CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA PHÁ TĂNG SỰ

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường – TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh – năm 2009

Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 5

Lúc đó có ba vị trời đến chỗ Bồ-tát, nhìn thấy Bồ-tát như vậy nên một vị nói: “Kiều-đáp-ma là Sa môn đen”, một vị nói: “Kiều-đáp-ma là Sa môn xám”, một vị nói: “không phải đen hay xám mà là Sa môn xanh”, bởi vì ánh sáng và màu sắc trên thân của Bồ-tát trước đó đã biến mất, nhưng Bồ-tát không để tâm tới lời bàn tán này vì lúc đó tâm Bồ-tát khởi lên ba ví dụ về biện tài:

1. Là như củi ẩm ướt thấm nước, từ trong nước lấy ra và cái dùi lửa cũng bị ướt; nếu có người đến tìm lửa dùng cái dùi lửa ướt này để dùi lấy lửa thì không lấy được lửa. Cũng vậy, Sa môn hay Bà-la-môn tuy thân lìa dục nhưng tâm vẫn đắm mê Ái dục, dính mặc Ái dục, ở trong dục, ưa thích dục và làm bạn với dục thì dù người này làm khổ thân, chịu cực khổ, khổ khổ, bất lạc khổ, chịu đủ các khổ như thế; thọ dủ các cảm thọ như thế nhưng đó đều không phải là chánh trí, không phải là chánh kiến, không thể đạt được chánh đạo vô thượng.

2. Là như củi ướt thấm nước nằm ở mé nước, nếu có người tìm lửa dùng dùi lửa khô dùi vào củi ướt để lấy lửa thì không lấy được lửa. Cũng vậy, Sa môn hay Bà-la-môn tuy thân lìa dục nhưng tâm vẫn đắm mê Ái dục, dính mặc Ái dục, ở trong dục, ưa thích dục và làm bạn với dục thì dù người này làm khổ thân, chịu cực khổ, khổ khổ, bất lạc khổ, chịu đủ các khổ như thế; thọ dủ các cảm thọ như thế nhưng đó đều không phải là chánh trí, không phải là chánh kiến, không thể đạt được chánh đạo vô thượng.

3. Là như gỗ mục không thấm nước nhưng nằm ở chỗ ẩm ướt, nếu có người tìm lửa dùng dùi lửa khô dùi vào gỗ mục ẩm ướt này để lấy lửa thì không lấy được lửa. Cũng vậy, Sa môn hay Bà-la-môn tuy thân lìa dục nhưng tâm vẫn đắm mê Ái dục, dính mặc Ái dục, ở trong dục, ưa thích dục và làm bạn với dục thì dù người này làm khổ thân, chịu cực khổ, khổ khổ, bất lạc khổ, chịu đủ các khổ như thế; thọ dủ các cảm thọ như thế nhưng đó đều không phải là chánh trí, không phải là chánh kiến, không thể đạt được chánh đạo vô thượng.

Sau khi hiểu được ví dụ này, Bồ-tát thầm nghĩ: “mỗi ngày ta nên ăn một hạt mè”, cho đến ăn một hạt gạo, một hạt bắp, một hạt đậu; Bồ-tát vẫn bị đói bức bách, thân vẫn gầy ốm khô đét. Lúc đó vua Tịnhphạn nghe biết Bồ-tát tu khổ hạnh như thế nên ưu sầu than khóc, các cung nhơn thể nữ đều cởi bỏ đồ trang sức, trải cỏ ngồi và cũng ăn mỗi ngày một hạt mè… như thế. Da-du-đà-la do ăn ít nên thai nhi trong bụng dần dần bị tổn hại, vua Tịnh-phạn sợ ảnh hưởng đến thai nhi nên bảo các cung nhơn không cho Da-du-đà-la biết tin tức của Bồ-tát và phương tiện nói là Bồ-tát đã ăn uống trở lại. Lúc đó Bồ-tát thầm nghĩ: “pháp tu khổ hạnh này không phải là chánh trí, không phải là chánh kiến, không thể đạt đạo vô thượng”, nghĩ rồi liền chuyển qua ăn phân củatrâu nghé mới sanh chưa ăn cỏ; sau đó đến trong rừng thây chết, nằm gối đầu trên xác chết và các xương khô, nghiêng hông bên phải chồng gót chân, tâm nghĩ về tướng quang minh. Đi đứng nằm ngồi đều hệ niệm như vậy chưa từng tạm bỏ; lúc Bồ-tát đang ngồi có các nam nữ thôn quê thấy Bồ-tát nhập định yên lặng, liền lấy cọng cỏ xỏ vào lỗ tai của Bồ-tát từ trái qua phải để đùa giỡn và gọi Bồ-tát là con quỷ bụi đất, thậm chí còn lấy đất đá ném vào người Bồ-tát nhưng Bồ-tát vẫn không khởi tâm sân giận, cũng không nói lời thô ác. Bồ-tát có thể chịu được những điều khó nhẫn như thế, nhờ tinh tấn không gián đoạn nên thân được khinh an, tâm được chánh niệm, ý không nghi hoặc ; do chuyên tâm nới định nên Bồ-tát trụ vào Tam-ma-địa. Bồ-tát lại suy nghĩ: “nếu có người nào muốn dứt khổ, siêng tu các hạnh thì không có ai hơn được ta ; nhưng đó không phải là chánh đạo, không phải là chánh trí, không phải là chánh kiến, không đạt được đạo vô thượng. Thế nào là chánh đạo, chánh trí, chánh kiến, có thể đạt được đạo vô thượng?”. Lúc đó Bồ-tát tự nhớ lại hồi còn ở vương cung lúc đi xem tịch điền, Bồ-tát đã ngồi duới gốc cây Thiệm bộ thiền định; do Bồ-tát xả các pháp ác bất thiện trong Tầm tư nên tâm được tịch tĩnh an lạc và nhập Sơ thiền. Đây mới chính là hạnh tu hướng tới quả Dự lưu, là chánh trí, chánh kiến, chánh đẳng giác. Bồ-tát lại nghĩ: “nay ta không thể tu thành tựu hạnh này vì ta quá gầy yếu, không còn sức lực; ta phải điều hơi thở và ăn uống trở lại các loại thức ăn như cơm, cháo, tô, sữa, lạc… và tắm rửa cho sạch sẽ rồi lấy dầu thoa thân”, nghĩ rồi liền điều hơi thở và ăn uống trở lại… Lúc đó năm thị giả theo hầu hạ Bồ-tát thấy rồi liền nói với nhau: “Sa môn Kiều-đáp-ma bỏ tu khổ hạnh, ăn uống trở lại… chắc là không thể chứng được đạo quả gì”, họ cùng nhau lìa bỏ Bồ-tát để đi đến vườn Thi lộc, chỗ Tiên nhơn đọa xứ thuộc thành Bà-la-nê-tư và nguyện rằng: “nếu thế gian có bậc A-la-hán, chúng tôi sẽ theo vị ấy xuất gia”. Do cùng ở chung tu hành nên được gọi là chúng năm người.

Lúc đó Bồ-tát nhờ ăn uống trở lại nên sức khỏe được hồi phục, liền đi đến tụ lạc Tây na duyên. Chủ của tụ lạc này tên là Quân tướng, ông có hai cô con gái tên là Hoan hỉ và Hoan hỉ lực. Hai cô gái này nghe tin Thái tử con vua Tịnh-phạn ở thành Kiếp-tỷ-la thuộc chủng tộc Thích ca, bên sông Căng già, dưới chân núi Tuyết, khi đản sanh có Tướng sư xem tướng nói rằng nếu Thái tử nối ngôi vua sẽ là Chuyển luân Thánh vương. Hai cô liền giữ trinh tiết suốt trong mười hai năm để mong được làm vợ của Chuyển luân Thánh vương, đủ mười hai năm họ muốn nấu loại cháo sữa được chuyển qua mười sáu lần để dâng cúng cho tiên nhơn khổ hạnh cầu mong nguyện ước của mình được thành tựu. SữAtrải qua mười sáu lần chuyển là:

1. Đem sữa của ngàn con bò cho ngàn con bò uống.

2. Đem sữa của ngàn con bò đó cho năm trăm con bò uống.

3. Đem sữa của năm trăm con bò đó cho năm trăm con bò uống.

4. Đem sữa của năm trăm con bò đó cho hai trăm năm mươi con bò uống.

5. Đem sữa của hai trăm năm mươi con bò đó cho hai trăm năm mươi con bò uống.

6. Đem sữa của hai trăm năm mươi con bò đó cho một trăm hai mươi lăm con bò uống.

7. Đem sữa của một trăm hai mươi lăm con bò đó cho sáu mươi bốn con bò uống.

8. Đem sữa của sáu mươi bốn con bò đó cho sáu mươi bốn con bò uống.

9. Đem sữa của sáu mươi bốn con bò đó cho ba mươi hai con bò uống.

10. Đem sữa của ba mươi hai con bò đó cho ba mươi hai con bò uống.

11. Đem sữa của ba mươi hai con bò đó cho mười sáu con bò uống.

12. Đem sữa của mười sáu con bò đó cho mười sáu con bò uống.

13. Đem sữa của mười sáu con bò đó cho tám con bò uống.

14. Đem sữa của tám con bò đó cho tám con bò uống.

15. Đem sữa của tám con bò đó cho bốn con bò uống.
16. Đem sữa của bốn con bò đó cho bốn con bò uống.

Cuối cùng lấy sữa của bốn con bò này đem nấu thành cháo sữa; lúc cháo đang được nấu, chư thiên cõi trời Tịnh cư quán thấy sau khi ăn cháo này xong, Bồ-tát sẽ thành đạo Bồ-đề, muốn giúp Bồ-tát thêm sức lực nên họ bỏ vào trong nồi cháo này một loại thuốc tiên và canh chừng nồi cháo, khi cháo chín liền hiện tướng luân báu. Lúc đó có một ngoại đạo tên Cận hành thấy nồi cháo có tướng luân báu liền suy nghĩ: “người nào ăn cháo này nhất định sẽ chứng được trí huệ vô thượng”, nghĩ rồi liền đến xin cháo để ăn nhưng hai cô gái nhất định không cho, ngoại đạo đành phải bỏ đi. Hai cô gái múc cháo để vào trong bát báu, thấy vua trời Đế thích hiện ra trước mặt, hai cô gái liền dâng bát cháo sữa cho Đế thích, Đế thích nói: “hãy dâng cho bậc thù thắng hơn ta”, liền hỏi: “ai là bậc thù thắng hơn Ngài?”, đáp là vua trời Phạm thiên; hai cô gái liền dâng bát cháo sữa cho vua trời Phạm thiên, Phạm thiên nói: “hãy dâng cho bậc thù thắng hơn ta”, liền hỏi: “ai là bậc thù thắng hơn Ngài?”, đáp là vua trời Tịnh cư; hai cô gái liền dâng bát cháo sữa cho vua trời Tịnh cư , Tịnh cư nói: “hãy dâng cho bậc thù thắng hơn ta”, liền hỏi: “ai là bậc thù thắng hơn Ngài?”, đáp: “Bồ-tát đang tắm trong sông Ni-liên-thiền, vị ấy thù thắng hơn ta, hai cô nên dâng cúng cho vị ấy”. Lúc đó Bồ-tát tắm xong nhưng vì sức yếu nên không thể lên bờ được, bên bờ sông có nữ thần cây thấy vậy liền duỗi mình ra giơ tay định vớt Bồ-tát lên, Bồ-tát hỏi: “thần cây mang thân gì?”, đáp là thân nữ, Bồtát liền nói: “tôi không thể xúc chạm thân nữ, cô hãy rũ một nhánh cây xuống để tôi níu lấy mà lên bờ”, thần cây liền rũ một nhánh cây xuống, Bồ-tát níu nhánh cây lên bờ, lấy y đắp rồi ngồi dưới gốc cây trên bờ. Lúc đó hai cô gái mang bát cháo sữa đến dâng cúng cho Bồ-tát, vì lợi ích cho mình và người nên Bồ-tát thọ bát cháo sữa này. Bồ-tát ăn cháo xong rồi bỏ cái bát xuống sông Ni-liên-thiền, Long vương liền đem bát này để trong Long cung, vua trời Đế thích thấy liền hoa thành chim Diệu súy bay vào Long cung đe dọa Long vương để đoạt lại cái bát, mang về cõi trời Tam thập tam xây tháp để cúng dường. Lúc đó hai cô gái cúng cháo sữa xong liền ước nguyện: “Thánh giả, chúng con nghe tin Thái tử con vua Tịnh-phạn ở thành Kiếp-tỷ-la thuộc chủng tộc Thích ca, khi đản sanh có Tướng sư xem tướng nói rằng nếu Thái tử nối ngôi vua sẽ là Chuyển luân Thánh vương. Chúng con nguyện xin nhờ công đức cúng dường này để được làm vợ vị ấy”, Bồ-tát nói: “vị ấy không ưa thích dục lạc thế gian nên đã xuất gia”, hai cô gái nói: “nếu vị ấy đã xuất gia thì chúng con xin đem công đức cúng dường này nguyện cho vị ấy được thành tựu sở nguyện”, liền nói kệ:

“Thái tử tên Tất đạt,
Bậc tối thắng trên đời,
Tùy có sở nguyện gì,
Thảy đều được thành tựu”.

Bồ-tát nghe rồi liền nói: “hai cô sẽ được như nguyện”, hai cô gái đảnh lễ rồi đi. Lúc đó Bồ-tát nhờ ăn cháo sữa này, khí lực được sung mãn, sáu căn đầy đặn liền du hành quanh bờ sông để tìm một nơi thanh tịnh dừng ở. Bồ-tát thấy núi Cô thạch có đủ loại hoa cỏ xanh tươi liền đến trên một tảng đá bằng phẳng ngồi kiết già, không ngờ tảng đá liền nứt vỡ ra. Bồ-tát liền đứng dậy suy nghĩ: “có phải là do nghiệp ác của ta chưa dứt nên tảng đá này bị nứt vỡ ra như thế”, chư thiên biết tâm niệm của Bồ-tát nên từ trong hư không cất tiếng nói: “Bồ-tát vốn không có nghiệp ác, thường pháp của Bồ-tát khi sắp thành đạo là công đức thiện căn sung mãn thân tâm, sức của đất nơi đây không chở nổi nên tự nhiên nứt vỡ ra, vì nơi đây không phải là nơi Bồ-tát thành đạo quả. Sức của đất nơi đây không thể chở nổi hai hạng người, đó là người cực thiện và người cực ác ; Bồ-tát hãy qua núi Kim cang ở phía Đông của sông Niliên-thiền, ba đời chư Phật đều đã, đang và sẽ được trí huệ tối thắng tại nơi đó”. Bồ-tát nghe rồi liền đi qua núi Kim cang, lúc đó dưới mỗi bước chân đi của Bồ-tát đều có hoa sen mọc lên đỡ chân, đại địa chấn động. Lúc đó chim Già sa và nai Thiện thụy đến nhiễu quanh Bồ-tát, thần gió thổi Gió trong mát đến để thổi sạch hết bụi đất trên người Bồ-tát, thần Mưa mưa xuống để ngăn lốc bụi ; Bồ-tát thấy các tướng này rồi liền thầm nghĩ: “các tướng này hiện, nhất định hôm nay ta sẽ thành Chánh giác”.

Lúc đó Long vương sống ở dưới sông Ni-liên-thiền tên là Già lăng già, do nghiệp đời trước nên hai mắt đều mù ; nếu Phật ra đời thì mắt nó được sáng, khi Phật nhập diệt thì mắt nó mù trở lại. Long vương nghe đất chấn động liền nghi là Phật ra đời nên từ trong Long cung hiện lên, thấy Bồ-tát có đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm thân, ánh sáng bao quanh trên đảnh rộng một tầm sáng rỡ như trăm ngàn mặt trời, khiến cho cảnh vật chung quanh trở nên rực rỡ, Long vương liền nói kệ khen ngợi:

“Từng thấy các Bồ-tát,
Thành Phật đủ oai đức,
Xưa thấy với nay thấy,
Cả hai không sai khác.
Tôi thấy tướng chân đi,
Và thấy tướng hai bên,
Đáng thọ thế gian cúng,
Sẽ thành Phật không nghi.
Lại thấy mặc pháp y,
Vào trong sông Ni liên,
Nước sông liền trong sạch,
Sẽ thành Phật không nghi.
Bước đi như Ngưu vương,
Vững chắc và dõng mãnh,
Và như vua loài người,
Sẽ thành Phật không nghi.
Trên có chim Già sa,
Dưới có nai Tường thụy,
Thân tướng rất đoan chánh,
Sẽ thành Phật không nghi.
Gió lành thổi mát rượi,
Trên không mưa nhẹ rơi,
Chim hót, cây rũ sành,
Sẽ thành Phật không nghi.
Tướng quang minh thanh tịnh,
Giống như vàng Diêm phù,
Mặt tròn như vầng trăng,
Sẽ thành Phật không nghi.

Ca ngợi Bồ-tát xong, Long vương liền trở về Long cung; Bồ-tát nghe rồi liền đến chỗ đất kim cang và khởi nghĩ cần cỏ. Vua trời Đế thích biết tâm niệm của Bồ-tát liền đến Hương sơn lấy loại cỏ Kiết tường mềm rồi hóa thành một người làm thuê, ôm cỏ này đến gần chỗ Bồ-tát, Bồ-tát thấy cỏ liền theo xin, Đế thích dâng cỏ cho Bồ-tát, Bồ-tát đem cỏ trải dưới gốc cây Bồ-đề, cỏ tự nhiên xoay về phía hữu; Bồ-tát thấy rồi liền suy nghĩ: “hôm nay ta sẽ được giác ngộ không nghi”. Bồtát ngồi kiết già trên tòa kim cang đoan nghiêm thù thắng như vua rồng, nhiếp tâm nhập định, miệng nói: “ta nay ở nơi đây, nếu không dứt hết các lậu hoặc thì ta sẽ không đứng dậy rời khỏi tòa này”. Thường pháp của Ma vương có hai loại phướn buồn và vui, lúc đó phướn buồn bỗng nhiên lay động, Ma vương suy nghĩ: “hôm nay phướn buồn bỗng lay động, ắt là có việc gì tổn hại”, nghĩ rồi liền quán thấy Bồ-tát đang ngồi trên tòa kim cang dưới cội Bồ-đề. Ma vương suy nghĩ: “dù vị ấy chưa xâm phạm cảnh giới Ma của ta, ta cũng phải gây chướng ngại cho ông ta”, nghĩ rồi Ma vương liền giương mi trợn mắt, mặc y Xá na hóa làm sứ giả chạy hớt hãi tới trước Bồ-tát nói rằng: “vì sao Ngài lại ngồi yên nơi đây, thành Kiếp-tỷ-la đã bị Đề-bà-đạt-đa chiếm lây, cung nhơn thể nữ đều bị ô nhục, dòng họ Thích bị giết hại”, Bồ-tát vừa nghe liền khởi lên ba loại Tầm tư tội lỗi bất thiện, đó là Ái dục, giết hại và hủy tổn. Đối với Da-du-đà-la, Kiều tỷ ca và Di ca già thì khởi Tầm tư Ái dục; đối với Đề-bà-đạt-đa thì khởi Tầm tư giết hại; đối với những người tùy thuận Đề-bà-đạt-đa thì khởi Tầm tư làm hủy tổn. Vừa khởi ba loại Tầm tư này, Bồ-tát liền giác sát phản tỉnh, biết là Ma đến xúc não mình, muốn hco mình tán loạn; Bồ-tát liền khởi ba loại Tầm tư thiện, đó là xuất ly, không giết hại và không hủy tổn. Ma vương hỏi: “vì sao Ngài lại ngồi dưới cội Bồ-đề?”, đáp là để chứng chánh trí vô thượng, lại hỏi: “làm thế nào được chứng Chánh trí vô thượng?”, đáp: “này kẻ tội lỗi, ngươi nhờ cúng tế một lần mà ở trong cõi Dục này thành tựu tự tại, huống chi ta ở trong vô số kiếp đã làm vô lượng trăm ngàn muôn ức hội cúng tế. Vì làm lợi ích cho các hữu tình, ta đã xả bỏ đầu mắt tay chân máu thịt, vợ con, vàng bạc châu báu… để cầu chứng Chánh trí vô thượng. Do nghĩa này làm sao ta lại không được Chánh trí vô thượng, hôm nay ta quyết định chứng được Chánh trí vô thượng”. Ma vương nghe rồi liền nói: “tôi nhờ một lần cúng tế nên được làm vua cõi Dục tự tại thì ông đã chứng biết ; nhưng trong vô số kiếp ông đã làm vô lượng trăm ngàn muôn ức hội cúng tế. Vì làm lợi ích cho các hữu tình, ông đã xả bỏ đầu mắt tay chân máu thịt, vợ con, vàng bạc châu báu… để cầu chứng Chánh trí vô thượng thì ai chứng biết?”, Bồ-tát đưa bàn tay có tướng Thiên bức luân có vô lượng phước dức có thể an úy chúng sanh sợ hãi, chỉ xuống đất nói: “đất này sẽ làm chứng cho ta, trong vô số kiếp ta đã làm vô lượng trăm ngàn muôn ức hội cúng tế. Vì làm lợi ích cho các hữu tình, ta đã xả bỏ đầu mắt tay chân máu thịt, vợ con, vàng bạc châu báu… để cầu chứng Chánh trí vô thượng là thật không hư dối”. Lúc đó thần đất từ dưới đất vọt lên nói: “này kẻ tội lỗi, đúng như lời Bồ-tát đã nói là chân thật không hư dối”, Ma vương nghe rồi ôm lòng hổ thẹn đứng yên, nhan sắc tiều tụy mất hết oai lực, ưu sầu suy nghĩ: “ta làm phương tiện này không thể khiến cho con của vua Tịnh-phạn có chút tổn hại, ta nên làm phương tiện khác gây chướng ngại cho ông ta”, nghĩ rồi liền bỏ đi. Ma vương có ba cô con gái xinh đẹp theo thứ lớp tên là Tham, Dục và Ái; ba cô dùng các loại thiên y trang nghiêm thân rồi đi đến chỗ Bồ-tát theo lịnh của Ma vương, ở trước Bồ-tát dùng đủ lời siểm khúc muốn làm não loạn Bồ-tát, Bồ-tát thấy rồi liền hóa ba cô thành ba bà già, ba cô liền bỏ đi. Lúc đó Ma vương ưu sầu ngồi chống cằm suy nghĩ nên tìm phương tiện gì để gây não hại cho Bồ-tát; nghĩ rồi liền sai ba mươi sáu ức binh ma có đủ loại đầu như đầu voi, đầu ngựa, đầu lừa, đầu lạc đà, đầu nai, đầu heo, đầu chó… hoặc cầm cung tên, hoặc cầm đao, búa, rìu… đủ loại khí giới đi đến chỗ Bồ-tát và Ma vương tự cầm cung tên định bắn Bồtát. Bồ-tát thấy rồi liền suy nghĩ: “tất cả việc đấu tranh đều nên tìm bạn giúp, ta chiến đấu với vua cõi Dục há lại không tìm bạn giúp hay sao”, nghĩ rồi liền tìm phương tiện trừ bỏ các chướng ngại này. Lúc đó các binh ma đồng loạt cầm binh khí bén nhọn đâm Bồ-tát, Bồ-tát liền nhập định Đại từ bi khiến cho binh ma đều biến thành hoa sen đủ màu sắc như xanh, vàng đỏ trắng rơi rụng xuống ở phía trước sau và hai bên Bồ-tát. Ma vương ở trên không trung mưa xuống các loại bụi đất, Bồ-tát khiến cho bụi đất này biến thành hương bột Chiên đàn, Trầm thủy và hoa rơi lên mình Bồ-tát. Ma vương lại phóng ra ong độc và mưa đá kim cang, chư thiên cõi trời Tịnh cư hóa ra nhà lá che cho Bồ-tát nên ong độc và mưa đá không làm hại được. Ma vương thấy rồi liền suy nghĩ: “ta có thể bao vây làm não loạn trong bao lâu, tất cả tiếng động có thể phá Tam-ma-địa. Ta nên biến lá cây Bồ-đề thành pha lê rồi kích động cho ra tiếng, Bồ-tát nghe tiếng này sẽ không thể định tâm”, nghĩ rồi liền làm theo như ý đã nghĩ. Lúc đó lá cây Bồ-đề bị kích động liền phát ra tiếng khiến Bồ-tát không thể chuyên định, vua cõi trời Tịnh cư thấy rồi liền muốn trợ giúp Bồ-tát nên bảo chư thiên đến giữ là cây Bồ-đề không cho bị kích động ra tiếng. Vua cõi trời Tịnh cư thấy quân ma chưa chịu bỏ đi liền dùng thần lực ném chúng lên núi Thiết vi.

Lúc đó Bồ-tát ngồi dưới cội Bồ-đề, ở trong pháp Diệu giác phần tu tập hành trì không gián đoạn, vào phần đầu đêm Thần cảnh trí hiện chứng thông thành tựu, nghĩa là trong một biến thành vô lượng, trong vô lượng biến thành một; hoặc ẩn hoặc hiện, tường vách và núi không làm ngăn ngại cũng như hư không; vào trong đất như bơi trong nước, tướng đất vẫn như cũ; ngồi kiết già trong hư không như ngồi trên mặt đất; bay trên không trung như chim bay; mặt trời mặt trăng có đại oai lực mà có thể chạm đến; tự tại qua lại đến cõi Phạm thiên… Ma vương lại nghĩ: “âm thanh có thể làm chướng ngại thiền định, ta nên gây ra tiếng”, nghĩ rồi liền cùng ba vạn sáu ngàn ức ma quỷ thần đứng ở xa rống thật to. Bồ-tát liền hóa ra một khu rừng Ca đàm bà rộng mười hai do tuần để tai không còn nghe lọt những tiếng rống đó. Bồ-tát lại nghĩ: “ta nên tu Thiên nhĩ trí chứng thông để nghe được tiếng của trời người”, nhờ thiên nhĩ thanh tịnh này nên Bồ-tát nghe được tiếng của người và phi nhơn du gần hay xa. Bồ-tát lại nghĩ: “trong ba vạn sáu ngàn ức quyến thuộc của Ma vương, ai sanh tâm ác với ta thì làm sao ta biết được. Ta nên tu Tha tâm trí chứng thông”, liền trong đêm ấy, Bồ-tát chứng được Tha tâm trí. Tất cả Tầm tư, tâm và tâm sở, tâm dục và không dục, tâm sân và không sân, tâm si và không si, tâm rộng và hẹp, dứt tâm và nhiếp tâm, tâm kiêu mạn và không kiêu mạn, tâm tịch tĩnh và không tịch tĩnh, tâm định và không định, tâm tán loạn và không tán loạn… Bồ-tát đều biết rõ như thật. Bồ-tát lại nghĩ: “trong số quân ma này từ vô thỉ đến nay, ai từng là cha, là mẹ, là kẻ thù, là bạn hữu thì làm sao ta biết được. Ta nên tu Túc mạng trí chứng thông”, vào nửa đêm Bồ-tát chuyên tâm nhiếp niệm và chứng được Túc mạng trí. Tất cả việc của một đời hoặc hai đời, ba đời … trăm đời, ngàn đời cho đến vô lượng trăm ngàn đời; hoặc số đời trong một kiếp, hai kiếp… số đời trong kiếp thành hoặc số đời trong kiếp hoại cho đến số đời trong vô số kiếp, Bồ-tát đều hiểu rõ. Cho đến tên tuổi, nơi sanh, dòng họ, chủng tộc, giàu nghèo, khổ vui… các việc Bồ-tát đều hiểu rõ. Cho đến tuổi thọ ngắn hay dài, trụ thế bao lâu, chết ở nơi kia sanh đến nơi này… Bồ-tát thảy đều biết rõ. Bồ-tát lại nghĩ: “trong số quân ma này, ai sẽ đọa trong đường ác, ai được sanh vào đường lành thì làm sao ta biết được. Ta nên tu Sanh diệt trí chứng thông để được Thiên nhãn thanh tịnh”, Với thiên nhãn thanh tịnh này, Bồ-tát thấy các hữu tình hoặc sống hoặc chết, đẹp xấu, giàu nghèo, làm nghiệp thiện hay làm nghiệp ác… Bồ-tát đều thấy rõ. Những chúng sanh làm nghiệp ác nơi thân khẩu ý như phỉ báng Thánh hiền, chấp chặt tà kiến, tạo nghiệp tà kiến; do làm nghiệp này nên sau khi chết bị đọa trong ba đường ác. Những chúng sanh làm nghiệp thiện nơi ba nghiệp thân khẩu ý như cung kính Thánh hiền, thực hành chánh kiến; do làm nghiệp này nên sau khi mạng chung được sanh vào đường lành. Bồ-tát lại nghĩ: “tất cả các hữu tình luân chuyển trong biển khổ đều do Dục lậu, Hữu lậu và Vô minh lậu thì làm sao được thoát. Ta nên tu Vô lậu trí chứng thông”, vào giữa đêm do tương ưng tu tập thuần thục, chuyên tâm nơi pháp Giác phần, Bồ-tát liền chứng được Vô lậu trí thông; như thật biết rõ Khổ đế, Tập đế, Đạo đế và Diệt đế nên tâm giải thoát khỏi Dục lậu, Hữu lậu và Vô minh lậu. Do tâm giải thoát nên chứng được Lậu tận trí, hiểu rõ “ sanh tử đã tận, phạm hạnh đã lập, việc nên làm đã làm đã xong, không thọ thân sau”, liền chứng Bồ-đề gọi là thấy Giác phần Bồ-đề. Sau khi làm xong việc cần nên làm, Bồ-tát nhập Hỏa giới Tam-ma-địa, dùng vũ khí từ bi để hàng phục ba vạn sáu ngàn ức quân ma, chứng Vô thượng trí. Lúc đó Ma vương, cung tên rời khỏi tay, phướn rơi xuống đất, cung ma chấn động; Ma vương cùng các quyến thuộc ưu sầu hối hận bỏ đi đến trong thành Kiếp-tỷ-la thông báo rằng: “Bồ-tát Thích ca Mâu ni nơi tòa kim cang tu khổ hạnh, nay đã xả thân mạng rồi”. Nghe lời này rồi, vua Tịnh-phạn và các cung nhơn, quần thần và các quyến thuộc của Bồtát hết sức sầu não như bị lửa đốt thân tâm; ba phu nhân và mọi người trong thành đều ngất ngã xuống đất, phải dùng nước rưới lên mặt hồi lâu mới tỉnh, tỉnh rồi họ lại nghẹn ngào rơi lệ không thôi. Lúc đó trời tịnh tín biết Bồ-tát đã thành tựu diệu trí, tâm sanh hoan hỉ lại biết Ma vương lừa dối nên thông báo rằng: “Bồ-tát Thích ca Mâu ni không chết, hiện nay đã chứng được Vô thượng trí”, nghe lời này mọi người hết sức vui mừng. Da-du-đà-la do vui mừng nên hạ sanh một trai, phu nhân của vua Hộc-phạn cũng hạ sanh một trai, lúc đó bỗng có hiện tượng Nguyệt thực. Vua Tịnh-phạn thấy có các hỉ sự này hết sức vui mừng, ra lịnh dân trong thành quét dọn sạch sẽ trong thành, dùng nước thơm Chiên đàn rươi lên mặt đất, đốt hương thơm ở các ngã tư đường, khắp nơi trong thành đều treo cờ phướn, ở bốn cửa thành đều lập đàn bố thí. Tại hội thí ở cửa thành Đông, tất cả Sa môn, Bà-la-môn, các ngoại đạo phạm chí, người nghèo hèn, cô độc… đến xin đều được cung cấp đầy đủ ; hội thí ở cửa thành Tây, Nam và Bắc cũng đều như vậy. Lúc đó vua tập họp quần thần để đặt tên cho con trai của Da-du-đà-la, một thị nữ tâu vua: “lúc đứa bé chào đời thì mặt trăng bị La hỗ che (nguyệt thực)”, nên vua cho đặt tên là La-hầu-la. Vua Hộc-phạn cũng họp các quyến thuộc để đặt tên cho con, quyến thuộc nói: “ngày đứa bé chào đời, tất cả dân tong thành Kiếp-tỷ-la đều vui mừng”, nên vua cho đặt tên Khánh hỷ (A-nan-đà). Lúc đó vua Tịnh-phạn nhìn kỹ La-hầu-la rồi nói: “đứa bé này không phải là con thân sanh của con ta là Thích ca Mâu ni”, Da-duđà-la nghe lời này rồi trong lòng sợ hãi, liền bồng La-hầu-la đến bên ao tắm của Bồ-tát, bên ao có một tảng đá; Da-du-đà-la đặt La-hầu-la trên tảng đá rồi chắp tay thệ rằng: “nếu đứa bé này thật là con của Bồ-tát thì khi bỏ xuống ao, nó sẽ không chìm; nếu không phải là con của Bồtát thì nó liền chìm”, thệ rồi liền bỏ tảng đá có La-hầu-la ngồi ở trên xuống ao, tảng đá vẫn nổi không chìm, trôi qua lại trên mặt nước như cục bông. Vua nghe tin này liền cùng quần thần đến bên ao xem, thấy việc này rồi vua hết sức vui mừng vào trong ao bồng La-hầu-la về cung, lúc đó tảng đá chìm xuống ao, từ đó trở đi vua thương yêu chăm sóc cho La-hầu-la gấp bội.

Khi Bồ-tát chứng được Vô thượng trí đã dùng khí giới Từ bi để hàng phục Ma quân, đại địa liền chấn động và khắp thế giới đều được chiếu soi, cho đến nhưng nơi mà ánh sáng mặt trời mặt trăng không chiếu tới, cũng đều được chiếu soi đến khiến cho các hữu tình ở những nơi này đều được thấy nhau và nói rằng: “không phải chỉ có một mình ta mà còn có nhiều chúng sanh khác nữa”. Nhiếp tụng:

“Bốn loại xúc trì,
Phụ tử hòa hợp,
Thích ca xuất gia,
Thần giữ ao lễ”.

Lúc đó ở cõi trời Phạm có hai thiên tử quán thấy Thế tôn ngồi dưới cội cây Bồ-đề, vừa thành chánh giác và đã nhập Hỏa giới Tamma-địa bảy ngày, liền nói với nhau: “Thế tôn vẫn còn đang nhập định, chúng ta nên đem hoa hương đến cúng dường và mỗi người nói kệ thỉnh Phật xuất định thuyết pháp độ sanh”, nói rồi liền như lực sĩ co duỗi cánh tay hiện ra trước Thế tôn đảnh lễ, một vị nói kệ thỉnh:

“Hãy dậy đấng Đại bi,
Oán giặc đã lui tan,
Đại thương chủ vô tội,
Nên du hành thế gian,
Nói thắng pháp độ người,
Rộng thí nghĩa chân thật,
Vô lượng các chúng sanh,
Nghe pháp sẽ thọ trì”.

Vị thứ hai cũng nói kệ thỉnh:

“Hãy dậy đấng Đại bi,
Oán giặc đã lui tan,
Các cấu uế trừ sạch,
Nên du hành thế gian,
Thân tâm đã thanh tịnh,
Như mặt trăng tròn sáng,
Vô lượng các chúng sanh,
Nghe pháp sẽ thọ trì”.

Nói kệ xong, hai thiên tử này đảnh lễ Phật rồi đi, Thế tôn xuất định rồi nói kệ:

“Sự an lạc cõi Dục,
Sự an lạc cõi Sắc,
Phiền não tham dục dứt,
An lạc này tối thắng.
Ta nay bỏ gánh nặng,
Xa lìa các gánh nặng,
Gánh nặng chịu nhiều khổ,
Buông gánh được an lạc.
Tất cả dục đã xả,
Tất cả hạnh đã thành,
Tất cả pháp đã biết,
Người này không tái sanh”.

Trong bảy ngày nhập định, Thế tôn đã đoạn hết phiền não, thọ giải thoát lạc, không có người cúng dường, không ăn không uống nhưng không có tưởng đói khát. Lúc đó có hai thương buôn tên là Hoàng cô và Thôn lạc, mỗi người đều có trăm cỗ xe hàng với nhiều người giúp việc đang trên đường đi buôn bán sắp tới gần chỗ Phật. Cả hai có một người bạn trước đó đã chết và được sanh thiên, vị thiên tử này nhớ lại thân trước của mình là thương buôn, liền suy nghĩ: “sau bảy ngày nhập định, Thế tôn đã đoạn hết phiền não, thọ giải thoát lạc, không có người cúng dường, không ăn không uống. Ta nên khiến cho hai người bạn thương buôn làm người cúng dường Phật trước tiên, để trong nhiều đời được đại phước đức, nay đã đúng lúc khuyên họ làm việc này”, nghĩ rồi vào giữa đêm thiên tử này phóng ánh sang chiếu soi cả mấy trăm cỗ xe hàng, hiện nửa thân hình trên hư không rồi bảo hai thương buôn rằng: “hai vị nên biết, Thế tôn Thích ca Mâu ni vừa thành chánh giác dưới cội Bồ-đề bên bờ sông Ni-liên-thiền. Sau bảy ngày nhập định, Thế tôn đã đoạn hết phiền não, thọ giải thoát lạc, không có người cúng dường, không ăn không uống. Hai vị nên mau đến cúng dường, làm người cúng dường trước tiên để được đại phước đức”, nói xong liền ẩn mất. Hai thương buôn này nghe rồi liền nói với nhau: “oai đức của Thế tôn quả thật kỳ diệu nên mới khiến cho thiên tử hiện đến bảo chúng ta cúng dường”, đối với Phật tâm liền sanh kính mộ nên cùng đến chỗ Thế tôn, đảnh lễ rồi dâng các thức ăn uống như sữa, lạc, nước trái cây, lương khô, mật… bạch Phật: “cúi xin Thế tôn thương xót thọ chúng con cúng dường”. Lúc đó Thế tôn suy nghĩ: “ta không thể giống như ngoại đạo dùng tay thọ thức ăn”, liền quán chư Phật quá khứ thọ thức ăn như thế nào để làm lợi ích cho chúng sanh. Trời thanh tịnh trên hư không nói: “các Phật trong quá khứ đều thọ thức ăn bằng bát để làm lợi ích cho chúng sanh”, Thế tôn cũng quán biết như vậy, vì không có bát để thọ nên Thế tôn ước nguyện: “nếu có được bát, ta sẽ thọ thức ăn”. Lúc đó trời Tứ thiên vương biết tâm niệm của Thế tôn nên mỗi người mang một cái bát bằng đá đến dâng cho Phật, bát đá này thanh tịnh, nhẹ và tròn láng với hình sắc tươi đẹp, không phải do người làm ra được. Bốn Thiên vương này đến chỗ Phật đảnh lễ rồi bạch Phật: “chúng con mang bát đá này đến, cúi xin Thế tôn thương xót nạp thọ”, Thế tôn suy nghĩ: “bốn Thiên vường cùng mang bát đến, nếu ta chỉ thọ của một người thì bốn người kia sẽ oán trách. Ta nay nên thọ cả bốn bát rồi dùng thần lực họp thành một bát, như vậy cả bốn Thiên vương đều thỏa nguyện”, nghĩ rồi liền thọ cả bốn bát rồi dùng thần lực họp thành một bát, sau đó cầm bát thọ hai thương buôn cúng dường; thọ cúng dường xong liền nói kệ chú nguyện:

“Ai làm việc bố thí,
Ắt sẽ được nghĩa lợi.
Ai ưa thích bố thí,
Sau sẽ được an lạc.
Phước chiêu lấy quả vui,
Ước nguyện đều thành tựu,
Mau đến chỗ viên tịch,
Chứng được Niết-bàn lạc.
Người siêng tu phước đức,
Thì tất cả tai họa,
Cho đến chúng Thiên ma,
Đều không não hại được.
Ai phát tâm dõng mãnh,
Bố thí với Thánh tuệ,
Sẽ qua khỏi biển khổ,
Chứng được quả Vô vi”.

Bốn Thiên vuơng và hai thương buôn nghe kệ này rồi đều rất vui mừng, đảnh lễ Phật rồi đi. Phật như pháp thọ thực xong, mang bát đến trong sông Ni-liên-thiền rửa sạch, cất bát rồi rửa chân. Do ăn các loại thức ăn có tánh chất lạnh nên không bao lâu sau Thế tôn nhiễm lạnh, Ma vương liền đến chỗ Phật nói: “Thế tôn, giờ nhập Niết-bàn đã đến, Ngài cần gì trụ lâu nơi đời, hãy sớm nhập Niết-bàn”, Phật biết Ma vương muốn não loạn nên nói: “này Ma vương tội lỗi, ta chưa thể nhập Niết-bàn, vì sao, vì ta chưa có đệ tử Thanh văn thông minh trí huệ có thể như pháp đáp lời người hỏi, có thể phá các luận thuyết của ngoại đạo và kiến lập chánh pháp. Ta cũng chưa có đủ bốn chúng Bí-sô, Bí-sô ni, Ôba-sách-ca, Ô-ba-tư-ca ở trên trời và dưới nhân gian khắp mười phương thọ pháp của ta để tu phạm hạnh. Nếu chưa được như vậy thì ta chưa thể nhập Niết-bàn”, Ma vương nghe rồi liền ưu sầu biến mất. Lúc đó Thíchđề-hoàn-nhơn quán thấy Thế tôn bị nhiễm lạnh nên di đến cây Thiệm bộ, cách đó không xa có rừng Ha lê lặc, Đế thích vào trong rừng này hái quả Ha lê lặc mang về cho Thế tôn, bạch rằng: “Thế tôn, quả Ha lê lặc này có thể trừ được bịnh lạnh, cúi xin Thế tôn thọ loại thuốc này”, Thế tôn thọ dụng và được khỏi bịnh. Sau khi khỏi bịnh, Thế tôn đi đến bờ ao của Long vương Mân chi lân đà, ngồi dưới một gốc cây để nhập định. Lúc đó long vương biết trời sẽ mưa suốt trong bảy ngày không dứt nên từ dười ao hiện lên, dùng thân quấn quanh Phật bảy vòng rồi duỗi đầu ra che trên đầu Phật. Qua sau bảy ngày mưa dứt mới giải tỏa, hiện trước Phật đảnh lễ rồi bạch Phật: “Thế tôn, trong bảy ngày qua có được an không, thân thô to của con có làm Thế tôn khó chịu không, cúi xin Thế tôn hoan hỉ”, Thế tôn liền nói kệ:

“Biết đủ thì an lạc,
Đa văn thì biết pháp,
Không não hại chúng sanh.
Thế gian đại từ bi,
Xả bỏ các dục lạc,
Viễn ly các việc ác,
Trừ sạch hết ngã mạn,
Người ấy rất an vui”.

Long vương nghe kệ xong đảnh lễ Phật rồi trở về bổn xứ, Thế tôn trở về dưới gốc cây Bồ-đề, ngồi kiết già như pháp, quán chiếu sự hoàn diệt của mười hai nhân duyên, đó là:

1. Hễ cái này có thì cái kia sanh nên Vô minh duyên Hành, Hành duyên Thức, thức duyên Danh sắc, Danh sắc duyên Lục xứ, Lục xứ duyên Xúc, Xúc duyên Thọ, Thọ duyên Ái, Ái duyên Thủ, Thủ duyên Hữu, Hữu duyên Sanh, Sanh duyên Lão tử, ưu bi khổ não.

2. Hễ cái này diệt thì cái kia diệt nên Vô minh diệt thì Hành diệt, Hành diệt thì Thức diệt, Thức diệt thì Danh sắc diệt, Danh sắc diệt thì Lục xứ diệt, Lục xứ diệt thì Xúc diệt, Xúc diệt thì Thọ diệt, Thọ diệt thì Ái diệt, Ái diệt thì Thủ diệt, Thủ diệt thì Hữu diệt, Hữu diệt thỉ Sanh diệt, Sanh diệt thì Lão tử, ưu bi khổ não đều diệt.

Sau bảy ngày nhập định, Thế tôn xuất định rồi nói kệ:

“Nếu pháp này sanh ra,
Phật thường ở trong định,
Quán biết pháp nhân duyên,
Nghĩa ấy diệt tất cả.
Nếu pháp này sanh ra,
Phật thường ở trong định,
Quán biết được nhân khổ,
Nghĩa ấy diệt tất cả.
Nếu pháp này sanh ra,
Phật thường ở trong định,
Quán diệt hết cảm thọ,
Nghĩa ấy diệt tất cả.
Nếu pháp này sanh ra,
Phật thường ở trong định,
Quán diệt hết các duyên,
Nghĩa ấy diệt tất cả.
Nếu pháp này sanh ra,
Phật thường ở trong định,
Quán diệt hết các lậu,
Nghĩa ấy diệt tất cả.
Nếu pháp này sanh ra,
Phật thường ở trong định,
Chiếu soi khắp thế gian,
Như mặt trời trên không.
Nếu pháp này sanh ra,
Phật thường ở trong định,
Hàng phục các ma quân,
Chặt đứt các xiềng xích”.

Lúc đó Thế tôn bỗng suy nghĩ: “ta chứng pháp sâu xa, thấy được việc khó thấy, biết đuợc việc khó biết. Pháp này không thể tư duy, khó thể tư duy, nghĩa lý vi diệu, chỉ người trí huệ mới có thể biết được. Nếu nói cho người khác nghe pháp này sợ họ không hiểu nổi thì việc truyền trao thật uổng công, tự mệt nhọc và thêm phiền não. Ta nên một mình ở nơi tịch tĩnh tư duy cảnh giới an lạc và pháp mà đã chứng”, nghĩ rồi liền trụ tâm nơi tịch tĩnh, không nghĩ đến việc ra thuyết pháp độ sanh. Vua trời Phạm thiên, chủ thế giới Ta bà biết tâm niệm của Phật liền suy nghĩ: “thế gian sắp hư hoại, chúng sanh không thể thoát khỏi cảnh khổ. Như lai ứng chánh biến tri xuất hiện nơi đời, khó được gặp như hoa Ưu-đàm-bát-la. Nay Phật đã xuất thế lại thích tịch tĩnh, không nghĩ đến việc thuyết pháp độ sanh, ta nên đến thỉnh Phật”, nghĩ rồi liền như lực sĩ co duỗi cánh tay, vua trời Phạm thiên hiện ở trước Thế tôn đảnh lễ rồi nói kệ thỉnh:
“Vui thay ở nước Ma-kiệt-đà,
Xuất hiện diệu pháp chưa từng có.
Hỡi bậc giác ngộ tất cả pháp,
Hãy từ bi mở cửa Cam lồ”.

Phật nói kệ:

“Pháp ta chứng đắc rất khó hiểu,
Khiến cho biển Hữu không còn nữa,
Người ngu trí cạn thường ngược dòng,
Bị dục lôi cuốn và nhận chìm”.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20