CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA PHÁ TĂNG SỰ

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường – TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh – năm 2009

Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 2

Bốn vương tử cùng các quyến thuộc từ từ đi về phía trước, khi đến chân núi Tuyết bên sông Căng già, gần trú xứ của tiên Kiếp-tỷ-la thì dừng lại, cắt cỏ tranh làm nhà để ở, cùng hái trái và săn bắt để sống. Mỗi ngày ba lần bốn vương tử đến thân cạn và cúng dường tiên Kiếptỷ-la; tiên nhơn thấy bốn vương tử tiều tụy liền hỏi nguyên do, đáp là vì không có vợ nên mới như thế, tiên nhân nói: “các con có thể cưới các cô em khác mẹ”, vương tử nói: “như thế có được không ?”, tiên nhân nói: “nếu không cùng một mẹ thì được”. Bốn vương tử thấy lời tiên nhân nói hợp với ý mình nên cùng gả cưới em gái cho nhau để thành vợ chồng, không bao lâu sau họ đều sanh con trai con gái. Bốn vương tử vui mừng nên thường dẫn vợ con đến chỗ tiên nhân khiến cho nơi này trở nên ồn náo và tiên nhân không thể đắc định nên nói với bốn vương tử: “các con ở an nơi đây, còn ta sẽ đi”, vương tử hỏi nguyên do, tiên nhân nói: “các con làm ồn náo, trở ngại ta đắc định, giống như ta bước đi trên gai”, vương tử nói: “tiên nhân hãy an ở nơi đây, chúng con sẽ tìm nơi thích hợp hơn để ở”. Tiên nhân đã đắc thần thông, có thể làm mọi việc theo ý muốn nên cầm bình vàng đựng đầy nước tìm đến một nơi tốt đẹp hơn, rưới nước làm ranh giới và bảo các vương tử đến ở trong ranh giới này. Các vương tử ở trong đây xây dựng tường thành, do tiên nhân rưới nước làm ranh giới nên đặt tên thành là Kiếp-tỷ-la. Do dân cư ngày càng đông, thành cũ trở nên chật hẹp nên thiên thần chỉ cho họ một nơi khác rộng lớn hơn, họ xây dựng thành mới trên đất mới và đặt tên thành là Thiên thị. Lúc đó các vương tử nói với nhau: “do vua cha lấy vợ sau nên khiến chúng ta phải rời khỏi nước, chúng ta nên lập thệ từ nay về sau chỉ nên lấy một vợ, không được lấy thêm vợ khác”.

Lúc đó vua Tăng trưởng hỏi quần thần về tông tích của bốn vương tử, quần thân tâu: “các vương tử hiện đang ở tại thành Thiên thị ở dưới chân núi Tuyết, tự xây dựng thành ấp”, vua nói: “các con ta có thể tự xây dựng thành ấp hay sao, quả thật là tài giỏi”. Do được vua cha khen ngợi là thật tài giỏi nên các vương tử được gọi là Thích ca. Thời gian sau vua cha băng hà, Thái tử Ái lạc lên nối ngôi, không bao lâu sau lại băng hà, không có con nối ngôi. Quần thần cùng nhau bàn luận đi đến thành Thiên thị rước vương tử trưởng là Cự diện về nước làm vua. Do con của Cự diện chết nên sau khi vua Cự diện băng hà, không có ai nối ngôi; quân thần lại đến rước vương tử thứ hai là Đại nhĩ về nước làm vua. Vua Đại nhĩ băng hà cũng không có con nối ngôi nên quần thần lại đến rước vương tử thứ ba là Tượng hành về nước làm vua; Vua Tượng hành băng hà cũng không có con nối ngôi nên quần thần lại đến rước vương tử thứ tư là Bảo xuyến về nước làm vua. Bảo xuyến có con tên là Cận bảo xuyến, Cận Bảo xuyến có con tên là Thiên môn cùng con cháu nối tiếp nhau làm vua ở thành Kiếp-tỷ-la cho đến năm vạn năm ngàn đời, dùng chánh pháp giáo hóa, vua cuối cùng tên là Thập xa. Con cháu của Thập xa theo thứ lớp lên nối ngôi vua tên là Bách xa, Nghiêm xa, Thắng xa, Kiên xa, Thập cung, Bách cung, Cửu thập cung, Tối thắng cung, Nghiêm cung, Kiên cung. Vua Kiên cung có hai người con tên là Sư tử giáp và Sư tử hống ; vua Sư tử giáp là người đứng đầu trong tất cả tay thiện xạ ở châu Thiệm bộ, vua có bốn con trai tên là Tịnh-phạn, Bạch phạn, Hộc-phạn và Cam-lồ-phạn; và bốn con gái tên là Thanh tịnh, Thuần bạch, Thuần lộc và Cam lộ. Vua Tịnh-phạn có hai con: con trưởng là Thái tử nay là Thế tôn và con thứ nay là cụ thọ Nan-đà; vua Bạch phạn có hai con tên là Hằng tinh và Hiền thiện; vua Hộc-phạn có hai con tên là Đại danh và A-na-luật; vua Cam-lồ-phạn có hai con tên là Khánh hỷ và Thiên thọ. Công chúa Thanh tịnh có con tên là Thiện ngộ, Thuần bạch có con tên là Hữu man, Thuần lộc có con tên là Thắng lực, Cam lộ có con tên là Đại lực. Thế tôn trước đó có con tên là La-hầu-la, chủng tộc Thích ca bắt đều từ Đại vương Địa chủ đến đời La-hầu-la thì đoạn dứt kế tự, vì La-hầu-la đã chứng Vô sanh, đã đoạn hạt giống sanh tử nên không còn kế tự nữa.

Cụ thọ Đại Mục-kiền-liên nói xong nhân duyên về chủng tộc Thích ca liền xuống tòa và đứng yên lặng, lúc đó Thế tôn biết cụ thọ đã nói xong liền từ tư thế nằm ngồi dậy ngay ngắn và khen rằng: “lành thay Mục liên, thầy đã như pháp nói về nguồn gốc của chủng tộc Thích ca. Nếu người nào nói cho người khác nghe về chủng tộc Thích ca thì người ấy sẽ được lợi ích lớn và thường được an lạc”, Phật lại bào các Bí-sô và các Bí-sô ni: “hãy ghi nhớ nhân duyên nguồn gốc của chủng tộc Thích ca và như pháp nói cho người khác nghe, vì sao, vì nhân việc làm này sẽ được lợi ích lớn, đầy đủ nghĩa lợi, đầy đủ pháp nghĩa, đầy đủ phạm hạnh… Vì thế các Bí-sô, hãy nên thọ trì và rộng nói cho người khác nghe”, các Thích tử trong thành Kiếp-tỷ-la nghe rồi vui mừng từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ Phật, hữu nhiễu rồi đi. Lúc đó Phật bảo các Bí-sô: “các thầy lắng nghe:

Xưa kia, vua Sư tử giáp ở thành Kiếp-tỷ-la đã dùng chánh pháp giáo hóa khiến cho nhân dân an lạc, trong nước thịnh vượng không có khủng bố. Vua Thiện ngộ ở Thánh Thiên thị cũng dùng chánh pháp giáo hóa khiến cho đất nước an ổn, dân chúng giàu có không bị suy não; vợ vua tên là Diệu thắng dung mạo đoan chánh được mọi người yêu mến. Trong thành này có một trưởng giả tên là Kiết tường, nhà giàu có nhiều nhà cửa, ruộng vườn, châu báu, kho lẫm đầy ắp, quyến thuộc đông đúc … giống như Tỳ sa môn thiên vương không khác. Trưởng giả có một vườn hoa với nhiều loại hoa và cây trái, lại có suối và ao tắm với đủ loại chim quý hiếm, tiếng hót hòa nhã vi diệu nên vua cùng phi hậu và các vương tử thường đến dạo chơi. Phu nhân của vua khởi tâm tham Ái nên yêu cầu vua xin trưởng giả cho khu vườn này, vua nói: “vườn này của trưởng giả Kiết tường, ta không thể bảo trưởng giả đem nó cho nàng. Nếu nàng muốn, ta sẽ ở trong thành này xây dựng một khu vườn khác đẹp hơn để ban cho nàng”. Vua vì phu nhân nên ở trong thành cho xây một khu vườn tốt đẹp gấp bội, do phu nhân tên là Diệu thắng nên vườn này được gọi là Diệu thắng. Vua Sư tử giáp thường cầu xin một nguyện : “nếu trong chủng tộc của tôi xuất hiện một Kim luân vương thì mới thỏa nguyện của tôi”; vua Thiện ngộ cũng thường cầu xin một nguyện: “nếu tôi được làm quyến thuộc của vua Sư tử giáp thì mới thỏa nguyện của tôi”. Lúc đó đại phu nhân của vua Thiện ngộ thọ thai, sau mười tháng hạ sanh một công chúa, dung mạo đoan chánh hiếm có trong thế gian; vua cùng phu nhân và các quyến thuộc đều trầm trồ bàn luận: “công chúa này từ loài người sanh ra hay do chư thiên khéo biến hóa ra”. Sau hai mươi mốt ngày vua mở tiệc ăn mừng và bảo quần thần bàn xem nên đặt tên cho công chúa là gì, do họ cho công chúa đoan chánh như thế là do chư thiên khéo biến hóa ra, nên tâu vua nên đặt tên cho công chúa là Huyễn hóa, vua bèn giao công chúa cho tám bà nhũ mẫu nuôi dưỡng. Lúc đó có Tướng sư đến tâu với vua: “công chúa Thánh thiện này sau sẽ sanh một con trai đầy đủ các tướng, có đại oai đức và đạt được ngôi vị Lực luân”, vua nghe xong rất vui mừng. Thời gian sau, đại phu nhân lại mang thai, sau mười tháng lại hạ sanh công chúa, ánh sáng trên thân chiếu khắp cả thành, dung mạo đoan chánh trong đời không ai sánh bằng. Sau hai mươi mốt ngày vua mở tiệc ăn mừng và bảo quần thần bàn xem nên đặt tên cho công chúa là gì, do công chúa này đoan chánh hơn hẳn công chúa trước nên công chúa được đặt tên là Đại Huyễn hóa, vua lại giao cho tám bà nhũ mẫu nuôi dưỡng. Lúc đó có Tướng sư đến tâu với vua: “công chúa Thánh thiện này sau sẽ sanh một con trai có đủ ba mươi hai tướng đại trượng phu, có đại oai đức và đạt được ngôi vị Chuyển luân Thánh vương”, vua nghe xong vui mừng gấp bội.

Thời gian sau, cả hai công chúa đều trưởng thành, vua Thiện ngộ sai sứ mang thư đến cho vua Sư tử giáp, trong thư viết: “đại phu nhân của tôi hạ sanh hai công chúa, dung mạo đoan chánh hiếm có trên đời. Tướng sư nói công chúa trưởng sau này sẽ sanh một trai đạt được ngôi vị Lực luân, còn công chúa nhỏ sau này sẽ sanh một trai đạt được ngôi vị Chuyển luân Thánh vương. Tôi nghe con trưởng của vua tên là Tịnhphạn, tôi muốn đem một trong hai công chúa này gả cho Tịnh-phạn”, vua xem thư xong rất vui mừng liền bảo sứ giả trở về bạch lại vua Thiện ngộ rằng: “hai công chúa của vua đều đầy đủ tướng tốt, tôi xin cưới cả hai cho Tịnh-phạn, nhưng vì Tiên vương của tôi có lời thề không lấy hai vợ nên tôi xin cưới công chúa nhỏ sẽ sanh Luân vương cho Tịnh-phạn trước; tôi hội họp quần thần và các quyến thuộc bàn việc này xong sẽ rước công chủa trưởng sau”, vua Thiện ngộ nghe rồi liền theo quốc pháp trang điểm cho công chúa nhỏ và cho năm trăm thị nữ theo hầu qua nước kia làm vợ Thái tử Tịnh-phạn.

Lúc đó vua Sư tử giáp có một nước giáp ranh ở trong sơn cốc tên là Bát-trà-bà, nổi lên làm phản đánh phá các vùng lân cận; những người thuộc chủng tộc Thích ca chạy đến báo với vua Sư tử giáp, yêu cầu vua đem binh đánh dẹp, vua nói: “tôi nay đã già, không thể cầm binh chiến đấu”, họ nói: “xin thỉnh Thái tử đem binh đánh dẹp”, vua nói: “nếu các vị chấp thuận cho Thái tử một nguyện thì tôi sẽ cho phát binh”, mọi người chấp thuận, vua liền ra lịnh đánh trống chỉnh đốn bốn binh đi theo Thái tử dẹp loạn. Thái tử thống lĩnh bốn binh đánh dẹp hết giặc loạn, hoặc giết hoặc bắt trói, không một ai trốn thoát rồi dẫn quân trở về. Những người thuộc chủng tộc Thích ca rất vui mừng và hỏi vua về nguyện ước của Thái tử, vua nói: “chủng tộc Thích ca chúng ta trước kia có lời thệ là không lấy hai vợ”, họ liền hỏi vua: “vua muốn bỏ lời thề này hay sao?”, vua nói: “không phải như vậy, mà là ta muốn cho Thái tử lấy hai vợ, còn những người khác vẫn giữ lời thề xưa”. Được sự chấp thuận của những người trong chủng tộc Thích ca, vua liền sai sứ giả đến báo với vua Thiện ngộ: “những người trong chủng tộc Thích ca đều đã chấp thuận, nay tôi xin hỏi cưới công chúa trưởng cho Tịnhphạn”, vua nghe rồi rất vui mừng, liền cho năm trăm thể nữ theo hầu công chúa rồi đưa đến thành Kiếp-tỷ-la gả cho Thái tử Tịnh-phạn. Thời gian sau, vua Sư tử giáp băng hà, Thái tử lên nối ngôi cũng dùng chánh pháp giáo hóa, đất nước yên vui, nhân dân an lạc không có suy não ; một hôm vua cùng đại phu nhân lên lầu cao cùng các thể nữ vây quanh, nghe tấu kỹ nhạc vui vẻ tự tại. Lúc đó Bồ-tát ở cõi trời Đổ-sử-đa thường dùng năm pháp quán sát trong thế gian : 1 là quán nơi sẽ sanh ra, 2 là quán quốc độ, 3 là quán thời tiết, 4 là quán chủng tộc, 5 là quán cha mẹ thân sanh.

Vì sao Bồ-tát quán nơi sanh ? – thường pháp của Bồ-tát là tư duy các Bồ-tát trong quá khứ thọ sanh nơi nào, liền quán biết các vị ấy hoặc sanh trong nhà Bà-la-môn tịnh hạnh hoặc sanh trong nhà Sát-đế-lỵ tôn quý, hoặc làm thầy của Bà-la-môn hoặc làm thầy của Sát-đế-lỵ. Ta nên thọ sanh trong nhà Sát-đế-lỵ tôn quý, vì nếu ta thọ sanh trong nhà thấp hèn thì chúng sanh đời sau sẽ phỉ báng ta. Bồ-tát có phước lực tự tại nên có thể thọ sanh theo ý niệm, do nghĩa này nên Bồ-tát phải quán nơi sanh trước khi thọ sanh.

Vì sao Bồ-tát quán quốc độ ? – thường pháp của Bồ-tát là tư duy các Bồ-tát trong quá khứ thọ sanh ở quốc độ nào, liền quán biết nước Trung Thiên trúc sung túc, có đầy đủ lúa gạo, ngũ cốc trúng mùa, khất thực dễ được ; trong nước không có mười ác nghiệp, phần nhiều tu theo mười thiện nghiệp. Ta nên thọ sanh nơi nước Trung Thiên trúc, vì nếu ta sanh nơi biên địa thì các hữu tình sẽ phỉ báng ta. Bồ-tát có phước đức tự tại có thể thọ sanh theo ý niệm, do nghĩa này nên Bồ-tát quán quốc độ trước khi thọ sanh.

Vì sao Bồ-tát phải quán thời tiết ? – thường pháp của Bồ-tát là tư duy các Bồ-tát trong quá khứ sanh xuống nhơn gian vào lúc nào, liền quán biết chúng sanh có tuổi thọ từ tám vạn tuổi giảm dần xuống trăm tuổi thì Bồ-tát sẽ hạ sanh. Nếu người có tuổi thọ trở lên đến tám vạn tuổi thì chúng sanh sẽ không có các việc như buồn khổ, ngu si, đần độn, kiêu mạn, tham dục thì không phải là chơn pháp khí, khó thọ giáo hóa. Ngược lại nếu người có tuổi thọ ngắn từ một trăm trở xuống thì sẽ bị năm trược mê muội nặng nề ; năm trược là mạng trược, phiền não trược, hữu tình trược, kiến trược và kiếp trược ; năm trược nếu tăng trưởng thì không phải là chơn pháp khí. Nếu Bồ-tát xuất hiện ở thế gian vào đời ác trược thì ngoại đạo sẽ phỉ báng, cho nên Bồ-tát cũng như các Bồ-tát quá khứ không xuất hiện vào đời ác trược; do nghĩa này nên Bồ-tát quán thời tiết trước khi thọ sanh.

Vì sao Bồ-tát phải quán chủng tộc? Thường pháp của Bồ-tát là tư duy nên thọ sanh trong chủng tộc nào, nếu chủng tộc nào có bà con nội ngoại từ xưa đến nay không bị phỉ báng thì Bồ-tát sẽ thọ sanh trong chủng tộc đó; liền quán biết chủng tộc Thích ca là chủng tộc tôn quý, thuộc dòng Chuyển luân Thánh vương. Nếu Bồ-tát thọ sanh trong chủng tộc thấp hèn thì chúng sanh sẽ phỉ báng, do Bồ-tát từ vô lượng kiếp đến nay có năng lực tự tại nên có thể tùy ý niệm mà thọ sanh; do nghĩa này nên Bồ-tát quán chủng tộc trước khi thọ sanh.

Vì sao Bồ-tát phải quán cha mẹ thân sanh? Vì Bồ-tát thường tư duy các Bồ-tát quá khứ thọ vào thai của bà mẹ như thế nào, liền quán biết phu nhân Đại Huyễn hóa có dòng họ bảy đời thuần tịnh, không có dâm ô, hình dáng đoan nghiêm khéo tu giới phẩm; Bồ-tát ở trong thai của người nữ này đủ mười tháng vẫn không làm chướng ngại mọi sinh hoạt hằng ngày như tới lui, qua lại. Bồ-tát lại quán biết phu nhân từng phát nguyện vô thượng đối với chư Phật trong quá khứ là xin Phật gia hộ cho con trong đời vị lai sanh được đứa con thành quả Chánh giác. Nếu không như thế thì Bồ-tát sẽ bị chúng sanh phỉ báng là tại sao thọ thai vào người nữ vô tướng; do Bồ-tát đã gieo trồng căn lành thành tựu nên tự tại thọ sanh theo ý niệm, do nghĩa này Bồ-tát phải quán cha mẹ thân sanh trước khi thọ sanh.

Sau khi quán năm pháp này xong, Bồ-tát ân cần báo cho chư thiên cõi trời Lục dục biết đến ba lần: “từ cõi trời Đổ-sử-đa, ta sẽ hạ sanh trong nhơn gian, vào thai của đại phu nhân làm Thái tử của vua Tịnhphạn. Sau khi đản sanh cõi kia, ta sẽ chứng quả thường trụ, trong chư thiên nếu có vị nào muốn được chứng quả như ta thì cùng ta thọ sanh ở cõi kia”, lúc đó chư thiên nói: “lành thay, Bồ-tát có biết chúng sanh ở châu Thiệm bộ cương cường khó giáo hóa với nhiều ác trược ; lại còn có Lục sư ngoại đạo, lục Thanh văn tùy ngoại đạo, Lục dịnh ngoại đạo, họ chấp chặt tà kiến, khó thể cứu độ. Lục sư ngoại đạo là Ma già lê câu xa tử, San xà da tỳ la đồ tử, Ni kiền đà nhã đề tử, Ca cầu đà Cachiên-diên, A kỳ đà súy xá Khâm bà la và Bổ thích na. Lục thanh văn tùy ngoại đạo là Câu đạt đa Bà-la-môn, Thâu na đà, Già di, Phạm thọ, Liên thật và Xích hải tử. Lục định ngoại đạo là Uất đa già la ma tử, La la Ca-la ma, Thiện phạm chí, Tối thắng nho đồng, Hắc tiên và Ưu-lâutần-loa-ca-diếp nhã chi la. Các ngoại đạo này dùng tà pháp giáo hóa chúng sanh khiến cho sanh tham đắm chấp chặt tà kiến, khó thể cứu độ.

Vì sao Bồ-tát lại thọ sanh cõi đó, ở cõi trời Đổ-sử-đa này, mỗi tòa của chư thiên ngồi nghe pháp dài rộng đến mười hai Du thiện na, Bồ-tát hãy ở lại đây thuyết pháp cho chúng tôi nghe, sau khi nghe pháp, chúng tôi sẽ tín thọ để được lợi ích an lạc lâu dài”, Bồ-tát nghe rồi liền nói: “chư thiên hãy tùy ý trổi các kỹ nhạc”, chư thiên liền đồng trổi lên đủ các loại kỹ nhạc. Lúc đó Bồ-tát liền thổi loa lớn, tiếng loa lấn át tất cả các loại kỹ nhạc, Bồ-tát hỏi chư thiên là tiếng kỹ nhạc nào lớn nhất, đáp là tiếng loa, Bồ-tát nói: “các vị nên biết, giống như tiếng loa có thể lấn át các loại kỹ nhạc, khi ta hạ sanh ỡ châu Thiệm bộ , pháp mà ta nói ra có thể tồi phục được Lục sư ngoại đạo… khiến cho chúng sanh được pháp cam lồ đầy đủ. Ta thổi loa Vô thường sẽ khiến cho kiến chấp Thường của ngoại đạo bị diệt, ta thổi loa Không sẽ khiến cho kiến chấp Có của ngoại đạo bị diệt”, liền nói kệ:

“Sư tử điều phục các thú dữ,
Kim cương cắt đứt mọi vật cứng,
Đế thích chế ngự A-tu-la ,
Nhật quang hơn hẳn các ánh sáng”.

Nói kệ xong, Bồ-tát bảo chư thiên: “nếu các vị muốn được pháp cam lồ thanh tịnh đầy đủ thì hãy sanh vào sáu thành lớn của nước Trung Thiên trúc”. Lúc đó Thích-đề-hoàn-nhơn ngay nơi tòa ngồi quán biết Bồ-tát sẽ thọ sanh vào thai của phu nhân Ma-da nên suy nghĩ: “ta sẽ dùng thần thông lực làm cho thân bà được thanh tịnh, không còn cấu uế và khỏe mạnh để đợi Bồ-tát thọ sanh”, nghĩ rồi liền dùng thần thông lực làm cho thân phu nhân thanh tịnh. Lúc đó ở cõi trời Đổ-sử-đa vào ban đêm, Bồ-tát với hình dáng voi trắng sáu ngà hạ sanh ở nước Trung Thiên trúc, giáng thần vào thai của phu nhân Ma-da. Đêm đó phu nhân nằm mộng thấy bốn điềm:

1. Là thấy voi trắng sáu ngà đến gá vào thai.
2. Là thấy thân mình bay vọt lên không.
3. Là thấy mình đi lên núi cao.
4. Là thấy nhiều người vây quanh đảnh lễ.

Tỉnh dậy, phu nhân liền kể cho vua Tịnh-phạn nghe, vua liền cho mời Tướng sư đến giải mộng, Tướng sư nói: “dựa trên bốn điềm này thì phu nhân của vua sẽ sanh một trai có đầy đủ ba mươi hai tướng đại trượng phu trang nghiêm thân. Nếu nối ngôi vua sẽ đạt được ngôi vị Kim luân, chế phục cả bốn thiên hạ ; nếu xuất gia tu đạo thì sẽ chứng ngôi vị Pháp vương, danh vang khắp mười phương, là từ phụ của chúng sanh”. Tụng tóm lược:

“Khi ta đản sanh,
Bốn trời thủ hộ,
Như châu Minh nguyệt,
Được vật bao bọc,
Bằng chỉ sợi báu.
Người trí biết rồi,
Tự giữ năm giới,
Không khởi tham dục”.

Thường pháp của các Bồ-tát là khi từ cõi trời Đổ-sử-đa hạ sanh vào thai mẹ thì đại địa khắp mười phương đều chấn động, có ánh sáng lớn chiếu soi khắp mọi nơi; tất cả cảnh giới tùy nghiệp của chúng sanh trong sáu đường và những nơi mà ánh sáng mặt trời mặt trăng không chiếu đến được, cũng đều chiếu đến được khiến cho chúng sanh trong đây đều nói với nhau: “ánh sáng này trước nay chưa từng có, hay là chúng ta được thọ sanh vào cõi khác”. Lại nữa, khi Bồ-tát giáng thần vào thai mẹ, Thích-đề-hoàn-nhơn liền bảo thiên thần cõi trời Tứ thiên vương theo thủ hộ người mẹ, vì sợ người mẹ bị ác ma làm hại. Khi Bồtát thọ sanh, các chất nhơ uế trong thai mẹ không dính đến thân, giống như hạt châu Minh nguyệt được vật bao bọc không bị nhiễm ô. Thường pháp của Bồ-tát là khi ở trong thai, người mẹ thường thấy như người có mắt tuệ thấy vật báu được bao bọc bởi các chỉ sợi xanh vàng đỏ trắng, phân biệt rõ ràng. Thường pháp của Bồ-tát là khi ở trong thai, không làm cho người mẹ mệt mõi mà luôn được an vui, tự nhiên người mẹ giữ năm giới: không sát sanh, trộm cắp… cho đến không còn khởi tham dục. Lúc đó phu nhân Ma-da bỗng khởi niệm muốn uống nước trong bốn biển, liền bạch vua, vua liền sai sứ giả mời một ngoại đạo giỏi về huyễn thuật tên là Xích nhãn, vị này dùng huyễn thuật hóa ra nước bốn biển rồi lầy nước đó đưa cho phu nhân uống, uống xong ý niệm của phu nhân liền dứt. Sau đó phu nhân lại khởi niệm muốn giải phóng cho các hữu tình đang bị giam giữ, liền bạch vua, vua liền ra lịnh cho quan giữ ngục giải phóng hết các tù nhân trong ngục thì ý niệm của phu nhân mới dứt. Sau đó phu nhân lại khởi niệm muốn đến trong vườn hoa dạo chơi, liền bạch vua, vua liền dẫn phu nhân đến trong vườn hoa dạo chơi thì ý niệm của phu nhân mới dứt. Sau đó phu nhân lại khởi niệm muốn đến trong vườn Lâm-tỳ-ni của vua cha mình dừng nghỉ, liền bạch vua, vua liền sai sứ đến bạch với vua Thiện ngộ, vua nghe rồi liền ra lịnh tưới quét vườn Lâm-tỳ-ni sạch sẽ cho phu nhân và các thể nữ đến dạo chơi. Khi phu nhân đi đến cây Vô ưu thấy hoa lá sum suê tươi tốt liền muốn hạ sanh nên đưa tay vịn cành cây, Thích-đề-hoàn-nhơn biết phu nhân trong lòng hổ thẹn không thể ở chỗ đông người mà hạ sanh liền được, nên làm phương tiện nổi mưa gió lớn làm cho mọi người tản xa ra rồi hóa làm một lão mẫu đứng trước phu nhân, phu nhân liền hạ sanh Thái tử, Thích-đề-hoàn-nhơn dùng tiên y đỡ lấy Thái tử, Thái tử bảo Đế thích đăt xuống đất, Đế thích vâng lời đặt Thái tử xuống đất rồi đứng cách xa một chút. Thường pháp của Bồ-tát là khi đản sanh, đại địa khắp mười phương đều chấn động, có ánh sáng lớn chiếu soi khắp mọi nơi; tất cả cảnh giới tùy nghiệp của chúng sanh trong sáu đường và những nơi mà ánh sáng mặt trời mặt trăng không chiếu đến được, cũng đều chiếu đến được khiến cho chúng sanh trong đây đều thấy lẫn nhau và nói rằng: “chẳng phải chỉ một mình ta sống ở đây, cũng có người khác cùng sống ở đây”. Thường pháp của Bồ-tát là khi đản sanh, thân không dính máu và chất nhơ uế khác; khi sắp sanh người mẹ không nằm, không ngồi mà đứng vịn cành cây, cũng không có khổ não khi sanh và sau khi sanh. Thường pháp của Bồ-tát là khi đản sanh, không cần ai dìu đỡ mà tự đi bảy bước rồi quán sát bốn phương và nói rằng: “đây là phương Đông, trong tất cả chúng sanh ta là tối thượng; đây là phương Nam, ta đáng được chúng sanh cúng dường; đây là phương Tây, ta không còn thọ thân sau; đây là phương Bắc, ta đã ra khỏi biển lớn sanh tử”. Lúc đó chư thiên cầm lọng trắng và phất trần trắng được trang sức bằng tạp báu che phía trên cho Bồ-tát; các Long vương dùng hai loại nước sạch thơm, nóng lạnh điều hòa để tắm cho Bồ-tát. Thường pháp của các Bồ-tát là ở chỗ đản sanh, ở trước người mẹ hiện ra một ao nước lớn để cho người mẹ có đủ nước tắm. Khi Bồ-tát đản sanh, chư thiên ở trên hư không rải các loại hương thơm vi diệu của cõi trời lên mình Bồ-tát như hương bột, hương chiên đàn, trầm thủy… và trổi đủ các loại nhạc trời.

Lúc đó tiên A-tư-đà đang ở trong hang đá của núi Kiết tất chỉ mê, tiên nhân này quán biết được tướng thành suy trong thế gian; tiên có một cháu ngoại tên là Na-la-đà thường đến cúng dường nên tiên tùy duyên chỉ dạy, Na-la-đà tín thọ nên cầu xin xuất gia làm đệ tử. Khi Bồ-tát đản sanh, trời đất sáng rực, Na-la-đà thấy tướng này rồi liền hỏi tiên nhân: “có phải là đời ác nên xuất hiện hai mặt trời, khiến cho trong hàng này lại có ánh sáng hay không? Tiên A-tư-đà nói kệ:

“Ánh nắng mặt trời rất nóng bức,
Ánh sáng này sáng sạch, mát dịu;
Lại chiếu sáng tận trong hang núi,
Ta đoán là ánh sáng Mâu ni.
Bồ-tát thần thông đại oai đức,
Khi vừa đản sanh, hiện ánh sáng;
Ánh sáng sáng sạch màu vàng ròng,
Chiếu soi khắp nơi trên thế gian”.

Na-la-đà bạch tiên: “xin cho con theo thầy đến gặp Bồ-tát”, tiên nhân nói: “Bồ-tát có đại oai đức, lại có thiên long bát bộ vây quanh, dù chúng ta có đến cũng không gặp được; hãy đợi khi Bồ-tát vào thành Kiếp-tỷ-la và được đăt ba tên, chúng ta đến mới được gặp”.

Khi Bồ-tát đản sanh, cùng lúc đó năm trăm cung nhơn mỗi người đều sanh một trai, trong đó Thế đạt ca là thượng thủ; lại có năm trăm cung nhơn mỗi người đều sanh một nữ, trong đó Chiên ny là thượng thủ; lại có năm trăm đại thần, vợ mỗi người đều hạ sanh một nam, trong đó Ô-đà-di là thượng thủ. Lại có năm trăm con voi, mỗi con đều sanh voi con, trong đó Báo sái đà tử là thượng thủ; lại có năm trăm con ngựa, mỗi con đều sanh ngựa con, trong đó Mã la ha mã tử là thượng thủ. Lúc đó năm trăm phục tàng báu đều tự hiển lộ ra, các quốc vuơng ở bốn phương đều hàng phục và đem đủ loại tạp vật đến cống hiến để phụng sự. Quần thần thấy các hiện tượng này rồi liền tâu cho vua biết, vua nghe rồi liền suy nghĩ: “con ta thành tựu tất cả sự nghiệp lành”, do đây vua liền đặt tên cho Thái tử là Thành tựu nhất thiết sự. Trước nay trong thành Kiếptỷ-la có một Dược xoa tên là Thích ca tăng trưởng, những người thuộc chủng tộc Thích ca trong thành này nếu có sanh trai hay gái thì phải đưa đến lễ bái Dược xoa này trước. Vì thế vua bảo đại thần đưa Thái tử đến lễ bái, đại thần vâng lịnh đặt Thái tử trên xe báu rồi đưa đến chỗ Dược xoa. Những người thuộc chủng tộc Thích ca tánh tình vốn thô tháo hung bạo, thường phân biệt ta người nhưng khi thấy Thái tử họ liền trở nên tịch tĩnh đứng yên ; do việc này nên vua Tịnh-phạn đặt thêm tên là Thích ca Mâu ni. Khi Thái tử được đưa đến miếu, Dược xoa này thấy Bồ-tát từ xa liền từ chỗ ngồi đứng dậy đến đãnh lễ Bồ-tát; mọi người thấy rồi hết sức kinh ngạc liền đem việc này tâu cho vua biết, vua nghe rồi hết sức vui mừng nên đặt thêm tên cho Thái tử là Thiên trung thiên. Sau khi đưa Thái tử trở về cung, vua bảo các nhũ mẫu nuôi dưỡng tùy theo thời, các nhũ mẫu này vui mừng bồng Thái tử về trong cung nuôi dưỡng, hằng ngày sau khi dùng nước thơm tắm và thoa hương thơm cho Thái tử xong liền bồng đến chỗ vua, vua đăt Thái tử lên đầu gối ngắm nhìn tướng mạo của Thái tử, trong lòng rất vui sướng. Lệ thường người trong cung sanh con đều vời Tướng sư đến xem tướng, lúc đó vua cho vời Tướng sư đến xem tướng Thái tử. Tướng sư xem tướng Thái tử rồi nói: “Thái tử có đủ ba mươi hai tướng, nếu tại gia thì làm Kim luân Thánh vương thống trị bốn thiên hạ, dùng thiện pháp giáo hóa; lại có đủ bảy báu: bánh xe báu, voi báu, ngựa báu, nữ báu, thần coi giữ phục tàng báu, thần chỉ huy quân đội báu và ngọc ma ni báu; lại có đủ ngàn con dũng kiện có thể hàng phục quân địch; những người trên thế gian sống hòa bình không xâm phạm lẫn nhau, cùng hành thiện pháp thù thắng. Nếu Thái tử xuất gia sẽ ở ngôi vị Pháp vương Như lai Ứng chánh đẳng giác, danh vang khắp nơi”, vua hỏi: “ba mươi hai tướng tốt là những tướng nào?”, Tướng sư nói: “ba mươi hai tướng tốt gồm có: 1. Là bàn chân an trụ bằng phẳng, đầy đủ tướng đại trượng phu; 2. Là dưới lòng bàn chân có tướng thiên bức luân; 3. Là ngón tay thon dài; 4. Là mu bàn chân đầy dặn. 5. Là tay chân mềm mại, . Là bàn tay, bàn chân có màn mỏng; . Là tay duỗi ra dài tới đầu gối; 8. Là bắp chân rắn chắc; 9. Là thân ngay thẳng; 10. Là thế phi tàng mật; 11. Là thân tướng đầy đặn như cây Ni-cồ-đà; 12. Là ánh sáng bao quanh trên đảnh rộng một tầm; 13. Là lông trên thân thượng mĩ; 14. Là lông ở mỗi lỗ chân lông có màu xanh biếc và xoay về bên phải; 15. Là da có màu vàng ròng; 1. Là da mìn màng không dính bụi; 1. Là bảy chỗ trên thân gồm có hai tay, hai chân, hai vai và đảnh đều đầy đặn; 18. Là thân tướng oai vệ như Sư tử vương; 19. Là vai đầy đạn; 20. Là bắp tay rắn chắc; 21. Là thân tướng cao lớn; 22. Là 40 cái răng đều ngay ngắn; 23. Là răng khít; 24. Là răng trắng sạch; 25 Là hàm như Sư tử vương ; 2. Là lưỡi rộng dài, khi le ra có thể trùm cả mặt đến mé tóc; 2. Là vị trong miệng là vị tối thượng; 28. Là có âm thanh của trời Phạm, lời nói ra hòa nhã, âm vang như tiếng trống trời; 29. Là mắt xanh biếc; 30. Là lông mi như lông mi của Ngưu vương; 31. Là trên đảnh có nhục kế và 32. Là giữa hai lông mày có tướng bạch hào xoay về bên phải”.

Thường pháp của Bồ-tát là sau khi Bồ-tát đản sanh được bảy ngày thì mẹ của Bồ-tát qua đời và được sanh lên cõi trời Tam thập tam. Bồtát lại có thân đoan nghiêm thù thắng khiến mọi người thích ngắm nhìn không biết chán, giống như thợ khéo dùng vàng Diêm phù đàn đúc ra các hình tượng rồi dùng thiên y khoác lên khiến cho ánh sáng chiếu khắp nơi, Bồ-tát cũng vậy; như hoa sen được mọi người yêu thích, Bồtát cũng vậy. Lại nữa, mắt của Bồ-tát không nháy giống như cõi trời Tam thập tam, do nghiệp quả nên ngày đêm Bồ-tát thường thấy bốn phương, bốn phương góc và hai phương trên dưới trong khoảng một do tuần. Lại nữa, Bồ-tát có đại trí huệ, hiểu rõ các pháp trong thế gian và hiểu cả pháp nước.

Lúc đó Na-la-đà đến bạch với tiên A-tư-đà: “nay Bồ-tát đã vào thành Kiếp-tỷ-la, vua Tịnh-phạn cũng đã đặt ba tên cho Bồ-tát, xin thầy hãy cùng con đến đó chiêm ngưỡng Bồ-tát”, vị thầy đồng ý, cả hai dùng thần thông lực nương hư không mà đi, nhưng do oai lực của Bồ-tát khiến họ thối thất thần thông, không thể nương hư không mà đi, đành phải đi bộ vào thành Kiếp-tỷ-la. Khi đã vào thành đến trước cửa cung, họ nói với người giữ cửa: “ông hãy vào tâu vua có tiên A-tư-đà đang ở ngoài cửa xin được gặp vua”, vua nghe rồi liền mang hương hoa ra nghinh đón hai tiên vào trong cung, mời ngồi rồi hỏi: “đại tiên từ xa đến có việc gì?”, đáp là muốn gặp Bồ-tát, vua nói: “Thái tử đang an giấc, xin hãy đợi một lát”, tiên đáp: “Bồ-tát đang an giấc, chúng tôi vẫn muốn chiêm ngưỡng”, vua liền dẫn hai tiên đến chỗ Bồ-tát, thấy Bồ-tát tuy ngủ vẫn mở hai mắt nên tiên A-tư-đà nói kệ:

“Như long mã đang bay,
Tạm ngủ rồi lại thức,
Như người thiện làm việc,
Miên cái (phiền não ngủ) không che được”.

Lúc đó Di mẫu bồng Thái tử trao cho tiên, tiên quỳ xuống đưa hai tay bồng rồi xem tướng Thái tử, kế hỏi vua: “vua đã mời các Tướng sư Bà-la-môn, họ đã xem tướng chưa?, đáp là xem rồi, lại hỏi xem như thế nào, vua đáp: “họ nói nếu nối ngôi vua sẽ là Kim luân Thánh vương, danh vang khắp mười phương”, tiên A-tư-đà nói kệ:

“Đại vương hãy nên biết,
Tướng sư không biết được,
Đời mạt không Luân vương,
Nhất định chứng Bồ-đề,
Tôi quán thấy Thái tử,
Sẽ trụ ngôi Pháp vương”.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20