CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA DƯỢC SỰ

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 12

– Chuyện giếng cháo, lúa mạch vàng.
– Chuyện nông dân và con trâu.
– Chuyện cô gái hủi cúng nước cháo.
– Chuyện vua Thắng quang .
– Chuyện cô gái nghèo cúng đèn.
– Chuyện vua Đảnh sanh .

1. Chuyện giếng cháo và lúa mạch vàng:

Lúc đó Phật bảo A-nan-đà cùng đi đến thành Thất-la-phiệt, có một Bà-la-môn cày ruộng với bụng đói, khi con gái của ông mang cháo tới cho ông thì Thế tôn cũng vừa đi đến chỗ ông, thấy Phật có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp trang nghiêm thân, ánh sáng bao quanh trên đảnh rộng một tầm sáng rỡ như trăm ngàn mặt trời, bước đi như núi báu. Bà-lamôn liền khởi lòng tin trong sạch, vui mừng như người không con được con, như người nghèo được của báu, như người cầu làm vua được làm vua. Bất cứ ai đời trước có thiện căn thì vừa thấy Phật liền phát sanh tâm tín kính như vậy. Bà-la-môn đem món cháo mà mình sắp ăn cúng cho Phật, bạch rằng: “Sa môn Kiều-đáp-ma, xin thương xót nhận món cháo này”. Lúc đó Phật hóa hiện một cái giếng cạn, bảo Bà-la-môn đổ cháo vào giếng, ông vừa đổ vào thì giếng dâng đầy cháo thơm phức, đó là do oai lực của Phật và của chư thiên. Phật bảo Bà-la-môn đem cháo này dâng cúng cho chúng tăng, do Phật gia trì nên chúng tăng ăn đã no đủ mà giếng cháo vẫn còn đầy. Bà-la-môn càng thêm tin tưởng đảnh lễ Phật rồi ngồi một bên nghe Phật nói pháp, Phật quán biết ý nhạo tùy miên xứng cơ nói pháp khiến cho Bà-la-môn này được chứng quả Dự lưu, ông vui mừng như người buôn được lời, như đánh nhau được thắng, như bịnh nặng được lành. Ông hoan hỉ thọ trì, đảnh lễ Phật rồi quay trở lại ruộng lúa mạch thì thấy lúa mạch đều có sắc vàng, ông khởi tưởng kỳ đặc liền nói kệ:

“Ruộng phước điền tối thắng,
Lìa được các lầm lỗi,
Vừa mới gieo hạt giống,
Liền gặt hái kết quả”.

Bà-la-môn liền đến chỗ vua chúc vua sống lâu rồi tâu với vua rằng: “Đại vương nên biết, thần vừa gieo hạt giống, liền thành lúa mạch vàng, cúi xin Đại vương cho người đến lấy phần (thu thuế)”, vua liền cho người đến lấy. Bà-la-môn gặt lúa chất thành đống rồi đong lúa đóng thuế cho vua, lúa này liền biến thành lúa mạch, đong lại bảy lần như vậy phần lúa đóng thuế cho vua đều biến thành lúa mạch thường. Vua nói: “lúa mạch vàng là phước báo của Bà-la-môn, chẳng phải là phước báo của ta, hãy để ông ấy tùy ý đong cho ta”, Bà-la-môn dùng ý vô ngại đong phần lúa đóng thuế cho vua, lúa mạch lúc này mới là lúa mạch vàng.

2. Chuyện nông phu và con trâu:

Phật đi đến nơi khác thấy có 500 nông phu đang cày cấy, da nứt nẻ, tay phồng, chân lở, mặc áo vải gai thô; con trâu cày cũng bị thương trên cổ, rách da chảy máu, hơi thở hào hển. Các nông dân này thấy Phật có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp trang nghiêm thân, ánh sáng bao quanh trên đảnh rộng 1 tầm sáng rỡ như trăm ngàn mặt trời… giống như đoạn văn trên. Vì muốn điều phục họ nên Phật đi đến gần chỗ họ trải tọa cụ ngồi, các nông phu đến đảnh lễ Phật rồi ngồi một bên nghe Phật nói pháp. Phật quán biết ý nhạo tùy miên xứng cơ nói pháp khiến cho các nông phu này được chứng quả Dự lưu, chứng quả rồi tất cả đều chắp tay bạch Phật: “Thế tôn, con nguyện được ở trong pháp luật khéo giảng nói này xuất gia thọ viên cụ, Thánh tánh Bí-sô ở chỗ Thế tôn tu tập phạm hạnh”. Phật bảo: “thiện lai Bí-sô, hãy đến đây tu phạm hạnh… như bài tụng:

Thế tôn gọi “ Thiện lai”,
Tóc rụng, đủ y bát,
Các căn đều tịch tĩnh,
Thành tựu theo ý niệm”.

Các Bí-sô này siêng năng đoạn trừ các phiền não, không bao lâu sau đều chứng quả A-la-hán. Lúc đó các con trâu giật đứt dây chạy đến chỗ Phật, nhiễu quanh Phật rồi đứng yên, Phật nói cho các con trâu nghe ba câu pháp như trường hợp của con ngỗng, cá, rùa ở trên cho đến câu các thiên tử được Kiến đế rồi trở về thiên cung. Lúc đó các Bí-sô đều có nghi thỉnh hỏi Phật: “Thế tôn, các nông phu đã tạo nghiệp gì mà nay phải làm nông dân, lại được xuất gia, đoạn trừ phiền não chứng quả A-la-hán?. Các con trâu đã tạo nghiệp gì mà nay phải làm trâu, được gặp Phật khai ngộ sanh lên cõi trời và được Kiến đế?”, Phật bảo các Bísô: “do họ tự tạo nghiệp nên nay tự thọ lấy quả báo, như kệ nói:

Dù trải qua trăm kiếp,
Nghiệp đã tạo không mất,
Khi nhân duyên hội họp,
Tự thọ lấy quả báo”.

Các thầy lắng nghe:

Quá khứ trong Hiền kiếp khi con người sống thọ hai vạn tuổi có đức Phật ra đời hiệu là Ca-nhiếp-ba Như lai Ứng chánh đẳng giác, có đủ 10 hiệu ở trong rừng Thi lộc chỗ Tiên nhơn đọa xứ thành Bà-la-nê-tư. Các nông phu này đều xuất gia trong giáo pháp của vị Phật ấy, nhưng không chịu đọc tụng, cũng không tác ý kinh, thọ thức ăn của tín thí rồi tụ tập hí luận, lười biếng không siêng năng tu tập.

Này các Bí-sô, 500 Bí-sô đó chính là 500 nông dân ngày nay, 500 thí chủ cất chùa ngày xưa nay chính là 500 trưởng giả. Do ngày xưa họ thọ tín thí cúng dường nhưng không đọc tụng, lười biếng nên trong 500 đời thường làm nông phu loa cày cấy để trả nợ thí chủ. Nhờ xuất gia trong giáo pháp của phật Ca-nhiếp-ba, tu phạm hạnh nên ngày nay được xuất gia trong giáo pháp của ta, đoạn trừ các phiền não chứng quả A-la-hán.

Những con trâu này cũng đã xuất gia trong giáo pháp của vị Phật ấy, nhưng vì hủy phạm các học xứ nhẹ nên nay phải sanh làm trâu. Nhờ phát tâm thanh tịnh đối với Ta nên được sanh thiên, do ngày xưa đã tu phạm hạnh nên ngày nay được Kiến đế. Cho nên ta thường tuyên thuyết: hễ tạo nghiệp đen thì cảm quả báo dị thục đen; tạo nghiệp trắng thì cảm quả báo dị thục trắng… các thầy nên học như thế.”

Lúc đó Phật bảo A-nan-đà cùng đi đến thành Đô dị ca, có một Bàla-môn đang cày bừa thấy Phật có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp trang nghiêm thân, ánh sáng bao quanh trên đảnh rộng một tầm sáng rỡ như trăm ngàn mặt trời… liền suy nghĩ: “nếu ta đến đảnh lễ Sa môn Kiều-đápma thì bỏ bê công iệc, nếu không đến đảnh lễ thì mất phước lợi”, nghĩ rồi để không bỏ bê công việc mà vẫn được phước lợi nên Bà-la-môn từ xa nói vọng tới chỗ Phật: “xin kính lễ!”, Phật bảo A-nan-đà: “Bàla-môn này tự chiêu lây lỗi lầm, ở nơi đây có xá lợi toàn thân của Phật

Ca-nhiếp-ba vẫn còn nguyên vẹn, nếu ông ta đến đảnh lễ ta thì liền được đảnh lễ hai vị Phật Thế tôn”, A-nan-đà nghe rồi trải tọa cụ bạch Phật: “cúi xin Thế tôn ngồi xuống để chỗ này có hai vị Phật thọ dụng”. Phật bảo các Bí-sô: các thầy có muốn thấy xá lợi toàn thân của Phật Ca-nhiếp-ba Như lai Ứng chánh đẳng giác không?”, đáp là muốn thấy, Phật liền khởi tâm thế gian, Thường pháp của Phật là khi Phật khởi tâm thế gian thì trời rồng đều biết ý Phật, lúc đó rồng quán biết Thế tôn muốn cho các Bí-sô thấy xá lợi toàn thân của Phật Ca-nhiếp-ba, rồng liền mang xá lợi ấy lên hư không cho tất cả được thấy,Phật bảo các Bísô: “các thầy hãy nhìn kỹ nếu không nó sẽ ẩn mất”. Lúc đó vua Thắng quang hay được tin này cũng muốn đến xem nên cùng các phi hậu… và các quần thần, trưởng giả Cấp-cô-độc… cùng vô lượng hữu tình đi theo sau vua đến chỗ xá lợi, nhưng lúc đó xá lợi ẩn mất, họ buồn rầu nói với nhau: “chúng ta đến thật uổng công, chẳng thấy được gì cả”. Lúc đó có một Ô-ba-sách-ca đến chỗ có xá lợi của Phật Ca-nhiếp-ba cung kính hữu nhiễu nghĩ là sẽ được phước lợi, Phật quán biết tâm kia mong cầu phước lợi nên nói kệ:

“Dù đem trăm ngàn vàng Thiệm bộ,
Cất chứa bố thí cho tất cả,
Không bằng người có tâm thanh tịnh,
Siêng năng hữu nhiễu nơi tháp Phật”.

Lại có một Ô-ba-sách-ca lấy bùn (xi măng) tô lên chỗ xá lợi ẩn mất, Phật nói kệ:

“Dù đem trăm ngàn vàng Thiệm bộ,
Cất chứa bố thí cho tất cả,
Không bằng người có tâm thanh tịnh,
Đem bùn tô lên nơi tháp Phật”.

Nghe Phật nói phước lợi như thế nên trăm ngàn người đều đem bùn tô lên chỗ ấy, lại có người đem hoa rải lên, Phật nói kệ:

“Dù đem trăm ngàn vàng Thiệm bộ,
Cất chứa bố thí cho tất cả,
Không bằng người có tâm thanh tịnh,
Đem hương hoa cúng dường tháp Phật”.

Lại có người đem tràng hoa, đèn sáng, cờ phướn, lọng cúng dường ở chỗ ấy với tâm thanh tịnh, Phật nói kệ:

“Bố thí ruộng phước mà ta nói,
Công đức Như lai không thể lường,
Chánh giác giống như là biển cả,
Đạo sư vô thượng là tối thắng”.

Lúc đó mọi người suy nghĩ: “phước duyên mà Phật nói đã ẩn mất, nếu cúng dường Phật hiện tại thì có phước lợi không?”, Phật quán biết ý nghĩ của họ nên nói kệ:

“Ai có thể cúng dường,
Vị Phật trong hiện tại,
Với tâm tư trong sạch,
Phước lợi không có khác.
Phật không thể nghĩ bàn,
Diệu pháp cũng khó nghĩ,
Người thanh tịnh cũng vậy,
Quả báo giống như nhau.
Danh tướng khó suy lường,
Đều chuyển bánh xe pháp,
Bờ công đức chánh giác,
Không thể nào đến được.”

Sau khi nghe Phật nói pháp này, vô lượng hữu tình hoặc được pháp Noãn, Đảnh, Nhẫn, Thế đệ nhất; hoặc chứng quả dự lưu, Nhất lai, Bất lai, hoặc xuất gia cuối cùng chứng quả A-la-hán; hoặc phát tâm thinh văn, hoặc phát tâm Độc giác, hoặc phát tâm vô thượng Bồ-đề, quy y Tam bảo gieo trồng căn lành. Lúc đó các Bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ có lòng tin liền lập hội thí lớn ở nơi đó, nên nơi ấy được gọi là vùng Thí thủy.

3. Chuyện cô gái bịnh hủi cúng nước cháo:

Sau đó Phật du hành đến nước Kiều-tát-la, trụ ở trong vườn Cấpcô-độc rừng Thệ đa thành Thất-la-phiệt, nghe tin Phật đến, trưởng giả Cấp-cô-độc liền đến chỗ Phật đảnh lễ ngồi một bên nghe Phật nói pháp, Thế tôn tùy thuận nói pháp chỉ dạy cho trưởng giả được lợi hỉ rồi liền im lặng. Trưởng giả chắp tay bạch Phật: cúi xin Thế tôn và các Bí-sô ngày mai thọ con thỉnh thực”, Phật im lặng nhận lời… cho đến câu trưởng giả sai sứ đến bạch Phật thời đáo và bảo người cửa: “hôm nay Phật và chúng tăng đến thọ thực, đừng để cho ngoại đạo vào nhà ta”. Lúc đó cụ thọ Ca-nhiếp-ba sống trong A-lan-nhã, râu tóc hơi dài, đắp y bá nạp đi đến rừng Thệ đa, thấy không có ai liền hỏi người giữ cửa là Phật và chúng tăng đã đi đâu, đáp là đến nhà trưởng giả để thọ thỉnh thực, Canhiếp-ba suy nghĩ: “ta hãy đến đó thọ thực, nhân tiện đảnh lễ Phật và Tăng”, nghĩ rồi đi đến nhà trưởng giả, nhưng người giữ cửa không cho vào, nói rằng trưởng giả có dặn không cho ngoại đạo vào lúc Phật và Tăng đang thọ thực, Ca-nhiếp-ba suy nghĩ: “Bà-la-môn, trưởng giả tín tâm mà còn không biết ta là Sa môn Thích tử, ta nên thương xót cứu vớt người nghèo cô độc để được lợi ích thù thắng. Hôm nay ta nên thương xót cứu vớt hạng người nào?”.

Lúc đó có một cô gái ăn xin mắc bịnh hủi, xương thịt lở lói, máu mủ tuôn ra, cô vừa xin được ít nước cháo, Ca-nhiếp-ba liền theo xin nước cháo ấy. Cô gái thấy Ca-nhiếp-ba dung mạo đĩnh đạc, oai nghi đầy đủ liền suy nghĩ: “do ta chưa từng cúng dường người như vậy nên đời này nghèo khổ lại mắc bịnh hủi. Nếu được Thánh giả thương xót, ta sẽ dâng cúng nước cháo này”, Ca-nhiếp-ba biết được ý nghĩ của cô gái liền đưa bát ra bảo sớt nước cháo vào bát, cô gái sớt nước cháo vào bát rồi suy nghĩ: “Thánh giả vì hộ tâm ta nên thọ nước cháo này nhưng chưa chắc đã dùng”, Ca-nhiếp-ba biết được ý nghĩ của cô gái nên ngồi xuống bên tường trước mặt cô gái để uống nước cháo, cô gái lại suy nghĩ: “vì hộ tâm ta nên Thánh giả mới thọ nước cháo này, nhưng vị ấy sẽ thọ thêm thức ăn ngon khác”, biết được ý nghĩ của cô gái, Ca-nhiếp-ba nói: “này cô gái, cô nên hoan hỉ, từ hôm nay cho đến giờ ăn ngày mai nhờ nước cháo này ta được trải qua một ngày một đêm”. Cô gái vui mừng suy nghĩ: “hôm nay ta được lợi ích lớn vì Thánh giả Đại Ca-nhiếp-ba đã thọ ta cúng dường”, nghĩ rồi liền sanh tâm thanh tịnh đối với Ca-nhiếpba, sau đó qua đời được sanh lên cõi trời Đổ sử. Vua trời Đế thích thấy cô gái bố thí nước cháo với tâm thanh tịnh đã qua đời, không biết thác sanh vào cõi nào liền quán ở cõi Địa ngục… cho đến cõi trời Tam thập tam cũng không thấy, liền đến đảnh lễ Phật nói kệ hỏi Phật:

“Ca-nhiếp-ba đại nhân,
Theo thứ lớp khất thực,
Cô gái cúng nước cháo,
Được sanh vào cõi nào ?”

Phật nói kệ đáp:

“Cõi trời Đổ-sử-đa,
Hưởng dục lạc theo ý,
Cô gái cúng nước cháo,
Đã sanh lên cõi ấy”.

Vua trời Đế thích nghe rồi suy nghĩ: “những người không biết tu phước mà còn bố thí được lợi ích lớn, huống chi ta biết tu phước đã được lợi ích, sao không bố thí tu các phước nghiệp. Thánh giả Ca-nhiếp-ba thương xót người nghèo khổ, ta nên hóa làm người nghèo để cúng dường một bửa ăn”, nghĩ rồi liền hóa thân làm người nghèo xấu xí, mặc áo vải gai thô, tay chân nứt nẻ đang dệt vải trong một căn nhà lá giống như tổ chim, phu nhân Xá chi hóa làm vợ người thợ dệt để sẳn thức ăn cõi trời một bên chờ Thánh giả Ca-nhiếp-ba đến khất thực để cúng dường. Lúc đó Ca-nhiếp-ba theo thứ lớp khất thực đến trước cửa nhà, vị hóa thiên này sớt thức ăn thượng diệu của cõi trời vào đầy bát, Ca-nhiếp-ba thấy thức ăn thượng diệu này quán biết là Thiên đế nên nói: “này Kiều thi ca, vì sao thiên chủ gây khó khăn cho người nghèo khổ?”, đáp: “Thánh giả, tôi đã làm gì mà nói là gây khó khăn cho người nghèo khổ, những người không biết tu phước mà còn bố thí được lợi ích lớn, huống chi tôi biết tu phước sao không cúng dường tu các phước nghiệp. Thế tôn há chẳng nói:

“Phải thường tu tạo phước,
Không phước gặp khổ nguy,
Người nào có tu phước,
Hiện đời được an lạc”.

Từ nay về sau Thánh giả nên quán trước rồi hãy thọ thức ăn”. Lúc ấy vua trời Đế thích từ trên hư không sớt thức ăn thượng diệu của chư thiên vào bát, tôn giả Ca-nhiếp-ba nghiêng bát không hứng khiến thức ăn rơi xuống đất. Các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật nói: “do việc này, các Bí-sô nên mang bát có nắp đậy”, lúc đó mọi người đều biết việc cô gái bịnh hủi cúng nước cháo cho tôn giả Ca-nhiếp-ba, sau khi chết được sanh lên cõi trời Đổ-sử-đa.

4. Chuyện vua Thắng quang:

Vua Thắng quang nghe được việc này liền đến chỗ Phật đảnh lễ ngồi một bên nghe Phật nói pháp, Thế tôn tùy thuận nói pháp chỉ dạy cho vua được lợi hỉ rồi liền im lặng. Vua chắp tay bạch Phật: cúi xin Thế tôn và các Bí-sô vì Thánh giả Ca-nhiếp-ba thọ con thỉnh thực trong bảy ngày”, Phật im lặng nhận lời, biết Phật đã nhận lời… cho đến câu vua đích thân dâng thức ăn cho Phật và Tăng. Lúc đó có một đứa bé ăn xin ngồi chờ cho thức ăn dư thấy vậy liền phát sanh lòng tín kính suy nghĩ: “do ngày xưa vua tu phước nghiệp nên nay được địa vị tôn quý, lại còn cúng dường Tam bảo”. Sau khi thọ thực xong Phật nói với nhà vua: “ta sẽ vì vua nói kệ bố thí và chú nguyện cho cậu bé được phước đức lớn kia”, vua nghe rồi liền suy nghĩ: “hôm nay Thế tôn thọ ta cúng dường, sao lại có người nào khác được phước đức lớn”, nghĩ rồi liền bạch Phật: “cúi xin Thế tôn chú nguyện cho người nào được phước đức lớn”, Phật liền chú nguyện cho cậu bé ăn xin như thế đến ngày thứ sáu, vua buồn rầu chống cằm suy nghĩ: “Thế tôn thọ ta cúng dường mà lại chú nguyện cho cậu bé ăn xin”. Quần thần sau khi hỏi biết rõ nguyên do liền tâu vua: “xin vua yên tâm, sáng mai thần sẽ thỉnh Thế tôn xưng tên vua mà chú nguyện”, kế bảo người đầu bếp làm thức ăn nhiều gấp bội và bảo người dọn thức ăn khi dâng thức ăn một phần sớt vào bát, một phần để rơi xuống đất. Họ vâng lời làm theo, lúc đó cậu bé xin ăn thấy thức ăn rơi xuống đất vội chạy đến lượm lấy, người dọn thức ăn không cho nhặt, cậu bé ăn xin nói: “vua cúng dường thức ăn nhiều vô kể, vì sao không cho người nghèo chúng tôi nhặt lấy thức ăn rơi?”, do tâm tán loạn nên lúc đó cậu bé ăn xin không khởi tâm tín kính như trước nữa. Sau khi Phật và tăng thọ thực xong, vua ngồi đối diện với Phật suy nghĩ: “hôm nay Thế tôn chú nguyện cho ta hay cho người khác?”, Phật chú nguyện cho vua như sau:

“Đủ bốn binh: voi ngựa xe bộ,
Ở thành này vật thực tự tại,
Vua không biết vì sao có được,
Nhờ cúng dường cơm lạt không muối”.

Lúc đó cụ thọ A-nan-đà bạch Phật: “Thế tôn đã nhiều lần thọ vua Thắng quang cúng dường, nhưng con chưa nghe Phật nói kệ chú nguyện này”, Phật hỏi A-nan-đà: “thầy có muốn nghe nghiệp duyên cúng dường cơm lạt không muối của vua Thắng quang ngày xưa không ?”, đáp muốn nghe, Phật bảo các Bí-sô: “Ngày xưa ở trong một làng nọ có một trưởng giả cưới vợ không bao lâu thì người vợ mang thai, đủ ngày tháng sanh một con trai, đến khi con khôn lớn người chồng để lại một ít tiền cho người vợ ở nhà chi tiêu rồi gom góp của cải làm vốn sang xứ khác buôn bán cầu lợi, không ngờ sau khi người chồng ra đi, người vợ lại sanh con và hay tin người chồng đã chết không thể trở về. Có một trưởng giả ở gần đó bảo người mẹ: “bà hãy cho con bà qua làm công cho nhà tôi, tôi sẽ cấp cho quần áo và thức ăn”, người mẹ chấp nhận, trưởng giả bảo người con của bà làm ruộng ngoài đồng và sai người mang thức ăn tới. Thời gian sau đến ngày tiết hội, người mẹ suy nghĩ: “ngày nay trong nhà trưởng giả thiết hội cúng dường Sa môn, Bàla-môn… chắc không có ai mang thức ăn đến cho con ta, ta nên đến đó lấy thức ăn đem cho nó để nó khỏi bị đói”, nghĩ rồi liền đến nhà trưởng giả nói vợ vợ trưởng giả, vợ trưởng giả nghe xong nổi giận nói: “thức ăn chưa cúng dường cho các Sa môn, Bà-la-môn… thì làm sao cho người làm công ăn trước được. Ngày nay nhịn một bửa, ngày mai sẽ bù gấp đôi”, người mẹ nghe rồi suy nghĩ: “hôm nay con ta sẽ bị đói, trong nhà còn có một cục cơm lạt không muối ta nên mang cho nó ăn đở đói”, nghĩ rồi liền đem cục cơm lạt không muối ở nhà đến cho con, người con nói: “mẹ hãy để đó rồi về nhà đi”. Lúc đó ở thế gian không có Phật chỉ có vị Độc giác là phước điền ở đời, làm lợi ích cho những người khốn khổ. Người con thấy vị Độc giác đi tới, oai nghi đĩnh đạc liền suy nghĩ: “do ngày xưa ta không cúng dường ruộng phước như thế nên đời này chịu khổ, nếu vị ấy thọ cục cơm lạt không muối này thì ta sẽ dâng cúng”, biết được ý nghĩ của chàng trai nghèo này, vị Độc giác đưa bát ra nói rằng: “hiền thủ muốn cúng thì hãy bỏ vào bát này”, chàng trai liền để cục cơm lạt không muối vào trong bát.

Này các Bí-sô, chàng trai nghèo cúng cục cơm vắt ngày xưa, nay chính là vua Thắng quang. Do ngày xưa thành tâm cúng dường cục cơm lạt không muối mà sáu lần làm vua cõi trời Tam thập tam, sáu lần làm vua quán đảnh ở thành Thất-la-phiệt, ngày nay lại làm vua quán đảnh ở nơi này, phước báo ấy mới hết, cho nên ta mới nói kệ chú nguyện trên”.

5. Chuyện cô gái nghèo cúng đèn:

Lúc đó dân chúng đều nghe biết việc này, vua liền đến chỗ Phật đảnh lễ ngồi một bên nghe Phật nói pháp, Thế tôn tùy thuận nói pháp chỉ dạy cho vua được lợi hỉ rồi liền im lặng. Vua chắp tay bạch Phật: “cúi xin Thế tôn thương xót thọ con cúng dường tứ sự trong ba tháng”, Phật im lặng nhận lời, trong ba tháng mỗi ngày vua cho chuẩn bị trăm món ăn ngon và y phục trị giá trăm ngàn tiền cho các Bí-sô, lại đem cả vạn bình dầu thơm đến để thắp sáng vào ban đêm. Do hội thí thực biểu hiện sự trân trọng nên trong nước rất náo nhiệt, lúc đó có một cô gái nghèo đi xin ăn kiếm sống, hỏi mọi người duyên cớ vì sao náo nhiệt, mọi người nói: “vua Thắng quang cúng dường tứ sự cho chúng Tăng trong ba tháng… tối nay vua mở hội thắp đèn để biểu hiện tâm ân trọng nên náo nhiệt như thế”. Cô gái nghe rồi suy nghĩ: “vua Thắng quang tu phước không biết chán, ta không thể làm được, chỉ có thể đi xin một ngọn đèn để cúng dường”, nghĩ rồi liền đi xin dầu để đốt đèn, mang ngọn đèn đến chỗ Phật kinh hành chắp tay phát nguyện: “nguyện nhờ căn lành này, con được thành bậc Vô thượng giác lúc con người sống thọ 100 tuổi như Phật Thích ca; Như Phật Thích ca có hai vị Xá-lợi-tử và Đại Mụckiền-liên đứng hầu hai bên hiền thiện tương ưng, Bí-sô A-nan-đà làm thị giả, cha là Tịnh-phạn, mẹ là Ma-da, thành có tên là Kiếp-tỷ-la, con trai là La-hỗ-la… con nguyện ở đời vị lai cũng sẽ có đệ tử, cha mẹ, quốc thành, thê tử giống như vậy; như Phật Thích ca khi nhập Bát Niết-bàn, từng phần trên thân đều nát thành xá lợi, con cũng giống như vậy khi Bát Niết-bàn từng phần trên thân đều nát thành xá lợi”. Lúc đó Phật vẫn còn kinh hành, thị giả cũng chưa đi nghỉ, cụ thọ A-nan-đà thấy các ngọn đèn khác đều đã tắt, chỉ còn ngọn đèn của cô gái nghèo là chưa tắt liền suy nghĩ: “Phật không thể ngủ trong khi đen còn cháy sáng, ta nên tắt cây đèn đang cháy này”, nghĩ rồi liền dùng tay quạt tắt nhưng đèn không tắt, kế dùng y quạt tắt đen vẫn không tắt, kế cầm quạt quạt tắt đèn vẫn không tắt. Lúc đó Phật bảo A-nan-đà: “thầy chớ có khổ nhọc vô ích, cho dù có ngọn gió to thổi đến vẫn không làm cho đèn tắt, huống chi là thầy dùng tay, y cho đến dùng quạt quạt tắt. Vì sao, vì đèn này là do người nữ phát nguyện rộng lớn và dùng ý vô hạn để thắp lên. Này A-nan-đà, đời vị lai khi con người sống thọ 100 tuổi người nữ ấy sẽ thành Chánh giác hiệu là Thích ca Mâu ni Như lai Ứng chánh đẳng giác, đầy đủ 10 hiệu, cũng có các đệ tử hiện thiện tương ưng như ta… giống như đoạn văn trên”. Lúc đó mọi người đều nghe biết việc người nữ chỉ cúng một ngọn đèn mà được Phật thọ ký đời vị lai sẽ thành Phật, nghe biết rồi các Bà-la-môn… nói với nhau: “cô gái nghèo này đời vị lai sẽ thành tựu các đức”, nên họ đem y phục thức ăn… đến cho cô gái đó. Lúc đó vua Thắng quang nghe biết việc này cho là Phật không công bằng liền đem một ngàn bình dầu thơm lớn, dùng đĩa bốn loại châu báu làm đĩa đốt đèn để thắp sáng chỗ Phật kinh hành rồi bạch Phật: “Thế tôn, vì Thánh giả Ca-nhiếp-ba con đã thỉnh Phật và Tăng cúng dường trong bảy ngày, nên Phật nói nghiệp duyên cúng dường cơm lạt không muối của con ngày xưa. Sau đó con lại thỉnh Phật và tăng cúng dường tứ sự trong ba tháng, mỗi ngày trăm món ăn ngon, mỗi Bí-sô được cúng y phục trị giá trăm ngàn tiền, con lại cúng cả vạn bình dầu thơm để đốt đèn… Vậy mà không được Thế tôn thọ ký sẽ thành Vô thượng giác ở đời vị lai. Cúi xin Phật thọ ký cho con được thành Phật, làm bậc đạo sư trong đời vị lai”, Phật nói: “Đại vương, đạo quả Vô thượng Chánh đẳng giác rất khó lường, khó hiểu thấu, khó đạt đến được, vi diệu khó biết, là chỗ hiểu biết của người trí, người ngu không thể nào hiểu biết đến được, cũng không thể đổi chác được. Không phải chỉ do một sự cúng dường mà cầu được, cũng chẳng phải do trăm ngàn sự cúng dường mà đạt đến được, Đại vương, ai mong cầu quả vị Vô thượng chánh đẳng giác phải tu các hạnh bố thí Ba-la-mật, tu các phước lành, thân cận thiện tri thức, khiêm nhường cung kính mới có thể thành bậc đạo sư”. Nghe Phật nói xong, vua rơi lệ bạch Phật: “khi cầu quả Vô thượng Đẳng chánh giác, Thế tôn đã bố thí những gì, tu những nghiệp lành gì?”, Phật nói: “bỏ qua những kiếp khác, hôm nay ta sẽ nói sơ lược những vật mà ta đã bố thí và nghiệp lành mà ta đã tu tập để cầu Vô thượng chánh đẳng chánh giác ở trong Hiền kiếp này, vua hãy lắng nghe:

6. Chuyện vua Đảnh sanh:

Thuở xưa khi con người sống thọ vô lượng tuổi, có vua tên là trưởng tịnh dùng chánh pháp cai trị, dân chúng được an vui. Về sau trên đảnh nhà vua bỗng mọc một cục bướu mềm như bông, không gây khó chịu; khi bướu chín mùi liền tự vỡ ra, trong đó có một đứa bé dung mạo đoan nghiêm đáng yêu… nên mọi người gọi tên là Đảnh sanh. Khi đứa bé được đưa vào cung, trong cung có tám vạn bốn ngàn thể nữ vừa nhìn thấy đứa bé, vú liền tuôn sữa và đều nói câu: “hãy để tôi nuôi”, nên Đảnh sanh còn được gọi tên là Lạc dưỡng. (Như trong phẩm Tương ưng vương pháp kinh A Cấp ma). Vương tử Đảnh sanh vui chơi cùng các đồng tử khác trong khoảng thời gian gấp sáu lần tuổi thọ của vua trời Đế thích; sau đó làm Thái tử trong khoảng thời gian gấp sáu lần tuổi thọ của vua trời Đế thích rồi mới lên ngôi vua, cũng trong khoảng thời gian gấp sáu lần tuổi thọ của vua trời Đế thích; dùng chánh pháp trị thế ở châu Thiệm bộ, trong cung thì mưa y phục cõi trời, bên ngoài thì mưa vàng bạc châu báu. Lúc đó bên cạnh thành Quảng nghiêm có 500 vị tiên tên là Xú diện, nơi họ ở có đủ loại chim kêu loạn xạ khiến các vị tiên này không chịu nổi, liền chú nguyện cho chúng rụng hết lông cánh. Vua Mạn-đà-la nghe biết việc này nghĩ rằng: “Các tiên nhơn này không có lòng từ bi, sao để họ ở nơi đây được”, nghĩ rồi liền đuổi họ ra khỏi nước, các tiên nhơn suy nghĩ: “vua làm vua bốn cõi, nay chúng ta sẽ sống ở đâu”, nghĩ rồi liền đến sống ở chân núi Diệu cao. Về sau vua đến sống ở Tây Câu đà ni trong khoảng thời gian bằng sáu lần tuổi thọ của vua trời Đế thích -; ở Đông Phất đề bà và Bắc Câu lô châu cũng như vậy; ở bảy dãy núi vàng ròng vua cũng trải qua thời gian bằng sáu lần tuổi thọ của vua trời Đế thích. Khi vua và quân binh tiến lên đỉnh núi Tu di, các tiên nhơn liền chú nguyện cho quân binh không thể cử động, lúc đó có một Dược xoa tên là Không cư thấy rồi liền nói kệ:

“Xin tiên hãy bỏ tâm sân hận,
Để cho mọi thứ được thành tựu,
Đây là Đại vương Mạn-đà-la,
Không giống bầy chim thành Quảng nghiêm”.

Vua thấy quân binh không cử động liền hỏi là ai đã ngăn cản, đáp là đại tiên, vua hỏi đại tiên ưa thích gì nhất, đáp là ưa thích búi tóc nhất, vua liền chú nguyện: “nguyện cho vị tiên ấy không còn búi tóc trên đầu và làm người hầu của ta”. Vua vừa nguyện xong, búi tóc của vị tiên ấy tự rụng và cầm gậy đi tới chỗ vua. Nữ báu của vua nói: “đó là tiên nhơn, Đại vương chớ gây họa, hãy thả ông ta”. Vua nghe rồi liền thả tiên nhơn, tiên nhơn tức giận liền giữ giới hạnh, không bao lâu sau chứng được năm thông. Lúc đó hai long vương Nan-đà và Ô ba-nan-đà thấy quân binh của vua cho là quân binh A-tu-la liền dẫn bốn binh ra đánh, khi thấy là vua Mạn-đà-la binh chúng của Long vương đều thối lui, bốn đại Dược xoa cũng bỏ chạy đến chỗ Tứ thiên vương tâu: “hôm nay có quân binh của vua Mạn-đà-la kéo đến, vua ấy có phước đức lớn sắp đến cung vua trời Đế thích, chúng ta nên mang hương hoa và các món cúng dường ra nghinh đón họ”. Sau đó tất cả cùng đến cung vua trời Đế thích, vừa trông thấy vua Đảnh sanh, vua trời Đế thích liền chia nửa tòa ngồi mời ngồi. Lúc đó có bốn binh của A-tu-la kéo đến, Dược xoa liền vào báo cho vua trời Đế thích biết, vua trời Đế thích định dẫn binh ra đối địch, vua Mạn-đà-la bảo vua trời Đế thích ở lại để mình dẫn binh ra đối phó. Nói rồi vua dẫn 1tám vạn lực sĩ khỏe mạnh nương hư khôngmà đi và bảo các lực sĩ phát ra âm thanh lớn nói rằng: chúng tôi là lực sĩ có oai đức lớn, nghe âm thanh này quân A-tu-la đều bịt tai bỏ chạy. Lúc đó vua Đảnh sanh suy nghĩ: “ta nên sống ở đây, người ở châu Thiệm bộ đông đúc giàu có vui vẻ, cho đến ba châu kia đều thuộc về ta, ta nay nên chiếm ngôi vua trời Đế thích làm chủ cõi trời người”, vừa nghĩ xong vua liền mất thần thông rơi trở xuống châu Thiệm bộ và mắc bịnh nặng, vua liền nói kệ:

“Có thật nhiều của cải,
Vẫn không hết ham muốn,
Vui ít mà khổ nhiều,
Người trí nên xa lìa.
Dù hưởng vui cõi trời,
Cũng không thỏa ý thích,
Muốn biết hết vui thích,
Chỉ có Phật, Thanh văn.
Ví như núi vàng tụ,
Cao như Tuyết sơn vương,
Vẫn còn thấy chưa đủ,
Người trí hiểu như vậy,
Do thấy gốc khổ này,
Dục lạc không đáng ưa,
Ấm, căn là mũi tên,
Hãy cùng học luật giáo”.

Nói kệ rồi vua thực hành đại bố thí rồi lại nói kệ:

“Ta biết thọ mạng ngắn,
Đời sau ắt chịu khổ,
Nay làm các công đức,
Để đời sau được vui,
Người nào thích tu phước,
Thì tùy sức bố thí,
Người ưa thích tu phước,
Đời này đời sau vui”.

Này Đại vương, ý vua nghĩ sao, vua Mạn-đà-la ngày xưa nay chính là thân ta. Thuở xưa ta làm lợi ích cho hữu tình như vậy mà còn không thể đạt được quả Vô thượng chánh đẳng chánh giác; huống chi là bố thí chút ít mà có thể đạt được hay sao, do duyên nơi nhân này chỉ có quả báo sanh tử mà thôi”.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18