CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA DƯỢC SỰ

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 4

Lúc đó phật du hành đến chỗ 500 vị tiên đang ở, nơi đó hoa quả tốt tươi, thức ăn uống đầy đủ nhưng các vị tiên này không có tâm xẻn tham, ai đến đó đều được tùy tình ăn hoa quả. Phật biết đã đến lúc điều phục các vị tiên này nên dùng thần lực làm cho hoa quả nơi ấy đều rơi rụng, dòng suối trong mát cũng khô cạn, hoa cỏ đều héo úa, mặt đất tự nhiên nứt nẻ. Các tiên nhơn thấy rồi liền ngồi chống cằm ưu sầu, Phật đến hỏi nguyên do, các tiên nói: “vì Phật là bậc Lưỡng túc thắng phước điền đến nên chỗ chúng tôi mới biến tướng như thế”, Phật hỏi: “các vị có muốn cảnh trí nơi đây trở lại như cũ hay không?”, đáp là rất muốn, Phật liền thu nhiếp thần lực khiến cho hoa quả tươi tốt và cảnh trí trở lại như cũ, các tiên thấy rồi sanh tâm hi hữu quy kính Phật, Phật quán biết ý nhạo tùy miên của họ, ứng cơ nói pháp khiến cho họ sau khi nghe pháp xong đều chứng quả Bất hoàn và được thần thông. Lúc đó họ đều chắp tay bạch Phật: Thế tôn, chúng con nguyện được ở trong pháp luật khéo giảng nói này xuất gia thọ viên cụ, Thánh tánh Bí-sô, ở chỗ Thế tôn tu tập phạm hạnh”. Phật nói: “Thiện lai Bí-sô, hãy tu phạm hạnh”, Phật vừa nói xong, 500 vị tiên đều râu tóc tự rụng, thân mặc ca-sa như đã từng cạo tóc, trải qua bảy ngày đầy đủ oai nghi như Bí-sô 100 tuổi hạ, Phật nói kệ:

“Thế tôn gọi “Thiện lai”,
Tóc rụng, đủ y bát,
Các căn đều tịch tĩnh,
Thành tựu theo ý niệm”.

Các Bí-sô này nhờ chuyên tâm tu tập đoạn trừ các phiền não, chứng A-la-hán, ba minh, sáu thông, đủ tám giải thoát, được như thật trí: sanh tử đã hết, phạm hạnh đã lập, việc nên làm đã làm xong, không còn thọ thân sau. Tâm không chướng ngại như tay nắm hư không, như dao cắt mùi thơm, yêu ghét không khởi, xem vàng và đất như nhau không khác, tất cả danh lợi đều xả bỏ, Thích Phạm chư thiên thảy đều cung kính. Lúc đó có một vị tiên là giáo thọ của các tiên kia bạch Phật rằng: “Thế tôn, trước kia con dùng hình dáng tiên nhơn lưa dối người đời khiến họ đọa ba đường ác, xin cho con điều phục họ trước rồi mới xuất gia”, Phật cùng 500 vị tiên đã xuất gia và các Bí-sô dùng thần thông lực nương hư không tạo thành hình bán nguyệt đi đến núi Xử sơn. Vị tiên giáo thọ này trông thấy Phật đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, ánh sáng chiếu diệu trang nghiêm liền suy nghĩ: “ta mau xuống núi để gặp Thế tôn, nếu đợi sau khi điều phục mình và người xong thì không còn gặp được nữa, ta phải nhảy xuống núi để đến kịp chỗ Thế tôn”, nghĩ rồi liền nhảy xuống núi. Thường pháp của Phật là được niệm không quên, vừa thấy vị tiên giáo thọ nhảy xuống nui, Phật liền dùng thần lực đón lấy, rồi quán theo ý nhạo tùy miên của tiên nhơn này, ứng cơ nói pháp khiến cho vị tiên này sau khi nghe pháp xong liền chứng quả Bất hoàn và được thần thông. Được chứng quả rồi vị tiên này bạch Phật: Thế tôn, con nguyện được ở trong pháp luật khéo giảng nói này xuất gia thọ viên cụ, Thánh tánh Bí-sô, ở chỗ Thế tôn tu tập phạm hạnh”. Phật nói: “Thiện lai Bísô, hãy tu phạm hạnh”, Phật vừa nói xong, râu tóc của tiên nhơn này tự rụng, thân mặc ca-sa như đã từng cạo tóc, trải qua bảy ngày đầy đủ oai nghi như Bí-sô 100 tuổi hạ, Phật nói kệ:

“Thế tôn gọi “Thiện lai”,
Tóc rụng, đủ y bát,
Các căn đều tịch tĩnh,
Thành tựu theo ý niệm”.

Lúc đó Phật bảo các Bí-sô: “Bí-sô này ở trong chúng Thanh văn của ta là bậc thượng thủ về tin hiểu ta, được gọi là Bí-sô mặc áo vỏ cây”.

Lúc đó Phật cùng 1000 Bí-sô vây quanh dùng thần thông đi đến thành Tô-ba-la, Phật suy nghĩ “nếu ta từ cửa đi vào thì những người đứng ở cửa thành sẽ sanh niệm khác, ta nên dùng thần lực nương hư không mà vào”, nghĩ rồi Phật dùng thần lực nương hư không hiện xuống trong thành Tô-ba-la. Vua cùng ba anh em Viên mãn và 1 vương tử cùng vô lượng trăm ngàn dân chúng đồng đến chỗ Phật. Phật và đại chúng đến trong Tỳ-ha-la vừa được xấy cất xong bằng Chiên đàn. Mọi người bên ngoài thấy Phật vào trong không trở ra nữa nên muốn phá Tỳ-ha-la, Phật suy nghĩ: “nếu Tỳ-ha-la bị phá thì phước đức của thí chủ mất hết, ta nên dùng thần lực biến nó thành thủy tinh”, Khi Tỳ-ha-la biến thành thủy tinh trong ngoài đều trong suốt, mọi người bên ngoài đều nhìn thấy được Phật, lúc đó Phật quán theo ý nhạo tùy miên giới tánh sai biệt của đại chúng xứng với căn cơ nói pháp khiến cho vô lượng hữu tình hoặc được sanh căn lành giải thoát phần, hoặc vào trí huệ phần; hoặc chứng quả dự lưu, Nhất lai, Bất lai, hoặc xuất gia cuối cùng chứng quả A-lahán; hoặc phát tâm Thinh văn Bồ-đề, hoặc phát tâm Độc giác Bồ-đề, hoặc phát tâm vô thượng Bồ-đề, quy y Tam bảo. Lúc đó ba anhem của Viên mãn lo liệu các thứ cúng dường xong liền sai sứ đến bạch Phật biết thời; cùng lúc đó trong biển cả có hai long vương một tên là Hắc giả, một tên là Kiều-đàm-ma, cả hai cùng suy nghĩ: “Thế tôn đang nói diệu pháp tại thành Tô-ba-la, chúng ta nên đến đó nghe pháp”, nghĩ rồi mỗi Long vương cùng với 500 quyến thuộc của mình, dùng oai lực của rồng hóa ra 500 dòng sông chảy về thành Tô-ba-la. Lúc đó Phật suy nghĩ: “nếu hai long vương kia cùng các quyên thuộc đến đây thì đất nước này sẽ bị chìm ngập và hư hoại”, nghĩ rồi liền bảo Đại Mục-kiềnliên thọ thực trước vì năm lý do: 1. Là từ nơi xa đến. 2. Là sắp đi đến nơi xa. 3. Là có người bị bịnh. 4. Là vì thăm người bịnh. 5. Là người thọ sự. Đại Mục-kiền-liên vâng lời Phật thọ thực trước rồi vội đến chỗ Long vương nói rằng: “xin thương xót dân chúng thành Tô-ba-la, chớ có hủy hoại”, Long vương nói: “chúng con đến với tâm thiện, không có ý làm hại cho đến loài kiến huống chi là làm hại dân chúng thành Tô-ba-la”, nói rồi đến chỗ Phật, Phật nói diệu pháp khiến cho Long vương quy y Tam bảo và thọ trì năm học xứ. Quy y rồi Long vương thỉnh Phật thọ thức ăn và thức uống của mình cúng dường trước, Phật suy nghĩ: “nếu ta nhận nước của một rồng thì số lượng rồng còn lại là vô hạn, ta nên lập phương tiện”, nghĩ rồi Phật bảo A-nan-đà: “500 Long vương muốn dâng nước cúng dường, nhưng Ta không thể nhận riêng từng vị, thầy hãy mang bình bát ra sông múc một bát nước mang đến đây”, Mục liên vâng lời Phật đi lấy nước mang về, Phật nhận lấy rồi uống. Lúc đó Mục liên suy nghĩ: “Thế Tôn có dạy công lao cha mẹ đối với con cái rất lớn, vì cha mẹ có thể làm được những việc khó làm cho con như bú mớm, nuôi dưỡng dạy dỗ… Trong châu Thiệm bộ này nếu có người con nào một bên vai cõng cha, một bên vai cõng mẹ trải qua 100 năm cũng không thấy mõi mệt; hoặc dùng ma ni, chơn châu… cung phụng cho cha mẹ được sung sướng cũng chưa thể gọi là báo được ân. Nếu cha mẹ không có tín tâm khiến sanh chánh tín, nếu cha mẹ không có giới thì khiến cha mẹ thọ giới, nếu cha mẹ có tánh xan tham thì khiến che mẹ làm việc huệ thí, cha mẹ không có trí huệ thì khiến phát sanh trí huệ… người con nào có thể khuyến dụ cha mẹ được an trụ như thế mới gọi là báo được ân. Phật đã dạy như thế nhưng ta vẫn chưa làm được”, nghĩ rồi liền nhập định quán sát xem người mẹ đã mất hiện thác sanh vào nơi nào, bèn quán thấy mẹ mình thác sanh ở thế giới Ma-lợi-chi, lại quán ai có thể đến đó dùng pháp giáo hóa, bèn quán biết chỉ có Phật mới làm được việc này, những người khác đều không thể. Quán biết rồi liền đến bạch Phật: “Thế tôn, cha mẹ đối với con cái có thể làm những việc khó làm, mẹ con nay thác sanh ở thế giới Ma-lợi-chi, con quán thấy không ai khác có thể đến đó dùng pháp giáo hóa, cúi xin Thế tôn thương xót”, Phật nói: “dùng thần lực của ai để đến nơi đó?”, đáp: “cúi xin Thế tôn gia bị, dùng thần lực của con để cùng đến nơi đó”. Lúc đó Đại Mụckiền-liên dùng thần lực của mình dời một chân đạp trên một thế giới, một chân đạp trên núi Mê lô, trải qua bảy ngày dùng oai lực như vậy mới đến được thế giới Ma-lợi-chi. Thấy Mục liên từ xa đi đến, người mẹ liền chào hỏi thăm con, những người ở nơi đó nghe rồi liền nói với nhau: “cô gái này còn nhỏ sao lại có người con già”, Mục liên nghe rồi liền nói với mọi người: “vị này là người mẹ đã sanh ra tôi và đã nuôi dưỡng tôi”. Lúc đó Phật quán biết ý nhạo tùy miên giới tánh sai biệt của người mẹ xứng căn cơ nói bốn đế lý khiến bà được Kiến đế chứng quả Dự lưu. Chứng quả rồi bà bạch Phật: “Thế tôn đã làm lợi ích cho con, lợi ích này không phải do cha mẹ… cho đến sa môn, Bà-la-môn có thể làm được. Thế tôn là bậc đại thiện tri thức đã cứu vớt con ra khỏi ba cõi, hết khổ sanh tử, được đạo Niết-bàn, làm cạn biển máu, vượt khỏi núi xương, núi thân kiến từ vô thỉ đến nay đếu bị phá tan bằng chày trí Kim cang, chứng được Sơ quả”, liền nói kệ: “Nhờ oai lực Thế tôn,

Đóng kín cửa đường ác,
Đường ác nhiều trở ngại,
Chỉ bày cửa Niết-bàn,
Thế tôn trừ tội lỗi,
Khiến sanh mắt trí huệ,
Đến được nguồn trong sạch,
Vượt qua bờ biển khổ,
Thế tôn thầy người trời,
Khéo trừ già bịnh chết,
Trăm ngàn đời khó gặp,
Nay gặp được chứng quả”.

Nói kệ xong bạch Phật: “nay con xin quy y Tam bảo làm Ô-ba-tư-ca, nay con muốn cúng dường Phật và cụ thọ Mục liên”, Thế tôn im lặng nhận lời, bà liền dâng thức ăn cúng dường Phật và Mục liên, Phật thọ thực xong, nói pháp cho bà mẹ nghe, bảo Mục liên đi rửa bát xong rồi trở về bổn độ, Mục liên hỏi: “Thế tôn, dùng thần lực của ai để trở về bổn độ?”, Phật nói: “dùng thần lực của ta”, Phật vừa nói xong thì Phật và Mục liên đã ở trong rừng Thệ đa, Mục liên bạch Phật: “Thế tôn, thật là hi hữu, thần lực này có tên là gì?”, Phật nói: “đây là thần thông Tốc niệm”. Mục liên bạch Phật: “trước do con không hiểu cảnh giới của Phật sâu xa như vậy, nếu con đạt được cảnh giới này thì như trong mỗi hạt dầu mè, con đều giáo hóa hết khiến được đạo Vô thượng Chánh biến tri. Nay con tuy chứng quả A-la-hán nhưng vẫn không thể đạt được hạnh Bồ-đề này”.

Lúc đó các Bí-sô ở rừng Thệ đa đều có nghi thỉnh hỏi Phật: “Thế tôn, Bí-sô Viên mãn đã gieo trồng nghiệp nhân gì mà mau chứng quả A-la-hán, lại do tạo nghiệp gì mà sanh trong nhà giàu sang, lại do tạo nghiệp gì mà phải thác sanh trong bụng người tớ gái?”, Phật bảo các Bí-sô: “Bí-sô Viên mãn đã tích tập các nghiệp, tư lương đắc đạo biến duyên như vậy, tuy ở trong luân hồi mà lại được giác ngộ, tự làm tự thọ, không phải mình tạp nghiệp mà địa giới chịu; cũng chẳng phải nước gió lửa chịu, mà chính mình tự chịu; cũng chẳng phải uẩn giới, lục nhập giới chịu, như bài kệ:

“Dù trải qua trăm kiếp,
Nghiệp đã tạo không mất,
Khi nhân duyên hội họp,
Tự thọ lấy quả báo”.

Các thầy lắng nghe:

Quá khứ trong Hiền kiếp khi con người sống thọ hai vạn tuổi có đức Phật ra đời hiệu là Ca-nhiếp-ba, Phật có đủ 10 hiệu Như lai, Bạc già phạm, Ứng chánh đẳng giác, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế Tôn ở tại thành Bà-la-nê-tư. Lúc đó Viên mãn xuất gia trong giáo pháp của Phật đó, thông suốt ba tạng và giữ chức vụ coi ngó công việc của các Bí-sô. Thời gian sau đến phiên một vị A-la-hán quét dọn trong ngoài chùa, vị này vừa quét dọn xong thì gió thổi bay rác trở lại làm dơ đất, vị này suy nghĩ: “hãy đợi gió lặng rồi sẽ quét trở lại”. Không ngờ chưa kịp quét sạch lại thì Viên mãn thấy đất dơ cho là chưa quét nên nổi sân mắng: “đứa đầy tớ nào quét dọn ở đây?”, Vị A-la-hán nghe rồi liền suy nghĩ: “thầy ấy đang giận, mình nên im lặng, đợi nguôi giận rồi sẽ nói rõ”. Khi thấy Viên mãn đã nguôi giận, vị A-la-hán này đến nói với Viên mãn :“thầy có biết tôi là người thế nào không?”, đáp: “thầy xuất gia trong giáo pháp của Phật Ca-nhiếp-ba, tôi cũng vậy”, vị A-la-hán nói: “tuy tôi cùng xuất gia và cùng nghiệp xuất gia, nhưng đối với tôi việc nên làm đều đã làm xong và được giải thoát. Thầy vẫn còn bị ràng buộc, khẩu nghiệp bất thiện, hãy sám hối để tội được tiêu trừ”. Tam tạng Viên mãn nghe rồi liền sám hối, lỗi này đáng lẽ bị đọa địa ngục, nhờ sám hối nên được làm người nhưng vẫn phải từ bụng đứa tớ gái sanh ra đến nay đã 500 đời, đời này tuy mang thân sau cùng cũng vẫn từ thai của đứa tớ gái sanh ra. Do quá khứ tích tập thiện nghiệp nên được sanh trong nhà giàu sang, do siêng năng làm việc của tăng, đọc tụng có trí huệ hiểu rõ Uẩn, xứ, giới nhập nhân duyên, xứ phi xứ nên nay được xuất gia trong giáo pháp của ta, đoạn trừ phiền não chứng quả A-la-hán.

Này các Bí-sô, phải biết quả báo tự làm tự thọ, hễ tạo nghiệp thuần đen thì cảm quả báo dị thục đen; tạo nghiệp thuần trắng thì cảm quả báo dị thục trắng, tạo nghiệp đen trắng xen tạp thì cảm quả dị thục xen tạp. Cho nên các thầy hãy xả bỏ nghiệp thuần đen và nghiệp đen trắng xen tạp, nên tu nghiệp thuần trắng”. Các Bí-sô nghe Phật dạy rồi liền tín thọ phụng hành.

Lúc đó ở thành Vương xá có hai long vương một tên là Sơn, hai tên là Diệu, nhờ sức oai thần của hai long vương này nên 500 suối nước, 500 đầm nước trong và các ao hồ trong thành thường chảy không dứt, mưa thuận gió hòa, ngũ cốc tốt tươi. Khi Thế tôn điều phục được hai long vương Nan-đà và Ô-ba-nan-đà rồi, mỗi tháng vào những ngày mồng 8, rằm. 23 và cuối tháng, hai long vương này từ trong biển cả bay lên núi Diệu cao đến chỗ Phật cúng dường và nghe pháp. Lúc đó hai long vương Sơn và Diệu thấy hai long vương này cùng đến chỗ Phật cúng dường nên nói với nhau: “hai long vương này từ nơi xa xôi còn đến thành này thừa sự Thế tôn và nghe pháp, tại sao chúng ta ở tại thành này lại không đến kính lễ, chúng ta nên đến cúng dường Thế tôn”, nói rồi liền đến chỗ Phật đảnh lễ rồi ngồi một bên, Thế tôn liền nói pháp yếu khiến cho hai long vương này quy y Tam bảo và thọ trì năm học xứ. Từ đó về sau thân rồng và của cải đều tăng thạnh, được tăng thạnh rồi hai rồng bàn với nhau: “chúng ta nên vào biển cả cư trú ở chỗ sâu rộng nhất”, bàn xong liền đến bạch Phật xin Phật thương xót chấp thuận cho việc vào biển cư trú, Phật nghe rồi liền nói: “vua Tần-tỳ-sa-la là quốc chủ, hai ngươi muốn đi thì nên báo cho Đại vương biết”, hai rồng nghe rồi liền từ tạ ra về, nói với nhau: “như lời Phật dạy thì hình như Phật không đồng ý, chúng ta nên nương ở chỗ cũ”. hai long vương này nếu ban đêm đến yết kiến Phật thì giữ nguyên hình trạng, nếu ban ngày đến thì hóa thân cư sĩ. Thời gian sau vào một hôm giữa ban ngày hai long vương hóa thân cư sĩ đến chỗ Phật nghe pháp, cùng lúc đó vua Tần-tỳsa-la cũng đến chỗ Phật. Vua ỷ vào dòng Sát-đế-lỵ quán đảnh nên cống cao ngã mạn, nếu muốn đến chỗ Phật thì ra lịnh tả hữu đến trước bảo mọi người rằng: nếu thấy nhà vua đến thì hãy đứng dậy cung kính. Ta hữu đến chỗ Phật truyền khẩu dụ, thấy có hai cư sĩ bèn trở lại tâu với nhà vua, vua nghe rồi liền suy nghĩ: “hai cư sĩ là người sống trong nước ta, thấy ta đến há không đứng dậy cung kính hay sao”, nghĩ rồi liền đến chỗ Phật. Lúc đó hai long vương thấy nhà vua đến liền hỏi Phật: “Thế tôn, chúng con nên kính pháp hay kính nhà vua?”, Phật nói: “chư Phật Thế tôn và A-la-hán đều tôn kính pháp”, liền nói ba bài kệ:

“Như chư Phật quá khứ,
Cho đến Phật vị lai,
Hiện tại các Thế tôn
Đã đoạn tất cả ưu,
Đều cùng tôn kính pháp.
Nói năng và đi đứng,
Thường trong tất cả thời,
Đều tôn trọng chánh pháp.
Cho nên người cầu ích,
Mong muốn được giàu vui,
Nên phải tôn kính pháp,
Thường nhớ lời Phật dạy.”

Hai long vương nghe Phật dạy như vậy nên khi thấy nhà vua đến không đứng dậy kính lễ, vua liền suy nghĩ: “hai trưởng giả này là người trong nước ta, thấy ta đến mà không kính lễ”, nghĩ rồi liền nổi sân, khi đến đảnh lễ Phật, Phật biết tâm nhà vua đang sân nên nói qua việc khác mà không nói pháp, vua thấy vậy liền thỉnh Phật nói pháp, Phật nói kệ:

“Nếu tâm không thanh tịnh,
Trong lòng còn sân hận,
Không thể hiểu lời Phật,
Đã nói pháp vi diệu.
Hàng phục tâm đấu tranh,
Không có ý bất định,
Và trừ tâm phẫn hại,
Mới hiểu được pháp mầu”.

Nhà vua nghe kệ rồi liền suy nghĩ: “chính do hai cư sĩ này nên Thế tôn không nói pháp cho ta nghe”, nghĩ rồi liền đảnh lễ Phật ra về, sau đó ra lịnh cho tả hữu: “các ngươi đợi hai cư sĩ ở bên Phật, khi họ cáo từ Phật ra về, các ngươi nên bảo họ rằng: Đại vương có dạy hai người phải mau ra khỏi nước, không nên ở trong đất nước của Đại vương nữa”. Tả hữu vâng lịnh ở lại đợi hai long vương và nói lại lời của nhà vua, hai long vương nghe rồi liền nói với nhau: “đây là điều ta hằng mong muốn, lời nhà vua nói thật hợp ý chúng ta”. Hai long vương liền dùng oai lực của rồng hóa ra dòng nước lũ, chảy qua các kênh ngòi khe suối rồi chảy vào sông, các sông lần lượt chảy ra biển, từ đó trở đi thân và tư tài của hai long vương càng tăng thạnh, quyến thuộc càng đông. Sau khi hai rồng ra đi, 500 suối nước đều khô cạn, trời hạn hán không mưa khiến cho ngũ cốc mất mùa, dân chúng lo buồn. Vua Tần-tỳ-sa-la thấy việc này rồi liền suy nghĩ: “trước đây trong thành Vương xá có hai long vương, nhờ oai lực của chúng… giống như đoạn văn trên, cho đến câu tại sao nay bỗng nhiên sông suối ao hồ đều cạn khô, trời hạn hán không mưa khiến cho ngũ cốc mất mùa. Phải chăng hai long vương này đã qua đời hoặc đã đi đến nước khác hoặc có kẻ chú yếm nhiếp giữ rồng hoặc là đã bị chim Kim súy điểu ăn thịt. Thế tôn là bậc Nhất thiết trí, ta nên đến hỏi Phật nguyên do”, nghĩ rồi nhà vua liền đến chỗ Phật đảnh lễ Phật rồi bạch hỏi như trên, Phật nói: “Đại vương nên biết, chẳng phải hai rồng kia đã qua đời… cho đến chẳng phải bị chim Kim súy điểu ăn thịt, mà chính là Đại vương đã xua đuổi chúng”. Vua nói: “con không nhớ là đã gặp lần nào huống chi là xua đuổi”, Phật liền nhắc cho vua nhớ: “lúc đó nhà vua đến chỗ ta đã gặp hai cư sĩ đang ngồi bên ta nghe pháp, khi ra về nhà vua đã nói gì với sứ giả?”, vua nói: “con bảo sứ giả nói với họ là đừng ở trong nước của con nữa”, Phật nói: “hai cư sĩ đó là hóa thân của hai long vương đến chỗ ta nghe pháp yếu”, vua liền hỏi: “hiện nay họ đã đi đâu?”, Phật nói: “họ đã ra biển cả”, vua nghe nói rồi mặt hiện vẻ buồn lo hỏi Phật: “Thế tôn, quốc giới của con có bị suy tổn hay không?”, Phật nói: “quốc giới của nhà vua chưa đến nỗi suy tổn, nhưng nhà vua nên sám tạ hai long vương kia”, vua nói: “họ ở trong biển cả con làm sao gặp để sám tạ?”, Phật nói: “mỗi tháng vào bốn ngày chay họ thường đến kính lễ ta, ngày ấy vua nên đến ta sẽ chỉ để nhà vua sám tạ họ”, vua hỏi: “khi sám tạ họ, con có lễ dưới chân họ không?”, Phật nói: “nhà vua chỉ cần duỗi tay phải ra nói với họ rằng: xin dung thứ cho tôi, xin đừng giận lời nói trước kia. Hai long vương nghe rôi sẽ tha thứ cho nhà vua”. Thời gian sau đến ngày Bảo sái đà, hai long vương đến chỗ Phật, vua Tần-tỳ-sa-la cũng đến, Thế tôn hiện tướng chỉ cho vua biết, vua liền như lời Phật dạy sám tạ Long vương và yêu cầu hai long vương trở lại, hai long vương nói: “chúng tôi đã ra biển, thân và tư tài của chúng tôi càng rộng lớn không thể trở lại trong đây ở như trước kia”, vua nói: “nếu như vậy thì nước tôi sẽ bị mất”, hai long vương nói: “nhà vua chớ lo lắng, vua nên xây hai Thần đường ở ngoài thành, cứ sáu tháng một lần đem các món cúng dường đến đó cúng dường, chúng tôi sẽ đến, tôi sẽ cho các quyến thuộc ở đó để ủng hộ quốc giới”. Nhà vua nghe rồi liền cho xây hai Thần đường, hai long vương cho quyến thuộc ở lại đó, tới ngày cúng dường mới đến thọ sự cúng dường. Thời gian sau, quyến thuộc của hai long vương sanh kiêu mạn, rồng dữ được dịp giáng mưa đá xuống, lúc đó trong thành có một Bà-la-môn thông thạo chú thuật trừ mưa đá, mỗi khi thấy sắp có mưa đá ông liền tác pháp trừ nên người trong thành đều phân chia hoa lợi đã thu được cho ông. Lúc đó ở nước Nam Thiên trúc cũng có một Bà-la-môn giỏi chú thuật trừ diệt mưa đá, ông nghe nói ở thành Ba-lợi-ca thuộc nước Bắc Thiên trúc có vị vua tên là Siêu quân dùng chánh pháp trị nước, trong thành có cung của Long vương Tôn-đà-la. Long vương này có oai lực lớn và mạnh mẽ nên ông muốn đi đến đó để hàng phục rồng này. Thầy chú thuật này khi đi đến thành Vương xá tới nhà của thầy chú thuật trước đây, thầy trên trời mây giăng như sắp giáng mưa đá xuống mà thầy chú thuật đó cứ đi tới đi lui, đi qua đi lại mãi nên hỏi vợ của ông thầy chú thuật đó: “vì sao chống cô cứ đi qua đi lại mãi thế?”, người vợ đó nói: “lần này mây giăng này rất thạnh, chồng tôi không dứt trừ nổi”, Thầy chú thuật khách nói: “nếu chồng cô không dứt trừ nổi thì tôi sẽ dứt trừ”, người vợ đó nói: “nếu được vậy thì tốt”. Thầy chú thuật khách liền lấy ít nước chú nguyện rồi rẩy lên hư không, mây liền tan. Lúc đó các Bà-la-môn cư sĩ ở thành Vương xá sanh tâm hi hữu, đều đem tài vật đến biếu tặng, thầy chú thuật chỉ thầy chú thuật khách nói với mọi người: “lần này mây giăng rất thạnh, tôi không dứt trừ nổi, do thầy chú thuật khách này đã làm tan mây”, mọi người liền đưa tài vật biếu tặng và nói: “xin hãy ở lại đây, chúng tôi sẽ phân chia hoa lợi cho thầy”, thầy chú thuật khách nói: “theo ý của các vị”. Thầy chú thuật khách ở lại, sau đó lại tác pháp làm tan mây khiến cho mưa đá dứt trừ, các Bà-la-môn cư sĩ thấy hết mưa đá liền suy nghĩ: “do phước đức của chúng ta nên mưa đá không rơi xuống nữa, chúng ta cần gì phải phân chia hoa lợi cho ông ta nữa”, nghĩ rồi liền không chia cho hoa lợi nữa, thầy chú thuật khách oán hận, thu chú pháp rồi bỏ đi nên sau đó lại có mưa đá. Mọi người đến tìm thầy chú thuật khách, thầy chú thuật trước nói: “mọi người không chia hoa lợi cho ông ta nữa nên đã bỏ đi rồi”, mọi người nói: “nếu ông ta trở lại thì hãy nói cho chúng tôi biết”, thầy chú thuật trước nhận lời. Thầy chú thuật khách đi dần tới biên giới thành Thắng quân, đến chỗ nhà vua chúc vua được trường thọ rồi tâu rằng: “Đại vương, trong nước của vua có Long vương tên là Tôn-đà-la, trong cung rồng có một loại thuốc nếu uông vào sẽ tăng thêm sức mạnh, xin vua hãy chỉ cng rông cho thần, nếu lấy được thuốc ấy, thần sẽ chia cho Đại vương”, vua nói: “này Bàla-môn, rồng ấy rất hung dữ, chớ có xúc phạm nó, nó sẽ làm hại ông”, Thầy chú thuật khách nói: “tôi có chú lực, cho dù khắp châu Thiệm bộ này đều là rồng Tôn-đà-la tôi vẫn điều phục được, huống chi chỉ có 1 rồng Tôn-đà-la. Đại vương, trong nước vua có phạm nhân nào đáng tội chết không ?”, đáp có, Thầy chú thuật khách nói: “xin hãy cho người ấy dẫn tôi đến cung rồng chỉ chỗ rồng ở”, vua Thắng quân liền cho gọi tử tội đền và bảo dẫn Thầy chú thuật khách đến cung rồng chỉ chỗ rồng ở. Đến nơi, Thầy chú thuật khách liền lẻn vào trong cung rồng lấy thuốc được rồi vội mang về chỗ nhà vua, chia bớt thuốc cho vua rồi trở về chỗ ỏ cũ trong thành Vương xá, thầy chú thuật trước kia thấy rồi liền báo cho mọi người trong thành biết, họ liền mang tài vật đến biếu và ân cần yêu cầu ông ở lại trừ mưa đá, thấy mọi người ân cần lưi lại nên ông nhận lời. Thường tình của con người là thích thạnh bỏ suy, hễ giàu có thì sanh kiếu ngạo buông lung, lúc đó Thầy chú thuật khách cưới 1 cô gái cùng dòng tộc làm vợ, không bao lâu sau sanh một con trai đặt tên là Tiểu sơn, sau đó lại sanh thêm một gái đặt tên là Điện quang. Các Bàla-môn gọi Thầy chú thuật khách là Tôn-đà-la, gọi vợ của ông ta là Chấn bạc, gọi vợ của Tiểu sơn là Thắng luân não. Lúc đó Thầy chú thuật khách suy nghĩ: “ta cứ tác pháp trừ mưa đá mãi như thế rất là mệt nhọc, ta nên tác pháp làm cho dứt hẳn, không cho sanh khởi nữa”, nghĩ rồi liền tác pháp làm cho mưa đá vĩnh viễn không khởi nữa. Mọi người trong thành thấy vậy liền nói với nhau: “do phước đức của chúng ta nên mưa đá không rơi xuống nữa, chúng ta cần gì phải phân chia hoa lợi cho ông ta nữa”, bàn bạc xong, họ liền ngưng việc chia hoa lợi cho Thầy chú thuật khách nữa. Thầy chú thuật khách vốn xẻn chú pháp nên không truyền dạy cho ai kể cả con mình, lại do đắm trước lạc thú, không siêng năng luyện tập chú thuật như trước kia, thuốc lấy được từ trong cung rồng bỏ đó không xem nên đều hư hoại, thời gian sau muốn dùng cũng không dùng được nữa, muốn tác pháp chú thuật cũng không nhớ cách tác pháp. Thầy chú thuật khách ôm lòng oán dân mọi người trong thành nên tìm đến các bậc thầy dị học hỏi rằng: “có cách gì để được mọi sự mong cầu đều như ý không ?”, các vị ấy hoặc nói nhảy vào lửa, hoặc bảo uống thuốc độc hoặc bảo nhảy từ trên cao xuống … đều là bảo xả bỏ mạng sống chớ không chỉ cách. Thầy chú thuật khách tuần tự đến trong Trúc lâm hỏi các Bí-sô như trên, Bí-sô bảo nên xuất gia, hỏi xuất gia phải làm việc gì, đáp là suốt đời tu phạm hạnh, thiền tư đọc tụng… để diệt trừ phiền não… như thế thì ở đời vị lai mọi mong cầu sẽ được như ý. Thầy chú thuật khách nói: “việc làm này khó quá”, Bí-sô nói: “nếu không làm được thì nên cúng dướng thức ăn thức uống cho các trưởng lão Bí-sô”, Thầy chú thuật khách nói: “việc này cũng khó làm, xin hãy chỉ cách khác”, Bí-sô nói: “nếu vậy, hãy thỉnh bốn vị Đại Thanh văn cúng dường thức ăn thức uống rồi phát nguyện sẽ được như ý, vì sao, vì bốn đại Thanh văn giống như cái bình quý, ai cầu gì cũng được như ý”, Thầy chú thuật khách nói: “việc này tôi làm được”, nói rồi liền thỉnh bốn vị đại Thanh văn cúng dường rồi phát nguyện: “nguyện nhờ căn lành cúng dường này khiến cho Long vương Tôn-đà-la biến mất khỏi cung rồng, con sẽ sanh trong cung rống ấy để làm tổn hại dân chúng trong thành Vương xá”. Lúc đó người vợ hỏi người chồng đã phát nguyện gì, sau khi nghe biết rồi nói rằng: “tôi cũng nguyện theo làm vợ ông”, người con trai nói với cha: “con cũng nguyện theo làm con của cha”, người con gái nói: “con cũng nguyện theo làm con gái của cha”, vợ của người con trai nói với chồng: “em cũng nguyện theo làm vợ của anh”. Sau khi cùng phát nguyện xong, cả nhà đều đi ngủ, đêm đó trời bỗng giáng xuống một trận mưa to làm xói hỏng chân tường đồng loạt sụp đổ xuống đè chết hết cả nhà Thầy chú thuật khách. Do nguyện lực nên họ sanh vào cung rồng xua đuổi long vương Tôn-đà-la rồi sống ở đấy với sáu vạn quyến thuộc của mình. Thầy chú thuật khách nay được gọi là Long vương Tôn-đà-la, vợ là Chân bạc, con trai là Tiểu sơn, con gái là Điện quang, vợ của tiểu sơn là Thăng luân. Thường pháp của rồng là khi sanh ra liền quán biết là do nguyện lực nên sanh trong cung rồng, lại quán biết là muốn làm tổn hại dân chúng trong thành Vương xá nên mới sanh trong cung rồng. Quán biết rồi liền suy nghĩ: “đợi lúa mọc tươi tốt rồi tàn phá làm cho họ khổ sở hay lá lúa chưa mọc mà tàn phá thì họ khổ, phải đợi lúa mọc xanh tốt rồi tàn phá thì họ sẽ khổ sở hơn”, nghĩ rồi liền gọi các quyến thuộc đến nước Ma-kiệt-đà giáng mưa lành khiến cho lúa mọc tươi tốt. Đợi đến khi lúa đã mọc xanh tốt, Long vương Tôn-đà-la cùng sáu vạn quyến thuộc giáng xuống mưa đá phá hoại mùa màng, sau đó giáng thêm một trận mứa lớn làm cho trôi hết gốc lúa và thân lúa không còn sót. Lúc đó người trong nước Ma-kiệt-đà nói với nhau: “rồng này cho đến cuống lúa cũng không để sót”, nhân đây Long vương Tôn-đà-la được gọi là Long vương Vô đạo cán.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18