CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA PHÁ TĂNG SỰ

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường – TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh – năm 2009

Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 14

Lúc đó Đề-bà-đạt-đa thở dài buồn bã, gật đầu ba cái rồi đứng dậy đi. Lúc đó A-nan đang đứng quạt hầu cho Phật, Phật bảo A-nan: “thầy hãy đi thông báo cho các Bí-sô trong thành Vương xá đến tụ họp ở giảng đường, tụ họp xong thì báo cho Như lai biết”, A-nan vâng lời Phật dạy đi thông báo, các Tỳ kheo tụ họp xong liền đến bạch Phật tự biết thời. Phật đến giảng đường trải tòa ngồi giữa đại chúng bảo các Tỳ kheo: “này các Tỳ kheo, ở đời có năm loại bậc thầy:

1. Là bậc thầy không thanh tịnh trì giới mà tự nói là thanh tịnh trì giới, các đệ tử cùng ở chung biết thầy mình không thanh tịnh trì giới mà tự nói là thanh tịnh trì giới, nhưng họ lại nghĩ là nếu chúng ta nói sự thật này thì thầy sẽ không vui, chúng ta cũng không vui; huống chi chúng ta nhờ thầy mà được y thực, ngọa cụ, thuốc thang… thầy chăm lo cho chúng ta thì chúng ta không nên nói gì. Như vậy các đệ tử che giấu, che chở về việc trì giới giúp cho thầy; thầy cũng theo đệ tử cầu được che giấu, che chở về việc trì giới.

2. Là bậc thầy mạng bất tịnh (nghề nghiệp sinh sống không thanh tịnh mà tự nói là tịnh mạng, các đệ tử cùng ở chung biết thầy mình mạng không thanh tịnh trì mà tự nói là mạng thanh tịnh, nhưng họ lại nghĩ là nếu chúng ta nói sự thật này thì thầy sẽ không vui, chúng ta cũng không vui; huống chi chúng ta nhờ thầy mà được y thực, ngọa cụ, thuốc thang… thầy chăm lo cho chúng ta thì chúng ta không nên nói gì. Như vậy các đệ tử che giấu, che chở về việc tịnh mạng giúp cho thầy; thầy cũng theo đệ tử cầu che chở che giấu về việc tịnh mạng.

3. Là bậc thầy tri kiến không thanh tịnh mà tự nói là tri kiến thanh tịnh, các đệ tử cùng ở chung biết thầy mình tri kiến không thanh tịnh mà tự nói là tri kiến thanh tịnh, nhưng họ lại nghĩ là nếu chúng ta nói sự thật này thì thầy sẽ không vui, chúng ta cũng không vui; huống chi chúng ta nhờ thầy mà được y thực, ngọa cụ, thuốc thang… thầy chăm lo cho chúng ta thì chúng ta không nên nói gì. Như vậy các đệ tử che giấu, che chở về việc tri kiến thanh tịnh giúp cho thầy; thầy cũng theo đệ tử cầu che giấu, che chở về việc tri kiến thanh tịnh.

4. Là bậc thầy không khéo ghi nhớ sự việc mà tự nói là khéo ghi nhớ, các đệ tử cùng ở chung biết thầy mình không khéo ghi nhớ sự việc mà tự nói là khéo ghi nhớ, nhưng họ lại nghĩ là nếu chúng ta nói sự thật này thì thầy sẽ không vui, chúng ta cũng không vui; huống chi chúng ta nhờ thầy mà được y thực, ngọa cụ, thuốc thang… thầy chăm lo cho chúng ta thì chúng ta không nên nói gì. Như vậy các đệ tử che giấu, che chở về việc khéo ghi nhớ sự việc giúp cho thầy; thầy chũng theo đệ tử cầu che giấu, che chở về việc khéo ghi nhớ sự việc.

5. Là bậc thầy không thuyết pháp thanh tịnh mà tự nói là thuyết pháp thanh tịnh, các đệ tử cùng ở chung biết thầy mình không thuyết pháp thanh tịnh mà tự nói là thuyết pháp thanh tịnh, nhưng họ lại nghĩ là nếu chúng ta nói sự thật này thì thầy sẽ không vui, chúng ta cũng không vui; huống chi chúng ta nhờ thầy mà được y thực, ngọa cụ, thuốc thang… thầy chăm lo cho chúng ta thì chúng ta không nên nói gì. Như vậy các đệ tử che giấu, che chở về việc thuyết pháp thanh tịnh giúp cho thầy; thầy cũng theo đệ tử cầu che giấu, che chở về việc thuyết pháp thanh tịnh.

Này các Tỳ kheo, Như lai thanh tịnh trì giới, cũng tự nói là thanh tịnh trì giới. Như lai không cầu đệ tử che giấu hay che chở về việc thanh tịnh trì giới. Như lại là tịnh mạng, cũng tự nói là tịnh mạng; Như lai cũng không cầu đệ tử che giấu hay che chở về tịnh mạng. Như lai có tri kiến thanh tịnh, cũng tự nói ta có tri kiến thanh tịnh ; Như lai không cầu đệ tử che giấu hay che chở về tri kiến thanh tịnh. Như lai khéo ghi nhớ sự việc, cũng tự nói là khéo ghi nhớ sự việc ; Như lai không cầu đệ tử che giấu hay che chở về việc khéo ghi nhớ sự việc. Như lai thuyết pháp thanh tịnh, cũng tự nói là thuyết pháp thanh tịnh ; Như lai không cầu đệ tử che giấu hay che chở về thuyết pháp thanh tịnh. Như lai thật có pháp này và nói như thật; Như lai không cần nhờ đệ tử che chở cho mình. Còn năm hạng bậc thầy trên vì nói dối thế gian, vì tự có tội lỗi nên cần các đệ tử che chở cho mình; nhưng ta thì thường hay quở trách các thầy. Nếu Bí-sô nào chấp nhận sự quở trách của ta thì có thể ở gần ta, thọ pháp của ta; nếu không chấp nhận thì sẽ tự thối lui tan hoại. Ví như thọ gốm đem vật chưa nung bỏ vào lò nung, vật tốt sẽ tự hiện sự chắc thật của mình, vật xấu sẽ bị vỡ, thọ gốm cũng không tiếc rẽ hay lo sợ vì tốt xấu tự hiện. Cũng vậy khi truyền trao giới pháp, ta thường quở trách, người tốt sẽ tự rèn luyện thành chơn chánh, người xấu tự sẽ thối li tan hoại. Do pháp ta nói ra là thanh tịnh nên ta không lo sợ, các thầy nên hiểu rõ”. Phật nói xong rời khỏi chỗ ngồi trở về phòng mình, lúc đó Đề-bà-đạt-đa nói với bốn Bí-sô bè đảng trợ giúp: “bốn vị nên cùng giúp tôi phá Tăng già hòa hợp và phá pháp luân tăng của sa môn Kiều-đáp-ma. Nếu thành công thì sau khi chúng ta qua đời tiếng tăm vang khắp mười phương là sa môn Kiều-đáp-ma còn ở đời mà Đềbà-đạt-đa có đại oai đức, có thế lực đã cùng với bốn bạn đảng đã phá Tăng già hòa hợp và phá pháp luân tăng”. Cô ca lợi ca nói: “nay chúng ta không thể làm được việc này, vì sao?, vì hàng đệ tử Thanh văn của đức Bạc già phạm có đại oai lực, thiên nhãn sáng tỏ, thấu biết tâm của người khác. Sự vật tuy ở xa nhưng họ có thể trông thấy, họ ở gần người khác mà người khác không hay. Việc làm của chúng ta họ đều dự biết trước”. Thiên Thọ nghe rồi nói: “Các vị nên cùng tôi lập bày phương tiện”. Hỏi: “phương tiện như thế nào?”, đáp: “chúng ta trước nên đến chỗ các bậc thượng tọa kỳ niên túc đức cúng dường các tư cụ thượng diệu và cung cấp các vật cần dùng đừng để thiếu thốn. Đối với các Bísô niên thiếu chúng ta cũng cung cấp như vậy khiến cho họ hoan hỉ, hoặc cho họ y bát, đãy đựng y bát, dây lưng…, hoặc chỉ dạy họ đọc tụng tác ý tương ưng…”. Nhóm bạn trợ giúp phá tăng này đều khen là phương tiện hay khiến cho Thiên Thọ càng thêm kiêu mạn muốn phá Tăng già. Các Bí-sô biết rõ hành vi tiến thú muốn phá Tăng luân của Thiên Thọ liền đem nhân duyên này bạch Phật, Phật bảo các Bí-sô: “Các thầy nên can riêng Thiên Thọ, nếu có người nào khác giống như vậy cũng nên can như sau: “Thiên Thọ chớ nên phá hòa hợp Tăng, gây ra việc đấu tranh chấp chặt không bỏ. Thiên Thọ nên cùng Tăng hòa hợp, hoan hỉ không tranh chấp, đồng lòng một lời như nước với sữa, khiến cho giáo pháp của Đại sư được ngời sáng, trụ trong an lạc. Thiên Thọ nên bỏ việc phá tăng”. Các Bí-sô vâng lời Phật dạy đến can riêng Thiên Thọ, văn khuyên can giống như đoạn văn trên. Khi các Bí-sô can riêng như vậy, Đề-bà-đạt-đa chấp chặt việc mình làm không chịu bỏ, nói rằng: “việc này chơn thật, các việc khác đều là hư vọng”. Các Bí-sô liền đem nhơn duyên việc này bạch Phật, Phật bảo các Bí-sô: “Các thầy nên bạch tứ yết ma đối trong chúng can ngăn, nếu có người nào khác giống như vậy cũng nên can ngăn. Nên trải tọa cụ, đánh kiền chùy trước tác bạch rồi sau tập họp Tăng. Khi Tăng già nhóm họp rồi một Bí-sô tác pháp yết ma, trước tác bạch như sau:

“Đại đức Tăng lắng nghe, Đề-bà-đạt-đa này muốn phá hòa hợp tăng, gây ra việc đấu tranh trụ trong phi pháp. Các Bí-sô đã can riêng nhưng Đề-bà-đạt-đa chấp chặt việc mình làm không chịu bỏ, nói rằng: “việc này chơn thật, các việc khác đều là hư vọng”. Nếu Tăng đúng thời đến, Tăng nay chấp thuận bạch tứ yết ma can ngăn việc Đề-bà-đạtđa làm rằng: “này Đề-bà-đạt-đa , thầy chớ muốn phá hòa hợp tăng, gây ra việc đấu tranh trụ trong phi pháp. Thầy nên cùng Tăng hòa hợp, hoan hỉ không tranh chấp, đồng lòng một lời như nước với sữa, khiến cho giáo pháp của Đại sư được ngời sáng, trụ trong an lạc. Đề-bà-đạt-đa hãy nên bỏ việc phá Tăng”. Bạch như vậy”. Kế tác yết ma như sau:

“Đại đức Tăng lắng nghe, Đề-bà-đạt-đa này muốn phá hòa hợp Tăng, gây ra việc đấu tranh trụ trong phi pháp. Các Bí-sô đã can riêng nhưng Đề-bà-đạt-đa chấp chặt việc mình làm không chịu bỏ, nói rằng: “việc này chơn thật, các việc khác đều là hư vọng”. Tăng nay bạch tứ yết ma can ngăn Đề-bà-đạt-đa rằng: “này Đề-bà-đạt-đa, thầy chớ muốn phá hòa hợp Tăng, gây ra việc đấu tranh trụ trong phi pháp. Thầy nên cùng tăng già hòa hợp, hoan hỉ không tranh chấp, đồng lòng một lời như nước với sữa, khiến cho giáo pháp của Đại sư được ngời sáng, trụ trong an lạc. Đề-bà-đạt-đa hãy nên bỏ việc phá Tăng”. Nếu các cụ thọ chấp thuận bạch tứ yết ma can ngăn Đề-bà-đạt-đa rằng: “này Đềbà-đạt-đa , thầy chớ nên phá hòa hợp tăng, gây ra việc đấu tranh trụ trong phi pháp. Thầy nên cùng tăng già hòa hợp, hoan hỉ không tranh chấp, đồng lòng một lời như nước với sữa, khiến cho giáo pháp của Đại sư được ngời sáng, trụ trong an lạc. Đề-bà-đạt-đa hãy nên bỏ việc phá tăng” thì im lặng, vị nào không chấp thuận thì nói. Đây là yết ma lần thứ nhất; yết ma lần thứ hai, thứ ba cũng nói như vậy.

Tăng nay đã bạch tứ yết ma can ngăn Đề-bà-đạt-đa xong rồi, Tăng chấp thuận vì im lặng. Tôi nay nhớ giữ như vậy.

Các Bí-sô vâng lời Phật dạy bạch tứ yết ma can ngăn Đề-bà-đạtđa xong rồi, nhưng Đề-bà-đạt-đa vẫn chấp chặt việc mình làm không chịu bỏ nói rằng: “việc này chơn thật, các việc khác đều là hư vọng”. Bốn người bạn trợ giúp Đề-bà-đạt-đa trong việc phá tăng nói với các Bí-sô: “các Đại đức chớ nói Bí-sô kia (Đề bà) là thiện hay ác, vì sao?, vì Bí-sô kia là người nói đúng pháp, là người nói đúng luật, y nơi pháp luật mà nói, biết mới nói, không phải không biết mà nói; điều mà Bísô kia ưa thích, tôi cũng ưa thích”, các Bí-sô đem nhân duyên này bạch Phật, Phật bảo các Bí-sô: “các thấy nên can riêng bốn người bạn trợ giúp Đề-bà-đạt-đa phá tăng này, nếu có người nào giống như vậy cũng nên can như sau:

Này các vị Cô ca lý ca, Khiên đồ đạt phiêu, Yết tra mô lạc ca để sái, Tam một đạt la đạt đa nên biết, Bí-sô Thiên thọ muốn phá hòa hợp tăng, gây ra việc đấu tranh trụ trong phi pháp. Các vị chớ tùy thuận trợ giúp phá tăng theo tà bỏ chánh, các vị chớ nói với các Bí-sô rằng: “các Đại đức chớ nói Bí-sô Đề bà thiện hay ác, vì sao?, vì Bí-sô kia là người nói đúng pháp, là người nói đúng luật, y theo pháp luật mà nói, biết mới nói, không phải không biết mà nói; điều mà Bí-sô kia ưa thích, tôi cũng ưa thích”. Này các cụ thọ, Bí-sô kia nói lời phi pháp, phi luật, không nương theo pháp luật mà nói, không biết mà nói, không phải biết mới nói . Các vị chớ nên ưa thích phá hòa hợp tăng, nên ưa thích Tăng hòa hợp. Các vị nên cùng Tăng hòa hợp, hoan hỉ không tranh chấp, đồng lòng một lời như nước với sữa, khiến cho giáo pháp của Đại sư được ngời sáng, trụ trong an lạc. Các vị hãy nên bỏ việc tùy thuận phá hòa hợp tăng.

Các Bí-sô vâng lời Phật dạy can riêng bốn người bạn tùy thuận trợ giúp phá tăng, nhưng bốn người này không chịu nghe lời can ngăn vẫn chấp chặt không bỏ nói rằng: “việc này là chơn thật, các việc khác đều là hư vọng”, các Bí-sô liền đem nhân duyên này bạch Phật, Phật bảo các Bí-sô: “Các thầy nên bạch tứ yết ma đối trong chúng can ngăn bốn người bạn tùy thuận trợ giúp phá tăng này, nếu có người nào khác giống như vậy cũng nên can. Trước tác bạch như sau:

“Đại đức Tăng lắng nghe, Cô ca lý ca, Khiên đồ đạt Phiêu, Yết tra mô lạc ca để sái , Tam một đạt la đạt đa bốn vị này biết Bí-sô Đề bà muốn phá hòa hợp Tăng, gây ra việc đấu tranh trụ trong phi pháp, mà vẫn tùy thuận trợ giúp làm việc không hòa hợp. Khi các Bí-sô can ngăn, các vị này nói rằng: “các Đại đức chớ nói Bí-sô Đề bà là thiện hay ác, vì sao? Vì Bí-sô kia là người nói đúng pháp, là người nói đúng luật, nương nơi pháp luật mà nói, biết mới nói, không phải không biết mà nói; điều mà Bí-sô kia ưa thích, tôi cũng ưa thích”. Khi các Bí-sô can riêng như vậy, họ vẫn chấp chặt không bỏ nói rằng: “việc này là chơn thật, các việc khác đều là hư vọng”. Nếu tăng đúng thời đến, Tăng nay bạch tứ yết ma can ngăn bốn người Cô ca lý ca… “này Cô ca lý ca… các vị biết Bí-sô kia muốn phá hòa hợp tăng, gây ra việc đấu tranh, trụ trong phi pháp mà vẫn thuận theo Bí-sô kia làm việc không hòa hợp. Khi các Bí-sô can ngăn lại nói với các Bí-sô rằng: các Đại đức đừng nói Bí-sô kia là thiện hay ác, vì sao? Vì Bí-sô kia là người nói như pháp, như luật, nương nơi pháp luật mà nói, biết mới nói, không phải không biết mà nói; điều mà Bí-sô kia ưa thích, tôi cũng ưa thích”. Nhưng Bí-sô kia là người nói phi pháp, phi luật, nương theo phi pháp phi luật chấp chặt không bỏ, không biết mà nói, không phải biết mới nói. Các cụ thọ chớ ưa thích phá Tăng, nên ưa thích Tăng hòa hợp. Các cụ thọ nên cùng Tăng hòa hợp, hoan hỉ không tranh chấp, đồng lòng một lời như nước với sữa, khiến cho giáo pháp của Đại sư được ngời sáng, trụ trong an lạc.Các cụ thọ hãy bỏ việc tùy thuận phá tăng không hòa hợp. Bạch như vậy.

Kế tác yết ma chuẩn theo văn tác bạch mà làm”.

Các Bí-sô vâng lời Phật dạy liền bạch tứ yết ma can ngăn bốn người Cô ca lý ca… nhưng bốn người này vẫn chấp chặt không bỏ nói rằng: “việc này là chơn thật, các việc khác là hư vọng”, các Bí-sô đem nhân duyên này bạch Phật, Phật bảo các Bí-sô: “Đề-bà-đạt-đa cùng bốn người bạn này thuận theo tà trái bỏ chánh, từ nay về sau phá Tăng già đệ tử hòa hợp của ta và phá pháp luân có uy lực lớn”. Đề-bà-đạt-đa nghe được lời này liền nói: “Sa môn Kiều-đáp-ma đã thọ ký cho ta với các Bí-sô rằng: Đề-bà-đạt-đa cùng bốn người bạn kia thuận theo tà trái bỏ chánh, từ nay về sau phá tăng già đệ tử hòa hợp của ta và phá pháp luân có uy lực lớn”. Kế nói với bốn người bạn trợ giúp việc phá tăng rằng: “các vị nên biết, sa môn Kiều-đáp-ma đã thọ ký cho ta với các Bí-sô… như trên”. Từ đó Đề bà đối với việc phá tăng càng thêm mạnh mẽ, các Bí-sô nghe rõ sự việc liền bạch Phật, Phật do nhơn duyên này nhóm họp Bí-sô Tăng già hỏi Đề-bà-đạt-đa: “Thầy thật muốn phá Tăng già hòa hợp, gây ra việc đấu tranh, trụ trong phi pháp phải không ?”. Đề-bà-đạt-đa đáp: “Thật vậy, Thế Tôn”. Thế Tôn liền quở trách Đềbà-đạt-đa: “Việc thầy đã làm không phải là sa môn, không phải hạnh tùy thuận, không phải tịnh hạnh, là việc không nên làm, không phải là việc nên làm của người xuất gia. Bí-sô nào phương tiện phá tăng đều mắc tội Ác tác, khi can ngăn riêng không chịu bỏ cũng phạm Ác tác, khi tác bạch yết ma như pháp, như luật, như lời Phật dạy can, nếu chịu bỏ thì tốt, nếu không chịu bỏ thì khi tác bạch xong phạm tội thô, yết ma lần thứ nhất, lần thứ hai không chịu bỏ cũng phạm tội Thô, lần thứ ba xong không chịu bỏ thì phạm Tăng già bà thi sa”.

Lúc đó Thế Tôn ở nơi tòa ngồi của mình muốn chế học xứ bạn tùy thuận phá tăng cho các đệ tử Thanh văn nên bảo các Bí-sô: “Này các Bí-sô, khoan hãy đứng dậy đi, Tăng già còn một việc”. Thế Tôn liền hỏi bốn người bạn tùy thuận trợ giúp việc phá tăng là Cô ca lý ca…:

“Các thầy thật biết Đề-bà-đạt-đa muốn phá hòa hợp tăng, khởi phương tiện phá tăng lại khuyên gây ra việc đấu tranh, chấp chặt không bỏ. Các thầy cùng làm bạn trợ giúp thuận theo tà trái bỏ chánh và nói với các Bí-sô rằng: “các Đại đức đừng nói Bí-sô Đề Bà là thiện hay ác…”, kế chế học xứ nói đầy đủ như trong Tỳ ni.

Lúc đó cụ thọ Thập lực Ca-diếp dạy đạo pháp thần thông cho Đềbà-đạt-đa nên các Bí-sô trách, Thập lực Ca-diếp nói: “tôi thật không biết người này ác hạnh, nếu biết thì chữ thần tôi cũng không dạy huống chi là đạo thần thông”. Lại có nhiều Bí-sô nói với Đề-bà-đạt-đa: “thầy được lợi dưỡng và cúng dường của vua đều là nhờ ân đức của cụ thọ Thập lực Ca-diếp, thẩy hãy đến cúng dường vị ấy”, nói như thế là muốn tạo phương tiện cho Thập lực Ca-diếp khuyên can Đề-bà-đạt-đa bỏ tâm ác hành thiện; nhưng Đề-bà-đạt-đa lại nói: “Thập lực Ca-diếp cho ta năng lực gì, đều là do ta ngày đêm thường tinh tấn khổ hạnh nên được Sơ thiền tĩnh lự. Đó là do ta tự cầu, không liên can đến Thập lực Ca-diếp”, vừa nói xong lời vô ân này, Đề-bà-đạt-đa liền mất hết thần thông đã có. Các Bí-sô liền đem việc này bạch Phật, Phật nói: “không phải chỉ ngày nay mà thuở xưa cũng vì nói lời vô ân nên Đề-bà-đạt-đa mất hết thần thông, các thầy lắng nghe:

Thuở xưa ở thành Bà-la-nê-tư có vua tên là Phạm thọ, trong thành có một người dòng Chiên đà la rất giỏi chú thuật Kiền đà la. Nương vào chú thuật này có thể bay lên không trung, đến núi Hương hái hoa quả kỳ diệu đem về dâng cho vua, khiến vua cung kính hoan hỉ đem một tụ lạc ban cho Chiên đà la này. Lúc đó ở Nam Thiên trúc có một Ma-nạpbà muốn học chú thuật này nên đến thành Bà-la-nê-tư hỏi thăm ai giỏi chú pháp, có người nói là Chiên đà la, Ma-nạp-bà nghe rồi liền đến chỗ Chiên đà la chắp tay bạch rằng: “con đến đây thừa sự cúng dường thầy để cầu học chú pháp”, Chiên đà la nói kệ:

“Minh chú không cho người,
Phải trao đổi mới cho,
Hoặc là phải thừa sự,
Hoặc là dâng trân bảo,
Nếu không làm như vậy,
Chết cũng không truyền trao”.

Ma-nạp-bà nói: “con không có trân bảo, chỉ có thừa sự thì trong bao lâu mới được học chú thuật”, đáp là trong mười hai năm, Ma-nạpbà vì muốn học chú thuật nên ở lại hết lòng thừa sự như thế trải qua một năm. Lúc đó Chiên đà la đến nhà bà con dự tiệc uống rượu say đến tối mới về nhà, Ma-nạp-bà suy nghĩ: “thầy đã uống say, đêm nay ta nên hầu hạ chu đáo hơn”, nghĩ rồi liền trải giường tòa cho thầy nằm ngủ. Đêm đó thầy trở mình khiến thanh ngang của giường bị gãy, Ma-nạp-bà suy nghĩ: “thanh ngang của giường bị gãy, thầy sẽ nằm ngủ không yên, ta nên chui xuống giường dùng sống lưng đỡ không cho thanh ngang của giường rơi xuống đất”, nghĩ rồi liền chui xuống giường nằm để đỡ thanh ngang của giường không cho rơi xuống đất. Thường pháp của người say là nếu khỏe mạnh thì sẽ tỉnh vào canh hai, nhưng vì uống quá nhiều nên người thầy vẫn chưa tỉnh và mữa đầy trên người của Ma-nạp-bà. Lúc đó Ma-nạp-bà suy nghĩ: “nếu vì việc này mà ta lên tiếng thì thầy sẽ không ngủ được”, nghĩ rồi liền nằm im chịu trận, đến nữa đêm người thầy tỉnh dậy thấy có người nằm dưới giường liền hỏi là ai, đáp là con, người thầy hỏi rõ nguyên do rồi hoan hỉ nói rằng: “ta rất hài lòng về con, con hãy chui ra và đi tắm rửa sạch sẽ, sáng mai đến đây ta sẽ dạy cho cho chú pháp”. Ma-nạp-bà liền đi tắm rửa, giặt sạch quần áo, sáng hôm sau liền đến chỗ người thầy để học chú pháp. Sau khi học xong, Ma-nạp-bà nôn nóng suy nghĩ: “ta học xong chú pháp này, nay nên thực hành thử”, nghĩ rồi liền hành chú pháp để bay lên không trung, đến núi Hương hái hoa quả đem về dâng cho các đại thần, các đại thần hiến dâng cho vua, vua hỏi có được từ đâu, liền đáp: “có một Ma-nạp-bà người Nam Thiên trúc dâng cho thần, thần dâng cho vua. Ma-nạp-bà này giỏi chú pháp lại thuộc quý tộc, vua nên dùng Ma-nạp-bà này, đừng dùng Chiên đà la nữa, vì Chiên đà la thuộc giai cấp hạ tiện. Vua nên đuổi đi và lấy lại tụ lạc đem cho Ma-nạp-bà”. Vua nghe lời đuổi Chiên đà la và lấy lại tụ lạc đem cho Ma-nạp-bà, Chiên đà la nói: “Ma-nạp-bà này là đệ tử của tôi, chú pháp làm sao hơn tôi được”, vua nghe rồi liền hỏi Ma-nạpbà: “chú pháp của người là do Chiên đà la truyền dạy phải không?”, Ma-nạp-bà nói: “Đại vương, do tôi tự khổ hạnh suốt trong một năm mới cầu được chú pháp này, không phải do Chiên đà la cho không”, vừa nói xong lời vô ân này, những pháp đã học đều mất hết hiệu nghiệm.

Phật bảo các Bí-sô: “Ma-nạp-bà thuở xưa chính là Đề-bà-đạt-đa ngày nay, xưa vì vô ân nên mất hết những pháp đã học, nay vì vô ân nên mất hết thần thông. Các Bí-sô nên biết không được vô ân đối với vị thầy dạy pháp cho mình. Từ nay về sau người vô ân sẽ phạm tội Việt pháp”.

Lúc đó Phật từ thành Vương xá du hành đến núi Già da, Đề-bàđạt-đa cũng cùng năm trăm Bí-sô du hành trong nhân gian. Vua Axà-thế vì yêu mến Đề-bà-đạt-đa nên cho năm trăm cỗ xe chở lương thực đi theo, các Bí-sô gặp giữa đường liền hỏi chở lương thực cho ai, đáp là vua A-xà-thế dâng cúng Đề-bà-đạt-đa. Các Bí-sô đem việc này bạch Phật và nói: “vua A-xà-thế vô trí cho năm trăm cỗ xe chở lương thực cúng dường cho Đề-bà-đạt-đa mà không cúng dường cho Thế tôn”, Phật nói: “không phải chỉ ngày nay vua A-xà-thế vố trí cúng dường cho người vô trí, mà ngày xưa cũng vậy. Các thầy lắng nghe:

Thuở xưa, ở phía Đông nước Thiên trúc có một thôn, cách thôn không xa có một khu rừng với hoa quả tốt tươi và suối trong mát… Trong rừng có năm trăm tiên nhân ở, thường lượm trái cây rụng để ăn và lấy vỏ cây làm y phục; họ thấy trên cây A-ma-lặc đầy quả trĩu nặng với nhiều quả sắp chín nên đến xin thần cây, thần cây xẻn tiếc nên không cho trái rụng xuống. Các tiên nhân thấy vậy liền để một vị ở lại trông chừng, các vị khác đến các cây khác xin; lúc đó có năm trăm giặc cướp vào trong rừng, thấy cây đầy trái liền nói với nhau: “chúng ta làm cách nào để ăn được trái cây này”, chúa giặc nói: “các ông lấy rìu đốn ngã cây này làm cho trái rụng xuống để lấy ăn”. Thần cây nghe chúa giặc nói như thế liền lo sợ nên lay động thân mình khiến cho trái cây rơi xuống, bọn cướp xúm lại lượm trái cây ăn xong rồi bỏ đi. Các tiên nhân trở lại thấy trái cây đã rụng hết liền hỏi vị tiên ở lại trông chừng: “ai đã ăn hết trái trên cây?”, vị tiên này kể lại sự việc trên, các tiên nhân trách thần cây: “ngươi thật vô trí, không cho người thiện trái cây lại cho người ác ăn hết”.

Phật bảo các Bí-sô: “thần cây vô trí thuở xưa chính là vua A-xàthế ngày nay, chúa giặc thuở xưa chính là Đề-bà-đạt-đa ngày nay. Thuở xưa vô trí cho người ác ăn hết trái cây, không cho người thiện; nay vô trí cúng dường nhiều ẩm thực cho Đề-bà-đạt-đa mà không cúng dường cho Bí-sô thanh tịnh”.
Lúc đó Phật cùng đại chúng Bí-sô từ nước Ma-kiệt-đà du hành đến thành Vương xá trụ ở vườn trúc Yết lan đạc ca. Do Đề-bà-đạt-đa ở tại thành này làm nhiều việc phi pháp nên dân trong thành đến bạch Phật, Phật bảo A-nan: “thầy hãy dẫn theo một Bí-sô vào trong thành Vương xá nơi ngã tư đường ; gặp bất cứ Bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ đều nên nói rằng: “nếu Đề-bà-đạt-đa và các bạn đảng làm việc phi pháp, tạo tội lỗi gì thì các vị không nên phỉ báng Phật pháp tăng, vì sao, vì thầy ấy không còn hành theo Pháp Phật nữa. Nếu có ai nói Đề-bà-đạt-đa có thần thông oai đức thì các vị nên nói với họ rằng: trước đây Đề-bà-đạtđa có thần thông nhưng nay đã mất hết”, A-nan vâng lời Phật dạy vào trong thành Vương xá thông báo cho mọi người biết như trên rồi nói: “từ nay về sau, Đề-bà-đạt-đa có làm việc phi pháp gì, các vị đừng nên đến nói với Phật nữa”. Lúc đó Phật hiện thân có bịnh, Y vương Thị-phượcca điều chế thuốc cho Phật uống có tên là Na la nhã, Phật nói: “thuốc này không thể nghĩ bàn”, Thị-phược-ca cũng nói là không thể nghĩ bàn, Phật nói: “rất không thể nghĩ bàn”, Thị-phược-ca cũng nói là rất không thể nghĩ bàn, Phật lại hỏi: “ông có thể biết hay không?”, Thị-phược-ca đáp là biết, Phật lại hỏi: “ông thật biết phải không?”, Thị-phược-ca đáp là thật không biết, Phật lại hỏi: “cái gì không thể nghĩ bàn?”, đáp: “bò ăn cỏ nước có thể sanh ra chất cam lồ, chất Tô này điều chế thành thuốc Na la nhã rất vi diệu”, Phật lại hỏi: “cái gì rất không thể nghĩ bàn ?”, đáp: “Phật ra đời thuyết giảng diệu pháp, có thể làm cho Tăng chúng hành theo giáo pháp, việc này rất không thể nghĩ bàn”, Phật lại hỏi: “ông có thể biết việc gì?”, đáp: “tất cả đều sẽ chết, trừ Phật ra, không ai thoát khỏi”, Phật lại hỏi: “ông thật không biết việc gì?”, đáp: “con biết người sẽ chết nhưng thật không biết họ sẽ về đâu”. Lúc đó các Bí-sô có nghi thỉnh hỏi Phật: “vì sao Thị-phược-ca lại hiểu rõ ý Phật?”, Phật nói: “không phải chỉ ngày nay mà thuở xa xưa Thị-phược-ca cũng hiểu rõ ý Phật. Các thầy lắng nghe: Thuở xưa, trong một thôn có trưởng giả tên là Thiện hữu rất giàu có, sau đó cưới vợ và không bao lâu sau người vợ sanh một bé gái. Đến hai mươi mốt ngày, ông mở tiệc ăn mừng và đặt tên cho bé gái là Thiện hạnh ; thời gian sau lại sanh một bé trai nữa và đặ tên là Thiện đức. Lúc đó trưởng giả suy nghĩ: “nay ta đã có con, ta nên đi buôn bán ; nếu ta đi buôn bán mà để lại nhiều tiền của thì sợ vơ ta sẽ tiêu xài hết”, nghĩ rồi liền để lại cho vợ một ít tiền của, một ít mang đi buôn bán, còn lại những châu ngọc quý giá ông đều đựng trong một bình vàng rồi đem chôn dưới gốc cây Mã nhĩ trong rừng. Đến nơi khác buôn bán một thời gian thu lợi được gấp đôi, ông liền cưới thêm vợ và có thêm nhiều con. Lúc đó con của người vợ trước đã trưởng thành liền hỏi mẹ về người cha, người mẹ nói: “nghe nói cha con ở tại thành —- giàu có và sống rất an ổn. Con hãy đến đó, nếu cha con gặp và nhận ra nhau thì cha con sẽ giúp đỡ cho con”, người con nghe rồi liền đi tìm cha. Khi cha con gặp nhau, người cha liền nhận ra ngay và hỏi: “con từ đếu đến và định đi đâu”, người con đem việc trên kể lại, người cha nghe rồi liền dẫn con về nhà và dặn đừng nói là con. Người con về nhà ở bên người cha, người cha càng thương yêu hơn nên con của người vợ sau hỏi là ai, người cha nói dối là con của người bạn. Vì thấy người cha thương yêu người con kia nên con của người vợ sau sợ người con kia đến chiếm đoạt tài sản của họ. Lúc đó người cha suy nghĩ: “ta hãy cho đứa con này tiền của rồi bảo nó trở về, nếu không những đứa con của người vợ sau sẽ ganh ghét và làm hại nó. Nếu ta cho nó tiền của lại sợ vì tiền của này nó cũng sẽ bị giết hại”, nghĩ rồi ông liền viết một lá thư trao cho con và bảo nó trở về. Những người con kia chạn đường hỏi người cha đã đưa cho cái gì, đáp là một lá thư, thấy chỉ là một lá thư nên họ để cho người con này tùy ý được trở về. Về đến nhà người mẹ hỏi người cha đã cho cái gì, đáp là một bức thư, người mẹ nói: “cha con là người lứa dối không tốt, ông ta sẽ bị khổ đau”, người con nói: “cha là người có trí huệ, mẹ không nên nói thế”, người con liền đọc thư và ngẩm nghĩ ý nghĩa của nó, sau khi hiểu được liền đến chỗ người cha đã chôn cái bình vàng trước kia, đào lên rồi mang về nhà và trở thành người giàu có từ đó.

Phật bảo các Bí-sô: “người cha thuở xưa chính là thân ta ngày nay, người con thuở xưa chính là Thị-phược-ca ngày nay. Thuở xưa ta dùng phương tiện chỉ chỗ chôn giấu của cải, ông ấy hiểu được ý ta và ngày nay cũng vậy”, lúc đó Thị-phược-ca suy nghĩ: “thân Phật là kim cang, nếu dùng chút ít Tô thì không đủ, phải dùng hai cân mới đủ”, nghĩ rồi liền lấy hai cân Thục tô cho Phật ăn. Đề-bà-đạt-đa thấy rồi cũng muốn ăn Tô như Phật liền hỏi Thị-phược-ca: “Sa môn Kiều-đáp-ma ăn bao nhiêu Thục tô?”, đáp là hai cân Tô, Đề-bà-đạt-đa liền nói: “ta cũng muốn ăn hai cân Tô”, Thị-phược-ca nói: “thân Phật là kim cang nên có thể dùng hai cân, thầy làm sao có thể tiêu hóa được?”, Đề-bà-đạt-đa nói: “thân ta cũng là kim cang, làm sao không thể tiêu hóa được”, nói rồi liền ăn hai cân Tô. Sáng hôm sau Phật tiêu hóa hết chất tô nên Thịphược-ca mang cháo đến cho Phật ăn, Đề-bà-đạt-đa chưa tiêu hóa hết chất tô lại ăn thêm cháo nữa nên bị đau bụng dữ dội, chịu không nổi nên kêu la. A-nan khởi lòng thương đem việc này bạch Phật, Phật nghe rồi liền duỗi cánh tay có tướng thiên bức luân, trăm phước trang nghiêm xuyên qua vách núi xoa lên đảnh đầu của Đề-bà-đạt-đa rồi bảo các Bísô: “đối với Đề-bà-đạt-đa và La-hầu-la nếu ta có tâm bình đẳng không sai khác thì khiến cho tất cả nổi đau đớn của Đề-bà-đạt-đa đều được tiêu trừ”, Phật vừa nói xong, Đề-bà-đạt-đa liền hết đau. Lúc đó Đề-bàđạt-đa mới biết là Phật đang xoa đầu mình, do từ vô lượng kiếp đến nay, Đề-bà-đạt-đa thường ôm lòng oán thù đối với Phật, nên tuy biết nhờ oai lực của Phật mà mình được hết đau đớn, nhưng vẫn cố chấp nói rằng: “Tất-đạt-đa khéo học được pháp chữa bịnh như thế, nhờ pháp ấy mà ta được cứu”. Lúc đó từ bốn phía đều phát ra âm thanh: “Thế tôn đã dùng lời thành thật để cứu Đề-bà-đạt-đa thoát khỏi đau đớn”, mọi người và ngay cả các bạn đảng của Đề-bà-đạt-đa nghe lời nói này đều vui mừng ca ngợi: “thần lực của Thế tôn thật kỳ diệu không thể nghĩ bàn”. Các Bí-sô đến nói với Đề-bà-đạt-đa: “nếu Phật không cứu thì chắc ông sẽ chết”, Đề-bà-đạt-đa nói: “Phật biết thuật hay, muốn mọi người theo về mình nên mới làm việc này”, các Bí-sô nói: “chớ nói lời này, hãy nên im lặng quán sát tự tâm xem có phải là Phật đã cứu thầy hay không?”, Đề-bà-đạt-đa nói: “không can hệ gì đến việc cứu hay không cứu, hễ chất tô tiêu hóa thì đau đớn liền tiêu trừ”, các Bí-sô biết Đề-bà-đạt-đa là người vô ân nên đến bạch Phật: “Thế tôn đã đại từ bi cứu thầy ấy mà thầy ấy lại vô ân, không báo ân”.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20