Trung Hữu

Từ Điển Đạo Uyển

中有; C: zhongyǒu; J: chūu; T: bar ma do’i srid pa; S: antarābhava; nghĩa là “trạng thái tồn tại ở khoảng giữa”, cũng được gọi là Trung ấm;
Trong kinh sách Tiểu thừa và Ðại thừa ở thế kỉ thứ 2, người ta đã thấy nói về một giai đoạn nằm sau cái chết và trước sự tái sinh, được gọi là Trung hữu. Giai đoạn này được nhắc nhở nhiều trong Kim cương thừa (s: vajrayāna) và được Tử thư (t: bardo thodol) trình bày cặn kẻ.
Tử thư cho rằng có 6 giai đoạn Trung hữu (s: ṣaḍantarābhava): 1. Trung hữu của lúc sinh (jāti-antarābhava); 2. Trung hữu của giấc mộng (svapnāntarābhava); 3. Trung hữu của thiền định (samādhi-antarābhava); 4. Trung hữu lúc cận tử (mumūrṣāntarābhava); 5. Trung hữu của Pháp thân diệu dụng, của Pháp tính (dharmatāntarābhava), 6. Trung hữu của sự trưởng thành và tái sinh (bhavān-tarābhava). Tử thư cho rằng 3 giai đoạn của Trung hữu 4, 5, 6 nêu trên kéo dài 49 ngày. Theo nhiều luận sư Tây Tạng, giai đoạn Trung hữu diễn ra hàng ngày trong cuộc sống con người, nó có mối liên hệ chặt chẽ với Ba thân (s: trikāya). Trong giai đoạn Trung hữu ngay sau khi chết, thần thức tiếp cận với Pháp thân thanh tịnh; Trung hữu 5 tiếp cận với Báo thân và sự tái sinh, thần thức đi vào cõi của Ứng hoá thân.