CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA DƯỢC SỰ

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 16

Thế tôn là vô thượng phước điền được thế gian cung kính tôn trọng; từ quốc vương, đại thần, Bà-la-môn, cư sĩ… cho đến thiên long bát bộ đều đem các loại ẩm thực, y phục, ngọa cụ, thuốc thang… cung cấp cho Phật và chúng Bí-sô. Lúc đó Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc thành Thất-la-phiệt, Các ngoại đạo tập họp lại ở trong giảng đường bàn với nhau: “trước nay chúng ta ở đây được quốc vương, đại thần… tôn trọng, cung cấp cho chúng ta ẩm thực, y phục… nhưng nay có Sa môn Kiều-đáp-ma xuất hiện, họ đều cung kính tôn trọng cúng dường tứ sự cho phước điền này, chúng ta không có lợi dưỡng nữa, phải làm sao?”, một người nói: “chúng ta nên vu báng Sa môn ấy là người giữ phạm hạnh mà làm việc phi phạm hạnh”, một người khác hỏi: “vu báng như thế nào?”, đáp: “trong pháp hội chúng ta có một người nữ xinh đẹp, ai cũng thích nhìn. Chúng ta hãy bảo nàng ấy nói là Sa môn Kiều-đáp-ma đã cùng tôi tư thông”, liền hỏi: “người nữ xinh đẹp đó là ai?”, đáp: “đó là người nữ ngoại đạo tên Chiên già”. Các ngoại đạo cho gọi Chiên già đến và bảo rằng: “nàng nên biết, lợi dưỡng mà chúng ta có trước nay đều không còn nữa, đó là do có Sa môn Kiều-đáp-ma xuất hiện, xin nàng hãy cứu giúp chúng tôi”, Chiên già hỏi: “các vị bảo tôi làm gì?”, đáp: “nàng hãy nói trước mọi người rằng: Sa môn Kiều-đáp-ma đã cùng tôi làm việc phi phạm hạnh. Nếu nàng làm như thế thì chúng ta sẽ được tôn trọng cúng dường như xưa”, Chiên già nói: “tôi không thể vu báng Sa môn Kiều-đáp-ma, vì vị ấy là thầy của trời người, được vua và các đại thần kính trọng, có vô lượng oai đức, ai có thể tin lời tôi nói”, các ngoại đạo nói: “nếu nàng không nghe theo lời chúng tôi bảo thì chúng tôi sẽ không nói chuyện với nàng nữa. Nàng cũng không được vào nhà của chúng tôi, chúng tôi sẽ tẫn xuất nàng cho đến chết, sau khi chết nàng sẽ bị đọa địa ngục”, Chiên già nghe rồi liền hỏi: “vậy bây giờ tôi phải làm gì?”, đáp: “bây giờ nàng nên thường xuyên lui tới trong rừng Thệ đa”, Chiên già vâng lời làm theo, thời gian sau Chiên già giấu cái bát trong bụng và đi đến chỗ Như lai. Lúc đó Thế tôn đang nói diệu pháp cho vô lượng trăm ngàn đại chúng vây quanh, từ xa thấy người nữ ngoãi đạo này đi đến, Thế tôn liền suy nghĩ: “xưa kia ta đã tạo nghiệp này, nay đã chín muồi giống như dòng nước thác”. Nữ ngoại đạo đến trước Thế tôn nói kệ:

“Giọng hay làm người mến,
Lời lẽ thật dịu dàng,
Đã khiến tôi mang thai,
Mà lại còn nói pháp”.

Thế tôn nói kệ:

“Nếu người nào nói dối,
Sẽ đọa vào địa ngục.”

Nữ ngoại đạo nói kệ:

“Ai làm nói không làm,
Kẻ ấy đọa địa ngục”.

Thế tôn nói: “đọa hay không đọa địa ngục, tự tâm mỗi người biết, ngươi vu báng đời sau chịu khổ”. Lúc đó vua trời Đế thích suy nghĩ: “nữ ngoại đạo này muốn làm ô uế Phật và tăng”, nghĩ rồi liền dùng thần lực làm cho cái bát giấu trong bụng rơi xuống đất, khiến cho nữ ngoại đạo hổ thẹn quay về.

Sau đó vị thượng thủ trong chúng Bí-sô bạch Phật: “Thế tôn, chúng con muốn đi đến bờ ao Vô nhiệt để mỗi người tự nói về bổn sự”, Phật im lặng nhận lời. Thường pháp của chư Phật là khi xuất hiện ở đời, chưa nhập Niết-bàn còn giáo hóa hữu tình thì nên làm 10 việc:

1. Là thọ ký Thái tử Pháp vương quán đảnh đã trồng căn lành từ lâu.

2. Là làm cho hữu tình chưa phát tâm liền phát tâm Vô thượng Bồ-đề.

3. Là Kiến lập Tam bảo.

4. Là Kiết giới.

5. Là Xả một phần trong năm phần thọ mạng.

6. Là Hiện đại thần thông ở thành Thất-la-phiệt .

7. Là Thị hiện từ trên cõi trời đi xuống ở tụ lạc Bình lâm.

8. Là Giúp cha mẹ thấy được Chơn đế lý.

9. Là ở bên ao Vô nhiệt cùng các Bí-sô nói về nhân duyên nghiệp báo. (Trong Hán tạng không có việc thứ

10. Lúc đó Phật cùng các Bí-sô cả thảy 999 vị ẩn mất nơi thành Thất-la-phiệt và hiện ra ở bên ao Vô nhiệt, đến chỗ du hành của Dược xoa Dã mãnh, cảnh trí nơi đây rất đáng yêu, cây trái sum suê, ao này dẫn nước ra bốn con sông để chảy ra bốn biển: 1. Là sông Căng gia. 2. Là sông Tân độ. 3. Là sông Phược xoa. 4. Là sông Sí đa. Nơi đây xa xôi hiểm trở, nếu không phải người có thần thông thì không thể đến được. Đến rồi Phật liền khởi tâm thế gian nên Long vương Nan-đà và Ô ba-nan-đà quán biết ý Phật, liền ở trong ao hóa ra hoa sen ngàn cánh giống như bánh xe, sắc như vàng ròng, cánh hoa bằng châu báu, nhụy hoa bằng kim cương, lại có vô lượng trăm ngàn hoa sen khác vây quanh. Lúc đó Phật lên ngồi trên hoa sen ngàn cánh, con các Bí-sô mỗi người lên ngồi trên hoa sen vây quanh. Lúc đó cụ thọ Xá-lợi-tử đang vá y Tăng già chi trên núi Kỳ-xà-quật ở thành Vương xá nên không có mặt ở ao Vô nhiệt, Phật bảo Đại Mục-kiền-liên đi kêu Xá-lợi-tử đến, Đại Mục-kiền-liên vâng lời Phật dạy liền ẩn mất ở ao Vô nhiệt và hiện ra trước mặt Xá-lợi-tử: “Thế tôn cùng 999 Bí-sô đã đến ao Vô nhiệt, nay thầy nên cùng tôi đi đến đó”, Xá-lợi-tử đáp: “hãy đợi tôi vá y xong sẽ cùng đi”, Đại Mục-kiền-liên nói: “hãy để tôi phụ giúp”, nói rồi liền dùng thần lục biến năm ngón tay thành năm cây kim để phụ giúp vá y, Xá-lợi-tử nói: “thầy hãy đi trước, tôi sẽ đến sau”, Đại Mục-kiền-liên nói: “nếu thầy không đi liền, tôi sẽ kéo thầy đi”, Xá-lợi-tử nói: “thầy có thần thông bậc nhất, hãy nắm cái móc y này mà kéo tôi đi”, Đại Mục-kiền-liên liền kéo cái móc y, Xá-lợi-tử suy nghĩ: “thầy ấy có oai lực lớn ắt sẽ kéo được cái móc y”, nghĩ rồi liền dùng thần thông bám thân vào núi Kỳ-xà-quật khiến cho núi này bị lay động và cả mặt đất châu Thiệm bộ cũng bị chấn động, Long vương Nan-đà và Ô ba-nan-đà cùng đại chúng ở ao Vô nhiệt cũng bị chấn động, các Bí-sô hỏi Phật: “Thế tôn, có phải do Long vương Nan-đà và Ô ba-nanđà làm cho đại địa chấn động không?”, Phật nói: “không phải, đó là do các đại Thanh văn hiện thần thông”. Lúc đó Xá-lợi-tử suy nghĩ: “dù ta bám vào núi Tu di, thầy ấy cũng sẽ mang ta đi được, ta phải dùng tâm trụ nơi ao Vô nhiệt, tại hoa sen mà Như lai đang ngồi thì thầy ấy không thể làm cho lay động được”, Đại Mục-kiền-liên nói: “thầy đã hiển hiện thần thông rồi, hãy đến chỗ Thế tôn”, đáp: “thầy hãy đi trước, tôi sẽ đến sau”. Đại Mục-kiền-liên liền đi trước, không ngờ chưa đến chỗ Phật thì Xá-lợi-tử đã đến trước, đảnh lễ Phật rồi lên ngồi trên hoa sen, Đại Mục-kiền-liên mới về đến, Xá-lợi-tử nói: “thầy đi trước, sao giờ mới đến”. Lúc đó các Bí-sô đều có nghi thỉnh hỏi Phật: “Thế tôn, trước nay cụ thọ Đại Mục-kiền-liên được gọi là Thần thông bậc nhất, nay mới biết là không như thế”, Phật bảo các Bí-sô: “không phải chỉ ngày nay mà từ xưa cũng đã như thế, các thầy lắng nghe:

Thuở xưa, ở nước Trung Thiên trúc có một họa sư, vì có việc nên đến nước khác và nghỉ nhờ trong nhà của một họa sư khác. Chủ nhà làm một cô gái máy bằng gỗ, sắc thái đoan nghiêm rồi bảo cô gái này đến hầu hạ khách, khách tưởng là người thật nên bảo đến cùng ngủ nhưng cô gái cứ đứng im, khách liền nắm tay kéo khiến cho tay rời khỏi thân, lúc đó khách mới biết là cô gái máy bằng gỗ nên hết sức hổ thẹn. Khách liền suy nghĩ: “ta đã bị chủ nhà ngầm làm nhục, ta phải làm cho anh ta bị nhục trước mọi người”, nghĩ rồi liền vẽ thân mình lên vách bên cánh cửa chính, giống như người tự thắt cổ, rồi ẩn mình sau cánh cửa. Sáng ra chủ nhà ngạc nhiên không hiểu tại sao mặt trời đã lên cao mà khách vẫn chưa dậy, liền đến phòng xem thử. Vừa mở cửa ra liền thấy khách đã treo cổ tự tử, lại thấy cô gái máy bằng gỗ bị gãy ra nằm trên đất, chủ nhà nghĩ rằng: “vì ta thắng nên anh ấy tức mà chết”. Theo pháp của nước này, hễ có người chết phải tâu cho vua biết rồi sau mới được chôn nên chủ nhân liền đến báo cho vua biết để xin chôn cất. Vua liền sai sứ đến xem xét, sứ giả bảo chủ nhà: “anh hãy cắt đứt dây cho tôi khám nghiệm là tự treo cổ chết hay bị chủ nhà làm cho chết”, chủ nhà liền lấy rìu chặt dây, rìu chạm vào tường mới biết chỉ là bức vẽ nên rất hổ thẹn trước sứ giả của vua. Phật bảo các Bí-sô: “Họa sư khách ngày xưa chính là Xá-lợi-tử ngày nay, họa sư chủ nhà chính là Đại Mục-kiền-liên ngày nay. Ngày xưa nhờ tay nghề kheo nên cuối cùng Xá-lợi-tử đã thắng Đại Mục-kiền-liên; ngày nay dùng thần thông cũng được thắng”.

“Lại nữa các Bí-sô, hãy lắng nghe:

Thuở xưa trong một làng nọ có hai họa sĩ, ai nấy đều tự cho mình là giỏi và đều muốn thi thố tài năng trước vua, nên cùng đi đến chỗ vua, vua liền bảo: “mỗi người hãy vẽ lên một vách tường cho ta xem chứ ta không tin nơi lời nói”. Họa sĩ thứ nhất trải qua sáu tháng mới vẽ xong bức vách, họa sĩ thứ hai chỉ trang trí chung quanh bức vách. Sau khi vẽ xong, họ tâu vua đến xem, vua cùng quần thần đến xem bức vẽ thứ một và đều khen là rất đẹp. Họa sĩ thứ hai tâu vua: “bức vẽ của thần chỉ là ảnh của bức vẽ thứ một phản chiếu lên, thần đã dùng một lớp sơn tô mỏng lên”, vua xem xong ngạc nhiên nói rằng: “bức vẽ này còn đẹp hơn bức vẽ kia”, họa sĩ thứ hai tâu: “đây không phải là bức vẽ của thần, đó là ảnh hiện của bức vẽ kia mà thôi”, vua nói: “nhưng làm như khanh lại rất đẹp”.

Này các Bí-sô, họa sĩ chỉ trang trí chung quanh bức vách trong sáu tháng ngày xưa chính là Xá-lợi-tử ngày nay; họa sĩ miệt mài vẽ trong sáu tháng chính là Đại Mục-kiền-liên ngày nay. Ngày xưa đo tay nghề khéo mà Xá-lợi-tử đã thắng, nay thi thố thần thông cũng lại thắng”.

“Lại nữa này các Bí-sô, các thầy lắng nghe:

Thuở xưa cách thành Bà-la-nê-tư có hai vị tiên, một tên là Thắng khư, một tên là Lợi khí đa. Thời gian sau trời mưa to bùn lầy trơn trợt khiến cho tiên nhơn Thắng khư bị trượt chân té ngã, tiên nhân nổi sân chú nguyện trong 12 năm không mưa. Vua Phạm thọ và dân chúng trong thành nghe biết tin này liền đến chỗ vị tiên ấy yêu cầu đừng làm thế, tiên nhơn nói: “do ta không chịu đựng được nên đã chú nguyện làm cho 12 năm không mưa”, và không chịu giải chú. Vua bèn đến chỗ tiên Lợi khí đa yêu cầu giải chú, vị tiên này nói lời chân thật phát nguyện thì trời liền mưa.

Này các Bí-sô, tiên Thắng khư ngày xưa chính là Đại Mục-kiềnliên ngày nay, tiên Lợi khí đa chính là Xá-lợi-tử”.

“Lại nữa này các Bí-sô, hai tiên ấy có chút phiền não với nhau, tiên Lợi khí đa liền đến chỗ tiên Thắng khư sám hối, khi vị này cúi đầu xuống lạy thì tiên Thắng khư đạp lên tóc của tiên Lợi khí đa, khi bị đạp tiên này chú nguyện: “nguyện cho ngày mai mặt trời vừa mọc đều ông sẽ vỡ tan”, tiên Thắng khư liền chú nguyện: “nguyện cho mặt trời đừng mọc”. Lúc đó mặt trời không mọc, thế giới tối đen, dân chúng trong thành kéo đến chỗ tiên nhơn yêu cầu đừng làm như vậy, tiên Thắng khư nói: “nếu mặt trời mọc thì đầu ta sẽ vỡ tan”, tiên Lợi khí đa nói: “thầy hãy làm cái đầu bằng đất và đội lên”, tiên này nghe lời làm cái đầu đầu đất đội lên, mặt trời vừa mọc cái đầu bằng đất liền vỡ tan.

Này các Bí-sô, tiên Thắng khư ngày xưa chính là Đại Mục-kiềnliên ngày nay, tiên Lợi khí đa chính là Xá-lợi-tử. Ngày xưa Xá-lợi-tử đã thắng nay cũng lại thắng”.

“Này các Bí-sô, hãy lắng nghe:

Thuở xưa ở nước Trung Thiên trúc có người thợ khéo, giỏi về tiện khắc ngà voi, ông lấy ngà voi tiện khắc thành một thăng gạo rồi mang theo đi đến nước ba tư và tìm đến nhà một người thợ khéo khác, chủ nhà đi vắng chỉ còn có người vợ, ông liền đưa thăng gạo cho người vợ nhờ nấu giùm, người vợ kia nói: “xin hãy để gạo lại và đi đi”. Sau đó người vợ kia đem nấu, củi hết mà gạo vẫn không chín, người chồng trở về sau khi hỏi rõ nguyên do liền xem kỹ gạo mới biết dạo đó làm bằng ngà voi. Người chồng nói dối với vợ: “vì nước này có tro nên gạo nấu không chín, nàng hãy bảo người thợ kia đi lấy nước trong và ngọt đến để nấu thì gạo mới chín”. Nói rồi người chồng liền ra ngoài vẽ một cái ao nước, trong ao lại vẽ một con chó chết đã sình thối. Khi người thợ khéo mang thùng đến ao lấy nước thấy có con chó chết sình thối liền bịt mũi và đánh rơi thùng nước xuống, lúc đó mới biết là ao nước vẽ thành nên rất hổ thẹn.

Này các Bí-sô, người thợ dùng ngà tiện khắc thành hạt gạo ngày xưa chính là Đại Mục-kiền-liên ngày nay, người thợ vẽ ao nước chính là Xá-lợi-tử. Này các Bí-sô, định mà Như lai đạt được, các vị Độc giác cũng không thể biết ; định mà các vị Độc giác đạt được, ngay cả Xá-lợitử và Đại Mục-kiền-liên cũng không biết được; định mà Xá-lợi-tử và Đại Mục-kiền-liên đạt được, các Thanh văn khác đều không biết được. Tuy Bí-sô Xá-lợi-tử có đầy đủ oai đức lực hơn hẳn Mục liên, nhưng do Mục liên thường hiển hiện thần thông nên mật nói là Đại Mục-kiềnliên có thần thông bậc nhất”.

Lúc đó Đại Ca-nhiếp-ba tự nói về nghiệp báo của mình bằng kệ:

“Ca-diếp đi đến trước đại chúng,
Nói rõ pháp tu hành đời trước,
Xả thí chút ít các công đức,
Được vô lượng thắng phước điền này,
Như sư tử chúa ở thế gian,
Đi trong núi rừng không lo sợ,
Nay Đại Ca-diếp cũng như vậy,
Diễn nói pháp xưa tâm không sợ.
Tôi xưa từng thí thăng gạo thường,
Cho bậc Độc giác chứng Vô lậu,
Đang trụ định Tam muội Vô cấu,
Tôi nay tín thọ cũng như thế,
Ở trong Phật giáo phát đại nguyện,
Thường nghe pháp tối thắng như vậy,
Do nhân duyên này được quả báo,
Ngàn đời sanh ở Bắc uất đơn,
Nước ấy trường thọ không Ta-người,
Dần được tôn quý không thiếu sót,
Do một nghiệp này được quả báo,
Ngàn đời được sanh trời Đao lợi,
Trời ấy thọ anh lạc diệu hương,
Sắc tướng đẹp đẽ để nghiêm thân,
Đến khi tuổi thọ hết qua đời,
Lại sanh cõi trời thọ thiên lạc,
Chỉ do một nghiệp phát đại nguyện,
Có nhiều của báu không tham đắm,
Không cầu năm dục thọ các lạc,
Xả bỏ, xuất gia học Phật đạo,
Xưa tôi không gặp bậc Minh sư,
Cũng không gặp các chúng Thanh văn,
Gặp người mặc ca-sa hoại sắc,
Liền đảnh lễ cầu xin xuất gia,
Ta thấy lúc xuất gia như vậy,
Được ngồi trong chúng ở trước Phật,
Từ chúng đứng dậy đảnh lễ Phật,
Nói Phật chính là Thân giáo sư,

Lúc ấy Thế tôn nói ra lời:

Ông là đệ tử, ta là thầy.
Muốn cầu ra khỏi các nạn khổ,
Cần phải nghe thọ pháp tịnh diệu.
Thế tôn nói diệu pháp cho con,
Khởi đại từ bi đối với con,
Bốn thiền, 10 lực và sáu căn,
Cho đến tu tám chi Thánh đạo,
Con nay đã được pháp như thế,
Đoạn hết lậu hoặc không sanh nữa,
Con thọ thân này lần cuối cùng,
Được làm các cùng các Thánh Hiền.
Như lai thường nói pháp chơn thật,
Người giữ giới tịnh nguyện tùy tâm,
Nguyện con đã phát nay đã đạt,
Thân cuối cùng không còn thọ sanh,
Đời sống và tham nay đã dứt,
Kiết sử đoạn tận không còn buộc.
Ở trong pháp, con là trưởng tử,
Nhờ lực Pháp vương lìa các khổ,
Con đã được Thế tôn thọ ký,
Trong hạnh đầu đà là bậc nhất,
Đã thấy thật đế, chứng chơn pháp,
Lậu hoặc đoạn tận được bất động,
Ở trước Thế tôn nói nghiệp xưa,
Nay ở trong ao lớn A-nậu,
Đại Thánh từ tôn gia bị con,
Ngồi trên hoa sen nói việc này”.

Lúc đó các đại Bí-sô Thanh-văn Kỳ-túc hỏi cụ thọ Xá-lợi-tử: “cụ thọ đã từng tạo nghiệp gì mà nay được trí huệ lớn và biện tài vô ngại?”, Xá-lợi-tử nói kệ:

“Xưa gặp ẩn sĩ trong núi rừng,
Là vị Độc giác tâm tịch tĩnh,
Ở nơi vắng vẻ tu tịnh hạnh,
Thân mặc ca-sa dơ rách xấu,
Thấy vị ấy tâm tôi hoan hỉ,
Liền lấy y kia đem giặt nhuộm,
Và dùng kim chỉ khâu vá lại,
Ân cần đảnh lễ thật cung kính,
Vị ấy sanh tâm thương xót tôi,
Nên vọt thân lên trong hư không,
Hiện các loại thần thông biến hóa,
Sau đó nương hư không bay đi,
Tôi thấy các thần biến này rồi,
Chắp tay ân cần phát hoằng nguyện,
Nguyện con đời đời được trí huệ,
Có oai lực lớn, nhiều của cải,
Sanh ở trong dòng họ hào quý,
Thường được xuất gia lìa năm dục,
Do nguyện lực này được xuất gia,
Trong 500 đời lìa lưới tục.
Đây là thân sau cùng,
Sanh ở trong nhân gian,
Thừa sự Đại đạo sư,
Vô thượng đẳng chánh giác,
Nay tôi được xuất gia,
Trong giáo pháp Thích ca,
Đã được pháp an ổn,
Hết nóng được mát mẻ.
Ở trong khoảng nửa tháng,
Đọc tụng đến bờ kia,
Đối trước Thân giáo sư ,
Và trong Tăng chúng nói.
Thế tôn thọ ký con,
Là trí huệ bậc nhất,
Tùy thuận chuyển pháp luận,
Giúp chúng sanh ngộ giải,
Đại huệ Xá-lợi-tử,
Nay ở trong chúng tăng,
Tự nhớ nghiệp quá khứ,
Trong ao Vô nhiệt nói”.

Lúc đó các Bí-sô Thanh-văn Kỳ-túc bảo cụ thọ Đại Mục-kiềnliên: “cụ thọ Xá-lợi-tử đã nói xong túc nghiệp, nay đến lượt cụ thọ nói nghiệp báo của mình”, Đại Mục-kiền-liên nói kệ:

“Xưa tôi là ẩn sĩ,
Ở ẩn trong núi rừng,
Có một người đi đến,
Cầu xin tôi xuất gia,
Tôi liền cho cạo tóc,
Tắm rửa và nhuộm y,
Để cho kia đắp mặc.
Người ấy ở chỗ vắng,
Ngồi kiết già ngay thẳng,
Chứng được quả Duyên giác,
Nương hư không bay đi.
Lúc đó tôi hoan hỉ,
Liền cung kính chắp tay,
Phát lời thệ nguyện rộng,
Vị ấy được thần thông,
Con nguyện được thần thông,
Cũng giống như vị ấy,
Do sức căn lành này,
Đời đời thường được phước,
Đây là thân sau cùng,
Được sanh trong loài người,
Thừa sự Đại đạo sư,
Vô thượng đẳng chánh giác.
Trong giáo pháp Thích ca,
Tôi đã được xuất gia,
Chứng quả A-la-hán,
Hết nóng được mát mẻ,
Thế tôn thọ ký tôi,
Là thần thông bậc nhất.
Nhờ bố thí chút ít,
Nay được quả báo lớn,
Nghiệp ác xưa sót lại,
Tôi nói các vị nghe,
Xưa ở trong nước lớn,
Tôi sanh nhà hào quý,
Lúc còn là thiếu niên,
Ra khỏi cổng đi chơi,
Về nhà định ăn uống,
Thấy cha mẹ giao hội,
Họ liền sanh hổ thẹn,
Nên lấy gậy đánh tội,
Tôi ôm lòng hờn giận,
Phát nguyện khi khôn lớn,
Đánh họ nát như cỏ.
Vừa phát nguyện ác này,
Sanh địa ngục Hắc thằng,
Chịu khổ cùng cực xong,
Được sanh lên làm người.
Đây là thân sau cùng,
Do có tội còn sót,
Nên gặp nạn ngoại đạo,
Mạng căn gần muốn đứt,
Tội báo cuối cùng hết,
Không còn sót chút nào,
Ở bên cha mẹ hiền,
Phát lòng tin trong sạch,
Nếu có các quần sanh,
Đọa vào trong đường ác,
Do tâm ôm lòng ác,
Thường chịu khổ không vui,
Nay đối trước Kỳ túc,
Nói nghiệp báo đời xưa,
Trong ao lớn A-nậu,
Ngồi yên trên đài sen”.

Lúc đó các Bí-sô Thanh-văn Kỳ-túc nói với cụ thọ Thiện diệu: “cụ thọ Mục liên đã nói bổn nghiệp rồi, giờ đến lượt cụ thọ nói nghiệp báo đời trước của mình”, cụ thọ Thiện diệu nói kệ:

“Xưa tôi vào trong chùa,
Thấy đất có rác rến,
Tôi liền cầm chổi quét,
Đổ bỏ hết rác rến,
Làm cho đất sạch sẽ,
Và phát lòng tịnh tín,
Chính do căn lành này,
Thân thường được đẹp đẽ,
Cha mẹ đặt cho tôi,
Tên là Diệu thiện lai,
Ở trước các quyến thuộc,
Được tiếng khen tốt đẹp,
Mọi người thường thích nhìn,
Người thấy sanh hoan hỉ,
Thừa sự Đại đạo sư,
Vô thượng đẳng chánh giác,
Tôi chứng A-la-hán,
Hết nóng được mát mẻ,
Xưa tôi phát nguyện này:
Lậu tận thành Vô lậu,
Ở các châu Thiệm bộ,
Dùng thảm trải lên đất,
Hoặc ai có thể quét,
Chỗ kinh hành lìa dục,
Người ấy có thể quét,
Sạch hết đại địa này,
Hoặc ai có thể quét,
Trú xứ Tăng bốn phương,
Và quét sạch đất tháp,
Lớn bằng chỗ để bát,
Người này phước tăng trưởng,
Có thể tự giác ngộ,
Đại chúng nay nên biết,
Ứng chánh đẳng diệu giác,
Có tụ công đức lớn,
Nếu siêng cúng dường tháp,
Sẽ được quả báo lớn,
Đều là do ngày xưa,
Đã tu các nghiệp lành,
Nên được an lạc này.
Cho nên ở tháp Phật,
Hết lòng mà cúng dường,
Ruộng phước lớn tối thắng,
Bố thí nên tịnh tâm,
Đối với Phật chánh giác,
Hoặc Thanh văn của Phật,
Cúng ít được phước nhiều,
Do thanh tịnh trì giới,
Thiện diệu trước đại chùng,
Tự nói nhiệp đời xưa,
Ở trong ao Vô nhiệt ,
Ngồi trên đài sen diệu”.

Lúc đó các Bí-sô Thanh-văn Kỳ-túc bảo cụ thọ Diệu ý: “cụ thọ Thiện diệu đã nói bổn nghiệp rồi, giờ đến lượt cụ thọ nói nghiệp báo đời xưa của mình”, cụ thọ Diệu ý nói kệ:

“Xưa tôi là đồng tử,
Cùng với các bạn lữ,
Tai đeo Tô mạc na,
Đi vào trong vườn hoa,
Thấy ngôi tháp của Phật,
Tỳ-bà-thi Như lai,
Đang được trời và người,
Cùng nhau đến cúng dường,
Với tâm thanh tịnh thí,
Đem vòng tai, tràng hoa,
Treo lên trên tháp Phật,
Mỗi người phát nguyện riêng,
Tôi thấy họ cúng hoa,
Liền ở trước mọi người,
Đem hoa tai của mình,
Treo lên trên tháp Phật,
Do sức thiện căn này,
Sanh sáu cõi trời Dục,
Thường được quả báo lớn.
Tôi chỉ cúng hoa tai,
Mà trong trăm ức năm,
Hưởng diệu lạc cõi trời,
Cuối cùng chứng Vô sanh.
Các đại đức nên biết,
Chánh giác nhiều phước đức,
Siêng tu pháp cúng dường,
Tối thắng trong thế gian,
Nên cung kính cúng dường,
Tháp Phật và đệ tử,
Tịnh tâm cúng chút ít,
Được phước quả vô biên.
Tôi nhớ đời quá khứ,
Tạo nghiệp lành nhỏ này,
Thường thọ lạc cõi trời,
Nay gặp được Tôn sư,
Vô thượng đẳng chánh giác,
Được chứng A-la-hán,
Hết nóng được mát mẻ.
Đây là thân sau cùng,
Không còn tái sanh nữa,
Chính do nhân duyên này,
Tôi tên Tô mạt na,
Giải thoát các khổ uẩn,
Đã vượt qua biển Hữu,
Bí-sô Tô mạt na,
Trình bày trước đại chúng,
Nhân duyên nghiệp báo xưa,
Ở trong ao Vô nhiệt,
Ngồi yên trên đài hoa”.

Lúc đó các vị Thanh-văn Kỳ-túc bảo Bí-sô Câu-chi: “cụ thọ Tô mạt na đã nói bổn nghiệp rồi, giờ đến lượt cụ thọ, xưa kia cụ thọ đã tạo nghiệp gì và do nghiệp gì mà cụ thọ được Phật thọ ký là Tinh tấn bậc nhất?”, cụ thọ Câu chi nói kệ:

“Xưa ở thành Thân huệ,
Xây dựng trú xứ Tăng,
Hoàn thành với tâm tịnh,
Cúng cho Tăng bốn phương,
Lại ở trong chùa ấy,
Dùng thảm trải lên đất,
Với tâm tư hoan hỉ,
Rồi phát thệ nguyện rộng,
Thường được thừa sự Phật,
Chứng được quả Vô thượng,
Và Niết-bàn đệ nhất,
Đoạn hết các phiền não,
Tôi do phước đức này,
Ở trong 90 kiếp,
Thường thọ thân trời nguời,
Vui vẻ không lo sợ,
Do nghiệp còn sót lại,
Thọ thân sau cùng này,
Sanh trong nhà giàu sang,
Chỉ có tôi con một,
Đủ 10 tháng sanh ra,
Tâm cha mẹ vui mừng,
Cha liền cấp của cải,
Số đến 200 vạn,
Chân tôi có lông vàng,
Độ dài khoảng bốn tấc,
Vi diệu rất mềm mại,
Giống như Đâu la miên,
Trải qua 90 kiếp,
Chân thường không đạp đất,
Do nhân duyên phước đức,
Thừa sự Đại đạo sư,
Vô thượng đẳng chánh giác.
Thọ lạc cõi trời người,
Và chứng A-la-hán,
Hết nóng được mát mẻ.
Thế tôn thọ ký tôi,
Là Tinh tấn bậc nhất,
Các lậu đã đoạn tận,
Đến được chỗ Vô cấu,
Tôi Nhị thập câu chi,
Đối trước các Kỳ túc,
Nói nghiệp báo đời xưa,
Trong ao lớn Vô nhiệt”.

Lúc đó các Bí-sô Thanh-văn Kỳ-túc bảo cụ thọ Diệu Âm: “cụ thọ Nhị thập câu chi đã nói bổn nghiệp rồi, giờ đến lượt cụ thọ”, cụ thọ Diệu âm nói kệ:

“Xưa tôi gieo nghiệp lành,
Trải qua 90 kiếp,
Không đọa ba đường ác,
Mà được thân Trời người,
Tôi chưa biết Tam bảo,
Chỉ thấy tháp của Phật,
Hiệu là Tỳ-bà-thi,
Tâm vui thích cúng dường,
Nên dùng ba tiền vàng,
Mua các loại hương thơm,
Đem cúng trên tháp Phật,
Nhất tâm không thối chuyển,
Chính do phước lực này,
Cõi trời người thường vui,
Nay chứng A-la-hán,
Hết nóng được mát mẻ.
Xưa ở trước tháp Phật,
Phát nguyện rộng vi diệu,
Do chút cúng dường này,
Thọ quả báo vô lượng.
Đại chúng nay nên biết,
Đẳng giác có phước lớn,
Cúng chút ít trước tháp,
Được quả báo vô biên,
Thế tôn thọ ký tôi,
Đối với văn kệ tụng,
Có biện tài tuyên nói,
Bậc nhất trong Đa văn .
Nay ở trước đại chúng,
Và các vị kỳ túc,
Nói nghiệp báo đời xưa,
Trong ao lớn Vô nhiệt”.

Lúc đó các Bí-sô Thanh-văn Kỳ-túc bảo cụ thọ Tân đầu lô phả la đọa xà: “cụ thọ Diệu âm đã nói bổn nghiệp rồi, giờ đến lượt cụ thọ”, cụ thọ Tân đầu lô nói kệ:

“Xưa sanh trong nhà giàu,
Bên cha mẹ tự tại,
Cha cho tôi giữ kho,
Khi hầu hạ cha mẹ,
Tâm tôi thường keo kiệt,
Đối với anh chị em,
Và các hạng nô tỳ,
Không cấp cho y thực,
Khi mẹ tôi đòi ăn,
Tôi keo kiệt không cho,
Miệng còn nói lời ác:
Hãy ăn đá và sạn.
Do nghiệp lực ác này,
Đọa vào đại địa ngục,
Đại nhiệt và Hắc thằng,
Chịu các khổ trong đó,
Chịu khổ Địa ngục xong,
Mới được sanh làm người,
Do nghiệp lực ác này,
Tôi thường ăn đá sạn,
Khi được thức ăn uống,
Ăn thường không biết no,
Đói khát thường hành hạ,
Do đó thường chịu khổ.
Đây là thân sau cùng,
Được làm người xuất gia,
Thừa sự Đại đạo sư,
Vô thượng đẳng chánh giác.
Tôi nay được xuất gia,
Trong giáo pháp Thích ca,
Được chứng A-la-hán,
Hết nóng được mát mẻ.
Thế tôn thọ ký tôi,
Đã đoạn tận phiền não,
Ở trong Sư tử rống,
Được gọi là bậc nhất.
Nay tuy được thần thông,
Vẫn thường ăn đá sạn,
Dù trải qua trăm kiếp,
Nghiệp đã làm không mất,
Các trưởng lão nên biết,
Tôi nhớ nghiệp ác xưa,
Đã chịu đủ các khổ,
Dư nghiệp nay đã hết.
Tôi tên Tân đầu lô,
Nay ở trước đại chúng,
Nói nghiệp báo đời xưa,
Trong ao lớn Vô nhiệt”.

Lúc đó các Bí-sô Thanh-văn Kỳ-túc bảo cụ thọ Thiện lai: “cụ thọ Tân đầu lô đã nói bổn nghiệp rồi, giờ đến lượt cụ thọ”, cụ thọ Thiện lai nói kệ:

“Tôi nhớ đời quá khứ,
Trong đại thành Thân ý,
Sanh trong nhà quý tộc,
Có vô lượng kho lẫm,
Vua tên Tùy chúng ý,
Quần thần cũng như vậy,
Người đoan nghiêm dễ mến,
Sắc tướng dung nghi đẹp.
Lúc đó tôi cưỡi xe,
Mọi người đều vây quanh,
Cùng đến vườn Thắng viên,
Để hưởng thọ dục lạc.
Tôi thấy trong vườn hoa,
Sa môn điều phục căn,
Thân mặc áo dơ xấu,
Ngồi yên tịnh bất động,
Tôi thấy vị này rồi,
Tâm sanh đại hoan hỉ,
Tuy thấy mặc áo xấu,
Và tâm không chán ghét,
Nhưng miệng lại mắng rằng:
Chán ghét không ưa nhìn,
Vì thân mắc bịnh hủi,
Khi ăn thường nôn mửa.
Chính do nơi nghiệp báo,
Miệng nói lời ác này,
Nên sau khi qua đời,
Sanh vào trong Địa ngục,
Bị đói khát bức bách,
Thường chịu đủ các khổ,
Có tên là Viễn lai,
Lại tên là Chúng khí,
Thân hình rất xấu xí,
Chịu khổ địa ngục xong,
Mới được sanh làm người,
Thân mắc bịnh hủi nặng,
Ăn xong thường nôn mửa,
Tay ôm đầu lâu người,
Lấy lá tre làm áo,
Dùng cỏ làm vách nhà,
Nương ở trong nhà này,
Khi vào làng xin ăn,
Thường bị người xua đuổi,
Hoặc bị dùng gậy đánh,
Hoặc không cho vào nhà,
Thường bị người khinh chê,
500 đời như vậy,
Không thuận với lòng người,
Trời người, thần đều bỏ,
Lúc đó tôi thấy Phật,
Chúng Tăng già vây quanh,
Tôi muốn ở trong chúng,
Chí thành xin sám hối,
Nên thấy đại chúng rồi,
Tôi liền vội chạy đến,
Và nói ra lời này:
Nguyện đủ thức ăn uống,
Cho tôi và đại chúng.
Ở trước Phật nghe pháp,
Nhưng không ai cho ăn,
Tôi thất vọng bỏ đi,
Đại đạo sư Mâu ni,
Từ bi nói với tôi:
Thiện lai, hãy ngồi xuống.
Nghe xong tôi rất vui,
Khom mình và chắp tay,
Cung kính đảnh lễ Phật,
Rồi ngồi qua một bên,
Thế tôn đại từ bi,
Vì đã thương xót tôi,
Nên nói pháp vi diệu,
Tôi nghe pháp kiến đế,
Lệ tuôn rơi lã chã,
Tôi liền xin xuất gia,
Thế tôn cho xuất gia,
Tên tôi là Thiện lai,
Thừa sự Đại đạo sư,
Thế tôn thọ ký tôi,
Đệ nhất trong Xứ giới,
Nay ở trước đại chúng,
Nói nghiệp báo đời xưa,
Ngồi yên trong hoa sen,
Trong ao lớn Vô nhiệt”.

Lúc đó các Bí-sô Thanh-văn Kỳ-túc bảo cụ thọ Hữu hỷ: “cụ thọ Thiện lai đã nói bổn nghiệp rồi, giờ đến lượt cụ thọ”, cụ thọ Hữu hỷ nói kệ:

“Xưa ở thành Vương xá,
Thân hưởng thọ giàu sang,
Gặp lúc trời hạn hán,
Tôi thỉnh Tiên thọ thực,
Sau có Tiên khác đến,
Dung nghi rất đoan chánh,
Đó là vị Duyên giác,
Lậu tận, tâm tự tại,
Do tâm tôi keo kiệt,
Nên khởi niệm ác này:
Ai đối với người này,
Cung cấp mãi bảy năm,
Nước tiểu ngựa nấu cơm,
Cho tiên nhơn ấy ăn.
Không ngờ sau khi ăn,
Tiên nhơn liền qua đời.
Do tạo nghiệp ác này,
Đọa vào trong Địa ngục,
Chúng hợp và Đại khiếu,
Bị lửa nóng nung đốt,
Chịu khổ địa ngục xong,
Mới được sanh làm người,
Nhiều bịnh không tự tại,
Khi chết khổ kịch liệt,
500 đời như thế,
Đời đời thường chịu khổ,
Bịnh nặng thường theo thân,
Luôn bị khổ bức bách.
Đây là thân sau cùng,
Được sanh trong nhân gian,
Thừa sự Đại đạo sư,
Vô thượng đẳng chánh giác,
Tôi đã được xuất gia,
Chứng quả A-la-hán,
Hết nóng được mát mẻ,
Ở giai vị trưởng lão,
Được thần thông vô lậu,
Tùy thuận các người bịnh,
Làm cho bịnh tiêu trừ,
Tôi Bí-sô Hữu Hỷ,
Đối trước các Kỳ túc,
Tự nói nghiệp báo xưa,
Trong ao lớn Vô nhiệt”.

Lúc đó các Bí-sô Thanh-văn Kỳ-túc bảo cụ thọ Da-xá (Danh xưng): “cụ thọ Hữu hỷ đã nói bổn nghiệp rồi, giờ đến lượt cụ thọ”, cụ thọ Da-xá nói kệ:

“Xưa là ẩn sĩ nơi Lan nhã,
Tôi vào trong thôn để khất thực,
Bỗng thấy thây một người nữ chết,
Sình trướng chảy mủ, phẩn nước tiểu,
Tôi liền như lý khéo quán chiếu,
Ngồi kiết già quán thân bất tịnh,
Ngay khi tôi quán tưởng bất tịnh,
Nhất tâm niệm tưởng không tán loạn,
Tôi ngồi quán tưởng một hồi lâu,
Tử thi bỗng nhiên nứt vỡ ra,
Chảy tràn chất bất tịnh hôi thối,
Côn trùng ruồi nhặng đều bu đến.
Lúc ấy tôi xuất định,
Trở về nơi Lan nhã,
Không đi khất thực nữa,
Cũng không nghĩ đến ăn.
Nếu khi vào tụ lạc,
Chỉ vì cầu ăn uống,
Nhưng thấy tử thi rồi,
Không còn muốn ăn nữa,
Thân tất cả hữu tình,
Đều do bốn đại họp,
Chứa đầy phân, nước tiểu,
Và máu mủ hôi thối,
Nếu chánh quán như vậy,
Liền lìa được dục tưởng,
Trụ nơi bốn phạm hạnh,
Vô lượng thiện quán sát,
Sau khi thân mạng chung,
Sanh cõi trời Đại phạm,
Từ trời Phạm thiên chết,
Sanh Ba la niệt tư,
Trong dòng họ giàu sang,
Làm con nhà trưởng giả,
Thọ dụng đều đầy đủ,
Ngày đêm thường thọ lạc,
Ban đêm lúc nằm ngủ,
Bỗng nhiên tỉnh dậy thấy,
Các thể nữ xinh đẹp,
Cởi bỏ áo anh lạc,
Thân hình đều lõa lồ,
Nằm ngủ gối lên nhau.
Do nghiệp lực đời xưa,
Đã quán tưởng Bất tịnh,
Từ thân người nữ chết,
Nên tâm sanh nhàm lìa,
Lớn tiếng kêu: Khổ thay,
Nhưng không ai đáp lại,
Tôi lúc đó xuống lầu,
Được chư thiên mở cửa,
Ra khỏi đại thành này,
Đến bờ Nam con sông,
Thấy Phật ở bờ Bắc,
Tôi lớn tiếng gọi Phật:
Con đang bị tổn hại,
Xin Thánh giả cứu giúp.
Đại sư nghe tiếng tôi,
Nói ra lời hiền thiện:
Hãy sang đây, đừng sợ.
Tôi nghe rồi lội sang,
Để lại chiếc giày báu,
Tôi đến chỗ Đại bi,
Chánh giác vô thượng sĩ,
Thế tôn nói diệu pháp,
Nghe pháp xong tỏ ngộ,
Tôi liền xin xuất gia,
Sau đó được Kiến đế,
Thế tôn gia bị tôi,
Tinh tấn không phóng dật,
Cuối đêm sao mai mọc,
Lậu tận, hết phiền não,
Nay ở trước Kỳ túc,
Danh xưng nói nghiệp xưa,
Ngồi yên trong hoa sen,
Trong ao lớn Vô nhiệt”.

Lúc đó các Bí-sô Thanh-văn Kỳ-túc bảo cụ thọ Tài ích: “cụ thọ Danh xưng đã nói bổn nghiệp rồi, giờ đến lượt cụ thọ”, cụ thọ Tài ích nói kệ:

“Xưa ở thành Bà-la-nê-tư ,
Quốc vương tên là Kiết cơ la,
Thế tôn Ca-diếp đã diệt độ,
Vua cho xây tháp để thờ Phật,
Tôi là con trưởng của Vua ấy,
Danh tiếng của vua vang khắp nơi,
Do tôi ở trên tháp báu này,
Dựng một cây lọng để cúng dường,
Đã tạo nghiệp thắng thiện như vậy,
Nên được thắng phước cõi trời người,
Sanh ở chỗ nào cũng giàu sang,
Là đại thí chủ nhiều kho lẫm.
Tôi trong 500 đời,
Bố thí nhiều vô kể,
Những người đến cầu xin,
Sa môn, Bà-la-môn ,
Đều không trái ý ai,
Tất cả đều được đủ,
Cho đến bậc lìa dục,
Các Duyên giác vô lậu,
Có đến 500 vị,
Tôi đều thanh tịnh cúng.
Do sức thiện căn này,
Nên thân sau cùng này,
Sanh trong nhà giàu sang,
Vừa sanh ra liền nói:
Trong nhà ta có nhiều kho lẫm,
Nay muốn bố thí cho người nghèo,
Bố thí người nghèo không nhàm đủ,
Mọi thức ăn uống và vật dụng,
Các bậc hiền thiện nay nên biết.
Mọi người nghe tôi nói lời này,
Ai nấy kinh ngạc đều bỏ chạy,
“Ngươi có phải là người,
Hay là trời, Dược xoa,
Hãy nói cho ta nghe”.
Tôi vội đáp như vầy:
“Mẹ ơi, hãy lắng nghe,
Con là con của mẹ,
Chẳng phải quỷ, dược xoa,
Chỉ do Túc mạng trí,
Thường làm trưởng giả hằng bố thí”.
Mẹ nghe lời này rất hoan hỉ,
Mẹ hiền liền nói với tôi rằng:
Con yêu đừng lo, cứ bố thí.
Mẹ nói lời này xong,
Thân quyến nuôi dưỡng tôi,
Thảy đều yêu thương tôi,
Người thấy sanh hoan hỉ,
Từ khi sanh tôi ra,
Kho lẫm thường tăng thêm,
Cả vàng bạc nô bộc.
Nên mọi người đặt tên,
Gọi tôi là Tài ích,
Tôi thường hay bố thí,
Cho người xin đầy đủ.
Nay theo Đẳng chánh giác,
Xuất gia để học đạo,
Tôi không vì lánh nạn,
Mà cầu xin xuất gia.
Nay được sáu thần thông,
Thanh tịnh cầu xuất ly,
Các vua thường cúng dường,
Đại thần đều tôn trọng,
Thường đầy đủ y thực,
Tôi Bí-sô Tài ích,
Ở trước các kỳ túc,
Nói nghiệp báo đời xưa”.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18