CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA DƯỢC SỰ

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 15

Lúc đó Phật bảo vua Thắng quang: “trưởng giả Tán đản thuở xưa chính là thân ta ngày nay. Ngày xưa ta đã cúng dường 1000 vị Độc giác trong suốt 12 bị hạn hán nên được vua trời Đế thích trợ giúp công đức bằng cách giáng mưa xuống, không phải chỉ do bố thí mà chứng quả Vô thượng Bồ-đề, còn phải do tu vô lượng phước đức nhân duyên, tích tập căn lành, phát tâm chánh tín nên ngày nay mới chứng quả Vô thượng chánh đẳng chánh giác”.

Nhiếp tụng:

Ngựa chúa, Tiên làm chứng,
Rắn, Cọng mạng, Chim chúa,
Anh võ, nước Vĩ đề ha ,
Rùa, họ Tô, hai thương chủ.

1. Ngựa chúa: Phật lại bảo vua Thắng quang: “Đại vương, để cầu quả Vô thượng Bồ-đề, ta đã làm lợi ích nhiếp thọ các hữu tình như sau, Đại vương hãy lắng nghe:

Thuở xưa Ta làm ngựa chúa tên là Bà ha la để làm lợi ích nhiếp thọ hữu tình, như trong kinh Tăng kỳ đắc phần Dược xoa thuộc kinh Trung A Cấp ma có nói rõ.

2. Tiên làm chứng: Đại vương hãy lắng nghe:

Thuở xưa cách thành Bà-la-nê-tư không xa, có một vị Tiên cư trú, tâm từ bi thương xót hữu tình. Cách chỗ Tiên ở không xa có hai nông dân đang cày bừa bỗng tranh cải rồi đánh nhau, sau đó chạy đến chỗ Tiên nhờ Tiên làm chứng rồi đến chỗ vua thưa kiện, vua liền hỏi vị Tiên làm chứng sự việc như thế nào, Tiên nói: “người này giận người kia, người kia tức người này; người kia đánh người này, người này đánh lại người kia”, vua nghe rồi liền nói như vậy cả hai đều đáng phạt, Tiên nói: “nếu y theo pháp của vua Chuyển luân để đoán sự thì tôi sẽ làm chứng, nếu hành theo pháp khác thì tôi không làm chứng”, vua hỏi: “như thế nào gọi là y theo pháp của vua Chuyển luân để đoán sự?”, Tiên đáp: “pháp của vua Chuyển luân đoán sự là bỏ việc vô ích, trụ nơi việc có ích”, vua nghe rồi liền bảo hai nông dân: “các ngươi hãy đi đi, chớ có tái phạm”.

Này Đại vương, Tiên nhơn làm chứng thuở xưa chính là thân ta ngày nay. Ngày xưa tuy làm chứng nhưng ta làm chứng đúng pháp, làm chứng chân thật, không phải chỉ như thế mà được chứng quả Vô thượng Bồ-đề ; còn phải làm lợi ích nhiếp thọ hữu tình và do tu vô lượng phước đức nhân duyên, tích tập căn lành, phát tâm chánh tín nên ngày nay mới chứng quả Vô thượng chánh đẳng chánh giác”.

3. Rắn Mãng xà: Phật lại bảo vua Thắng quang: “Đại vương, để cầu quả Vô thượng Bồ-đề, ta đã làm lợi ích nhiếp thọ hữu tình như sau, Đại vương hãy lắng nghe:

Thuở xưa, còn ở trong Bất định tụ, Ta làm Sư tử chúa đã xả thân mạng để làm lợi ích hữu tình. Lúc đó 500 thương nhơn đi qua một con đường hiểm, do họ nói chuyện lớn tiếng với nhau nên làm cho con rắn Mãng xà giật mình thức giấc, nó lao tới quấn lấy 500 thương nhơn này khiến họ kinh sợ lớn tiếng kêu cứu các thiên thần. Sư tử chúa đang ở trong rừng nghe tiếng kêu gào này liền chạy tới mới thấy con Mãng xà đang quấn lấy các thương nhơn. Lúc đó Sư tử chúa thấy một con voi con đứng cách đó không xa liền tới bên voi nói: “các thương nhơn sắp bị rắn mãng xà ăn, voi có thể liều mình cứu họ không?”, voi hỏi: “Sư tử định làm thế nào?”, Sư tử nói: “tôi phải phóng lên đầu của voi, hai chân sau bấu vào đầu voi rồi dùng móng vuốt của hai chân trước đánh vào đấu rắn. Hai chân sau bấu vào đầu voi sẽ làm voi bị chết, tôi đánh vào đầu rắn, rắn sẽ chết, rắn phun nọc độc tôi cũng sẽ chết”, voi nghe rồi liền nói: “nếu xả thân mạng mà cứ được nhiều người thì tôi không tiếc”. Sư tử chúa nghe rồi liền phóng lên đầu voi, hai chân sau bấu vào đầu voi … giống như đoạn văn trên cho đến câu sư tử cũng chết vì nọc độc của rắn. Các thương nhơn thoát chết định tiếp tục lên đường, chư thiên trên không trung bảo các thương nhơn: “Sư tử chúa này là Bồ-tát trong Hiền kiếp, đã xả thân mạng để cứu các vị, các vị phải cúng dường Sư tử và voi rồi hãy đi”, các thương nhơn nghe rồi liền đem các món cúng dường để trên thân Sư tử chúa và voi để cúng dường, nhiễu quanh rồi mới đi.

Này Đại vương, Sư tử chúa thuở xưa chính là thân ta ngày nay. Ngày xưa trong thân bàng sanh, ta còn có thể xả thân mạng để cứu các thương nhơn, không phải chỉ do tâm từ nhiếp thọ hữu tình mà chứng quả Vô thượng Bồ-đề; còn phải do tu vô lượng phước đức nhân duyên, tích tập căn lành, phát tâm chánh tín nên ngày nay mới chứng quả Vô thượng chánh đẳng chánh giác”.

4. Chim Cọng mạng: Thuở xưa Bồ-tát ở Bất định tụ làm súc sanh, ở trong một khu rừng đẹp có chim Cọng mạng một thân hai đầu: Một đầu tên là Đạt ma, một đầu tên là A đạt ma. Lúc đó Đạt ma ăn quả ngọt, A-đạt-ma lại ăn quả độc khiến cho chim mê loạn; A-đạt-ma phát nguyện: “nguyện tôi sanh ra nơi nào cũng là bạn ác làm tổn hai anh”, Đạt ma phát nguyện: “nguyện tôi đời đời hành tâm từ làm lợi ích cho anh”.

“Này Đại vương, Đạt ma thuở xưa chính là thân ta ngày nay, còn A đạt ma thuở xưa chính là Đề-bà-đạt-đa ngày nay. Do tâm từ và nhân duyên tích tập căn lành mà nay ta chứng được quả Vô thượng Bồ-đề”.

5. Chim chúa: Thuở xưa, Bồ-tát ở Bất định tụ làm súc sanh, ở trong một ao nước trong có một con chim chúa cầm đầu 500 con chim; trong số đó có một con chim già do không thể bay xa kiếm mồi nên thường lén ăn chim con và trứng chim, nó giả bộ đi chậm chạp và khi đã ăn no thì đứng một chân. Lúc đó các chim con sầu não, đến chỗ chim chúa kể lại sự việc, chim chúa liền điều tra xem ai đã ăn các chim con. Bồ-tát tuy mang thân súc sanh nhưng tâm không có khác, sau khi điều tra chim chúa liền biết thủ phạm chính là con chim già, nó giả bộ đi chậm chạp và đang đứng một chân ở bờ ao. Bồ-tát chim chúa liền đến gần nó nói kệ:

“Ăn nuốt các trứng chim,
Và các con chim con,
Co cẳng đứng một chân,
Giống như người trì giới,
Giả bộ đi chậm chạp,
Nói nhỏ nhẹ giả dối,
Cong cổ giả bộ thế,
Ắt là nhiều gian trá”.

Chim già nghe rồi liền biết chim chúa đã biết thủ phạm là mình, lúc đó chim chúa nói: “ngươi hãy tìm cách, đừng để cho các chim khác biết thủ phạm là ngươi, chúng sẽ kết oán với ngươi”, chim chúa nghe rồi liền bỏ trốn đi, từ đó các chim con không còn lo sợ nữa.

“Này Đại vương, chim chúa thuở xưa chính là thân ta ngày nay, do tâm từ bi nhiếp thọ hữu tình và do nhân duyên tích tụ căn lành với sức chánh kiến mà ta chứng được quả Vô thượng Bồ-đề”.

6. Chim Anh võ: Thuở xưa, Bồ-tát ở Bất định tụ làm súc sanh, ở trong một khu rừng nọ có một con chim Anh võ hiểu được tiếng người. Lúc đó vua Phạm đức ở thành Bà-la-nê-tư lên nối ngôi vua dùng chánh pháp cai trị, có một con chim khác muốn hại chim Anh võ nên Anh võ bay sà vào lòng bàn tay của vua và nói: “xin vua đừng dùng phi pháp cai trị”. Lúc đó vua thọ năm giới từ chim Anh võ, hứa dùng chánh pháp cai trị và bảo quần thần: “từ nay đối với tất cả chim thú đều ban cho Vô úy thí”.

“Đại vương, chim Anh võ ngày xưa chính là thân ta ngày nay, do nhân duyên tích tụ căn lành mà nay ta mới chứng được quả Vô thượng Bồ-đề”.

7. Nước Vĩ đề ha: Thuở xưa, lúc vua Phạm đức ở thành Bà-la-nêtư lên ngôi vua, nước Vĩ đề ha không chịu thần phục nên vua Phạm đức muốn đi chinh phạt. Vua Phạm đức có quân binh hùng mạnh, nước Vĩ đề ha tuy có đông binh mã nhưng lại hành từ bi, không muốn gây chiến tranh. Khi hay tin vua Phạm đức dẫn bốn binh đến chinh phạt, vua nước Vĩ đề ha ra lịnh dân chúng quét dọn đường sá, lượm bỏ đá sạn, treo cờ phướn khắp nơi và chuẩn bị sẳn thức ăn thức uống, sau đó ra lịnh dân chúng trong thành ra khỏi thành khoảng 25 dặm, dùng hương hoa nghinh đón và dùng trăm ngàn lời khen ngợi đức của vua Phạm đức. Đến nơi vua Phạm đức nghe thấy việc này liền hết tức giận, suy nghĩ: “đã nói những lời tốt đẹp không trái nghịch như thế thì ta nên lui quân”, quần thần của nước Vĩ đề ha đến nói với vua Phạm đức: “xin vua hãy qua nước tôi dự tiệc chiêu đãi của vua nước tôi”. Lúc đó vua nước Vĩ đề ha nói kệ:

“Đại vương đã tha thứ,
Tôi đích thân kính mời,
Mở tiệc chiêu đãi vua,
Mong được làm bạn thân”.

Vua Phạm đức cũng nói kệ:

“Do nhẫn được giải thoát,
Tâm sân dứt, không khởi
Là bậc nhất thiết năng,
Thắng tất cả mọi người”.

Từ đó hai nước giao hảo, hai vua hòa thuận với nhau, vua Phạm đức dẩn quân trở về, nước Vĩ đề ha không còn lo sợ chiến tranh nữa.

“Này Đại vương, vua nước Vĩ đề ha thuở xưa chính là thân ta ngày nay, do ta đã điều phục tâm mình và nhân duyên tích tụ căn lành với sức 18 chánh tín mà ta chứng được quả Vô thượng Bồ-đề”.

8. Rùa chúa: Thuở xưa, Bồ-tát ở Bất định tụ làm súc sanh, ở trong biển cả có một con rùa chúa thấy có 300 thương nhân đi thuyền vào biển bị thú biển đánh vỡ thuyền liền vớt họ để trên lưng mình và đưa họ lên bờ khiến họ được an ổn, bảo toàn mạng sống.

“Đại vương, rùa chua thuở xưa chính là thân ta ngày nay, do từ bi và do nhân duyên tích tập căn lành với sức chánh tín mà ta chứng được quả Vô thượng Bồ-đề”.

9. Đại thần họ Tô: Thuở xưa, ở nước Tỳ đề ha có 500 đại thần, trong số đó có hai anh em làm đại thần cao nhất, người anh tên là Tô Tư na, người em tên là Tư na. Tư na hay tìm kiếm lỗi của người để làm việc không lợi ích, Tô tư na thì thường làm việc lợi ích. Do Tư na hay làm việc không lợi ích như thế nên dân chúng trong thành đến tâu với vua khiến vua ra lịnh đuổi tư na ra khỏi nước, Tư na liền qua thành Bàla-nê-tư thờ vua Phạm đức. Thời gian sau Tô tư na xin phép vua nước Tỳ đề ha đi đến thành Bà-la-nê-tư thăm em và bàn việc hòa thuận với em.

“Này Đại vương, đại thần Tô tư na thuở xưa chính là thân ta ngày nay, do ta thường làm việc lợi ích hữu tình và do nhân duyên tịch tập căn lành với sức chánh tín mà ta chứng được quả Vô thượng Bồ-đề”.

10. Hai thương nhân: Thuở xưa, trong một thành nọ có hai thương nhơn sinh sống, họ chở hàng quý trên 500 cổ xe sang xứ khác buôn bán, khi đi đến một con đường hiểm một thương nhơn bị Dược xoa ăn thịt, thương nhơn thứ hai được bình yên thoát ra khỏi đường hiểm đó, sự việc có nói rõ trong kinh Trung A Cấp ma.

“Này Đại vương, thương nhơn thứ hai được bình an thoát ra khỏi đường hiểm đó chính là thân ta ngày nay, do ta hành từ bi và do nhân duyên tích tập căn lành với sức chánh tín mà ta chứng được quả Vô thượng Bồ-đề”.

11. Voi chúa sáu ngà: Thuở xưa Bồ-tát ở Bất định tụ làm súc sanh, trong một khu rừng nọ có một con voi chúa sáu ngà, vợ của nó tên là Bạt đà là con voi tôn quý nhất trong số các voi cái. Lúc đó voi chúa rời khỏi đàn đến một chỗ vắng vẻ khác, tại đây nó gặp một con voi cái khác rất xinh đẹp đáng yêu và cùng gần gũi với nhau như vợ chồng, sau đó chúng thường đi bên nhau khiến cho voi cái Bạt đà tức giận muốn giết chết cả hai. Tuy giận tức như thế nhưng voi cái Bạt đà không làm gì được, nó liền phát nguyện ác: “nguyện tôi sanh ra nơi nào đều làm hại hai kẻ này”, phát nguyện ác rồi nó lên đỉnh núi cao gieo mình xuống tự sát, thần thức của nó thác thai vào bụng của đại phu nhân nước Tỳ đề. Đủ ngày tháng, đại phu nhân sanh ra một bé gái đầy đủ các tướng tốt, đến khi trưởng thành được gả cho vua Phạm đức làm phu nhân thứ nhất. Do túc nghiệp nên phu nhân này ôm lòng thù oán voi chúa sáu ngà liền tâu với vua Phạm đức là muốn có được ngà của voi chúa sáu ngà. Vua liền tập họp tất cả thợ săn lại và ra lịnh săn bắt voi chúa sáu ngà để lấy ngà của nó, các thợ săn vâng lịnh vua cùng đi săn bắt. Lúc đó người cầm đầu các thợ săn nói rằng: “các vị hãy trở về, một mình tôi săn bắt voi chúa sáu ngà được rồi”, nói rồi thợ săn này mang theo đủ mọi vật dùng đến trong rừng tìm chỗ ẩn nấp để quan sát voi chúa, lúc đó voi chúa và voi cái sống xa đàn ở riêng chỗ vắng vẻ. Thợ săn này mặc áo nhẫn nhục (áo người xuất gia mặc), giấu cung tên và áo giáp tìm cách giết voi chúa. Voi cái nhìn thấy thợ săn liền bảo voi chúa: “hãy cùng đi đến chỗ khác, có người đến muốn giết chúng ta”, voi chúa hỏi người đó hình dạng thế nào, voi cái nói: “người đó mặc áo nhẫn nhục, ngoài hiện tướng từ bi”, voi chúa nói: “thế thì không phải sợ, vì trong lớp áo ca-sa không có việc chẳng lành. Người khoát áo ca-sa, tâm trụ từ bi, như mặt trăng không có sức nóng, người này cũng vậy”. Do không nghi ngờ nên voi chúa và voi cái tùy ý dạo chơi không chút đề phòng, thợ săn liền bắn mũi tên độc vào yếu huyệt của voi chúa. Voi cái nói với voi chúa: “tại sao chàng lại nói là người mặc ca-sa không có tâm làm hại?”, voi chúa nói kệ:

“Tâm không sanh tội lỗi,
Cũng không do chiếc áo,
Chỉ do nơi phiền não.
Do tâm lìa từ bi,
Như vàng bọc lá đồng,
Vào lửa, chất đồng hiện,
Người ngu tuy không biết,
Nhưng người trí biết rõ,
Cung, tên, người đều độc,
Do nơi họ làm ác,
Ca-sa vốn tịch tĩnh,
Tất cả do tâm tạo”.

Voi cái nói kệ:

“Tôi không trái lời chàng,
Như lời chàng đã nói,
Nhưng tôi muốn nghiền đứt,
Người ấy thành nhiều khúc”.

Lúc đó voi chúa suy nghĩ: “làm sao chữa lành phiền não này, nếu là vợ của Bồ-tát mà khởi tâm oán hại thì không nên”, nghĩ rồi liền nói kệ:

“Như người bịnh bị quỷ ám,
Gặp thầy thuốc muốn làm hại,
Thầy thuốc biết không hề giận,
Nàng hoan hỉ cũng như thế”.

Voi cái nghe rồi liền im lặng. Lúc đó đàn voi kéo đến, voi chúa sợ đàn voi làm hại thợ săn nên đến bên thợ săn nói bằng tiếng người: “ngươi chớ sợ hãi”, do Bồ-tát tuy ở trong loài bàng sanh mà vẫn hành hành Bồ-tát, nên voi chúa dùng vòi quấn quanh người thọ săn để che chở rồi bảo voi cái và đàn voi đi nơi khác, sau đó bảo thợ săn rằng: “này thợ săn, đàn voi đã đi hết rồi, anh cần vật gì trên thân tôi thì cứ tùy ý lấy”, thợ săn nghe rồi hết sức ngạc nhiên, suy nghĩ: “đây mới là người, ta chẳng phải là người ; ta là thú trong loài người, kia là người trong loài voi. Kia tuy mang thân súc sanh mà có tình có trí như vậy, ta tuy mang thân người nhưng không có trí huệ”, nghĩ rồi rơi lệ, Bồ-tát liền hỏi nguyên do, đáp: “voi đã làm tổn tôi”, voi chúa suy nghĩ: “ta hiện tướng cứu giúp chưa hề làm tổn anh ta”. Lúc đó thợ săn nói: “thân voi có vô lượng công đức, không có tội mà tôi giết hại, đó chính là làm tổn tôi. Thân voi tuy trúng tên bị thương, còn có thể chữa trị; nhưng tâm tôi bị bắn, ngu si vô trí khó thể trị lành”, liền nói kệ:

“Ta đang quán sát hạnh voi chúa,
Công đức rộng lớn cũng như biển,
Kẻ làm hại mình cũng từ bi,
Tâm Bồ-tát này thật khó sánh,
Cho dù tôi đang mang thân người,
Vẫn không chân trí giác như vậy,
Chỉ có mỗi sân hận thế này,
Thân không có được chút phước đức,
Dù thân người hình dáng trang nghiêm,
Không bằng voi mang thân bàng sanh.
Voi là loài vật có trí người,
Voi chúa đứng đầu trong loài voi,
Không kể hình dạng liền thành người,
Không do loài vật, không phải người.
Nếu ai có công đức, nhân từ,
Người ấy mới chính thật là người”.

Voi chúa nói: “anh không cần nhọc sức nói nhiều với những lời hay như thế, anh hãy nói cho tôi biết vì sao anh lại muốn bắn giết tôi?”, đáp: “đó là tôi vâng lịnh vua bắn giết voi để lấy ngà”, voi chúa nói: “nếu vậy anh hãy lấy mau, tùy ý nhổ lấy ngà của tôi để anh được lợi ích, vì Bồ-tát ôm lòng buông xả tất cả”, liền nói kệ:

“Làm lợi ích tất cả hữu tình,
Mau hết trôi giạt biển sanh tử,
Thường chứng trí Vô thượng Bồ-đề ,
Nguyện mau sớm vào thành Niết-bàn”.

Thợ săn nói: “tuy tôi cần lấy ngà nhưng tôi không thể nhổ lấy. Nếu voi cho tôi nhổ, xin hãy trụ tâm từ bi, nếu không như thế tay tôi sẽ rụng khi đang nhổ”, voi chúa nói: “nếu anh không thể nhổ, tôi sẽ tự nhổ cho anh. Vì chân ngà cắm sâu trong thịt, khi nhổ máu trắng sẽ tuôn ra”. Khi voi chúa tự nhổ ngà xong, máu chảy đầy thân như núi phủ tuyết, voi chúa lúc đó thấy thân mình như vậy sợ tâm thối chuyển nên muốn làm cho tâm kiên cố không rối loạn. Lúc đó chư thiên trên hư không thấy tâm của Bồ-tát được viên mãn liền hiện tướng lạ, một vị nói kệ:

“Chư thiên chúng tôi thấy,
Voi chúa hành khổ hạnh,
Khi đang nhổ ngà ra,
Chịu vô lượng đau khổ,
Nhưng tâm vẫn kiên cố,
Không thối chuyển Bồ-đề”.

Một vị khác nói:

“Nhổ ngà như vậy, thân chịu khổ,
Làm sao có thể phát Bồ-đề,
Giống như người chịu khổ địa ngục,
Ắt không thể phát tâm từ bi”.

Lúc đó voi chúa quấn lấy sáu chiếc ngà đưa cho thợ săn và nói kệ:

“Hiền thủ, anh hãy bỏ việc ác,
Bỏ cung tên, kiếm bén đang cầm,
Anh mặc ca-sa nhơn từ này,
Tôi thấy áo này tâm rất vui,
Hoặc có thí tịnh, thọ cũng tịnh,
Hoặc có thí tịnh, thọ không tịnh,
Tôi nay thấy anh tịnh nên thí,
Người thí, người thọ thảy đều tịnh.
Nếu thật tên độc bắn trúng tôi,
Tôi không sanh một chút sân hận,
Nguyện tôi mau chứng quả Bồ-đề,
Cứu độ luân hồi được giải thoát”.

“Này Đại vương, voi chúa sáu ngà thuở xưa chính là thân ta ngày nay, không phải chỉ do khổ hạnh bố thí mà chứng quả Vô thượng Bồ-đề, còn phải do tu vô lượng phước đức nhân duyên, tích tập căn lành, với sức chánh kiến nên ngày nay ta mới chứng quả Vô thượng chánh đẳng chánh giác”.

Phật lại bảo vua Thắng quang: “Đại vương, để cầu quả Vô thượng Bồ-đề, ta đã từng làm con thỏ xả thịt thân mình để bố thí cho vị tiên nhơn.

Lại nữa Đại vương, thuở xưa cha mẹ của ta đều mù mắt, ta thường cõng vác trên vai, trên lưng và nuôi dưỡng cha mẹ trong một thời gian dài.

Lại nữa Đại vương, thuở xưa thế gian tà kiến, khi cha mẹ già yếu thì hoặc bỏ đói hoặc nhận chìm dưới sông, hoặc ném vào lửa thiêu đốt, cho rằng làm như thế cha mẹ được sanh thiên. Lúc đó ta đã làm phương tiện khiến việc làm phi pháp này chấm dứt.

Lại nữa Đại vương, còn có vô lượng nhân duyên như trong kinh Dược xoa na ca có nói rõ.

Lại nữa Đại vương, Bồ-tát ở Bất định tụ làm súc sanh là vượn chúa đứng đầu 500 con vượn. Lúc đó vua Phạm đức ở thành Bà-la-nêtư đã làm cho chúng kinh sợ, ta với thân vượn chúa đã xả thân để cứu 500 con vượn.

Lại nữa Đại vương, Bồ-tát ở Bất định tụ làm súc sanh mang thân chim Trĩ như trong kinh chim Trĩ bổn sanh có nói rõ; hoặc mang thân voi như trong kinh Tương bổn sanh có nói rõ; hoặc mang thân rồng như trong kinh Long bổn sanh có nói rõ; hoặc mang thân Ngỗng chúa như trong kinh Nga bổn sanh có nói rõ”.

Lúc đó vua Thắng quang hỏi Phật: “Thế tôn phát nguyện cầu đạo quả Vô thượng Bồ-đề lần đầu tiên vào lúc nào?”, Phật nói: “Đại vương lắng nghe:

Thuở xưa cách đây vô lượng kiếp có vua tên là Quang minh, vua có voi báu thân trắng như hoa sen, bảy Chi đầy đặn, dáng vẻ oai vệ ai cũng thích nhìn. Lúc đó vua bảo người điều phục voi chừng nào điều phục voi xong thì mang đến cho vua cỡi. Thời gian sau người điều phục voi sau khi thấy voi đã thuần thục liền dẫn voi đến chỗ vua, vua liền cỡi voi cùng người điều phục voi ra khỏi thành đi săn bắn. Không ngờ voi báu nghe mùi của voi cái liền chạy theo mùi để tìm voi cái, lúc đó voi chạy mau như gió nên vua bảo người điều phục voi rằng:

“Ta thấy hư không chuyển,
Bốn phương đều đảo lộn,
Đất núi như bàn quay,
Cây cũng đi trên không,
Chân voi không dời đổi,
Giống như bay trên không,
Thấy núi trước chạy đến,
Núi sau không lay động,
Ngươi hãy bắt voi dừng,
Đánh roi cho nó sợ,
Vì voi chưa điều phục,
Thấy cái chết kề bên”.

Người điều phục voi nói:

“Thần đã tụng chú của đại tiên,
Và dùng móc sắt đánh rất mạnh,
Chỉ khiến voi báu chạy thêm mau,
Các pháp đã dùng đều vô ích,
Dù móc sắt cũng không cản được.
Vua nên biết không điều phục được,
Vì tham dục đã thâm nhập tâm,
Dục ở trong tâm như đóng đinh,
Tham dục khi phát rất mạnh mẽ,
Không ai có thể chận đứng được”.

Lúc đó người điều phục voi tâu vua: “khi voi chạy đã mệt, vua hãy níu vào một cành cây và để nó đi đâu tùy ý”, vua và người điều phục voi níu vào một cành cây, ví như từ chỗ chết được sống lại, vua nói: “người điều phục voi chưa thuần thục mà đã đem đến cho ta cỡi”, đáp: “Đại vương, chỉ vì voi này nghe mùi voi cái, do tham dục làm say nên không chịu nghe lời. Nó tuy đi nhưng sau bảy ngày nó sẽ trở về, vì sau khi gặp voi cái cùng hành dục xong, nó sẽ trở về”. Đến ngày thứ bảy quả nhiên voi báu trở về, người điều phục voi lúc đó đốt một hòn sắt nóng đỏ đưa tới trước voi, voi liền tiến đến muốn nuốt lấy, người điều phục voi nói: “Đại vương, nếu voi nuốt hòn sắt nóng đỏ này sẽ chết”, vua nói: “ngươi đã điều phục voi được như vậy, tại sao lúc ấy lại làm cho ta một phen khiếp vía”, người điều phục voi nói: “thần chỉ điều phục được thân, không thể điều phục được tâm”, vua hỏi: “khanh thấy ai đã điều phục được tâm chưa?”, đáp: “đã thấy, chính là Phật Thế tôn đã điều phục được cả thân tâm. Tất cả hữu tình tuy rất muốn điều phục tâm mình nhưng vì không thể điều phục được nên đều thối thất. Các ngoại đạo tuy tu khổ hạnh nhưng tham dục đầy tâm vẫn không thể trừ được, có người xả cảnh lìa nơi tham dục nhưng vẫn không giữ vững cuối cùng cũng thối thất. Từ A-tu-la, trời người cho đến súc sanh, tất cả loài hàm thức đều bị tham dục trói buộc từ vô thỉ đến nay như bánh xe quay, tâm tuy vô tướng nhưng không ai được tự tại. Đại vương dù có oai lực lớn chiến thắng trong các trận chiền cũng không thể điều phục được tâm mình, chỉ có Phật Thế tôn là không còn tham dục, tâm được tự tại”.

Lúc đó vua liền phát nguyện cầu quả Vô thượng Bồ-đề và nói kệ:

“Ta nguyện tu phước cầu quả Phật,
Được thành đấng Thiện thệ tự tại,
Ai chưa thể qua được bờ kia,
Tôi thề độ họ đến bờ kia.
Nghe Phật ly dục, phát Bố đề,
Lại hành huệ thí, dùng chánh pháp,
Nguyện đời sau tôi được thành Phật,
Diệt tham dục, lợi ích hữu tĩnh”.

Này Đại vương, vua Quang minh thuở xưa chính là thân ta ngày nay, vào thời đó ta đã phát nguỵen cầu đạo quả Vô thượng Bồ-đề lần đầu tiên”.

Vua Thắng quang lại hỏi Phật: “Thế tôn bố thí cho ai lần đầu tiên để cầu chứng quả Vô thượng Bồ-đề?”, Phật nói: “Đại vương lắng nghe:

Thuở xưa cách đây vô lượng kiếp có thành tên là Tỳ ha bỉ địa, trong thành có một người thợ gốm. Lúc đó có Phật ra đời hiệu là Thích ca Mâu ni chứng Vô thượng chánh đẳng chánh giác đầy đủ 10 hiệu, vị Phật đó cũng có các đệ tử Thinh văn tên là Xá-lợi-tử, Đại Mục-kiềnliên và A-nan-đà là thị giả. Một hôm Phật cùng vô lượng các Bí-sô du hành trong nhân gian khi đi đến thành này thì Phật bị cảm gió, Phật liền bảo A-nan-đà đến nhà thợ gốm xin tô dầu và nước mật. A-nan-đà vâng lời Phật dạy đến nhà thợ gốm xin, thợ gốm nghe rồi liền đem tô dầu và nước mật rồi cùng con đi đến chỗ Phật. Thợ gốm dùng tô dầu nước mật này thoa lên người Phật, sau đó lấy nước ấm tắm cho Phật rồi đưa nước đường cát cho Phật uống, nhờ đó bịnh được lành. Thợ gốm này nói kệ phát nguyện:

“Con đem tô mật cúng Như lai,
Nguyện được công đức lợi rộng lớn,
Dòng họ, danh hiệu, chúng Thanh văn,
Đều giống như Phật Thích ca ngày nay,
Khéo hay điều phục loài hữu tình,
Xa lìa các khổ về viên tịch”.

Con người thợ gốm cũng phát nguyện: “nguyện đời vị lai con cũng như thị giả của Phật”.

Này Đại vương, ta lúc đó lần đầu tiên cúng dường Phật Thích ca Mâu ni để cầu chứng quả Vô thượng Bồ-đề, người con lúc đó phát nguyện nay chính là A-nan-đà”.

Vua Thắng quang lại hỏi Phật: “từ lần cúng dường đầu tiên cho đến lúc thành Phật, Thế tôn đã cúng dường bao nhiêu vị Phật để cầu chứng quả Vô thượng Bồ-đề?”, Phật nói: “Trong A-tăng-kỳ kiếp thứ một, từ lúc ta cúng dường Phật Thích ca cho đến Phật Hộ thế, với tâm thanh tịnh như thế ta đã cúng dường bảy vạn năm ngàn đức Phật, trong khoảng thời gian đó cúng dường chưa hề có tâm sai khác, chỉ một mực cầu chứng quả Vô thượng Bồ-đề. Trong A-tăng-kỳ kiếp thứ hai, từ Phật Nhiên Đăng cho đến Phật Bảo kế, ta đã cúng dường với tâm thanh tịnh bảyvạn sáu ngàn vị Phật như thế, tuy trải qua nhiều đời, nhưng tâm ta vẫn không sai khác, thường đem lòng thành tín cúng dường chư Phật. Trong A-tăng-kỳ kiếp thứ ba, từ Phật Bảo kế cho đến Phật An Ổn ta đã cúng dường bảy vạn bảy ngàn vị Phật như thế. Đến Phật Ca-nhiếp-ba, ta cũng cúng dường không có tâm khác, thường đem lòng thành tín cúng dường chư Phật. Khi còn là Bồ-tát, ta đã cúng dường như vậy và đều được chư Phật thọ ký đương lai sẽ chứng quả Vô thượng chánh đẳng chánh giác, từ bi nhiếp thọ các hữu tình”, nghe Phật nói rồi vua Thắng quang vui mừng đảnh lễ Phật rồi ra về. Lúc đó A-nan-đà nói kệ thỉnh Phật:

“Cúi xin đấng Thế tôn,
Phân biệt cho con rõ,
Nơi phát nguyện đầu tiên,
Vì cầu đại Bồ-đề.
Lại nguyện Vô thượng sĩ,
Nói nhân duyên bổn sự,
Cúng dường bao nhiêu Phật,
Trong thời gian bao lâu?”.

Phật nói kệ đáp:

“Bậc lưỡng túc vô thượng,
Thương xót các hữu tình,
Phát Bồ-đề nơi ấy,
Nguyện vượt khỏi ba cõi.
Nghe tâm Phật lìa dục,
Nói rõ duyên voi say,
Chán tập khí tham dục,
Nên phát tâm Bồ-đề,
Phát thệ nguyện kiên cố,
Bố thí như hà sa.
Vào đời vua Quang minh,
Chuyên mong cầu Chánh giác.
Vào thời Phật Thích ca,
Ta làm người thợ gốm,
Cúng dường lần đầu tiên,
Tô dầu và nước mật.
Cũng từng làm người nữ,
Chánh tín ngôi Tam bảo.
Ta gặp Phật Kiêu Trần,
Dùng đèn dầu dâng cúng.
Vào thời Phật Vô thắng,
Ta từng làm Tam tạng,
Tranh cải với đại chúng,
Mắng chúng tăng là nữ,
Do nghiệp ác nơi miệng,
Ta biến thành nữ nhân,
Hồi tâm thanh tịnh rồi,
Trở lại thành đàn ông.
Ở trong đời quá khứ,
Ta từng làm vương tử,
Anh em Phật Bảo kế,
Ta cúng dường đèn sáng.
Ba tháng đã cúng dường,
Phật Thế tôn An ổn.
Sau khi Phật diệt độ,
Đem xá lợi xây tháp.
Từng làm vị trưởng giả,
Ba tháng cúng dường Phật.
Sau khi Phật diệt độ,
Xây tháp 90 khuỷu.
Sau thấy có Thắng Phật,
Đứng đầu dòng Phạm chí,
Ta cung kinh chắp tay,
Cúng dường bậc tôn quý.
Khi xưa làm Phạm chí,
Hiểu rõ các sách luận,
Ta gặp Phật Lợi ích,
Thí tòa cho Như lai.
Khi tu tập khổ hạnh,
Từng theo pháp tiên nhơn,
Gặp Thế tôn Kiêu Trần,
Níu thân nhảy xuống núi.
Ta từng làm tiên nhơn,
Gặp đức Phật Nhạo kiến,
Đến chỗ chư Phật ở,
Đem trái cây cúng dường.
Khi xưa làm tiên nhơn,
Gặp Thế tôn Thiện nhãn,
Đem áo bằng vỏ cây,
Che lên thân Phật ấy.
Xưa từng làm nhân vương,
Cúng dường Phật Lặc xoa,
Liền xả bốn binh chúng,
Cầu Vô thượng Bồ-đề .
Từ đức Phật Thích ca,
Cho đến Phật Hộ thế,
Bảy vạn năm ngàn Phật,
Ta đều cúng dường hết.
Trong A-tăng-kỳ đầu,
Ta cúng dường như vậy,
Một lòng không thay đổi,
Thường phát nguyện Bồ-đề.
Kế gặp Phật Nhiên đăng,
Đa văn rất đáng yêu,
Ta làm phạm chí cúng,
Bảy sen xanh cho Phật.
Ta từng làm quốc vương,
Gặp Phật hiệu Hữu tướng,
Ở chỗ Phật tu hành,
Cúng dường cho Phật này.
Ta từng làm quốc vương,
Có Phật hiệu Trụ tu,
Dùng trân bảo sắc diệu,
Và âm thanh cúng dường.
Ta từng làm quốc vương,
Phật hiệu Siêu Sư tử,
Ta dùng phang lọng báu,
Cúng dường Như lai này.
Ta từng làm quốc vương,
Phật tên An ổn nhật,
Ta đem một ngàn thành,
Cúng dường hết cho Phật.
Ta từng làm quốc vương,
Có Phật tên Phạm chí,
Đem nhà tắm, nước thơm,
Tùy thời tắm cho Phật.
Ta từng làm quốc vương,
Cúng dường ở trong thành,
Ba ngàn Phật, Phạm chí,
Và vị Phật Thi khí.
Ta từng làm trưởng giả,
Ở trong thành Tài tăng,
Cúng 25 vị Phật,
Tu hành các phạm hạnh.
Ta từng làm trưởng giả,
Ở trong đại thành ấy,
Cúng dường Phật Thi khí,
Xây dựng tháp và chùa,
Để cúng dường bảy Phật,
Phụng thí đồ trân bảo,
Cho đến các nô tỳ,
Nhà cửa và vườn hoa.
Từng làm vua tín kính,
Đối với Phật Thi khí.
Lại ở trong thành ấy,
Chỉ cầu Chánh đẳng giác.
Ta từng làm Phạm chí,
Gặp Phật tên Hoan hỉ,
Vì cầu quả Bồ-đề,
Đem trái cây cúng dường.
Ta từng làm Trưởng giả,
Gặp Phật tên Thiện nhãn,
Dùng châu báu ma ni,
Cúng dường Như lai này.
Ta từng làm thương chủ,
Gặp Phật tên Thiện sanh,
Ngồi dưới cội Bồ-đề,
Đem bánh cúng dường trước.
Ta từng làm thương chủ,
Của một ngàn thương nhân,
Gặp đức Phật Thiện ý,
Ngồi dưới cội Bồ-đề,
Đem hương thoa thân Phật,
Lại dùng quạt quạt mát,
Ngồi bên Phật nghe pháp,
Nghe xong tâm khai ngộ.
Xưa ta làm thương chủ,
Gặp Phật tên Thích ca,
Ta dùng các hoa báu,
Rải hoa lên cúng Phật.
Xưa ta làm thương chủ,
Gặp Phật tên Cao đăng,
Đem phướn, hoa, âm nhạc,
Để cúng dường Phật này.
Ta từng làm quốc vương,
Gặp Phật tên Tối thượng,
Vượt khỏi các biển Hữu,
Cúng dường các cỗ xe.
Ta từng làm quốc vương,
Gặp Phật tên Tôi tôn,
Trong trăm dặm Phật đi,
Ta rải hoa trên đất.
Ở trong đời quá khứ,
Nghe Phật sắp đi qua,
Ta đem phang lọng đẹp,
Và bốn binh vây quanh.
Có Phật muốn qua sông,
Ta làm người lái đò,
Thấy Phật, tâm vui mừng,
Đưa Phật qua bờ kia.
Ta từng làm thương chủ,
Gặp Phật tên Hiền xa,
Ta làm cầu cho Phật,
Để Phật qua yên ổn.
Ta từng làm quốc vương,
Gặp Phật tên Đại phạm,
Dùng Chiên đàn cất chùa,
Để cúng dường Thế tôn ,
Cúng y Tăng già chi,
Cho Như lai đắp mặc,
Mất mùa cúng nước thơm,
Giáng mưa, dân theo Phật.
Ta từng làm quốc vương,
Gặp Phật tên Tịnh nguyệt,
Trong nước nhiều dịch bịnh,
Cúng Phật, dịch tiêu trừ.
Xưa khi ta làm vua,
Gặp phật tên Điều đế,
Thỉnh Phật nói diệu pháp,
Vì cầu đạo Bồ-đề.
Xưa khi ta làm vua,
Gặp Phật tên Phạm tôn,
Cúng y Tăng già chi,
Cho Như lai đắp mặc.
Lúc ấy nước mất mùa,
Ta dùng nước Chiên đàn,
Cúng cho Như lai tắm,
Dân no ấm theo Phật.
Xưa khi ta làm vua,
Gặp Phật tên Đế thích,
Trong nước gặp tai ách,
Khởi lòng từ, tai dứt.
Xưa khi ta làm vua,
Cúng dường Phật Điều đế,
Dùng trăm vạn của báu,
Làm thức ăn cúng Phật.
Xưa ta làm Phạm chí,
Gặp Phật tên Tất đạt,
Dùng trăm ngàn tụng tán,
Ca ngợi Thiên nhơn sư.
Xưa ta làm Phạm chí,
Phật tên Đế thích tràng,
Ta chắp tay chánh tín,
Nguyện vị lai như Phật.
Bắt đầu Phật Nhiên đăng,
Cho đến Đế thích tràng,
Bảy vạn sáu ngàn Phật,
Ta đều cúng dường hết.
Trong A-tăng-kỳ hai,
Cúng dường các đức Phật,
Tâm chưa từng thay đổi,
Chí nguyện cầu Bồ-đề.
Trong A-tăng-kỳ ba,
Ta làm vua cúng dường,
Phật tên An Ổn Nhật,
Xây tháp khi Phật diệt.
Xưa ta làm quốc vương,
Cúng dường Phật mọi thứ,
Đầy đủ theo ý thích,
Xây tháp tên Pháp vương.
Xưa ta làm thương chủ,
Gặp Phật tên Tất cúng,
Ta đem các hoa vàng,
Rải lên Phật cúng dường.
Xưa ta làm thương nhơn,
Gặp Phật tên Bảo kế,
Dệt lưới vàng cho Phật,
Phủ lên thân Đại sư.
Xưa ta làm thương nhơn,
Phật tên Thượng Liên hoa,
Ta đem hoa bạc cúng,
Rải lên thân Như lai.
Xưa ta làm thương nhơn,
Gặp Phật tên Thượng xưng,
Ta đem ngôi nhà đẹp,
Cúng dường cho Như lai.
Xưa làm đại quốc vương,
Phật hiệu là Thắng luận,
Ngày Phật chứng Bồ-đề,
Ta đem binh hộ vệ.
Xưa ta làm thương nhơn,
Gặp Phật tên Vô cấu,
Xây tháp và nhà tắm,
Cho đến đốt đèn sáng.
Xưa khi ta làm vua,
Gặp Phật tên Hiệp giác,
Nhập định trên tảng đá,
Ta trỗi nhạc cúng dường.
Xưa ta làm thương nhơn,
Gặp Phật tên Tu hành,
An giặc độ dân chúng,
Ta quét đất, Phật qua.
Xưa ta làm thương nhân,
Phật Tịnh trụ sắp đến,
Ta xây cất tinh xá,
Và vườn hoa cúng Phật.
Xưa làm đại quốc vương,
Gặp Phật tên Tướng sư,
Ta cúng ngọc ma ni,
Ta còn là Bồ-tát.
Xưa làm đại quốc vương,
Gặp Phật tên Hệ đô,
Ta xây tháp Pháp vương,
Treo phan lọng cúng dường.
Xưa làm đại quốc vương,
Gặp Phật tên Xả trọng,
Ta cúng dường bình, trượng,
Xây tháp và thiết hội.
Xưa ta làm thương chủ,
Gặp Phật tên Kiến nghĩa,
Ta đem vàng, châu báu,
Các loại hương cúng dường.
Xưa làm đại quốc vương,
Phật tên Chư bình nghĩa,
Du hành trong nhân gian,
Ta đem bốn binh đón.
Xưa làm đại quốc vương,
Phật tên Tha lợi kiến,
Khi Phật muốn vào thành,
Ta tấu nhạc, rải hoa.
Xưa ta làm thương chủ,
Gặp Phật tên Để sa,
Ta dùng hương thân cây,
Và hương rễ rải cúng.
Xưa ta từng làm Đại tiên nhơn,
Gặp Phật Thần túc ở bảo khám,
Chỉ dùng một câu kệ khen Phật,
Vượt qua chín kiếp tu khổ hạnh.
Xưa làm Phạm chí tên Tối thượng,
Gặp Phật Thế tôn Tỳ-bà-thi,
Tay ta cầm cỏ, phát Bồ-đề,
Vui mừng rải cúng thân Như lai.
Khi xưa Bồ-tát làm thương chủ,
Gặp Phật Thế tôn tên Thi khí,
Và các chúng đệ tử Thanh văn,
Cung cấp y thực trong ba tháng.
Xưa làm thương chủ rất chánh tín,
Đã ở chỗ Phật Tỳ-bà-thi,
Và các chúng đệ tử Thanh văn,
Cung cấp y thực trong ba tháng.
Xưa làm thương nhơn rất chánh tín,
Ở chỗ Phật Ca lưu thôn đà,
Đem hất tài sản cúng dường Phật,
Theo Phật xuất gia tu phạm hạnh.
Xưa làm thương chủ rất chánh tín,
Gặp Phật Ca da ca Mâu ni,
Trước xây tinh xá, sanh cung kính,
Sau đó mới theo Phật xuất gia.
Xưa làm Phạm chí tên Tối thắng,
Nơi Lưỡng túc tôn Ca-diếp Phật,
Do nghe, ưa hộ lời Phật giảng,
Mới được xuất gia tu tịnh ý.
Khi xưa Bồ-tát làm quốc vương,
Cúng dường cho tiên nhơn Di lặc,
Nhập định thấy ta sẽ thành Phật,
Tiên liền đi đến cúng dường ta.
Từ Phật An Ổn đến Ca-diếp,
Cúng dường bảy vạn bảy ngàn Phật,
Phụng sự tất cả chư Như lai,
Mới đủ số ba A-tăng-kỳ,
Thảy đều vui vẻ mà cúng dường,
Chưa từng có chút tâm sai khác.
Đều phát nguyện Vô thượng Bồ-đề ,
Khi làm Bồ-tát cúng dường Phật,
Tất cả thị hiện đều thọ ký,
Trước chúng nói ta sẽ thành Phật.
Do nguyện trước của ta đầy đủ,
Nếu đem nguyện trước nay xét lại,
Cùng với nguyện này đều đầy đủ,
Nên các đại đức Phật Thế tôn ,
Thọ ký ta Vô thượng Bồ-đề .
Xưa ta từng làm vua Thi tỳ,
Cũng thường bố thí cho tất cả,
Khi mang thân Đại vương Vĩ lạm,
Xả thân xả của để bố thí.
Xưa làm thương chủ vào biển lớn,
Trì giới chuyên cầu đến bờ kia,
Có thể tự hại để chúng vui,
Giúp tất cả vượt qua biển khổ.
Xưa ta cũng từng làm Tiên nhơn,
Thường tu Nhẫn nhục Ba-la-mật,
Thân thể tay chân bị cắt xả,
Do nhẫn nhục, tâm không thối chuyển,
Như kinh Bổn sanh Khẩn-na-la.
Ta từng uống cạn nước biển cả,
Để đủ Tinh tấn Ba-la-mật,
Đều do khẩu nghiệp nói chân thật.
Xưa làm đại thần tên Dược vật,
Bàn luận cùng Phạm chí Ngưu xuất,
Sẽ đủ Bát-nhã-Ba-la-mật,
Chư thiên đánh trống để giúp vui.
Xưa làm Phạm chí tên Sanh nhiên,
Siêng tu Thiền định Ba-la-mật,
Trên đầu, chim sanh con đẻ cái,
Vẫn không xuất định đuổi chim đi.
Tu hành đủ sáu Ba-la-mật,
Tâm từ thường có Tứ niệm xứ,
Do ta cầu điều nguyện tôn quý,
Nên các nguyện cầu đều đầy đủ.
Đối với tất cả Phật đại đức,
Thiên nhơn sư, ta đều cúng dường,
Chúng sanh trong biển khổ ba cõi,
Đều hồi hướng về đường Niết-bàn.
Ta làm Bố tát tu cúng dường,
Từ thân vua Quang minh về sau,
Cho đến Phật Thế tôn Đế tràng,
Đã độ một ngàn câu chi chúng,
Huống chi thành Phật độ vô biên.
Đại đạo sư tôn quý ở đời,
Chúng Trời người đã độ, chưa độ,
Ta đã làm cầu và thuyền bè,
Kiên cố độ hết các hữu tình.
Nếu sau khi ta vào viên tịch,
Do đã cứu vớt vô số người,
Những người có thể tu phước đức,
Đương lai sẽ vào thành Niết-bàn.
Nếu sau khi ta vào viên tịch,
Ai có thể tu tập Phật sự,
Cúng dường chút ít nơi tượng Phật,
Liền được sanh thiên, vui vô cùng.
Nếu sau khi ta vào viên tịch,
Lưu lại vị cam lồ pháp bảo,
Nếu hữu tình nào nghe pháp này,
Đều có thể tu tập xuất ly”.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18