Thiên Thai Ðức Thiều

Từ Điển Đạo Uyển

天台得韶; C: tiāntāi déshōo; J: tendai tokushō; 881-972;
Thiền sư Trung Quốc, môn đệ đắc pháp của Thiền sư Pháp Nhãn Văn Ích. Người nối pháp của Sư là Vĩnh Minh Diên Thọ và Ðạo Nguyên, người đã soạn bộ sử kí danh tiếng nhất của Thiền tông là Cảnh Ðức truyền đăng lục.
Sư họ Trần quê ở Long Tuyền, Xử Châu. Năm Sư 15 tuổi, một vị tăng lạ đến vỗ vai Sư nói: “Ông nên xuất gia, trần tục không phải là chỗ của ông.” Sư xuất gia năm 17 tuổi, năm 18 tuổi đến chùa Khai Nguyên ở Tín Châu thụ giới.
Sau, Sư cất bước du phương, lúc đầu đến tham vấn Thiền sư Ðầu Tử Ðại Ðồng có chút tỉnh. Sau Sư đến Thiền sư Long Nha Cư Độn, hỏi: “Bậc tôn hùng hùng vĩ sao gần chẳng được?” Long Nha đáp: “Như lửa với lửa.” Sư lại hỏi: “Bỗng gặp nước đến thì sao?” Long Nha bảo: “Ði! Ông chẳng hội lời ta nói.” Sư hỏi tiếp: “Trời chẳng che, đất chẳng chở là lí gì?” Long Nha đáp: “Ðạo giả nên như thế.” Cứ hỏi như thế nhiều lần mà Sư vẫn không thông, Long Nha bèn nói: “Ðạo giả, ông về sau tự hội lấy.”
Sau khi rời Long Nha, Sư còn tham vấn rất nhiều vị Thiền sư khác nhưng vẫn chưa triệt ngộ, cuối cùng dừng chân tại hội của Pháp Nhãn. Sư vì mệt chán nên chẳng buồn thưa hỏi. Một hôm nghe vị tăng hỏi Pháp Nhãn: “Thế nào là một giọt nước nguồn Tào?” Pháp Nhãn trả lời: “Là một giọt nước nguồn Tào.” Tăng mờ mịt thối lui nhưng Sư nhân đây đại ngộ. Sư đem chỗ sở đắc trình Pháp Nhãn. Pháp Nhãn khen nói: “Ông sau làm thầy của vua, làm Tổ đạo sáng ngời, ta chẳng bằng.”
Sư đến núi Thiên Thai thăm những di tích của Ðại sư Trí Khải, có cảm giác là chỗ ở cũ. Vì họ của Sư (Trần) cũng như Trí Khải nên thời nhân nói Sư là hậu thân của Trí Khải Ðại sư.
Sư thượng đường dạy chúng: “Phật pháp hiện hành, tất cả đầy đủ. Người xưa nói ›viên đồng thái hư, vô khiếm vô dư.‹ Nếu như thế thì cái gì thiếu, cái gì dư, cái gì phải, cái gì quấy? Ai là người hội, ai là người chẳng hội? Do đó nói, đi Ðông cũng cũng là Thượng toạ, đi Tây cũng là thượng toạ, đi Nam cũng là Thượng toạ, đi Bắc cũng là Thượng toạ. Thượng toạ lại sao được thành Ðông, Tây, Nam, Bắc? Nếu hội được tự nhiên con đường thấy nghe hiểu biết bặt dứt, tất cả các pháp hiện tiền. Vì sao như thế? Vì Pháp thân không tướng, chạm mắt đều bày, Bát-nhã vô tri, đối duyên liền chiếu, một lúc hội triệt để là tốt. Chư thượng toạ! Kẻ xuất gia làm gì? Cái lí bản hữu này chưa phải là phần bên ngoài. ›Thức tâm đạt bản nguyên nên gọi là Sa-môn.‹ Nếu biết rõ ràng, không còn một mảy tơ làm chướng ngại. Thượng toạ đứng lâu, trân trọng.”
Niên hiệu Khai Bảo thứ tư, ngày 28 tháng sáu, Sư có chút bệnh, họp chúng từ giã rồi ngồi kết già viên tịch, thọ 82 tuổi, 65 tuổi hạ.