CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA PHÁ TĂNG SỰ

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường – TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh – năm 2009

Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 19

Sau khi lên ngôi, vua bảo quần thần đem vương phi Đạt ma giết chết, đại thần tễ ngưu liền tâu: “xin vua hãy xét lại, không nên vô cớ giết vương phi, vương phi đang mang thai chưa rõ là sanh trai hay gái, nếu sanh trai thì hãy giết”, vua nói: “như vậy cũng được, khanh hãy thi hành việc này”. Đủ ngày tháng vương phi sanh được một trai, cùng ngày hôm đó vợ của người đánh cá cũng sanh một bé gái. Đại thần Tễ ngưu liền đưa cho người đánh cá một số tiền để đổi lấy bé gái này rồi đến tâu vua: “vương phi sanh một bé gái”, vua nghe rồi nói: “rất tốt, vậy là ta không còn lo nữa”. Thời gian sau, người đánh cá nuôi bé trai này trưởng thành, cho đi học cho đến khi biết làm thơ phú văn chương. Tễ ngưu bí mật đến báo cho Đạt ma biết, Đạt ma nói: “ta muốn được nhìn thấy nó, khanh hãy tìm cách dẫn đến”, Tễ ngưu nói: “không nên gặp làm chi”. Lúc đó Tễ ngưu thấy đạt ma thương nhớ con nên lập kế cho đồng tử này giả làm người bán cá mang cá đến để cho người mẹ được nhìn thấy con mình. Tướng sư nhìn thấy đồng tử bán cá này liền đoán: “người này sẽ giết vua đoạt ngôi”, lời tiên đoán này được truyền đến tai vua, vua liền ra lịnh đuổi bắt đồng tử bán cá. Đồng tử bán cá nghe được tin này liền bỏ chạy về phương Đông, trốn trong nhà của một bà lão. Bà lão này cho ẩn nấp ở một nơi kín đáo, lấy màu vàng thoa lên người làm cho giống như người đã chết rồi khiêng đem bỏ trong rừng thây chết. Khi đồng tử bán cá này đứng dậy bỏ chạy thì có người hái hoa quả trong rừng nhìn thấy, liền chạy đuổi theo một đoạn rồi dừng lại. Lúc đó sử của vua chạy đến hỏi người hái hoa quả này có thấy một người có hình dạng như vậy không, liền đáp: “tôi mới thấy cậu ta đi theo con đường này”, sứ liền chạy đuổi theo bắt. Đồng tử bán cá hoảng sợ chạy vào nhà người thợ giặt, người này giấu đồng tử trong đống áo quần rồi chở đem bỏ ở bên bờ sông không có người. Khi đồng tử bán cá này đứng dậy bỏ chạy thì có một người nhìn thấy, báo cho sứ của vua biết, sứ liền chạy đuổi theo bắt. Đồng tử này vội chạy vào nhà của người đóng giày… năn nỉ người đóng giày: “xin hãy thương xót làm cho tôi một đôi giày mà gót giày hướng về phía trước, mũi giày hướng về phía sau để những người đuổi theo bắt tôi sẽ không biết tôi đi ngã nào”, người đóng giày nói: “trước nay tôi chưa từng đóng đôi giày nào như vậy”, liền nói kệ:

“Trước nay từng thấy đủ kiểu giày,
Được đo theo kích thước bàn chân,
Chưa từng đóng loại giày như vậy,
Gót hướng phía trước, mũi phía sau”.

Người đóng giày vẫn làm theo yêu cầu của đồng tử, cậu mang giày và men theo đường ống cống mà trốn đi, nhưng sứ của vua vẫn đuổi theo kịp. Đồng tử này sợ hãi nhảy xuống sông, Long vương liền đưa cậu vào trong cung ẩn trốn. Vua nghe được tin này liền ra lịnh tập họp tất cả thầy trì chú bắt rồng đến để đi bắt rồng. Bị các thầy trì chú này trấn áp, Long vương biết không cứu được đồng tử liền dùng thần lực đưa đến chỗ đồng hoang là nơi ở của Dược xoa Tần-già-la, rồi trở về nói với các thầy trì chú rằng: “việc các ông làm là không tốt, đồng tử bán cá kia sẽ bị Dược xoa hại và chúng tôi cũng bị tổn hại”, hỏi vì sao, liền đáp: “các ông đã não loạn tôi, tôi bị bức bách nên đem bỏ đồng tử đến trong đồng hoang là nơi ở của Dược xoa Tần-già-la, ắt sẽ bị dược xoa làm hại”, các thầy trì chú nghe rồi liền trở về tâu vua biết tin này, vua nói: “các vị hãy dò la xem cậu ta chết thật chưa”. Lúc đó ở trong đồng hoang, đồng tử này chạy sang Đông rồi lại sang Tây rồi leo lên cây, để tránh bị Dược xoa Tần-già-la và bầy chó dữ bắt giết ăn thịt, trong lòng nghĩ là mình chắc chết. Dược xoa kêu xuống, đồng tử nói: “tôi ở trên cây này cho đến khi chết”, dược xoa liền lấy y phục quấn quanh người rồi đứng ở dưới cây chờ. Đồng tử lén leo xuống rồi bỏ chạy, bầy chó chạy đuổi theo, cậu cởi áo đang mặc ném lên người Dược xoa khiến bầy chó tưởng là đồng tử nên cùng chồm tới cắn ăn thịt. Đồng tử chạy thoát rồi suy nghĩ: “ta có người cậu đang xuất gia ở chỗ tiên nhân, ta nên đến chỗ đó”, nghĩ rồi hỏi thăm đường để đi đến chỗ đó. Nơi tiên nhân ở cây cối sum suê, đủ loại chim ríu rít líu lo, khi đồng tử tìm đến được nơi đây thì sứ của vua cũng đuổi theo đến, đồng tử liền nhảy xuống hang, sứ của vua nắm được đầu tóc, tóc ở trong tay nhưng thân đồng tử thì rơi xuống hang, sứ cho là đồng tử đã chết nên trở về tâu cho vua biết, vua vui mừng ban thưởng. Lúc đó thiên thần hộ trì chỗ tiên ở liền nói với tiên: “cháu ngoại của đại tiên lâm nguy, nếu không cứu giúp cậu ấy sẽ chết”, tiên nhân cứu đồng tử rồi dùng chú pháp biến cậu thành người nữ tuyệt đẹp. Người nữ này đi đến trong vườn thượng uyển của vua ở thành Bà-la-nê-tư, người giữ vườn thấy người nữ này lấy làm lạ vội đến tâu vua, vua bảo dẫn đến, thấy nàng tuyệt đẹp nên vua dùng nghi lễ long trọng đón vào cung và hết sức say mê nàng. Thời gian sau, nhân lúc vua rời cung, nàng liền biến trở lại thành thân nam, đội mão vua và bảo triều thần lập làm vua. Khi triều thần lập người này lên làm vua thì trên hư không chư thiên nói kệ:

“Đầu không bị đứt, không bị hại,
Có thể tạo ra nghiệp như vậy,
Tùy nghi hại kia, không hại được,
Như người hại con vua Bạch giao”.

Phật bảo các Bí-sô: “vua Sơ thuở xưa chính là Đề-bà-đạt-đa ngày nay, đồng tử bán cá chính là thân ta; từ thời vua đó bắt đầu phát sanh oán thù này. Các thầy lắng nghe thêm tuy muốn mua vật báu này nhưng lại trả giá rất thấp nên người nghèo này không chịu bán. Sau đó mang đến cửa hàng của người thợ thứ hai, người này trả giá vừa phải nên người nghèo này chịu bán, người chủ tiệm thứ hai nói: “tôi muốn mua nhưng lại không đủ tiền”, người nghèo này nói: “vậy mỗi ngày ông có thể tùy ý đưa nhiều ít”, người chủ tiệm thứ hai nghe rồi liền nhận mua. Người chủ tiệm thứ nhất nghe biết liền đến nói: “tôi thấy vật báu này trước, vì sao anh lại tranh mối hàng của tôi; từ đây về sau chúng ta trở thành kẻ thù”.

Phật bảo các Bí-sô: “chủ tiệm thứ nhất trả giá thấp thuở xưa chính là Đề-bà-đạt-đa ngày nay, chủ tiệm thứ hai trả giá cao hơn chính là thân ta; do nhân duyên này nên kết oán thù cho đến nay. Các thầy lắng nghe thêm:

Thuở xưa tại một đồng hoang có một thôn, trong thôn có một trưởng giả cưới một cô gái trong tộc họ làm vợ, sống với nhau rất hạnh phúc. Không bao lâu sau người vợ có mang, vừa hạ sanh con thì qua đời; trưởng giả cưới một người vợ khác, không lâu sau người vợ này lại sanh con và cũng qua đời. Trưởng giả suy nghĩ: “nếu ta cưới vợ khác thì sợ cũng sẽ chết như hai người vợ trước. Nay ta nên cưới vợ cho đứa con trai đầu”, nghĩ rồi liền cưới vợ cho con trai đầu, người con dâu này sanh được rất nhiều con. Một hôm, người vợ này hỏi chống: “đồng tử kia là ai?”, đáp là em tôi, người vợ nói: “sau này có phải phân chia tài sản hay không?”, đáp: “đúng theo luật nước thì anh em đều có phần”, người vợ nói: “con của chúng ta đông thì không nên chia đều, phải tìm cách giết người em”. Phàm phu vì tham lợi thì không gì là không dám làm, người chồng nghe theo lời vợ lập kế nói với em: “hôm nay chúng ta vào trong núi hái trái cây”, khi vào tới trong núi, người em bị người anh lấy tảng đá đập vào đầu mà chết.

Phật bảo các Bí-sô: “người anh thuở xưa chính là Đề-bà-đạt-đa, người em chính là ta; do nhân duyên này nên kết oán thù đến nay. Các thầy lắng nghe thêm:

Thuở xưa tại một đồng hoang có một thôn lớn, trong thôn có một cư sĩ cưới một cô gái trong tộc họ làm vợ, cùng sông rất hạnh phúc. Không bao lâu sau người vợ sanh được một bé gái rất xinh đẹp, ai cũng yêu mến; cư sĩ nói: “nếu ai đến đây gặp ta trước thì ta sẽ cho đứa bé gái này”. Lúc đó có một Bà-la-môn đến nhà và chúc cho cư sĩ không bịnh, cư sĩ nói: “tôi có một bé gái muốn đem cho nhân giả”, Bà-la-môn nói: “hôm nay không phải là ngày có sao tốt nên tôi không nhận, đợi đến ngày có sao tốt tôi sẽ đến nhận”, nói rồi liền bỏ đi. Lát sau lại có một Bà-la-môn khác đến, cư sĩ cũng nói như trước, Bà-la-môn hỏi: “vì sao không đem cho Bà-la-môn đến trước?”, cư sĩ thuật lại việc trên, Bàla-môn này nghe rồi liền nhận và dẫn bé gái về nhà. Bà-la-môn trước nghe biết liền đến gặp Bà-la-môn này nói rằng: “bé gái này là của tôi nhận trước vì sao ông lại dẫn đi”, Bà-la-môn này nói: “ông nói hôm nay có sao không tốt nên không nhận, tôi thì không cần biết có sao tốt hay không tốt nên nhận”, Bà-la-môn kia nghe rồi nổi giận và kết oán thù.

Phật bảo các Bí-sô: “Bà-la-môn đến sau và được bé gái chính là thân ta ngỳa nay, Bà-la-môn đến trước chính là Đề-bà-đạt-đa; do nhân duyên này nên kết oán thù từ đó”.

Phật đang ở trong Trúc lâm, thành Vương xá, lúc đó vua Vị sanh oán có nuôi một con voi lớn tên là Hộ tài, rất hung dữ, hằng ngày thường ra khỏi chuồng não loạn làm hại dân chúng trong thành nên họ kinh sợ không dám ra khỏi cửa. Nhiều người đến tâu vua: “voi Hộ tài rất hung dữ, hằng ngày thường ra khỏi chuồng não loạn làm hại dân chúng trong thành. Xin vua cử người trông coi voi đừng cho nó hằng ngày ra khỏi chuồng, nên cách ngày cho ra một lần; khi nào cho nó ra thì lắc linh báo trước cho dân biết”, vua nói được rồi cho gọi người quản tượng đến bảo làm theo lời yêu cầu của dân chúng, người quản tượng vâng lời vua, xá chào rồi lui ra.

Trong thành Vương xá có một trưởng giả giàu có, thọ dụng đầy đủ, phát tâm thỉnh Phật và Tăng ngày mai đến nhà thọ thực; Đề-bàđạt-đa nghe biết tin này liền đưa vật báu trị giá trăm ngàn cho người quản tượng và nói: “ngày mai có trưởng giả thỉnh Sa môn Kiều-đáp-ma và chúng Thanh văn đến nhà thọ thực, ông hãy thả voi Hộ tài ra để nó giẫm chết Sa môn Kiều-đáp-ma”, đáp: “tuân lịnh, xin Thánh giả hãy nói cho vua biết việc này, chúng tôi mới yên tâm làm theo”, Đề-bàđạt-đa đến nói với vua Vị sanh oán : “Đại vương không thể lập tôi làm Phật, do Đại vương giết cha mới được làm vua; tôi nay cũng giết Phật để tự lên ngôi Nhất thiết trí. Xin vua cho thả voi Hộ tài ra”, vua nói: “Thánh giả không nghe nói Thế tôn có thể điều phục người chưa điều phục hay sao?”. Đề-bà-đạt-đa nói cho vua biết rồi trở lại nói với người quản tượng: “tôi đã tâu vua rồi, ngày mai ông hãy thả voi ra”, người quản tượng liền lắc linh báo cho người trong thành biết ngày mai sẽ thả voi Hộ tài ra. Trưởng giả nghe rồi ưu sầu tự than: “ta là người ít phước, ngày mai thỉnh Phật và Tăng đến nhà thọ thực thì gặp lúc thả voi Hộ tài ra. Hay là ta nấu xong các món ăn rồi mang đến chỗ Thế tôn”, nghĩ rồi ngay trong đêm đó lo liệu các thức ăn uống cúng dường. Sáng hôm sau đến bạch Phật: “người quản tượng lắc linh thông báo hôm nay sẽ thả voi Hộ tài ra, mỗi người phải tự phòng vệ. Vì vậy Thế tôn đừng vào thành, con sẽ cho người mang thức ăn cúng dường đến”, Phật nói: “ông cứ sửa soạn sẵn, ta không sợ voi Hộ tài, đúng giờ ta cùng chúng Thanh văn sẽ vào thành”, trưởng giả nghe rôi vui mừng trở về sửa soạn sẵn và trải tòa ngồi chờ đợi Thế tôn đến. Khi thấy Như lai cùng chúng Bí-sô đắp y mang bát vào thành, người quản tượng liền thả voi Hộ tài ra, voi chạy ào tới chỗ Phật. Lúc đó vua và Đề-bà-đạt-đa đứng trên lầu cao từ xa nhìn xuống, Đề-bà-đạt-đa thấy voi sắp giẫm chết Thế tôn liền vui mừng nói kệ:

“Tôi thấy đấng Thập lực,
Sắp bị voi giẫm chết,
Chúng Thịch tử Thanh văn,
Hôm nay đều tiêu hết”.

Lúc đó, Phật xòe tay phải, năm ngón tay hóa ra năm sư tử, voi thấy sư tử hoảng sợ đến vải phân ra và bỏ chạy; Phật lại hóa lửa đốt cháy khắp nơi, chỉ có chỗ Phật là mát mẻ, voi hung hăng chạy khắp nơi toàn gặp lửa nên đành phải chạy tới chỗ Thế tôn. Phật dùng bàn tay có tướng bách báu luân trang nghiêm vô úy xoa đầu voi, hành thí vô úy rồi nói kệ:

“Chớ ưa thích thân voi,
Loài voi thuộc cõi ác,
Cũng chớ tổn hại người,
Sẽ được đạo Hiền Thánh.
Ngươi do nghiệp đời trước,
Nên sanh vào cõi ác,
Tổn hại các hữu tình ,
Lấy đó làm vui thú.
Sau khi chết ở đây,
Sẽ sanh về cõi nào,
Và trụ ở chỗ nào?
Hiền thủ, hãy nghe kỹ:
Các hành là vô thường,
Các pháp là vô ngã,
Tịch tĩnh là Niết-bàn,
Sanh lòng tin nơi ta”.

Khi thấy voi dữ chạy áo tới chỗ Phật, chúng Thanh văn đều chạy tránh xa, chỉ riêng có A-nan là không lìa xa Phật. Sau khi hàng phục voi dữ xong, Phật cùng chúng Thanh văn đến nhà trưởng giả, voi Hộ tài theo sau Phật; khi Phật vào trong nhà, voi đứng ở ngoài vì không thấy Phật nên nó định xô cửa làm sụp nhà, Phật liền dùng thần lực hóa nhà thành thủy tinh, trong ngoài đều thấy được nhau để voi được thấy Phật. Thọ thực xong, Phật nói kệ chúc nguyện rồi cùng chúng Thanh văn đứng dậy ra về, voi lại đi theo sau Phật. Quần thần đem việc này tâu vua, vua liền nói với Đề-bà-đạt-đa: “Ngài đã làm cho tôi bị tổn thất lớn, nếu voi ấy bỏ đi, nước lân cận sẽ gây chiến tranh, Ngài thật không biết thời”, Đề-bà-đạt-đa nghe Vuatrách liền im lặng. Vua bảo quần thần : “sau khi Phật ra khỏi thành thì hãy đóng cửa thành lại, chớ để voi theo Phật ra ngoài”, đại thần tuân lịnh vua, bảo người giữ cửa thành và người quản tượng : “hãy bắt giữ voi lại, chớ để nó theo Phật ra ngoài”. Khi voi Hộ tài bị bắt giữ lại, nó không nhìn thấy Phật được nữa nên dùng chân đạp vòi cho không thở được, mê man ngã xuống đất mà chết, thần thức thác sanh lên cõi trời Tứ thiên vương. Thường pháp của chư thiên khi sanh lên cõi trời đều khởi ba niệm: một là ta từ đâu sanh đến đây, hai là nay ta đang ở đâu, ba là ta do nghiệp duyên gì. Lúc đó thiên tử này quán biết mình từ thân voi chết đi, được sanh lên cõi trời Tứ thiên vương là do sanh tâm hoan hỉ đối với Phật. Thiên tử liền suy nghĩ: “nếu ta ở đây thọ diệu lạc mà không đến chỗ Thế tôn trước là không phải đạo lý ; ta nên cùng chư thiên vây quanh đi đến chỗ Phật”, nghĩ rồi ngay trong đêm đó, Thiên tử dùng trăm báu trang nghiêm thân, thân thanh tịnh sáng suốt từ trong ra ngoài, lại dùng cái y kích đựng đủ loại hoa vi diệu đi đến chỗ Phật trong Trúc lâm, ánh sáng chiếu soi cùng khắp, sáng hơn cả ban ngày. Thiên tử đến chỗ Phật rải hoa cúng dường, đảnh lễ Phật rồi ngồi một bên, Phật quán biết căn tánh tùy miên của thiên tử nói pháp Tứ đế khiến cho được khai ngộ và chứng quả Dự lưu. Sau khi chứng quả, thiên tử bạch Phật: “Thế tôn, nhờ Phật khai ngộ khiến con ở trong các nạn mà được giải thoát, điều này không phải do cha mẹ… cho đến sa môn, Bàla-môn có thể làm được. Thế tôn là bậc đại thiện tri thức đã cứu vớt con ra khỏi ba cõi, đặt để con vào cõi trời người, hết khổ sanh tử, được đạo Niết-bàn, làm cạn biển máu, vượt khỏi núi xương, núi thân kiến từ vô thỉ đến nay đều bị phá tan bằng chày trí Kim cang, chứng được Sơ quả. Nay con xin quy y Tam bảo, từ hôm nay cho đến trọn đời thọ trì năm học xứ, cúi xin Thế tôn chứng biết con là Ô-ba-sách-ca”, liền nói kệ:

“Nhờ Phật đóng bít cửa đường ác,
Ở trong ba đường nhiều tổn hại,
Nhờ Phật khai mở đường Nhân thiên,
Lại được chứng Niết-bàn vi diệu,
Nhờ Phật dứt trừ các nghiệp ác,
Lột hết màng che, mắt được sáng,
Chứng được đạo Thánh hiền tịch diệt,
Vượt qua cảnh khổ trong ba cõi,
Được tất cả trời người cúng dường,
Trừ hết khổ sanh già bịnh chết.
Trong trăm ngàn đời không được gặp,
Hôm nay quả báo được gặp Phật,
Rũ anh lạc kính lễ đại sư,
Đảnh lễ chân Phật, tâm vui mừng,
Nhiễu phải ba vòng rồi trở về,
Vọt thân bay lên trên thiên cung”.

Lúc đó thiên tử vui mừng như người đi buôn được lời, như người cày ruộng được thu hoạch, như người ratrận được thắng, như người bịnh được lành, cùng chư thiên bay trở về thiên cung. Đêm đó vào đầu đêm, các Bí-sô kinh hành trong rừng nhìn thấy ánh sáng này rồi, sáng hôm sau liền đến hỏi Phật: “Thế tôn, đêm qua có phải Thích Phạm chư thiên đã đến chỗ Phật?”, Phật nói: “đó không phải là Thích Phạm chư thiên đã đến chỗ ta. Các thầy có nhớ voi Hộ tài hung dữ đã chạy ào tới muốn giẫm chết ta không?”, đáp là có nhớ, Phật nói: “lúc đó ta đã chỉ dạy khiến nó sanh tâm chánh tín và khởi tâm hoan hỉ đối với ta; nhờ đó sau khi chết, nó được sanh lên cõi trời Tứ thiên vương. Đêm qua chính thiên tử ấy đã đến chỗ ta, nghe ta thuyết pháp và đã được Kiến đế”, các Bísô đều có nghi thỉnh hỏi Phật: “Thế tôn, voi Hộ tài đã tạo nghiệp gì mà đọa vào bàng sanh, lại nhờ nghiệp gì mà được sanh lên cõi trời Tứ thiên vương và được Kiến đế?”, Phật nói: “voi Hộ tài đã tạo nghiệp rồi, theo thời gian nghiệp ấy tăng trưởng thần thục, duyên biến hiện tiền như bộc lưu (thác nước) không thể chảy ngược lại, quyết định phải chiêu lấy quả báo không ai có thể thọ thay. Này các Bí-sô, nếu một người đã tạo nghiệp thiện ác không phải địa thủy hỏa phong ở ngoài giới mới khiến người kia thọ báo, mà đều ở trong uẩn xứ giới của tự thân chiêu cảm quả dị thục”. Phật nói kệ:

“Dù trải qua trăm kiếp,
Nghiệp đã tạo không mất,
Khi nhân duyên hội họp,
Tự thọ lấy quả báo”.

Phật bảo các Bí-sô: “Quá khứ Hiền kiếp, lúc loài người thọ hai vạn tuổi có Phật Ca-diếp ba ra đời đầy đủ mười hiệu, trụ ở trong vườn Thi lộc, chỗ Tiên nhơn đọa xứ thuộc thành Bà-la-nê-tư. Lúc đó voi này xuất gia trong giáo pháp của Phật đó, nhưng không quý trọng giới, giới hạnh thiếu sót nên bị đọa trong loài voi. Vị này thường đem tứ sự cúng dường chúng tăng, nhờ căn lành này nên dù sanh ra nơi nào cũng được đầy đủ thức ăn uống, lại được gặp ta, do sanh tâm hoan hỉ nên sau khi qua đời được sanh lên cõi trời Tứ thiên vương.Vị này thường đọc tụng các pháp như Tứ đế, duyên khởi, uẩn, xứ…; nhờ căn lành này nên sau khi sanh thiên trở lại gặp ta, nghe pháp và được Kiến đế, chứng quả Dự lưu. Này các Bí-sô, nếu tu nghiệp trắng thì được quả báo trắng…”, các Bí-sô lại có nghi thỉnh hỏi Phật: “lúc voi Hộ tài chạy đến hại Phật, do nhân duyên gì chúng Thanh văn đều chạy tránh xa, chỉ có một mình Anan là không lìa xa Phật?”, Phật nói: “không phải chỉ có ngày nay mà ngày xưa cũng vậy, các thầy lắng nghe:

Thuở xưa, ở bên sông A na bà đạt đa có con ngỗng chúa tên là Đề đầu lại tra, nó có hai con: con ngỗng lớn tên là Mãn, con ngỗng nhỏ tên là Mãn diện. Mãn có tánh hung ác, thích gây sự đánh nhau và xúc não các con ngỗng khác; mỗi lần nghe các con ngỗng đến báo cáo: “con lớn của Đại vương đánh tôi, xúc não tôi”, ngỗng chúa liền suy nghĩ: “bản tánh nó hung bạo, nếu lập nó làm Thái tử thì sau khi ta chết, nó sẽ giết hại các con ngỗng; ta phải lập kế”, nghĩ rồi liền gọi hai con đến nói rằng: “hai con hãy đi tuần tra tới các ao có ngỗng sinh sống, đứa nào tuần tra xong trở về trước thì ta sẽ truyền vương vị”. Hai vương tử ngỗng nghe rồi, mỗi con liền cùng năm trăm ngỗng chúng bay đi tuần tra các ao nước ở khắp nơi có ngỗng sinh sống, dần dần đến thành Bà-la-nê-tư. Nơi đây có vua Phạm đức đang trị vì, đất nước phồn thịnh, nhân dân no ấm ; cách thành không xa có một ao sen với đủ các loại hoa tạp sắc phủ đầy trên mặt ao, bốn bên bờ ao có ngàn loại cây hoa quả với đủ các loại chim tụ tập. Vương tử Mãn cùng năm trăm ngỗng chúng bay xuống ao dạo chơi vui vẻ, không có sợ sệt; vương tử Mãn diện cùng năm trăm ngỗng chúng đang bay trên không trung, một con ngỗng hỏi: “chúng ta có nên bay xuống ao này không?”, Mãn diện nói: “ta nên trở về ao Vô nhiệt nhận vương vị rồi sẽ trở lại đây vui chơi”, nói rồi liền bay trở về ao Vô nhiệt nhận vương vị rồi trở lại trong ao này vui chơi. Những người đứng bên bờ ao nhìn thấy ngỗng chúa này xinh đẹp khác lạ, không chim nào ở đây sánh được nên đều nhìn ngắm nó, không biết nó từ đâu tới. Tiếng đồn lan ra nên dân chúng trong thành Bà-la-nê-tư đều đến bên ao ngắm nhìn ngỗng chúa, quần thần đem việc này tâu vua. Vua cho gọi các thợ săn đến và nói: “ta nghe nói trong ao của ta có một ngỗng chúa không biết từ đâu bay tới rất xinh đẹp, các ông tìm cách vây bắt nhưng không được làm tổn hại nó rồi mang đến đây cho ta xem”, các thợ săn tuân lịnh vua vây bắt, từ từ cột trói ngỗng chúa lại. Ngỗng chúa biết không thoát được nên bảo bầy ngỗng mau bay trở về ao Vô nhiệt, năm trăm con ngỗng nghe rồi đều bay hết, chỉ có một con ở lại nhìn ngỗng chúa rơi nước mắt. Thợ săn thấy rồi ngạc nhiên nói với ngỗng kia: “ta vì theo lịnh vua nên vây bắt ngỗng chúa, ta không bắt giết ngươi, ngươi chớ khóc”, nói rồi mang ngỗng chúa đến chỗ vua, ngỗng kia vì thương mến ngỗng chúa nên cũng bay theo sau. Đến chỗ vua, vua thấy rồi liền hỏi thợ săn: “con ngỗng kia vì sao lại bay theo đến đây?”, thợ săn nói là nó tự bay theo, vua ngạc nhiên nói với thợ săn: “ngỗng kia chắc là chông hay vợ của ngỗng chúa này nên không muốn lìa xa nhau, vậy khanh hãy thả cho chúng cùng bay đi, chớ có giết hại”, thợ săn nói: “thần sợ người khác sẽ bắt giết chúng, xin vua ra lịnh cho nhân dân chớ giết hại chúng”, vua liền bảo đại thần: “khanh hãy cho người đánh trống thông báo cho dân chúng trong thành từ nay trở đi không được giết hại loài chim”, đại thần tuân lịnh vua đi thông báo cho dân chúng biết.

Phật bảo các Bí-sô: “ngỗng chúa Mãn diện thuở xưa chính là thân ta ngày nay, ngỗng bay theo sau chính là A-nan, năm trăm ngỗng chúng chính là năm trăm Bí-sô ngày nay. Thuở xưa năm trăm ngỗng chúng đều bay đi, chỉ có ngỗng kia ở lại không xa lìa ; nay cũng vậy. Các thầy lắng nghe thêm:

Thuở xưa tại thành Bà-la-nê-tư có vua tên là A-tra trị vì, đất nước phồn thịnh, nhân dân no ấm, triều thần có năm trăm vị, do oai đức của vua nên các nước lân cận đều đến triều bái. Lúc đó có một người từ Nam Thiên trúc đến tên là Trượng bình, có sức mạnh địch ngàn người; đại thần dẫn đến gặp vua tâu rằng: “người này có sức mạnh địch được ngàn người, vì nghe oai đức của vua nên đến xin theo phò tá, xin vua thu nạp”, vua nghe rồi liền thu nạp và ban cho nhiều của cải vật dụng. Thời gian sau, một vua của nước lân cận có quân mã nhiều và mạnh nên tập họp bốn binh là tượng binh, mã binh, xa binh và bộ binh rồi thân chinh đến gây chiến; vua A-tra cũng dẫn bốn binh ra nghinh chiến, vua kia thuatrận bỏ chạy về nước. Trở về nước rồi lập kế cho người đến đút lót và mua chuộc năm trăm vị đại thần trong triều của vua A-tra, nói rằng: “lần sau vua nước tôi sang gây chiến, các ông chớ cùng chúng tôi chiến đấu; nếu vua tôi thắng trận sẽ ban thưởng cho các ông gấp vạn lần”, năm trăm triều thần này nhận lời. Không bao lâu sau, vua nước kia lại sang gây chiến, vua A-tra cũng dẫn binh ra nghinh chiến nhưng năm trăm đại thần vì đồng tình với vua nước kia nên không cùng họ chiến đấu. Do duyên này nên vua A-tra và Trượng bình bị nguy khốn, vua nói kệ:

“Từ lâu thân cận ta,
Nay đều lìa bỏ ta,
Chỉ còn có Trượng bình,
Không lìa bỏ Đại vương”.

Lúc đó Trượng bình giết chết năm trăm đại thần kia.

Phật bảo các Bí-sô: “vua A-tra thuở xưa chính là thân ta ngày nay, Trượng bình chính là A-nan, năm trăm đại thần chính là năm trăm Bí-sô; thuở xưa năm trăm đại thần đều lìa bỏ ta, chỉ có Trượng bình là không lìa bỏ, nay cũng vậy. Các thầy hãy lắng nghe thêm:

Thuở xưa, có một Bồ-tát trụ nơi Bất định tụ, thọ thân sư tử vua của loài thú sống trong núi rừng nọ. Lúc đó có năm trăm dã can hằng ngày thường theo sau sư tử để ăn thức ăn dư; vì khi sư tử bắt được con thú nào, nó chỉ ăn phần thịt ngon rồi bỏ đi, phần còn lại để cho các dã can ăn. Thời gian sau, khi đi săn mồi vào ban đêm, vì trời tối nên sư tử rơi xuống một cái giếng khô; thấy sư tử bị rơi xuống giếng, một con trong số năm trăm dã can ở lại bên miệng giếng nghĩ cách cứu sư tử, những con khác thấy bầy nai liền chạy theo nai. Con dã can này đi quanh nhìn ngó và thấy một ụ đất, nó dụng sức đẩy đất này bỏ xuống giếng cho đến khi đất dần dần đầy ; nhờ đó sư tử nhảy ra khỏi giếng. Chư thiên trên hư không thấy rồi liền nói kệ:

“Nên giao kết bạn thân,
Dù yếu hay mạnh mẽ,
Ta thấy một dã can,
Cứu sư tử khỏi giếng”.

Phật bảo các Bí-sô: “sư tử thuở xưa chính là thân ta ngày nay, dã can ở lại chính là A-nan, những con dã can bỏ đi chính là các Bí-sô ngày nay; thuở xưa đã lìa bỏ ta và nay cũng vậy. Các thầy lắng nghe thêm:

Thuở xưa, có một Bồ-tát trụ nơi Bất định tụ, thọ thân Nai vua của năm trăm con sống trong một khu rừng nọ. Có một thợ săn giăng bẫy để giết hại bầy nai, khi nai chúa dẫn bầy nai đi đến nơi đó, nai chúa đi đầu liền sa bẫy, bầy nai đều bỏ chạy tán loạn, chỉ còn lại một con nai cái ở bên cạnh nai chúa không đi. Thấy nai chúa gở bẫy không được, nai cái này nói kệ:

“Nai chúa đại oai đức,
Hãy mau mau gở bẫy,
Người cài đặt bẫy này,
Là thợ săn sắp đến”.

Nai chúa nói kệ:

“Ta dù làm cách nào,
Cũng không thể gở bẫy,
Bẫy này quá chắc chắn,
Cột chân đau thấu xương”.

Lúc đó người thợ săn cầm cung tên đi đến, thấy thợ săn sắp đến nai cái nói kệ:

“Nai chúa đại oai đức,
Hãy mau mau gở bẫy,
Người cài đặt bẫy này,
Là thợ săn sắp đến”.

Nai chúa nói kệ:

“Ta dù làm cách nào,
Cũng không thể gở bẫy,
Bẫy này quá chắc chắn,
Cột chân đau thấu xương”.

Nai cái thấy thợ săn đến, vì quá sợ hãi nên nói với thợ săn:

“Ông là thợ săn giỏi,
Hãy bỏ cung tên đi,
Lấy dao giết tôi trước,
Rồi giết nai chúa sau”.

Thợ săn nghe rồi ngạc nhiên hỏi: “nai này là gì của ngươi?”, đáp là chồng tôi, thợ săn nghe rồi nói kệ:

“Nay ta không hại ngươi,
Cũng không giết nai chúa,
Chồng vợ đều được tha,
Cho hai ngươi đoàn tụ”.

Nai cái nói kệ:

“Như vợ chồng tôi cùng vui vẻ,
Tôi đoàn tụ với chồng thân yêu,
Nguyện cho ông cùng với quyến thuộc,
Thường được vui vẻ thương yêu nhau”.

Thợ săn nghe rồi kinh ngạc khen là hiếm có, liền gở bẫy cho nai chúa được cùng đi với nai cái.

Phật bảo các Bí-sô: “nai chúa thuở xưa chính là thân ta ngày nay, nai cái ở lại chính là A-nan, bầy nai bỏ đi chính là các Bí-sô; thuở xưa lìa bỏ ta, nay cũng vậy”, lúc đó các Bí-sô lại có nghi thỉnh hỏi Phật: “Thế tôn, vì sao Đề-bà-đạt-đa lại tham lợi dưỡng cấu uế mà tự hại bản thân mình?”, Phật nói: “không phải chỉ ngày nay, ngày xưa cũng vì tham lợi cấu uế mà tự hại thân. Các thầy lắng nghe:

Thuở xưa, trong một vùng núi có cái ao hoa lớn, lúc đó có một con voi lớn đến bên ao uống nước xong rồi đi, lại có một con dã can rất dơ bẩn hôi hám cũng muốn đến bên ao uống nước. Nó gặp voi ngược đường đi tới liền nói: “anh hãy tránh đường, nếu không tránh thì chúng ta sẽ đánh nhau”, voi nghe rồi liền suy nghĩ: “con vật này hôi hám dơ bẩn đáng thương, nếu ta dùng chân đạp hoặc dùng ngà, vòi hại nó thì ta cũng bị dơ lây; ta nên dùng vật bẩn hại nó”, nghĩ rồi liền nói kệ:

“Không dùng chân đạp ngươi,
Cũng không dùng vòi, ngà,
Mà dùng vật bẩn giết,
Dùng vật bẩn giết bẩn”.

Voi suy nghĩ: “nếu ta né tránh bỏ đi, chắc chắn nó sẽ theo sau ta”, nghĩ rồi liền né một bên rồi bỏ đi thật mau; dã can suy nghĩ: “ta chỉ nói một câu mà voi đã sợ hãi bỏ chạy”, nghĩ rồi liền đuổi theo sau. Voi thấy dã can đã chạy tới gần liền dụng sức phóng phân vào mình dã can, dã can trúng phải phân liền qua đời.

Phật bảo các Bí-sô: “con dã can thuở xưa chính là Đề-bà-đạt-đa ngày nay, xưa bị vật bẩn làm hại, nay cũng bị lợi dưỡng cấu uế làm hại”, các Bí-sô lại có nghi thỉnh hỏi Phật: “do nhân duyên gì người nghe theo lời Phật dạy thì được thoát khòi sanh tử khổ nạn, còn nghe theo lời của Đề-bà-đạt-đa thì bị khổ não?”

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20