CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA DƯỢC SỰ

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 10

Lúc đó các Bà-la-môn tịnh hạnh trong thành Ma thổ la nghe tin Sa môn Kiều-đáp-ma đến thành liền nói với nhau: “Sa môn Kiều-đáp-ma được mọi người khen ngợi, đã tỏ ngộ chân lý, khai thị hiển bày pháp thanh tịnh cho bốn chúng nghe, nếu ông ấy vào thành này thì chúng ta sẽ mất hết lợi dưỡng. Nghe nói Sa môn Kiều-đáp-ma sẽ không đến nơi không tôn trọng mình, nếu ở đây có người không tôn trọng thì Sa môn Kiều-đáp-ma sẽ không vào trong thành. Nếu chúng ta cho người hèn hạ đến khinh hủy thì Sa môn Kiều-đáp-ma sẽ không để lòng; nếu có người ở địa vị cao không tôn trọng và khinh hủy Sa môn Kiều-đáp-ma thì tốt, nhưng trong số chúng ta ai là người đứng đầu?”. Trong thành này có một Bà-la-môn tên là Nhĩ la bộ đề thông đạt Tứ minh và bốn bộ luận Vệ đà, có thể hiển bày tông phái của mình và đả phá tông phái khác, lời nói ra đều đúng sự thật. Các Bà-la-môn liền đến chỗ Nhĩ la bộ đề nói rằng: “Thân giáo sư, chúng con nghe tin Sa môn Kiều-đáp-ma đến thành này, ông ấy được mọi người khen ngợi… giống như đoạn văn trên cho đến câu nếu có người ở địa vị cao không tôn trong và khinh hủy Sa môn Kiều-đáp-ma thì tốt. Ngoài Thân giáo sư ra không có bậc thượng thủ nào làm được việc khinh hủy này”, Nhĩ la bộ đề nói: “lưỡi của tôi chuyển động tùy ý, nếu đáng khinh hủy thì tôi khinh hủy, nếu đáng ca ngợi thì tôi ca ngợi”. Lúc đó Nhĩ la bộ đề cùng các Bà-la-môn kỳ cựu đến chỗ Phật, Nhĩ la bộ đề thấy Phật có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp trang nghiêm thân, ánh sáng bao quanh trên đảnh rộng một tầm sáng rỡ như trăm ngàn mặt trời, đang ngồi dưới gốc cây với oai nghi tịch tĩnh; thấy rồi sanh hoan hỉ liền nói kệ ca ngợi:

“Nhĩ la rất vui mừng,
Khen Phật Nhất thiết trí,
Nói công đức thù thắng,
Ai nghe cũng ưa thích,
Khéo điều phục các căn,
Như pháp tịnh thân ý,
Biển công đức rộng lớn,
Tôi nay lược khen ngợi,
Bậc luận nghị đệ nhất,
Điều phục không lầm lỗi,
Biết được nghĩa đệ nhất,
Đả kích không dao động,
Minh hạnh đều trọn vẹn,
Thiện xảo các cấm giới,
Thắng định vững như núi,
Đủ lực Na-la-diên”…

Như thế cho đến 500 bài tụng ca ngợi Phật, Phật quán biết Bà-lamôn này đã tin sâu liền nói diệu pháp khiến cho ông ta ngay nơi chỗ ngồi chứng được chơn đế lý. Sau khi trở về thành, các Bà-la-môn kỳ cựu đều quở trách Nhĩ la bộ đề tại sao lại khen ngợi Phật như thế, Nhĩ la bộ đề nói: “tôi đã có nói rằng lưỡi của tôi chuyển động tùy ý, nếu đáng khinh hủy thì tôi khinh hủy, nếu đáng ca ngợi thì tôi ca ngợi. Do tôi thấy Sa môn Kiều-đáp-ma có công đức lớn, đáng ca ngợi nên tôi ca ngợi, các vị không nên quở trách tôi”. Sáng hôm sau Phật cùng đại chúng đắp y mang bát định vào thành khất thực, hôm đó nhằm ngày hội cúng sao ở trong thành, nữ thần Tinh tú suy nghĩ: “nếu Sa môn Kiều-đáp-ma vào thành thì ngày lễ cúng sao của ta sẽ bị chướng ngại, ta phải phương tiện khiến ông ta không vào thành”, nghĩ rồi liền hiện thân lõa hình ở trước Phật, Phật bảo nữ thần: “dù cho ngươi có trang sức với y phục đẹp đẽ vẫn còn chưa đẹp, huống chi là lõa hình”, nữ thần nghe lời này rồi hổ thẹn biến mất. Lúc đó Phật dừng lại ở bên đường trải tòa ngồi trước đại chúng nói rằng: “thành Ma thổ la này có năm điều xấu: 1. Là đất đai không bằng phẳng. 2. Là nhiều gai gốc. 3. Là người dân chỉ ăn một loại thức ăn. 5. Là có nhiều người nữ. Vì thế chúng ta không nên vào thành này”, nói rồi Phật rời khỏi chỗ ngồi đi đến vườn của Dược xoa Lư ngồi cạnh một gốc cây với đại chúng vây quanh. Dân chúng trong thành nghe biết được tin này liền cùng làm các món ăn chở đến chỗ Phật để cúng dường, đến nơi rồi đảnh lễ Phật và ngồi một bên nghe Phật nói pháp, Thế tôn tùy thuận nói pháp chỉ dạy cho mọi người được lợi hỉ rồi liền im lặng. Dân chúng chắp tay bạch Phật: “Thế tôn, chúng con đã lo liệu các món ăn tinh khiết chở đến để cúng dường, cúi xin Thế tôn thương xót thọ”, Phật bảo A-nan-đà: “hãy tập họp tất cả các Bí-sô đang ở trong cung Dược xoa Lư đến để thọ cúng dường”. A-nan-đà vâng lời Phật đi tập họp các Bí-sô xong rồi bạch Phật: “xin Phật biết thời”… cho đến câu Phật thọ thực xong, dân chúng trong thành Ma thổ la bạch Phật: “Thế tôn đã điều phục Dược xoa và rồng dữ, dược xoa Lư này đã làm tổn hại chúng con trong một thời gian dài nên không oán mà thành oán, không thù mà thành thù, không nghịch mà thành nghịch. Con của chúng con đều bị nó bắt ăn thịt hết, cúi xin Thế tôn thương xót điều phục dược xoa này”. Lúc đó Dược xoa Lư cũng có mặt, Phật liền bảo dược xoa: “đây là việc phi pháp, ngươi nên nhàm lìa”, Dược xoa bạch Phật: “nếu mọi người có thể xây một Tỳ-ha-la cho tứ phương tăng thì con sẽ bỏ việc ác này, không làm tổn hại nữa”, Phật quay sang hỏi ý kiến của dân chúng trong thành, mọi người đều chấp nhận lời yêu cầu này. Sau khi điều phục được Dược xoa Lư, Phật lần lượt điều phục các dược xoa Trì, Lâm và nữ Dược xoa Ha lê ca; kế hiện đại thần thông vào thành Ma thổ la điều phục nữ dược xoa Ám cùng 500 quyến thuộc của nó. Tổng cộng Phật đã điều phục 2500 Dược xoa ở trong thành và ngoài thành Ma thổ la, những người tín tâm đã tạo dựng tất cả 2500 trú xứ.

Sau đó Phật đi đến tụ lạc Ổ đạt la và dừng nghỉ trong rừng Ổ đạt la, lúc đó Bà-la-môn Ổ đạt la diên nghe tin này liền đi xe ngựA-trắng, tay cầm gậy vàng và bình nước bằng vàng cùng các quyến thuộc ra khỏi thành đến chỗ Phật, nơi nào đường sá thông suốt thì đi xe, nơi nào không thông thì đi bộ. Đến nơi rồi liền thăm hỏi sức khỏe của Phật, sau đó Bà-la-môn bạch Phật: “Thế tôn cho phép con hỏi vài câu”, Phật nói tùy ý hỏi, liền hỏi: “năm Căn đối với các giới xứ đều giữ đối tượng riêng của mình, không giữ đối tượng khác. Sao gọi là giới xứ và giới xứ nhiếp?”, Phật nói: “năm Căn đối với các giới xứ đều thu nhiếp đối tượng riêng của mình, không thu nhiếp đối tượng khác, đó là nhãn giới xứ cho đến thân giới xứ. Các căn này do ý nhiếp thọ và y chỉ nơi ý”, lại hỏi ý y chỉ nơi đâu, đáp là y chỉ nơi niệm, lại hỏi niệm y chỉ nơi đâu, đáp là y chỉ nơi Tứ niệm xứ, lại hỏi Tứ niệm xứ y chỉ nơi đâu, đáp là y chỉ nơi Thất giác chi, lại hỏi Thất giác chi y chỉ nơi đâu, đáp là y chỉ nơi Minh giải thoát, lại hỏi Minh giải thoát y chỉ nơi đâu, đáp là y chỉ nơi Niết-bàn, lại hỏi Niết-bàn y chỉ nơi đâu, Phật nói: “này Bà-la-môn, điều mà ông vừa hỏi quả thật xa vời vì ông không thể đến được cảnh giới đó, việc tu phạm hạnh của ta là đoạn trừ khổ đau, không con cảnh khổ nữa”, nghe Phật nói rồi Bà-la-môn hoan hỉ ra về và nghĩ cách làm tổn hại Phật, ông nghĩ: “ta nghe nói người nào cúng dường cho Phật và chúng Thanh văn phát nguyện gì đều được như ý”, nghĩ rồi liền trở lại chắp tay bạch Phật: “cúi xin Thế tôn và các Bí-sô thọ con thỉnh thực vào ngày mai”… cho đến câu Bà-la-môn phát nguyện: “nguyện cho Sa môn Kiều-đáp-ma và các đệ tử thọ con thỉnh thực rồi sẽ làm bò trong nhà con”. Lúc đó Phật biết được ý nghĩ này liền nói với Bà-la-môn: “lời ông phát nguyện là phi pháp nên không thể thành tựu vì các Bí-sô đã không còn thọ thân sau”. Sau khi trở về trú xứ Phật bảo các Bí-sô: “Bàla-môn Ổ đạt la diên đã phát nguyện ác, các thầy nên tụng kệ chú của Phật quá khứ để lời phát nguyện kia không thành tựu”. Sáng hôm sau Phật cùng A-nan-đà vào làng khất thực, lúc đó có một bà lão tên là Ca chiến la định đi đến giếng múc nước, Phật quán biết bà lão này đã đến lúc hóa độ liền bảo A-nan-đà: “thầy hãy đến chỗ bà lão nói rằng Thế tôn cần nước, bà hãy đem nước đến”. Bà lão nghe A-nan-đà nói xong liền mang nước đến cho Phật, thấy Phật có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp trang nghiêm thân, ánh sáng bao quanh trên đảnh rộng một tầm sáng rỡ như trăm ngàn mặt trời, như núi báu di chuyển, bà lão sanh tâm yêu mến như mẹ yêu con, liền đưa tay định ôm Phật và kêu con ơi. A-nan-đà định cản ngăn nhưng Phật nói không nên ngăn: “vì bà lão này trong 500 đời đã từng làm mẹ của ta, nếu không để cho bà ấy ôm ta, bà sẽ hộc máu”, nói rồi Phật nghiêng đầu cổ cho bà lão ôm rồi xứng cơ nói pháp cho bà nghe, khiến cho bà trụ nơi bốn chân đế lý, chứng quả Dự lưu. Chứng quả rồi bà bạch Phật: “Thế tôn đã mang lại lợi ích cho con, điều này không phải do cha mẹ… cho đến sa môn, Bà-la-môn có thể làm được, khiến con hết khổ sanh tử, được đạo Niết-bàn, làm cạn biển máu, vượt khỏi núi xương, núi thân kiến từ vô thỉ đến nay đếu bị phá tan bằng chày trí Kim cang, chứng được Sơ quả”, liền nói kệ:

“Việc làm của con thảo,
Là báo ân từ mẫu,
Tôi nay nhờ Phật quang,
Tiến trên đường Niết-bàn.
Lành thay việc hy hữu,
Thoát khỏi ba đường ác,
Tôi dùng chút ít công,
Mau đến chỗ Vô ưu”.

Nói kệ rồi đảnh lễ Phật ra về. Thời gian sau được chồng cho phép xuất gia, bà đến đảnh lễ Phật bạch rằng: “Thế tôn, con nguyện được ở trong pháp luật khéo giảng nói này xuất gia thọ viên cụ, Thánh tánh Bí-sô ni ở chỗ Thế tôn tu tập phạm hạnh”. Phật chấp thuận và giao bà cho Đại thế chủ, Đại thế chủ cho bà xuất gia và thọ cận viên rồi chỉ dạy pháp yếu, bà siêng năng tu học, không bao lâu sau phiền não đốn trừ chứng được quả A-la-hán, thoát ly ba cõi đáng được trời người cúng dường. Sau đó bà đem pháp yếu đã được nghe giảng lại cho người khác, Phật nói bà là người phân tích kinh pháp bậc nhất trong chúng Bí-sô ni Thanh văn. Lúc đó các Bí-sô đều có nghi thỉnh hỏi Phật: “Bí-sô ni Chiến Ca-la đã từng tạo nghiệp gì mà về già mới xuất gia, lại do duyên gì mà chịu nghèo hèn, thân cuối cùng không có thai, lại được xuất gia chứng quả A-la-hán, trong việc thuyết pháp sao lại được tối thắng?”, Phật bảo các Bí-sô: “Bí-sô ni Chiến Ca-la đã từng tạo nghiệp lành tích tụ tư lương… ngày nay tự thọ lấy quả báo. Các thầy nên biết, ngày xưa khi ta còn hành đạo Bồ-tát, bà đã từng làm mẹ ta, do nghiệp này nên nay được xuất gia lúc tuổi già. Khi ta hành đạo Bồ-tát bà đã từng ngăn cản, lại không làm việc thiện, còn phu nhân Ma-da thì thường làm việc thiện nên bị sẩy thai. Vào thời Phật Ca-diếp, bà đã nhục mạ các Thức xoa, Bí-sô ni Hữu học và Vô học gọi là nô tỳ, nên nay mang thân nô tỳ nghèo hèn. Lại do ở trong giáo pháp của Phật ca-diếp xuất gia đọc tụng nghe pháp nên Uẩn thiện xảo, giới xứ duyên khởi thiện xảo, xứ phi xứ thiện xảo nên nay được xuất gia trong giáo pháp của ta, đoạn trừ phiền não chứng quả Vô học. Khi xưa Thân giáo sư của bà ở trong giáo pháp của Phật Ca-diếp là người thuyết pháp bậc nhất nên khi sắp qua đời bà đã phát nguyện: “nguyện nhờ công đức thiện căn tu phạm hạnh này ở đời vị lai lúc con người thọ 100 tuổi, có Phật Thích ca mâu ni ra đời đầy đủ 10 hiệu, tôi sẽ được xuất gia trong giáo pháp của vị Phật ấy, đoạn trừ phiền não chứng quả A-la-hán và được Phật thọ ký là thuyết pháp bậc nhất trong chúng Thanh văn ni như Thân giáo sư của con”. Do lời phát nguyện này nên nay Bí-sô ni ấy là người thuyết pháp bậc nhất trong giáo pháp của ta. Này các Bí-sô, hễ tạo nghiệp đen thì cảm quả báo dị thục đen ; tạo nghiệp trắng thì cảm quả báo dị thục trắng… các thầy nên học như thế.”

Sau đó Phật bảo A-nan-đà cùng đi đến tụ lạc Phệ la, khi đến một khu vườn, trong vườn có một Bà-la-môn đang tưới cây, thấy Phật đến liền suy nghĩ: “nếu Sa môn Kiều-đáp-ma vào đây thì nước giếng sẽ bị dơ bẩn”, nghĩ rồi liền giấu gàu nước. Lúc đó Phật dùng thần lực vào trong vườn khiến cho nước trong giếng chảy đầy tràn ra ngoài, Bà-lamôn thấy rồi liền khởi tín tâm đưa gàu nước cho Phật, Phật nói kệ:

“Khắp nơi đều có nước,
Dùng nước giếng làm gì,
Dứt ý tưởng khát Ái,
Còn cầu mong gì nữa”.

Bà-la-môn bạch Phật: “Thế tôn, con nguyện được ở trong pháp luật khéo giảng nói này xuất gia thọ viên cụ, Thánh tánh Bí-sô ở chỗ Thế tôn tu tập phạm hạnh”. Phật nói thiện lai Bí-sô… cho đến Phật nói kệ:

“Thế tôn gọi “Thiện lai”,
Tóc rụng, đủ y bát,
Các căn đều tịch tĩnh,
Thành tựu theo ý niệm”.

Nhờ siêng năng tinh tấn, không bao lâu sau Bí-sô này đoạn hết phiền não chứng quả A-la-hán… Thích phạm chư thiên đều cung kính.

Sau đó Phật du hành đến thành Tỳ lan để, dừng nghỉ dước gốc cây Luyện mộc, vua trong thành tên là Hỏa thọ nghe tin này liền suy nghĩ: “Sa môn Kiều-đáp-ma được các vua nước khác cung kính cúng dường, ta cũng nên tôn trọng cúng dường để khỏi bị chê cười là Như lai vào trong nước, vua Hỏa thọ đã không cúng dường”, nghĩ rồi vua xa giá ra khỏi thành đến chỗ Phật đảnh lễ ngồi một bên nghe Phật nói pháp, Thế tôn tùy thuận nói pháp chỉ dạy cho trưởng giả được lợi hỉ rồi liền im lặng. Vua chắp tay bạch Phật: “cúi xin Thế tôn và các Bí-sô thọ con thỉnh cúng dường tứ sự trong ba tháng hạ an cư”, Phật im lặng nhận lời, biết Phật đã nhận lời vua vui mừng trở về cung ra lịnh quần thần: “hằng ngày các khanh nên chuẩn bị 18 món ăn ngon và thông báo khắp trong nước không ai được cúng dường cho Sa môn Kiều-đáp-ma, nếu tự ý cúng dường sẽ bị giết”. Đêm hôm đó vua nằm mộng thấy có màn trắng vây quanh cung thành, tỉnh mộng trong lòng lo lắng suy tư không biết là điềm lành hay điềm dữ. Sáng hôm sau kể lại giấc mông cho quốc sư nghe và hỏi là tốt hay xấu, vị quốc sư này suy nghĩ: “giấc mộng này báo điềm lành, nhưng nếu ta nói là điềm lành thì vua sẽ thêm cung kính cúng dường Sa môn Kiều-đáp-ma, ta nên nói là điềm xấu”, nghĩ rồi liền tâu vua rằng: “giấc mộng này báo điềm chẳng lành, vua có thể bị mất ngôi hoặc chết”, vua hỏi có cách gì cứu vãn thì quốc sư nói: “trong ba tháng hạ vua nên ẩn trong thâm cung đừng cho ai gặp mặt, nếu được như vậy thì vua sẽ không mất ngôi cũng không bị chết”, vua nghe theo lời quốc sư nên ra thông báo khắp trong nước không ai được gặp vua trong ba tháng ha, nếu ai trái lịnh sẽ mất mạng rồi ẩn mình trong thâm cung. Sáng sớm hôm đó A-nan-đà đến trong cung xin được gặp vua thì thấy trong cung yên lặng, liền hỏi người giữ cửa: “vua Hỏa thọ đã thỉnh Phật và tăng cúng dường ba tháng hạ, vì sao trong cung im lìm không có chuẩn bị gì hết?”, người giữ cửa nói: “Thánh giả, vua tuy có ra lịnh chuẩn bị các món ăn ngon nhưng không nói rõ là chuẩn bị cho ai”, Anan-đà bảo vào bạch vua, liền đáp: “vua đã ra lịnh khắp trong nước không ai được gặp mặt vua, nếu ai trái lịnh sẽ mất mạng”, A-nan-đà nghe rồi liền trở về bạch Phật, Phật bảo A-nan-đà: “thầy hãy đắp Tăng kỳ chi dẫn theo 1 thị giả vào thành ở nơi ngã tư đường thông báo: ai có lòng tin cúng dường cho Phật và các Bí-sô trong ba tháng hạ thì bây giờ là đúng lúc”, A-nan-đà vâng lời Phật dạy đi thông báo nhưng dân chúng trong thành đều nói: “Thánh giả, chúng tôi có thể cúng dường đầy đủ cho Phật và các Bí-sô trong ba tháng hạ, nhưng nhà vua đã ra lịnh không ai được cúng dường cho Phật và tăng trong ba tháng hạ, nếu ai làm trái sẽ giết”. Lúc đó có một thương chủ từ phương Bắc đến với 500 thớt ngựa đến thành này, ông nghĩ: “bây giờ là mùa mưa nếu ta đi tiếp sợ bùn lầy làm cho ngựa bị thối móng”, nghĩ rồi liền dừng lại trong thành ở suốt ba tháng mùa mưa. Con Trí mã của ông mỗi ngày ăn hai thăng lúa mạch, các con ngựa khác mỗi ngày ăn một thăng, khi thương chủ nghe biết việc này nghĩ là mình không phải là người ở lâu trong đất nước này nên nói với A-nan-đà: “Thánh giả, nếu Thế tôn có thể ăn được lúa mạch của ngựa thì mỗi ngày tôi sẽ cúng dường cho Phật hai thăng, còn các Bí-sô khác mỗi người một thăng”, A-nan-đà liền đem việc này bạch Phật, Phật suy nghĩ: “do ta đã tạo nghiệp nên nay tự thọ lấy quả báo…” cho đến Phật nói kệ:

“Dù trải qua trăm kiếp,
Nghiệp đã tạo không mất,
Khi nhân duyên hội họp,
Tự thọ lấy quả báo”.

Nói kệ rồi Phật bảo A-nan-đà: “thầy hãy đi thông báo cho các Bísô: nếu ai có thể cùng Thế tôn ở nơi đây an cư và ăn lúa mạch của ngựa trong ba tháng thì hãy lấy thẻ”, A-nan-đà vâng lời Phật dạy đi thông báo, như thế có tất cả 498 Bí-sô đều lấy thẻ. Lúc đó Xá-lợi-tử bạch Phật: “Thế tôn, con bị bịnh phong không thể ăn lúa mạch của ngựa suốt trong ba tháng”, Đại Mục-kiền-liên cũng bạch Phật: “Thế tôn, con xin đi theo chăm sóc cho tôn giả”. Phật và 498 Bí-sô ở lại an cư còn Xá-lợitử và Đại Mục-kiền-liên lên núi tam phong an cư và được vua trời Đế thích cúng dường trong ba tháng. Lúc đó Phật bảo A-nan-đà lo liệu lúa mạch mà thương chủ đem đến cúng, A-nan-đà đem lúa mạch đến nhà một bà lão trong làng nhờ liệu lý, bà nói: “Thánh giả, tôi đã già yếu không thể liệu lý, Thánh giả hãy nhờ thiếu nữ ở nhà kế bên”, A-nan-đà liền đến nhờ thiếu nữ, thiếu nữ nói: “nếu Thánh giả chịu trả lời câu hỏi của tôi thì tôi sẽ lo liệu số lúa mạch này”, A-nan-đà nhận lời, thiếu nữ hỏi Phật nghĩa là gì, A-nan-đà suy nghĩ: “nghĩa Phật sâu xa khó hiểu, nếu ta nói sợ cô ấy không hiểu được, ta nên nói việc của Chuyển luân Thánh vương”, nghĩ rồi liền nói: “này cô, nếu Chuyển luân Thánh vương xuất hiện ở đời thì có đủ bảy báu: bánh xe báu, voi báu, ngựa báu, nữ báu, thần coi giữ phục tàng báu, thần chỉ huy quân đội báu và ngọc ma ni báu. Bánh xe báu xuất hiện như thế nào? Nếu Chuyển luân Thánh vương dòng Sát-đế-lỵ quán đảnh tắm gội sạch sẽ ròi cùng quần thần lên lầu cao, bánh xe báu sẽ xuất hiện từ phương Đông màu vàng ròng đủ ngàn căm. Lúc đó vua suy nghĩ: “ta từng nghe vua Sát-đế-lỵ quán đảnh vào ngày 15 tắm gội sạch sẽ lên lầu cao mà có bánh xe báu hiện đến thì chắc chắn thành tựu ngôi vị Chuyển luân Thánh vương, ta phải thử xem”, nghĩ rồi vua rồi khỏi chỗ ngồi quỳ xuống, hai tay nâng bánh xe báu lên rồi phát nguyện: “Luân bảo thắng diệu, hãy hiển hiện việc mà Chuyển luân Thánh vương quá khứ đã làm”. Phát nguyện xong, vua cùng bánh xe báu và bốn binh liền bay lên hư không tới những nơi mà Luân vương quá khứ đã tới, bánh xe báu dừng lại nơi nào, vua dừng lại nơi đó. Lúc đó tám vạn bốn ngàn vua của các nước nhỏ đều đến chỗ Luân vương tâu rằng: “đại thiên đã đến, đất nước tôi dân chúng đông đúc, giàu có an vui, xin thiên vương dừng lại nơi đây, chúng thần sẽ làm thị vệ”. Luân vương nói: “các khanh hãy dùng chánh pháp giáo hóa thế gian, không được ở chung với người phi pháp, ai làm như vậy chính là thị vệ của ta”. Bánh xe báu đi đến khắp bốn phương điều phục tất cả rồi quay trở về cung điện của vua.

Voi báu xuất hiện như thế nào? Voi có màu hoa sen, bảy Chi đầy đặn, hình dáng đẹp đẽ oai vệ. Vua nhìn thấy rồi vui vẻ khen là voi báu hiền thiện, kế cho gọi người giỏi điều phục voi đến bảo điều phục voi báu xong thì dẫn đến chỗ vua. Người điều phục voi sau khi điều phục voi xong liền dẫn đến chỗ vua, vì muốn thử voi nên sáng sớm vua cỡi voi ra khỏi cung đi khắp bốn phương, đến giờ ăn mới trở về cung.

Ngựa báu xuất hiện như thế nào? Ngựa có màu xanh biếc, đầu đen nhánh dáng vẻ đẹp đẽ hiên ngang. Vua nhìn thấy rồi vui vẻ khen là ngựa báu hiền thiện, kế cho gọi người giỏi điều phục ngựa đến… giống như trường hợp voi báu, vì muốn thử ngựa, vào sáng sớm vua cỡi ngựa đi khắp bốn phương…

Ngọc Ma ni báu có màu xanh biếc như lưu ly, đủ tám góc, ánh sáng rực rỡ chiếu phá tối tăm…

Nữ báu dung mạo đoan chánh xinh đẹp, các lỗ chân lông trên thân đều phát ra mùi hương Chiên đàn, miệng phát ra mùi thơm hoa sen xanh, khi lạnh chạm vào nàng thì được ấm, khi nóng chạm vào nàng thì được mát.”

Khi A-nan-đà nói đến nữ báu thì thiếu nữ đã liệu lý xong lúa mạch, cô đảnh lễ tôn giả rồi phát nguyện: “nguyện nhờ phước nghiệp này, đời vị lai con sẽ được làm nữ báu của Luân vương”. A-nan-đà mang lúa mạch về đến chỗ Phật, Phật tuy đã quán biết mọi việc nhưng vẫn hỏi A-nan-đà là ai đã liệu lý số lúa mạch này, A-nan-đà liền đem sự việc trên kể lại, Phật nói: “vì sao thầy không nói công đức của Phật mà nói việc của luân vương?”, đáp: “lúc đó con nghĩ là công đức của Phật sâu xa sợ thiếu nữ đó nghe không hiểu được nên mới nói việc của luân vương”, Phật nói: “thầy đã sai rồi, nếu thầy nói về công đức của Phật thì thiếu nữ này ắt sẽ phát tâm vô thượng Bồ-đề không thối chuyển. Nhưng do nguyện lực vừa rồi, thiếu nữ ấy đời vị lai sẽ làm nữ báu của Luân vương”. Lúc đó mọi người khắp xa gần đều nghe biết việc thiếu nữ nhờ liệu lý lúa mạch cho Phật mà được Phật thọ ký làm nữ báu của Luân vương, sau đó liền có 500 thiếu nữ phát tâm liệu lý lúa mạch cho các Bí-sô và đều phát nguyện làm thị nữ cho nữ báu của luân vương. Khi A-nan-đà thấy Phật ăn lúa mạch liền khóc than rằng: “suốt trong ba đại kiếp Phật đã tu các nghiệp lành, tại sao ngày nay ở trong thành này lại phải ăn lúa mạch của ngựa”, Phật liền bảo A-nanđà: “thầy có muốn ăn thử một hạt lúa mạch dư này không?”, A-nan-đà liền ăn thử , cảm thấy mùi vị rất thơm ngon nên bạch Phật rằng: “từ trước đến nay con chưa từng nếm được mùi vị thơm ngon như thế này”, Phật nói: “dù cho là lúa mạch của ngựa vào miệng của Như lai cũng trở thành vị cam lồ, ngon ngọt hơn tất cả các mùi vị”.

Lúc đó vua của các nước xa gần đều nghe biết việc vua Hỏa thọ thỉnh Phật và các Bí-sô cúng dường ba tháng an cư rồi lại ẩn mình trong thâm cung, khiến Phật và tăng phải ăn lúa mạch của ngựa liền phái sứ giả đến gặp vua, nhưng không được vào gặp phải ở ngoài cửa. Lúc đó trưởng giả Cấp-cô-độc liền cho 500 xe chở gạo thơm ngon đến chỗ Phật, Ma vương biết được liền hiện thân cụ thọ A-nan-đà đến ngăn không cho chở đến chỗ Phật, nói với đoàn xe chở lương thực rằng: “trời rồng dược xoa kính trọng Thế tôn, chỉ cần đưa bát ngửa lên trời là có thức ăn thơm ngon của trời tam thập tam cúng dường đầy bát. Làm gì có việc Thế tôn ăn lúa mạch của ngựa, hãy mau quay xe trở về đi”. Mọi người không chịu quay trở lai nên ma vương biến hóa mưa gió lớn làm nước dâng tràn ngập đến trục bánh xe không thể đi được. Vì vậy suốt trong ba tháng hạ Phật và tăng đếu phải ăn lúa mạch của ngựa, còn hai tôn giả Xá-lợi-tử và Đại Mục-kiền-liên ở trên núi thọ chư thiên cúng dường. Mãn ba tháng, thương chủ đến thỉnh Phật và Tăng thọ thực với các món ăn ngon… cho đến câu sau khi Phật thọ thực xong, thương chủ đảnh lễ Phật rồi phát nguyện: “nguyện nhời căn lành này, đời vị lai con sẽ được làm Chuyển luân Thánh vương, Trí mã của con đang cỡi sẽ là Thái tử, 500 con ngựa còn lại sẽ là con của con, người nữ được Phật thọ ký sẽ là nữ báu của con, 500 người nữ kia sẽ là thể nữ của con”, Phật quán biết ý nghĩ của thương chủ liền nói: “này thương chủ, ý nguyện của ông sẽ được thành tựu ở đời vị lai”.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18