CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA DƯỢC SỰ

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 5

Nội nhiếp tụng:

Vương thành Na-lan-đà,
BA-tra, Trúc trượng lâm,
Căng già, Thắng phong sơn,
Khiếu thanh, Phệ-xá-ly.

Phật ở trong Trúc lâm bên ao Yết-lan-đạc-ca thành Vương xá, lúc đó Thái tử Vị sanh oán bị Đề-bà-đạt-đa kích động đủ cách, nghe theo lời liền giết hại vua cha là người thuận chánh pháp để lên ngôi vua. Vị vua này cũng làm các việc gây tổn hại cho Phật như thả voi lớn tên Hộ tài, ngựa dữ và chó dữ để hại Phật. Nghe việc này rồi bà mẹ là Vy-đềhi bảo con: “con chớ làm việc khinh hủy Thế tôn, Thế tôn thường sợ chúng sanh làm việc khinh hủy, e Phật rời khỏi thành Vương xá thì đất nước này sẽ mất lợi ích lớn, vì nhờ oai lực của Thế tôn nên dân chúng ở nước An-già và Ma-kiệt-đà được lợi hỉ”, vua nghe rồi liền tức giận nói với mẹ: “những nước khác không có Như lai thì đều bị tiêu diệt hết hay sao”, bà mẹ đủ lời khuyên can nhưng vua Vị sanh oán không hồi tâm. Lúc đó Thế tôn suy nghĩ: “Thái tử Vị sanh oán gây vô lượng tội, ta phải làm cho người này trụ nơi Vô căn tín, nhưng nay chưa đúng thời, ta nên đến thành Thất-la-phiệt”, nghĩ rồi Phật liền cùng chúng Thanh văn du hành đến thành Thất-la-phiệt trụ ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ đa. Các vua nước lân bang nghe tin vua Vị sanh oán làm việc khinh hủy Thế tôn nên Thế tôn đã rời thành Vương xá đi đến thành Thất-la-phiệt liền suy nghĩ: “vua nước ấy đã giết hại vua cha là người thuận chánh pháp, vậy mà chưa biết đủ, nay lại khinh hủy Thế tôn là bậc đáng được trời người cúng dường, các nước chúng ta nên họp nhau lại thảo phạt tước đoạt vương vị của vua ấy”, nghĩ rồi các vua lần lượt sai sứ giả đến thông báo để cùng chuẩn bị giáp trụ, chỉnh trang bốn binh: tượng binh, mã binh, xa binh và bộ binh tiến đánh thành Vương xá. Lúc đó Long vương Vô đạo cán giáng xuống một trận mưa đá tổn lại mùa màng, làm cho 500 sông suối đều khô cạn, trời hạn hán khiến cho dân chúng đói khát không an ổn. Vua Vị sanh oán trong lòng đau khổ, phi nhân được dịp gây ra các bịnh dịch khiến người bị bịnh dịch chết rất nhiều, xe tang nối nhau chở xác chết ra khỏi thành, vua bị trăm thứ khổ não bức bách nên ngồi chống cằm rầu rĩ, bà mẹ Vy-đề-hi thấy vậy liền bảo con: “ta đã bảo con không nên khinh hủy Thế tôn, Phật là bậc Vô sở úy, nhưng nếu bị khinh hủy thì sẽ rời khỏi thành Vương xá. Phật mà bỏ đi thì trong nước sẽ hiện việc chẳng lành, chính là những việc đang xảy ra”, vua hỏi bà mẹ: “vậy bây giờ con phải làm sao?”, bà mẹ nói: “con nên đến sám hối Thế tôn”, vua nói: “con thật sự không dám đến gặp Thế tôn, chắc là Phật đang giận trách”, bà mẹ nói: “con há không nghe: đối với người dùng Chiên đàn hay người cầm dao búa, Phật đều không sanh niệm khác. Nếu có người với tâm tịnh tín dùng Chiên đàn thoa, Như lai cũng không khởi tâm hỉ đối với người ấy. Nếu có người với tâm sân hận cầm dao đến làm hại, Như lai cũng không khởi tâm sân đối với người ấy”. Vua nghe rồi liền bảo vị đại thần: “khanh hãy mau đến chỗ Phật vì Ta đảnh lễ Phật và thăm hỏi Phật có được khỏe mạnh an lạc không; sau đó bạch Phật rằng: nếu con có tội thì cha cũng không chấp, cúi xin Thế tôn thương xót trở lại thành Vương xá , nếu Phật không trở lại thì đất nước sẽ diệt vong”, vị đại thần tuân lịnh vua đi đến thành Thất-la-phiệt tới chỗ Phật đảnh lễ Phật rồi bạch lại những lời vua Vị sanh oán đã dặn, Phật im lặng nhận lời, vị đại thần thấy Phật đã nhận lời liền đảnh lễ Phật rồi ra về. Sau đó Phật cùng các Bí-sô rời thành Thất-la-phiệt tuần tự du hành đến nước Ma-kiệt-đà, do oai lực của Phật, các vị thần phun nước tám công đức làm đầy ao suối, giáng xuống mưa ngọt và xua đuổi các bịnh dịch. Vua các nước lân bang cũng rút binh trở về, dân chúng buôn bán trở lại, các thương nhơn nước ngoài cũng đến giao dịch mua bán trở lại, trong nước thái bình nên dân chúng ở khắp đường phố đều ca ngợi oai đức của Phật, các ngoại đạo cũng im lặng khuất phục sanh tâm hoan hỉ. Lúc đó vua Vị sanh oán hay tin Phật đã vào quốc giới vui mừng ra lịnh các đại thần: “ở trên các đường phố cách Vương thành hai dặm rưỡi nên cho quét dọn sạch sẽ, rưới nước thơm Chiên đàn và trang hoàng đẹp đẽ; trong thành Vương xá cho đốt hương thơm và rải hoa để nghinh đón Phật”, các đại thần tuân lịnh làm theo lời vua, nhà vua đích thân thống lĩnh bốn binh ra đón Phật. Khi Phật sắp bước vào trong thành, chân phải vừa đạp lên ngưỡng cửa thành thì mặt đất chấn động sáu cách, chư thiên rải hoa và thiên y cúng dường Phật. Khi Phật vào trong thành, các tướng kỳ lạ hiện ra như sau: các đường nhỏ hẹp bỗng rộng lớn ra, các cây nhỏ bỗng nhiên cao lớn, voi ngựa… các laòi chim đều cất tiêng kêu vui mừng, các loại khí vật tự phát tiếng kêu, người mù được thấy, người điếc được nghe, người câm nói được, người không đủ các căn liền được đầy đủ, người đang say mê đều được tỉnh, người trúng độc đều được khỏe mạnh lại, người oán thù nhau đều sanh tâm từ bi, người mang thai sanh con không thấy đau đớn, người bị giam cầm đều được giải thoát, người nghèo thiếu được của cải. Một Ô-ba-sách-ca thấy những việc này rồi liền nói kệ:

“Thế tôn đến nước nào,
Nước ấy không còn sợ,
Đói khát và quân địch,
Mưa gió được điều hòa,
Dân chúng đều tu phước,
An lạc không lo buồn,
Trăm ngàn việc kỳ lạ,
Đều thành tựu nơi đây”.

Lúc đó Phật an ủi đại chúng trong thành Vương xá, không ai là không được lợi ích rồi đến Trúc lâm, vua Vị sanh oán đến chỗ Phật đảnh lễ ngồi một bên nghe Phật nói pháp, Thế tôn tùy thuận nói pháp chỉ dạy cho vua được lợi hỉ rồi liền im lặng. Vua nghe pháp rồi hoan hỉ tín thọ, chắp tay bạch Phật: “cúi xin Thế tôn và chúng Tăng thương xót thọ con thỉnh ba tháng cúng dường tứ sự đầy đủ”, Phật im lặng nhận lời, biết Phật đã nhận lời nhà vua đảnh lễ Phật ra về. Về đến trong cung nhà vua liền ra lịnh lo liệu mọi thứ cúng dường cho Phật và Tăng trong ba tháng không để thiếu thốn. Các thiên thần thấy vậy liền xua đuổi tất cả tai dịch qua đến thành Quảng nghiêm khiến cho dân chúng trong thành này đều mắc bịnh dịch chết rất nhiều… giống như ở thành Vương xá trước đây. Lúc đó trong thành Quảng nghiêm có một Bà-la-môn tên là Đô-mạt-la nằm mông nghe thấy Thiện thần nói kệ:

“Thế tôn Điều ngự sư,
Tối tôn của trời người,
Nếu đi đến thành này,
Thì tai hại tiêu tan.”

Sáng hôm sau Đô-mạt-la liền đem việc trong mộng kể lại cho các cư sĩ, các Lật-cô-tỳ trong thành, mọi người nghe rồi nói với nhau: “nên làm cách nào và sai người nào đi thỉnh Phật đến trong thành này an cư ba tháng, chúng ta cúng dường cầu cho tai hại tiêu tan”, nói rồi liền bảo Đô-mạt-la: “ông hãy đi thỉnh Thế tôn, ngoài ông ra không ai có thể làm được việc này”, Đô-mạt-la suy nghĩ: “ta đến chỗ Phật đảnh lễ rồi thăm hõi Phật có được ít bịnh, ít não, khỏe mạnh và an lạc không. Các cư sĩ ở thành Quảng nghiêm sai con đến thỉnh Phật, cúi xin Thế tôn thương xót dân chúng thành Quảng nghiêm, nếu Thế tôn không đến thì nhân dân trong thành không bao lâu nữa sẽ diệt vong”, nghĩ rồi liền nói: “vua Vị sanh oán rất hiếu sát, tánh hung bạo đã giết hại nhiều người, nếu tôi đến nước đó thỉnh Phật ắt sẽ bị vua giết”, các cư sĩ nói kệ:

“Hai nước là oán địch,
Không bắt giữ sứ giả,
Huống chi sứ gặp Phật,
Mà giết hại hay sao?”.

Lúc đó Đô-mạt-la lám pháp kiết tường rồi đi đến thành Vương xá, nghỉ ngơi xong đến chỗ Phật đảnh lễ Phật rồi bạch Phật: “các cư sĩ thành Phệ-xá-ly đảnh lễ Thế tôn và hỏi thăm Thế tôn có được ít bịnh, ít não, được an lạc không?”, Phật hỏi: “dân chúng trong thành có được an ổn không?”, đáp: “cúi xin Thế tôn thương xót dân chúng thành Quảng nghiêm, nếu Thế tôn không đến thì nhân dân trong thành không bao lâu nữa sẽ diệt vong, thành chỉ còn cái tên rỗng không còn ai ở”, Thế tôn nói: “Ta và chúng Thanh văn đã thọ vua thỉnh ở đây an cư ba tháng cúng dường tứ sự, ông hãy gặp vua tâu rõ việc này, nếu vua chấp thuận thì ta sẽ đến trong thành đó”. Đô-mạt-la nghe Phật nói rồi liền sai sứ trở về nước tâu cho vua rõ, vua nước đó nghe rồi liền bảo sứ giả: hãy bảo Đô-mạt-la đến chỗ vua Vị sanh oán thay mặt ta thăm hỏi vua nước ấy có được ít bịnh, ít não và an vui không. Sau đó tâu vua nước ấy rằng: xin Đại vương đồng ý cho Thế tôn đi đến thành Phệ-xá-ly, nếu vua không đồng ý cho Thế tôn đến thì nhân dân trong thành Phệ-xá-ly không bao lâu nữa sẽ diệt vong, thành chỉ còn cái tên rỗng không còn ai ở”. Đômạt-la nghe rồi liền suy nghĩ: “ta nên gặp Đại vương trước hay gặp đại thần trước, xưa có câu: không nên gặp vua trước, hãy gặp đại thần trước vì nếu vua không đồng ý thì đại thần có thể nói giúp”, nghĩ rồi liền đến chỗ đại thần trước, đại thần hỏi đến có việc gì, liền đáp: “tôi đến để thỉnh Như lai, nhưng phải được vua đồng ý, xin ông tâu giúp”, đại thần nhận lời, Đô-mạt-la liền đến chỗ vua tâu rằng: “dân chúng thành Phệxá-ly thăm hỏi Đại vương có được ít bịnh, ít não và an vui không?”, vua hỏi: “dân chúng nước ấy có an ổn không?”, đáp: “cúi xin Đại vương đồng ý cho Thế tôn đi đến thành Phệ-xá-ly, vì nếu Thế tôn không đến thì nhân dân trong thành không bao lâu nữa sẽ diệt vong, thành chỉ còn cái tên rỗng không còn ai ở”, vua nói: “trước đây ta thường suy nghĩ: mong cho thành Phệ-xá-ly sớm bị tiêu diệt”. Đô-mạt-la nghe vua nói rồi liền lui ra, lúc đó đại thần tâu vua: “Đại vương, có bao giờ Thế tôn bỏ mặc một hữu tình nào chịu khổ không?”, vua nói không có, đại thần nói: “nếu không có mà Đại vương không đồng ý tức là Đại vương đã không cung kính Thế tôn. Dù Đại vương có đồng ý hay không, vì lợi ích cho chúng sanh Thế tôn cũng sẽ đi đến thành Phệ-xá-ly”, vua nói: “ý của Phật không phải là điều mà ta biết được, khanh hãy gọi Đô-mạt-la đến đây”, đại thần vâng lịnh gọi đến, vua bảo Đô-mạt-la: “ngươi hãy lập ước: nếu ngươi có thể cung kính cúng dường Thế tôn như ta thì ta sẽ đồng ý lời cầu xin của ngươi”. Đô-mạt-la nghe vua nói rồi liền sai sứ về nước báo lại, dân chúng trong thành nói với sứ giả: “vua nước đó chỉ có một mình còn có thể cúng dường, chúng ta đông người há không thể cúng dường đầy đủ hay sao?”, Đô-mạt-la nghe rồi liền tâu lại với vua Vị sanh oán. Lúc đó vua Vị sanh oán đến chỗ Phật đảnh lễ rồi ngồi một bên bạch Phật: “Thế tôn, con nguyện trọn đời còn lại cúng dường Thế tôn và chúng Thanh văn, nhưng vì lợi ích các hữu tình nên đồng ý để Thế tôn đến nước kia, cúi xin Thế tôn thọ con thỉnh thực một ngày”, Phật im lặng nhận lời, vua biết Phật đã nhận lời liền trở về cung ra lịnh sửa soạn các món ăn thanh tịnh cúng dường đầy đủ, sáng sớm sai sứ đến bạch Phật thời đáo. Phật sau khi thọ thực xong, vua tự tay cầm bình vàng rót nước cho Phật rồi bạch rằng: “cúi xin Thế tôn điều phục Dược xoa và rồng dữ, Long vương Vô đạo cán này đã làm tổn hại nước con trong một thời gian dài nên không oán mà thành oán, không thù mà thành thù, không nghịch mà thành nghịch. Lúa mạ chưa mọc và đã mọc đều bị phá hoại hết”, Phật im lặng nhận lời, chú nguyện cho vua rồi trở về trú xứ bảo A-nan-đà: “thầy hãy cùng ta đi đến ấp Ba-traly”. Lúc đó Phật cùng A-nan-đà du hành đến ấp Ba-traly trụ ở bên tháp, dân chúng trong làng nghe tin đều đến chỗ Phật đảnh lễ rồi ngồi một bên, Phật nói: “các vị nên biết, người phóng dật có năm lỗi:

1. Là có Bà-la-môn, cư sĩ do phóng dật nên tranh chấp lẫn nhau, đưa đến quan phân xử nên của cải đều phân tán.

2. Là lại có Bà-la-môn, cư sĩ do phóng dật nên tiếng xấu lan khắp nơi.

3. Là lại có Bà-la-môn, cư sĩ do phóng dật nên cống cao ngã mạn, khi đến trong chúng Sát-đế-lỵ, Bà-la-môn, cư sĩ, sa môn không phải là thượng thủ nên lo sợ luồn cúi người.

4. Là lại có Bà-la-môn, cư sĩ do phóng dật tranh chấp nên khi sắp qua đời, tâm sanh hối lỗi.

5. Là lại có Bà-la-môn, cư sĩ thường phóng dật, do phóng dật tự cao nên sau khi chết đọa trong ác đạo, sanh trong địa ngục.

Ngược lại, người không phóng dật có 5 lợi ích:

1. Là có Bà-la-môn, cư sĩ do không phóng dật, không tranh chấp lẫn nhau, nên của cải không mất mát.

2. Là lại có Bà-la-môn, cư sĩ do không phóng dật nên tiếng tốt lan khắp nơi.

3. Là lại có Bà-la-môn, cư sĩ do không phóng dật nên không cống cao ngã mạn, khi đến trong chúng Sát-đế-lỵ, Bà-la-môn, cư sĩ, sa môn là bậc thượng thủ nên không lo sợ, vui vẻ du hành.

4. Là lại có Bà-la-môn, cư sĩ do không phóng dật không tranh chấp nên khi sắp qua đời, không có hối lỗi.

5. Là lại có Bà-la-môn, cư sĩ, do không phóng dật nên sau khi chết được sanh lên trời. Cho nên các vị không nên phóng dật”. Các Bà-la-môn, cư sĩ này nghe pháp rồi liền chắp tay cung kính bạch Phật: “cúi xin Như lai thương xót, đêm nay nghỉ lại trong quán xá của chúng con”, Thế tôn im lặng nhận lời. Lúc đó Bà-la-môn Hành vũ là đại thần của nước Ma-kiệt-đà nghe tin Thế tôn đến làng Ba-traly trụ ở bên tháp, lại nghe dân chúng trong làng cúng dường Thế tôn, ông liền đi xe ngựa màu trắng, mang theo bình báu, gậy vàng và 500 đồng tử đến yết kiến Thế tôn. Đến nơi, ông xuống xe đến chỗ Phật đảnh lễ ngồi một bên nghe Phật nói pháp, Thế tôn tùy thuận nói pháp chỉ dạy cho Bà-la-môn được lợi hỉ rồi liền im lặng. Bà-la-môn chắp tay bạch Phật: “cúi xin Thế tôn và chúng Bí-sô thọ con thỉnh thực vào ngày mai ở tại nhà con”, Phật im lặng nhận lời. Sau đó Phật vào phòng ngồi kiết già quán thấy thiên thần Đại oai lực dùng dây đo ranh giới muốn xây cất đại thành, xế chiều Thế tôn xuất định đi đến chỗ các Bí-sô hỏi A-nan-đà: “thầy không nghe làng Ba-traly muốn xây cất đại thành hay sao?”, đáp: “con có nghe Bà-la-môn Hành vũ cùng chư thiên trời Tam thập tam muốn xây cất đại thành”, Phật nói: “Ta ở trong thất nhập định, dùng thiên nhãn thanh tịnh quán thấy ở làng Ba-traly có thiên thần Đại oai đức và các thiên thần nhỏ cùng dân chúng đều sống thuận theo giáo pháp của thiên thần. Do có các thiên thần sống ở đó nên biết thành này sẽ là thành tối thượng, không bị nước ngoài xâm lấn, cũng không bị nước lửa làm hại”. Lúc đó Bà-la-môn Hành vũ trở về đến nhà lo sửa soạn các món cúng dường, sáng sơm sai sứ đến chỗ Phật bạch thời đáo… Sau khi Phật thọ thực xong, Bà-la-môn Hành vũ cầm bình vàng rót nước và phát nguyện: “con nguyện đem công đức cúng dường Phật và Thánh chúng hôm nay, hồi hướng cho các thiên thần sống ở làng Ba-traly được an lạc lâu dài”. Phật liền nói kệ:

“Người nào có lòng tin,
Cúng dường cho chư thiên,
Vâng lời Đại sư dạy,
Là được Phật ngợi khen.
Nếu ở nơi chốn nào,
Có người trí sinh sống,
Cúng dường người trì giới,
Và nói lời chú nguyện,
Nên kính bậc đáng kính,
Nên cúng bậc đáng cúng,
Chư thiên hộ như con,
Thường được sống an vui”.

Thế tôn nói diệu pháp cho Bà-la-môn nghe được lợi hỉ rồi trở về bổn xứ. Lúc đó Bà-la-môn đã làm xong những việc nên làm liền chánh niệm tư duy: “ở chỗ Thế tôn rời khỏi làng Ba-traly, ta sẽ xây một cái cổng cao gọi là cổng Kiều-đáp-ma; con đường mà Thế tôn đi đến sông Căng già, ta sẽ tu sửa lại gọi là đường Kiều-đáp-ma”. Thế tôn biết được tâm niệm của Bà-la-môn nên đi đường giữa ở phía bắc làng Ba-traly để ra khỏi làng đi đến sông Căng già. Lúc đó vua Vị sanh oán suy nghĩ: “ta phải mang lọng đến cúng dường Thế tôn”, nghĩ rồi liền mang lọng đến, có tất cả là 500 cây lọng che cho Thế tôn. Cùng lúc đó các Lật-cô-tỳ ở thành Quảng nghiêm suy nghĩ: “vua Vị sanh oán mang lọng đến cúng dường Thế tôn, chúng ta cũng nên cúng dường”, nghĩ rồi liền mang 500 cây lọng đến cùng dường Thế tôn. Lúc đó các Long vương cũng suy nghĩ: “vua và các Lật-cô-tỳ đã cúng dường, ta đọa trong đường ác há không cúng dường Thế tôn hay sao?”, nghĩ rồi liền mang 500 cây lọng đến cúng dường Thế tôn. Lúc đó chư thiên cõi trời Tứ thiên vương cũng suy nghĩ: “những người ấy không thấy rõ nhân quả báo ứng còn tự cúng dường, chúng ta biết rõ nhân quả há lại không cúng dường hay sao?”, nghĩ rồi liền mang 500 cây lọng đến cúng dường Thế tôn. Lúc đó chư thiên trời Tam thập tam cũng suy nghĩ: “các vị trời đó đều đã cúng dường, ta há không cùng dường hay sao?”, nghĩ rồi liền mang 500 cây lọng đến cúng dường. Thế tôn thấy rồi liền suy nghĩ: “ta phải tạo nhân duyên thù thắng cho trời người khiến sanh lòng tin”, nghĩ rồi liền hiện thần lực khiến cho mỗi người trong chúng hội đều nghĩ rằng chỉ có ta cầm lọng che cho Phật. Hồi Phật vừa chứng đạo quả Chánh giác cũng có 2500 vị trời người cầm lọng che cho Phật. Lúc đó các Bí-sô đều có nghi thỉnh hỏi Phật: “Thế tôn đã tạo nghiệp gì mà khi chứng Bồ-đề có đến 2500 vị thiên cầm lọng che cho Phật?”, Phật nói: “các thầy nên biết, quá khư Ta đã tích tập tư lương làm các nghiệp lành… nên nay tự thân thọ quả. Các thầy lắng nghe:

Thuở xưa có vua Chuyển luân tên là Đại thiện hiện, đầy đủ bốn quân lực có thể tồi phục quân địch được thắng lợi. Vua dùng chánh pháp cai trị làm Pháp vương, vua có đủ bảy báu, chỉ thiếu một người con nữa là đủ số 1000, vua thường dẫn những người con này đi theo bên mình. Lúc đó các phu nhân nói với nhau: “chúng ta sanh con rồi đều phải xa cách nó vì tánh vua thường hay dẫn các con đi theo bên mình. Chúng ta cùng lập ước nếu ai mang thai không được báo cho vua biết”. Thời gian sau, có một phu nhân mang thai, các phu nhân đem giấu ở nơi kín đáo không cho vua thấy. Đủ ngày tháng phu nhân đó sanh một bé trai dung mạo đoan nghiêm ai cũng yêu mến, da màu hoàng kim, tay dài quá gối, trán cao mũi thẳng…, đứa bé này từ khi sanh ra cho đến trưởng thành các phu nhân đều yêu thương như con ruột của mình. Thời gian sau, người con trai này cùng các phu nhân ở trên lầu cao thấy nhà vua với tám vạn quốc vương vây quanh và các người con hộ vệ hai bên, có bảy báu dẫn đường, oai quang ngời sáng liền hỏi các bà mẹ: “người đó là ai”, bà mẹ đáp: “vị vua đó là cha của con”, lại hỏi: “sau khi vua cha băng hà, con có được kế vị không?”, đáp: “nếu kể cả con thì nhà vua đã có đủ một ngàn người con, sau khi vua cha băng hà người con lớn nhất sẽ nối ngôi, con là con út không được kế vị”. Người con nghe rồi liền nói: “nếu sau khi vua cha băng hà, con là con út không được nối ngôi thì xin các mẹ cho con được xuất gia, với lòng tin chân chánh sau khi xuất gia con sẽ tinh tấn tu phạm hạnh”, các bà mẹ nói: “chúng ta đều yêu mến con, con chớ sanh tâm này”, người con nói: “con đã lập chí, xin các mẹ cho con xuất gia”. Thấy con quyết chí như vậy, các bà mẹ đành phải đồng ý, nói rằng: “con hãy cam kết với chúng ta là nếu con chứng đạo hãy trở về cho chúng ta biết”, người con nói: “xin vâng lời mẹ”. Người con này từ giả các bà mẹ đi đến chỗ tịch tĩnh, ngay nơi 3 phẩm pháp Bồ-đề phần, không thầy tự ngộ chứng quả Độc giác. Chứng quả rồi liền nhớ đến lời đã hứa với các bà mẹ, vì muốn làm lợi ích cho các bà mẹ nên vị Độc giác liền bay lên hư không đến trước các bà mẹ, thân hiện thần biến, trên thân ra lửa, dưới thân ra nước… rồi trở xuống đất. Phàm phu hễ thấy được thần thông, tâm ý mau hồi chuyển như cây đại thọ bị ngã xuống đất, các bà mẹ này liền đảnh lễ và nói: “Thánh giả đã chứng quả được thần thông như vậy, nay Thánh giả cần thức ăn, chúng tôi cầu phước, cúi xin hãy ở trong khu vườn này thọ chúng tôi cúng dường”, vị Độc giác im lặng nhận lời. Từ đó hằng ngày các bà mẹ lần lượt cúng dường thước ăn thức uống cho vị Độc giác. Cho đến một ngày vị Độc giác suy nghĩ: “đối với thân huyển hóa này, việc cần nên làm ta đều đã làm xong, nay ta nên nhập Vô dư Niết-bàn”, nghĩ rồi liền như ngỗng chúa em liền bay lên hư không, thân hiện thần biến, trên thân ra lửa, dưới thân ra nước… hiện thần biến xong liền nhập Vô dư Niết-bàn. Lúc đó các bà mẹ chất củi thơm hỏa thiêu, dùng sữa rưới tắt, thu lấy xá lợi để trong bình vàng rồi xây tháp thờ ở trong vườn, dùng vòng xuyến và các đồ trang sức để trang nghiêm tháp, bên trên tháp treo cờ phướn và lọng báu. Thời gian sau vào một mùa xuân, trong vườn hoa tỏa hương thơm ngát, chim hót líu lo, vua cùng các phu nhân và thể nữ vào trong vườn dạo chơi, khi trông thấy tháp vua liền hỏi người giữ vườn là tháp của ai, liền đáp không biết, vua liền hỏi các phu nhân nguồn gốc của tháp, các phu nhân lo sợ tâu vua: “xin Đại vương ban cho vô úy mới dám nói”, vua nói: “ta ban cho vô úy, hãy nói cho ta nghe”. Các phu nhơn liền đem sự việc trước kia kể lại, vua nghe rồi liền nói: “các nàng thật sai lầm, người con ấy đã ưa thích ngôi vua vì sao không báo cho Trẫm biết để Trẫm lập lên làm vua thọ quán đảnh. Nó là người có oai đức, tuy đã nhập Niết-bàn nhưng ta cũng đem mũ lọng bằng lụa năm sắc đặt trên tháp”. Vì yêu mến người con này nên nhà vua đã đặt những vật ấy lên trên tháp.

Này các Bí-sô, vua Thiện hiện thuở xưa chính là thân ta, xưa kia ta đem lọng cúng dường tháp của vị Độc giác, nhờ phước nghiệp này nên ta đã ở ngôi Chuyển luân vương trải qua 2500 lần. Lại nhờ nghiệp này ngày nay khi chứng đạo quả Vô thượng Chánh giác chư thiên và người đã cầm 2500 trăm cây lọng che cho Ta. Nếu ta không chứng quả thù thắng thì sẽ còn ở ngôi Chuyển luân vương thêm 2500 trăm lần nữa. Này các Bí-sô, hễ tạo nghiệp đen thì cảm quả báo dị thục đen; tạo nghiệp trắng thì cảm quả báo dị thục trắng… các thầy nên học như thế”. Nghe Phật dạy rồi, các Bí-sô đều hoan hỉ phụng hành.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18