Căn Bổn Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Tỳ Nại Da Yết Sỉ Na Y Sự

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường – TQ
Việt dịch: Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo
HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh – năm 2009

Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

Y SĨ NA

Phật tại vườn Cấp-cô-độc, rừng Thệ đa, thành Thất-la-phiệt; lúc đó có nhiều Bí-sô an cư ba tháng hạ tại trú xứ của mình xong, đắp y mang bát đến chỗ Phật, trên đường đi do mưa nên bùn lầy lại bị nắng nóng, cỏ dại cứa thân làm cho khốn đốn nên toàn thân ướt đẫm mồ hôi. Họ dần dần du hành đến thành Thất-la-phiệt, sau khi cất y bát, rửa chân liền đến đảnh lễ Phật rồi ngồi một bên. Pháp thường của Phật là thấy khách Bí-sô đến liền thăm hỏi: “an cư ở đâu mà đến đây, có được an lạc trụ không, đi đường có vất vả không, khất thực có khó được không?”, đáp: “Thế tôn, chúng con an cư tại trú xứ của mình xong, trong ba tháng được an lạc trụ, nhưng trên đường đến chỗ Phật, do trời mưa nên bùn lầy lại bị nắng nóng nên đi đường rất vất vả, chúng con rất mệt nhọc”. Phật nghe rồi suy nghĩ: “đệ tử của ta an cư xong, trên đường du hành đến đây do trời mưa nên bùn lầy, lại bị nắng nóng nên đi đường rất vất vả…; ta nay nên làm cho các Bí-sô được an lạc trụ và thí chủ được tăng phước. Ta nay nên cho các Bí-sô trương y Yết-sĩ-na, khi trương y Yết-sĩ-na có năm thắng lợi: một là chứa y dư quá mười ngày không phạm, hai là chứa y dư quá một tháng không phạm, ba là lìa y ngủ đêm không phạm, bốn là chỉ mặc hai y thượng hạ được du hành tong nhân gian, năm là được tùy ý chứa nhiều y dư. Lại có năm lợi ích khác: một là được ăn biệt chúng, hai là được thường thường ăn, ba là tục gia không thỉnh được đi đến thọ thực, bốn là được tùy ý xin nhiều y; năm là bắt đầu từ nửa tháng tám đến nửa tháng giêng, trải qua năm tháng này, những tài vật đã được đều là lợi dưỡng của y Yết-sĩ-na. Khi khai như thế, các Bí-sô sẽ được an lạc trụ”, nghĩ rồi Phật liền bảo các Bí-sô: “Ta nay muốn cho các Bísô được an lạc trụ và thí chủ được tăng phước nên cho các Bí-sô trương y Yết-sĩ-na, khi trương y Yết-sĩ-na có năm thắng lợi… giống như trên cho đến câu: khi khai như thế sẽ làm cho các Bí-sô được an lạc trụ”, lúc đó các Bí-sô không biết trương y Yết-sĩ-na như thế nào, Phật nói: “Ba tháng an cư được nhiều y vật, được lấy một cái tốt làm y Yết-sĩ-na, trước tiên phải bạch cho chúng biết: “đại chúng nên biết, nay chúng Bí-sô tọa hạ được y này, nếu đại chúng ưa thích thì sẽ lấy y này làm y Yết-sĩ-na cho chúng, đến ngày mai sẽ đánh kiền chùy nhóm Tăng”.

Đến ngày mai đánh kiền chùy nhóm Tăng, chúng nhóm rồi, một Bí-sô tác bạch:

Đại đức Tăng lắng nghe, y này là lợi vật mà Tăng đã được trong hạ an cư tại chỗ này, Tăng nay lấy y này làm y Yết-sĩ-na, y này sẽ vì Tăng trương làm y Yết-sĩ-na. Nếu trương y rồi thì tuy ra ngoài giới, ba y đã có còn không có lỗi lìa y huống chi là y dư khác. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Tăng nay đem y này, sai Tỳ kheo tên —- sẽ vì Tăng làm y Yết-sĩ-na. Nếu trương y rồi thì tuy ra ngoài giới, ba y đã có còn không có lỗi lìa y huống chi là y dư khác. Bạch như vậy.

Kế nên tác pháp sai Bí-sô trương y Yết-sĩ-na, người có đủ năm pháp nếu chưa sai thì không nên sai, nếu đã sai rồi thì không cho làm, đó là: tùy Ái, tùy sân, tùy sợ, tùy si, không biết đã trương hay chưa trương; ngược với năm pháp trên thì nếu chưa sai nên sai, nếu đã sai rồi thì nên bảo làm. Nên tác tiền phương tiện, trước nên hỏi Bí-sô đó làm được hay không: “thầy có thể vì Tăng làm người trương y Yết-sĩ-na không?”, nếu đáp là có thể thì một Bí-sô trong Tăng nên tác bạch yết ma sai như sau:

Đại đức Tăng lắng nghe, Bí-sô này tên ——- bằng lòng làm người trương y Yết-sĩ-na, nay vì Tăng làm người trương y Yết-sĩ-na. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Tăng nay sai Bí-sô tên —– làm người trương y Yết-sĩ-na, vị này sẽ vì Tăng làm người trương y Yết-sĩ-na. Bạch như vậy.

Đại đức Tăng lắng nghe, Bí-sô này tên —- bằng lòng làm người trương y Yết-sĩ-na, nay vì Tăng làm người trương y Yết-sĩ-na. Tăng nay sai Bí-sô tên —- làm người trương y Yết-sĩ-na, các cụ thọ nào chấp thuận sai Bí-sô tên —- làm người trương y Yết-sĩ-na thì im lặng, ai không chấp thuận thì nói. Tăng đã chấp thuận sai Bí-sô tên —- làm người trương y Yết-sĩ-na, vị này sẽ vì Tăng làm người trương y Yếtsĩ-na xong rồi. Tăng chấp thuận vì im lặng, việc này xin nhớ giữ như vậy.

Kế tác bạch yết ma giao y cho Bí-sô trương y Yết-sĩ-na để làm y Yết-sĩ-na như sau :

Đại đức Tăng lắng nghe, y này sẽ vì Tăng làm y Yết-sĩ-na, Bí-sô tên —- được Tăng sai làm người trương y Yết-sĩ-na. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Tăng nay đem y này giao cho Bí-sô tên —- để làm y Yết-sĩ-na. Bạch như vậy.

Văn yết ma chuẩn theo văn tác bạch mà làm.

Hành pháp của Bí-sô làm y Yết-sĩ-na là trước phải giặt nhuộm, cắt rọc rồi may khâu … cho đến đâm hai, ba mũi kim, các Bí-sô đều cùng làm với nhau; lại phải khởi ba tâm niệm: “y này sẽ vì Tăng trương làm y Yết-sĩ-na, đang vì Tăng trương làm y Yết-sĩ-na, đã vì Tăng trương làm y Yết-sĩ-na”, trong ba tâm này chỉ khởi hai tâm sau cũng thành làm y; nếu không khởi tâm niệm này thì phạm tội Việt pháp. Kế đến vào ngày 15 tháng 8 có trăng, vị Tri sư nên bạch đại chúng rằng: “ngày mai sẽ trương y Yết-sĩ-na, các vị mỗi người nên xả y đã thọ trì, đến nhóm tại —- để thọ y Yết-sĩ-na”. Sáng hôm sau, Bí-sô trương y Yết-sĩ-na nên rãi hoa thơm, xông hương thơm trên y này rồi đánh kiền chùy nhóm Tăng, Tăng nhóm rồi, Bí-sô trương y Yết-sĩ-na đem y này đến trước vị Thượng tòa, tay bưng y bạch rằng:

Đại đức Tăng lắng nghe, y này Tăng đã chấp thuận trương làm y Yết-sĩ-na, tôi Bí-sô tên —- được Tăng sai làm người trương y Yết-sĩ-na. Tôi Bí-sô tên —- là người trương y Yết-sĩ-na, nay đem y này sẽ vì Tăng trương làm y Yết-sĩ-na (ba lần).

Kế tương y này ra, đứng trước Thượng tòa bạch: “Thượng tòa nhớ nghĩ, y này Tăng đã chấp thuận trương làm y Yết-sĩ-na, tôi Bí-sô tên — được Tăng sai làm người trương y Yết-sĩ-na. Tôi Bí-sô tên — là người trương y Yết-sĩ-na, nay đem y này sẽ vì Tăng trương làm y Yết-sĩ-na”, Thượng tòa nói: “lành thay trương y, thật lành thay, trương y. Trong đây tài lợi nhiêu ích có được, tôi đều sẽ được” (ba lần). Như thế hành cho đến người cuối cùng đều nói câu : lành thay trương y… cho đến tôi đều sẽ được.

Hành pháp của người trì y Yết-sĩ-na là không mang y đến chỗ đại tiểu tiện; không vào trong nhà trù, chỗ có khói lửa; không để y trên đất trống; không bỏ y mà đi ra ngoài giới, dù có tạm ra cũng không nên ở lại ngủ đêm. Bí-sô trì y nếu không tuân theo hành pháp trên đây thì phạm tội Việt pháp. Vị trì y Yết-sĩ-na đến ngày 15 tháng giêng nên ở trong chúng bạch rằng: “đại chúng nên biết ngày mai sẽ xuất y Yết-sĩna, các vị mỗi người nên thủ trì y của mình, những lợi vật có được đều cùng chia”. Lúc đó tôn giả Ưu-ba-ly thỉnh hỏi Phật: “có mấy hạng người không thành trương y?”, Phật nói có năm hạng người: một là người không hạ, hai là người phá hạ, ba là người hậu hạ, bốn là Cầu tịch, năm là người khi trương y không hiện tiền. Lại có năm hạng người không thành trương y: một là người đang hành biệt trụ, hai là người hành biệt trụ xong, ba là người đang hành Ma na đỏa, bốn là người hành Ma na đỏa xong và năm là người thọ học (Học hối Sa di). Lại hỏi: “có mấy hạng người chỉ được tài lợi mà không có nhiêu ích?”, Phật nói có hai loại năm hạng người giống như trên, lại hỏi: “có mấy hạng người lọi ích đều không có?”, Phật nói có năm hạng người: một là người không thấy tội bị cử tội, hai là người phạm trọng bị cử tội, ba là người không xả ác kiến bị cử tội, bốn là người an cư chỗ khác và năm là người phá Tăng rồi hành phi pháp luật.

Lúc đó có nhiều Bí-sô du hành trong nhân gian bị giặc cướp đoạt hết y vật, dần dần đến thành Thất-la-phiệt. Các Bí-sô cựu trụ chào hỏi: “thiện lai cụ thọ, đi đường có an lạc không?”, đáp: “có gì an lạc, y vật đã có đều bị giặc cướp đoạt hết rồi”, các Bí-sô cựu trụ nói: “chỗ của chúng tôi có nhiều y lợi, nếu xuất y Yết-sĩ-na được chia, sẽ cùng chia cho các vị”, nói rồi đem duyên này bạch Phật, Phật nói: “nếu Bí-sô gặp nạn giặc, Tăng nên vì họ xuất y Yết-sĩ-na”. Tác pháp xuất y Yết-sĩ-na như sau: tác tiền phương tiện rồi sai một Bí-sô tác bạch yết ma:

Đại đức Tăng lắng nghe, tại trú xứ này Tăng đã hòa hợp cùng trương y Yết-sĩ-na, nay có nhiều Bí-sô bị giặc cướp đoạt hết y vật đến đây. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Tăng nay vì các Bí-sô bị cướp hết y vật này mà xuất y Yết-sĩ-na. Bạch như vậy.

Văn yết ma chuẩn theo văn tác bạch mà làm. Tác pháp xong, những lợi vật đã có đều cùng chia đều, y được chia rồi mỗi người tùy ý đem chia lại cho các Bí-sô bị cướp hết y vật. Tôn giả Ưu-ba-ly thỉnh hỏi Phật:

Hỏi: Y thưa mỏng, y xấu, y khâu vá nhiều, y sợi gai, y đứt viền, y cũ rách, y phạm xả,y của người chết để lại… những y này có được làm y Yết-sĩ-na không ? Không được.

Hỏi: y bị đá lăn cán, ba y của người khác, y không đủ ba, năm khuỷu tay, y không cắt rọc, y không thanh tịnh hoặc không sai người trương y hoặc ở ngoài giới thì có được trương y không ? Không được.

Hỏi: Y đã được cúng thí trong ba tháng hạ có thành trương y không ? Được.

Hỏi: ba tháng hạ xong, y đã được thí có được làm y Yết-sĩ-na không ? Được.

Nếu được rất nhiều y là pháp hay phi pháp thì cứ chuẩn theo văn trên nên biết. Tướng xuất y Yết-sĩ-na có tám như trong nhiếp tụng:

Quyết hay không quyết đi,
Quyết định mất đi y,
Nghe xuất, xuất giới, nghi,
Hết mong, đồng tâm xuất.

Nói quyết định đi mất y là như có Bí-sô cùng ở một chỗ thọ y Yếtsĩ-na, may y xong, không có tâm lưu luyến nơi đây nên mang y bát đến nơi khác, ra ngoài giới không có ý định trở lại, quyết ý ra khỏi giới thì mất y.

Nói không quyết định mất y là như có Bí-sô cùng ở một chỗ thọ y Yết-sĩ-na, chưa may y xong bèn ra ngoài giới xin y, hoặc chưa may xong hoặc đã may phân nửa ; đối với lợi vật này cho đến trú xứ hoặc có luyến hoặc không có luyến, hoặc có hy vọng không không hy vọng, định sẽ trở lại may y, hoặc khởi nghi niệm thì mất y.

Nói quyết định mất đi y là như có Bí-sô cùng ở một chỗ thọ y Yếtsĩ-na, chưa may y, ra ngoài giới may Chi-phạt-la, khi bắt đầu may y thì mất y.

Nói nghe xuất mất y là như có Bí-sô cùng ở một chỗ thọ y Yết-sĩna, chưa may y, ra ngoài giới xin y, tự nghĩ: “khi trở về sẽ may y”, sau khi đi, đại chúng liền xuất y, vị kia nghe xuất y Yết-sĩ-na liền sanh tâm tùy hỉ nói: lành thay xuất y, thì liền mất y.

Nói xuất giới mất y là như có Bí-sô cùng ở một chỗ thọ y Yết-sĩna, chưa may y liền tự nghĩ: “xuất giới để may Chi-phạt-la”, sau đó dù may xong hay không xong, trở về hay không trở về cũng mất y.

Nói nghi mất y là như có Bí-sô cùng ở một chỗ thọ y Yết-sĩ-na, chưa may y bèn ra ngoài giới để may Chi-phạt-la, sau đó khởi nghi niệm nếu may không xong thì có trở về hay không thì mất y.

Nói hết mong mất y là như có Bí-sô ở cùng một chỗ thọ y Yết-sĩna, may y chưa xong, ra ngoài giới xin y, định sẽ trở về may y tiếp, đến nơi khác xin không được y, hết mong thì mất y.

Nói đồng tâm xuất y là như có Bí-sô cùng ở một chỗ thọ y Yết-sĩna, may y rồi ra ngoài giới xin y, sau trở về đến trú xứ cùng đại chúng bạch nhị yết ma xuất y.