CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA DƯỢC SỰ

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 2

Phật ở nước Ma-kiệt-đà du hành đến vườn Trúc lâm bên ao Yết lan đạc ca thành Vương xá, lúc đó vua Ảnh thắng nghe tin Phật du hành đến nước mình liền suy nghĩ: “trước đây ta có nguyện thường cúng Phật nhưng chưa từng thỉnh Phật an cư ba tháng, nay ta nên thỉnh Phật và Tăng an cư ba tháng cúng dường tứ sự và sai Y vương Thị-phược-ca cấp thuốc trị bịnh”, nghĩ rồi vua Ảnh thắng liền cùng quần thần đến chỗ Phật đảnh lễ ngồi một bên nghe Phật nói pháp, Thế tôn tùy thuận nói pháp chỉ dạy cho vua được lợi hỉ rồi liền im lặng. Vua luền rời khỏi chỗ ngồi chắp tay bạch Phật: “cúi xin Thế tôn thọ con thỉnh an cư ba tháng trong cung, con sẽ đem tư tài đã có cúng dường tứ sự và bảo Y vương Thị-phược-ca cấp thuốc trị bịnh cho Tăng”, Phật im lặng nhận lời, vua biết Phật đã nhận lời nên đảnh lễ Phật rồi ra về. Trở về cung vua liền ra lịnh chuẩn bị mọi thứ để cúng dường Phật và Tăng trong ba tháng hạ. Lúc đó vua Thắng quang nghe tin vua Ảnh thắng thỉnh Phật và Tăng vào trong cung cúng dường ba tháng hạ liền suy nghĩ: “ông ấy là vua nước lớn còn cúng dường Phật và tăng như thế, ta cũng là vua nước lớn, nếu Thế tôn đến nước ta, ta cũng sẽ đem tư tài cúng dường và bảo thầy thuốc A-đế-da trị bịnh”. Sau khi an cư ba tháng ở thành Vương xá xong, Thế tôn đắp y mang bát cùng đại chúng du hành đến thành Thất-la-phiệt trụ ở trong vườn Cấp-cô-độc, vua Thắng quang nghe tin này liền đến chỗ Phật đảnh lễ ngồi một bên nghe Phật nói pháp, Thế tôn tùy thuận nói pháp chỉ dạy cho vua được lợi hỉ rồi liền im lặng. Vua rời khỏi chỗ ngồi chắp tay bạch Phật: “Thế tôn, cúi xin Thế tôn thọ con thỉnh an cư ba tháng cúng dường tứ sự và bảo thầy thuốc A-đế-da trị bịnh cho Tăng”, Phật im lặng nhận lời, vua đảnh lễ Phật rồi ra về. Về đến trong cung liền ra lịnh chuẩn bị mọi thứ cúng dường và bảo thầy thuốc A-đế-da cấp thuốc trị bịnh cho Tăng, mỗi sáng vua Thắng quang đều đến trong Tỳ-ha-la đảnh lễ Phật và đi thăm các Bí-sô. Lúc đó vua thấy có 1 Bí-sô mắc bịnh Trĩ thân thể vàng vỏ, ốm yếu, tiều tụy không có sức lực liền hỏi căn bịnh rồi bảo thầy thuốc A-đế-da đến chữa bịnh cho Bí-sô, nhưng thầy thuốc này vốn không tín kính Tam bảo nên không chịu chữa trị. Sau đó vua gặp lại Bí-sô bịnh thấy vẫn ốm yếu như cũ nên hỏi rõ nguyên do, vua nghe rồi liền nổi giận ra lịnh bắt thầy thuốc đến hỏi rằng: “trước đây Ta bảo ngươi chữa bịnh cho Bí-sô, tại sao ngươi không chịu chữa trị, nếu ngươi không chữa lành bịnh cho Bí-sô Ta sẽ tước quan vị của ngươi”, thầy thuốc này nghe vua quở trách như vậy liền ôm giận Bí-sô bịnh nói rằng: “há chẳng phải do ông ta mà vua muốn đoạt quan vị của ta hay sao”. Thầy thuốc liền dẫn Bí-sô bịnh ra ngoài tinh xá trói tay chân lại để cắt Trĩ, Bí-sô bịnh bị bức bách đau đớn nên gào to: “con gặp nạn khổ sao Thế tôn đại từ bi không thương xót”. Thường pháp của chư Phật là trong tất cả thời không việc gì mà không biết, do tâm lực đại bi Phật đi đến chỗ Bí-sô bịnh, vừa thấy Phật đến thầy thuốc liền trút giận nói rằng: “kẻ ti tiện kia, hãy đến xem hạ bộ của đệ tử ngươi như thế nào”, Phật nghe lời này liền bỏ đi. Về đến trú xứ trải tòa ngồi rồi mĩm cười, từ trong miệng phóng ra hào quang 5 sắc chiếu xuống hay chiếu lên, nếu chiếu xuống thì chiếu đến ngục Vô gián và các ngục khác khiến cho chúng sanh trong đây đang bị đốt nóng liền được mát mẻ, đang bị lạnh cóng liền được ấm áp. Họ cảm thấy an lạc liền suy nghĩ: “ta và mọi người từ cảnh khổ địa ngục chết đi, được sanh vào cõi khác chăng?”. Thế Tôn sau khi làm cho các hữu tình kia sanh tín tâm liền hiện nhiều tướng khác nữa, thấy những tướng này họ liền suy nghĩ: “chúng ta không phải chết ở đây sanh về cõi kia, mà là do sức oai thần của Đại Thánh đã khiến thân tâm chúng ta hiện được an lạc”. Đã sanh tín kính thì có thể diệt các khổ, ở cõi nhơn thiên được thọ thân thắng diệu, thành chơn pháp khí thấy được lý chơn đế. Nếu hào quang chiếu lên thì đến cõi trời Sắc cứu cánh, trong hào quang diễn nói các pháp khổ, không, vô thường, vô ngã… và nói kệ:

“Người phải nghe Phật dạy
Dốc cầu đạo xuất ly
Phá được quân sanh tử
Như voi phá nhà tranh.
Ở trong pháp luật Phật
Dũng tiến thường tu học
Xa lìa đường sanh tử
Bờ mé khổ không còn”.

Hào quang này sau khi chiếu khắp ba ngàn Đại thiên thế giới liền trở về chỗ Phật, nếu Thế Tôn nói việc quá khứ thì hào quang trở vào phía sau lưng, nếu nói việc vị lai thì hào quang trở vào phía trước ngực, nếu nói việc địa ngục thì hào quang trở vào phía dưới chân, nếu nói việc bàng sanh thì hào quang trở vào phía gót chân, nếu nói việc ngạ quỷ thì hào quang trở vào phía ngón chân, nếu nói việc loài người thì hào quang trở vào đầu gối, nếu việc của Lực luân vương thì hào quang trở vào lòng bàn tay trái, nếu nói việc của Chuyển luân vương thì hào quang trở vào lòng bàn tay phải, nếu nói việc cõi trời thì hào quang trở vào rốn, nếu nói việc của Thanh văn thì hào quang trở vào miệng, nếu nói việc của Độc giác thì hào quang trở vào phía giữa hai chân mày, nếu nói việc của đạo quả Chánh đẳng chánh giác thì hào quang trở vào phía trên đảnh đầu. Lúc đó ánh sáng nhiễu quanh Phật ba vòng vào vào trong miệng Phật, cụ thọ A-nan-đà bạch Phật: “Thế Tôn Như Lai Ứng chánh đẳng giác vui vẻ mĩm cười chẳng phải là không có nhơn duyên”, liền nói kệ thỉnh Phật:

“Từ miệng Phật phóng hào quang vi diệu,
Chiếu khắp Đại thiên không phải một tướng,
Chiếu khắp cả 10 phương các quốc độ,
Như mặt trời chiếu sáng khắp hư không.
Phật là nhân tối thắng của chúng sanh,
Có thể trừ kiêu mạn và lo buồn.
Không nhân duyên, kim khẩu không mở lời,
Miệng mĩm cười ắt nói việc kỳ lạ.
Con lặng lẽ quan sát đấng Mâu Ni,
Ai muốn nghe, Phật nói cho nghe,
Như sư tử vương rống tiếng vi diệu,
Cúi xin Phật quyết nghi cho chúng con,
Phật như Diệu sơn vương trong biển cả,
Nếu không nhân duyên, Phật không dao động,
Tự tại từ bi, miệng Phật hiện mĩm cười,
Nói nhân duyên cho người đang khao khát”.

Thế Tôn bảo A-nan-đà: “Đúng vậy A-nan-đà, không phải không có nhân duyên mà Như Lai Ứng chánh đẳng giác miệng hiện mĩm cười. Thầy thuốc A-đế-da tự hại mình vì đã mắng Phật là kẻ ti tiện. Ta nhớ từ đời vua Đại tam mạt đa đến nay, ta chưa từng bị mắng chửi như thế, vậy mà nay thầy thuốc A-đế-da dùng lời ác mắng Ta, do nghiệp ác này bảy ngày sau ông ta sẽ hộc máu mà chết và bị đọa vào địa ngục chịu khổ lâu dài. Vì thế này các Bí-sô, không nên nhờ thầy thuốc không có tín tâm như thầy thuốc A-đế-da trị bịnh. Bịnh Trĩ có hai cách chữa: Một là dùng chú thuật, hai là dùng thuốc, nếu Bí-sô bịnh nào nhờ thầy thuốc như thầy thuốc A-đế-da trị bịnh thì phạm tội Việt pháp”. Lúc đó các đại thần tâu vua: “thầy thuốc A-đế-da mắng Phật là kẻ ti tiện và cố ý làm cho Bí-sô bịnh chết”, vua nghe rồi liền tức giận ra lịnh xử trảm, đại thần tâu: “Đại vương, A-đế-da đã là người chết cần gì giết nữa, Thế tôn đã dự ký bảy ngày sau ông ta sẽ hộc máu mà chết và bị đọa vào địa ngục”, vua nói: “nếu vậy hãy đuổi hắn ra khỏi nước”. Sau khi bị đuổi ra khỏi nước, A-đế-da đi đến thành Sa kê đa lại cũng bị đuổi ra khỏi nước, đi đến thành Bà-la-nê-tư cũng bị đuổi ra khỏi nước, lần lượt đi đến các thành như Phệ-xá-ly, Vương xá, Chiêm ba cũng đều bị đuổi, cuối cùng đến ngồi dưới một gốc cây, cho đến sông suối ao hồ nào cũng bị thiện thần xua đuổi, lúc đó ông ta suy nghĩ: “loài dã can còn có chỗ để dừng nghỉ, còn ta thì không có, cho đến một gốc cây cũng không dung nạp ta”, suy nghĩ rồi buồn bực trong lòng hộc máu ra mà chết và bị đọa vào địa ngục A tỳ. Lúc đó Thế tôn nói kệ:

“Người nào ở thế gian,
Miệng nói ra lời ác,
Là dùng dao búa bén,
Tự chặt đứt thân mình.
Khen ngỡi những kẻ ác,
Chê bai người hiền thiện,
Miệng sanh các tội lỗi,
Không chiêu cảm quả vui.
Cờ bạc tuy mất lợi,
Lỗi ấy cũng còn nhẹ,
Hủy nhục Phật Thế tôn,
Tội này hết sức nặng.
Ai dùng lời độc ác,
Hủy báng các vị Thánh,
Sẽ đọa ngục An bộ,
Trải qua trăm ngàn năm,
Lại do lời ác mắng,
Hủy báng các vị Thánh,
Đọa vào ngục Thanh bào,
Bốn vạn hai ngàn năm”.

Phật ở trong nước Địch miêu du hành đến một thôn và nghỉ đêm trong một trú xứ cũ nhưng trước đây chưa kết giới, đêm đó Thế tôn bỗng phát bịnh phong, cụ thọ A-nan-đà suy nghĩ: “ta thường hầu hạ Thế tôn, nay Thế tôn phát bịnh, ta nên đến hỏi thầy thuốc phương thuốc trị bịnh”, nghĩ rồi liền đến hỏi thầy thuốc, thầy thuốc nói: “Thánh giả hãy dùng tô nấu với ba loại thuốc sáp cho Thế tôn uống thì bịnh sẽ khỏi”. Sau khi điều hòa các thứ thuốc ấy và nấu xong, A-nan-đà đem dâng cho Thế tôn uống, Thế tôn hỏi A-nan-đà là thuốc gì, A-nan-đà đem việc trên bạch Phật, Phật hỏi: “thầy nấu ở đâu?”, đáp là nấu trong giới, Phật hỏi là ai nấu, đáp là tự nấu, Phật nói: “này A-nan-đà, nếu nấu trong giới, cất chứa qua đêm trong giới thì không nên dùng ; nếu nấu trong giới, cất qua đêm ngoài giới thì không nên dùng ; nếu nấu ngoài giới, cất qua đêm trong giới thì không nên dùng ; nếu nấu ngoài giới, cất qua đêm ngoài giới thì được dùng. Lại nữa này A-nan-đà, Bí-sô tự lấy tất cả loại thuốc và tự nấu thì không nên dùng; nếu ở ngoài giới tìm Cầu tịch hay Bạch y nấu thì Bí-sô được dùng”.

Phật ở tại thành Thất-la-phiệt, lúc đó có một trưởng giả đến chỗ Phật đảnh lễ ngồi một bên nghe Phật nói pháp, Thế tôn tùy thuận nói pháp chỉ dạy cho trưởng giả được lợi hỉ rồi liền im lặng. Trưởng giả rời khỏi chỗ ngồi chắp tay bạch Phật: “cúi xin Thế tôn và chúng Bí-sô ngày mai đến nhà con thọ thực”, Phật im lặng nhận lời. Sáng hôm sau trưởng giả trải tòa ngồi, sắp đặt mọi thứ xong liền sai sứ đến bạch Phật: “đến giờ thọ thực, xin Phật biết thời”. Lúc đó các Bí-sô vâng lời Phật dạy đắp y mang bát đến nhà trưởng giả thọ thỉnh thực, Phật không đi thọ thỉnh thực mà sai người đi lấy thức ăn về, do có 5 duyên : Một là cần yên tĩnh, hai là nói pháp cho chư thiên, ba là thăm nom người bịnh, bốn là xem xét phu cụ của tăng, 5 là chế học xứ cho các Bí-sô. Trong trường hợp này Phật vì muốn chế giới nên không đi thọ thỉnh thực mà bảo A-nan-đà lấy thức ăn mang về. Lúc đó ở nhà trưởng giả, cơm dọn lên hơi sống, Anan-đà suy nghĩ: “cơm này hơi sống, Thế tôn làm sao ăn được, Thế tôn lại mắc bịnh phong nếu ăn cơm này, bịnh sẽ nặng thêm. Nếu ta không thọ thì Thế tôn chưa khai, ta nên thọ mang về nấu lại cho chín để Thế tôn dùng, nhân đây Thế tôn sẽ tùy khai”, nghĩ rồi A-nan-đà mang cơm sống về trú xứ, sau khi nấu lại cho chín rồi mới mang đến cho Phật ăn, Phật hỏi: “này A-nan-đà, cơm này với cơm mà các Bí-sô đã ăn có khác nhau không?”, đáp: “có khác vì cơm mà các Bí-sô đã ăn hơi sống”, Phật hỏi: “cơm này nhận từ đâu?”, A-nan-đà đem việc trên bạch Phật, Phật nói: “lành thay A-nan-đà, Ta chưa nói mà thầy đã biết thời. Từ nay Ta khai cho các Bí-sô nếu thọ cơm sống thì nên nấu lại cho chín rồi mới ăn”. Lúc đó Lục chúng Bí-sô xin gạo để nấu cơm, các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “nếu cơm nấu hai phần chín một phần sống thì khai cho tự nấu lại mà ăn; nếu rau đậu, cá thịt nấu đã đổi màu, thọ rồi thì khai cho tự nấu lại mà ăn; nếu là các loại nước uống như sữa đã nấu sôi ba lần, thọ rồi thì khai cho tự nấu lại mà uống đều không phạm. Nhưng nếu là gạo, rau đâu sống, cá thịt chưa đổi màu, sữa chưa sôi ba lần nếu tự nấu để ăn thì phạm tội Việt pháp”.

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc thành Thất-la-phiệt, lúc đó ở trong thành Thâu-ba-la-ca có một trưởng giả tên là Tự tại giàu có, nhiều quyến thuộc, cưới con gái của một trưởng giả quý tộc làm vợ, cùng sống rất hạnh phúc. Không bao lâu sau người vợ có thai, đủ ngày tháng sanh được một bé trai, trải qua 2một ngày trưởng giả mở tiệc ăn mừng và nhờ thân tộc đặt tên cho bé, thân tộc nói: “đã là con của trưởng giả Tự tại thì nên đặt tên là An lạc”. Thời gian sau người vợ lại sanh thêm bé trai thứ hai đặt tên là Thủ hộ, bé trai thứ ba đặt tên là Hoan hỉ. Sau đó trưởng giả bỗng mắc bịnh nằm liệt giường, tánh tình cũng trở nên cộc cằn cau có, thường hay mắng chửi người thân nên vợ con đều tránh xa, không chăm sóc cho ông nữa. Lúc đó đứa tớ gái trong nhà suy nghĩ: “trưởng giả này là chủ của ta, thường ngày lo toan trăm việc, cung cấp cơm áo cho chúng ta, nay lâm trọng bịnh vợ con không có chăm sóc, ta không chăm sóc là điều không nên”. Nghĩ rồi liền đến chỗ thầy thuốc nói rằng: “hiền thủ có biết trưởng giả Tự tại không?”, thầy thuốc nói: “tôi có biết ông ấy, không biết hiện nay ông ấy thế nào?”, đứa tớ gái nói: “hiện nay ông ấy lâm trọng bịnh, vợ con không có chăm sóc, ông có thể kê toa thuốc cho ông ấy không?”, thầy thuốc nói: “nếu vợ con ông ấy không có chăm sóc thì ai chăm sóc cho ông ấy ?”, đứa tớ gái nói: “tôi sẽ chăm sóc cho ông ấy, nay ông ấy không có người thân, tôi cũng không có tiền nhiều, xin ông chọn loại thuốc rẽ tiền cho ông ấy uống”. Sau đó đứa tớ gái lén lấy trộm ít tài vật của vợ con ông trưởng giả và giảm bớt chi tiêu của mình để mua thuốc về cho trưởng giả uống, không bao lâu sau bịnh được lành, trưởng giả suy nghĩ: “ta mang bịnh khổ mà vợ con không có chăm sóc, ta được sống còn là nhờ ơn của đứa tớ gái, ta đâu thể không báo đáp”. Nghĩ rồi liền nói với đứa tớ gái: “hiền thủ, tôi mang bịnh khổ vợ con không chăm sóc, nhờ hiền thủ lo thuốc thang chăm sóc nên được sống còn. Vậy hiền thủ muốn gì tôi sẽ làm cho được toại nguyện”. Tớ gái nói: “nếu đại gia đối với tôi có yêu mến riêng thì xin hãy cùng tôi giao hoan”. Trưởng giả nói: “cần gì phải làm việc giao hoan này, tôi sẽ cho hiền thủ 500 kim tiền và giải phóng kiếp nô lệ hạ tiện cho hiền thủ”. Tớ gái nói: “Đại gia, tuy tôi mong được thoát khỏi kiếp nô lệ hạ tiện, nhưng tôi lại mong muốn được cùng ông giao hoan”. Trưởng giả nói: “nếu hiền thủ muốn thế thì cứ theo ý nguyện của hiền thủ. Khi nào nguyệt kỳ qua, thân thanh tịnh thì hãy đến báo cho tôi biết”. Thời gian sau, khi nguyệt kỳ qua, thân thanh tịnh, người tớ gái liền đến báo cho trưởng giả biết, trưởng giả liền cùng người tớ gái giao hoan. Không bao lâu sau, người tớ gái mang thai, khi cô mang thai tất cả kho tàng của trưởng giả đầy tràn. Đủ ngày tháng sanh được một bé trai dung mạo đoan nghiêm, bé trai này vừa sanh ra thì của cải trong nhà tăng thêm. Sau đó trưởng giả mở tiệc ăn mừng và nhờ thân tộc đặt tên, thân tộc nói nên đặt tên là Viên mãn. Trưởng giả giao bé trai cho tám bà vú nuôi: hai bà lo việc bú mớm, hai bà lo việc bồng giữ, hai bà lo việc tắm rửa, hai bà cùng vui đùa, nên bé mau lớn như bông sen lên khỏi mặt nước, đến khi trưởng thành học thông các môn học và các môn kỹ nghệ, lại còn có thể dạy cho người khác. Lúc đó ba người con trai lớn của trưởng giả đều đã cưới vợ, chìm đắm trong dục lạc bỏ bê gia nghiệp, trưởng giả thấy vậy nên ngồi chống cằm lo nghĩ với dáng vẻ ưu sầu. Ba người con thấy cha như vậy liền hỏi nguyên do, trưởng giả nói: “các con biết không, ngày xưa cha kiếm được 10 vạn tiền vàng rồi mới cưới vợ, cho đến ngày nay ta vẫn tự kiếm sống. Các con vừa cưới vợ xong liền đam mê dục lạc, gia nghiệp đã có ắt sẽ tiêu tán, ta lo sau khi ta chết các con do đâu sống còn”. Lúc đó người con thứ một cởi bông tai báu đang đeo xuống và thay vào bằng đôi bông tai gỗ, thề rằng: “nếu con không thể buôn ban kiếm lời được 10 tiền vàng thì trọn đời không đeo bông tai báu nữa”; người con thứ hai cũng cởi bông tai báu xuống và thay vào bằng đôi bông tai đồng đỏ ; người con thứ ba cũng cởi bông tai báu xuống và thay vào bằng đôi bông tai thiếc. Do nhân duyên này nên người con đầu vốn tên là An lạc, nay được gọi là Bông tai gỗ; người con thứ hai vốn tên là Thủ hộ, nay được gọi là Bông tai đồng; người con thứ ba vốn tên là Hoan hỉ, nay được gọi là Bông tai thiếc. Cả ba người con đều đem hàng hóa vượt biển mua bán kiếm lời, người con thứ tư thấy vậy cũng muốn vượt biển mua bán kiếm lời như các anh, trưởng giả nói: “còn nhỏ chưa đủ sức vượt biển, con hãy ở lại coi ngó hàng hóa trong phố chợ”. Thời gian sau ba người con trai lớn trở về với nhiều tài vật đã kiếm được đưa cho cha xem, mỗi người đều kiếm được số tiền 10 vạn tiền vàng như đã thề với cha. Lúc đó Viên mãn cũng muốn cha mình xem tài vật mà mình đã kiếm được trong phố chợ, người cha nói: “con không đi xa thì số tiền kiếm có là bao mà xem xét”, Viên mãn nói: “con tuy không đi xa nhưng xin cha hãy xem xét”, người cha miễn cưỡng xem xét, không ngờ số tiền cậu út kiếm được lại gấp bội các anh, người cha vui mừng suy nghĩ: “con út có phước đức lớn, tuy không đi xa nhưng lại thu được nhiều tiền tài như vậy”. Thời gian sau người cha lâm bịnh liền suy nghĩ: “sau khi ta mất, các con ắt sẽ chia rẽ, ta nên tính kế trước”, nghĩ rồi liền bảo các con: “các con hãy mang củi đến đây”, khi củi được mang đến, người cha nói: “các con hãy cùng đốt đống củi”, sau khi đống củi được đốt lên, người cha nói: “các con hãy phân chia đống củi đang cháy và mang đi”, sau khi phân chia, mỗi người mang củi đi thì đống củi liền tắt, người cha nói: “các con thấy không?”, đáp thấy, người cha liền nói kệ:

“Đống lửa dựa nhau nên rực sáng,
Nếu đem phân tán liền bị tắt,
Anh em chung sống cũng như vậy,
Nếu chia rẽ ắt bị tiêu diệt”.

Các con nên biết, sau khi ta mất các con không nên nghe theo lời vợ mà chia rẽ nhau.

“Nếu nghe lời vợ, nhà liền tan,
Người tỉnh nghe gọi, tâm thôi thúc,
Nước bị phá đều do quan xấu,
Do quá tham nên cắt ân tình.”

Nói kệ xong, người cha bảo người con trai lớn ở lại, còn tất cả ra ngoài, nói rằng: “sau khi ta chết, con là con trưởng nên sống cùng em út, chớ có chia lìa, của cải có thể bỏ nhưng không được bỏ rơi em út, vì sao, vì em út của con có phước đức lớn”, liền nói kệ:

“Tích tụ đều tiêu tán,
Cao ngất ắt rơi rớt,
Hội họp ắt biệt ly,
Có mạng đếu phải chết”.

Nói kệ xong liền qua đời, các con lo tang lễ rồi đưa xác cha đến trong rừng thây chết hỏa thiêu, sau đó bàn với nhau: “khi cha còn sống, mọi thứ cần dùng đều do cha cung cấp ; nay cha mất, chúng ta nên họp lực buôn bán cầu lợi làm cho gia nghiệp ngày càng hưng thịnh”, người em út là Viên mãn cũng muốn cùng đi, người anh cả nói: “em nên ở lại đây mua bán và trông coi gia nghiệp, còn các anh mua bán ở phương xa”, nói xong cùng chia tay nhau, mỗi người đều mang theo hàng hóa đến phương xa mua bán, Viên mãn ở lại nhà trông coi gia nghiệp. Lúc đó ba người chị dâu đều sai người hầu đến chỗ chú út xin những vật dụng cần thiết, gặp lúc chú út tiếp khách hàng lâu, người hầu không thể gặp được, chị dâu cả hỏi người hầu nguyên do rồi nói: “con của tớ gái làm gia chủ thì chúng ta làm sao an ổn được”, nói rồi bảo người hầu canh chừng khi nào vắng khách thì đến xin, lần này đến đúng lúc không có khách hàng nên nhận được đủ thứ vật dụng mang về. Hai người hầu của hai chị dâu kế đến xin vật dụng cũng gặp trường hợp như chị dâu cả không xin được liền, lại thấy người hầu của chị dâu cả nhận được đủ thứ vật dụng mang về liền hỏi vì sao, người hầu của chị cả nói: “vì xin đúng lúc chú út không có tiếp khách hàng nên tôi nhận được các thứ vật dụng mau”. Hai người hầu này sau đó thường đi theo người hầu của chị dâu cả canh đúng lúc chú út không có tiếp khách hàng để nhận được các vật dụng mau, hai người chị dâu kế hỏi nguyên do, hai người hầu nói rõ sự việc, hai người chị dâu kế ôm lòng oán giận nói rằng: “con của tớ gái làm sao trông coi gia nghiệp chu đáo được”. Thời gian sau, ba người anh trở về với nhiều tài lợi, người anh cả hỏi vợ: “chú út coi ngó gia nghiệp, cung cấp mọi thứ có chu đáo không?”, đáp là rất chu đáo. Lúc đó hai người anh kế hỏi vợ thì hai người vợ này đều nói: “con của tớ gái coi ngó gia ngiệp thì làm sao chu đáo được”, hai người chồng nghe rồi liền suy nghĩ: “tất cả phụ nữ đều hay tranh chấp, nếu nghe lời họ anh em sẽ chia lìa”. Thời gian sau, đúng lúc chú út mở kho lụa ca thi thì con của người anh cả đến, chú út liền chọn một xấp vải tốt cho nó. Hai người chị dâu kế thấy vậy liền sai con mình đến xin, không may chú út đã đóng kho lụa Ca thi và đang mở kho vải khác xấu hơn, thấy hai cháu đến chú út liền đưa cho mỗi cháu một xấp vải mang về. Hai người chị dâu kế thấy cho con mình vải xấu liền nói với chồng: “anh thấy không, con của anh cả được lụa Ca thi, còn con chúng ta chỉ được vải xấu”, người chồng suy nghĩ: “con anh cả đến đúng lúc kho lụa Ca thi đang mở, con con chúng ta đến lúc kho khác đang mở”. Thời gian sau, chú út đang mở kho đường phèn thì con của anh cả đến, chú út liền cho nó một túi đường phèn; hai chị dâu kế thấy vậy liền sai con đến xin, không may kho đường phèn đã đóng, gặp lúc chú út đang mở kho đường cát nên chú út đưa cho mỗi cháu một túi đường cát mang về. Hai người chị dâu kế thấy vậy liền nói với chồng: “anh thấy không, con của anh cả được đường phèn, con chúng ta chỉ được đường cát”, nghe vợ gièm pha châm chích mãi như thế nên hai người anh kế đều muốn chia tài sản ra ở riêng, hai người bàn với nhau: “nếu phân chia thì đồ vật trong nhà và ruộng vườn ở ngoài là một phần; đồ vật trong kho và hàng hóa mua bán ở ngoài là một phần; Viên mãn là một phần. Nếu anh cả nhận ruộng vườn và đồ vật trong nhà thì chúng ta nhận đồ vật trong kho và hàng hóa mua bán bên ngoài; ngược lại nếu anh cả nhận vật trong kho và hàng hóa bên ngoài thì chúng ta nhận đồ vật trong nhà và ruộng vườn bên ngoài. Phân chia như thế để trị phạt Viên mãn, khiến cho nó chịu khổ sở”. Bàn tính xong cả hai đến chỗ người anh cả nói rõ sự việc, người anh cả nói: “gia nghiệp tan nát đều do nghe lời vợ, các em hãy suy nghĩ lại”, hai người em kế nói là đã quyết ý rồi, người anh cả nói: nếu vậy hãy mời người đoán sự đến”, hai người em kế nói: chúng em đã bàn tính kỹ rồi, không cần mời người đoán sự”, liền nói rõ sự phân chia tài sản như đã tính ở trên, người anh cả hỏi: “Viên mãn không đựoc chia phần hay sao?”, hai người em kế nói: “nó là con của đứa tớ gái làm sao có phần được, nhưng chúng tôi đã xếp nó vào trong số của cải trong nhà, nếu anh thương thì nhận nó”, người anh suy nghĩ: “khi lâm cha có dặn ta đừng bỏ rơi nó, của cải có thể bỏ nhưng đứa em út không nên bỏ”, nghĩ rồi người anh nói: “như lời em đã nói thì anh nhận Viên mãn”. Sau khi phân chia gia sản xong, người được chia nhà liền đuổi chị dâu ra, nói là nhà đã được chia; người được chia kho đồ vật liền đến kho đuổi Viên mãn ra nói là đã được chia. Lúc đó chị dâu cả cùng Viên mãn ra ngoài tìm đến nhà người quen, những đứa con của chị dâu cả đói bụng kêu khóc, chị dâu bảo Viên mãn cho chúng thức ăn, Viên mãn bảo đưa tiền, chị dâu nói: “chú dùng ức tiền vàng để mua bán, lấy một ít tiền mua thức ăn cho chúng không được sao?”, đáp: “tôi đâu biết trước có việc phân chia gia sản này, nếu biết trước tôi đã cất giấu vô lượng ức tiền vàng ơ chỗ khác”. Chị dâu cả đành phải móc tiền đưa cho Viên mãn đi mua ít thức ăn, Viên mãn cầm tiền đi vào chợ bỗng gặp một người gánh củi đi bán, nhìn thấy trong gánh củi có loại gỗ quý ở trong biển gọi là Ngưu đầu chiên đàn, liền hỏi người bán củi “anh bán gánh củi này bao nhiêu?”, đáp: “chỉ cần 500 tiền”, Viên mãn nói: “tôi sẽ đưa cho anh 500 tiền”, nói xong rút lấy cây Chiên đàn trong gánh củi ra đi vào trong chợ cưa thành bốn khúc, phần bột vụn Chiên đàn đem bán được một ngàn tiền liền trở lại giao cho người bán củi 500 tiền rồi bảo người gánh củi gánh đến đưa cho chị dâu, nói là Viên mãn bảo gánh tới. Người ấy y theo lời gánh tới chỗ chị dâu, chị dâu thấy gánh củi đấm ngực kêu lên: “Viên mãn sao mà ngây dại như thế, của cải vừa bị phân tán thì trí huệ cũng không còn. Tôi bảo mua thức ăn lại đi mua củi mà không có thức ăn gì để nấu cả”.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18