CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA PHÁ TĂNG SỰ

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường – TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh – năm 2009

Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 15

Phật bảo các Bí-sô: “không phải chỉ ngày nay mà ngày xưa, Đềbà-đạt-đa cũng đã không biết ân, không báo ân. Các thầy lắng nghe:

Thuở xưa tại thành Bà-la-nê-tư có một thôn, cách thôn không xa có một khu rừng lớn, hoa quả sum suê, có suối trong… tiên Kiều thi ca ở trong rừng này, hằng ngày ăn trái cây rụng, mặc áo vỏ cây, do tâm từ bi nên các loài cầm thú đều đến nương tựa. Lúc đó có con voi mẹ đang sanh con, bỗng nghe tiếng sư tử gầm, sợ đến nổi vãi phân và nước tiểu nên bỏ voi con ở đó bỏ chạy mất. Tiên nhân đi lượm trái cây rụng nhìn thấy voi con này, biết nó lạc mẹ nên khởi tâm từ bi cố tìm voi mẹ cho nó nhưng tìm không ra. Tiên nhân liền dẫn voi con về nuôi dưỡng, voi lớn dần và phá hoại hoatrái nơi tiên ở, tiên giận quở trách nên voi ngừng phá. Voi cáng lớn càng hung dữ, phá hoại cây rừng, dù tiên quở trách voi cũng không chịu nghe lời, lại còn sanh tâm làm hại tiên; tiên chạy vào trong thất, voi dùng vòi quật tiên và làm sập nửa căn nhà rồi bỏ đi.

Phật bảo các Bí-sô: “tiên nhân thuở xưa chính là thân ta ngày nay, con voi dữ chính là Đề-bà-đạt-đa. Thuở xưa không biết ân, không báo ân và nay cũng vậy. Đề-bà-đạt-đa lại có hành động vô ân, không báo ân, các thầy lắng nghe:

Thuở xưa tại thành Bà-la-nê-tư có vua tên là Đại đế thích quân, đất nước phồn thịnh, dân chúng sống an vui. Vua có phu nhân tên là Nguyệt quang, hễ nằm mộng thấy việc gì đều có thật. Lúc đó Bồ-tát hiện thân làm Nai chúa có thân màu hoàng kim tuyệt đẹp, nhìn không thấy chán; do biết mình tuyệt đẹp nên Nai rất sợ thợ săn săn đuổi, thường tự giấu mình. Thuở đó cầm thú có thể hiểu tiếng nói của nhau, có một con chim vừa gặp Nai chúa liền yêu mến, nó hỏi: “vì sao Nai ăn cỏ với dáng vẻ lo sợ như vậy?”, Nai đáp: “vì tôi có sắc hoàng kim tuyệt đẹp nên rất sợ thợ săn giết hại, dù khi đang ăn cỏ cũng sanh tâm lo sợ”, chim nói: “ban đêm tôi cũng sợ chim cú, từ nay về sau chúng ta bảo vệ lẫn nhau. Ban ngày tôi đậu ở trên cây nếu thấy có việc gì sẽ báo cho Nai biết, ban đêm Nai nếu thấy có việc gì thì báo cho tôi biết”. Cạnh khu rừng có một con sông, lúc đó có hai kẻ thù gặp nhau, một người khỏe mạnh hơn bắt trói người kia ném xuống con sông này, người kia bị nước cuốn trôi liền kếu lớn : “ai cứu được tôi, tôi sẽ làm nô lệ cho người đó”. Nai chúa cùng năm trăm quyến thuộc đang uống nước bên bờ sông, nghe tiếng kêu này liền khởi từ bi định xuống sông cứu. Chim nói: “người đầu đen này không biết ân nghĩa, không nên cứu; nếu cứu e người đó sẽ hại Nai chúa”, do từ bi nên Nai không nghe lời chim, xuống sông bơi đến chỗ người bị chìm cứu vớt lên bờ, dùng miệng cởi trói cho rồi đợi đến khi tỉnh, Nai chỉ cho người đó đường về. Người bị chìm này quỳ xuống chắp tay nói: “tôi được ân nhân cứu sống, xin được ở lại làm nô lệ để báo ân sâu”, Nai chúa nói kệ:

“Không cần làm nô lệ,
Cũng không cần hầu hạ,
Chỉ đừng nói gặp ta,
Vì sợ họ lột da”.

Chỉ cần ông đừng nói có gặp tôi là đã báo ân tôi rồi, vì sao, vì thân tôi có sắc hoàng kim tuyệt đẹp, nếu thợ săn biết sẽ tìm cách giết tôi để lấy da”. Người bị chìm nói: “xin nghe theo lời của ân nhân, tôi nhất định không nói”, nói rồi đứng dậy hữu nhiễu Nai chúa ba vòng rồi đi. Lúc đó phu nhân Nguyệt quang sau khi thọ dục lạc xong mệt mõi nằm ngủ, trong mộng thấy Nai chúa thân sắc hoàng kim tuyệt đẹp đang ngồi trên tòa sư tử thuyết pháp sâu xa cho vua và dân chúng nghe. Tỉnh dậy liền kể việc trong mộng cho vua nghe, vua nghe rồi suy nghĩ: “làm gì có việc Nai ngồi trên tòa sư tử thuyết pháp cho mọi người nghe”, phu nhân dịu dàng nói những lời làm vui lòng vua, khi thấy vua hoan hỉ, bà liền ân cần cầu xin vua tìm kiếm Nai có thân sắc hoàng kim cho bà. Vua liền ra lịnh thợ săn trong nước tập họp đến trong cung và hỏi họ: “ta nghe trong nước có con Nai thân sắc hoàng kim, các ông có nhìn thấy không; nếu thấy thì hãy bắt lấy nó, dùng dây mềm trói lại, đừng làm nó bị thương rồi dẫn đến chỗ ta”, các thợ săn nói: “chúng thần săn bắn đã nhiều năm nhưng chưa từng thấy có Nai như vậy, vua nghe nói nó ở nơi nào, chúng thần sẽ đến đó bắt cho vua”. Vua liền ra lịnh đánh trống thông báo trong dân chúng, ai thấy biết Nai có thân sắc hoàng kim ở nơi nào, đến báo cho vua sẽ được thưởng năm trăm tụ lạc. Lúc đó người bị chìm trước kia nghe tin này rồi suy nghĩ: “ta nay nghèo khổ rất muốn được trọng thưởng, nhưng vì báo ân nên không thể nói”.

Phật bảo các Bí-sô: “thường tình hễ hữu tình bị năm dục trói buộc thì không có việc ác gì mà không làm”.

Do lòng tham thúc đẩy, người bị chìm trước kia lại nghĩ: “nay ta phải bội ân báo oán thì mới không còn nghèo khổ nữa”, nghĩ rồi liền đến cung vua, nói với người giữ cửa là muốn báo cho vua biết chỗ ở của Nai có thân sắc hoàng kim. Vua nghe rồi liền tập họp quần thần và dẫn theo binh lính, dân trong nước thấy vua xa giá đến chỗ Nai cũng đều đi theo. Lúc đó con chim bạn của Nai chúa ở trên cây từ xa thấy đám đông người đi đến chỗ Nai liền bay xuống báo cho Nai biết: “người bị chìm trước đây là kẻ bội ân, vậy mà Nai không chịu nghe lời tôi”, nai chúa hỏi nguyên do, chim nói: “người ấy đã dẫn vua và binh lính đến vây bắt Nai đấy”. Nghe tiếng của đám đông người, ngàn con nai quyến thuộc của Nai chúa đều bỏ chạy tán loạn, Nai chúa suy nghĩ: “nếu ta bỏ chạy, binh lính sẽ tìm kiếm và sẽ giết quyến thuộc của ta, ta thà chết để chúng được sống”, nghĩ rồi liền đi đến trước vua. Trông thấy Nai chúa, người bị chìm trước kia liền giơ tay chỉ và nói với vua: “Nai chúa có thân sắc hoàng kim đang đi đến”.

Phật bảo các Bí-sô: “Nếu chúng sanh tạo nghiệp ác thì không cần đợi đến kiếp sau mới chịu quả báo mà thọ báo hiện tiền”.

Do vô ân lại tạo nghiệp ác nên người bị chìm trước kia vừa dùng tay chỉ, tay liền rụng xuống đất. Vua thấy rồi liền hỏi rõ nguyên do, người bị chìm trước kia đau đớn nói kệ:

“Người khoét vách ăn trộm,
Chưa thật gọi là trộm,
Có ân mà không báo,
Mới thật gọi là trộm”.

Vua nghe kệ rồi hỏi: “bài kệ này có ý nghĩa gì, ta không hiểu?”, người bị chìm đem sự việc trước kia kể lại cho vua nghe, vua nghe rồi liền nói kệ:

“Bị chìm vô ân,
Vì sao thân ngươi,
Không vào địa ngục.
Vì sao lưỡi ngươi,
Không nát trăm mảnh.
Sao thần Kim cang,
Tay cầm dao gậy,
Không giết hại ngươi.
Tất cả quỷ thần,
Sao không đánh ngươi.
Ngươi đã bội ân,
Sao chịu báo nhỏ?”

Biết Nai chúa là đại Bồ-tát có đại oai đức nên vua bảo quần thần: “hãy mở hội cúng dường Nai chúa, các khanh hãy trở về cho người quét dọn sạch sẽ đường đi, treo phan phướng năm sắc và rãi các hương thơm để nghinh đón ta và Nai chúa vào thành”, quần thần làm theo lời vua bảo. Lúc đó vua để Nai chúa đi trước, mình và các đại thần đi sau, khi vào thành, vua cho đặt một tòa sư tử ngay trước cửa cung rồi thỉnh Nai chúa ngồi lên; vua, phu nhân, thể nữ, vương tử, quần thân và dân chúng ngồi vây quanh, Nai chúa liền nói diệu pháp. Sau khi nghe pháp xong, vua và đại chúng thỉnh Nai chúa truyền trao năm giới; thấy tất cả hữu tình đều hướng về giác ngộ, vua hoan hỉ nói với Nai chúa: “xin cúng dường Nai chúa vùng núi rừng và đồng cỏ nơi Nai chúa ở. Từ nay về sau tôi sẽ dứt hẳn việc sát sanh và ra lịnh cho dân chúng trong nước không được đi săn nữa. Nguyện cho các hữu tình khắp mọi nơi đều không còn lo sợ”.

Phật bảo các Bí-sô: “Nai chúa thuở xưa chính là thân ta ngày nay, kẻ bị chìm vô ân thuở xưa chính là Đề-bà-đạt-đa; thuở xưa vô ân và nay cũng vậy. Đề-bà-đạt-đa lại có hành động vô ân, các thầy lắng nghe:

Thuở xưa trong một tụ lạc thuộc vùng biên của thành Bà-la-nêtư, có một người làm nghề kết vòng hoa ; bên tụ lạc có một con sông, hằng ngày người này phải qua bên kia sông hái hoa mang về để kết vòng hoa. Hôm đó, khi sắp qua sông, ông lượm được một trái xoài trái mùa trôi trên sông và đem cho người giữ cửa thành, người này lại đem cho trong cung, người trong cung này lại đem dâng cho vua, vua lại đem cho vuơng phi. Vương phi ăn rồi khen ngon lại theo vua xin nữa, vua hỏi người trong cung kia đã được trái ấy từ đâu, đáp là từ người giữ cửa thành, vua lại hỏi người giữ cửa thành đã được trái đó từ đâu, đáp là từ người kết vòng hoa, vua lại cho gọi người kết vòng hoa đến hỏi đã được trái đó từ đâu, đáp: “thần lượm được trong sông”, vua nói: “khanh hãy đến đó tìm kiếm thêm trái đó mang về đây”. Người kết vòng hoa vâng lịnh vua mang theo lương thực đến đó, đi theo dòng nước chảy tìm kiếm đến một ngọn núi cao và thấy cây trái đó mọc trên vách núi. Vách núi cheo leo, khỉ vượn còn không leo lên tới huống chi con người; sau nhiều ngày tìm kiếm đường đi lên, lương thực cũng hết, người kết vòng hoa suy nghĩ: “ta vâng lịnh vua tìm trái cây đó, nếu không lấy được thì làm sao trở về”. Vì muốn lấy cho được trái cây ấy mang về nên không tiếc thân mạng, dùng tay bám vào vách núi cheo leo để leo lên, chưa leo tới chỗ cây đó thì đã rớt xuống một vực sâu ở bên dưới. Lúc đó Bồ-tát mang thân vượn chúa đang đi ở dưới khe núi, thấy người này rớt xuống liền khởi tâm cứu vớt, liền tự lấy một tảng đá lớn có trọng lượng bằng con người vác trên lưng rồi tập vận chuyển lên xuống. Khi biết sức mình có thể, vượn chúa xuống vực sâu cõng người đó lên; sau khi lên khỏi vực sâu thì vượn chúa mệt nhoài. Thuở đó loài cầm thú nói được tiếng người, vượn chúa hỏi người kết vòng hoa vì sao bị rớt xuống vực, người này đem sự việc trên kể lại, vượn chúa nghe rồi suy nghĩ: “nếu người này không hái được trái ấy sẽ bị vua bắt tội, ta nên hài giùm cho anh ta”. Vượn chúa tuy đã mệt nhoài nhưng vẫn cố gắng leo lên cây ở trên vách núi cheo leo đó hái trái quăng xuống cho người kết vòng hoa; người này sau khi ăn no rồi dùng vạt áo đựng những trái còn lại để mang về cho vua. Lúc đó vượn chúa trở xuống nói với người này rằng: “tôi rất mõi mệt cần phải ngủ một lát, anh hãy canh chừng cho tôi ngủ”, liền đáp là sẽ canh chừng nhưng khi vượn chúa ngủ thì người này suy nghĩ: “lương thực mang theo đã hết, những trái còn lại này ta không thể ăn; ta nên giết con vượn này lấy thịt phơi khô để làm lương thực đi đường thì mới có thể trở về được”, nghĩ rồi liền rinh một tảng đá lớn đập vào đầu vượn làm cho xương tủy đều nát tan và vượn chết. Lúc đó thiên thần trên không trung thấy việc này rồi liền nói kệ:

“Thừa sự cung kính,
Giống như bạn lành,
Có người như vậy,
Lại không báo ân”.

Phật bảo các Bí-sô: “vượn chúa thuở xưa chính là thân ta, người kết vòng hoa chính là Đề-bà-đạt-đa; thuở xưa đã không báo ân, ngày nay cũng vậy. Đề-bà-đạt-đa còn có hành động vô ân, không báo ân; các thầy lắng nghe:

Thuở xưa trong một rừng núi với đủ loại hoa quả, có chim tên là Gõ cây, lại có một sư tử chúa thường bắt nai ăn thịt. Một hôm, sư tử chúa bắt giết nai ăn thịt và bị mắc xương ở cổ họng, không làm sao lấy ra được, cũng không thể ăn gì được trong một thời gian dài nên sư tử chúa trở nên gầy yếu và đói khát. Chim Gõ cây thấy vậy liền hỏi nguyên do, sư tử kể lại sự việc, chim nói: “tôi sẽ chữa khỏi cho Ngài, Ngài là vua của loài thú, Ngài có thể báo ân tôi bằng cách hằng ngày cung cấp thức ăn cho tôi được không?”, sư tử chúa nhận lời, chim suy nghĩ: “ta đợi lúc ông ta ngủ mới lấy xương ra trước rồi sẽ cho ông ta biết sau”, nghĩ rồi chim liền bay đi tìm thức ăn. Lúc đó gặp gió mát thổi, sư tử liền ngủ ngon lành, chim liền ngậm khúc cây vạch miệng sư tử ra xem rồi chui vào gắp khúc xương ra. Một lát sau, sư tử tỉnh dậy liền phát hiện khúc xương trong cổ họng đã được lấy ra rồi, không còn đau đớn nữa. Nó liền ngồi dậy uốn thân mình, chìm liền từ trên cây bay xuống đưa khúc xương cho sư tử xem và nói: “mọi đau đớn của Ngài đều do khúc xương này”, sư tử nói: “ta bị đau đớn đã lâu, nay mới được khỏi ; từ nay ta sẽ cung cấp cho chim , vì vậy hằng ngày chim hãy đến đây”, chim nghe rồi vui mừng bay đi. Thời gian sau, khi sư tử đang ăn, chim Gõ cây bị chim cắt rượt đuổi liền bay đến chỗ sư tử xin thức ăn, sư tử nói kệ:

“Ta làm việc giết hại,
Tánh ác, hạnh cũng ác,
Răng ta rất bén nhọn,
Vào miệng ta ra được,
Nên phải tự vui mừng,
Sao còn đòi gì nữa?”.

Chim nghe rồi liền nói kệ:

“Vật rơi xuống biển mất,
Mộng tỉnh dậy liền mất,
Hầu người ác cũng mất.
Giúp đỡ kẻ vô ân,
Đó mới là mất nhiều,
Tôi theo Ngài đòi gì”.

Nói xong, chim liền bay đi.

Phật bảo các Bí-sô: “chim Gõ cây thuở xưa chính là thân ta ngày nay, sư tử chúa chính là Đề-bà-đạt-đa; thuở xưa vô ân, ngày nay cũng vậy. Đề-bà-đạt-đa lại có hành động vô ân, không báo ân. Các thầy lắng nghe:

Thuở xưa tại thành Bà-la-nê-tư có một người nghèo thường đi kiếm củi bán để sinh sống. Một hôm, người này mang dây và búa đến bìa rừng định chặt cây lấy củi, bỗng gặp mưa bão trái mùa, bảy ngày chưa dứt. Để tránh mưa bão, người này đi đến bên vách núi và thấy một cái hang, vừa chui vào hang liền thấy một con gấu ở trong đó, anh hoảng sợ bỏ chạy ra. Gấu thấy vậy liền bảo đừng sợ, tuy nghe gấu nói như vậy, anh ta vẫn sợ, đứng yên không dám nhúc nhích; gầu liền nhấc lấy anh đưa vào trong hang, đưatrái cây cho anh ta ăn như vậy suốt bảy ngày mưa bão. Đến ngày thứ tám, gấu ra ngoài hang xem thấy mưa bão đã dứt liền đưa thêm trái cây cho anh ta mang về nhà. Anh quỳ xuống chắp tay nói: “nhờ ân nhân cứu giúp nên tôi mới sống sót, tôi biết lấy gì đền ân”, gấu nói: “chỉ cần anh đừng nói cho ai biết đã gặp tôi ở đây, tức là đã đền ân tôi rồi”, anh hữu nhiễu một vòng rồi nói: “trọn đời tôi sẽ không nói cho ai biết”, nói rồi liền đi. Về đến trong thành, anh gặp một thợ săn quen biết, thợ săn nói: “mấy ngày nay không thấy anh trở về, gia đình anh đều cho là anh bị mưa bão cuốn đi hoặc bị hổ ăn thịt đã chết rồi, anh do đâu được sống sót?”, người này liền kể lại sự việc đã qua. Thợ săn nghe rồi liền hỏi: “gấu hiện đang ở trong hang núi nào, anh hãy chỉ cho tôi”, người này nói: “tôi nhờ gấu mới sống sót, tôi không thể chỉ cho anh”, thợ săn liền dùng lời khuyến dụ: “nếu tôi giết được gấu, tôi chỉ lấy một phần, còn tất cả đều cho anh”. Người này nghe rồi liền sanh tâm tham, dẫn thợ săn đến chỗ gấu ở, thợ săn biết chỗ rồi liền chất củi ở cửa hang đốt, gấu ở trong hang bị lửa thiêu, khi sắp chết liền nói kệ:

“Ta sống trong núi này,
Không hại một người nào,
Chỉ ăn toàn trái cây,
Thường sanh tâm từ bi.
Nay ta sắp chết thiêu,
Biết phài làm sao đây,
Tự nhớ nhiệp quá khứ,
Thiện ác nay thọ báo”

Nói kệ xong liền qua đời, thợ săn biết gấu đã chết liền lột lấy da rồi chia làm ba phần, mình lấy một phần, đưa hai phần cho người kiếm củi. Người này vừa đưa tay nhận lấy thì hai tay liền rụng xuống, thợ săn thấy việc này rồi không dám lấy phần kia liền trở về trong thành kể lại cho mọi người nghe. Vua nghe biết việc này liền đích thân đến xem rồi mang tấm da gấu vào trong chùa, đánh kiểng tập họp Tăng rồi để tấm da gấu trước Tăng và kể lại việc trên. Thượng tòa trụ trì đã chứng quả A-la-hán liền nói kệ:

“Đại vương nay nên biết,
Đây không phải thân gấu,
Mà là thân Bồ-tát ,
Sẽ được quả vô thượng,
Ba đời nên cúng dường,
Đại vương hãy xây tháp”

Vua nghe rồi liền bảo quần thần xây tháp ở chỗ gấu bị thiêu chết, dùng hoa hương, phan lọng năm sắc để cúng dường, mỗi năm một lần. Tất cả dân chúng, ai đến đảnh lễ cúng dường tháp đều được sanh thiên.

Phật bảo các Bí-sô: “con gấu thuở xưa chính là thân ta ngày nay, người kiếm củi chính là Đề-bà-đạt-đa; thuở xưa không biết ân, không báo ân, ngày nay cũng vậy. Đề-bà-đạt-đa lại có hành động vô ân, không báo ân. Các thầy lắng nghe:

Thuở xưa tại thành Bà-la-nê-tư có một người nghèo thường đi kiếm củi bán để sinh sống. Một hôm, người này mang dây và búa đến bìa rừng định chặt cây lấy củi bỗng gặp con cọp; anh kinh sợ leo lên cây cao, không ngờ trên cây lại có một con gấu. Gấu thấy anh kinh sợ liền bảo đừng sợ rồi nhấc lấy anh để ở chỗ an ổn, lúc đó cọp ở dưới gốc cây bảo gấu: “đó là chúng sanh vô ân, sau sẽ hại ngươi; ngươi không nên bảo vệ nó, hãy xô nó xuống đây cho ta ăn thịt. Ta không được thức ăn sẽ không đi đâu”.

Phật bảo các Bí-sô: “thường tình của thế gian là nếu ai nương tựa mình thì mình liền bảo vệ, huống chi Bồ-tát có người nương tưa mà mình lại không bảo vệ hay sao”

Lúc đó gấu nói: “người này nương cậy ta, ta không thể thất tín”, cọp vì đói nên không được thức ăn thì không chịu đi, gấu ôm giữ người nay một hồi cảm thấy mệt nên nói: “tôi cảm thấy mệt muốn ngủ một lat, anh nên tự cảnh giác và canh chừng cho tôi”, nói rồi liền dựa vào người này ngủ và nghĩ rằng: “một lát tỉnh dậy, ta sẽ nói mười bài kệ pháp cho người này nghe”. Lúc đó, cọp bảo người kiếm củi : “anh có thể ở mãi trên cây được bao lâu, anh nên xô con gấu xuống đây, ta ăn no rồi sẽ đi và sẽ không hại anh, để anh được về nhà”, người này nghe rồi liền khởi niệm ác: “như lời cọp nói ta không thể ở mãi trên cây”, nghĩ rồi liền xô gấu xuống. Rơi sắp tới đất, gấu liền tỉnh dậy buột miệng nói ra mười chữ, nói vừa xong thì chạm đất và bị cọp ăn thịt. Người trên cây nghe xong mười chữ này biết là pháp bí mật của gấu muốn nói cho mình biết; vì mất pháp tham cầu không được, sanh phiền não nên tâm ý cuồng loạn, vừa chạy vừa nói ra mười chữ này. Thân thuộc thấy vậy liền mời thầy thuốc chạy chữa đều không khỏi bịnh. Ở cách thành Bàla-nê-tư không xa có một khu rừng với nhiều hoa quả nên chim chóc các nơi đều tụ họp về đây. Trong rừng có một tiên nhân đã chứng ngũ thông, thân thuộc của người kiếm củi liền dẫn anh ta đến chỗ tiên nhân, đảnh lễ rồi bạch rằng: “anh này điên cuồng tâm loạn, miệng chỉ nói ra mười chữ, không nói gì khác, chúng con không biết phải chữa trị như thế nào”, tiên nhân nói: “người này tạo ác, vô ân đã xô Bồ-tát xuống cho cọp ăn thịt ; khi sắp rơi tới đất bị cọp ăn thịt, Bồ-tát đã nói ra mười chữ này, người này nghe xong liền trở nên điên cuồng như thế”, thân thuộc của người này hỏi: “ý nghĩa của mười chữ này như thế nào?”, tiên nhân liền giải thích cho họ hiểu.

Phật bảo các Bí-sô: “con gấu thuở xưa chính là thân ta ngày nay, người kiếm củi chính là Đề-bà-đạt-đa; thuở xưa không biết ân, không báo ân, ngày nay cũng vậy. Đề-bà-đạt-đa lại có hành động vô ân, không báo ân. Các thầy lắng nghe:

Thuở xưa tại một thành tên Tịch tĩnh, vua cai trị thành này cũng tên là Tịch tĩnh, trong nước phồn thịnh, dân chúng sống an vui, không có trộm cắp chiến tranh. Vua lại từ bi thương dân như con, thường bố thí và thích nghe pháp, cung cấp cho các Sa môn, Bà-la-môn và những người nghèo khổ cô độc đầy đủ. Thường pháp của vua là sáng sớm đến thăm hỏi cha mẹ, kế thăm hỏi người bịnh rồi mới lo việc nước. Lúc đó, có người nghèo mắc bịnh nặng rất khốn khổ, thầy thuốc xem bịnh đều nói là sẽ chết nên không ra toa thuốc, người này liền đi đến thành Tịch tĩnh; vừa lúc đó gặp vua cùng hậu phi đến vườn hoa du ngoạn, người này liền quỳ trước vua than khóc yếu cầu cứu giúp. Vua nghe rồi sanh tâm từ bi liền cho quay xe trở về cung, ra lịnh quần thần triệu tập các thầy thuốc trong nước đến để chữa bịnh cho người này. Thầy thuốc khám bịnh xong liền tâu vua: “thuốc chữa bịnh này rất khó kiếm”, vua hỏi vì sao khó kiếm, liền đáp: “cần phải lấy máu của người suốt đời không sân hận, đem nấu cháo cho người này ăn thì bịnh mới khỏi”, vua nghe rồi suy nghĩ: “ta không thể cứu được một mạng người thì ngôi vua và thân mạng này có ý nghĩa gì, trước nay ta chưa hề sân hận”, nghĩ rồi vua hỏi nhũ mẫu: “hồi nhỏ Trẫm có hay nổi sân không?”, đáp: “lúc chăm sóc vua, tôi còn không nổi sân, huống chi là bản thân vua”, vua lại hỏi mẫu thân: “từ khi con sanh ra đến nay, mẹ thấy con có hay nổi sân hay không?”, đáp: “khi mang thai con, mẹ còn không nổi sân huống chi là bản thân con”, vua nghe rồi rất vui mừng nghĩ là mình đã kiếm được thuốc, liền bảo thầy thuốc: “hãy chích năm chỗ trên thân ta để lấy máu”, thầy thuốc nói: “bịnh nhân là người hạ tiện, vua là người cao quý, thần không thể chích vào thân vua để lấy máu”.

Phật bảo các Bí-sô: “tất cả Bồ-tát đều giỏi các pháp thế gian”.

Lúc đó vua khởi từ bi, tự chích vào năm chỗ trên thân để lấy máu đưa cho thầy thuốc nấu cháo; từ vương tử cho đến thứ dân thấy việc này rồi đều rơi nước mắt, nói với nhau: “vua thương một người mà không tiếc thân mạng bỏ chúng ta, khiến chúng ta không còn nơi nương tựa”, vua nghe rồi liền nói: “các khanh chớ lo buồn, đây không phài là việc xấu”. Như vậy trải qua sáu tháng, mỗi ngày vua đều chích máu để nấu cháo cho người bịnh ăn nên thân thể gầy ốm yếu ớt. Chư thiên thanh tịnh thấy rồi suy nghĩ: “vua chính là Bồ-tát ở Hiền kiếp, nếu vị ấy vì việc này mà chết thì không phải là việc tốt. Chúng ta nên dùng oai lực của chư thiên, rót cam lồ vào lỗ chân lông của vua”, nghĩ rồi liền rót cam lồ vào lỗ chân lông của vua, khiến vua được khỏe mạnh và người bịnh cũng được bình phục. Sau đó vua cấp cho người bịnh năm thôn, nhờ vậy người bịnh được ngang hàng với các đại thần trong thành Tịch tĩnh. Việc này lan truyền khắp tám phương trong dân gian, người ở trong tám phương nghe được tin đồn này đều ngạc nhiên, đi đến thành Tịch tĩch gặp người bịnh kia để hỏi biết thật hư: “có phải suốt trong sáu thàng vua đã chích máu trị bịnh cho ông không?”, người bịnh vô ân không báo ân này liền nói với mọi người rằng: “vua ấy có giúp gì cho tôi đâu, chẳng qua là trong thân ông ta có máu độc cần xả bỏ nên mới cho tôi, có gì lạ đâu”, vừa nói xong lời này, lửa từ dưới đất vọt lên thiêu sạch nhà của người này và khiến kẻ vô ân bị bịnh gầy ốm trở lại.

Phật bảo các Bí-sô: “vị vua thuở xưa chính là thân ta ngày nay, người bịnh vô ân chính là Đề-bà-đạt-đa; Đề-bà-đạt-đa lại có hành động vô ân, không báo ân. Các thầy lắng nghe:

Thuở xưa ở thành Bà-la-nê-tư có vị vua cai trị… như trên cho đến câu hoàng hậu sanh vương tử dung mạo đoan nghiêm, dA-trắng hồng, khuôn mặt đầy đặn, cánh tay thòng xuống giống như vòi voi, trán rộng mũi thẳng… Khi vương tử ra đời, các điềm lành đều xuất hiện nên sau hai mươi mốt ngày, vua mở tiệc ăn mừng đặt tên là Thiện hạnh. Thiện hạnh bản tánh từ bi, thương xót hữu tình, thích cúng dường cho Sa môn, Bà-la-môn và chu cấp cho những người nghèo khổ, đi xa ; vì thế vua khuyên Thiện hạnh: “từ nay con đừng nên bố thí như vậy nữa, vì quốc khố không thể cung cấp đủ”. Thời gian sau, hoàng hậu lại sanh thêm một vương tử, khi mới ra đời các điềm bất tường đều xuất hiện nên được đặt tên là Ác hạnh.

Phật bảo các Bí-sô: “thường tình của thế gian là hễ người nào hành bố thí thì được mọi người yêu mến, danh vang khắp nơi”.

Lúc đó vua nước khác nghe danh Thiện hạnh, muốn gả con gái cho Thiện hạnh làm vợ nên viết thư sai sứ mang đến cho vua thành Bàla-nê-tư, vua đọc thư xong rất vui mừng bằng lòng cuộc hôn nhân này.

Thiện hạnh tâu với vua cha: “con không muốn làm tổn hao quốc khố nên muốn ra biển tìm châu báu, được châu báu rồi trở về con mới cưới vợ”, vua chấp thuận, Thiện hạnh vui mừng sửa soạn hành lý và lương thực để đi. Ác hạnh thấy rồi suy nghĩ: “anh ta được mọi người trong và ngoài nước đều yêu mến, nếu anh ra biển tìm được châu báu trở về, anh càng được mọi người kính trọng. Chắc chắn cha sẽ cho anh ấy nối ngôi vua, ta sẽ không có phần, nay ta nên đi theo tìm dịp thuận tiện giết chết anh ấy rồi trở về; lúc đó dù muốn hay không muốn cha cũng phải cho ta nối ngôi vua”, nghĩ rồi liền xin vua cha cho đi theo anh, vua chấp thuận, Ác hạnh vui mừng sửa soan hành lý đi theo anh. Lúc đó Thiện hạnh đánh trống thông báo: “tôi sắp ra biển tìm châu báu, ai muốn đi theo thì hãy chuẩn bị lương thực hành lý. Tôi là thương chủ sẽ bảo vệ các vị thoát khỏi tai nạn trên bờ dưới nước, các vị khỏi phải lo sợ cũng không phải đóng thuế”, sau khi nghe thông báo này có năm trăm người đến xin cùng đi theo, Thiện hạnh chọn ngày tốt rồi lên đường… Khi sắp ra biển, Thiện hạnh bảo em: “nếu thuyền có gặp nạn gì, em cứ bám theo anh, không nên lo sợ”, Ác hạnh nói: “sẽ nghe theo lời anh”. Thuyền gặp thuận gió nên mau đến được đảo châu báu, thuyền sư bảo mọi người lên đảo tùy ý lấy, mọi người vui mừng lên đảo hốt lấy châu báu chất đầy thuyền, Thiện hạnh chỉ lấy hạt châu Như ý cột vào trong thắt lưng rồi lên thuyền trở về. Khi thuyền sắp tời bờ kia thì bỗng bị cá Ma kiệt phá vỡ thuyền, người và châu báu đều chìm, chỉ trừ có Thiện hạnh và Ác hạnh nhờ bám theo anh mà được vào bờ. Tới bờ, Thiện hạnh cảm thấy mệt nên nằm ngủ; khi bám theo anh, Ác hạnh đã thấy hạt châu Như ý cột ở thắt lưng của Thiện hạnh, lúc đó liền suy nghĩ: “anh ta còn bảo châu, ta lại mất hết tất cả, ta nhân dịp này đâm mù mắt anh rồi lấy hạt châu này mang về”, nghĩ rồi liền dùng cây nhọn đâm mù mắt Thiện hạnh rồi bỏ đi. Lúc đó do bị mù mắt nên Thiện hạnh không biết đường trở về, sau đó có một người chăn bò gặp liền hỏi Thiện hạnh từ đâu đến, Thiện hạnh kể lại sự việc trên, người chăn bò nghe xong khởi tâm từ bi dẫn về nhà. Lúc ở trong nhà người chăn bò, Thiện hạnh thường chơi đàn, vợ người chăn bò nghe tiếng đàn sanh tâm yêu thích và khởi dục nhiễm nên yêu cầu Thiện hạnh cùng tư thông; Thiện hạnh nghe rồi liền bịt tai nói rằng: “đừng nói lời này tôi không muốn nghe, nàng như là em ta sao lại thốt ra lời này”.

Phật bảo các Bí-sô: “thường tình của thế gian là hữu tình đối với người vợ mà mình thương yêu, khi nghe nói bị người làm nhục đều sanh tâm tức giận, trong tất cả oán thù thì oán thù này nặng nhất”.

Sau khi nghe vợ nói xong, người chăn bò rất tức giận suy nghĩ: “người này phạm tội nặng nhưng bị mù mắt tức là chịu quả báo rồi, ta không cần phải giết hại, chỉ nên đuổi đi mà thôi”, nghĩ rồi liền đuổi Thiện hạnh ra khỏi nhà, Thiện hạnh ôm đàn đi qua các thành ấp xin ăn để sống. Thời gian sau, vua cha băng hà, Ác hạnh lên nối ngôi, Thiện hạnh lúc đó đi dần đến nước của người vợ đã đính hôn trước kia. Lúc đó công chúa được nhiều người đến cầu hôn, vua bảo công chúa: “trước đây ta hứa gả con cho Thiện hạnh, nhưng Thiện hạnh ra biển không may đã chết. Nay các vương tử đua nhau đến cầu hôn, nếu ta không thuận gả thì các vương tử này sẽ tức giận, ý của con như thế nào?”, công chúa tâu: “xin phụ vương hãy ra lịnh cho dân chúng quét dọn sạch sẽ đường phố rồi triệu tập tất cả người nam trong ngaòi nước đến, con sẽ tuyển chọn”, vua liền y theo lời công chúa ra lịnh quét dọn sạch sẽ đường phố và cho đánh trống thông báo: “ta có công chúa muốn xuất gia nên tập họp tất cả người nam ở trong và ngoài nước đến đển kén chọn phò mã”. Sáng hôm sau, công chúA-trang điểm lộng lẫy rồi cùng các thể nữ bước ra giống như thiên nữ Kiết tường ở trong rừng hoa tươi đẹp của vườn Hoan hỉ. Công chúa lần lượt đi qua trăm vạn người để kén chọn, lúc đó Thiện hạnh đang đứng đánh đàn ở một góc đường. Do nghiệp lực của hữu tình, khi nhân duyên hội họp thì gặp nhau nên khi nghe tiếng đàn này, công chúa liền mến mộ nên ném vòng hoa lên người Thiện hạnh và nói: “người này là chồng tôi”. Mọi người thấy việc này rồi đều buồn rầu chê trách: “trong đại chúng này rất nhiều người là hào tộc, là đại thần, vương tử cao sang, trẻ tuổi đáng yêu; sao công chúa lại bỏ những người này mà chọn người mù làm chồng”, cận thần của vua cũng buồn rầu đem việc này tâu lên vua, vua nghe rồi cũng buồn rầu nói với công chúa: “con có ý gì mà không chọn người hào tộc, hoặc vương tử đại thần trẻ tuổi đáng yêu, lại đi chọn người mù?”, công chúa đáp là vì yêu mến, vua nói: “nếu vậy thì con hãy đi theo người mù đó, không nên ở đây nữa”. Công chúa liền đi đến chỗ người mù nói: “từ nay anh là chồng tôi”, Thiện hạnh nói: “tôi là người mù, vì sao cô lại làm việc phi lý này”, công chúa nói: “tôi sẽ không thay đổi chủ ý”, Thiện hạnh nói: “làm sao biết được?”, công chúa nói: “anh hãy làm chứng cho lời chân thật của tôi, nếu tôi đối với anh cũng như đối với vương tử Thiện hạnh sẽ không thay lòng thì xin cho một mắt của anh được sáng lại như xưa”, do nói lời chân thật nên một con mắt của Thiện hạnh liền sáng lại, Thiện hạnh nói: “ta chính là Thiện hạnh đã bị em ta là Ác hạnh làm hại”, công chúa nói: “làm sao biết được?”, Thiện hạnh nói: “khi ta bị Ác hạnh đâm mù mắt, ta không một chút sân hận, nếu lời này là chân thật thì xin cho con mắt còn lại được bình phục như xưa”, do nói lời chân thật nên cả hai mắt đều được sáng trở lại. Công chúa dẫn Thiện hạnh đến chỗ vua cha kể lại sự việc trên, vua nghe rồi hết sức ngạc nhiên liền cho tổ chức hôn lễ, sau đó dẫn binh mã đưa Thiện hạnh trở về nước, đánh đuổi Ác hạnh và lập Thiện hạnh lên làm vua.

Phật bảo các Bí-sô: “Thiện hạnh thuở xưa chính là thân ta ngày nay, Ác hạnh chính là Đề-bà-đạt-đa; không phải chỉ ngày nay vô ân, không báo ân mà ngày xưa cũng vậy”.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20