CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA PHÁ TĂNG SỰ

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường – TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh – năm 2009

Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 12

Lúc đó Phật tại thành Thất-la-phiệt, khi Bồ-tát vượt thành xuất gia thì phu nhân Da-du-đà-la vừa mới có thai; khi Bồ-tát tu khổ hạnh sáu năm thì ở trong cung, Da-du-đà-la cũng tu khổ hạnh nên khiến cho thai ẩn mất. Khi Bồ-tát thấy việc tu khổ hạnh không có lợi ích liền từ bỏ, trở lại ăn uống các thức ăn ngon để bồi dưỡng thân, dùng dầu thoa thân và tắm rửa sạch sẽ. Da-du-đà-la nghe biết việc này cũng từ bỏ khổ hạnh, buông thả thân tâm giống như Bồ-tát; do đó thai nhi phát triển trở lại và ngày lớn dần lên. Những người trong dòng họ Thích nghe biết việc này đều chê cười phỉ báng rằng: “Bồ-tát xuất gia tu khổ hạnh, cô ở trong cung tư thông với người khác mang thai như thế”, Da-du-đà-la nghe rồi liền nói là tôi không có. Thời gian sau sanh con gặp lúc Lahầu-la lấy tay che mặt trăng (nguyệt thực), vua tập họp quyến thuộc làm lễ ăn mừng và đặt tên cho đứa bé, mọi người nói khi đứa bé sanh gặp La-hầu-la lấy tay che mặt trăng nên đặt tên là La-hầu-la; những người trong dòng họ Thích đều bàn tán với nhau là đứa bé không phải con của Bồ-tát. Da-du-đà-la nghe rồi liền khóc nức nở, bồng La-hầu-la đặt trên phiến đá mà Bồ-tát thường ngồi nghỉ ngơi rồi bỏ xuống ao, nơi mà Bồ-tát thường tắm, cất tiếng thề rằng: “nếu đứa bé này là con của Bồ-tát thì khi bỏ xuống nước, nó liền nổi; nếu không phải là con của Bồ-tát thì nó chìm xuống”, thề xong, La-hầu-la ở trên phiến đá đều nổi trên mặt nước không chìm. Da-du-đà-la lại nói: “hãy trôi từ bờ này tới bờ kia rồi trở lại”, nói rồi liền thấy La-hầu-la ở trên phiến đá trôi từ bờ này đến bờ kia rồi trở lại, mọi người thấy việc này rồi đều cho là hi hữu. Da-du-đà-la bồng con lên và suy nghĩ: “Bồ-tát tu khổ hạnh sáu năm, sau khi thành chánh giác giáo hóa sau năm sẽ trở lại đây, lúc đó ta sẽ làm cho mọi người thấy rõ thực hư”.

Thời gian sau, Phật trở lại thành Kiếp-tỷ-la, một ngày thọ thực ở vương gia, một ngày thọ thực ở trong cung, Da-du-đà-la liền suy nghĩ: “ta làm phương tiện gì khiến Thế tôn hiểu ý muốn của ta”. Lúc đó ở trong thành có một nữ ngoại đạo giỏi pháp thuật, Da-du-đà-la sai sứ đem năm trăm đồng tiền vàng đến nhờ bà ta làm pháp thuật, bà ta chế ra một viên thuốc đưa cho sử giả. Da-du-đà-la nhận thuốc liền ở trước các cung nhân đặt viên thuốc vào tay của La-hầu-la rồi nói: “con hãy đem viên thuốc này cho cha của con”. Phật có đủ Nhất thiết trí biết rõ khi Da-du-đà-la sanh La-hầu-la đã bị chê cười phỉ báng nên hôm nay muốn giải trừ lời phỉ báng này. Phật quán biết rồi liền hóa ra năm trăm hóa Phật giống như nhau, La-hầu-la cầm viên thuốc đi qua từng vị hóa Phật nhưng đều không đưa viên thuốc, khi đến chỗ Thế tôn liền đưa viên thuốc, Phật thọ viên thuốc rồi đưa lại cho La-hầu-la, La-hầu-la liền lấy uống, Phật chú nguyện cho La-hầu-la rồi đứng dậy đi, La-hầula đi theo; các thể nữ không cho La-hầu-la ra khỏi cung, La-hầu-la khóc la đòi đi theo. Phật quán biết La-hầu-la không thích đời sống thế tục, sẽ không thọ thân sau và sẽ được chứng Thánh quả nên dẫn La-hầu-la đi. Do túc duyên cảm ứng nên La-hầu-la có thể nhận biết Thế tôn trong năm trăm vị hóa Phật và không chịu xa lìa. Vua Tịnh-phạn cùng các quyến thuộc và những người thuộc dòng họ Thích thấy việc này rồi đều kính trọng Da-du-đà-la vì biết trước đây cô bị phỉ báng là oan uổng. Lúc đó Da-du-đà-la biết tiếng xấu đã được giải trừ nên rất vui mừng.

Trở về trú xứ, Phật muốn độ La-hầu-la; vua Tịnh-phạn nghe tin này liền đến chỗ Phật đảnh lễ rồi nói: “nếu Thế tôn muốn độ La-hầu-la thì xin cho tôi được cúng dường một ngày”, Phật nhận lời. Vua Tịnhphạn liền vì La-hầu-la mở hội cúng dường, qua hôm sau mới dẫn Lahầu-la đến chỗ Phật bạch rằng: “Thế tôn tùy ý cho La-hầu-la xuất gia”, Phật bảo tôn giả Xá-lợi-phất cho La-hầu-la được xuất gia như pháp, Xá-lợi-phất vâng lời Phật dạy liền cho La-hầu-la xuất gia như pháp. Lúc đó các Bí-sô đều có nghi thỉnh hỏi Phật: “Thế tôn, do nhân duyên gì đồng tử La-hầu-la có thể nhận biết Thế tôn trong số năm trăm vị hóa Phật để đưa viên thuốc?”, Phật nói: “không phải chỉ ngày nay La-hầula có thể nhận biết ta mà vô lượng kiếp trong quá khứ, cũng đã nhận biết được ta trong số đông người để đưa cho ta vòng hoa. Các thầy lắng nghe:

Thuở xưa trong một ngôi làng có một trưởng giả cưới con gái của một trưởng giả gần nhà làm vợ, không bao lâu sau người vợ mang thai và sanh một con trai. Người chồng nói: “chúng ta nay đã có con, không thể ngồi không mà tiêu hết tài sản đã có. Nay tôi đem một ít đi ra biển mua bán, nàng ở nhà nuôi con cho đến trưởng thành”, người vợ nói sẽ làm theo như lời người chồng dặn. Không ngờ người chồng ra biển gặp phải gió bão làm đắm thuyền, người và của đều chìm xuống biển. Ngươi vợ thủ tiết, đi làm mướn và nhờ quyến thuộc giúp đỡ để nuôi con khôn lớn. Gần nhà có người thợ dệt giỏi, tự mưu sinh bằng nghề của mình; người vợ thấy rồi liền suy nghĩ: “ra biển mua bán không bằng làm thợ dệt có tay nghề giỏi; người đi biển phần nhiều đều bị chết không thể trở về, còn làm nghề dệt thường được ở nhà. Ta nên cho con ta theo học nghề dệt”, nghĩ rồi liền dẫn con đến nhà người thợ dệt yêu cầu dạy nghề cho con mình, người thợ dệt nhận lời. Nhờ thông minh tháo vát nên không bao lâu sau người con học nghề dệt thành tài, tiền kiếm được khi dệt cùng người thợ dệt đem về nhà nhưng trước sau vẫn không đủ tiêu dùng. Thấy người thợ dệt tiêu dùng dư dã liền hỏi nguyên do, người thợ dệt nói: “cậu làm hai nghề nên dư dã, cháu chỉ làm một nghề nên không đủ tiêu dùng”, người cháu lại hỏi: “nghề thứ hai của cậu là gì?”, đáp: “ban đêm ta đi ăn trộm”, người cháu đòi đi theo, người cậu nói: “cháu không ăn trộm được”, người cháu nói là có thể, người cậu suy nghĩ: “ta nên thử trước”, nghĩ rồi liền dẫn người cháu vào chợ mua một con thỏ rồi bảo: “cháu hãy làm thịt, cậu đi tắm rồi sẽ đến cùng ăn”. Người cháu làm thịt thỏ rồi ngồi chờ, trong lúc chờ liền ăn trước một chân thỏ, khi người cậu tắm xong trở ra thấy con thỏ thiếu một chân liền hỏi: “còn cái chân thứ tư đâu?”, đáp: “con thỏ này chỉ có ba chân”, người cậu nghe rồi liền suy nghĩ: “trước nay ta là kẻ trộm, đứa cháu này còn trộm giỏi hơn ta”, nghĩ rồi liền mang thịt thỏ cùng vào một quán rượu kêu rượu uống; uống xong, người cậu bảo người cháu trả tiền, người cháu nói: “người nào uống thì người đó trả tiền, cháu không có uống, cậu uống thì cậu tự trả tiền”, người cậu suy nghĩ: “đứa cháu này nếu cho đi chung thì có thể ăn trộm được”. Đêm đó hai cậu cháu khoét vách định vào nhà người ăn trộm, người cậu định chui đầu vào nhà, người cháu nói: “cậu không rành cách ăn trộm, vì sao cậu lại chui đầu vào trước, điều này không tốt, cậu nên đưa chân vào trước”, người cậu nghe rồi liền đưa chân vào trước. Không ngờ chủ nhà phát hiện la lên và mọi người cùng nắm lấy chân kẻ trộm, người cháu ở ngoài cố kéo người cậu ra nhưng không kéo nổi; sợ bị liên lụy nên người cháu cắt lấy đầu người cậu và ôm đầu bỏ chạy. Sự việc này tâu lên vua, vua nghe rồi nói với quần thần: “người cắt đầu mang đi mới thật là đại tặc. Các khanh đem xác của tên trộm này để ở ngã tư đường rồi bí mật theo dõi, nếu có đến bên xác than khóc muốn mang xác đi thì bắt giữ ngay tên trộm đó”. Quần thần vâng lịnh vua làm y như vậy, người cháu suy nghĩ: “ta không nên đến ôm xác của cậu liền, ta nên giả điên đứng ở ngã tư đường hoặc ôm người nam, người nữ, hoặc ôm cây đá, hoặc ôm bò ngựa, hoặc ôm heo chó…”, nghĩ rồi liền làm y như vậy, mọi người đều cho là điên không để ý tới, lúc đó người cháu mới tới ôm xác người cậu than khóc rồi đi. Quần thần tâu vua: “chỉ có một người điên tới ôm xác than khóc chớ không có ai khác”, vua nói: “đó chính là tên cẩu tặc, vì sao không bắt giữ nó”. Lúc đó người cháu suy nghĩ: “ta nên hỏa táng người cậu”, nghĩ rồi liền giả làm người đánh xe chở trên xe đầy củi, cho xe chạy đến bên xác chết, đến nơi liền mở dây cột bò rồi phóng lửa đốt xe củi, xác chết cũng được thiêu hóa luôn. Người canh giữ xác chết đem việc này đến tâu vua, vua nói: “đó chính là tên cẩu tặc, vì sao không bắt giữ nó”. Lúc đó người cháu lại suy nghĩ: “ta nên cúng tế ở chỗ hỏa táng”, nghĩ rồi liền giả làm một Bà-la-môn tịnh hạnh đi khất thực trong thành, cuối cùng đến chỗ hỏa táng để thức ăn ở năm chỗ để cúng tế người cậu rồi bỏ đi. Người canh giữ lại đem việc này tâu vua, vua nói: “đó chính là tên cẩu tặc, vì sao không bắt giữ nó, thật tệ”. Lúc đó người cháu lại nghĩ: “ta nên đem xương cốt của cậu rải xuống sông Căng già”, nghĩ rồi liền giả làm một ngoại đạo thờ đầu lâu đi đến chỗ tro xương, nhặt lấy xương cốt bỏ vào đầu lâu rồi đem bỏ xuống sông Căng già. Người canh giữ lại đem việc này tâu vua, vua nói: “đó chính là tên cẩu tặc, vì sao không bắt giữ nó, thật tệ. Các ngươi hãy thôi, chính ta sẽ bắt giữ tên cẩu tặc đó”, lúc đó vua đi thuyền dọc theo bờ sông Căng già với nhiều thị vệ, trên bờ sông lại cho người canh bắt. Vua có một công chúa xinh đẹp cũng đi thuyền du ngoạn trên sông, thuyền của cô cách thuyền của vua không xa, vua nói: “nếu có chuyện gì thì con phải la to lên”, vua lại dặn lính canh: “nếu nghe công chúa la lên thì nên chạy đến ngay, nếu thấy có người lạ thì phải bắt ngay”. Lúc đó tên cẩu tặc suy nghĩ: “vua và công chúa du ngoạn trên sông, ta nên đùa cợt cô ấy”, nghĩ rồi liền ở trên thượng lưu của sông thả xuống cái nồi đất cho trôi theo dòng nước, lính canh thấy cái nồi đất cho là cẩu tặc liền tranh nhau đập vỡ nồi, mới biết là không phải; cứ như thế đến hơn mười lần khiến lính canh thấy nồi đất trôi xuống không thèm đập nữa. Lúc đó tên cẩu tặc mới đội cái nồi trên đầu bơi theo dòng đến thuyền của công chúa, cầm dao bén đến bên công chúa nói: “không được la, nếu la ta sẽ giết”, công chúa sợ hãi không dám la. Sau đó tên cẩu tặc cùng công chúa giao hoan rồi bỏ đi, công chúa thấy cẩu tặc bỏ đi rồi mới khóc la lên nói là bị cẩu tặc cưỡng hiếp. Lính canh nói: “lúc cùng tên cẩu tặc thọ lạc thì cô im lặng, giờ hắn đi rồi cô mới kêu la, chúng tôi biết hắn ở đâu mà bắt giữ”, nói rồi liền đem việc này tâu vua, vua nói: “sao các ngươi không canh giữ cẩn thận để đến nổi như thế”. Sau đó công chúa có mang, đủ mười tháng sanh một bé trai; nghe công chúa sanh con, tên cẩu tặc suy nghĩ: “ta nên làm lễ hội ăn mừng con ta”, nghĩ rồi liền giả làm người phục dịch từ trong cung vua bước ra bảo mọi người: “vua ra lịnh công chúa sanh con, mọi người trong nước nên vui vẻ ăn mừng, tối nay được mặc tình lấy trộm y phục, các vật dụng… của nhau”, mọi người nghe rồi liền vui vẻ ăn mừng, tiếng ồn ào thấu đến trong cung vua, vua hỏi rõ nguyên do liền biết là việc làm của tên cẩu tặc. Lúc đó vua suy nghĩ: “nếu ta không bắt được tên cẩu tặc này ta sẽ bỏ ngôi”, nghĩ rồi vua cho xây một ngôi nhà lớn, xây vừa xong thì đứa bé được sáu tuổi. Vua bảo quần thần đánh trống ra lịnh tất cả người nam trong nước phải đến tụ tập trong ngôi nhà lớn đó, người nào không đến thì bắt giết. Lúc đó tất cả người nam trong nước đều đến tụ tập trong ngôi nhà lớn đó, trong đó có cả tên cẩu tặc. Vua đưa vòng hoa cho đứa bé nói rằng: “con hãy cầm vòng hoa này đi vào trong đám người đó, nếu nhận biết người nào là cha con thì hãy đưa vòng hoa này cho người đó”, vua lại bảo thị vệ: “các ngươi đi theo đứa bé, nếu thấy nó đưa vòng hoa cho ai thì liền bắt giữ người ấy”. Đứa bé vâng lời cầm vòng hoa đi vào trong đám đông, do nghiệp lực nó nhận biết người cha và đưa vòng hoa cho, các thị vệ liền bắt giữ và đưa đến chỗ vua. Vua suy nghĩ có nên giết tên cẩu tặc này hay không, lại nghĩ hắn là người có trí huệ không nên giết; nghĩ rồi liền tha tội chết, gả công chúa và cấp cho cả hai nửa nước.

Phật bảo các Bí-sô: “tên cẩu tặc thuở xưa chính là thân ta ngày nay, đứa bé thuở xưa chính là La-hầu-la ngày nay. Thuở xưa đã có thể nhận ra ta và đưa vòng hoa, nay cũng có thể nhận ra ta và đưa viên thuốc. Các thầy nên biết nghiệp lực khó thể nghĩ bàn”.

Lúc đó phu nhân Da-du-đà-la suy nghĩ: “khi cha của La-hầu-la vào trong cung, ta sẽ phương tiện cúng dường hầu hạ không để cho ông ấy ra khỏi cung”, nghĩ rồi liền cùng với hai phu nhân và sáu vạn thể nữ đều trang điểm thật đẹp với đủ loại đồ trang sức và xông đủ loại hương thơm. Sáng sớm hôm đó Phật cùng các Bí-sô đắp y mang bát vào trong cung vua, phu nhân Da-du-đà-la … cùng sáu vạn thể nữ trỗi các loại âm nhạc ca múa ở trước Thế tôn muốn làm cho Phật say đắm. Phật thấy việc này rồi liền suy nghĩ: “giờ thọ thực sắp đến, nếu ta thọ thực trước, không nói pháp cho các nữ nhơn này nghe thì e giờ điều phục họ sẽ trôi qua, tâm dục của họ sẽ tăng thêm, không được lợi ích từ lý Tứ đế. Ta nên dùng thần thông lực để điều phục họ”, nghĩ rồi liền ẩn mất ngay nơi chỗ ngồi, hiện ra ở phương Đông trên hư không đi đứng nằm ngồi tự tại, kế nhập định Hỏa quang trước tiên từ phương Đông hiện các ánh sáng xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng; hoặc hiện biến thần thông như trên thân tuôn ra nước, dưới thân tuôn ra lửa, hoặc trên thân tuôn ra lửa, dưới thân tuôn ra nước. Phương Đông đã như vậy, các phương Nam, Tây, Bắc cũng hiện như vậy; sáu đó ẩn mất trong hư không và hiện ra trên tòa sư tử ngồi trước các Bí-sô. Các người nữ thấy việc này rồi đều gieo mình xuống đất như cây bị đốn ngã ở trước Phật, Phật quán biết ý nhạo tùy miên và tánh giới của họ mà nói lý Tứ đế, nghe xong tất cả đều chứng quả Dự lưu; chỉ riêng có Da-du-đà-la vì tâm đắm nhiễm sâu nên chưa được chứng quả. Sau đó Da-du-đà-la suy nghĩ: “ta sẽ làm các món ăn ngon, người ăn thức ăn này sẽ sanh tâm tham đắm”, nghĩ rồi liền làm các món ăn ngon muốn tự tay dâng cho Thế tôn ăn. Các Bí-sô nghe biết tin này liền bạch Phật, Phật nói: “các thầy nên biết, thuở xưa khi chưa lìa ba độc, các món ăn thơm ngon còn không làm cho ta tham đắm, huống chi ngày nay ta đã lìa ba độc, các món ăn ngon đó há có thể làm ta tham đắm được hay sao”, lúc đó các Bí-sô đều có nghi thỉnh hỏi Phật: “Thế tôn, vì sao Da-du-đà-la nhân lúc họp mặt vui vẻ lại sanh tâm muốn làm cho Thế tôn tham đắm?”, Phật nói: “không phải chỉ ngày nay Da-du-đà-la nhân lúc họp mặt vui vẻ muốn làm cho ta tham đắm, mà thuở xưa cũng vậy. Các thầy lắng nghe:

Thuở xưa trong một ngôi làng, cách làng không xa có một khu rừng với nhiều hoa quả và nước suối trong mát. Trong rừng có một tiên nhân tu khổ hạnh, ăn hoa quả, mặc vỏ cây và chứng được năm thông; cầm thú trong rừng không sợ nên thường đến gần tiên nhân này. Hôm đó, khi tiên nhân đi tiểu tiện bị xuất tinh, có một con nai cái đi theo thấy liền lè lưỡi liếm rồi sau đó liếm nơi sanh môn của mình. Do nghiệp lực không thể nghĩ bàn nên con nai cái này có thai, sau đó sanh con ra là người, nai cái này liền bỏ đứa bé mà đi. Tiên nhân thấy đứa bé không biết là con ai, liền quán biết là con mình nên mang về nuôi dưỡng cho đến năm nó được mười hai tuổi thì trên đầu nó bỗng mọc ra cái sừng, nhân đó nó có tên là Độc giác. Thời gian sau tiên nhân ngã bịnh, Độc giác lo đủ loại thuốc thang nhưng không khỏi, bịnh càng nặng nên trước khi chết tiên nhân nói: “nơi đây thường có các tiên nhân qua lại, con nên đón tiếp thăm hỏi hoặc cúng dường hoa quả”, kế nói kệ:

“Tích tụ đều tiêu tán,
Cao ngất ắt rơi rớt,
Hội họp ắt biệt ly,
Có mạng đều phải chết”.

Tiên nhơn qua đời, Độc giác theo pháp tiên mai táng rồi tư duy và chứng được năm thông. Thời gian sau, Độc giác đi lấy nước rồi trên đường trở về bỗng gặp mưa lớn, đường bùn lầy trơn trợt nên Độc giác té ngã xuống đất làm bình nước vỡ, Độc giác nổi sân chắp tay hướng lên trời chú nguyện : “do trời mưa làm tôi té vỡ bình, từ nay trong mười hai năm trời không được mưa nữa”. Do sức chú nguyện này nên trời không mưa trong một thời gian dài, thành Bà-la-nê-tư bị hạn hán, dân chúng khốn khổ nên rũ nhau bỏ đi sang xứ khác. Lúc đó vua mời các tướng sư đoán xem vì sao trời không mưa, tướng sư nói: “do tiên nhân nổi sân chú nguyện nên trời không mưa”, vua nói: “làm cách nào để trời mưa xuống khiến dân được an vui”, tướng sư nói: “nếu phá được giới hạnh mà tiên nhân đang tu tập thì trời sẽ mưa, nếu không trời sẽ không mưa trong suốt mười hai năm”. Vua nghe rồi ngồi chống cằm suy tư, các hậu phi hỏi nguyên do, vua đem việc trên kể lại rồi nói: “do việc này nên ta ưu tư lo lắng”, vua có công chúa lớn tên là Tịch tĩnh liền nói: “vua cha không phải lo buồn nữa, con có cách làm cho tiên nhân ấy phạm giới hạnh”, vua hỏi cách gì, công chúa đáp: “con đang học chú pháp Bà-lamôn cùng với hai mươi thể nữ khác, vua cha hãy cho cột thuyền trên mặt nước, lót ván trên thuyền rồi cho đổ đất trồng cây với các loại hoa trên đó giống như chỗ ở của tiên nhân. Chúng con sẽ đi thuyền đến chỗ tiên nhân ấy ở, nếu có thể làm cho tiên nhân phạm giới hạnh thì con sẽ dẫn vị ấy về đây”. Vua nghe rồi liền cho làm y như lời công chúa nói, ở trong các loại trái cây và thức ăn uống, công chúa đều bỏ thuốc vào. Sau đó công chúa cùng các thể nữ giả làm tiên nhân, mặc áo vỏ cây và búi tóc ra phía sau rồi xuống thuyền thung dung đi tới chỗ ở của tiên nhân, vừa đi vừa tụng chú pháp Bà-la-môn. Đến nơi, các đệ tử của tiên nhân nhìn thấy liền báo cho thầy biết, Độc giác bảo mời vào nhà; khi các tiên nhân vào nhà, Độc giác vừa nhìn qua dung mạo liền cảm thấy có gì khác lạ nên nói kệ:

“Chưa từng chịu khổ hạnh,
Dáng đi đứng thung dung,
Dưới cằm không mọc râu,
Trước ngực thấy cao thấp,
Tiên này hình dạng khác,
Cảm thấy thật lạ kỳ”.

Tuy nghi nhưng Độc giác vẫn mời ngồi và bảo dọn trái cây tiếp đãi, tiên giả nói: “chỗ của đại tiên chỉ có loại trái cây nhám và đắng, ở chỗ tôi lại có đủ các loại trái cây lạ, mùi vị như cam lồ. Xin mời đại tiên quá bước đến, tôi muốn tiếp đãi”, Độc giác nghe rồi liền đi theo lên thuyền, tiên giả liền mang các loại trái cây đã bỏ thuốc kích thích trong đó để tiếp đãi tiên Độc giác. Độc giác sau khi uống xong liền cùng tiên giả làm việc phi pháp nên bị mất thần thông, sức chú nguyện cũng mất theo. Lúc đó mây mù giăng tứ phía, Độc giác nhìn lên trời oán trách, công chúa liền nói: “anh làm việc phi pháp sao không tự trách lại oán trách trời”, Độc giác nghe rồi liền im lặng. Công chúa dẫn Độc giác trở về cung gặp vua cha nói rằng: “đây là vị tiên đã chú nguyện khiến trời không mưa”. Lúc đó trời mưa xuống nước ngọt khiến dân chúng vui vẻ, lúa mạ được mùa; vua gả công chúa cho Độc giác và cho các thể nữ theo hầu hạ. Thời gian sau Độc giác lơ là với công chúa và yêu thương người nữ khác khiến công chúa tức giận đánh mắng, Độc giác suy nghĩ: “ngày xưa khi trời nổi mây sấm lớn, ta chú nguyện liền ngưng, chỉ vì bị nữ sắc làm liên lụy nên đến nông nỗi này”, nghĩ rồi liền nhàm lìa dục nhiễm, rời bỏ nữ sắc ở chỗ vắng siêng tu thiền định, không bao lâu sau chứng được năm thông, liền nương hư không trở về chỗ cũ.

Phật bảo các Bí-sô: “tiên Độc giác thuở xưa chính là thân ta ngày nay, công chúa Tịch tĩnh chính là Da-du-đà-la ngày nay. Do ngày xưa đã dùng thức ăn uống làm cho ta tham đắm nên ngày nay, nhân họp mặt vui vẻ lại muốn làm cho ta tham đắm”, nói xong Phật liền ra khỏi cung. Lúc đó Da-du-đà-la thấy Phật biết được tâm niệm của mình, biết không thể mong cầu được nữa liền không tiếc thân mạng, lên lầu cao bảy tầng gieo mình xuống; Phật dùng thần lực đỡ lấy khiến cô không bị tổn hại. Mọi người thấy việc này rồi đều hết sức kinh ngạc, các Bí-sô đều có nghi thỉnh hỏi Phật: “có phải vì quá thương mến Thế tôn nên Dadu-đà-la đã không tiếc thân mạng, từ trên lầu cao gieo mình xuống hay không?”, Phật nói: “không phải chỉ ngày nay mà trong quá khứ cũng vì quá thương mến ta mà Da-du-đà-la đã không tiếc thân mạng. Các thầy lắng nghe:

Thuở xưa tại thành Bà-la-nê-tư có vua tên là Phạm thọ, một hôm vua đi săn giết chết rất nhiều chúng sanh. Khi đi đến một hang núi thấy một Khẩn-na-la đang nằm ngủ, vợ Khẩn-na-la ở một bên; vua liền giương cung bắn Khẩn-na-la trúng vào yếu huyệt mà chết, vua muốn bắt vợ của Khẩn-na-la về làm vợ. Vợ Khẩn-na-la tâu vua: “Đại vương cho phép tôi hỏa táng chồng xong, tôi sẽ đi theo vua”, vua suy nghĩ: “nàng ấy làm sao có thể chạy thoát được”, nghĩ rồi liền cho phép cô làm lễ hỏa táng chồng; vợ Khẩn-na-la chất củi hỏa thiêu rồi không tiếc thân mạng nhảy vào lửa chết theo chồng. Lúc đó chư thiên trên hư không nói kệ:

“Muốn cầu mong việc này,
Lại gặp phải việc khác,
Vốn mong âm nhạc trời,
Hai vợ chồng đều chết”.

Phật bảo các Bí-sô: “Khẩn-na-la thuở xưa chính là thân ta ngày nay, vợ Khẩn-na-la chính là Da-du-đà-la. Thuở xưa vì thương mến ta nên lao mình vào lửa cùng chết, nay vì tham Ái nên từ trên lầu cao gieo mình xuống”, Phật lại nghĩ: “muốn giáo hóa Da-du-đà-la phải đúng vào lúc này, mới có thể giúp nàng thoát khỏi biển sanh tử”, nghĩ rồi Phật liền nói lý Tứ đế cho Da-du-đà-la nghe, nghe pháp xong ngay nơi chỗ ngồi liền chứng quả Dự lưu, khởi tâm chánh tín, từ nhà hướng đến chỗ không nhà, siêng năng tu tập không bao lâu sau chứng được quả A-la-hán. Chứng quả rồi ở trong chúng Bí-sô ni, Da-du-đà-la ôm lòng hổ thẹn, Phật bảo các Bí-sô: “trong tất cả Bí-sô ni, Bí-sô ni Da-du-đà-la là người đầy đủ hổ thẹn nhất”. Lúc đó các Bí-sô đều có nghi thỉnh hỏi Phật: “Da-du-đà-la đã tạo nghiệp gì mà mang thai La-hầu-la đến sáu năm?”, Phật nói: “các thầy lắng nghe:

Thuở xưa, trong một ngôi làng có một bà mẹ già với người con gái nuôi rất nhiều bò sữa, hằng ngày vắt lấy sữa làm lạc tương đem bán. Một hôm lúc đang gánh nước sữa, cô gái bỗng lười biếng nên nói dối với mẹ: “con có chút việc, mẹ gánh nước sữa đi trước”, do lười biếng nên bà mẹ đã đi trước sáu dặm, cô vẫn không đuổi theo.

Này các Bí-sô, cô con gái thuở xưa chính lá Da-du-đà-la ngày nay, thuở xưa Do tạo nghiệp này nên nay phải thọ báo mang thai sáu năm”. Các Bí-sô lại có nghi thỉnh hỏi Phật: “La-hầu-la đời trước đã tạo nghiệp gì mà phải ở trong thai sáu năm?”, Phật nói: “là do La-hầu-la tự tạo nghiệp ác, các thầy lắng nghe:

Thuở xưa, cách thành Bà-la-nê-tư không xa có một khu rừng nhiều hoa quả, nơi đó có hai anh em tên là Thương khư và Lý xí đa nhưng Thương khư là thầy, Lý xí đa là đệ tử cùng tu đạo trong rừng, mặc áo vỏ cây, ăn trái cây và các loại dược thảo; vua và dân chúng trong thành đều nghe biết việc này. Một hôm, trời vừa sáng, Thương khư liền đi vào núi hái trái cây với bình đầy nước; Lý xí đa từ canh năm đã đi vào núi trước nhưng lại quên mang theo bình nước, khi hái trái cây xong thấy khát muốn uống nước nhưng không có, liền lấy bình nước của Thương khư uống hết. Thương khư hái trái cây xong thấy khát muốn uống nước thì nước không còn, liền quát lên: “ai đã trộm nước uống của ta”, Lý xí đa nói: “chính em đã uống hết nước, anh cứ phạt em thật nặng”, Thương khư nói: “em vừa là em vừa là đệ tử, cần nước thì cứ lấy uống, không có tội gì cả”, Lý xí đa nói: “em là kẻ trộm, anh cứ phạt em thật nặng, nếu không em không an tâm”, Thương khư nổi giận nói: “ta không thể bắt tội em, nếu em muốn nhận tội thì hãy đi gặp nhà vua mà xin tội”. Lý xí đa nghe rồi liền đi đến chỗ vua, giữa đường gặp vua đang đi săn liền đưa tay chúc nguyện: “chúc nhà vua trường thọ, không bịnh, chiến đấu thường thắng”, rồi nói kệ:

“Bạch vua tôi là giặc,
Uống trộm nước của người,
Xin vua hãy y pháp,
Phạt tôi tội trộm nước”.

Vua nói: “dù có lấy nước uống cũng không gọi là kẻ trộm, nhưng ông lấy nước của ai?”, Lý xí đa đem việc trên kể lại, vua nói: “ông ấy vừa là anh vừa là thầy, ông lấy nước uống cũng không gọi là kẻ trộm. Ông hãy đi đi, việc đó không đáng trị tội”, Lý xí đa nói: “tôi là kẻ trộm, xin vua hãy phạt tôi thật nặng, nếu không tôi không an tâm”, vua liền nổi giận nói: “nếu vậy ông cứ đứng ở đây, đừng đi đâu cả, đợi ta vào núi trở về sẽ xét xử”. Sau khi đi săn xong, vua đi đường khác trở về, quên mất việc bảo Lý xí đa đợi ; như thế trải qua sáu ngày, quần thần mới tâu vua: “vị tiên ấy trải qua sáu ngày nay không dám đi đâu, xin vua hãy xét xử”, vua nói: “trải qua sáu ngày ngư vậy là đã trị phạt rồi, không còn tội nữa, hãy bảo ông ấy đi đi”, quần thần sai sứ đến nói lại lời của vua, Lý xí đa nghe rồi vui vẻ trở về nhà.

Phật bảo các Bí-sô: “vua Phạm thọ thuở xưa chính là La-hầula ngày nay, do ngày xưa nổi giận bảo tiên ấy đứng chỗ đó trải qua sáu ngày nên ngày nay thọ báo ở trong thai sáu năm. Này các Bí-sô, nghiệp đen, trắng hay tạp đều có quả báo ; các thầy nên bỏ nghiệp đen và nghiệp tạp nên tu nghiệp trắng”. Lúc đó các Bí-sô lại có nghi thỉnh hỏi Phật: “cụ thọ Hiền vương đã tạo nghiệp gì mà nay đứng đầu trong các vương tử họ Thích?”, Phật nói: “cụ thọ Hiền vương đã tự gieo trồng phước nghiệp. Các thầy lắng nghe:

Thuở xưa có người nghèo du hành trong nhân gian đến thành Bàla-nê-tư, những người nghèo khác trong thành thấy có người lạ liền đuổi xua đánh đập, bị xua đuổi người nghèo này chạy trốn vào trong vườn của vua. Lúc đó vào mùa xuân, trong vườn hoa nở cây trái sum suê, chim chóc đua nhau bay đến nên vua cùng các thể nữ vào trong vườn thưởng ngoạn. Đi thưởng ngoạn khắp nơi một hồi, vua mệt nên ngủ thiếp; các thể nữ thấy vua ngủ nên tản ra đi hái hoa. Vua chợt tỉnh đậy liền trở về cung, thấy vua trở về, các thể nữ vội vã chạy theo, do vội vã nên một cung nhân đánh rơi chuỗi ngọc anh lạc mà không hay biết. Sau đó người nghèo nhìn thấy chuỗi ngọc liền suy nghĩ: “nếu ta lượm vật này, nếu có người đến tìm, biết ta lấy ta sẽ bị khổ não”, nghĩ rồi liền đem chuỗi ngọc treo trên cây rồi suy nghĩ: “nếu chủ của nó đến lấy thì tùy ý đem đi, nếu không phải thì ta sẽ không cho lấy”. Sau khi trở về cung, người cung nữ đó mới biết là mình mất chuỗi ngọc, nghĩ là rớt trong vườn nên tâu vua, vua bảo người hầu cận: “khanh hãy trở lại trong vườn tìm kiếm chuỗi ngọc anh lạc, đừng để cho mất”, nguời hầu cận dẫn thêm nhiều người đến trong vườn tìm kiếm thì thấy chuỗi ngọc treo ở trên cây, chợt thấy người nghèo gần đó nên hỏi: “ông có thấy ai đã treo chuỗi ngọc này trên cây không?”, người nghèo đem việc trên kể lại. Người hầu cận mang chuỗi ngọc về và đem việc trên kể lại cho vua nghe, vua sai sứ gọi người nghèo đến hỏi: “vì sao trước đây lượm được chuỗi ngọc, ngươi không mang đi lại treo lên cây?”, đáp: “đây là vật quý của vua, tôi vốn nghèo hèn không dám thọ dụng”, vua nghe rồi rất vui lòng liền nói: “người cầu xin điều gì cứ nói, ta sẽ cho ngươi”, đáp: “xin vua bố thí thức ăn uống và y phục cho những người nghèo trong thành này và cho tôi được cầm đầu họ”, vua nghe rồi liền bảo quần thần làm như lời người nghèo cầu xin, quần thần vâng lịnh vua, sau khi bố thí thức ăn và y phục cho những người nghèo trong thành xong liền bảo họ rằng: “theo lịnh vua, người này từ nay là thủ lĩnh của các ngươi, người ấy xử đoán công việc như thế nào đều phải nghe theo”, những người này được cơm áo đều vui mừng và tôn người nghèo kia làm thủ lĩnh. Trước kia ở nơi ngã tư đường, khi những người nghèo này cướp giật thức ăn của người thường bị người đánh mắng; nay thấy vua ban ân nên họ càng lộng hành, người bị cướp giật không dám đánh mắng họ như trước kia. Dân chúng liền đem việc này tâu vua, vua nói: “các vị hãy tự giữ, chớ nên đánh đập họ”. Một hôm trong thành có người đựng bánh và thức ăn trong cái sọt, người nghèo thủ lĩnh liền cướp lấy rồi bỏ chạy, những người khác chạy theo. Chạy đến bên sông, người nghèo thủ lĩnh liền đội sọt bánh lên đầu để bơi qua sông, qua đến bờ kia liền ngồi nghỉ dưới một gốc cây. Thuở đó chưa có Phật ra đời, chỉ có Phật Bích chi xuất hiện làm lợi ích cho hữu tình ; người nghèo thủ lĩnh này nhìn thấy oai nghi cử chỉ của vị Phật Bích chi này liền suy nghĩ: “đời trước ta không biết bố thí nên đời này nghèo hèn cô độc, nếu vị đức hạnh này thọ ta cúng dường thì ta sẽ cúng”. Lúc đó vị Phật Bích chi quán biết được tâm niệm của người nghèo thủ lĩnh kia, vì muốn làm lợi ích nên ôm bát đến trước anh ta xin bánh, người nghèo này vui mừng dâng cúng hết số bánh. Thường pháp của Phật Bích chi là không nói pháp chỉ hiện thần biến, lúc đó vị Phật Bích chi này thân vọt lên không trung hiện các thần biến. Phàm phu khi thấy thần biến thì mau phát nguyện lành, sụp xuống đảnh lễ như cây bị đốn ngã và phát nguyện: “nguyện đem công đức cúng dường Phật Bích chi hôm nay, đời vị lai con được làm vương đứng đầu các vương tử và được gặp Như lai, vượt qua biển sanh tử”. Phát nguyện vừa xong thì những người nghèo kia kéo đến đòi chia bánh, người nghèo thủ lĩnh nói: “tôi đã cúng dường hết cho Phật Bích chi rồi”, lại hỏi: “lúc nãy ông đã phát nguyện gì?”, đáp: “tôi nguyện đời vị lai làm vương đứng đầu các vương tử”, những người nghèo nói: “nếu ông làm vương thì chúng tôi nguyện làm tả hữu”.

Phật bảo các Bí-sô: “người nghèo thủ lĩnh thuở xưa chính là Hiền vương Thích tử ngày nay, những người nghèo thuở xưa chính là năm trăm Thích tử ngày nay. Do Hiền vương thuở xưa phát nguyện nên nay được làm vương đứng đầu các vuơng tử, lại được gặp ta theo xuất gia và chứng quả A-la-hán. Này các Bí-sô, hễ tạo nghiệp thuần đen thì cảm quả báo dị thục thuần đen; tạo nghiệp thuần trắng thì cảm quả báo dị thục thuần trắng ; tạo nghiệp xen tạp thì được quả báo xen tạp, các thầy nên bỏ nghiệp thuần đen và nghiệp xen tạp, phải siêng tu tập chớ có buông lung”.

Phật ở trong rừng Quần xà thôn Na-địa-ca, lúc đó có nhiều bát của Phật và các Bí-sô để trên chỗ đất trống, bỗng có một con vượn từ trên cây Sa la xuống lấy bát. Các Bí-sô liền đánh đuổi, Phật nói: “chớ đánh đuổi, cứ để nó tùy ý lấy, đừng lo nó làm bể”, con vượn lấy bát của Phật rồi leo lại lên cây, trong chốc lát ôm bát đựng đầy mật trở xuống dâng cúng Phật. Trong mật có ong nên Phật không thọ, vượn hiểu ý liền mang bát mật đến chỗ khuất, bắt hết ong ra rồi đem trở lại dâng cúng Phật. Vì mật chưa được tác tịnh nên Phật không thọ, vượn hiểu ý liền mang bát mật đến bên dòng suối trong , lấy nước rưới vào bát mật rồi đem trở lại dâng cúng Phật, Phật thọ bát mật, vượn vui mừng chắp tay nhảy nhót, do không ngó trước sau nên té xuống giếng và qua đời. Thần thức của nó thác sanh vào trong thai của phu nhân một Bà-la-môn thanh tịnh trong thôn. Sau khi nhập thai, nhờ phước nghiệp của nó nên trời mưa mật xuống trong thôn, mọi người hỏi tướng sư là điềm gì, tướng sư nói: “do phước nghiệp của đứa bé trong thai người vợ của Bà-la-môn cảm ứng ra”. Mười tháng sau khi đứa bé chào đời, trời lại mưa mật xuống; sau hai mươi mốt ngày người cha mở tiệc ăn mừng và đặt tên cho đứa bé. Quyến thuộc nói: “khi đứa bé nhập thai cũng như khi chào đời, trời đều mưa mật xuống. Cha nó họ là Bà tất sắc tra, vì vậy nên đặt tên cho nó là Vị độ bà tất sắc tra. (Trung hoa dịch là Tối thắng mật)”. Đứa bé trưởng thành, do nghiệp đời trước nên nó sanh tín tâm đến chỗ Phật nghe pháp và phát tâm xuất gia. Sau khi xuất gia, hằng ngày tự nhiên có ba bát mật, Tối thắng mật đem một bát cúng dường Phật, một bát cúng dường Tăng và một bát cho bà con và bạn hữu. Lúc đó các Bí-sô đều có nghi thỉnh hỏi Phật: “Thế tôn, do nhân duyên gì mà hằng ngày Bí-sô Tối thắng mật đều có ba bát mật như thế ?”, Phật nói: “đó là do Bí-sô Tối thắng mật tự làm phước nghiệp. Này các Bí-sô, trước đây các thầy có thầy một con vượn từ trên cây Sa la xuống lấy bát đựng mật cúng dường cho ta phải không?”, đáp là có thấy, Phật nói: “con vượn đó chính là tiền thân của Bí-sô Tối thắng mật, do trước đây cúng dường mật với lòng tin nên nay được quả báo này. Một ngày nào đó, Bí-sô này không chỉ hằng ngày có thể hóa ra ba bát mật mà nếu muốn làm cho nước trong bốn biển đều thành mật, cũng không có khó khăn gì. Vì sao, vì do cúng dường mật cho Phật nên được phước tăng thượng… cho đến câu các thầy nên xả nghiệp đen và tạp, nên tu nghiệp trắng”.

 

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20