CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA PHÁ TĂNG SỰ

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường – TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh – năm 2009

Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 10

Sau khi nghe Thế tôn nói pháp yếu, vua Vị sanh oán phát khởi Vô căn tín: nếu vua cỡi voi ra thành mà thấy Thế tôn ở trên lầu cao, vua liền nhảy từ trên mình voi xuống đất; nếu vua cỡi voi đi đâu mà gặp Thế tôn, vua cũng nhảy từ trên mình voi xuống đất vì rất kính tín Thế tôn. Vua bảo người giữ cửa: “các khanh nên biết, từ nay trở đi ta hoàn toàn quy y Phật và Tăng. Từ nay nếu thấy Phật và các Thanh văn Bí-sô, Bí-sô ni, Ô-ba-sách-ca và Ô-ba-tư-ca cần vào thì không nên ngăn cản, nên mở cửa cho họ vào; nếu thấy Đề-bà-đạt-đa và đồ chúng của vị ấy thì ngăn lại không cho vào”. Thời gian sau, Đề-bà-đạt-đa có việc muốn gặp vua, người giữ cửa không cho vào, Đề-bà-đạt-đa hỏi nguyên do, người giữ cửa nói: “Đại vương có ra lịnh: từ nay trở đi ta hoàn toàn quy y Phật và Tăng. Từ nay nếu thấy Phật và các Thanh văn Bí-sô, Bí-sô ni, Ô-ba-sách-ca và Ô-ba-tư-ca cần vào thì không nên ngăn cản, nên mở cửa cho họ vào; nếu thấy Đề-bà-đạt-đa và đồ chúng của vị ấy thì ngăn lại không cho vào”, Đề-bà-đạt-đa bị ngăn cản không cho vào nên trong lòng không vui. Lúc đó Bí-sô ni Liên-hoasắc sau khi khất thực xong, từ trong cung vua ôm bát đi ra ; Đề-bà-đạt-đa thấy Liên-hoasắc liền suy nghĩ: “có phải do ni này ly gián mới khiến vua Vị sanh oán ngăn không cho ta vào hay không”, nghĩ rồi liền tới gần Liên-hoasắc nói: “ta có lỗi gì mà cô làm chướng ngại nơi nhà mà ta khất thực”, nói xong liền đánh. Liên-hoasắc bị đánh liền nói với giọng bi ai: “xin cho tôi thanh bạch, tôi đã làm gì mà đại đức đánh tôi. Đại đức là anh em của Thế tôn, từ dòng họ Thích ca cao quý xuất gia, tôi thật không có tâm đàm luận. Xin hãy nghe lời chân thành của tôi”, Đề-bà-đạt-đa không thèm nghe lời Liên-hoasắc nói, liền dùng sức đánh vào đầu của Liên-hoasắc. Tuy đau đớn nhưng Liên-hoasắc gắng gượng về đến trong chùa, ni chúng nhìn thấy đều hỏi: “vì sao Thánh giả lại bị khổ nhục này?”, Liên-hoasắc nói: “tất cả vật có thọ mạng đều là vô thường, tất cả pháp đều là vô ngã, chỉ có Niết-bàn là tịch tĩnh. Các cô nên nổ lực tu pháp lành, chớ có phóng dật. Đề-bà-đạt-đa đã tạo thêm nghiệp Vô gián thứ ba, nay đã đến lúc ta nhập Niết-bàn”, nói rồi cô hiện đủ loại thần biến ở trước ni chúng rồi nhập Niết-bàn vô dư. Các Bí-sô ni đều khởi tâm nghi nên đến thỉnh hỏi Thế tôn: “vì sao Bí-sô ni Liên-hoasắc nói lời bi ai khổ thiết, Đề-bà-đạtđa không những không nghe mà còn đánh vào đầu khiến cho cô ấy phải nhập diệt?”, Phật nói: “không phải chỉ ngày nay mà trong quá khứ dù cô ấy nói lời bi ai khổ thiết, thầy ấy vẫn không thèm nghe mà còn giết chết để ăn thịt. Các cô hãy lắng nghe:

Thuở xưa tại một thôn có một trưởng giả nuôi nhiều dê và cho người chăn dê dẫn dê đi ăn ngoài đồng cỏ, đến chiều thì lùa đàn dê trở về. Trong đàn dê có một con dê cái vì già yếu nên không theo kịp đàn dê, một mình lọt lại ở đằng sau và gặp một con sói đói ở bên đường. Dê nói kệ hỏi sói:

“Cậu thường đi một mình,
Có được an vui không ?
Thường ở trong rừng hoang,
Làm thế nào dưỡng thần?”.

Sói đáp:

“Ngươi thường giẫm đuôi ta,
Thường nhổ lông của ta,
Lại kêu ta là cậu,
Muốn tìm đường thoát thân”.

Dê nói:

“Đuôi cậu ở sau lưng,
Tôi từ phía trước đến,
Sao lại đổ oan tôi,
Thường giẫm đuôi của cậu”.

Sói nói:

“Bốn châu, biển và núi,
Đều là đuôi của ta,
Nếu người không giẫm nó,
Thì ngươi từ đâu tới”.

Dê nói:

“Những chỗ tôi nhận biết,
Cậu nói là đuôi cậu,
Thì tôi không dám giẫm,
Tôi từ hư không đến”.

Sói nói:

“Do ngươi từ hư không rơi xuống,
Làm nai trong rừng đều kinh sợ,
Làm mất thức ăn sáng của ta,
Lỗi của ngươi không rõ ràng sao?”

Tuy Dê cái dùng nhiều lời bi ai khổ thiết nhưng Sói dộc ác không thèm nghe, nó cắn đứt đầu dê và ăn thịt.

Phật bảo các Bí-sô: “con Sói đói thuở xưa nay chính là Đề-bà-đạtđa, Dê cái thuở xưa nay chính là Liên-hoasắc. Thuở xưa Liên-hoasắc dùng nhiều lời bi ai khổ thiết vẫn không thoát chết, nay nói lời thành khẩn vẫn bị đánh chết”.

Lúc đó Đề-bà-đạt-đa suy nghĩ: “ta đã nhiều lần làm hại Thế tôn và đã tạo đủ ba nghiệp Vô gián : một là ta xô tảng đá lớn từ trên núi xuống hại Thế tôn, làm cho Thế tôn bị thương chảy máu; hai là phá hòa hợp Tăng, ba là giết chết ni Liên-hoasắc. Ta chưa được Nhất thiết trí, cũng chưa thành tựu các pháp khác, do tạo ba nghiệp này chắc chắn ta sẽ bị đọa địa ngục”, nghĩ rồi ngồi chống cằm sầu tư. Bộ thích noa có việc đi ngang qua, nhìn thấy Đề-bà-đạt-đa như vậy liền hỏi nguyên do, Đề-bà-đạt-đa nói: “tôi lo nghĩ về việc đã nhiều lần làm hại Thế tôn và đã tạo đủ ba nghiệp Vô gián, chắc chắn sẽ bị đọa địa ngục chịu khổ lâu dài”, Bộ thích noa nói: “tôi thường cho trong dòng họ Thích ca chỉ có Thánh giả là người thông minh hiểu biết, lẽ nào hôm nay Thánh giả cũng trở thành ngu si hay sao. Lẽ nào lại có đời sau mà Thánh giả lo buồn, nếu thật có đời sau thì khi Thánh giả tạo nghiệp này, tôi cũng sẽ sầu tư”. Để cởi mở nỗi lòng của Đề-bà-đạt-đa, Bộ thích noa đập bể cái bát ở trước mặt Đề-bà-đạt-đa rồi nói: “dù là trời người cũng không ai có thể làm cho bát này dính lại; đã không có đời sau thì ai sẽ thọ quả báo, người làm và người thọ đều hư dối. Hãy đến thành Kiếp-tỷ-la làm vua tự xưng là thiên tử, tôi sẽ làm Thanh văn đứng đầu của thầy”. Ngay khi Đề-bà-đạt-đa sanh tà kiến thì tất cả căn lành đều mất, lúc đó Phật bảo các Bí-sô: “các thầy nên biết, căn lành của Đề-bà-đạt-đa từ đây bị mất hết. Này các Bí-sô, nếu ta thấy Đề-bà-đạt-đa có chút ít pháp lành thì ta sẽ không thọ ký Đề-bà-đạt-đa sẽ đọa địa ngục Vô gián, chịu khổ một kiếp không thể cứu vãn. Này các Bí-sô, do ta không thấy Đề-bà-đạt-đa có chút ít pháp lành nào như mảy lông nên ta mới thọ ký Đề-bà-đạt-đa sẽ đọa địa ngục Vô gián, chịu khổ một kiếp không thể cứu vãn. Ví như cách thành ấp, thôn xóm không xa có một hố phân sâu hơn một trượng, hôi thúi khó thể tới gần. Chẳng may có một người té xuống hố đó, đầu và tay chân đều bị chìm; một người khác trông thấy vì muốn làm cho người đó được lợi lạc nên đến tìm cách cứu vớt, nghĩ rằng: “nếu ta thấy người bị té xuống hố phân này có một thân phần nào không bị dính phân dơ thì ta sẽ kéo người ấy lên khỏi hố”. Sau khi quan sát cùng khắp, không thấy người bị té kia có một thân phần nào không bị dính phân dơ để có thể dùng tay nắm kéo lên cả. Này các Bí-sô, ta cũng như vậy, nếu ta thấy Đề-bà-đạt-đa có chút ít pháp lành thì ta sẽ không thọ ký Đề-bàđạt-đa sẽ đọa địa ngục Vô gián, chịu khổ một kiếp không thể cứu vãn. Này các Bí-sô, do ta không thấy Đề-bà-đạt-đa có chút ít pháp lành nào như mảy lông nên ta mới thọ ký Đề-bà-đạt-đa sẽ đọa địa ngục Vô gián, chịu khổ một kiếp không thể cứu vãn. Các Bí-sô nên biết, Thiên thọ đã tạo đủ ba pháp ác dục phải đọa trong địa ngục Vô gián, chịu khổ một kiếp không thể cứu vãn: một là Đề-bà-đạt-đa sanh tâm ưa thích tạo tội và bị ác dục kia dẫn dắt; khi đã sanh ác dục và bị ác dục dẫn dắt tức là thành tựu pháp ác dục thứ nhất. Hai là gần bạn ác, giao du với bạn ác; khi đã gần bạn ác, giao du với bạn ác tức là thành tựu pháp ác dục thứ hai. Ba là Đề-bà-đạt-đa mới chứng đắc chút ít, chứng được phẩm hạ liền vui mừng cho là đủ, không chịu tiến tu để chứng pháp thắng thượng ; khi mới chứng đắc chút ít, chứng được phẩm hạ liền vui mừng cho là đủ, không chịu tiến tu để chứng pháp thắng thượng tức là thành tựu pháp ác dục thứ ba”, Phật nói kệ:

“Chớ làm người thế gian,
Ưa thích tạo tội lỗi,
Thành tựu pháp ác dục,
Sẽ chiêu lấy họa hại.
Người đời biết Thiên thọ,
Thông minh không tâm phục,
Cũng không tu thiểu dục,
Sống theo hạnh phóng dật,
Uổng có hình dáng đẹp.
Muốn xâm hại Thế tôn,
Nên ta mới thọ ky,
Đọa Vô gián một kiếp,
Xan tham sanh niệm ác,
Tà kiến không cung kính,
Chắc chắn đọa Vô gián.
Cửa ngục đóng bốn phía,
Người kia vốn không lỗi,
Do ác báng mới sanh,
Đời này hoặc đời sau,
Thọ làm người ngu si.
Ai đổ bình thuốc độc,
Muốn làm hoại nước biển,
Biển cả không bờ bến,
Thì thật là uổng công.
Cũng như có người ác,
Phỉ báng đức Thế tôn,
Bậc lợi mình, lợi người,
Làm sao phỉ báng được.
Tâm chánh kiến thường tịch,
Duyên ác làm sao sanh,
Ai gần gũi bạn lành,
Đó là người thông minh,
Vì sẽ không làm ác,
Cung kính vâng làm theo”.

Sau khi Đề-bà-đạt-đa hủy báng lời Phật dạy, sanh khởi tà kiến đoạn mất căn lành, cho là chỉ có đời này không có đời sau, Đề-bà-đạtđa liền lập ra năm pháp và nói với đồ chúng của mình: “các thầy nên biết, Sa môn Kiều-đáp-ma cho đồ chúng thọ dụng sữa lạc. Từ nay về sau chúng ta không được ăn, vì sao, vì nếu ăn sữa lạc, chúng ta sẽ làm cho bò nghé bị đói khổ. Sa môn Kiều-đáp-ma cho đồ chúng ăn cá thịt, từ nay về sau chúng ta không được ăn, vì sao, vì nếu ăn cá thịt tức là đoạn mạng sống chúng sanh. Sa môn Kiều-đáp-ma cho đồ chúng ăn muối, từ nay về sau chúng ta không được ăn, vì sao, vì trong muối có nhiều bụi đất. Lại nữa khi thọ dụng y, Sa môn Kiều-đáp-ma cho cắt bỏ phần biên vải; từ nay về sau, chúng ta giữ lại phần biên vải, vì sao, vì tiếc công lao của người thợ dệt. Lại nữa, Sa môn Kiều-đáp-ma ở nơi A-lan-nhã; từ nay về sau chúng ta ở trong tụ lạc, vì sao, vì sợ bỏ phí vật của thí chủ cúng dường. Năm pháp này nhiếp tụng:

Không được ăn sữa lạc,
Cá thịt và dùng muối,
Biên vải, ở tụ lạc,
Năm pháp của Thiên thọ”.

Lúc đó đức Bạc già phạm du hành trong nhân gian dần dần đến thành Thất-la-phiệt, Đề-bà-đạt-đa liền suy nghĩ: “ta đã nhiều lần làm hại Sa môn Kiều-đáp-ma nhưng không thành, nay ta nên lăng nhục vợ ông ta”, nghĩ rồi liền đến thành Kiếp-tỷ-la, sai sứ đến nói với Da-duđà-la: “Sa môn Kiều-đáp-ma bỏ nghiệp làm vua mà xuất gia, nay ta đến thay ông ta làm vua, nàng hãy làm vợ ta”, Da-du-đà-la nói cho Cù di ca biết việc này, Cù di ca nói: “đại phu nhân hãy sai sứ đến nói với Thiên thọ: “trước đây khi tôi nắm tay Bồ-tát, Bồ-tát có thể chịu đựng nổi sức mạnh này; nếu ông có thể chịu đựng được thì cứ đến gặp tôi” ”. Thiên thọ nghe rồi không biết tự lượng sức mình liền đến trong cung, đứng chắp tay ; Cù di ca có sức mạnh của Đại nặc cận na chỉ dùng tay trái nắm hai tay đang chắp của Thiên thọ, khiến cho mười ngón tay đều chảy máu rồi ném Thiên thọ vào trong ao nước mà trước kia Bồ-tát thường bơi lội. Khi rớt xuống ao Thiên thọ la to, những người trong dòng họ Thích đều chạy đến, thấy việc này rồi liền nói với nhau: “Đề-bà-đạt-đa không tự lượng sức mình, định vào trong cung làm việc lăng nhục, nên giết chết ông ta”, có người nói: “không nên gia hại một người đã chết, vì Thế tôn đã thọ ký Đề-bà-đạt-đa sẽ đọa địa ngục Vô gián, chịu khổ một kiếp không thể cứu vãn”, nói rồi mọi người đều bỏ đi. Đề-bà-đạt-đa ra khỏi ao bị cọc gỗ xé rách y thành hai mảnh, liền nghĩ: “lành thay, y này khéo xứng hợp tịnh nghi, ta sẽ chế kiểu y này cho các Thanh văn”. Thời gian sau, Thiên thọ lại bảo những người trong họ Thích tôn mình lên làm vua, họ nói: “Bồ-tát đã có vợ, nếu ông dùng quyền lực làm cho bà ấy phục tùng thì ông sẽ được tôn làm vua”, Thiên thọ liền vào trong cung, đến chỗ Da-du-đà-la chắp tay nói: “nàng là đại phu nhân của nước này, chỉ có ta mới xứng làm vua”, Da-du-đà-la có sức mạnh của Đại bát tắc kiên tha, liền rời khỏi giường báu đến nắm hai bàn tay đang chắp của Thiên thọ, khiến mười ngón tay chảy máu và làm cho quỵ xuống đất. Thiên thọ đau đớn lăn lộn trên đất, Da-du-đà-la nói: “ông thật vô lại và cũng hết sức ngu xuẩn, ta chỉ mới nắm tay mà ông đã không chịu đựng nổi, huống chi là muốn cùng giao hợp. Chuyển luân Thánh vương hay là thân sau cùng của Bồ-tát mới xứng là chồng ta, người khác đều không thể”. Thiên thọ hổ thẹn rời khỏi cung, những người dòng họ Thích thấy vậy liền nói: “ông nên đến chỗ Thế tôn cầu xin tha thứ, nếu Thế tôn tha thứ thì ông mới có thể làm vua”. Lúc đó Thiên thọ dùng chất độc nhét dưới mười móng tay trước khi đi đến gặp Thế tôn, nghĩ rằng: “nếu Sa môn Kiều-đáp-ma tha thứ cho ta thì tốt, nếu không tha thứ thì ta sẽ dùng chất độc dưới móng tay này làm cho chân tay của ông ta trúng độc”, nghĩ rồi đến chỗ Phật đảnh lễ rồi bạch: “cúi xin Thế tôn tha thứ”, Phật quán biết Thiên thọ đến với tâm sát hại nên dùng thần lực biến từ đầu gối trở xuống thành đá thủy tinh và im lặng. Thiên thọ thấy Phật im lặng liền nổi giận khởi ý làm hại, dùng móng tay có nhét độc cào chân Thế tôn, chạm vào đá thủy tinh khiến móng tay bị gẫy, chất độc trở ngược làm hại thân khiến Thiên thọ hết sức khổ não. Tôn giả A-nan nói: “Thiên thọ, thầy hãy quy y Thế tôn”, Thiên thọ nói: “đại đức, nếu tôi quy y Phật thì như Phật nói quy y Phật không đọa địa ngục; như vậy sau khi bỏ thân mạng này tôi sẽ sanh thiên. Nhưng Phật đã thọ ký tôi sẽ đọa địa ngục, chịu khổ một kiếp không thể cữu vãn; nếu tôi sanh thiên thì Phật thọ ký sai, nếu tôi quy y Phật mà còn đọa địa ngục thì Phật vọng ngữ”. Khi Thiên thọ tức giận cùng cực thì nghiệp ác chín muồi nên lửa Vô gián đốt khắp thân, Thiên thọ la lớn: “đại đức Anan, tôi đang bị đốt”. Thấy Thiên thọ đau đớn như vậy, vì tình thân nên A-nan càng thương xót liền nói: “Thiên thọ, thầy hãy chí tâm quy y Như lai Vô thượng chánh đẳng chánh giác, đừng nghĩ gì khác”. Khi bị lửa Vô gián đốt, nghiệp báo hiện tiền, chịu khổ não cùng cực ; Thiên thọ lo sợ bất giác nói: “hôm nay từ thân cho đến cốt tủy, tôi chí tâm quy y đức Bạc già phạm”, nói xong hiện thân liền đọa vào địa ngục Vô gián. Lúc đó Phật bảo các Bí-sô: “các thầy nên biết, thiện căn của Đề-bà-đạt-đa đã được khôi phục, thầy ấy ở trong địa ngục thọ tội một kiếp, thọ hết tội rồi sẽ được làm người, theo thứ lớp tu tập cuối cùng chứng được quả vị Phật Bích chi tên là Cụ cốt. Sau khi chứng quả, vị ấy mang bát theo thứ lớp từng nhà khất thực, được thức ăn rồi trở về bổn xứ, rửa tay chân rồi mới thọ thực. Trước khi thọ thực, vị ấy quán đời trước vì lý do gì mình ở mãi trong sanh tử luân hồi, đến nay mới được giác ngộ; liền quán biết đời trước mình đã tạo đủ các nghiệp ác đối với Như lai, lại quán thấy thuở xưa khi Phật còn hành Bồ-tát đạo, đời đời mình thường kết oán thù với Phật chỉ vì chút ít lợi dưỡng và cung kính. Thấy biết rồi vị ấy không thọ thực nữa mà bay lên hư không, phóng ánh sáng lớn và hiện các thần biến rồi nhập Niết-bàn vô dư đại viên tịch”.

Tôn giả Xá-lợi-phất và Đại Mục-kiền-liên thường xuống địa ngục xem xét, lúc đó tôn giả Xá-lợi-phất nói với Đại Mục-kiền-liên: “chúng ta xuống địa ngục Vô gián thăm và an ủi Thiên thọ”, nói rồi cùng đi. Đến nơi, tôn giả Xá-lợi-phất nói với Đại Mục-kiền-liên: “địa ngục Vô gián này trên dưới và bốn phía đều thông nhau, trong đó lửa dữ trùm khắp. Thầy được Thế tôn thọ ký là Thần thông đệ nhất, vậy thầy hãy vận tâm quán các hữu tình đang chịu khổ trong địa ngục để diệt trừ hỏa tai”, Đại Mục-kiền-liên liền nhập định đại thủy hóa mưa, mỗi giọt mưa lớn như cái chày rơi xuống địa ngục Vô gián, nhưng các giọt mưa này đều tiêu tan trên hư không. Đại Mục-kiền-liên lại hóA-trận mưa khác, mỗi giọt mưa lớn như bánh xe nhưng cũng như trước đều tiêu tan hết. Tôn giả Xá-lợi-phất thấy vậy liền nhiếp niệm nhập định Thắng giải hạnh, khiến cho nước tràn khắp trong địa ngục, tiếng thọ khổ liền dứt và chúng sanh thọ khổ được hồi phục bổn niệm. Lúc đó Đại Mục-kiềnliên cất tiếng hỏi: “ai là Đề-bà-đạt-đa thì hãy bước tới”, nói vừa dứt thì có hàng ngàn Đề-bà-đạt-đa đua nhau chạy tới, Đại Mục-kiền-liên nói: “ai là Đề-bà-đạt-đa anh em của Thế tôn thì hãy đến đây”, Đề-bàđạt-đa liền bước tới đảnh lễ hai tôn giả, hai tôn giả hỏi: “Thiên thọ, nỗi khổ mà ông chịu trong địa ngục này có gì khác nhau không?”, đáp: “nỗi khổ chung thì khỏi phải nói, còn nỗi khổ riêng thì như thấy có núi sắt nóng, lửa cháy cùng khắp tạo thành một ngọn lửa lớn đến đè bẹp thân con, như dùng đá đè ép mè để lấy dầu không khác. Lại thấy có cái cưa sắt với lưỡi cưa thật bén, phát ra lửa rất nóng cưa xẻ thân con, từng khúc xương rơi rớt. Lại thấy có chày sắt nóng đỏ thường đánh nát đầu con ; lại thấy có voi lớn từ bốn phía xông đến giẫm đạp thân con nát như bột gạo”, hai tôn giả nói: “Thiên thọ, ông nói thấy có núi sắt nóng, lửa cháy cùng khắp tạo thành một ngọn lửa lớn đến đè bẹp thân con, như dùng đá đè ép mè để lấy dầu không khác; đó là do ông xô tảng đá lớn từ trên núi xuống để hại Như lai, do nghiệp ác đó nên chiêu lấy quả khổ này. Ông nói thấy có chày sắt nóng đỏ thường đánh nát đầu con; đó là do ông đánh vào đầu của A-la-hán ni Liên-hoasắc khiến vị ấy phải nhập Niết-bàn, do nghiệp ác đó nên chiêu lấy quả khổ này. Ông lại thấy có voi lớn từ bốn phía xông đến giẫm đạp thân con nát như bột gạo ; đó là do ông ác tâm thả voi say để giẫm đạp Thế tôn, do nghiệp ác đó nên chiêu lấy quả khổ này. Này Thiên thọ, tuy ông chịu khổ cùng cực như vậy, nhưng Thế tôn đã thọ ký cho ông là sau khi thọ khổ hết tội rồi, cuối cùng cũng sẽ chứng quả vị Phật Bích chi hiệu là Cu cốt”, Đề-bà-đạtđa nghe rồi bạch rằng: “nếu được như vậy thì con dõng mãnh cam chịu khổ này trong địa ngục Vô gián”, nói rồi liền biến mất. Hai tôn giả đi tiếp đến chỗ Lục sư ngoại đạo đang chịu khổ, thấy Cao ca ly ca đang bị trăm cái cày cày xới lưỡi. Lúc đó vua trời Phạm thiên đi theo hai tôn giả thấy vậy liền nói: “này Cao ca ly ca, ông hãy khởi tâm cung kinh hai tôn giả, đây là bậc có tịnh hạnh, trí huệ và thần thông bậc nhất”, Cao ca ly ca nói: “hai người tội lỗi nhiều ham muốn này đến đây làm gì?”, vừa mở miệng nói ra lời này liền bị ngàn lưỡi cày cày xới lưỡi. Hai tôn giả thấy rồi liền suy nghĩ: “hữu tình này nghiệp nặng khó cứu độ”, không biết phải làm sao liền bỏ đi đến chỗ Bộ thích noa. Thấy hai tôn giả, Bộ thích noa liền đảnh lễ bạch rằng: “xin hai đại đức xét tội nhơn của con, do trước kia con nói tà pháp lừa dối người đời, che lấp chánh tín của họ nên nay phải chịu khổ thuờng bị năm trăm cái cày cày xới lưỡi. Khi các đệ tử của con đem phẩm vật cúng dường tháp của con thì con chịu khổ hành hạ ; xin hai tôn giả nói cho họ biết nỗi khổ mà con đang chịu, để họ đừng cúng dường tháp của con nữa”, hai tôn giả im lặng nhận lời.

Ở địa ngục xem xét xong, hai tôn giả trở về châu Thiệm bộ kể lại nỗi khổ của Đề-bà-đạt-đa, Cao ca ly ca và Bộ thích noa cho Phật và đại chúng nghe. Các Bí-sô nghe rồi đều có nghi thỉnh hỏi Phật: “Thế tôn, vì sao Đề-bà-đạt-đa không chịu nghe lời Thế tôn để đến nỗi chịu khổ cùng cực trong địa ngục Vô gián như thế?”, Phật nói: “này các Bí-sô, không phải chỉ ngày nay Thiên thọ không nghe lời ta để đến nỗi chịu hình phạt khốc liệt như thế, mà trong quá khứ cũng đã không nghe lời ta để đến nỗi chịu khổ não. Các thầy lắng nghe:

Thuở xưa ta ở trong một tụ lạc Bất định, lúc đó ta đang hành hạnh Bồ-tát làm một con bò đực chúa. Mỗi đêm bò chúa thường đến trong ruộng lúa của vương gia ăn no nê, đến trời gần sáng mới trở vào trong thành nằm ngủ. Lúc đó có một con lừa đến hỏi bò chúa: “vì sao da thịt của bác hồng hào mập mạp, trong khi cháu chưa từng thấy bác tạm rời khỏi nơi đây?”, bò chúa nói: “mỗi đêm ta thường đến trong ruộng lúa của vua ăn, đến trời gần sáng mới trở về”, lừa nói: “bác cho cháu cùng đi theo được không?”, bò chúa nói: “cháu thích hí vang, tiếng hí vang đó sẽ khiến chúng ta bị bắt”, lừa nói: “bác cho cháu đi theo, cháu sẽ không cất tiếng hí”. Bò dẫn lừa đến trong ruộng vua ăn lúa, lúc chưa no thì lừa còn im lặng, khi no nê rồi nó lại muốn hí vang, bò chúa nói: “khoan hãy hí, đợi ta ra ngoài rồi, mặc sức cháu hí”, nói rồi bò chúa vội chạy ra ngoài. Nghe tiếng lừa hí, những người giữ ruộng liền bao vây bắt lừa và nói: “ruộng lúa trước nay đều là do con lừa này ăn, phải đánh đập nó khổ sở rồi mới thả ra”, nói rồi liền cắt hai tai của nó, cột cái cối vào cổ nó, dùng roi đánh nó nhừ tử rồi mới thả ra. Bò chúa thấy lừa bị khổ nhục này liền nói kệ:

“Hí vang lại rất lớn,
Do hí mới như vậy,
Thấy kẻ giỏi hí vang,
Bị cắt hai lỗ tai,
Vì không giữ cái miệng,
Không nghe lời bạn lành,
Không những bị cắt tai,
Cổ phải mang cái cối”.

Lừa nói kệ:

“Răng rụng nên ít nói,
Bò già chớ nói nhiều,
Ông còn đi ăn đêm,
Rồi cũng sẽ bị bắt”.

Phật bảo các Bí-sô: “bò đực thuở xưa chính là thân ta ngày nay, con lừa thuở xưa chính là Đề-bà-đạt-đa ngày nay. Thuở xưa không chịu nghe lời ta nên chịu khỗ não đó, nay Đề-bà-đạt-đa không nghe lời ta nên chịu đại khổ ở địa ngục. Lại nữa, giống như ngày nay không nghe lời ta nên Đề-bà-đạt-đa chịu đại khổ não, ngày xưa cũng vậy. Các thầy lắng nghe:

Thuở xưa ở trong một thôn có một trưởng giả nuôi một con bò lớn tướng mạo đẹp đẽ, lúc đó trưởng giả thiết lễ cúng dường cho các Sa môn, Bà-la-môn và những người nghèo khổ không nơi nương tựa. Làm việc bố thí này xong, trưởng giả phóng thích con bò cho nó được tự do, không còn ràng buộc. Bò liền đi tìm cỏ nước, chẳng may rơi từ trên sườn dốc xuống bùn sâu, không thể lên được. Trưởng giả nghe người báo tin liền tìm đến chỗ con bò, nhưng vì trời đã gần tối nên một mình trưởng giả không thể kéo bò lên được, ông nói với bò là sáng mai sẽ đến cứu, bò nói: “ông hãy lấy dây quấn vào sừng của con rồi để trước mặt, nếu có sói, dã can đến làm hại thì con sẽ dùng sừng quơ dây đe dọa chúng”. Trưởng giả lấy dây cột vào sừng bò và để cuộn dây trước mặt rồi đi, đến trời tối có dã can đến, thấy bò lìen hỏi: “ai đến trộm ngó sen vậy?”, bò đáp: “tôi bị sa xuống bùn không thể lên được, không phải là ăn trộm ngó sen”, dã can nghe rồi liền nói: “bữa ăn ngon của ta bỗng nhiên mà có”, nói rồi tìm cách đến gần bò, bò nói: “ngươi hãy tránh xa ta, nếu định làm hại nhau thì thân người sẽ phải chịu khổ độc”. Dã can không để ý lời bò nói cứ tiến đến gần, bò thấy dã can không nghe lời mình nói liền nói kệ:

“Ta chẳng trộm ngó sen,
Cũng không lấy hoa sen,
Ngươi muốn ăn thịt ta,
Lên lưng ta mà ăn dần”.

Dã can nói: “đúng vậy, ta nên lên lưng của người mà ăn dần”, nói rồi liền phóng lên lưng bò, bò liền quơ sừng làm cho sợi dây quấn vào cổ dã can và treo ngược thân nó lên hư không, rồi nói kệ:

“Ngươi còn trẻ và đẹp,
Múa giỡn trên hư không,
Khoe tài ở trong thôn,
Đồng hoang không thí chủ”.

Dã can nói kệ:

“Ta không còn trẻ đẹp,
Không phải kẻ múa giỡn,
Là Đế thích bị đọa,
Ta sẽ đến Phạm thiên”.

Bò nói kệ:

“Không phải trời Đế thích,
Bị đọa, đến Phạm thiên,
Mà bị dây quấn cổ,
Mạng ngươi nay đã tận”.

Phật bảo các Bí-sô: “con bò thuở xưa chính là thân ta ngày nay, con dã can thuở xưa chính là Đề-bà-đạt-đa ngày nay. Xưa không nghe lời ta nên chịu họa, nay cũng vậy”, các Bí-sô lại khởi nghi thỉnh hỏi Phật: “vì sao Đề-bà-đạt-đa đồi với Thế tôn khởi tâm sân hận, không nghe lời chánh đến nỗi bị đọa vào địa ngục Vô gián chịu khổ đốt thân?”, Phật nói: “không phải chỉ có ngày nay không chịu nghe lời ta nên bị lửa địa ngục đốt thân. Các thầy lắng nghe:

Thuở xưa tại một vương quốc có vua tên là Chế-để-ca, do phước lực của vua nên đất nước an bình thịnh vượng, dân chúng sống sung túc không có nghèo thiếu. Lại do vua có thắng phước lớn nên mỗi khi ngồi trên ngai thì có chư thiên đỡ chân ghế ở trong hư không. Vua có một đại thần giúp vua cai trị nước, ông có hai người con tên là Xuất hỉ và Chúng Ái; Xuất hỉ thấy cha dùng pháp và phi pháp giúp vua trị nước liền suy nghĩ: “ta là con trưởng, nếu sau khi cha ta mất, ta sẽ kế thừa chức quan này, ta cũng sẽ dùng pháp và phi pháp giúp vua trị nước. Do nghiệp ác này, ta sẽ bị đọa vào địa ngục, tốt hơn hết ta nay nên xuất gia”, nghĩ rồi liền đến xin cha cho xuất gia, người cha bằng lòng và Xuất hỉ xuất gia theo Phật. Thời gian sau người cha qua đời, người con thứ hai là Chúng Ái kế tục cha làm đại thần, cũng dùng pháp và phi pháp giúp vua trị nước khiến dân chúng oán ghét. Lúc đó có người bỏ đi lang thang và tình cờ gặp người anh hiện nay là Bí-sô, Bí-sô hỏi từ đâu đến, đáp là từ thành — đến, Bí-sô liền hỏi thăm về người em của mình, người kia kể lại mọi việc, Bí-sô nghe rồi liền nói: “ông hãy trở về nói mọi người đừng có lo buồn, ta sẽ đến thành ấy dùng lý khuyên nhắc em ta nên dùng chánh pháp, hy vọng dân chúng sẽ hết khổ được vui”. Người kia nghe rồi liền trở về bổn xứ báo cho mọi người biết tin này, tin này lan truyền không bao lâu đến tai người em, người em đến tâu với vua: “Đại vương, anh của thần sắp trở về”, vua nói: “nếu anh của khanh trở về thì sẽ phong làm đại thần”, người em nói: “lâu nay thần đã lao nhọc và thành tâm giúp vua trị nước, xin vua xét lại”, vua nói: “theo quốc pháp thì người con trưởng được kế tục làm chứa quan của cha, việc này không thay đổi được; nhưng để làm cho khanh mãn nguyện thì khi anh của khanh trở về, khanh cứ nói tôi là trưởng”, người em nghe rồi vui mừng cáo lui. Không bao lâu sau người anh là Bí-sô trở về, các quan đều ra nghinh đón còn người em thì đứng yên, Bí-sô nói: “em là em vì sao lại đứng yên đó”, người em nói: “tôi là anh còn thầy là em, nếu không tin thì tìm người làm chứng. Chúng ta lớn lên trong cung, vua biết rõ ai lớn ai nhỏ, chúng ta hãy đến đó hỏi sẽ rõ thực hư”. Khi đến chỗ vua, Bí-sô hỏi vua: “trong hai chúng tôi, ai là con trưởng”, vua cố ý nói dối: “kia là con trưởng còn thầy là con thứ”. Vua vừa nói xong, chư thiên đang đỡ chân ghế liền buông tay khiến vua ngã xuống đất, trong miệng vua phát ra hơi hôi. Bí-sô thấy rồi liền nói kệ:

“Nếu người nào nói dối,
Chư thiên liền lìa bỏ,
Trong miệng bay hơi hôi,
Đánh mất đường sanh thiên.
Vua hãy nên nói thật,
Sẽ bình phục như cũ,
Nếu vua còn nói dối,
Sẽ phải đọa đường dưới.
Mắc quả báo không lưỡi,
Giống như cá trong nước.
Nếu ai nói trái pháp,
Tức là người phi pháp.
Vua hãy nên nói thật,
Sẽ bình phục như cũ,
Nếu vua còn nói dối,
Sẽ phải đọa đường dưới.
Làm người phi nam nữ,
Phải mang thân hoàng môn.
Nếu ai nói trái pháp,
Tức là người phi pháp.
Vua hãy nên nói thật,
Sẽ bình phục như cũ,
Nếu vua còn nói dối,
Sẽ phải đọa đường dưới.
Đúng thời trời không mưa,
Phi thời mưa tầm tả,
Nếu ai nói trái pháp,
Tức là người phi pháp.
Vua hãy nên nói thật,
Sẽ bình phục như cũ,
Nếu vua còn nói dối,
Sẽ phải đọa đường dưới.
Sẽ phải mang thân rắn,
Trong miệng sanh hai lưỡi.
Nếu ai nói trái pháp,
Tức là người phi pháp.
Vua hãy nên nói thật,
Sẽ bình phục như cũ,
Nếu vua còn nói dối,
Sẽ phải đọa đường dưới.
Giống như vua Chế để,
Đã tạo nghiệp cực ác,
Sẽ đến ngục A tỳ,
Chịu quả báo Vô gián”.

Phật bảo các Bí-sô: “người con trưởng của đại thần thuở xưa chính là thân ta ngày nay, vua Chế để thuở xưa chính là Thiên thọ ngày nay. Nay đối với ta khởi sân hận, không nghe lời ta nên chịu khổ bị lửa đốt thân trong địa ngục Vô gián”, các Bí-sô vẫn còn nghi nên thỉnh hỏi Phật: “Thế tôn, vì sao Thế tôn nói lời lợi ích mà Đề-bà-đạt-đa lại không nghe đến nỗi phải bị đọa địa ngục Vô gián chịu khổ báo cùng cực?”, Phật nói: “không phải chỉ ngày nay Đề-bà-đạt-đa không nghe lời để đến nỗi chịu khổ trong địa ngục, mà ở quá khứ cũng đã không nghe lời để đến nỗi chịu khổ đau. Các thầy lắng nghe:

Thuở xưa, tại một thôn có người thợ khéo rất rành về máy móc, ông cưới một người vợ có dòng tộc tương tợ ở trong thôn làm vợ và sống với nhau rất hạnh phúc. Không bao lâu sau người vợ mang thai, đủ chín tháng mười ngày sanh hạ một đứa con, sau hai mươi mốt ngày họ mở tiệc ăn mừng và đặt tên cho đứa bé là Xảo dung. Họ như pháp nuôi dưỡng ho đến trưởng thành thì người cha qua đời, Xảo dung liền qua thôn khác đến chỗ một người thợ giỏi để học về máy móc. Sau đó, Xảo dung qua thôn khác hỏi vợ, có một trưởng giả hứa gả con gái và nói rằng: “hãy đúng vào ngày đó đến rước con gái ta, nếu đến không đúng ngày thì đó không phải là lỗi của ta”. Xảo dung trở về kể lại việc trên với thầy, người thầy nói: “chắc chắn ta và con sẽ đến nơi đó đúng hẹn, vì ngày giờ tốt đã qua thì khó mà được lại”, nói rồi người thầy lấy chim Khổng tước máy bằng gỗ ra, khởi động máy để đưa cả hai bay đến chỗ đã hẹn. Mọi người ở trong thôn kia nhìn thấy việc này rồi đều khen ngợi hết lời, Xảo dung dâng lễ vật rồi rước vợ về. Cả ba cùng ngồi trên chim máy, chưa đầy một ngày đêm đã trở về chỗ cũ, đến nơi người thầy đưa con chim máy cho mẹ của Xảo dung và dặn rằng: “bà hãy cất giữ con chim máy này, nếu con bà đòi thì bà đừng nên đưa, vì sao, vì nó mới học cách bay đi nhưng chưa học cách bay trở về. Bà đừng để con bà gặp khổ ách”. Thời gian sau, Xảo dung thường theo mẹ đòi con chim máy và nói rằng: “con muốn cỡi con chim máy ấy đi chơi một vòng cho mọi người quy phục con”, người mẹ nói: “thầy con khi ra đi có dặn mẹ rằng: bà hãy cất giữ con chim máy này, nếu con bà đòi thì bà đừng nên đưa, vì sao, vì nó mới học cách bay đi nhưng chưa học cách bay trở về. Bà đừng để con bà gặp khổ ách”, Xảo dung nói: “điều khiển cách bay trở về con cũng đã học biết rồi, vì thầy có tâm xẻn nên bảo mẹ không đưa nó cho con”. Tâm người nữ thường mềm yếu, thấy con đòi mãi nên bà đành phải lấy đưa cho con. Xảo dung được con chim máy liền khởi động cho bay lên không trung, mọi người thấy đều khen ngợi; lúc đó người thầy thấy chim bay trên hư không liền than rằng: “Xảo dung lần này bay đi sẽ không trở về nữa”. Đúng như lời người thầy nói, khi Xảo dung điều khiển cho may bay trở về thì nó không bay trở về mà cứ bay thẳng tới biển lớn. Nơi đó mưa nhiều nắng ít khiến cho cỗ máy bị hư hỏng nặng và rơi xuống biển, Xảo dung chết. Chư thiên thấy việc này rồi liền nói kệ:

“Có người thương xót nên khuyên bảo,
Không chịu nghe, cứ theo ý mình,
Chim máy không thầy vẫn cỡi đi,
Cuối cùng vùi thân trong biển cả”.

Phật bảo các Bí-sô: “người thầy là thợ máy thuở xưa chính là thân ta ngày nay, người học trò là Xảo dung thuở xưa chính là Đề-bà-đạt-đa ngày nay. Thuở xưa do làm trái lời khuyên nhắc của ta nên bị nạn chìm đắm trong biển cả, nay không nghe lời dạy ích lợi của ta nên chịu khổ bị lửa đốt thân trong địa ngục”.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20