CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA PHÁ TĂNG SỰ

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường – TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh – năm 2009

Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 8

Lúc đó các Bí-sô đều có nghi thỉnh hỏi Phật: “Thế tôn, bậc Nhất thiết trí xin hãy dứt nghi cho chúng con. Ưu-lâu-tần-loa-ca-diếp đã tạo nghiệp gì mà Phật phải dùng năm trăm thần biến mới điều phục được ; con Na-đề-ca-diếp và Già-da-ca-diếp lại được nhậm vận điều phục?”, Phật bảo các Bí-sô: “các thầy hãy lắng nghe nghiệp tư lương mà Cadiếp đã tích tụ”, kế nói kệ như trên.

Quá khứ Hiền kiếp, khi con người thọ hai vạn tuổi, có Phật Cadiếp ba đầy đủ mười hiệu xuất hiện nơi đời. Phật Ca-nhiếp-ba nhân duyên hóa độ đã mãn nên nhập Niết-bàn tại vườn Thi lộc, chỗ Tiên nhơn đọa xứ thuộc thành Bà-la-nê-tư. Vua Kiết lợi chỉ dùng gỗ thơm làm lễ trà tỳ, rưới sữa bò dập tắt lửa, thu xa lợi đựng trong bốn bình báu rồi cho xây tháp cao nửa do tuần, rộng một do tuần tại một khu đất rộng và bằng phẳng để cúng dường. Lúc đó trong thành Bà-la-nê-tư có một trưởng giả giàu có, nhiều của báu… như Tỳ sa môn thiên vương. Trưởng giả cưới một cô gái trong dòng quý tộc, sống hạnh phúc và có được ba người con. Thời gian sau, png đột nhiên nhiễm bịnh, dùng đủ loại thuốc mà bịnh không thuyên giảm nên qua đời. Ba người con dùng các vải lụa màu trang hoàng xe tang rồi đưa đến trong Hàn lâm để hỏa thiêu. Lo việc tang xong, người anh muốn phân chia tài sản, hai người em không chịu; thấy người anh cứ mãi đòi phân chia tài sản, hai người em nói: “nếu anh muốn chia tài sản thì trước phải tu phước nghiệp”, người anh hỏi làm phước nghiệp gì, người em nói: “cúng dường tháp Phật Ca-diếp ba”. Do người anh không tin chánh pháp nên làm khó một thời gian, cuối cùng mới chấp thuận làm phước nghiệp; hai người em dùng đủ loại châu báu cúng dường tháp của Phật Ca-diếp ba rồi phát nguyện: “nguyện nhờ căn lành này ở đời vị lai lúc con người thọ 100 tuổi, ở chỗ vị Phật đương lai mà Phật Ca-diếp ba thọ ký là Phật Thích ca mâu ni ra đời, chúng con sẽ được xuất gia trong giáo pháp của vị Phật ấy và được chứng quả thù thắng”. Người anh nghe hai người em phát nguyện, sanh tâm hoan hỉ liền đảnh lễ và phát nguyện: “con có tánh ác không tin chánh pháp, nguyện nhờ căn lành tùy hỉ này ở đời vị lai được thấy Phật Thích ca Mâu ni hiện năm trăm thần biến để điều phục con, khiến cho con xuất gia ; sau khi xuất gia, con sẽ chứng được quả thù thắng”.

Này các Bí-sô, người anh có tánh ác không tin chánh pháp thuở xưa chính là Ưu-lâu-tần-loa-ca-diếp ngày nay; hai người em thuở xưa chính là Na-đề-ca-diếp và Già-da-ca-diếp ngày nay. Do nguyện lực xưa nên nay Phật phải dùng năm trăm thần biến mới điều phục được người anh, còn hai người em điều phục dễ hơn”.

Khi vua Tần-tỳ-sa-la còn là Thái tử, trong thành Vương xá có một trưởng giả là chủ của một vườn hoatrái sum suê và rất yêu thích nó. Khi Thái tử đến dạo chơi trong vườn hoa này liền sanh tâm yêu thích, nên Thái tử yêu cầu trưởng giả: “ta cho khanh nhiều trân bảo để đổi lấy vườn hoa này, khanh có bằng lòng không?”, trưởng giả đáp: “thà rời khỏi nước chứ nhất định không đổi”, Thái tử nói: “khanh hãy nhớ lời ta, khi nào ta lên ngôi ta sẽ lấy vườn hoa này”, trưởng giả nói: “khi nào Thái tử lên ngôi thì tôi sẽ rời khỏi nước”, Thái tử nói: “khanh hãy ghi nhớ lời của Thái tử Tần-tỳ-sa-la”, nói xong liền quay xe trở về. Thời gian sau, vua Đại liên hoa già yếu nên qua đời, Thái tử lên nối ngôi; sau khi lên ngôi, vua liền dùng quyền lực chiếm lấy vườn hoa, trưởng giả phiền muộn nên mắc bịnh và chết trong oán hận. Sau khi chết thọ sanh làm một con rắn độc ở trong vườn hoa này, rình tìm cơ hội giết chết Vuatrả thù. Đến mùa xuân, vua cùng các cung nhơn thể nữ đến trong vườn hoa ; đến nơi, vua bảo các quan đi chỗ khác để vua cùng các thể nữ vui chơi hoan lạc, sau đó vua ngủ thiếp đi. Các thể nữ bỏ vua nằm đó để đi thưởng ngoạn, một thể nữ ở lại bên vua cầm dao hộ vệ; rắn độc thừa dịp này liền bò đến định cắn chết vua. Nhờ phước đức của vua khiến bầy chim Yết lan đạc ca vây quanh con rắn kêu vang lên, nghe tiếng chim kêu và nhìn thấy rắn bò về phía vua, thể nữ này cầm dao chặt đứt thân con rắn. Vì sợ hãi nên cô la to khiến vua tỉnh giấc, sau khi hỏi rõ nguyên do vua ra lịnh tập họp quần thân và dân chúng trong thành Vương xá đến vườn hoa ; vì vua giỏi trị nước nên khi mọi người nghe biết tin này đều rơi lệ. Vua hỏi mọi người: “nếu người nào cứu sống vua quán đảnh dòng Sát-đế-lỵ thì đáng được báo đáp như thế nào?”, đáp là đáng thưởng cho nửa nước, vua nói: “bầy chim Yết lan đạc ca vừa cứu sống ta, vậy chúng đáng được thưởng cho nửa nước”, đại thần tâu vua: “chim Yết lan đạc ca không phải là người, thưởng như thế là không hợp lý ; vua nên thưởng cho chúng khu vườn này và trọn đời cung cấp thức ăn uống cho chúng”, vua nói: “sẽ làm theo lời khanh vừa nói”, quần thần cho trồng trúc quanh vườn nên vườn này được gọi là vườn trúc Yết lan đạc ca.

Lúc đó Thế tôn du hành đến nước Ma-kiệt-đà rồi dừng nghỉ dưới một gốc cây bên ngoài thành Vương xá, nghe tin này vua Ảnh thắng cùng các quyến thuộc ra khỏi thành đến chỗ Phật đảnh lễ ngồi một bên nghe Phật nói pháp, Thế tôn tùy thuận nói pháp chỉ dạy cho vua được lợi hỉ rồi liền im lặng. vua Ảnh thắng cung kính thỉnh Phật và Tăng vào ngày mai thọ thực, Phật im lặng nhận lời, vua biết Phật đã nhận lời liền đảnh lễ Phật hữu nhiễu rồi ra về. Về đến trong cung liền ra lịnh các quyến thuộc ngay trong đêm đó lo sửa soạn đủ các món ăn ngon, sáng sớm trải tòa và để trước tòa ngồi một bình báu đựng nước rồi sai sứ đến bạch Phật: “đã đến giờ thọ thực, xin Phật tự biết thời”. Phật đắp y mang bát cùng các Bí-sô đến trong cung vua, rửa tay chân rồi rồi đến tòa ngồi; thấy Phật và Tăng đã ngồi xong, vua tự tay dâng các thức ăn ngon lên cúng dường khiến cho tất cả đều được no đủ. Sau khi Phật và Tăng thọ thực xong, vua lấy bình báu đựng nước rưới nước cho Phật rửa tay rồi bạch Phật: “cúi xin Thế tôn thọ con cúng khu vườn Yết lan đạc ca này”, Phật nói kệ:

“Người đã làm bố thí,
Chắc chắn được nghĩa lợi.
Nếu vì vui nên thí,
Sau sẽ được an lạc”.

Nói kệ chú nguyện rồi, Phật cùng các Bí-sô đến ở trong vườn Yết lan đạc ca; do nhân duyên này khi kiết tập kinh nói rằng: Phật ở trong vườn Yết lan đạc ca… cho đến tôn giả Xá-lợi-phất và Đại Mục-kiền-liên xuất gia đắc đạo A-la-hán. Lúc đó trong thành Vương xá có một trưởng giả thỉnh Phật và các Bí-sô đến nhà thọ thực, lúc đó trưởng giả Cấp-côđộc vì có chút duyên nên đến thành Vương xá, ngủ đêm ở nhà trưởng giả này. Đêm đó trưởng giả chủ nhà thức dậy, đánh thức mọi người trong nhà, trừ trẻ con, hoặc chẻ củi hoặc lấy nước đổ vào trong nồi để nấu cơm, canh, thức ăn; cư sĩ còn tự mình trang hoàng nhà cửa, trải tọa cụ… các việc. Cấp-cô-độc thấy rồi liền suy nghĩ: “trưởng giả này sắp cưới vợ hay gả con gái, hoặc là thỉnh vua quan đến hay làm hội thí lớn”, nghĩ rồi liền hỏi nguyên do, trưởng giả chủ nhà đáp: “tôi không có cưới vợ, cũng không gả con gái hay thỉnh vua quan, mà là sáng ngày mai thỉnh Phật và Tăng đến nhà thọ thực làm hội thí lớn”, Cấp-cô-độc vừa nghe đến tên Phật, toàn thân lông đều dựng đứng, tâm sanh hoan hỉ liền hỏi Phật là ai, chủ nhà nói: “có Thái tử con vua dòng họ Thích, tín tâm xuất gia chứng được Vô thượng đạo, hiệu là Phật”, lại hỏi Tăng là ai, cư sĩ nói: “có nhiều hạng người thuộc bốn giai cấp: Sát-đế-lỵ, Bà-la-môn, Phệ xá, Thủ đà la, đủ các dòng họ tín tâm xuất gia, cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, theo Phật xuất gia đều gọi là Tăng”, lại hỏi: “Phật nay đang ở đâu?”, đáp: “Phật đang ở gần Hàn lâm, nếu ông muốn gặp thì hãy đợi đến sáng mai sẽ được gặp Thế tôn”. Lúc đó trưởng giả Cấp-cô-độc chuyên tâm nghĩ về Phật nên ngủ thiếp được một lát thị chợt tỉnh giấc, trời chưa sáng lại tưởng là trời sáng nên vội ra đến cửa thành Thiện tự tại. Thường pháp của nước này là đầu đêm không đóng cửa thành để sứ giả bên ngoài đến không bị chướng ngại, cuối đêm cũng mở cửa thành để sứ giả bên trong đi ra không bị chướng ngại. Khi trưởng giả ra đến cửa thành thấy cửa mở liền nương theo ánh sáng ra ngoài, ra khỏi thành thì ánh sáng liền mất ; thấy trời tối đen trưởng giả sợ hãi, toàn thân lông dựng đứng, liền suy nghĩ: “nếu ta còn ở đây e sẽ bị người hoặc phi nhơn làm hại”, nghĩ rồi liền muốn quay trở lại. Thiên thần coi giữ cửa thành này liền phóng ánh sáng chiếu sáng từ bên ngoài cửa thành cho đến Hàn lâm rồi nói kệ:

“Tuấn mã đủ trăm con,
Vàng tử mA-trăm cân,
Xe song mã thật đẹp,
Đủ số một trăm chiếc,
Chở đầy đủ các vật,
Để đem đi bố thí,
Cũng không bằng công đức,
Một bước đến gặp Phật,
Nếu so sánh như vậy,
Là một phần mười sáu.
Cho dù trăm thớt voi,
Đều dùng vàng trang sức,
Chở lụa là châu báu,
Để đem đi bố thí,
Cũng không bằng công đức,
Một bước đến gặp Phật,
Nếu so sánh như vậy,
Là một phần mười sáu.
Cho dù trăm mỹ nữ,
Xinh đẹp vào bậc nhất,
Cổ đeo chuỗi ngọc báu,
Tay đeo vòng xuyến báu,
Để đem đi bố thí,
Cũng không bằng công đức,
Một bước đến gặp Phật,
Nếu so sánh như vậy,
Là một phần mười sáu.

Ông hãy đi tới trước, sẽ được lợi ích lớn, chớ có quay trở lại”, trưởng giả hỏi: “hiền thủ là ai?”, đáp: “đời trước ta là bạn của ông tên Ma đầu kiên, do ta khi đến thành Vương xá gặp được hai tôn giả Xá-lợi-phất và Đại Mục-kiền-liên, được nghe thuyết pháp và được lợi hỉ nên ta đã thọ Tam quy ngũ giới. Do nhân duyên này, mạng chung được sanh lên cõi trời Tứ thiên vương làm thần giữ cửa ở đây. Ông hãy đi đi, sẽ được lợi ích lớn, đi thẳng về phía trước, chớ có nghi hối”. Lúc đó trưởng giả suy nghĩ: “Phật vượt khỏi hàng phàm phu, các bậc Thánh khác không sánh bằng, Phật thuyết pháp đáng tôn trọng nên khi ta muốn gặp Phật, chư thiên rất hoan hỉ”, nghĩ rồi liền nương theo ánh sáng này đi đến Hàn lâm. Phật biết trưởng giả Cấp-cô-độc sắp đến nên ở bên ngoài tinh xá kinh hành, trưởng giả thấy Phật liền theo pháp của cư sĩ thăm hỏi Phật ngủ có được an không, Phật nói kệ:

“Lìa tất cả phiền não,
Tâm không nhiễm dục lạc,
Được Vô lậu giải thoát,
Ngủ thường được an lạc.
Đoạn tất cả triền phược,
Tâm dứt hết phiền não,
Trong tâm thường tịch tĩnh,
Nên ngủ được an lạc”.

Nói kệ xong, Phật cùng trưởng giả Cấp-cô-độc trở vào trong tinh xá trải tòa ngồi, trưởng giả đến trước Phật đảnh lễ rồi ngồi một bên nghe Phật nói pháp, Thế tôn tùy thuận nói pháp chỉ dạy cho trưởng giả được lợi hỉ. Thường pháp của Phật là trước tiên Phật nói về bố thí trì giới là quả báo sanh Thiên, kế phân biệt cấu tịnh giữa lỗi của năm dục là khổ não của thế gian và xuất gia là an lạc. Lúc đó Phật biết tâm trưởng giả đã thuần thục điều nhu, có thể thọ được pháp tối thượng liền nói bốn đế: Khổ tập diệt đạo. Như miếng vải trắng sạch dễ nhuộm màu sắc, trưởng giả cũng vậy, vừa nghe pháp tâm liền khai ngộ, ngay nơi chỗ ngồi được pháp nhãn thanh tịnh vô cấu. Sau khi thấy pháp, biết pháp, được tịnh pháp, vượt khỏi nghi hối, bất tín, không từ nơi người khác mà ở trong đạo quả được vô sở úy. Trưởng giả liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ bạch Phật: “Thế tôn, tâm con mến mộ Phật pháp, con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng làm Ô-ba-sách-ca. Từ nay cho đến trọn đời, con vĩnh viễn không sát sanh, tín tâm thanh tịnh”. Phật hỏi trưởng giả: “ông tên gì?”, đáp: “con tên là Tô đạt đa, do con hay cung cấp cho những nguời nghèo khổ cô độc nên mọi người gọi con là Cấpcô-độc”, lại hỏi: “ông ở đâu?”, đáp: “con hiện ở tại một ấp phía Bắc bên ngoài thành Thất-la-phiệt thuộc nước Kiều-tát-la. Cúi xin Thế tôn thọ con thỉnh đến thành Thất-la-phiệt, con sẻ trọn đời cúng dường tứ sự cho Thế tôn và Bí-sô tăng già”, Phật hỏi: “tại thành Thất-la-phiệt có tinh xá không?”, đáp là không có, Phật nói: “nếu nơi đó có tinh xá thì chúng tăng mới có thể qua lại, nếu không có tinh xá thì chúng tăng sẽ an trụ ở đâu”, trưởng giả nói: “cúi xin Thế tôn thọ con thỉnh đến thành Thất-la-phiệt trước, con sẽ trở về xây dững tinh xá cho các Bí-sô có chỗ dừng trụ tư duy”. Phật im lặng nhận lời, trưởng giả biết Phật đã nhận lời liền đảnh lễ rồi trở về. Sau khi lo liệu xong công việc ở thành Vương xá, trưởng giả trở lại chỗ Phật đảnh lễ rồi bạch Phật: “Thế tôn, xin cử một Bí-sô đi cùng con đến thành Thất-la-phiệt để lo việc xây dựng tinh xá cho Thế tôn và các Bí-sô có chỗ dừng nghỉ”, Phật suy nghĩ: “trong chúng ai có thể điều phục được dân chúng thành Thất-la-phiệt và quyến thuộc của trưởng giả”, liền quán biết tôn giả Xá-lợi-phất có thể đảm nhận việc này. Phật bảo tôn giả Xá-lợi-phất: “thầy hãy quán quyến thuộc của trưởng giả Cấp-cô-độc và dân chúng thành Thất-la-phiệt rồi đến đó giáo hóa và lo việc xây cất tinh xá”, Xá-lợi-phất im lặng vâng lời Phật dạy, đảnh lễ Phật rồi trở về phòng. Sáng hôm sau Xá-lợi-phất đắp y mang bát vào thành Vương xá khất thực, thọ thực xong thu cất y bát, giao ngọa cụ cho Bí-sô khác rồi cùng đi với trưởng giả Cấp-cô-độc đến thành Thất-la-phiệt ; trưởng giả cũng đã chuẩn bị đầy đủ lương thực đi đường, tuần tự đi đến bên ngoài thành Thất-la-phiệt. Đến nơi, ông lại không vào thành cũng không về nhà mà đi khắp nơi quanh thành để tìm nơi chốn thích hợp có thể xây cất tinh xá. Vừa đi ông vừa nghĩ: “ở đâu có vườn đẹp, qua lại thuận tiện, cây cối sum suê, có nước chảy trong sạch, không có các loài trùng độc như rắn rít, muỗi mòng, cũng không có gió nóng, ngày đêm đều yên tĩnh. Ta sẽ ở nơi đó xây cất tinh xá cúng cho Phật và Tăng”, bỗng nhiên lúc đó ông nhìn thấy khu vườn của Thái tử Kỳ đà có đầy đủ các điều kiện trên, thấy rồi ông liền trở vào thành, không về nhà mà đến chỗ Thái tử bạch rằng: “tôi muốn mua vườn của Thái tử, xin hãy bán cho tôi”, Thái tử nói: “đêy không phải là vườn mà là uyển lâm”, trưởng giả nói: “dù là vườn hay uyển lâm tôi cũng muốn mua, xin Thái tử hãy bán cho tội”, Thái tử nói: “tôi không muốn bán, cho dù ông có đem tiền vàng lót đầy trong vườn, tôi cũng không bán”, Cấp-cô-độc nói: “giá vườn đã quyết đoán rồi”, Thái tử nói: “tôi không có quyết đoán”. Do nhân duyên này cả hai cùng tranh cải và cùng đến chỗ quan đoán sự để xử đoán, Cấp-cô-độc kể lại đầy đủ việc trên, quan đoán sự nghe rồi liền nói: “Thái tử đã bán rồi, hãy nên đúng thời nhận vàng, vì sao Thái tử lại nói là dù ông có đem tiền vàng lót đầy trong vườn tôi cũng không bán”. Cấp-cô-độc liền trở về nhà cho xe voi xe ngựa chở tiền vàng đến trong vườn của Thái tử để lót, nhưng còn thiếu một ít chưa lót đầy vườn, ông đang suy nghĩ không biết nên lấy thêm vàng trong kho nào để lót đầy chỗ này mà không thiếu không dư. Thái tử thấy vậy liên nói: “nếu ông hối tiếc thì tùy ý, ông mang vàng về, trả vườn lại cho tôi”, Cấp-cô-độc nói: “tôi không hối tiếc, chỉ là tôi đang suy nghĩ nên lấy thêm vàng trong kho nào để lót cho đầy chỗ này mà không thiếu không dư”, Thái tử nghe rồi liền suy nghĩ: “Phật pháp Tăng chắc là vĩ đại nên khiến ông ta xả vật báu mà không hối tiếc như thế”, nghĩ rồi liền nói với Cấp-cô-độc : “ông khỏi phải lót thêm tiền vàng nữa, chỗ đất trống đó hãy để cho tôi xây cửa cổng cúng cho Phật và Tăng”, trưởng giả nói: “vậy thì tùy ý Thái tử”. Lúc đó các ngoại đạo nghe biết trưởng giả sắp xây dựng tinh xá cho Phật và Tăng, trong lòng ưu não và oán hận nên cùng kéo nhau tới nhà trưởng giả, nói với trưởng giả: “ông không nên xây dựng tinh xá cho Sa môn Kiều-đáp-ma, vì sao, vì chúng tôi trước đã phân chia ranh giới, Kiều-đáp-ma trụ ở thành Vương xá, chúng tôi trụ ở thành Thất-la-phiệt”, trưởng giả nói: “các vị chỉ có thể phân chia ranh giới của mình, không nên phân chia cả vườn của tôi, tôi làm công đức này đều là do tự tâm”. Các ngoại đạo thấy không thể lay chuyển ý quyết của trưởng giả liền đến gặp vua tâu rõ việc trên, vua triệu Cấp-cô-độc đến, Cấp-cô-độc đối đáp và được thắng. Các ngoại đạo nói với tâm giận tức : “nếu vậy thì đệ tử thượng thủ của Sa môn Kiều-đáp-ma phải cùng chúng tôi tranh luận, nếu thắng được chúng tôi thì ông tùy ý xây dựng tinh xá”, trưởng giả nói: “được, xin hãy đợi tôi bạch tôn giả Xá-lợi-phất, nếu tôn giả nhận lời thì tôi sẽ báo cho các vị”. Trưởng giả đến chỗ tôn giả đảnh lễ rồi ngồi một bên bạch rằng: “đại đức, các ngoại đạo nói nếu xây tinh xá họ sẽ cản trở, lại nói đệ tử thượng thủ của Sa môn Kiều-đáp-ma phải cùng chúng tôi tranh luận, nếu thắng được chúng tôi thì ông tùy ý xây dựng tinh xá. Không biết ý của tôn giả như thế nào?”, Xá-lợi-phất nghe rồi liền quán xem các ngoại đạo và dân chúng thành Thất-la-phiệt có thiện căn hay không, liền quán biết là họ có thiện căn; lại quán ai có thể điều phục được họ, liền quán biết mình có thể điều phục họ; lại quán xem thời cơ là vào lúc nào, liền quán biết là bảy ngày sau. Sau khi quán biết rồi, Xá-lợi-phất bảo Cấp-cô-độc: “cứ làm theo ý ông, nhưng bảy ngày sau tôi mới cùng họ luận nghị”, Cấp-cô-độc nghe rồi rất vui mừng đảnh lễ tôn giả rồi đến chỗ ngoại đạo nói là bảy ngày sau sẽ cùng luận nghị. Các ngoại đạo nghe rồi liền nói với nhau: “có hai nhân duyên khiến ông ta kéo dài kỳ hạn đến bảy ngày sau: một là định bỏ trốn, hai là đi tìm bạn trợ giúp. Chúng ta cũng nên tìm bạn trợ giúp”, nói rồi cùng nhau đi tìm người trợ giúp. Họ tìm đến một Phạm chí tên là Xích nhãn là người đã được bổn tông lại giỏi huyễn thuật, nói rằng: “ông và chúng tôi cùng tu đạo hạnh, hiện nay chúng tôi hẹn với đệ tử thượng thủ của Sa môn Kiều-đáp-ma cùng luận nghị, ông ta đã đi tìm bạn trợ giúp, xin nhân giả đến trợ giúp chúng tôi”, Phạm chí hỏi lúc nào cùng luận nghị, đáp là bảy ngày sau, Phạm chí nói: “được, khi nào tụ họp cùng luận nghị thì báo cho tôi biết”. Vì lo lắng nên các ngoại đạo hằng ngày đều đi tìm thêm bạn trợ giúp, cuối cùng đến ngày thứ bảy, trưởng giả sắp đặt một tòa sư tử thắng diệu trên mội khu đất thù thắng dành cho tôn giả Xá-lợi-phất và một tòa dành cho ngoại đạo. Các ngoại đạo trong nước đều đếu dự, trăm ngàn vạn ức dân chúng trong thành Thất-la-phiệt cũng đều đến dự, trong số đó có người đến để xem tranh luận, có người vì căn lành đã thuần thục nên đến. Lúc đó tôn giả Xá-lợi-phất cùng trưởng giả Cấpcô-độc và các quyến thuộc trước sau vây quanh đến dự, sau khi quán xem trong đại chúng ai có thể được điều phục, tôn giả mĩm cười rồi bước lên tòa ngồi với oai nghi tề chỉnh, tất cả đại chúng đều chắp tay chuyên chú lắng nghe. Xá-lợi-phất hỏi ngoại đạo: “ta lập tông, các vị phá hay là các vị lập tông, ta phá?”, ngoại đạo đáp: “ta lập tông trước”, Xá-lợi-phất thầm nghĩ: “nếu ta lập tông trước thì trừ Thế tôn ra, trời người đều không thể phá được huống chi là ngoại đạo Xích nhãn”, nghĩ rồi liền nói: “ông tùy ý lập tông, ta sẽ tùy phá”. Do Xích nhãn giỏi huyễn thuật nên ông hóa ra một cây Am một la to lớn nở hoa kết trái sum suê, Xá-lợi-phất liền hóa ratrận mưa gió lớn đánh bậc cả gốc cây khiến cây ngã đổ và biến mất. Xích nhãn lại hóa ra một ao sen lớn, Xá-lợi-phất liền hóa ra con voi to lớn giẫm đạp ao và bẻ gẫy hết hoa sen, khiến ao trở thành bình địa. Xích nhãn lại hóa ra rồng chúa bảy đầu, Xá-lợi-phất liền hóa ra chim chúa cánh vàng to lớn từ trên không trung bay xuống cắp lấy rồng chúa bay đi. Xích nhãn lại hóa ra quỷ khởi thi đến để làm hại Xá-lợi-phất, Xá-lợi-phất liền niệm chú khiến cho quỷ khởi thi quay trở lại làm hại Xích nhãn ; Xích nhãn sợ hãi xuống tòa, năm vóc sát đất đảnh lễ Xá-lợi-phất và cầu xin cứu mạng. Xá-lợi-phất liền thu hồi năng lực của chú và thuyết pháp cho Xích nhãn nghe, sau khi nghe pháp Xích nhãn sanh tín tâm đảnh lễ tôn giả và bạch rằng: “xin cho con được ở trong thiện pháp luật xuất gia thọ giới cụ túc, thành tánh Bí-sô làm đệ tử của tôn giả để tu tập phạm hạnh”. Xá-lợi-phất cho Xích nhãn xuất gia thọ giới cụ túc, Bí-sô này chuyên tâm tu tập đoạn trừ các phiền não, không bao lâu sau chứng quả A-la-hán , đủ ba Minh, sáu Thông và tám Giải thoát, được như thật tri : sanh tử đã hết, phạm hạnh đã lập, việc nên làm đã làm xong, không còn thọ thân sau. Tâm không chướng ngại như tay nắm hư không, như dao cắt mùi thơm, yêu ghét không khởi, xem vàng và đất như nhau không khác, tất cả danh lợi đều xả bỏ, Thích Phạm chư thiên thảy đều cung kính. Đại chúng thấy việc kỳ lạ này rồi liền sanh tâm tín kính tôn giả Xá-lợi-phất và chuyền nói với nhau: “tôn giả Xá-lợi-phất đánh bại được vị luận sư giỏi nhất và điều phục được các ngoại đạo”. Xá-lợi-phất quán biết ý nhạo phiền não và tánh giới sai biệt của đại chúng, liền nói pháp Tứ đế khiến cho trăm ngàn hữu tình được lợi ích thù thắng. Có người đắc quả Tu-đà-hoàn, hoặc quả Tư-đà-hàm, hoặc quả A-na-hàm, có người gieo trồng nhân duyên với Thanh văn thừa, có người gieo trồng nhân duyên với Bích chi Phật thừa, có người gieo trồng nhân duyên với Phật thừa, có người thọ Tam quy ngũ giới tín kính Phật pháp tăng. Sau khi nghe pháp xong, trưởng giả Cấp-cô-độc cùng các quyến thuộc và tất cả dân chúng vui mừng đảnh lễ tôn giả Xá-lợi-phất rồi trở về nhà. Lúc đó các ngoại đạo trong lòng tức giận nói với nhau: “chúng ta không phá được Xá-lợi-phất thì phải tìm cách giết ông ta. Chúng ta nên xin vào trong tinh xá đó làm thuê mướn rồi tìm cơ hội giết Xá-lợi-phất”, nói xong liền cùng đi đến gặp Cấp-cô-độc, nói rằng: “ông đã đoạt hết lợi dưỡng của chúng tôi, chúng tôi ở đây đã lâu không thể rời bỏ được, ông vui lòng cho chúng tôi làm thuê trong tinh xá này”, trưởng giả nói: “để tôi bạch tôn giả Xálợi-phất”, nói rồi liền đến bạch tôn giả sự việc trên, tôn giả nghe rồi liền quán xem các ngoại đạo đó có căn lành không, liền quán biết họ có căn lành; lại quán ai có thể điều phục được họ, liền quán biết mình có thể, nên tôn giả bảo Cấp-cô-độc là được và các ngoại đạo này trở thành người làm thuê đầu tiên trong tinh xá. Lúc đó Xá-lợi-phất hóa ra hai người cầm trượng coi ngó những người làm thuê, hai người này rất hung dữ thường hăm he những người làm thuê. Biết giờ điều phục đã đến, Xá-lợi-phất liền kinh hành dưới một gốc cây cách chỗ họ làm việc không xa. Các ngoại đạo này thấy rồi liền suy nghĩ: “mấy lúc gần đây tìm cơ hội, nay cơ hội đã đến”, nghĩ rồi liền đồng loạt đến bao vây Xálợi-phất. Tôn giả liền quán tâm của các ngoại đạo này và biết họ muốn đến hại mình, tôn giả liền hóa ra người cầm trượng đến dùng trượng đánh đuổi bọn họ và quát bảo họ đi làm việc. Các ngoại đạo này đồng thanh kêu cứu, Xá-lợi-phất bảo người cầm trượng: “ông hãy đi đi, cứ để cho họ được nghỉ ngơi”, các ngoại đạo nghe rồi liền suy nghĩ: “Xá-lợiphất có oai đức lớn, chúng ta muốn làm hại mà ông ta vẫn từ bi thương xót”, nghĩ rồi liền sanh tín tâm. Tôn giả quán biết ý nhạo tùy miên và tánh giới sai biệt của họ, tùy cơ thuyết pháp Tứ đế ; sau khi nghe pháp xong, họ dùng chày trí huệ kim cương phá tan hai mươi thân kiến và chứng quả Dự lưu. Chứng quả rồi liền bạch tôn giả: chắp tay bạch Phật: “tôn giả, xin cho con được ở trong thiện pháp luật xuất gia thọ giới cụ túc, thành tánh Bí-sô, tu tập phạm hạnh”, tôn giả liền cho họ xuất gia thọ giới cụ túc và dạy họ việc cần nên làm. Các Bí-sô này chuyên tâm tu tập thấy được năm loại dao động lưu chuyển trong sanh tử và tánh phá hoại ly tán, tất cả hành và cõi đều tiêu diệt. Họ đoạn trừ các phiền não, chứng quả A-la-hán, đủ ba Minh, sáu Thông và tám Giải thoát, được như thật tri: sanh tử đã hết, phạm hạnh đã lập, việc nên làm đã làm xong, không còn thọ thân sau. Tâm không chướng ngại như tay nắm hư không, như dao cắt mùi thơm, yêu ghét không khởi, xem vàng và đất như nhau không khác, tất cả danh lợi đều xả bỏ, Thích Phạm chư thiên thảy đều cung kính.

Lúc đó tôn giả Xá-lợi-phất cùng trưởng giả Cấp-cô-độc cầm dây đo đất để xác định chỗ xây tinh xá, tôn giả bỗng mĩm cười, trưởng giả liền hỏi: “Thế tôn và các đệ tử nếu không có nhân duyên thì không mĩm cười, nay tôn giả có nhân duyên gì mà mĩm cười?”, tôn giả nói: “phải, Thế tôn và các đệ tử nếu không có nhân duyên thì không mĩm cười, nay tôi mĩm cười là vì thấy khi trưởng giả cầm dây đo đất thì trên cõi trời Tịnh cư đã xây xong cung điện toàn bằng vàng cho ông”, trưởng giả nghe rồi rất vui mừng liền nói: “nếu vậy, chúng ta phải nới thêm dây để xây tinh xá cho rộng lớn hơn”, tôn giả liền nới thêm dây theo ý của Cấp-cô-độc. Lúc đó cõi trời Tịnh cư lại xây cung điện bằng bốn loại châu báu và lớn hơn cung điện trước cho trưởng giả, tôn giả lại nói cho Cấp-cô-độc biết, Cấp-cô-độc nghe rồi lại nới thêm dây để xây rộng lớn thêm, tổng cộng là mười sáu nơi với sáu mươi bốn viện đều có lầu gác trang nghiêm. Xây xong, trưởng giả cung cấp đầy đủ các vật cần dùng bên trong tinh xá rồi đến hỏi Xá-lợi-phất : “khi du hành, mỗi ngày Thế tôn đi được bao xa?”, đáp là bằng pháp của Chuyển luân Thánh vương đi, lại hỏi: “Chuyển luân Thánh vương mỗi ngày đi được bao xa?”, đáp là hai do tuần rưỡi. Trưởng giả nghe rồi liền từ thành Thất-la-phiệt đến thành Vương xá, cách khoảng hai do tuần rưỡi cho sắp đặt tứ sự cúng dường, đầy đủ thức ăn đúng thời và phi thời; lại cho dựng cổng kiết tường, cử người trông coi các việc trang hoàng phan phướn, rưới nước thơm, rãi chiên đàn trên mặt đất và các loại hoa thơm trên các ngã tư đường. Sắp đặt xong xuối liền sai sứ giả đến chỗ Thế tôn thay ông thăm hỏi Thế tôn có được khinh an, ít bịnh, ít não phiền và được an lạc trụ không ; sau đó thỉnh Phật cùng các Bí-sô đến thành Thất-la-phiệt thọ tứ sự cúng dường trọn đời của ông, không để thiếu thốn. Sứ giả vâng lời trưởng giả đến thành Vương xá gặp Phật, đảnh lễ bạch Phật: “trưởng giả Cấp-cô-độc đảnh lễ Thế tôn và thăm hỏi Thế tôn có được khinh an, ít bịnh, ít não phiền và được an lạc trụ không ; sau đó thỉnh Phật cùng các Bí-sô đến thành Thất-la-phiệt thọ tứ sự cúng dường trọn đời, không để thiếu thốn”, Phật nói: “nguyện cho trưởng giả Cấp-cô-độc và bản thân ông thường được an lạc” và nhận lời thỉnh, sứ giả đảnh lễ Phật rồi đi. Lúc đó do Phật đã tự điều phục nên điều phục vây quanh, do đã tự tịch tĩnh nên tịch tĩnh vây quanh, do đã tự giải thoát nên giải thoát vây quanh, do đã tự an ổn nên an ổn vây quanh, do đã tự thiện thuận nên thiện thuận vây quanh, do tự đã là A-la-hán nên A-la-hán vây quanh, do đã tự lìa dục nên lìa dục vây quanh, do đã tự đoan nghiêm nên đoan nghiêm vây quanh. Giống như Bò chúa được đàn bò vây quanh, như Voi chúa được đàn voi vây quanh, như Sư tử chúa được đàn sư tử vây quanh, như Ngỗng chúa được đàn ngỗng vây quanh, như chim chúa Diệu súy được đàn chim vây quanh, như Bà-la-môn được học trò vây quanh, như Lương y được các bịnh nhân vây quanh, như Đại tướng được các binh sĩ vây quanh, như bậc đạo sư được các khách lữ hành vây quanh, như vị thương chủ được các thương nhơn vây quanh, như đại trưởng giả được các trưởng giả vây quanh, như vị quốc vương được quần thần vây quanh, như Chuyển luân Thánh vương được các thiên tử vây quanh, như vầng trăng được các ngôi sao vây quanh, như mặt trời được ngàn ánh sáng vây quanh, như Trì quốc thiên vương được Cán thát bà vây quanh, như Tăng trương thiên vương được Cưu-bàn-trà vây quanh, như Xú mục thiên vương được các rồng vây quanh, như Đa văn thiên vương được các Dược xoa vây quanh, như Tịnh diệu thiên vương được A-tu-la vây quanh, như vua trời Đế thích được chư thiên cõi trời Tam thập tam vây quanh, như vua trời Phạm thiên được chư thiên cõi trời Phạm vây quanh. Giống như biển cả sâu lắng yên tĩnh, giống như đám mây lớn, Thế tôn cũng vậy do đã điều phục các căn nên oai nghi tịch tĩnh, có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm thân, ánh sáng bao quanh trên đảnh rộng một tầm sáng rỡ như trăm ngàn mặt trời, có đủ mười Lực, bốn Vô úy, tâm đại bi và ba niệm kiên cố, vô lượng công đức. Thế tôn thong thả tiến bước với các đại Thanh văn và vô lượng trăm ngàn vạn ức dân chúng vây quanh dần dần đi đến bên ngoài thành Thất-la-phiệt. Khi Phật sắp bước vào thành Thất-la-phiệt, chân vừa bước lên ngạch cửa, đất liền chấn động sáu cách: phương Đông vọt lên, phương Tây chìm xuống; phương Tây vọt lên, phương Đông chìm xuống; phương Nam vọt lên, phương Bắc chìm xuống ; phương Bắc vọt lên, phương Nam chìm xuống; ở giữa vọt lên, hai bên chìm xuống; hai bên vọt lên, ở giữa chìm xuống. Khắp thế giới đều được chiếu sáng cho đến chỗ tối tăm dưới núi Thiết vi ; trống trời tự đánh, thiên hoa, thiên y tự nhiên rơi xuống như mưa. Các đường nhỏ hẹp bỗng rộng lớn ra, các cây nhỏ bỗng nhiên cao lớn, voi ngựa… các loài chim đều cất tiếng kêu vui mừng, các loại khí vật tự phát tiếng kêu, người mù được thấy, người điếc được nghe, người câm nói được, người không đủ các căn liền được đầy đủ, người đang say mê đều được tỉnh, người trúng độc đều được khỏe mạnh lại, người oán thù nhau đều sanh tâm từ bi, người mang thai sanh con không thấy đau đớn, người bị giam cầm đều được giải thoát, người nghèo thiếu được của cải… ; khi Phật và đại chúng vào thành, mọi người đều thấy đủ các việc kỳ lạ trên.

Lúc đó Phật và các Bí-sô vào trong tinh xá đến tòa ngồi, trưởng giả Cấp-cô-độc và các quyến thuộc vây quanh chỗ Phật, trưởng giả dùng bình vàng rót nước cho Thế tôn rửa tay nhưng nước không chảy. Trưởng giả suy nghĩ: “chắc là đời trước ta có tội chướng nên mới khiến nước không chảy”, Phật biết tâm niệm của trưởng giả nên nói: “ông không có tội chướng. Nơi nay cũng chính là nơi xưa kia ông đã xây tinh xá cúng cho Phật và Tăng, vì ông đứng không đúng chỗ mà xưa kia ông đã đứng rót nước nên nước không chảy, ông nên dời chỗ đến đứng nơi chỗ mà xưa kia ông đã hành bố thí”. Trưởng giả vâng lời Phật dạy dời đến đứng ở chỗ mà xưa kia ông đã từng hành bố thí thì nước liền chảy, Thế tôn phát năm loại thanh âm ca ngợi công đức bố thí của trưởng giả. Khi Phật sắp chú nguyện, Thái tử Thệ đa suy nghĩ: “cúi xin Thế tôn nói tên con trước”, Phật biết tâm niệm của Thái tử nên bảo các Bí-sô: “rừng Thệ đa vườn Cấp-cô-độc này được cúng dường cho Phật và Bísô tăng bốn phương”. Thái tử nghe Thế tôn nói tên mình trước, tâm vui mừng tín kính liền cho xây cổng tam quan bằng bốn loại châu báu. Do nhân duyên này nên khi kiết tập kinh nói là Phật tại rừng Thệ đa vườn Cấp-cô-độc.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20