CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA PHÁ TĂNG SỰ

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường – TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh – năm 2009

Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 16

Phật bảo các Bí-sô: “các thầy lắng nghe:

Thuở xưa tại một vương đô, dân chúng sống an vui sung túc ; vua có bốn người con là Đại chi, Phó chi, Tùy chi và Tiểu chi. Cả bốn vương tử đến tuổi trưởng thành đều cưới công chúa nước lân cận làm vợ và đếu có tâm nghịch muốn làm hại vua cha. Vua cha biết được liền đuổi tất cả ra khỏi nước, khi đi đến chỗ hoang vắng thì lương thực đều cạn nên bàn với nhau là giết một người vợ trong số bốn người vợ đi theo để lấy thịt làm lương thực. Tiểu chi suy nghĩ: “ta thà chết chứ không giết người, chỉ còn cách lén dẫn vợ mình chạy sang nước khác”, nghĩ rồi dắt vợ chạy trốn. Bị đói khát hành hạ nên người vợ không thể đi tiếp được nữa, Tiểu chi suy nghĩ: “ta đã cứu cô ấy thoát khỏi bọn La sát hung ác, không lẽ lại để cô ấy chết ở nơi đây”, nghĩ rồi liền cắt thịt ở đùi và chích máu ở tay cho vợ uống rồi mới đi tiếp, cuối cùng tới một hang núi, họ đào củ hái trái ăn để nuôi thân. Bên núi có một con sông chảy qua, trong sông có một người bị kẻ thù chặt hết tay chân đang trôi theo dòng nước và đang gào kêu cứu. Tiểu chi nhân lúc ra ngoài nghe tiêng gào kêu cứu này, khởi tâm thương xót tìm đến chỗ phát ra tiếng kêu và thấy người ấy đang bị nước cuốn trôi. Tiểu chi bơi xuống vớt lên bờ, thấy tay chân đều không còn liền hỏi nguyên do, người ấy kể lại sư việc, Tiểu chi nói: “tuy đang khổ nhưng anh chớ lo, tôi sẽ đem trái cây đến cho anh ăn”, nói rồi trở về bảo vợ: “hãy khởi tâm từ chăm sóc người này”. Nhờ được chăm sóc nên vết thương dần dần bình phục, người vợ cũng vì vậy sanh dục nhiễm. Bồ-tát bản tánh ít dục nhiễm, dù có xúc chạm cũng không sanh dục nhiễm nhưng phàm phu thì khác; người vợ do dục nhiễm nên muốn cùng người kia làm việc phi pháp, người kia nói: “tôi sắp chết may mắn được cứu sống, nếu cùng cô làm việc phi pháp này tức là bội ân, chồng cô biết sẽ chặt đầu tôi”. Do người vợ nhiều lần yêu cầu nên cuối cùng cả hai cùng tư thông và không muốn rời xa nhau; người kia suy nghĩ: “người nữ này say mê ta, ta tư thông với vợ người khác chính là đại tặc, ta nhất định sẽ gặp khổ đau”, nghĩ rồi liền nói với người vợ kia: “nếu chồng nàng biết ta cùng nàng tư thông thì nhất định sẽ giết chết ta không nghi”. Người nữ có trí tà vạy không học mà biết, nghe lời này rồi cho là phải và nghĩ ra một kế, cô liền lấy y quấn đầu rồi nằm gối đầu trên tảng đá. Tiểu chi đi hái trái về thấy vậy liền hỏi nguyên do, người vợ đáp: “đầu em rất đau nhức, trước đây hễ mỗi lần đau đầu, thầy thuốc bảo lấy cây Thạch bách giã thoa lên đầu liền khỏi”, Tiểu chi hỏi: “nơi nào có loại cây đó, ta sẽ hái cho nàng”, người vợ nói: “ở dưới khe núi sâu có loại cây ấy, muốn hái được cây phải thòng dây bám theo dây mà xuống dưới, em sẽ ở trên nắm dây cho chàng xuống”. Tiểu chi vốn là đại nhân tánh chất trực nên nghe theo lời vợ cột dây vào thắt lưng của mình, đầu dây kia cột vào một cái cây rồi từ từ xuống dưới khe núi, không ngờ người vợ ở trên tháo dây ra cho người chồng rớt xuống khe núi. Do hữu tình có quả báo sống lâu lại được lên ngôi vua nên khiến bị rơi xuống khe núi sâu mà không chết, thân trôi theo dòng nước đến một nước khác. Vua nước này vừa băng hà lại không có con kế vị, các đại thần bàn với nhau: “chúng ta nên lập ai lên kế vị”, họ liền mời tướng sư tìm người, tướng sư đi khắp nơi tìm người. Như tụng nói rằng:

“Dù trải qua trăm kiếp,
Nghiệp đã tạo không mất,
Khi nhân duyên hội họp,
Tự thọ lấy quả báo”.

Do nghiệp làm vua đã chín nên khi Tiểu chi lên bờ ngồi, do oai đức của Bồ-tát nên nơi chỗ ngồi phát ánh sáng; tướng sư đi tới thấy ánh sáng này cho là tướng tốt của vua nên báo cho các đại thần biết. Các đại thần chọn ngày tốt và ra lịnh dân chúng trong nước quét dọn trang hoàng đường sá và ở trong cung để lập Tiểu chi lên ngôi vua. Vì chưa có hoàng hậu nên các đại thần thông báo cho các cô nương của nhà quý tộc trang điểm đẹp đẽ đến trong cung cho vua tuyển chọn làm hoàng hậu. Vì người nữ mà vua bị khốn khổ nên trong lòng chán ghét không muốn nhìn người nữ, huống chi là chọn làm hoàng hậu. Các đại thần tâu vua: “Đại vương nên biết, nếu không có hoàng hậu thì vua sẽ không có con nối dõi. Mỹ nữ các nơi đều đã tụ họp về đây, xin vua hãy chọn lấy một người làm hoàng hậu”, vua không chịu và nói tội lỗi của người nữ. Nơi nào hữu tình có phước đức thì hoa quả và thức uống đều ngon ngọt, ăn vào có nhiều khí lực; từ khi Bồ-tát bị rơi xuống khe núi trở đi, hoa quả nơi đây không sanh trưởng nữa, dù có cũng cho ra trái đắng chát không mùi vị. Vì thế người vợ hại chồng và người cùng tư thông kia dần dần gầy ốm, người vợ này đành phải cõng người cụt tay chân kia ra khỏi núi, đi vào xóm làng xin ăn và dần dần tới kinh đô. Có người hỏi người cụt tay chân là ai thì cô đáp: “là chồng tôi, tuy anh ấy có hình dạng như vậy nhưng tôi không thay lòng”. Theo thông tục của nước này, nếu người nữ hết lòng với chồng thì được mọi người kính trọng và cung cấp cho mọi thứ. Có người sanh tâm yếu mến ra nhìn xem, dân chúng trong thành thấy việc này rồi đều nói với nhau: “vua nói người nữ có nhiều tội lỗi, há không thấy người nữ trinh thục này cõng chồng cụt tay chân đi xin ăn để sống hay sao?”, các đại thần nghe biết việc này liền tâu vua, vua liền cho gọi người nữ trinh thục đó vào. Khi nhìn thấy người nữ trinh thục này, vua liền mĩm cười nói kệ:

“Ăn thịt đùi hết đói,
Uống máu ta hết khát,
Vai cõng đống thịt đi,
Có trinh thục chỗ nào?
Bày kế tìm Thạch bách,
Cho ta rơi xuống núi,
Vai cõng đống thịt đi,
Có trinh thục chỗ nào?”

Vua nói kệ xong, người nữ này hổ thẹn cúi đầu. Các đại thần nghe kệ xong không hiểu liền hỏi vua ý nghĩa của bài kệ này, vua đem việc trước kia kể lại. Mọi người nghe rồi đều khinh ghét và đuổi ra khỏi nước.

Phật bảo các Bí-sô: “Tiểu chi thuở xưa chính là thân ta ngày nay, người nữ kia chính là Đề-bà-đạt-đa; thuở xưa không báo ân, ngày nay cũng vậy. Đề-bà-đạt-đa lại có hành động vô ân, không báo ân. Các thầy lắng nghe:

Thuở xưa tại một vương quốc có vua tên là Tự tại hữu, vua dùng chánh pháp cai trị, tin dùng người hiền, làm lợi mình lợi người, thương dân và thường cầu diệu pháp nên dân giàu nước mạnh. Thời gian sau, hoàng hậu sanh được một trai dung mạo đoan nghiêm, sắc da sáng như vàng ròng, cánh tay thon dài, trán rông, mũi cao và thẳng… được đặt tên là Tự tại. Thái tử dần dần trưởng thành, học thông các môn học như lịch số, toán pháp… và các môn kỹ nghệ như cỡi ngựa, bắn cung… Thái tử tánh hiền lành, chân thật thường hay bố thí, do biết Thái tử thường hay bố thí nên những người nghèo khổ ở xa gần đều kéo đến cầu xin và đều được cho đầy đủ. Thời gian sau Thái tử muốn cởi xe đến dạo trong vườn uyển, xe được trang nghiêm bằng vàng bạc lưu ly…, càng xe được làm bằng gỗ Chiên đàn, xe do bốn con ngựa kéo đang chay nhanh về phía vườn hoa. Lúc đó có một Bà-la-môn khen Thái tử có oai lực lớn và nói kệ:

“Nên biết người thế gian,
Nghe tiếng Ngài bố thí,
Xe báu quý trọng này,
Thí cho Bà-la-môn”.

Thái tử nghe rồi hoan hỉ xuống xe, chỉ xe tứ mã và nói kệ:

“Ta buông xả xe này,
Hoan hỉ mà bố thí,
Nguyện thoát ly ba cõi,
Chứng Vô thượng Bồ-đề”.

Được xe, Bà-la-môn liền cỡi đi; thời gian sau Thái tử lại cỡi voi trắng tên là Vương tăng trưởng, đến dạo chơi vườn uyển. Voi có màu trắng như ngọc Kha tuyết, có đầy đủ các tướng tốt như voi của vua trời Đế thích, đứng đầu trong các voi. Voi bước đi thung dung nên ai cũng thích nhìn; Thái tử ngồi trên mình voi giữa các quyến thuộc và người hầu vây quanh, giống như trăng sáng giữa chòm sao. Lúc đó là vào mùa xuân, trăm hoa đua nở, chim hót líu lo, vua nước địch nghe biết thái nữ đang dạo chơi vườn uyển liền bảo một Bà-la-môn đến chỗ Thái tử xin voi. Bà-la-môn này dùng lời hay khéo nói kệ để xin voi:

“Các hữu tình trời, người
Biết Ngài thích bố thí,
Voi trắng lớn đang cỡi,
Xin hãy thí cho tôi”.

Thái tử nghe rồi liền xuống voi, hoan hỉ chỉ voi và nói kệ:

“Nguyện xả voi trắng này,
Thí cho Bà-la-môn,
Nguyện thoát ly ba cõi,
Mau chứng quả Bồ-đề”.

Các đại thần thấy việc này rồi liền tâu vua, vua nghe rồi rất tức giận cho gọi Thái tử đến và nói: “con từ nay không được ở trong nước ta nữa”, Thái tử nghe rồi suy nghĩ: “cha đã từ bỏ ta, ta vì cầu Vô thượng Bồ-đề, làm lợi ích cho tất cả nên mới thí voi trắng ấy. Nếu ta ở nhà thì ta không thể tùy tình bố thí, ta nên đến trong núi rừng tu giới hạnh, từ bỏ gia duyên, sống một mình nơi núi rừng, nếu có ai đến xin gì, ta nguyện không trái ý”, nghĩ rồi liền đến nói với vợ: “Hiền thủ, ta muốn vào trong rừng tu khổ hạnh”, người vợ nghe rồi không muốn xa chồng nên nói: “thiếp và các con sẽ theo chàng vào trong rừng tu đạo”, liền nói kệ:

“Hư không không trăng, không ánh sáng,
Đất không có mầm, quả không sanh
Như ao hoa sen khô cạn nước,
Vợ mà không chồng cũng như vậy”.

Thái tử nói: “thường pháp của thế gian hễ có hợp đều phải biệt ly, huống chi nàng sanh trưởng trong cung vua, thân nữ yếu đuối phải ăn ngon, mặc đẹp, chỗ ngủ ấm êm; ở trong rừng chỉ ăn trái cây, khi đi hái trái phải đi bộ, giẫm trên gai góc và tu giới hạnh, nàng không thể”, người vợ nói: “dù chịu khổ này thiếp cũng sẽ không thối tâm”, Thái tử nói: “nếu nàng đã nói lời này thì xin chớ có quên”. Sau đó Thái tử đến chỗ vua cha chắp tay nói kệ:

“Xin cha tha thứ lỗi cho con,
Đã đem voi cho Bà-la-môn ,
Do lỗi này, con nay vào rừng,
Nguyện quốc khố ngày càng tăng thêm”.

Vua cha nghe rồi nghẹn ngào nói không ra tiếng, không chịu được nổi khổ biệt ly nên nói: “con nên ở lại và đừng vào rừng và cứ tùy ý bố thí”, Thái tử nói kệ:

“Đại địa và núi rừng,
Còn có thể chuyển dời
Con đối với người xin,
Tâm thí không thay đổi”.

Nói kệ rồi Thái tử lạy tạ từ biệt phụ vương, dân chúng trong thành buồn bã tiễn đưa Thái tử ra khỏi thành, trăm ngàn quyến thuộc cũng cuỡi xe đi theo tiễn đưa Thái tử. Lúc đó có người nghe dân chúng trong thành đồng loạt khóc lớn liền hỏi nguyên do, mọi người nói kệ:

“Trong thành có Thái tử,
Đem voi báu bố thí,
Vuatrách đuổi đi xa,
Nên chúng tôi buồn khóc”.

Lúc đó Thái tử nói kệ từ biệt mọi người:

“Tất cả ân Ái từ lâu nay,
Đến khi qua đời cũng biệt ly,
Như chim ngủ đêm tạm ở cây,
Vợ con quyến thuộc cũng như vậy.
Tất cả người thế gian, Hội họp ắt chia ly”.

Nói kệ xong liền ra đi, đi cách xa thành khoảng chừng ba mươi dặm thì có một Bà-la-môn đến nói với Thái tử: “tôi nghe danh tiếng nên đã đi theo Thái tử suốt ba mươi dặm đường để xin xe tứ mã, xin Thái tử hãy thí cho tôi”, Thái tử phi thấy vậy sanh tâm khinh mạn, dùng lời thô mắng Bà-la-môn rồi nói kệ:

“Ngươi thật là lạ kỳ,
Nói là Bà-la-môn,
Mà theo đến rừng cây,
Xin cho xe tứ mã”.

Thái tử nói với vợ: “nàng chớ nên nói lời thô với Bà-la-môn”, rồi nói kệ:

“Nếu không có người xin,
Ta thí ai sẽ nhận,
Vì muốn chứng Bồ-đề,
Bố thí bỏ tâm tham,
Thù thắng trong Lục độ,
Đó là hạnh Bồ-tát.
Vì muốn chứng Bồ-đề,
Viên tu Nhất thiết trí”.

Nói kệ xong, tâm sanh hoan hỉ lại nói kệ:

“Ta đang từ bỏ cấu xan tham,
Thí xe báu cho Bà-la-môn,
Cùng hạnh với Đại tiên thuở xưa,
Để chứng được Bồ-đề vô lậu”.

Bồ-tát thí xe tứ mã cho Bà-la-môn rồi cõng con trai trên vai, vợ bế con gái đi dần dần tới núi rừng và ở trong đó tu giới hạnh. Một hôm có Bà-la-môn đến chỗ Bồ-tát xin hai đứa con của Bồ-tát, lúc đó Mạn đê ly đi hái trái không có ở nhà, Bà-la-môn khen ngợi và chúc Bồ-tát được tôn thắng rồi nói kệ:

“Tôi không người hầu hạ,
Cùng vợ tìm khắp nơi,
Nay hai con của Ngài,
Xin thí cho chúng tôi”.

Bồ-tát nghe rồi, vì phải xa lìa hai con nên suy nghĩ trong chốc lát, Bà-la-môn nói: “tôi nghe Ngài nguyện bố thí tất cả nên mới đến xin, vì sao còn suy nghĩ”, rồi nói kệ:

“Danh tiếng của Ngài vang khắp nơi,
Có thể từ bi thí tất cả,
Như trước đây đã từng bố thí,
Nay xin Ngài hãy thí cho tôi”.

Bồ-tát nói kệ:

“Dù cho tôi phải xả thân mạng,
Bổn nguyện tôi cũng không thay đổi,
Cho dù thí hai con cho người,
Tôi rốt cuộc cũng không thối chuyển.
Tôi nay xả hai con,
Chỉ còn hai vợ chồng,
Tánh người nữ Ái nặng,
Sợ nàng không sống được.
Người đời sẽ nói tôi,
Không thương nên bỏ con,
Sao không xả thân mình,
Lại đem thí hai con”.

Bà-la-môn nói: “Ngài sanh trong dòng họ vua chúa, cả đại địa đều nghe biết Ngài thương xót chúng sanh, thường hành bố thí, đã đem con hương tượng bố thí cho Bà-la-môn; lại thường cứu giúp người nghèo thiếu, ai xin gì cũng đều được thỏa mãn, không để về tay không. Tôi từ xa đến xin, đừng để tôi uổng công, xin điều phục ngựa tâm ý, đừng thối chuyển tâm ban đầu mà không bố thí, để sự mong cầu của tôi luống uổng”, kế nói kệ:

“Danh vang khắp mươi phương,
Bố thí hết tất cả,
Xin hãy rũ lòng thương,
Toại lòng tôi mong cầu”.

Bồ-tát vì phải xa lìa hai con yêu quý nên lo buồn suy nghĩ: “nếu ta xả thí hai con thì ta và Mạn đê ly vì thương nhớ con mà buồn khổ; nếu không xả thí thì thiếu và trái với nguyện hạnh của ta, Bà-la-môn kia sẽ thất vọng vì đến xin không được phải trở về không. Ta thà chịu đựng nỗi khổ lớn chứ không làm thiếu và trái với nguyện hạnh ban đầu”, nghĩ rồi Bồ-tát quyết định xả thí hai con cho Bà-la-môn và nói kệ:

“Ta nay xả thí con,
Nguyện được lợi ích lớn,
Đem phước thù thắng này,
Độ chúng sanh thoát khổ”.

Khi Bồ-tát vừa xả thí hai con thì đại địa chấn động sáu cách, các tiên nhân ở bên núi thấy hiện tượng này đều kinh ngạc nói với nhau: “do phước lực của ai hay lý do gì mà đại đại chấn động như thế, hãy quán xem là do thế lực của ai mà có điềm này”, trong số đó có tiên nhân cao tuổi nhất giỏi về thiên văn quán xem rồi nói kệ:

“Đó là Bồ-tát thích núi rừng,
Ăn quả, uống nước suối nuôi thân,
Đang xả thí hai con thân yêu,
Nên đại địa mới có điềm này”.

Lúc đó hai đứa con biết cha đã quyết định xả thí mình, liền kêu khóc rồi đảnh lễ cha bạch rằng: “xin cha thương xót đừng xả thí chúng con, không có cha mẹ chúng con biết nương vào ai”, Bồ-tát nghe rồi đau buồn rơi lệ nói kệ:

“Các con hãy nên biết,
Không phải cha không yêu,
Vì độ chúng sanh khổ,
Nên xả thí hai con,
Đem phước thù thắng này,
Độ chúng sanh thoát khổ,
Khiến ra khỏi bến mê,
Cùng chứng quả Bồ-đề”.

Hai đứa con nghe rồi đau buồn rơi lệ, nghẹn ngào nói kệ:

“Cha đã quyết định xả thí con,
Con xin gởi lời nhắn lại mẹ,
Trước đây con có lỗi lầm gì,
Xin mẹ thương xót tha thứ con,
Vì con còn quá nhỏ dại khờ,
Không biết tôn kính vâng lời mẹ,
Nay không thể báo đáp từ ân,
Những tội như thế xin tha thứ”.

Nói kệ rồi, hai đứa con đảnh lễ hữu nhiễu cha ba vòng, hai mắt đẩm lệ từ biệt cha mà đi; Bồ-tát nghe lời bi thương của con, trong lòng đau buồn càng phát tâm Bồ-đề rồi trở vào am. Khi hai đứa con vừa rời khỏi am thì ba ngàn đại thiên thế giới liền chấn động sáu cách, vô lượng chư thiên ở trên hư không đều khen lạ thay và nói kệ:

“Oai đức xả thí thật lạ kỳ,
Tâm Bồ-đề chắc chắn như vậy,
Cả hai đứa con thân sanh,
Cũng xả thí, tâm không hối tiếc”.

Lúc đó người mẹ hái trái cây xong, đang trên đường trở về, thấy đại địa chấn động nên bước đi vội vã. Một vị thiên thấy vậy liền hóa ra một con sư tử cái chận đường trở về, vì sợ người mẹ này trở về kịp sẽ ngăn cản hạnh thí của Bồ-tát. Người mẹ nói kệ:

“Sư tử ngươi là vợ vua thú,
Vì sao lại chận đường ta đi,
Ta cùng người đều đang thờ chồng,
Xin ngươi hãy mau tránh đường ta.
Ngươi là vợ sư tử, vua thú,
Ta là vợ của vua loài người,
Theo pháp nhân nghĩa kết chị em,
Hãy mau tránh đường cho ta đi”.

Lúc đó sư tử cái hiện lại bổn hình và tránh đường, người mẹ trên đường về thấy đủ những việc quái lạ như trên hư không có tiếng khóc bi ai, trong núi rừng có tiếng khóc của hữu tình… nên trong lòng lo lắng suy nghĩ: “chắc là hai con ta gặp việc chẳng lành rồi”, nghĩ rồi liền nói kệ:

“Mắt tôi đang máy động,
Nghe quạ kêu quái gỡ,
Ắt có khổ biệt ly,
Con ta còn hay mất,
Mà thấy đất chấn động.
Tâm ta càng bất an,
Chắc là mất hai con,
Tâm ta như lửa đốt”.

Về đến trú xứ vội nhìn ngó khắp nơi tìm kiếm hai con nhưng không thấy, tâm người mẹ sanh mê loạn suy nghĩ: “chắc là chúng đang chơi với nai con hoặc đắp đất làm thành để vui chơi, hoặc là đang ngủ ở bên trong”. Vào bên trong thấy Thái tử liền hỏi con tôi đâu, Thái tử nói: “có một Bà-la-môn đến xin nên tôi đã đem hai con bố thí, xin nàng hãy tùy hỉ”. Người mẹ nghe rồi liền như nai mẹ bị trúng tên độc, như chim cút mẹ mất con, như bò mẹ mất con, trong lòng đau buồn ngất xỉu xuống đất hồi lâu mới tỉnh rồi nói kệ:

“Hai con của ta mặt như hoa,
Tay chân mềm mại như cánh sen,
Đồng thời phải chịu nỗi khổ này,
Xa lìa ta ra đi một mình”.

Lúc đó vua trời Đế thích thấy Bồ-tát và phu nhân đã làm việc khó làm nên cùng chư thiên trên cõi trời Tam thập tam từ hư không xuống, ánh sáng chiếu rực rỡ chỗ Bồ-tát ở rồi nói kệ để khích phát tâm Bồ-tát cho thêm kiên cố. Vua trời Đế thích suy nghĩ: “nay Bồ-tát chỉ con có phu nhân Mạn đê ly hầu hạ, nếu có ai đến xin chắc cũng đem xả thí thì không còn ai hầu hạ Bồ-tát nữa. Ta nên quyền biến theo xin rồi gởi lại cho Bồ-tát”, nghĩ rồi vua trời Đế thích liền hóa làm một Bà-la-môn đến chỗ Bồ-tát nói kệ:

“Người nữ này dung nhan rất đẹp,
Chỉ chuyên tâm thờ một người chồng,
Phu nhân đẹp, tôn quý như vậy,
Hãy xả thí để hầu hạ tôi”.

Phu nhân nghe rồi trong lòng vừa buồn vừa giận nói kệ:

“Ngươi là người tham Ái, vô sỉ,
Là người cực ác trên thế gian,
Nếu như biết pháp, biết tôn nghi,
Sao lại theo chồng cưỡng xin ta”.

Lúc đó phu nhân thấy Bồ-tát quay lại nhìn mình, liền nói kệ:

“Nay tâm thiếp không buồn,
Cũng không lo thân khổ,
Chỉ lo chàng một mình,
Làm sao mà sống được”.

Bồ-tát nói kệ:

“Ta ở nơi đây không phải lo,
Ta cầu kiên cố không hoại đạo,
Nàng hãy cung kính theo ông ấy,
Ta như thú hoang chết trong rừng.
Nay ta bố thí lần cuối cùng,
Sau khi nàng đi, ta không lo”.

Bồ-tát hoan hỉ nói thêm nửa bài kệ này rồi một tay cầm tay phu nhân, một tay cầm bình nước tắm nói với Bà-la-môn rằng:

“Người này trong sạch không bợn nhơ,
Nói năng làm việc khéo thừa sự,
Tôi đem người vợ quý trọng này,
Nay thí cho anh, hãy gìn giữ”.

Bồ-tát xả thí vợ rồi liền phát nguyện: “nguyện đem phước xả thí này để sớm được thành Phật quả”, Bồ-tát phát nguyện vừa xong, đại địa liền chấn động sáu cách. Khi Bà-la-môn dẫn phu nhân đi được một khoảng đường thì phu nhân nhân đau xót than thở: “nay tôi đã xa người chồng đáng kính và hai con thân yêu, không biết đời trước tôi đã gây nghiệp gì mà phải chịu quả báo này”, vua trời Đế thích nghe rồi liền hiện lại bổn hình nói kệ:

“Ta chẳng phải Bà-la-môn,
Cũng chẳng phải người, là Đế thích,
Đại thiên vương phá được A-tu-la ,
Thâm tâm ta rất thương xót cô,
Có ước nguyện gì, ta giúp cho”.

Phu nhân nghe rồi vui mừng lễ bái rồi nói kệ:

“Vua trời ngàn mắt cứu con tôi,
Lìa bỏ thân hèn được giải thoát,
Gặp lại vua cha được vui vẻ,
Vua trời Đế thích, con nguyện vậy”.

Vua trời Đế thích nghe rồi liền dẫn phu nhân trở lại chỗ Bồ-tát, tay phải nắm tay phu nhân đưa cho Bồ-tát nói rằng: “tôi đem người nữ này gởi cho Thánh giả để cô ấy hầu hạ người, nếu có ai đến xin thì không được đem cho, vì đây là của người khác gởi; nếu của người khác gởi mà đem cho thì bị người đời chê trách”. Sau đó vua trời Đế thích đến chỗ Bà-la-môn đã dẫn hai đứa con của Bồ-tát đi, khiến cho ông ta mê muội không tự chủ mà dẫn chúng trở về lại thành cũ, rao bán chúng ở trong chợ để các đại thần nghe thấy. Các đại thần nghe thấy rồi liền đến tâu vua: “có người đem hai cháu của vua là Duyệt ý và Hắc nhĩ rao bán ở trong chợ, không chút xót thương”, vua nghe rồi rất kinh ngạc và đau lòng liền sai sứ đến chỗ người đó dẫn chúng về; các cung nhân và dân chúng trong thành nghe biết việc này thảy đều xót thương than thở. Khi sứ dẫn hai cháu đến chỗ vua, vua thấy hai cháu mặc quần áo rách rưới, đói khát ốm gầy và dơ bẩn; vua đau lòng ngất xỉu ngã từ trên tòa sư tử xuống đất hồi lâu mới tỉnh, bá quan và các cung nhân đều xót thương rơi nước mắt. Vua tỉnh rồi bảo các đại thần: “tuy ở trong rừng mà con ta vẫn không ngừng bố thí, hãy sai sứ đến đón về”, không bao lâu sau vua băng hà, các đại thần đến nghinh đón Thái tử trở về nối ngôi vua. Sau khi lên ngôi, vua liền mở hội đại thí để cúng dường tất cả Sa môn, Bà-la-môn và bố thí cho tất cả những người nghèo khổ cô độc không xẻn tiếc, cho đến tất cả bà con thân hữu thảy đều được nhờ ân. Vua đem công đức bố thí nguyện rằng: “Vì cầu quả Bồ-đề,

Tâm hoan hỉ bố thí,
Sát lỵ, Bà-la-môn, Phệ xá,
Thủ đà la, Và Chiên đà la ác.
Người trì giới thanh tịnh,
Đem vàng bạc ngọc báu,
Sứ giả và nô bộc,
Nam nữ và vợ con,
Đều dùng tâm xả thí,
Để được thân thanh tịnh.
Đời này và đời sau,
Như vua cứu con cháu,
Bà-la-môn được của,
Quyến thuộc đều vui mừng,
Được an ổn như vậy,
Đều do con cháu vua,
Cho ta là tối thượng,
Người này là phước điền,
Đáng được thọ cúng dường,
Cho nên được của báu”.

Phật bảo các Bí-sô: “Thái tử thuở xưa chính là thân ta ngày nay, Bà-la-môn chính là Đề-bà-đạt-đa. Này các Bí-sô, được cúng dường chút ít còn phải nhớ ân, huống chi là được cúng dường nhiều”.

Lúc đó Phật ở tại Trúc viên thành Vương xá, tại thành Chiêm ba có một trưởng giả tên là Bảo đức, nhà giàu có nhiều của báu, thọ dụng đầy đủ. Trưởng giả cưới vợ không bao lâu thì người vợ có thai… thời gian sau, lúc trưởng giả đến thành Vương xá thì ở nhà vào ngày có sao Nữ, người vợ hạ sanh một trai dung mạo đoan chánh ai cũng thích nhìn, dưới chân đứa bé có lông dài bốn ngón tay màu hoàng kim. Người vợ sai sứ đến thành Vương xá báo cho trưởng giả biết tin này, trưởng giả hỏi sứ giả là vừa nói gì, đáp là phu nhân sanh con trai, trưởng giả lại hỏi vừa nói gì, lại đáp là sanh con trai, cứ như thế rất nhiều lần nên sứ giả không đáp nữa mà hỏi trưởng giả vì sao hỏi hoài như vậy, trưởng giả nói: “nếu anh đáp một trăm lần thì tôi sẽ cho anh một trăm thỏi vàng, nhưng anh chỉ đáp có ba lần nên tôi chỉ cho anh ba thỏi vàng”, nói rồi bảo sứ giả trở về bảo người giữ kho lấy trong kho ra hai mươi ức của báu dùng vào việc lo ăn uống hằng ngày cho đứa con trai ; sau đó đến gặp vua tâu rằng: “vợ thần vừa hạ sanh một trai”, vua nói: “ta ban cho con ông thành Chiêm ba và voi báu xinh đẹp”, tâu với vua xong, trưởng giả liền trở về nhà. Sau hai mươi mốt ngày trưởng giả mở hội ăn mừng và đạt tên cho đứa bé, quyến thuộc nói: “đứa bé sanh vào ngày có sao Nữ, nên đặt tên là Nữ tinh”. Trưởng giả giáo Nữ tinh cho tám bà nhũ mẫu chăm sóc: hai bà cho bú, hai bà lo ẳm bồng, hai bà lo tắm giặt, hai bà lo việc chơi đùa với bé, đứa bé dần dần lớn khôn như hoa sen trong nước. Đến tuổi trưởng thành học thông các môn học và các môn kỹ thuật thảy đều thông đạt, mọi người đua nhau đem con gái đến gả. Trưởng giả xây cho con ba loại phòng ốc và vườn cây ứng hợp với ba mùa xuân hạ đông, lại tuyển chọn ba loại cung nhân thượng trung hạ và môi ngày dùng năm trăm lượng vàng cho việc ăn uống của con trai.

Lúc đó Đề-bà-đạt-đa khuyên Thái tử A-xà-thế làm ác: “phụ vương của Ngài tóc đã bạc mà còn không chán việc cùng người nữ thọ lạc, nay Thái tử đã trưởng thành mà vua không chịu truyền ngôi”, Thái tử hỏi nên làm gì, Đề-bà-đạt-đa nói: “phải làm việc hơn người, hễ có mong cầu thì không có việc gì mà không dám làm”. Lúc đó vua muốn đem cháo sữa đến trong Trúc viên cho Như lai dùng thì A-xà-thế đứng ở giữa đường, phóng giáo nhọn để giết vua nhưng lại làm bể bát cháo sữa, vua liền quay về. Phật nhờ Tha tâm trí nên biết trước mọi việc, liền bảo Mục liên: “Đề-bà-đạt-đa khuyên Thái tử tạo cái nhân địa ngục, vua Tần-tỳ-sa-la muốn mang cháo đến cho ta thì bị A-xà-thế làm bể bát cháo. Thầy hãy đến chỗ con trai của trưởng giả Bảo đực ở thành Chiêm ba xin cháo mang về đây”, tôn giả Mục liên vâng lời Phật nhập định, ẩn thân tại thành Vương xá rồi hiện ra ở thành Chiêm ba. Lúc đó trưởng giả tử này đang thờ thần mặt trời liền thấy Mục liên từ trong ánh mặt trời hiện ra, hết sức kinh ngạc nói kệ:

“Nay thấy thần mặt trời,
Từ mặt trời hiện ra,
Xin hỏi ai hiện thân,
Có phải thần mặt trời,
Hay là trời Đa văn,
Hay là trời Đế thích?”

Tôn giả Mục liên quán biết ý của trưởng giả tử liền nói kệ:

“Không phải thần mặt trời,
Không phải trời Đa văn,
Cũng không phải Đế thích,
Là đệ tử Mâu ni,
Với đầy đủ oai quang,
Đến nơi đây xin cháo,
Cúng dường cho Thế tôn”.

Trưởng giả tử hỏi Phật như thế nào, Mục liên nói kệ:

“Hạt cải không thể sánh Tu di,
Lửa đom đóm không sánh mặt trời,
Nước dấu chân bò không sánh biển,
Các ngoại đạo không sánh bằng Phật”.

Trưởng giả tử lại hỏi Như lai thuộc dòng họ nào, tôn giả Mục liên nói: “có sa môn Kiều-đáp-ma thuộc dòng họ Thích ca từ bỏ vương vị, cạo bỏ râu tóc, thân mặc pháp phục, chánh tín xuất gia, tu chứng đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, vị đó chính là Phật”, do trước nay chưa từng nghe nói về Phật, nay bỗng được nghe nên trưởng giả tử hoan hỉ, đem các món ăn trị giá năm trăm tiền vàng sớt vào bát để dâng cúng Phật. Tôn giả Mục liên nhập định rồi ẩn thân tại thành Chiêm ba, hiện trở lại trong Trúc viên thành Vương xá rôi dâng bát thức ăn cho Thế tôn. Lúc đó vua Tần-tỳ-sa-la lại mang cháo đến, nghe được mùi thơm của thức ăn này liền cho là của vua trời Đế thích cúng dường Phật và Phật không thể dùng món cháo của mình nữa. Vua hỏi Phật: “có phải thức ăn này là của vua trời Đế thích cúng dường Thế tôn không?”, Phật nói: “trong nước của vua có thành tên Chiêm ba, con trai của trưởng giả ở đó hằng ngày dùng năm trăm tiền vàng cho việc ăn uống. Bí-sô Mục liên đã đến đó khất thực mang về, trưởng giả tử đó có phước lực như thế”, vua nghe rồi sanh tâm hoan hỉ, muốn sai sứ mời đến. Phật biết ý vua nên nói: “Đại vương chớ xem thường mà sai sứ mời đến, Đại vương có thể ăn thử thức ăn còn lại ở trong bát của ta không?”, vua nói: “con thuộc dòng vua tôn quý được quán đảnh thì không thể ăn thức ăn dư của người khác, nhưng Phật là Pháp vương bảo con ăn thì con sẽ ăn”, nói rồi vua ăn, Phật hỏi: “từ trước đến nay, Đại vương đã được tùy ý ăn thức ăn như vậy chưa?”, vua nói: “từ trước đến sống trong cung và hiện được làm vua, nhưng chưa từng được tùy ý ăn thức ăn như vậy”, Phật nói: “Đại vương nên biết, trưởng giả tử kia là người có phước đức lớn, thường ăn thức ăn thượng vị như thế”. Vua đảnh lễ Phật rồi trở về cung ra bịnh chuẩn bị bốn binh để đến thành Chiêm ba, quần thần hỏi nguyên do, vua nói: “ta muốn gặp con trai của trưởng giả Bảo đức”, quần thần nói: “người ấy ở trong nước của vua, vua chỉ cần sai sứ gọi đến, cần gì vua phải đến”, vua nói: “người ấy có phước đức lớn, không thể sai sứ gọi đến”, quần thần nói: “chúng thần có cách, không cần vua sai sứ gọi, người ấy cũng tự đến”, vua nói tùy ý khanh. Đại thần liền viết thư sai sứ mang tới cho trưởng giả, trong thư bảo phải quét dọn thành ấp nghinh đón Đại vương và Thái tử. Trưởng giả tử nghe vua đến thì vui mừng, nhưng nghe Thái tử bản tánh hung ác thì sợ có rắc rối xảy ra. Sau đó đại thần lại viết thư nói vua và Thái tử đều không đến, lại bảo xây đập ngăn nước của sông Căng già ; trưởng giả lo buồn suy nghĩ: “chắc là muốn trừng phạt ta nên mới bảo làm việc này”. Dân chúng thành Chiêm ba tụ tập lại cùng viết thư gởi cho đại thần, trong thư viết: “vì sao Ngài viết thư nói là vua và Thái tử đến, sau đó nói là không đến rồi lại bảo xây đập ngăn nước của sông Căng già?”, Đại thần đọc thư rồi viết thư nói: “vua và Thái tử không đến, chỉ là vua muốn được gặp con trai của trưởng giả Bảo đức mà thôi, vị ấy hãy mau đến gặp vua”, dân chúng thành Chiêm ba đọc thư rồi lén cho người đến thành Vương xá do xét thật hư, biết rồi liền đến nói với trưởng giả Bảo đức là vua thật sự muốn gặp con trai của trưởng giả, trưởng giả nói: “nếu mỗi nhà trong thành này cho một người con đi theo con tôi thì tôi sẽ cho nó đi”, dân chúng trong thành đều làm theo lời của trưởng giả. Trưởng giả liền nói với con: “vua Ảnh thắng muốn được gặp con, chắc là vua nghe nói dưới chân con có lông màu hoàng kim nên muốn xem. Con chớ đưa chân cho vua xem, con hãy mang theo một hạt châu báu đến đảnh lễ vua rồi đặt lên chân vua rồi lui qua một bên ngồi kiết già thì lông màu hoàng kim dưới lòng bàn chân sẽ hiện ra”, người con đáp: “con sẽ làm như lời cha dạy”. Lúc đó trưởng giả suy nghĩ: “ta nên cho con ta đi bằng voi, ngựa, xe hay đi thuyền”, lại nghĩ: “đi thuyền là an ổn nhất”, nghĩ rồi liền cho đóng thuyền, trong thuyền sắp đặt đủ loại cây cảnh, lại có các loại chim đẹp và cho nhiều thể nữ theo hầu hạ để đi đến thành Vương xá.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20