CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA PHÁ TĂNG SỰ

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường – TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh – năm 2009

Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 4

Lúc đó ở chỗ vui hưởng dục lạc trong cung, Bồ-tát tự nghĩ: “ta có ba phu nhân và sáu vạn thể nữ, nếu không cùng họ vui hưởng dục lạc thì sợ người ngoài cho ta không phải là trượng phu. Ta phải cùng Dadu-đà-la vui hưởng dục lạc”, nhân đây Da-du-đà-la có thai, khi đã mang thai phu nhân suy nghĩ: “sáng mai ta sẽ báo cho Thái tử biết”. Đêm đó Bồ-tát tư duy về lý duyên sanh rồi nói kệ:

“Đã cùng người vợ ngủ qua đêm,
Đây là lần sau cùng chung ngủ,
Từ đây ta sẽ không thế nữa,
Lìa hẳn cùng người nữ ngủ đêm”.

Bồ-tát quay lại nhìn thấy các thể nữ sau khi múa hát xong mõi mệt nằm ngủ mê man, người thì đầu tóc rối bù, người thì ngủ mớ, miệng chảy nước dãi, người thì nằm lộ bày nửa thân … ; Bồ-tát cảm thấy thâm cung giống như bải tha ma với những người chết nằm ngổn ngang, liền tư duy và nói kệ:

“Như gió thổi ngã sen trong ao,
Tay chân rã rời nằm ngổn ngang,
Đầu tóc rối bù, thân hình lộ,
Dù có tâm Ái cũng lìa bỏ.
Ta thấy những người nữ này ngủ,
Giống như người chết, thân biến sắc.
Vì sao ta không hay biết sớm,
Nơi cảnh hữu tình vô trí này,
Lại đồng bùn, tên, độc, lửa kia.
Như mộng hoặc như uống nước muối,
Như vua rồng bỏ vật khó bỏ,
Các khổ oán thù nhân đây sanh”.

Nói kệ xong Bồ-tát đi ngủ, đêm đó phu nhân Đại thế chủ thấy bốn điềm mộng:

1. Là thấy nguyệt thực.
2. Là thấy mặt trời vừa mọc ở phương Đông liền lặn.
3. Là thấy có nhiều người đảnh lễ phu nhân.
4. Là thấy bản thân hoặc cười hoặc khóc.

– Đêm đó Da-du-đà-la cũng thấy tám điềm mộng:

1. Là thấy dòng họ bên mẹ đều ly tán.
2. Là thấy chiếc giường cùng nằm với Thái tử bị hư hủy.
3. Là thấy hai cánh tay đều bị gẫy.
4. Là thấy răng mình đều rụng hết.
5. Là thấy tóc mình rụng hết.
6. Là thấy thần an lành ra khỏi nhà.
7. Là thấy nguyệt thực.
8. Là thấy mặt trời vừa mọc ở phương Đông liền lặn.

– Đêm đó Bồ-tát cũng thấy năm điềm mộng:

1. Là thấy thân mình nằm trên mặt đất, đầu gối tên núi Tu di, tay trái thòng xuống biển Đông, tay phải thòng xuống biển Tây, hai chân thòng xuống biển Nam.

2. Là thấy trên tim mình mọc cỏ Cát tường cao vút lên hư không.

3. Là thấy các con chim trắng, đầu đều có sắc đen bay đến đảnh lễ Bồ-tát rồi lại muốn bay lên hư không, nhưng không bay qua khỏi đầu gối của Bồ-tát.

4. Là thấy những con chim đủ màu sắc từ bốn phương bay đến chỗ Bồ-tát thì trở thành cùng một màu.

5. Là thấy Bồ-tát kinh hành qua lại trên núi đầy tạp uế.

Bồ-tát thức tỉnh vui mừng suy nghĩ: “điềm mộng này cho biết không bao lâu nữa ta sẽ được trí A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề”, lúc đó Da-du-đà-la cũng tỉnh giấc và nói cho Bồ-tát nghe tám điềm mộng của mình. Sợ Da-du-đà-la lo buồn nên Bồ-tát phương tiện giải thích điềm mộng đó như sau:

1. Là thấy dòng họ bên mẹ đều ly tán thì nay họ đều còn đó, sao lại gọi là ly tán.

2. Là thấy chiếc giường cùng nằm với Thái tử bị hư hủy thì nay giường này vẫn còn nguyên vẹn, sao lại gọi là hư hủy.

3. Là thấy hai cánh tay đều bị gẫy thì nay chúng vẫn còn nguyên vẹn, sao lại gọi là đều bị gẫy.

4. Là thấy răng mình đều rụng hết thì nay răng vẫn còn nguyên tốt đẹp, sao gọi là rụng hết.

5. Là thấy tóc mình rụng hết thì tóc nay vẫn còn như cũ.

6. Là thấy thần an lành ra khỏi nhà thì thần an lành của nàng là ta vẫn còn bên cạnh nàng đây.

7. Là thấy nguyệt thực thì trăng vẫn tròn sáng trên không.

8. Là thấy mặt trời vừa mọc ở phương Đông liền lặn thì bây giờ là nửa đêm, mặt trời vẫn chưa mọc, sao gọi là lặn.

Sau khi nghe giải thích, Da-du-đà-la liền im lặng; lúc đó Bồ-tát lại nghĩ về điềm mộng của Da-du-đà-la : “nếu ứng theo điềm mộng của Da-du-đà-la thì đêm nay ta đi xuất gia là thích hợp”, lại nghĩ: “ta phải nói sơ ý nguyện của ta cho Da-du-đà-la biết”, nghĩ rồi liền nói: “thật ra ta vốn có ý nguyện xuất gia”, Da-du-đà-la nói: “thiếp cũng muốn đi, xin hãy dẫn thiếp đi theo”, Bồ-tát thầm nghĩ: “khi nào được Niết-bàn, ta sẽ dẫn nàng đi”, liền nói: “được, khi nào ta có chỗ đi, ta sẽ dẫn nàng đi”, Da-du-đà-la nghe rồi liền ngủ yên. Lúc đó Bồ-tát phát tâm muốn đi, biết được tâm niệm của Bồ-tát nên vua trời Đế thích và Đại phạm chắp tay nói kệ:

“Tâm như ngựa chưa điều,
Như khỉ vượn lăng xăng,
Ai lìa ngũ dục lạc,
Mau chứng đắc Niết-bàn.
Đấng Đại từ dậy đi,
Bỏ ngôi vị vua này,
Sẽ được Nhất thiết trí ,
Độ thoát các chúng sanh”.

Bồ-tát nói: “vua trời Đế thích, ông không thấy sao?”, liền nói kệ:

“Như Sư tử vương trong cũi sắt,
Tướng mạnh, đao cung đứng canh giữ,
Đông người, voi, ngựa rất ồn ào,
Vây quanh thành này làm sao ra.
Vua cha như Sư tử hùng mạnh,
Bốn binh giáp sắt đều đầy đủ,
Hào thành, lầu gác và hành lang,
Đủ loại binh trượng ở khắp nơi.
Hãy nhìn các cửa trong cung cấm,
Và các cửa thành cũng như vậy,
Khắp nơi thảy đều có treo linh,
Thật là khó vượt qua cửa ải.
Nếu qua, loa trống chung quanh ta,
Sẽ khua ầm ỉ không ngừng dứt,
Bốn binh voi ngựa ở ngoài cung,
Canh giữ nghiêm nhặt không thể ra”.

Thích-đề-hoàn-nhơn nói kệ:

“Thệ nguyện xưa, nay Ngài nên nhớ,
Được Nhiên đăng Như lai thọ ký,
Cứu vớt chúng sanh trong khổ não,
Hãy mau lìa nhà tìm chánh đạo.
Tôi có thể phương tiện giúp Ngài,
Cùng các Phạm thiên và chư thiên,
Sẽ giúp Ngài không gặp chướng ngại,
Để đến rừng cây tu chánh giác”.

Bồ-tát nghe rồi vui mừng khen lành thay, lúc đó vua trời Đế thích dùng lọng hôn mê che phủ khiến cho các binh chúng, vua Tịnh-phạn, các thể nữ và tất cả những người đang phòng vệ ở các cửa thành đều ngủ thiếp, không thể tỉnh thức ; vua trời lại sai đại tướng Dạ xoa là Tán chi ca giữ thang cho Bồ-tát đi xuống chỗ của Xa-nặc. Thấy Xa-nặc đang ngủ, Bồ-tát dùng tay lay gọi hồi lâu mới tỉnh, Bồ-tát nói kệ:

“Hãy dậy đi Xa-nặc,
Dẫn ngựa Kiền-trắc tới,
Đưa đến rừng Thắng giả,
Để ta cầu tĩnh lặng”.

Xa-nặc nửa ngủ nửa thức nói kệ đáp:

“Chẳng phải giờ đi dạo,
Ngài vốn không kẻ thù,
Không có oán giặc đến,
Ban đêm sao đòi ngựa?”.

Bồ-tát nói:

“Xa-nặc trước tới nay,
Không hề trái lời ta,
Chớ vào phút sau cùng,
Lại muốn trái lời ta”.

Xa-nặc nói: “nửa đêm thần lo sợ nên không thể dẫn ngựa đến”, Bồ-tát nghe rồi liền suy nghĩ: “nếu ta cứ nói với Xa-nặc mãi thì e rằng có người nghe được, sẽ làm hỏng dự tính của ta, chi ằng ta tự đi dắt ngựa đến”, nghĩ rồi Bồ-tát liền đi đến chuồng ngựa, chỗ ngựa chúa Kiền- trắc. Thấy Bồ-tát đến, Kiền-trắc tỏ vẻ giận dữ nhảy chồm lên không cho Bồ-tát dắt đi; trong lòng bàn tay của Bồ-tát có tướng Bách báu luân, tất cả chúng sanh sợ hãi nếu được Bồ-tát đưa tay Bách báu luân này vỗ về thì sẽ cảm thấy an ổn. Lúc đó Bồ-tát đưa tay vỗ nhẹ trên đầu ngựa rồi nói kệ:

“Đây là lần cuối ta cỡi ngươi,
Mau đưa ta đi chớ chần chừ,
Không bao lâu nữa chứng Bồ-đề,
Ta dùng pháp vũ độ chúng sanh”.

Do chúng sanh có thường pháp là nếu nghe có người chỉ dạy thì liền nghe theo, ngựa Kiền-trắc sau khi nghe kệ liền đứng yên cho Bồtát dắt đi. Lúc đó Phạm vương Đế thích sai bốn thiên tử: một là Bỉ ngạn, hai là Cận ngạn, ba là Hương diệp, bốn là Thắng hương diệp; cả bốn vị này đều có oai lực cùng đến chỗ Bồ-tát, Bồ-tát hỏi: “ai có thể giúp ta bay lên hư không để ra khỏi thành?”, đáp: “cả bốn chúng tôi đều có thể”, lại hỏi: “các vị có thần lực gì?”, Bỉ ngạn đáp: “tôi có thể nâng cả mặt đất lên và mang đi”, Cận ngạn nói: “tôi có thể gánh nước trong bốn biển và các sông ngòi mang đi”, Hương diệp nói: “tôi có thể gánh đá trên các ngọn núi mang đi”, Thắng hương diệp nói: “tôi có thể gánh tất cả cây rừng và bụi cỏ mang đi”, Bồ-tát nghe rồi liền ấn chân xuống đất và bảo cả bốn thiên tử dùng hết sức lực nâng Bồ-tát lên. Cả bốn vị vận dụng hết oai lực vẫn không thể nâng Bồ-tát lên được nên hết sức kinh ngạc, nói rằng: “chúng tôi không biết Bồ-tát có oai lực lớn như thế, nếu biết thì chúng tôi đã không dám nâng Ngài”. Nghe Bồ-tát cùng các thiên tử nói chuyện với nhau, Xa-nặc liền rảo bước tới chỗ Bồ-tát, Bồtát liền leo lên lưng ngựa, Xa-nặc một tay nắm dây cương, một tay cầm dao, bốn thiên tử nâng chân ngưa lên, nhờ oai lực của Bồ-tát và chư thiên cảm ứng nhau nên tất cả cùng bay lên hư không. Lúc đó các thiện thần trong cung nhìn thấy việc này đều cùng gào khóc, nước mắt rơi xuống như mưa, Xa-nặc hỏi Bồ-tát: “đây là mưa phải không?”, Bồ-tát nói: “đây không phải là mưa, mà là nước mắt của các thiện thần trong cung rơi xuống khi nhìn thấy ta ra đi”, Xa-nặc nghe rồi liền nghẹn ngào không nói. Lúc đó Bồ-tát ngoái nhìn lại vương cung thầm nghĩ: “đêm nay là đêm cuối cùng ta cùng người vợ ngủ chung, nhất thời từ biệt không còn như thế nữa”, lại nghĩ: “nếu ta không qua cửa thành Đông từ biệt phụ vương thì sợ phụ vương sẽ tức giận quở trách các binh sĩ không nổ lực canh chừng”, nghĩ rồi liền bay qua đến cửa thành Đông, thấy vua cha ngủ rất say liền nhiễu quanh phụ vương ba vòng, đảnh lễ rồi nói: “con ra đi không phải vì bất hiếu mà chỉ vì các khổ sanh lão bịnh tử hủy diệt các hữu tình; con muốn xuất gia chứng đạo Bồ-đề để cứu vớt khổ nạn này”, nói rồi liền bay lên hư không. Lúc đó tướng Đại danh Thích ca đi tuần vừa đến cửa thành Đông, chợt thấy Bồ-tát đang bay trên hư không liền kêu gào lên : “Thái tử làm gì vậy?”, Bồ-tát đáp là ta muốn xuất gia, tướng Đại danh nói: “việc làm này phi pháp”, Bồ-tát nói: “ta đã từng ở trong ba A-tăng-kỳ kiếp thường hành khổ hạnh cầu Vô thượng Bồ-đề để cứu vớt chúng sanh, làm sao ngày nay ta có thể ở yên trong cung, nay ta nhất tâm vì pháp mà ra đi”, tướng Đại danh nghe rồi liền gào khóc: “than ôi, hỡi vua Tịnh-phạn và những người thuộc chủng tộc Thích ca , khổ thay, khổ thay!”. Tuy biết Thái tử vì đại nguyện nhưng tướng Đại danh vẫn muốn giữ Thái tử ở lại, liền nói kệ:

“Hôm nay vua Tịnh-phạn,
Vì con sanh sầu não,
Giơ tay gọi trời xanh,
Buồn hận gào khóc lớn.
Nàng Da-du-đà-la,
Cùng với các cung nhơn,
Nay từ biệt Tất đạt,
Thường bị khổ bức não”.

Tướng Đại danh nói kệ xong vội chạy đến chỗ phu nhân Da-duđà-la lay gọi dậy và nói kệ:

“Tất đạt đang ra đi,
Phu nhân nên lưu luyến,
Chớ để sau ưu sầu,
Nỗi khổ nhớ thương chồng.
Đi rồi khó gặp lại,
Hãy gặp lần sau cùng.
Khổ thay không ai nghe,
Thức dậy đừng trách tôi”.

Nói kệ rồi lại chạy đến chỗ vua Tịnh-phạn lay gọi và nói kệ:

“Tất đạt đang ra đi,
Vua hãy mau ngăn lại,
Chớ để về sau này,
Thường sầu não vì con”.

Tướng Đại danh lay gọi ba lần mà vua vẫn không tỉnh thức, lúc đó Phạm vương Đế thích cùng vô lượng chư thiên quyến thuộc đều đến chỗ Bồ-tát, Đại phạm thiên vương cùng chư thiên cõi sắc đứng bên phải Bồ-tát; Thích-đề-hoàn-nhơn cùng chư thiên cõi Dục đứng bên trái Bồtát, có vị cầm phướn lọng, có vị tấu nhạc, có vị từ trên hư không rải các loại hoa xuống cúng dường Bồ-tát như hoa Ưu bát la, hoa Ba đầu ma, hoa Phân đà lợi, hoa Mạn-đà-la, hoa Ma ha Mạn-đà-la, các loại hương như Chiên đàn, Trầm thủy…; có vị dùng thiên y rải, có vị đánh trống, thổi loa, ca múa… và nói kệ:

“Chư thiên trong hư không,
Đều hết sức vui mừng,
Múa hát trước Bồ-tát ,
Để ca ngợi Bồ-tát .
Có vị tấu kỹ nhạc,
Có vị dẫn đi trước,
Có vị mở các cửa,
Có vị rải hương hoa,
Có vị nâng chân ngựa,
Tất cả đều đi theo,
Phạm vương và Đế thích,
Tất cả trời oai đức,
Không ai không đi theo,
Như trăng giữa các sao,
Đi đến rừng Thắng giả”.

Khi Bồ-tát đã ra khỏi thành Kiếp-tỷ-la, Phạm Thích chư thiên đều hoan hỉ nói rằng: “lành thay Bồ-tát, trước đây Ngài thường nguyện không biết lúc nào mới được ở trong rừng hoang vắng này không còn chướng ngại, thì nay đã được như nguyện. Nếu Ngài đắc đạo vô thượng, xin hãy nhiếp thọ chúng tôi”, Bồ-tát nói: “các vị sẽ được như nguyện”, như voi chúa Bồ-tát quay lại nhìn chư thiên và nói kệ:

“Không chứng đạo vô thượng,
Thấu rõ pháp chư Phật,
Tôi sẽ không trở về,
Thành Kiếp-tỷ-la này”.

Qua hai canh giờ, Bồ-tát đã đi được mười hai do tuần liền xuống ngựa, cởi chuỗi anh lạc đưa cho Xa-nặc rồi nói: “ngươi mang ngựa và chuỗi ngọc này trở về cung”, liền nói kệ:

“Ngựa và chuỗi anh lạc,
Giao cho thân thuộc ta,
Ta nay bỏ tham Ái,
Mặc pháp phục từ đây”.

Xa-nặc nghe rồi liền lớn tiếng gào khóc bi thương, nước mắt tuôn như mưa và nói kệ:

“Sư tử, hổ thành bầy,
Gai góc và thú dữ,
Một mình không quyến thuộc,
Thánh giả sống ra sao?”.

Bồ-tát nói kệ:

“Khi sanh, sanh một mình,
Chết cũng chết một mình,
Khổ cũng một mình chịu,
Sanh tử không có bạn”.

Xa-nặc lại nói kệ:

“Trước đây đi thường cỡi ngựa voi,
Tay chân mầm mại chưa chịu khổ,
Nơi đây toàn gai góc đá nhọn,
Thái tử làm sao đi lại được”.

Bồ-tát nói kệ:

“Dù cho thuở nhỏ được cưng chìu,
Bậc hiền thiện, người cô độc,
Dõng mãnh vô úy, người cung kính,
Tất cả cuối cùng cũng sẽ chết,
Sanh lão bịnh tử nối theo nhau,
Đến hại mọi người rất nhanh chóng,
Dù có nguyện khác lớn hay nhỏ,
Cũng trong chốc lát đều tiêu diệt”.

Xa-nặc nói: “vua Tịnh-phạn không thấy Thái tử ắt sẽ buồn rầu đến chết”, Bồ-tát tuy nghe lời này nhưng vì được tư lương Bồ-đề viên mãn từ lâu, nên không để tâm đến; lúc đó Bồ-tát rút lấy cao dao trong tay Xa-nặc, con dao này nhẹ và bén, có sắc xanh; Bồ-tát tự cắt tóc mình rồi ném lên không trung, Thích-đề-hoàn-nhơn liền đón lấy tóc này đem về cõi trời Tam thập tam, mỗi năm họp đại hội chư thiên cúng dường; nơi Bồ-tát đã cắt tóc, các trưởng giả và Bà-la-môn có tín tâm xây lên một bảo tháp gọi là tháp nơi cắt tóc để cúng dường. Cắt tóc xong, Bồ-tát bảo Xa-nặc: “ngươi thấy ta bây giờ hình dung đã khác, tâm ta càng kiên cố ; ngươi như vậy há có thể trở về nhân gian hay sao?”, Xa-nặc đáp là không rồi thầm nghĩ: “Thái tử thuộc dòng Sát-đế-lỵ nhiều kiêu mạn, dù ta nói thế nào cũng không làm thay đổi được”, nghĩ rồi liền đảnh lễ giã từ Bồ-tát; ngựa Kiền-trắc cũng cúi đầu liếm chân Bồ-tát, Bồ-tát giơ bàn tay Bách báu luân vỗ nhẹ trên đầu ngựa rồi nói: “Kiền-trắc hãy đi đi, ta sẽ thường nhớ ơn ngươi cho đến khi ta chứng quả Bồ-đề”, lại bảo Xa-nặc: “khi về đến nơi, ngươi không nên dắt Kiền-trắc vào trong thành”, Xa-nặc tuyệt vọng nghẹn ngào rơi lệ, lúc lên đường trở về vẫn còn ngoÁi đầu lại nhìn Bồ-tát. Do thần đức của Bồ-tát nên chỉ trong hai canh giờ liền tới được nơi đây, nhưng khi trở về Xa-nặc phải mất tới bảy ngày mới về đến nơi. Tới cửa thành liền nghĩ: “nếu ta cùng ngựa vào thành sẽ bị mọi người oán ghét, thân ta cũng khó bảo toàn”, nghĩ rồi liền trốn trong vườn hoa để ngựa chạy một mình vào trong thành. Khi vào trong thành, Kiền-trắc liền hí vang buồn bã ; nghe tiếng ngựa hí tất cả mọi người trong thành đều vội vã chạy ra, không thấy Bồ-tát, họ ôm cổ Kiền-trắc khóc than áo não. Súc sanh có thường pháp là hiểu được tình cảm của thế gian, huống chi Kiền trác là ngựa chúa ; cho nên khi thấy mọi người kêu gào thương cảm như thế, Kiền-trắc liền mất hết khí lực mà chết. Từ nhiều kiếp đến nay, Kiền-trắc đều thọ thân ngựa trong các nhà Bà-la-môn, có đủ pháp siêng năng ; nay vừa mạng chung liền nhớ lại nghiệp đời trước mà được vuợt qua đường sanh tử đầy sợ hãi, lên bờ kia Niết-bàn.

Lúc đó Bồ-tát cần ca-sa, trong thành Vô tỷ có một cư sĩ giàu có, tiền tài, kho lẫm đầy ắp, nhiều quyến thuộc; cư sĩ cưới một cô gái cùng dòng họ làm vợ, cùng chung sống vui vẻ và sanh được tất cả mười con. Họ đều xuất gia và chứng quả Phật Bích chi, khi bà mẹ đem y phục cho họ, họ nói: “chúng con sắp nhập Niết-bàn nên không cần nữa. Sắp tới đây, Thích ca Mâu ni con của vua Tịnh-phạn sẽ chứng quả A-nậu-đa- la-tam-miệu-tam-bồ-đề, mẹ nên cúng y này cho vị ấy, mẹ sẽ được vô lượng phước báo”, nói rồi liền liền hiện mười tám pháp thần biến rồi nhập Niết-bàn vô dư. Người mẹ vì tuổi già, bịnh sắp chết nên dặn dò lại cho con gái rồi qua đời; người con gái sau đó cũng bịnh, trước khi mất quăng y lên cây cao và dặn thần cây dâng y này cho Bồ-tát. Lúc đó vua trời Đế thích nhìn xuống hạ giới, thấy y này trên cây liền hiện xuống lấy y rồi hóa làm một người thợ săn, tay cầm cung tên đi đến chỗ Bồ-tát, Bồ-tát thấy liền nói: “đây là y phục của người xuất gia, y phục ta đang mặc rất quý giá, ông có chịu đổi hay không?”, đáp: “không đổi, vì sao, nếu tôi mặc áo quý giá của ông vào nhân gian, người nhìn thấy sẽ cho là tôi giết ông để lấy áo này”, Bồ-tát nói: “ông nên biết, người trên thế gian đều biết ta có sức mạnh và trí huệ, không ai có thể giết được ta thì ông làm sao giết được ta để lấy y phục này chứ, ông không phải lo sợ”. Lúc đó vua trời Đế thích quỳ xuống dâng y cho Bồ-tát, Bồtát mặc vào nhưng vì y nhỏ hơn so với thân lượng của Bồ-tát nên Bồ-tát thầm nghĩ: “y này quá nhỏ không thể mặc được, nếu có oai lực xin cho y này rộng lớn ra để che kín thân ta”, nhờ oai lực của Bồ-tát và chư thiên nên y liền rộng lớn ra cho vừa với thân lượng của Bồ-tát. Bồ-tát lại suy nghĩ: “ta đắp y này đã đủ tướng xuất gia, ta nên cứu vớt những người khổ não”, nghĩ rồi liền đưa y phục quý giá đã mặc trước đó cho vua trời Đế thích; vua trời Đế thích đem về cõi trời Tam thập tam cúng dường. Ở nơi đổi y này, các cư sĩ, trưởng giả, Bà-la-môn tín tâm xây lên một bảo tháp gọi là tháp thọ y xuất gia để cúng dường. Lúc đó Bồ-tát đắp ca-sa du hành khắp nơi trong rừng hoang dã, tới chỗ của tiên nhân Bà già bà, thấy tiên đang đứng chống tay vào má suy tư liền hỏi: “Đại tiên suy tư điều gì?”, đáp: “nơi tôi ở có nhiều cây Đa la, trước đây hay sanh hoa vàng, trái vàng ; giờ bỗng nhiên hoa quả tự rụng nên tôi suy tư về việc đó”, Bồ-tát nói: “chủ của các cây này vì sợ sanh lão bịnh tử bức bách nên đã xuất gia tu đạo, vì thế hoa quả tự rụng; nếu chủ của các cây này không xuất gia thì sẽ làm vườn ở đây”. Tiên nhơn nghe rồi liền đưa mắt nhìn kỹ Bồ-tát, thấy Bồ-tát dung mạo đoan nghiêm, tự suy nghĩ rồi nói: “người chủ xuất gia đó không lẽ chính là ông sao?”, liền đáp là tôi, tiên vừa ngạc nhiên vừa vui mừng mời Bồ-tát ngồi rồi đem trái cây ra cúng dường. Ngồi một lát, Bồ-tát hỏi: “từ đây cách thành Kiếp-tỷ-la khoảng bao nhiêu dặm?”, đáp là khoảng mười hai dặm, Bồ-tát suy nghĩ: “nơi đây rất gần thành của mình, người thuộc dòng họ Thích rất đông sợ sẽ đến gây phiền phức cho ta, ta nên vượt qua sông Căng già”, nghĩ rồi liền vượt qua sông Căng già đi đến thành Vương xá. Bồ-tát có diệu lực thiện xảo, đầy đủ Nhất thiết trí muốn vào thành khất thực nên lấy mười lá Ca-la tỳ la câu na khâu thành cái bát để khất thực. Lúc đó vua Tần-tỳ-sa-la đang ở trên lầu cao, từ xa nhìn thấy Bồ-tát bước đi trang nghiêm, mặc y Tăng-già-lê như pháp, tay ôm bát, nhìn ngó như pháp với oai nghi tịch tĩnh theo thứ lớp đi khất thực. Vua thấy rồi liền suy nghĩ: “các vị xuất gia trong thành, ta chưa thấy có ai được như vậy”, liền nói kệ:

“Ta khen ngợi xuất gia,
Bậc hiền thiện như thế,
Suy tư về sanh tử,
Nên mới liền xuất gia.
Tại gia gặp các khổ,
Trần cấu đến bức bách;
Xuất gia thọ thiền duyệt,
Người trí thích xuất gia,
Thân tâm đều xuất gia,
Lìa bỏ các việc ác,
Khẩu nghiệp cũng thanh tịnh,
Chánh mạng tự sinh sống.
Thánh giả tới Ma kiệt,
Vào trong thành Vương xá,
Nhiếp tâm nơi thiền niệm,
Theo thứ lớp khất thực.
Quốc vương trên lầu cao,
Từ xa thấy Thánh giả,
Liền sanh tâm hoan hỉ.
Bảo các cận thần rằng:
Hãy nhìn Thánh giả kia,
Đầy đủ tướng thù thắng,
Dung mạo rất đoan nghiêm,
Ngó đất đi như pháp,
Không nhìn ngó hai bên,
Không phải dòng hạ tiện.
Vua sai sứ đi theo,
Xem Thánh giả ở đâu.
Sứ liền vâng lịnh vua,
Đi theo sau Thánh giả,
Để xem Thánh giả này,
Sẽ dừng ở chỗ nào.
Thánh giả theo thứ lớp,
Khất thực qua sáu nhà,
Trong bát đầy thức ăn,
Tay ôm bát như pháp,
Thánh giả khất thực xong,
Lặng lẽ ra khỏi thành,
Đến trong rừng Bát trà,
Thanh tịnh tự dừng nghỉ.
Sứ giả biết chỗ rồi,
Liền sai một người giữ,
Một người trở về thành,
Tâu với nhà vua rằng:
Thánh giả kia đang ở,
Trong núi rừng Bát trà,
Dáng ngồi như mãnh hổ,
Như Sư tử trong núi.
Vua nghe xong lời này,
Liền lên xe báu đi,
Cùng với các cận thần,
Đến chỗ Bồ-tát ở.
Khi đến núi Bàn trà,
Vua liền bước xuống xe,
Đi bộ về phía trước,
Thấy Bồ-tát đang ngồi,
Vua cung kính thăm hỏi,
Rồi ngồi xuống đối diện,
Thấy Bồ-tát tịch tĩnh,
Vua liền cất tiếng hỏi:
Hỡi Bí-sô trẻ tuổi,
Đang trong lúc cường tráng,
Đoan nghiêm nhiều tài nghệ,
Sao lại đi khất thực?
Ông thuộc chủng tộc nào
Tôi sẽ cho ruộng vườn,
Và cấp cho thể nữ,
Tất cả đều đầy đủ.
Bồ-tát vừa nghe xong,
Liền nói kệ đáp rằng:
Đại vương, có một nước,
Ở dưới chân Tuyết sơn,
Tài thực đều sung túc,
Tên là Kiều-tát-la,
Cam giá, Kiều-đáp-ma ,
Thuộc chủng tộc Thích ca .
Tôi dòng Sát-đế-lỵ ,
Không thích dục thế gian.
Những người ở đất liền,
Núi rừng và bãi biển,
Dù có đủ châu báu,
Vẫn chưa thỏa lòng tham.
Như củi ném vào lửa,
Tham dục cũng như vậy.
Trong đường hiểm sợ hãi,
Người đi thường lo sợ.
Các dục, khổ là gốc,
Che lấp các pháp lành.
Tôi bỏ nhà xuất gia,
Nhàm lìa các tham dục,
Giống như núi Tuyết lớn,
Gió thổi không thể động.
Tâm tôi nương giải thoát,
Dục không kéo lôi được.
Chạy theo dục thế gian,
Sanh tử thường luân chuyển.
Chỉ riêng tôi có thể,
Giải thoát các sợ hãi,
Vì biết lỗi của dục,
Thấy Niết-bàn tịch tĩnh,
Nay tôi đã xả ly,
Trụ thanh tịnh an lạc”.

Vua Tần-tỳ-sa-la nghe rồi liền hỏi: “Ngài xuất gia tu khổ hạnh để cầu điều gì?”, đáp là cầu chứng quả A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề, vua nói: “nếu Ngài đắc đạo xin hãy nhớ đến tôi”, đáp: “sẽ như nguyện của vua”.

Sau đó Bồ-tát đi đến rừng tiên nhơn bên núi Kỳ-xà-quật, đến nơi Bồ-tát cũng đi đứng nằm ngồi như các tiên ; thấy họ tu khổ hạnh thường co một chân cho đến một canh mới nghỉ, Bồ-tát cũng co một chân cho đến hai canh mới nghỉ; thấy họ dùng năm thứ lửa đốt thân cho đến một canh mới nghỉ, Bồ-tát cũng dùng năm thứ lửa đốt thân cho đến hai canh mới nghỉ… Bồ-tát hành khổ hạnh đều gấp đôi họ khiến họ cùng bàn tán: “đó là đại Sa môn trì hạnh”, nhơn đây Bồ-tát được gọi là Đại Sa môn. Lúc đó Bồ-tát hỏi các tiên: “các vị tu khổ hạnh như thế để cầu việc gì?”, một vị đáp là cầu làm vua trời Đế thích, vị khác đáp là cầu làm vua trời Đại phạm, vị khác đáp là cầu làm Ma vương cõi Dục. Bồ-tát nghe rồi liền suy nghĩ: “các tiên này mãi luân hồi trong còi trời người không ngừng dứt, đây là tà đạo, không phải đạo thanh tịnh”, nghĩ rồi liền bỏ đi đến chỗ tiên Ca-la la. Đến nơi liền chắp tay cung kính hỏi: “thầy của đại tiên là ai, tôi muốn cùng tu phạm hạnh”, tiên đáp: “này Kiều-đápma, tôi không có thầy, ông muốn học thì tùy ý”, lại hỏi: “đại tiên đạt được quả gì?”, đáp là đạt được tới Vô tưởng định, Bồ-tát nghe rồi liền suy nghĩ: “ vị tiên này có lòng tin, ta cũng có lòng tin; tiên có tinh tấn, niệm, thiện, trí… thì ta cũng có. Tiên được những trí huệ ấy cho đến được Vô tưởng định, lẽ nào ta không chứng đắc được những pháp đó hay sao”, nghĩ rồi Bồ-tát lặng lẽ nhớ nghĩ các pháp ấy, muốn đắc pháp chưa đắc, muốn chứng pháp chưa chứng, muốn thấy pháp chưa thấy. Bồ-tát một mình ở nơi chỗ yên tĩnh tinh tấn chuyên niệm đạo ấy, không bao lâu sau liền thấy được pháp, chứng được pháp. Chứng đắc pháp ấy rồi liền đi đến chỗ tiên Ca-la la nói rằng: “đại tiên tu các pháp này cho đến được Vô tưởng định là tự được phải không?”, đáp là tự được, Bồ-tát nói: “những trí huệ ấy cho đến Vô tưởng định, tôi cũng đã tự chứng được”, tiên nghe rồi liền nói: “Kiều-đáp-ma, ông đã chứng đắc, tôi cũng chứng đắc ; tôi đã chứng đắc, ông cũng đã chứng đắc. Vậy hai chúng ta cùng dạy pháp ấy cho các đệ tử ở đây, vì hai chúng ta cùng chứng được một pháp”. Tiên Ca-la-la này là A-giá-lợi-da đầu tiên của Bồ-tát, do trí huệ của Bồ-tát nên vị tiên này hoan hỉ cúng dường và thân thiết cùng ở chung. Lúc đó Bồ-tát suy nghĩ: “đạo này không phải tri huệ, không phải chánh kiến, không thể đắc quả A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề, vì chưa phải là đạo giải thoát”, nghĩ rồi liền từ giã tiên Ca-la la đi đến chỗ tiên Thủy thác đoan nghiêm (xưa gọi là Uất đầu lam phất là sai). Đến nơi, Bồ-tát liền chắp tay cung kính hỏi: “thầy của đại tiên là ai, tôi muốn cùng tu phạm hạnh”, tiên đáp: “này Kiều-đáp-ma, tôi không có thầy, ông muốn học thì tùy ý”, lại hỏi: “đại tiên đạt được quả gì ?”, đáp là đạt được tới Phi phi tưởng định, Bồ-tát nghe rồi liền suy nghĩ: “ vị tiên này có lòng tin, ta cũng có lòng tin ; tiên có tinh tấn, niệm, thiện, trí … thì ta cũng có. Tiên được những trí huệ ấy cho đến được Phi phi tưởng định, lẽ nào ta không chứng đắc được những pháp đó hay sao”, nghĩ rồi Bồ-tát lặng lẽ nhớ nghĩ các pháp ấy, muốn đắc pháp chưa đắc, muốn chứng pháp chưa chứng, muốn thấy pháp chưa thấy. Bồ-tát một mình ở nơi chỗ yên tĩnh tinh tấn chuyên niệm đạo ấy, không bao lâu sau liền thấy được pháp, chứng được pháp. Chứng đắc pháp ấy rồi liền đi đến chỗ tiên Thủy thác đoan nghiêm nói rằng: “đại tiên tu các pháp này cho đến được Phi phi tưởng định là tự được phải không?”, đáp là tự được, Bồ-tát nói: “những trí huệ ấy cho đến Phi phi tưởng định, tôi cũng đã tự chứng được”, tiên nghe rồi liền nói: “Kiều-đáp-ma, ông đã chứng đắc, tôi cũng chứng đắc; tôi đã chứng đắc, ông cũng đã chứng đắc. Vậy hai chúng ta cùng dạy pháp ấy cho các đệ tử ở đây, vì hai chúng ta cùng chứng được một pháp”. Lúc đó Bồ-tát suy nghĩ: “đạo này không phải trí huệ, không phải chánh kiến, không thể đắc quả A-nậu-đa-la-tam-miệutam-bồ-đề, vì chưa phải là đạo giải thoát”, nghĩ rồi liền từ giã tiên Thủy thác đoan nghiêm ra đi, đây là A-giá-lợi-da thứ hai của Bồ-tát.

Lúc đó vua Tịnh-phạn nhớ nghĩ đến Bồ-tát nên sai sứ đi khắp nơi tìm kiếm, khi nghe tin Bồ-tát đã từ giã tiên Thủy thác, một mình đi trong rừng núi không có người hầu; vua liền sai batrăm đồng tử đi theo hầu hạ Bồ-tát, vua thành Thiên thị cũng sai hai trăm đồng tử, tổng cộng có năm trăm đồng tử vây quanh hầu cận Bồ-tát ở trong rừng. Bồ-tát liền suy nghĩ: “ta muốn được yên tĩnh trong núi rừng để cầu pháp Cam lồ thì không thể để nhiều người vây quanh ta như thế, ta chỉ nên giữ lại năm người”, nghĩ rồi liền giữ lại hai người thuộc họ mẹ và ba người thuộc họ cha; số còn lại đều bảo quay trở về nước. Lúc đó Bồ-tát cùng năm người này du hành về phía Nam thành Già da, đến tụ lạc Ô lưu tần loa tây na da ni. Sau khi xem xét chung quanh, họ chọn một nơi bên bờ sông Ni-liên-thiền; nơi đây có cây cối tốt tươi và nước trong mát, đáy sông toàn là cát, trên bờ đất bằng phẳng, nước sông đầy nên dễ lấy nước; trên bờ cỏ xanh mọc khắp nơi với nhiều loại hoa thù thắng. Bồ-tát suy nghĩ: “nơi đây thù thắng thích hợp cho người tu thiện huệ, ta nên dừng ở noi đây tu thiền định chặt đứt các phiền não”, nghĩ rồi liền ngồi dưới một gốc cây, điều khí nhiếp niệm nơi tâm để điều phục, đè nén và quở trách vọng tâm, khiến cho các lỗ chân lông đều toát mồ hôi; giống như tráng sĩ tóm lấy người yếu lôi kéo, đè ép làm não loạn tâm người kia, khiến cho toàn thân người ấy toát mồ hôi. Bồ-tát chế phục thân tâm cũng như vậy, lúc đó Bồ-tát càng tinh tấn không gián đoạn nên thân được khinh an không còn chướng ngại và tâm được an định không còn nghi hoặc. Bồ-tát chịu đựng cực khổ, khổ khổ và bất lạc khổ, các khổ như thế nhưng tâm vẫn không trụ được chánh định. Bồ-tát liền suy nghĩ: “ta nên đóng kín các căn không cho buông lung xao động để trụ nơi tịch tĩnh”, nghĩ rồi liền nhiếp hơi thở không thở ra thở vô, do không thở ra nên khi xông lên đảnh đầu khiến Bồ-tát đau đớn như bị lực sĩ dùng mỏ sắt gõ vào đầu. Lúc đó Bồ-tát càng tinh tấn không gián đoạn nên thân được khinh an không còn chướng ngại và tâm được an định không còn nghi hoặc. Bồ-tát chịu đựng cực khổ, khổ khổ và bất lạc khổ, các khổ như thế nhưng tâm vẫn không trụ được chánh định; vì sao, vì đã huân tập từ nhiều đời. Bồ-tát liền suy nghĩ: “ta nên đóng bít các căn nhiếp hơi thở vào bên trong để nhập thiền định”, nghĩ rồi liền nhiếp hơi thở không thở ra thở vô nên khí từ trên đảnh đầu trở xuống xông vào lỗ tai, giống như miệng túi được bơm hơi vào đầy. Bồ-tát chịu đủ các khổ như vậy vẫn không nhập chánh định, vì sao, vì đã huân tập từ nhiều đời. Bồ-tát lại suy nghĩ: “ta nên tinh tấn gấp bội, nhiếp khí ở bên trong làm cho nó trương đầy lên để nhập thiền định”, nghĩ rồi liền đóng các căn nhiếp khí lại, khiến khí từ lỗ tai trở xuống bụng tràn đầy trong ngũ tạng, bụng bị trương đầy lên như cái túi đầy. Bồ-tát chịu đủ các khổ như vậy nhưng vẫn không trụ chánh định, vì sao, vì đã huân tập từ nhiều đời. Bồ-tát lại nghĩ: “ta phải nổ lực thêm làm cho trương đầy để nhập định”, Bồtát liền ngưng thở khiến cho khí xông trở lên đảnh, đảnh đầu đau đớn giống như bị lực sĩ dùng dây siết chặt lại. Bồ-tát chịu đủ các khổ như vậy nhưng vẫn không trụ chánh định, vì sao, vì đã huân tập từ nhiều đời. Bồ-tát lại nghĩ: “ta nên nổ lực dụng công gấp bội để nhập định”, lúc đó khí lại trở xuống trương đầy ở bụng làm cho bụng đau đớn; giống như bị người mổ trâu dùng dao bén rạch bụng. Bồ-tát chịu đủ các khổ như vậy vẫn không trụ chánh định, vì sao, vì đã huân tập từ nhiều đời. Bồ-tát lại nghĩ: “ta nên tinh tấn gấp bội làm cho trương đầy để nhập định”, lúc đó khí tràn khắp thân khiến thân nóng hừng hực như bị hai lực sĩ ép đưa vào trong lò lửa. Bồ-tát chịu đủ các khổ như vậy nhưng vẫn không trụ được chánh định, vì sao, vì đã huân tập từ nhiều đời. Bồ-tát lại suy nghĩ: “ta nên đoạn ăn uống”, nghĩ rồi liền ngừng ăn uống, chư thiên liền đến nói với Bồ-tát: “nếu Bồ-tát không thích thức ăn uống của loài người thì chúng tôi sẽ rót nước cam lồ vào lỗ chân lông của Bồ-tát”, Bồ-tát suy nghĩ: “mọi người đều biết ta đã ngừng ăn uống, nếu ta thọ nước cam lồ tức là ta vọng ngữ, khiến cho chúng sanh sanh tà kiến; sau khi chết ta sẽ bị đọa vào địa ngục, ta không nên thọ nước cam lồ; nhưng ta nên mỗi ngày thọ một ít thức ăn của loài người như mè, đậu”, nghĩ rồi liền không thọ chư thiên thỉnh và mỗi ngày chỉ thọ một ít mè, đậu. Dần dần thân thể tay chân của Bồ-tát ốm tong teo không còn thịt, các bộ phận trên thân đều khô gầy giống như người già tám mươi tuổi. Do ăn ít nên đỉnh đầu khô lại như trái bầu chưa chín đã cắt đứt cuống nên khi gặp nắng bị khô teo lại. Do ăn ít nên mặt thụt sâu vào trong như người bị móc mắt… cho đến hai bên hông, da xương đều khô đét lồi lõm giống như nhà lá batrăm năm. Lúc đó Bồ-tát càng tinh tấn không gián đoạn nên thân được khinh an không còn chướng ngại và tâm được an định không còn nghi hoặc. Bồ-tát chịu đựng cực khổ, khổ khổ và bất lạc khổ, các khổ như thế nhưng tâm vẫn không trụ được chánh định; vì sao, vì đã huân tập từ nhiều đời. Lúc đó xương sống của Bồ-tát bị cong lại như cái đàn Không hầu, muốn đứng dậy thì lại nằm bẹp xuống, muốn ngồi lên thì lại ngã nhào xuống, muốn đứng thẳng lưng cũng không được như ý. Bồ-tát liền suy nghĩ: “pháp ta đang tu không phải là chánh trí, không phải là chánh kiến, không thể chứng được quả A-nậu-đa-la-tam-miệutam-bồ-đề”.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20