CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA PHÁ TĂNG SỰ

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường – TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh – năm 2009

Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 7

Lúc đó Phật đang ở trong rừng cây gần chỗ Ưu-lâu-tần-loa-cadiếp tu đạo, Ưu-lâu-tần-loa-ca-diếp sau khi cúng tế xong muốn dập tắt lửa cúng tế nhưng không thể dập tắt được, liền suy nghĩ: “há chẳng phải do oai lực của Sa môn ở gần trú xứ của ta nên khiến cho dập tắt lửa không được”, nghĩ rồi liền đến nói với Phật: “Sa môn nên biết, tôi muốn dập tắt lửa cúng tế nhưng không thể dập tắt được, tôi nghĩ là do oai lực của Sa môn nên khiến không dập tắt được lửa”, Phật hỏi: “ông muốn dập tắt lửa phải không?”, đáp là muốn dập tắt lửa. Vừa nói xong, nhờ thần lực của Phật nên lửa ở đàn thờ lửa đều tắt hết; Ca-diếp thấy rồi liền suy nghĩ: “tuy Sa môn Kiều-đáp-ma có đại oai đức như vậy, nhưng ta cũng là A-la-hán”. Vào thời khác, các phòng xá trong tinh xá của Ca-diếp bỗng nhất thời bốc cháy khắp bốn phía, Ca-diếp cùng các đệ tử đồng tâm muốn dập tắt lửa nhưng không thể dập tắt được, liền suy nghĩ: “há chẳng phải do oai lực của Sa môn ở gần trú xứ của ta nên khiến lửa này phát sanh”, nghĩ rồi liền đến nói với Phật: “Sa môn nên biết, các phòng xá trong tinh xá của tôi bỗng bốc cháy khắp bôn phía, tôi cùng các đệ tử muốn dập tắt nhưng không thể dập tắt được, tôi nghĩ là do oai lực của Sa môn nên khiến lửa này phát sanh”, Phật hỏi: “ông muốn lửa tắt phải không?”, đáp là muốn lửa tắt. Vừa nói xong, nhờ thần lực của Phật, lửa đang bốc cháy liền tắt hết; Ca-diếp thấy rồi liền suy nghĩ: “tuy Sa môn Kiều-đáp-ma có đại oai đức như vậy, nhưng ta cũng là A-la-hán”.

Đêm đó, vua trời Tứ thiên vương với thân quang chiếu sáng đến chỗ Phật đảnh lễ rồi ngồi một bên, giống như bốn đống lửa ; đến nửa đêm, Ưu-lâu-tần-loa-ca-diếp ra ngoài quan sát tinh tú, từ xa thấy ở trước Phật có bốn đống lửa chiếu sáng rất xa, liền cho là Sa môn này cũng thờ lửa nên mới có bốn đống lửa như thế. Sáng hôm sau liền đến hỏi Phật: “đại Sa môn, không biết sự việc có đúng như tôi đã thấy hay không, đêm qua khi ra ngoài xem tinh tú, tôi thấy ở trước Sa môn có bốn đống lửa nên tôi cho là Sa môn cũng thờ lửa như tôi”, Phật nói: “này Ca-diếp, không phải ta thờ lửa, đêm qua vua trời Tứ thiên vương đến chỗ ta nghe pháp nên có ánh sáng này, không phải là đống lửa”, Ca-diếp nghe rồi liền suy nghĩ: “tuy Sa môn Kiều-đáp-ma có đại oai đức như vậy, nhưng ta cũng là A-la-hán”. Đêm hôm sau, Phạm thiên Đế thích với thân quang chiếu sáng đến chỗ Phật, đảnh lễ rồi ngồi một bên giống như hai đống lửa ; đến nửa đêm, Ưu-lâu-tần-loa-ca-diếp ra ngoài quan sát tinh tú, từ xa thấy ở trước Phật có hai đống lửa chiếu sáng rất xa, liền cho là Sa môn này cũng thờ lửa nên mới có hai đống lửa như thế. Sáng hôm sau liền đến hỏi Phật: “đại Sa môn, không biết sự việc có đúng như tôi đã thấy hay không, đêm qua khi ra ngoài xem tinh tú, tôi thấy ở trước Sa môn có hai đống lửa nên tôi cho là Sa môn cũng thờ lửa như tôi”, Phật nói: “này Ca-diếp, không phải ta thờ lửa, đêm qua vua trời Phạm thiên và Đế thích đến chỗ ta nghe pháp nên có ánh sáng này, không phải là đống lửa”, Ca-diếp nghe rồi liền suy nghĩ: “tuy Sa môn Kiều-đáp-ma có đại oai đức như vậy, nhưng ta cũng là A-la-hán”.

Lúc đó trong nước Ma-kiệt-đà có tiết hội bảy ngày, trong bảy ngày này dân chúng nước Ma-kiệt-đà mang nhiều phẩm vật đến cúng dường cho Ưu-lâu-tần-loa-ca-diếp. Thấy tiết hội đã đến, Ca-diếp suy nghĩ: “nếu dân chúng nước Ma-kiệt-đà đến đây cúng dường mà thấy Sa môn này có thần lực như thế, ắt sẽ bỏ ta để theo vị ấy. Nếu trong bảy ngày này Sa môn ấy không có ở đây thì tốt quá”, Phật biết tâm niệm của Ca-diếp nên tự ẩn thân không hiện. Sau bảy ngày, Ca-diếp được cúng dường rất nhiều lợi dưỡng, liền suy nghĩ: “trong bảy ngày này ta được rất nhiều lợi dưỡng, nếu hôm nay Sa môn đến, ta sẽ cúng dường vị ấy”, Phật biết tâm niệm của Ca-diếp nên hiện thân đến. Từ xa trông thấy Phật, Ca-diếp liền nói: “Sa môn đã trở lại”, Phật nói: “ta đã trở lại”, lại hỏi: “vì sao trong bảy ngày qua Sa môn lại bỏ đi?”, Phật nói: “Ca-diếp, trước đây há không phải ông suy nghĩ: “nếu dân chúng nước Ma-kiệt-đà đến đây cúng dường mà thấy Sa môn này có thần lực như thế, ắt sẽ bỏ ta để theo vị ấy. Nếu trong bảy ngày này Sa môn ấy không có ở đây thì tốt quá”, ta biết tâm niệm của ông nên trong bảy ngày qua ta không ở đây”, Ca-diếp lại hỏi: “Sa môn biết tâm niệm của tôi nên bỏ đi vì sao hôm nay trở lại?”, Phật nói: “chẳng phải hôm nay ông suy nghĩ: “trong bảy ngày này ta được rất nhiều lợi dưỡng, nếu hôm nay Sa môn đến, ta sẽ cúng dường vị ấy”, tôi biết tâm niệm này của ông nên trở lại”, Ca-diếp nói: “quả tôi có suy nghĩ như vậy. Sa môn, thức ăn uống này ông tùy ý thọ dụng”, Ca-diếp lại suy nghĩ: “tuy Sa môn Kiềuđáp-ma có đại oai đức như vậy, nhưng ta cũng là A-la-hán”.

Lúc đó Ưu-lâu-tần-loa-ca-diếp đến thỉnh Phật: “Sa môn lại ở lại đây, tôi sẽ như pháp cung cấp các thứ cần dùng”, Phật im lặng nhận lời, biết Phật đã nhận lời, Ca-diếp tự tay làm thức ăn, làm xong liền đến thỉnh Phật: “thức ăn uống đã làm xong, Sa môn tự biết giờ”, Phật nói: “ông đi trước, tôi sẽ đến sau”. Sau khi Ca-diếp đi, Phật dùng thần thông lực đến chỗ cây Thiệm bộ hái nhiều quả tươi ngon, đựng đầy bát rồi đến chỗ Ca-diếp, ngồi vào chỗ ngồi. Ca-diếp đến sau, thấy Phật liền hỏi: “Sa môn đến đây sao mau như vậy?”, lại hỏi: “vật gì đựng trong bát?”, Phật nói: “sau khi ông đi, tôi dùng thần thông lực đến chỗ cây Thiệm bộ hái nhiều quả tươi ngon mang đến đây, ông hãy thọ dụng”, Ca-diếp thỉnh Phật thọ thực : “Sa môn hãy tùy ý thọ thực”, Ca-diếp lại suy nghĩ: “tuy Sa môn Kiều-đáp-ma có đại oai đức như vậy, nhưng ta cũng là A-la-hán”. Như thế cho đến hái các loại quả Am-ma-la, Ca-tất-tha và lúa thơm tự nhiên ở xứ Câu lư cũng giống như trên. Lần khác, Ca-diếp lại đến thỉnh Phật thọ thực, Phật đắp y mang bát đến rồi ngồi vào chỗ ngồi, Ca-diếp tự tay sớt thức ăn ngon vào trong bát của Phật, Phật thọ rồi mang đến chỗ khác để ăn. Đến khi cần nước, vua trời Đế thích biết Phật cần nước liền hiện tới chỗ Phật, dùng ngón tay dùi xuống đất, ngay nơi đó vọt lên một dòng suối. Sau đó, Ca-diếp đi kinh hành đến thấy có dòng suối này liền suy nghĩ: “ta ở đây đã lâu, không thấy có suối này, sao hôm nay lại có”, nghĩ rồi liền đến hỏi Phật: “Sa môn, tôi ở đây đã lâu không thấy có suối này, sao hôm nay lại có, không biết là ai đã tạo ra?”, Phật nói: “hôm qua, sau khi thọ thức ăn của ông, tôi đã đến đây ngồi ăn, khi cần nước thì vua trời Đế thích hiện ra, dùng ngón tay dùi xuống đất làm vọt lên dòng suối này, nó được gọi là suối Thủ kích”, Cadiếp nghe rồi liền suy nghĩ: “tuy Sa môn Kiều-đáp-ma có đại oai đức như vậy, nhưng ta cũng là A-la-hán”. Vào một buổi chiều, Phật ra suối tắm rửa, tắm xong muốn lên bờ ; bên bờ suối cách Phật rất xa có một đại thọ tên là Át thụ na, Phật muốn đưa tay níu cây, cây liền cong xuống cho Phật níu cành để lên bờ. Sau đó Ca-diếp đi đến thấy cây cong liền suy nghĩ: “đại thọ này trước đây không cong, sao nay lại cong”, nghĩ rồi liền hỏi Phật nguyên do, Phật kể lại sự vịec trên, Ca-diếp nghe rồi liền suy nghĩ: “tuy Sa môn Kiều-đáp-ma có đại oai đức như vậy, nhưng ta cũng là A-la-hán”.

Vào một thời khác, Phật nhặt được y phấn tảo muốn đem giặt liền nghĩ: “dùng vật gì để giặt”, Đế thích biết tâm niệm của Phật liền mang một tảng đá lớn để bên bờ suối cho Phật giặt y. Giặt y xong, Phật lại nghĩ: “nên dùng vật gì để phơi”, Đế thích liền mang thêm một tảng đá đến cho Phật phơi y. Lúc đó Ca-diếp đi đến thấy hai tảng đá này liền nghĩ: “ta chưa từng thấy hai tảng đá này, sao hôm nay lại có”, nghĩ rồi liền hỏi Phật, Phật đem sự việc trên kể lại, Ca-diếp nghe rồi liền suy nghĩ: “tuy Sa môn Kiều-đáp-ma có đại oai đức như vậy, nhưng ta cũng là A-la-hán”.

Vào một thời khác, Phật đến bên bờ sông Ni-liên-thiền kinh hành, nước sông bỗng dâng tràn ngập quá đầu người; Phật ở trong nước, chung quanh bốn phía dóng dừng và Phật vẫn an nhiên kinh hành trong đó. Lúc đó Ca-diếp thấy nước sông tràn ngập liền cho là Sa môn đã bị nước cuốn trôi, ông cùng các đệ tử chèo thuyền nhỏ xuống sông mói thấy Phật vẫn an nhiên kinh hành trong nước, liền hỏi: “Sa môn vẫn còn sống ư?”, đáp là an ổn, Ca-diếp bảo Phật lên thuyền, Phật dùng thần lực bỗng nhiên biến mất rồi hiện thân trên thuyền, Ca-diếp thấy rồi liền suy nghĩ: “tuy Sa môn Kiều-đáp-ma có đại oai đức như vậy, nhưng ta cũng là A-la-hán”. Phật biết tâm niệm của ca-diếp nên nói: “Ca-diếp, ông không phải là A-la-hán quả, cũng không phải là A-la-hán hướng, cũng không biết đạo A-la-hán”, Ca-diếp suy nghĩ: “Sa môn biết được tâm niệm của ta”, nghĩ rồi liền chắp tay bạch Phật: “Thế tôn, xin cho con được ở trong thiện pháp luật xuất gia thọ giới cụ túc, thành tánh Bísô, tu tập phạm hạnh”, Phật hỏi: “ông muốn xuất gia, các đệ tử của ông có biết không?”, đáp là không biết, Phật nói: “ông có tiếng tăm, xa gần đều biết ông là người có thiện trí huệ đầy đủ ; ông nên nói với các đệ tử là ông cho họ được tùy theo sở thích”. Ca-diếp vâng lời Phật dạy, trở về nói với các đệ tử: “các đệ tử nên biết, nay ta muốn ở trong pháp của Sa môn Kiều-đáp-ma xuất gia thọ giới cụ túc, còn các đệ tử như thế nào thì tùy ý”, các đệ tử nói: “trước nay chúng con nương theo thầy tu học, nếu thầy đi thì chúng con cũng đi theo để tu phạm hạnh”, Ca-diếp nói: “nếu các con theo ta thì hãy đem các thứ như áo da nai, tích trượng, đồ tế lễ… quăng hết xuống sông Ni-liên-thiền rồi hãy tùy ý đi”, các đệ tử vâng lời thầy dạy, đem các thứ đó quăng hết xuống sông rồi đến bạch thầy: “chúng con đã đem các thứ đó quăng hết xuống sông rồi, giờ phải làm gì nữa xin thầy chỉ dạy”, Ưu-lâu-tần-loa-ca-diếp dẫn năm trăm quyến thuộc đến chỗ Phật bạch : “Thế tôn, con đã nói với các đệ tử, tất cả đều chấp thuận theo con, xin cho chúng con ở trong thiện pháp luật xuất gia thọ giới cụ túc, thành tánh Bí-sô, tu tập phạm hạnh”.

Ưu-lâu-tần-loa-ca-diếp có hai người em tên là Na-đề-ca-diếp và Già-da-ca-diếp đều ở vùng hạ lưu của sông Ni-liên-thiền, mỗi vị đều có hai trăm năm mươi đệ tử, đều siêng tu phạm hạnh, thích tịch tĩnh. Hôm đó Na-đề-ca-diếp bỗng thấy các thứ như áo da nai, tích trượng, đồ cúng tế… trôi theo dòng nước, liền suy nghĩ: “các vị đồng phạm hạnh của ta đã gặp tai nạn gì mà các thứ này lại trôi xuống đây, là do vua quan làm hại hay do giặc cướp, lửa cháy, nước cuốn trôi; chúng ta nên đến đó xem thử”, nghĩ rồi cả hai anh em cùng đi đến chỗ Ưu-lâutần-loa-ca-diếp tu đạo. Đến nơi liền thấy Ưu-lâu-tần-loa-ca-diếp mặc Tăng-già-lê, đã cạo bỏ râu tóc và đang ngồi trước Đại Sa môn nghe thuyết diệu pháp. Thấy rồi liền đến hỏi Ưu-lâu-tần-loa-ca-diếp : “cụ thọ, pháp xuất gia này thù thắng hơn pháp tu trước hay sao?”, đáp là thù thắng hơn, Na đế Ca-diếp và Già-da-ca-diếp nghe rồi liền suy nghĩ: “Sa môn này có đại oai đức, chắc là có giáo pháp thù thắng vi diệu mới khiến cho anh ta tuổi cao đức trọng, nay đã hơn một trăm hai mươi tuổi được dân chúng nước Ma-kiệt-đà tôn kính, cho anh ta là A-la-hán, mà anh ta lại từ bỏ tất cả để xuất gia tu đạo với Sa môn này. Chúng ta cũng nên theo vị ấy xuất gia tu đạo”, nghĩ rồi liến đến đảnh lễ Phật, chắp tay bạch Phật: “Thế tôn, xin cho chúng con được ở trong thiện pháp luật xuất gia thọ giới cụ túc, thành tánh Bí-sô, tu tập phạm hạnh”, Phật hỏi: “ông muốn xuất gia, các đệ tử của ông có biết không?”, đáp là không biết, Phật nói: “ ông có tiếng tăm, xa gần đều biết ông là người có thiện trí huệ đầy đủ; ông nên nói với các đệ tử là ông cho họ được tùy theo sở thích”. Na-đề-ca-diếp và Già-da-ca-diếp vâng lời Phật dạy, trở về nói với các đệ tử: “các đệ tử nên biết, nay ta muốn ở trong pháp của Sa môn Kiều-đáp-ma xuất gia thọ giới cụ túc, còn các đệ tử như thế nào thì tùy ý”, các đệ tử nói: “trước nay chúng con nương theo thầy tu học, nếu thầy đi thì chúng con cũng đi theo để tu phạm hạnh”, Ca-diếp nói: “nếu các con theo ta thì hãy đem các thứ như áo da nai, tích trượng, đồ tế lễ … quăng hết xuống sông Ni-liên-thiền rồi hãy tùy ý đi”, các đệ tử vâng lời thầy dạy, đem các thứ đó quăng hết xuống sông rồi đến bạch thầy : “chúng con đã đem các thứ đó quăng hết xuống sông rồi, giờ phải làm gì nữa xin thầy chỉ dạy”, Na-đề-ca-diếp và Già-da-ca-diếp dẫn năm trăm quyến thuộc đến chỗ Phật bạch : “Thế tôn, con đã nói với các đệ tử, tất cả đều chấp thuận theo con, xin cho chúng con ở trong thiện pháp luật xuất gia thọ giới cụ túc, thành tánh Bí-sô, tu tập phạm hạnh”. Phật nói: “thiện lai Na-đề-ca-diếp và Già-da-ca-diếp, đến tu phạm hạnh”, Phật vừa nói xong, tất cả đều trở thành Bí-sô, lúc đó Phật đã độ được tất cả một ngàn ngoại đạo búi tóc, cho thọ giới cụ túc. Sau một thời gian ở tại trú xứ của Ưu-lâu-tần-loa-ca-diếp, Phật cùng chúng Bí-sô gồm một ngàn vị vốn là ngoại đạo búi tóc, đi du hành dần đến núi Già da rồi trụ ở trong tháp ở trên đỉnh núi. Lúc đó Phật dùng ba loại thông để giáo hóa một ngàn Bí số này, đó là Thần túc thông, Ký thuyết thông và giáo thọ thông. Thần túc thông là Phật nhập định, từ chỗ ngồi ẩn thân và hiện ra ở phương Đông, ở trên hư không đi đứng nằm ngồi, kế nhập định Hỏa quang, trước tiên từ phương Đông hiện các ánh sáng xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng; hoặc hiện biến thần thông như trên thân tuôn ra nước, dưới thân tuôn ra lửa, hoặc trên thân tuôn ra lửa, dưới thân tuôn ra nước. Phương Đông đã như vậy, các phương Nam, Tây, Bắc cũng hiện như vậy. Sau khi hiện các tướng như vậy, Phật liền ẩn thân và hiện trở lại chỗ ngồi. Ký thuyết thông là Bí-sô nên quán tâm ý thức, nên khởi Tầm tư thiện, không nên khởi Tầm tư bất thiện, đây là ý niệm cũng là thức thân chứng. Giáo thọ thông là Phật bảo các Bí-sô: “các pháp đều hừng thạnh (bị đốt cháy), sao gọi là hừng thạnh? Đó là nhãn hừng thạnh, sắc hừng thạnh, nhãn thức hừng thạnh; nhãn xúc hừng thạnh, nhân nơi nhãn xúc bên trong sanh cảm thọ như khổ, vui, không khổ không vui, tất cả đều bị đốt cháy. Do lửa gì đốt cháy? Do lửa tham, lửa sân, lửa si đốt cháy nên sanh già bịnh chết, ưu bi khổ não cũng đều bị đốt cháy. Cho nên các pháp đều là khổ, nhãn đã như thế thì nhĩ tỷ thiệt thân ý cũng đều như thế”. Khi Phật thuyết giảng pháp này, một ngàn Bí-sô này nơi các pháp hữu lậu được tâm giải thoát, không còn thọ thân sau nữa và chứng quả A-la-hán.

Lúc đó Phật đang ở trong ngôi tháp trên đỉnh núi Già da, nước Ma-kiệt-đà cùng một ngàn Bí-sô vốn là ngoại đạo búi tóc, nay đều đã chứng quả A-la-hán, đều đã trừ hết lậu hoặc, việc nên làm đã làm xong, đã xả gánh nặng, thành tựu hạnh tự lợi, đoạn hết các kiết sử, tâm hoàn toàn giải thoát.

Lúc đó dân chúng nước Ma-kiệt-đà nghe tin Thái tử con vua Tịnhphạn ở thành Kiếp-tỷ-la thuộc chủng tộc Thích ca, bên sông Căng già, dưới chân núi Tuyết, khi đản sanh có Tướng sư xem tướng nói rằng nếu Thái tử nối ngôi vua sẽ là Chuyển luân Thánh vương thống trị bốn châu, dùng chánh pháp giáo hóa, có đủ bảy báu: bánh xe báu, voi báu, ngựa báu, nữ báu, thần coi giữ phục tàng báu, thần chỉ huy quân đội báu và ngọc ma ni báu; lại có đủ ngàn con đoan nghiêm dõng mãnh có thể chế phục oán địch, khiến cho trong thiên hạ không còn oán địch, chấm dứt đao binh, dân chúng được an cư lạc nghiệp. Nếu vị ấy chánh tín xuất gia, từ bỏ gia đình sống nếp sống không gia đình, cạo bỏ râu tóc đắp casa, chứng Vô thượng giác thì tiếng tăm vang xa, thế gian đều ca ngợi. Sau khi nghe được tin này, dân chúng liền đến chỗ vua Tần-tỳ-sa-la tâu rằng: “Đại vương nên biết, chúng thần nghe tin Thái tử con vua Tịnhphạn ở thành Kiếp-tỷ-la thuộc chủng tộc Thích ca, bên sông Căng già, dưới chân núi Tuyết, khi đản sanh có Tướng sư xem tướng nói rằng nếu Thái tử nối ngôi vua sẽ là Chuyển luân Thánh vương… thế gian đều ca ngợi. Xin Đại vương hãy ra lịnh giết người này, nếu trừ được thì vận nước của Đại vương mới lâu dài”, vua nói: “các khanh chớ nói lời này, vì sao, vì nếu vị ấy lên ngôi Kim luân vương thì ta sẽ thuận tùng theo; nếu vị ấy thành chánh giác thì ta sẽ thừa sự cúng dường”. Lúc đó vua Tần-tỳ-sa-la lên lầu cao phát năm lời nguyện:

1. Là nguyện trong nước Ma-kiệt-đà xuất hiện vị đạo sư của giáo pháp lớn, tức là Như lai, Bạc già phạm, Ứng chánh đẳng giác, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế Tôn.

2. Là nguyện được thân cận thừa sự Thế tôn.

3. Là nguyện được nghe pháp yếu để được khai ngộ.

4. Là nguyệnsau khi nghe pháp yếu sẽ thọ trì tịnh giới.

5. Là nguyện sau khi thọ trì tịnh giới rồi sẽ như pháp an trụ. Lúc đó Phật ở trên núi Già da nghe thấy năm lời nguyện này liền bảo các Bí-sô: “ta nghe thấy vua Tần-tỳ-sa-la đang ở trên lầu cao phát năm lời nguyện”.

Sau đó dân chúng nước Ma-kiệt-đà lại nghe tin Thái tử con vua Tịnh-phạn ở thành Kiếp-tỷ-la thuộc chủng tộc Thích ca, bên sông Căng già, dưới chân núi Tuyết, khi đản sanh có Tướng sư xem tướng nói rằng nếu Thái tử nối ngôi vua sẽ là Chuyển luân Thánh vương… nay đã bỏ ngôi vị luân vương xuất gia và đã chứng quả Vô thượng chánh giác, hiện nay Phật đang ở trong ngôi tháp trên đỉnh núi Già da, nước Ma-kiệt-đà cùng một ngàn Bí-sô vốn là ngoại đạo búi tóc, nay đều đã chứng quả Ala-hán, đều đã trừ hết lậu hoặc, việc nên làm đã làm xong, đã xả gánh nặng, thành tựu hạnh tự lợi, đoạn hết các kiết sử, tâm hoàn toàn giải thoát. Sau khi nghe tin này, dân chúng liền đến chỗ vua Tần-tỳ-sa-la tâu rằng: “chúng thân hay tin Thái tử thích ca nay đã thành đạo quả Vô thượng giác, hiện đang ở trên đỉnh núi Già da cùng với một ngàn Bí-sô … tâm hoàn toàn giải thoát. Nếu Đại vương đến thừa sự cúng dường thì vận nước của vua sẽ được an ổn, sung túc”, vua nghe rồi rất vui mừng liền sai sứ giả đến chỗ Phật, thay vua đảnh lễ Phật rồi thăm hỏi Thế tôn có được khinh an, ít bịnh, ít não phiền và được an lạc trụ không ; sau đó thỉnh Phật cùng các Bí-sô đến thành Vương xá thọ tứ sự cúng dường trọn đời của vua. Sứ giả vâng lịnh vua đến chỗ Phật ở trên núi Già da, đảnh lễ rồi chắp tay bạch Phật: “vua Tần-tỳ-sa-la nước Ma-kiệt-đà sai con đến thăm hỏi Thế tôn có được khinh an, ít bịnh, ít não phiền và được an lạc trụ không ; sau đó thỉnh Phật cùng các Bí-sô đến thành Vương xá thọ tứ sự cúng dường trọn đời của vua”, Phật im lặng nhận lời, sứ giả biết Phật đã nhận lời liền đảnh lễ Phật rồi trở về bổn xứ.

Lúc đó Phật từ trên đỉnh núi Già da, nước Ma-kiệt-đà cùng một ngàn Bí-sô vốn là ngoại đạo búi tóc, nay đều đã chứng quả A-la-hán, đều đã trừ hết lậu hoặc, việc nên làm đã làm xong, đã xả gánh nặng, thành tựu hạnh tự lợi, đoạn hết các kiết sử, tâm hoàn toàn giải thoát; cùng xuống núi vào trong nước Ma-kiệt-đà rồi dừng nghỉ tại một ngôi tháp trong rừng trúc. Vua nghe được tin này liền cho trang hoàng cỗ xe tốt, xa giá cùng với trăm ngàn quyến thuộc đi đến chỗ Phật nhưng cỗ xe của vua lại lún sâu dưới đất, trục bánh xe không thể xoay chuyển để tiến tới trước. Vua suy nghĩ: “ta đã làm lỗi gì mà trục bánh xe không xoay chuyển để tiến tới được”, vua chợt nghe trên hư không có tiếng nói: “vua không có phạm lỗi, chỉ vì trong ngục của vua có vô lượng người cùng tu nghiệp lành với vua. Nếu vua phóng thích họ thì xe mới tiến tới trước được”, vua nghe rồi liền cho phóng thích các tù nhân. Sau khi các tù nhân được thả, vua xa giá ngang qua cung điện thì mão trên đầu vua bỗng bị nghiêng, vua suy nghĩ: “ta đã tạo nghiệp gì mà lại hiện tướng này”, vua liền nghe trên hư không có tiếng nói: “vua không có lỗi gì, chỉ vì có vô lượng chúng sanh trước đây cùng tu nghiệp lành thù thắng với vua, nay đã phân tán ở những nơi xa xôi, vua nên gọi họ đến để cùng đi gặp Phật”. Vua nghe rồi liền cho gọi họ đến, sau khi họ đến rồi, vua cho trang hoàng một vạn hai ngàn cỗ xe, tập họp mười tám vạn binh mã, một vạn năm ngàn binh voi, vô lượng trăm ngàn Bà-la-môn, cư sĩ trong nước Ma-kiệt-đà để cùng đi đến gặp Phật. Đến nơi, vua xuống xe cởi bỏ năm vật thù thắng, đó là lọng, mão, bảo kiếm, quạt báu và giày báu; cởi bỏ xong vua mới đến chỗ Phật, đảnh lễ bạch Phật ba lần: “Thế tôn, con là vua Tần-tỳ-sa-la nước Ma-kiệt-đà”, Phật cũng đáp lại ba lần: “phải, Đại vương chính là vua Tần-tỳ-sa-la nước Makiệt-đà, xin mời Đại vương ngồi”. Vua đảnh lễ Phật rồi ngồi một bên ; các quyến thuộc gồm các Bà-la-môn và các cư sĩ trong nước Ma-kiệtđà, có nhóm đảnh lễ Phật rồi ngồi một bên, có nhóm chắp tay thăm hỏi Thế tôn có được khinh an, ít bịnh, ít não phiền và được an lạc trụ không, thăm hỏi rồi ngồi một bên ; có nhóm chắp tay nhưng không thăm hỏi rồi ngồi một bên, có nhóm đứng ở xa rồi lặng lẽ ngồi xuống. Lúc đó họ nhìn thấy Ưu-lâu-tần-loa-ca-diếp đang ngồi trong chúng, liền khởi nghi không biết Sa môn Kiều-đáp-ma đến tu tập nơi Ca-diếp hay là Ca-diếp đến tu tập nơi Sa môn Kiều-đáp-ma. Phật biết tâm niệm của họ liền nói kệ hỏi Ca-diếp:

“Ca-diếp, xưa thầy thấy lợi gì,
Bỏ tục xuất gia theo thờ lửa,
Hành trì pháp ấy được lợi gì,
Thầy nói nghĩa này cho ta nghe”.

Ca-diếp nói kệ:

“Nghe nói tu pháp này được lợi,
Mỹ nữ, thức ăn vị vi diệu,
Do thấy pháp ấy có lợi này,
Tôi bỏ thế tục theo thờ lửa”.

Thế tôn nói kệ:

“Mỹ nữ, thức ăn vị vi diệu,
Nếu do thờ lửa được lợi này,
Có đủ dục lạc cõi người trời,
Sao thầy từ bỏ không màng đến”.

Ca-diếp nói kệ:

“Vì thấy pháp thắng định vô dư,
Vô sở hữu xứ không muốn trụ,
Vì diệu pháp này không gì hơn,
Nên bỏ lợi này không màng đến.
Do tôi trước đây tâm ngu si,
Tu pháp thờ lửa mong giải thoát,
Trái ngược với thắng pháp vi diệu,
Nên thường lưu chuyển trong sanh tử.
Nay quán pháp vô vi tối thắng,
Bậc Điều ngự trượng phu đã dạy,
Là thật pháp có ích cho đời,
Kiều-đáp-ma giáo hóa không mõi”.

Thế tôn nói kệ khen ngợi Ca-diếp:

“Thiện lai, Ca-diếp ba!
Không có tư tưởng ác,
Pháp rộng lớn thù thắng,
Nay thầy đã thâm nhập”.

Thế tôn nói kệ rồi bảo Ca-diếp: “thầy hãy hiện thần biến cho đại chúng xem”, Ca-diếp vâng lời Phật dạy, nhập định rồi ẩn thân nơi chỗ ngồi và hiện ra ở phương Đông, trên hư không đi đứng nằm ngồi, kế nhập định Hỏa quang trước tiên từ phương Đông hiện các ánh sáng xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng ; hoặc hiện biến thần thông như trên thân tuôn ra nước, dưới thân tuôn ra lửa, hoặc trên thân tuôn ra lửa, dưới thân tuôn ra nước. Phương Đông đã như vậy, các phương Nam, Tây, Bắc cũng hiện như vậy rồi từ trên hư không hiện trở xuống, ở trước Phật đảnh lễ bạch rằng: “Thế tôn là thầy của con, con là đệ tử Thanh văn của Thế tôn”, Phật nói: “phải, Như lai là thầy của Ca-diếp, Ca-diếp là đệ tử Thanh văn của Như lai. Ca-diếp, thầy hãy trở về chỗ ngồi”, Ca-diếp đảnh lễ rồi trở về chỗ ngồi. Lúc đó các Bà-la-môn, các cư sĩ thấy việc này rồi liền suy nghĩ: “không phải Sa môn Kiều-đáp-ma tu tập nơi Cadiếp, mà là Ca-diếp tu tập nơi Sa môn Kiều-đáp-ma”.

Lúc đó Phật bảo vua Tần-tỳ-sa-la: “Đại vương nên biết rõ nhân duyên sanh diệt của Sắc pháp, thọ tưởng hành thức cũng như vậy. Nếu biết rõ sự sanh diệt dị của Sắc pháp thì có thể biết rõ tự tánh của Sắc pháp, thọ tưởng hành thức cũng như vậy. Đại vương, nếu thiện nam nào biết rõ tánh của Sắc rồi mà không tham đắm, không lãnh thọ cũng không nắm giữ thì quyết định biết người ấy thấy Sắc là không có ngã và ngã sở ; thọ tưởng hành thức cũng vậy. Lúc đó ta nói người này chứng Niết-bàn giải thoát”. Khi Thế tôn nói pháp này rồi, các Bà-la-môn, các cư sĩ nước Ma-kiệt-đà đều suy nghĩ: “nếu Sắc vô ngã, thọ tưởng hành thức cũng vô ngã thì pháp gì là ngã; ai là hữu tình, ai sanh ra, ai nuôi dưỡng, người và chúng sanh thường chấp ý thú cùng với năng sở tác của Ma nạp, cho đến tạo xúc thọ, đi đứng… Tất cả các pháp đều là vô ngã thì vật gì là không sanh không diệt, không phải ba đời có mà có thể làm và thọ. Đối với điều nên làm và điều không nên làm thì ai sẽ thọ quả báo của nghiệp thiện ác, để bỏ uẩn này thọ uẩn khác”, Phật biết tâm niệm của họ nên bảo các Bí-sô: “người không có trí huệ, không đa văn liền khởi niệm chấp ngã và ngã sở, không biết là không có ngã và ngã sở, vì sao, vì từ Tập sanh Khổ, chứng Diệt thì hết khổ ; từ Tập sanh Hành, chứng diệt thì Hành diệt; nhân duyên của pháp ấy diệt thì pháp ấy diệt, do nhân duyên sanh nên các hữu tình theo thứ lớp luân chuyển; nhân duyên diệt thì hữu tình diệt nên Như lai biết rõ là rốt ráo vô ngã. Này các Bí-sô, Với thiên nhãn thanh tịnh, ta quán thấy các hữu tình lưu chuyển sanh diệt, hoặc đẹp xấu, giàu nghèo, làm nghiệp thiện hay làm nghiệp ác, hướng tới đường lành hay đường ác… ta đều thấy biết như thật. Những chúng sanh làm nghiệp ác nơi thân khẩu ý như phỉ báng Thánh hiền, chấp chặt tà kiến, tạo nghiệp tà kiến; do làm nghiệp này nên sau khi chết bị đọa trong ba đường ác. Những chúng sanh làm nghiệp thiện nơi ba nghiệp thân khẩu ý như cung kính Thánh hiền, thực hành chánh kiến; do làm nghiệp này nên sau khi mạng chung được sanh vào đường lành. Các việc như vậy ta đều thấy biết như thật, nhưng ta chưa từng nói hữu tình là ngã ; ai là hữu tình, ai sanh ra, ai nuôi dưỡng, người và chúng sanh thường chấp ý thú cùng với năng sở tác của Ma nạp, cho đến tạo xúc thọ, đi đứng… Tất cả các pháp đều là vô ngã thì vật gì là không sanh không diệt, không phải ba đời có mà có thể làm và thọ. Đối với điều nên làm và điều không nên làm thì ai sẽ thọ quả báo của nghiệp thiện ác, để bỏ uẩn này thọ uẩn khác. Tất cả pháp đó không gọi là ngã mà gọi là nhân duyên, đó là:

1. Hễ cái này có thì cái kia sanh nên Vô minh duyên Hành, Hành duyên Thức, thức duyên Danh sắc, Danh sắc duyên Lục xứ, Lục xứ duyên Xúc, Xúc duyên Thọ, Thọ duyên Ái, Ái duyên Thủ, Thủ duyên Hữu, Hữu duyên Sanh, Sanh duyên Lão tử, ưu bi khổ não. Đây là sự tích tụ của năm uẩn.

2. Hễ cái này diệt thì cái kia diệt nên Vô minh diệt thì Hành diệt, Hành diệt thì Thức diệt, Thức diệt thì Danh sắc diệt, Danh sắc diệt thì Lục xứ diệt, Lục xứ diệt thì Xúc diệt, Xúc diệt thì Thọ diệt, Thọ diệt thì Ái diệt, Ái diệt thì Thủ diệt, Thủ diệt thì Hữu diệt, Hữu diệt thỉ Sanh diệt, Sanh diệt thì Lão tử, ưu bi khổ não đều diệt. Đây là sự tam rã của năm uẩn.

Này các Bí-sô, các hành như vậy đều là khổ, Niết-bàn là vui; do Tập nên Khổ sanh, do Diệt nên Khổ diệt. Nếu sựu lưu chuyển tương tục này dứt thì Khổ diệt. Sao gọi là Niết-bàn, khổ tức là Niết-bàn, giống như lửa tắt thì được mát mẻ; cho nên ta nói pháp này có thể xả các uẩn, do khổ tham Ái diệt nên được viên tịch”. Lúc đó Phật hỏi vua Tần-tỳsa-la: “Ý vua nghĩ sao, sắc là thường hay vô thường?”, đáp là vô thường, Phật lại hỏi: “nếu sắc là vô thường thì đó là khổ hay không khổ?”, đáp là khổ, Phật lại hỏi: “nếu sắc là vô thường, khổ tức là biến hoại thì người đệ tử đa văn có chấp sắc là ngã, ngã có các sắc, sắc thuộc ngã và ngã ở trong sắc hay không?”, đáp là không. Phật lại hỏi: “Ý vua nghĩ sao, thọ tưởng hành thức là thường hay vô thường?”, đáp là vô thường, Phật lại hỏi: “nếu thọ tưởng hành thức là vô thường thì đó là khổ hay không khổ?”, đáp là khổ, Phật lại hỏi: “nếu thọ tưởng hành thức là vô thường, khổ tức là biến hoại thì người đệ tử đa văn có chấp thọ… thức là ngã, ngã có thọ… thức, thọ… thức thuộc ngã và ngã ở trong thọ… thức hay không?”, đáp là không, Phật nói: “vì thế nên biết, các loại sắc quá khứ hay vị lai hay hiện tại hoặc ở trong, ở ngoài, hoặc thô hay tế, hoặc thù thắng hay hạ liệt, hoặc gần hay xa… đều không phải là ngã, ngã sở hữu, sắc không thuộc ngã và ngã không ở trong sắc. Nhờ biết rõ như thật nên ta thấy sắc như vậy, cho đến thọ tưởng hành thức cũng thấy như vậy. Đại vương, có đệ tử Thanh văn nghe biết đầy đủ rồi liền quán năm thủ uẩn để lìa ngã và ngã sở, sau khi quán thấy như vậy sẽ biết rõ thế gian thật sự không nắm bắt được. Do không nắm bắt được nên vị ấy không lo sợ, do không lo sợ nên bên trong được viên tịch, hiểu rõ sanh tử đã tận, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không thọ thân sau”. Khi Thế tôn nói pháp này xong, vua Tần-tỳ-sa-la cùng tám vạn thiên tử, vô lượng trăm ngàn Bà-la-môn, cư sĩ liền xa lìatrần cấu, chứng được pháp nhãn thanh tịnh, thấy được pháp rồi tâm không còn nghi hoặc, không còn sợ hãi, chỉ nương theo giáo pháp của Đại sư, không theo giáo pháp khác. Chứng quả rồi, Đại vương và các quyến thuộc rất hoan hỉ liền đứng dậy đảnh lễ, quỳ gối chắp tay bạch Phật: “Thế tôn, hôm nay chúng con được thâm nhập diệu pháp được đại lợi ích, chúng con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng làm Ô-ba-sách-ca. Từ nay cho đến trọn đời con thọ trì năm học xứ là không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối và không uống rượu. Cúi xin Thế tôn và các Bí-sô đến trụ trong thành Vương xá để chúng con trọn đời cúng dường tứ sự”. Phật im lặng nhận lời, biết Phật đã nhận lời, vua cùng các quyến thuộc đảnh lễ Phật rồi trở về bổn xứ.

Lúc đó các Bí-sô đều có nghi thỉnh hỏi Phật: “Thế tôn, bậc Nhất thiết trí xin hãy dứt nghi cho chúng con. Đại vương cùng các quyến thuộc đã tạo nghiệp nhơn gì mà được pháp nhãn thanh tịnh?”, Phật bảo các Bí-sô: “các thầy lắng nghe, nghiệp nhơn mà vua Tần-tỳ-sa-la đã tạo, theo thời gian nghiệp ấy tăng trưởng thuần thục, duyên biến hiện tiền như bộc lưu (thác nước) không thể chảy ngược lại, quyết định phải chiêu lấy quả báo không ai có thể thọ thay. Này các Bí-sô, nếu một người đã tạo nghiệp thiện ác không phải địa thủy hỏa phong ở ngoài giới mới khiến người kia thọ báo, mà đều ở trong uẩn xứ giới của tự thân chiêu cảm quả dị thục”. Phật nói kệ:

“Dù trải qua trăm kiếp,
Nghiệp đã tạo không mất,
Khi nhân duyên hội họp,
Tự thọ lấy quả báo”.

Này các Bí-sô, trong quá khứ có Phật hiệu là A-la-na-bệ có đủ 10 hiệu Như lai, Bạc già phạm, Ứng chánh đẳng giác, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế Tôn xuất hiện nơi đời. Sau khi Phật sự viên mãn, Phật nhập Niết-bàn vô dư như củi hết lửa tắt ; trà tỳ xong, dân chúng nơi đó thu lấy xá lợi rồi xây tháp ở nơi thanh tịnh để cúng dường. Lúc đó có Kim luân vương tên là Kiết lợi chỉ cùng mười tám ức quan tướng ngồi trên kim luân báu, bay trên hư không để đến nhân gian. Khi tới chỗ có ngôi tháp đó thì các thiên thần tin Phật dùng oai lực giữ kim luân báu lại, không cho đi tới trước. Vua thấy kim luân báu không chuyển động liền suy nghĩ: “có lẽ phước đức của ta đã hết nên kim luân báu không chuyện động nữa”, các thiên thần nói với vua: “không phải phước của vua hết, chỉ vì phía dưới có tháp thờ xá lợi Phật nên khiến kim luân báu của vua không chuyển động nữa”, vua nghe rồi liền hạ kim luân báu xuống. Thấy tháp chưa hoàn tất, họ cùng khích lệ nhau đem châu báu của mình và dùng hương hoa âm nhạc để cúng dường tháp. Cúng dường xong, họ cùng chắp tay đồng thanh phát nguyện: “nguyện nhờ căn lành này, ở đời vị lai chúng con sẽ được gặp Phật nghe pháp và chứng được pháp nhãn thanh tịnh”, nguyện xong rồi họ cùng cung kính đảnh lễ tháp.

Này các Bí-sô, Kim luân vương Kiết lợi chỉ và các quan tướng thuở xưa chính là vua Tần-tỳ-sa-la và các quyến thuộc ngày nay. Thuở xưa vua và các quan tướng cúng dường tháp thờ xá lợi Phật A-la-na-bệ nên nhờ căn lành này, trong vô lượng trăm ngàn vạn kiếp được sanh trong cõi trời người, thọ diệu lạc thù thắng; lại do nguyện lực nên vua và các quyến thuộc ở chỗ ta nghe pháp và chưng được pháp nhãn thanh tịnh.

Này các Bí-sô, hễ tạo nghiệp thuần đen thì cảm quả báo dị thục thuần đen; tạo nghiệp thuần trắng thì cảm quả báo dị thục thuần trắng; tạo nghiệp xen tạp thì được quả báo xen tạp, các thầy nên bỏ nghiệp thuần đen và nghiệp xen tạp, phải siêng tu tập nghiệp trắng, chớ có buông lung”.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20