẳng hỏi chuyện nhân thế,
Cùng tựa lan can nhìn núi mây.
(Huệ Chi dịch)
Xuân vãn 春晚
年少何曾了色空。一春心在百花中
如今勘破東皇面。禪板蒲團看墜紅
Niên thiếu hà tằng liễu sắc không
Nhất xuân tâm tại bách hoa trung
Như kim khám phá Ðông hoàng diện
Thiền bản, bồ đoàn khán truỵ hồng.
*Tuổi trẻ chưa tường lẽ sắc không,
Xuân sang, hoa nở, rộn tơ lòng.
Chúa xuân nay đã thành quen mặt,
Nệm cỏ ngồi yên, ngó rụng hồng.
(Ngô Tất Tố dịch)

Trần Sa

Từ Điển Đạo Uyển

塵沙; C: chén shā; J: jinja;
“Bụi và cát”, nghĩa là “nhiều như cát bụi”. Theo giáo lí tông Thiên Thai, thuật ngữ nầy nói đền sự thử thách mà Bồ Tát phải đương đầu với vô số tri thức cũng như sự vận dụng rất chi tiết trong hạnh nguyện cứu độ chúng sinh.

Trần Sa Hoặc

Từ Điển Đạo Uyển

塵沙惑; C: chénshā huò; J: jinjawaku;
Thiếu khả năng nhận thức chính xác chân tính của vô số hiện tượng trong thế gian. Từ này được Trí Khải sử dụng.

Trần Thái Tông

Từ Điển Đạo Uyển

陳太宗; 1218-1277
Vua nhà Trần Việt Nam lỗi lạc kiêm Thiền sư.
Ông tên Trần Cảnh, con thứ của Trần Thừa. Nhờ có công dẹp loạn nên họ Trần được triều đình nhà Lí rất coi trọng. Năm lên tám, Trần Cảnh được Lí Chiêu Hoàng nhận làm chồng và truyền ngôi cho, tự hiệu là Thái Tông.
Năm lên 20 tuổi, Trần Thái Tông bị Trần Thủ Ðộ buộc phải giáng Lí Chiêu Hoàng – lúc ấy 19 tuổi – xuống làm Công chúa và tôn Chiêu Thánh – vợ của anh ruột Thái Tông là Trần Liễu – lên làm Hoàng hậu. Do nhiều nỗi khổ tâm nên ông trốn vào núi Yên Tử, quyết tâm xuất gia tu hành. Thấy ông đến, vị trụ trì trên núi này ung dung chào hỏi: “Lão tăng ở chốn sơn dã đã lâu, xương cứng mặt gầy, ăn rau nhai hạt dẻ, uống nước suối, vui cảnh núi rừng đã quen, lòng nhẹ như đám mây nổi, cho nên mới theo gió mà đến đây. Nay bệ hạ bỏ địa vị nhân chủ mà nghĩ đến cảnh quê mùa rừng núi, ắt hẳn là muốn tìm cầu gì mới đến đây phải không?” Ông liền đáp: “Trẫm còn thơ ấu, đã sớm mất mẹ cha, bơ vơ đứng trên sĩ dân không nơi nào nương tựa. Lại nghĩ rằng sự nghiệp đế vương đời trước hưng phế bất thường cho nên mới vào đây, chỉ muốn cầu thành Phật chứ chẳng muốn tìm cầu gì khác.” Nghe vậy, vị Thiền sư liền khuyên: “Trong núi vốn không có Phật, Phật ở tại tâm ta. Nếu tâm lắng lặng trí huệ xuất hiện, đó chính là Phật. Nếu bệ hạ giác ngộ được tâm ấy thì tức khắc thành Phật ngay tại chỗ, không cần đi tìm cực khổ ở bên ngoài.”
Ông nghe lời khuyên theo Trần Thủ Ðộ về vương cung và từ đây quyết chí tu tập Phật đạo trong những lúc nhàn rỗi, trách nhiệm vì dân đã vơi phần nào. Ông rất chăm học, như ông đã tự viết trong bài tựa của kinh Kim cương tam-muội: “Trẫm lo việc cai trị dân, mỗi lúc gian nan thường quên cả sớm tối. Việc tuy có hàng vạn, giờ rảnh không có là bao. Siêng việc quý giờ, học càng tăng tiến. Chữ nghĩa còn ngại chưa rành, đêm đến canh khuya vẫn còn chăm học. Ðã đọc sách Nho, lại ngẫm kinh Phật…” Nhân lúc đọc kinh Kim cương đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sinh kì tâm” (應無所住而生其心), ông hoát nhiên tự ngộ.
Năm 1258, ông truyền ngôi lại cho con. Ðến lúc Trần Thánh Tông đủ sức đảm đang việc nước, ông lui về lập am Thái Vi ở rừng núi Vĩ Lâm tại cố đô Hoa Lư để an dân và tu hành.
Ông là một nhà vua lỗi lạc, uyên thâm Thiền học, viết cuốn Thiền tông chỉ nam lúc còn rất trẻ, khoảng ngoài ba mươi. Có thể kể thêm tác phẩm của Thái Tông là Chú giải kinh Kim cương tam-muội, Khóa hư lục… và nhiều bài thơ đậm mùi vị thiền.
Bóng trúc quét thềm bụi chẳng động
Vầng trăng qua biển nước không xao…
Thắp đuốc huệ trên đường mê tăm tối
Dong thuyền từ nơi bể khổ trầm luân
và:
Hoa vàng rực rỡ,
không đâu không là tâm Bát-nhã
Trúc biếc xanh xanh,
hết thảy đều là lí chân như.
(Thiền học đời Trần)
Nghe danh ông, một vị tăng người Tống tên Ðức Thành đến hỏi: “Thế Tôn chưa rời Ðâu-suất đã giáng vương cung, chưa ra khỏi thai mẹ đã độ hết chúng sinh là thế nào?” Ông đáp: “Ngàn sông có nước ngàn sông nguyệt, muôn dặm không mây muôn dặm trời.” Một tăng khác hỏi: “Ðược phần trên của học nhân có tu chứng chăng?” Ông đáp: “Nước chảy xuống non nào có ý, mây ra khỏi núi vốn không tâm.”
Năm 1277, niên hiệu Bảo Phù, ông quy tịch, thọ 60 tuổi.
Các tác phẩm của ông: 1. Thiền tông chỉ nam; 2. Kim cương tam-muội kinh chú giải; 3. Lục thời sám hối khoa nghi; 4. Bình đẳng lẽ sám văn; 5. Khóa hư lục; 6. Thi tập.

Trần Thế

Từ Điển Đạo Uyển

塵世; C: chénshì; J: jinse;
1. Thế gian ô trược; thế gới trần tục; 2. Thế giới khách quan.

Trần-Na

Từ Điển Đạo Uyển

陳那; S: (mahā-) dignāga, (mahā-) diṅnāga; ~ 480-540; dịch nghĩa là (Ðại) Vực Long;
Một Luận sư nổi tiếng của Duy thức tông (s: vijñānavāda, yogācāra), cũng là người cải cách và phát triển Nhân minh học (s: hetuvidyā), một môn lí luận học độc đáo cho tông này và Ấn Ðộ nói chung. Phần lớn tác phẩm của Sư nhấn mạnh đến tính lí luận và chỉ còn trong bản dịch tiếng Hán và Tây Tạng. Tác phẩm quan trọng nhất của Sư là Tập lượng luận (s: pramāṇasamuccaya). Ngoài ra Sư cũng soạn một bài luận quan trọng về A-tì-đạt-ma câu-xá luận.
Sư sinh ra trong một gia đình Bà-la-môn tại Kiến-chí (kāñcī). Lúc đầu Sư thụ giới và tham học với Na-già Ðạt-đa (nāgadatta), một tỉ-khâu theo Ðộc Tử bộ. Giáo lí của bộ này không làm Sư hài lòng nên chẳng bao lâu, Sư đến học với Thế Thân giáo lí Tiểu thừa và Duy thức. Sau khi học xong, Sư đến một khu rừng tại Oḍiviśa và dừng bước tại đây. Một cuộc tranh luận giáo lí của các tôn giáo được tổ chức tại viện Na-lan-đà và Sư được mời đến để đại diện cho Phật giáo. Tại đây, Sư chứng minh được tài hùng biện và luận lí sắc bén của mình, thắng các vị Bà-la-môn nhiều lần. Trong thời gian sau, Sư dành nhiều thời gian để viết ra những quy luật của nhân minh học và hệ thống hoá những quy luật này nhằm đả phá các tư tưởng ngoại đạo trong các cuộc tranh luận. Sư viết rất nhiều luận giải, và danh tiếng của Sư là một Luận sư uyên thâm lan truyền khắp nơi nhưng tương truyền rằng, Sư không giữ một chức vụ giảng dạy nào. Sư thừa nhận có hai “hòn đá thử vàng” của nhân minh học: chứng minh trực tiếp và nhận thức từ suy luận (Lượng; s: pramāṇa: e: valid cognition). Sư phân tích cặn kẽ tính chất của nhận thức suy luận cũng như mối liên hệ của chúng. Nhân minh học này của Sư được Pháp Xứng (s: dharmakīrti) thừa kế và phát triển.
Sư chỉ lưu lại Na-lan-đà một thời gian. Phần lớn, Sư trú tại một am nhỏ ở Oḍiviśa. Chỉ một lần Sư đến miền Nam Ấn Ðộ và lần đó để thực hiện ba việc: tranh luận, truyền bá Phật pháp và phục hưng những ngôi chùa đang trên đường suy tàn. Sư sống rất cơ hàn, không đòi hỏi gì và mất tại am ở Oḍiviśa.
Các tác phẩm của Sư còn được lưu lại (trích): 1. Phật mẫu bát-nhã ba-la-mật-đa viên tập yếu nghĩa luận (buddhamatṛkā-prajñāpāramitāmahārthasaṅ-gītiśāstra, có người xem là tác phẩm của Tam Bảo Tôn, s: triratnadāsa), Thí Hộ dịch; 2. Vô tướng tư trần luận (ālambanaparīkṣā), 1 quyển, Chân Ðế (paramārtha) dịch; 3. Chưởng trung luận (tālāntaraka-śāstra hoặc hastavālaprakaraṇa), 1 quyển, Nghĩa Tịnh dịch; 4. Thủ nhân giả thuyết luận (prajñaptihetu-saṃgraha), 1 quyển, Nghĩa Tịnh dịch; 5. Quán tổng tướng luận tụng (sarvalakṣaṇa-dhyāna-śāstra-kārikā), 1 quyển, Nghĩa Tịnh dịch; 6. Quán sở duyên duyên luận (ā-lambanaparīkṣā, ālambanaparīkṣā-vṛtti), chú giải Vô tướng tư trần luận; 7. A-tì-đạt-ma câu-xá luận chú yếu nghĩa đăng (abhidharmakośa-marmapra-dīpa[-nāma]), còn bản Tạng ngữ; 8. Nhập du-già luận (yogāvatāra), còn bản Tạng ngữ; 9. Nhân minh chính lí môn luận bản (nyāyamukha, nyāyadvāra, nyāyadvāratarka-śāstra), 1 quyển, Huyền Trang dịch; 10. Nhân minh chính lí môn luận (nyāyadvā-ratarka-śāstra), 1 quyển, Nghĩa Tịnh dịch; 11. Tập lượng luận (pramāṇasamuccaya [-nāma-praka-raṇa]), tác phẩm Nhân minh quan trọng nhất của Sư; 12. Tập lượng luận thích (pramāṇasamuccaya-vṛtti), chú giải Tập lượng luận, chỉ có bản Tạng ngữ.

Trang Tử

Từ Điển Đạo Uyển

莊子; C: zhuāngzǐ, ~369-286, cũng được gọi là Trang Châu (莊周);
Một hiền triết Trung Quốc, tác giả của Trang Tử nam hoa chân kinh (莊子南花真經; c: zhuāngzǐ nánhuā zhēnjīng). Cùng với Lão Tử, ông được xem là người sáng lập Ðạo giáo.
Trang Tử sinh trưởng tại tỉnh Hồ Nam bây giờ của Trung Quốc. Về cuộc đời của ông thì hầu như không có tài liệu gì được lưu lại cụ thể. Ông có lập gia đình, giữ một quan chức nhỏ. Vì từ chối phục hầu một Chư hầu nên ông sống trong hoàn cảnh cơ hàn. Trong Nam hoa chân kinh, ông chỉ trích mạnh mẽ các nghi lễ, quan niệm của nhà Nho.
Một giai thoại được ghi lại trong Sử kí của Tư Mã Thiên nêu rõ tính tình lạ lùng, tự do tự tại của Trang Tử (bản dịch của Nguyễn Duy Cần):
“Uy vương nước Sở nghe nói Trang Châu là người hiền trong thiên hạ, sai sứ đem hậu lễ đón, muốn mời ra làm tướng. Trang Châu cười, bảo với sứ giả: Cái lợi của nghìn vàng quả trọng thật, cái địa vị khanh tướng quả cũng quý thật. Nhưng riêng ông chả thấy con bị tế hay sao? Ðược người ta săn sóc, được mặc đồ trang sức văn vẻ để đưa vào Thái miếu. Lúc ấy, dù nó muốn được làm con lợn côi há còn được nữa hay không? Ông hãy đi đi, chớ có đến làm nhục ta. Thà ta dong chơi ở chốn bùn lầy nhơ bẩn còn thấy sung sướng hơn là để cho kẻ làm chủ một nước kia trói buộc ta.”
Các đề tài được Trang Tử nêu lên trong Nam hoa chân kinh trùng hợp với quan niệm của Lão Tử trong Ðạo đức kinh, nhất là tư tưởng về Ðạo. Tác phong “vô vi”, tức là làm không có tác ý (Bất hành nhi hành) rất được Trang Tử chú trọng. Ngoài vô vi ra, ông cũng rất đề cao tính chất tương đối của vạn vật hiện hữu, sự đồng nhất của sinh tử và sự quan trọng của phép tu tập thiền định (tĩnh toạ) để đạt sự thống nhất với Ðạo. Theo ông, thế giới chỉ là sự luân chuyển, biến chuyển vô cùng của vạn vật và ông cũng là một trong những người đầu tiên chỉ rõ tính chất huyễn, Ảo ảnh của thế giới hiện hữu.
Một bài luận rất ngắn, rất đơn giản trong thiên Tề Vật Luận (齊物論) đã gây ảnh hưởng rất nhiều cho những thế hệ sau và nó cũng là một ví dụ tiêu biểu cho lối hành văn vô song của Trang Tử. Nguyên văn (bản dịch của N. D. Cần):
昔者莊周夢爲蝴蝶,栩栩然蝴蝶也自喻適志與不知周。我然覺,則蘧蘧然周也。不知周之夢爲蝴蝶與?蝴蝶之夢爲周與?周與蝴蝶則必有分矣!此之謂物化
“Xưa, Trang Châu chiêm bao, thấy mình là bướm, vui phận làm bướm: tự nhiên thích chí không còn biết Châu. Chợt tỉnh giấc, thấy mình là Châu. Không biết Châu lúc chiêm bao là bướm, hay bướm lúc chiêm bao là Châu? Châu cùng bướm ắt có phận định. Ấy chính gọi là Vật hoá”
Trang Tử từ chối sự phân minh rõ ràng giữa “phải” và “quấy” theo người đời vì ông cho rằng, trong thế giới hiện hữu tương đối này người ta không thể tìm được một thước đo tuyệt đối cụ thể để phân biệt chúng. “Sinh” và “Tử” cũng như thế; chúng chỉ là những bước luân chuyển không cùng, không phải là “Thuỷ”, là “Chung.” Tư tưởng này của ông được trình bày rất rõ qua thái độ bình thản ngay khi vợ ông chết. Nguyên văn (bản dịch của N. D. Cần):
“Vợ Trang Tử chết, Huệ Tử đến điếu. Thấy Trang Tử ngồi, duỗi xoác hai chân, vừa vỗ bồn vừa ca. Huệ Tử nói: Cùng người ở tới già, có con lớn mà người chết lại không khóc, cũng đã là quá lắm rồi, lại còn vỗ bồn ca, không phải thái quá sao? Trang Tử nói: Không! Lúc nàng mới chết, tôi sao chẳng động lòng. Nhưng nghĩ lại hồi trước, nàng vốn là không sinh. Chẳng những là không sinh, mà đó vốn là không hình. Chẳng những không hình, mà đó vốn là không khí. Ðó, chẳng qua là tạp nhất ở trong hư không biến ra mà có khí, khí biến ra mà có hình, hình biến ra mà có sinh, rồi lại biến ra nữa mà có tử. Sinh, hình, khí, tử có khác nào xuân, hạ, thu, đông, bốn mùa hành vận. Vả lại, người ta nay đã yên nơi nhà lớn, mà tôi còn cứ than khóc, chẳng là tự tôi không thông Mệnh ư? Nên tôi không khóc.”
Trang Tử nam hoa chân kinh đã gây ảnh hưởng rất nhiều cho nền văn hoá, tư tưởng Trung Quốc. Nhiều vị Thiền sư đã nghiên cứu bộ sách này và đã nếm “đạo vị” nơi nó trước khi xuất gia tu học thành đạo.

Trệ Ngại

Từ Điển Đạo Uyển

滯礙; C: zhìài; J: taige;
Sự trở ngại, trở lực.

Trí

Từ Điển Đạo Uyển

智; C: zhì; J: chi;
Là trí hiểu biết; các Luận sư Phật giáo phân biệt rất nhiều loại trí nhưng nhìn chung, người ta phân ra các loại sau:
1. Trí tuệ, tác dụng của khả năng hiểu biết(s: dhī, buddhi, abhijñā, mati; t: shes pa). Sự hiểu biết; 2. Người hiểu biết; 3. Trí tuệ (s: jñāna); 4. Trí giác ngộ, trí trực giác, sự nhận biết qua trực giác; 5. Trí vô phân biệt theo Du-già hành tông. Nhận thức bằng trực giác rõ biết các pháp không có thật thể; 6. Cái thâm nhập và hiện năng như cả hai, trí căn bản và trí phân biệt.
Trong Ðại thừa, hiểu được tất cả các kinh điển được gọi là có “trí”, đó là cấp thứ 10 trong Thập địa (s: bhūmi). Tuy vậy, hai danh từ trí (jñāna) và trí huệ (prajñā) thường được sử dụng với ý nghĩa như nhau, tức là trí huệ siêu việt, đưa đến bờ giác (xem Năm trí, Ba trí, Phật gia).

Trị

Từ Điển Đạo Uyển

治; C: zhì; J: chi;
1. Lĩnh đạo, cai trị, quản lí, điều khiển, chỉ đạo, điều hành, điều phối; 2. Chế ngự, hàng phục, trừng trị; 3. Xử phạt một tăng sĩ khi họ phạm giới (p: kāretabba); 4. Điều phục phiền não qua công phu tu tập (s: vipakṣa, pratipakṣa). Trong cách dùng chuyên môn này, thuật ngữ này khác với Đoạn (斷), có nghĩa là trừ diệt hoàn toàn. Trị (治) có nghĩa là là điều phục, là khả năng chuyển hoá phiền não, dù là nó không hoàn toàn được trừ diệt.

Trị (trực)

Từ Điển Đạo Uyển

値; C: zhí; J: chi;
Có hai nghĩa: 1. Được gặp và tôn kính Đức Phật; 2. Giá trị.

Trí Ba-La-Mật

Từ Điển Đạo Uyển

智波羅蜜; C: zhìbōluómì; J: chiharamitsu;
Sự hoàn chỉnh của toàn trí toàn thức—có khả năng nhận rõ các hiện tượng trong pháp giới chân thật như thể tính của chúng (s: jñāna-pāramitā). Là một trong 10 ba-la-mật.

Trí Ba-La-Mật-đa

Từ Điển Đạo Uyển

智波羅蜜多; C: zhìbōluómìduō; J: chihara-mitsuta;
Trí ba-la-mật (智波羅蜜).

Trí Bảo

Từ Điển Đạo Uyển

智寶; ?-1190
Thiền sư Việt Nam, thuộc thiền phái Vô Ngôn Thông đời thứ 10. Sư nối pháp Thiền sư Ðạo Huệ.
Sư họ Nguyễn, quê ở Ô Diên, Vĩnh Khương, là cậu ruột của Tô Hiến Thành, vị đại công thần đời vua Lí Anh Tông. Sư ban đầu xuất gia tu khổ hạnh, sau lại chuyên tạo phúc bằng cách sửa đường, cất chùa, xây tháp.
Một hôm, Sư gặp một vị tăng, vị này hỏi: “Sinh từ đâu lại, tử đi về đâu!” Sư suy nghĩ, vị này bảo: “Trong lúc ông suy nghĩ, mây trắng bay ngàn dặm.” Sư cũng không đáp được, tăng quát: “Chùa tốt mà không có Phật” và bỏ đi. Sư tự than: “Ta tuy có tâm xuất gia, nhưng chưa hiểu được yếu chỉ của người xuất gia. Ví như kẻ đào giếng, dù đào đến chín, mười thước mà không có nước vẫn phải bỏ đi, huống là tu thân mà chẳng ngộ đạo thì có chí gì?” Nghe Thiền sư Ðạo Huệ giáo hoá tại Tiên Du, Sư liền đến yết kiến.
Gặp Ðạo Huệ, Sư hỏi: “Sinh từ đâu lại, tử đi về đâu?” Ðạo Huệ bảo: “Sinh không từ đâu lại, tử chẳng đi về đâu?” Sư hỏi: “Thế ấy chẳng rơi vào chỗ không sao?” Ðạo Huệ bảo: “Chân tính diệu viên, thể tự không tịch, vận dụng tự tại, chẳng đồng với sinh tử.” Nhân câu này, Sư ngộ yếu chỉ, nói: “Chẳng nhân gió cuốn mây trôi hết, đâu thấy trời trong muôn dặm thu.” Ðạo Huệ hỏi: “Ngươi thấy cái gì?” Sư thưa: “Biết nhau khắp thiên hạ, tri âm có mấy người?” rồi từ tạ thầy trở về núi.
Từ đây, Sư nói năng ngang dọc tự do tự tại, tuỳ duyên giáo hoá học nhân.
Ngày 14 tháng 4, niên hiệu Thiên Tư Gia Thuỵ năm thứ 5 đời vua Lí Anh Tông, Sư có chút bệnh rồi viên tịch.

Trì Bát

Từ Điển Đạo Uyển

持缽; 1049-1117
Thiền sư Việt Nam, thuộc thiền phái Tì-ni-đa Lưu-chi, pháp hệ thứ 12. Sư kế thừa Thiền sư Sùng Phạm.
Sư họ Vạn, quê ở Luy Lâu. Sư thuở nhỏ đã hâm mộ Phật pháp và khi lên 20, Sư đến chùa Pháp Vân xin xuất gia với Thiền sư Sùng Phạm. Nơi đây, Sư ngộ đạo và được Sùng Phạm ban hiệu là Trì Bát.
Sau khi Sùng Phạm tịch, Sư dạo khắp tùng lâm, tham vấn các vị Cao tăng. Tướng quốc Lí Thường Kiệt là thí chủ của Sư. Những tài vật được cung cấp, Sư đều đề hết vào việc trùng tu các ngôi chùa như Pháp Vân, Thiền Cư, Thê Tâm, Quảng An.
Ngày 18 tháng 2 niên hiệu Hội Tường Ðại Khánh thứ 8 đời vua Lí Nhân Tông, Sư gọi chúng lại nói kệ:
有死必有生。有生必有死
死爲世所悲。生爲世所喜
悲喜兩無窮。忽然成彼此
於諸生死不關懷。唵囌嚕囌嚕悉哩
Hữu tử tất hữu sinh, hữu sinh tất hữu tử
Tử vi thế sở bi, sinh vi thế sở hỉ
Bi hỉ lưỡng vô cùng, hốt nhiên thành bỉ thử
Ư chư sinh tử bất quan hoài
Án tố rô tố rô tất rị.
*Có tử ắt có sinh
Có sinh ắt có tử
Tử làm người đời buồn
Sinh làm người đời vui
Buồn, vui đều vô cùng
Chợt vậy thành kia đây
Ðối sinh tử chẳng để lòng
Án tố rô tố rô tất rị.
Nói kệ xong, Sư ngồi ngay thẳng viên tịch, thọ 69 tuổi.

Trí Bi

Từ Điển Đạo Uyển

智悲; C: zhìbēi; J: chihi;
Trí tuệ và từ bi của chư Phật (s: jñāna-karuṇā).

Trí Châu

Từ Điển Đạo Uyển

智周; C: zhìzhōu; J: chishū, 668-723
Tăng sĩ thuộc Pháp tướng tông Trung Hoa. Sư được xem là tổ thứ 3 hoặc là thứ 4 của tông nầy tuỳ theo việc xem Huyền Trang là sơ tổ. Sư trứ tác Thành Duy thức luận diễn bí (成唯識論演秘). Tập Diễn bí (演秘) của sư, cùng với Thành Duy thức luận xu yếu (成唯識論樞要) của Khuy Cơ, Thành Duy thức luận thuật kí (成唯識論述記) và Thành Duy thức luận liễu nghĩa đăng (成唯識論了義燈) được xem là tài liệu học tập căn bản của môn đệ Duy thức tông.

Trí Chướng

Từ Điển Đạo Uyển

智障; C: zhìzhàng;
Còn gọi là Sở tri chướng (所知障) hoặc là Trí ngại (智礙, s: jñeya-āvaraṇa). Là một trong 2 thứ chướng ngại, món kia là phiền não chướng. Trí chướng được xem là rất sâu, ảnh hưởng đến công phu tu tập ở các quả vị cao, trong khi phiền não chướng ảnh hưởng đến công phu tu tập ở các giai vị thấp.

Trí Cự đà-La-Ni Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

智炬陀羅尼經; C: zhìjù tuóluóníjīng; J: chiko daranikyō; S: jñānolkā-dhāraṇī; t: ye shes ta la la shes bya ba’i gzungs ‘gro ba thams cad yongs su sbyong ba
1. Trí cự đà-la-ni kinh, 1 quyển; Đề-vân Bát-nhã (提雲般若, s: devaprajñā) và những người khác dịch.
2. Trí quang diệt nhất thiết nghiệp chướng đà-la-ni kinh (智光滅一切業障陀羅尼經, s: jñānolkādhāraṇī-sarvadurgatipariśo-dhanī), 1 quyển; Thí Hộ dịch. Nguyên bản tiếng Tân Cương (khotanese): Monumenta Serindica.

Trí Dụng

Từ Điển Đạo Uyển

智用; C: zhìyòng; J: chiyō;
Tác dụng của trí huệ.

Trí Duyên Diệt

Từ Điển Đạo Uyển

智縁滅; C: zhìyuànmiè; J: chienmetsu;
Chứng đắc Niết-bàn (tịch diệt) do nhận biết rõ ràng pháp duyên sinh. Đồng nghĩa với Trạch diệt (擇滅).

Trị đạo

Từ Điển Đạo Uyển

治道; C: zhìdào; J: jidō;
Con đường chiến thắng phiền não.

Trí đáo Bỉ Ngạn

Từ Điển Đạo Uyển

智到彼岸; C: zhìdàobĭàn; J: chitōhigan;
Sự hoàn chỉnh của toàn trí toàn thức. Trí ba-la-mật (智波羅蜜).

Trí Đạt

Từ Điển Đạo Uyển

智達; C: zhìdá; J: chidatsu;
Cao tăng Nhật Bản thuộc Pháp tướng tông. Không rõ danh tính, nơi sinh và ngày tháng viên tịch. Sư đến Trung Hoa cùng với Trí Thông, theo ngài Huyền Trang nghiên cứu Duy thức. Sau khi trở về Nhật Bản, sư trú tại chùa Gangoji và truyền bá giáo lí Pháp tướng tông.

Trí đế Hiện Quán

Từ Điển Đạo Uyển

智諦現觀; C: zhìdì xiànguān; J: chitai genkan;
Hiện quán trí đế hiện quán (現觀智諦現觀).

Trị địa Trú

Từ Điển Đạo Uyển

治地住; C: zhìdìzhù; J: jijichū;
Giai vị thứ 2 của Thập trú trong 52 giai vị tu đạo của hàng Bồ Tát. Trị địa trú là giai vị thường tu tập Tính không để thanh tịnh và trưởng dưỡng tâm.

Trí độ

Từ Điển Đạo Uyển

智度; S: prajñāpāramitā; dịch âm theo Hán Việt là Bát-nhã ba-la-mật-đa;
Trí huệ độ người sang bờ bên kia (Giác ngộ), có thể hiểu là Trí huệ siêu việt.

Trí độ Luận

Từ Điển Đạo Uyển

智度論; C: zhìdùlùn; J: chidoron; S: mahāpra-jñāpāramitā-śāstra
Đại trí độ luận (大智度論).

Trị đoạn

Từ Điển Đạo Uyển

治斷; C: zhìduàn; J: jidan;
Chế ngự, trừ tiệt, cắt đứt, hàng phục (tập khí xấu, phiền não v.v…).

Trí Giả

Từ Điển Đạo Uyển

智者; C: zhìzhĕ; J: chisha;
Một bậc thông thái, một tăng sĩ đức hạnh, một học giả (s: paṇḍita).

Trí Hạnh

Từ Điển Đạo Uyển

智行; C: zhìxíng; J: chigyō;
Trí huệ và công hạnh tu tập kết hợp. Trong Lục độ Ba-la-mật, thuật ngữ nầy nói đến Trí huệ ba-la-mật và những ba-la-mật khác như Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn và thiền định.

Tri Hành Hợp Nhất

Từ Điển Đạo Uyển

知行合一
Nghĩa là “hiểu biết và thực hành phải đi đôi với nhau”; “Tri” có nghĩa là hiểu biết, là nghiên cứu kinh điển, những lời dạy của đức Phật, của chư vị Tổ sư, là sự cố gắng hiểu trọn vẹn ý nghĩa trong kinh sách bằng tri thức. “Hành” có hai nghĩa chính: 1. Hành động chính chắn, tránh làm điều ác, gia tăng việc thiện như lời Phật dạy và 2. Tu tập Thiền Ðịnh để trực chứng Chân lí đức Phật đã dạy. Qua kết quả từ Thiền định, cái biết vay mượn từ kinh sách, cái cảm giác “Tôi nghĩ là tôi biết” được thay thế bằng kinh nghiệm ở chính bản thân, bằng một kinh nghiệm xác định “Tôi biết!”, ví như người uống nước biết vị của nước ra sao.
Tri và hành nêu trên vốn xuất phát từ một niềm tin (Tín) vững chắc, tin rằng Phật là một người đã Giác ngộ hoàn toàn và những lời nói của Ngài là những gì người đời nên tin. Lòng tin này lại bắt nguồn từ việc quan sát kĩ lưỡng, đúng đắn những hiện tượng bên ngoài “như chúng là” và so sánh nó với những lời Phật dạy. Nói như thế không có nghĩa là tín, tri và hành là ba cấp bậc theo thứ tự thời gian mà hơn nữa, chúng lúc nào cũng phải đi song song với nhau, bổ sung cho nhau. Chỉ khi nào tri và hành hợp nhất thì kết quả đạt được mới viên mãn.

Trí Huệ

Từ Điển Đạo Uyển

智慧; C: zhìhuì; J: chie; S: prajñā; P: paññā
Phương diện quan trọng về dụng của tâm giác ngộ nhận thức rõ chân tính của các pháp, từ đó có sự vận hành cắt đứt mọi phiền não và mọi hành vi tai hại. Là một trong Lục ba-la-mật (六波羅蜜). Trí Bát-nhã, Trí

Trí Huệ đệ Nhất

Từ Điển Đạo Uyển

智慧第一; C: zhìhuì dìyī; J: chie daiichi;
Người có trí huệ sâu rộng nhất – danh hiệu dành cho Xá-lợi-phất, một trong 10 để tử lớn của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni.

Trí Huệ Lực

Từ Điển Đạo Uyển

智慧力; C: zhìhuìlì; J: chieryoku;
Năng lực trí huệ (của chư Phật).

Tri Khách

Từ Điển Đạo Uyển

知客; J: shika;
Là người lo tiếp khách; một chức vị quan trọng trong một Thiền viện, còn được gọi là Ðiển khách hoặc Ðiển tân.
Tại Nhật, Tri khách thường là vị Trưởng lão quản lí thiền viện. Tri khách ở đây thường là một vị đã tiến xa trên Phật đạo, có khả năng thay thế vị Lão sư (j: rōshi) để dạy chúng. Tri khách chính là người trắc nghiệm những thiền sinh mới đến xem họ có đủ khả năng, tư cách để học với vị trụ trì hay không.

Trí Khải

Từ Điển Đạo Uyển

智顗; C: zhìkǎi; J: chishō; 538-597, còn được gọi là Trí Giả;
Cao tăng Trung Quốc, Tổ thứ tư của Thiên Thai tông, nhưng được xem là người thật sự sáng lập tông phái này. Sư là người đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc tạo một hệ thống phân loại trọn vẹn để giải thích các sự ra đời của các trường phái Phật giáo với chủ trương khác nhau, đôi khi mâu thuẫn. Sư cũng là người đề xướng phép tu Chỉ-quán, một môn tu tập thiền định còn truyền bá rộng rãi ngày nay. Tác phẩm chính của Sư là Ma-ha chỉ-quán (s: mahā-śamatha-vipaś-yanā), Chỉ-quán nhập môn, Lục diệu pháp môn.
Từ nhỏ Sư đã có biệt tài: chỉ cần nghe qua một lần, Sư đã thuộc làu toàn thể một bộ kinh. Tương truyền Sư thể nghiệm tính vô thường của vạn sự khi thấy một thư viện đầy kinh sách quý báu bị quân lính phá huỷ. Sau thể nghiệm này, Sư gia nhập Tăng-già và trở thành đệ tử của Tổ thứ ba là Huệ Tư (515-577). Dưới sự chỉ dạy của Huệ Tư, Sư học các tác phẩm trong Luật tạng (s, p: vinaya-piṭaka), tham cứu Diệu pháp liên hoa kinh cũng như các phương pháp tu Thiền (s: dhyāna) khác nhau. Năm 567, Sư đi Nam Kinh và bắt đầu giáo hoá. Năm 576, Sư lui về núi Thiên Thai và từ đó phát sinh danh hiệu Thiên Thai tông. Triều đình quý trọng Sư, cho phép thuế má vùng đó chỉ dành để nuôi sống thiền viện. Sư viên tịch tại núi Thiên Thai (Thiên Thai Ðức Thiều).

Tri Khố

Từ Điển Đạo Uyển

知庫
người trông lo, quản lí tiền bạc, tài sản của một Thiền viện.

Tri Liêu

Từ Điển Đạo Uyển

知寮
người trông lo liêu phòng, chỗ ở của tăng chúng trong một Thiền viện.

Trí Luận

Từ Điển Đạo Uyển

智論; C: zhìlùn; J: chiron;
Viết tắt của Đại trí độ luận (大智度論)

Trí Môn Quang Tộ

Từ Điển Đạo Uyển

智門光祚; C: zhìmén guāngzuò; J: chimon kō-so; ?-1031;
Thiền sư Trung Quốc, thuộc tông Vân Môn. Sư nối pháp Hương Lâm Trừng Viễn. Trong 30 người đệ tử nối pháp của Sư thì Tuyết Ðậu Trọng Hiển là danh tiếng nhất.
Sư là một trong những Thiền sư đầu tiên làm kệ tán tụng những lời dạy của các vị tiền nhân và trong lĩnh vực này thì Sư có một vị đệ tử xuất sắc là Tuyết Ðậu nối dõi, người trứ tác Bích nham lục sau này.

Trí Ngại

Từ Điển Đạo Uyển

智礙 (碍); C: zhìài; J: chige; S: jñeya-āvaraṇa.
Sự chướng ngại của trí tuệ (trí chướng). Là điều vi tế nhất trong hai chướng ngại cho việc nhận ra Phật tính, thứ chướng ngại ít vi tế hơn là Phiền não chướng. Chữ “chướng” trong ngữ cảnh nầy thướng được viết là 障, Nhị chướng (二障).

Trí Ngân

Từ Điển Đạo Uyển

智訔; C: zhìyín; J: chigin; K: chiŭn
Thiền sư Hàn Quốc trong thời kì Chosŏn. Không rõ chính xác ngày năn sinh. Sư là tác giả của Tịch diệt thị chúng luận (寂滅示衆論, k: chŏngmyŏl sijung non).

Trí Nghiêm

Từ Điển Đạo Uyển

智嚴; C: zhìyán; J: chigon; K: chiŏm, 1464-1534
Thiền sư Hàn Quốc vào thời kì Chosŏn.

Trí Nghiễm

Từ Điển Đạo Uyển

智儼; C: zhìyăn; J: chigen, 602-668.
Vân Hoa Trí Nghiễm.

Trí Nhãn

Từ Điển Đạo Uyển

智眼; C: zhìyăn; J: chigen; S: buddha-caksus
Con mắt trí tuệ của chư Phật, khác với nhục nhãn của chúng sinh chưa giác ngộ.

Trí Phần

Từ Điển Đạo Uyển

智分; C: zhìfēn; J: chibun;
Trí tuệ, tri thức, hiểu biết.

Trí Phụng

Từ Điển Đạo Uyển

智鳳; C: zhìfèng; J: chihō;
Người thứ 3 truyền bá Pháp tướng tông vào Nhật Bản. Sư đến Trung Hoa 51 năm sau Doshiyo, cùng với 2 vị tăng khác. Khi Huyền Trang và Khuy Cơ dã viên tịch, sư tham học với Trí Châu. Sau khi trở về Nhật Bản, sư truyền bá giáo lí Duy thức.

Trí Quang

Từ Điển Đạo Uyển

智光; C: zhìguāng; J: chikō; S: jñānaprabhā;
1. Ánh sáng trí tuệ; 2. Một luận sư của Trung quán tông (s: mādhyamika), cùng thời với Nguyệt Xứng (s: candrakīrti), Phật Hộ (s: buddhapālita), Thanh Biện (s: bhāvaviveka), chủ trương theo lập trường của Thanh Biện, đả phá Nguyệt Xứng.

Trí Quang Diệt Nhất Thiết Nghiệp Chướng đà-La-Ni Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

智光滅一切業障陀羅尼經; C: zhìguāng miè yīqiē yèzhàng tuóluóní jīng; J: chikō metsu issai gyōshō tarani kyō;
1 quyển. Tên gọi khác của bản dịch Trí cự đà-la-ni kinh (智炬陀羅尼經).

Tri Sự

Từ Điển Đạo Uyển

知事; S: karmadāna; cũng được gọi là Duyệt chúng, gọi theo âm là Kiết-ma Ðà-na, Yết-ma Ðà-na, Duy na;
Chỉ chức vị trông coi sinh hoạt của chúng trong Tăng-già, trong một Thiền viện.

Tri Tạng

Từ Điển Đạo Uyển

知藏
Người trông lo, quản lí kinh sách của Thiền viện.

Trí Tạng

Từ Điển Đạo Uyển

智藏; C: zhìzàng; J: chizō;
Có ít nhất 3 nhân vật được đề cập đến:
1. Là một trong 3 pháp sư lỗi lạc vào đời Lương (梁). Sư xuất gia vào năm 16 tuổi tại chùa Hưng Hoàng (興皇寺) năm 470, sau khi được học với Hoằng Tông (弘宗) cùng với Tăng Viễn (僧遠) và Tăng Hựu (僧祐) tại chùa Định Lâm (定林寺), sư nổi tiếng thành tựu sở học uyên thâm, sau đó du hành đến nhiều nơi trong nước Trung Hoa để giảng dạy Phật pháp, cùng lúc duy trì chế độ tu tập rất nghiêm túc cho chính mình. Lương Vũ Đế phát tâm quy y với sư và trải qua thời gian dài giảng pháp tại Bành Thành tự (彭城寺). Sau đó, sư ẩn cư tại Khai Thiện tự (開善寺) và viên tịch năm 522, lúc 65 tuổi. Mặc dù được biết Sư viết rất nhiều chuyên luận và luận giải về kinh luật Phật pháp, nhưng không còn tác phẩm nào lưu hành đến ngày nay.
2. Tây Đường Trí Tạng, Thiền sư Trung Hoa đời Đường.
3. Tăng sĩ thế kỉ thứ 7, đời nhà Ngô, thuộc Tam luận tông. Sư bắt đầu học Phật vào lúc niên thiếu với sự hướng dẫn của Huệ Quán (慧灌) tại Nguyên Hưng tự (元興寺). Sau đó sư nhập Đường để học với Cát Tạng (吉蔵), sư trở nên nổi danh là chuyên gia của triết học Tam luận. Sau sư nghiên cứu và giảng dạy tại Pháp Long tự. Không rõ ngày sinh và viên tịch của sư. Môn đệ của sư gồm có Đạo Từ (道慈), Trí Quang (智光) và Lễ Quang (禮光).

Trí Thăng

Từ Điển Đạo Uyển

智昇; C: zhìshēng; J: chishō;
Tăng sĩ học giả đời Đường, người đã sưu tập một trong những mục lục quan trọng nhất của kinh luận chữ Hán, nhan đề Khai Nguyên Thích giáo lục (開元釋教録), hoàn thành năm 730.

Trí Thể

Từ Điển Đạo Uyển

智體; C: zhìtĭ; J: chitai;
Bản chất của trí huệ. Thể tính của trí huệ.

Trí Thiền

Từ Điển Đạo Uyển

智禪; ~ tk. 11/12
Thiền sư Việt Nam, thuộc phái Tì-ni-đa Lưu-chi, pháp hệ thứ 16, nối pháp Thiền sư Giới Không.
Sư tên Lê Thước, xuất thân từ một gia đình quan tước. Thuở nhỏ, Sư theo nghiệp nhà Nho, thi đậu tiến sĩ và được sung chức Cung Hậu Thư gia.
Năm lên 27, Sư theo ông anh đến Thiền sư Giới Không nghe giảng kinh Kim cương. Nhân nghe giảng đến bài kệ cuối của kinh “Tất cả pháp hữu vi, như mộng huyễn bọt bóng, như sương cũng như điện, phải quán sát như thế”, Sư bỗng giật mình cảm ngộ, cho rằng ngoài đạo Phật không có giáo lí nào dẫn dắt qua biển sinh tử và xin cạo đầu xuất gia với Thiền sư Giới Không.
Sau khi được Ấn khả, Sư đến núi Từ Sơn chuyên tu khổ hạnh. Ðạo hạnh của Sư cảm hoá được cả thú dữ và giặc cướp. Vua Lí Cao Tông và Anh Tông nhiều lần thỉnh Sư về triều nhưng Sư một mực từ chối. Hai vị quan Tô Hiến Thành và Ngô Hoà Nghĩa đều xin làm đệ tử của Sư nhưng suốt 10 năm chưa được biết mặt thầy. Khi được gặp mặt nhau, thầy trò đều hoan hỉ và vừa hỏi thăm xong, Sư dặn dò:
既懷出素養胸中。聞說微言意悅從
貪欲黜除天里外。希夷之里日包容
淡然自守。惟德是務
善言卷卷一句
心無彼我。既絕昏霾
日夜陟降。無形可住
如影如響。無跡可趣
Kí hoài xuất tố dưỡng hung trung
Văn thuyết vi ngôn ý duyệt tòng
Tham dục truất trừ thiên lí ngoại
Hi di chi lí nhật bao dung.
Ðạm nhiên tự thủ, duy đức thị vụ.
Thiện ngôn quyền quyền nhất cú
Tâm vô bỉ ngã, kí tuyệt hôn mai
Nhật dạ trắc giáng, vô hình khả trụ
Như ảnh như hưởng, vô tích khả thú.
*Ðã mang giống Phật dưỡng trong lòng
Nghe nói lời mầu ý thích mong
Vất ngoài ngàn dặm niềm tham muốn
Lí nhiệm càng ngày càng bao dung.
Ðạm bạc tự giữ, chỉ đức là vụ
Lời thành tha thiết một câu:
Lòng không bỉ ngã, đã dứt bụi mù
Ngày đêm lên xuống, không hình khá trụ
Như bóng như vang, không vết khá đến.
Nói xong, Sư chắp tay ngồi ngay thẳng vui vẻ thị tịch. Các quan và đệ tử xúc động kêu khóc vang núi.

Trí Thông

Từ Điển Đạo Uyển

智通; C: zhìtōng; J: chitsū;
Tăng sĩ Pháp tướng tông Nhật Bản. Năm 657, theo sắc lệnh của Hoàng đế, sư cùng với Trí Đạt, đáp thuyền Hàn Quốc sang Trung Hoa. Sư tham học với Huyền Trang, nghiên cứu Pháp tướng tông. Khi trở về Nhật Bản, sư truyền bá dòng pháp thứ 2 của Pháp tướng tông Nhật Bản. Sau đó, sư sáng lập chùa Quan Âm (j: kannonji) ở Izumi (Osaka).

Trí Tích

Từ Điển Đạo Uyển

智積; C: zhìjī; J: chishaku;
1. Tích chứa trí huệ; 2. Tên một người con của Đức Phật Đại Thông Trí Thắng; 3. Tăng sĩ thời Đông Tấn.

Trí Tướng

Từ Điển Đạo Uyển

智相; C: zhìxiāng; J: chisō;
Thể chất trong sáng của Phật tính. Theo luận Đại thừa khởi tín thì đây là một trong Lục thô. Là tác dụng của trí dẫn đến nhận thức rõ sự thanh tịnh và nhiễm ô, khiến sinh khởi sự thích và ghét.

Tri Viên

Từ Điển Đạo Uyển

知園
người trông lo vườn tược trong một Thiền viện.

Trí Xứng

Từ Điển Đạo Uyển

智稱; C: zhìchēng; J: chishō; K: chich’ing, 1113-1192;
Tăng sĩ kiêm học giả lớn của Hoa Nghiêm tông thuộc triều đại Cao Li (k: koryŏ).

Tri-Song Ðet-Sen

Từ Điển Đạo Uyển

T: trhisong detsen [khri-sroṅ lde-btsan]; 742-798;
Một ông vua rất có công trong việc truyền bá Phật pháp sang Tây Tạng. Dưới sự cầm quyền của ông, Phật giáo được truyền bá sang Tây Tạng một cách có hệ thống. Ông được xem là hoá thân của Bồ Tát Văn-thù Sư-lị.
Ông sinh năm 742, lên ngôi năm 12 tuổi (754). Niềm tin nơi Phật pháp của ông vốn bắt nguồn từ bà mẹ sùng đạo – nguyên là một vị công chúa Trung Quốc với tên Kim Thành. Với sự giúp đỡ của bà mẹ, ông đã dẹp được phe chống Phật pháp được nhiều vị quan trong triều đình ủng hộ, mà cực đoan nhất là Ma-zhang (t: ma-žan). Sau đó, ông mời vị Ðại sư Ấn Ðộ là Tịch Hộ (s: śāntarakṣita) sang Tây Tạng hoằng pháp.
Ôn dịch, thiên tai là những dấu hiệu tiếp đón Tịch Hộ tại Tây Tạng. Nghe lời khuyên trước khi về nước của Tịch Hộ, Tri-song Ðet-sen mời Liên Hoa Sinh (s: padmasambhava) sang trị những tai ương đang hoành hành. Vốn xuất thân từ Mật giáo, Liên Hoa Sinh tinh thông pháp thuật, cầu mưa, trừ tà… Chỉ một thời gian ngắn sau đó, các thiên tai đã được chinh phục, Tịch Hộ lại sang Tây Tạng tiếp tục sự nghiệp hoằng pháp và dịch kinh sách.
Dưới sự hộ trì của Tri-song Ðet-sen, Phật pháp được truyền bá rộng rãi tại Tây tạng. Năm 787, với sự giúp đỡ của Liên Hoa Sinh và Tịch Hộ, ông cho xây dựng ngôi chùa Tang-duyên (t: sam-ye [bsam-yas]), cách thủ đô Lha-sa khoảng 60 km hướng Ðông nam. Vị trụ trì đầu tiên ở chùa này là Tịch Hộ và dưới sự quản lí của sư, chùa này trở thành trung tâm Phật giáo đầu tiên tại Tây Tạng, nhiều kinh sách được dịch sang Tạng ngữ.
Cũng trong thời gian này, nhiều vị Ðại sư Phật giáo người Trung Quốc đang giáo hoá tại Tây Tạng. Tri-song Ðet-sen ra lệnh triệu tập các vị Ðại sư của hai trường phái Phật giáo – Ấn Ðộ và Trung Quốc – để tổ chức một buổi tranh luận công khai về giáo lí. Trưởng đoàn người Ấn là Liên Hoa Giới (s: kamalaśīla), một môn đệ của Tịch Hộ. Trong phái đoàn Trung Quốc thì Hoà Thượng Ðại Thừa dẫn đầu. Phái đoàn Ấn Ðộ toàn thắng trong cuộc tranh luận này và các vị Ðại sư Trung Quốc phải trở về nước.
Mặc dù rất có công với Hiển giáo, tận tình giúp đỡ Tịch Hộ và môn đệ nhưng Tri-song Ðet-sen vẫn chú tâm đến Mật giáo và những phép bùa chú của Liên Hoa Sinh hơn. Truyền thống của tông Ninh-mã xếp ông vào 25 vị đệ tử chân truyền cuả Liên Hoa Sinh và chính ông cũng tổ chức một buổi lễ long trọng để tiễn biệt Liên Hoa Sinh.
Ông mất vào năm 798 qua một mũi tên của một thích khách.

Triệt Ông Nghĩa Ðình

Từ Điển Đạo Uyển

徹翁義亭; J: tettō gikō; 1295-1369;
Thiền sư Nhật Bản, thuộc tông Lâm Tế hệ phái Ðại Ðức tự (j: daitokuji-ha), môn đệ của Thiền sư Tông Phong Diệu Siêu (j: shūhō myōchō).
Sư quê ở Izumo, ban đầu tu tập tại Kiến Nhân tự (kennin-ji). Sau, vì không hài lòng với phong cách của Ngũ Sơn (gozan) tại đây, Sư đến tham học với Thiền sư Tông Phong và được Ấn khả. Sư giáo hoá rất thành công tại chùa Ðại Ðức (daitoku-ji). Nối pháp của Sư và là người kế thừa trụ trì Ðại Ðức tự là Thiền sư Ngôn Ngoại Tông Trung (言外宗忠; gongai sōchū, 1315-1390) và một thế hệ sau đó là Thiền sư Hoa Tẩu Tông Ðàm (花叟宗曇; kesō sōdon, 1352-1428).

Triệt Thông Nghĩa Giới

Từ Điển Đạo Uyển

徹通義介; J: tettsū gikai; 1219-1309;
Thiền sư Nhật Bản, thuộc tông Tào Ðộng (j: sōtō-shū). Sư là vị trụ trì thứ ba của Vĩnh Bình tự (eihei-ji). Dòng thiền kế thừa Sư là dòng chính của tông Tào Ðộng và được truyền cho đến ngày hôm nay tại Nhật.
Sư sinh tại tỉnh Echizen, xuất gia năm 1231 với Giác Thiền Hoài Giám (覺禪懷鑑; kakuzen ekan, ?-1251) một vị Thiền sư thuộc tông Nhật Bản Ðạt-ma (j: nihon darumashū). Một năm sau, Sư đến núi Tỉ Duệ và chú tâm vào việc nghiên cứu giáo lí của Thiên Thai, Mật và Tịnh độ tông. Cùng với một số vị thuộc tông Nhật Bản Ðạt-ma, Sư đến tham vấn Thiền sư Ðạo Nguyên Hi Huyền và lưu lại đây tu học. Ðạo Nguyên sớm nhận ra tài năng của Sư và trao cho những chức năng quan trọng như Ðiển toạ (j: tenzo), Tri sự. Trước khi tịch, Ðạo Nguyên phó chúc việc quản lí, chăm lo chùa Vĩnh Bình cho Sư và chính sự việc này đã gây ra sự chia rẽ trong tông Tào Ðộng sau thế hệ hứ hai.
Sau khi Ðạo Nguyên viên tịch, Sư tu học dưới sự hướng dẫn của Thiền sư Cô Vân Hoài Trang (koun ejō). Theo lời khuyên của Cô Vân, Sư chu du viếng thăm rất nhiều thiền viện tại Nhật để trau dồi kinh nghiệm về kiến trúc để sau này mở rộng thiền viện Vĩnh Bình. Năm 1259, Sư đến Trung Quốc, thu thập rất nhiều tài liệu về kiến trúc của những thiền viện tại đây – đặc biệt là những thiền viện thuộc tông Lâm Tế.
Sau khi trở về Nhật, Sư bắt đầu việc trùng tu Vĩnh Bình tự và đưa vào đây những quy luật mới, những phong cách kiến trúc mới và cũng chính vì những sự việc này mà có những sự tranh chấp tại Vĩnh Bình tự. Nhiều vị tăng cho rằng, những điểm được cải cách này đối nghịch tư tưởng của Ðạo Nguyên và các tư liệu về Sư cũng làm sáng tỏ sự việc này. Xuất thân từ Nhật Bản Ðạt-ma tông, Sư rất chú trọng đến việc thực hành nghi lễ mang tính chất Mật giáo, một phong cách mà người ta không hề tìm thấy nơi Ðạo Nguyên. Thêm nữa, thay vì sống và tu tập hoàn toàn hướng nội, sống cơ hàn xa lìa đô thị như Ðạo Nguyên thì Sư lại chú trọng đến phong cách bề ngoài, cách trưng bày xa hoa, những ngôi chùa to lớn, việc thực hành những nghi lễ long trọng. Vì những lí do trên mà Sư rời Vĩnh Bình tự.
Sau, Sư đến trụ trì Ðại Thừa tự (daijō-ji), vốn là một ngôi chùa thuộc Chân ngôn tông nhưng được Sư sửa đổi thành một thiền viện. Nơi đây, Sư dốc lòng truyền bá Thiền tông theo quan niệm riêng của mình, thích hợp với thời gian. Cách tu tập tại đây bao gồm thiền theo Thiền tông nhưng cũng không ít nghi lễ của Chân ngôn tông được đưa vào đây. Mầm mống của sự truyền bá rộng rãi của tông Tào Ðộng tại Nhật sau này được đặt ngay tại ngôi chùa này.
Sư tịch năm 1309, thọ 91 tuổi.

Triệu Châu Tòng Thẩm

Từ Điển Đạo Uyển

趙州從諗; C: zhàozhōu cóngshěn; J: jōshū jū-shin; 778-897;
Thiền sư Trung Quốc, môn đệ thượng thủ của Nam Tuyền Phổ Nguyện. Thiền sư Nhật Bản Ðạo Nguyên Hi Huyền – nổi tiếng là khó tính trong việc đánh giá mức giác ngộ của các Thiền sư – cũng công nhận Triệu Châu là “Ðức Phật thân mến.” Sư có 13 truyền nhân nhưng không mấy ai được gần bằng Sư và dòng này thất truyền chỉ sau vài thế hệ.
Cuộc đời Triệu Châu cho thấy điều mà các Thiền sư hay nhấn mạnh rằng, Kiến tính chỉ là bước đầu của việc tu học Thiền. Triệu Châu đã kiến tính từ năm 18 tuổi nhưng sau đó còn học Thiền 40 năm với Nam Tuyền. Sau khi Nam Tuyền qua đời, Sư vân du đọ sức với các Thiền sư khác trong những Pháp chiến. Tương truyền rằng Sư đã tìm gặp khoảng 80 Thiền sư, phần lớn là những môn đệ đắc pháp của Mã Tổ (thầy của Nam Tuyền) để vấn đạo. Ðến năm 80 tuổi Sư mới chịu dừng chân tại viện Quan Âm, Triệu Châu. Nơi đây Sư tuỳ cơ dạy học trò và thọ đến 120 tuổi.
Sư họ Hác, quê ở làng Hác, thuộc Tào Châu. Sư theo thầy xuất gia khi còn nhỏ. Chưa thụ giới cụ túc, Sư đã đến tham vấn Thiền sư Nam Tuyền. Gặp lúc Nam Tuyền đang nằm nghỉ trong phương trượng, Nam Tuyền hỏi Sư: “Vừa rời chỗ nào đến?” Sư đáp: “Thuỵ Tượng.” Nam Tuyền hỏi: “Có thấy Thuỵ Tượng chăng?” Sư đáp: “Chẳng thấy Thuỵ Tượng, chỉ thấy Như Lai nằm.” Nam Tuyền liền ngồi dậy hỏi: “Ngươi là Sa-di có chủ hay không chủ?” Sư đáp: “Sa-di có chủ.” Nam Tuyền hỏi: “Ai là chủ?” Sư khoanh tay đến trước mặt Nam Tuyền thưa: “Giữa mùa đông rất lạnh, kính chúc Hoà thượng tôn thể an lành.” Nam Tuyền thấy lạ, gật đầu thầm nhận.
Một hôm Sư hỏi Nam Tuyền: “Thế nào là đạo?” Nam Tuyền đáp: “Tâm bình thường là đạo” Sư hỏi: “Lại có thể nhằm tiến đến chăng?” Nam Tuyền đáp: “Nghĩ nhằm tiến đến tức trái.” Sư lại hỏi: “Chẳng nghĩ suy đâu biết là đạo?” Nam Tuyền đáp: “Ðạo chẳng thuộc về hiểu biết hay không hiểu biết. Biết là vọng giác, không biết là vô kí. Nếu thật đắc đạo thì chẳng còn nghi ngờ, ví như hư không thênh thang rộng rãi, đâu thể cưỡng nói phải quấy.” Sư nhân đây ngộ đạo, và sau đó đi thụ giới tại Tung Nhạc. Thụ giới xong, Sư lại đến Nam Tuyền và lưu lại đây 40 năm
Sau khi Nam Tuyền viên tịch, Sư mang bát gậy dạo khắp các tùng lâm và thường tự bảo: “Trẻ con bảy tuổi hơn ta thì ta hỏi nó, ông già trăm tuổi chẳng bằng ta thì ta dạy va.”
Sư đến thăm Thiền sư Hoàng Bá Hi Vận. Hoàng Bá thấy Sư liền đóng cửa phương trượng. Sư cầm lửa đi vào pháp đường la: “Cứu lửa! Cứu lửa!” Hoàng Bá mở cửa nắm đứng Sư hỏi: “Nói! Nói!” Sư bảo: “Giặc qua rồi mới dương cung.”
Ðến Ðạo Ngô Viên Trí, Ðạo Ngô thấy Sư liền nói: “Mũi tên Nam Tuyền đến.” Sư bảo: “Xem tên!” Ðạo Ngô nói: “Trật rồi!” Sư nói: “Trúng!”
Sư thượng đường dạy chúng: “Phật vàng không độ được lò đúc, Phật gỗ không độ được lửa, Phật đất không độ được nước, Phật thật ngồi ở trong. Bồ-đề, Niết-bàn, Chân như, Phật tính trọn là y phục đắp vào thân, cũng gọi là phiền não, thật tế lí địa để ở chỗ nào? Một tâm không sinh, muôn pháp không lỗi. Ngươi cứ nghiên cứu lí này, ngồi quán xét hai ba mươi năm, nếu chẳng hội thì chặt đầu Lão tăng đi! Nhọc nhằn nắm bắt mộng huyễn không hoa, tâm nếu chẳng khác thì muôn pháp nhất như. Ðã chẳng từ ngoài được thì câu chấp làm gì? Giống y như con dê gặp vật gì cũng liếm cũng nhai. Lão tăng thấy Hoà thượng Dược Sơn có người hỏi Ngài liền bảo ›Ngậm miệng chó.‹ Lão tăng cũng dạy ›Ngậm miệng chó.‹ Chấp Ngã thì nhơ, không chấp ngã thì sạch, giống như con chó săn tìm kiếm vật để ăn. Phật pháp chỗ nào? Ngàn người muôn người thảy là kẻ tìm Phật, mà ở trong đó tìm một đạo nhân không có. Nếu cùng vua Không làm đệ tử, chớ bảo tâm bệnh khó trị. Khi chưa có thế giới, trước đã có tính này, khi thế giới hoại, tính này chẳng hoại. Một phen được thấy Lão tăng, sau lại chẳng phải người khác, chỉ là chủ nhân này. Cái đó lại hướng ngoài tìm cái gì? Khi ấy chớ xoa đầu moi óc, xoa đầu moi óc liền mất vậy.”
Một vị tăng nghe vậy bước ra hỏi: “Theo lời thầy dạy ›Khi thế giới hoại, tính này chẳng hoại‹, thế nào là tính này?” Sư trả lời: “Tứ đại, Ngũ uẩn.” Tăng lại hỏi: “Các thứ ấy vẫn là hoại, thế nào là tính này?” Sư đáp: “Tứ đại, ngũ uẩn.”
Triệu Châu có một cách dạy học trò rất độc đáo. Thường Sư nói rất nhỏ, rất nhẹ nhàng, trả lời ngắn gọn và đơn giản các câu hỏi của thiền sinh. Tuy thế các câu trả lời đó lại có sức mạnh phi thường, cắt đứt vô minh và chấp trước của người hỏi như một lưỡi kiếm bén. Nhiều Công án Thiền nổi tiếng xuất phát từ những giai thoại của Sư với các đệ tử, như công án thứ nhất trong tập Vô môn quan:
Một vị tăng hỏi Sư: “Con chó có Phật tính chăng?” Sư đáp: “Không!” (無; vô)
Kể từ lúc công án trở thành một phương pháp dạy Thiền thì công án “Triệu Châu cẩu tử” nói trên đã giúp vô số thiền sinh kiến tính và vẫn được sử dụng đến ngày nay. Các Thiền sư sau này rất quý trọng những lời nói của Sư. Biểu hiện rõ của việc này là Sư được nhắc lại rất nhiều lần trong trong hai tập công án quan trọng nhất của Thiền tông là Bích nham lục (2, 9, 30, 41, 45, 52, 57, 58, 59, 60, 84, 96) và Vô môn quan (1, 7, 11, 14, 19, 31, 37).
Sư sống rất kham khổ, đơn giản. Tương truyền Sư có một cái giường gãy một chân được ràng ròt lại. Có người muốn thay giường mới nhưng Sư không cho phép. Hai vị vua nước Yên và Triệu đồng ra mắt Sư, Sư vẫn ngồi yên tiếp, không đứng dậy. Vua Yên hỏi: “Nhân vương đáng tôn trọng hay Pháp vương đáng tôn trọng hơn?” Sư đáp: “Nếu ở trong Nhân vương thì Nhân vương trọng, nếu ở trong Pháp vương thì Pháp vương trọng.” Hai vị nghe xong vui vẻ kính phục.
Niên hiệu Càng Ninh năm thứ tư đời Ðường, Sư nằm nghiêng bên mặt an nhiên viên tịch, thọ 120 tuổi. Vua ban hiệu là Chân Tế Ðại Sư.

Trợ

Từ Điển Đạo Uyển

助; C: zhù; J: jo;
Sự giúp đỡ. Giúp đỡ, trợ giúp, tiền trợ cấp, giúp cho may mắn.

Trợ Bạn

Từ Điển Đạo Uyển

助伴; C: zhùbàn; J: joban;
1. Sự giúp đỡ, sự hỗ trợ (theo Câu-xá luận 倶舎論); 2. Vật gắn bó nhau, phụ thuộc nhau, tương ưng nhau (s: saṃyukta, theo Du-già luận 瑜伽論).

Trợ Phát

Từ Điển Đạo Uyển

助發; C: zhùfā; J: johotsu;
Có hai nghĩa: 1. Giảng giải giáo pháp, giúp đỡ và khuyến khích cho mọi người tu tập; 2. Nói chung là hỗ trợ và khích lệ.

Trọc (trược)

Từ Điển Đạo Uyển

濁; C: zhuó; J: joku;
1. Đục, hỗn độn, dơ bẩn, không rõ ràng. Đồ dơ bẩn, ô nhiễm, rác bẩn, sự vẩn đục (ô 汚; s: kaṣāya). Bị bẩn, làm nhơ nhuốc, bẩn thỉu; 2. Đần độn, hư hỏng.

Trói Buộc

Từ Điển Đạo Uyển

S, P: saṃyojana; Hán Việt: Kết sử (結使);
Một khái niệm quan trọng của đạo Phật, chỉ chướng ngại trên đường giải thoát. Trong Tiểu thừa, người ta chia làm mười thứ trói buộc, làm con người cứ bị buộc chặt trong Luân hồi:
1. Thân kiến (身見; s: satkāya-dṛṣṭi; p: sak-kāyadiṭṭhi), nghĩ rằng có một cái tôi được lập trên cơ sở thân thể; 2. Nghi (疑; s: vici-kitsā; p: vicikiccā); 3. Chấp đắm vào giới luật (戒禁取; giới cấm thủ; s: śīlavrata-parāmarśa; p: sīlabbata-parāmāsa); 4. Dục tham (欲貪; s, p: kāma-rāga);
5. Sân hận (慎恚; thận khuể; s, p: vyāpāda); 6. Sắc tham (色貪; s, p: rūpa-rāga); 7. Vô sắc tham (無色貪; s, p: arūpa-rāga); 8. Kiêu mạn (慢; s, p: māna); 9. Hồi hộp không yên (掉舉; trạo cử; s: auddhatya; p: uddha-cca); 10. Vô minh (無明; s: avidyā; p: avijjā).
Thoát được ba trói buộc đầu tiên, hành giả trở thành Dự lưu (s: śrotāpanna). Thoát được trói buộc thứ 4, 5 là bậc Nhất lai (s: sa-kṛḍāgāmin). Thoát được hoàn toàn năm trói buộc đầu tiên, hành giả đạt quả Bất hoàn (s: anāgāma). Hành giả thoát được mười trói buộc thì trở thành A-la-hán (s: arhat).

Trụ

Từ Điển Đạo Uyển

住; C: zhù; J: jū; S: layana; sthiti.
Trú.

Trú (trụ)

Từ Điển Đạo Uyển

住; C: zhù; J: jū; S: layana; sthiti.
Có các nghĩa sau: 1. Ở lại, lưu lại (s: vihara-ti); tồn tại lâu dài (s: upasthita, tisthati); định cư; 2. Ở, trú ngụ, cư trú; 3. Hiện hữu, tồn tại, sống (s: pravrtti); 4. Sống một cách an nhiên; 5. Trụ vào một đối tượng nào đó, dính mắc vào, trụ vào; 6. Sự chấp trước, ảo tưởng; 7. Sự tiếp tục; 8. Ở trong bào thai (s: sthiti); 9. Giai đoạn, thời kì tồn tại (của vũ trụ); 10. Một trong 3 (hoặc 4) hình thái tồn tại của vũ trụ (tứ tướng 四相); 11. Thập trú (十住), 10 trong 52 giai vị tu đạo của hàng Bồ Tát; 12. Một trong 24 loại Tâm bất tương ưng hành pháp; 13. Thường trú, tồn tại vĩnh viễn, hiện hữu đời đời; 14. Trong thuật ngữ Thiền, nó thường được kết hợp với một động từ để nhấn mạnh nghĩa của động từ ấy.

Trú địa

Từ Điển Đạo Uyển

住地; C: zhùdì; J: jūji;
Có các nghĩa sau: 1. Yếu tính căn bản của sự sinh khởi các pháp (theo kinh Thắng Man 勝鬘經): “言地者本為末依名之為住本能生末目之為地。Ngôn địa giả bản vi mạt y, danh chi vi trú, bản năng sinh mạt, mục chi vi địa.” Dịch: “Địa là do gốc nương nơi ngọn mà có; gọi là trú, vì gốc có thể sinh ngọn; nên gọi là địa vậy; 2. Nơi phiền não được xác định, vây bọc; 3. Trú địa phiền não (住地煩惱), nghĩa là phiền não ở trạng thái bất động (e: static), đối nghĩa với Khởi phiền não (起煩惱), loại phiền não khởi động (theo Nhị chướng nghĩa 二障義).

Trú Phiền Não

Từ Điển Đạo Uyển

住煩惱; C: zhù fánnăo; J: jūbonnō;
Bốn loại Trú phiền não được đề cập trong kinh Thắng Man (s: śrīmālā-sūtra): 1. Kiến nhất xứ trú trì (見一處住持); 2. Dục ái trú trì (欲愛住持); 3. Sắc ái trú trì (色愛住持), 4. Hữu ái trú trì (有愛住持). Những phiền não nầy là nền tảng của vô số Khởi phiền não (起煩惱).

Trú Trì

Từ Điển Đạo Uyển

住持; C: zhùchí; J: jūji; S: tisthati.
Có các nghĩa: 1. Duy trì, nắm giữ. Đặc biệt trong nghĩa “hộ trì Phật pháp”; 2. Nơi cư trú, sự lưu trú. Lập trường, quan điểm, cơ sở, Phật tính (s: adhisthāna); 3. Đồng nghĩa với Gia trì (加持); 4. Thường an nhiên, thanh thản; 5. Vị tăng đứng đầu tu viện, hộ trì và truyền bá Phật pháp; 6. Trong câu “Như hà trú trì” (如何住持) thì nó có nghĩa là “Điều kiện (phương pháp)… như thế nào?”; 7. Lệ thuộc vào, cơ sở, quy chế. Được định nghĩa là sự hệ thuộc vào đức Phật, người truyền năng lực của mình đến mọi chúng sinh cũng như hỗ trợ chúng.

Trúc Bề

Từ Điển Đạo Uyển

竹篦; J: shippei, chikuhei;
Một que trúc dài khoảng 50 cm, hình khom cánh cung, sơn son. Các vị Thiền sư thời xưa thường sử dụng trúc bề để khuyến khích, tiếp dẫn đệ tử. Trong nhiều Công án được lưu lại, trúc bề đóng một vai trò như cây Phất tử.

Trúc Lâm Yên Tử

Từ Điển Đạo Uyển

竹林安子
Một dòng thiền Việt Nam đời nhà Trần, do Trần Nhân Tông sáng lập. Trúc Lâm cũng là hiệu của Trần Nhân Tông, đồng thời cũng là hiệu của Thiền sư Ðạo Viên, tiền bối của Trần Nhân Tông, Tổ thứ hai của dòng thiền Yên Tử. Thiền phái Trúc Lâm có ba Thiền sư kiệt xuất là Nhân Tông (Trúc Lâm), Pháp Loa và Huyền Quang. Thiền phái này được xem là tiếp nối của dòng Yên Tử, dòng Yên Tử lại là sự hợp nhất của ba dòng thiền Việt Nam của thế kỉ thứ 12 – đó là dòng Thảo Ðường, Vô Ngôn Thông và Tì-ni-đa Lưu-chi.
Thiền phái Trúc Lâm được một vị vua nhà Trần sáng lập, được xem là dạng Phật giáo chính thức của Ðại Việt thời đó nên có liên quan mật thiết đến triều đại nhà Trần, phải chịu một hoàn cảnh mai một sau khi triều đại này suy tàn. Vì vậy, sau ba vị Tổ nói trên, hệ thống truyền thừa của phái này không còn rõ ràng, nhưng có lẽ không bị gián đoạn bởi vì đến thời kì Trịnh-Nguyễn phân tranh (1600-1700), người ta lại thấy xuất hiện những vị Thiền sư của Trúc Lâm Yên Tử như Viên Cảnh Lục Hồ, Viên Khoan Ðại Thâm và nổi bật nhất là Thiền sư Minh Châu Hương Hải (theo Nguyễn Hiền Ðức).
Sau một thời gian ẩn dật, dòng thiền này sản sinh ra một vị Thiền sư xuất sắc là Hương Hải, người đã phục hưng tông phong Trúc Lâm. Trong thế kỉ thứ 17-18, thiền phái này được hoà nhập vào tông Lâm Tế và vị Thiền sư xuất sắc cuối cùng là Chân Nguyên Huệ Ðăng.
Sau đây là hệ thống truyền thừa sau ba vị Tổ sư Trần Nhân Tông (1.), Pháp Loa (2.), Huyền Quang (3.) trong Ðại nam thiền uyển truyền đăng lục (大南禪苑傳燈錄), được Thiền sư Phúc Ðiền (福田) đính bản: 4. An Tâm (安心); 5. Phù Vân Tĩnh Lự (浮雲靜慮); 6. Vô Trước (無著); 7. Quốc Nhất (國一); 8. Viên Minh (圓明); 9. Ðạo Huệ (道惠); 10. Viên Ngộ (圓遇); 11. Tổng Trì (總持); 12. Khuê Sâm (珪琛); 13. Sơn Ðăng (山燈); 14. Hương Sơn (香山); 15. Trí Dung (智容); 16. Huệ Quang (慧光); 17. Chân Trụ (真住); 18. Vô Phiền (無煩).

Trừng

Từ Điển Đạo Uyển

澄; C: chéng; J: chō;
Trong sạch. Trở nên lắng trong. Gạn lọc. Lắng trong.

Trung ấm

Từ Điển Đạo Uyển

中陰; C: zhōngyīn; J: chūin; T: bar-do; S: anta-rābhava;
1. Trạng thái trung gian sau khi chết và trước khi thụ nhận một hữu thể khác; 2. Bốn mươi chín ngày đầu tiên sau khi chết (theo Nhiếp Đại thừa luận 攝大乘論). Trung hữu

Trung Biên Luận

Từ Điển Đạo Uyển

中邊論; C: zhōngbiān lùn; J: chūbenron;
Trung biên phân biệt luận (中邊分別論).

Trung Biên Phân Biệt Luận

Từ Điển Đạo Uyển

中邊分別論; C: zhōngbiān fēnbié lùn; J: chū-ben funbetsu ron;
Cũng được gọi tắt là Trung biên luận (中邊論), và còn được gọi là Biện trung biên luận (辯中邊論). Là luận văn tinh yếu của Du-già hành tông. Theo truyền thống, trứ tác này được xem của ngài Di-lặc với lời luận giải của Thế Thân, nhưng theo các học giả thì luận giải nầy có vẻ là tác phẩm biên soạn chung của Vô Trước và Thế Thân hơn. Đặc điểm chính của luận văn nầy là phân tích của Du-già hành tông về sự phân biệt sai lầm (Hư vọng phân biệt 虚妄分別) khi chối từ ý niệm về Không tính, với mục đích giải trừ sự chấp trước vào hai cực đoan Hữu và Vô. Có 2 bản dịch Hán văn về luận giải nầy: 1. Bản dịch của Huyền Trang, gồm 3 tập; 2. Bản dịch của Chân Đế (眞諦) gồm 2 tập.

Trung Bộ Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

中部經; S: madhyamāgama; P: majjhima-ni-kāya;
Là tuyển tập thứ hai trong Kinh tạng (p: sut-ta-piṭaka; Bộ kinh). Kinh này được viết bằng văn hệ Pā-li, bao gồm 152 kinh không dài lắm (trung). Trung A-hàm Hán ngữ bao gồm 222 bài kinh (được dịch từ một bản Phạn, nay đã thất truyền). Hai bộ có 97 kinh giống nhau. Theo truyền thuyết thì Trung bộ kinh được Xá-lị-phất (s: śāriputra) trình bày lại trong hội nghị Kết tập lần thứ nhất.

Trung đạo

Từ Điển Đạo Uyển

中道; C: zhōngdào; J: chūdō; S: madhyamā-pratipadā; P: majjhimā-paṭipadā;
Ðược dùng chỉ chung các phương pháp giảng dạy của Phật Thích-ca, là người tránh những cực đoan trong cách tu học – như buông thả theo dục lạc và sống khổ hạnh tuyệt đối. Trung đạo cũng dùng để chỉ giáo pháp Trung quán của Long Thụ, là môn phái không chấp nhận một đối cực nào của mọi phân cực. Ðặc biệt, giáo pháp này không chọn lựa có-không và đi con đường trung dung, “trung đạo”.
Trong Tiểu thừa, Bát chính đạo được xem là Trung đạo vì thực hành Bát chính đạo, hành giả vừa xa lánh đời sống dục lạc và đời sống khổ hạnh, thoát khỏi Khổ. Thái độ này được đức Phật mô tả như sau: “Này các tỉ-khâu, có hai điều thái quá, người xuất gia không nên theo. Thế nào là hai? một là mê đắm dục lạc, hạ liệt, phàm phu, không xứng Thánh hạnh, không thiệt lợi đạo. Hai là tu khổ hạnh, khổ đau, không xứng Thánh hạnh, không thiệt lợi đạo. Này các tỉ-khâu, chính nhờ từ bỏ hai điều thái quá này, Như Lai giác ngộ trung đạo, con đường đem đến pháp nhãn, trí huệ đưa lại an tịnh, thượng trí, chứng Niết-bàn.
Này các tỉ khâu, Trung đạo do Như Lai giác ngộ, đem đến pháp nhãn, trí huệ đưa lại an tịnh, thượng trí, giác ngộ, Niết-bàn là gì? Chính là Bát chính đạo: chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mệnh, chính tinh tiến, chính niệm, chính định” (kinh Chuyển pháp luân, bản dịch của Thích Minh Châu).
Trung đạo cũng được xem là thái độ từ bỏ hai quan điểm cực đoan thế giới là trường tồn hay hoại diệt, thế giới là có (hữu) hay không có (vô). Trong Trung quán tông, Trung đạo được trình bày rõ nhất với quan điểm tám phủ nhận (bát bất) của Long Thụ:
不生亦不滅。不常亦不斷
不一亦不異。不來亦不出
Bất sinh diệc bất diệt
Bất thường diệc bất đoạn
Bất nhất diệc bất dị
Bất lai diệc bất xuất.
*Không phải sinh cũng không phải diệt,
Không phải một cũng không phải khác,
Không phải thường cũng không phải đoạn,
Không phải đi cũng không phải đến.
Trong Duy thức tông, Trung đạo được hiểu là vừa không xem sự vật tồn tại thật sự (vì sự vật thật tế không hề tồn tại), vừa cũng không cho rằng sự vật không hề có (vì sự vật tồn tại đối với ảo giác tâm lí). Theo Thiên Thai tông, Trung đạo là sự nhận thức rằng, mọi sự vật trống rỗng, chúng không có một thật thể độc lập, nhưng đồng thời chúng có giá trị nhất định, tạm thời – vì chúng là những trình hiện nên có một thọ mệnh nhất định. Sự tổng hợp giữa tính Không (s: śūnyatā) và thế giới hiện tượng chính là Trung đạo đích thật – theo tông này.

Trung đạo Giáo

Từ Điển Đạo Uyển

中道教; C: zhōng dàojiào; J: chūdōkyō;
Là “thời kì thứ ba” trong giáo lí do đức Phật giảng dạy (theo Pháp tướng tông), giáo lí về tính Không trong thời kì thứ hai và giáo lí về Hữu của thời kì thứ nhất được chấm dứt, nhường lại cho sự xiển dương giáo lí “phi không phi hữu” (theo kinh Giải thâm mật 解深密經).

Trung đạo Tông

Từ Điển Đạo Uyển

中道宗; C: zhōngdàozōng; J: chūdōshū;
1. Trường phái Trung Đạo của Đại thừa Phật giáo Ấn Độ, được thành lập căn cứ vào triết học Tính không do Long Thụ đề xướng, thường được gọi là Trung quán phái (中觀派) tại Trung Hoa; 2. Một trường phái xuất hiện trong thời Cao Li (k: koryǒ) ở Hàn Quốc, sau nầy được xem là chi phái mở rộng của Pháp tính tông (法性).

Trung Hoa Truyền Tâm địa Thiền Môn Sư Tư Thừa Tập đồ

Từ Điển Đạo Uyển

中華傳心地禪門師資承襲圖; C: zhōng-huā chuánxīndì chánménshī zīchéngxí tú; J: chū-ka denshinchi zenmonshi shishōshū zu;
Một tác phẩm của Thiền sư Khuê Phong Tông Mật (宗密), gồm 1 quyển, được biên soạn vào khoảng giữa năm 830 và 833 để trả lời những câu hỏi của tướng quốc Bùi Hưu (裴休) về giáo lí và sự truyền thừa của 4 tông phái Thiền chính yếu lưu hành sau đời Đường. Trong luận văn nầy, sư phê phán về truyền thống Thiền của Hồng Châu tông (Mã Tổ Đạo Nhất, 709-788).

Trung Hữu

Từ Điển Đạo Uyển

中有; C: zhongyǒu; J: chūu; T: bar ma do’i srid pa; S: antarābhava; nghĩa là “trạng thái tồn tại ở khoảng giữa”, cũng được gọi là Trung ấm;
Trong kinh sách Tiểu thừa và Ðại thừa ở thế kỉ thứ 2, người ta đã thấy nói về một giai đoạn nằm sau cái chết và trước sự tái sinh, được gọi là Trung hữu. Giai đoạn này được nhắc nhở nhiều trong Kim cương thừa (s: vajrayāna) và được Tử thư (t: bardo thodol) trình bày cặn kẻ.
Tử thư cho rằng có 6 giai đoạn Trung hữu (s: ṣaḍantarābhava): 1. Trung hữu của lúc sinh (jāti-antarābhava); 2. Trung hữu của giấc mộng (svapnāntarābhava); 3. Trung hữu của thiền định (samādhi-antarābhava); 4. Trung hữu lúc cận tử (mumūrṣāntarābhava); 5. Trung hữu của Pháp thân diệu dụng, của Pháp tính (dharmatāntarābhava), 6. Trung hữu của sự trưởng thành và tái sinh (bhavān-tarābhava). Tử thư cho rằng 3 giai đoạn của Trung hữu 4, 5, 6 nêu trên kéo dài 49 ngày. Theo nhiều luận sư Tây Tạng, giai đoạn Trung hữu diễn ra hàng ngày trong cuộc sống con người, nó có mối liên hệ chặt chẽ với Ba thân (s: trikāya). Trong giai đoạn Trung hữu ngay sau khi chết, thần thức tiếp cận với Pháp thân thanh tịnh; Trung hữu 5 tiếp cận với Báo thân và sự tái sinh, thần thức đi vào cõi của Ứng hoá thân.

Trung Khu

Từ Điển Đạo Uyển

中軀; S: cakra; P: cakka; T: rtsa ‘khor; nguyên nghĩa là Bánh xe quay (luân, luân xa);
Có hai nghĩa chính:
1. Là hội của những người thờ cúng Phạm thiên trong Ấn Ðộ giáo (e: hinduism);
2. Là các nơi tập trung khí lực của con người (s: prāṇa). Ðó là những nơi tích tụ, chuyển đổi và phân bố khí lực. Các trung khu này có khi được xem như định vị được trên thân thể con người như gần trái tim, lông mày… nhưng thật chất của chúng thuộc về một bình diện khác của thế giới hiện tượng. Trung khu là những điểm, nơi đó thân thể và tâm thức giao hoà và chuyển hoá qua lại với nhau.


H 68: Các trung khu (cakra) và đạo quản (nāḍī) chính trong cơ thể. Dòng kênh chạy dọc xương sống được gọi là Ðạo quản chính (suṣuṃṇā-nāḍī), dòng kênh đôi xoắn là Ðạo quản thái âm (idā-nāḍī), dòng kênh xoắn là Ðạo quản thái dương (piṅgalā-nāḍī).
Theo quan điểm của Ấn Ðộ giáo thì có bảy trung khu nằm dọc xương sống. Các trung khu này là nơi mà khí lực con người đi từ thấp lên cao, chạy xuyên qua trong quá trình Giác ngộ. Sáu trung khu đầu tiên (s: ṣaṭcakranirūpaṇam) được xem là nằm trong thân thể, trung khu thứ bảy nằm trên đỉnh đầu. Một khi con rắn lửa (hoả xà; s: kuṇḍalinī) được đánh thức bằng các phép tu tập, khí lực đó sẽ rời trung khu thấp nhất để vươn lên. Qua mỗi trung khu, hành giả sẽ đạt những cảm giác hoan hỉ (s: ānanda), một số thần thông huyền bí (Tất-địa) và vì vậy, các trung khu cũng được xem là “chỗ trú” của tâm thức (s: caitanya). Từ mỗi trung khu xuất phát một số lượng đạo quản (導管; s: nāḍī, là những kênh năng lượng tinh vi) khác nhau.
Những người có biệt tài xem tướng, nhìn thần sắc hay mô tả các trung khu như những “hoa sen” nhiều cánh, mỗi cánh diễn tả một đạo quản. Các hoa sen này luôn luôn xoay chuyển và vì vậy chúng được gọi là “bánh xe quay” (luân xa), ý nghĩa thật sự của danh từ Cakra. Theo hệ thống Hoả xà du-già (s: kuṇḍalinīyoga) của Ấn Ðộ giáo, mỗi trung khu tương ưng với những đặc tính nhất định nào đó của thân, tâm, được diễn tả bằng những biểu tượng khác nhau (hình sắc, chủng tử man-tra [s: bījamantra], biểu tượng thú vật, Hộ Thần [iṣṭadevatā], …).


H 69: Các trung khu chính trong cơ thể theo hệ thống Hoả xà du-già (kuṇḍalinīyoga) I. Từ trên xuống: 7. Trung khu đỉnh đầu (sahasrāha-cakra), 6. Trung khu ở trán (ājñā-cakra), 5. Trung khu ở cổ (viśuddha-cakra), 4. Trung khu ở tim (anāhata-cakra).
Từ trên xuống:
7. Trung khu đỉnh đầu (s: sahasrāha-cakra; saha-srāha: một ngàn): Chủng tử man-tra (bījamantra): OṂ (ॐ), hoa sen ngàn cánh (sahasrāhapadma). Trung khu này nằm ngoài thân thể, có một “ngàn”, được hiểu là vô số đạo quản (nāḍī) bao quanh. Cơ quan tương ưng của cơ thể là bộ não. 50 mẫu tự của Phạn ngữ (sanskrit) chạy vòng quanh trung khu này trên những cánh hoa sen 20 lần và vì vậy, trung khu này chứa đựng, bao gồm tất cả Chủng tử man-tra và các trung khu khác. Trung khu này phát ra ánh sáng “như mười triệu mặt trời” và hệ thuộc vào một cấp chân lí, sự thật khác với sáu trung khu còn lại. Trung khu này được xem là trú xứ của Thấp-bà (śiva) và tương ưng với vạn vật, “thần thức của vũ trụ”, “Siêu thức.” “Nếu Hoả xà lên đến đỉnh đầu và hoà hợp với Thấp-bà, hành giả sẽ cảm nhận một sự an vui tuyệt đỉnh (paramā-nanda), nhận thức tuyệt đối sẽ đến với họ. Hành giả trở thành một trí giả toàn vẹn (brahmavid-variṣṭha).”;
6. Trung khu ở trán (ājñā-cakra; ājñā: lệnh): nằm giữa hai lông mày, Chủng tử man-tra: A ngắn (अ), hoa sen hai cánh, màu trắng sữa. Hệ thống tương ưng của cơ thể là hệ thần kinh phản xạ (l: edulla oblongata). Trung khu này nằm trong Ðạo quản chính (suṣuṃṇā-nāḍī, H. 68), được xem là nơi tàng ẩn của thần thức. “Ai tập trung vào trung khu này thì sẽ thiêu đốt tất cả nghiệp chướng của tiền kiếp. Tập trung vào trung khu này rất quan trọng vì nó giúp Du-già sư (yogin) trở thành một người được giải thoát trong đời này (jīvanmukti, người đạt giải thoát lúc còn sống, ngay trong đời này), đạt tất cả Tất-địa (siddhi) thượng hạng…”;
5. Trung khu ở cổ (viśuddha-cakra; viśuddha: thanh tịnh): thuộc về Hư không (ākāśa), Chủng tử man-tra: HAṂ (हं), hoa sen 16 cánh, màu trắng, hình tròn, biểu tượng thú vật là con voi với sáu ngà, nằm trong Ðạo quản chính (suṣuṃṇā-nāḍī, H. 68). Hệ thống tương ưng của cơ thể là hệ hô hấp (l: plexus cervicus). “Ai tập trung vào trung khu này thì dù thế giới sụp đổ cũng không tiêu hoại, đạt Nhất thiết trí của bốn Vệ-đà, trở thành một trí giả thông cả ba thời (trikālajñāni), quá khứ, hiện tại và vị lai.”
4. Trung khu ở tim (anāhata-cakra; anāhata: bất khởi động): thuộc về không khí hoặc gió (phong), Chủng tử man-tra (bījamantra): YAṂ (यं), hoa sen 15 cánh, màu xám-xanh, hình lục giác, biểu tượng thú vật là con nai (mṛga), nằm trong Ðạo quản chính (suṣuṃṇā-nāḍī, H. 68). Hệ thống tương ưng của cơ thể là hệ huyết quản (l: plexus cardiacus). “Ai quán tưởng về trung khu này thì đạt uy lực về gió (phong), hành giả có thể bay trong không gian và nhập vào thân thể của một người khác. Lòng từ của vũ trụ sẽ đến với họ …”.


H 70: Các trung khu chính trong cơ thể theo hệ thống Hoả xà du-già (kuṇḍalinīyoga) II. Từ trên xuống: 3. Trung khu ở rốn (maṇipūra-cakra), 2. Trung khu ở bụng dưới (svādhiṣṭhāna-cakra), 1. Trung khu gốc (mūlādhāra-cakra).
3. Trung khu ở rốn (maṇipūra-cakra): thuộc về lửa (hoả), Chủng tử man-tra: RAṂ (रं), hoa sen mười cánh, hình tam giác, màu đỏ, biểu tượng thú vật là con sơn dương, nằm trong Ðạo quản chính (suṣuṃṇā-nāḍī, H. 68). Hệ thống tương ưng của cơ thể là hệ dinh dưỡng, tiêu hoá (l: plexus epigastricus). “Ai tập trung vào trung khu này có thể tìm thấy những bảo vật chôn dấu kĩ, không bao giờ bệnh hoặc và không sợ lửa. Nếu bị quăng vào lửa họ cũng không sợ và cũng không bị hề hấn gì…”.
2. Trung khu ở bụng dưới (svādhiṣṭhāna-cakra; sva: sinh khí; adhiṣṭhāna: trú xứ): nằm dưới gốc bộ phân sinh dục, thuộc về nước (thuỷ), Chủng tử man-tra: VAṂ (वं), hoa sen sáu cánh, hình lưỡi liềm, màu trắng, biểu tượng thú vật là con cá sấu, nằm trong Ðạo quản chính (suṣuṃṇā-nāḍī, H. 68). Hệ thống tương ưng của cơ thể là các cơ quan nội tiết và sinh sản (l: plexus hypogastricus). “Ai quán tưởng đến trung khu này và vị Hộ Thần quyến thuộc sẽ không còn sợ nước và chinh phục được đại chủng này. Du-già sư sẽ đạt nhiều loại thần thông, sự hiểu biết trực nhận, khống chế được các giác quan và thấy được các chúng sinh cõi khác. Các đặc tính bất thiện như tham, sân, si, mạn và những ô nhiễm khác đều được tận diệt. Hành giả chinh phục được tử thần (mṛtyuñjaya-siddhi).”
1. Trung khu gốc (mūlādhāra-cakra; mūla: gốc, căn; ādhāra: chỗ nương tựa, trú xứ): nằm ở đốt xương sống cuối cùng, thuộc về đất (địa), Chủng tử man-tra: LAṂ (लं), hoa sen bốn cánh, có dạng vuông, màu vàng, biểu tượng thú vật là con voi bảy vòi, điểm cuối cùng của Ðạo quản chính (suṣuṃṇā-nāḍī, H. 68). Hệ thống tương ưng của cơ thể là bộ phận sinh dục (l: plexus pelvis). Hoả xà (kuṇḍalinī) nằm trong dạng cuộn tròn nằm yên khi chưa được khởi động. “Ai quán tưởng đến trung khu này thì chinh phục được đất và không còn sợ xác thịt tiêu huỷ khi chết. Du-già sư đạt được trí cùng tột của Hoả xà (kuṇḍalinī) và những yếu tố để đánh thức nó. Nếu con rắn lửa được đánh thức, Du-già sư có thể nhất bổng người lên và điều khiển được chân khí (khả năng này được gọi là darduri-siddhi), các tội lỗi đều được xóa bỏ, tinh thông tam thời và đạt niềm an vui tự tại (sahajānanda).” (theo Sivananda trong Kuṇḍalinī-yoga, 1953).
Về quan niệm trung khu khí lực, Mật tông đạo Phật có nhiều yếu tố tương tự như Ấn Ðộ giáo, nhưng phép thiền quán các trung khu đó có nhiều điểm khác. Lạt-ma Gô-vin-đa có viết một quyển sách với tên Foundations of Tibetan Mysticism (bản Việt ngữ: Cơ sở Mật giáo Tây Tạng), nói rất rõ hệ thống tu luyện theo Mật tông Tây Tạng và trong đó hệ thống Hoả xà du-già (kuṇḍalinī-yoga) giữ một vai trò quan trọng.

Trung Luận

Từ Điển Đạo Uyển

中論; C: zhōnglùn; J: chūron; S: madhyamaka-śāstra.
4 quyển, được xem là một tác phẩm của Long Thụ. Trung quán luận tụng được nối tiếp bởi chú giải của Thanh Mục (青目; s: pingala), được Cưu-ma La-thập dịch vào năm 409 và có bổ sung thêm vào phần luận giải của riêng mình. Đây là luận văn căn bản cho việc nghiên cứu tư tưởng của trường phái Trung quán (中觀派). Luận giải nầy phản đối gay gắt phạm trù giả và không, đồng thời phủ nhận hai ý niệm cực đoan sinh và bất sinh.

Trung Phong Minh Bản

Từ Điển Đạo Uyển

中峰明本; C: zhōngfēng míngběn; J: chūhō myōhon; 1263-1323;
Thiền sư Trung Quốc, thuộc tông Lâm Tế, dòng Viên Ngộ Khấc Cần. Sư nối pháp Thiền sư Cao Phong Nguyên Diệu (高峰原妙; c: gāofēng yuánmiào; j: kōhō gemmyō). Cuộc đời hoằng hoá của Sư giữ một vai trò quan trọng cho tông Lâm Tế tại Nhật.
Sư được rất nhiều người đương thời tôn kính vì phong cách đơn giản, tu tập thiền thuần tuý của mình. Sư được hoàng đế thỉnh đến vương triều để thuyết pháp nhưng từ chối và sau được phong danh hiệu Phật Từ Viên Chiếu Quảng Huệ Thiền sư. Nhiều vị Thiền sư Nhật đã đến nơi Sư tham học và trong số này trội hơn hết là Cổ Tiên Ấn Nguyên (古先印元; j: kosen ingen, 1295-1374) và Cô Phong Giác Minh (孤峰覺明; j: kohō kakumyō, 1271-1361).

Trung Quán Luận Sớ

Từ Điển Đạo Uyển

中觀論疏; C: zhōngguānlùn shū; J: chūkanron so;
Tác phẩm của Gia Tường Đại sư Cát Tạng đời Tuỳ, gồm 20 quyển.

Trung Quán Phái

Từ Điển Đạo Uyển

中觀派; C: zhōngguān pài; J: chūgan ha; S: mādhyamika.
Trung quán tông.

Trung Quán Tông

Từ Điển Đạo Uyển

中觀宗; hay Trung luận tông (中論宗); S: mā-dhyamika;
Một trường phái Ðại thừa, được Long Thụ (s: nāgārjuna) và Thánh Thiên (āryadeva) thành lập. Tông này có ảnh hưởng lớn tại Ấn Ðộ, Trung Quốc, Tây Tạng, Nhật Bản và Việt Nam. Ðại diện xuất sắc của phái này, bên cạnh hai vị sáng lập, là Phật Hộ (tk. 5), Thanh Biện (tk. 6), Nguyệt Xứng (tk. 8), Tịch Hộ (tk. 8) và Liên Hoa Giới (tk. 8). Những Ðại Luận sư này có ảnh hưởng rất lớn trong việc phát triển đạo Phật tại Tây Tạng.
Tên gọi của tông này dựa trên quan điểm “trung quán”, quan điểm trung dung về việc sự vật có hay không có. Với quan điểm Bát bất (xem dưới Long Thụ), Long Thụ cho rằng mọi mô tả về sự vật đều không đúng và Sư nêu rõ tính chất ảo giác và tương đối của sự vật. Vì tất cả mọi sự đều dựa lên nhau mà thành (Mười hai nhân duyên), cho nên chúng không tồn tại độc lập, không có tự ngã (s: ātman), tự tính (s: svabhāva), trống rỗng. Cái trống rỗng, cái tính Không (s: śūnyatā) trong Trung quán tông có một ý nghĩa hai mặt: một mặt, tính Không không có một tự ngã nào; mặt khác, tính Không đồng nghĩa với sự giải thoát, vì tính Không chính là bản thể tuyệt đối. Chứng ngộ được tính Không tức là giải thoát. Muốn đạt được điều này, người ta phải thoát khỏi tâm thức thị phi. Ðối với Trung quán tông thì tính Không là thể tính cuối cùng, đồng nghĩa với Pháp thân (s: dharmakāya; Ba thân). Vì quan điểm Không toàn triệt nói trên mà Trung quán tông có khi được gọi là Không tông (śūnyavāda).
Muốn đạt được bản thể tuyệt đối, người ta phải vượt qua chân lí tương đối. Vì vậy phái này cũng có quan điểm riêng về “Chân lí hai mặt” (二諦; Nhị đế; s: satyadvaya), họ gọi chân lí thông thường là tục đế hay Chân lí quy ước (s: saṃṛvṛti-satya). Chân lí quy ước này dành cho hiện tượng và khái niệm thế gian, chúng vốn bị tính chất nhị nguyên quy định. Chân lí tuyệt đối, Chân đế (para-mārtha-satya) thì giản đơn, không còn các mặt đối lập. Lí luận thông thường có thể tiếp cận tục đế, tuy không phải là chân lí cuối cùng, nhưng chúng cũng có giá trị nhất định. Vì vậy, không phải cứ chấp nhận tính Không, Vô ngã (anātman) là phủ nhận kinh nghiệm của con người. Ðời sống của một hành giả Trung quán tông cũng phải phản ánh quan điểm đó, nghĩa là, đối với bên ngoài, người đó cũng xem Khổ như là có thật, cũng phải giữ Giới và cố gắng giúp tất cả mọi người giải thoát. Nhưng người đó thật tâm biết rằng, những hành động đó chỉ giả tạo mà thôi.
Các tác phẩm của Long Thụ còn giúp phát triển ngành Nhân minh học (因明學; s: hetuvidyā). Ngành này cũng chịu ảnh hưởng của trường phái lớn thứ hai của Ðại thừa Ấn Ðộ là Duy thức tông (vijñānavāda, yogācāra) và ngược lại ngành Nhân minh học cũng mài dũa cho Trung quán tông những lí luận sắc bén. Trong lĩnh vực Nhân minh, Duy thức tông cũng góp phần quan trọng, trả lời những câu hỏi mà Trung quán tông không có ý kiến, không đề cập đến như cách phát sinh của thế giới hiện tượng.
Sau Thánh Thiên (聖天; āryadeva) thì Phật Hộ (佛護; buddhapālita) là người đại diện xuất sắc của Trung quán tông. Sư có viết bài luận về (Căn bản) Trung quán luận tụng ([mūla-] madhyamaka-kāri-kā), tác phẩm chính của Long Thụ. Trong bộ này, với tên Phật Hộ căn bản trung quán luận thích (buddhapālita-mūlamadhyamaka-vṛtti), Sư đả phá quan điểm của những kẻ đối nghịch và những kết luận (prasaṅga) sai trái của họ, có thể gọi là “phá tà hiển chính,” nghĩa là không nêu quan điểm của chính mình, chỉ dựa vào những nhược điểm, những mâu thuẫn hiển hiện của đối thủ mà đả phá họ. Sư thành lập hệ phái Trung quán-Cụ duyên (中觀具緣; cũng gọi là Trung quán-Ứng thành tông; 中觀應成宗; s: prāsaṅgika-mādhyamika) – tên gọi tông này dựa trên phương pháp đó.
Thanh Biện (清辯; bhāvaviveka) áp dụng luận lí học của Duy thức tông và Nhân minh học của Trần-na (陳那; dignāga) trong thuyết Trung luận của mình. Sư hay nhấn mạnh đến “tính hợp quy luật”, xây dựng luận thức độc đáo của chính mình và sau đó tiến tới bác bỏ lập luận đối phương. Vì thế nên hệ phái của Sư mang tên là Trung quán-Tự ý lập tông (中觀自意立宗) hay Trung quán-Y tự khởi tông (中觀依自起宗; svātantrika-mādhyamika). Sư cũng phân tích và phê bình các luận sư khác và công kích luôn cả Phật Hộ. Cho Trung quán tông thì việc Thanh Biện đưa những quan niệm trung tâm của Duy thức tông vào – tất nhiên là có biến đổi đôi chút – chỉ làm thêm phong phú và thúc đẩy sự phát triển. Tất nhiên qua đó Thanh Biện có nhiều sai biệt với các luận sư khác, như về thể tính của ý thức, sư xem nó chỉ là một phần của thế giới hiện tượng.
Nguyệt Xứng (月稱; candrakīrti) thì cố gắng trở về với giáo lí nguyên thuỷ của Long Thụ. Sư tự xem mình là người thừa kế Phật Hộ và từ chối quan điểm của Thanh Biện, từ chối đưa ra bất cứ một hệ luận nào vì cho rằng Trung quán tông đích thật không chủ trương một quan điểm nào cả. Sư soạn một bài luận giải tác phẩm Trung quán luận của Long Thụ và trong đây, sư chứng minh hệ thống của Phật Hộ là đúng. Với xác nhận này, sư phản ứng những quan điểm được Thanh Biện đề ra để bài xích một vài điểm trong hệ thống của Phật Hộ. Sư nêu rõ là một người có quan điểm trung dung không nên đề ra những luận tam đoạn (三段論法; Tam đoạn luận pháp; e: syllogism) độc lập mà trong đó, cả ba chi của một luận điểm tự lập, tự khởi.
Một luận sư khác quan trọng của Trung quán tông là Tịch Thiên (寂天; śāntideva, tk. 7/8), là người nổi danh với hai tác phẩm Nhập bồ-đề hành luận (入菩提行論; bodhicaryāvatāra), trình bày con đường tu tập của một Bồ Tát và Tập Bồ Tát học luận (集菩薩學論; śikṣāsamuccaya), trình bày các quy định tu học của một vị Bồ Tát.
Trung quán tông đóng một vai trò quan trọng trung tâm trong Phật giáo Tây Tạng, kể từ thế kỉ thứ 8. Ðiều đó có lẽ xuất phát từ hoạt động của luận sư Tịch Hộ (寂護; śāntarakṣita) và môn đệ là Liên Hoa Giới (蓮華戒; kamalaśīla). Thời đó, hai vị này đại diện cho tông Trung quán-Duy thức (yogā-cāra-svātantrika-mādhyamika), đưa những quan điểm Duy thức vào giáo lí của Long Thụ. Tương truyền Liên Hoa Giới tham dự một cuộc tranh luận với Thiền tông tổ chức tại Tây Tạng. Trong cuộc tranh luận đó Liên Hoa Giới thắng lợi và sau đó nhà vua Tây Tạng tuyên bố lấy Trung quán tông làm giáo pháp chính thống.
Trong thế kỉ thứ 11, với việc truyền bá giáo pháp lần thứ hai tại Tây Tạng, quan điểm Trung quán của Nguyệt Xứng lại thắng lợi. Cũng trong thời gian đó lại nẩy sinh một hệ phái Trung quán khác, một sự tổng hợp với giáo pháp của Vô Trước (無著; asaṅga). Giữa thế kỉ 11 và 14, Tây Tạng lại tổng hoà các tông phái khác nhau của Trung quán và tiếp tục phát triển. Giữa thế kỉ 14 và 16, tại Tây Tạng có 4 hệ phái của Trung quán. Trung quán tông phát triển đến mức tuyệt đỉnh và luôn luôn được luận giải mới mẻ, sinh động. Ðến thế kỉ thứ 19, phong trào Ri-mê của Tây Tạng lại tìm cách đổi mới cách sắp xếp thứ tự quan điểm của Trung quán tông. Các quan điểm triết học của Trung luận được trình bày trong các loại luận được gọi là Tất-đàn-đa (s: siddhānta) tại Tây Tạng. Ngoài ra người ta còn tìm thấy trong các loại sách phổ thông chú trọng về các phương pháp tu tập để chứng ngộ được trực tiếp giáo lí của Trung quán tông.

Trung Thừa

Từ Điển Đạo Uyển

中乘; S: madhyamā-yāna;
Danh từ chỉ cỗ xe giữa Tiểu thừa và Ðại thừa, đó là Ðộc giác thừa, Ba thừa.

Trừng Tịnh

Từ Điển Đạo Uyển

澄淨; C: chéngjìng; J: chōjō;
1. Làm cho trong sáng, làm thanh khiết; 2. “Niềm tin”, trong ý nghĩa phong thái thanh thản đối với hoàn cảnh chung quanh.

Trùng Tụng

Từ Điển Đạo Uyển

重頌; S, P: geya; dịch âm Hán Việt là Kì-dạ (祇夜), cũng được dịch nghĩa là Ứng tụng (應頌);
Một dạng thơ, kệ tụng, trong đó nhiều câu được lặp đi lặp lại, khác với một Kệ-đà (s, p: gāthā), một dạng kệ không bị ảnh hưởng bởi các câu thơ đi trước. Trùng tụng được sử dụng trong Tập bộ kinh.

Trung Uẩn

Từ Điển Đạo Uyển

中蘊; C: zhōngyùn; J: chūun;
Như Trung ấm (中陰), Trung hữu (中有).

Trước Ngữ

Từ Điển Đạo Uyển

著語; J: jakugo; có thể hiểu là “đưa xen vào”;
Chỉ một câu nói hùng dũng, một lời thốt lên hồn nhiên biểu hiện sự ngộ nhập thâm sâu yếu chỉ của một Công án hoặc các thành phần của nó.Trong những tập công án như Bích nham lục, người ta có thể tìm thấy những trước ngữ của Thiền sư Tuyết Ðậu Trọng Hiển và Viên Ngộ Khắc Cần. Những trước ngữ này chính là những lời bình xen vào giữa các công án.
Ví dụ sau được trích từ Bích nham lục, công án 4 với tên “Ðức Sơn mắc áo vấn đáp”: “Ðức Sơn (Tuyên Giám) đến Quy Sơn (Linh Hựu), mắc áo trên pháp đường, từ phía Ðông đi qua phía Tây, từ phía Tây đi qua phía Ðông, nhìn xem, nói: Không! Không! Liền đi ra Tuyết Ðậu trước ngữ: Khám phá xong. Viên Ngộ: Lầm! Quả nhiên! Ðiểm!]…”.
Từ thời Thiền sư Bạch Ẩn Huệ Hạc đến bây giờ, các thiền sinh Nhật Bản thường phải trình bày thêm một hoặc vài trước ngữ song song với câu “Giải đáp” cho công án để minh bạch thêm sự thấu rõ xuyên suốt của mình. Các trước ngữ này thường được trình dưới dạng văn vần (thi hoá) và thiền sinh không nhất thiết là phải tự làm mà có thể trích từ các nguồn tài liệu khác, ngay cả những nguồn tài liệu văn hoá thế tục.

Trường Bộ Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

長部經; S: dīrghāgama; P: dīgha-nikāya;
Là bộ đầu tiên của năm Bộ kinh trong Kinh tạng (p: sutta-piṭaka). Trường bộ kinh văn hệ Pā-li bao gồm 34 bài kinh. Trường bộ kinh của Ðại thừa được viết bằng văn hệ Phạn ngữ (sanskrit), được dịch ra chữ Hán với tên gọi Trường A-hàm (s: dīrghāgama) với 30 bài kinh. Trường bộ kinh của hai văn hệ này không giống nhau hoàn toàn, có 27 kinh là giống nhau. Các kinh này tương đối dài nên được mang tên này.
Các kinh quan trọng nhất của kinh Trường bộ văn hệ Pā-li là: Phạm võng (s, p: brahma-jāla), nói về các quan điểm triết học và siêu hình thời Phật giáo sơ khai; Sa-môn quả (p: sāmaññaphala), nói về giáo lí của sáu đạo sư ngoại đạo thời Phật giáo sơ khai và về kết quả của đời sống Sa-môn; Ma-ha bát-đà-na (p: mahāpadāna), tích truyện về sáu vị Phật đã ra đời trước vị Phật lịch sử; Ðại nhân duyên (mahānidāna), luận giảng về Mười hai nhân duyên (s: pratītya-samutpāda); Ðại bát-niết-bàn kinh (p: mahāparinibbāna), kể lại những ngày tháng cuối cùng trước khi Phật Thích-ca nhập diệt; Giáo thụ thi-ca-la-việt (p: singālovāda), đặc biệt quan trọng cho giới Cư sĩ, nhắc nhở bản phận của cha mẹ, thầy dạy, học trò v.v…

Trương Chuyết Tú Tài

Từ Điển Đạo Uyển

張拙秀才; C: zhāngzhuō xiùcái; J: chōsetsu yūsai; tk. 9/10;
Một Cư sĩ học và đắc pháp nơi Thiền sư Thạch Sương Khánh Chư.

Trường Khánh Ðại An

Từ Điển Đạo Uyển

長慶大安; C: chángqìng dàān; J: chōkei daian; tk 8/9;
Thiền sư Trung Quốc đắc pháp nơi Bách Trượng Hoài Hải. Hai vị đệ tử của Sư thường được nhắc đến là Ðại Tuỳ Pháp Chân và Linh Thụ Như Mẫn (靈樹如敏).
Lúc đầu Sư siêng năng học Luật, sau đó tự nghĩ rằng “Lí cùng tột của Phật pháp vẫn chưa được nghe.” Vì vậy Sư đến Bách Trượng hỏi: “Học nhân muốn cầu biết Phật, thế nào là phải?” Bách Trượng bảo: “Giống hệt cỡi trâu tìm trâu.” Sư hỏi: “Khi biết được về sau thế nào?” Bách Trượng đáp: “Như người cỡi trâu về đến nhà.” Sư hỏi: “Chẳng biết trước sau gìn giữ như thế nào?” Bách Trượng trả lời: “Như chú mục đồng cầm roi trông chừng, chẳng cho nó vào lúa mạ của người.” Sư nhân đây ngộ được ý chỉ.
Khi Thiền sư Linh Hựu đến Quy Sơn khai sáng, Sư đích thân đến phụ tá và khi Linh Hựu tịch, Sư được chúng thỉnh ở lại trụ trì. Vì thế mà Sư cũng thường được gọi là Quy Sơn Ðại An.
Có vị tăng hỏi: “Khi ấm này đã mất, ấm kia chưa sinh thì thế nào (Trung hữu) ?” Sư hỏi vặn lại: “Khi ấm này chưa mất, cái gì là Ðại Ðức?” Tăng thưa: “Chẳng rõ.” Sư bảo: “Nếu hội ấm này liền rõ ấm kia.”
Sư dạy chúng: “… Tất cả các ngươi, mỗi người đều có hòn ngọc lớn vô giá, từ cửa con mắt phóng quang soi sáng núi sông cây cỏ, từ cửa lỗ tai phóng quang nhận lãnh phân biệt tất cả âm thanh lành dữ, sáu cửa (Lục căn) ngày đêm thường phóng quang sáng, các ngươi tự chẳng biết lại nhận bóng trong thân Tứ đại. Nó là vật do trong ngoài giúp đỡ không dám chênh nghiêng, như người gánh nặng đi qua cây cầu khỉ, không dám để sẩy chân. Hãy nói vật gì không thể gìn giữ được? Như thế, không có một mảnh tơ, một sợi tóc có thể thấy. Ðâu chẳng nghe Hoà thượng Chí Công nói: ›Trong ngoài tìm kiếm trọn không ra, trên cảnh thi vi gồm tất cả‹ – trân trọng!”
Sau, Sư rời Quy Sơn đến Trường Khánh, tỉnh Phúc Kiến giáo hoá. Ðời Ðường, niên hiệu Trung Hoà năm thứ ba (883), ngày 22 tháng mười, Sư có chút bệnh rồi tịch. Vua sắc phong là Viên Trí Thiền sư, Tháp hiệu Chứng Chân.

Trường Khánh Huệ Lăng

Từ Điển Đạo Uyển

長慶慧稜; C: chángqìng huìléng; J: chōkei e-ryō; 854-932;
Thiền sư Trung Quốc, nối pháp Tuyết Phong Nghĩa Tồn. Sư có 26 đệ tử được ấn khả.
Sư họ Tôn, quê ở Diêm Quan Hàn Châu. Năm 13 tuổi, Sư xuất gia thụ giới tại chùa Thông Huyền, Tô Châu và sau đó đi tham vấn nhiều Thiền sư. Sau Sư đến Tuyết Phong và ở lại đây. Mặc dù nhiều lần đến Tuyết Phong Ðộc tham nhưng Sư vẫn không ngộ nhập. Tương truyền Sư ngồi rách bảy cái bồ đoàn mà vẫn không hội. Tuyết Phong bảo sẽ giao cho Sư một “thang thuốc dành cho một con ngựa chết” nếu Sư chấp nhận và khuyên Sư từ nay không nên đến độc tham nữa, cứ toạ thiền im lặng “như một cột trụ trong lửa” nhiều năm, sau sẽ tự ngộ. Một đêm, sau đó khoảng hơn hai năm thực hiện lời dạy này bỗng nhiên tâm Sư náo động. Sư không ngồi yên được và đứng dậy đi dạo trong vườn. Khi trở về, Sư cuốn rèm tre lên thấy ngọn đèn leo lét bỗng nhiên đại ngộ. Sư liền làm bài kệ:
也大差矣也大差矣。捲起簾來見天下
有人問我解何宗。拈起拂子劈口打
Dã đại sai hĩ dã đại sai hĩ
Quyện khởi liêm lai kiến thiên hạ
Hữu nhân vấn ngã thị hà tông
Niêm khởi phất tử phách khẩu đả.
*Rất sai cũng rất sai
Vừa cuốn rèm lên thấy thiên hạ
Có người hỏi ta là tông gì
Cầm cây phất tử nhằm miệng đánh.
Thiền sư Huyền Sa không tin, cho rằng bài kệ này do thần thức làm và muốn thử lại. Sư bèn trình bài kệ thứ hai rất nổi tiếng:
萬象之中獨露身。唯人自肯乃爲親
昔時謬向塗中覓。今日看如火裏冰
Vạn tượng chi trung độc lộ thân
Duy nhân tự khẳng nãi vi thân
Tích thời mậu hướng đồ trung mịch
Kim nhật khán như hoả lí băng.
*Chính trong vạn tượng hiện toàn thân
Chỉ người tự nhận mới là gần
Thuở xưa lầm nhắm ngoài đường kiếm
Ngày nay xem lại: Băng trong lò!
Tuyết Phong nghe kệ nhìn Huyền Sa bảo: “Không thể do ý thức làm ra.”
Sau, Sư hỏi Tuyết Phong: “Một đường từ trước chư Thánh truyền trao thỉnh thầy chỉ dạy.” Tuyết Phong lặng thinh. Sư lễ bái rồi lui. Tuyết Phong mỉm cười thầm Ấn khả.
Sư ở Tuyết Phong 29 năm, sau đó nhận lời mời của Thích sử Huyền Châu là Vương Diên Bân đến trụ trì tại Chiêu Khánh. Chẳng bao lâu, Sư lại nhận lời đến Tây Viện, phủ Trường Lạc, để hiệu là Trường Khánh.
Sư dạy chúng: “Nếu ta thuần nêu xướng tông thừa thì nên đóng kín cửa pháp đường bởi do ›Tột pháp thì không dân.‹” Một vị tăng hỏi: “Chẳng sợ không dân, thỉnh thầy tột pháp.” Sư bảo: “Lại bỏ rơi chỗ nào?”
Sư hoằng hoá 27 năm, môn đệ có đến 1500 người, môn phong của Tuyết Phong cao vút. Ðến đời Hậu Ðường niên hiệu Trường Hưng năm thứ ba (932), ngày 17 tháng năm, Sư viên tịch, thọ 79 tuổi, 60 tuổi hạ.

Trưởng Lão Bộ

Từ Điển Đạo Uyển

長老部; S: sthaviravāda; P: theravāda; cũng có nghĩa là Thượng toạ bộ nhưng được dịch như trên để phân biệt với Thượng toạ bộ (p: theravā-da), trường phái Tích Lan tuyệt đối theo kinh sách văn hệ Pā-li sau này;
Một trong hai trường phái Tiểu thừa phát sinh trong lần Kết tập thứ ba tại Hoa Thị thành (s: pāṭaliputra). Sự phân chia này bắt nguồn chỉ từ định nghĩa thể tính của A-la-hán. Trong lần kết tập đó, một vi tăng tên là Ðại Thiên (s, p: mahādeva) cho rằng A-la-hán còn có những giới hạn như sau:
1. A-la-hán còn có thể bị quyến rũ, xuất tinh trong khi ngủ; 2. A-la-hán vẫn còn một số Vô minh (s: avidyā); 3. A-la-hán còn nghi ngờ về pháp; 4. A-la-hán có thể cần hỗ trợ bên ngoài để giác ngộ; 5. A-la-hán cần những thanh âm đặc biệt mới đạt giải thoát.
Các vị trong nhóm trưởng lão phản đối ý kiến này và ngược lại các vị trong Ðại chúng bộ (s: mahāsāṅghika) đồng ý như thế. Từ đó sinh ra nhiều tông phái khác nhau. Sau đó Trưởng lão bộ lại tiếp tục bị chia chẻ trong năm 240 sau Công nguyên ra các nhóm Ðộc Tử bộ (s: vātsīputrīya), Nhất thiết hữu bộ (s: sarvāstivāda), Phân biệt bộ (s: vibhajya-vāda).

Trượng Lục

Từ Điển Đạo Uyển

丈六; C: zhàngliù; J: jōroku;
Viết tắc của “Mười sáu bộ”. Hoá thân Phật, với chiều cao khoảng gấp đôi người thường.

Trường Nguyên

Từ Điển Đạo Uyển

長源; 1110-1165
Thiền sư Việt Nam, thuộc thiền phái Vô Ngôn Thông đời thứ 10. Sư kế thừa Thiền sư Ðạo Huệ.
Sư người gốc Trung Quốc, họ Phan, quê ở Trường Nguyên. Sư xuất gia tu học với Thiền sư Ðạo Huệ.
Sau khi được Ðạo Huệ Ấn khả, Sư đi thẳng đến Từ Sơn tu khổ hạnh. Vua Lí Anh Tông hâm kính trọng đạo hạnh của Sư, muốn gặp mặt mà không thể được bèn nhờ bạn cũ của Sư dụ dẫn về triều. Người bạn dụ đến nhà trọ tại chùa Hương Sát thì Sư hối hận, quay trở về núi. Sư bảo đồ đệ: “Hạng người thân khô tâm nguội như ta, không phải những vật phù nguỵ thế gian có thể cám dỗ được. Bởi vì chí, hạnh của ta chưa thuần nên bị các thứ bẫy lồng vây khốn. Nghe ta nói kệ đây:
猿猴抱子歸青嶂。自古聖賢沒可量
春來鶯轉百花深。秋至菊開沒模樣
Viên hầu bão tử quy thanh chướng
Tự cổ thánh hiền một khả lượng
Xuân lai oanh chuyển bách hoa thâm
Thu chí cúc khai một mô dạng.
*Khỉ vượn bồng con lại núi xanh
Từ xưa hiền thánh không mối manh
Xuân về oanh hót trong vườn uyển
Thu đến cúc cười mất dōng hình”
Ngày mồng 7 tháng 6 niên hiệu Chính Long Bảo Ứng thứ 3, Sư có chút bệnh bèn gọi chúng lại nói kệ:
在光在塵。常離光塵。心腑證徹。與物無親
體於自然。應物無垠。宗匠二儀。淘汰人倫
亭毒萬物。與物爲春。作舞鐵女。打鼓木人
Tại quang tại trần, thường li quang trần
Tâm phủ trừng triệt, dữ vật vô thân
Thể ư tự nhiên, ứng vật vô ngân
Tông tượng nhị nghi, đào thải nhân luân
Ðình độc vạn vật, dữ vật vi xuân
Tác vũ thiết nữ, đả cổ mộc nhân.
*Ở chỗ bóng trần thường lìa bóng trần
Tâm phủ lóng tột, cùng vật không thân
Thế vốn tự nhiên, hiện vật không thiên
Tài bằng trời đất, vượt cả nhân luân
Ngăn độc muôn vật, cùng vật làm xuân
Người gỗ đánh trống, gái sắt múa may.
Nói xong, Sư viên tịch.

Trường Sa Cảnh Sầm

Từ Điển Đạo Uyển

長沙景岑; C: chángshā jǐngcén; J: chōsha keijin; ?-868;
Thiền sư Trung Quốc, môn đệ được Ấn khả của Nam Tuyền Phổ Nguyện và là bạn đồng học với hai vị Triệu Châu Tòng Thẩm và Tử Hồ Lợi Tung. Tương truyền Sư có hai đệ tử đắc pháp.
Thiền sư Viên Ngộ thuật lại câu chuyện sau giữa Sư và Ngưỡng Sơn Huệ Tịch trong Bích nham lục: Một hôm Sư cùng Ngưỡng Sơn ngắm trăng, Ngưỡng Sơn chỉ mặt trăng nói: “Mỗi người trọn có cái này, chỉ vì dùng chẳng được.” Sư liền nói: “Chính là lúc mời ông dùng?” Ngưỡng Sơn nói: “Sư thúc dùng xem?” Sư liền đạp Ngưỡng Sơn một cái té nhào. Ngưỡng Sơn lồm cồm đứng dậy nói: “Sư thúc giống như con cọp (đại trùng).” Vì tích này mà Sư sau mang danh là “Con cọp Sầm.”
Sư có để lại bài kệ nổi danh, được nhiều Thiền sư sau này nhắc đến:
學道之人不識真。只為從來認識神
無始劫來生死本。癡人喚作本來身
Học đạo chi nhân bất thức chân
Chỉ vị tòng tiền nhận thức thần
Vô thuỷ kiếp lai sinh tử bản
Si nhân hoán tác bản lai nhân.
*Học đạo mà không hiểu lí chân
Bởi tại lâu rồi nhận thức thần
Gốc nguồn sinh tử vô thuỷ kiếp
Người ngu lại gọi là chủ nhân.

Truyền

Từ Điển Đạo Uyển

傳; C: chuán; J: den;
Phát, chuyển giao, truyền trao.

Truyền Giáo Ðại Sư

Từ Điển Đạo Uyển

傳教大師; C: chuánjiāo dàshī; J: dengyō dai-shi;
Danh hiệu ban tặng cho sư Tối Trừng (最澄), người sáng lập tông Thiên Thai tại Nhật Bản.

Truyền Pháp Bảo Kỉ

Từ Điển Đạo Uyển

傳法寶紀; C: chuán fǎbăojì; J: denhō bou-ki;
Sách, 1 quyển, của Đỗ Phỉ (杜朏).

Truyền Pháp Chính Tông Kí

Từ Điển Đạo Uyển

傳法正宗記; C: chuánfǎ zhèngzōng jì; J: tenhō shoushū ki;
Sách; 9 quyển; của Khế Tung (契嵩).

Truyền Quang Lục

Từ Điển Đạo Uyển

傳光錄; J: denkōroku; gọi đầy đủ là Oánh Sơn Hoà thượng truyền quang lục (瑩山和尚傳光錄; j: keizan ōshō denkōroku);
Một tác phẩm của Thiền sư Nhật Bản Oánh Sơn Thiệu Cẩn (keizan jōkin), nói về việc truyền thừa từ Phật Thích-ca đến vị Tổ thứ 52 của tông Tào Ðộng là Ðạo Nguyên Hi Huyền. Song song với Chính pháp nhãn tạng (j: shōbogenzō) của Ðạo Nguyên, Truyền quang lục là bộ sách quan trọng nhất của tông Tào Ðộng tại Nhật.

Truyền Y

Từ Điển Đạo Uyển

傳衣; C: chuányī; J: denne;
Trao truyền y; theo truyền thống Thiền tông, hàm ý truyền thừa mệnh mạch Phật pháp.

Tu

Từ Điển Đạo Uyển

修; C: xiū; J: shu, shū; S, P: bhāvanā; nguyên nghĩa là “Quán chiếu”;
Có các nghĩa sau: 1. Trau dồi, nuôi dưỡng, phát triển, điều chỉnh, sửa chữa, tu sửa, điều hoà, cải thiện. Sửa, bỏ bớt; 2. Cụ thể hơn là tu dưỡng đạo đức hoặc đạo giác ngộ; 3. Lâu dài.
Theo ý nghĩa trong đạo Phật: 1. Tu (đạo). Tu tập. Thường có nghĩa tu tập thiện pháp, và đặc biệt là tu tập thiền định (s: bhāvanā). Tập định, để tạo mối tương quan với bản tính, Tu có nghĩa là đưa bản tính ấy đến nơi viên mãn. Thực hành tập trung tâm ý đều đặn làm cho đức hạnh tròn đầy. Còn gọi là Tu hành. Các Luận sư phái Nhất thiết hữu bộ công nhận có 4 pháp tu (Tứ tu 四修); 2. Thực hành pháp môn riêng của mình (s: pratinisevana); 3. Nỗ lực, tinh tiến; 4. Viết tắt của Tu đạo (修道); 5. Thiện pháp tương ưng với công phu thiền định (s: bhāvanā). Đồng nghĩa vời Thiền định (禪定); 6. Nghiên cứu, hoàn chỉnh, tu dưỡng, thông thạo; đưa (sự việc) vào trật tự, hồi phục lại.

Từ Điển Đạo Uyển

滋; C: zī; J: ji;
Càng nhiều hơn; tăng thêm; phong phú; chín muồi. Gia tăng; nuôi dưỡng, làm tươi nhuận, kích động.

Tứ

Từ Điển Đạo Uyển

伺; C: sì; J: shi;
Có các nghĩa: 1. Tìm kiếm, thẩm sát, hỏi về, nghi ngờ; 2. Suy nghĩ, phân tích (s: vicāra). Còn được gọi là Quán (觀). Một trong 4 bất định pháp theo giáo lí của Du-già hành tông. Một trong 8 bất định pháp theo Câu-xá luận (倶舎論). Là tâm hành muốn tìm biết nguyên lí chi tiết của một vật. Thường đi đôi với Tầm (尋). Xem Tứ tầm (伺尋).

Từ

Từ Điển Đạo Uyển

慈; S: maitrī; P: mettā;
Một trong những đức hạnh cao quý tronng Phật giáo, thường được gọi chung với lòng Bi (s, p: karuṇā) là Từ-bi. Từ được xem là lòng thương yêu chúng sinh nhưng không có tính chất luyến ái. Từ là một trong những đối tượng thiền định của Thượng toạ bộ, được dùng để phát huy lòng thương yêu và đối trị sân hận. Trong phép quán này, mới đầu thiền giả hướng lòng từ đến các người thân cận, về sau mở rộng, hướng đến tất cả chúng sinh, kể cả kẻ đối nghịch. Quan niệm về lòng từ được trình bày rõ trong kinh Từ (bi) (p: mettāsutta). Từ là một trong Bốn phạm trú (s, p: brahma-vihāra).

Tử

Từ Điển Đạo Uyển

死; S, P: maraṇa;
Là cái chết theo ý nghĩa thông thường; trong Phật giáo, danh từ Tử được dùng để chỉ sự sinh diệt, thăng trầm của tất cả các hiện tượng, các Pháp.
Sự “sinh đây diệt đó” hoặc “khoảnh khắc của hiện hữu” được vị Ðại luận sư Phật Âm (p: bud-dhaghosa) diễn tả rất hay trong bộ luận Thanh tịnh đạo:
“Theo chân lí tuyệt đối thì chúng sinh chỉ hiện hữu trong một thời gian rất ngắn, một thời gian ngắn như một khoảnh khắc của nhận thức (một ý niệm, Sát-na; s: kṣaṇa). Như một bánh xe, trong khi đang lăn cũng như đang đứng yên, chỉ chạm đất ở một điểm duy nhất, như thế, chúng sinh chỉ sống trong một khoảnh khắc của một nhận thức. Nhận thức này (ý niệm) mất đi, chúng sinh đó chết. Bởi vì chúng sinh của nhận thức vừa qua đã sống, không sống bây giờ và cũng sẽ không sống trong tương lai. Chúng sinh của nhận thức bây giờ đang sống, đã không sống và sẽ không sống trong tương lai. Chúng sinh của nhận thức trong tương lai sẽ sống, đã không sống và hiện tại không sống.”
Ðạt-lại Lạt-ma thứ 14 luận giải cụ thể hơn về cái chết như sau (trích từ luận giải của Ðạt-lại Lạt-ma về Bồ-đề đạo thứ đệ trung luận [t: lam rim ‘bring] của Tông-khách-ba):
“… Nhiều người chết khi những nghiệp lực được tạo ra trong kiếp trước, điều kiện chính cho cuộc sống này, hoàn toàn bị dập tắt; những người khác chết bởi vì các nguyên nhân lưu trì cuộc sống này không còn đầy đủ… Người ta gọi như vậy là ›chết sớm‹ hoặc ›chết vì Công đức đã hết‹, bởi vì năng lực lưu giữ cuộc sống vẫn còn (因; nhân) nhưng những duyên (緣; điều kiện phụ) đạt được qua những thiện nghiệp trong đời trước đã hết…
Những người mang tâm bất thiện, hành động bất thiện thì khi chết, phần thân trên mất nhiệt trước, rồi sau đó những thân phần còn lại mới lạnh dần dần. Ngược lại, những người thường hay làm điều thiện thường mất nhiệt ở thân dưới, bắt đầu từ hai bàn chân. Trong cả hai trường hợp thì hơi nóng được gom tụ lại ở ngực (tâm) và từ nơi này, thần thức xuất thân…
Trực tiếp kế đó là trạng thái Trung hữu (中有; s: antarābhava). Chỉ những người tái sinh trong bốn xứ của vô sắc giới (Tứ thiền bát định, Ba thế giới) như Không vô biên xứ (ākāśanantyāyatana), Thức vô biên xứ (vijñānanantyāyatana), Vô sở hữu xứ (ākiṃcanyāyatana) và Phi tưởng phi phi tưởng xứ (naivasaṃjñānāsaṃjñāyatana) mới không bước vào trạng thái trung hữu này; cuộc sống mới của họ bắt đầu ngay sau cái chết. Những người tái sinh trong Dục giới (kāmadhātu) và Sắc giới (rūpadhātu) phải trải qua quá trình trung hữu và trong quá trình này, thần thức tồn tại dưới dạng sau này sẽ tái sinh. Thân trung hữu có tất cả những giác quan thông thường, có Thiên nhãn thông, có thể vượt qua tất cả những chướng ngại và xuất hiện khắp nơi tuỳ ý. Thân này thấy được những thân trung hữu đồng loại – Ðịa ngục, Ngạ quỷ, súc sinh, nhân loài, A-tu-la và chư Thiên – và ngược lại, thân này cũng có thể được những người có thiên nhãn nhận ra.
Nếu thân trung hữu không tìm được nơi tái sinh tương ưng với những nghiệp đã tạo thì nó chết một cái chết nhỏ sau bảy ngày, bước vào một giai đoạn trung hữu khác. Quá trình này chỉ có thể lặp lại nhiều nhất là 6 lần và thần thức chỉ có thể ở trong giai đoạn trung hữu 49 ngày (7 tuần). Như vậy có nghĩa là, những thần thức tự nhận sau một năm chưa tìm được nơi xứng đáng để tái sinh không còn ở trong trạng thái trung hữu nữa mà đã tái sinh thành một oan hồn, ngạ quỷ.
Ai tái sinh thành người trở lại thì thấy cha mẹ tương lai đang nằm chung với nhau. Người nào tái sinh thành nam giới thì phát lòng ái mộ bà mẹ, căm ghét người cha khi thấy cảnh trên; người nào tái sinh thành nữ giới thì phát tâm ngược lại. Bị dục ái thúc đẩy, thân trung hữu nhào đến cảnh giới trên và tìm cách giao phối với người mình yêu thích. Nhưng khi đến nơi thì thần thức chỉ thấy được bộ phận sinh dục của người đó và vì thế trở nên phẫn nộ. Tâm trạng phẫn nộ này chính là yếu tố gián đoạn trạng thái trung hữu; thần thức đã bước vào tử cung của mẹ, một cuộc sống mới đã bắt đầu. Khi tinh của cha, huyết của mẹ và thần thức hợp lại nhau thì chúng phát triển thành những yếu tố tạo thành một con người mới…
Móc nối tiếp giữa cuộc sống hiện tại và tương lai được tạo dưới sự ảnh hưởng của Ba độc là tham, sân và Si. Khi ba độc này chưa được tiêu diệt thì con người còn bị trói buộc. Tái sinh có tốt có xấu, nhưng khi còn bị trói buộc, người ta phải mang gánh nặng của Ngũ uẩn… Nếu muốn diệt cái Khổ của sinh, lão, bệnh, tử thì trước hết, người ta phải diệt ba độc căn bản nêu trên. Nguồn gốc của chúng lại là Vô minh (avidyā) – là kiến giải sai lầm rằng, con người và những hiện tượng khác đều mang một tự tính, tự ngã. Những liều thuốc có thể giảm được phần nào những chứng bệnh bên ngoài, nhưng chúng không thể giải được vấn đề chính. Các cách tu tập nội tâm – ví dụ như tu luyện những cách chống đối lại tham, sân – có thể giúp ích hơn, nhưng chúng cũng chỉ là những phương tiện tạm thời. Chỉ khi nào vô minh – cội rễ của chúng – được đoạn diệt thì chúng mới tự huỷ diệt…”. (Xem thêm Cận tử nghiệp, Trung hữu, Tử thư).

Từ (bi) Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

慈 (悲) 經; P: mettā-sutta;
Kinh Tiểu thừa nhằm phát huy lòng Từ bi. Kinh này được ghi lại bằng tiếng Pā-li và được phổ biến rất rộng rãi ở các nước theo truyền thống Thượng toạ bộ, được tăng ni tụng niệm hàng ngày.
Toàn văn kinh Từ bi (bản dịch của Thích Thiện Châu):
Ai khôn ngoan muốn tìm hạnh phúc
Và ước mong sống với an lành
Phải tài năng, ngay thẳng, công minh
Nghe lời phải, dịu dàng khiêm tốn.
Ưa thanh bần, dễ dàng chịu đựng
Ít bận rộn, vui đời giản dị
Chế ngự giác quan và thận trọng
Không liều lĩnh, chẳng mê tục luỵ.
Không chạy theo điều quấy nhỏ nhoi
Mà thánh hiền có thể chê bai
Ðem an vui đến cho muôn loài
Cầu chúng sinh thảy đều an lạc.
Không bỏ sót một hữu tình nào
Kẻ ốm yếu hoặc người khỏe mạnh
Giống lớn to hoặc loại dài cao
Thân trung bình hoặc ngắn, nhỏ, thô.
Có hình tướng hay không hình tướng
Ở gần ta hoặc ở nơi xa
Ðã sinh rồi hoặc sắp sinh ra
Cầu cho tất cả đều an lạc
Với ai và bất luận ở đâu
Không lừa dối, chẳng nên khinh dễ
Lúc căm hờn hoặc khi giận dữ
Ðừng mưu toan gây khổ cho nhau
Như mẹ hiền thương yêu con một
Dám hi sinh bảo vệ cho con
Với muôn loài ân cần không khác
Lòng ái từ như bể như non
Tung rãi từ tâm khắp vũ trụ
Mở rộng tình thương không giới hạn
Từng trên, phía dưới và khoảng giữa
Không vướng mắc oán thù ghét bỏ
Khi đi, khi đứng hoặc nằm ngồi
Hễ lúc nào tinh thần tỉnh táo
Phát triển luôn dòng chính niệm này
Là đạo sống đẹp cao nhất đời
Ðừng để lạc vào nơi mê tối
Ðủ giới đức, trí huệ cao vời
Và dứt bỏ lòng tham dục lạc
Ðược như thế thoát khỏi luân hồi.

Từ Bi

Từ Điển Đạo Uyển

慈悲; S: maitrī-karuṇā; P: mettā-karuṇā;
Hai đức hạnh chính của đạo Phật và cũng là cơ sở tâm lí của một vị Bồ Tát. Hai đức tính này được biểu hiện qua lời nguyện cứu độ tất cả chúng sinh thoát khỏi luân hồi.
Người ta phân biệt ba loại Từ bi: 1. Tấm lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh theo lẽ thường; 2. Là kết quả của việc chứng ngộ được tính vô ngã của tất cả các pháp, là quả vị của tất cả những vị Thanh văn, Ðộc giác và Bồ Tát khi bước vào địa vị thứ nhất của Thập địa; 3. Là tấm lòng Ðại từ đại bi (s: mahāmaitrī-karuṇā) của một đức Phật, một tấm lòng từ bi tuyệt đối vô phân biệt, vô điều kiện.

Tu Chứng

Từ Điển Đạo Uyển

修證; C: xiū zhèng; J: shūshō; S: samudā-gama.
1. Nhận ra được kết quả của việc tu đạo; 2. Tu tập và chứng ngộ.

Tứ Cú Phân Biệt

Từ Điển Đạo Uyển

四句分別; S: catuṣkoṭika; J: shiku fumbet-su;
Chỉ bốn cách lí luận, đó là : 1. Có (有; hữu); 2. Không (無; vô); 3. Vừa có vừa không (亦有亦無; diệc hữu diệc vô), 4. Không phải có cũng không phải không (非有非無; phi hữu phi vô).
Tứ cú phân biệt này tương ưng với bốn trường hợp của luận lí học ngày nay là: 1. Khẳng định; 2. Phủ định; 3. Chiết trung và 4. Hoài nghi (xem thêm Tứ liệu giản của Thiền sư Lâm Tế).

Tứ Diệu đế

Từ Điển Đạo Uyển

四妙諦; S: catvāri ārya-satyāni; P: cattāri ari-ya-saccāni; cũng gọi là Tứ thánh đế (四聖諦).
Bốn chân lí cao cả, là gốc cơ bản của giáo pháp đạo Phật. Bốn chân lí đó là:
1. Khổ đế (苦諦; s: duḥkhasatya), chân lí về sự Khổ; 2. Tập khổ đế (集苦諦; s: samu-dayasatya), chân lí về sự phát sinh của khổ; 3. Diệt khổ đế (滅苦諦; s: duḥkhanirodha-satya), chân lí về diệt khổ; 4. Ðạo đế (道諦; s: mārgasatya), chân lí về con đường dẫn đến diệt khổ.
Chân lí thứ nhất cho rằng mọi dạng tồn tại đều mang tính chất khổ não, không trọn vẹn. Sinh, lão bệnh, tử, xa lìa điều mình ưa thích, không đạt sở nguyện, đều là khổ. Sâu xa hơn, bản chất của năm nhóm thân tâm, Ngũ uẩn (五蘊; s: pañcaskandha; p: pañcakhan-dha), là các điều kiện tạo nên cái ta, đều là khổ.
Chân lí thứ hai cho rằng nguyên nhân của khổ là sự ham muốn, Ái (愛; s: tṛṣṇā; p: ta-ṇhā), tìm sự thoả mãn dục vọng, thoả mãn được trở thành, thoả mãn được hoại diệt. Các loại ham muốn này là gốc của Luân hồi (輪迴; s, p: saṃsāra).
Chân lí thứ ba nói rằng một khi gốc của mọi tham ái được tận diệt thì sự khổ cũng được tận diệt.
Chân lí thứ tư cho rằng phương pháp để đạt sự diệt khổ là con đường diệt khổ tám nhánh, Bát chính đạo. Không thấu hiểu Tứ diệu đế được gọi là Vô minh (無明; s: avi-dyā; p: avijjā).
Theo truyền thuyết, thông qua sự khám phá Tứ diệu đế, Ðức Phật đạt Giác ngộ (覺悟; s, p: bodhi). Ngài bắt đầu giáo hoá chúng sinh bằng giáo pháp này, tại Lộc uyển.
Phật thuyết như sau về Tứ diệu đế trong kinh Chuyển pháp luân (bản dịch của Thích Minh Châu):
“Này các tỉ-khâu, đây chính là Khổ thánh đế: sinh là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, oán ghét gặp nhau là khổ; thân ái biệt li là khổ, cầu không được là khổ, tóm lại năm uẩn chấp thủ là khổ.
Này các tỉ-khâu, đây chính là Tập khổ thánh đế. Chính là ái đưa đến hữu, tương ứng với hỉ và tham, tìm cầu hoan lạc chỗ này chỗ kia, chính là dục ái, sinh ái, vô sinh ái.
Này các tỉ-khâu, đây chính là Diệt khổ thánh đế. Chính là sự diệt tận, vô dục, từ bỏ, xả li, giải thoát, tự tại đối với các ái.
Này các tỉ-khâu, đây chính là Ðạo diệt khổ thánh đế, đưa đến diệt Khổ, chính là con đường thánh tám ngành: Chính kiến, Chính tư duy, Chính ngữ, Chính nghiệp, Chính mệnh, Chính tinh tiến, Chính niệm, Chính định.”

Tử Dung Minh Hoằng

Từ Điển Đạo Uyển

明弘; tk. 17
Thiền sư Trung Quốc, thuộc tông Lâm Tế, pháp hệ thứ 34. Sư người tỉnh Quảng Ðông, đã cùng Thiền sư Nguyên Thiều Siêu Bạch sang miền Trung hoằng hoá. Nơi đây, Sư lập chùa Ấn Tông tại Huế (bây giờ là chùa Từ Ðàm) và truyền pháp cho một đệ tử người Việt trứ danh là Liễu Quán. Sư tịch tại Việt Nam nhưng không rõ năm nào.

Tứ đại Chủng

Từ Điển Đạo Uyển

四大種; Yếu tố, Ðại chủng: s, p: mahābhūta; thường được gọi tắt là Tứ đại;
Là đất (地; địa; s: pṛthvī), nước (水; thuỷ; s: āp), lửa (火; hoả, s: tejah), gió (風; phong; s: vāyu). Chỉ bốn yếu tố hợp thành mọi vật thể: chất cứng (đất), chất lỏng (nước), hơi nóng (lửa) và yếu tố vận động (gió). Phân tích bốn yếu tố này để thấy vật thể cũng do hoà hợp mà thành là một phép quán thiền định quan trọng với mục đích đối trị Ngã kiến, để thấy mọi thân thể là Vô thường, Vô ngã và gây Khổ. Trong hệ thống Tan-tra, người ta còn kể thêm Hư không (虛空; s: ākāśa) là yếu tố thứ năm, gọi chung lại là Ngũ giới (五界; s: pañcadhātu).

Tứ đại Danh Sơn

Từ Điển Đạo Uyển

四大名山
chỉ bốn ngọn núi tại Trung Quốc, được xem là bốn trú xứ của các vị Bồ Tát:
1. Ngũ Ðài sơn, trú xứ của Văn-thù (s: mañjuśrī); 2. Phổ-đà sơn của Quán Thế Âm (s: avalokiteśvara); 3. Nga Mi sơn của Phổ Hiền (s: samantabhadra) và 4. Cửu Hoa sơn của Ðịa Tạng (s: kṣitigarbha).

Tu đạo

Từ Điển Đạo Uyển

修道; C: xiūdào; J: shudō;
Có các nghĩa sau: 1. Tu tập đạo pháp; thực hành đạo lí (s: mārga-bhāvana); 2. Giai vị Tu đạo (Tu đạo vị), giai vị thứ tư trong Ngũ vị (五位) theo pháp tu của A-tì-đạt-ma và Du-già hành tông, là loại thứ hai trong Tam đạo (三道). Sau khi trải qua giai vị Kiến đạo (見道). Hành giả lập lại nỗ lực mới căn cứ trên nội quán mới có được nầy, quán sát sâu hơn để hoà nhập với Thật tại. Phiền não được chuyển hoá trong giai đoạn nầy là những thứ đeo bám rất sâu, như Câu sinh phiền não, Tư hoặc (倶生、思惑); trong khi giai đoạn trước của Kiến đạo, hành giả có thể giải trừ những phiền não ít thô trọng hơn (như Phân biệt khởi phiền não, Kiến hoặc 分別起、見惑). Theo luận Câu-xá, thể nhập vào giai vị này tương đương với quả vị Dự lưu (預流; theo Du-già luận 瑜伽論).

Tu đoạn

Từ Điển Đạo Uyển

修斷; C: xiūduàn; J: shudan;
Có các nghĩa sau: 1. Tu các thiện pháp, thực hành theo chính kiến… và giải trừ, làm tiêu tan mọi tập khí xấu ác (phiền não 煩惱); 2. Điểm then chốt của Tam học (s: bhāvana-ppdadhāna). Cũng thường viết là Tu đoạn (脩斷). Loại thứ tư trong Tứ chính đoạn (四正斷); 3. Những phiền não được diệt trừ trong giai vị Tu đạo (修道).

Tu Hành

Từ Điển Đạo Uyển

修行; C: xiūxíng; J: shugyō;
Có các nghĩa sau: 1. Tập luyện, thực hành, thực hiện (s: pratipatti, prapatti, adhyācāra, adhigama, prayoga); 2. Cố gắng, nỗ lực; 3. Sự sám hối, sự khổ hạnh; 4. Tự mình tinh tấn tu tập pháp Du-già (s: yoga); 5. Hành trì giới luật.

Tu Hành Trú

Từ Điển Đạo Uyển

修行住; C: xiū xíng zhù; J: shugyōjū;
Một giai vị trong Thập trú.

Tử Hồ Lợi Tung

Từ Điển Đạo Uyển

子湖利蹤; C: zǐhú lìzōng; J: shiko rishō; ~ 800-880;
Thiền sư Trung Quốc, môn đệ của Nam Tuyền Phổ Nguyện và bạn đồng học với hai vị Triệu Châu Tòng Thẩm và Trường Sa Cảnh Sầm.
Sư nổi danh vì tấm bia độc đáo trước am: “Tử Hồ có một con chó, trên cắn đầu người, giữa cắn lưng người, dưới cắn chân người, suy nghĩ ắt tan thân mất mệnh.” Có ai đến am tham vấn, Sư thường gọi lớn “Coi chừng chó!” Hễ quay đầu lại nhìn thì Sư lui vào phương trượng không tiếp. Ngoài ra Sư cũng được biết đến qua việc cho Lưu Thiết Ma – một vị nữ Thiền sư giác ngộ thâm sâu nếm mùi gậy.

Tu Hoặc

Từ Điển Đạo Uyển

修惑; C: xiūhuò; J: shuwaku;
Phiền não có trong chúng sinh từ khi sinh ra, chỉ giải trừ được bằng cách tu đạo. Còn gọi là Tư hoặc (思惑, theo Câu-xá luận 倶舎論).

Tứ Hoằng Thệ Nguyện

Từ Điển Đạo Uyển

四弘誓願; J: shiguseigan;
Là bốn thệ nguyện rộng lớn, dựa trên Tứ diệu đế mà phát sinh. Tứ hoằng thệ nguyện gồm có: 1. Chúng sinh vô lượng thệ nguyện độ (眾生無量誓願渡), dựa vào Khổ đế mà phát nguyện; 2. Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn (煩惱無盡誓願斷), dựa vào Tập đế mà phát nguyện; 3. Pháp môn vô lượng thệ nguyện học (法門無量誓願學), dựa vào Ðạo đế mà phát; 4. Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành (佛道無上誓願成), dựa vào Diệt đế mà phát sinh.

Tu Học

Từ Điển Đạo Uyển

修學; C: xiūxué; J: shūgaku;
Nghiên cứu và thực hành đạo giác ngộ.

Tu Huệ

Từ Điển Đạo Uyển

修慧 (惠); C: xiūhuì; J: shue;
Có các nghĩa sau: 1. Trí huệ chân chính đạt được thông qua tu đạo (s: bhāvanā-mayi-prajñā; t: bsgom pa las byun baḥi śes). Một trong 3 loại huệ (Tam huệ 三慧); 2. Tu tập tùy thuận theo trí huệ.

Tự Lực

Từ Điển Đạo Uyển

自力; J: jiriki;
Tự sức mình đạt Giác ngộ, chẳng hạn bằng phương pháp Toạ thiền (j: zazen). Ðối nghĩa với tự lực là Tha lực (他力; j: tariki), nghĩa là lực từ bên ngoài. Tha lực hay được dùng để chỉ quan niệm dựa vào một đức Phật, thí dụ Phật A-di-đà để sinh vào Tây phương Tịnh độ. Ngược lại, Thiền tông hay được xem là phương pháp dựa vào tự lực để giải thoát.
Tuy nhiên – như Thiền tông vẫn nhấn mạnh –, mỗi người đều mang sẵn Phật tính trong chính mình. Vì vậy nên sự phân biệt giữa tự lực và tha lực chỉ nói đến cách tu và thật ra cũng không cần thiết. Hành giả theo phép tu tha lực cũng phải tự lực, tinh tiến để mở được cánh cửa của tâm thức mà đến với tha lực nọ. Ngược lại, tự lực chẳng qua là biểu hiện cụ thể của tha lực đó.

Tứ Nhiếp Pháp

Từ Điển Đạo Uyển

四攝法; S: catvāri-saṃgrahavastūni;
Bốn cách tiếp dẫn chúng sinh của Ðại thừa: 1. Bố thí (布施; s: dāna); 2. Ái ngữ (愛語; s: priyavāditā), nghĩa là dùng lời hay, đẹp để chinh phục người; 3. Lợi hạnh (利行; s: arthacaryā), hành động vị tha; 4. Ðồng sự (同事; s: samānārthatā), cùng chung làm với những người thiện cũng như ác để hướng dẫn họ đến bờ giác.

Tứ Niệm Xứ

Từ Điển Đạo Uyển

四念處; S: smṛtyupasṭhāna; P: satipaṭṭhāna;
Bốn niệm xứ

Tứ Niệm Xứ Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

四念處經; S: smṛtyupasṭhāna-sūtra; P: sati-paṭṭhāna-sutta;
Bốn niệm xứ kinh.

Tư Phúc Như Bảo

Từ Điển Đạo Uyển

資福如寶; C: zīfú rúbǎo; J: shifuku nyohō; tk. 9/10;
Thiền sư Trung Quốc, thuộc tông Quy Ngưỡng, nối pháp Thiền sư Tây Tháp Quang Mục (西塔光穆), một môn đệ đắc pháp của Thiền sư Ngưỡng Sơn Huệ Tịch. Sư được nhắc lại trong Công án 33 và 91 của Bích nham lục. Ngoài ra sử sách hầu như không ghi gì thêm về Sư ngoài việc sử dụng 97 viên tướng, một hệ thống truyền pháp bí mật mà chỉ các bậc thượng thủ trong Quy Ngưỡng tông được truyền và ứng dụng. Hệ thống 97 viên tướng xuất phát từ Quốc sư Nam Dương Huệ Trung, qua Ðam Nguyên Ứng Chân và được Thiền sư Ngưỡng Sơn đưa vào tông Quy Ngưỡng.

Tứ Sát

Từ Điển Đạo Uyển

伺察; C: sìchá; J: shisatsu;
Quán sát, tư duy sâu kín để thâm nhập vào cốt tuỷ của các pháp. Trong hầu hết các hệ thống Thiền minh sát (Quán 觀, s: vipaśya-nā), Tứ sát được xem là dạng vi tế nhất trong pháp Thiền phân tích.

Tử Tâm Ngộ Tân

Từ Điển Đạo Uyển

死心悟新; C: sǐxīn wùxīn; J: shishin goshin; 1044-1115;
Thiền sư Trung Quốc, thuộc tông Lâm Tế dòng Hoàng Long. Sư đắc pháp nơi Thiền sư Hối Ðường Tổ Tâm. Từ dòng của Sư, Thiền Lâm Tế được truyền sang Nhật Bản lần đầu qua Minh Am Vinh Tây.
Sư họ Vương, quê ở Khúc Giang Thiều Châu. Dáng người Sư cao lớn mặt đen giống như người Ấn Ðộ. Sư xuất gia tại viện Phật-đà, phong cách xuất chúng. Ban đầu Sư đến Thiền sư Tú Thiết Diện. Sau một Pháp chiến, Thiền sư Tú thừa nhận nhưng Sư chẳng lưu ý, phủi áo ra đi.
Ðến Hoàng Long, Sư yết kiến Thiền sư Bảo Giác. Sau một lúc đàm luận Bảo Giác thấy Sư chưa ngộ bèn nói: “Nếu tài năng chỉ thế, nói ăn đâu no bụng người?” Sư bế tắc không lời nói, tỏ rõ: “Con đến đây cung gãy tên hết, cúi mong Hoà thượng từ bi chỉ chỗ an lạc.” Bảo Giác liền dạy: “Một hạt bụi bay hay che trời, một hạt cải rơi hay phủ đất, chỗ an lạc tối kị Thượng toạ có bao nhiêu thứ tạp nhạp. Cần phải chết toàn tâm từ vô thuỷ kiếp đến nay mới nên vậy.”
Một hôm, Sư ngồi lặng lẽ dưới tấm bảng, chợt thấy Tri sự đánh Cư sĩ và khi nghe tiếng roi, Sư bỗng nhiên thông suốt, quên mang giày chạy đến Bảo Giác trình: “Người trong thiên hạ thảy là học được, con đã ngộ được rồi.” Bảo Giác cười nói: “Tuyển Phật được người đứng đầu bảng, ai dám đương.” Từ đây Sư được hiệu là Tử Tâm, chỗ ở của Sư có bản hiệu là “Tử Tâm thất.”
Sư ban đầu trụ Vân Nham, sau dời trụ tại Thuý Nham. Tại đây có miếu Thần, dân làng cúng rượu thịt liên miên. Sư sai tri sự đi phá miếu, tri sự không dám đi sợ chuốc hoạ. Sư bảo: “Nếu hay tác hoạ, ta tự làm đó.” Nói xong Sư đích thân đi huỷ miếu. Có con rắn to nằm đưa đầu như muốn mổ. Nghe Sư quở, nó trốn đi. Sư về nghỉ an ổn và không bao lâu, Sư trở về Vân Nham. Có một vị quan làm lời kí cho một Kinh tàng. Ông lấy lời ghi mộ của người thân khắc bên cạnh cái bia. Sư không hài lòng nói: “Cái mộ mà xem thường không sợ hoạ sao?” Sư nói chưa dứt, sét đánh nổ vỡ tấm bia.
Niên hiệu Chính Hoà thứ 5, ngày 13 tháng 12, buổi chiều Tiểu tham, Sư nói kệ. Ðến ngày rằm, Sư thị tịch, thọ 72 tuổi, 45 tuổi hạ.

Tu Tập

Từ Điển Đạo Uyển

修習; C: xiūxí; J: shūjū;
Có các nghĩa sau: 1. Thực hành, công phu, tu đạo (s: panicarya, bhāvanā, abhyāsa, aseva-na); 2. Thực hành pháp Du-già (yoga). Tu tập pháp thiền Chỉ quán.

Tu Tập Vị

Từ Điển Đạo Uyển

修習位; C: xiūxí wèi; J: shūjūi;
Giai vị Tu đạo. Giai vị thứ tư trong 5 bậc theo pháp tu của Duy thức tông do Thế Thân giải thích trong Duy thức tam thập tụng. Bài tụng nầy giải thích nhờ tu tập thường xuyên trở về với lí Duy thức mà chứng ngộ được qua “kiến đạo”, thâm chứng được trí vô phân biệt và cắt đứt được mọi phiền não. Giai vị nầy tương quan với công hạnh của hàng Bồ Tát từ Đệ nhất địa đến Thập địa.

Tứ Thập Nhị Chương Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

四十二章經; S: dvācatvāriṃśat-khanda-sūtra;
Kinh đầu tiên được dịch ra chữ Hán. Kinh này do một phái đoàn của Minh Ðế đi Ấn Ðộ mang về và được hai Cao tăng Ấn Ðộ là Ca-diếp Ma-đằng (迦葉摩騰; s: kāśyapa mātaṅga) và Trúc Pháp Lan (竺法蘭; go-bharaṇa hoặc dharmarakṣa) dịch trong năm 67. Kinh này là văn bản Phật giáo đầu tiên tại Trung Quốc, nói một số giáo pháp Tiểu thừa cũng như giảng về tính Vô thường (s: a-nitya) và Ái (s: tṛṣṇā). Có nhiều bản dịch của kinh này và nội dung cũng rất khác nhau.

Từ Thị

Từ Điển Đạo Uyển

慈氏; S: maitreya; P: metteya;
Tên dịch nghĩa, dịch âm là Di-lặc.

Tứ Thiền

Từ Điển Đạo Uyển

四禪
Gọi đầy đủ là Tứ thiền định; chỉ bốn cấp thiền trong sắc giới (Ba thế giới), đó là:
1. Ðịnh sơ thiền: tâm tập trung vào một cảnh, tâm tầm (s, p: vitarka), tứ (s, p: vicāra), hoàn toàn li dục và không còn các Bất thiện Pháp. Người đạt sơ thiền cảm nhận trạng thái Hỉ (s: prīti), Lạc (s: sukha) và Xả (s: upekṣā); 2. Ðịnh nhị thiền: tâm không còn tầm, tứ. Nội tĩnh, Nhất tâm. Trạng thái này là Hỉ, Lạc, Xả; 3. Ðịnh tam thiền: lìa trạng thái Hỉ, chỉ còn trạng thái Xả và Lạc; 4. Ðịnh tứ thiền: lìa trạng thái Lạc, chỉ còn riêng cảm giác Xả và chính niệm.

Tứ Thiền Bát định

Từ Điển Đạo Uyển

四禪八定
bao gồm Tứ thiền (1-4) và bốn xứ của Vô sắc giới (s: arūpasamādhi; xem Ba thế giới) sau:
1. Ðịnh Không vô biên xứ (空無邊處定; s: ākāśanantyāyatana, p: ākāsanañcāyatana): hoàn toàn vượt khỏi sắc tướng (rūpa), đối ngại tưởng biến mất, và không tác ý đến những tưởng sai biệt. Với ý tưởng “Hư không là vô biên,” đạt Không vô biên xứ; 2. Ðịnh Thức vô biên xứ (識無邊處定; s: vijñānanantyāyatana, p: viññāṇañcāyata-na): vượt khỏi Không vô biên xứ, đạt Thức vô biên xứ với ý niệm “Thức là vô biên”; 3. Ðịnh Vô sở hữu xứ (無所有處; s: ākiṃ-canyāyatana, p: ākiñcaññāyatana): hoàn toàn vượt khỏi Thức vô biên xứ, đạt Vô sở hữu xứ với ý niệm “Vô sở hữu.” Lìa được trạng thái không quán, thức quán và tâm sở hữu; 4. Ðịnh Phi tưởng, phi phi tưởng xứ (非想非非想處定; s: naivasaṃjñā-nāsaṃjñā-yatana, p: nevasaññā-nāsaññāyatana): hoàn toàn vượt khỏi Vô sở hữu xứ, trú tại Phi tưởng, phi phi tưởng xứ.
Bốn định của vô sắc giới (無色界定; s, p: arūpasamādhi) này có thể được Phật thu thập từ truyền thống thiền của Ấn Ðộ trước đó và sau được hợp lại với Tứ thiền trở thành Bát định.

Tứ Thiên Vương

Từ Điển Đạo Uyển

四天王; S, P: caturmahārāja;
Ðược xem là bốn vị Hộ thế canh gác bốn phương trời, các vị là người giữ gìn thế giới và đạo Phật. Trước cổng chùa chiền, người ta hay thấy tượng các vị Thiên vương đó.

Tử Thư

Từ Điển Đạo Uyển

死書; T: bardo thodol [bar-do thos-grol]; nguyên nghĩa là “Giải thoát qua âm thanh trong Trung hữu”;
Là một bí lục, được xem là trứ tác của Ðại sư Liên Hoa Sinh (s: padmasambhava), gồm những lời khai thị cho người sắp chết (Tử). Tử thư được tìm thấy khoảng thế kỉ thứ 14, đó là một Ter-ma. Giai đoạn của cái chết được chia làm ba phần, liên hệ chặt chẽ với Ba thân Phật:
1. Trong giai đoạn đầu ngay sau khi chết, Pháp thân (s: dharmakāya) xuất hiện dưới dạng Cực quang (s: ābhāsvara), ánh sáng rực rỡ;
2. Trong giai đoạn hai, Báo thân (cũng gọi là Thụ dụng thân; s: saṃbhogakāya) xuất hiện dưới dạng Ngũ Phật hay Phật gia (buddha-kula), gồm hình dáng các vị Phật với những màu sắc khác nhau;
3. Trong giai đoạn ba, Ứng thân (nirmāṇa-kāya) xuất hiện dưới dạng sáu đường tái sinh (Lục đạo) của Dục giới (Vòng sinh tử; s: bhavacakra).
Trong cả ba giai đoạn đó, thần thức của người chết có thể đạt giải thoát bằng cách lắng nghe lời khai thị để nhận ra tất cả là do tâm thức mình đang chiếu hiện mà nhờ vậy đạt Niết-bàn.
Giáo pháp Tử thư được tìm thấy trong Na-rô lục pháp (t: nāro chodrug), Ðại cứu kính (t: dzogchen) và cả trong Bôn giáo của Tây Tạng. Ban đầu, đây là một phép tu (Nghi quỹ; s: sādhana) dành cho hành giả quán cảnh tượng cái chết, một phương pháp tu của Mật tông. Dần dần theo thời gian, Tử thư trở thành nội dung khai thị trong lễ cầu siêu cho người chết. Dựa trên Tử thư, lễ này chia làm nhiều giai đoạn, từ lúc mô tả cảnh tượng lúc chết, đến lúc xuất hiện các ánh sáng, phương thức chủ động lựa chọn nơi chốn đầu thai.
Quá trình chết được Tử thư mô tả như một giai đoạn dần dần rủ bỏ thân Tứ đại, các uẩn (Ngũ uẩn) dần dần hoại diệt. Khi cái chết vừa đến, thế giới ngoại quan vừa tan rã thì thể tính sâu kín nhất của tâm liền xuất hiện dưới dạng ánh sáng rực rỡ, được gọi là Cực quang (s: ābhāsvara). Nếu người chết không tự nhận biết thời điểm để tự “đồng hoá” với ánh sáng này đạt giải thoát thì sẽ “bất tỉnh ba bốn ngày” và sau đó tỉnh dậy với một thân được hình thành bằng ý thức – thức thân (s: manokāya) – thân này sẽ là chủ thể cảm nhận các kinh nghiệm tiếp theo.
Trong 14 ngày sau đó – khoảng thời gian được gọi là Pháp tính trung hữu (s: dharmatāntarābhava) – chủ thể đó sẽ thấy hiện ra Ngũ Phật và quyến thuộc (Phật gia), chứng kiến sự xuất hiện của 42 vị Hộ Thần dưới dạng tịch tịnh (s: śānta) và 58 vị dưới dạng phẫn nộ (s: krodha). Các vị Hộ Thần này xuất hiện trong phạm vi của một Man-đa-la và người ta có thể mô tả chính xác chư vị trong Tử thư được là vì sử dụng một Nghi quỹ (s: sādhana) với khả năng bao gồm, soi rọi tất cả những cảm xúc, tâm trạng của một cá nhân. Khía cạnh tính Không – tính trống rỗng của chư pháp – được biểu hiện qua các vị Hộ Thần dưới dạng tịch tịnh, khía cạnh sáng rõ được biểu hiện qua các vị phẫn nộ. Tử thư khai thị người chết rằng những hình ảnh không có thật chất – chúng chỉ là phản ánh, là những trình hiện của chính tâm thức.
Nếu thần thức cũng không trực chứng được điều này, thân trung hữu chuyển qua một giai đoạn khác kéo dài 28 ngày – được gọi là Trung hữu của sự trưởng thành và tái sinh (bhavāntarābhava). Trong 21 ngày đầu, trung hữu sẽ sống lại các Nghiệp mình đã tạo ra, 7 ngày sau là giai đoạn thần thức tìm một nơi tái sinh.

Tự Tính

Từ Điển Đạo Uyển

自性; S: svabhāva; J: jishō;
Chỉ cái tính nằm sau mọi hiện tượng, cái ngã. Theo quan điểm Ðại thừa, tất cả mọi sự đều không có tự tính (s: asvabhāva), vô ngã, tức là không có một cái gì chắc thật, riêng biệt đứng đằng sau các trình hiện. Ðiều đó không có nghĩa sự vật không có thật, chúng hiện diện nhưng chúng chỉ là dạng xuất hiện của tính Không, tự tính là tính Không (自性空; Tự tính không; s: svabhāva-śūnyatā). Ðây là quan điểm trung tâm của tư tưởng Bát-nhã ba-la-mật-đa (s: prajñāpāramitā) và Trung quán (s: madhyamaka).
Tuy nhiên, trong Thiền tông và các tông phái của Ðại thừa tại Trung Quốc, biểu thị Tự tính (j: jishō) được dùng để chỉ cho bản thể thật sự của chúng sinh, vạn vật, đồng nghĩa với Phật tính (s: buddhatā; j: busshō) và nên phân biệt nó với cái tiểu Ngã mà Phật đã bác bỏ.

Tự Tính Thanh Tịnh Tâm

Từ Điển Đạo Uyển

自性清淨心; J: jishō-shōjō-shin; nghĩa là cái tâm thanh tịnh có sẵn trong mỗi chúng sinh;
Một biểu thị thường được dùng để chỉ sự hoàn hảo, Phật tính (s: buddhatā). Thanh tịnh tâm lúc nào cũng hiện diện nhưng chỉ một bậc Giác ngộ, Kiến tính mới tự biết được.

Tu Trì

Từ Điển Đạo Uyển

修持; C: xiūchí; J: shuji;
Công phu tu tập theo một tinh thần một kinh văn và chuyên tâm, trung thành với kinh ấy. Thường là phẩm khuyến khích sự hành trì vào cuối bản kinh (theo Pháp Hoa kinh 法華經).

Tu Trị

Từ Điển Đạo Uyển

修治; C: xiūzhì; J: shuji, shuchi;
Chuyển hoá thanh tịnh bằng công phu tu tập (s: pariśodhana). Sự thanh trừng (theo Du-già luận 瑜伽論).

Tứ Vô Lượng

Từ Điển Đạo Uyển

四無量; hoặc Tứ vô lượng tâm; S: catur-apra-māṇavihāra; P: catur-appamañña-vihāra;
Một tên khác của Bốn phạm trú.

Tu-Bồ-đề

Từ Điển Đạo Uyển

須菩提; S, P: subhūti; tên dịch nghĩa là Thiện Hiện, Thiện Cát, Thiện Nghiệp;
Một trong Mười đại đệ tử của Phật. Tôn giả là người nổi tiếng về phép thiền quán về lòng Từ (s: maitrī; kinh Từ bi). Trong bộ kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa, Tôn giả là người giải thích tính Không (s: śūnyatā) ưu việt nhất.

Tu-Di Sơn

Từ Điển Đạo Uyển

須彌山; S: meru, sumeru;
Theo vũ trụ quan của Ấn Ðộ cổ thì Tu-di là trung tâm của vũ trụ và là trú xứ của chư Thiên. Về núi Tu-di thì hai quan niệm vũ trụ của Bà-la-môn và Phật giáo giống nhau, ngoài ra chúng lại có nhiều chỗ khác nhau về các hệ phụ thuộc.
Theo quan niệm Phật giáo thì xung quanh núi Tu-di là biển cả và lục địa bao bọc; dưới núi Tu-di là cõi của loài Ngạ quỷ (s: preta), phía trên là từng của các Thiên giới (s: deva) cao cấp, các tầng Sắc giới (s: rūpaloka) cũng như các tầng Vô sắc giới (Ba thế giới) và Tịnh độ.

Tư-đà-Hàm

Từ Điển Đạo Uyển

斯陀含; S: sakṛḍāgāmin; P: sakaḍāgāmin;
Nhất lai.

Tu-đa-La

Từ Điển Đạo Uyển

修多羅; C: xiūduōluó; J: shūtara;
Cũng như Tu-tha-la (修他羅).

Tu-La

Từ Điển Đạo Uyển

修羅; C: xiūluó; J: shura;
Cách viết ngắn của từ A-tu-la (阿修羅).

Tu-Tha-La

Từ Điển Đạo Uyển

修他羅; C: xiūtāluó; J: shūtara;
Phiên âm chữ sūtra trong tiếng Phạn. Giáo pháp của đức Phật được truyền qua kinh điển. Một trong 12 thể loại của Kinh văn Phật giáo (Thập nhị bộ kinh 十二部經). Tiếng Hán dịch ý là Kinh (經).

Tục

Từ Điển Đạo Uyển

俗; C: sú; J: zoku;
Có các nghĩa sau: 1. Thói quen, tập quán, thông lệ, lệ thường, tục lệ; 2. Thế gian, trần tục, thế tục, thông tục. Đồng nghĩa với thế gian (世間), phản nghĩa với Xuất thế gian (出世間; s: vyavahāra); 3. Người thế gian, cư sĩ, khác với người đã xuất gia sống trong Tăng đoàn; 4. Hèn hạ, thường, đê tiện.

Tục đế

Từ Điển Đạo Uyển

俗諦; C: súdì; J: zokutai;
Chân lí thế gian, Chân lí thế tục. Thật tại được nhìn nhận từ người chưa giác ngộ. Chư Phật vận dụng chân lí nầy như 1 pháp phương tiện để dẫn dắt chúng sinh thể nhập chân lí tuyệt đối, hoặc được giác ngộ (s: saṃvṛti-satya, vyavahāra).

Tức Lự

Từ Điển Đạo Uyển

息慮; tk. 12-13
Thiền sư Việt Nam, thuộc dòng thiền Vô Ngôn Thông, pháp hệ thứ 14. Sư kế thừa Thiền sư Thông Thiền và sau truyền lại cho một vị Cư sĩ là Ứng Thuận Vương.
Sư quê ở Chu Minh, lúc nhỏ đã tỏ trí thông minh phi thường, đọc tất cả các sách ngoại điển. Bỗng một hôm, Sư bỏ tất cả những sở học, theo Thiền sư Thông Thiền tu học.
Một hôm, Sư đốn cây bắt được một con chim, đem về dâng thầy. Thông Thiền thấy vậy liền quở: “Ngươi đã làm tăng, sao lại phạm tội sát sinh? Làm sao tránh khỏi quả báo ngày sau?” Sư thưa: “Con chính khi ấy chẳng thấy có vật này, và cũng chẳng thấy có thân con, cũng chẳng biết có quả báo sát sinh, cho nên mới làm thế này.” Thông Thiền biết Sư là pháp khí thượng thặng liền gọi vào thất thầm dặn: “Ngươi nếu dùng đến chỗ đất ấy, dù có tạo tội Ngũ nghịch, thất giá cũng được thành Phật.” Có vị tăng nghe trộm lời này liền nói to: “Khổ thay, dù thế ấy tôi cũng chẳng nhận.” Thông Thiền lên tiếng bảo: “Trộm! Trộm! Ðâu nên, phi nhân sẽ gặp cơ hội tốt.” Sư nghe câu này liền lĩnh hội ý chỉ.
Sau, Sư trở về chùa Thông Thánh ở làng Chu Minh, phủ Thiên Ðức trụ trì.
Không biết Sư tịch năm nào, ở đâu.

Tục Trí

Từ Điển Đạo Uyển

俗智; C: súzhì; J: zokuchi;
Có các nghĩa sau: 1. Trí thế gian, trí thông tục. Còn gọi là Thế tục trí (世俗智); 2. Trí huệ khi nhìn các hiện tượng, sự kiện, xuất phát từ sự phân biệt chủ thể-khách thể; Đối lại là Chân trí (眞智) và Thánh trí (聖智); 3. Hữu lậu trí (theo Nhị chướng nghĩa 二障義).

Tục Vọng Chân Thật Tông

Từ Điển Đạo Uyển

俗妄眞實宗; C: súwàng zhēnshí zōng; J: zokubōjinjitsushū;
Giáo lí cho rằng, tất cả những sự việc thế tục đều là hư vọng, chỉ Phật pháp mới là chân thật.

Tuệ

Từ Điển Đạo Uyển

慧,惠
và những chữ bắt đầu bằng chữ Tuệ xem dưới chữ Huệ

Tụng

Từ Điển Đạo Uyển

頌; J: ju; cũng được dịch theo âm là Kệ-đà; dịch nghĩa từ chữ Gāthā của Phạn ngữ (sanskrit);
Là cách trình bày giáo pháp dưới dạng thơ, dạng chỉnh cú.

Tùng Nguyên Sùng Nhạc

Từ Điển Đạo Uyển

松源崇嶽; C: sōngyuán chóngyuè; J: shōgen sōgaku; 1139-1209;
Thiền sư Trung Quốc, thuộc tông Lâm Tế dòng Dương Kì, từng tham học với Thiền sư Ðại Huệ Tông Cảo, đắc pháp nơi Thiền sư Mật Am. Tắc 20 trong Vô môn quan có nhắc lại một giai thoại của Sư.

Tùng Quảng Tự

Từ Điển Đạo Uyển

松廣寺; C: sōngguăng sì; J: shōkōji; K: sŏnggwangsa;
Một trong những Thiền viện quan trọng nhất ở Hàn Quốc, nằm trên núi Tào Khê (曹溪山). Được Tri Nột (知訥, k: chinul) khai sáng, thiền viện nầy vẫn còn hoạt động đến ngày nay như một trung tâm tu học. Kiến thức đào tạo trong thiền viện nầy đã được trình bày qua tác phẩm của Buswell (1992).

Tung Sơn

Từ Điển Đạo Uyển

嵩山; C: sōngshān; J: sūsan, sūzan;
Một rặng núi thiêng ở Hồ Nam, Trung Quốc. Trên dãy núi này có rất nhiều chùa và nổi tiếng nhất là Thiếu Lâm tự trên ngọn Thiếu Thất, nơi Bồ-đề Ðạt-ma đã dừng chân.

Tùng Vĩ Ba Tiêu

Từ Điển Đạo Uyển

松尾芭蕉; J: matsuo bashō; 1644-1694;
Một thi hào vĩ đại người Nhật, người đã đưa dạng thơ Bài cú (排句; j: haiku, cũng thường được đọc là Hài cú), dạng thơ ba dòng với âm điệu 5-7-5 đến tuyệt đỉnh. Trong những bài thơ của ông, tinh thần Thiền được trình bày dưới dạng thi ca hoàn hảo nhất.
Ông họ Tùng Vĩ (松尾; matsuo), tên Tông Phòng (宗房; munefusa) xuất thân từ một gia đình hiệp sĩ (侍; samurai) cấp thấp. Vì sớm bước vào làm việc với vị quan hầu gần nhà nên ông có điều kiện tiếp xúc với nghệ thuật làm thơ, đặc biệt là dạng Bài cú. Vì sau này trụ tại một am có cây chuối trước cổng nên ông đặt tên là Ba Tiêu am, “Am cây chuối” và tự gọi mình là Ba Tiêu.
Sau khi được Phật Ðỉnh (佛頂; butchō), một vị Thiền sư thuộc tông Lâm Tế hướng dẫn vào giáo lí và phương pháp Toạ thiền theo Thiền tông, ông Kiến tính, ngộ đạo. Những kinh nghiệm quý báu này đã được trình lại một cách trọn vẹn trong những bài thơ, đặc biệt là những tác phẩm được hình thành trong thập niên cuối đời của ông. Cuộc đời của ông là một cuộc đời du tử, chu du đây đó, lúc nào cũng tự do tự tại. Ông du ngoạn khắp nước Nhật và những bài thơ về thắng cảnh, thiên nhiên của ông, được ép vào phạm vi khắc khe của dạng Bài cú là những kiệt tác vô song của nền văn hoá Nhật. Hầu hết tất cả những bài thơ Bài cú của ông đều có liên hệ đến thiên nhiên – không phải chỉ vì quy luật đặc biệt của Bài cú là trong mỗi bài, thi sĩ phải nhắc đến một trong bốn mùa hoặc ít nhất phải ám chỉ. Ông rất yêu thiên nhiên và con người. Nơi con người, ông thấy được sự ưu đãi của thiên nhiên, vũ trụ, sự quý báu vô cùng khi được làm người. Trong một Bài cú, ông trình bày rõ lòng mình (tạm dịch từ một bản Ðức ngữ):
Ko ni aku
tomōsu hito ni wa
hana mo nashi
“Ta không thích trẻ con”
Ai nói vậy sẽ không thấy được
Những nụ hoa chớm nở.
Bài thơ cuối cùng của ông trước khi tịch tại O-saka:
Tabi ni yande
yume wa kareno wo
kake-meguru
*Bệnh trên đường du ngoạn
đeo đuổi trên những cánh đồng khô
những giấc mộng xoay vòng.

Tưởng

Từ Điển Đạo Uyển

想; S: saṃjñā; P: saññā;
Cảm giác, khái niệm xuất phát từ tâm khi sáu giác quan tiếp xúc với ngoại cảnh. Ví dụ như một người nhìn một bầy chim bay thì khi vừa nhìn thấy bầy chim là Thụ (受; s, p: vedanā), trạng thái tự chủ, tự biết mình đang thấy bầy chim bay là Tưởng (e: perception). Tưởng là uẩn thứ ba trong Ngũ uẩn.

Tượng Pháp

Từ Điển Đạo Uyển

像法; C: xiàngfǎ; J: zōhō;
Có các nghĩa sau: 1. “Tương tự Chính pháp”; “tương tự pháp”. Giáo lí tương tự với chính pháp do đức Phật thuyết. Một trong ba thời (Tam thời 三時) (xem Chính tượng mạt 正像末) sau khi đức Phật nhập diệt, đó là thời Chính pháp, Tượng pháp và Mạt pháp. Các Phật tử nghiên cứu giáo lí và hiến mình cho việc tu tập, nhưng không nhất thiết hướng đến giác ngộ rốt ráo (s: pratirūpa-kah); 2. Các pháp (phần tử) như hình sắc, được phản chiếu trong gương (theo Bảo tính luận 寶性論).

Tượng Pháp Quyết Nghi Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

像法決疑經; C: xiàngfǎ juéyí jīng; J: zōhō-ketsugikyō;
Kinh nguỵ tạo ở vùng Đông Á; 1 quyển.

Tương ưng Bộ Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

相應部經; S: saṃyuktāgama; P: saṃyutta-ni-kāya;
Bộ thứ ba của Kinh tạng văn hệ Pā-li (Bộ kinh, A-hàm). Tương ưng bộ bao gồm các kinh ngắn nói về cuộc đời và hoạt động của đức Phật. Các kinh này được xếp loại và đặt tên dựa trên nội dung, tên người đối đáp hay cơ hội của các bài giảng của đức Phật.

Tuỳ Miên

Từ Điển Đạo Uyển

隨眠; S: anuśaya; P: anusaya;
Ðược hiểu là “khuynh hướng” con người dễ sa vào. Có bảy thứ: 1. Dục (欲; s, p: kāma); 2. Sân (瞋; pratigha); 3. Kiến (見; s: dṛṣṭi); 4. Nghi (疑; s: vicikitsā); 5. Mạn (慢; s: māna); 6. Hữu (有; s: bhava) muốn hiện hữu, có xác thịt; 7. Si (癡; moha) hoặc Vô minh (無明; avidyā). Các khuynh hướng đó nằm trong tiềm thức, là Tập khí (習氣; s: vāsanā), luôn luôn muốn trỗi dậy và tạo Ái.
Theo quan niệm của Thượng toạ bộ (p: theravāda) và Nhất thiết hữu bộ (s: sarvāstivāda) thì các khuynh hướng này có gốc tại tư tưởng và liên hệ với sự suy tư. Chúng có một đối tượng, một nguồn gốc tốt xấu và là “xấu”. Theo quan niệm của Ðại chúng bộ, Ðộc tử bộ và Pháp Tạng bộ thì các khuynh hướng này không liên quan gì đến suy tư, không có đối tượng, không có nguồn gốc tốt xấu, là trung tính – không tốt không xấu.

Tuỳ Niệm

Từ Điển Đạo Uyển

隨念; P: anussati; nghĩa là kiến giải, quán tưởng;
Trong các kinh Tiểu thừa, đây là các phép tu quán nhằm giải thoát ba gốc Bất thiện (p: akusala) Tham, Sân, Si, nhằm đạt các niềm vui giác ngộ. Các phép quán tưởng đó gồm có sáu: Quán Phật, quán Pháp (p: dhamma), quán Tăng-già (saṅgha), quán Giới (p: sīla), quán Bố thí (dāna), quán chư Thiên (deva). Có lúc hành giả còn quán thêm bốn thứ khác là: quán cái chết, quán thân, quán hơi thở ra vào và quán sự bình an.

Tuỳ Pháp Hành

Từ Điển Đạo Uyển

隨法行; S: dharmānussarin; P: dhammānus-sarin;
Một trong bảy hạng thánh môn đệ. Một trong hai hạng người trên đường đạt quả Dự lưu, lấy trí lí phân tích lí thuyết Phật pháp mà đạt. Hạng người thứ hai lấy Tín tâm mà đắc quả, được gọi là Tuỳ tín hành (s: śraddhānusārin; p: saddhānusārin).

Tuỳ Tín Hành

Từ Điển Đạo Uyển

隨信行; S: śraddhānusārin; P: saddhānu-sārin;
Chỉ người dựa vào lòng tin (Tín; s: śraddhā; p: saddhā), lấy lòng tin làm căn bản để tu tập Phật pháp. Một trong hai hạng người đang chuẩn bị đắc quả Dự lưu. Hạng người thứ hai là Tuỳ pháp hành (s: dharmānussarin; p: dhammānussarin).

Tuyết Ðậu Trọng Hiển

Từ Điển Đạo Uyển

雪竇重顯; C: xuědòu chóngxiǎn; J: setchō jū-ken; 980-1052;
Thiền sư Trung Quốc, thuộc tông Vân Môn, môn đệ của Trí Môn Quang Tộ. Sư là một trong những Ðại Thiền sư của tông Vân Môn.
Sư nổi danh một phần là nhờ việc sưu tầm biên soạn 100 Công án, sau này được Thiền sư Viên Ngộ bổ sung thêm thành bộ Bích nham lục. Dòng Thiền của Sư được Thiền sư Thảo Ðường đem qua Việt Nam trong thế kỉ 11. Nối Pháp của Sư có rất nhiều vị (tương truyền 84) nhưng nổi danh nhất có lẽ là Thiền sư Thiên Y Nghĩa Hoài.
Sư họ Lí, quê ở phủ Toại Ninh, theo sư Nhân Săn ở viện Phổ Am xuất gia. Sau khi thụ giới cụ túc, Sư đến những nơi giảng kinh luận, nghiên cứu cặn kẽ giáo lí. Sư lúc này đã nổi danh là biện luận lanh lẹ, là pháp khí Ðại thừa. Sau khi trải qua nhiều tùng lâm, Sư gõ cửa nơi Thiền sư Quang Tộ ở chùa Trí Môn.
Sư hỏi Trí Môn: “Chẳng khởi một niệm, tại sao có lỗi?” Trí Môn gọi Sư lại gần. Sư bước đến gần, Trí Môn vung cây Phất tử nhằm miệng Sư đánh. Sư toan mở miệng, Trí Môn lại đánh. Sư nhân đây đại ngộ, ở lại hầu Trí Môn thêm năm năm.
Rời Trí Môn, Sư tiếp tục Hành cước và nhân đây gặp lại người bạn cũ là Tu Tuyển Tằng Hội, đang giữ chức Thái thú. Một câu chuyện thú vị được lưu lại về cuộc gặp gỡ này và nó cũng cho thấy phong cách giản dị, không câu nệ của Sư. Tằng Hội khuyên Sư đến chùa Linh Ẩn xem việc ra sao và để giúp Sư, ông viết một bức thư nhờ vị Thiền sư trụ trì chùa này tìm giúp một thiền viện nào đó để Sư có thể hoằng hoá. Sư nghe lời đến, nhưng không trình thư của Tằng Hội gửi mà chỉ âm thầm sinh hoạt, lao động cùng với tăng chúng. Sau hai năm, Tằng Hội đến viếng chùa và hỏi vị trụ trì về Sư. Vị này ngạc nhiên vì không biết Tằng Hội muốn nói gì và kêu chúng gọi Sư. Gặp mặt, Tằng Hội hỏi có đưa thư không thì Sư rút lá thư từ ngực ra và trả lời một cách đơn giản là “rất cảm ơn vì lá thư này và gìn giữ nó thận trọng” nhưng Sư nói kèm rằng mình đến đây “với phong cách tu tập của một Vân thuỷ (thiền sinh đi hành cước, làm bạn với mây nước) mà vân thuỷ thì không được phép làm sứ giả trình thư.” Nỗi ngạc nhiên của mọi người nhân đây biến thành nụ cười vui vẻ hồn nhiên. Vị trụ trì chùa này giúp Sư đến trụ trì một ngôi chùa ở Ðộng Ðình – một hòn đảo rất đẹp và Sư cũng có làm một bài tụng về cảm xúc khi dời đến nơi này trong công án thứ 20 của Bích nham lục.
Sau, Tằng Hội lại mời Sư đến Tứ Minh sơn, một rặng núi mà nhiều vị Cao tăng đã trụ trì hoằng hoá. Sư nghe theo lời khuyên của người bạn và đến trụ trì tại Tứ Minh sơn, trên ngọn Tuyết Ðậu. Ngày khai đường tại Tuyết Ðậu, Sư bước đến trước pháp toà nhìn chúng rồi bảo: “Nếu luận bản phận thấy nhau thì chẳng cần lên pháp toà.”
Có vị tăng hỏi: “Thế nào là Duy-ma-cật một phen làm thinh?” Sư trả lời: “Hàn Sơn hỏi Thập Ðắc.” Tăng lại hỏi: “Thế ấy là vào cửa Bất nhị?” Sư bèn “Hư!” một tiếng và nói kệ:
維摩大士去何從,千古令人望莫窮
不二法門休更問,夜來明月上孤峰
Duy-ma Ðại sĩ khứ hà tòng
Thiên cổ linh nhân vọng mạc cùng
Bất nhị pháp môn hưu cánh vấn
Dạ lai minh nguyệt thướng cô phong.
*Ðại sĩ Duy-ma đi không nơi
Ngàn xưa khiến kẻ trông vời vời
Pháp môn bất nhị thôi chớ hỏi
Ðêm về trăng sáng trên cảnh đồi.
Một hôm, Sư dạo núi nhìn xem bốn phía rồi bảo thị giả: “Ngày nào lại đến ở đây.” Thị giả biết Sư sắp tịch, cầu xin kệ di chúc. Sư bảo: “Bình sinh chỉ lo nói quá nhiều.” Hôm sau, Sư đem giày dép, y hậu phân chia và bảo chúng: “Ngày bảy tháng bảy lại gặp nhau.” Ðúng ngày mồng bảy tháng bảy năm Hoàng Hựu thứ tư (1058) đời nhà Tống, Sư tắm gội xong nằm xoay đầu về hướng Bắc an nhiên thị tịch. Vua sắc thuỵ là Minh Giác Ðại sư.

Tuyết Phong Nghĩa Tồn

Từ Điển Đạo Uyển

雪峰義存; C: xuéfēng yìcún; J: seppō gison; 822-908;
Thiền sư Trung Quốc, môn đệ của Ðức Sơn Tuyên Giám. Từ dòng thiền của Sư xuất sinh ra hai tông lớn của Thiền tông, đó là tông Vân Môn và Pháp Nhãn. Sư Ấn khả cho 56 môn đệ, trong đó các vị Vân Môn Văn Yển, Huyền Sa Sư Bị và Trường Khánh Huệ Lăng là ba vị danh tiếng nhất.
Sư sinh trong một gia đình mộ đạo. Thuở nhỏ Sư không ăn thịt cá, muốn xuất gia nhưng cha mẹ không cho. Năm 12 tuổi, Sư theo cha đến chùa. Gặp một Luật sư, Sư làm lễ nói “Thầy con” và sau đó xin ở lại học luôn. Sau khi thụ giới cụ túc tại chùa Bảo Sát, U Khê, Sư tham học với nhiều Thiền sư. Ban đầu Sư đến Thiền sư Lương Giới ở Ðộng Sơn làm Ðiển toạ, tại đây có tỉnh, sau đến Ðức Sơn được thầm nhận.
Mặc dù chưa triệt ngộ, Sư cùng Thiền sư Nham Ðầu Toàn Hoát từ giã Ðức Sơn đi du phương. Nham Ðầu ngày ngày chỉ lo ngủ, Sư chỉ chăm Toạ thiền. Một hôm Sư đánh thức Nham Ðầu: “Sư huynh! Sư huynh! hãy dậy!” Nham Ðầu hỏi: “Cái gì?” Sư nói: “Ðời nay chẳng giải quyết xong, lão Văn Thuý (tức là Thiền sư Khâm Sơn) đi Hành cước đến chỗ nơi, sẽ bị y chê cười. Từ hôm đến nay sao cứ lo ngủ!” Nham Ðầu nạt: “Ngủ đi! Mỗi ngày ngồi trên giường giống như Thổ địa trong thôn xóm hẻo lánh, sau này làm mê hoặc người trong thiên hạ” Sư tự chỉ hông ngực thưa: “Tôi trong ấy thật chưa ổn, chẳng dám tự dối” Nham Ðầu bảo: “Ta bảo Huynh ngày kia sẽ nhằm trên đỉnh chót vót cất am tranh xiển dương đại giáo, vẫn còn nói câu ấy?” Nham Ðầu bảo Sư nói sở đắc, được thì chứng minh, không được thì phá bỏ. Sư trình sở đắc nơi Ðộng Sơn (Lương Giới) và Ðức Sơn, Nham Ðầu đều gạt bỏ, hét bảo: “Huynh chẳng nghe nói, từ cửa vào chẳng phải của báu trong nhà!” Sư bèn hỏi: “Về sau thế nào là phải?” Nham Ðầu nói: “Về sau muốn xiển dương đại giáo, mỗi mỗi phải từ hông ngực mình ra, sau này cùng ta che trời che đất đi.” Nhân câu này Sư đại ngộ, lễ bái và nói: “Sư huynh, ngày nay mới là thành đạo ở Ngao Sơn.”
Sau Sư đến núi Tuyết Phong dựng một am nhỏ ngụ tại đây. Không bao lâu thiền giả mọi nơi đến tham vấn và nơi này trở thành một thiền viện với 1500 người tham thiền. Môn đệ của Sư nổi danh về kỉ luật, trật tự nề nếp tu hành và rất nhiều người ngộ đạo tại đây.
Ðời Lương, niên hiệu Thái Bình (908) ngày mùng hai tháng năm, Sư để kệ truyền pháp xong nửa đêm nhập diệt, thọ 87 tuổi, 59 tuổi hạ.

Tuyết Thôn Hữu Mai

Từ Điển Đạo Uyển

雪村有梅; J: sesson yūbai; 1288-1346;
Thiền sư Nhật Bản, thuộc tông Lâm Tế.
Ban đầu, Sư thụ giáo nơi Thiền sư Nhất Sơn Nhất Ninh tại thiền viện Kiến Trường (kenchō-ji) ở Liêm Thương (kamakura). Năm 1307, Sư cất bước sang Trung Quốc tu học nhưng không may, bị nghi là gián điệp và phải ngồi tù 10 năm liền. Sau khi được thả, Sư chu du đây đó, tham vấn nhiều vị Thiền sư danh tiếng bấy giờ. Năm 1328, Sư trở về Nhật và theo lời thỉnh cầu của vị Tướng quân (shōgun) Túc Lợi Tôn Thị (j: ashikaga takauji) trụ trì chùa Vạn Thọ (manju-ji). Năm 1345, Sư được cử trụ trì chùa Kiến Nhân (kennin-ji). Cùng với Nhất Sơn Nhất Ninh, Sư được xem là người khai sáng phong trào Ngũ Sơn văn học (gosan bungaku) tại Nhật.