CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA PHÁ TĂNG SỰ

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường – TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh – năm 2009

Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 13

Khi Phật ở trong vườn Ni câu đà thành Kiếp-tỷ-la, độ năm trăm Thích tử và Ưu-ba-ly xuất gia ; các Bí-sô đều có nghi thỉnh hỏi Phật: “Ưu-ba-ly đời trước đã tạo nghiệp gì mà nay làm người cạo tóc cho vua?”, Phật nói: “các thầy lắng nghe: Thuở xưa có một người thợ hớt tóc của vua, lúc đó có một vị Phật Bích chi đến trước nhà ông ta nói rằng: “này thiện nam, hãy cạo tóc cho ta, ông sẽ được quả báo thiện”, người thợ này có một người cháu kêu bằng cậu nên ông bảo người cháu: “cậu là thọ hớt tóc cho vua, vậy cháu hãy cạo tóc cho vị này như là cạo cho vua vậy”, người cháu nghe rồi suy nghĩ: “cạo tóc cho vị này sẽ được công đức thiện”, nghĩ rồi liền chú tâm cạo tóc như pháp cho Phật Bích chi này. Lúc đó Phật Bích chi suy nghĩ: “người này cạo tóc cho ta như pháp, ta nên làm lợi ích”, nghĩ rồi liền bay lên không hiện các thần biến. Người cháu thấy rồi liền sanh tâm hi hữu, đảnh lễ rồi phát nguyện: “hôm nay con cạo tóc cho vị này như cạo cho vua, nguyện trong đời vị lai con thường được cạo tóc cho vua giống như cậu con”.

Phật bảo các Bí-sô: “người cháu thuở xưa chính là Ưu-ba-ly ngày nay, do lời nguyện xưa nên nay làm người cạo tóc cho các vua. Đời trước Ưu-ba-ly còn có nguyện khác, các thầy lắng nghe:

Thuở xưa trong một ngôi làng có một trưởng giả cưới vợ sanh được hai trai, người thợ hớt tóc cho vua là bạn thân của trưởng giả tuy có nhiều tiền của nhưng không có con. Người thợ hớt tóc này suy nghĩ: “ta có nhiều tiền của nhưng không có con, nếu ta chết đi, của cải sẽ sung vào quan khố”, nghĩ rồi nên buồn rầu không vui. Trưởng giả hỏi rõ nguyên do rồi nói: “tôi có hai đứa con, tôi sẽ cho đứa nhỏ làm con của bạn”, sau đó trưởng giả dẫn đứa con nhỏ đến cho người thợ hớt tóc này nhận làm con. Thời gian sau trưởng giả mắc bịnh qua đời, con lớn của trưởng giả khi chơi cùng các bạn, nhân lúc tranh cãi chúng nói: “anh không thuộc dòng quý tộc, vì sao, vì em của anh làm con của người thợ hớt tóc”. Người con lớn nghe rồi suy nghĩ: “nếu em ta không làm con của người thợ hớt tóc thì hôm nay ta không bị hủy nhục như thế, ta phải đoạt lại người em”, nghĩ rồi liền đến đoạt lại. Người thợ hớt tóc buồn bã, tập họp những người thợ hớt tóc trong gia tộc nói rằng: “tôi nuôi đứa bé đã nhiều năm, nay người anh đến đoạt lại. Từ nay dòng họ chúng ta không hớt tóc cho họ nữa”. Hai anh em do không được cạo tóc nên tóc, móng tay, móng chân đều ra dài và bẩn thỉu ; bất chợt vua trông thấy liền hỏi nguyên do, vua nghe rồi liền nói: “cha đã cho thì con không được đoạt lại”. Nghe vua phán như vậy, người anh đem người em đến giao lại cho người thợ hớt tóc, sau đó nói với các bạn: “do em ta làm con của người thợ hớt tóc nên ta thường bị hủy nhục. Ta sẽ giết người em để khỏi bị hủy nhục nữa”. Có người nghe được lời này liền đến nói với người em, người em nói với người thợ hớt tóc: “anh con muốn giết con, xin cha cho con xuất gia học đạo tiên”, người cha suy nghĩ: “nếu ta cố giữ thì sẽ bị người anh giết, chi bằng cho nó xuất gia”, nghĩ rồi bằng lòng cho con xuất gia và nói: “nếu con đắc pháp tiên thì hãy trở về dạy cha”, người con nói: “lành thay, xin vâng lời cha dạy”. Người con tìm đến chỗ tiên nhân trong núi rừng nhưng không gặp, anh liền ngồi tư duy, không bao lâu sau chứng được quả Phật Bích chi. Sau khi chứng quả, nghĩ đến lời người cha nuôi nên đi đến chỗ người cha, bay lên không trung hiện các thần biến. Người cha thấy rồi rất vui mừng chắp tay phát nguyện: “xin cho con đời đời được làm thợ hớt tóc cho vua”, sau đó gặp năm vị Phật Bích chi khác, người cha cũng phát nguyện như vậy.

Phật bảo các Bí-sô: “người thợ hớt tóc thuở xưa chính là Ưu-ba-ly ngày nay, do lời nguyện xưa nên nay làm người thợ hớt tóc cho vua”, các Bí-sô lại có nghi thỉnh hỏi Phật: “Ưu-ba-ly đời trước tạo nghiệp lành gì mà nay được chứng quả A-la-hán và là bậc trì luật thứ nhất?”, Phật nói: “các thầy lắng nghe nhân duyên của Ưu-ba-ly:

Quá khứ Hiền kiếp khi loài người thọ hai vạn tuổi, có Phật Cadiếp ba ra đời đầy đủ 10 hiệu Như lai, Bạc già phạm, Ứng chánh đẳng giác, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế Tôn. Phật có một đệ tử là là A-la-hán trì luật bậc nhất, Ưu-ba-ly là đệ tử của vị ấy tuy trọn đời tu phạm hạnh nhưng không đắc quả nên khi lâm chung liền phát nguyện: “nguyện nhờ căn lành trì giới này, ở đời vị lai lúc con người thọ 100 tuổi, có Phật Thích ca mâu ni ra đời đầy đủ 10 hiệu, con sẽ được xuất gia làm vị đệ tử trì luật bậc nhất trong giáo pháp của vị Phật ấy, giống như thầy của con không khác”.

Phật bảo các Bí-sô: “người đệ tử đó chính là Ưu-ba-ly ngày nay, do lời nguyện xưa nên nay được như nguyện ấy … Các thầy nên bỏ nghiệp đen và tạp, nên tu tập nghiệp trắng”.

Khi Phật ở dưới cội cây Bồ-đề hàng phục ma quân chứng Vô thượng chánh đẳng chánh giác, Ma vương liền đến trong thành Kiếptỷ-la nói với mọi người trong thành là đêm nay Sa môn Kiều-đáp-ma sẽ chết, khiến cho mọi người đều buồn rầu than khóc. Vua trời Tịnh cư quán thấy việc này liền ở trong hư không nói cho mọi người biết Sa môn Kiều-đáp-ma không có chết mà ở dưới cội Bồ-đề đã thành đạo quả. Mọi người nghe lời này đều rất vui mừng, lúc đó phu nhân của Cam lộ vương hạ sanh một trai, do sanh vào ngày mọi người đều hoan hỉ nên đặt tên cho bé là A-nan-đà. Cam lộ vương giao con cho tám bà nhũ mẫu nuôi dưỡng và mời tướng sư đến xem tướng, tướng sư nói: “đứa bé sau này sẽ là thị giả của Phật Thích ca Mâu ni “, Cam lộ vương nghe rồi liền suy nghĩ: “ta phải không cho Phật nhìn thấy đứa bé này”, vì nguyên nhân này nên khi Phật trở về thành Kiếp-tỷ-la, Cam lộ vương liền đem A-nan-đà giấu ở thành Quảng nghiêm, đợi Phật đi mới đem trở về. Phật quán biết tâm chúng sanh nên suy nghĩ: “đồng tử A-nan-đà thọ thân này là thân sau cùng nên ở trong pháp của ta xuất gia và thích hợp làm thị giả, vì pháp ta nói ra A-nan đều có thể lãnh thọ không sót; sau khi ta nhập Niết-bàn, A-nan mới được chứng A-la-hán. Để độ A-nan, ta nên bất ngờ vào trong cung của Cam lộ vương”, nghĩ rồi Phật liền dùng thần thông lực vào trong cung của Cam lộ vương, đến chỗ ngồi ngồi như pháp. Cam lộ vương vội đem A-nan giấu trong một căn phòng, Phật dùng thần lực làm cho cửa phòng mở, A-nan đến đảnh lễ Phật rồi đứng sau lưng Phật quạt hầu ; Cam lộ vương và phu nhân cũng đến đảnh lễ rồi ngồi một bên, Phật giảng nói diệu pháp rồi đứng dậy đi. Do nhân duyên đời trước, A-nan liền đi theo Phật; Cam lộ vương, phu nhân và các thể nữ đều không giữ lại được, Phật nói: “đồng tử A-nan thọ thân này là thân sau cùng, các vị không thể giữ được hãy để cho A-nan đi”, Cam lộ vương nói: “nếu Thế tôn muốn độ thì xin cho tôi mở hội cúng dường, sau đó sẽ như pháp dẫn đến”, Phật nhận lời. Lúc đó Cam lộ vương mời tất cả quyến thuộc nội ngoại, thỉnh các Sa môn, Bà-la-môn đến cúng dường và bố thí y thực cho những người nghèo khổ. A-nan từ biệt cha mẹ bà con, thân đeo chuỗi anh lạc, cỡi voi được trang nghiêm bằng bảy báu cùng nhiều thị vệ đi đến chỗ Thế tôn trong rừng Ni-câu-đà. Khi đến cửa thành, thấy trong hào có hoa sen tươi đẹp, voi của A-nan đang cỡi liền đến dùng vòi cuốn lấy hoa sen. Tướng sư thấy việc này rồi liền nói với Cam lộ vương: “lần đi du học này, vương tử chỉ nghe qua một lần thì không bao giờ quên”. Đến nơi, A-nan từ trên lưng voi bước xuống đi bộ đến chỗ Phật, đảnh lễ rồi ngồi một bên, Phật bảo Thập lực Ca-diếp : “thầy hãy như pháp độ A-nan-đà”, Thập lực Ca-diếp vâng lời Phật dạy như pháp độ A-nan xuất gia thọ giới cụ túc.

Phật từ thành Kiếp-tỷ-la đi đến Trúc lâm ở thành Vương xá, lúc đó trên lưng của A-nan bỗng mọc một ung nhọt, Phật bảo Thị-phượcca chữa trị cho A-nan. Lúc Thị-phược-ca đang chữa trị, Phật đang ngồi trên tòa sư tử nói pháp yếu cho đại chúng, cụ thọ A-nan cũng có mặt, Thị-phược-ca suy nghĩ: “chữa trị lúc này thật là đúng lúc, vì sao, vì thầy ấy đang chuyên tâm nghe pháp, ta mổ ung nhọt sẽ không thấy đau”, nghĩ rồi liền dùng thuốc hay thoa lên ung nhọt làm cho ung nhọt muồi, kế dùng dao mổ ung nhọt nặn máu mủ rồi dùng loại cao đặc biệt thoa lên, nhờ vậy bịnh được lành. Khi Thị-phược-ca làm việc này, A-nan chuyên tâm nghe pháp nên không biết đau; sau khi Phật thuyết pháp xong, Thị-phược-ca đem việc mổ ung nhọt bạch Phật và nói: “do A-nan chuyên tâm nghe pháp nên không hay biết”, A-nan nói: “khi đang nghe pháp, dù thân con bị cắt nát như dầu mè, con cũng không biết đau”, Thị-phược-ca thấy việc này rồi sanh tâm hi hữu. Lúc đó các Bí-sô có nghi thỉnh hỏi Phật: “cụ thọ A-nan đời trước đã tạo nghiệp gì mà nay trên lưng sanh ung nhọt như vậy?”, Phật nói: “các thầy hãy lắng nghe nghiệp đời trước của A-nan”, kế nói kệ:

“Dù trải qua trăm kiếp,
Nghiệp đã tạo không mất,
Khi nhân duyên hội họp,
Tự thọ lấy quả báo”.

Thuở xưa tại một nước tên Kê lA-tra có một vị vua cai trị, lúc đó không có Phật, chỉ có vị Độc giác xuất hiện ở đời. Vị này vào thành tới cung vua khất thực, vua nổi giận liền cầm viên bi đánh vào xương sống của vị Độc giác. Vốn đã hàng phục được tâm cao ngạo, lại biết vua không phải là pháp khí nên vị Độc giác bỏ đi.

Phật bảo các Bí-sô: “nhà vua thuở xưa chính là A-nan ngày nay, do thuở xưa cầm viên bi đánh vào xương sống của vị Độc giác với tâm sân nên trải qua năm trăm đời thường bị ung nhọt trên lưng. Nay thọ thân sau cùng vẫn còn bị ung nhọt. Này các Bí-sô, nếu tạo nghiệp đen, trắng hay xen tạp đều sẽ chịu quả báo tương ưng”.

Cụ thọ A-nan có thường pháp là khi đi cùng với chân thân Phật thì tâm thường cung kính, khi đi cùng với hóa thân Phật thì tâm ít cung kính hơn. Lúc đó có một trưởng giả thỉnh Phật và các Bí-sô đến nhà cúng dường, đến giờ Phật đắp y mang bát cùng các Bí-sô đi đến nhà trưởng giả, thọ thực xong liền cùng đại chúng trở về. Các Bí-sô hỏi A-nan: “hôm nay thầy theo Phật thọ thỉnh thực là theo Phật chân thân hay là hóa thân?”, đáp là chân thân không phải hóa thân, lại hỏi làm sao biết được, đáp: “khi tôi đi với chân thân Phật thì tự nhiên tâm tôi cung kính, trong lòng có hổ thẹn ; còn đi với hóa thân Phật thì không như vậy”, các Bí-sô nói với nhau: “A-nan thật là hi hữu, có thể phân biệt các tướng sang hèn khác nhau giữa chân thân và hóa thân Phật”, do nhân duyên này mọi người đều biết A-nan có thể phân biệt các tướng. Lúc đó Phật từ thành Vương xá đi đến thành Thất-la-phiệt trụ trong rừng Thệ đa, cụ thọ A-nan đắp y vào thành khất thực. Có một Bà-la-môn giữa đường gặp A-nan liền suy nghĩ: “ta nghe nói đệ tử này của Sa môn Kiều-đápma có thể phân biệt các tướng, ta nên thử thầy ấy”, nghĩ rồi liền đến hỏi A-nan : “trong rừng Thắng diệp ba có chừng bao nhiêu chiếc lá ?”, đáp: “có khoảng trăm, ngàn, vạn, ức ngần ấy chiếc lá”, nói rồi liền bỏ đi. Bà-la-môn này liền hốt một đống lá trong rừng đem đếm có khoảng bảy trăm bảy mươi chiếc lá, đếm rồi đem đống lá này bỏ bên ngoài rừng rồi đứng đợi A-nan. Sau khi khất thực xong, A-nan trở về lại trên con đường cũ, Bà-la-môn liền hỏi: “Thánh giả, bây giờ trong rừng có khoảng bao nhiêu chiếc lá?”, đáp: “trong rừng này có khoảng trăm, ngàn, vạn, ức ngần ấy chiếc lá nhưng bây giờ lại thiếu mất khoảng bảy trăm bảy mươi chiếc lá”, Bà-la-môn nghe rồi liền khen là hi hữu, rất thông đạt toán số. Các Bí-sô nghe biết việc này liền khởi nghi thỉnh hỏi Phật: “cụ thọ A-nan đời trước đã tạo nghiệp gì mà có thể thông đạt các tướng và toán số?”, Phật nói: “thầy ấy đã tạo nghiệp lành…”, kế nói kệ:

“Dù trải qua trăm kiếp,
Nghiệp đã tạo không mất,
Khi nhân duyên hội họp,
Tự thọ lấy quả báo”.

Thuở xưa tại thành Bà-la-nê-tư có một Bà-la-môn lấy một người vợ và sanh được một con, đến hai mươi mốt ngày ông mở tiệc ăn mừng và đặt tên cho con là Đại bạch. Đến khi trưởng thành, Đại bạch du hành trong nhân gian học thông sáu vạn bài tụng về toán số và dạy lại cho người khác, như thế trải qua năm trăm đời, đến nay là thân sau cùng mới có sự thông đạt như vậy. Đại bạch là tiền thân của A-nan.

Lúc đó cụ thọ A-nan đến trong cung của vua Ba tư nặc (vua Thắng quân), thấy A-nan đến vua vui mừng đảnh lễ rồi bạch rằng: “từ lúc tôi ra đời đến nay, do nghiệp chiêu cảm nên mỗi khi tôi ăn cơm, tự nhiên có cơm nấu bằng gạo thơm với hai con chim trĩ nướng và một khúc mía từ trên không trung rơi vào mâm, nhưng có một con chim trĩ lại rơi ra đất”, A-nan nghe rồi khen là hi hữu, trở về tinh xá kể lại cho mọi người nghe, các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật nói: “thuở xưa ở thành Bà-lanê-tư có một trưởng giả hào phú, nhiều châu báu và ruộng vườn, trong vườn ông bán lúa gạo thơm, chim trĩ và mía. Lúc đó không có Phật, chỉ có Phật Bích chi ra đời giáo hóa chúng sanh, vị này đến nhà trưởng giả khất thực. Thấy vị này tướng mạo đoan nghiêm, giọng nói dịu dàng nên trưởng giả sanh hoan hỉ, nấu gạo lúa thơm, nướng hai con chim trĩ và lấy một khúc mía cúng dường cho Phật Bích chi. Khi vị này đưa bát ra thọ thì có một con chim trĩ rơi xuống đất. Trưởng giả thuở xưa chính là vua Thắng quân ngày nay, do thuở xưa cúng dường Phật Bích chi như thế nên trải qua vô lượng đời thường sanh ở cõi trời thọ hưởng diệu lạc; sau đó sanh trong cõi người làm vua chiêu cảm quả báo này. Vì thế khi cúng dường thức ăn, các thầy nên cẩn thận chớ để rơi xuống đất”. Lúc đó vua Thắng quân nghe Phật nói nhân duyên xưa của mình liền sanh hoan hỉ, phát lòng tín kính Phật pháp tăng và suy nghĩ: “do đời trước ta cúng dường Phật Bích chi nên được quả báo như thế, nay ta nên cúng dường Phật pháp tăng để đời sau được lợi ích lớn”, có một tướng sư đến tâu vua: “đúng ra ngày mai là ngày A-nan được lên ngôi quán đảnh, được quấn khăn báu lên đầu”, vua nghe rồi im lặng không nói. Đêm đó, trên trán của A-nan bỗng sanh một ung nhọt độc, sáng hôm sau vua nghe tin này liền suy nghĩ: “cúng dường người có đức sẽ được nhiều phước, ta nên đích thân cúng dường”, nghĩ rồi liền ra lịnh các danh y trong nước đến tụ họp trong cung rồi bảo họ đến chữa trị cho A-nan. Các thầy thuốc vâng lịnh vua đến chỗ A-nan, họ tuyển ra một vị giỏi nhất dùng kim châm lấy máu độc ra. Vua đích thân cầm lọng có tướng thiên bức luân che phía trên cho A-nan, sau khi chích hết máu độc ra, dùng thuốc hay đắp vào vết thương thì vua lại đích thân dùng lụa quấn quanh trên đầu cho A-nan, đảnh lễ rồi ra về. Các Bí-sô thấy việc này rồi đều có nghi thỉnh hỏi Phật: “Thế tôn, A-nan đời trước đã tạo nghiệp lành gì mà nay vua đích thân hầu hạ?”, Phật nói: “thuở xưa ở thành Bà-la-nê-tư có một thầy thuốc, có một Phật Bích chi đến cầu trị bịnh, thầy thuốc cung kính bạch rằng: “Thánh giả, con xin cúng dường tất cả y thực và thuốc men mà Thánh giả cần dùng cho đến khi lành bịnh”, nói rồi thầy thuốc cung cấp cho Phật Bích chi đến khi lành bịnh. Này các Bí-sô, thầy thuốc thuở xưa chính là A-nan ngày nay, do phước cúng dường Phật Bích chi thuở xưa nên trong vô lượng đời thường sanh ở cõi trời thọ hưởng phước báo và trong năm trăm đời sanh ở cõi người thọ quả báo thù thắng, được các quốc vương, Bà-la-môn… đích thân cúng dường. Nay thọ thân sau cùng vẫn được vua Thắng quân đích thân cầm lọng che và hầu hạ”.

Lúc đó Phật từ thành Thất-la-phiệt du hành đến thành Ba la dừng ở trong một thôn ở ngoài thành, thôn tên là Bà-la-môn. Chúng Thanh văn vây quanh ngồi không xa Thế tôn gồm có Thượng tòa A nhã Kiềutrần-như, Mã thắng, Hiền tử, Trường khí, Đại danh xưng, Da-xá, Viên mãn… Sau giờ ngọ, Bí-sô Diệu chẩm, A-nan cùng chúng Thanh văn đến đảnh lễ Phật rồi ngồi theo thứ lớp, Phật bảo các Bí-sô: “ta nay đã già, sức khỏe ngày càng yếu, không còn đủ sức thuyết pháp cho bốn chúng”. Lúc đó tôn giả Xá-lợi-phất và Đại Mục-kiền-liên khuyến thỉnh A-nan làm thị giả cho Phật, A-nan vâng theo lời hai tôn giả, Phật khen ngợi A-nan thông minh trí huệ đa văn bậc nhất. Các Bí-sô đều có nghi thỉnh hỏi Phật: “Thế tôn, A-nan đời trước đã tu phước nhiệp gì mà nay làm em chú bác với Phật, lại làm thị giả và được Phật khen là thông minh trí huệ, chỉ nghe qua lời Phật dạy liền không quên mất?”, Phật nói: “các thầy lắng nghe:

Thuở xưa tại thành Bà-la-nê-tư có vua tên là Nhật diệu, vua chế lễ khiến cho dân chúng được an vui, trong nước không có suy nạn. Thời gian sau, hoàng hậu sanh đuợc một trai, đến hai mươi mốt ngày vua mở tiệc ăn mừng và đặt tên cho bé, quần thần tâu vua: “vua tên là Nhật diệu, vậy nên đặt tên cho đứa bé là Đại nhật diệu”, Đại nhật diệu lớn lên được phong làm Thái tử ; sau đó hoàng hậu lại sanh thêm một trai và được đặt tên là Nhật trí.Thái tử vốn thích xuất gia, thấy vua cha hành phi pháp liền suy nghĩ: “sau này khi ta lên ngôi cũng sẽ theo quốc pháp hành phi pháp, ắt sẽ bị đọa địa ngục, ta nay nên xin cha cho xuất gia”, nghĩ rồi liền đến xin vua cha cho xuất gia, vua nói: “các tiên nhân ngoại đạo thờ lửa tu khổ hạnh trì giới đều là cầu được sanh làm vua hay vương tử để hưởng thọ khoái lạc. Con nay đã được tất cả, sao lại muốn bỏ mà đi xuất gia?”, Thái tử vẫn ai cầu xin vua cha cho xuất gia, vua biết Thái tử không thích thú vui thế tục nên bằng lòng cho xuất gia. Thái tử liền đến chỗ các tiên nhân ở trong núi để tu đạo, vua phong cho Nhật trí làm Thái tử. Đại nhật diệu chuyên tâm tu đạo, không bao lâu sau chứng qủa Độc giác, sau đó mắc bịnh nặng nên trở về thành Bà-la-nê-tư. Quần thần tâu vua: “Thái tử Đại nhật diệu vào núi tu đạo đã chứng quả Độc giác, nay đã vào thành”, vua liền ra nghinh đón đảnh lễ và bạch rằng: “Thánh giả cần y thực còn tôi cầu phước đức, xin hãy ở lại trong vườn để tôi tùy thời cung cấp các vật cần dùng”, Độc giác im lặng nhận lời. Vua biết Độc giác nhận lời liền bảo Thái tử Nhật trí thừa sự cúng dường. Một hôm, Độc giác nhập định quán biết Nhật trí sau bảy ngày nữa sẽ mạng chung liền bảo Nhật trí : “vì sao em không cầu xuất gia”, Nhật trí liền muốn xuất gia, Độc giác bảo đến tâu vua cha, Nhật trí đến xin vua cha cho xuất gia, vua nổi giận nói: “Đại nhật diệu anh con đã xuất gia, ta còn con là người kế vị, con không thể xuất gia”. Độc giác nghe biết vua cha không cho em xuất gia liền đến chỗ vua nói kệ:

“Nhật diệu thả Nhật trí,
Cho theo tôi xuất gia,
Xuất gia là hơn hết,
Được chư Phật ngợi khen”.

Vua nói: “Thánh giả đã xuất gia, theo quốc pháp phải có người kế vị, nay tôi chỉ còn có Nhật trí. Xin hãy để nó nối ngôi vua, tại gia tu phước cũng đủ, không cần xuất gia”, Độc giác nói kệ:

“Vua nghĩ một đàng,
Việc ra một nẽo,
Chỉ bảy ngày sau,
Nhật trí mạng chung”.

Vua hỏi: “bảy ngày sau Nhật trí sẽ mang chung sao?”, đáp là phải, vua liền nói: “nếu vậy thì ta cho xuất gia”. Sau khi xuất gia, Nhật trí phát tâm thiện cúng dường Độc giác, do Độc giác mắc bịnh phong nên tay cầm bát run rẩy không yên, Nhật trí dùng chiếc vòng bằng vàng để đỡ bát cho bát đứng yên và phát nguyện: “nguyện cho đời sau khi nghe pháp, pháp vào tâm con cũng không lay động giống như vậy”. Vị Độc giác này tuy chứng quả nhưng không thuyết diệu pháp, Nhật trí yêu cầu nói diệu pháp, Độc giác nói: “ta không thể nói diệu pháp”, lại hỏi ai có thể nói, đáp: “khi bậc Ứng chánh đẳng giác ra đời, vị ấy sẽ tuyên thuyết diệu pháp”, Nhật trí liền phát nguyện : “nguyện nhờ căn lành này ở đời vị lai con sẽ được làm em Phật, lại được xuất gia, được đích thân cúng dường, nghe pháp liền ghi nhớ được Đại tổng trì”, Độc giác nghe rồi liền nói: “sau bảy ngày nữa em sẽ mang chung, vậy hãy thường giữ tâm này đừng cho quên mất”. Trải qua bảy ngày Nhật trí vẫn chưa thể đắc quả liền đến từ tạ anh và phát lại lời nguyện trước.

Phật bảo các Bí-sô: “Nhật trí thuở xưa chính là A-nan ngày nay, do nguyện xưa nên nay A-nan làm em thúc bá, được xuất gia và làm thị giả cho ta lại được ta khen ngợi là thông minh trí huệ đa văn bậc nhất, nghe pháp liền nhớ như rót nước vào bình”, các Bí-sô lại có nghi thỉnh hỏi Phật: “A-nan đời trước đã tạo nghiệp lành gì mà nay ở trong đại chúng được Phật ngợi khen là đa văn bậc nhất, có sức tổng trì ghi nhớ không bỏ sót?”, Phật nói: “các thầy lắng nghe:

Quá khư Hiền kiếp lúc hữu tình thọ hai vạn tuổi có Phật Ca-diếp ba ra đời tại vườn Thi lộc, chỗ Tiên nhơn đọa xứ thuộc thành Bà-lanê-tư. Phật có một đệ tử thông minh bậc nhất, nghe pháp liền ghi nhớ không quên; vị này lại có một đệ tử tuy thường tu phạm hạnh nhưng vẫn chưa được chứng quả. Khi lâm chung vị này phát nguyện: “nguyện nhờ căn lành này ở đời vị lai lúc con người thọ 100 tuổi, có Phật Thích ca mâu ni ra đời đầy đủ 10 hiệu, con sẽ được xuất gia trong giáo pháp của vị Phật ấy và được Phật thọ ký là bậc đa văn đệ nhất giống như thầy con ngày nay”.

Này các Bí-sô, người đệ tử ấy chính là A-nan ngày nay, do dời trước phát nguyện với tâm thiện nên ngày nay được ta khen ngợi là bậc đa văn đệ nhất trong số đệ tử của ta.

Này các Bí-sô, tạo nghiệp đen, trắng hay xen tạp đều có quả báo tưng ứng; các thầy hãy bỏ nghiệp đen và nghiệp xen tạp, hãy tu trắng. Phật trụ trong Trúc Lâm Yết lan Đạc Ca ở thành Vương Xá cùng năm trăm Bí-sô đều là A-la-hán, chỉ riêng có Đề-bà-đạt-đa chưa chứng Thánh quả. Lúc đó thời thế mất mùa đói kém khất thực khó được, cho nên các Bí-sô đắc thần thông có người đến rừng Thiệm Bộ ở Nam Thiệm Bộ châu để hái quả Thiệm Bộ với đủ sắc hương vị mang về trú xứ, tự được no đủ và chia đều cho các Bí-sô; có người đến Bắc cu lô châu lấy lúa thơm tự nhiên mang về cùng chia nhau ăn…; có người lên cõi trời Tứ Đại vương chúng, hoặc trời Tam Thập Tam lấy diệu thực của cõi trời mang về cùng chia nhau ăn; có người đến các phương khác những nơi trù phú sung túc để lấy thức ăn ngon mang về cùng chia nhau ăn. Đề-bà-đạt-đa thấy các Bí-sô có thần thông tự tại như vậy liền suy nghĩ: “Hiện nay gặp lúc mất mùa đói kém khất thực khó được, các Bísô đắc thần thông đều đến rừng thiệm Bộ… giống như đoạn văn trên. Nếu ta đắc thần thông ta cũng có thể đi được như thế. Nhưng ai có thể dạy ta pháp thần thông, ta nên đến chỗ Thế Tôn hỏi về điều này, Phật dạy thế nào ta phụng trì thế nấy”. Nghĩ rồi v Đề-bà-đạt-đa rời khỏi chỗ ngồi đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ Phật rồi ngồi một bên bạch Phật: “Thế Tôn, xin hãy dạy cho con pháp thần thông”. Lúc đó Thế Tôn quán biết Đề-bà-đạt-đa sanh niệm tà sẽ tạo tội nghịch nên nói rằng: “thầy nên thọ trì giới tăng thượng trước, kế siêng tu Định Huệ tăng thượng thì sẽ được thần thông”. Nghe Phật nói rồi Đề-bà-đạt-đa liền nghĩ là Thế Tôn không muốn dạy cho mình pháp thần thông nên lui về, sau đó đến chỗ A Nhã Kiều-trần-như bạch rằng: “cúi xin Thượng Tọa dạy cho tôi pháp thần thông”. Cụ thọ A Nhã Kiều-trần-như liền quán tâm Phật biết được do Phật quán biết Đề-bà-đạt-đa sanh niệm tà sẽ tạo tội nghịch nên không dạy thần thông cho Đề-bà-đạt-đa , quán biết rồi liền nói rằng: “thầy nên siêng tu tập tâm tăng thượng, quán nơi sắc… thì sẽ được thần thông”. Đề-bà-đạt-đa nghe rồi nghĩ là A Nhã Kiều-trần-như không muốn dạy cho mình nên bỏ đi. Sau đó lần lượt đến chỗ các vị thượng tọa như Mã Thắng, Hiền tử, Đại danh Xưng, Viên Mãn, Vô Cấu, Ngưu Vương, Diệu Tý… tất cả là 500 vị thượng tọa để xin học pháp thần thông, nhưng tất cả vị thượng tọa này đều quán tâm Phật biết được do Phật quán biết Đề-bà-đạt-đa sanh niệm tà sẽ tạo tội nghịch nên đã không dạy pháp thần thông cho Đề-bà-đạt-đa, quán biết rồi nói rằng: “thầy nên tu tập tâm tăng thượng, quán nơi sắc… cho đến quán Thọ, tưởng, hành thức cũng như vậy, thì sẽ được thần thông và các pháp khác”. Đề-bà-đạt-đa nghe thấy 500 vị thượng tọa đều nói giống như nhau liền biết là không muốn dạy pháp thần thông cho mình liền suy nghĩ: “không lẽ không còn ai dạy pháp thần thông cho ta sao?”. Lúc đó Đề-bà-đạt-đa liền nghĩ đến cụ thọ Thập Lực Ca-diếp đang ở trong hang Tiên tiên nhân ca thành Vương Xá: “Thập Lực Ca-diếp tánh không dối nịnh, nói lời chơn thật, là Ô-ba-đà-da của A-nan-đà em ta, có thể dạy ta pháp thần thông”. Nghĩ rồi liền đi đến chỗ Thập Lực Ca-diếp đảnh lễ rồi bạch rằng: “cúi xin thượng tọa dạy cho tôi pháp thần thông”. Cụ thọ Thập Lực Ca-diếp do không quán tâm Phật và tâm của năm trăm Thượng tòa, cũng không biết Đề-bà-đạt-đa sanh niệm tà sẽ tạo tội nghịch, nên dạy pháp thần thông cho Đề-bà-đạt-đa. Đề-bà-đạt-đa nghe rồi liền siêng năng tu tập đến sau đêm nương theo đạo thế tục mà chứng được Sơ tĩnh lự, phát ra thần thông, chuyển một thân thành nhiều thân, chuyển nhiều thân thành một thân, hoặc hiện hoặc ẩn, có thể đi xuyên qua núi, đá, vách như đi trong hư không không có ngăn ngại; vào trong đất như đi trong nước, đi trên mặt nước như đi trên mặt đất, ngồi kiết già trong hư không như chim bay, hoặc dùng tay sờ mặt trời, mặt trăng … Có được thần thông rồi Đề-bà-đạt-đa suy nghĩ: “nay các Bí-sô khất thực khó được, ta trước đến trong rừng Thiệm Bộ hái quả thơm ngon để ăn rồi chia cho các vị khác, kế đến các châu Đông, Tây, Bắc, cõi trời Tứ Đại vương chúng, Tam thập tam và các nơi trù phú khác lấy lấy thức ăn cho mình và chia cho các vị khác”. Đề-bà-đạt-đa lại nghĩ: “ta nên nghĩ cách giáo hóa vua nước Ma-kiệt-đà, nếu người này được giáo hóa rồi ta có thể thu phục nhiều người không khó. Thái tử A-xà-thế sau khi vua cha qua đời sẽ làm quốc vương, có đại tự tại, ta nên giáo hóa người này trước, sau mới thu phục nhiều người không khó”. Nghĩ rồi Đề-bà-đạt-đa liền hóa làm thân voi trắng từ cửa lớn vào rồi đi ra cửa nhỏ, lại từ cửa nhỏ đi vào rồi đi ra cửa lớn; hoặc hóa làm người đang cởi ngựa ra vào các cửa giống như trên; hoặc làm Bí-sô cạo bỏ râu tóc, đắp y như pháp mang bát ra vào các cửa như trên. Lúc đó Đề-bà-đạt-đa hóa làm đồng tử trang sức bằng các chuỗi anh lạc rực rỡ ngồi trên đầu gối của Thái tử, hoặc đứng đi… Thái tử biết là do Đề-bà-đạt-đa hiện thần thông biến hóa nên ôm hôn đồng tử, nước miếng của Thái tử chảy vào miệng của đồng tử. Do Đề-bà-đạt-đa có tâm tham cầu lợi dưỡng nên nuốt nước miếng này, Thái tử khởi tâm tà cho là đức của Đề-bà-đạt-đa thù thắng hơn đức Phật. Đề-bà-đạt-đa hiện trở lại thân chân thật, Thái tử sanh tâm tín kính đảnh lễ và cho chở các món cúng dường trên năm trăm xe báu để tiễn Đề-bà-đạt-đa ra về. Kể từ ngày hôm đó mỗi ngày hai lần sáng chiều, Thái tử đều dùng xe báu đến chỗ Đề-bà-đạt-đa kính lễ, mỗi bửa ăn dâng cúng năm trăm chõ thức ăn thượng diệu cho Đề-bà-đạt-đa và năm trăm Bí-sô tùy thuận Đề-bà-đạt-đa. Lúc đó các Bí-sô sáng sớm vào thành khất thực nghe biết sự việc như trên nên sau khi khất thực xong trở về bổn xứ, ăn xong rửa bát, rửa tay chân rồi liền đến chỗ Phật, đảnh lễ Phật rồi đem sự việc nghe biết được về Đề-bà-đạt-đa bạch Phật, Phật nghe rồi liền bảo các Bí-sô: “các thầy đừng nên hâm mộ việc Đề-bàđạt-đa thọ nhận sự cúng dường thượng diệu đó, vì sao? Vì Đề-bà-đạt-đa sẽ bị sự cúng dường thượng diệu này giết hại, như cây chuối trổ buồng, như cây trúc Vĩ có trái, như con La mang thai đều tự hại thân. Đề-bàđạt-đa cũng như thế, thọ nhận sự cúng dường thượng diệu của người ắt tự hại mình. Này các Bí-sô, nếu khi Đề-bà-đạt-đa được lợi dưỡng thì người ngu này có thể đêm dài thọ lãnh việc không lợi ích, khổ não”. Lúc đó Đề-bà-đạt-đa sau khi được sự cung kính cúng dường như vậy rồi liền khởi niệm tà ác: “Thế Tôn nay đã già yếu, nếu giáo thọ cho bốn chúng rất nhọc mệt. Nay đến lúc nên giao phó đại chúng cho ta, ta sẽ giáo thọ cho họ, Thế Tôn nên ít lo nghĩ, thọ hiện pháp lạc trụ trong tịch tĩnh”. Đề-bà-đạt-đa vừa sanh niệm tà ác này liền thối mất thần thông mà không tự biết. Lúc đó có một Bí-sô đệ tử của Phật tên là Ca-câu-la từng ở bên Phật siêng tu tịnh hạnh, đối dục trừ dục nên sau khi mạng chung được sanh lên cõi trời Phạm. Ca-câu-la dùng Thiên nhãn quán thấy Đề-bà-đạt-đa do khởi niệm tà ác mà thối mất thần thông liền ẩn thân ở Phạm cung, như tráng sĩ co duỗi cánh tay hiện đến chỗ cụ thọ Mục Kiền Liên ở trong rừng Khủng bố lộc núi Giao ngư, đảnh lễ rồi bạch rằng: “Đại đức biết chăng, Đề-bà-đạt-đa do tham lợi dưỡng đã khởi lên niệm tà ác… giống như đoạn văn trên. Vừa khởi niệm tà ác này liền thối mất thần thông. Lành thay, đại đức Mục Kiền Liên nên đến chỗ Phật bạch rõ việc này”. Cụ thọ Mục Kiền Liên im lặng nhận lời, Ca câu la biết cụ thọ Mục Kiền Liên đã nhận lời rồi liền ẩn thân trở về Phạm cung. Sau khi Phạm thiên Ca câu la đi rồi, cụ thọ Mục Kiền Liên liền nhập Thắng định, như tráng sĩ co duỗi cánh tay ẩn thân ở núi Giao ngư hiện đến Trúc Lâm, chỗ Thế Tôn đang ở, đảnh lễ Phật rồi ngồi một bên rồi đem lời của Phạm thiên Ca câu la vừa nói bạch Phật, Phật nghe rồi nói rằng: “Thầy đợi Phạm thiên Ca câu la đến nói mới biết Đề-bàđạt-đa có niệm tà ác hay sao?”. Mục Liên bạch Phật: “Thế Tôn con đã biết trước”. Lúc đó Đề-bà-đạt-đa cùng bốn Bí-sô bè đảng đi đến chỗ Phật: 1. Là Cô ca Lợi Ca. 2. Là Khiên Đồ Đạt Phiêu. 3. Là Yết Tra Mô Lạc Ca Để Sái. 4. Là Tam Một Đạt La Đạt Đa. Phật từ xa trông thấy liền bảo Mục Liên: “Thiên Thọ sắp đến, người ngu si này đích thân đến trước ta khoác lác, thầy nên khéo hộ lời nói”. Cụ thọ Mục Kiền Liên liền đảnh lễ Phật rồi nhập định, như tráng sĩ co duỗi cánh tay, ẩn thân ở Trúc lâm trở về núi Giao ngư. Lúc đó Đề-bà-đạt-đa đến đảnh lễ Phật rồi bạch rằng: “Thế Tôn nay đã già yếu, giáo thọ cho 4 chúng rất nhọc mệt. Thế Tôn nên giao phó đại chúng cho con, con sẽ giáo thọ họ. Thế Tôn nên ít lo nghĩ, thọ hiện pháp lạc trụ trong tịch tĩnh”. Thế Tôn nói: “Đại trí bậc nhất như Xá-lợi-tử, thần thông bậc nhất như Mục Kiền Liên trong số các đệ tử đã chứng quả A-la-hán, ta còn không phó chúc Bí-sô tăng già cho họ, huống chi thầy là người ngu si nuốt đàm dãi của người khác”. Đề-bà-đạt-đa nghe rồi liền suy nghĩ: “hôm nay Thế Tôn khen ngợi Xá-lợi-tử, Mục Kiền Liên mà gọi ta là người ngu si nuốt đàm dãi của người khác”, nghĩ rồi liền phát sanh bảy loại tâm nghịch đối với Thế tôn.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20