CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA DƯỢC SỰ

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 9

Lúc đó Phật đi đến thành Voi, có một Bà-la-môn thấy Phật có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp trang nghiêm thân, ánh sáng bao quanh trên đảnh rộng một tầm sáng rỡ như trăm ngàn mặt trời, bước đi như núi báu liền nói kệ khen ngợi Phật:

“Thân sắc màu vàng ròng,
Mắt trong và mày rộng,
Thành tựu tâm từ bi,
Đầy đủ các công đức,
Bậc Điều ngự trượng phu,
Là Trời trong loài Trời,
Đã vượt qua biển Hữu”.

Phật nghe kệ rồi liền mĩm cười, thường pháp của Phật là khi Phật mĩm cười, trong miệng phóng ra ánh sáng lớn… giống như đoạn văn trên cho đến câu ánh sáng xoay quanh Phật ba vòng rồi vào đảnh đầu. Lúc đó cụ thọ A-nan-đà bạch Phật: “Thế Tôn Như Lai Ứng chánh đẳng giác vui vẻ mĩm cười chẳng phải là không có nhơn duyên”, liền nói kệ thỉnh Phật:

“Trên khuôn mặt Thế tôn,
Phát ra ngàn hào quang,
Như mặt trời mới mọc,
Chiếu sáng khắp 10 phương.
Lìa bỏ tâm kiêu mạn hạ liệt,
Chư Phật tối thượng trên thế gian,
Không duyên cớ Phật không mĩm cười,
Điều phục phiền não các oán địch”.

Thế Tôn bảo A-nan-đà: “Đúng vậy A-nan-đà, không phải không có nhân duyên mà Như Lai Ứng chánh đẳng giác miệng hiện mĩm cười.

Thầy có nghe thấy Bà-la-môn kia nói kệ khen ngợi Ta không. Nhờ công đức thiện căn khen ngợi này, suốt trong 20 kiếp Bà-la-môn kia sẽ không đọa trong ác đạo, thường được sanh trong cõi trời người, khi mang thân cuối cùng sẽ chứng quả Phật Bích chi hiệu là Ưng tán”. Lúc đó các Bísô đều có nghi thỉnh hỏi Phật, Phật nói: “các thầy lắng nghe, Bà-la-môn này không phải chỉ ngày nay nhờ ca ngợi Như lai nên được ta thọ ký thành Phật Bích chi, mà trong quá khứ cũng nhờ khen ngợi ta mà được vua ban cho năm tụ lạc lớn : Thuở xưa ở thành Bà-la-nê-tư có vị vua tên là Phạm thọ, dùng chánh pháp cai trị nên đất nước giàu có an vui, dân chúng đông đúc không có tật bịnh, vua rất thích người tài học. Lúc đó trong thành có một Bà-la-môn tài học, người vợ nói: “trời sắp lạnh, anh hãy đến bênvua khéo tán tụng làm cho vua hoan hỉ, vua sẽ ban cho anh áo lạnh”, Bà-la-môn liền đến chỗ vua, thấy vua cởi voi từ thành đi ra liền suy nghĩ: “ta nên tán tụng vua trước hay tán tụng con voi trước. Con voi này ai thấy cũng yêu mến, ta nên tán tụng voi trước”, nghĩ rồi liền nói kệ khen voi:

“Như voi của Đế thích,
Oai quang đủ sắc diệu,
Mạnh mẽ và trang nghiêm,
Voi của vua cũng vậy”.

Vua nghe rồi rất vui liền nói kệ đáp:

“Voi yêu quý của ta,
Ai thấy đều hoan hỉ,
Ngươi khéo ca ngợi nó,
Đáng ban năm tụ lạc”.

Này các Bí-sô, voi chúa ngày xưa chính là thân ta, Bà-la-môn ca ngợi voi ngày xưa chính là Bà-la-môn vừa ca ngợi ta. Xưa kia nhờ nói kệ khen ta nên được vua ban cho năm tụ lạc, ngày nay nhờ nói kệ khan ngợi ta nên được ta thọ ký sẽ chứng quả Phật Bích chi”.

Sau đó Phật đến một thành lớn, sự việc như trong kinh Tứ Phật tòa có nói rõ. Kế Phật đến thành Tố lỗ yết quần, trong thành có một Bà-la-môn tên là Nhân đà la, tuổi trẻ học rộng nghe nhiều, tự cho mình là thông minh, đối với các hạng người từng không để lòng, khi nghe tin Phật đã đến thành này liền suy nghĩ: “ta nghe Sa môn Kiều-đáp-ma có dung mạo đoan nghiêm, ta nên đến xem vị ấy có oai nghiêm hơn ta chăng”. Lúc đó Phật đang nói pháp yếu cho đại chúng nghe, Bà-la-môn này đi đến chỗ Phật, thấy Phật có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp trang nghiêm thân, ánh sáng bao quanh trên đảnh rộng 1 tầm, sáng rỡ như trăm ngàn mặt trời, liền suy nghĩ: “Sa môn Kiều-đáp-ma đẹp hơn ta, nhưng không cao bằng ta”, nghĩ rồi liền nhìn lên đảnh đầu của Phật, nhưng nhìn không thấy được, bèn leo lên chỗ cao để nhìn cũng không thấy được. Phật liền nói: “cho dù ngươi có leo lên đỉnh núi Diệu cao cũng không thể nhìn thấy được, ngươi há không nghe nói các trời, A-tu-la và loài người ở thế gian đều không thể nhìn thấy được đảnh tướng của Như lai hay sao. Nếu ngươi muốn biết chiều cao của thân Như lai thì hãy ở dưới đất chỗ thờ lửa tại nhà ngươi có một cây Ngưu đầu chiên đàn , ngươi hãy rút nó lên và dùng để đo thì có thể biết được chiều cao của thân do cha mẹ sanh của như lai”, Bà-la-môn suy nghĩ: “đây là việc kỳ lạ ta chưa từng nghe qua”, nghĩ rồi liền về nhà đào lấy cây Ngưu đầu chiên đàn lên thì thấy đúng như lời Phật nói, liền sanh lòng tin nghĩ rằng: “Sa môn Kiều-đáp-ma chắc chắn là bậc Nhất thiết chủng trí, ta nên đến thừa sự cúng dường”, nghĩ rồi liền đến chỗ Phật ca ngợi rồi ngồi một bên. Phật quán biết ý ngạo tùy miên xứng cơ nói pháp khiến cho Bà-la-môn này được chứng quả Dự lưu. Sau khi chứng quả liền xin quy y Tam bảo và thọ trì năm học xứ rồi chắp tay bạch Phật: “nếu Thế tôn cho phép, con sẽ dựng cột Ngưu đầu chiên đàn cho mọi người đều biết”, Phật nói tùy ý, Bà-la-môn liền đem cây Ngưu đầu chiên đàn ở nhà mình đến chỗ tịch tĩnh dựng lên rồi thiết trai hội cúng dường, các Bà-la-môn cư sĩ khác kết cỏ kiết tường trên cột để cầu phước. Do Bà-la-môn Nhân đà la thiết trai hội này nên ngày hội ấy được gọi là ngày hội Nhân đà la.

Phật hiện đại thần thông lúc nào thì ngoại đạo thất sắc thối lui lúc ấy, họ chạy đến vùng biên địa hoặc đến nhà của các cận sự Bà-lamôn. Lúc đó Phật từ nước Kiều-tát-la du hành đến tụ lạc Bà-la-môn, nghe tin Phật đến, các ngoại đạo hốt hoảng chạy đến nhà các cận sự nói rằng: “chúc các vị thêm phước, tôi xin từ giả ra đi”, họ nghe rồi liền hỏi nguyên do, liền đáp: “chúng tôi thấy các vị giàu có, không muốn các vị bại vong nên mới ra đi”, liền hỏi: “vì sao chúng tôi bị bại vong?”, đáp: “các vị nên biết Sa môn Kiều-đáp-ma cùng 1200 tùy tùng sắp đến đây, họ sẽ giáng xuống mưa đao mưa đá và làm cho vô số phụ nữ có con trở thành không con”, mọi người nói: “nếu như thế thì các vị hãy ở lại giúp chúng tôi, bỏ đi như vậy là không tốt”, các ngoại đạo nói: “nếu các vị lập giao ước thì chúng tôi sẽ ở lại, đó là làm hại Sa môn Kiều-đáp-ma”, mọi người nhận lời rồi cùng cầm dao gậy cung tên ra đứng giữa đường, có một cụ già thuộc dòng họ thích thấy vậy liền hỏi: “các vị định làm gì?”, đáp là đi giết kẻ thù, liền hỏi ai là kẻ thù, đáp là Sa môn Kiềuđáp-ma, cụ già nói: “nếu Thế tôn là kẻ thù của các ông thì ai là bạn của các ông, hãy về đi”. Cụ già thấy họ không chịu quay về liền suy nghĩ: “không thể nói pháp mà điều phục họ được, phải dùng oai lực mới được”, nghĩ rồi liền vào làng phóng hỏa khắp bốn phía khiến cho mọi người trong làng đếu kinh hãi kêu gào, những người định hại Phật nghe tiếng kêu gào liền nói với nhau: “Sa môn Kiều-đáp-ma cách đây còn xa mà đã gây tổn thất lớn cho chúng ta như thế, chúng ta hãy quay về dập tắt lửa”, nhưng khi quay về không thể nào dập tắt được ngọn lửa. Lúc đó Phật vừa đến nơi thấy vậy liền nói: “ta sẽ dập tắt lửa cho mọi người”, vừa nói dứt lời do oai lực của Phật lửa đều tắt hết, mọi người thấy rồi đều sanh lòng tin bạch Phật: “Thế tôn vì việc gì mà đến đây?”, Phật nói: “vì làm lợi ích cho mọi người nên đến”. Lúc đó Phật quán biết ý ngạo tùy miên xứng cơ nói pháp khiến cho họ được chứng quả Dự lưu, các Bí-sô đếu có nghi thỉnh hỏi Phật: “Thế tôn, cụ già họ Thích này vì thương người thân nên đốt làng, do nghiệp lực này có mặc vô lượng tội không?”, Phật nói: “không phải chỉ đời này vì thương người thân mà cụ già ấy đốt làng, vô số đời trong quá khứ cũng đã từng vì người thân mà đốt làng. Các thầy lắng nghe: Thuở xưa trong một tụ lạc nọ có 500 con vượn sinh sống, do chúng phá hoại mùa màng nên dân trong làng bàn với nhau: “nên làm kế gì để dứt họa này?”, một người nói: “nên giết hết bầy vượn kia mới dứt được họa”, một người hỏi: “giết chúng bằng cách nào?”, một người nói: “nên chặt hết cây quanh làng, chỉ chừa lại một cây hồng rồi đặt gai góc bốn phía, khi hồng chín chúng sẽ leo lên cây hái trái ăn, lúc đó chúng ta sẽ giết hết chúng”. Mọi người nghe theo, đợi đến khi hồng chín bầy vượn leo hết lên cây liền cầm dao gậy đến để chặt cây, bầy vượn thấy đều sợ hãi chuyền qua lại trên cành nhưng vượn chúa vẫn thản nhiên ăn trái, bầy vượn nói: “chúng ta đang gặp nguy khốn, vì sao vẫn thản nhiên ăn trái?”, Vượn chúa nói kệ:

“Tất cả người đa sự,
Tự nhiên sanh chướng ngại,
Cây lớn rất khó chặt,
Cứ ăn chớ sợ hãi”.

Lúc đó trong bầy vượn có một con vượn con bị cột trói trong làng đang rầu rĩ, một con vượn khác liền hỏi nguyên do, nó nói: “người trong làng này định giết hết quyến thuộc của tôi, tôi đang bị trói không giúp gì được nên tôi lo buồn”, vượn kia nói: “tôi sẽ mở trói cho bạn”. Được mở trói, con vượn con liền chạy đi đốt làng, những người định chặt cây nghe tiếng kêu la liền bảo nhau: “những con vượn này còn cách chúng ta xa, chưa thể giết chúng ngay được, nhưng làng đang bị cháy chúng ta phải cứu lửa trước”, nói xong họ bỏ chạy về làng lo cứu lửa, bầy vượn trèo xuống đi tránh nạn.

Này các Bí-sô, con vượn con ngày xưa chính là cụ già dòng họ Thích ngày nay, không phải chỉ đời này vì thương người thân mà đốt làng, quá khứ cũng vì thương người thân mà đốt tụ lạc”.

Sau đó Phật đến thành Ca-la và nói kinh Tứ Phật tòa, kế đến thành Lư hê đức ca, dừng nghỉ trong cung Dược xoa Tượng lực. Lúc đó Dược xoa này đang đi tuần tra các Dược xoa, nghe tin Phật đã vào thành và dừng nghỉ trong cung của mình, liền trở về cung đến chỗ Phật đảnh lễ ngồi một bên nghe Phật nói pháp, Thế tôn tùy thuận nói pháp chỉ dạy cho Dược xoa được lợi hỉ rồi im lặng. Dược xoa Tượng lực chắp tay bạch Phật: “cúi xin Thế tôn hãy nghỉ lại trong cung của con đêm nay”, Phật im lặng nhận lời, biết Phật đã nhận lời, Dược xoa Tượng lực liền hóa 500 phòng ở trong cung có đầy đủ giường, ngọa cụ… để cúng dường cho Phật và Tăng. Dược xoa Tượng lực có một Dược xoa bạn tên là Khuất để ca đang ở trong nước Ca thấp di la, liền sai sứ đến nói với người bạn ấy: “tôi đã thỉnh Phật và Tăng, ở phương Bắc chỗ bạn có trái cây gì hãy mang đến để cúng dường”. Khuất để ca chất đầy nho vào thùng đưa cho sứ Dược xoa mang về, chất thành một đống lớn, các Bísô nhìn thấy không biết là loại trái gì, Phật nói: “đây là trái nho trồng ở phương Bắc, các Bí-sô nên dùng lửa tác tịnh rồi mới ăn”. Lúc đó các Bí-sô tác tịnh từng trái kéo dài thời giờ, Phật nói: “không nên tác tịnh từng trái, nên ở trên đống trái cây lấy một đốm lửa tác tịnh vào ba chỗ là được”. Dược xoa Tượng lực đem thức ăn uống dâng lên cúng dường Phật và Tăng… cho đến câu Phật nói pháp cho Dược xoa được lợi hỉ rồi đứng dậy. Lúc đó Phật thấy nho còn dư nhiều nên bảo các Bí-sô ép lấy nước, các Bí-sô ép rồi nấu, do nấu chưa chín nên nước nho lên men sủi bọt lên, Phật nói: “nên nấu cho chín rồi đem cất dùng làm nước uống phi thời cho chúng tăng”.

Sau khi về phòng, Phật suy nghĩ: “ta ra đời tuổi thọ ngắn, giờ nhập Niết-bàn của ta sắp đến mà còn nhiều việc giáo hóa cần phải làm; nếu ta cùng A-nan-đà đi đến các nước ở Bắc thiên trúc thì khó thành tựu việc giáo hóa, ta nên đi cùng Dược xoa Kim cang thủ”, nghĩ rồi Phật liền nói kệ gọi Dược xoa ấy đến:

“Người có niệm hiền thiện,
Người chánh niệm an ổn,
Người chánh niệm ngủ ngon,
Tư duy được tịch tĩnh.
Người có niệm nguyện thiện,
Người chánh niệm an ổn,
Người chánh niệm ngủ ngon,
Xa lìa tâm hơn thua”.

Nói kệ rồi bảo Dược xoa cùng đi đến Bắc Thiên trúc để điều phục Long vương A-bát-la bằng thần thông. Từ xa trông thấy rừng xanh, Phật nói với Dược xoa: “sau khi ta diệt độ 100 năm, ở nơi đó sẽ có một Tỳha-la được dựng lên, rất tốt cho người tu Xa-ma-tha”.

Kế Phật và Dược xoa đến tụ lạc Tích tập, trong tụ lạc này có Dược xoa Giác lực rất bạo ác, tuy dân làng thường cúng tế nhưng vẫn bị dược xoa này làm tổn hại. Nghe tin Phật đã đến, dân làng cùng đến chỗ Phật đảnh lễ ngồi một bên nghe Phật nói pháp, Thế tôn tùy thuận nói pháp chỉ dạy cho trưởng giả được lợi hỉ rồi liền im lặng. Họ chắp tay bạch Phật: “Thế tôn, Dược xoa Giác lực là kẻ thù của dân làng trong một thời gian dài thường làm tổn hại, cúi xin Thế tôn thương xót chúng con điều phục dược xoa này”, lúc đó Dược xoa Giác lực cũng đang có mặt, Phật liền bảo nên bỏ tâm ác, Dược xoa Giác lực nói: “con sẽ bỏ tâm ác không làm tổn hại nữa”. Phật liền cho Dược xoa quy y Tam bảo và thọ tịnh giới, Dược xoa liền dựng lên một ngôi chùa tên là Xưng tập được những người có tín tâm cúng dường đầy đủ. Khi Phật ra đi, Dược xoa Giác lực đi theo, Phật nói: “ngươi hãy trở về giữ gìn chùa ấy, sau khi ta diệt độ ngươi hãy đem xương vai của ta cất giữ, sau này sẽ có người xây tháp thờ gọi là tháp tích tập”.

Kế Phật đến tụ lạc Nê-đức-lặc-ca để điều phục Dược xoa Pháp lực… Dược xoa này dựng một ngôi chùa tên là Nê-đức-lặc-ca.

Kế Phật đi đến bờ sông Tín độ thị hiện thần biến để điều phục người lái đò khiến được kiến đạo và điều phục Dược xoa Lôc điệp, dược xoa này còn lưu lại 1 dấu chân gọi là dấu chân Lộc điệp.

Kế Phật đi đến trú xứ của tiên nhơn để điều phục tiên nhơn Trượng quán, chỗ nằm ngồi của tiên nhơn đó gọi là chỗ nằm ngồi Trượng quán. Lúc đó Phật cùng Dược xoa Kim cang thủ vào trong cung của Long vương Vô đạo cán, thấy Phật vào Long vương này nổi giận khởi tâm làm hại bay lên hư không giáng xuống mưa đá và đất đá. Phật nhập định từ bi khiến cho mưa đá và đất đá biến thành các loại hương bột Chiên đàn… rơi xuống; Rồng liền phóng ra các loại binh khí thì các thứ ấy đều biến thành hoa sen bốn màu rơi xuống ; Rồng phun ra mây khói, Phật cũng dùng thần lực phóng ra mây khói khiến cho tâm cuồng mạn cống cao của rồng dứt diệt, rồng bèn vào trong cung nằm nghỉ. Lúc đó Phật suy nghĩ: “có hai cách điều phục rồng là làm cho nó sợ hãi hoặc làm cho nó nổi giận, nhưng đối với Long vương này, ta nên làm cho nó sợ hãi”, nghĩ rồi Phật bảo Dược xoa Kim cang thủ: “ngươi hãy xúc não long vương ác này”. Dược xoa vâng lời Phật dạy, cầm chày kim cang đập phá ngọn núi làm cho núi nghiêng ngã xuống lấp phân nửa ao mà rồng đang nương ở, Long vương sợ hãi định trốn chạy, Phật nhập định Hỏa giới khiến 10 phương đều có lửa. Long vương không còn đường chạy trốn, thấy chỉ có chỗ Phật đứng là không có lửa liền chạy đến chỗ Phật đảnh lễ bạch rằng: “vì sao Thế tôn não loạn tôi?”, Phật nói: “ta là Pháp vương sao lại não loạn ngươi, nếu ta không đạt được lòng từ thù thắng thì ta đã diệt độ lâu rồi và chỉ còn lại cái tên suông”, nói rồi Phật dùng bàn tay vô úy kiết tường có tướng thiên bức luân xoa lên đảnh đầu của Long vương nói rằng: “Hiền thủ nên biết, do cúng dường thức ăn uống thơm ngon và thí bình nước sạch cho các Thanh văn, đáng lẽ ngươi được sanh lên cõi trời Tam thập tam; chỉ vì ngươi phát nguyện tà vạy nên nay phải mang thân súc sanh giết hại chúng sanh, sau khi chết sẽ bị đọa vào địa ngục”, Long vương bạch Phật: “cúi xin Thế tôn chỉ dạy cho con việc nên làm”, Phật nói: “ngươi nên quy y Tam bảo và thọ tịnh giới rồi ban sự vô úy cho dân chúng đang sống ở Ma-kiệt-đà”, Long vương nói: “con xin nghe theo lời Phật dạy”. Lúc đó Long vương cùng vợ con quyến thuộc đều quy y Tam bảo và thọ tịnh giới, kế bạch Phật: “còn có Long vương tên là Tiễn, cúi xin Thế tôn cho thọ tịnh giới để phát tâm từ bi không làm hại chúng sanh nữa”. Phật điều phục Long vương và các quyến thuộc rồng xong rồi ra đi, từ xa trông thấy một khu rừng màu xanh lục, Phật bảo Dược xoa Kim cang thủ: “sau khi ta diệt độ 100 năm, ở nước Ca thấp di la này sẽ có đệ tử Bí-sô điều phục rồng độc Hổ lỗ trà rồi xin rồng ấy một chỗ ngồi kiết già, phương tiện truyền bá chánh pháp khắp nơi đây, đây là nơi tu Tỳ-bát-xa-na tốt nhất”.

Kế Phật đến tụ lạc Túc lô để điều phục Tiên nhơn và Dược xoa Bất phát tác cùng các quyến thuộc, ở tụ lạc Kiền đà điều phục nữ Dược xoa và các quyến thuộc ; kế đến thành Đạo cốc lầu các giáo hóa mẹ của vua Thắng quân khiến bà trụ nơi bốn chân đế; kế đến thành Nãi lý dật đa, trong thành này có một người thợ gốm ỷ vào nghề khéo léo của mình nên sanh ngã mạn, đồ gốm được làm ra để nguyên trên bàn quay gốm, đợi khô mới lấy xuống. Biết đã đến lúc điều phục, Phật hóa thành một thợ gốm đến nói với thợ gốm kia: “đồ gốm của ông sao giống như từ trên bàn quay gốm mới đem xuống”, đáp: “đã khô rồi mới lấy xuống”, hóa thợ gốm nói: “tôi cũng để khô rồi mới lấy xuống như ông, nhưng tôi còn có thuật khác”, liền hỏi là thuật gì, đáp: “không những ở trên bàn quay gốm làm ra đồ gốm đã thành, tôi còn có thể làm ra các vật bằng bảy báu”. Sau khi thấy rồi thợ gốm kia tin phục, lúc đó phật thu nhiếp thần biến hiện trở lại bổn thân, nói pháp vi diệu khiến cho người thợ gốm kia cùng quyến thuộc trụ nơi bốn chân đế.

Sau đó Phật đến thành Lục sa nói pháp cho Dược xoa Bộ đa và các quyến thuộc, khiến họ quy y Tam bảo và thọ tịnh giới ; ở thành Hộ tích điều phục người chăn bò và Long vương Tô giá. Kế đến thành Tăng hỷ điều phục vua Thiên hữu và các quyến thuộc khiến họ trụ nơi bốn chân đế; kế điều phục bảy người con của dòng họ Chiên đồ la và Dược xoa Hộ ao cùng các quyến thuộc. Bên cạnh thành này có một cái ao lớn, A thấp phược ca và Bố nại bà tố đều thọ thân rồng ở trong ao này, sau 12 năm chúng mới xuất hiện với tâm sân giận nghĩ rằng: “Thế tôn không nói pháp cho ta nghe khiến chúng ta đọa trong ác đạo mang thân rồng này, chúng ta phải hủy hoại pháp Phật”, lúc đó Phật suy nghĩ: “hai con rồng độc này có oai lực lớn, sau khi ta diệt độ chúng sẽ phá hoại giáo pháp của ta”, nghĩ rồi liền đến bên ao nói với hai rồng: “ta sẽ nói pháp cho hai ngươi nghe”, hai rồng nói: “chúng tôi há có thể hiểu được hay sao?”, nói rồi liền lặn xuống nước nghĩ là dù Thế tôn có nói pháp chúng cũng không hiểu được, Phật liền lưu lại bóng mình trên mặt ao, thấy bóng Phật chúng cho là Phật vẫn còn ở trên bờ ao. Cũng tại nơi đây Phật điều phục hai nữ Dược xoa Na lợi ca và NA-trà đạt đa.

Sau đó Phật đến thành Quân để, trong thành có một nữ dược xoa tên Quân để rất bạo ác, nó bắt con trai con gái của dân trong làng để ăn thịt. Nghe tin Phật đến ở ngoài thành, dân chúng trong thành rủ nhau ra khỏi thành đến chỗ Phật đảnh lễ ngồi một bên nghe Phật nói pháp, Thế tôn tùy thuận nói pháp chỉ dạy cho họ được lợi hỉ rồi liền im lặng. Dân làng chắp tay bạch Phật: “cúi xin Thế tôn và các Bí-sô thọ chúng con thỉnh thực vào ngày mai”… cho đến câu sau khi Phật thọ thực xong, họ cầm bình vàng đến rót nước cho Phật và cầu xin rằng: “Thế tôn đã điều phục rồng độc và dược xoa ác, Dược xoa Quân để này đã làm tổn hại chúng con trong một thời gian dài, thường bắt con của chúng con ăn thịt, cúi xin Thế tôn thương xót điều phục dược xoa này”. Lúc đó dược xoa Quân để cũng có mặt, Phật nói: “ngươi đã nghe rồi chứ, lâu nay ngươi đã phi pháp tạo nghiệp tội”, dược xoa bạch Phật: “nếu mọi người hứa lập cho con một ngôi miếu thờ thì con sẽ dứt bỏ việc làm ác này”, Phật quay qua hỏi ý kiến của dân làng, mọi người đều chập nhận lời yêu cầu của nữ Dược xoa, sau khi điều phục xong nữ Dược xoa cùng các quyến thuộc Phật đi đến tụ lạc Khát thọ la. Đến nơi thấy có một đồng tử nặn đất làm hình tháp để chơi, Phật nói với Dược xoa Kim cang thủ: “sau khi ta diệt độ, vua Ca-ny-sắc-ca sẽ xây một tháp lớn gọi là tháp Ca-ny-sắcca ngay chỗ đồng tử nặn hình tháp và làm nhiều Phật sự khác”.

Trên đường từ tụ lạc Lư hê đắc cho đến cung của Long vương Vô đạo cán, Phật đã điều phục được bảy vạn bảy ngàn hữu tình rồi trở về trú xứ vào phòng ngồi tĩnh tọa, đến xế chiều xuất định bảo A-nan-đà cùng đi đến tụ lạc Cô vương, A-nan-đà bạch Phật: “Thế tôn trước có nói sẽ đến Bắc Thiên trúc để điều phục Long vương Vô đạo cán , sao nay lại bảo cùng di đến tụ lạc Cổ vương?”, Phật nói: “ta đã cùng Dược xoa Kim cang thủ đi đến Bắc Thiên trúc rồi, trên đường từ tụ lạc Lư hê đắc cho đến cung của Long vương Vô đạo cán, Ta đã điều phục được bảy vạn bảy ngàn hữu tình; ở Bắc Thiên trúc đất đai gồ ghề, nhiều gai góc, nhiều đá sỏi, lòng người độc ác, phụ nữ ác hạnh”. Khi đến tụ lạc Cổ vương, Phật bảo A-nan-đà: “trước đây vua Chúng hứa là người đầu tiên ở nơi đây thọ ngôi vị quán đảnh, do nhân duyên này mà nơi đây gọi là Cổ vương”; kế đến tụ lạc Hiền mã, Phật bảo A-nan-đà: “vào thời vua Chúng hứa, nơi đây có ngựa báu xuất hiện nên nơi đây được gọi là Hiền mã”. Phật cùng A-nan-đà kế đi đến Ma thổ la, từ xa trông thấy rừng cây màu xanh lục Phật bảo A-nan-đà: “đó là núi Ô lô môn đồ, sau khi ta diệt độ 100 năm sẽ có hai anh em Ma thổ la tên là NA-tra và Bà tra, ngay nơi đây xây lên một ngôi chùa tên là NA-tra bà tra là nơi thuận lợi nhất cho người tu tập Xa-ma-tha và Tỳ-bát-xa-na. Ở Ma thổ la sẽ có một đồng tử thuộc họ Thức dược nhơn tên là Bí mật, con con trai tên là cận mật, sau khi ta diệt độ 100 năm, Cận mật sẽ xuất gia trong giáo pháp của ta, làm nhiều Phật sự. Lúc đó đệ tử của A-nan-đà có tên là Mạc điền địa sẽ độ Cận mật làm Bí-sô và đó là người cuối cùng truyền bá giáo pháp của ta. Ở trong chùa NA-tra bà tra có một cái hang dài 18 khuỷu tay, rộng 12 khuỷu tay, cao bảy khuỷu tay, những người được Cận mật giáo hóa chứng quả A-la-hán rồi đều ném một cái thẻ dài bốn ngón tay vào trong hang này. Sau khi Cận mật diệt độ, các đệ tử gom lấy số thẻ ấy lại một chỗ để làm lễ trà tỳ cho thầy mình”.

Lúc đó các Bí-sô đều có nghi thỉnh hỏi Phật: “Thế tôn thọ ký cho Cận mật vị lai sẽ làm lợi ích các hữu tình như thế hay sao?”, Phật nói: “không phải chỉ ngày nay Cận mật sẽ làm lợi ích mà trong quá khứ cũng đã làm nhiều lợi ích, các thầy hãy lắng nghe: Thuở xưa ở núi Ô lô môn đồ này có ba chỗ ở: một chỗ có 500 vị Duyên giác ở, một chỗ có 500 Tiên nhơn ở và một chỗ có 500 con vượn ở. Con vượn chúa vốn tánh bạo ác, hễ có vượn cái nào sanh con đều bị nó giết nên các vượn cái đều lo buồn bàn tính với nhau: “chúng ta lập ước, nếu trong chúng ta có ai mang thai thì không nên báo cho vượn chúa biết”. Sau đó có một vượn cái mang thai, các con vượn kia đem giấu kín một nơi và len hái trái cung cấp cho nó đến ngày sanh nở, đủ ngày tháng sanh ra một con vượn đực. Chúng lén nuôi dưỡng cho đến ngày trưởng thành, trưởng thành rồi nó vào bầy đánh đuổi vượn chúa ra khỏi bầy. Vượn chúa lang thang đi trong rừng dần đến chỗ ở của các vị Độc giác, tìm cách thân cận, hằng ngày hái trái mang đến cúng dường, các vị Độc giác ăn dư đem cho nó lại. Thường pháp của vị Độc giác là sau khi ăn xong thì ngồi kiết già, vượn chúa thấy rồi cũng bắt chước ngồi. Thời gian sau các vị Độc giác nghĩ rằng đã chứng được pháp nên chứng, việc làm đã xong nên muốn nhập Niết-bàn. Nghĩ như vậy nên các vị Độc giác liền bay lên hư không, thân hiện thần biến, trên thân ra lửa, dưới thân ra nước… rồi nhập Vô dư Niết-bàn. Con vượn này thấy di thể của vị Độc giác muốn dùng tay cởi tấm y trên mình vị Độc giác, thiện thần sợ làm tổn hại đến di thể nên đuổi vượn ra ngoài và lấp kín miệng hang. Thấy hang bị lập vượn buồn rầu bỏ đi dần đến chỗ ở của các tiên nhơn, thấy các vị này đang tu khổ hạnh, có người đưa tay lên, có người đứng nhấc một chân, có người đốt năm chỗ trên thân… vườn liền tìm cách thân cận, thường hái trái mang đến cúng dường, tiên nhơn ăn dư cho lại vượn. Sau khi thân cận rồi, vượn bắt đầu phá oai nghi của tiên, bắt tiên phải hành theo pháp của vị Độc giác, người đưa tay lên thì nó kéo xuống rồi ra dấu bảo ngồi kiết già; người đứng co chân thì nó kéo chân xuống ra dấu bảo ngồi kiết già; người đốt thân thì nó dập tắt lửa rồi ra dấu bảo ngồi kiết già… Các vị tiên này liền bạch với thầy mình: “con vượn này đã làm chướng ngại cho việc tu khổ hạnh của chúng con”, vị thầy hỏi rõ nguyên do rồi nói: “vượn có thể ghi nhớ được sự việc, chắc chắn nó đã từng thấy tiên nhơn nào tu đạo có oai nghi như vậy nên mới ra dấu bảo các con làm như thế, các con cứ ngồi kiết già theo nó bảo thử xem”. Vâng lời thầy dạy, các tiên nhơn liền ngồi kiết già, cũng do đời trước đã gieo căn lành nên đời này được quả báo, các vị tiên này ngay nơi 3 phẩm pháp Bồ-đề phần, không thầy tự ngộ chứng quả Độc giác. Lúc đó họ kính trọng con vượn, khi có trái cây ngon họ đưa cho vượn ăn trước rồi mới ăn sau, thời gian sau con vượn chết họ chất củi với hương thơm để thiêu xác vượn.

Này các Bí-sô, con vượn ngày xưa sống chung với các vị Độc giác chính là Ưu-ba-cúc-đa ngày nay, do ngày xưa đã làm nhiệu việc lợi ích nên nay được ta thọ ký là sẽ làm lợi ích cho các hữu tình”.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18