CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA PHÁ TĂNG SỰ

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường – TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh – năm 2009

Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 17

Vua Tần-tỳ-sa-la nghe tin con trai của trưởng giả Bảo đức đi thuyền đến liền cho đào kênh từ sông Căng già để đến thẳng vào thành Vương xá, lại ra lịnh quét dọn sạch sẽ đường sá, rưới nước thơm rãi hoa thơm và cho chuẩn bị các thức ăn ngon để đón tiếp. Khi trưởng giả tử đến chỗ vua, đảnh lễ rồi đặt hạt châu báu trên chân vua, lui qua một bên ngồi kiết già để cho vua nhìn thấy những sợi lông màu hoàng kim dưới lòng bàn chân. Vua nhìn thấy rồi kinh ngạc nói: “khanh là người có phước đức lớn, khanh đã từng gặp Phật chưa?”, đáp là chưa từng gặp, vua nói: “vậy khanh hãy theo ta gặp Phật”, trưởng giả tử hỏi vua: “Phật đi bằng gì?”, vua nói: “người xuất gia không đi bằng gì cả”, trưởng giả tử nói: “vậy thần cũng đi bộ”. Dân chúng liền trải vải trên đường để cho trưởng giả tử bước lên đi, trưởng giả tử hỏi vua: “Phật có đi trên vải không?”, vua nói không có, trưởng giả tử liền bảo dẹp cất vải, dẹp cất vải xong, chư thiên lại trải thiên y, trưởng giả tử hỏi: “tôi bảo dẹp cất vải vì sao trên đất lại có vải”, dân chúng bên đường nói: “đó là thiên y không phải vải của chúng tôi”, trưởng giả tử lại bảo thu cất. Sau khi chư thiên thu cất thiên y, trưởng giả tử bước chân đi trên đất, đất liền chấn động sáu cách. Lúc đó Phật bảo các Bí-sô: “suốt chín mươi mốt kiếp, trưởng giả tử này đều bước đi trên vải trải đất, chưa từng bước chân đi trên đất. Nay vì trọng pháp mà bước chân đi trên đất, nên đất liền chấn động”. Khi trưởng giả tử đến chỗ Phật, đảnh lễ rồi ngồi qua một bên, Phật tùy theo căn tánh thuyết pháp, trưởng giả tử nghe pháp rồi liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ Phật cầu xin xuất gia. Phật nói: “này trưởng giả tử, nếu cha mẹ chưa cho phép thì không được xuất gia thọ giới”, vua Tần-tỳ-sa-la bạch Phật: “con là quốc chủ, tất cả kho tàng tài sàn ở nơi trưởng giả ấy đều thuộc của vua, vua đã cho phép, cúi xin Như lai cho trưởng giả tử xuất gia”. thiện lai các Bí-sô, hãy xuất gia tu phạm hạnh”, Phật nói: “thiện lai Bí-sô”, vừa nói xong, râu tóc của trưởng giả tử này tự rụng, ca-sa hiện trên thân trở thành Bí-sô oai nghi đĩnh đạc giống như Bí-sô trăm tuổi. Lúc đó Lục quần Tỳ kheo cùng cười nhạo: “trưởng giả tử này giống như sanh tô, có thể làm được gì ; dù có siêng năng tu tập cũng chẳng thành tựu được gì”, trưởng giả tử nghe lời cười nhạo này rồi liền đến hỏi tôn giả A-nan: “Bí-sô quyết định tu hành phải như thế nào mới sớm được thành tựu được chánh định?”, A-nan đáp: “như lời Phật dạy nên thọ trì Tam-ma-địa, siêng năng kinh hành sẽ sớm được chánh định”. Trưởng giả tử nghe rồi liền vào trong rừng thây chết để hành Tam-ma-địa, kinh hành và chuyên niệm thiện pháp về các giác chi, nhưng không thể được chánh định ; trưởng giả tử suy nghĩ: “ta siêng năng tinh tấn hơn các Thanh văn mà không thể chứng được, ta vẫn còn nhà cửa, quyến thuộc và của cải; ta nên trở về tục tu hạnh bố thí, làm các công đức”. Phật biết tâm niệm của trưởng giả tử nên bảo một Bí-sô vào trong rừng thây chết gọi trưởng giả tử đến gặp Phật, Bí-sô vâng lời Phật dạy đi gọi, trưởng giả tử đến chỗ Phật đảnh lễ rồi đứng một bên, Phật nói: “thầy không nên một mình không rừng vắng ngồi yên lặng suy nghĩ điều phi lý như vậy. Có phải vừa rồi thầy nghĩ rằng: “ta siêng năng tinh tấn hơn các Thanh văn mà không thể chứng được, ta vẫn còn nhà cửa, quyến thuộc và của cải; ta nên trở về tục tu hạnh bố thí, làm các công đức?”, trưởng giả tử nghe rồi liền suy nghĩ: “Thế tôn đã biết tâm niệm của ta”, trong lòng kinh ngạc sợ hãi, lông dựng đứng, đáp là phải. Phật nói: “nay ta hỏi, thầy hãy tùy ý đáp, trước đây khi còn ở nhà thầy giỏi về cái gì?”, đáp là giỏi đàn, Phật hỏi: “khi điều chỉnh dây đàn, dây quá căng thì âm thanh có hòa nhã vui tai hay không?”, đáp là không, Phật lại hỏi: “nếu dây đàn chùng thì có thể phát ra âm thanh hay được không?”, đáp là không, Phật lại hỏi: “nếu dây đàn không quá căng cũng không chùng, ở mực độ vừa chừng thì mới phát ra âm thanh hay phải không?”, đáp là phải, Phật nói: “cũng giống như vậy này trưởng giả tử, nếu có người nào hết sức tinh tấn thì tâm sanh trạo cử, người nào quá phóng túng thì tâm sanh lười biếng; vì thế thầy hãy tu tập ở mức độ trung dung. Nếu tu tập như thế thì không bao lâu sẽ đoạn hết tâm hữu lậu, được giải thoát và tuệ giải thoát, thấy pháp và chứng quả; hiểu rõ sanh tử đã tận, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không thọ thân sau”. Trưởng giả tử nghe Phật dãy rồi hoan hỉ tín thọ, đảnh lễ Phật rồi trở lại trong rừng thây chết để tu tập, tâm không buông lung, giữ chánh niệm để đạt được mục đích mà một thiện nam tử chánh tín xuất gia là thấy pháp và chứng quả, hiểu rõ sanh tử đã tận, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không thọ thân sau. Không bao lâu sau cụ thọ này chứng được quả A-la-hán, được giải thoát thù thắng, nhất tâm hỷ lạc liền suy nghĩ: “nay chính là lúc ta nên đến cung kính cúng dường Phật”, nghĩ rồi vào xế chiều, cụ thọ này đến chỗ Phật đảnh lễ rối ngồi qua một bên bạch Phật: “Thế tôn, hễ có Bí-sô nào chứng được quả A-la-hán, tận trừ các lậu hoặc, việc cần làm đã làm xong, không còn thọ thân sau, xả bỏ gánh nặng, được tự lợi là chặt đứt các kiết sử trói buộc, được tuệ giải thoát thù thắng, tâm giải thoát thù thắng nơi sáu pháp:

  1. Lìa khỏi phạm tục được giải thoát thù thắng.
  2. Làm lợi ích hữu tình được giải thoát thù thắng.
  3. Tâm tịch tĩnh được giải thoát thù thắng.
  4. Tận trừ tham dục được giải thoát thù thắng.
  5. Tận trừ các lậu hoặc được giải thoát thù thắng.
  6. Không mất chánh niệm được giải thoát thù thắng.

Thế tôn, nếu có người chỉ phát chút lòng tin mà cầu giải thoát thì chớ có nghĩ sẽ tận trừ tham sân si mà được giải thoát. Nếu có người phát tâm thọ trì chút giới mà cầu giải thoát, không còn ưu bi khổ não thì chớ có nghĩ sẽ tận trừ tham sân si mà được giải thoát. Nếu có người vì cầu danh văn lợi dưỡng nên hành tịch tĩnh mà cầu giải thoát, thì chớ có nghĩ sẽ tận trừ tham sân si, lìa bỏ tham Ái chấp thủ, không mất chánh niệm mà được giải thoát. Nếu Bí-sô nào chứng được quả A-la-hán, tận trừ các lậu hoặc, việc cần làm đã làm xong, không còn thọ thân sau, xả bỏ gánh nặng, được tự lợi là vĩnh viễn đaọn tận các hữu, được tuệ giải thoát thù thắng, tâm giải thoát thù thắng, thì vị ấy được sáu pháp này.

Thế tôn, nếu Bí-sô nào thọ trì học xứ để cầu Vô thượng Niết-bàn thiện đạo, không dính mắc nơi sắc thì học xứ đó gọi là Thi la thanh tịnh. Vị ấy thành tựu học xứ, điều phục các căn rồi mới được Lậu tận, nơi tâm vô lậu được giải thoát, tuệ giải thoát, tự hiểu rõ sanh tử đã tận, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không thọ thân sau. Giống như đứa bé còn nhỏ lười biếng ưa ngủ, nếu chứa đựng chút ít giới thì các căn được điều phục, đến tuổi già, các căn đã điều phục thì giới thành tựu. Bí-sô cũng vậy, nếu Bí-sô nào an trụ nơi học xứ được tâm tự tại mà cầu Vô thượng Niết-bàn thiện đạo,không dính mắc nơi sắc mà trụ nơi giới thì các căn được điều phục, sau đó đoạn tận lậu hoặc, nơi tâm vô lậu được giải thoát, tuệ giải thoát, tự hiểu rõ sanh tử đã tận, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không thọ thân sau, thành tựu giới vô học. Đã chứng quả rồi, khi thấy các sắc tâm không duyên theo cũng không bị hoặc loạn, tâm chánh định, tình không điên đảo, khéo tư duy tu tập, tâm không tăng giảm; dù có việc làm hoặc loạn cũng không thể làm mất chánh niệm. Tai tuy nghe tiếng, mũi ngữi mùi, lưỡi nếm vị, thân cảm xúc, tâm phân biệt các pháp; nhưng không bị các pháp như sắc… làm hoặc loạn, không mất chánh niệm, tâm an định không tán loạn, tình không điên đảo, khéo giải thoát, khéo tu tập, liền thấy pháp sanh diệt. Ví như cách thành ấp tụ lạc không xa, có núi đá lớn không bị khuyết nứt, không có lỗ hổng, là một khối đá nguyên vẹn. Nếu có gió mạnh từ Dông thổi qua, núi đá ấy không lay chuyển, không nghiêng ngã về Tây; nếu có gió Tây nam, Tây bắc thổi đến cũng vậy, núi đá ấy không lay chuyển, không nghiêng ngã. Sắc quá khứ… ví như trận cuồng phong thổi ở trước mắt ta, nhưng nhãn thức… ý thức đều không bị điên đảo cũng như vậy, không lay chuyển, không nghiêng ngã, tâm an định không tán loạn, khéo tu tập, khéo giải thoát liền thấy pháp sanh diệt. Lại nữa, nhĩ tỉ thiệt thân ý có thể nhận biết thanh hương vị xúc pháp, làm hoặc loạn thân tâm; nhưng người có thể chứng quả thì không mất chánh niệm, không tán loạn, tâm an định, khéo tu tập, khéo giải thoát liền thấy pháp sanh diệt”, liền nói kệ:

“Người xuất gia giải thoát,
Tâm không có ưu bi,
An trụ nơi tịch tĩnh.
Tận trừ Ái tham dục,
Thú hướng giải thoát thì
Tâm không có thất niệm,
Biết rõ ý sanh pháp,
Mà tâm được giải thoát.
Nếu tâm được giải thoát,
Tịch tĩnh trụ Kiến đế,
Việc nên làm, làm xong,
Không còn gì làm nữa.
Như núi đá lớn kia,
Gió bão không lay động.
Sắc thanh cũng như vậy,
Không thể làm tổn hại.
Người tâm ý an định,
Liền thấy pháp sanh diệt”.

Các Bí-sô nghe kệ rồi đều có nghi thỉnh hỏi Phật: “Thế tôn, cụ thọ này đã gieo trồng nghiệp nhân gì mà được sanh trong nhà giàu sang, dưới lòng bàn chân lại có lông màu hoàng kim, hằng ngày dùng năm trăm tiền vàng cho việc ăn uống, suốt chín mươi mốt kiếp chân không bước đi trên đất, vừa mới sanh ra đã được hai mươi ức tiền vàng, cuối cùng được xuất gia trong giáo pháp của Phật, đoạn tận phiền não chứng quả A-la-hán?”, Phật bảo các Bí-sô: “cụ thọ ấy tịch tập nghiệp lành, theo thời gian nghiệp ấy tăng trưởng thần thục, duyên biến hiện tiền như bộc lưu (thác nước) không thể chảy ngược lại, quyết định tự thọ quả báo không ai có thể thọ thay. Như kệ nói:

“Dù trải qua trăm kiếp,
Nghiệp đã tạo không mất,
Khi nhân duyên hội họp,
Tự thọ lấy quả báo”.

Các thầy lắng nghe:

Thuở xưa cách đây chín mươi ức kiếp, có Phật Tỳ-bà-thi Ứng chánh đẳng giác xuất hiện nơi đời, đầy đủ mười hiệu, có sáu mươi hai ngàn Bí-sô vây quanh cùng du hành trong nhân gian, dần dần đi đến vương đô tên là Thân ý. Trong thành có các cư sĩ tử nghe biết tin này liền đi đến chỗ Phật đảnh lễ ngồi một bên nghe Phật nói pháp, Thế tôn tùy thuận nói pháp chỉ dạy cho các cư sĩ tử được lợi hỉ rồi liền im lặng. Các đồng tử này rời khỏi chỗ ngồi cung kính chắp tay bạch Phật: “cúi xin Thế tôn thọ chúng con cúng dường tứ sự trong ba tháng an cư”, Phật im lặng nhận lời, các đồng tử biết Phật đã nhận lời liền đảnh lễ Phật rồi ra về.Về đến trong thành, các đồng tử bàn với nhau: “chúng ta sẽ cúng dường cho Thế tôn như thế nào, chúng ta cùng làm thức ăn hay là mỗi người làm thức ăn một ngày?”, trong số đó có người nói: “nếu mọi người cùng làm thức ăn thì sẽ bỏ phế việc cày ruộng trồng trọt của chúng ta. Chúng ta nên mỗi người theo thứ lớp làm thức ăn một ngày, tùy sức mình mà làm”. Trong số đó có một đồng tử nhà nghèo liền về bàn với mẹ: “nếu theo thứ lớp mỗi người làm thức ăn một ngày, nhà ta nghèo làm sao có thể lo liệu được?”, người mẹ nói: “con hãy nhận làm thức ăn vào ngày cuối cùng, thời gian còn xa đủ cho con tùy sức làm việc kiếm tiền để lo liệu được”, đồng tử nghe theo lời mẹ. Theo thứ lớp đến ngày của mình làm thức ăn, đồng tử trải da gấu để Như lai bước đi lên, dùng năm trăm tiền để làm các món ăn ngon cúng dường Như lai rồi gieo năm vóc xuống đất phát nguyện: “nguyện cho con đời vị lai được sanh trong nhà phú quý, chân không bước xuống đất, lại nguyện cho dưới lòng bàn chân của con có lông dài bốn ngón tay màu hoàng kim giống như chân của Như lai. Nếu có Phật ra đời con sẽ cúng dường thừa sự”.

Phật bảo các Bí-sô: “đồng tử nghèo thuở xưa chính là trưởng giả tử ngày nay, do ở trước Phật Tỳ-bà-thi phát nguyện, nghiệp quả chín muồi nên được sanh trong nhà phú quý, suốt chín mươi mốt kiếp chân không bước xuống đất và dưới lòng bàn chân có lông màu hoàng kim. Từ khi sanh ra, mỗi ngày có hai mươi ức tiền vàng từ dưới đất vọt lên và được ở trong pháp của ta xuất gia, chứng quả A-la-hán. Này các Bí-sô, hễ tạo nghiệp thuần đen thì cảm quả báo dị thục thuần đen ; tạo nghiệp thuần trắng thì cảm quả báo dị thục thuần trắng; tạo nghiệp xen tạp thì được quả báo xen tạp, các thầy nên bỏ nghiệp thuần đen và nghiệp xen tạp, phải siêng tu tập nghiệp trắng”.

Lúc đó Thái tử Vị sanh oán nghe theo lời của Đề-bà-đạt-đa tạo tội nghịch với vua cha nên bị dân chúng trong nước chê trách: “vì sao lại kết bạn với người ác như vậy, lúc Vị sanh oán còn ở trong thai sao không giết chết”, lại có người nói: “đó không phải là lỗi của A-xà-thế mà là lỗi của Đề-bà-đạt-đa”, lại có người nói: “vì Phật cho Đề-bà-đạtđa xuất gia, biết là tánh ác mà không đuổi đi”, lại có người nói: “Phật không có lỗi mà là lỗi của Bí-sô tăng không y theo Tăng giáo mà trụ trì”. Vua cha nghe được những lời này liền nói: “đó là nghiệp đời trước mà ta đã tạo, vậy mà có người nói là lỗi của Phật và Tăng làm cho ta rất áy náy trong lòng”. Lúc đó các Bí-sô đều có nghi thỉnh hỏi Phật: “vì sao người kia tạo tội mà người này lại mang họa?”, Phật nói: “không phải chỉ ngày nay mà thuở xưa cũng xảy ra việc như vậy, các thầy lắng nghe: Thuở xưa tại thành Bà-la-nê-tư có vua Phạm thọ trị vì, dân chúng được an cư lạc nghiệp. Lúc đó trong thành có hai con chó đen và trắng cùng ăn da của cái yên cương, đến khi vua muốn xuất binh ra thành bảo thắng yên cương, người coi giữ ngựa mới phát hiện yên cương đã bị chó cắn nát, liền tâu lên vua, vua nổi giận ra lịnh giết hết các con chó trong thành, khiến chúng sợ hãi muốn trốn qua nước khác. Lúc đó có một con chó từ nước khác đến thấy vậy liền hỏi rõ nguyên do rồi nói: “vì sao không tâu rõ sự việc với vua?”, đáp là không ai dám tâu, con chó này nói: “các anh yên tâm, trong đêm nay tôi sẽ đến tâu với vua”, nói rồi ngay trong đêm đó đến chỗ vua nói kệ:

“Trong cung vua có hai con chó,
Một trắng, một đen đầy sức lực,
Nên giết chúng, chớ giết chúng tôi,
Đáng giết mà không giết thật phi lý”.

Vua nghe kệ rồi liền bảo quần thần tìm bắt người đã nói kệ, quần thần tìm hiểu rồi tâu vua: “đó là do con chó từ nước khác đến”, vua nói: “các khanh truy xét xem có phải là do hai con chó trong cung cắn phá yên cương hay không?”, quần thần nói với nhau: “vua ra lịnh truy xét, chúng ta làm cách nào?”, có người nói: “chỉ cần lấy tóc trên đầu bỏ vào trong miệng chó, nếu con nào ăn da thì sẽ tự mửa ra”. Sau khi bỏ tóc vào trong miệng, hai con chó trong cung liền mửa ra da đã cắn. Quần thần liền tâu vua: “chính là do hai con chó trong cung, các con chó khác không có lỗi”.

Phật bảo các Bí-sô: “hai con chó thuở xưa chính là Đề-bà-đạt-đa và A-xà-thế, thuở xưa chúng làm lỗi mà người khác lại chịu khổ; ngày nay cũng vậy, họ tạo tội mà Phật và Tăng mang họa. Các thầy hãy lắng nghe thêm:

Thuở xưa tại thành Bà-la-nê-tư có vua Phạm thọ trị vì, lúc đó có một người vào trong núi chặt cây bỗng gặp sư tử, hoảng sợ chạy trốn nên rơi xuống giếng ; sư tử đuổi theo không để ý nên cũng bị rơi xuống giếng. Sau đó có rắn độc đuổi chuột và diều hâu vồ chuột cũng đều bị rơi xuống giếng, chúng muốn hại lẫn nhau, Sư tử nói: “trong giếng này ta mạnh nhất có thể ăn thịt các ngươi, nhưng chúng ta đang gặp nguy nan, hãy bỏ tâm ác chớ hại lẫn nhau”. Sau đó có một thợ săn đuổi theo nai nên đến chỗ giếng, các con vật trong giếng liền kêu cứu, thợ săn kéo được sư tử lên trước, sư tử lạy tạ rồi nói: “ân sâu của ông tôi sẽ báo đáp, nhưng có con vật đầu đen dưới giếng ông chớ nên cứu lên”, nói rồi bỏ đi, thợ săn lần lượt kéo tất cả lên khỏi giếng. Thời gian sau, sư tử bắt được một con nai, thấy thợ săn đi đến liền đứa con nai cho thợ săn để báo ân. Một hôm, vua Phạm thọ cùng các cung nhân đến trong vườn hoa thưởng ngoạn, sau đó vua mệt nên nằm ngủ; các cung nhân thấy vua ngủ nên không còn lo sợ nữa, có người đứng, có người ngồi, có người ngủ… lại có người cởi chuỗi anh lác để một bên nằm ngủ. Lúc đó, com chim rơi xuống giếng trước kia thấy chuỗi anh lạc này liền ngậm lấy mang đến chỗ thợ săn để báo ân. Sau đó vua tỉnh dậy ra lịnh trở về cung, cung nhân bị mất chuỗi anh lạc tìm khắp nơi không thấy nên tâu vua, vua bảo người hầu cận: “khanh đến trong vườn hoa tìm chuỗi anh lạc, xem ai đã lấy trộm nó”. Người chặt cây bị rơi xuống giếng trước kia tức là con vật đầu đen tình cờ đến chỗ thợ săn, vừa nhìn thấy chuỗi anh lác này liền biết là của vua, do vô ân nên đến tâu vua: “thần biết chuỗi anh lạc bị mất đang ở chỗ người thợ săn”, vua nghe rồi nổi giận ra lịnh bắt thợ săn, thợ săn nói: “tôi không có ăn trộm của vua”, nói rồi kể rõ sự việc và trả lại chuỗi anh lạc cho vua, nhưng người thợ săn vẫn bị bắt giam. Con chuột bị rơi xuống giếng trước kia liền đến nói cho rắn biết: “con vật đầu đen kia thật độc ác đã vô ân làm cho thiện tri thức của chúng ta bị bắt giam”, rắn nói: “anh vào trong ngục nói với thợ săn rằng: đêm nay tôi vào trong cung cắn vua, ân nhân sẽ chữa trị cho vua, lúc đó tôi thu hồi nọc độc, vua sẽ vui mừng thưởng ban và thả ân nhân ra”, chuột liền vào ngục nói với người thợ săn như thế. Đêm đó vua bị rắn cắn, nọc độc lan khắp thân, không thầy thuốc nào chữa trị được, vua liền ra thông cáo tìm người chữa trị. Lúc đó, thợ săn ở trong ngục nói với người cai ngục: “anh tâu với vua là tôi có thể chữa trị được”, người cai ngục tâu vua, vua nói: “hãy thả anh ta ra và dẫn đến đây”. Thợ săn đến chỗ vua, vừa ra tay chữa trị, bịnh liền khỏi, vua vui mừng thưởng ban và cho thả ra.

Phật bảo các Bí-sô: “người thợ săn thuở xưa chính là thân ta ngày nay, người chắt cây tức là con vật đầu đen chính là Đề-bà-đạt-đa; thuở xưa vô ân, không báo ân, ngày nay cũng vậy. Các thầy lắng nghe thêm:

Thuở xưa, có một trận mưatrái mùa kéo dài suốt bảy ngày không dứt, lúc đó có con sói đầu chuột chui vào hang ẩn nấp, kế đến là con chuột và con rắn. Ở trong hang con sói đầu chuột định hại con chuột, con rắn nói: “chúng ta đang gặp nguy nan, đừng có hại lẫn nhau” . Sau đó rắn bảo chuột : “anh siêng năng, hãy đến chỗ khác tìm thức ăn mang về”, chuột vốn hiền lành chất phát liền đi tìm thức ăn. Trong khi chuột chưa trở về, con sói đầu chuột nói với rắn: “nếu chuột tìm không được thức ăn thì ta sẽ ăn thịt nó”, rắn nghe rồi suy nghĩ: “đang lúc gắp nguy nan mà con sói đầu chuột này vẫn muốn hại chuột. Ta sợ chuột tìm không được thức ăn, tay không trở về chắc sẽ bị nó ăn thịt; ta nên báo cho chuột biết”, nghĩ rồi liền tìm cách nhắn tin cho chuột biết, chuột biết tin rồi liền nói kệ:

“Ai thiếu ít, không có từ bi,
Bị lửa đói bức bách thúc gấp.
Cám ơn anh đã báo tin này,
Tôi nay không trở lại đó nữa”.

Phật bảo các Bí-sô: “con chuột thuở xưa chính là thân ta ngày nay, con cói đầu chuột chính là Đề-bà-đạt-đa; thuở xưa vô ân nay cũng vậy”.

Lúc đó Thái tử Vị sanh oán quăng kiếm trước mặt vua cha, vua cha hỏi vì sao, liền đáp: “con tức giận vì cha có thọ dụng còn con thì không”, vua nói: “nếu vậy ta giao thành Chiêm ba cho con thọ dụng”. Được thành rồi, Thái tử liền đến nói với Đề-bà-đạt-đa: “Thánh giả, tôi nay đã được thành Chiêm ba tùy ý thọ dụng”, Đề-bà-đạt-đa nói: “Thái tử dụng công đã được quả báo thọ dụng, nếu dụng công nhiều hơn sẽ được quả báo nhiều hơn”. Thái tử sau đó thu thuế nặng bức bách bá tánh tại thành Chiêm ba khiến họ chịu không nổi bỏ đi nơi khác hoặc đến thành Vương xá, hoặc qua nước kế bên… Lúc đó có người lén đến tâu vua việc trên rồi nói: “cúi xin vua can ngăn Thái tử làm việc phi pháp”, vua nghe rồi liền cho gọi Thái tử đến hỏi: “vì sao con lại bức bách bá tánh?”, Thái tử nói: “vì binh sĩ không được chu cấp đủ”, vua nói: “nếu vậy, trừ thành Vương xá ra, nhưng nơi khác và bá tánh trong nước Ma-kiệt-đà ta đều cho con thọ dụng”. Thái tử lại đến nói với Đềbà-đạt-đa: “Thánh giả, trừ thành Vương xá ra, các nơi khác đều thuộc về tôi”, Đề-bà-đạt-đa nói: “Thái tử dụng công đã được quả báo, hãy dụng công nhiều hơn nữa”. Sau đó Thái tử lại thu thuế nặng bức bách bá tánh trong nước Ma-kiệt-đà, dân chúng khổ sở liền đến tâu vua, vua liền cho gọi Thái tử đến nói: “vì sao con vẫn bức bách dân chúng trong nước Ma-kiệt-đà?”, Thái tử đáp: “vì binh sĩ nhiều không đủ chu cấp”, vua nói: “nếu vậy, ta chỉ chừa lại một kho, các kho tàng khác và cả thành Vương xá ta đều cho con thọ dụng”. Thái tử lại đến nói với Đềbà-đạt-đa: “nay tôi có thêm thành Vương xá, chỉ trừ một kho, các kho tàng khác đều thuộc về tôi”, Đề-bà-đạt-đa nói: “Thái tử dụng công đã được quả báo, nhưng hễ là quốc vương thì nên lấy kho tàng làm sức mạnh, ai có kho tàng thì người đó là quốc vương; vì vậy Thái tử phải dụng công thêm”. Sau đó Thái tử lại bức bách dân chúng trong thành Vương xá khiến cho tất cả dân chúng trong nước thảy đều lo sợ, bí mật cho người đến tâu vua: “từ trước đến nay vua thương dân như con đỏ, nay Thái tử bức bách làm tổn hai khiến phần lớn dân chúng chạy sang nước khác”, vua vốn thương dân, hành chánh pháp, nghe như vậy rồi liền cho gọi Thái tử đến nói rằng: “tất cả thành ấp nhân dân ta đều đã cho con thọ dụng, vì sao con còn não hại họ, con nên chăm lo đời sống của muôn dân”, Thái tử nói: “vì không có kho tàng nên con mới làm như vậy”, vua nói: “nếu vậy thì trừ cung nhân của ta, các kho tàng ta đều cho con thọ dụng”. Thái tử bản tánh hung ác, có kho tàng rồi vẫn không ngừng não hại dân chúng, họ lại đến tâu vua, vua lại cho gọi Thái tử đến hỏi: “ta đã cho con thọ dụng tất cả rồi, sao con vẫn còn não hại nhân dân?”, Thái tử nghe rồi nổi giận hỏi quần thần: “nếu có người nào quở trách vua dòng Sát-đế-lỵ quán đảnh thì đáng bị xử tội gì?”, đáp là đáng bị cực hình, lại nói: “người quở trách chính là cha ta thì làm sao giết hại được, hãy đem nhốt vào hậu cung”, quần thần liền dẫn vua đem nhốt. Các cung nhân và dân chúng nghe được tin này đều đau buồn và nghĩ đến ân đức của vua. Sau khi nhốt vua cha rồi, Thái tử lên ngôi và rất hung bạo nên không ai dám can ngăn; vua Ảnh thắng bị con cầm tù liền nghĩ đây là quả báo của nghiệp đời trước. Lúc đó phu nhân Vy-đề-hi mỗi ngày đều đem cơm nước cho vua, Vị sanh oán đến hỏi người canh giữ: “mấy hôm nay lão vương như thế nào rồi?”, đáp: “mỗi ngày mẹ của vua đều mang cơm nước đến cho lão vương”, Vị sanh oán nghe rồi liền nói: “từ nay không cho đem cơm nước vào nữa, nếu ai đem sẽ bị cực hình”. Mọi người nghe rồi, không ai dám đem cơm nước cho vua, như thế trải qua nhiều ngày, phu nhân Vy-đề-hi nghĩ đến ân tình của vua nên bí mật lấy bơ mật hòa với bột thoa lên người và đựng nước trong vòng đeo chân rồi vào thăm lén đưa cho vua ăn; người canh giữ tuy biết nhưng vẫn làm lơ cho đến khi vua Vị sanh oán đến hỏi: “lão vương còn sống hay không?”, lúc đó người canh giữ mới đem việc trên tâu vua, vua nghe rồi liền nói: “từ nay ngay cả phu nhân cũng không cho vào thăm”. Lúc đó Phật kinh hành trên núi Kỳ-xà-quật, vua Ảnh thắng từ cửa sổ nhà giam nhìn thấy bóng của Phật, sanh tâm hoan hỉ nên mạng sống được kéo dài thêm. Khi vua Vị sanh oán đến hỏi, người canh giữ lại đem việc trên tâu lại, vua nghe rồi liền ra lịnh đóng bít cửa sổ và cho dùng vật nhọn đâm vào lòng bàn chân của vua cha, để ông không thể đứng nhìn qua cửa sổ được nữa. Vua Ảnh thắng đau đớn nghẹn ngào rơi lệ thầm nghĩ: “ta đang khổ não, vì sao Thế tôn không thương xót đến ta”. Không có việc gì mà Phật không biết, thường pháp của chư Phật là khởi tâm đại từ bi cứu giúp chúng sanh, trụ trong chánh quán, không nói hai lời, dựa trên định huệ hiển phát ba minh, thành tựu ba học, điểu phục hoàn toàn ba nghiệp, vượt qua bốn Bộc lưu, an trụ nơi bốn Thần túc, thường tu bốn nhiếp hạnh, xả trừ năm triền cái, đầy đủ năm chi, năm lực, viên mãn sáu độ, bố thí khắp tất cả bằng bảy Thánh tài, nở hoa bảy giác ngộ, chỉ bày tám chi Thánh đạo, xa lìa tám nạn, đoạn dứt hẳn chín kết, phương tiện thiện xảo tùy ý nhập Cửu định, đủ mười Lực, danh vang khắp mười phương, tự tại vô úy, hàng phục ma oán, cất tiếng sấm lớn, rống lên tiếng rống của sư tử, ngày đêm ba thời thường dùng Phật nhãn quán sát chúng sanh: trí huệ tùy chuyển của ai tăng, của ai giảm; ai gặp khổ nạn, ai bức bách, ai bị bức bách; ai xuống nẽo ác, ai lên đường lành, ai một bề thú hướng, ai còn mang gánh nặng. Nên dùng phương tiện gì để cứu độ chúng sanh ra khỏi đường ác, vào cõi trời người và được giải thoát; người chưa tu thiện căn khiến tu tập thiện căn, người đã tu thiện căn chưa thành thục khiến cho được thành thục, đã thành thục rồi khiến được giải thoát. Quán rồi liền bảo tôn giả Đại Mục-kiền-liên: “thầy hãy đến chỗ vua Ảnh thắng truyền lời của ta chúc cho vua không bịnh và nói rằng: Phật bảo Đại vương, như bậc thiện tri thức đã làm xong việc cần nên làm, Phật cứu độ Đại vương lìa khỏi ba đường ác, thường sanh vào cõi trời người, ra khỏi sanh tử”, Đại Mục-kiền-liên vâng lời Phật dạy nhập định, ẩn thân nơi núi Kỳ-xà-quật rồi hiện thân ở trước mặt vua Ảnh thắng trong nhà giam của thành Vương xá, nói lại lời Phật bảo Đại vương. Lúc đó vua do nghiệp đời trước nên bị giam cầm, lòng bàn chân bị đâm lại không được ăn uống, thân bị đói khát hành hạ khổ sở nên hỏi tôn giả Mục liên: “cõi nào có thức ăn uống ngon?”, đáp là cõi trời Tứ thiên vương, nói rồi liền ẩn thân trở về núi Kỳ-xà-quật.

Lúc đó phu nhân Vy-đề-hi nhớ lại ân tình của vua nên đau lòng thở dài, vua Vị sanh oán hỏi nguyên do, phu nhân nói: “nhớ lại lúc con còn nhỏ, nơi ngón tay bỗng sanh mụt nhọt rất đau nhức nên khóc mãi, phụ vương con ôm con vào lòng vuốt ve rồi ngậm ngón tay có mụt nhọt của con vào miệng của mình để cho con bớt đau nhức và ngưng khóc. Lúc đó mụt nhọt bỗng bị vỡ chảy mủ, phụ vương con liền nuốt luôn mủ đó vì sợ bỏ tay con ra con sẽ đau và khóc”, vua Vị sanh oán nghe rồi liền hỏi: “có thật phụ vương thương yêu con như vậy không?”, phu nhân nói: “thật sự phụ vương đã thương yêu con như vậy đó”, vua Vị sanh oán nghe rồi liền dứt tâm sân hận, tâm thương xót phát sanh liền nói với quần thần: “nếu ai nói với ta là vua cha còn sống thì ta sẽ cho người ấy nửa nước”, quần thần nghe lời nói này liền tranh nhau chạy tới chỗ giam giữ vua cha. Lúc đó vua Ảnh thắng ở trong chỗ giam nghe tiếng động này liền kinh sợ nghĩ là sẽ bị hình phạt gì khổ sở nữa nên ngã lăn ra đất và mạng chung, thần thức hóa sanh nơi đùi của một thiên vương ở Bắc phương. Vị thiên vương này hỏi là ai, đáp: “tôi là thắng tiên, sao gọi là thắng tiên, tức là vị trời hễ nghĩ tới ăn thì có thức ăn uống hiện ở trước mặt tùy ý ăn”.

Lúc đó các Bí-sô đều có nghi thỉnh hỏi Phật: “vua Ảnh thắng đã tạo nghiệp gì mà được sanh trong cung vua thọ hưởng giàu sang, của cải dồi dào, lại được gặp Phật, nghe pháp được Kiến đế nhưng sau đó lại bị giam cầm, bị đâm lòng bàn chân và bị bỏ đói cho đến lúc chết?”, Phật bảo các Bí-sô: “này các Bí-sô, hễ tạo nghiệp thuần đen thì cảm quả báo dị thục thuần đen; tạo nghiệp thuần trắng thì cảm quả báo dị thục thuần trắng; tạo nghiệp xen tạp thì được quả báo xen tạp, tự tạo nghiệp thì tự thọ lấy quả báo như bài kệ:

“Dù trải qua trăm kiếp,
Nghiệp đã tạo không mất,
Khi nhân duyên hội họp,
Tự thọ lấy quả báo”.

Các thầy nên bỏ nghiệp thuần đen và nghiệp xen tạp, phải siêng tu tập như vậy”.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20