CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA DƯỢC SỰ

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 3

Lúc đó vua nước Thâu-ba-lặc-ca bị bịnh nóng sốt nằm mê man, thầy thuốc bảo phải dùng bột Ngưu đầu chiên đàn thoa lên người, vua liền ra lịnh đại thần tìm mua, đại thần đến chỗ Viên mãn hỏi có Ngưu đầu chiên đàn không, đáp là có chút ít rồi hỏi cần bao nhiêu, đại thần nói cần mua một ngàn tiền. Sau khi mua được bột Ngưu đầu chiên đàn, đại thần đem về thoa lên người của vua, vua khỏi bịnh rồi liền suy nghĩ: “trong kho của vua không có Ngưu đầu chiên đàn thì không xứng gọi là vua”, nghĩ rồi liền hỏi đại thần đã mua được từ đâu, đại thần đáp là mua từ chỗ Viên mãn, vua liền cho gọi Viên mãn đến, Viên mãn suy nghĩ: “vua cho gọi ta ắt là vì Ngưu đầu chiên đàn”, nghĩ rồi liền lấy ba khúc Chiên đàn bỏ vào trong mình còn một khúc cầm trên tay đi đến chỗ vua, vua hỏi: “anh có Ngưu đầu chiên đàn phải không?”, Viên mãn liền đưa khúc Chiên đàn cho vua xem, vua hỏi trị giá bao nhiêu, đáp là một ức tiền vàng, vua lại hỏi con nữa hay không, đáp là còn ba khúc, vua liền bảo đại thần đưa cho Viên mãn bốn ức tiền vàng, Viên mãn tâu: “thần xin nhận tiền của ba khúc Chiên đàn này còn khúc kia xin dâng vua”, vua liền đưa cho Viên mãn ba ức tiền vàng rồi nói: “khanh cần gì ta sẽ ban cho”, Viên mãn nói: “nếu vua hoan hỉ thì thần chỉ xin một điều là được sống trong nước của vua mà không bị lấn hiếp khinh khi”, vua liền bảo các đại thần: “từ nay các khanh có thể quản thúc các vương tử, không nên quản thúc Viên mãn”, Viên mãn liền cáo từ ra về.

Lúc đó các thương nhơn trong thành nghe tin có 500 thương khách từ biển đang đi đến nước Thâu-ba-lặc-ca liền bàn với nhau: “các thương khách này đến chúng ta phải cùng nhau mua bán, không được mua bán một mình”, một người nói nên mời Viên mãn tới, người khác nói: “Viên mãn nay đã nghèo xác, mời đến làm gì”. Lúc đó Viên mãn ra khỏi thành cũng hay tin có 500 thương khách từ biển vừa đến đây liền đi đến gặp họ hỏi: “hôm nay các vị mang những món hàng gì đến”, các thương khách kể ra những món hàng được mang đến, Viên mãn hỏi tất cả trị giá bao nhiêu, các thương khách nói: “thương chủ đã thừa biết giá cả rồi còn hỏi làm gì?”, Viên mãn nói: “vì hôm nay tôi mua hàng một mình nên phải hỏi, không thể tự mình định giá”, các thương khách nói tổng cộng trị giá là 18 ức tiền vàng, Viên mãn nói: “tôi bằng lòng mua hết, các anh nhận trước ba ức tiền vàng này, số vàng còn lại sau khi bán hàng xong tôi sẽ giao đủ”, các thương khách bằng lòng, Viên mãn giao tiền vừa nhận được từ vua rồi tự tay niêm phong đóng dấu các món hàng đã mua, để ở chỗ các thương khách rồi đi. Sau đó các thương nhơn trong thành đến chỗ các thương khách hỏi: “hôm nay có những món hàng gì?”, các thương khách kể ra, các thương nhơn nói: “những món hàng như thế trong kho chúng tôi đều đã có rồi”, các thương khách nói: “bất kể trong kho các ông có hay không thì những món hàng này chúng tôi đều đã bán hết rồi”, các thương nhơn hỏi đã bán cho ai, đáp là bán cho Viên mãn, lại hỏi bán với giá bao nhiêu, đáp: “giá mà chúng tôi bán cho Viên mãn sợ các ông không mua nổi”, lại hỏi: “các ông đã nhận được bao nhiêu tiên từ Viên mãn?”, đáp là ba ức tiền vàng, các thương nhơn nói: “Viên mãn đã thâu hết hàng hóa của các anh em”. Lúc đó các thương nhơn cho gọi Viên mãn đến hỏi rằng: “trước đây chúng ta có giao ước không được mua hàng hóa một mình, phải cùng nhau định giá rồi chia nhau, tai sao anh bội ước?”, Viên mãn nói: “các ông lập giao ước sao không báo cho anh em chúng tôi, giao ước đó không liên quan tới tôi”, các thương nhơn không xét đúng sai, ép buộc Viên mãn phải nộp phạt 0 Ca-lợi-sa-ba-noa (một Ca-lợi-sa-ba-noa bằng 400 tiền vàng). Viên mãn chưa kịp thâu tiền hàng nên không có tiền nộp phạt, các thương nhơn bắt Viên mãn phơi nắng, sứ giả của vua đi tuần trông thấy bèn tâu vua biết, vua liền cho gọi Viên mãn và các thương nhơn đến hỏi nguyên do, các thương nhơn nói là vì Viên mãn bội ước, Viên mãn tâu vua: “các thương nhơn này lập giao ước không có báo cho thần biết”, vua hỏi có báo cho biết hay không, các thương nhơn đáp là không có, vua nghe rồi liền thả cho đi. Sau đó vua nước Thâu-ba-lặc-ca cần một số hàng hóa nên gọi các thương nhơn đến nói rằng: “nay ta cần một số hàng như ____ , các khanh hãy mang đến đây”, các thương nhơn nói: “số hàng hóa vua đang cần hiện có ở chỗ Viên mãn”, vua nói: “trước đây ta có ra lịnh không quản thúc Viên mãn nên không thể theo đòi anh ta, các khanh đến chỗ Viên mãn hỏi mua và mang đến đây”, các thương nhơn cho mời Viên mãn đến nhưng Viên mãn không chịu đến, các thương nhơn đành phải đến chỗ Viên mãn, Viên mãn tỏ ra cao ngạo vài ngày sau mới chịu ra tiếp, các thương nhơn nói: “chúng tôi hiện đang cần một số hàng hóa như ________, xin hãy để giá vốn cho chúng tôi”, Viên mãn nói: “tôi buôn bán là để kiếm lời, nếu để giá vốn thì sao gọi là thương chủ”, các thương nhơn nói: “nếu vậy hãy để cho chúng tôi với giá lời gấp đôi”, Viên mãn suy nghĩ: “họ đều là thương chủ, ta phải kính trọng họ, nay được lời gấp đôi, ta nên chấp nhận”, suy nghĩ rồi liền chấp nhận bán số hàng hóa đó với giá 15 ức tiền vàng để trả nợ cho các thương khách, số hàng hóa còn lại để trong kho. Sau đó Viên mãn suy nghĩ: “số hàng hoa này như sương buổi sớm, làm sao có thể chứa đầy bình, ta nên vào biển tìm châu báu”, nghĩ rồi liền cho người đánh trống thông báo cho các thương nhơn trong thành biết: “thương chủ Viên mãn sắp vào biển tìm châu báu, ai cùng đi với thương chủ thì không phải trả tiền thuế đi đường. Nếu ai muốn cùng đi thì chuẩn bị hành trang và hãy mang hàng hóa đến để cùng đi”. Lúc đó có 500 thương nhơn mang hành trang và hàng hóa đến cùng đi với Viên mãn vào biển tìm được nhiều châu báu và cùng trở về an ổn, như vậy cho đến sáu lần nên danh tiếng đồn vang xa. Sau đó có các thương nhơn ở thành Thất-la-phiệt mang hàng hóa đến nước Thâu-ba-lặc-ca, sau khi dừng nghỉ rồi đến chỗ Viên mãn nói muốn cùng vào biển, Viên mãn nói: “các vị có nghe người nào vào biển đã sáu lần được an ổn trở về mà còn muốn đi nữa hay không?”, các thương nhơn nói: “chúng tôi từ xa đến đây là muốn nương theo anh vào biển được an ổn trở về, nếu anh không đi thì chúng tôi cũng không dám đi”, Viên mãn nghe rồi liền suy nghĩ: “tuy ta không muốn tìm cầu nữa nhung vì muốn làm lợi cho họ nên phải vào biển lần nữa”, nghĩ rồi liền bằng lòng cùng các thương nhơn này vào biển. Suốt trên đường đi nghe các thương nhơn này tụng các kinh chú với âm thanh trong trẻo nên Viên mãn khen là ca vịnh hay, các thương nhơn nói: “đó không phải là ca vịnh mà là tụng kinh chú”, Viên mãn hỏi là kinh chú gì, đáp là lời Phật dạy, Viên mãn vừa nghe danh từ Phật, toàn thân liền chấn động hỏi Phật là ai, các thương nhơn nói: “có sa môn Kiều-đáp-ma thuộc dòng họ Thích ca từ bỏ vương vị xuất gia tu chứng đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, gọi là Phật”, Viên mãn lại hỏi Phật đang ở đâu, đáp là đang ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ đa thành Thất-laphiệt, Viên mãn nghe rồi ghi nhớ trong lòng. Chuyến đi này Viên mãn cũng cùng các thương nhơn trở về an ổn, lúc đó người anh cả suy nghĩ: “Viên mãn vượy biển nhiều lần khổ cực, nay đến lúc cưới vợ cho chú ấy”, nghĩ rồi người anh cả nói với Viên mãn: “em thích con gái của thương chủ hay trưởng giả nào, anh sẽ hỏi cưới cho em”, Viên mãn nói: “em không thích lấy vợ, xin anh cho em xuất gia”, anh cả nói: “trước kia chúng ta nghèo thiếu sao em không xưất gia, nay trở nên giàu có sao em lại muốn xuất gia?”, Viên mãn nói: “khi nghèo thiếu không thể xuất gia, nay giàu có mới xuất gia”. Anh cả thấy Viên mãn đã quyết ý nên bằng lòng cho Viên mãn xuất gia, Viên mãn nói: “vào biển cả có nhiều tai nạn nguy hiểm, người vào biển nhiều nhưng trở về thì ít, anh nhất định không nên vào biển cả. Những tài bảo mà em có được là do phước đức chứ không phải do lừa đảo, tài bảo mà anh hai và anh ba có được đều là không trong sạch. Sau khi em xuất gia nếu hai anh ấy trở lại xin sống chung thì anh chớ chấp nhận”. Nói xong Viên mãn dẫn theo một người hầu đi đến thành Thất-la-phiệt, ở trong một khu rừng rồi bảo người hầu đến báo với trưởng giả Cấp-cô-độc là thuơng chủ Viên mãn đang ở trong rừng muốn gặp trưởng giả. Trưởng giả nghe rồi liền hỏi người hầu: “thương chủ mang theo những vật gì đến đây?”, người hầu đáp: “chỉ dẫn theo một mình tôi, ngoài ra không có mang vật gì cả”, trưởng giả suy nghĩ: “người này có phước đức lớn, ta không nên để vào thành như thế, phải đem theo voi ngựa và nô bộc ra đón ông ấy”. Sau khi đón Viên mãn về nhà, trưởng giả đem nước thơm cho tắm gội rồi đãi ăn uống, đợi ăn xong mới hỏi Viên mãn: “thương chủ hôm nay đến có việc gì?”, đáp: “trưởng giả, hôm nay tôi muốn được ở trong pháp luật khéo giảng nói của Như lai xuất gia thọ viên cụ, thành tánh Bí-sô”. Trưởng giả liền nghiêm trang khen ngợi: “thật hi hữu, Tam bảo xuất hiện ở thế gian, ông có thể xuất gia là hiếm có ; ông có nhiều tài bảo và quyến thuộc, có thể xả bỏ để xuất gia lại càng hiếm có hơn”, nói rồi liền dẫn thương chủ đến gặp Phật. Lúc đó Phật đang thuyết pháp cho vô lượng trăm ngàn Bí-sô, từ xa thấy trưởng giả Cấp-cô-độc dẫn Viên mãn đến liền bảo các Bí-sô: “trưởng giả Cấp-cô-độc mang hạt châu vô giá đến dâng cho ta, ở trong phật pháp không ai độ chúng sanh nhiều hơn người này”. Trưởng giả cùng Viên mãn đến đảnh lễ Phật rồi bạch Phật: “Thế tôn, thương chủ Viên mãn nguyện được ở trong pháp luật khéo giảng nói này xuất gia thọ viên cụ, Thánh tánh Bí-sô, ở chỗ Thế tôn tu tập phạm hạnh. Cúi xin Thế tôn cho Viên mãn xuất gia”. Phật im lặng nhận lời rồi bảo Viên mãn: “Thiên lai Bí-sô, gắng tu phạm hạnh”, Phật vừa nói xong, râu tóc Viên mãn tự rụng, thân mặc ca-sa như đã từng cạo tóc, trải qua bảy ngày đầy đủ oai nghi như Bí-sô 100 tuổi hạ, Phật nói kệ:

“Thế tôn gọi “Thiện lai”,
Tóc rụng, đủ y bát,
Các căn đều tịch tĩnh,
Thành tựu theo ý niệm”.

Lúc đó cụ thọ Viên mãn đảnh lễ Phật rồi bạch rằng: “cúi xin Thế tôn nói pháp yếu để con được nghe từ Phật, sau đó con sẽ một mình ở nơi yên tĩnh, không phóng dật, siêng năng tu tập để được an lạc trụ. Đó là nguyên nhân hôm nay con bỏ nhà chánh tín xuất gia, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, tu tập phạm hạnh, ở trong hiện pháp chứng được trí huệ thần thông, hiểu rõ “sanh tử đã tận, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không thọ thân sau”. Phật khen: “lành thay, thầy sẽ được nghe pháp yếu cho đến không còn thọ thân sau như lời thầy đã thỉnh. Này Viên mãn, hãy lắng nghe và ghi nhớ kỹ: Đã có nhãn thức phân biệt đối với sắc, sắc sáng đáng yêu là điều ý ưa thích, tương ưng với dục làm người tham đắm. Các dục như thế, Bí-sô thấy rồi liền khởi lạc dục, khen ngợi, đắm trước, ưa thích ; do ưa thích nên khởi tâm tham, do tâm tham hòa hợp với dục lạc, do hỉ tham tương ưng nên xa lìa Niết-bàn. Này Viên mãn, đã có nhĩ thức phân biệt âm thanh, tỷ thức nhận biết hương thơm, thiệt thức nhận biết mùi vị, thân thức nhận biết xúc chạm, tâm thức nhận biết pháp, sắc sáng đáng yêu… giống như đoạn văn trên cho đến xa lìa Niết-bàn. Này Viên mãn, ai có mắtbiết rõ về sắc, sắc sáng đáng yêu…, nếu không đắm nhiễm thì gần với Niết-bàn. Nay ta đã nói pháp yếu, thầy muốn đến trụ nơi nào?”. Viên mãn đáp: “con đã nghe hiểu nghĩa của pháp yếu, nay con muốn đến trụ ở nước Thâu-na-bát-lađắc-già”, Phật nói: “người ở nước ấy hung bạo, thô lỗ, nóng nảy cộc cằn và độc ác. Nếu họ chửi mắng thầy bằng những lời cộc cằn thô lỗ, lăng nhục phỉ báng thầy trước mọi người thì thầy nghĩ sao?”, đáp: “nếu họ chửi mắng con…, con sẽ nghĩ là họ còn hiền lành vì đã không dùng gậy gộc, gạch đá… đánh ném con”, Phật nói: “nếu họ dùng gậy gộc, gạch đá… đánh ném thầy thì thầy nghĩ sao?”, đáp: “nếu họ dùng gậy gộc… con sẽ nghĩ là họ vẫn con hiền lành vì đã không dùng đao kiếm làm hại con”, Phật nói: “nếu họ dùng đao kiếm làm hại thầy thì thầy nghĩ sao?”, đáp: “con sẽ nghĩ là họ vẫn còn hiền lành vì đã không giết chết con”, Phật nói: “nếu họ giết chết thầy thì thầy nghĩ sao?”, đáp: “con sẽ nghĩ: “có đệ tử Thanh văn của Phật còn nhàm chán báo thân chịu các khổ não, trong lòng hổ thẹn nên đã dùng dao cho đến các phương tiện để tự đoạn mạng sống. Người trong nước ấy nếu đoạn mạng con tức là giúp con lìa được thân cấu uế này không chịu các khổ não nữa”. Phật khen: “lành thay, thầy đã thành tựu ý nhu hòa nhẫn nhục như vậy thì được đến nước đó. Thầy cứ đi và sẽ vượt qua khổ não, cũng nên độ người khác; thầy sẽ được giải thoát, cũng nên giải thoát cho người khác; thầy sẽ được an ổn và cũng làm cho người khác an ổn; thầy sẽ được Niết-bàn và cũng làm cho người khác được Niết-bàn”, nghe Phật dạy xong, Viên mãn vui mừng đảnh lễ Phật rồi lui ra. Lúc đó Viên mãn nghỉ đêm ở trong vườn Cấp-cô-độc, sáng hôm sau đắp y mang bát vào thành khất thực, ăn xong thu xếp ngọa cụ giao trả rồi du hành đến nước Thâu-na-bát-la-đắc-già. Trên đường đi gặp một người thợ săn cầm cung tên đi săn bắn, thợ săn này thấy Viên mãn liền suy nghĩ: “ta định đi săn mà gặp Sa môn trọc đầu là không may mắn”, nghĩ rồi liền lắp cung tên muốn bắn Viên mãn, Viên mãn liền vén áo bày bụng ra nói: “Hiền thủ hãy bắn vào bụng này”, rồi nói kệ:

“Chim ở hư không, nai ở rừng,
Vì tìm miếng ăn vường bẫy lưới,
Hữu tình câm đao kiếm đâm đánh,
Chém giết lẫn nhau đến diệt vong.
Ngạ quỷ bị đói khát bức bách,
Ăn sắt nóng, uống nước đồng sôi.
Ta từ lâu do cái bụng này,
Mà phải luân hồi chịu khổ não”.

Thợ săn nghe kệ rồi liền suy nghĩ: “người xuất gia này tu hạnh nhẫn nhục thành tựu, lẽ nào ta nở hại người như vậy hay sao”, nghĩ rồi liền khởi tín tâm. Lúc đó Viên mãn liền nói diệu pháp cho ông ta nghe, khiến ông ta quy y Tam bảo thọ trì năm học xứ ; sau đó độ thêm 500 người nam trở thành Ô-ba-sách-ca và 500 người nữ trở thành Ô-ba-tưca. Họ xây 500 Tỳ-ha-la ở trong thành ấy và cung cấp vô số giường dây, giường cây, ngọa cụ lớn nhỏ thỉnh Viên mãn ở đó an cư ba tháng. Sau ba tháng Viên mãn Bí-sô đoạn trừ các phiền não, chứng A-la-hán, ba minh, sáu thông, đủ tám giải thoát, được như thật tri: sanh tử đã hết, phạm hạnh đã lập, việc nên làm đã làm xong, không còn thọ thân sau. Tâm không chướng ngại như tay nắm hư không, như dao cắt mùi thơm, yêu ghét không khởi, xem vàng và đất như nhau không khác, tất cả danh lợi đều xả bỏ, Thích Phạm chư thiên thảy đều cung kính.

Lúc đó hai anh kế của Viên mãn tiêu hết của cải tìm đến chỗ người anh cả nói rằng: “kẻ vô tướng bần cùng ấy đã ra khỏi nhà ta, ba anh em chúng ta hãy cùng sống chung như trước đây”, anh cả hỏi: “ai là kẻ vô tướng?”, đáp là Viên mãn, anh cả nói: “Viên mãn có thắng phước sao nói là vô tướng, khi còn ở nhà thắng tướng đã hiện rõ, không phải là kẻ vô tướng”, hai người em nói: “dù vô tướng hay không vô tướng thì cũng đã đi rồi, ba anh em chúng ta nên cùng sống chung với nhau”, anh cả nói: “của cải các em kiếm được là phi pháp, của cải của ta kiếm được là như pháp, làm sao ở chung với nhau được”, hai người em nói: “của cải của anh có được là do con của tớ gái vào biển cả kiếm được đem cho anh, anh được của cải này nên khen ngợi nó, chê bai chúng tôi. Nếu anh có khả năng thì hãy vào biển tìm châu báu”, người anh nghe lời này liền nổi giận nói: “ta sẽ vào biển”. Người anh trên đường ra biển tìm châu báu gặp phải gió bão thổi giạt đến một hòn đảo, trên đảo toàn là cây Ngưu đầu chiên đàn, các thương nhơn đi chung thấy rồi nói với nhau: “trước đây chúng ta có nghe nói đến cây Ngưu đầu chiên đàn, nay mới được thấy. Của quý này do Dược xoa Đại tự tại coi giữ, nhân lúc Dược xoa không có ở đây, chúng ta nên đồng tâm chặt lấy mau”, nói rồi 500 thương nhơn với 500 búa rìu đồng loạt đốn chặt cây. Lúc đó có một dược xoa tên là Tác hỉ vội chạy đến báo cho Dược xoa Đại tự tại biết, Dược xoa này nghe rồi nổi giận liền dùng thần lực nổi gió bão và nương hư không đi đến. Lúc đó các thương nhơn thấy gió bão kéo tới hết sức kinh sợ, mỗi người nghĩ đến vị trời mà mình tín ngưỡng rồi nói kệ:

“Thần nước, gió tự tại,
Chư tiên, trời Đế thích,
Chúng Long vương, Dược xoa,
Các thần A-tu-la,
Con đang gặp nguy hiểm,
Cúi xin các tôn thần,
Cứu con khỏi tai ách,
Hết sức đáng sợ này,
Xin thỉnh cầu Đế thích,
Hoặc là Đại phạm thiên,
Thần cây và thần đất,
Người hãy nên cứu giúp,
Con đang gặp gió quỷ,
Cúi xin hãy cứu độ”.

Lúc đó người anh cả này đứng im lặng không niệm thiên thần, các thương nhơn liền hỏi tại sao, liền đáp: “trước đây Viên mãn em tôi có dặn tôi không nên vào biển, tôi vì trái lời nên gặp nạn này, tôi biết phải làm sao”, các thương nhơn nói: “Thánh giả Viên mãn có phước đức lớn, chúng ta nên quy y cầu cứu độ”, nói rồi đồng loạt niệm nam mô Thánh giả Viên mãn. Lúc đó có một thiên nữ vốn quy kính cụ thọ Viên mãn, nghe thấy các thương nhơn niệm như vậy liền đến báo cho Viên mãn biết, Viên mãn nghe rồi liền sanh ức niệm và nhập định Như thị, do định lực nên ẩn thân ở nước Thâu-na-bát-la đắc già rồi hiện thân ngồi trên cột buồm của chiếc thuyền người anh cả, khiến cho gió bão quay trở lại giống như gặp núi Tu di ngăn chận, không làm cho thuyền bị hoại. Lúc đó Dược xoa Đại tự tại quán thấy cụ thọ Viên mãn ngồi trên cột buồm liền hỏi: “Thánh giả vì sao xúc não tôi ?”, đáp: “tôi đâu có xúc não, nếu tôi không có được công đức lực thì anh tôi đã bị hại chết rồi và tôi chỉ có cái danh rỗng mà thôi”, Dược xoa nói: “tôi có bổn phận coi giữ Ngưu đầu chiên đàn này cho Kim luân Thánh vương”, Viên mãn hỏi: “Phật với Luân vương, ai tôn quý hơn?”, Dược xoa hỏi: “Phật đã xuất thế rồi sao?”, đáp là đã xuất thế, Dược xoa nói: “nếu vậy thì mặc tình chất cho đầy”. Lúc đó các thương nhơn nghe được lời này mới tỉnh hồn lại liền đối với Viên mãn khởi tâm tôn kính, họ chất Ngưu đầu chiên đàn đấy thuyền chở đến nước Thâu-na-bát-la-đắc-già, Viên mãn nói với anh: “nếu gặp nạn ở biển cả xưng niệm danh hiệu ai cầu cứu độ mà được cứu độ thì của cải thu được đều thuộc về vị ấy, Ngưu đầu chiên đàn này tôi lấy để xây cất một Tỳ-ha-la, còn châu báu kiếm được anh hãy đem chia cho các thương nhơn”. Người anh làm theo lời Viên mãn bảo, lúc đó Viên mãn kêu gọi các thợ giỏi đến thương lượng về tiền công xây cất Tỳ-ha-la, nói rằng: “các ông muốn mỗi ngày nhận được 500 tiền hay nhận một nhúm bột Ngưu đầu chiên đàn?”, các người thợ đồng đáp là muốn nhận một nhúm bột Ngưu đầu chiên đàn. Sau khi thương lượng xong họ bắt tay vào việc, không bao lâu sau Tỳ-ha-la được hoàn thành, Viên mãn sau khi trả công cho các người thợ xong, các bột vụn Ngưu đầu chiên đàn còn lại đều nghiền nát để đắp nền. Lúc đó các anh em của Viên mãn đã hòa thuận lại và cùng khởi tâm tín kính muốn phụng thỉnh Phật và Tăng đến cúng dường, liền hỏi Viên mãn Phật đang ở đâu, đáp là đang ở tại thành Thất-la-phiệt, lại hỏi cách đây bao xa, đáp là khoảng hơn trăm dặm, lại hỏi: “chúng tôi đến gặp đức vua tâu việc thỉnh Phật và tăng đến đây cúng dường có được không?”, đáp được, các anh của Viên mãn liền đến chỗ đức vua tâu rõ mọi việc và yêu cầu đức vua giúp đỡ, vua nói: “các khanh tùy ý làm, Ta sẽ hỗ trợ việc cúng dường này”. Lúc đó Viên mãn bay lên lầu cao quỳ gối đốt hương, rải hoa và rưới nước tịnh, vọng về rừng Thệ đa nói kệ cung thỉnh Phật và Tăng:

“Giới tịnh, trí huệ diệu,
Biết được người quy y,
Giúp người không chỗ nương,
Xin nhận lời con thỉnh”.

Nói kệ xong, do thần lực của Phật, hoa rải này họp thành một cái lọng bay thẳng đến rừng Thệ đa che trên đảnh Phật; cũng do thần lực của Phật hương đã đốt tụ lại thành mây ở trên hư không và nước tịnh đã rưới tụ lại thành cây Phệ lưu ly bay đến rừng Thệ đa. Lúc đó cụ thọ A-nan-đà thấy tướng lành này liền chắp tay bạch Phật: “Thế tôn, tướng lành thỉnh Phật và Tăng này từ nơi nào đến?”, Phật nói: “từ nước Thâuna-bát-la-đắc-già đến”, lại hỏi cách nơi đây bao xa, Phật nói: “khoảng hơn 1 trăm dặm, thầy hãy đi thông báo cho các Bí-sô: ngày mai ai nhận lời thỉnh của cụ thọ Viên mãn đi đến nước Thâu-na-bát-la-đắc-già thọ thực thì đến lấy thẻ”. A-nan-đà vâng lời Phật đi thông báo và sáng hôm sau đi phát thẻ, Phật nhận thẻ trước, kế đến các Bí-sô trưởng lão đều nhận thẻ, lúc đó trưởng lão Bồn chẩm viên mãn cũng muốn lấy thẻ, Anan-đà liền nói kệ:

“Cụ thọ, thầy nên biết,
Chẳng phải vua tát la,
Chẳng phải dòng Tô đạt,
Và phu nhân Lộc mẫu,
Mà lần thiết cúng này,
Tại Thâu-ba-lặc-ca,
Cách đây hơn trăm dặm,
Có thần thông mới đi,
Không có thì ở lại”.

Trưởng lão này tuy có trí huệ nhưng chưa được thần thông, nghe lời này liền suy nghĩ: “tuy ta đã đoạn phiền não nhưng chưa được thần thông thì không thể đi”, nghĩ rồi liền phát đại tinh tấn và được thần thông. Lúc đó A-nan-đà đã phát thẻ đến vị trưởng lão thứ ba, trong khoảnh khắc vị này chưa nhận thẻ thì trưởng lão Bồn chẩm viên mãn dùng thần lực duỗi cánh ta ra nhận thẻ rồi nói kệ:

“Không nhờ dung nhan được thần thông,
Cũng không nhờ đa văn biện tài,
Chỉ nhờ sức giới tuệ tịch tĩnh,
Thân tuy già bịnh cũng chứng được”.

Lúc đó Phật bảo các Bí-sô: “Bồn chẩm viên mãn ở trong các Bísô Thanh văn là người thứ một dùng thần thông nhận thẻ, trưởng lão là người đáng được khen ngợi vì nhờ thứ lớp phát thẻ mà chứng được lục thông”, đợi phát thẻ xong, Phật bảo các Bí-sô: “trước đây Ta có nói rằng: các Bí-sô nếu làm việc thiện thì nên che giấu, nếu lỡ phạm lỗi thì nên phát lồ. Nay ở trong thành kia có nhiều ngoại đạo, các thầy nên hiện thần thông để đi đến đó thọ Viên mãn thỉnh thực”.

Lúc đó ở nước Thâu-na-bát-la-đắc-già, nhà vua ra lịnh quét dọn trang hoàng khắp trong thành, dùng nước thơm Chiên đàn rưới đất, đốt các loại hương thơm, treo cờ phướn, rải hoa. Ở 18 cửa thành, vua và quần thần đứng ở cửa thành lớn, 1 cửa thành còn lại là 1 vị vương tử đứng với các món cúng dường để nghinh đón Phật và Tăng, ba anh em Viên mãn cùng đứng bên nhà vua cho đến khi thấy 5 Bí-sô thọ sự dùng thần thông lực đến gồm có: Một vị coi ngó rau cải, một vị coi ngó thức ăn chuẩn bị nấu, một vị coi ngó nước sạch dùng để nấu, một vị coi ngó các món ăn được nấu xong, Lúc đó nhà vua thấy 5 vị này đến từ trong hư không liền hỏi Viên mãn có phải là thế tôn không, Viên mãn đáp: “đây là 5 Bí-sô thọ sự đi đến trước để coi ngó mọi việc cúng dường, Thế tôn và các vị trưởng lão đều chưa đến”, vua lại hỏi: “vì sao Thế tôn chưa đến?”, đáp: “người coi ngó công việc đến trước, Thế tôn đến sau”, lúc đó có Ô-ba-sách-ca nói kệ:

“Sư tử, hổ, voi, rồng và bò,
Dùng vật báu trang trí chỗ ngồi,
Hoặc có cờ báu và núi báu,
Cây báu, xe báu đủ màu sắc,
Có người cỡi mây trong hư không,
Phóng ánh sáng chiếu diệu trang nghiêm,
Dùng thần thông lựcnương hư không,
Hoan hỉ đến trong thành ấp này,
Có người từ mặt đất vọt lên,
Có người từ hư không hiện xuống,
Có người tĩnh tọa trong hư không,
Thần biến ấy không thể nghĩ bàn”.

Lúc đó ở thành Thất-la-phiệt, Phật ngồi trong phòng đoan thân chánh niệm, đưa chân bước xuống đất khiến cho đại địa chấn động sáu cách:

1. Là động, động khắp nơi, động khắp các nơi.

2. Là kích động, kích động khắp nơi, kích động khắp các nơi.

3. Là hiện ở Đông, ẩn ở Tây.

4. Là hiện ở Tây, ẩn ở Đông.

5. Là hiện ở Nam, ẩn ở Bắc.

6. Là hiện ở Bắc, ẩn ở Nam. Ở nước Thâu-na-bát-la-đắc-già, nhà vua nghe tiếng chấn động liền hỏi Viên mãn, Viên mãn đáp: “do Phật bước chân xuống đất nên đại địa chấn động sáu cách như trên”. Lúc đó Phật phóng ra ánh sáng màu hoàng kim chiếu đến khiến cho mặt đất ở nước Thâu-na-bát-la-đắc-già biến thành đất hoàng kim, nhà vua thấy rồi vui mừng hỏi Viên mãn, Viên mãn nói: “do Phật phóng ánh sáng chiếu đến nên mặt đất biến thành hoàng kim”. Lúc đó Phật cùng 500 A-la-hán chuẩn bị nương thần thông lực đi đến nước Thâu-na-bátla-đắc-già, do Phật đã tự điều phục nên điều phục vây quanh, do đã tự tịch tĩnh nên tịch tĩnh vây quanh, do đã tự giải thoát nên giải thoát vây quanh, do đã tự an ổn nên an ổn vây quanh, do đã tự thiện thuận nên thiện thuận vây quanh, do tự đã là A-la-hán nên A-la-hán vây quanh, do đã tự lìa dục nên lìa dục vây quanh, do đã tự đoan nghiêm nên đoan nghiêm vây quanh. Lúc đó có thiên nữ cầm nhánh cây Bạc-câu-la làm lọng đi sau che cho Phật, Phật quán biết ý nhạo tùy miên giới tánh sai biệt của thiên nữ, xứng căn cơ nói pháp khiến cho thiên nữ sau khi nghe pháp liền chứng được quả Dự lưu. Sau đó lại có 500 Ô-ba-tư-ca thấy Phật có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp với ánh sáng chiếu diệu trang nghiêm… liền sanh tâm hoan hỉ, Phật quán biết ý nhạo tùy miên của họ, ứng cơ nói pháp khiến cho họ sau khi nghe pháp liền chứng được quả Dự lưu. Khi được chứng quả, họ bạch Phật rằng: “Thế tôn, nhờ Phật khai ngộ khiến chúng con được Kiến đế chứng quả, điều này không phải do cha mẹ… cho đến sa môn, Bà-la-môn có thể làm được. Thế tôn là bậc đại thiện tri thức đã cứu vớt chúng con ra khỏi ba cõi, hết khổ sanh tử, được đạo Niết-bàn, làm cạn biển máu, vượt khỏi núi xương, núi thân kiến từ vô thỉ đến nay đếu bị phá tan bằng chày trí Kim cang, chứng được Sơ quả. Nay con xin quy y Tam bảo, từ hôm nay cho đến trọn đời thọ trì năm học xứ, cúi xin Thế tôn chứng biết con là Ô-ba-tư-ca. Thế tôn, chúng con nay nên tu nghiệp gì để cúng dường?”, Phật dùng thần biến lực lấy tóc và móng tay đưa cho họ để họ xây tháp thờ, thiên thần ở rừng Thệ đa đem một cây lọng cắm bên trong tháp và nương ở trong tháp để cúng dường, nên người đời gọi tháp này là tháp Trạch thần.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18