CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA PHÁ TĂNG SỰ

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường – TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh – năm 2009

Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 18

Phật bảo các Bí-sô: “các thầy lắng nghe:

Thuở xưa, vào thời không có Phật, chỉ có Phật Bích chi ra đời thường thương xót người nghèo khổ, lúc đó vị này du hành đến thành Bà-la-nê-tư và nghỉ đêm trong nhà của người thợ gốm. Trong nhà này cũng có các thương nhân đến ngủ đêm, trong số đó có người ban đêm tiêu chảy trong phòng, chất bất tịnh làm dơ, đến nửa đêm thì họ bỏ đi hết. Các Thanh văn, Duyên giác nếu không quán sát thì không biết trước được sự việc; sáng sớm chủ nhà vào phòng thấy chất bất tịnh làm dơ, vì là kẻ phàm phu ngu si không biết thiện ác liền cho là do Phật Bích chi này làm nên nói rằng: “ông là người xuất gia, chân không đạp gai vì sao không ra ngoài đại tiểu tiện, lại phóng uế ngay ở trong phòng”, nói rồi liền ra đóng chặt cửa phòng lại và mắng rằng: “ông hãy chết đói trong phòng này đi”. Phật Bích chi này suy nghĩ: “ta sợ chủ nhà này đời sau sẽ chịu quả báo khổ sở, nếu ta tự mở cửa đi ra thì ông ta sẽ càng tức giận hơn”, nghĩ rồi liền im lặng ở trong phòng cho đến chiều. Lúc đó chủ nhà hết giận mở cửa bảo Phật Bích chi đến ăn cơm, đáp: “giờ ăn đã qua, tôi không thể ăn”, chủ nhà nói: “nếu vậy thì hãy ngủ lại đêm nay, sáng mai sẽ thọ thực”, vì thương xót chủ nhà nên Phật Bích chi ở lại. Sáng hôm sau, chủ nhà nấu các món ăn ngon để cúng dường vị Phật Bích chi, lúc đó vị Phật Bích chi này muốm làm lợi ích cho chủ nhà này nên vọt thân lên không trung hiện các thần biến như trên thân ra lửa, đưới thân ra nước… Phàm phu khi thấy thần biến thì mau phát nguyện lành, sụp xuống đảnh lễ như cây bị đốn nga, tự vả miệng mình và nói: “xin đại Thánh hã thân xuống, con vì nhiễm dục cấu nên tạo tội, xin từ bi cứu vớt con”, Phật Bích chi hạ thân xuống, chủ nhà này đảnh lễ sám hối và phát nguyện: “con đã sanh ý ác và tạo tội đối với Thánh giả, xin cho con không bị nghiệp báo; lại nguyện nhờ thiện căn công đức cúng dường này, trong đời vị lai con được giàu sang quyền thế, được gặp Phật thừa sự cúng dường không chán”.

Phật bảo các Bí-sô: “chủ nhà thợ gốm thuở xưa chính là vua Ảnh thắng ngày nay; do thuở xưa đối với vị Phật Bích chi khởi ý ác, nói lời ác, ngày nay nghiệp chín muồi nên chịu quả báo bị dao cắt chân, bị nhốt trong phòng và bị bỏ đói cho đến lúc chết. Do tâm hối hận và do lực phát nguyện nên được sanh trong cung vua giàu sang quyền thế, được gặp ta nghe pháp và được chứng quả Dự lưu. Này các Bí-sô, hễ tạo nghiệp thuần đen thì cảm quả báo dị thục thuần đen; tạo nghiệp thuần trắng thì cảm quả báo dị thục thuần trắng; tạo nghiệp xen tạp thì được quả báo xen tạp, các thầy nên bỏ nghiệp thuần đen và nghiệp xen tạp, phải siêng tu tập nghiệp trắng”.

Lúc đó quần thần đến tâu vua là phụ vương đã băng hà, vua nghe rồi liền ngất xỉu ngã xuống đất hồi lâu mới tỉnh; sau khi tỉnh lại vua đau buồn và hối hận, vào trong phòng để tang cha. Quần thần thấy rồi cùng nói với nhau: “phải làm cách nào cho vua hết đau buồn”, lúc đó có các nhạc công từ Nam Thiên trúc đến, quần thần dẫn họ đến tấu nhạc muốn làm cho vua hết buồn, nhưng vua vẫn không vui, im lặng không nói gì cũng không khen ngợi. Sau đó các nhạc công này đến chỗ Phật, Phật nói: “lành thay trượng phu!”, họ vui mừng nên đánh trống tấu nhạc cúng dường Phật. Phật mĩm cười, từ trong miệng phóng ra hào quang đủ sắc chiếu xuống hay chiếu lên, nếu chiếu xuống thì chiếu đến ngục Vô gián và các ngục khác khiến cho chúng sanh trong đây đang bị đốt nóng liền được mát mẻ, đang bị lạnh cóng liền được ấm áp. Họ cảm thấy an lạc liền suy nghĩ: “ta và mọi người từ cảnh khổ địa ngục chết đi, được sanh vào cõi khác chăng?”. Thế Tôn sau khi làm cho các hữu tình kia sanh tín tâm liền hiện nhiều tướng khác nữa, thấy những tướng này họ liền suy nghĩ: “chúng ta không phải chết ở đây sanh về cõi kia, mà là do sức oai thần của Đại Thánh đã khiến thân tâm chúng ta hiện được an lạc”. Đã sanh tín kính thì có thể diệt các khổ, ở cõi nhơn thiên được thọ thân thắng diệu, thành chơn pháp khí thấy được lý chơn đế. Nếu hào quang chiếu lên thì đến cõi trời Sắc cứu cánh, trong hào quang diễn nói các pháp khổ, không, vô thường, vô ngã…

Hào quang này sau khi chiếu khắp ba ngàn Đại thiên thế giới liền trở về chỗ Phật, nếu Thế Tôn nói việc quá khứ thì hào quang trở vào phía sau lưng, nếu nói việc vị lai thì hào quang trở vào phía trước ngực, nếu nói việc địa ngục thì hào quang trở vào phía dưới chân, nếu nói việc bàng sanh thì hào quang trở vào phía gót chân, nếu nói việc ngạ quỷ thì hào quang trở vào phía ngón chân, nếu nói việc loài người thì hào quang trở vào đầu gối, nếu việc của Lực luân vương thì hào quang trở vào lòng bàn tay trái, nếu nói việc của Chuyển luân vương thì hào quang trở vào lòng bàn tay phải, nếu nói việc cõi trời thì hào quang trở vào rốn, nếu nói việc của Thanh văn thì hào quang trở vào miệng, nếu nói việc của Độc giác thì hào quang trở vào phía giữa hai chân mày, nếu nói việc của đạo quả Chánh đẳng chánh giác thì hào quang trở vào phía trên đảnh đầu. Lúc đó ánh sáng này hữu nhiễu ba vòng rồi trở vào giữa hai chân mày, tôn giả A-nan chắp tay ngợi khen Phật:

“Ngàn màu sắc vi diệu,
Từ trong miệng phát ra,
Chiếu khắp cả mười phương,
Như mặt trời mới mọc,
Nói kệ về vô ngã,
Người nghe hết kiêu mạn,
Kết nhân duyên với Phật,
Vô duyên không phóng quang,
Hàng phục các kẻ oán”.

Phật bảo A-nan: “thầy có thấy nhạc công ở trước ta đánh trống tấu nhạc không?”, đáp là có thấy, Phật nói: “nhạc công này đời vị lai sẽ đắc quả Phật Bích chi tên là Nhã hòa âm”.

Lúc đó Đề-bà-đạt-đa nói với vua Vị sanh oán: “nhờ tôi chỉ vẻ nên Thái tử mới lên ngôi vua, nay Đại vương nên lập tôi làm Phật”, vua nói: “thân Phật là thân kim sắc, Ngài không có thì làm sao lập làm Phật được”, Đề-bà-đạt-đa nói: “muốn có thân kim sắc thì cũng có thể được”, nói rồi liền cho gọi thợ vàng đến bảo rằng: “hãy làm cho thân ta thành thân kim sắc”, thợ vàng nói: “nếu Thánh giả chịu đau được thì tôi sẽ làm”, đáp là chịu đau được, thợ vàng liền lấy dầu nóng phết lên thân, sau đó dùng vàng dát mỏng dán lên thân khiến cho Đề-bà-đạt-đa đau đớn kêu la. Có Bí-sô hỏi Cô ca lý ca: “Đề-bà-đạt-đa đang ở đâu ?”, đáp là đang nhuộm thân sắc vàng, Bí-sô này đến thấy việc này rồi liền trở về bạch Phật, Phật bảo các Bí-sô: “không phải chỉ ngày nay vì muốn nhuộm thân sắc vàng mà phải chịu đau đớn, ngày xưa cũng vậy, vì muốn có vương miện vàng mà chịu khổ. Các thầy lắng nghe:

Thuở xưa tại thành Bà-la-nê-tư có một người nữ, hôm đó chồng cô đi xa vắng nhà, cô thấy một con quạ bay đến cất tiếng hót nên nói với nó: “nếu nhờ tiếng hót hay của ngươi mà chồng ta bình an trở về thì ta sẽ cho ngươi cái vương miện bằng vàng”. Không bao lâu sau, người chồng bình an trở về, con quạ trở lại và ở trước mặt người nữ này cất tiếng hót để nhắc, người nữ liền quăng đưa cho nó cái vương miện vàng. Quạ liền bay khắp nơi để khoe, lúc đó có con chim cắt muốn cướp lấy chiếc vương miện này nên bay tới mổ mạnh vào đầu quạ, khiến nó rơi xuống đất chết.

Phật bảo các Bí-sô: “con quạ thuở xưa chính là Đề-bà-đạt-đa ngày nay, do tập tánh ngày xưa vẫn còn nên nay lại muốn dát vàng lên thân mà chịu khổ”.

Lúc đó Đề-bà-đạt-đa lại tâu với vua Vị sanh oán: “tôi đã giúp Thái tử lên ngôi, nay đã được vương vị, Đại vương nên lập tôi làm vua”, vua nói: “dưới lòng bàn chân của Như lai có diệu luân tướng, nếu Ngài có tướng đó thì mới lập làm Phật”, Đề-bà-đạt-đa nói: “tôi có thể làm luân tướng dưới lòng bàn chân”, nói rồi liền cho gọi thợ khéo đến hỏi: “ông có thể làm cho dưới lòng bàn chân của ta có luân tướng hay không?”, đáp: “nếu Thánh giả chịu đau được thì tôi có thể làm”, đáp là chịu đau được. Người thợ này nghe rồi liền suy nghĩ: “vị này có sức mạnh, nếu khi ta ấn dấu luân tướng vào chân, ông ta đau đớn có thể đá chết ta”, nghĩ rồi liền nói: “Thánh giả hãy đưa chân vào trong phòng, tôi sẽ ấn dấu luân tướng vào lòng bàn chân cho Thánh giả”, đáp là được. Khi người thợ ấn dấu luân tướng đã được nung đỏ vào lòng bàn chân, Đề-bà-đạt-đa đau đớn kêu la. Lúc đó có Bí-sô hỏi Cô ca lý ca : “Đề-bà-đạt-đa đang ở đâu?”, đáp là đang ấn dấu luân tướng vào lòng bàn chân, Bí-sô này đến thấy việc này rồi liền trở về bạch Phật, Phật nói: “thuở xưa cũng vì cái chân mà chịu khổ, tập tánh xưa vẫn còn. Các thầy lắng nghe:

Thuở xưa trong núi Tuyết có con voi lớn xuống núi uống nước, một con dã can đi theo sau thấy dấu chân voi liền nghĩ: “nếu ta nhảy vào dấu chân voi này ta sẽ được sanh thiên”, nghĩ rồi liền nhảy vào, không ngờ bị cây gỗ khô đâm vào thân mà chết.

Phật bảo các Bí-sô: “dã can thuở xưa chính là Đề-bà-đạt-đa ngày nay, thuở xưa vì chỉ đo lường dấu chân voi mà quên tác ý, nay lại vì muốn có luân tướng mà phải chịu khổ như thế”.

Lúc đó Phật ở trong cung của dược xoa Kim-tỳ-la trong núi Kỳxà-quật, thành Vương xá. Đề-bà-đạt-đa tâu với vua Vị sanh oán: “tôi đã lập Thái tử làm vua, Đại vương hãy lập tôi làm Phật. Nay tôi muốn giết Sa môn Kiều-đáp-ma, vua hãy cùng tôi lập kế, tôi không biết nên dùng vật gì để có thể đánh ông ta chết”, sau đó Đề-bà-đạt-đa nghe biết có một người thợ khéo từ Nam Thiên trúc đến, có thể chế tạo xe ném đá; liền cho gọi đến hỏi: “ông có thể chế tạo một chiếc xe ném đá do năm trăm người kéo được không?”, đáp: “tôi rất thông thạo việc chế tạo xe ném đá”, Đề-bà-đạt-đa liền đưa một hạt châu trị giá ngàn vàng cho người thợ kia để chế tạo xe ném đá và cung cấp cho một ngàn người để ông ta sai khiến, nói rằng: “Phật đang ở trong một cái hang đông trên núi Thứu, ông hãy lên đỉnh núi đặt chiếc xe ném đá do năm trăm người kéo ở gần chỗ Phật, lại đặt hai chiếc xe ném đá do hai trăm năm mươi người kéo ở hai chỗ khác gần đó. Khi nào Sa môn Kiều-đáp-ma đi ra kinh hành thì hãy khởi động cho xe ném đá giết chết ông ta”. Mọi người vâng theo lời của Đề-bà-đạt-đa lên đỉnh núi thứu đặt xe ném đá, lúc đó năm trăm người nói với nhau: “ông ta cho chế tạo xe ném đá này để hai Thế tôn. Chúng ta thà xả thân mạng chớ không nên làm hại Thế tôn là bậc được trời người cung kính”, nói rồi liền bỏ xe ném đá ở đó, tìm đường khác chạy trốn. Lúc đó Thế tôn quán biết tâm niệm của họ nên hóa ra thềm thang đi xuống, họ thấy thềm thang liền biết là do oai lực của Thế tôn biến hóa ra, đối với Thế tôn khởi lòng tin trong sạch liền noi theo thềm thang này đi xuống. Phật vì muốn điều phục họ nên ra khỏi hang kinh hành, họ đến chỗ Phật đảnh lễ rồi ngồi một bên, Phật quán biết căn tánh tùy miên của họ nói pháp Tứ đế khiến cho họ được khai ngộ và chứng quả Dự lưu. Sau khi chứng quả, họ bạch Phật: “Thế tôn, nhờ Phật khai ngộ khiến chúng con ở trong các nạn mà được giải thoát, điều này không phải do cha mẹ… cho đến sa môn, Bà-la-môn có thể làm được. Thế tôn là bậc đại thiện tri thức đã cứu vớt chúng con ra khỏi ba cõi, đặt để chúng con vào cõi trời người, hết khổ sanh tử, được đạo Niết-bàn, làm cạn biển máu, vượt khỏi núi xương, núi thân kiến từ vô thỉ đến nay đều bị phá tan bằng chày trí Kim cang, chứng được Sơ quả. Nay chúng con xin quy y Tam bảo, từ hôm nay cho đến trọn đời thọ trì năm học xứ, cúi xin Thế tôn chứng biết chúng con là Ô-ba-sáchca”. Lúc đó người thợ chế tạo xe cũng không muốn làm hại Phật nên mang theo hạt châu trị giá ngàn vàng bỏ trốn. Đề-bà-đạt-đa lên đỉnh núi xem Thế tôn đã bị hại chưa thì thấy Phật vẫn an ổn, lại thấy năm trăm người kia đang ở trước Phật nghe pháp, lại thấy người thợ chế tạo xe bỏ trốn liền nổi giận ra lịnh cho khởi động hai chiếc xe ném đá còn lại. Lúc đó Phật suy nghĩ: “nghiệp mà ta tích tập từ thuở xa xưa nay đã chín, duyên biến hiện tiền như bộc lưu (thác nước) không thể chảy ngược lại, quyết định phải chiêu lấy quả báo không ai có thể thọ thay”, quán biết nghiệp quả rồi liền bảo năm trăm người: “các người hãy đi đi, đây là định nghiệp mà ta phải tự thọ”. Lúc đó thần kim cang thấy việc này rồi liền nói với dược xoa Kim-tỳ-la: “Đề-bà-đạt-đa ở trên đỉnh núi thứu cho khởi động xe ném đá hại Phật, tôi ở trên không trung dùng chày kim cang đập nát đá, nếu có đá vụn văng ra trúng Phật thì anh hãy trợ giúp bảo hộ Phật”, Dược xoa Kim-tỳ-la nói lành thay. Khi Đề-bà-đạt-đa ở trên đỉnh núi thứu cho khởi động xe ném đá hại Phật, thần kim cang ở trên không trung dùng chày kim cang đập nát đá, có một mảnh vun văng ra sắp trúng thân Phật, Dược xoa Kim-tỳ-la bắt lấy không được nên bị nó đập vào người, mảnh đá vụn đó rơi xuống trúng chân Phật bị thương chảy máu, Phật nói kệ:

“Không phải trong hư không,
Không trong biển và núi,
Không bất cứ chỗ nào,
Thoát khỏi được nghiệp báo”.

Dược xoa Kim-tỳ-la bị đá văng trúng người, biết mình sẽ chết liền khởi niệm lành nên sau khi chết được sanh lên cõi trời Tam thập tam. Thường pháp của chư thiên là khi sanh lên cõi trời đều khởi ba niệm: một là ta từ đâu sanh đến đây, hai là nay ta đang ở đâu, ba là ta do nghiệp duyên gì. Quán xong liền biết đây là cõi trời Tam thập tam, đời trước mình là dược xoa nhờ phát sanh niệm lành đối với Thế tôn nên mới được sanh lên đây. Thiên tử này suy nghĩ: “ta nay không nên thọ hưởng diệu lạc mà nên đến đảnh lễ Thế tôn trước”, nghĩ rồi liền trang nghiêm thân bằng chuỗi anh lạc, tay cầm bốn loại hoa sen vi diệu như Mạn-đà-la…; tóc trên đầu có màu xanh biếc mềm mại, sạch thơm xoay về bên phải; thân tướng đoan nghiêm không thể sánh ví, thiên tử này hiện thân xuống núi Thứu đến chỗ Phật, do oai lực của thiên tử nên ánh sáng chiếu sáng khắp núi rừng. Khi đến chỗ Phật, Thiên tử đảnh lễ Phật, rải hoa cúng dường rồi ngồi một bên, Phật quán biết căn tánh tùy miên của Thiên tử liền nói pháp Tứ đế khiến cho được khai ngộ và chứng quả Dự lưu. Sau khi chứng quả, Thiên tử bạch Phật: “Thế tôn, nhờ Phật khai ngộ khiến con ở trong các nạn mà được giải thoát, điều này không phải do cha mẹ… cho đến sa môn, Bà-la-môn có thể làm được. Thế tôn là bậc đại thiện tri thức đã cứu vớt con ra khỏi ba cõi, đặt để con vào cõi trời người, hết khổ sanh tử, được đạo Niết-bàn, làm cạn biển máu, vượt khỏi núi xương, núi thân kiến từ vô thỉ đến nay đều bị phá tan bằng chày trí Kim cang, chứng được Sơ quả. Nay con xin quy y Tam bảo, từ hôm nay cho đến trọn đời thọ trì năm học xứ, cúi xin Thế tôn chứng biết con là Ô-ba-sách-ca”, liền nói kệ:

“Oai lực Thế tôn thật rộng lớn,
Đóng bít cửa đường ác dầy chắc,
Chỉ bày đường sanh Thiên vi diệu,
Nay con chứng được quả Vô vi,
Do nhờ chư Phật đại từ bi,
Diệt trừ điều ác, được Thiên nhãn”.

Lúc đó Thiên tử này vui mừng như người đi buôn được lời, như người cày ruộng được thu hoạch, như người ratrận được thắng, như người bịnh được lành, vị này đầy đủ oai nghi đảnh lễ Phật rồi trở về thiên cung. Từ đầu đêm cho đến cuối đêm, lúc các Bí-sô thiền quán nhìn thấy ánh sáng chiếu khắp núi rừng này đều có nghi, nên sáng sớm liền đến thỉnh hỏi Phật: “vì nhân duyên gì mà Phạm thiên Đế thích… đến chỗ Phật thừa sự cúng dường?”, Phật nói: “đó không phải là Phạm thiên Đế thích…, khi Đề-bà-đạt-đa ở trên đỉnh núi Thứu cho khởi động xe ném đá hại ta, thần kim cang ở trên không trung dùng chày kim cang đập nát đá, có mảnh đá vụn văng ra. Dược xoa Kim-tỳ-la bắt lấy không được nên bị nó đập vào người mà chết, do phát tâm lành nên sau khi chết được sanh lên cõi trời Tam thập tam thù thắng. Do nhân duyên này nên đến đảnh lễ ta, sau khi nghe pháp đã được kiến đế. Này các Bí-sô, hễ tạo nghiệp thuần đen thì cảm quả báo dị thục thuần đen; tạo nghiệp thuần trắng thì cảm quả báo dị thục thuần trắng ; tạo nghiệp xen tạp thì được quả báo xen tạp, các thầy nên bỏ nghiệp thuần đen và nghiệp xen tạp, phải siêng tu tập như vậy”.

Lúc đó các Bí-sô đều có nghi thỉnh hỏi Phật: “do đâu Dược xoa Kim-tỳ-la hy sinh thân mình để bảo vệ Phật?”, Phật nói: “không phải chỉ ngày nay mà trong quá khứ cũng đã hy sinh thân mình để bảo vệ ta. Các thầy lắng nghe:

Thuở xưa tại thành Bà-la-nê-tư có vua Phạm thọ trị vì bằng chánh pháp nên thời thế an tịnh, nhân dân no ấm, ngũ cốc được mùa không có nạn tai. Cách thành không xa có một tụ lạc với nhiều rừng cây, hoa quả tươi tốt nên đủ loại chim tụ về ríu rít líu lo. Có một tiên nhân ở trong rừng này tu khổ hạnh, không ăn cơm gạo, chỉ ăn trái cây, mặc áo vỏ cây để ngăn lạnh nóng. Lại có một thợ săn hằng ngày mang cung tên vào rừng săn bắn để sinh sống, thường lui tới chỗ tiên nhân. Lúc đó là mùa lạnh, tiên nhân thương xót đem trái cây cho anh ăn, nhân đó kết nghĩa cha con; thợ săn cung kính thừa sự và gọi tiên nhân là cha, tiên nhân cũng thương anh như con. Vào một buổi sáng nọ, vua Phạm thọ vào rừng săn bắn thấy một con nai, con nai này hoảng sợ chạy đến bên tiên nhân, vua liền bắn tên giết chết nai; tiên nhân thấy nai chết liền nổi giận nói: “Đại vương thật ác độc, không có chút đạo lý, nai đã chạy đến bên tôi mà vua vẫn bắn tên giết chết nó”, vua nghe rồi liền nổi giận hỏi quần thần: “nếu có người quở mằng vua dòng Sát-đế-lỵ quán đảnh thì đáng bị tội gì?”, đáp là đáng tội chết, vua nói: “vậy mà tiên nhân này đã khinh hủy ta”. Người thợ săn đứng gần đó thấy binh lính của vua muốn giết tiên nhân liền suy nghĩ: “ta còn sống thì sao để cho họ giết hại đại tiên”, nghĩ rồi liền cùng họ chiến đấu để tiên nhân chạy thoát, binh lính của vua đông nên cuối cùng thợ săn bị giết chết.

Phật bảo các Bí-sô: “tiên nhân nhân thuở xưa chính là thân ta ngày nay, thợ săn chính là Dược xoa Kim-tỳ-la; thuở xưa hy sinh thân mạng vì ta, ngày nay cũng vậy”.

Lúc đó chân của Thế tôn bị mảnh đá văng trúng bị thương chảy máu không ngừng làm Thế tôn đau đớn, y vương Thị-phược-ca và dân chúng trong thành Vương xá mỗi ngày đều đến thăm bịnh Thế tôn ba lần. Mọi người hỏi y vương cách chữa trị, y vương nói: “bịnh này rất khó kiếm thuốc”, tôn giả A-nan hỏi là thuốc gì, đáp: “đó là loại hương của Ngưu đầu chiên đàn, tôi đã tìm kiếm khắp nơi nhưng không tìm được, vì các thương nhân dù có cũng sợ vua Vị sanh oán nên không bán, nếu bán vua biết được sẽ giết chết họ”. Lúc đó có một thương nhân nghe rồi liền suy nghĩ: “vua Vị sanh oán kết thân với Đề-bà-đạt-đa nên ghét Thế tôn, nếu ta đem hương Ngưu đầu chiên đàn dâng cho Phật, vua biết nhất định sẽ giết ta ; nhưng Thế tôn là bậc ứng cúng của trời người, dù thân ta bị hại, ta cũng nên dâng hương này cho Phật”, nghĩ rồi liền trở về lấy hương Ngưu đầu chiên đàn đem đến và bạch Phật: “Thế tôn, xin thương xót thọ hương Ngưu đầu chiên đàn này”, Phật bảo A-nan thọ nhận, A-nan vâng lời Phật thọ nhận, thương nhân này vui mừng đảnh lễ Phật rồi ra về. Lúc đó Thế tôn mĩm cười, có hào quang năm sắc từ trong miệng phóng ra… như trên cho đến câu ánh sáng đó trở vào giữa hai chân mày, Phật hỏi A-nan: “thầy có thấy thương nhân hoan hỉ đem hương Ngưu đầu chiên đàn đến cúng dường cho ta không?”, đáp là thấy, Phật nói: “do thiện căn cúng dường hương này với tâm hoan hỉ, ở đời vị lai thương nhân này sẽ đắc quả Phật Bích chi tên là Chiên đàn”.

Lúc đó Thế tôn thoa hương chiên đàn vào vết thương nhưng vẫn không cầm được máu, Thị-phược-ca nói: “phải dùng loại sữa của đồng nữ hòa với hương này thoa mới lành”, các Bí-sô đều không biết thế nào là sữa của đồng nữ, A-nan hỏi, Thị-phược-ca đáp: “đó là sữa của người nữ mang thai lần đầu tiên”, bốn chúng nghe rồi đều đi khắp nơi tìm sữa này. Đề-bà-đạt-đa và đồng bạn đều nói với các người nữ trong thành: “các cô đừng cho sữa, vì họ định dùng sữa này làm pháp huyễn hóa ma muội làm hại các cô”. Trong thành Vương xá lúc đó chỉ có một người nữ mang thai đầu tiên vừa mới sanh con, thân thể vốn gầy yếu, sữa còn không đủ nuôi con làm sao có thể cho người khác. Cô nghe tin này liền suy nghĩ: “ta vốn gầy yếu, nếu đem sữa cho Thế tôn: một là con ta sẽ chết, hai là người thân cận của vua và Đề-bà-đạt-đa biết sẽ giết ta; nhưng Thế tôn là bậc ứng cúng của trời người, dù ta và con ta sẽ chết, ta cũng nên đem sữa cho Thế tôn”, nghĩ rồi liền nặn sữa vào trong một bát đồng mang đến bạch Phật: “Thế tôn, xin thương xót thọ sữa đồng nữ này của con”, Phật bảo A-nan thọ nhận, A-nan vânglời Phật thọ nhận, người nữ vui mừng đảnh lễ Phật rồi ra về. Lúc đó Thế tôn mĩm cười, từ trong miệng phóng ra hào quang năm sắc… như trên cho đến câu Phật bảo A-nan: “do thiện căn cúng dường sữa này với tâm hoan hỉ, ở đời vị lai người nữ này sẽ đắc quả Phật Bích chi”.

Lúc đó Phật dùng sữa hòa với hương chiên đàn thoa lên vết thương vẫn không cầm được máu, tôn giả Thập lực Ca-diếp thấy vậy liền dùng lời chân thật phát nguyện: “nếu đối với tất cả chúng sanh, Thế tôn đều khởi tưởng như con là thật không hư dối, thì xin cho vết thương được cầm máu”, vừa nói xong thì vết thương liền được cầm máu. Bốn chúng trong thành Vương xá thấy việc này rồi đều rất vui mừng, chỉ có vua, Đề-bà-đạt-đa và các đồng bạn là không vui. Lúc đó các Bí-sô đều có nghi thỉnh hỏi Phật: “do nhân duyên gì mà tôn giả Thập lực Ca-diếp vừa phát nguyện xong thì vết thương liền được cầm máu?”, Phật nói: “không phải chỉ ngày nay mà thuở xa xưa cũng vậy, các thầy lắng nghe:

Thuở xưa tại một vùng núi có một thôn lớn, cách thôn không xa có một rừng cây, hoa quả tươi tốt nên đủ loại chim tụ về ríu rít líu lo. Có một tiên nhân ở trong rừng này tu khổ hạnh, chỉ ăn trái cây và uống nước suối, mặc áo vỏ cây; vị này chuyên trì niệm chú. Trong thôn có một trưởng giả cưới một người vợ cùng dòng tộc ở trong thôn làm vợ, họ sống với nhau rất hạnh phúc và không bao lâu sau người vợ mang thai, đủ chín tháng mười ngày sanh hạ một đứa con, sau hai mươi mốt ngày họ mở tiệc ăn mừng và đặt tên cho đứa bé là Hỷ lạc. Hỷ lạc dần dần trưởng thành, dù đi đứng hay nằm ngồi đều nghĩ đến việc lành và thượng làm nghiệp lành nên người trong thôn gọi cậu là Pháp Ái. Cậu thường đến chỗ tiên nhân này thừa sự cúng dường và siêng năng tu luyện nên mọi người lại gọi cậu là Luyện hạnh. Thời gian sau trên thân của cậu bỗng sanh một ung nhọt độc rất đau nhức, tuy đã dùng rất nhiều loại thuốc thang và chú pháp vẫn không lành bịnh. Cha mẹ dẫn cậu đến chỗ tiên nhân yêu cầu trị bịnh cho con, tiên nhân thấy rồi liền dùng lời chân thật phát nguyện: “nếu đối với kẻ oán người thân, trưởng giả tử này đều có tâm bình đẳng không sai khác là chân thật không hư dối thì nguyện cho ung nhọt này được lành”, nguyện vừa xong thì ung nhọt được lành.

Phật bảo các Bí-sô: “trưởng giả tử thuở xưa chính là than ta ngày nay, tiên nhân chính là Thập lực Ca-diếp; thuở xưa nhờ tiên nhân phát nguyện mà bịnh của ta được lành, ngày nay cũng vậy”.

Lúc đó Đề-bà-đạt-đa ngồi kiết già dưới gốc cây truy hối: “ta đã dùng đá ném trúng Sa môn Kiều-đáp-ma nhưng không giết hại được, việc này mọi người đều biết và ta mang tiếng xấu vô ích”, các Bí-sô thấy rồi đều nói với nhau: “Đề-bà-đạt-đa vì tức giận nên ném đá trúng Thế tôn”, Bí-sô Cô ca lý ca nghe rồi liền nói: “này các cụ thọ, các thầy không suy nghĩ thấu đáu nên mới nói lời phi pháp này, các thầy không thấy Đề-bà-đạt-đa đang nhập Tứ thiền dưới gốc cây hay sao, bậc đại nhân không làm việc ác”, các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật nói: “không phải chỉ ngày nay mà thuở xưa Cô ca lý ca cũng đã nói những lời không biết hổ thẹn, các thầy lắng nghe:

Thuở xưa tại thành Vương xá có một vị vua trị vì, vua ra lịnh xây hai khu nghĩa địa : một khu dành cho nam,một bên dành cho nữ. Thời gian sau, có một huỳnh môn chết được đem đến trong nghĩa địa táng thì người giữ cửa khu dành cho nam không cho táng, người giữ cửa khu dành cho nữ cũng không cho táng. Cách thành không xa có một tụ lạc với nhiều rừng cây, hoa quả tươi tốt nên đủ loại chim tụ về ríu rít líu lo. Có một tiên nhân ở trong rừng này tu khổ hạnh, chỉ ăn trái cây và uống nước suối, mặc áo vỏ cây ; gần chỗ đó có một bụi gai nên người nhà của huỳnh môn đem xác chết này bỏ ở đó, không bao lâu sau xác chết thối rữa. Có một con dã can nghe mùi thối rữa này liền đến ăn, lúc đó có một con quạ già ẩn náu trên cây gai suy nghĩ: “ta nên nói lời khen ngợi để dã can này cho ta ít nhiều thức ăn”, liền nói kệ:

“Ngực anh như sư tử,
Lưng anh như bò chúa,
Xin chào vua loài thú,
Cho tôi chút thức ăn”.

Dã can nhìn khắp nơi rồi nói kệ:

“Ai ở trên lùm cây,
Là đàn em tốt nhất,
Sắc thân chiếu khắp nơi,
Như một khối châu báu”.

Quạ nói kệ:

“Tôi có nhiều vật dụng,
Rất mong anh sẽ đến,
Lễ vật đem hiến vua,
Cho tôi thức ăn dư”.

Dã can nói kệ:

“Cổ quạ như Khổng tước,
Chim quạ thật đáng yêu,
Tiếng hót nghe rất hay,
Mặc tình đến lấy ăn”.

Quạ nghe rồi liền bay xuống gốc cây cùng dã can ăn xác chết, tiên nhân thấy việc này rồi liền nói kệ:

“Nhiều lần thấy các ngươi,
Cùng họp không hổ thẹn,
Hết lời ca ngợi nhau,
Ăn xác người hạ tiện”.

Quạ nói kệ:

“Sư tử và khổng tước,
Cùng ăn thức ăn ngon,
Đâu có liên quan gì,
Đến việc của tiên nhân”.

Tiên nhân nói kệ:

“Quạ là chim thấp hèn,
Dã can cũng thấp hèn,
Gai là cây vô dụng,
Huỳnh môn người hạ tiện,
Đều hết sức mê muội,
Nói mà không biết thẹn”.

Quạ nghe rồi nổi giận liền bay đến chỗ thờ lửa của tiên nhân, nhìn khắp bốn phía thấy không có gì phá hoại được nên rải phân làm cho nhơ uế và hất bể bình nước rồi bỏ đi. Tiên nhân trở về thấy việc này rồi liền biết là do quạ làm nên nói kệ:

“Con vật xấu ác kia,
Sân hận không hổ thẹn,
Phá hoại đán thờ lửa,
Và đập vỡ bình nước.
Nó chẳng thuộc loài gì,
Không nên nói với nó,
Cần nói, nói chút ít,
Không nói, an lạc nhất”.

Phật bảo các Bí-sô: “tiên nhân thuở xưa chính là thân ta ngày nay, con quạ chính là Đề-bà-đạt-đa, bạn của nó chính là Cô-ca-lý-ca; thuở xưa nó nói sai mà không biết hổ thẹn, nay cũng vậy”, các Bí-sô lại có nghi thỉnh hỏi Phật: “Thế tôn và Đề-bà-đạt-đa đời trước đã tạo nghiệp gì mà oán thù như vậy?”, Phật bảo các Bí-sô: “các thầy lắng nghe:

Thuở xưa gần bờ biển này có con chim Cọng mạng hai đầu, một đầu tên Phi pháp, một đầu tên là Pháp. Lúc đó Phi pháp đang ngủ, Pháp thức nên nhìn thấy có một quả ngọt trôi theo dòng nước, Pháp liền bay đến mổ lấy rồi suy nghĩ: “anh ấy đang ngủ, ta nên gọi dậy cùng ăn hay ta ăn một mình. Ta và anh ấy cùng một thân, nếu ta ăn no thì anh ấy cũng no”, nghĩ rồi liền ăn hết. Lát sau Phi pháp tỉnh dậy thấy Pháp có vẻ khác và ngủi thấy mùi thơm liền hỏi là mùi thơm gì, đáp là mùi củatrái ngọt, lại hỏi đâu rồi, đáp là đã ăn hết, Phi pháp nói: “anh thật không tốt”. Thời gian sau, Pháp đang ngủ, Phi pháp thức nên nhìn thấy có một quả độc trôi theo dòng nước, liền bay đến mổ lấy ăn, ăn xong cả hai cùng mê man cuồng loạn. Lúc đó Phi pháp phát thệ: “trong đời vị lai dù sanh ra nơi nào, đời đời kiếp kiếp ta sẽ thường làm hại ngươi, thường kết oán thù với ngươi”, Pháp cũng phát thệ: “nguyện cho tôi đời đời kiếp kiếp thượng là bạn lành của anh”.

Phật bảo các Bí-sô: “đầu chim Pháp thuở xưa chính là thân ta ngày nay, đầu chim Phi pháp chính là Đề-bà-đạt-đa; kể từ lúc đó bắt đầu sanh oán kết. Ta thường làm việc lợi ích, Thiên thọ luôn có ý hãm hại. Các thầy lắng nghe thêm:

Thuở xưa tại thành Bà-la-nê-tư có vua tên là Bạch giao hương trị vì, đất nước phồn thịnh, nhân dân no ấm. Vua cưới một công chúa nước lân cận làm hoàng hậu và sống rất hạnh phúc. Thời gian sau hoàng hậu có mang và sanh được một bé gái, bé gái này trưởng thành kết hôn và có thai, sau sanh được một trai, dung mạo đoan nghiêm ai cũng thích nhìn. Do đứa bé sanh ra lúc mặt trời mới mọc nên dược đặt tên là Sơ và được giao cho tám à nhũ mâu chăm sóc… đến tuổi trưởng thành học thông các môn học như lịch số, toán pháp… và các môn kỹ nghệ như cỡi ngựa, bắn cung… nên được vua phong làm Thái tử. Trước kia vua có một vương phi tên là Đạt ma, trong triều có một đại thần tên là Tễ ngưu, vua yêu quý Thái tử nên giao phó Thái tử cho Tễ ngưu. Thời gian sau vương phi Đạt ma mang thai, tướng sư đoán thai nhi sau này sẽ giết vua đoạt ngôi. Đến khi vua ngã bịnh, biết không qua khỏi được vua liền suy nghĩ: “sau khi ta chết, Thái tử lên ngôi ắt sẽ giết vương phi, ta phải làm sao”, nghĩ rồi liền cho gọi Tễ ngưu vào và ban cho Tễ ngưu rất nhiều châu báu, nói với Tễ ngưu rằng: “khanh là đại thần tín cẩn của ta, vương phi Đạt ma là người ta thương yêu nhất. Nay ta biết mình không qua khỏi, sau khi ta chết Thái tử sẽ lên nối ngôi, khanh nên thương xót tìm cách bảo vệ đừng để Thái tử giết Đạt ma”, Tễ ngưu bạch vua: “thần sẽ không để cho Thái tử giết vương phi”, vua nói kệ:

“Tích tụ đều tiêu tán,
Cao ngất ắt rơi rớt,
Hội họp ắt biệt ly,
Có mạng đều phải chết”.

Nói xong vua băng hà, sau khi tống táng vua xong, quần thần lập Thái tử lên ngôi vua.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20