CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA PHÁ TĂNG SỰ

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường – TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh – năm 2009

Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 3

Lúc đó tiên A-tư-đà đã biết Thái tử chắc chắn sẽ thành bậc Chánh giác, liền tự quán xem tuổi thọ của mình có được thấy Bồ-tát chứng quả Bồ-đề trong đời nay hay không. Liền quán thấy Bồ-tát mười chín tuổi xuất gia, sau sáu năm khổ hạnh được pháp Cam lồ; lại quán biết mình không bao lâu nữa sẽ qua đời, không thể thấy được Bồ-tát thuyết pháp độ sanh nên tự buồn thương rơi lệ. Vua nhìn thấy rất kinh ngạc, liền dùng kệ hỏi:

“Trượng phu và nữ nhân,
Ai thấy đều vui mừng,
Không hiểu nay cớ sao,
Chỉ riêng Tiên buồn khóc,
Hay Thái tử của tôi,
Có tướng gì không tốt,
Lành thay, đại tiên nhơn,
Xin hãy mau vì nói”.

Tiên nói kệ đáp:

“Cho dù trên hư không,
Bỗng mưa xuống kim cương,
Đối với thân Thái tử,
Vẫn không tổn mảy lông.
Cho dù dao kiếm bén,
Khí độc, rắn độc cắn,
Cũng đều không hại được.
Tất cả người sợ hãi,
Thái tử còn bảo vệ,
Làm sao đấng Từ bi,
Lại lo có người hại.
Các tự tại Phạm thiên,
Đều đến để hộ vệ,
Như vậy bậc tối thắng,
Lo gì có người hại.
Chỉ vì tôi hận mình,
Già chết đã đến gần,
Không thấy chuyển pháp luân,
Cho nên tự bbuồn thương.
Về sau người thế gian,
Gặp được Bồ-tát này,
Sẽ nghe được diệu pháp,
Chứng được quả Tịch diệt”.

Lúc đó tiên A-tư-đà trong lòng tự hận suy nghĩ: “nay ta đã thối thất thần thông, nếu đi bộ ra thành mọi người nhìn thấy sẽ khinh thường ta”, nghĩ rồi liền tâu vua: “trước đây vua có nguyện tiên A-tư-đà sẽ ra vào thành này, nay tôi đi bộ đến đây để đáp lại nguyện của vua, giờ đi bộ trở về, mong vua vì tôi cho sửa sang đường sá trong thành”, vua liền ra lịnh dân chúng trang hoàng đường sá trong thành và nói: “nay tiên A-tư-đà đi bộ ra thành, dân chúng hãy tùy ý chiêm ngưỡng”, tiên cùng vua quan và các trưởng giả, cư sĩ, Bà-la-môn trước sau vây quanh ra khỏi thành rồi nói với vua: “vua hãy trở về cung, tôi xin từ giã”. Sau khi từ biệt, tiên A-tư-đà đi về phía trước rồi lên núi Tân đà chọn một nơi tốt để dừng ở, do đi đường xa nên mõi mệt ngồi nghỉ, bỗng nhập định Tiên ; do nhập định Tiên nên được thần thông trở lại. Thời gian sau niễm bịnh, các đệ tử dùng đủ loại thuốc thang trị liệu nhưng bịnh không thuyên giảm, các đệ tử bạch : “thầy bị bịnh đã dùng nhiều loại thuốc thang vẫn không khỏi, thế gian vô thường không thể là nơi trú ẩn, chúng con muốn cầu tịch tĩnh. Thầy đã đạt được an lạc, vì sao không ban cho chúng con lời giáo huấn để chúng con được ngộ nhập”, tiên nói: “tuy ta xuất gia mong được pháp Cam lồ nhưng chưa chứng đắc, ta hổ thẹn không có gì truyền lại cho các con. Đồng tử thọ sanh trong chủng tộc Thích ca-sau này sẽ chứng quả vô thượng và sẽ dùng pháp cam lồ tế độ chúng sanh, lúc đó các con nên đến đó cầu xuất gia với vị ấy. Sau khi xuất gia, các con chớ ỷ mình là Ma-nạp-bạc-già mà hãy nổ lực siêng tu phạm hạnh để đắc pháp ; nếu việc tu hành thành tựu thì các con sẽ được vị Cam lồ”, tiên liền nói kệ:

“Từ đây qua phương Đông,
Con nên đến tìm cầu,
Chư Phật rất khó gặp,
Gặp rồi nên siêng tu”.
Kế nói kệ vô thường:
“Tích tụ đều tiêu tán,
Cao ngất ắt rơi rớt,
Hội họp ắt biệt ly,
Có mạng đều phải chết”.

Nói kệ xong liền qua đời, đệ tử Na-la-đà như pháp cúng dường rồi theo giờ mai táng, mai táng xong liền đi đến thành Bà-la-nê-tư trụ nơi đó và dạy chú Phệ đà của Bà-la-môn cho năm trăm Ma-nạp-bạc-già. Na-la-đà có họ là Ca-chiên-diên nên mọi người ở đây đều gọi ông là Ca-chiên-diên. Khi Bồ-tát thành Phật, Ca-chiên-diên này đến gặp Phật nghe pháp và được liễu thoát sanh tử, được Niết-bàn tịch tĩnh tối thượng cứu cánh và được Phật gọi là Đại Ca-chiên-diên.

Lúc đó Bồ-tát đang ngồi trên đùi nhũ mẫu, ăn cơm gạo thơm đựng trên mâm vàng; thấy Bồ-tát ăn quá nhiều nên nhũ mẫu giật lấy mâm vàng, Bồ-tát dùng tay đè xuống không cho nhũ mẫu giật lấy, cho đến tám nhũ mẫu cũng không giật lấy được nên đến tâu vua; vua và các cung nhơn cũng không giật lấy được; vua ra lịnh quần thần cùng giật lấy cũng không giật được; quần thần dùng móc kéo mâm vàng cũng không thể giật được, cho đến dùng năm trăm con voi kéo dây giật lấy cũng không giật được. Thấy mọi người đều hết sức giật lấy mâm vàng này, Bồ-tát suy nghĩ: “những người này muốn thử sức mạnh của ta”, nghĩ rồi liền dùng ngón tay móc sợi dây kéo khiến cho sức voi không địch nổi nên phải thụt lùi. Vua thấy việc này liền suy nghĩ: “chỉ dùng một ngón tay mà khiến cho năm trăm con voi thối lui, nếu dùng cả hai tay thì chắc địch được ngàn voi”, vua liền đặt thêm tên cho Bồ-tát là Thiên tượng lực.

Bồ-tát khi nhập học có năm trăm đồng tử theo hầu, lúc đó có một học sĩ tên là Thái quang giáp thông hiểu năm trăm loại sách nên vua Tịnh-phạn dẫn Bồ-tát cùng năm trăm đồng tử đến đó cầu học. Học sĩ trao cho Bồ-tát một bộ sách, Bồ-tát liền nói là đã hiểu thông rồi, đưa bộ sách thứ hai… cho đến năm trăm bộ sách, Bồ-tát đều nói là đã thông hiểu rồi và hỏi học sĩ còn bộ sách nào khác không, học sĩ nói: “đây là năm trăm bộ sách đang lưu hành trong thế gian, những sách khác thì tôi không biết”. Bồ-tát liền tạo một bộ sách đưa cho học sĩ và hỏi: “sách này viết bằng loại chữ gì và tên sách là gì ?”, học sĩ nói: “tôi không biết loại chữ này và tên của bộ sách này” , Bồ-tát nói: “nếu trong thế gian xuất hiện Bồ-tát và Kim luân vương thì loại chữ của bộ sách này cũng sẽ xuất hiện trong thế gian”. Lúc đó trong hư không, vua trời Phạm thiên xuất hiện và nói: “hai bậc ấy cùng xuất hiện với loại chữ mà Bồtát vừa nói là sự thật”, vua và quần thần nghe lời này đều rất vui mừng, loại sách mà Bồ-tát đưa cho học sĩ xem là sách Phạm thiên. Học văn xong, cậu của Bồ-tát là Ma-na-lợi đưa Bồ-tát và các đồng tử đến học cách cưỡi ngựa, bắn cung. Trong thành Kiếp-tỷ-la có một bác sĩ tên là Đồng thần, thông thạo cách bắn cung và chiến đấu, khi ông đến dạy cho Bồ-tát, Ma-na-lợi liền nói: “Thái tử có tâm từ bi lớn, ông hãy dạy cho Thái tử và các đồng tử này tất cả các pháp diệu, chỉ riêng có Đề-bà-đạtđa là đừng dạy, vì Đề-bà-đạt-đa bản tánh độc ác, nếu thông thạo pháp này sẽ giết hại nhiều chúng sanh”, vị thầy nghe rồi liền dạy cho Bồ-tát tường tận các pháp diệu, Bồ-tát nhờ đó học thông năm cách bắn cung: 1. Là bắn được các vật ở xa; 2. Là nghe được tiếng động dù mắt không thấy vẫn có thể bắn trúng theo ý niệm; 3. Là muốn bắn đến chỗ nào thì bắn trúng đến chỗ đó; 4. Là có thể tùy theo ý muốn làm cho người sống hay chết mà bắn vào yếu huyệt trên thân của người đó; 5. Là không kể gần hay xa, hễ bắn là rất chính xác. Cho nên tiếng đồn Bồ-tát văn võ song toàn lan xa, lúc đó có nhiều người ở thành Phệ-xá-ly bắt được một con voi đầy đủ tướng tốt, muốn đem voi báu này dâng cho Thái tử. Sau khi trang nghiêm đủ thứ cho voi, họ đưa voi đến thành Kiếp-tỷ-la, lúc đang đứng trước cửa cung vua thì vương tử Đề-bà-đạt-đa đi ra, thấy voi báu này liền sanh tâm ưa thích nên hỏi voi này đem cho ai, đáp là dâng cho Thái tử, Đề-bà-đạt-đa nghe rồi liền nổi giận nói: “Thái tử chưa làm Kim luân vương, vì sao các người lại đem voi báu đến”, nói rồi liền đến gần voi đấm nó một đấm, voi liền ngã lăn ra chết, đánh voi chết xong liền bỏ đi. Lúc đó vương tử Nan-đà đi ra thấy voi chết nay liền hỏi rõ nguyên do rồi nói: “Đề-bà-đạt-đa thật không tốt”, lại suy nghĩ: “đây chăng phải là Đề-bà-đạt-đa tự thử sức mình hay sao”, nghĩ rồi liền nắm đuôi voi kéo đi hơn ba mươi bảy bước rời khỏi đường cái rồi bỏ ở đấy. Sau đó Thái tử đi ra thấy voi chết này liền hỏi rõ nguyên do rồi nói: “người đánh chết voi là không tốt, người kéo voi ra khỏi đường cái là tốt”, lại suy nghĩ: “há chẳng phải hai người tự thử sức mình hay sao, ta cũng phải thử sức”, nghĩ rồi liền nắm vòi voi quăng ra khỏi thành bay xa bảy dặm mới rơi xuống đất và được chôn luôn ở đó nên chỗ đó được gọi là chỗ táng voi. Các trưởng giả và Bà-la-môn có tín tâm liền xây tháp ở đó rồi nói kệ:

“Thiên thọ đánh chết con voi lớn,
Nan-đà kéo ba mươi bảy bước,
Bồ-tát quăng voi ra khỏi thành,
Như quăng ngói gạch lên hư không”.

Lúc đó các đồng tử thuộc dòng Thích rủ nhau vào rừng chơi trò luân đao để chặt cây, Bồ-tát cũng cùng năm trăm đồng tử vào rừng; các đồng tử kia đua nhau múa luân đao khiến cho cây cối đều nghiêng ngã, Bồ-tát cũng múa luân đao nhưng cây cối dù bị đứt cũng không ngã. Thấy cây không ngã các đồng tử kia nói: “nghe nói Thái tử oai lực mạnh mẽ, thông đạt năm tài nghệ, vì sao múa luân đao lại không chặt gãy một cây nào. Chặt cây là thuật nhỏ mà còn như vậy, huống chi là các thuật khác”, lúc đó thiên thần thấy họ chê bai Thái tử liền muốn giải nghi nên tạo ra một luồng gió mạnh làm cho cây rừng ngã ào ào xuống, các đồng tử kia thấy rồi hết sức kinh ngạc và khen là kỳ diệu. Sau đó các vương tử lại cùng Bồ-tát thi bắn cung, họ dùng bảy hàng cây Thiết đa la, bảy hàng trống lớn và ở giữa là bảy con heo sắt làm mục tiêu. Đề-bà-đạt-đa bắn qua một cây Đa la, một trống và một con heo thì tên mới dừng; Nan-đà bắn qua hai cây Đa la, hai trống và hai con heo thì tên mới dừng ; Bồ-tát bắn qua hết bảy cây, bảy trống và bảy heo, sức của mũi tên bay qua khỏi địa luân đến mé nước mới dừng. Long vương nhổ mũi tên này, từ lỗ hổng này vọt lên nguồn nước thơm ngon, ai uống nước này đều khen là hi hữu. Các cư sĩ và Bà-la-môn tín tâm liền xây tháp nơi dòng nước đó để cúng dường.

Sau đó Bồ-tát cùng các đồng tử cuỡi xe ngựa trở về trong thành, bên ngoài cửa thành có các tướng sư, từ xa thấy Bồ-tát có oai quang thù đặc liền tranh nhau đoán: “nếu trong mười hai năm trở lại mà Thái tử không xuất gia thì sẽ lên ngôi Chuyển luân Thánh vương”. Vua Tịnhphạn nghe được lời này rất vui mừng liền bảo quần thần: “ta nghe các tướng sư nói nếu trong mười hai năm trở lại mà Thái tử không xuất gia thì sẽ lên ngôi Chuyển luân Thánh vương. Vậy các khanh nên tăng sự phòng hộ trong mười hai năm này đừng cho Thái tử xuất gia để Thái tử lên ngôi Kim luân vương, chúng ta sẽ cùng ở trên kim luân bay trên hư không quán sát khắp bốn thiên hạ. Các khanh hãy mau xây cung điện, tuyển chọn mỹ nữ để Thái tử vui vẻ hưởng thọ”, quần thần tâu: “Thái tử không thích thanh hương Ái dục của thế gian thì làm sao dùng mỹ nữ khiến cho Thái tử Ái luyến được”, vua nói: “Thái tử chưa thích hưởng thọ dục lạc là vì chưa gặp mỹ nữ, các khanh nên tuyển chọn mỹ nữ tuyệt thế thì nhất định Thái tử sẽ ưa thích”. Lúc đó quần thần cùng bàn luận: “tuy Thái tử không Ái nhiễm, chúng ta cũng cứ lo liệu đủ thứ đồ trang sức rồi cho từng thiếu nữ đến gặp Thái tử, Thái tử sẽ lấy đồ trang sức này tặng cho họ, nếu cô nào Thái tử ưa thích sẽ chọn để hầu hạ Thái tử”, bàn xong liền lo xây cất cung điện với tòa sư tử bằng trăm loại châu báu để Thái tử ngồi trên đó, dưới tòa để đủ loại đồ trang sức bằng châu báu chất thành đống rồi ra lịnh cho tất cả thiếu nữ con quan cho đến dân thường từng người đi đến trước Thái tử, Thái tử sẽ lấy một loại đồ trang sức này tặng cho họ.

Lúc đó Chấp trượng Thích chủng có con gái tên là Da-du-đà-la dung sắc tuyệt trần, ông bảo con gái: “hôm nay Thái tử sẽ tặng cho các thiếu nữ đồ trang sức quý giá, con cũng nên đến đó”, Da-du-đà-la nói: “trong nhà chúng ta há không có những thứ ấy hay sao, cần gì vật của người khác”, người cha nói: “khi Thái tử tặng đồ trang sức, nếu ưa thích ai thì người đó được làm vợ Thái tử”, Da-du-đà-la nói: “nếu con được chọn và nếu Thái tử có thích nhiều cô gái khác thì con chắc chắn sẽ là Đại vương phi”, người cha nói: “chắc chắn sẽ như vậy, con hãy đi nhanh lên”. Da-du-đà-la liền trang điểm thật đẹp với những đồ trang sức quý giá rồi cùng các thị nữ đi đến trong cung, bước đi của cô thung dung, thân ngay thẳng không ngó hai bên và đến đứng trước Thái tử. Lúc đó Thái tử đã ban hết đồ trang sức quý báu cho các thiếu nữ, không còn gì khác để tăng cho Da-du-đà-la ngoài chiếc nhẫn vàng, Thái tử nhìn Da-du-đà-la và đưa ngón tay có đeo nhẫn lên. Da-du-đà-la cùng Thái tử đời trước đã có nhân duyên yêu thương nhau nên cô liền bước lên tòa sư tử nhận lấy nhẫn vàng từ ngón tay của Thái tử. Quần thần thấy việc này rồi liền nói với nhau: “Da-du-đà-la thuộc dòng họ cao quý, dung sắc đoan nghiêm nhất trong các thiếu nữ, có thể tuyển vào cung hầu hạ Thái tử”, nói rồi liền tâu việc này lên vua, vua cho hai vạn thể nữ vây quanh rước Da-du-đà-la vào cung Thái tử.

Lúc đó ở thế gian có một cây mới mọc tên là Thiện kiên, chỉ trong một đêm nó cao đến một trăm khuỷu tay, khi chưa gặp ánh nắng mặt trời thì thể chất của nó mềm mại, dùng móng tay bấm liền đứt; nhưng khi gặp ánh nắng mặt trời chiếu vào thì cây liền cứng chắc, dù dùng dao búa hay lửa đề chặt phá hay đốt, nó vẫn không tổn hoại. Sau khi Bồ-tát đản sanh, ở giữa hai thành Kiếp-tỷ-la và Thiên thị có một con sông lớn tên là Lư đề ha, cây Thiện kiên này mọc bên bờ sông, nước sông dâng cao khi rút xuống đã cuốn theo lớp cát đất trên bờ, làm cho rễ cây Thiên kiên lộ ra trên mặt đất, sau đó nó bị gió thổi mạnh ngã đổ nằm chắn giữa sông, khiến cho bên kia thành Kiếp-tỷ-la bị chìm ngập còn bên nay thành Thiên thị thì khô cạn. Vua thành Thiên thị sai sứ đến báo với vua Tịnh-phạn: “cây Thiện kiên ngã đổ nằm chắn giữa sông khiến cho cả hai thành đều tai hại, trong nước của vua có các vương tử sức lực mạnh khỏe, xin vua ra lịnh cho họ dẹp bỏ cây này”, vua nói: “ta làm sao có thể xử phân việc này”, lúc đó có một đại thần tên là Xiển đà tâu vua: “xin vua để thần lo liệu việc này, thần có cách làm cho các vương tử không cần vua ra lịnh, cũng sẽ tự dẹp bỏ cây này”, vua chấp thuận. Xiển đà liền cho quét dọn trang hoàng khu rừng bên bờ sông làm nơi vui chơi rồi thỉnh các vương tử đến đó vui chơi. Khi các vương tử đến nơi, Đề-bà-đạt-đa thấy có một con chim nhạn bay ngang liền giương cung bắn, chim trúng tên rơi xuống chỗ Bồ-tát ngồi, Bồ-tát liền cầm chim nhạn lên nhổ tên ra rồi đắp thuốc cho nó. Lúc đó Đề-bà-đạt-đa bảo thị tùng đến nói với Bồ-tát: “chim nhạn này do vương tử Đề-bà-đạtđa bắn trúng, xin hãy trả lại cho vương tử”, Bồ-tát nói: “từ khi ta phát tâm Bồ-đề thì tất cả hữu tình đều thuộc về ta trước rồi, sao có thể nói chim nhạn này thuộc của vương tử đó được”. Do nhiều đời trước, Đềbà-đạt-đa đã kết oán với Bồ-tát rồi nên nay nghe được lời này liền ôm lòng sân hận ; tuy thân sau cùng này của Bồ-tát đã dứt hết oán kết đối với chúng sanh, nhưng chỉ riêng đối với Đề-bà-đạt-đa là còn chút tập khí oán thù, nên khiến vì con chim nhạn này mà lần đầu tiên tranh chấp với Đề-bà-đạt-đa. Lúc đó vua thành Thiên thị ra lịnh cho dân chúng cùng ra sức dẹp bỏ cây nên gây náo loạn, nghe tiếng náo loạn này Bồtát liền hỏi nguyên do, đại thần Xiển-đà liền kể lại sự việc, Bồ-tát liền nói: “ta sẽ tới đó dẹp bỏ cây”. Khi vừa đến nơi bỗng có một con rắn độc từ trong lỗ hổng bên đường vọt ra, Ô-đà-di sợ nó làm hại Bồ-tát nên rút dao ra chặt nó làm hai khúc, rắn phun khí độc dính vào thân khiến da biến thành sắc đen nên từ đó được gọi là Hắc Ô-đà-di. Lúc đó Đề-bàđạt-đa dùng sức kéo cây nhưng chỉ làm nó động đậy mà thôi, Nan-đà dùng sức nhấc nó lên được một chút, Bồ-tát thấy vậy dùng sức ném cây lên bờ, cây gẫy làm hai đoạn nằm ở hai bên bờ sông rồi nói với mọi người : “cây Thiện kiên này thuộc loại cây thuốc có thể trừ được bịnh nóng, các vị hãy chặt cây thành miếng nhỏ, mài thành bột ; nếu bị khí độc hay ung nhọt thoa thuốc này sẽ được lành”. Khi trở về thành, ngoài cửa thành có một tướng sư nói: “trong bảy ngày nữa nếu Bồ-tát không xuất gia thì sẽ lên ngôi Chuyển luân Thánh vương”. Lúc đó có một cô gái dòng họ Thích tên Kiều-tỷ-la ở trong tụ lạc Chung thanh đang đứng trên lầu gác cao, Bồ-tát khi vào thành từ xa nhìn thấy cô gái này liền ấn ngón chân khiến cho xe dừng lại, mọi người thấy việc này liền cho là cô gái đã được lòng của Bồ-tát nên tâu vua, vua liền cho hai vạn thể nữ vây quanh rước Kiều-tỷ-la vào cung Thái tử.

Lúc đó Bồ-tát muốn dạo chơi vườn hoa nên bảo người đánh xe chuẩn bị xe, trên đường đi Bồ-tát thấy một người già khí lực yếu ớt, thân hình gầy ốm, khòm lưng đang chống gậy bước đi, chân run rẩy, râu tóc bạc phơ. Thầy rồi liền hỏi người đánh xe đó là người gì, đáp là người già không bao lâu nữa sẽ chết, lại hỏi sau này ta có bị như vậy không, đáp là cũng sẽ bị như vậy. Thái tử nghe rồi ưu sầu không vui liền bảo quay xe trở về cung, đến trong cung liền ngồi tư duy về khổ của già suy rồi nói kệ:

“Bỗng gặp người già yếu như thế,
Chống gậy bước đi, chân run rẩy,
Thân ta cũng sẽ già suy như thế,
Làm sao thoát khỏi khổ già này”.

Lúc đó vua Tịnh-phạn hỏi người đánh xe: “Thái tử ra thành dạo chơi có vui vẻ không?”, người đánh xe liền đem sự việc trên kể lại rồi nói: “hiện giờ thái từ đang ngồi trong cung tư duy về khổ của già suy”. Vua nghe rồi liền suy nghĩ: “lúc Thái tử đản sanh, tướng sư nói là sẽ xuất gia tu đạo, chắc là ứng vào việc này. Ta nên cho tăng thêm thú vui ngũ dục cho Thái tử được vui ”, nghĩ rồi liền ra lịnh tăng thêm thú vui ngũ dục cho Thái tử được vui. Tụng rằng:

“Vua cha nghe người đánh xe nói,
Liền nhớ nghĩ đến lời Tướng sư,
Tăng gấp bội thú vui ngũ dục,
Muốn cho Bồ-tát không xuất gia”.

Sau đó Bồ-tát lại muốn ra thành dạo chơi nên bảo người đánh xe chuẩn bị xe, trên đường đi Bồ-tát thấy một người bịnh nằm bên đường, thân hình gầy ốm, vàng vọt không ai muốn nhìn, liền hỏi người đánh xe đó là người gì, đáp là người bịnh không bao lâu nữa sẽ chết, lại hỏi ta có bị như thế không, đáp là không ai thoát khỏi bịnh tật. Thái tử nghe rồi ưu sầu không vui liền bảo quay xe trở về cung, vào đến trong cung liền ngồi tư duy về khổ của bịnh tật. Lúc đó vua Tịnh-phạn hỏi người đánh xe: “Thái tử ra thành dạo chơi có vui vẻ không?”, người đánh xe đem sự việc trên kể lại, vua nghe rồi liền cho tăng thêm thú vui ngũ dục để Thái tử được vui. Tụng rằng:

“Sắc thanh hương thượng diệu,
Các vị xúc tối thắng,
Thọ hưởng ngũ dục lạc,
Chớ bỏ ta xuất gia”.

Sau đó Bồ-tát muốn ra thành dạo chơi nên bảo người đánh xe chuẩn bị xe, trên đường đi Bồ-tát thấy một người chết nằm trong một chiếc xe nhiều màu, trước xe có một người bưng lư hương đi trước, sau xe có nhiều nam nữ xỏa tóc khóc than thảm thiết. Bồ-tát liền hỏi người đánh xe đó là người gì, đáp là người chết, lại hỏi sao gọi là người chết, đáp là người sanh khí đã hết, không thể gặp lại cha mẹ, anh chị em, vợ con và quến thuộc nữa, lại hỏi ta có bị như vậy không, đáp là cũng bị như vậy; Bồ-tát nghe rồi trong lòng ưu sầu không vui, liền bảo quay xe trở về cung. Vua Tịnh-phạn cũng như trước hỏi người đánh xe Thái tử ra thành dạo chơi có vui vẻ không, người đánh xe đem sự việc trên kể lại và nói: “Thái tử hiện đang tư duy về khổ của chết chóc”, vua nghe rồi liền cho tăng thêm thú vui ngũ dục để Thái tử được vui. Tụng rằng:

“Thành tối thắng này rất tráng lệ,
Bậc Thiên trung Thiên hãy trụ lâu,
Tăng thêm ngũ dục để hoan lạc,
Giống như vườn Hoan hỉ ngàn mắt”.

Lúc đó chư thiên cõi trời Tịnh cư cùng suy nghĩ: “Bồ-tát vốn có lực nhân thật lớn, nhân lớn phải gặp duyên lớn, chúng ta nên tạo duyên lớn cho Bồ-tát”, nghĩ rồi liền hóa làm một Sa môn cầm tích trượng, ôm bát theo thứ lớp khất thực. Lúc đó Bồ-tát cũng muốn ra thành dạo chơi nên bảo người đánh xe chuẩn bị xe, trên đường đi Bồ-tát nhìn thấy Sa môn này liền hỏi người đánh xe đó là người gì, đáp là người xuất gia, lại hỏi sao gọi là người xuất gia, đáp: “người này thiện tâm tu hạnh lành, trụ nơi tốt đẹp, ba nghiệp thân khẩu ý đều thanh tịnh. Do lòng tin nên cạo bỏ râu tóc, mặc y Như lai, lìa bỏ thế tục, huớng tới Niết-bàn, nên gọi là người xuất gia”, Bồ-tát liền bảo người đánh xe cho xe tới gần Sa môn rồi hỏi Sa môn: “ông là người gì, vì sao cạo bỏ râu tóc, đắp y khác sắc, tay cầm tích trượng, ôm bát khất thực để sống như thế?”, đáp là người xuất gia, lại hỏi sao gọi là người xuất gia, đáp: “ thiện tâm tu hạnh lành, trụ nơi tốt đẹp, ba nghiệp thân khẩu ý đều thanh tịnh. Do lòng tin nên cạo bỏ râu tóc, mặc y Như lai, lìa bỏ thế tục, huớng tới Niết-bàn, nên gọi là người xuất gia”, Bồ-tát nghe rồi liền khen lành thay rồi khởi niệm cũng muốn xuất gia, nghĩ rồi liền bảo quay xe trở về cung, vào trong cung rội lặng lẽ suy tư về việc xuất gia. Vua Tịnh-phạn cũng như trước hỏi người đánh xe Thái tử ra thành dạo chơi có vui vẻ không, người đánh xe liền đem sự việc trên kể lại rồi nói: “hiện giờ Thái tử đang suy tư về việc xuất gia”, vua nghe rồi ưu sầu không vui suy nghĩ: “khi Thái tử đản sanh, Tướng sư nói nếu Thái tử không lên ngôi thì chắc chắn sẽ xuất gia. Xét sự việc hôm nay ắt là giờ xuất gia sắp đến, ta nên tìm cách cản ngăn. Nên đưa Thái tử xem tịch điền để Thái tử quên việc xuất gia”, nghĩ rồi liền vào cung bảo Thái tử cùng đi xem tịch điền. Nghe vua cha bảo cùng đi xem tịch điền, Thái tử không thể trái lời cha nên lên xe đi, thân tuy đi đến đồng ruộng, nhưng tâm vẫn suy tư về việc xuất gia. Trên đường đi, Thái tử thấy năm trăm phục tàng báu đều hiện và phát ra tiếng : “lành thay Thái tử, các phục tàng báu này đều là quyến thuộc của Ngài trong quá khứ, Ngài hãy lấy và tùy ý thọ dụng”, Thái tử nói: “đó đều là tư tài si quyến thuộc trong quá khứ, không ngừng tích tụ, không biết xả bỏ, nay ta không cần dùng nữa, các ngươi hãy đi đi”, phục tàng báu lại phát ra tiếng: “nếu Thái tử không thọ dụng thì chúng tôi sẽ vào biển lớn”, Thái tử nói tùy ý nên các phục tàng này đều vào biển lớn. Bồ-tát tiếp tục đi đến chỗ cày ruộng, thấy các nông phu thân dính đầy bụi đất, mồ hôi nhễ nhãi, tay cầm roi đánh trâu cày dính máu; lại thấy con trâu bị đánh nứt da, đói khát bức bách, gầy ốm mệt nhọc, lại bị các con đĩa bám vào chỗ da nứt để hút máu… trong lòng thương xót nên hỏi nông phu: “ông lệ thuộc vào ai?”, đáp là lệ thuộc Thái tử, liền nói: “nay ta phóng thích cho các ông tự do, tự làm ăn kiếm sống không lệ thuộc vào ta nữa. Những con trâu cày này cũng thả nó được tùy ý kiếm cỏ nước nuôi thân”. Sau đó Bồ-tát đến ngồi bên gốc cây Thiệm bộ và nhập Tam muội vô lậu tương tợ thứ nhất, những người tùy tùng cũng ngồi gần đấy để hầu Bồ-tát. Lúc đó vua Tịnh-phạn không thấy Thái tử liền tìm kiếm và thấy Thái tử đang nhập định bên gốc cây Thiệm bộ, mặt trời đã ngã về Tây, tất cả các bóng cây đều nghiêng theo ánh mặt trời, chỉ có cây Thiệm bộ vẫn đứng yên để che mát cho Thái tử. Vua thấy rồi liền suy nghĩ: “oai đức của con ta thật lớn, mặt trời đã ngã về Tây, tất cả các bóng cây đều nghiêng theo ánh mặt trời, chỉ có cây Thiệm bộ vẫn đứng yên để che mát cho Thái tử”, vì quá vui mừng nên sanh tâm cung kính, vua liền nghiêng mình cúi đầu lễ bái Thái tử, yêu cầu Thái tử xuất định để cùng trở về cung. Khi đi ngang rừng thây chết, Thái tử nhìn thấy các tử thi sình thối, trong lòng càng ưu sầu nên ngồi kiết già suy tư về già bịnh chết. Vị tướng sư nói nội trong bảy ngày nếu Thái tử không xuất gia thì sẽ lên ngôi Chuyển luân Thánh vương nên nói kệ:

“Thái tử không xuất gia,
Nội trong vòng bảy ngày,
Khi mặt trời vừa mọc,
Liền lên ngôi Kim luân,
Đủ bảy báu tự tại,
Thái tử sẽ như vậy,
Trong nước không lao dịch,
Ngoài nước giặc lặng yên.
Nếu Thái tử xuất gia,
Không sợ ngồi giữa rừng,
Chứng đắc Nhất thiết trí ,
Độ thoát các chúng sanh”.

Khi Bồ-tát vào thành, có một người thuộc chủng tộc Thích ca tên là Bất quá thời, ông có con gái tên là Lộc vương đang đứng bên trong cửa sỗ trên lầu cao, ông thấy Bồ-tát từ xa liền nói kệ:

“Mẹ an lạc sanh ra,
Cha an lạc nuôi dưỡng,
Nàng ấy rất an lạc,
Sẽ gả cho Thái tử”.

Thái tử nghe âm thanh này thành câu: “Ngài là bậc tối thắng, hãy tư duy về Niết-bàn tịch tĩnh”, nên sanh hoan hỉ liền cởi chuỗi ngọc trên cổ ném lên hư không, do oai lực của Bồ-tát nên chuỗi ngọc rơi ngay vào cổ của Lộc vương. Mọi người thấy việc này rồi liền tâu vua, vua liền ra lịnh cho hai vạn thể nữ vây quanh rước Lộc vương vào cung của Thái tử. Trước sau Thái tử có ba phu nhân: Da-du-đà-la, Kiều-tỷ-ca và Lộc vương; trong số đó Da-du-đà-la là đại phu nhân.

Lúc đó vua Tịnh-phạn đọc kệ của tướng sư rồi liền triệu bốn anh em Cam lộ đến để bàn việc canh chừng không cho Thái tử xuất gia trong vòng bảy ngày. Vua cho xây bảy lớp hào thành, các cửa thành đều làm bằng sắt, trên mỗi cửa đều có treo linh, khi đóng hay mở đều kêu vang xa bốn mươi dặm. Trong chỗ Thái tử ở, vua cho kỹ nữ tấu các loại kỹ nhạc và vây quanh múa hát, bên ngoài cho các đại thần, tướng quân thay phiên canh giữ. Các cửa ở nội cung thường được đóng kín, nếu có việc cần qua lại thì trên thành có đặt cái thang do năm trăm người khiêng nó di chuyển ; khi cửa mở hay đóng đều phát ra tiếng, vua cũng nghe được và nếu nghe tiếng cửa mở thì các cấm quân đều cầm giáo nhọn chạy ra. Nơi bốn cửa thành đều có người thay phiên canh giữ, lúc đó vua Tịnh-phạn trấn giữ cửa thành Đông, vua Hộc-phạn trấn giữ cửa thành Nam, vua Bạch phạn trấn giữ cửa thành Tây, vua Cam lộ phạn trấn giữ cửa thành Bắc. Tướng Đại danh Thích ca đi tuần, khi đến cửa thành Đông liền hỏi: “ai trấn giữ cửa này”, vua Tịnh-phạn đáp: “chính tA-trấn giữ”, tướng Đại danh nói: “canh phòng cẩn thận thì tốt, ngủ mê thì xấu”, kế nói kệ:

“Ngủ mê như người chết,
Người ấy thuộc ma vương.
Người trí thường tỉnh thức,
Cho nên siêng canh giữ”.

Khi đi tuần tới cửa thành nam, tướng Đại danh liền hỏi: “ai trấn giữ cửa này”, vua Hộc-phạn đáp: “chính tA-trấn giữ”, tướng Đại danh nói: “canh phòng cẩn thận thì tốt, ngủ mê thì xấu”, kế nói kệ: “Ngủ mê như người chết, Người ấy thuộc ma vương. Người trí thường tỉnh thức, Cho nên siêng canh giữ” .

Khi đi tuần tới cửa thành Tây, tướng Đại danh liền hỏi: “ai trấn giữ cửa này”, vua Bạch phạn đáp: “chính tA-trấn giữ”, tướng Đại danh nói: “canh phòng cẩn thận thì tốt, ngủ mê thì xấu”, kế nói kệ: “Ngủ mê như người chết, Người ấy thuộc ma vương. Người trí thường tỉnh thức, Cho nên siêng canh giữ”.

Khi đi tuần tới cửa thành Bắc, tướng Đại danh liền hỏi: “ai trấn giữ cửa này”, vua Cam lộ phạn đáp: “chính tA-trấn giữ”, tướng Đại danh nói: “canh phòng cẩn thận thì tốt, ngủ mê thì xấu”, kế nói kệ: “Ngủ mê như người chết, Người ấy thuộc ma vương. Người trí thường tỉnh thức, Cho nên siêng canh giữ”.

Tướng Đại danh đi tuần một vòng như vậy thì trời vừa sáng, sau đó đến bạch vua Tịnh-phạn: “một đêm đã qua còn sáu đêm nữa”, vua nói: “sáu đêm còn lại càng phải siêng canh giữ, qua sáu đêm này Thái tử sẽ lên ngôi Kim luân, chúng ta sẽ cùng Thái tử ở trên Kim luân nương hư không quan sát khắp bốn thiên hạ”. Họ canh giữ như thế suốt sáu đêm, chỉ còn một đêm cuối, lúc đó vua trời Đế thích quán thấy rõ mọi việc nơi hạ giới liền nói kệ:

“Thích ca Mâu ni con quốc vương,
Tu hạnh lục độ đều viên mãn,
Ưa thích thoát tục ở núi rừng,
Để cầu đạo chơn như vô thượng”.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20