CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA PHÁ TĂNG SỰ

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường – TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh – năm 2009

Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 9

Lúc đó vua Thắng quân nước Kiều-tát-la nghe tin Sa môn Kiềuđáp-ma đã đến nước mình, hiện đang ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ đa thành Thất-la-phiệt và nghe Thế tôn nói: “ta đã chứng quả Anậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề”. Vua liền đến chỗ Thế tôn, sau khi thăm hỏi rồi ngồi một bên hỏi Phật: “tôi nghe Thế tôn chứng quả Anậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề; lại có người nói Kiều-đáp-ma chứng quả A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề, như thế há chẳng phải người ấy hủy báng Thế tôn hay sao? Ngài chứng quả này là vọng nói năng chứng hay thật được, vì chánh pháp mà nói hay là tùy thuận pháp mà nói ? Nếu có người nói Thế tôn chứng quả A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề mà có người kích nạn, đả phá thì há không phải là sự sĩ nhục hay sao?”, Thế tôn nói: “nếu có người nói là ta đã chứng quả A-nậu-đa-la-tammiệu-tam-bồ-đề, thì lời đó không có chứng cứ; còn ta thì thật đã chứng quả đó. Nếu có ai luận nạn phỉ báng thì không thành, vì sao, vì ta đã thật chứng quả A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề”, vua nói: “Kiều-đáp-ma nói là ta đã thật chứng quả A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề, tôi không thể tin được, vì sao, vì các ngoại đạo kỳ lão mà Kiều-đáp-ma biết đến, đó là Lục sư : Bổ thích noa, Ma già lê câu xa tử, San xà da tỳ la đồ tử, Ni kiền đà nhã đề tử, Ca cầu đà Ca-chiên-diên, A kỳ đà súy xá Khâm bà la. Lục sư này còn chưa chứng được đạo quả vô thượng, huống chi Sa môn Kiều-đáp-ma là người tuổi trẻ mới xuất gia, làm sao chứng được đạo quả đó được”, Phật nói: “có bốn thứ tuy nhỏ nhưng không nên coi thường : một là tuổi nhỏ dòng Sát-đế-lỵ, hai là rắn độc nhỏ, ba là đốm lửa nhỏ, bốn là người xuất gia tuổi trẻ. Vì sao, vì người xuất gia tuổi trẻ nếu chứng quả A-la-hán thì có oai đức lớn”, Phật liền nói kệ:

“Sát-đế-lỵ đủ tướng trượng phu,
Danh xưng, cha mẹ đều thanh tịnh,
Thấy trẻ nên kính trọng chớ khinh,
Người trí không nên khinh người này.
Đại vương phải nên biết,
Không nên khinh tuổi trẻ,
Người này sau nối ngôi,
Có thể gây tai hại,
E sau sẽ oán ghét,
Vậy nay nên tôn kính.
Muốn bảo toàn thân mạng,
Được lợi ích về sau,
Nên thuận ý người này,
Nên kính không nên khinh.
Trong thôn hay đồng ruộng,
Nếu Thấy rắn độc nhỏ,
Không nên cho là nhỏ,
Người trí nên lo sợ,
Vì rắn tìm thức ăn,
Nên bò đi khắp nơi,
Nếu gặp được cơ hội,
Ắt làm tổn hại người,
Muốn bảo toàn thân mạng,
Được lợi ích về sau,
Cần phải tránh xa nó,
Vì thế không nên khinh.
Đốm lửa có thể đốt,
Tất cả đều cháy đen,
Vì thế không nên khinh.
Người trí chớ nên khinh,
Đốm lửa tuy chưa to,
Củi nhiều, lửa lan rộng,
Thiêu đốt tổn tất cả,
Thành ấp và thôn xóm.
Muốn bảo toàn thân mạng,
Được lợi ích về sau,
Cần phải sớm xa lìa,
Vì vậy không nên khinh.
Cho dù lửa hừng thạnh,
Đốt cháy thành, thôn xóm,
Tuy đốt cỏ cháy rụi,
Qua đêm cỏ mọc lại.
Nếu khinh người đủ giới,
Tự đốt cháy nghiệp lành.
Con cái và tài sản,
Nhất tời tiêu tán hết,
Cũng như cây Đa la,
Chặt mầm không mọc lại.
Ai khinh thường Bí-sô,
Sẽ không tồn tại lâu.
Muốn bảo toàn thân mạng,
Được lợi ích về sau,
Thì không nên khinh thường.
Sát-đế-lỵ đủ tướng,
Rắn độc và đốm lửa,
Bí-sô đầy đủ giới,
Người trí không nên khinh.
Muốn bảo toàn thân mạng,
Được lợi ích về sau,
Thì không nên khinh thường”.

Vua Thắng quân vui mừng đứng dậy đảnh lễ Phật rồi ra về. Sau đó vua Thắng quân sai sứ mang thư đến cho vua Tịnh-phạn ở thành Kiếp-tỷ-la, trong thư viết: “vua nên vui mừng, Thái tử của vua đã thành chánh giác, được pháp cam lồ, đem nghĩa lý vi diệu thí khắp cho chúng sanh, khiến họ rất hoan hỉ”, vua đọc thư rồi rất vui mừng nhưng lại chống tay vào cằm với dáng vẽ ưu sầu. Đại thần của vua là Ô-đà-di thấy vậy liền hỏi nguyên do, vua nói: “làm sao ta không buồn, khi Thái tử Nhất thiết nghĩa thành tu khổ hạnh, ta sai sứ đến thăm thì họ còn trở về báo tin; nay ta sai sứ đi thì không có ai trở về báo lại”, Ô-đà-di tâu: “thần xin qua đó gặp Thái tử rồi sẽ trở về báo tin”, vua nói: “những sứ giả mà ta sai đi, khi đến chỗ Thái tử đều xuất gia thọ giới cụ túc, không ai trở về nữa. Nay sai khanh đi e khanh cũng sẽ không trở về”, Ô-đà-di tâu: “thần nhất định sẽ trở về”. Vua liền viết thư, trong thư nói kệ:

“Kể từ khi thọ thai,
Mong sao Phật trưởng thành,
Ta tự tay nuôi dưỡng,
Nhưng trong lòng ưu sầu,
Vì con nay trưởng thành,
Có rất nhiều đệ tử,
Làm người khác được vui,
Còn ta riêng ưu sầu.
Xưa con còn manh nha,
Ta nuôi lớn từ nhỏ,
Con nay được thật quả,
Không trở lại báo ân.
Khi con mới đản sanh,
Phát thệ nguyện rộng lớn,
Thành Vô thượng chánh giác,
Độ vô số chúng sanh ,
Nguyện ấy nay thành tựu.
Con khởi tâm từ bi,
Hãy đến thành của ta,
Độ ta và quyến thuộc”.

Viết xong vua giao cho Ô-đà-di, Ô-đà-di nhận thư liền đi đến thành Thất-la-phiệt, trải qua ba ngày đường mới đến rừng Thệ đa vườn Cấp-cô-độc. Ô-đà-di đến chỗ Phật đảnh lễ rồi dâng thư cho Phật, Phật mở thư ra đọc rồi xếp lại để một bên, Ô-đà-di hỏi Phật: “Thế tôn có đi đến thành Kiếp-tỷ-la không?”, Phật đáp là sẽ đến. Do trước kia Ô-đàdi là bạn thân thiết với Thế tôn nên nói: “nếu Thế tôn không đi thì tôi sẽ cưỡng ép Thế tôn đi”, Thế tôn nghe rồi liền nói kệ như trong luật có nói. Lúc đó Ô-đà-di nói: “Thế tôn, tôi phải trở về báo tin cho vua biết Thế tôn sẽ đến thành Kiếp-tỷ-la”, Phật nói: “Ô-đà-di, sứ giả của Như lai không phải như thế”, Ô-đà-di hỏi: “sứ giả của Như lai thì như thế nào?”, Phật nói: “người xuất gia là sứ giả của Như lai”, Ô-đà-di nói: “tôi trước đã hứa với vua là đến đây rồi nhất định sẽ trở về báo lại”, Phật nói: “ông cứ làm như lời đã hứa, không nên làm trái, nhưng ông hãy xuất gia rồi mới trở về. Trong vô lượng đời ở quá khứ, khi tu Bồ-tát hạnh ; đối với cha mẹ, Thân giáo sư, Ô-ba-đà-da và các tôn giả, Như lai không dám trái lời dạy”, Ô-đà-di nghe lời này rồi liền tín thọ vâng theo, nói rằng: “con nay xuất gia”, Phật nói: “thiện lai Bí-sô”, Ô-đà-di liền thành người xuất gia đầy đủ phạm hạnh. Phật bảo Ô-đà-di: “thầy hãy trở về nhưng không nên như trước kia đi thẳng vào trong cung vua, mà hãy đứng ngoài cửa bảo sứ giả vào báo với vua là có Bí-sô dòng Thích ca muốn gặp; nếu vua cho vào, thầy mới được vào. Sau khi vào rồi, nếu vua hỏi còn có Bí-sô dòng Thích ca nào khác không thì thầy nên đáp là có ; nếu vua hỏi Thái tử Tất đạt có hình dung và phục sức giống như thầy không thì thầy nên đáp là giống như tôi không khác. Nếu vua bảo thầy ở lại trong cung ngủ đêm thì thầy nhất định không được ở lại ngủ đêm; nếu vua hỏi Thái tử Tất đạt cũng không ở trong cung phải không thì thầy nên đáp là không ; nếu vua hỏi dừng nghỉ ở đâu thì thầy nên đáp là ở A-lan-nhã. Nếu vua hỏi Thái tử Tất đạt sẽ đến phải không thì thầy nên đáp là sẽ đến ; nếu vua hỏi khi nào đến thì thầy nên đáp là bảy ngày sau”, Ô-đà-di nghe xong liền đảnh lễ Phật để đi, Phật bảo hãy đi. Nhờ thần lực của Phật, chỉ trong một ngày Ô-đà-di liền đến bên ngoài cửa cung của thành Kiếp-tỷ-la. Lúc đó Ô-đà-di đứng ngoài cửa bảo sứ giả vào báo với vua là có Bí-sô dòng Thích ca muốn gặp, vua cho vào. Khi Ô-đà-di vào rồi, vua Tịnh-phạn thấy liền hỏi: “ông đã xuất gia rồi sao?”, đáp là đã xuất gia, vua hỏi: “còn có Bí-sô dòng Thích ca nào khác không?”, đáp là có, vua hỏi: “Thái tử Tất đạt có hình dung và phục sức giống như thầy không?”, đáp là giống như tôi không khác. Vua nghe rồi liền ngất xỉu, ngã xuống đất, quần thần rưới nước hồi lâu mới tỉnh. Vua nói: “thầy ở lại trong cung ngủ đêm”, Ô-đà-di nói: Bí-sô không được ở lại trong cung ngủ đêm”, vua hỏi: “Thái tử Tất đạt cũng không ở trong cung phải không”, đáp là không, vua hỏi: “vậy thì dừng nghỉ ở đâu?”, đáp là ở A-lan-nhã, vua hỏi: “Thái tử Tất đạt sẽ đến phải không?”, đáp là sẽ đến, vua hỏi:” khi nào đến?”, đáp là bảy ngày sau. Vua liền ra lịnh cho đại thần sửa sang vườn uyển giống như rừng Thệ đa để nghinh đón Thái tử, đại thần hỏi Ô-đà-di: “trong tinh xá ở rừng Thệ đa có tất cả nao nhiêu phòng viện?”, đáp: “đại viện có mười sáu nơi, tiểu viện có tất cả sáu mươi bốn dãy với lầu gác trang nghiêm”, đại thần nghe rồi liền ra lịnh các thợ khéo xây dựng các phòng viện giống như phòng viện trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ đa.

Lúc đó Phật bảo Đại Mục-kiền-liên: “thầy hãy thông báo các Bísô là Thế tôn muốn đến thành Kiếp-tỷ-la để cha con được gặp nhau, nếu vị nào muốn nhìn thấy cảnh hội ngộ này thì hãy đắp y mang bát cùng đi”, Đại Mục-kiền-liên vâng lời Phật dạy đi thông báo cho các Bí-sô. Phật cùng đại chúng vây quanh tuần tự du hành đến bồ sông Lư ê đa, vua Tịnh-phạn hay tin này liền ra lịnh trang hoàng thành quách, rưới nước thơm và rải hoa thơm trên đất từ vườn Ni câu đà cho đến bờ sông Lư ê đa. Trong vườn Ni câu đà, vua cho đặt tòa sư tử cho Phật và trải tòa cho đại chúng, dân trong thành đều tụ họp đến, có người do nhân duyên đời trước nên đến, có người đến muốn xem Thái tử lạy vua cha trước hay vua cha lạy Phật trước. Sáng sớm ngày thứ tám, Phật và đại chúng chuẩn bị vào thành, lúc đó Phật suy nghĩ: “nếu ta đi bộ vào thành Kiếp-tỷ-la thì những người dòng họ Thích, tâm vốn cao ngạo sẽ chê cười nói rằng: “Thái tử khi đi xuất gia thì nương hư không mà đi cùng với vô lượng chư thiên vây quanh; nay được pháp cam lồ, thành Vô thượng chánh đẳng chánh giác mà lại đi bộ vào thành” nghĩ rồi liền nhập định, hiện thân ở phương Đông trên hư không cao bảy cây Đa la, các Bí-sô đều ở trên hư không cao sáu cây Đa la, nương hư không để vào thành Kiếp-tỷ-la. Khi đến gần, Phật hạ dần xuống, cao sáu cây Đa la; các Bí-sô cũng hạ dần xuống, cao năm cây Đa la; Phật hạ xuống còn năm cây Đa la thì các Bí-sô hạ dần xuống bốn cây Đa la; Phật hạ dần xuống bốn cây Đa la thì các Bí-sô hạ dần xuống ba cây Đa la; Phật hạ dần xuống ba cây Đa la thì các Bí-sô hạ dần xuống hai cây Đa la; Phật hạ dần xuống hai cây Đa la thì các Bí-sô hạ dần xuống một cây Đa la; Phật hạ xuống còn một cây Đa la thì các Bí-sô đi bộ. Vua Tịnh-phạn tuy trông thấy thần biến này nhưng các Bí-sô quá đông, không phân biệt được ai là Phật. Vua bảo Ô-đà-di đánh trống tuyên bố lịnh của vua: “tất cả dòng họ Thích trong thành Kiếp-tỷ-la, mỗi nhà nên cho một người xuất gia theo Phật”.

Hộc-phạn vương có hai người con tên là Vô diệt và Đại danh, Đại danh thường được giao trông coi việc nhà, còn Vô diệt thì rảnh rang ngồi vui chơi trên lầu với các thể nữ. Người mẹ bảo Đại danh: “con có biết vua vừa ra lịnh mỗi nhà trong dòng họ Thích đều phải cho một người xuất gia theo Phật”, Đại danh nói là không muốn xuất gia, người mẹ hỏi vì sao, Đại danh nói: “Vô diệt vui chơi trên lầu sao mẹ không bảo nó xuất gia mà lại bảo con”, người mẹ nói: “Vô diệt vốn có phước đức lớn nên mẹ muốn nó ở nhà, con không nên ganh tỵ”, Đại danh nói: “Mẹ yêu quý Vô diệt nên thiên vị, chứ anh ấy không có phước đức gì cả. Mẹ thử không cho anh ấy thức ăn uống để xem anh ấy có phước đức hay không”, người mẹ nói: “mẹ sẽ làm như lời con nói”, nói rồi người mẹ lấy lồng đạy lên cái mâm không có thức ăn và dùng lụa phủ kín lại, sau đó bảo thị nữ mang đến cho Vô diệt và dặn rằng: “nếu nó hỏi trong đó có vật gì thì con nên nói là không có một vật”, thị nữ vâng lời mang đến. Lúc đó vua trời Đế thích đang quán xem hạ giới, thấy việc này liền suy nghĩ: “xưa kia Vô diệt từng cúng dường thức ăn uống cho Phật Bích chi Ô ba lợi sắc tra, không nên để Vô diệt bị bỏ đói, ta nên đem thức ăn uống đến”, nghĩ rồi liền đem đủ các thức ăn uống để trong mâm bị phủ kín đó. Khi thị nữ mang mâm phủ kín này lại, Vô diệt hỏi trong đó có vật gì, thị nữ đáp là không có một vật, Vô diệt suy nghĩ: “mẹ rất thương ta, làm sao có thể bảo mang đến cho ta mà không có một vật gì”, nghĩ rồi liền mở ra xem, thấy trong mâm đủ các loại thức ăn thơm ngon hiếm có. Vô diệt hiếu dưỡng nên bảo thị nữ đem thức ăn ngon này đến cho mẹ và nói: “hãy nói với mẹ là hằng ngày đem cho tôi loại thức ăn không một vật này”, người mẹ thấy thức ăn này lấy làm lạ liền đưa cho Đại danh xem và nói: “mẹ đã nói với con là Vô diệt có phước đức lớn”, Đại danh nói: “dù Vô diệt có phước đức lớn hay không thì con cũng không thể xuất gia”. Người mẹ khuyên giải Đại danh không được nên đành phải đến nói với Vô diệt: “con có biết vua vừa ra lịnh mỗi nhà trong dòng họ Thích đều phải cho một người xuất gia theo Phật, con muốn ở tại gia hay xuất gia?”, Vô diệt hỏi: “nếu ở tại gia thì có lỗi gì và có lợi ích gì, còn xuất gia thì có lợi ích gì?”, người mẹ nói: “ở tại gia nếu sống như pháp thì không có lỗi gì và được sanh vào cõi trời người, nhưng nếu sống phi pháp thì sẽ đọa trong ba đường ác. Xuất gia nếu sống như pháp, y theo Thánh giáo tu trì thì sẽ được Niết-bàn thù thắng; nếu tu hành không trọn vẹn thì cũng được sanh cõi trời người”, Vô diệt nghe rồi liền nói: “công đức xuất gia hơn hẳn công đức tinh tấn của tại gia, vậy con muốn xuất gia”, người mẹ nói: “mẹ cho con xuất gia”. Vô diệt vốn thân thiết với Hiền vương Thích chủng nên đi đến cung của Hiền vương và đứng ở ngoài cửa, lúc đó Hiền vương đang khảy đàn trên lầu, dây đàn bỗng đứt và âm thanh lạc điệu; Vô diệt cũng giỏi chơi đàn, tuy đứng ở ngoài cửa vẫn biết là đàn bị đứt dây. Người giữ cửa vào báo là Vô diệt muốn gặp, Hiền vương bảo cho vào, Vô diệt vào, Hiền vương hỏi: “anh đến bao lâu rồi?”, đáp là lúc dây đàn bị đứt. Lúc đó Vô diệt đưa tay vỗ lên tấm lụA-trải trên nệm giường của Hiền vương và nói: “lúc dệt tấm lụa này, người thợ dệt bị bịnh nóng, vì sao Hiền vương lại nằm trên tấm lụa này?”, Hiền vương lấy làm lạ liền giở tấm lụa lên xem thì thấy phía dưới có nhiều vết bẩn, Hiền vương liền cho gọi người thợ dệt đến hỏi và người thợ dệt thừa nhận, Hiền vương hỏi Vô diệt: “vì sao anh biết được?”, đáp: “khi rờ vào thấy nóng nên tôi biết được”. Hiền vương lại hỏi: “anh đến có việc gì không?”, đáp: “vua vừa ra lịnh mỗi nhà trong dòng họ Thích đều phải cho một người xuất gia theo Phật, tôi muốn xuất gia nên đến từ biệt Hiền vương”, Hiền vương nói: “anh hãy ở lại đây ngủ đêm để chúng ta bàn bạc việc này”. Vô diệt liền ở lại ngủ đêm, Hiền vương nói: “tôi cũng muốn xuất gia, nhưng nếu tôi xuất gia thì Thiên thọ sẽ lên nối ngôi và sẽ gây họa lớn cho những người dòng họ Thích. Chúng ta nên tìm cách làm cho Thiên thọ cùng xuất gia”. Sáng hôm sau Hiền vương mời Thiên thọ đến và nói rằng: “Thiên thọ, chúng tôi đều muốn xuất gia, còn anh định thế nào ?”, Thiên thọ nghe rồi liền suy nghĩ: “nếu ta nói không xuất gia thì Hiền vương cũng sẽ không xuất gia, ta nên nói dối để cho Hiền vương xuất gia”, nghĩ rồi liền nói: “Hiền vương, nếu anh xuất gia thì tôi cũng xuất gia”. Tuy là lời nói dối nhưng mọi người đều nghe thấy nên vua Tịnh-phạn tuyên bố cho tất cả mọi người trong thành rằng: “Hiền vường cùng Vô diệt, Thiên thọ… tổng cộng năm trăm người dòng họ Thích đều xuất gia theo Phật, mọi người nên vui mừng về việc này”, Thiên thọ nghe rồi trong lòng ưu não suy nghĩ: “nếu ta biết Hiền vương xuất gia thì ta đã không nói là tôi cũng xuất gia. Nay ta nếu không xuất gia thì ta là người nói dối và sẽ không được nối ngôi, ta tạm xuất gia sau sẽ lên nối ngôi”.

Lúc đó vua Tịnh-phạn muốn cúng dường nhiều phẩm vật cho những người dòng họ Thích xuất gia theo Phật nên ra lịnh quét dọn sạch sẽ các ngã đường, rưới hương thơm rải hoa trên đất, treo phan phướng… rồi cùng các quyến thuộc vây quanh đi đến chỗ Phật. Từ trong các cửa sổ, các cô gái dòng họ Thích đều nhìn ra chiêm ngưỡng những người dòng họ Thích sắp xuất gia này, những người ở phương xa cũng đến để chiêm ngưỡng họ. Những người dòng họ Thích sắp xuất gia này sau khi từ biệt cha mẹ, họ lên xe đi đến chỗ Phật với các đồ trang sức trang nghiêm trên thân, Hiền vương dẫn đầu. Lúc đó vua Tịnh-phạn cho mời tướng sư đến xem tướng của họ, khi nhìn thấy Hiền vương, tướng sư khen là vui thích thừa sự ; khi thấy Vô diệt và Giả hòa hợp, tướng sư cũng khen như vậy. Khi Thiên thọ đi đến bỗng có chim Diều hâu bay đến cắp lấy hạt châu trên búi tóc mang đi, tướng sư nói: “điềm chẳng lành này cho biết Thiên thọ sẽ làm hại Thế tôn và sẽ đọa địa ngục”. Khi Cù ca ly, Khiên na đạp bà, Yết tra mâu la, Để sa hải thọ, bốn người này đi đến thì có tiếng lừa hí vang, tướng sư nói: “bốn người này sẽ dùng lời ác não loạn chúng tăng và sẽ đọa địa ngục” . Khi Ô ba-nan-đà cỡi voi đi đến, do quay nhìn bốn hướng làm chuỗi ngọc châu bị đứt, tướng sư nói: “người này nhiều tham dục sẽ đọa địa ngục”… cứ như thế năm trăm người dòng họ Thích tuần tự đi đến chỗ Phật trong vườn uyển, Phật thấy họ liền suy nghĩ: “ta không thể cho năm trăm người nay xuất gia bằng cách nói thiện lai, vì sao, vì trong số người này có người đắc quả A-la-hán, có người không chứng đắc. Ta nên cho họ xuất gia bạch tứ yết ma thọ giới”, nghĩ rồi liền bảo các Bí-sô: “các thầy nên bạch tứ yết ma cho năm trăm người này xuất gia thọ giới cụ túc”, các Bí-sô vâng lời Phật dạy. Lúc đó vua Tịnh-phạn bảo Ưu-ba-ly: “ngươi hãy đến trong vườn Ni câu đà cạo tóc cho năm trăm Thích tử xuất gia”. Hiền vương cạo tóc trước nên gội đầu rồi ngồi chờ, khi sắp cạo tóc cho Hiền vương, Ưu-ba-ly rơi lệ, Hiền vương hỏi nguyên do, Ưu-ba-ly quỳ xuống rơi lệ nói: “xưa nay tôi thường theo hầu Hiền vương, nay Hiền vương xuất gia, tôi không biết nương ai, nếu phải hầu hạ Ác vương thì thà tôi chết còn hơn”, Hiền vương nói: “ta biết ngươi thành tâm, ta cho phép ngươi không phải hầu hạ Ác vương, ngươi không nên lo buồn”, Ưu-ba-ly nghe rồi rất vui mừng liền đứng dậy cạo tóc cho Hiền vương. Cạo tóc xong, Hiền vương sai người hầu trải ra một tấm lụA-trắng rồi đứng dậy nói với năm trăm Thích tử xuất gia: “các vị lắng nghe, trước đây Ưu-baly hầu hạ ta, nay chúng ta xuất gia không cần dùng y phục thế tục và những món đồ trang sức nữa, vậy các vị hãy cởi chúng ra để trên tấm lụA-trắng này để cho Ưu-ba-ly”, Hiền vương nói rồi, các Thích tử đều cởi y phục và đồ trang sức trên người để trên tấm lụA-trắng cho Ưuba-ly, Ưu-ba-ly lần lượt cạo tóc cho họ, họ tắm rửa rồi như pháp đắp y Tăng mà đi. Lúc đó Ưu-ba-ly chống cằm suy nghĩ: “năm trăm Thích tử cao quý như vậy mà còn xả bỏ tất cả để xuất gia, ta là người thấp hèn xưa nay theo hầu hạ người khác vì sao lại tham đắm những y phục và đồ trang sức này. Nếu ta không thuộc dòng họ thấp hèn thì ta cũng được xuất gia và chứng quả A-la-hán ” . Thường pháp của Phật là ngày đêm sáu thời quán các hữu tình, các A-la-hán cũng vậy nên tôn giả Xá-lợiphất biết Ưu-ba-ly đang ưu sầu liền đến chỗ Ưu-ba-ly và hỏi nguyên do, Ưu-ba-ly nói: “đại đức, con thấy Hiền vương và các Thích tử xả tất cả để xuất gia tu đạo, còn con lại tham đắm các vật đã xả bỏ đó, chắc con sẽ đọa trong ba đường ác. Đại đức, nếu con không sanh trong dòng họ thấp hèn thì con cũng sẽ được xuất gia ở trong Tỳ nại da mà Phật đã thuyết giảng, tinh tấn tu tập để chứng quả A-la-hán”, tôn giả nói: “trong chánh pháp của Phật không có phân biệt dòng họ thấp hèn và người ít học, chỉ cần y theo lời Phật dạy, trì tịnh giới và oai nghi không thiếu sót thì đều được xuất gia thọ giới. Nếu con muốn xuất gia thì hãy theo ta đến gặp Phật, con sẽ được xuất gia”. Ưu-ba-ly nghe rồi rất vui mừng liền xả tất cả y phục và đồ trang sức mà mình vừa có được như bỏ đàm dãi để theo tôn giả Xá-lợi-phất đến gặp Phật. Đến nơi, đảnh lễ Phật xong, tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật: “Thế tôn, Ưu-ba-ly này có thể ở trong Tỳ nại da xuất gia thọ giới cụ túc, thành tánh Bí-sô. Cúi xin Thế tôn cho Ưu-ba-ly xuất gia”, Phật nói thiện lai Bí-sô, hãy xuất gia tu phạm hạnh”, Phật vừa nói xong, râu tóc của Ưu-ba-ly tự rụng, ca-sa hiện trên thân trở thành Bí-sô, giống như người đã được xuất gia bảy ngày, oai nghi tề chỉnh cũng giống như Bí-sô trăm tuổi. Được xuất gia rồi, Ưu-ba-ly đứng một bên, tôn giả Xá-lợi-phất nói kệ:

“Thế tôn nói thiện lai Bí-sô,
Áo biến ca-sa, râu tóc rụng,
Các căn tịch tĩnh, giới thanh tịnh,
Nhờ Phật lực nên đủ oai nghi”.

Lúc đó năm trăm Thích tử sau khi được bạch tứ yết ma xuất gia thọ giới xong liền đến chỗ Phật đảnh lễ và theo thứ lớp đảnh lễ tất cả Bí-sô, cuối cùng tới trước Ưu-ba-ly. Hiền vương nhận ra Ưu-ba-ly liền đứng thẳng người chiêm ngưỡng và bạch Phật: “Thế tôn, Ưu-ba-ly là người hầu của con, con có nên đảnh lễ không?”, Phật nói: “trong pháp xuất gia cần phải trừ bỏ tâm ngã mạn, vì vậy ta cho Ưu-ba-ly xuất gia trước, người xuất gia sau phải đảnh lễ người xuất gia trước”, Hiền vương vâng lời Phật dạy, dẹp bỏ tâm ngã mạn cúi mình đảnh lễ Ưu-ba-ly, lúc đó đại địa chấn động sáu cách. Thấy Hiền vương đảnh lễ, bốn trăm chín mươi tám Thích tử khác cũng cúi mình đảnh lễ, chỉ riêng có Thiên thọ không chịu đảnh lễ. Phật bảo Thiên thọ nên đảnh lễ, Thiên thọ đáp: “Thế tôn bảo con đảnh lễ thì có ích lợi gì, con không thể”. Khi nói xong lời này Thiên thọ đã khởi nghĩ chống đối Phật.

Các Bí-sô thấy khi Hiền vương đảnh lễ Ưu-ba-ly đại địa chấn động sáu cách liền khởi nghi thỉnh hỏi Phật nguyên do, Phật nói: “không phải chỉ trong ngày nay khi Hiền vương đảnh lễ, đại địa chấn động sáu cách mà quá khứ cũng vậy. Các thầy lắng nghe:

Quá khứ tại thành Bà-la-nê-tư có vua tên là Phạm thọ, dùng pháp giáo hóa, trong nước không có đói khổ, dân chúng an cư lạc nghiệp. Trong thành có một dâm nữ tên là Hiền thọ rất xinh đẹp, thường cùng các nam tử vui chơi hoan lạc mỗi đếm với giá năm trăm tiền vàng. Trong thành lại có một Ma-nạp-bà tên là Đoan chánh đến chỗ dâm nữ này muốn cùng cô hoan lạc một đêm, dâm nữ nói: “anh có năm trăm tiền vàng hay không?”, đáp là không có, dâm nữ nói: “vậy anh hãy đem năm trăm đồng bạc Ca lợi sa ba noa đến đây”. Đoan chánh không có tiền, vì yêu thích dâm nữ này nên thường hái đủ loại hoa biếu cho cô, nhiều lần như vậy nên dâm nữ sanh tình cảm. Lúc đó trong thành có tiết hội, tất cả phụ nữ đều trang điểm và phục sức đẹp đẽ để cùng chồng mình vui chơi hoan lạc, nên không có người nam nào tìm đến dâm nữ. Dâm nữ chợt nghĩ đến Đoan chánh: “nếu hôm nay anh ta đến đây thì tốt quá”, vừa nghĩ xong thì Đoan chánh đến, dâm nữ vui vẻ nói: “anh đi hái hoa rồi sáng mai đến đây cùng tôi hoan lạc”. Đoan chánh nghe rồi rất vui mừng trở về nhà, trong tâm luôn nghĩ về dung mạo và tướng đứng đi của dâm nữ nên mãi đến gần sáng mới ngủ thiếp cho đến trời sáng bạch mới tỉnh dậy thì hoa thơm không còn nữa, anh đi tìm khắp nơi cũng không chỗ nào còn hoa, chỉ hái được ít hoa Dạ hợp mang đến cho dâm nữ. Dâm nữ thấy hoa này liền nói kệ:

“Người si mang lốt da Ái dục,
Đoan chánh thông minh, nửa đồng tiền,
Lúc này hoa đẹp nở khắp nơi,
Sao chỉ hái được ít hoa Dạ hợp”.

Nói kệ rồi liền bảo đi hái hoa đẹp khác mang đến. Vì tham dục nên Đoan chánh không nài khổ nhọc, từ thành ra đến vùng ngoại ô xa xôi dưới trời nắng gắt để tìm hái hoa đẹp, vừa đi vừa ca hát vui vẻ. Lúc đó vua Phạm thọ đi săn trở về, cảm thấy mệt mõi vì trời nắng gắt nên vào trong rừng cây dừng nghỉ và nghe được tiếng hát này. Vua đến gần nói kệ hỏi:

“Trên đầu trời nắng đốt,
Dưới đất cát nóng thiêu,
Lại ca hát vui vẻ,
Vì sao không sợ nóng?”.

Đoan chánh nói kệ:

“Không sợ trời nắng thiêu,
Vì bị tham dục đốt,
Tham dục mới nóng khổ,
Trời nắng không nóng bằng”.

Vua nghe kệ rồi suy nghĩ: “Ma-nạp-bà này khéo nói những lời mát mẻ nên đi hái hoa dưới trời nắng thiêu đốt mà không biết nóng”, nghĩ rồi liền xuống xe ngồi dưới một gốc cây bảo Đoan chánh: “ngươi hãy nói những lời mát mẻ cho ta nghe”, Đoan chánh nghe rồi liền suy nghĩ: “chắc là vua đang say nắng nên muốn nghe những lòi mát mẻ”, nghĩ rồi liền kể các việc mát mẻ, vua nghe xong cảm thấy mát mẻ liền hỏi quấn thần: “nếu ai cứu mạng vua quán đảnh thì nên thưởng cho gì?”, quần thần đáp là nên thưởng cho nửa nước, vua liền bảo Đoan chánh: “ngươi hãy ở lại trong cung một đêm, sáng mai ta sẽ thưởng cho ngươi nửa nước”. Đoan chánh ở lại trong cung, vua bảo sửa soạn y phục và ngọa cụ thượng diệu cho anh, nhưng ở trong cung anh không có bạn. Lúc đó anh suy nghĩ: “nếu ta làm vua nửa nước thì ta sẽ có thể nữ hầu hạ, ta tùy ý hưởng thọ khoái lạc ; nhưng nếu việc thưởng ban này chỉ là lời nói suông thì sao, hay là ta giết vua để chiếm luôn ngôi vị. Nhưng ngôi vị tối cao thì ai cũng đều tham muốn, ta vì tham muốn ngôi vị này nên mới muốn hại vua”, nghĩ rồi liền nói kệ:

“Chưa được tài lợi thì tham muốn,
Nếu cầu không được thì khổ não,
Cầu được rồi vẫn không hết tham,
Nên biết tài lợi chiêu họa hại”.

Sau đó anh ngủ thiếp cho đến nửa đêm chợt tỉnh dậy, trong lòng hối hận nên xuống giường, trải tấm da nai ở dưới đất để nằm. Sáng hôm sau, vua sai sứ mời Ma-nạp-bà đến, sứ trở về tâu vua rằng: “Đại vương, thần thấy oai nghi và hành động ra làm của người này không thể làm vua nửa nước”, vua hỏi nguyên do, sứ đáp: “thần đến thấy anh ta bỏ giường nệm thượng diệu, trải tấm da nai ở dưới đất để nằm, người thấp hèn như vậy không thể làm vua nửa nước”, vua nói: “đó là người trí, anh ta làm như vậy ắt là có nguyên do, hãy mời anh ta đến”, sứ gọi Đoan chánh đến, vua hỏi rõ nguyên do, Đoan chánh kể lại mọi việc và xin vua cho xuất gia, vua nói: “chúng ta giao ước trước, nếu sau khi xuất gia khanh có chứng ngộ gì thì hãy đến báo cho ta biết”, đáp: “không dám trái lời vua”. Đoan chánh từ biệt vua đến trong rừng vắng yên tĩnh, không có A-giá-lợi-da và Ô-ba-đà-da, tự tinh tấn nổ lực, không bao lâu sau chứng quả vị Độc giác. Chứng ngộ rồi, vị Độc giác suy nghĩ: “trước kia ta đã cùng vua giao ước, nay ta nên đến làm cho vua được mãn nguyện”, nghĩ rồi liền đến chỗ vua, ở trên hư không phóng ánh sáng lớn và hiện các thần biến; vua thấy thần biến liền đảnh lễ rồi nói kệ:

“Thấy người trẻ tuổi chứng quả lớn,
Ngôi vị thù thắng khác nhau xa,
Ma-nạp-bà này được thiện lợi,
Xuất gia được vậy, cầu gì nữa”.

Sau khi làm cho vua sanh tín kính, vị Độc giác ra đi. Vua có người thợ hớt tóc tên là Thiên hà hộ, vua bảo anh ta đọc thuộc bài kệ này và thường đọc cho vua ghi nhớ. Thiên hà hộ hớt tóc rất giỏi nên khi hớt tóc cho vua thì vua ngủ say, hớt tóc xong mới khảy móng tay đánh thức vua, vua tỉnh dậy vui vẻ nói: “người có mong cầu điều gì cứ nói, ta sẽ đáp ứng cho”, Thiên hà hộ nói: “xin cho thần suy nghĩ, sau sẽ nói”. Do Thiên hà hộ thường đọc bài kệ này cho vua ghi nhớ nên vua sanh tâm nhàm lìa ngũ dục lạc, không để ý đến các thể nữ xinh đẹp trước mặt, tai không muốn nghe tiếng ca hát du dương. Các thể nữ ưu sầu nói với nhau: “chúng ta tìm phương tiện đuổi anh ta đi”, bàn xong một thể nữ liền đến nói với Thiên hà hộ: “khi vua hoan hỉ hỏi anh mong cầu gì thì anh nên yêu cầu vua giải thích ý nghĩa của bài kệ đó”. Thời gian sau, sau khi Thiên hà hộ đọc xong bài kệ, vua hoan hỉ hỏi có mong cầu gì thì Thiên hà hộ liền yêu cầu vua giải thích ý nghĩa của bài kệ. Sau khi nghe vua giải thích xong, Thiên hà hộ sanh tâm nhàm lìa thế gian, xin vua cho xuất gia, vua nói: “chúng ta giao ước trước, nếu sau khi xuất gia khanh có chứng ngộ gì thì hãy đến báo cho ta biết”, đáp: “không dám trái lời vua”. Thiên hà hộ từ giả vua, tìm đến chỗ tiên nhơn ở trong núi rừng, nổ lực tu tập, không bao lâu sau chứng được ngũ thông. Vị tiên này suy nghĩ: “trước kia ta cùng vua giao ước, nay ta nên đến làm cho vua được mãn nguyện”, nghĩ rồi liền đến chỗ vua, ở trên hư không phóng ánh sáng lớn và hiện các thần biến. Vua thấy thần biến liền đảnh lễ và hỏi: “hiền giả đã được công năng như vậy rồi sao?”, đáp là đã được rồi nói kệ:

“Ở trong vườn Yêm la,
Theo hầu vua Phạm thọ,
Bỏ cây dao cạo tóc,
Xuất gia được ngũ thông”.

Vua nói kệ:

“Xuất gia im lặng trụ,
Khổ hạnh ấy khó làm,
Nếu làm, được đại trí,
Khổ hạnh chế phục các ác pháp,
Khổ hạnh vượt qua khỏi thế gian,
Khổ hạnh trừ sạch các cấu uế,
Hiền giả chớ chê bai khổ hạnh”.

Thiên hà hộ nghe kệ rồi, tâm sanh hoan hỉ ra đi.

Phật bảo các Bí-sô: “vua Phạm thọ thuở xưa chính là Hiền vương ngày nay, tiên nhơn Thiên hà hộ thuở xưa chính là Ưu-ba-ly ngày nay. Thuở xưa vua Phạm thọ đảnh lễ Thiên hà hộ, đại địa chấn động sáu cách ; nay Hiền vương đảnh lễ Ưu-ba-ly, đại địa cũng chấn động sáu cách như thế”.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20