CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA PHÁ TĂNG SỰ

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường – TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh – năm 2009

Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 11

Lúc đó tôn giả Ưu-ba-ly bạch Phật: “Thế tôn, như thế nào là Tăng già bị phá hoại, như thế nào là Tăng già hòa hợp?”, Phật nói: “nếu có Bí-sô đối với phi pháp khởi tưởng là phi pháp, hiện đang ở riêng chúng khởi nghĩ là đang ở riêng chúng mà tác pháp yết ma, đó là phá hoại yết ma Tăng già. Nếu Bí-sô đối với pháp khởi tưởng là pháp, đối với chúng hòa hợp khởi tưởng là hòa hợp mà tác pháp yết ma, đó là Tăng già hòa hợp.

Như thế nào là phá Tăng? Nếu chỉ có một Bí-sô thì không thể phá Tăng, hai, ba cho đến tám Bí-sô cũng không thể phá được chúng hòa hợp. Nếu có chín Bí-sô trở lên, phân thành hai bộ Tăng cùng làm yết ma và phát thẻ, đó là phá hòa hợp chúng.

Yết ma như thế nào? Là như Đề-bà-đạt-đa dạy bảo các Bí-sô và chế học xứ như sau:

Này các Bí-sô, các thầy nên biết có năm giới cấm: không trụ nơi A-lan-nhã là pháp thanh tịnh, giải thoát, thoát khỏi khổ và vui, có thể được thắng xứ. Như vậy cho đến chỉ ngồi dưới gốc cây, thường hành khất thực, chỉ chứa ba y và mặc y phấn tảo là pháp thanh tịnh, giải thoát, thoát khỏi khổ và vui, có thể được thắng xứ. Các Bí-sô thọ hành năm pháp này cho là thanh tịnh, giải thoát và xuất ly thì phải xa lìa Sa môn Kiều-đáp-ma, không được cùng ở chung và thân cận. Bạch như vậy. Văn yết ma chuẩn theo văn tác bạch mà làm.

Như thế nào là hành trù (phát thẻ)? Là như Đề-bà-đạt-đa dạy bảo các Bí-sô và chế học xứ như sau:

Này các Bí-sô, các thầy nên biết có năm giới cấm: không trụ nơi A-lan-nhã là pháp thanh tịnh, giải thoát, thoát khỏi khổ và vui, có thể được thắng xứ. Như vậy cho đến chỉ ngồi dưới gốc cây, thường hành khất thực, chỉ chứa ba y và mặc y phấn tảo là pháp thanh tịnh, giải thoát, thoát khỏi khổ và vui, có thể được thắng xứ. Các Bí-sô nào thọ hành năm pháp này cho là thanh tịnh, giải thoát và xuất ly; xa lìa Sa môn Kiều-đáp-ma, không được cùng ở chung và thân cận thì nên thọ lấy thẻ”.

Nhiếp tụng:

Một không thể phá Tăng,
Đến chín mới phá được,
Và tác pháp yết ma,
Lấy thẻ nói phi pháp.

Tôn giả Ưu-ba-ly bạch Phật: “Thế tôn, người bị xả trí có thể làm việc phá Tăng không, cho đến tùy thuận người bị xả trí, tùy thuận người tùy thuận kia có thể làm việc phá Tăng không?. Hay là không phải người có thể xả trí, cho đến không phải tùy thuận người có thể xả trí, không phải tùy thuận người tùy thuận kia có thể làm việc phá Tăng không?. Hay là người có thể xả trí, cho đến tùy thuận người có thể xả trí, tùy thuận người tùy thuận kia có thể làm việc phá Tăng không?. Hay là không phải người bị xả trí, cho đến không phải tùy thuận người bị xả trí, không phải tùy thuận người tùy thuận kia có thể làm việc phá Tăng không?. Hay là người sẽ bị xả trí, cho đến tùy thuận người sẽ bị xả trí, tùy thuận người tùy thuận kia có thể làm việc phá Tăng không?. Hay là không phải người sẽ bị xả trí, cho đến không phải tùy thuận người sẽ bị xả trí, không phải tùy thuận người tùy thuận kia có thể làm việc phá Tăng không?. Hay là người sẽ có thể xả trí, cho đến tùy thuận người sẽ có thể xả trí, tùy thuận người tùy thuận kia có thể làm việc phá Tăng không?. Hay là không phải người sẽ có thể xả trí, cho đến không phải tùy thuận người sẽ có thể xả trí, không phải tùy thuận người tùy thuận kia có thể làm việc phá Tăng không?. Hay là người tùy thuận người bị xả trí, tùy thuận người tùy thuận kia có thể làm việc phá Tăng không?. Hay là người tùy thuận người có thể xả trí, tùy thuận người tùy thuận kia có thể làm việc phá Tăng không?. Hay là không phải người tùy thuận người bị xả trí, không phải tùy thuận người tùy thuận kia có thể làm việc phá Tăng không ?. Hay là không phải người tùy thuận người có thể xả trí, không phải tùy thuận người tùy thuận kia có thể làm việc phá Tăng không?. Hay là người sẽ tùy thuận người bị xả trí, sẽ tùy thuận người tùy thuận kia có thể làm việc phá Tăng không?. Hay là không phài người sẽ tùy thuận người bị xả trí, không phải người sẽ tùy thuận người tùy thuận kia có thể làm việc phá Tăng không?. Hay là người sẽ tùy thuận người có thể xả trí, người sẽ tùy thuận người tùy thuận kia có thể làm việc phá Tăng không?. Hay là không phải người sẽ tùy thuận người có thể xả trí, không phải người sẽ tùy thuận người tùy thuận kia có thể làm việc phá Tăng không?. Hay là người bị xả trí và người có thể xả trí làm việc phá Tăng, không phải bốn hạng người kia; hay là người sẽ bị xả trí và người có thể xả trí làm việc phá tăng, không phải bốn hạng người kia ; hay là người sẽ bị xả trí làm việc phá tăng, không phải năm hạng người kia; hay là người sẽ tùy thuận người bị xả trí làm việc phá tăng, không phải năm hạng người kia; hay là người sẽ tùy thuận người tùy thuận kia làm việc phá tăng không phải năm hạng người kia. Hay là người có thể xả trí làm việc phá tăng, không phải năm hạng người kia ; hay là người sẽ tùy thuận người có thể xả trí làm việc phá tăng, không phải năm hạng người kia; hay là người sẽ tùy thuận người tùy thuận kia làm việc phá tăng, không phải năm hạng người kia?”, Phật nói: “này Ưu-ba-ly, những người này đều có thể phá hòa hợp Tăng, chỉ trừ người bị xả trí là không thể phá Tăng” .

Nhiếp tụng:

Ba, hai, một phá được,
Những người kia không thể,
Mười tám loại phá Tăng,
Trừ người bị xả trí.

Tôn giả Ưu-ba-ly bạch Phật: “như Thế tôn nói nếu có người nào phá hòa hợp Tăng, người ấy nhất định sanh tội Vô gián và thành nghiệp Vô gián. Bí-sô như thế nào gọi là phá hòa hợp Tăng, sanh tội Vô gián và thành nghiệp Vô gián?” (Tội Vô gián là nếu đọa trong địa ngục, khi chịu tội không có gián đoạn; nghiệp Vô gián là từ cõi người bị đọa ngay vào địa ngục Vô gián. Chữ Vô gián tuy đồng nghĩa nhưng có sai khác chút ít, chịu khổ không gián đoạn, tiếng Phạm gọi là A-nan-đát- lợi-da, chánh dịch là Vô khích tức là không hở trống. Vô khích và Vô gián không khác nhau, nhưng sau này mọi người đều dùng từ Vô gián, không dùng từ Vô khích. Có thể nói Vô gián là đọa ngay vào địa ngục ; vô khích là thân khác mới thọ khổ địa ngục). Phật nói: “này Ưu-ba-ly, Bí-sô nào đối với phi pháp khởi tưởng là phi pháp, ngay khi đang phá khởi tưởng là phi pháp và dạy cho các Bí-sô với mục đích phá Tăng thì người này gọi là phá hòa hợp Tăng, tạo tội Vô gián và thành nghiệp Vô gián. Bí-sô nào đối với phi pháp khởi tưởng là phi pháp, ngay khi đang phá khởi tưởng là pháp và dạy cho các Bí-sô với mục đích phá Tăng thì người này gọi là phá hòa hợp Tăng, tạo tội Vô gián nhưng không thành nghiệp Vô gián. Bí-sô nào đối với phi pháp khởi tưởng là phi pháp, ngay khi đang phá sanh do dự và dạy cho các Bí-sô với mục đích phá Tăng thì người này gọi là phá hòa hợp Tăng, tạo tội Vô gián nhưng không thành nghiệp Vô gián.

Lại nữa, Bí-sô nào đối với phi pháp khởi tưởng là pháp, ngay khi đang phá khởi tưởng là phi pháp và dạy cho các Bí-sô với mục đích phá Tăng thì người này gọi là phá hòa hợp Tăng, tạo tội Vô gián và cũng thành nghiệp Vô gián. Bí-sô nào đối với phi pháp khởi tưởng là pháp, ngay khi đang phá khởi tưởng là pháp và dạy cho các Bí-sô với mục đích phá Tăng thì người này gọi là phá hòa hợp Tăng, tạo tội Vô gián nhưng không thành nghiệp Vô gián. Bí-sô nào đối với phi pháp khởi tưởng là pháp, ngay khi đang phá sanh do dự và dạy cho các Bí-sô với mục đích phá Tăng thì người này gọi là phá hòa hợp Tăng, tạo tội Vô gián nhưng không thành nghiệp Vô gián.

Lại nữa, Bí-sô nào đối với pháp khởi tưởng là phi pháp, ngay khi đang phá khởi tưởng là phi pháp và dạy cho các Bí-sô với mục đích phá Tăng thì người này gọi là phá hòa hợp Tăng, tạo tội Vô gián và cũng thành nghiệp Vô gián. Bí-sô nào đối với pháp khởi tưởng là phi pháp, ngay khi đang phá khởi tưởng là pháp và dạy cho các Bí-sô với mục đích phá Tăng thì người này gọi là phá hòa hợp Tăng, tạo tội Vô gián nhưng không thành nghiệp Vô gián. Bí-sô nào đối với pháp khởi tưởng là phi pháp, ngay khi đang phá sanh do dự và dạy cho các Bí-sô với mục đích phá Tăng thì người này gọi là phá hòa hợp Tăng, tạo tội Vô gián nhưng không thành nghiệp Vô gián.

Lại nữa, Bí-sô nào đối với pháp khởi tưởng là pháp, ngay khi đang phá khởi tưởng là phi pháp và dạy cho các Bí-sô với mục đích phá Tăng thì người này gọi là phá hòa hợp Tăng, tạo tội Vô gián và cũng thành nghiệp Vô gián. Bí-sô nào đối với pháp khởi tưởng là pháp, ngay khi đang phá khởi tưởng là pháp và dạy cho các Bí-sô với mục đích phá Tăng thì người này gọi là phá hòa hợp Tăng, tạo tội Vô gián nhưng không thành nghiệp Vô gián. Bí-sô nào đối với pháp khởi tưởng là pháp, ngay khi đang phá sanh do dự và dạy cho các Bí-sô với mục đích phá Tăng thì người này gọi là phá hòa hợp Tăng, tạo tội Vô gián nhưng không thành nghiệp Vô gián.

Lại nữa, Bí-sô nào đối với phi pháp sanh do dự, ngay khi đang phá khởi tưởng là phi pháp và dạy cho các Bí-sô với mục đích phá Tăng thì người này gọi là phá hòa hợp Tăng, tạo tội Vô gián và thành nghiệp Vô gián. Bí-sô nào đối với phi pháp sanh do dự, ngay khi đang phá khởi tưởng là pháp và dạy cho các Bí-sô với mục đích phá Tăng thì người này gọi là phá hòa hợp Tăng, tạo tội Vô gián nhưng không thành nghiệp Vô gián. Bí-sô nào đối với phi pháp sanh do dự, ngay khi đang phá cũng sanh do dự và dạy cho các Bí-sô với mục đích phá Tăng thì người này gọi là phá hòa hợp Tăng, tạo tội Vô gián nhưng không thành nghiệp Vô gián.

Lại nữa, Bí-sô nào đối với pháp sanh do dự, ngay khi đang phá khởi tưởng là phi pháp và dạy cho các Bí-sô với mục đích phá Tăng thì người này gọi là phá hòa hợp Tăng, tạo tội Vô gián nhưng không thành nghiệp Vô gián. Bí-sô nào đối với pháp sanh do dự, ngay khi đang phá khởi tưởng là pháp và dạy cho các Bí-sô với mục đích phá Tăng thì người này gọi là phá hòa hợp Tăng, tạo tội Vô gián nhưng không thành nghiệp Vô gián. Bí-sô nào đối với pháp sanh do dự, ngay khi đang phá cũng sanh do dự và dạy cho các Bí-sô với mục đích phá Tăng thì người này gọi là phá hòa hợp Tăng, tạo tội Vô gián nhưng không thành nghiệp Vô gián.

Này Ưu-ba-ly, trên đây tổng cộng có mười tám câu, trong đó sáu câu do ngay khi đang phá khởi tưởng là phi pháp nên vọng ngữ, do tâm ân trọng tạo tội Vô gián nên thành nghiệp Vô gián; mười hai câu còn lại do tâm khinh tạo tội nên không thành nghiệp Vô gián”.

Nhiếp tụng:
Sáu câu đầu mở đầu phi pháp,
Sáu câu giữa mở đầu là pháp,
Ba câu kế sau tưởng phi pháp,
Ba câu cuối sau tưởng là pháp.
Ba câu đầu phần giữa phi pháp,
Ba câu kế phần giữa tưởng pháp,
Sáu câu giữa phần giữa giống vậy.
Sau câu cuối phần giữa do dự,
Ba câu cuối của phần sau cùng,
Tưởng phi pháp, pháp và do dự.
Năm phần còn lại đều giống vậy,
Liền thành mười tám loại khác nhau.

(Luận về Luật giáo truyền qua phương Đông trải qua đã nhiều đời, các bậc dịch sư của bốn bộ đều với tâm ân cần dịch và truyền văn, nhưng khi dịch đến phần phá Tăng thì phần nhiều chưa rõ, khiến cho người đời sau hoài nghi, nghi là văn dịch đứt đoạn, nghĩa phân giới hạn. Các nhà tạo sớ cũng hoài nghi nên coi nhẹ thân mạng, chống tích tới Hạc lâm; quên mình giúp người vén y lên đỉnh núi Linh thứu để thấu suốt mối nghi và quyết đoán những điều trệ ngại, bổ sung những chỗ thiếu và trừ hẳn mối nghi; hy vọng ở trong hội Long hoa sẽ được pháp nhẫn ngay nơi tâm ban đầu).

Tôn giả Ưu-ba-ly bạch Phật: “Thế tôn, nếu là phá Tăng thì Tăng già bị nhiễu loạn, như vậy có phải hễ Tăng già bị nhiễu loạn tức là phá Tăng hay không?”, Phật nói: có bốn câu:

1. Có phá Tăng mà không phải nhiễu loạn, tức là tự có phá Tăng nhưng không thọ hành mười bốn việc phá hoại.

2. Tăng già bị nhiễu loạn mà không phải phá Tăng, tức là thọ hành mười bốn việc phá hoại nhưng không phá Tăng.

3. Vừa nhiễu loạn vừa phá Tăng, tức là thọ hành mười bốn việc và phá Tăng.

4. Cả hai đều không có, tức là không nhiễu loạn cũng không phá Tăng”.

Lại hỏi: “có phải hễ có phá Tăng đều là ở riêng hay chỉ có ở riêng mới là phá Tăng ?”, Phật nói có bốn câu như trên. Khi Phật thuyết pháp cho A nhã Kiều-trần-như và tám vạn thiên tử đều được đầy đủ pháp vị rồi, các Bí-sô đều có nghi thỉnh hỏi Phật: “Kiều-trần-như và các thiên tử đời trước đã tạo nghiệp gì mà nay lại được đầy đủ pháp vị?”, Phật nói: “các thầy lắng nghe:

Thuở xưa ở giai vị Bất định tụ, trong biển cả ta mang thân rùa chúa. Lúc đó có năm trăm thương nhân đi thuyền ra biển, đến đảo châu báu lấy đủ các loại châu báu rồi trở về nước. Trên đường trở về gặp phải cá Ma kiệt phá hủy thuyền, các thương nhân kêu gào than khóc; rùa chúa nghe tiếng kêu khóc này nên từ dưới nước vọt lên đến chỗ các thương nhân nói rằng: “các ông chớ sợ, hãy leo lên lưng tôi, tôi sẽ đưa các ông vào bờ, thân mạng sẽ được bảo toàn”. Các thương nhân nghe rồi liền leo lên lưng rùa, vì số người đông phải chở nặng nhưng rùa chúa vẫn trụ nơi tâm tinh tấn, không thối chuyển, chịu khổ lớn để đưa họ vào bờ an toàn. Khi lên tới bờ, rùa thò đầu ra và nằm mê man; cách chỗ rùa nằm không xa, có một đàn kiến, một con trong đàn đi ra kiếm ăn, nghe mùi rùa nên nó đến gần và thấy rùa thò đầu ra nằm mê man. Nó vội trở về tổ và gọi tám vạn con kiến khác cùng đến chỗ rùa, đàn kiến ăn hết phần da mà rùa vẫn chưa tỉnh lại, đến khi ăn tới phần thịt, rùa mới tỉnh và nhìn thấy đàn kiến bu đầy khắp thân mình để ăn thịt. Rùa suy nghĩ: “nếu ta chuyển động thân mình thì sẽ hại chết đàn kiến này, ta nên xả thân này, không nên làm hại chúng”, nghĩ rồi liền nằm yên cho đàn kiến ăn dần hết thịt và phát nguyện: “như ngày nay tôi đem thân máu thịt này thí cho đàn kiến được no đủ, nguyện vào đời vị lai khi chứng quả Bồ-đề, tôi cũng sẽ thí pháp khiến cho đàn kiến này được pháp vị no đủ”.

Này các Bí-sô, rùa chúa thuở xưa chính là thân ta ngày nay, con kiến dẫn đường thuở xưa chính là Kiều-trần-như ngày nay, tám vạn con kiến cùng đến ăn thịt rùa thuở xưa chính là tám vạn thiên tử ngày nay. Trong quá khứ ta thí máu thịt khiến cho họ được no đủ, nay thành Phật quả ta cũng thí pháp khiến cho họ được đầy đủ pháp vị. Này các Bí-sô, như ta thường dạy, các thầy nên bỏ hai nghiệp đen và xen tạp, nên tu nghiệp trắng”. Khi Phật thuyết pháp khiến cho năm Bí-sô đều được pháp vị đầy đủ, ra khỏi biển sanh tử, được thắng nhân cứu cánh Niếtbàn. Các Bí-sô đều có nghi thỉnh hỏi Phật: “Thế tôn, năm Bí-sô này đời trước đã tạo nghiệp gì mà được pháp vị đầy đủ, được Đại sư từ bi cứu vớt ra khỏi biển sanh tử, phương tiện trụ cứu cánh Niết-bàn?”, Phật nói: “đây không phải là việc hi hữu, vì nay ta đã lìa hẳn tham sân si, già bịnh chết, ưu bi khổ não; được hoàn toàn giải thoát, thành tựu Nhất thiết trí, Nhất thiết chủng trí và Nhất thiết trí trí, được tự tại, thuyết pháp khiến cho năm Bí-sô này được pháp vị đầy đủ, ra khỏi biển sanh trụ, trụ cứu cánh Niết-bàn là việc đương nhiên. Thuở xưa, khi ta chưa lìa tham sân si, già bịnh chết, ưu bi khổ não, chưa được giải thoát; không những thí máu thịt cho họ được no đủ, ta còn khiến họ thọ trì năm giới thì đây mới là việc hi hữu. Các thầy lắng nghe:

Thuở xưa, trong thành Bà-la-nê-tư có vua tên là Kim cang tý dùng chánh pháp cai trị khiến cho đất nước thái bình thịnh vượng, nhân dân no ấm, ngũ cốc được mùa.Vua bẩm tánh thuần tín, hiền thiện, tự lợi lợi tha, tâm từ bi và có đủ oai đức, thương xót chúng sanh. Vua thường bố thí tài vật và tự trụ nơi pháp xả, vua lại thường tu tập từ bi, ngày đêm sáu thời nhập định từ bi. Khi vua đang nhập định, nhiều người đến xin đều không được bố thí nên vua bảo quần thần sắp xếp nhà cất chứa tài vật để bố thí ở nơi bốn cửa thành; nếu có Sa môn, Bà-la-môn và những người nghèo khổ cô độc từ xa đến xin thảy đều cấp cho họ. Quân thần vâng lịnh vua sắp xếp nhà bố thí… để cung cấp cho những người đến xin được đầy đủ. Vào một thời khác, có năm Dược xoa đa văn từ thành A lạc ca phiệt để đi ra hút tinh khí của người, chúng du hành đến bên ngoài thành Bà-la-nê-tư và gặp những người chăn bò, chăn dê, gánh củi và các thương nhân ở các cửa hàng. Thấy họ không sợ mình nên năm Dược xoa hỏi: “các ngươi không sợ ta sao?”, đáp: “vì sao phải sợ”, lại hỏi: “vì sao không sợ?”, đáp: “vua của chúng tôi tu từ bi, thường làm cho các hữu tình được lợi lạc, ngày đêm sáu thời vua thường nhập định từ bi”. Năm dược xoa liền hóa làm Bà-la-môn đi đến chỗ bố thí để thấy rõ việc này; lúc đó vua Kim cang tý xuất định, chỉnh đốn y phục, đầy đủ oai nghi; năm Dược xoa liền đến chỗ vua giơ tay khen ngợi rằng: “chúc cho vua được phước thọ lâu dài. Đại vương, chúng tôi đang đói khát, xin vua bố thí thức ăn cho chúng tôi”, vua bảo quần thần bố thí cho họ thức ăn, năm Dược xoa nói: “chúng tôi khát chỉ uống máu, đói chỉ ăn thịt, không ăn được thức ăn nào khác”. Vua nghe rồi liền bảo quần thần: “đừng làm hại chúng sanh, hãy tìm những con vật tự chết lấy máu thịt cho họ ăn”, năm Dược xoa nói: “chúng tôi chỉ ăn máu nóng, không ăn máu thịt của con vật tự chết”. Vua nghe rồi liền suy nghĩ: “không thể làm hại chúng sanh để lấy máu thịt cho chúng ăn, ta nên lấy máu thịt trên thân mình bố thí”, nghĩ rồi liền cho gọi thầy thuốc đến nói rằng: “hãy chích năm chỗ trên thân ta lấy máu cho chúng uống”, thầy thuốc nói: “chúng là hàng hạ phẩm, thần không nở chích lấy máu của vua đem cho chúng uống”. Vua vốn giỏi y thuật nên tự dùng kim chích vào năm chỗ lấy máu cho chúng uống, sau đó thuyết pháp và khiến năm Dược xoa này thọ trì năm giới cấm.

Phật bảo các Bí-sô: “vua Kim cang tý thuở xưa chính là thân ta ngày nay, năm Dược xoa thuở xưa chính là năm Bí-sô ngày nay. Thuở xưa ta bố thí máu thịt khiến cho họ được no đủ, lại còn thuyết pháp khiến họ thọ trì năm giới; ngày nay ta thuyết pháp khiến họ trụ Kiến đế, được cứu cánh Niết-bàn. Lại nữa này các Bí-sô, các thầy lắng nghe tiếp:

Thuở xưa, trong thành Bà-la-nê-tư có vua tên là Từ lực, dùng chánh pháp cai trị khiến cho đất nước thái bình thịnh vượng, nhân dân no ấm, ngũ cốc được mùa.Vua bẩm tánh thuần tín, hiền thiện, tự lợi lợi tha, tâm từ bi và có đủ oai đức, thương xót chúng sanh. Vào một thời khác, có năm Dược xoa đa văn từ thành A lạc ca phiệt để đi ra hút tinh khí của người, chúng du hành đến bên ngoài thành Bà-la-nê-tư, không thấy có ai cúng tế nên nổi giận làm cho trong thành này có bịnh dịch, rất nhiều người chết. Quần thần đem việc này tâu lên vua, vua nói: “các khanh thông báo khắp trong thành rằng: vua bảo mọi người nên khởi tâm ý làm lợi lạc cho các hữu tình, chuyên tâm cần cầu ngày đêm không gián đoạn thì tật bịnh tiêu trừ, các tai nạn được lắng yên”, dân chúng nghe rồi liền khởi tâm từ bi đối với các hữu tình khiến cho năm Dược xoa này không thể làm hại họ được nữa. Vào một thời khác, có năm Dược xoa này đến bên ngoài thành Bà-la-nê-tư và gặp những người chăn bò, chăn dê, gánh củi và các thương nhân ở các cửa hàng. Thấy họ không sợ mình nên năm Dược xoa hỏi: “các ngươi không sợ ta sao?”, đáp: “vì sao phải sợ”, lại hỏi: “vì sao không sợ?”, đáp: “hằng ngày vua chúng tôi là từ lực thường tư duy, chúng tôi cũng thường tư duy”, lại hỏi tư duy việc gì, đáp: “tư duy về tâm từ bi đối với các hữu tình”. Dược xoa nghe rồi liền suy nghĩ: “họ đều tu tâm từ bi thì ta không thể hại được”, nghĩ rồi liền qua lại ở ngoài bốn cửa thành để chờ gặp vua. Vào một thời khác, vua ra ngoài thành, năm Dược xoa này hóa làm Bà-la-môn đến chỗ vua giơ tay khen ngợi rằng: “chúc cho vua được phước thọ lâu dài. Đại vương, chúng tôi đang đói khát, xin vua bố thí thức ăn cho chúng tôi”, vua bảo quần thần bố thí cho họ thức ăn, năm Dược xoa nói: “chúng tôi khát chỉ uống máu, đói chỉ ăn thịt, không ăn được thức ăn nào khác”. Vua nghe rồi liền bảo quần thần: “đừng làm hại chúng sanh, hãy tìm những con vật tự chết lấy máu thịt cho họ ăn”, năm Dược xoa nói: “chúng tôi chỉ ăn máu nóng, không ăn máu thịt của con vật tự chết”. Vua nghe rồi liền suy nghĩ: “không thể làm hại chúng sanh để lấy máu thịt cho chúng ăn, ta nên lấy máu thịt trên thân mình bố thí”, nghĩ rồi liền cho gọi thầy thuốc đến nói rằng: “hãy chích năm chỗ trên thân ta lấy máu cho chúng uống”, thầy thuốc nói: “chúng là hàng hạ phẩm, thần không nở chích lấy máu của vua đem cho chúng uống”. Vua vốn giỏi y thuật nên tự dùng kim chích vào năm chỗ lấy máu cho chúng uống, sau đó thuyết pháp và khiến năm Dược xoa này thọ trì năm giới cấm.

Phật bảo các Bí-sô: “vua Từ lực thuở xưa chính là thân ta ngày nay, năm Dược xoa thuở xưa chính là năm Bí-sô ngày nay. Thuở xưa ta bố thí máu thịt khiến cho họ được no đủ, lại còn thuyết pháp khiến họ thọ trì năm giới; ngày nay ta thuyết pháp khiến họ trụ Kiến đế, được cứu cánh Niết-bàn”.

Phật sau khi trải qua sáu năm khổ hạnh mới thành Vô thượng giác, sau đó mới đến thành Bà-la-nê-tư độ năm Bí-sô Kiều-trần-như…, kế độ năm trưởng giả tử Da-xá…, kế độ thêm nhóm sáu mươi hiền giả, cho nên số lượng Bí-sô ngày càng đông. Lúc đó các Bí-sô có nghi thỉnh hỏi Phật: “Thế tôn đã tạo nghiệp gì mà nay phải chịu quả dị thục sáu năm khổ hạnh?”, Phật nói: “ta tự tạo nghiệp nên nay phải thọ báo, các thầy lắng nghe:

Thuở xưa khi loài người thọ hai vạn tuổi, có một tụ lạc tên là Phân tích, dân chúng đông đúc, sống an ổn, giàu có, ngũ cốc được mùa. Trong tụ lạc có một Bà-la-môn tên là Ni câu đà giàu có, nhiều quyến thuộc và là chủ tụ lạc; vua Ngật lật chỉ đã ban tụ lạc này cho Ni câu đà. Ni câu đà có năm trăm đệ tử, trong đó có một đệ tử tên là Tối thắng thuộc dòng họ cao quý, cha mẹ thanh tịnh, tổ tiên bảy đời đều thù thắng. Tối thắng thông minh, học thông các luận và luận Tứ minh, lại có dung mạo đoan chánh, được mọi người yêu mến. Trong tụ lạc này có một thợ gốm tên là Hỷ hộ đã quy y Tam bảo, tin chắc lý Tứ đế và được Kiến đế chứng quả Dự lưu. Hỷ hộ vất bỏ các dụng cụ sát sanh, dùng đất sét do chuột moi ra, dùng nước không trùng và dùng củi không mối mọt để làm đồ gốm, sau đó bày các loại đồ gốm này ở ngoài cửa, nói với mọi người rằng: “hãy bố thí cho tôi gạo đậu rồi tùy ý đổi lấy đồ gốm này”. Hỷ hộ đem gạo đậu… này để nuôi cha mẹ già mù lòa và cúng dường Phật Cadiếp-ba. Tối thắng và Hỷ hộ là bạn thân từ nhỏ, lúc đó Hỷ hộ đến chỗ Phật Ca-diếp ba đảnh lễ ngồi một bên, Phật nói pháp chỉ dạy cho Hỷ hộ được lợi hỉ rồi liền im lặng. Hỷ hộ đảnh lễ Phật rồi ra về, trên đường gặp Tối thắng cỡi xe bạch mã cùng với năm trăm bạn đồng học, Tối thẳng hỏi: “Hỷ hộ, anh từ đâu trở về?”, đáp: “tôi từ chỗ Phật Ca-diếp ba lễ bái cúng dường trở về, anh nên cùng tôi đi đến chỗ Phật”, Tối thắng nói: “vì sao phải gặp Phật lễ bái cúng dường, xuất gia như thế rất khó thành Chánh giác”, Hỷ hộ nói: “anh đừng nói như vậy, Phật Cadiếp ba xuất gia không bao lâu đã được Chánh giác, đầy đủ Nhất thiết trí, chánh pháp hiện tiền”, Hỷ hộ nói ba lần như vậy và Tôi thắng cũng nói ba lần rằng: “xuất gia như thế rất khó thành Chánh giác”. Hỷ hộ nghe rồi liền leo lên xe túm lấy Tối thắng kéo đi đến chỗ Phật, Tối thắng liền suy nghĩ: “Phật Ca-diếp ba nhất định là bậc đại sư tối thắng vô thượng, pháp nói ra là thù thắng mới khiến cho Hỷ hộ trước nay vốn hiền thiện, nay bỗng nhiên trở nên hung bạo, vì Như lai mà túm lấy ta như thế”, nghĩ rồi liền nói: “anh hãy buông tay ra”, đáp: “tôikhông buông, nếu anh chịu cùng tôi đến chỗ Phật thì tôi sẽ buông”, Hỷ hộ nói ba lần như vậy, Tối thắng nói: “hãy lên xe, chúng ta cùng đi đến chỗ Phật, nếu đường thông suốt thì chúng ta đi xe, nếu gặp đường không thông thì chúng ta sẽ xuống xe đi bộ”. Khi đến chỗ Phật, họ đảnh lễ ngồi một bên; Hỷ hộ chắp tay bạch Phật: “Tối thắng là bạn con vốn không tin Tam bảo, cúi xin Thế tôn nói diệu pháp khiến cho anh ta sanh tín kính”, Phật liền tùy thuận nói pháp chỉ dạy cho Tối thắng được lợi hỉ rồi im lặng. Lúc đó Tối thắng hỏi Hỷ hộ: “anh đã nghe pháp này, vì sao lại không xuất gia?”, đáp: “tôi còn đang nuôi cha mẹ già mùa lòa nên chỉ tùy thời cúng dường Phật mà thôi”, Tối thắng nói: “nếu anh không xuất gia thì tôi quyết định xuất gia”, Hỷ hộ từ chỗ ngồi đứng dậy bạch Phật: “Thế tôn, xin cho Tối thắng được ở trong thiện pháp luật xuất gia thọ giới cụ túc”, Phật liền cho Tối thắng được như pháp xuất gia. Sau đó Phật du hành dần đến vườn Thi lộc, chỗ Tiên nhơn đọa xứ thuộc thành Bà-la-nê-tư và ngụ tại đây. Vua Ngật lật chỉ nghe được tin này liền đến chỗ Phật đảnh lễ ngồi một bên nghe Phật nói pháp, Thế tôn tùy thuận nói pháp chỉ dạy cho vua được lợi hỉ rồi liền im lặng. Lúc đó vua đứng dậy thỉnh Phật và Tăng vào ngày mai thọ thực ở trong cung, Phật im lặng nhận lời, vua biết Phật đã nhận lời liền đảnh lễ Phật hữu nhiễu rồi ra về. Về đến trong cung, ngay trong đêm đó vua cho sửa soạn đủ các món ăn ngon, sáng sớm trải tòa rồi sai sứ đến bạch Phật: “đã đến giờ thọ thực, xin Phật tự biết thời”. Phật cùng các Bí-sô đắp y mang bát đi đến trong cung thọ thỉnh thực, Phật ngồi trên, các Bí-sô theo thứ lớp ngồi xong, vua tự tay dâng cúng các món ăn ngon cho Phật và Tăng. Thấy Phật và Tăng thọ thực xong, vua quỳ xuống bạch Phật: “Thế tôn, con muốn xây cất một tinh xá lớn gồm năm trăm viện, mỗi viện đều có đủ giường nằm lớn nhỏ và lúa gạo thơm để cúng dường Phật và Tăng”, Phật nói: “Đại vương phát tâm thù thắng như vậy, ắt sẽ thọ đầy đủ phước báo tương ứng”, vua Ngật lật chỉ lại thỉnh ba lần : “cúi xin Thế tôn thọ con thỉnh cúng dường tứ sự trong ba tháng hạ. Con sẽ xây cất một tinh xá lớn gồm năm trăm viện, mỗi viện đều có đủ giường nằm lớn nhỏ và lúa gạo thơm để cúng dường Phật và Tăng”, Phật nói: “Đại vương phát tâm thù thắng như vậy, ắt sẽ thọ đầy đủ phước báo tương ứng”, vua Ngật lật chỉ bạch Phật: “Thế tôn, nếu con không cúng dường thì có người nào có thể phát tâm cúng dường như con hôm nay không?”, Phật nói: “Đại vương, trong nước vua đã có người thành tâm cúng dường như vậy”, vua hỏi là ai, Phật nói: “trong nước vua có một tụ lạc tên là Vi tần trì, có một thợ gốm tên là Hỷ hộ đã quy y Tam bảo, tin chắc lý Tứ đế và được Kiến đế chứng quả Dự lưu. Hỷ hộ vất bỏ các dụng cụ sát sanh, dùng đất sét do chuột moi ra, dùng nước không trùng và dùng củi không mối mọt để làm đồ gốm, sau đó bày các loại đồ gốm này ở ngoài cửa, nói với mọi người rằng: hãy bố thí cho tôi gạo đậu rồi tùy ý đổi lấy đồ gốm này. Hỷ hộ đem gạo đậu… này để nuôi cha mẹ già mù lòa và cúng dường cho ta. Lại nữa, Đại vương, khi ta đắp y mang bát vào trong tụ lạc này theo thứ lớp khất thực, đến trước cửa nhà của Hỷ hộ. Lúc đó Hỷ hộ có chút việc đã đi khỏi, chỉ còn chạ mẹ mùa lòa ở nhà, họ nghe tiếng ta gõ cửa liền hỏi là ai, ta đáp: tôi là Phật Ca-diếp ba, vì thời thực nên đến đây khất thực. Họ mở cửa mời ta vào trong nhà và nói rằng: chúng con có đậu chín và rau luộc, Thế tôn tùy ý lấy; thí chủ cúng dường cho Thế tôn có chút việc đã tạm ra ngoài. Đại vương, lúc đó ta theo pháp của Bắc Câu lô châu, tự tay lấy thức ăn rồi đi. Sau đó Hỷ hộ trở về, nhìn thấy rau đậu như có ai lấy bớt, liền hỏi cha mẹ, cha mẹ đem việc trên kể lại, Hỷ hộ nghe rồi vui mừng suy nghĩ: ta đã được lợi ích lớn, hôm nay Phật Ca-diếp ba đã vào nhà ta tự tay thọ thức ăn. Do vui mừng nên Hỷ hộ ngồi kiết già nhập định bảy ngày mới xuất định, nhờ lần nhập định này nên Hỷ hộ đã giữ được chánh niệm, không tán loạn suốt trong mười lăm ngày không gián đoạn. Cũng nhờ định này mà trong suốt bảy ngày thức ăn uống trong nhà được đầy đủ, cha mẹ của Hỷ hộ không có thiếu thốn. Lại nữa, Đại vương, vào một thời khác, trong ba tháng an cư tại đây, đầu hạ ta đã bị khổ vì trời mưa, trú xứ của ta bị dột. Chỗ làm đồ gốm của Hỷ hộ vừa mới lợp bằng cỏ tranh nên ta bảo thị giả đến đó dỡ lấy cỏ tranh này về lợp lại chỗ bị mưa dột. Các Bí-sô vâng lời ta làm theo, lúc đó Hỷ hộ cũng không có ở nhà, cha mẹ của Hỷ hộ nghe tiếng dỡ cỏ tranh liền hỏi là ai đang dỡ cỏ tranh, các Bí-sô nói rõ nguyên do, họ nghe rồi liền nói: Hỷ hộ không có ở nhà, các Thánh giả cứ tùy ý lấy. Các Bí-sô dỡ lấy cỏ tranh xong đem về lợp lại chỗ bị mưa dột, sau đó Hỷ hộ trở về thấy cỏ tranh bị dỡ liền hỏi cha mẹ, cha mẹ đem việc trên kể lại, Hỷ hộ nghe rồi vui mừng nghĩ rằng: ta đã được lợi ích lớn, Phật Ca-diếp ba sẽ không bị khổ vì mưa đột sau khi thọ vật dụng của nhà ta. Do vui mừng Hỷ hộ ngồi kiết già nhập định bảy ngày, chuyên tâm không gián đoạn. Cũng nhờ định này mà được chư thiên che chở, trong suốt bảy ngày tuy có mưa to nhưng chỗ bị dỡ mái không bị mưa làm ướt. Đại vương, trong ba tháng an cư ta không thể thọ tứ sự cúng dường của Đại vương, vì sự cúng dường của Đại vương không bằng sự cúng dường cỏ tranh mới lợp của Hỷ hộ”, vua bạch Phật: “hôm nay Hỷ hộ được lợi ích lớn, Phật Ca-diếp ba thọ sự cúng dường của Hỷ hộ, không còn gặp khó khăn nữa”, vua liền tùy hỉ nói kệ:

“Trong các tế tự, lửa hơn hết,
Trong các Vi đà, thần hơn hết,
Ở trong thế gian, vua đứng đầu,
Trong các dòng nước, biển lớn nhất,
Trong các ngôi sao, trăng sáng nhất,
Ánh mặt trời sáng hơn tất cả.
Bốn phương trên dưới và cõi trời,
Cúng dường Thế tôn là tối thượng”.

Lúc đó Phật nói diệu pháp khiến cho vua được lợi hỉ rồi đi, vua Ngật lật chỉ mang các món cúng dường đi theo tiễn đưa Thế tôn. Ra khỏi tụ lạc, vua đảnh lễ Phật hữu nhiễu rồi trở về cung, sau đó vua cho sứ giả chở năm trăm xe lúa gạo đến nói với Hỷ hộ rằng: “lúa gạo chở trong năm trăm xe này dùng để cúng dường cha mẹ mù lòa của anh và Phật Ca-diếp ba”. Sứ giả vâng lịnh vua chở gạo đến và nói y như lời vua dạy, Hỷ hộ nói với sứ giả: “vua còn nhiều việc phải làm, tôi thật không dám nhận”.

Phật bảo các Bí-sô: “Thanh niên tên Tối thắng thuở xưa chính là thân ta ngày nay, thuở xưa ta hủy báng Phật Ca-diếp ba là muốn chứng được Chánh giác phải tu khổ hạnh, vị ấy không tu khổ hạnh làm sao chứng được Chánh giác. Do lời hủy báng này nên nay ta phải thọ báo khổ hạnh sáu năm. Các Bí-sô nên biết, nghiệp báo ắt phải tự thọ lấy… các thầy nên tu học như vậy”.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20