CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA PHÁ TĂNG SỰ

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường – TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh – năm 2009

Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 20

Phật bảo các Bí-sô: “thuở xưa cũng vậy, ai nghe theo lời ta dạy đều thoát khỏi khổ nạn; ai nghe theo lời dạy của Đề-bà-đạt-đa đều bị khổ nạn. Các thầy lắng nghe:

Thuở xưa tại một đồng hoang có một thôn với nhiều cây trái sum suê, nơi đó có hai bầy khỉ sống gần nhau, mỗi bầy có năm trăm con với một khỉ chúa. Một trong hai con khỉ chúa nằm mộng thấy năm trăm con khỉ với hai khỉ chúa đều bị ném vào cái vạc nóng, nó sợ hãi đến nỗi lông trên người dựng đứng và lập tức tỉnh dậy. Khỉ chúa này cho gọi bầy khỉ đến kể lại giấc mộng trên rồi nói: “giấc mộng này không phải là điềm lành, chúng ta phải bỏ nơi này dời đến nơi khác”, bầy khỉ nói: “cần gì phải rời bỏ nơi đây, Đại vương có đại oai đức, mộng thấy thì không phải là sự thật”. Sáng hôm sau khỉ chúa này đến nói với khỉ chúa kia : “tôi mộng thấy như vậy như vậy, chúng ta nên dời đến nơi khác”, khỉ chúa kia nói: “làm sao có thể tin vào giấc mộng, nếu anh muốn đi thì cứ đi, tôi ở đây thấy thoải mái nên không muốn đi đâu cả”. Khỉ chúa này biết khỉ chúa kia không tin nên dẫn bầy khỉ của mình đi đến nơi khác. Thời gian sau, trong thôn có một nô tỳ đang rang lúa mạch, một con dê đến gần muốn ăn lúa, cô bèn lấy cây củi đang cháy đánh dê, lửa cháy lông dê nên con dê chạy vào trong chuồng voi của vua. Trong chuồng này có nhiều cỏ khô, con dê bị lửa đốt nóng nên lắc mình làm cho lửa văng lên cỏ khô, cỏ cháy khiến các con voi trong chuồng đều bị phỏng. Người quản tượng đem việc này tâu vua, vua bảo gọi thầy thuốc đến chữa trị, thầy thuốc suy nghĩ: “trước đây ta bị bầy khỉ làm tổn hại mùa mang, nay ta nhân dịp này báo thù”, nghĩ rồi liền tâu vua: “voi bị phỏng, cân phải dùng mở khi thoa lên chỗ phỏng thì mới được lành”. Vua nghe rồi liền ra lịnh tìm mở khỉ, đại thần tuân lịnh vua cho gọi thợ săn đến vào bảo tìm bắt khỉ. Thợ săn tuân lịnh đi tìm bắt khỉ, kết quả khỉ chúa và bầy khỉ năm trăm con của nó đều bị bắt và bị thầy thuốc kia bỏ vào vạc nung để lấy mở. Chư thiên trên hư không thấy việc này rồi liền nói kệ:

“Không nên gần oan gia,
Thành ấp và làng xóm,
Người giận dê ăn lúa,
Khiến khỉ bị nấu chảy”.

Phật bảo các Bí-sô: “khỉ chúa nằm mộng thuở xưa chính là thân ta ngày nay, khỉ chúa không tin chính là Đề-bà-đạt-đa; thuở xưa bầy khỉ nghe theo lời ta nên tránh khỏi nỗi khổ bị lửa đốt, bầy khỉ nghe theo lời của Đề-bà-đạt-đa thì chịu khổ cùng cực, ngày nay cũng vậy. Các thầy lắng nghe thêm:

Thuở xưa tại một nơi khác có hai con khỉ chúa, mỗi con có năm trăm quyến thuộc; một trong hai con khỉ chúa dẫn quyến thuộc của mình đi kiếm ăn, đến một làng kia thấy có một cây Kim ba già ra trái sum suê. Bầy khỉ thấy rồi liền nói với khỉ chúa: “cây này ra trái rất sum suê, chúng ta từ xa đến đây mệt nhọc nên lên cây hái trái này ăn”, khỉ chúa quan sát rồi nói kệ:

“Cây này gần xóm làng,
Trẻ em không hái ăn,
Thì các ngươi nên biết,
Trái này không ăn được”.

Nói rồi dẫn bầy khỉ bỏ đi; sau đó con khỉ chúa thứ hai cũng dẫn quyến thuộc của mình đi kiếm ăn, đến làng kia thấy cây Kim ba già ra trái sum suê. Bầy khỉ thấy rồi liền nói với khỉ chúa: “cây này ra trái rất sum suê, chúng ta từ xa đến đây mệt nhọc nên lên cây hái trái này ăn rồi đi tiếp”, khỉ chúa nói được, kết quả là khỉ chúa và bầy khỉ ăn trái này xong liền chết.

Phật bảo các Bí-sô: “khỉ chúa thứ nhất chính là thân ta ngày nay, khỉ chúa thứ hai chính là Đề-bà-đạt-đa; thuở xưa bầy khỉ nghe theo lời ta đều được bình an, bầy khỉ nghe theo lời của Đề-bà-đạt-đa đều bị chết. Ngày nay cũng vậy, ai nghe theo lời ta dạy đều thoát khỏi khổ nạn; ai nghe theo lời dạy của Đề-bà-đạt-đa đều bị khổ nạn”.

Lúc đó các cư sĩ, Bà-la-môn nghe biết Đề-bà-đạt-đa ném đá hại Phật đều tức giận muốn giết Đề-bà-đạt-đa, đồng bạn của Đề-bà-đạtđa hay tin này liền đến báo, Đề-bà-đạt-đa nghe rồi liền đến bên gốc cây ngồi thiền. Khi các cư sĩ, Bà-la-môn đến, thấy Đề-bà-đạt-đa đang ngồi thiền bên gốc cây liền nói với nhau: “Đề-bà-đạt-đa có đại oai đức, chúng ta không thể giết; tại sao chúng ta lại có niệm ác này, chúng ta hãy giải tán”. Các Bí-sô nghe biết việc này, đếu có nghi thỉnh hỏi Phật: “Thế tôn, vì sao Đề-bà-đạt-đa làm điều phi pháp, tạo tội nhưng ở trước mọi người lại hiện tướng tu pháp lành?”, Phật nói: “không phải chỉ ngày nay mà ngày xưa cũng vậy, các thầy lắng nghe:

Thuở xưa tại một nơi có con chuột chúa với năm trăm quyến thuộc; lại có con mèo tên là Hỏa diễm, lúc còn trẻ nó chuyên môn bắt giết chuột, khi đã già nó suy nghĩ: “hồi còn trẻ có sức lực, ta có thể bắt chuột dễ dàng ; nay ta đã già khí lực suy yếu không thể bắt chuột được, ta nên làm phương tiện”, nghĩ rồi nó quan sát biết có con chuột chúa cùng năm trăm quyến thuộc ở trong hang đó. Mèo già này liền đến trước hang ngồi thiền, khi bầy chuột ra ngoài kiếm ăn thấy mèo ngồi thiền liền hỏi: “cậu đang làm gì vậy?”, mèo đáp: “hồi xưa khi còn trẻ khỏe mạnh, ta đã gây vô lượng tội; nay tuổi già, ta muốn tu phước để trừ bỏ tội xưa”, bầy chuột nghe rồi liền sanh tâm thiện, cho là mèo đang tu pháp lành nên hữu nhiễu ba vòng rồi chui vào hang; mèo già liền chộp bắt con chuột đi cuối để ăn thịt. Không bao lâu sau bầy chuột càng ít dần, chuột chúa suy nghĩ: “bầy chuột ít dần, mèo già mập lên ắt là có nguyên do”, nghĩ rồi chuột chúa liền xem xét phân mèo, thấy trong phân có xương và lông chuột, nó liền theo dõi mèo già và biết được mèo già đã bắt con chuột đi cuối để ăn thịt. Chuột chúa liền đứng tránh xa rồi nói kệ:

“Mèo già ngày càng mập,
Bầy chuột ngày càng ít,
Nếu ăn trái cây củ lá,
Sao phân có lông xương,
Ông tuy tu thiền nhưng bất thiện,
Vì lợi nên giả người tu thiện,
Nguyện ông không bịnh, sống an ổn,
Bầy chuột chúng tôi, ông ăn hết”.

Phật bảo các Bí-sô: “mèo già thuở xưa chính là Đề-bà-đạt-đa ngày nay; thuở xưa làm điều phi pháp tạo tội nhưng lại hiện tướng tu thiện, ngày nay cũng vậy”, các Bí-sô lại có nghi thỉnh hỏi Phật: “Thế tôn hãy nói nhân duyên của việc ai nghe theo lời Thế tôn dạy đều thoát khỏi khổ nạn; ai nghe theo lời dạy của Đề-bà-đạt-đa đều bị khổ nạn”, Phật nói: “không phải chỉ ngày nay mà ngày xưa cũng vậy, các thầy lắng nghe:

Thuở xưa có hai người dẫn đường, mỗi người có năm trăm cỗ xe đang vượt qua bãi sa mạc, lúc gặp được chỗ có cỏ nước, lúc không gặp, trải qua nhiều ngày như vậy nên các con bò rất khổ sở. Sau đó đoàn xe đi đến một nơi có suối nước và cỏ tươi tốt, các thương nhân dắt bò tới cho ăn cỏ uống nước và nghỉ ngơi trong lúc họ xuống nước tắm rửa. Trong năm trăm con bò của đoàn xe thứ nhất có một con bò chúa, nó bảo các con bò: “nơi đây có cỏ xanh tốt và nước suối, chúng ta hãy ở lại đây đừng đi nữa; nếu các thương nhân bắt chúng ta kéo xe thì chúng ta hãy nằm xuống đất, không để họ điều khiển chúng ta nữa”, con bò chúa của đoàn xe có năm trăm con bò thứ hai nói với các con bò: “các thương nhân này có sức mạnh, có thể điều khiển những vật khó điều khiển; chúng ta hãy tùy thuận họ, kéo xe như truớc, nếu không sẽ bị tổn hại”, con bò chúa thứ nhất tức giận nói: “anh khuyên bầy bò chịu cho họ sai khiến như trước là phi pháp, ai có thể thấy đuợc lưng của mình”, nói rồi bảo bầy bò của mình: “hãy tin lời ta ở lại đây đừng đi theo họ nữa”. Lúc đó các thương nhân của đoàn xe thứ nhất lên xe đi tiếp thì các con bò này chụm chân cào đất không chịu đi, thương nhân dùng roi đánh đến rách da chảy máu bắt phải đi; các con bò của đoàn xe thứ hai chịu kéo xe nên được an ổn. Lúc đó chư thiên trên hư không thấy việc này rồi nói kệ:

“Hãy xem bò chúa ác,
Nói bảo làm việc sai,
Khiến bầy bò chịu khổ,
Thân bị đánh chảy máu.
Hãy xem bò chúa tốt,
Thuần thiện chỉ bảo đúng,
Nhờ đó mà bầy bò,
Được an ổn thoát hiểm”.

Phật bảo các Bí-sô: “bò chúa chỉ bảo đúng thuở xưa chính là thân ta ngày nay, bò chúa chỉ bảo sai chính là Đề-bà-đạt-đa; thuở xưa ai nghe theo lời ta dạy đều thoát khỏi khổ nạn, ai nghe theo lời dạy của Đề-bà-đạt-đa đều bị khổ nạn; nay cũng vậy”, các Bí-sô lại có nghi thỉnh hỏi Phật: “Thế tôn, vì sao bản thân Đề-bà-đạt-đa ngu si mà quyến thuộc cũng ngu si?”, Phật nói: “không phải chỉ đời này mà đời xưa cũng vậy, các thầy lắng nghe:

Thuở xưa trong một khu rừng vắng có bầy khỉ sinh sống, chúng đi dạo chơi đến một cái giếng, nhìn thấy dưới đáy giếng có bóng mặt trăng, chúng nói với khỉ chúa: “Đại vương, mặt trăng bị rơi xuống giếng, chúng ta xuống duới vớt lên”. Chúng bàn với nhau làm cách nào để vớt mặt trăng lên, khỉ chúa nói: “chúng ta nối nhau làm dây xuống dưới vớt trăng lên”, nói rồi một con khỉ ở trên miệng giếng ôm chặt một cành cây, những con khỉ kia lần lượt nắm tay nôi nhau xuống dưới giếng; do số khỉ nối nhau càng nhiều nên cành cây ở trên chịu không nổi, rạp xuống và gãy. Lúc đó con khỉ dưới cùng ở gần sát mặt nước đưa tay quậy nước để tìm trăng, nước bị quậy vẫn đục nên trăng không hiện nữa; ở trên cành cây gãy khiến cho cả bầy khỉ đều rơi tòm xuống giếng, chết chìm một lượt. Chư thiên trên hư không thấy việc này rồi nói kệ:

“Những con khỉ ngu si,
Nghe lời khỉ chúa ngu,
Bảo bầy khỉ xuống giếng,
Vớt trăng mà chết chìm”.

Phật bảo các Bí-sô: “khỉ chúa thuở xưa chính là Đề-bà-đạt-đa, thuở xưa bản thân ngu si, quyến thuộc cũng ngu si; ngày nay cũng vậy”.

Phật tại Trúc viên thành Vương xá, lúc đó thời thế mất mùa đói kém, khất thực khó được, Phật bảo các Bí-sô: “ta muốn trụ tịch tĩnh trong ba tháng, không được ai đến gặp, trừ người mang thức ăn đến và vào ngày trưởng tịnh; các đại đức cũng nên lập chế”. Lúc đó hai tôn giả Xá-lợi-phất và Đại Mục-kiền-liên an cư ba tháng tại Nam sơn, ở nơi đây Đề-bà-đạt-đa cung cấp thức ăn uống và các vật dụng cho đại chúng trong ba tháng an cư. Sau ba tháng, Đề-bà-đạt-đa ở trong đại chúng xướng rằng: “các Bí-sô nên biết, Sa môn Kiều-đáp-ma khi thuyết pháp thường ca ngợi hạnh ở trong núi tịch tĩnh, xa lìa các phiền não, mau được giải thoát; lại ca ngợi bốn pháp là khất thực, dùng y phấn tảo, chỉ chứa ba y và ngồi nơi đất trống. Nếu ai không thích tu theo bốn pháp này mà tu theo năm pháp của ta, đó là trọn đời thọ mặc nạp y, trọn đời thọ pháp khất thực, trọn đời thọ pháp ăn một bữa, trọn đời thọ pháp ngồi nơi đất trống, trọn đời thọ pháp đoạn nhục, sẽ mau được giải thoát thì hãy lấy thẻ và rời khỏi chúng”, vừa xướng xong liền có năm trăm Bí-sô trong đại chúng đứng dậy lấy thẻ và rời khỏi chúng, đi theo Đềbà-đạt-đa. La-hầu-la thấy việc này rồi liền nói với các Bí-sô đó: “vì sao các thầy lại bỏ Như lai mà đi theo bạn ác”, các Bí-sô này nói: “trong ba tháng an cư chúng ta khất thực khó được, đều nhờ Đề-bà-đạt-đa cung cấp thức ăn uống và các vật dụng; vì thế chúng tôi đi theo Đề-bà-đạtđa”. Khi Đề-bà-đạt-đa làm việc phá Tăng này, đại địa chấn động, sao xẹt sáng rực, chư thiên trên hư không đều xướng rằng: “từ nay không có người đắc đạo quả, không có người được Lậu tận, không có người đọc tụng kinh luật luận và ưa thích ở nơi A-lan-nhã; cũng không có người tu đạo Thanh văn, Duyên giác và Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Trời người náo loạn, pháp luân không chuyển trong ba ngàn đại thiên thế giới nữa, vì chúng sanh tùy thuận người, không tùy thuận pháp”. Lúc đó hai tôn giả Xá-lợi-phất và Đại Mục-kiền-liên nhìn thấy hiện tượng lạ này nên nhập định và quán biết Đề-bà-đạt-đa đã phá hòa hợp Tăng, liền nói với nhau: “chúng ta hãy đến đó để diệt tránh luận và làm cho Tăng hòa hợp trở lại”. Mãn hạ, ba y đã đủ, hai tôn giả du hành dần dần tới Trúc viên thành Vương xá, xếp ba y, rửa chân rồi đến chỗ Thế tôn. La-hầu-la vừa nhìn thấy hai tôn giả liền bạch với tôn giả Xá-lợi-phất: “A-giá-lợi-da có biết không, Đề-bà-đạt-đa đã phá hòa hợp Tăng”, Xálợi-phất nói: “ta đã quán biết rồi nên mới đến đây, con chớ lo buồn, ta sẽ làm cho Tăng hòa hợp trở lại”, nói rồi liền đến chỗ Thế tôn, đảnh lễ rồi ngồi một bên bạch Phật: “Thế tôn, con nghe biết Đề-bà-đạt-đa đã phá hòa hợp Tăng, con nay muốn làm cho Tăng hòa hợp trở lại, xin Thế tôn cho phép”, Phật liền khen ngợi: “lành thay, ai có thể làm cho Tăng hòa hợp, người ấy được vô lượng phước đức”. Được Phật hứa khả rồi, hai tôn giả Xá-lợi-phất và Đại Mục-kiền-liên cùng đi đến chỗ Đề-bàđạt-đa. Lúc đó, Đề-bà-đạt-đa bắt chước oai nghi của Phật ngồi thuyết pháp cho đại chúng, Cô ca lý ca ngồi bên phải, Khiên đề đạt phiêu ngồi bên trái. Đề-bà-đạt-đa từ xa nhìn thấy hai tôn giả Xá-lợi-phất và Đại Mục-kiền-liên đi đến liền suy nghĩ: “ta đã thành bậc Nhất thiết trí nên cả hai đại đức này cũng đến chỗ ta”, nghĩ rồi liền bảo hai người đang ngôi bên trái và bên phải đứng dậy, nhường chỗ cho hai tôn giả ngồi. Bị cưỡng ép rời khỏi chỗ ngồi, Cô ca lý ca… tức giận suy nghĩ: “chúng ta đã sai khi trợ giúp cho Đề-bà-đạt-đa phá Tăng, nếu ta không đứng dậy nhường chỗ, thầy ấy sẽ đánh chúng ta”, nghĩ rồi liền đứng dậy nhường chỗ cho hai tôn giả Xá-lợi-phất và Đại Mục-kiền-liên ngồi. Lúc đó Đềbà-đạt-đa nói với Xá-lợi-phất: “ta đau lưng, thầy hãy thuyết diệu pháp cho đại chúng”, nói rồi liền xếp y Tăng-già-lê gối đầu, nằm nghiêng bên phải nhưng Xá-lợi-phất dùng thần lực làm cho Đề-bà-đạt-đa nằm ngữa, ngủ say không hay biết rồi nói với đại chúng: “đại sư của các vị ngủ say như đứa bé”, nói rồi liền bảo Mục liên: “thầy hãy hiện thần thông lực làm cho đại chúng hồi tâm hướng Phật”. Lúc đó tôn giả Đại Mục-kiền-liên bay lên hư không hiện các oai nghi đi đứng nằm ngồi, kế nhập định Hỏa quang trước tiên từ phương Đông hiện các ánh sáng xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng; hoặc hiện biến thần thông như trên thân tuôn ra nước, dưới thân tuôn ra lửa, hoặc trên thân tuôn ra lửa, dưới thân tuôn ra nước. Phương Đông đã như vậy, các phương Nam, Tây, Bắc cũng hiện như vậy rồi hiện trở lại chỗ ngồi. Đại chúng nhìn thấy việc này rồi, trong lòng ưu sầu suy nghĩ: “nếu ta theo Phật tu tập thì cũng sẽ được thần thông lực như vậy”, tôn giả Xá-lợi-phất quán biết tâm đại chúng rồi liền nói: “các Bí-sô nào còn nghĩ đến Thế tôn thì hãy theo ta”, các Bí-sô này nghe rồi liền đứng dậy đi theo hai tôn giả. Lúc đó Cô ca lý ca… lay gọi Đề-bà-đạt-đa tỉnh dậy để chạy đuổi theo, Xá-lợiphất sợ Đề-bà-đạt-đa không thấy được đồ chúng của mình sẽ ưu sầu thổ huyết mà chết nên đi chậm rãi cho Đề-bà-đạt-đa được thấy; kế dùng thần thông lực hóa ra cái hố ở giữa đường, khiến cho Đề-bà-đạt-đa… năm người đều rơi xuống hố, mê muội không biết đường ra, cho là đã mất đồ chúng, phải quay trở về. Hai tôn giả dẫn các Bí-sô này đến chỗ Phật trong Trúc viên, các Bí-sô trong lòng hổ thẹn không dám ngẩng lên nhìn Phật, Phật thương xót dùng lời dịu dàng an ủi: “này các Bísô, thân người khó được nhưng các thầy đã được, Phật pháp khó nghe nhưng các thầy đã được nghe, sáu căn khó đủ nhưng các thầy đã có đủ ; các việc tốt xấu như thế nào,các thầy cũng đã biết. Ta đã thành tựu Như lai, Bạc già phạm, Ứng chánh đẳng giác, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế Tôn. Ta thường thuyết giảng Niết-bàn tịch tĩnh, Bồ-đề cứu cánh, nói rõ lý nhân duyên:

1. Hễ cái này có thì cái kia sanh nên Vô minh duyên Hành, Hành duyên Thức, thức duyên Danh sắc, Danh sắc duyên Lục xứ, Lục xứ duyên Xúc, Xúc duyên Thọ, Thọ duyên Ái, Ái duyên Thủ, Thủ duyên Hữu, Hữu duyên Sanh, Sanh duyên Lão tử, ưu bi khổ não.

2. Hễ cái này diệt thì cái kia diệt nên Vô minh diệt thì Hành diệt, Hành diệt thì Thức diệt, Thức diệt thì Danh sắc diệt, Danh sắc diệt thì Lục xứ diệt, Lục xứ diệt thì Xúc diệt, Xúc diệt thì Thọ diệt, Thọ diệt thì Ái diệt, Ái diệt thì Thủ diệt, Thủ diệt thì Hữu diệt, Hữu diệt thỉ Sanh diệt, Sanh diệt thì Lão tử, ưu bi khổ não đều diệt.

Này các Bí-sô, các thầy thường nên tư duy tu tập việc lợi mình lợi người. Nếu là pháp khổ, bất thiện, không lợi ích, không an lạc thì dù được thức ăn uống, y phục, ngọa cụ… từ bốn chúng hay từ người nào khác, cũng đều là bất thiện, là việc không nên làm, chớ có làm”.

Các Bí-sô này nghe Phật chỉ dạy rồi, tâm sanh hoan hỉ, trừ hết lưới nghi, trong ngoài đều thanh tịnh. Lúc đó các Bí-sô đều có nghi thỉnh hỏi Phật: “Thế tôn, do nhân duyên gì Tăng đã bị phái lại được hòa hợp trở lại ?”, Phật nói: “ta tự tạo nghiệp, nay tự thọ báo, hễ hữu tình nào tạo nghiệp thì hữu tình đó tự thọ báo, không phải vô tình hay một ai khác chịu thay”, Phật nói kệ:

“Dù trải qua trăm kiếp,
Nghiệp đã tạo không mất,
Khi nhân duyên hội họp,
Tự thọ lấy quả báo”.

Thuở xưa trong núi rừng thanh tịnh nọ có một đại tiên kết giao với năm trăm tiểu tiên cùng làm quyến thuộc, sau đó có một khách tiên ghé qua nơi này, vị đại tiên không chu cấp đủ các vật cần dùng và phục vụ như pháp nên khách tiên này tức giận, muốn phá tiên chúng hòa hợp. Khách tiên dụ dỗ các tiểu tiên, nói rằng: “ta thông đạt các loại đạo thuật và được ngũ thông, các tiên theo ta, ta sẽ dạy cho”, vị đại tiên biết được liền khuyên khách tiên: “chớ phá tiên chúng hòa hợp của tôi, đây không phải là pháp mà tiên nên làm”. Tuy vị đại tiên dùng lời dịu hòa để khách tiên hoan hỉ, nhưng khách tiên này vẫn không ngừng làm phương tiện phá tiên chúng hòa hợp. Lúc đó ở thế gian có Phật Bích chi đại từ bi, thiểu dục tri túc, là phước điền thù thắng du hành dần đến chỗ đại tiên này. Vị đại tiên thấy Phật Bích chi này đoan nghiêm thanh tịnh nên sanh tâm hoan hỉ cúng kính cúng dường và phát nguyện: “nguyện nhờ công đức cúng dường này, ở đời vị lai con được trí huệ thần thông, dù cho khách tiên kia có thành tựu được Nhất thiết trí, con cũng phá hòa hợp Tăng của ông ta”.

Phật bảo các Bí-sô: “vị khách tiên thuở xưa chính là thân ta ngày nay, vị đại tiên cúng dường Phật Bích chi chính là Đề-bà-đạt-đa. Này các Bí-sô, hễ tạo nghiệp thuần đen thì cảm quả báo dị thục thuần đen; tạo nghiệp thuần trắng thì cảm quả báo dị thục thuần trắng ; tạo nghiệp xen tạp thì được quả báo xen tạp, các thầy nên bỏ nghiệp thuần đen và nghiệp xen tạp, phải siêng tu tập nghiệp trắng”, các Bí-sô lại có nghi thỉnh hỏi Phật: “Thế tôn, vì sao Đề-bà-đạt-đa lại lấy trong làm ngoài, lấy ngoài làm trong?”, Phật nói: “không phải chỉ ngày nay mà ngày xưa cũng vậy, các thầy lắng nghe:

Thuở xưa có một con dã can tánh vốn tham ăn, nó du hành đến một tụ lạc và đi kiếm ăn khắp nơi. Một hôm, nó đi tới nhà một người thợ nhuộm và vô ý té vào cái bồn đựng màu nhuộm lam, lông trên thân của nó nhuộm thành màu lam. Người thợ nhuộm vớt nó ra rồi quăng ra đất, nó thấy thân dơ bẩn nên xuống sông tắm rửa nhưng vẫn không làm bay mất màu lam đã bị nhuộm. Các con dã can khác thấy nó có màu lông khác nên hỏi: “anh là người gì?”, nó đáp: “ta là sứ giả của vua trời Đế thích, hãy lập ta lên làm vua loài thú”, các con dã can nghe rồi suy nghĩ: “thân đúng là dã can, nhưng màu lông thì không phải”, nghĩ rồi liền đến báo cho sư tử biết, các sư tử báo cho sư tử chúa biết. Sư tử chúa liền cho sứ đi kiểm tra sư thật như thế nào, sứ đến nơi thấy con dã can màu lam đang cỡi voi trắng lớn, các loài cầm thú đều vây quanh. Sứ liền trở về báo lại cho sư tử chúa, sư tử chúa đích thân đến xem, thấy rồi liền lập kế sai một con dã can đến gặp mẹ của con dã can màu lam. Dã can mẹ hỏi: “ở chỗ con ta có ai là bè bạn?”, đáp: “bên trong có sư tử, hổ, voi; chúng tôi ở bên ngoài”, dã can mẹ nói: “như vậy thì chắc chắn con ta sẽ bị giết chết”, liền nói kệ:

“Ta ở trong núi sống vui vẻ,
Tùy thời được uống nước suối trong,
Nếu con không hú tiếng dã can,
Thì được yên ổn trên lưng voi”.

Sứ giả trở về nói với đồng loại : “nó chính là dã can, không phải dòng vua của loài thú; tôi đã đến gặp mẹ của nó”, các dã can nói: “chúng ta cùng thử”, nói rồi cùng kéo đến chỗ dã can màu lam. Thường pháp của dã can là nếu một con trong bầy hú lên mà những con khác không hú theo thì lông trên thân đều rụng. Lúc đó dã can màu lam nghe tiếng dã can hú liền suy nghĩ: “nếu ta không hú theo thì lông sẽ rụng xuống hết, nếu ta hú thì chắc chắn sẽ bị các con thú khác giết chết; chi bằng ta ở trên lưng voi cất tiếng hú theo”, nghĩ rồi liền ở trên lưng voi cất tiếng hú theo. Voi nghe dã can hú liền biết là dã can, nổi giận dùng vòi kéo xuống đất và dùng hai chân đạp chết. Chư thiên trên hư không thấy việc này rồi nói kệ:

“Trong lật ngược ra ngaòi,
Ngoài đảo ngược vào trong,
Việc này không nên làm,
Như dã can cỡi voi”.

Phật bảo các Bí-sô: “con dã can màu lam thuở xưa chính là Đềbà-đạt-đa ngày nay, thuở xưa lấy trong lật ngược ra ngoài, lấy ngoài đảo ngược vào trong nên tự diệt thân; ngày nay cũng như thế, phá hòa hợp Tăng, lấy trong lật ngược ra ngoài, lấy ngoài đảo ngược vào trong”.

Lúc đó Đề-bà-đạt-đa đuổi theo Xá-lợi-phất tìm lại đồ chúng không được nên trở về trú xứ, trút giận lên bốn người bạn đảng là Cô ca lý ca …, nói rằng: “do các thầy mà ta bị mất đồ chúng”. Các Bí-sô nghe biết việc này rồi đều có nghi thỉnh hỏi Phật: “Thế tôn, vì sao Đề-bà-đạt-đa không tức giận người đã dẫn đồ chúng của mình đi là tôn giả Xá-lợiphất, lại trút giận lên các bạn đảng của mình?”, Phật nói: “không phải chỉ ngày nay mà ngày xưa cũng vậy, người tư thông với vợ mình không giết, lại giết oan người khác. Các thầy lắng nghe:

Thuở xưa có hai con voi là chồng vợ sống gần một đầm lầy trong núi, con voi cái dâm dật tư thông với con voi đực khác. Nó muốn đi theo con voi đực này nhưng lại sợ chồng biết sẽ phát sanh đấu tranh, bèn lập kế rủ voi chồng xuống sông tắm rồi nói: “chúng ta cùng lặn, xem ai lặn lâu hơn”, voi chồng nói: “ta sẽ lặn lâu hơn”, nói rồi cùng lặn. Con voi cái đợi voi chồng lặn xuống nước rồi, trong thời gian chưa nổi lên, nó cùng con voi đực kia bỏ trốn. Voi chồng lặn một hồi lâu, khi nổi lên không thấy voi cái nên nó lặn xuống lại, cứ như thế đến ba lần. Nó thấy mệt nhừ nên lên bờ tìm vợ vẫn không thấy đâu, nó liền đi khắp nơi tìm kiếm và đạp chết oan vô số chúng sanh. Chư htiên trên hư không thấy việc này rồi nói kệ:

“Thân voi tuy to lớn,
Trí huệ lại cạn hẹp,
Voi vợ theo voi khác,
Lại giết oan chúng sanh”.

Phật bảo các Bí-sô: “voi chồng thuở xưa chính là Đề-bà-đạt-đa, ngày nay cũng như ngày xưa, người này làm lại trút giận lên người kia”, các Bí-sô lại có nghi thỉnh hỏi Phật: “Thế tôn là bậc Nhất thiết trí mà lại để Tăng chúng bi phá, do nhân duyên gì hai tôn giả Xá-lợi-phất và Đại Mục-kiền-liên lại có thể dùng phương tiện khéo léo, khuyến hóa dẫn dụ năm trăm Bí-sô bỏ tà về chánh, làm cho Tăng chúng hòa hợp trở lại?”, Phật nói: “không phải chỉ ngày nay mà ngày xưa hai vị ấy cũng đã làm việc như vậy, các thầy lắng nghe:

nghệ, người kia chỉ học được một môn. Người cha liền gả con gái cho thanh niên học thông năm môn kỹ nghệ, thanh niên kia tức giận bỏ đi và kết bọn với đám giặc cướp. Thời gian sau, tên giặc cướp này hay tin hai vợ chồng của người bạn đồng học cùng quyến thuộc sẽ đi qua đường này, liền cầm đao đứng chờ nơi đường hiểm để giết chết. Hai vợ chồng người này trên đường đi gặp nhiều thương nhân đang tụ tập liền hỏi vì sao không đi tiếp, đáp là có giặc cướp ở phía trước, người chồng trên xe nói: “chúng ta cứ đi qua, đừng sợ gì cả”, các thương nhân nói: “nếu anh không sợ thì cứ đi trước, chúng tôi sẽ theo sau anh”. Người chồng liền cho xe đi tới trước, bọn cướp thấy xe đi tới liền báo cho tên đầu đảng là người bạn đồng học trước kia của người chồng trên xe. Đầu đảng cho sứ đến nói: “anh hãy quay xe trở lại, không nên đi tới trước, chúng tôi có rất nhiều người rất khỏe mạnh”, người chồng trên xe nói: “các anh tuy khỏe nhưng tôi cũng khỏe không kém”. Đầu đảng nghe rồi liền cho năm người đến vây đánh trước nhưng đều bị người chồng trên xe giết chết. Đầu đảng lại cho hai mươi mốt người khác đến vây đánh, cũng đều bị người chồng trên xe giết chết ; cứ như thế tất cả bọn cướp dần dần đều bị giết chết hết, chỉ còn lại tên đầu đảng. Người chồng trên xe bắn tất cả bốn trăm chín chín mũi tên đều bị tên đầu đảng dùng dao gạt rớt xuống hết, chỉ còn lại một mũi tên cuối cùng. Người vợ hỏi vì sao không bắn, người chồng nói: “tánh mạng của ta và nàng đều đặt nơi mũi tên cuối cùng này, nếu bắn mà không trúng thì cả hai chúng ta đều chết”, người vợ nghe rồi liền đứng dậy ca múa xoay chuyển, tên đầu đảng nhìn say sưa quên cả phòng thủ, người chồng thừa dịp này liền bắn mũi tên cuối cùng, tên đầu đảng trúng tên, lúc sắp chết liền nói kệ:

“Không phải người chồng kia,
Có thể giết chết ta,
Mà do ta nhiễm đắm,
Nhìn nàng nên mất mạng”.

Phật bảo các Bí-sô: “người chồng trên xe thuở xưa chính là Xálợi-phất ngày nay, người vợ chính là Đại Mục-kiền-liên, tên cướp đầu đảng chính là Đề-bà-đạt-đa; cũng như ngày xưa, ngày nay Xá-lợi-phất và Đại Mục-kiền-liên thấy được chỗ sơ hở của Đề-bà-đạt-đa nên mới làm được việc này”.

Phật ở trong vườn Yêm một la của vương tử Thị-phược-ca, thành Vương xá; lúc đó là vào đêm rằm tháng năm, chư Tăng sắp an cư. Thấy đêm trăng sáng, quang cảnh rất đẹp nên vua Vị sanh oán cùng tả hữu và cung phi thể nữ lên trên lầu cao ngắm cảnh. Vua hỏi mọi người: “đêm nay trăng sáng đáng yêu, ta và các khanh nên làm gì, mỗi người tùy ý nói ra ý nghĩ của mình”, một thể nữ nói: “đời người đối với việc thọ hưởng dục lạc không nên luống qua, đêm nay đẹp trời chúng ta nên mặc tình thọ hưởng dục lạc”, một thể nữ khác nói: “thiếp muốn tất cả đạo tục trong thành Vương xá đều cùng vui hưởng dục lạc”, vương tử Ô-đàdi nói: “đêm nay trăng sáng, Đại vương nên thống lĩnh bốn binh chinh phạt những nước không thần phục và toàn thắng trở về”, một đại thần là đồ chúng của ngoại đạo nói: “đêm nay trăng sáng là ngày rằm tháng năm, sáu vị minh sư như Bộ thích noa… đều được mọi người tôn kính ca ngợi, mỗi vị đều có năm trăm đồ chúng sắp an cư tại thành Vương xá, rất cần được cúng dường những vật cần dùng, chúng ta nên đến cúng dường họ”. Vua thấy vương tử Thị-phược-ca ngồi im lặng trong chúng nên hỏi: “này Thị-phược-ca, vì sao khanh lại im lặng không nói?”, đáp: “hôm nay trăng sáng là ngày tốt nên ai cũng ưa thích, Phật Thế tôn có đại oai đức với các Thánh đệ tử, từ bi che chở hết thảy hữu tình; Thế tôn là phước điền tối thắng, hiện sắp an cư trong vườn của thần, chúng ta nên đến đó cúng dường”, vua nghe rồi liền chỉnh đốn oai nghi cỡi voi Đại hương, cùng năm trăm cung nhân đều cầm đuốc sáng cùng đi đến vườn Yêm một la. Gần dến nơi vua bỗng kinh sợ, lông trên người dựng đứng liền suy nghĩ: “có phải là Thị-phược-ca thông đồng với giặc dụ ta đi đến đây để giết ta chăng”, nghĩ rồi liền hỏi Thị-phược-ca: “Thế tôn cùng bao nhiêu người ở trong vườn này?”, đáp: “khoảng một ngàn hai trăm năm mươi Bí-sô”, vua nói: “nếu không phải khanh có ý gì khác thì tại sao trong đây có nhiều người như vậy mà ta không nghe có một tiếng động nào”, Thị-phược-ca nói: “Thế tôn ba nghiệp đều tịch tĩnh, tâm thương trong định; các đệ tử cũng vậy, cho nên trong đây không nghe có tiếng động nào”. Vua nghe rồi liền dứt nghi liền quyết định đến chỗ Phật, sau khi vua xuống voi tới trước Phật, thấy Phật cùng đại chúng các căn tịch tĩnh, yên lặng như biển; vua gieo năm vóc sát đất đảnh lễ Phật rồi chắp tay bạch rằng: “Thế tôn đại từ bi, ba nghiệp tịch tĩnh, cúi xin dẫn dắt con được thường không náo loạn giống như Phật”, Phật dịu dàng an ủi vua: “lành thay Đại vương, hãy ngồi xuống, nếu có vường mắc điều gì thì cứ tùy ý hỏi”, vua ngồi xuống rồi hỏi Phật: “Thế tôn, trong thế gian có đủ hạng người với nhiều nghề nghiệp như người kết vòng hoa, người làm vườn, kẻ đồ tễ, người buôn bán, người điều phục voi ngựa…; họ hành nghề để kiếm sống và tu phước, nhưng đều dính mặc trong ngũ dục lạc. Những chúng sanh này có thể ngay trong hiện đời này chứng được quả Sa môn hay không?”, Phật hỏi vua: “Đại vương đã từng hỏi ai khác về việc này chưa?”, vua nói: “Thế tôn, con đã từng đến hỏi các ngoại đạo như Bộ thích noa, vị này nói: “trong kinh của ta có nói pháp như sau: không thiện, không ác, không có quả báo của thiện ác; không có bố thí và cúng tế, cũng không có nghiệp bố thí và cúng tế; không có cha mẹ, không có ân cha mẹ ; không có đời này, đời khác; không có người tu đạo đắc Thánh quả, không có Thánh nhân, không có A-la-hán; bốn đại tan rã rồi thì không còn gì cả”. Nếu ai nói có đời này, đời sau; nghiệp nhân nghiệp quả là thật có thì đó là nói dối ; lời nói của người trí và lời bình luận của kẻ ngu đều là rỗng không. Thế tôn, con hỏi Lục sư về nghĩa chân thật nhưng các vị ấy lại trả lời hư dối, ví như hỏi trái xoài lại đáp là trái lê, hoặc hỏi trái lê lại đáp là trái xoài. Con hỏi Lục sư về chánh pháp lại nói về tà pháp, dù cho các ngoại đạo này dùng đủ các tà thuyết để đáp lời con hỏi, vì không vừa ý con nên con không tùy hỉ, từ giã mà đi. Con lại đến hỏi ngoại đạo Mạt yết lợi : “đời này, đời sau, tất cả chúng sanh tạo đủ các nghiệp, làm đủ các nghề để nuôi dưỡng cha mẹ, cúng dường Sa môn, vun bồi ruộng phước… thì hiện đời này có chứng được Thánh quả hay không?”, vị này đáp: “trong kinh của tôi có nói rằng: không nhân, không quả, không thiện, không ác, không có phiền não cũng không có người đoạn trừ phiền não ; không có Niết-bàn, cũng không có người chứng đắc Niết-bàn. Nhân quả trong ba đời thảy đều không có, tất cả đều là tự nhiên, người trí tự nhiên có trí, người ngu tự nhiên ngu; không có người tu cũng không có người đắc; không có tự lợi cũng không có lợi tha. Tất cả chúng sanh đều không có nhân duyên sanh, cũng không có nhân duyên diệt”. Con hỏi Đông, vị ấy đáp Tây; dù cho các ngoại đạo này dùng đủ các tà thuyết để đáp lời con hỏi, vì không vừa ý con nên con không tùy hỉ, từ giã mà đi. Con lại đến chỗ ngoại đạo San thệ di hỏi: “chúng sanh làm đủ các nghề… hiện đời này có thể đoạn trừ phiền não chứng được Thánh quả hay không”, thì vị này đáp: “tôi thường dạy chúng sanh tự sát sanh, bảo người khác sát sinh; tự chặt, bảo người chặt; tự đốt, bảo người đốt; tự trộm cắp, bảo người trộm cắp; tự làm việc dâm dục, bảo người làm việc dâm dục; tự nói dối, bảo người khác nói dối; tự uống rượu, bảo người khác uống rượu… giết hại tất cả chúng sanh trên bờ hay ở dưới nước hoặc ở trên hư không. Ở bên bờ này của sông Hằng giết vô biên vô số chúng sanh, tạo vô biên tội ác ; nhưng ở bên lờ kia của sông Hằng lại cúng dường vô lượng vô biên chúng sanh, tạo vô lượng vô biên công đức… tất cả đều là không nhân, không quả, không được, không mất, không tăng, không giảm. Thế tôn, con hỏi nghĩa chánh, họ lại trả lời hư dối; con hỏi Đông, họ lại đáp Tây, do không vừa ý con nên con không hoan hỉ, không tùy hỉ và bỏ đi. Con lại đến chỗ A thị đa xúy xá cam bạt la hỏi giống như trên, vị này đáp rằng: “tổng cộng có bảy pháp, bản thể của bảy pháp này là tự nhiên, không phải do người khác tạo ra, cũng không phải hóa sanh, không do biến hóa mà có, không phải tích tụ, cũng không phải chia ly mà thường là tự nhiên. Đó là đất, nước, gió, lửa, khổ, vui và mạng; bảy pháp này không ai có thể tạo ra, cũng không ngăn ngai nhau. Đối với thiện ác, khổ vui và không khổ không vui thì bảy pháp này dù làm hay không làm đều là vô ký, không đưa đến quả báo ; không có người giết và người bị giết. Một vạn bốn ngàn thú vui hoặc thêm sáu vạn nữa, cả ba nghiệp hoặc hai nghiệp, một nghiệp, nửa nghiệp đều làm ác; nếu ai tạo đủ các nghiệp ác như vậy liền được thoát khỏi sanh tử khổ nạn”.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20