CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA DƯỢC SỰ

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 8

Lúc đó Phật từ nước Kiều-tát-la du hành đến tụ lạc Tăng trưởng, dừng nghỉ trong rừng Tăng trưởng. Chủ tụ lạc là Bà-la-môn Liên hoa hành được vua Thắng quân phong ấp, ông có một đệ tử tên là Yêm một la tử học rộng nghe nhiều, biện tài sắc bén và có 500 đệ tử phạm hạnh đọc tụng luận Tứ minh. Liên hoa hành nghe tin có sa môn Kiều-đáp-ma thuộc dòng họ Thích ca từ bỏ vương vị xuất gia, tu chứng đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, danh vang khắp 10 phương là bậc Như lai, Bạc già phạm, Ứng chánh đẳng giác, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế Tôn. Vị Phật này đã nói với Trời người, ma, Phạm, Sa môn, Bà-la-môn rằng: “sanh tử đã tận, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không thọ thân sau ” . Pháp của vị ấy nói ra ban đầu, khoảng giữa và sau cùng đều thiện, văn nghĩa xảo diệu, thuần nhất không tạp, đầy đủ tướng phạm hạnh trong sạch. Liên hoa hành nghe nói vị ấy nay đã đến trong tụ lạc này, liền suy nghĩ: “trong kinh của ta nói rằng: “người nào có đủ 32 tướng thì sẽ có hai hướng:

1. Là nếu ở tại gia sẽ làm Chuyển luân Thánh vương, dùng chánh pháp cai trị và có đủ bảy báu : bánh xe báu, voi báu, ngựa báu, nữ báu, thần coi giữ phục tàng báu, thần chỉ huy quân đội báu và ngọc ma ni báu. Vua có đủ ngàn người con oai đức dõng mãnh, tướng mạo đoan nghiêm có thể chế phục nước khác, trong nước không có trộm cướp, không dùng dao roi trị phạt, chỉ dùng chánh pháp giáo hóa.

2. Là nếu cạo bỏ râu tóc xuất gia sẽ thành đạo quả Chánh giác”, nghĩ rồi liền bảo đệ tử Yêm một la tử: “Ta nghe tin có sa môn Kiềuđáp-ma thuộc dòng họ Thích ca từ bỏ vương vị xuất gia tu chứng đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề… giống như đoạn văn trên. Các con hãy đến chỗ Sa môn Kiều-đáp-ma tự sẽ biết rõ có đúng như lời ta nói hay không”. Các đệ tử vâng lời cùng các Bà-la-môn kỳ cựu đến chỗ Phật chào hỏi rồi đứng một bên, Phật tùy thuận nói pháp chỉ dạy cho các Bà-la-môn kỳ cựu được lợi hỉ. Lúc đó Yêm một la tử với tâm ngạo mạn đi qua đi lại không nghe Phật nói rồi bất chợt dừng lại hỏi nghĩa, Phật dù trả lời cũng không có ý nghe và vẫn tỏ thái độ khinh mạn đối với Thế tôn như cũ. Phật bảo Yêm một la tử: “các Bà-la-môn kỳ cựu đều đã đủ ba minh, ngươi há có thể khinh mạn bất chợt vấn nạn như thế hay sao?”, Yêm một la tử nói là không có hỏi gì cả, Phật nói: “trong khi ta nói pháp yếu cho các Bà-la-môn thượng thủ nghe, ngươi cứ đi qua đi lại rồi bất chợt đưa ra câu hỏi, ta đáp ngươi cũng không chịu nghe”, Yêm một la tử nói: “nếu là đồng loại Bà-la-môn thì tôi có thể cùng ngồi luận nghĩa, Ngài là sa môn cạo tóc không phải là Bà-la-môn, tôi đi qua đi lại hỏi đáp thì có lỗi gì. Sa môn các vị đang đi trên đường ác, nhiễm pháp xấu nên tôi mới nói chuyện với thái độ như vậy”, Phật nói: “ngươi đến đây vì cầu lợi ích, ta quán thấy ngươi chưa từng thừa sự Sư trưởng”, Yêm một la tử nghe rồi tức giận, muốn phỉ báng khinh hủy nên nói: “dòng họ Thích ca ngu si, không biết cung kính người có phạm hạnh thù thắng”, Phật nói: “dòng họ Thích ca có lỗi lầm gì?”, Yêm một la tử nói: “trước dây tôi có việc đi vào thành Kiếp-tỷ-la, những người thuộc dòng họ Thích ca ở trên lầu cao chỉ tôi nói rằng: đó là đệ tử của Liên hoa hành, thái độ khinh mạn không cung kính tôi”, Phật nói: “ngươi có thấy con chim sâu không, khi ở trong tổ nó còn tự tại nói năng đủ thứ, huống chi dòng họ Thích ca há không được nói năng tự tại hay sao?”, Yêm một la tử nó: “có bốn giai cấp: Bà-la-môn, Sát-đế-lỵ, Phệ xá, Thủ đạt la. Bốn giai cấp này đều cung kinh các Bà-la-môn, chỉ có dòng họ Thích ca thấy bậc tôn thắng mà không cung kính”. Lúc đó Phật liền quán cha mẹ đời trước của Yêm một la tử thuộc chủng loại gì, quán biết được là do nô tỳ của dòng họ Thích ca-sanh ra, những người thuộc dòng họ Thích ca là chủ của họ vào đời trước, Phật liền hỏi Yêm một la tử thuộc dòng họ gì, đáp là thuộc dòng họ Nhĩ luân, Phật nói: “ta quán thấy dòng họ của ngươi là nô tỳ của dòng họ Thích ca-sanh ra”. Các Bà-la-môn kỳ cựu liền nói: “Sa môn Kiều-đáp-ma, không nên đem dòng họ nô tỳ ra phỉ báng anh ta, vì sao, vì anh ấy là người học rộng nghe nhiều, nói năng lưu loát có thể luận nạn đối đáp với Kiều-đáp-ma”, Phật bảo các Bà-la-môn: “nếu các vị cho rằng Yêm một la tử có thể luận nạn với ta thì hãy im lặng nghe anh ta đối đáp. Nếu anh ta không thể cùng ta lập tông vấn nạn thì sẽ im lặng”, Phật liền bảo Yêm một la tử: “này Manạp-bà, thuở xưa có quốc vương hiệu là Cam giá, có bốn người con tên là Cự diện, Trường nhĩ, Tượng kiên và Túc xuyến. Sau vì mắc tội nên bốn người con này bị vua đuổi đi, họ dẫn theo em gái đến biên giới nước khác bên bờ sông Căng già ở dưới núi Tuyết, cách trú xứ của tiên nhơn Kiếp-tỷ-la không xa. Họ cắt cỏ làm nhà rồi lấy những người em khác mẹ làm vợ và sanh con đẻ cái. Thời gian sau, vua chợt nhớ đến bốn người con này nên hỏi quần thần, quần thần tâu rõ mọi việc như trên, vua nghe rồi nói rằng: “bốn người con của ta có thể làm được như vậy sao?”, nói rồi giơ tay phải lên khen rằng: “các con ta có năng lực lớn”. Này Ma-nạp-bà, do người có oai đức được gọi là cực năng nên dòng họ được gọi là Thích ca (đời Đường dịch là Năng). Ngươi có nghe sự sanh khởi nào khác không?”, Yêm một la tử đáp: “tôi nghe dòng họ Thích ca từ xưa đến nay sanh ở nơi đây”, Phật nói: “ngày xưa vua Cam giá có một nô tỳ tên là Chức kinh, dung mạo đoan trang ai cũng yêu mến. Lúc đó có một tiên nhơn thuộc họ Ma đăng già, do thường ở một chỗ với nô tỳ đó nên cả hai cùng tư thông và sanh được một bé trai, vừa sanh ra đứa bé đó có thể nói: “hãy tắm rửa trừ chất bẩn cho tôi”. Người đương thời gọi quỷ là Ca ny bà dạ na, do đứa bé này vừa sanh ra liền nói được câu ấy nên mọi người cho là quỷ và gọi đứa bé này là Ca ny bà dạ na, từ đó đến nay có thêm dòng họ Ca ny bà dạ na. Này Ma-nạp-bà, ngươi có nghe dòng họ này sanh ra từ việc này không?”. Lúc đó Yêm một la tử im lặng, Phật hỏi đến ba lần cũng đều im lặng, thấy Yêm một la tử im lăng không trả lời thần Kim cang cầm chày Kim cang phát lửa sáng chói, có màu sắc như lửa đưa về phía Yêm một la tử, nghĩ rằng: “Thế tôn hỏi ba lần mà không chịu đáp thì ta sẽ đập vỡ đầu ra làm bảy mảnh”. Do oai lực của Phật khiến cho Yêm một la tử nhìn thấy thần Kim cang, thấy rồi hết sức kinh sợ liền đáp: “tôi có nghe”. Các Bà-lamôn kỳ cựu bạch Phật: “trước đây chúng tôi không tin lời Thế tôn nói, bây giờ mới biết dòng họ của Yêm một la tử là do nô tỳ của dòng họ Thích ca-sanh ra”, Phật nói: “các vị cũng không nên khinh chê Yêm một la tử, vì sao, vì xưa kia tiên nhơn ấy có thần thông oai đức lớn. Do vua Cam giá có lỗi với tiên nhơn nên tiên nhơn niệm chú và thề độc để quở trách vua. Vua lo sợ nên tay trái dắt con gái, tay phải cầm bình vàng đem đến cho tiên nhơn lấy làm vợ, nhưng tiên nhơn không chịu”. Lúc đó Phật thấy Yêm một la tử im lặng, cúi đầu không còn oai phong nữa nên bảo Yêm một la tử: “này Ma-nạp-bà, nếu một thanh niên dòng Sátđế-lỵ lấy một thiếu nữ dòng Bà-la-môn và sanh được một trai, đứa bé này có được cùng ngồi, cùng cúng tế nước và đọc sách ở trong chúng Bà-la-môn không?”, đáp là được, Phật lại hỏi: “đứa bé này có được phép quán đảnh của dòng Sát-đế-lỵ không?”, đáp: “được, vì đứa bé này là cháu ngoại của Bà-la-môn và là cháu nội của dòng Sát-đế-lỵ”, Phật lại hỏi: “nếu một thanh niên Bà-la-môn cưới thiếu nữ dòng Sát-đế-lỵ sanh được một trai, đứa bé này có được cùng ngồi, cùng cúng tế nước, cùng đọc sách ở trong chúng Bà-la-môn và được phép quán đảnh của dòng Sát-đế-lỵ không?, đáp: “được, vì đứa bé này là cháu nội của Bàla-môn và là cháu ngoại của dòng Sát-đế-lỵ”, Phật lại hỏi: “nếu thanh niên dòng Sát-đế-lỵ phạm tội, bị dòng Sát-đế-lỵ đuổi đi thì đứa bé này có được cùng ngồi, cùng cúng tế nước và đọc sách ở trong chúng Bà-lamôn không?”, đáp là được, lại hỏi: “có được phép quán đảnh của dòng Sát-đế-lỵ không?”, đáp: “được, vì đứa bé này là người thân”, Phật nói: “này Ma-nạp-bà, nếu thanh niên Bà-la-môn bị Bà-la-môn đuổi đi thì đứa bé này có được cùng ngồi, cùng cúng tế nước và đọc sách ở trong chúng Bà-la-môn không?”, đáp là không được, lại hỏi: “có được phép quán đảnh của dòng Sát-đế-lỵ không?”, đáp: “không được, vì người cha bị đuổi và bị gọi là Bà-la-môn Chiên đồ la”, Phật nói: “Ma-nạp-bà nên biết, người sanh ra trong dòng họ Sát-đế-lỵ, được dòng họ coi là tôn quý; nhưng dòng Bà-la-môn thì không như vậy. Cho nên chủ thế giới Ta bà là Phạm thiên đã nói kệ:

Người kế thừa Sát lợi,
Tôn quý trong loài người,
Minh hạnh túc viên mãn,
Đứng đầu cõi trời người.

Này Ma-nạp-bà, ta nay cũng nói kệ như thế, ngươi nghĩ sao nếu Bà-la-môn tịnh hạnh cưới con gái Bà-la-môn sanh được một trai, đứa bé này có được cùng ngồi, cùng cúng tế nước và đọc sách ở trong chúng Bà-la-môn không?”, đáp là được, Phật nói: “nhân việc cưới gả mà chấp nhận dòng họ, nếu có ai chấp trước vào dòng họ, tự nói ta là Ma-nạp-bà thì người đó không thể được Mịnh hạnh túc vô thượng; nếu xả bỏ ngã mạn mới có thể chứng được”. Lúc đó Yêm một la tử bạch Phật: “hạng người cuồng say khinh mạn Thế tôn như con, quá khứ hiện tại cho đến vị lai đều không có, cui xin Thế tôn nói thắng pháp khiến con được chứng Minh hạnh túc”, Phật nói: “Ma-nạp-bà hãy lắng nghe, Phật có đủ 10 hiệu Như lai, Bạc già phạm, Ứng chánh đẳng giác, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế Tôn xuất hiện ở thế gian, nói pháp yếu ban đầu, khoảng giữa và sau cùng đều thiện, văn nghĩa xảo diệu, thuần nhất không tạp, đầy đủ tướng phạm hạnh trong sạch. Người nào nghe được pháp này có thể sanh lòng tin, do tin nên chuyên tu học, biết được đời sống tại gia là nơi tích tụ khổ não, còn xuất gia là hướng đến chốn tịch tĩnh. Nếu ở tại gia thì thường bị phiền não trói buộc suốt đời, không thể tu tập phạm hạnh, nghĩ rằng: ta sẽ cạo bỏ râu tóc, mặc ca-sa với taâm chánh tín, bỏ nhà sống nếp sống không nhà, giữ tịnh giới đầy đủ pháp hạnh. Nếu có phạm tội nhỏ cũng sanh lo sợ, tất cả phẫm thiện thọ rồi tu học, bỏ sát sanh, dứt dao gậy, sanh tâm từ bi đối với các hữu tình, cho đến ruồi muỗi kiến cũng không sanh tâm sát hại” . Như trong phẩm Giới uẩn kinh Trường A cấp ma nói về Bà-la-môn Am bà sa.

Sau đó Phật đến tụ lạc Diệp nói kinh Tứ Phật tòa cho bốn chúng, kế đến tụ lạc Nhật xuất nói pháp cho hai chị em Hiền hỷ và Minh nguyệt. Phật lại từ nước Kiều-tát-la du hành trong nhân gian đến thành Thất-la-phiệt, trưởng giả Cấp-cô-độc đến chỗ Phật đảnh lễ ngồi một bên nghe Phật nói pháp, Thế tôn tùy thuận nói pháp chỉ dạy cho trưởng giả được lợi hỉ rồi liền im lặng. Trưởng giả chắp tay bạch Phật: “cúi xin Thế tôn và các Bí-sô ngày mai thọ con thỉnh thực”, Phật im lặng nhận lời, trưởng giả liền trở về lo liệu mọi thứ để cúng dường, sáng hôm sau sai sứ đến thỉnh Phật… Phật thọ thực rồi nói pháp cho trưởng giả được lợi hỉ rồi ra về. Sau đó các Bà-la-môn, cư sĩ lần lượt thỉnh Phật và Thánh chúng thọ thực, khi các Bí-sô thọ thực chưa kịp ăn đã cho người nghèo đến xin trước, khiến các thí chủ chê trách, các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật nói: “nên ăn xong rồi mới đem thức ăn dư cho người nghèo đến xin”. Lúc đó có hai đồng tử đến xin, một thuộc dòng Bà-la-môn, hai thuộc dòng Sát-đế-lỵ; đồng tử dòng Bà-la-môn không biết giờ, Tăng chưa ăn đã đến xin trước nên không được thức ăn; đồng tử dòng Sátđế-lỵ đợi Tăng ăn xong mới đến xin nên được nhiều thức ăn. Do nhân duyên này, đồng tử dòng Bà-la-môn nổi giận thề độc: “nếu có quyền lực, tôi sẽ chặt đầu các đệ tử của Thích ca vất bỏ trên mặt đất”; đồng tử dòng Sát-đế-lỵ phát nguyện: “nếu có quyền lực, hằng ngày tôi sẽ cúng dường cho Phật và các Bí-sô thức ăn đủ sáu mùi vị”. Sau đó cả hai đến ngủ bên gốc cây, bỗng có chiếc xe ngựa phóng qua cán đứt đầu đồng tử Bà-la-môn, do việc này Phật nói kệ:

“Ý thường dẫn đầu,
Trong việc tạo nghiệp.
Tâm mà tức giận,
Mau thọ quả báo,
Khổ đến bức thân,
Xe cán đứt đầu”.

A-nan-đà hỏi Phật kệ này có nghĩa gì, Phật nói: “thầy có thấy đồng tử dòng Bà-la-môn sanh tâm bất thiện đối với Bí-sô tăng, phát lời thề độc nên bị xe cán chết. Ta vì việc này nên nói kệ trên”.

Lúc đó trong thành Thất-la-phiệt có một trưởng giả qua đời, không có con kế thừa, các Bà-la-môn cư sĩ đang bàn bạc việc này thì chợt thấy đồng tử dòng Sát-đế-lỵ nằm bên gốc cây, mặt trời đã nghiêng về Tây nhưng bóng cây vẫn che mát cho đồng tử. Cho là điềm lạ nên mọi người dẫn về cho kế thừa gia tài của trưởng giả. Lúc đó đồng tử suy nghĩ: “đây là nhờ oai lực của Phật pháp tăng, ta nên thỉnh Phật và các Bí-sô cúng dường”, nghĩ rồi liền đến chỗ Phật đảnh lễ ngồi một bên nghe Phật nói pháp, Thế tôn tùy thuận nói pháp chỉ dạy cho đồng tử được lợi hỉ rồi im lặng. Đồng tử chắp tay bạch Phật: “cúi xin Thế tôn và các Bí-sô ngày mai thọ con thỉnh thực”, Phật im lặng nhận lời… Phật thọ thực rồi xứng cơ nói pháp khiến cho đồng tử ngay nơi tòa ngồi chứng quả Dự lưu… đồng tử xin quy y Tam bảo cho đến trọn đời không thối chuyển, đảnh lễ Phật rồi ra về. Phật sau khi về đến trú xứ liền nói kệ:

“Ý thường dẫn đầu,
Trong việc tạo nghiệp,
Tâm ý thanh tịnh,
Liền hưởng quả lành”.

A-nan-đà hỏi Phật ý nghĩa của bài kệ, Phật nói: “thầy có thấy đồng tử dòng Sát-đế-lỵ do phát lòng tin Phật và Thánh chúng nên được các Bà-la-môn dẫn về cho kế thừa gia tài của trưởng giả, do việc này nên ta nói kệ trên”. Sau đó Phật đến tụ lạc Bà la la nói kinh Tứ Phật tòa, đến tụ lạc Thắng thổ lại nói kinh Tứ Phật tòa, kế đến tụ lạc Sư tử cũng nói kinh Tứ Phật tòa, đến tụ lạc Tân cũng nói kinh Tứ Phật tòa, vào trong thành cũng nói kinh Tứ Phật tòa. Lúc đó trong thành Vương xá có hai phạm chí tên là Vi tòa và Cao tòa ở bên ao Ma-kiệt-đà, ban đêm ăn hết số cá đã câu được, sáng hôm sau ngồi trên ghế cao tụng kệ:

“Thực hành chánh pháp,
Đó là Bí-sô,
Xả bỏ mọi việc,
Đó là đường thiền”.

Do quán biết đã đến lúc điều phục được hai phạm chí này nên Phật đi đến chỗ họ nói kệ:

“Ngươi nên chứng ngộ,
Như đã nói kệ,
Bên ngoài tợ thiện,
Trong tâm bất tịnh,
Lặng lẽ điều phục,
Chớ hại chúng sanh,
Lìa các việc ác,
Đó là đường thiền.
Nếu thân miệng ý,
Không làm việc ác,
Điều phục chính mình,
Đó là đường thiền”.

Hai phạm chí nghe kệ rồi suy nghĩ: “Kiều-đáp-ma đã biết được tâm ta”, nghĩ rồi liền sanh cung kính, Phật quán căn tánh xứng cơ nói bốn đế lý khiến cho hai phạm chí nghe pháp rồi liền chứng quả Dự lưu. Sau đó do các Bí-sô thấy hai phạm chí ngồi trên ghế cao nghe pháp mà được chứng quả nên bắt chước, có một Bí-sô ngồi trên ghế cao ở trước Phật nghe pháp, đáng lẽ nghe pháp xong được chứng quả nhưng Bí-sô này lại không được, Phật quán biết là do ngồi trên ghế cao nghe pháp với tâm không kính trọng nên chế học xứ không cho các Bí-sô làm như thế nữa.

Sau đó Phật rời khỏi thành Vương xá đến tụ lạc Đa căn thọ vào trong làng khất thực, lúc đó có một người nữ ở thành Kiếp-tỷ-la theo chồng đến ở trong làng này, thấy Phật có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp trang nghiêm thân, ánh sáng bao quanh trên đảnh rộng một tầm sáng rỡ như trăm ngàn mặt trời, liền suy nghĩ: “Thế tôn đã bỏ ngôi vị Luân vương xuất gia tu đạo, khất thực để sống, nếu Phật đến chỗ ta, ta sẽ cúng dường bột gạo rang”, Phật quán biết ý nghĩ của người nữ này nên đi đến chỗ người nữ nói rằng: “hãy bỏ thức ăn đầy bát cho ta”, thấy Phật biết được ý nghĩ của mình, người nữ càng thêm cung kính liền dâng đầy bát bột gạo rang. Lúc đó Phật liền mĩm cười, thường pháp của Phật là khi Phật mĩm cười, từ trong miệng phóng ra hào quang năm sắc chiếu xuống hay chiếu lên, nếu chiếu xuống thì chiếu đến ngục Vô gián và các ngục khác khiến cho chúng sanh trong đây đang bị đốt nóng liền được mát mẻ, đang bị lạnh cóng liền được ấm áp. Họ cảm thấy an lạc liền suy nghĩ: “ta và mọi người từ cảnh khổ địa ngục chết đi, được sanh vào cõi khác chăng?”. Thế Tôn sau khi làm cho các hữu tình kia sanh tín tâm liền hiện nhiều tướng khác nữa, thấy những tướng này họ liền suy nghĩ: “chúng ta không phải chết ở đây sanh về cõi kia, mà là do sức oai thần của Đại Thánh đã khiến thân tâm chúng ta hiện được an lạc”. Đã sanh tín kính thì có thể diệt các khổ, ở cõi nhơn thiên được thọ thân thắng diệu, thành chơn pháp khí thấy được lý chơn đế. Nếu hào quang chiếu lên thì đến cõi trời Sắc cứu cánh, trong hào quang diễn nói các pháp khổ, không, vô thường, vô ngã… và nói kệ:

“Người phải nghe Phật dạy
Dốc cầu đạo xuất ly
Phá được quân sanh tử
Như voi phá nhà tranh.
Ở trong pháp luật Phật
Dũng tiến thường tu học
Xa lìa đường sanh tử
Bờ mé khổ không còn”.

Hào quang này sau khi chiếu khắp ba ngàn Đại thiên thế giới liền trở về chỗ Phật, nếu Thế Tôn nói việc quá khứ thì hào quang trở vào phía sau lưng, nếu nói việc vị lai thì hào quang trở vào phía trước ngực, nếu nói việc địa ngục thì hào quang trở vào phía dưới chân, nếu nói việc bàng sanh thì hào quang trở vào phía gót chân, nếu nói việc ngạ quỷ thì hào quang trở vào phía ngón chân, nếu nói việc loài người thì hào quang trở vào đầu gối, nếu việc của Lực luân vương thì hào quang trở vào lòng bàn tay trái, nếu nói việc của Chuyển luân vương thì hào quang trở vào lòng bàn tay phải, nếu nói việc cõi trời thì hào quang trở vào rốn, nếu nói việc của Thanh văn thì hào quang trở vào miệng, nếu nói việc của Độc giác thì hào quang trở vào phía giữa hai chân mày, nếu nói việc của đạo quả Chánh đẳng chánh giác thì hào quang trở vào phía trên đảnh đầu. Lúc đó ánh sáng nhiễu quanh Phật ba vòng rồi vào giữa hai chân mày, A-nan-đà bạch Phật: “Thế tôn, Như lai Ứng chánh đẳng giác mĩm cười không phải là không có nhân duyên”, liền nói kệ thỉnh Phật… cho đến câu Phật bảo A-nan-đà: “đúng vậy, Như lai Ứng chánh đẳng giác mĩm cười không phải là không có nhân duyên. Thầy có thấy người nữ Bà-la-môn vừa cúng dường bột gạo rang cho ta với tâm tín kính không?”, đáp là thấy, Phật nói: “do căn lành này, từ đây về sau suốt 13 kiếp, người nữ này sẽ không đọa trong ba đường ác, chỉ luân hồi thọ sanh trong cõi trời người, thân sau cùng sẽ chứng quả Độc giác hiệu là thiện nguyện”. Tin này không mấy chốc lan truyền khắp nơi, chồng của người nữ kia đang đi vào trong rừng hái trái cây và đốn củi, nghe được tin này liền nổi giận đi đến chỗ Phật hỏi: “ông đã đến nhà tôi được vợ tôi bố thí gạo rang, ông liền thọ ký đời vị lai sẽ thành Phật Bích chi phải không?”, Phật nói phải, người chồng nói: “Kiều-đáp-ma, ông bỏ ngôi Luân vương xuất gia mà còn nói dối để được cúng bột gạo rang. Ai sẽ tin theo ông bố thí một hạt giống nhỏ mà lại được quả báo lớn như thế”, Phật nói: “Bà-la-môn, do nhân duyên này ta hỏi, ông nên tùy ý đáp. Ý ông nghĩ sao, ông có thấy pháp hy hữu nào không?”, đáp: “Kiều-đáp-ma, không cần pháp hy hữu nào khác, ngay trong tụ lạc Đa căn thọ này tôi đã thấy việc hy hữu. Ở phía đông làng này có cây Noa cù đà cao lớn sum suê, dưới gốc cây thường có 500 chiếc xe đậu mà không trở ngại nhau, do việc này nên lấy tên cây đặt tên ngôi làng”, Phật nói: “hạt của Đa căn thọ đó bao lớn, có lớn bằng bờ ruộng hay hàng rào dậu, trục bánh xe, cái ky hoặc bằng trái Tần loa… hay không?”, đáp: “không, chỉ bằng một phần tư của hạt cải”, Phật nói: “Bà-la-môn, ai sẽ tin điều ông nói là từ một hạt giống nhỏ như thế mà có thể sanh ra cây đại thọ cao lớn như thế”, đáp: “mặc cho ông có tin hay không, chính mắt tôi đã thấy, vả lại đất đai vùng này không cằn cỗi mà rất phì nhiêu, hạt giống tuy không lớn nhưng được gieo đúng cách, mưa gió thuận thời nên cây phát triển to lớn như thế”. Phật do nhân duyên này nói kệ:

“Như ruộng và hạt giống,
Ông đã chính mắt thấy.
Đối với nghiệp quả báo,
Như lai đích thân chứng.
Như điều ông đã thấy,
Hạt nhỏ thành cây lớn.
Cũng vậy, ta đã thấy,
Nhân nhỏ thành quả lớn”.

Nói kệ rồi, Phật đưa lưỡi dài rộng ra đến mí tóc rồi hỏi Bà-lamôn: “ý ông nghĩ sao, người có thể đưa lưỡi dài rộng ra đến mí tóc, ở trên trăm ngàn ngôi vị luân vương mà nói dối hay chăng?”, liền đáp là không, Phật liền nói kệ:

“Bản thân ta chưa từng nói dối,
Tướng lưỡi rộng dài do thành Phật.
Hôm nay ông phải nói như vầy :
Nhờ gặp Như lai được giác ngộ”.

Nghe kệ rồi Bà-la-môn liền sanh kính ngưỡng, Phật quán biết ý ngạo tùy miên xứng cơ nói pháp khiến cho Bà-la-môn này được chứng quả Dự lưu và xin quy y Tam bảo, thọ trì năm học xứ, đảnh lễ Phật rồi ra về.

Sau đó Phật đến tụ lạc Trùng-tỳ-la, như trong Tạp A cấp ma có nói rõ kinh này. Kế Phật đến tụ lạc biên địa, nơi đây có cậu của Đại Mục-kiền-liên xuất gia học đạo với Tiên nhơn, Phật quán biết chỉ có

Đại Mục-kiền-liên mới điều phục được ông ấy nên bảo Mục liên đến đó điều phục. Đến nơi, vị Tiên nhơn bảo mục liên: “hãy dừng lại, chớ vào, đây là chỗ tu đạo của Bà-la-môn”, đáp: “tôi cũng là Bà-la-môn”, Tiên nhơn nói kệ:

“Trên thân không phạm tuyến,
Không mang đồ cúng tế,
Đầu trọc, chẳng thờ lửa,
Vọng nói Bà-la-môn”.

Mục liên nói kệ đáp:

“Hổ thẹn là phạm tuyến,
Chánh huệ, đồ cúng tế,
Thường mang nước tịnh giới,
Thanh tịnh là quân trì,
Nói thật là đốt lửa.
Trong tâm thường tịch định,
Yên tu hạnh điều phục,
Đấy chính là thờ lửa”.

Tiên nhơn nói: “dù cho như vậy cũng không để Sa môn cạo tóc vào chỗ ở của tôi”. Lúc đó Đại Mục-kiền-liên liền dùng thần lực hóa sanh trận mưa lớn rồi đến ngồi bên gốc cây cạnh cái ao, thị giả của Long vương Nan-đà và Ô-ba-nan-đà sống trong ao này suy nghĩ: “Thánh giả Mục liên được hai long vương kính trọng, ta nên đến cúng dường”, nghĩ rồi liền ra khỏi Long cung, đến chỗ Mục liên đang ngồi quấn quanh tôn giả bảy vòng rồi dùng đầu che trên đầu tôn giả. Thường pháp của Tiên nhơn là nếu thấy chúng sanh bị khổ bức thân mà không khởi ý cứu giúp thì thối thất đạo tiên, lúc đó tiên nhơn suy nghĩ: “người xuất gia ấy gặp mưa lớn bị khổ bức thân, nếu ta không giúp sẽ thối thất đạo tiên”, nghĩ rồi liền đến chỗ Mục liên bảo vào trong am ngồi, Mục liên nói: “đại tiên đã mất đạo tiên”. Lúc đó tiên nhơn bỗng nhận ra người xuất gia này chính là cháu của mình, liền hỏi: “Thánh giả là Mục liên phải không?”, đáp: “mọi người gọi là Mục liên”. Lúc đó Mục liên dẫn Tiên nhơn đến chỗ Phật đảnh lễ rồi bạch Phật rằng: “Thế tôn, đây là cậu của con đã xuất gia theo đạo tiên, cúi xin Thế tôn thương xót cứu hộ”, Phật quán biết ý ngạo tùy miên xứng cơ nói pháp khiến cho Tiên nhơn này sau khi nghe pháp xong liền chứng quả Bất hoàn, Tiên nhơn chắp tay bạch Phật: “con nguyện được ở trong pháp luật khéo giảng nói này xuất gia thọ viên cụ, thành tánh Bí-sô ở chỗ Thế tôn tu tập phạm hạnh”. Phật nói: “thiện lai Bí-sô”, Phật vừa nói xong râu tóc liền tự rụng, Tăng-giàlê mặc trên thân, oai nghi thành tựu. Sau khi Đại Mục-kiền-liên đi rồi, thị giả rồng còn ở đó hóa làm tiên nhơn ở trong am, lúc đó trong làng bị hạn hán, dân chúng kéo đến chỗ hóa tiên nhơn yêu cầu cứu giúp, hóa tiên nhơn bảo dân chúng hãy đến đây sống sẽ thoát nạn, dân chúng nghe theo lời đến ở. Do thị giả rồng làm lọng che cho tôn giả Mục liên nên dân trong làng đặt tên làng là Lọng rồng, sau đó có một thiện nam tín tâm ngay nơi đó xây lên một ngôi chùa.

Sau đó Phật đi đến thành Ma đô lượng, như trong Tương ưng trụ có nói rõ. Kế Phật từ thành Câu lỗ du hành đến tụ lạc Đại thương và nói kinh Hộ quốc ở đó.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18