CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA DƯỢC SỰ

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 14

Lúc đó thấy vương nữ bay đi, vua lo sợ hỏi quốc sư: “Duyệt ý đã bay đi, bây giờ phải làm sao?”, quốc sư nói: “tai ách của Đại vương đã được tiêu trừ”. Lúc đó Duyệt ý suy nghĩ: “ta chịu khổ não này đều là do vị tiên kia, ta nên đến đó nói cho ông ta biết”, nghĩ rồi liền đến chỗ vị tiên nói rằng: “vì đại tiên nói cho người khác biết về tôi nên tôi mới mắc nạn này”, kế đưa cho vị tiên chiếc nhẫn và nói rằng: “nếu Thái tử có đến đây, đại tiên nên đưa chiếc nhẫn này và bảo Thái tử rằng: chỗ tôi ở, đường đi hiểm trở,Thái tử nên quay về; nếu Thái tử không chịu quay về thì đại tiên nên chỉ đường đi cho Thái tử như sau : Ở phía Bắc có ba ngọn núi, vượt qua ba ngon núi này lại đến ba ngọn núi khác, vượt qua ba ngọn núi đó lại đến ba ngọn núi khác nữa mới đến Tuyết sơn vương, phía Bắc núi này lại có nhiều núi khác như Khư đạt la, Y sa đà la… cuối cùng đến núi Khư na la, dưới chân núi này có một cái hang, trong hang này có một trụ đá cao lớn, khi leo lên trụ đá này nên mặc áo da nai đứng đợi, sẽ có một con chim bay đến quắp bay qua các ngọn núi khác, cuối cùng đến một cái hang tên là Tân già la, trong hang có một dòng nước như cháo loãng, có một con mãng xà nương ở và có chim ác cần phải bắn giết chúng, sau đó lại có hai con bò đến cần phải đánh gẫy sừng của chúng, kế lại có nhiều Dược xoa đến cần phải dùng đinh sắt đóng vào trán của chúng… Sau đó lại phải vượt qua nhiều con sông có nhiều giao long nương ở, ở sông Năng già thì có nữ Dược xoa tên Câu ba nương ở, muốn vượt qua ý chí phải mạnh mẽ; ở sông Bà đằng già không có ai ở nhưng muốn vượt qua tâm phải siêu việt; ở sông Đa bà nhĩ có nhiều giao long, muốn vượt qua phải ngậm kín miệng; ở sông Chỉ đa la sẽ khiến phát sanh tham dục, muốn vượt qua phải ca các bản nhạc; ở sông Ô lô đà nhĩ có nô tỳ của Khẩn-na-la ở, muốn vượt qua tâm phải chánh định; ở sông A tát nhĩ có vợ mới của vua Khẩn-na-la ở, muốn vượt qua phải im lặng chớ nói; ở sông A thí vĩ sa có nhiều rắn đủ màu, muốn vượt qua phài đọc chú ngăn rắn độc; ở trong sông Tỳ đà nước rất dơ đục, muốn vượt qua phải cầm kiếm bén chặt bụi rậm để qua. Cuối cùng đến một thành có 500 Dược xoa đứng giữ cửa đang mở, đó là thành của vua Khẩn-na-la”, nói xong vương nữ Duyệt ý bay đi.

Lúc đó Thái tử dẹp yên quân giặc rồi trở về thành na bố la, nghĩ ngơi rồi mới đến bái yết vua cha, vua dùng lời thương yêu vỗ về Thái tử, Thái tử tâu: “nhờ oai lực của vua cha nên con được an ổn trở về, con đã giao Bảo tử làm quan trấn giữ ở nơi đó để thu thuế đúng pháp”, tâu rồi xin phép trở về cung, vua cha liền giữ ở lại nhưng Thái tử đã lâu không gặp Duyệt ý nên nôn nóng muốn trở về cung ngay, vua cha biết không thể giữ Thái tử nên im lặng. Thái tử trở về cung tìm không thấy Duyệt ý, các cung nhơn tập họp đến định làm loạn ý Thái tử nhưng Thái tử chỉ nghĩ tối Duyệt ý và hỏi nàng ở đâu, các cung nhơn liền kể rõ sự việc cho Thái tử nghe, Thái tử nghe rồi trong lòng sầu khổ, cung nhơn nói: “trong cung còn rất nhiều người đẹp hơn Duyệt ý, xin Thái tử chớ sầu khổ”. Thái tử sau khi biết được vua cha làm việc vô ân, liền đến chỗ mẹ kể lễ: “nếu con không gặp Duyệt ý thì tâm con mê loạn, dù nàng đi đến đâu con cũng sẽ đi tìm”, người mẹ nói: “vì Duyệt ý gặp nạn khổ nên mẹ đã để nàng ra đi”, liền hỏi mẹ sự việc xảy ra như thế nào, người mẹ kể lại sự việc, Thái tử liền hỏi Duyệt ý đã đi về hướng nào, người mẹ nói: “thấy duyệt ý bay về phía núi kia, nhưng trong cung còn nhiều người đẹp hơn nàng ấy, vì sao con lại quá sầu khổ như vậy”, đáp là không thích ai khác ngoài Duyệt ý, người mẹ càng vỗ về thì Thái tử càng sầu não. Sau đó Thái tử tìm đến chỗ thợ săn hỏi: “trước đây ngươi bắt được Duyệt ý ở đâu?”, thợ săn đáp: “ở trong núi kia có một vị tiên cư trú gần một cái ao, Duyệt ý thường đến tắm trong ao đó, nhờ tiên nhơn nói nên tôi mới biết mà bắt được”. Thái tử trở về cung và suy nghĩ: “ta nên tìm đến chỗ vị tiên đó để hỏi thăm tin tức”, nghĩ rồi chuẩn bị tìm đến chỗ tiên nhơn ở trong núi kia, vua cha hay tin liền bảo Thái tử: “sao con mê loạn như thế, ta sẽ ban cho con một cung nhơn đẹp nhất”, Thái tử nói: “nếu không có Duyệt ý, con không thể sống trong cung này”, vua nghe rồi liền ra lịnh canh giữ khắp các cửa thành không cho Thái tử xuất cung. Nửa đêm Thái tử bỗng thức dậy suy nghĩ: “trong sách nói có năm hạng người tinh giấc lúc nửa đêm: 1. Là chồng nhớ vợ hoặc vợ nhớ chồng; 2. Là vợ bị chồng hờn trách; 3. Là người làm nghề trộm cướp; 4. Là tướng quân; 5. Là Bí-sô siêng tu khổ hạnh.

Ta thuộc hạng người thứ nhất. Nếu ta đi ra bằng cửa chính thì vua cha sẽ xử tội người giữ cửa”, nghĩ rồi liền lén xuất cung. Ra khỏi thành thì trăng vừa mọc, Thái tử nhìn trăng liền nhớ đến Duyệt ý nên nói kệ:

“Trăng sáng chiếu ban đêm,
Là vua các ngôi sao,
Sao Tất như mắt Ái,
Cũng như đại đạo sư”.

Thái tử vừa đi vừa hỏi: “có ai thấy Duyệt ý mắt như hoa sen xanh ở đâu không?”. Trên đường đi gặp Nai, liền hỏi: “Nai ăn cỏ uống nước rong chơi không có khổ như ta, Nai có thấy Duyệt ý của ta ở đâu không?”, sau đó đến một nơi hoa quả sum suê, có nhiều ong hút mật trên bông hoa liền hỏi Ong: “màu xanh không cấu bẩn, có tướng màu hoàng kim, Ong có thấy Duyệt ý của ta ở đâu không”, sau đó gặp một con mãng xà liền hỏi: “lưỡi như lá cây, há miệng trợn mắt đều có khói lửa. Lửa dục trong ta cũng như vậy, Mãng xà có thấy Duyệt ý của ta ở đâu không?”, sau đó đến một khu rừng thấy chim trăm lưỡi đang hót liền hỏi: “vua của các loài chim đã bay qua các rừng cây, có vương nữ Khẩn-na-la tên Duyệt ý, mắt và tóc có màu như hoa sen xanh, chim có thấy ở đâu không?”, kế đến cây Vô sầu, cành tên Hoa gian, hoa tên Kiết lợi là vua của các loại cây liền nói: “khi nhớ Duyệt ý tâm ta mê loạn, cây tên Vô sầu, ta chắp tay mong cầu hãy giúp ta không còn ưu sầu”. Do nhớ Duyệt ý tâm mê loạn nên Thái tử nói đủ những lời như vậy, cuối cùng đi đến chỗ tiên nhơn nói lời ca ngợi như sau: “thân mặc vỏ cây, thường ăn trái cây ngon nhất, nay con đảnh lễ đại tiên, cúi xin chỉ chỗ của Duyệt ý”, tiên nhơn an ủi Thái tử rằng: “hãy ngồi xuống ta nói cho nghe: mặt như trăng rằm, mắt tựa sen xanh, mày dài và mịn giống trăng cuối tháng, hình dung xinh đẹp ai cũng thích nhìn. Hãy ăn trái cây sẽ hết ưu phiền, tìm kiếm không khó. Lúc ra đi Duyệt ý có dặn dò ta đưa cho Thái tử chiếc nhẫn này và nói rằng: đường hiểm trở khó đi xin hãy quay về, nếu Thái tử không chịu quay về thì mới chỉ đường. Ở phía bắc có ba ngọn núi, vượt qua ba ngọn núi này sẽ đến ba ngọn núi khác… giống như đoạn văn kể trên cho đến câu theo thứ lớp như vậy mà đi”. Nghe tiên nhơn nói xong, Thái tử cấm lấy chiếc nhẫn đảnh lễ tiên nhơn rồi ra đi, tiên nhơn nói: “Thái tử một thân một mình, sao phải khổ nhọc tìm kiếm Duyệt ý làm chi, e rằng sẽ mất mạng”, Thái tử nói: “tôi đã quyết ý, mặt trăng trên không có ai là bạn; vua loài thú dựa vào sức mạnh củananh vuốt cũng không có bạn; lửa thiêu đốt mọi thứ có ai là bạn. Cho dù không bè bạn thì có trở ngại gì, nếu gặp biển lớn có thể không vào, nếu bị rắn độc cắn có thể không trị lành, hễ là bậc đại nhân thì cứ siêng năng làm việc, nếu việc không thành cũng không có lỗi”. Lúc đó Thái tử mang theo các loại dược thảo, chú pháp trừ rắn độc vượt qua núi sông… theo thứ lớp như lời Duyệt ý đã dặn, cuối cùng đến được vương thành của Khẩn-na-la. Nơi đây có đủ các loại hoa đẹp, đủ loại chim quý… lại thấy có vô sô nữ Khẩn-na-la đến ao lấy nước, Thái tử liền hỏi: “các cô lấy nước để làm gì?”, đáp: “vương nữ Duyệt ý ở trong nhơn gian, thân nhiễm nhơn khí, phải dùng nước này tắm rửa để trừ bỏ nhơn khí đó”, lại hỏi: “các thùng nước này xối tắm một lần hay theo thứ lớp?”, đáp là xối tắm theo thứ lớp, Thái tử nghe rồi liền bỏ chiếc nhẫn vào trong thùng nước rồi nói: “hãy đem thùng nước này xối tắm cho vương nữ trước tiên”, nữ Khẩn-na-la nghe rồi biết là có duyên do nên đem xối tắm cho vương nữ trước, chiếc nhẫn liền rơi xuống người của vương nữ, Duyệt ý thấy rồi liền hỏi: “lúc ngươi đi lấy nước có gặp ai không?”, đáp là có gặp một thanh niên rồi nói rõ tướng mạo cho vương nữ biết, Duyệt ý nghe rồi biết là Thái tử nên sai người đem giấu kín một nơi, sau đó đến chỗ vua cha tâu rằng: “nếu cha gặp Thái tử Thiện tài, cha sẽ làm gì?”, đáp: “sẽ chặt thành trăm khúc, vì nó là người đâu ở đây được”, Duyệt ý nói: “nếu chàng là người thì sao đến nơi đây được”, vua cha nghe rồi liền hết tức giận nói rằng: “nếu nó đến được nơi đây, ta sẽ đem tất cả vật trang sức và nhiều vật báu cùng một ngàn nữ Khẩn-na-la và gả con cho nó”. Duyệt ý nghe rồi vui mừng bảo Thái tử sửa sang y phục để ra mắt vua cha, vua cha thấy Thái tử diện mạo khôi ngô tuấn tú cũng ưa thích, nhưng muốn thử tài nghệ của Thái tử nên cho đặt 1 trụ vàng lớn cao bảy cây Đa la, lại đặt bảy cái trống và bảy tấm bia. Thái tử vốn đã thông đạt các môn kỹ nghệ, lại là Bồ-tát trong Hiền kiếp nên được chư thiên trợ giúp. Lúc đó Thái tử ở trước vua Khẩn-na-la thổi sao, khảy đàn không hầu, tỳ bà các loại âm nhạc để cúng dường, sau đó cầm đại đao chặt cột trụ cao bảy cây Đa la , kế dùng cung tên bắn xxuyên qua bảy cái trông và bảy tấm bia mà thân vẫn không lay động như núi Tu di, chư thiên trên không và chúng Khẩn-na-la đều reo hò vang dậy. Vua Khẩn-na-la thấy việc này rồi rất kinh ngạc, sau đó cho trang sức một ngàn nữ Khẩn-na-la giống như Duyệt ý rồi hỏi Thái tử có biết ai là Duyệt ý hay không, Thái tử dùng lời chân thật nói kệ:

“Duyệt ý là người nữ,
Mà tôi yêu mến nhất,
Nàng tin thì hãy mau,
Bước ra trước một bước”.

Duyệt ý nghe rồi liền bước ra trước một bước. Lúc đó chúng Khẩn-na-la đều tâu vua: “Thái tử có oai lực, diện mao khôi ngô rất xứng với Duyệt ý, xin vua đừng hành hạ nữa, nên gả Duyệt ý cho Thái tử”, vua nghe rồi liền y theo pháp của Khẩn-na-la, tay trái cầm tay công chúa, tay phải cầm bình vàng nói với Thái tử: “đây là Ái nữ của ta, ta gả cho Thái tử làm vợ và một ngàn nữ Khẩn-na-la làm tỳ thiếp”. Thái tử cùng Duyệt ý trở về cung thọ hưởng hoan lạc, thời gian sau Thái tử nhớ đến cha mẹ sanh tâm ưu phiền nên nói cho Duyệt ý biết, Duyệt ý bèn tâu với vua cha, vua cha nghe rồi cho phép trở về thăm và khuyên nên cẩn thận vì loài người nhiều xảo trá, rồi biếu tặng thêm nhiều vàng bạc châu báu. Nhờ sức của Khẩn-na-la, không bao lâu sau Thái tử cùng Duyệt ý trở về đến thành Na bố la, khi họ vào trong thành các loại hương thơm của Khẩn-na-la lan tỏa khắp nơi. Sau khi nghỉ ngơi xong, Thái tử cùng Duyệt ý mang tất cả vàng bạc châu báu mà vua Khẩn-na-la biếu tặng đến chỗ phụ vương và tâu rõ lại mọi việc. Vua cha nghe rồi biết Thái tử có oai lực siêu việt, liền cho làm pháp quán đảnh để lập lên làm vua. Lúc đó Thái tử suy nghĩ: “nhờ ta kết duyên cùng Duyệt ý nên được nối ngôi vua, ta tự biết nhân duyên trong quá khứ đã được phước báo như thế nên ngày nay ta phải hành bố thí, tạo các phước nghiệp nhiều hơn ngày xưa”, nghĩ rồi Thái tử thiết lập nghĩa đường, y theo pháp thế tục lập nhà tế tự chuyên tu bố thí trong suốt 12 năm.

Này Đại vương, Thái tử Thiện tài xưa kia chính là thân ta ngày nay, xưa kia ta vì Duyệt ý siêng năng tinh tấn nên có được oai lực siêu việt; sau khi kết duyên lại với Duyệt ý ta đã trong suốt 12 năm lập nhà tế tự chuyên tu bố thí. Không phải chỉ do bố thí mà chứng quả Vô thượng Bồ-đề, còn phải do tu vô lượng phước đức nhân duyên, tích tập căn lành, phát tâm chánh tín nên ngày nay ta mới chứng quả Vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Phật lại bảo vua Thắng quang : “Đại vương, để cầu quả Vô thượng Bồ-đề, ta đã hành huệ thí làm các phước nghiệp như sau, Đại vương hãy lắng nghe:

Thuở xưa ở thành Vĩ thí phược có vua tên là Vĩ thí bà mật đa lên nối ngôi vua, dùng chánh pháp cai trị nên đất nước phồn thịnh an vui, trong nước không có trộm cướp dịch bịnh, dân chúng ấm no, mưa gió thuận thời, ngũ cốc được mùa. Vua có chánh tín, từ bi thường làm lợi ích cho mình và cho người, thương yêu muôn dân. Thời gian sau hoàng hậu có thai và sanh được một hoàng tử khôi ngô đủ các thướng hảo, ai cũng thích nhìn. Vua làm lễ đặt tên cho con, quần thần nói: “đây là con của vua Vĩ thí phược mật đa nên đặt tên là Vĩ thí phược đa la”. Vua giao Thái tử cho tám bà nhũ mẫu chăm sóc… không bao lâu sau Thái tử trưởng thành như hoa sen lên khỏi mặt nước, học thông các môn học như lịch số, toán pháp… và các môn kỹ nghệ như cỡi ngựa, bắn cung … Thái tử tánh hiền lành, chân thật thường hay bố thí, do biết Thái tử thường hay bố thí nên những người nghèo khổ ở xa gần đều kéo đến cầu xin và đều được cho đầy đủ. Thời gian sau Thái tử muốn đi dạo trong vườn uyển nên trang nghiệm thân bằng các chuỗi anh lạc, mặc áo da nai, cưỡi xe tứ mã có doàn người đánh trống tấu nhạc dẫn đầu. Lúc đó có một Bà-la-môn khen Thái tử có oai lực lớn và nói kệ:

“Trong số người nhóm họp,
Ngài có tiếng tăm lớn,
Hãy đem chiếc xe này,
Tặng cho người đáng cho”.

Thái tử nghe rồi liền xuống xe đem xe tứ mã bố thí cho Bà-la-môn này và nói kệ:

“Ta buông xả xe này,
Hoan hỉ mà bố thí,
Nguyện thoát ly ba cõi,
Mau chứng quả Bồ-đề”.

Thời gian sau Thái tử lại cỡi voi trắng đến dạo chơi vườn uyển, voi có màu trắng như hoa sen trắng giống như voi núi Tuyết, có các tướng tốt như voi của vua trời Đế thích, tự dùng vẻ đẹp của mình để tự trang nghiêm và hiển bày công đức, voi này lớn lên đứng đầu trong các voi. Lúc đó là vào mùa xuân, trăm hoa đua nở, chim hót líu lo, vua nước sát biên giới nghe biết thái nữ đang dạo chơi vườn uyển liền bảo một Bàla-môn đến chỗ Thái tử xin voi, Bà-la-môn này dùng lời hay kheo nói kệ để xin voi:

“Ngài ưa thích bố thí,
Tiếng tốt vang khắp nơi,
Hãy thí voi cho tôi,
Bây giờ là đúng lúc”.

Thái tử nghe rồi liền xuống lưng voi, vui mừng đem voi thí cho Bà-la-môn và nói kệ phát nguyện:

“Nguyện xả voi trắng này,
Đem thí cho Bà-la-môn,
Để thoát ly ba cõi,
Mau chứng quả Bồ-đề”.

Lúc đó quần thần vội đến tâu vua: “vua nước địch sai một Bà-la-môn đến xin Thái tử con voi trắng đang cỡi, Thái tử liền đem cho”, vua nghe rồi tức giận cho gọi Thái tử đến đủ lời quở trách rồi đuổi ra khỏi nước. Thái tử nghe vua cha quở trách, suy nghĩ rồi nói kệ:

“Con tu hạnh bố thí,
Cứu vớt chúng sanh khổ,
Đã mặc giáp kiên cố,
Xả voi trắng tốt nhất,
Cho đến vật trong nhà,
Tùy sức đều bố thí,
Con muốn đến trong rừng,
Để tu tập luyện hạnh,
Bỏ nhà tu khổ hạnh,
Nên đến rừng luyện hạnh,
Không nói lời như vậy,
Sao bố thí cho người”.

Sau đó Thái tử đến nói với vợ: “Hiền thủ, ta muốn vào trong rừng tu khổ hạnh”, người vợ nghe rồi không muốn xa chồng nên nói: “thiếp và các con sẽ theo chàng vào trong rừng tu đạo”, liền nói kệ:

“Như đêm không có trăng,
Như đất không lúa mạ,
Như rừng khô cạn nước,
Vợ không chồng cũng vậy”.

Thái tử nói: “chúng ta ắt phải xa nhau, có hợp đều phải biệt ly, huống chi nàng thân nữ yếu đuối phải ăn ngon, mặc đẹp, chỗ ngủ ấm êm; ở trong rừng chỉ ăn trái cây, nằm trên đất cứng và dùng vỏ cây che thân, nàng không thể”, người vợ nói: “dù chịu khổ này thiếp cũng sẽ không thối tâm”, Thái tử nói: “nếu nàng đã nói lời này thì xin chớ có quên”. Sau đó Thái tử đến chỗ vua cha chắp tay nói kệ:

“Xin cha tha thứ lỗi cho con,
Đã đem voi cho Bà-la-môn ,
Do lỗi này, con nay vào rừng,
Nguyện quốc khố ngày càng tăng thêm”.

Vua cha nghe rồi nghẹn ngào nói không ra tiếng, không chịu được nổi khổ biệt ly nên ôm cổ Thái tử nói: “con nên ở lại và đừng bố thí như thế nữa”, Thái tử nói kệ:

“Nếu con mà ở lại,
Sẽ thí cả đất đai,
Bản thân và vợ con,
Tâm thí không thay đổi”.

Nói kệ rồi Thái tử lạy tạ từ biệt phụ vương, dân chúng trong thành buồn bã tiễn đưa Thái tử ra khỏi thành, trăm ngàn quyến thuộc cũng cuỡi xe đi theo tiễn đưa Thái tử. Lúc đó có người nghe dân chúng trong thành đồng loạt khóc lớn liền hỏi nguyên do, mọi người nói là do Thái tử vào trong rừng tu khổ hạnh. Lúc đó Thái tử nói kệ từ biệt mọi người:

“Tất cả ân ái từ lâu nay,
Đến khi qua đời cũng biệt ly,
Như chim ngủ đêm tạm ở cây ,
Vợ con quyến thuộc cũng như vậy.
Mọi người nên biết pháp như thế,
Thế gian đều sợ phải biệt ly,
Còn ta chuyên chú việc ta làm,
An trụ bất động như Tu di”.

Đi cách xa thành khoảng hơn 30 dặm thì có một Bà-la-môn đến nói với Thái tử: “tôi đã đi theo Thái tử hơn 30 dặm đường”, rồi nói kệ:

“Nghe Ngài thích thí nên đến xin,
Tôi đi trên đường rất mệt nhọc,
Vì muốn Ngài thành tựu nguyện thí,
Để ngài mau chứng quả Bồ-đề”.

Vợ Thái tử nghe rồi liền nói kệ:

“Bà-la-môn ngươi thật xấu xa,
Bị đuổi đến rừng cũng không tha,
Sao ngươi không một chút thương xót,
Thái tử bị đuổi đều do ngươi”.

Thái tử nói với vợ: “Hiền thủ không nên nói lời thô với Bà-la-môn này”, rồi nói kệ:

“Nếu không có người xin bố thí,
Do đâu ta chứng quả Bồ-đề,
Trong sáu độ, bố thí đứng ở đầu,
Tu hạnh này mau chứng Bồ-đề”.

Nói kệ rồi vui vẻ đem xe thí cho Bà-la-môn rồi nói kệ:

“Diệt xan tham, sân hận,
Cho Bà-la-môn xe,
Là đem pháp đại tiên,
Chuyển thành pháp vô lậu”.

Thái tử thí xe rồi cõng con đi đến trong rừng khổ hạnh. Thời gian sau, khi vợ Thái tử đi hái trái cây trong rừng, vua trời Đế thích vì muốn thử Thái tử nên hóa làm một Bà-la-môn đến chỗ Thái tử khen ngợi rồi nói kệ:

“Chàng trai dòng họ đoan nghiêm,
Một mình ở trong rừng núi,
Con trai, con gái thân yêu,
Hãy mau đem thí cho tôi”.

Thái tử nghe rồi nhưng vì thương con nên đứng yên suy nghĩ, Bàla-môn liền nói: “tôi nghe nói Ngài có thể bố thí tất cả, ai xin gì cũng cho. Hãy đem hai đứa con cho tôi, đừng nên suy nghĩ nữa”, rồi nói kệ:

“Trên đất và hư không,
Đều nghe Ngài thích thí,
Ngài hãy mau xả thí,
Toại tâm cầu của tôi”.

Thái tử nói: “dù phải xả thân mạng tôi cũng không tiếc, huống chi là con cái. Nay tôi suy nghĩ là có ý riêng”, rồi nói kệ:

“Nay tôi xả thí con,
Quyết chí ở trong rừng,
Không bàn với mẹ chúng,
Sợ hận sanh đau buồn,
Không để người nói rằng,
Thái tử tâm kiên cố,
Xả con không xả thân,
Sợ người sanh nhạo báng”.

Bà-la-môn nói: “Ngài sanh trong dòng họ vua chúa, cả đại địa đều nghe biết Ngài thương xót chúng sanh, thường hành bố thí, đã đem con hương tượng bố thí cho Bà-la-môn; lại thường cứu giúp người nghèo thiếu, ai xin gì cũng đều được thỏa mãn, không để về tay không. Tôi từ xa đến đừng để tôi uổng công, xin điều phục ngựa tâm ý, đừng thối chuyển tâm để sự mong cầu của tôi luống uổng”. Lúc đó Thái tử vì thương con nên tâm mê loạn nói kệ:

“Nay đem con yêu quý,
Thí cho Bà-la-môn ,
Chúng sẽ sanh khổ não,
Vì phải Ái biệt ly.
Nếu nay tôi không cho,
Hạnh thí do đâu thành,
Thà chịu khổ biệt ly,
Để sở cầu viên mãn”.

Thái tử quyết tâm xả thí rồi liền nói kệ:

“Biển khổ trong thế gian,
Hữu tình đều bị chìm,
Thật khó thể vượt qua,
Ta nguyện làm thuyền bè”.

Nói kệ rồi, tay phải dắt con trai, tay trái dắt con gái đem thí cho Bà-la-môn. Lúc đó hai đứa con mước mắt đều lưng tròng, nghẹn ngào than khóc; Thái tử bố thí rồi phát nguyện:

“Bố thí con tôi nguyện,
Thẳng đến đạo Bồ-đề,
Thệ cứu các chúng sanh,
Vượt khỏi biển sanh tử”.

Phát nguyện vừa xong, đại địa chấn động sáu cách, do đại địa chấn động nên những người tu tịnh trong núi đều kinh ngạc tự hỏi vì sao. Lúc đó có một vị tiên thuộc chủng tộc Bà-tất-tra, giỏi coi tướng nên nói với các tiên nhơn:

“Thái tử ăn cây trái trong rừng,
Mọi người thấy rồi đều hoan hỉ,
Do trong biển khổ cầu ra khỏi,
Bồ-tát thí con, đất chấn động”.

Lúc đó hai đứa con lạy tạ từ giã cha rồi nói kệ:

“Chúng con không gặp mẹ,
Nhưng cha đã đem cho,
Con tạm biệt mẹ hiền,
Đi theo Bà-la-môn”.

Thái tử nghe rồi nước mắt đoanh tròng, ôm cổ hai con nói kệ:

“Trong lòng cha rất thương các con,
Không phải cứng rắn không đau xót,
Nhưng vì lợi ích cho trời người,
Đành phải đem hai con bố thí,
Cha vì cầu Vô thượng Bồ-đề ,
Và cầu chứng Niết-bàn an lạc,
Cứu vớt hữu tình trong biển khổ.

Mong cầu thoát khỏi khổ luân hồi”. Lúc đó hai đứa con biết tâm cha đã quyết nên nói với cha: “nếu khi mẹ trở về xin cha hãy nói với mẹ là chúng con xin sám hối, vì còn nhỏ dại ngu si không hiểu biết nên có nhiều lỗi lầm, có lúc nói lời không cung kính, xin hãy tha thứ cho chúng con”, nói rồi hữu nhiễu ba vòng từ giã cha đi theo Bà-la-môn, chân tuy bước đi nhưng nhiều lần quay đầu lại nhìn. Khi hai con ra đi, ba ngàn đại thiên thế giới chấn động sáu cách, chư thiên trong hư không nói kệ:

“Đại sĩ quyết tâm thí,
Sẽ thành Vô thượng giác,
Thí con trai, con gái,
Tâm vững không thối chuyển”.

Lúc đó người mẹ đang trên đường trở về, thấy đại địa chấn động nên bước đi vội vã. Một vị thiên thấy vậy liền hóa ra một con sư tử cái chận đường trở về, sợ người mẹ này trở về kịp sẽ ngăn cản hạnh thí của Bồ-tát. Người mẹ nói kệ:

“Ngươi là vợ vua thú,
Vì sao chận đường đi,
Ta chung thủy với chồng,
Xin ngươi mau mở đường.
Ngươi là vợ vua thú,
Ta là vợ nhân vương,
Theo pháp là chị em,
Ngươi hãy mau tránh đường”.

Lúc đó sư tử cái hiện lại bổn hình và tránh đường, người mẹ trong lòng lo lắng suy nghĩ: “chắc là hai con ta gặp việc chẳng lành rồi”, nghĩ rồi liền nói kệ:

“Mắt tôi đang máy động,
Nghe quạ kêu quái gỡ,
Ắt có khổ biệt ly,
Con ta còn hay mất,
Mà thấy đất chấn động.
Tâm ta càng bất an,
Chắc là mất hai con,
Tâm ta như lửa đốt”.

Về đến trú xứ vội nhìn ngó khắp nơi tìm kiếm hai con nhưng không thấy, tâm người mẹ sanh mê loạn suy nghĩ: “chắc là chúng đang chơi với các con chim sâu hoặc đang ngủ bên trong”. Vào bên trong thấy Thái tử liền hỏi con tôi đâu, Thái tử nói: “có một Bà-la-môn đến xin nên tôi đã đem hai con bố thí, xin nàng hãy tùy hỉ”, người mẹ vừa nghe xong liền ngất xỉu ngã xuống đất, sau đó đau khổ nói kệ:

“Con ta mặt như hoa,
Tay mềm như lá sen,
Chưa từng chịu cực khổ,
Nay con đang ở đâu,
Con chơi cùng thú con,
Thật thà như hươu nai,
Nay con đang ở đâu,
Có bị người sai dịch,
Vì con đi theo người,
Nên thân con chịu khổ.
Lúc đi không gặp con,
Đâu ngờ phải biệt ly,
Ở trong rừng núi này,
Chỉ thường ăn trái cây,
Chịu đói rét hầu người.
Nay con gặp khổ nguy,
Xa lìa cả cha mẹ,
Và tất cả quyến thuộc,
Đều do kẻ ác kia,
Nên con chịu đắng cay.
Con thuộc dòng sát lợi,
Nay phải hầu hạ người,
Ngày đêm bị sai khiến,
Bị các khổ bức bách.
Do tạo nghiệp tội trong quá khứ,
Hữu tình chịu khổ Ái biệt ly,
Nếu ta thường nói lời chân thật,
Tất cả chúng sanh đều bình đẳng,
Do lời thệ nguyện chân thật này,
Đời đời không khổ Ái biệt ly.
Nguyện hai con thoát khỏi thân hèn,
Mau chứng được Niết-bàn an lạc”.

Lúc đó người mẹ nhớ hai con nên thấy cây do hai con trồng liền buồn khóc và nói kệ:

“Những bụi cây và hoa thuốc này,
Đều là do hai con ta trồng,
Chỉ riêng cây hoa thuốc này tốt,
Còn ta và con đều khô héo”.

Sau đó thấy các thú con, người mẹ lại nhớ hai con liền buồn khóc nói kệ:

“Ngươi cùng con đi chơi,
Sống thật là vui vẻ,
Hai con nay đi đâu,
Mẹ kiếm tìm khổ não”.

Sau đó trên đường đi tìm kiếm, người mẹ thấy sườn núi cao hiểm trở không có dấu chân người đi, liền nhớ đến con buồn khóc nói kệ:

“Đường vách núi hiểm trở,
Kia ắt dùng roi gậy,
Bức bách hai con đi,
Bà-la-môn độc ác,
Hai con kêu vỡ họng,
Gào khóc đến ói máu,
Giống như thú sợ chạy,
Chân mềm làm sao đi”.

Lúc đó Thái tử thấy vợ quá buồn khổ, than khóc không dứt liền nói kệ khuyên can:

“Tôi không có tâm giận,
Mà đem con bố thí,
Vì lợi ích hữu tình,
Khó xả mà xả thí,
Con cái và quyến thuộc,
Khó xả nay đã xả,
Sẽ được quả Đại nhân,
Vô thượng diệu Bồ-đề,
Nay ta thệ xả thí,
Là vì cầu giải thoát,
Nên mới đem hai con,
Thí cho Bà-la-môn”.

Người vợ nghe rồi liền nói với chồng:

“Tôi không có ý ngăn,
Chàng chớ sanh niệm khác,
Nếu chàng muốn thí tôi,
Chàng cứ tùy ý thí,
Dứt Ái thí thân quyến,
Vì chí cầu Bồ-đề,
Sở cầu được đầy đủ,
Sẽ cứu hết quần mê”.

Lúc đó vua trời Đế thích muốn giúp cho chí nguyện Bồ-tát được thành tựu nên vào giữa đêm dẫn vô số chư thiên đến chỗ Bồ-tát, thân quang chiếu sáng khắp núi rừng nói với Bồ-tát rằng: “người đời ngu si mê cuồng loạn trí…” vừa nói đến đây vua trời Đế thích liền suy nghĩ: “Bồ-tát có một người vợ đang hầu hạ, nếu không có người vợ này trợ giúp, Bồ-tát sẽ rất khổ sở ; nhưng ta cũng phương tiện đến xin người vợ này”, nghĩ rồi vua trời Đế thích hoa làm một Bà-la-môn đến chỗ Bồ-tát nói kệ:

“Vợ Ngài đủ các tướng,
Lại chung thủy với chồng,
Nhưng Ngài hãy đem vợ,
Thí cho Bà-la-môn”.

Người vợ nghe rồi liền nói kệ:

“Bà-la-môn thấp hèn,
Ngươi tham không hổ thẹn,
Quen thói làm phi pháp,
Hoại tâm trinh của ta”.

Kế nói với người chồng:

“Thiếp không tiếc thân mình,
Cũng không tự cầu an,
Nếu thiếp đi theo hắn,
Ai sẽ hầu hạ chàng?”.

Thái tử nghe rồi liền nói với vợ: “ta rất thương yêu nàng nhưng vì cầu pháp vô tận, nàng hãy đi theo người ấy, dù cho nàng đi rồi, tôi sẽ bị chết tôi cũng phải bố thí”, nói rồi liền suy nghĩ: “đây là lần xả thí sau cùng, tâm ta không còn ràng buộc”, nghĩ rồi liền nói với Bà-la-môn:

“Hãy nên cung cấp quý nhân này,
Là người hiền thiện, tâm thẳng ngay,
Tôi rất yêu mến người vợ này,
Nay đem thí cho Bà-la-môn”.

Lúc đó đại địa chấn động sáu cách, người vợ nghẹn ngào đi theo Bà-la-môn, đã mất hai con nay lại xa chồng, trên khổ chồng thêm khổ, người vợ đau buồn nói kệ:

“Do ta tạo nghiệp này,
Từ xưa cho đến nay,
Như Bò mất con khổ,
Ta khổ còn nhiều hơn”.

Nghe vợ Thái tử nói lời này, vua trời Đế thích hiện lại bổn hình nói rằng: “Ta chẳng phải là người, cũng chẳng phải Bà-la-môn, Ta là vua trời Đế thích có thể chế phục A-tu-la, chỉ vì Ta muốn giúp cho Bồtát thành tựu đại nguyện Vô thượng Bồ-đề nên mới thị hiện làm như thế”, vợ Thái tử nghe rồi vui mừng nói kệ:

“Xin nguyện con của con,
Được thoát thân nô lệ,
Gặp được nhân duyên lành,
Trở về chỗ phụ vương”.

Sau đó vua trời Đế thích dẫn vợ Thái tử trở về giao trả lại và nói rằng:

“Trả lại vợ cho Ngài,
Để hầu hạ tùy ý,
Đừng đem cho ai nữa,
Coi như giữ gùm tôi”.

Lúc đó Bà-la-môn hóa thân của vua trời Đế thích dắt hai đứa con của Thái tử vào trong nước của vua cha Thái tử để rao bán cháu của vua. Quần thần nhìn biết là cháu của vua vội về tâu với vua rằng:

“Chúng thần thấy cháu vua,
Cháu trai và cháu gái,
Đi theo Bà-la-môn,
Bị rao bán trong thành”.

Vua nghe rồi ngất xỉu, hồi lâu mới tỉnh, tỉnh rồi liền ra lịnh dẫn hai cháu đến, vua nhìn thấy hai cháu gầy gò, dơ bẩn, áo quần rách nát, đau lòng lại ngất xỉu, tỉnh rồi nói kệ:

“Ngay khi ở trong rừng,
Vẫn còn ưa bố thí,
Các khanh hãy mau gọi,
Con ta và nàng dâu”.

Lúc đó dân chúng trong nước đều đến thỉnh Thái tử trở về, thời gian sau Thái tử lên nối ngôi vua cha cũng tiếp tục bố thí cho tất cả Sa môn, Bà-la-môn cho đến những người nghèo hèn cô độc… Bồ-tát tu vô lượng phước nghiệp rồi nói kệ:

“Ai cầu đạo Bồ-tát,
Hãy nên siêng bố thí,
Sát lợi, Bà-la-môn,
Tỳ-xá, Thủ-đà-la,
Vàng bạc và vật báu,
Cho đến chuỗi anh lạc,
Nô tỳ và đầy tớ,
Thí cho người trì giới,
Vợ và con của mình,
Thí cho Bà-la-môn,
Người ấy được quả báo,
Đời này và đời sau”.

Này Đại vương, vua Vĩ thí phược đa la thuở xưa chính là thân ta ngày nay. Ngày xưa ta đã hành bố thí, tu vô lượng phước nghiệp như thế để cầu quả Vô thượng Bồ-đề, không phải chỉ do bố thí mà chứng quả Vô thượng Bồ-đề, còn phải do tu vô lượng phước đức nhân duyên, tích tập căn lành, phát tâm chánh tín nên ngày nay mới chứng quả Vô thượng chánh đẳng chánh giác”.

Phật lại bảo vua Thắng quang: “Đại vương, để cầu quả Vô thượng Bồ-đề, ta đã tu bố thí làm các phước nghiệp như sau, Đại vương hãy lắng nghe:

Thuở xưa ở thành Bà-la-nê-tư có vua tên Phạm đức, sau khi lên ngôi vua dùng chánh pháp cai trị nên đất nước phồn thịnh an vui, trong nước không có trộm cướp dịch bịnh, dân chúng ấm no, mưa gió thuận thời, ngũ cốc được mùa. Một hôm thầy tướng số xem thiên văn dự đoán rằng trong 12 năm tới trời sẽ hạn hán không mưa, vua liền ra lịnh đánh trông thông báo cho dân chúng biết: “tướng sư dự đoán trong 12 năm tới trời sẽ hạn hán không mưa, nếu ai có thể dự trữ đủ lương thực để dùng trong 12 năm thì ở lại; nếu ai không thể thì tùy ý đi đến nơi khác, sau khi đất nước sung túc trở lại thì trở về”. Lúc đó trong thành có một trưởng giả tên là Tán đản giàu có, gia sản nhiều như Tỳ sa môn thiên vương, trưởng nghe được thông báo này liền cho gọi người giữ kho đến hỏi: “trong kho của ta có đủ lương thực dùng trong 12 năm không?”, đáp là đủ, trưởng giả nghe rồi liền ở lại trong nước ; những người khác không đủ điều kiện để ở lại đều bỏ sang nước khác. Lúc đó thế gian không có Phật, chỉ có Độc giác vì thương xót hữu tình và những người nghèo khổ nên xuất hiển ở đời, là bậc ứng cúng duy nhất cho loài người. Trong thành Bà-la-nê-tư, tại một nơi có 500 vị Độc giác cư trú, một nơi khác cũng có 500 vị Độc giác, lúc đó 500 vị Độc giác thứ nhất mang bát đến nhà trưởng giả Tán đản khất thực và nói với trưởng giả rằng: “ông có thể cúng dường ẩm thực cho 500 người xuất gia trong 12 năm bị hạn hán không?”, trưởng giả nói: “đợi tôi hỏi người giữ kho”, sau khi hỏi người giữ kho rồi trưởng giả nhận lời cúng dường ẩm thực cho các vị Độc giác trong 12 năm bị hạn hán. 500 vị Độc giác này vừa đi khỏi thì 500 vị Độc giác thứ hai lại đến khất thực và nói với trưởng giả cũng giống như trên, trưởng giả nói: “chẳng phải con đã nhận lời cúng dường rồi sao, vì sao các Ngài lại đến hỏi lại lần nữa?”, các vị Độc giác liền nói: “các vị Độc giác trước là khác, chúng tôi là những người vừa mới đến”, trưởng giả cũng nói là đợi hỏi người giữ kho, sau khi hỏi người giữ kho xong, trưởng giả cũng nhận lời cúng dường suốt 12 năm bị hạn hán rồi hỏi: “hằng ngày các Thánh giả thọ thực vào giờ nào?”, đáp là vào giờ ngọ, trưởng giả liền cho xây cất một trú xứ để hằng ngày cúng dường cho 1000 vị Độc giác đến đó thọ thực vào giờ ngọ. Một hôm trưởng giả hỏi vị Độc giác: “Thánh giả, lúc này thế gian mất mùa đói kém, lúc nào trời mới có thể mưa?”, liền đáp là hôm nay trời có thể mưa, lại hỏi có thể gieo giống được không, đáp là được, trưởng giả nghe rồi liền cho gieo hạt giống. Lúc vua trời Đế thích suy nghĩ: “trưởng giả đã phát tâm cúng dường 1000 vị Độc giác, là bậc tối tôn trong sự bố thí, không có ai hơn. Ta cũng nên trợ giúp trưởng giả thành tựu công đức”, nghĩ rồi liền giáng mưa xuống, các hạt lúa giống mọc thành dây bầu, trưởng giả liền đến hỏi vị Độc giác nguyên do, đáp là cứ tưới đúng thời, trưởng giả nghe theo lời tưới đúng thời, các dây bầu liền sanh hoa quả, mỗi hoa cho ra trái to như trái bầu hoặc như cái lu, trưởng giả lại đến hỏi, vị Độc giác đáp là cứ chờ đúng thời tự nó sẽ nở ra. Thời gian sau trái chín tự vỡ ra, bên trong chứa đủ loại hạt giống, nhờ vậy trong nước không còn đói kém nữa, dần dần sung túc trở lại, dân chúng nghe tin này đều trở về lại quê hương. Lúc đó trưởng giả cúng dường ẩm thực cho 1000 vị Độc giác trong suốt 12 năm rồi nói kệ phát nguyện:

“Tâm thông minh chứng ngộ,
Thân ngữ cũng tịch tĩnh,
Thường cúng dường bậc này,
Bậc Ứng cúng vô lậu,
Đủ thần thông biến hóa,
Trang nghiêm có danh xưng,
Cúng dường bậc Vô úy,
Mình và quyến thuộc vui,
Cúng dường bậc Ứng cúng,
Có đầy đủ tịnh giới,
Trồng được nghiệp an vui,
Đời này và đời sau.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18