CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA PHÁ TĂNG SỰ

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường – TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh – năm 2009

Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 1

Bạc già phạm cùng chúng đại Bí-sô ở tại thành Kiếp-tỷ-la trong vườn Ni câu luật đà, lúc đó các Thích ca tử cùng nhóm họp một nơi nói với nhau: “nếu có người hỏi chúng ta chủng tộc Thích ca, ai là vị tổ đầu tiên, sanh vào thời nào và sự kế thừa như thế nào thì chúng ta sẽ đáp như thế nào. Chúng ta nên đến hỏi Thế tôn rồi vâng theo lời Phật dạy”, nói rồi các Thích tử liền đi đến chỗ Phật, đảnh lễ rồi ngồi qua một bên chắp tay bạch Phật: “Thế tôn, nếu có người hỏi chúng con chủng tộc Thích ca có từ lúc nào thì chúng con sẽ trả lời như thế nào, cúi xin Thế tôn thương xót nói cho chúng con biết, chúng con sẽ vâng theo lời Phật dạy”. Thế tôn nghe lời này rồi liền im lặng tư duy: “nếu ta tự nói chủng tộc Thích ca có người tôn quý thì ngoại đạo sẽ phỉ báng rằng Sa môn Kiều-đáp-ma tự khen ngợi chủng tộc Thích ca để được tôn cao. Trong đệ tử của ta, ai là người có thể nói được việc này”, liền biết cụ thọ Đại Mục-kiền-liên có thể nói được nên bảo Mục liên: “ta nay nhập định, thầy hãy nói nhân duyên ấy cho họ nghe”, Mục liên im lặng vâng lời Phật dạy. Lúc đó Phật lấy y Tăng-già-lê xếp làm bốn để gối đầu rồi nằm nghiêng bên hông hữu, hai chân chồng lên nhau, quán tưởng quang minh và chánh niệm. Mục liên suy nghĩ: “ta nên nhập định tư duy quán sát để biết chủng tộc Thích ca”, nghĩ rồi liền ở trước đại chúng lên tòa cao ngồi kiết già rồi nói với các Thích tử rằng: “các thầy hãy lắng nghe:

Lúc thế giới mới hình thành, đại địa là một biển nước, biển nước này do gió kích động hòa hợp thành một loại như sữa nấu chín, khi lạnh thì đông lại, sắc hương mỹ vị đều đầy đủ. Khi thế giới này thành, do phước mạng hết nên loài hữu tình từ cõi trời Quang Âm chết sanh xuống thế giới này làm người, diệu sắc ý thành, các căn đầy đủ, thân có ánh sáng, bay tự tại trong hư không, lấy hỉ lạc làm thức ăn và được trường thọ. Lúc đó trong thế giới này không có mặt trời, mặt trăng và tinh tú, không có thời gian vận hành nên không phân biệt ngày đêm năm tháng và nam nữ, chỉ biết kêu nhau là “Tát đỏa” mà thôi. Lúc đó có một hữu tình tò mò dùng tay nếm thử vị đất liền sanh đắm nhiễm, từ đó đưa đến đoàn thực. Các hữu tình khác lần lượt bắt chước ăn vị đất, do ăn vị đất thân hình nặng dần, ánh sáng nơi thân cũng nhạt dần rồi mất hẳn, thế giới rơi vào cảnh tối tăm. Khi thế giới tối tăm, bổng nhiên phát sanh mặt trời, mặt trăng và tinh tú, tự nhiên thời gian vận hành và phân biệt được ngày đêm năm tháng. Các hữu tình tuy ăn vị đất nhưng vẫn được trường thọ, hữu tình nào ăn ít thì thân còn có ánh sáng, hữu tình nào ăn nhiều thì không còn nên sanh có đẹp xấu. Do có đẹp xấu nên sanh so sánh phân biệt, người đẹp coi thường người xấu nên pháp ác liền sanh, pháp ác sanh thì vị đất cũng mất. Khi vị đất mất, các hữu tinh tụ họp lại một chỗ ưu sầu kêu lên “kỳ lạ thay mỹ vị”, tiếng kêu mang đầy sự nuối tiếc. Tuy vị đất mất nhưng các hữu tình này còn phước lực nên bánh đất xuất hiện đầy đủ sắc hương vị, nhờ đó được trường thọ. Hữu tình nào ăn ít thì thân còn có ánh sáng… như trên đưa đến pháp ác sanh khiến bánh đất biến mất. Khi bánh đất mất các hữu tình tập họp lại một chỗ kêu lên “khổ thay”, tiếng kêu mang đầy sự tiếc nuối. Tuy bánh đất mất nhưng các hữu tình này còn phước lực nên có rừng cây xuất hiện đây đủ sắc hương vị, nhờ đó được trường thọ. Hữu tình nào ăn ít thì thân còn có ánh sáng … như trên đưa đến pháp ác sanh khiến rừng cây biến mất. Khi rừng cây biến mất, các hữu tình tập họp lại một chỗ kêu lên “người đã lìa bỏ tôi”, tiếng kêu mang đầy sự tiếc nuối. Tuy rừng cây mất nhưng các hữu tình này còn phước lực nên lúa diệu hương xuất hiện, không trồng mà tự mọc, sáng chiều liền thu hoạch, thu hoạch xong lúa lại tự sanh, nhờ vậy nên các hữu tình được trường thọ. Vì thức ăn lúc bấy giờ là đoàn thực nên ăn xong sau đó phải thải căn bả ra ngoài, nên hai đường đại tiểu liền liền sanh, do đây phát sanh nam nữ sai khác và đắm nhiễm nhau, do đắm nhiễm nên thân gần làm điều phi pháp. Các hữu tình khác trông thấy liền lấy đá gạch quăng ném quở mắng và đuổi ra ngoài chúng hữu tình. Xưa kia là như vậy nhưng nay thì khác, vào ngày cưới họ dùng hương hoa tung ném chúc mừng nhau. Xưa cho là phi pháp nay thành hợp pháp; xưa chê trách khinh tiện, nay cho là hỉ sự. Thuở đó những hữu tinh làm điều phi pháp bị đuổi ra ngoài liền tụ tập nhau lại xây dựng phòng xá, đây là khởi nguyên của xây dựng nhà cửa gọi là gia thất. Các thầy nên biết, xưa kia do tham dâm nên họ xây dựng nhà cửa, như pháp làm không phải là phi pháp làm, đây là phi pháp cho là pháp.

Mỗi ngày vào buổi sáng hay buổi chiều hễ thấy đói, các hữu tình liền cắt lúa về đủ ăn cho mỗi bữa, không lấy dư; nhưng có một hữu tình vì lười biếng nên vào buổi sáng cắt lúa dư cho buổi chiều ăn, đến chiều khi có bạn rủ đi cắt lúa, người này liền đáp: “hồi sáng tôi đã cắt lúa dư cho buổi chiều ăn nên giờ không đi nữa, anh hãy đi một mình”, người kia nghe rồi liền khen: “như vậy rất hay, tôi cũng sẽ cắt lúa luôn cho ngày mai để khỏi phải đi nữa”; một người khác nghe biết cũng bắt chước cắt lúa dư luôn cho ba ngày; một người khác lại bắt chước cắt lúa dư luôn cho bảy ngày; một người khác lại cũng bắt chước cắt lúa dư luôn cho nửa tháng cho đến một tháng. Cứ như thế lượng lúa họ cắt để dành càng ngày càng tăng lên, do tâm tham càng tăng nên lượng lúa sanh giảm dần với nhiều trấu và cỏ. Ban đầu, buổi sáng cắt lúa thì buổi chiều lúa sanh trở lại, buổi chiều cắt thì buổi sáng sanh trở lại và hạt lúa vẫn thơm ngon; nay do tâm tham nên sau khi cắt lúa, lúa không sanh trở lại nữa, nếu có sanh cũng chỉ là hạt nhỏ và không thơm ngon như truớc nữa. Lúc đó các hữu tình nhóm họp lại một chỗ ưu sầu than thở với nhau: “trước kia thân chúng ta tươi sáng, bay đi tự tại, vui vẻ no đủ ; sau dùng vị đất làm thức ăn, do ăn nhiều vị đất thân chúng ta trở nên nặng nề, mất dần ánh sáng và mất luôn cả thần thông”, do gặp việc tổn thất, họ ưu sầu than thở như vậy nên cảm sanh ra mặt trăng, mặt trời và các ngôi sao… Do lúa sau khi cắt không sanh trở lại nữa nên các hữu tình nói với nhau: “từ nay chúng ta nên phân chia giới đất để tự gieo trồng”, nói xong họ chia đất ra làm nhiều phần để tự cầy cầy gieo trồng và lập bờ ruộng cách ngăn, nói đây là ruộng của anh, đây là ruộng của tôi… Lúc đó có một hữu tình lười biếng, không lo trồng trọt nên lấy trộm lúa của người khác, có người bắt gặp liền nói: “vì sao anh lại lấy trộm lúa của người khác, lở phạm môt lần này, lần sau chớ tái phạm”; nhưng hữu tình này vẫn tiếp tục lấy trộm lúa của người khác như cũ, thấy khuyên nhiều lần không được nên các hữu tình rình bắt dẫn đến trước mọi người, mọi người quở trách: “ngươi đã có ruộng, vì sao lại nhiều lần trộm lúa của người khác như thế?”, người trộm lúa nói: “vì một ít lúa mà các người lại bắt tôi và hủy nhục trước mọi người như vậy”, mọi người nói: “từ nay người chớ tái phạm nữa”. Do việc trộm lúa này nên mọi người sanh hủy nhục nhau, lúc đó các hữu tình tập họp lại và nói với nhau: “các vị đã thấy rõ do việc trộm lúa này mà mọi người sanh hủy nhục nhau, không biết cả hai ai là người có tội. Chúng ta nên ở trong chúng chọn ra một người đoan chánh đầy đủ oai đức, trí huệ thông đạt, lập lên làm Địa chủ để trị phạt người có tội và bảo bọc người vô tội. Mỗi người chúng ta sẽ y theo pháp, trích một phần hoa lợi thu được từ ruộng mà chúng ta trồng trọt để cấp cho vị ấy”. Bàn bạc xong, họ chọn ra môt người có đầy đủ oai đức như trên lập lên làm Địa chủ…, do mọi người đồng ý lập lên làm Địa chủ nên vị này được gọi là Đại đồng ý; vị này chở che người yếu kém nên còn được gọi là Sát-đế-lỵ; lại do trị nước như pháp khiến mọi người hoan hỉ, lại có giới hạnh và trí huệ nên được mọi người gọi là vua Đại đồng ý. Lúc vua lên ngôi, mọi người gọi là vua hữu tình Đại đồng ý; vua có con tên là Ý lạc, khi lên nối ngôi được mọi người gọi là vua Cận lai Ý lạc. Vua có con tên là Thiện đức, khi lên nối ngôi được gọi là vua Yểm tử Thiện đức; vua có con tên là Tối thắng thiện, khi lên nối ngôi được gọi là vua Vân yết Tối thắng thiện; vua có con tên là Trưởng tịnh, khi lên nối ngôi được gọi là vua Đa la thượng già Trưởng tịnh. Trên đảnh vua có một cục thịt mềm như hoa Tế miên điệp, ngày càng lớn dần nhưng không đau nhức; thời gian sau nó chín và nứt, lộ ra một đứa bé dung mạo đoan nghiêm có đủ ba mươi hai tướng đại trượng phu, do đứa bé này sanh ra trên đảnh đầu của vua nên được gọi là Đảnh sanh. Vua Trưởng tịnh có sáu vạn phu nhân, khi vua dẫn Đảnh sanh vào hậu cung, sáu vạn phu nhân vừa nhìn thầy liền yêu mến, vú tự chảy ra sữa nên họ đều cùng nuôi dưỡng đứa bé này nên còn được gọi là Trì dưỡng. Trì dưỡng lên nối ngôi, cũng như năm vị vua trước, thọ vô lượng tuổi, trụ lâu ở đời; lúc đó nơi đùi phải của vua có một cục thịt mềm như hoa Tế miên điệp, ngày càng lớn dần nhưng không đau nhức; thời gian sau nó chín và nứt, lộ ra một đứa bé dung mạo đoan nghiêm có đủ ba mươi hai tướng đại trượng phu, do dung mạo đoan nghiêm nên được gọi là Đoan nghiêm. Đoan nghiêm lên nối ngôi có oai đức lớn, cai trị bốn đại châu được đại tự tại; lúc đó nơi đùi vế của vua có một cục thịt mềm như hoa Tế miên điệp, ngày càng lớn dần nhưng không đau nhức; thời gian sau nó chín và nứt, lộ ra một đứa bé dung mạo đoan nghiêm có đủ ba mươi hai tướng đại trượng phu, được gọi là Cận Đoan nghiêm. Cận Đoan nghiêm lên nối ngôi có oai đức lớn, cai trị ba đại châu được đại tự tại; lúc đó nơi chân phải của vua có một cục thịt mềm như hoa Tế miên điệp, ngày càng lớn dần nhưng không đau nhức; thời gian sau nó chín và nứt, lộ ra một đứa bé dung mạo đoan nghiêm có đủ ba mươi hai tướng đại trượng phu, được gọi là Đoan nghiêm túc sanh. Đoan nghiêm túc sanh lên nối ngôi cai trị hai đại châu, oai đức tự tại; lúc đó nơi chân trái của vua có một cục thịt mềm như hoa Tế miên điệp, ngày càng lớn dần nhưng không đau nhức; thời gian sau nó chín và nứt, lộ ra một đứa bé dung mạo đoan nghiêm có đủ ba mươi hai tướng đại trượng phu, được gọi là Cực Đoan nghiêm. Cực Đoan nghiêm lên nối ngôi cai trị một đại châu, oai đức tự tại; vua có con tên là Ái lạc, vua Ái lạc có con tên là Thiện lạc, vua Thiện lạc có con tên là Năng xả, vua Năng xả có con tên là Cực xả, vua Cực xả có con tên là Chi xa, vua Chi xa có con tên là Nghiêm xa, vua Nghiêm xa có con tên là Tiểu hải, vua Tiểu hải có con tên là Trung hải, vua Trung hải có con tên là Đại hải, vua Đại hải có con tên là Đại thụy điểu, vua Đại thụy điểu có con tên là Hương thảo, vua Hương thảo có con tên là Cận Hương thảo, vua Cận hương thảo có con tên là Đại Hương thảo, vua Đại Hương thảo có con tên là Thiện kiến, vua Thiện kiến có con tên là Đại thiện kiến, vua Đại Thiện kiến có con tên là Cực Ái, vua Cực Ái có con tên là Đại Ái, vua Đại Ái có con tên là Diệu thanh, vua Diệu thanh có con tên là Tác quang, vua Tác quang có con tên là Hữu oai, vua Hữu oai có con tên là Quảng đại, vua Quảng đại có con tên là Đại di lâu, vua Đại di lâu có con tên là Hữu di lâu, vua Hữu di lâu có con tên là Quảng tuệ, vua Quảng tuệ có con tên là Diễm quang, vua Diễm quang có con tên là Hữu diễm, vua Hữu diễm có con tên là Hữu đại diễm. Vua Hữu đại diễm cùng con cháu nối nhau làm vua ở thành Phú đa la cho đến trăm đời, vua cuối cùng tên là Điều oán, do vua này có thể điều phục các oán địch. Vua Điều oán cùng con cháu nối nhau làm vua ở thành Vô đấu cho đến vạn bốn ngàn đời, dùng chánh pháp giáo hóa, vua cuối cùng tên là Vô năng thắng. Con cháu của vua này nối nhau làm vua ở thành Bà-la-nê-tư cho đến sáu vạn ba ngàn đời, cũng dùng chánh pháp giáo hóa, vua cuối cùng tên là Nan đương Nan đương. Con cháu của vua này nối nhau làm vua ở thành Kim-tỳ-la cho đến tám vạn bốn ngàn đời, vua cuối cùng tên là Phạm thọ. Con cháu của vua này nối nhau làm vua ở thành Tượng tạo cho đến ba vạn hai ngàn đời, cũng dùng chánh pháp giáo hóa, vua cuối cùng tên là Tượng thọ. Con cháu của vua này nối nhau làm vua ở thành Tước thạch cho đến năm ngàn đời, vua cuối cùng tên là Cập thời. Con cháu của vua này nối nhau làm vua ở thành Quảng kiên ức cho đến ba vạn hai ngàn đời, cũng dùng chánh pháp giáo hóa, vua cuối cùng tên là Đông thắng lực. Con cháu của vua này nối nhau làm vua ở thành Vô thắng cho đến ba vạn hai ngàn đời, cũng dùng chánh pháp giáo hóa, vua cuối cùng tên là Thượng thắng. Con cháu của vua này nối nhau làm vua ở thành Diệu đồng nữ cho đến một vạn hai ngàn đời, cũng dùng chánh pháp giáo hóa, vua cuối cùng tên là Thắng quân. Con cháu của vua này nối nhau làm vua ở thành Thiệm bà cho đến một vạn tám ngàn đời, cũng dùng chánh pháp giáo hóa, vua cuối cùng tên là Long thiên. Con cháu của vua này nối nhau làm vua ở thành Mạt lợi cho đến hai vạn năm ngàn đời, cũng dùng chánh pháp giáo hoa, vua cuối cùng tên là Nhơn thiên. Con cháu của vua này nối nhau làm vua ở thành Đa ma lật để cho đến một vạn hai ngàn đời, cũng dùng chánh pháp giáo hóa, vua cuối cùng tên là Hải thiên. Con cháu của vua này nối nhau làm vua ở thành Hoan hỉ cho đến một vạn tám ngàn đời, cũng dùng chánh pháp giáo hóa, vua cuối cùng tên là Thiện huệ. Con cháu của vua này nối nhau làm vua ở thành Vương xá cho đến hai vạn năm ngàn đời, cũng dùng chánh pháp giáo hóa, vua cuối cùng tên là Trừ ám. Con cháu của vua này nối nhau làm vua ở thành Bà-la-nê-tư cho đến trăm đời, cũng dùng chánh pháp giáo hóa, vua cuối cùng tên là Đại đế quân. Con cháu của vua này nối nhau làm vua ở thành Câu thi na cho đến tám vạn bốn ngàn đời, cũng dùng chánh pháp giáo hóa, vua cuối cùng tên là Hải thần. Con cháu của vua này nối nhau làm vua ở thành Bố đa la cho đến một ngàn đời, cũng dùng chánh pháp giáo hóa, vua cuối cùng tên là Tu hành. Con cháu của vua này nối nhau làm vua ở thành Câu thi na cho đến tám vạn bốn ngàn đời, cũng dùng chánh pháp giáo hóa, vua cuối cùng tên là Quảng diện. Con cháu của vua này nối nhau làm vua ở thành Bà-la-nê-tư cho đến mười vạn đời, cũng dùng chánh pháp giáo hóa, vua cuối cùng tên là Địa chủ. Con cháu của vua này nối nhau làm vua ở thành Vô chiến cho đến một ngàn đời, vua cuối cùng tên là Trì đại địa, như pháp giáo hóa. Con cháu của vua này nối nhau làm vua ở thành Di-sỉ-la cho đến tám vạn bốn ngàn đời, cũng dùng chánh pháp giáo hóa, vua cuối cùng tên là Đại thiên. Con cháu của vua này cũng nối nhau làm vua tại thành này cho đến tám vạn bốn ngàn đời đều đồng một hiệu là Đại thiên, đều có thần thông và tu giới hạnh, vua cuối cùng tên là Nễ di. Con cháu của vua này thứ lớp có tên là Kiên, Khư nỗ, Cận khư nỗ, Hữu khư nỗ, Cực khư nỗ, Thiện kiến, Chánh kiến, Quân thính, Ngộ liễu, Đại ngộ, Ngộ quân, Vô ưu, Ly ưu, Tục quả, Thiện hợp, Đại thanh, Sát đại thanh, Minh đán, Phường chủ, Đấu chiến, Sanh bố, Khánh hỉ, Cảnh môn, Năng sanh, Phổ sanh, Tối thắng, Ẩm thực, Đa ẩm thực, Nan thắng, Cực nan thắng, A-nan lập, Thiện lập, Đại lực, Thiện huệ, Thắng kiên cố, Thập cung, Bách cung, Tân cung, Diệu sắc cung, Thắng cung, Kiên cung, Thập man, Bách man, Thiên man, Diệu sắc man, Lao man. Con cháu của vua này nối nhau làm vua ở thành Thiện nghị cho đến bảy vạn bảy ngàn đời, vua cuối cùng tên là Quả tiên vương. Con của vua này tên là Long hộ cùng con cháu nối nhau làm vua ở thành Bà-la-nê-tư cho đến một trăm lẻ một đời, vua cuối cùng tên là Cát chỉ. Lúc đó có Phật Ca-diếp ba ra đời có đủ mười hiệu: Như lai, Bạc già phạm, Ứng chánh đẳng giác, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế Tôn. Trong đạo tràng của Phật Ca-diếp ba, Bồ-tát Thích ca Mâu ni phát Anậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề, tịnh tu phạm hạnh và được sanh lên cõi trời Đổ-sử-đa. Con của vua Cát chỉ tên là Thiện sanh cùng con cháu nối nhau làm vua ở thành Bổ-đa-la cho đến một trăm lẻ một đời, vua cuối cùng tên là Nhĩ sanh. Vua này có hai người con tên là Kiềuđáp-ma và Ba-la-đọa-xà, Kiều-đáp-ma muốn xuất gia còn Ba-la-đọaxà muốn làm vua. Lúc đó Kiều-đáp-ma thấy phụ vương lấy phi pháp làm pháp, pháp làm phi pháp để trị nước, liền suy nghĩ: “nếu vua cha băng hà, ta sẽ làm vua, nếu cứ lấy phi pháp làm pháp, pháp làm phi pháp để trị nước như vậy, ta sẽ bị đọa địa ngục. Đã có nạn này ta phải làm sao, ta nên làm cách gì để được xuất gia, thoát khỏi khổ này”, nghĩ rồi liền đến gặp phu vương tâu rằng: “con nay muốn xuất gia hướng đến nếp sống không nhà”, vua nói: “nếu vì nghĩa lợi nên nhiều người bố thí tài, cầu cúng thiên thần, thờ lửa, tu khổ hạnh để cầu ngôi vị quốc vương thì nay con đều đã được. Sau khi ta mất, con sẽ nối ngôi, vì sao con lại tự bỏ ngôi vị này?”, Kiều-đáp-ma tâu: “con thấy phụ vương lấy phi pháp làm pháp, pháp làm phi pháp để trị nước, làm nghiệp ác này sẽ đọa địa ngục, con vì lo sợ nên cầu xuất gia. Xin phu vương thương xót chấp thuận”, lúc đó vua cha biết ý con đã quyết nên chấp thuận, vương tử rất vui mừng.

Cách thành không xa có một tiên nhân tên là Hắc sắc, vương tử từ biệt vua cha và các quyến thuộc đi đến chỗ tiên nhân, đảnh lễ cầu xuất gia, tiên nhân chấp thuận. Sau khi xuất gia vương tử lấy trái cây, rễ cây làm thức ăn, được gọi là tiên Kiều-đáp-ma; do thường ăn trái cây như thế nên sanh bịnh nên Kiều-đáp-ma bạch thầy xin phép vào tụ lạc khất thực, tiên Hắc sắc nói: “pháp của tiên nhân là gìn sáu căn lìa sáu cảnh, dù ở trong hang núi hay ở trong tụ lạc cũng không có gì đáng sợ. Nếu ông giữ được pháp tiên như vậy thì được đi, nên làm nhà tranh gần thành Bổ-đa-la để ở”. Lúc đó vua Nhĩ sanh băng hà, vương tử Bala-đọa-xà lên nối ngôi, Kiều-đáp-ma từ biệt thầy đi đến thành Bổ-đa-la dựng một ngôi nhà tranh để ở, khất thực tự sống. Trong thành có một dâm nữ tên là Chiêu hiền, dung mạo đoan chánh được nhiều người yêu thích, lúc đó có một người bất thiện tên Mật-nại-la, do tham dục nên đem chuỗi anh lạc và áo đẹp cho dâm nữ muốn đón về cùng hoan lạc. Dâm nữ đeo chuỗi anh lạc, mặc áo đẹp này định đến chỗ Mật-nại-la như đã ước hẹn, vừa tới cửa liền có người đưa đến năm trăm tiền muốn cùng cô vui chơi, dâm nữ suy nghĩ: “năm trăm tiền này tự nhiên mang đến , vì sao ta lại không nhận”, nghĩ rồi liền nhận tiền để cùng đi vui chơi với người đó. Trước khi đi, dâm nữ bảo người hầu: “hãy đến chỗ Mật-nại-la nói là ta chưatrang điểm xong, lát nữa sẽ đến”, người hầu vâng lời đến nói. Không ngời người đưa tiền cho dâm nữ lại có việc gấp phải đi, dâm nữ suy nghĩ: “người này đã đi, ta nên đi đến chỗ ước hẹn trước cũng không muộn”, nghĩ rồi liền bảo người hầu: “hãy đến chỗ Mật-nại-la nói là ta đã trang điểm xong, không biết muốn cùng gặp nhau ở vườn cây nào?”, người hầu vâng lời đến nói, Mật-nại-la nói: “mới vừa rồi nói là chưatrang điểm xong, giờ lại nói là trang điểm rồi”, người hầu này trong lòng có hiềm hận nên nói: “hồi nãy không phải là cô chủ chưatrang điểm xong, mà là đeo chuỗi anh lạc và áo đẹp của ông để đi với người khác”, Mật-nại-la nghe rồi tâm tham dục liền dứt, tâm sân hận liền sanh nên bảo người hầu này rằng: “nếu cô chủ ngươi đã trang điểm xong thì hãy đến rừng cây —- ”, người hầu trở về báo lại. Dâm nữ đeo chuỗi anh lạc và mặc áo đẹp đi đến khu vườn đó để gặp Mật-nại-la, Mật-nại-la vừa gặp liền giận dữ nói: “dâm nữ, vì sao lại đeo chuỗi anh lạc và mặc áo đẹp của ta để đi gặp người khác?”, dâm nữ nói: “Thánh tử, người nữ thường có lỗi này, xin hãy tha thứ cho tôi”, Mật-nại-la liền rút dao bén ra giết chết dâm nữ, người hầu thấy vậy liền la to: “có giặc, giặc giết chủ tôi”. Nghe tiếng la, mọi người chạy đến, Mật-nại-la thấy mọi người chạy đến nên lo sợ ; gần khu vườn này có ngôi nhà tranh của tiên Kiều-đáp-ma, Mật-nại-la không còn đường trốn liền để dao dính máu trước cửa nhà tranh rồi ẩn vào trong đám đông. Mọi người lần theo dấu vết thấy con dao dính máu ở trước cửa ngôi nhà tranh liền bắt tiên nhơn và nói rằng: “ông mang hình dáng tiên vì sao lại làm nghiệp ác này?”, tiên nhân hỏi: “tôi có lỗi gì?”, mọi người nói: “ông cùng người nữ làm điều phi pháp rồi giết cô ta”, tiên nhân nói: “tôi không có làm nghiệp ác này”. Mọi người không tin bắt trói rồi dẫn đến chỗ vua tâu rõ sự việc, vua nghe rồi không xét hỏi gì liền ra lịnh xử tội tiên nhân ngồi trên bàn chông, sai các Chiên đà la mặc áo xanh, tay cầm dao bén đưa tiên nhân nhiễu quanh khắp thành, đánh trống tuyên nói tội của tiên nhân cho mọi người biết. Lúc đó tiên Hắc sắc tìm đến, thấy Kiều-đáp-ma ngồi trên bàn chông, tình cảnh đáng thương nên áo não rơi lệ hỏi: “do đâu mà con gặp nỏi khổ này?”, Kiều-đáp-ma nghẹn ngào rơi lệ nói: “đây là nghiệp đời trước, không thể thoát được”, tiên Hắc sắc nói: “con bị đau đớn như vậy, đối với các pháp hành thân tâm con có lui sụt hay không?”, đáp: “con tuy đau đớn nhưng tâm con không tổn hại”, tiên Hắc sắc hỏi: “làm sao chứng biết được?”, Kiều-đáp-ma nói: “trước nay con nói lời chân thật, chưa từng nói dối. Nếu tâm hạnh con thật không thay đổi thì nguyện cho màu da đen của thầy biến thành màu vàng kim”, nói vừa dứt lời, sắc da của tiên Hắc sắc biến thành màu vàng kim. Thấy việc này rồi, tiên Hắc sắc vui mừng khen là việc chưa từng có, Kiều-đáp-ma hỏi: “sau khi con chết sẽ được đạo gì?”, tiên Hắc sắc nói: “theo pháp của ngoại đạo Bà-la-môn nói rằng người không có con thì không được đạo lành, con đã có con chưa?”, đáp: “xưa kia còn là đồng tử ở trong cung, con đã thích tu đạo nên bỏ nhà xuất gia, thường tu phạm hạnh, làm sao có con được”, tiên Hắc sắc nói: “vậy con hãy nhớ lại việc quá khứ”, Kiều-đáp-ma nói: “con đang đau đớn, từng lóng đốt như dao cắt, chỉ nghĩ đến cái chết, làm sao sanh ý tưởng khác”. Tiên Hắc sắc dùng thần thông lực nổi mưa gió lớn rưới lên khắp thân của Kiều-đáp-ma khiến cho mọi đau đớn tiêu tan, Kiều-đáp-ma liền nhớ lại việc dâm dục thời quá khứ, ngay nơi thân liền có hai giọt tinh huyết rơi xuống đất, do nghiệp lực hai giọt máu này trở thành hai quả trứng. Như trong kinh nói có bốn việc không thể nghĩ bàn: 1. Là cảnh giới của chư Phật không thể nghĩ bàn. 2. Là rồng không thể nghĩ bàn. 3. Là tâm ý thế gian không thể nghĩ bàn và 4. Là nghiệp lực di thục của các hữu tình không thể nghĩ bàn. Lúc đó nhờ nắng ấm, hai quả trứng này dần dần chín, mỗi quả nứt ra một đồng tử; cách nơi này không xa có một vườn mía, hai đồng tử này liền vào trong vườn mía đó, do phước đức nên dung mạo chúng càng xinh đẹp, còn Kiều-đáp-ma bị nắng thiêu đốt nên qua đời.

Sáng hôm sau tiên Hắc sắc đến thăm thì thấy Kiều-đáp-ma đã qua đời, lại thấy hai vỏ trứng nứt liền lần theo dấu vết tìm thấy hai đồng tử trong vườn mía. Tiên liền nhập định để quán xem hai đồng tử này là con của ai, liền biết đó là dòng giống của Kiều-đáp-ma nên sanh yêu mến, dắt về trú xứ nuôi dưỡng cho đến trưởng thành và đặt tên là Noãn sanh, cũng gọi là Nhật chủng, lại là dòng giống của Kiều-đáp-ma nên cũng gọi là Kiều-đáp-ma; lại do từ thân trước kia sanh ra nên cũng gọi là Thân sanh, lại do tìm thấy được trong vườn mía nên cũng gọi là Cam giá chủng; do có bốn duyên nên có bốn tên gọi như thế.

Thời gian sau, vua Ba-la-đọa-xà băng hà, không có con nối ngôi, quần thần hội họp luận bàn không biết nên tôn ai lên nối ngôi, một đại thần nói: “vua còn một người anh là Kiều-đáp-ma, trước đây đã vào núi tu đạo, chúng ta nên đến thỉnh người lên nối ngôi”. Họ liền đến chỗ tiên Hắc sắc đảnh lễ và hỏi thăm về Kiều-đáp-ma, tiên Hắc sắc kể lại sự việc trên, quần thần nghe rồi liền nói: “chúng tôi thật có lỗi”. Lúc đó hai đồng tử, con của Kiều-đáp-ma đi đến, mọi người liền hỏi lai lịch, tiên Hắc sắc kể lại sự việc, mọi người nghe rồi liền hoan hỉ thỉnh đồng tử lớn về nước để nối ngôi vua. Vua trị nước không bao lâu sau thì băng hà, lại không có con nối ngôi, quần thần liền nghinh đón người em lên nối ngôi, cả hai vua đều hiệu là Cam giá. Vua Cam giá cùng con cháu nối nhau làm vua ở thành Bổ-đa-lặc-ca cho đến một trăm lẻ một đời, vua cuối cùng tên là Quân tướng cũng gọi là Tăng trưởng. Vua này có bốn đại phu nhân, mỗi người đều sanh một nam một nữ; bốn vương tử có tên là Hỏa cự diện, Đại nhĩ, Tượng hành và Bảo xuyến vương. Sau đó bốn phu nhân đều qua đời, vua Quân tướng ưu sầu nên ở mãi trong cung, quần thần thấy vậy liền tâu vua: “vua các nước lân cận đều có vương nữ xinh đẹp, chúng thần sẽ tìm kiếm hoàng hậu cho vua”, vua nói: “ta có bốn con đều đã trưởng thành, có thể nối ngôi thì ai có thể đem con gái gả cho ta”, quân thần tâu: “chỉ cần vua ra lịnh, chúng thần sẽ tìm khắp bốn phương”. Sau đó, quân thần biết được có một công chúa aon của một quốc vương có thể làm phi hậu của vua nên đến tâu vua, vua liền sai sứ giả đến nước đó, vua nước đó hỏi sứ giả nguyên do rồi nói: “nếu vua nước ông muốn làm thân với ta thì phải lập giao ước: hễ con ta có con thì phải cho nối ngôi”, sứ giả liền trở về nước tâu lại cho vua biết, vua nói: “ta đã có con trưởng, cho dù cô ấy sanh con cũng không thể cho nối ngôi được”, quần thần tâu: “vua cứ hỏi cưới, cô ấy sau này có sanh con nam hay nữ hay là thạch nữ còn chưa biết, cần gì phải lo trước”, vua nghe lời liền sai sứ đến nước đó cầu hôn và lập giao ước rồi đón vương nữ về nước. Vua Tăng trưởng cùng phu nhân mới cưới hoan lạc, tham Ái càng tăng, không bao lâu sau phu nhân mang thai, đủ tháng sanh được một nam dung mạo đoan nghiêm, mọi người đều yêu mến; vua giao hoàng tử cho tám bà nhũ mẫu nuôi dưỡng. Trước đây khi cưới công chúa, vua có lập giao ước với vua nước kia : nếu công chúa sanh con trai thì sẽ cho nối ngôi vua và đặt tên là Ái lạc, nhưng khi Ái lạc trưởng thành như hoa sen trong nước thì vua Tăng trưởng lại muốn lập con trưởng, không muốn lập Ái lạc. Vua nước kia hay tin liền sai sứ mang thư sang cho vua tăng trưởng, trong thư nói: vì sao vua lại vi phạm lời giao ước trước đây, nếu vua vi phạm lời giao ước thì tôi sẽ đem binh sang chinh phạt, vua hãy dàn binh đợi tôi. Vua đọc thư xong liền hội quần thần nói: “trong thư bắt ta phải thực hiện lời giao ước trước đây, chúng ta phải làm sao?”, quần thần tâu: “vua nước kia có oai lực lớn, vua nên lập Ái lạc làm Thái tử”, vua nói: “ta đã có con trưởng, làm sao có thể lập con nhỏ được”, quần thần tâu: “bốn binh của nước ấy hùng mạnh, nếu vua không chấp thuận thì họ sẽ sang xâm lấn, xin vua hãy lập Ái lạc và cho bốn vương tử rời khỏi nước”, vua nói: “con ta không có tội, làm sao có thể bảo chúng rời khỏi nước”, quần thần nói: “chúng thần chỉ muốn làm lợi ích mà thôi” ; thấy vua im lặng, quần thần nhóm họp một chỗ cùng bàn với nhau: “chung ta nên lập kế gì để vua đuổi bốn vương tử ra khỏi nước”. Lúc đó vua bảo sửa sang khu vườn, quan coi vườn quét dọn sạch sẽ, rải hoa thơm và treo cờ phướn trang hoàng khắp nơi. bốn vương tử này nhân dịp ra ngoài dạo chơi, từ xa thấy trang hoàng khu vườn nên đi đến, gặp quan coi vườn vừa đi ra liền hỏi: “trang hoàng khu vườn cho ai?”, đáp là cho vua, bốn vương tử nghe rồi liền bỏ đi, các quan thấy liền hỏi vì sao không vào, đáp là không dám vào, các quan nói: “vua và các vương tử đều được vào, đâu có lỗi gì”, bốn vương tử nghe rồi liền vào vườn dạo chơi. Quần thần nhân dịp này liền đến tâu vua: “vườn đã được sửa sang xong, xin vua ngự đến dạo chơi”, khi đến nơi thấy có người trong vườn, vua liền hỏi là ai trong đó, đáp là bốn vương tử, vua nghe rồi liền nổi giận, ra lịnh giết; quần thần quỳ xuống tâu rằng: “xin vua đừng giết, chỉ nên đuổi họ ra khỏi nước”, vua liền ra lịnh đuổi bốn vương tử ra khỏi nước. Bốn vương tử đến chỗ vua quỳ xuống tâu rằng: “chúng con xin vua cha cho một nguyện là nếu có quyến thuộc nào muốn theo chúng con thì xin vua thương xót cho phép họ được cùng đi”, vua chấp thuận. bốn vương tử dẫn các công chúa cùng đi, muôn dân trong nước đều xin đi theo, chỉ trong bảy ngày dân chúng đi theo gần hết; quần thần liền tâu vua: “nếu không đóng cửa thành thì dân chúng sẽ đi theo hết”, vua liền ra lịnh đóng cửa thành không cho dân chúng đi theo nữa.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20