CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA DƯỢC SỰ
Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản
QUYỂN 18
Lúc đó các Bí-sô Thanh-văn Kỳ-túc bảo cụ thọ Nhân duyên: “cụ thọ Mật tánh nói bổn nghiệp xong, giờ đến lượt cụ thọ”, cụ thọ Nhân duyên nói kệ:
“Cách đây 91 kiếp,
Tôi ở thành Thân huệ,
Thấy Phật Tỳ-bà-thi,
Sắp đi vào thành đô,
Tôi rải hoa dâng cúng,
Hoa nở cành thẳng đứng,
Thành lọng che đảnh Phật,
Tâm tịnh quỳ xuống chân,
Cung kính đảnh lễ Phật,
Rồi chắp tay nhiễu phải,
Tuy không nghe Phật pháp,
Cũng không thọ Tam quy,
Chỉ phát tâm thanh tịnh,
Tôi đi theo Thiện thệ.
Do tạo nghiệp lành này,
Trải qua 91 kiếp,
Chưa từng sanh cõi ác,
Thường mang thân Đại thiện,
Thọ thiên lạc thù thắng.
Nhiều đời sanh làm người,
Giàu có nhiều của cải,
Đây là thân sau cùng,
Sanh dòng họ tịnh hạnh,
Đối với các bí điển,
Văn nghĩa và xem tướng,
Chương cú đều thông hiểu,
Và tướng hảo đại nhân,
Ở trong rừng tịnh hạnh,
Giáo thọ 500 người,
Bà-la-môn vây quanh.
Tôi rời thành vào rừng,
Lúc đó gặp Thế tôn,
Chúng Bí-sô vây quanh,
Tinh tấn rất dõng mãnh.
Tôi đến Ma-kiệt-đà,
Lại gặp đấng Đại bi,
Liền khởi tâm tịnh tín,
Chính do nhân duyên này,
Được biết tướng thù thắng.
Sau khi thấy Thế tôn ,
Đầy đủ các tướng tốt,
32 tướng trang nghiêm,
Và 80 vẻ đẹp,
Thấy tướng trang nghiêm ấy,
Tôi chí thành kính lễ,
Ca ngợi Đại đạo sư.
Trong sách tướng có nói,
Phật có đầy đủ tướng,
Nhất định là đại sư,
Thế gian không ai bằng,
Hơn Phạm thiên, Đế thích,
Không có người thứ hai.
Vượt cả thần trời đất,
10 phương không ai bằng,
Không thấy ai hơn Phật.
Trên trời, trong loài người,
Là đại tướng hàng ma,
Chỗ dựa nơi không dựa,
Dẫn đường người lạc lối.
Tôi nguyện làm Thanh văn,
Theo lời Phật đã dạy.
Thế tôn duỗi tay xuống,
Tay trăm phước trang nghiêm,
Xoa đầu tôi rồi bảo:
Chính do tâm ông tịnh,
Nên được nhiều thắng lợi,
Tâm thanh tịnh cúng dường,
Phước ấy không hạn lượng.
Phát khởi ý tịnh diệu,
Nơi vô thượng phước điền,
Ma-nạp-bà đã gieo,
Vĩnh viễn theo đường lành,
Không còn sợ cõi ác,
Được mở cửa cam lồ,
Mọi sở thích thành tựu.
Nếu có muốn xuất gia,
Cứ tùy ý đến đây,
Lành thay Bà-la-môn ,
Hãy cạo bỏ râu tóc.
Nghe pháp âm Phật xong,
Tôi bảo các môn đồ,
Môn đồ liền hỏi tôi,
Sao lại làm sa môn,
Vì sao bỏ trắng sạch,
Chọn lấy chỗ tối đen,
Bỏ dòng họ thắng diệu,
Muốn làm loại hạ tiện.
Chủng loại Bà-la-môn ,
Siêu việt trên thế gian,
Từ miệng ngực Phạm thiên,
Hóa sanh Bà-la-môn .
Các trò không hiểu rõ,
Các trò không biết gì,
Giáo lý các trò học,
Theo hiểu biết của ta,
Văn nghĩa rộng vô cùng,
Ta làm theo hiểu biết,
Các trò tùy duyên đi,
Nếu không có cần gì,
Cứ làm theo ý thích,
Ta không còn là thầy,
Từ nay không dạy nữa.
Lúc đó các môn đồ,
Rơi lệ tùy duyên đi.
Đấng đại bi tịch tĩnh,
Dịu dàng an ủi tôi:
Hãy đến, thiện Bí-sô.
Tôi liền thọ cận viên,
Tâm tịnh tín xuất gia,
Đầy đủ đại thần thông,
Việc nên làm làm xong.
Tôi quán nghiệp đời trước,
Thiên nhãn đều sáng sạch,
Biết được tướng sanh tử,
Nơi đã từng thọ thân.
Nay đã chứng thần thông,
Dứt hết hoặc hữu lậu,
Trong ao Vô nhiệt não,
Tự nói nghiệp báo xưa”.
Lúc đó các Bí-sô Thanh-văn Kỳ-túc bảo cụ thọ Kiều-trần-như: “cụ thọ Nhân duyên nói bổn nghiệp xong, giờ đến lượt cụ thọ”, cụ thọ Kiều-trần-như nói kệ:
“Xưa trong đời quá khứ,
Phật Ca-diếp diệt độ,
Tôi thấy các Thanh văn ,
Tập họp lại bàn bạc:
Đại bi Ca-nhiếp-ba ,
Sao Niết-bàn sớm quá,
Người xuất gia quá ít,
Chánh pháp không tỏ rạng,
Pháp chúng ta đã nghe,
Đem chỉ dạy cho nhau,
Tinh tấn không phóng dật,
Trong Phật giáo siêng tu.
Tất cả cùng lên núi,
Trải cỏ làm tòa ngồi,
Cùng thệ chưa dứt lậu,
Không rời khỏi chỗ ngồi.
Do quyết tâm tinh tấn,
Không tiếc thân mạng mình,
Đều chứng được thần thông,
Tất cả vào Niết-bàn.
Tôi vì căn cơ kém,
Không thể dứt được lậu,
Tuy có pháp tương ưng,
Nhưng thân lại qua đời.
Nhờ có pháp tương ưng,
Không xả niệm tinh tấn,
Nên được sanh lên trời,
Trong cung trời Đổ sử,
Gặp được Thích sư tử,
Mâu ni đại Bồ-tát,
Nói pháp cho chư thiên,
Tôi nghe được pháp này,
Liền hết lòng ghi nhớ,
Ưa thích chánh pháp này.
Nghiệp báo trên trời hết,
Sanh xuống Kiếp-tỷ-la,
Mang họ Kiều-trần-như,
Dòng tịnh hạnh quyền thế,
Lúc đó Bồ-tát là,
Con của vua Tịnh-phạn,
Bỏ nước đi xuất gia,
Tu khổ hạnh trong rừng,
Vua Tịnh-phạn bảo tôi,
Hãy đi theo xuất gia,
Để hầu hạ Thái tử.
Tôi với tâm thanh tịnh,
Đến hầu hạ Bồ-tát.
Vì không chứng Thánh đạo,
Tôi nhàm chán bỏ đi,
Thích ca đại mâu ni,
Khi chuyển chánh pháp luân,
Nói ra diệu pháp này,
Tôi chứng ngộ đầu tiên.
Dưới thời Phật Ca-diếp,
Xuất gia tu phạm hạnh,
Trong giáo pháp Thích ca,
Chứng được quả vô lậu.
Bí-sô Kiều-trần-như,
Đối trước các trưởng lão,
Trong ao Vô nhiệt não,
Tự nói nghiệp báo xưa”.
Lúc đó các Bí-sô Thanh-văn Kỳ-túc bảo cụ thọ Ô-ba-ly: “cụ thọ Kiều-trần-như nói bổn nghiệp xong, giờ đến lượt cụ thọ”, cụ thọ Ô-baly nói kệ:
“Xưa trong thời quá khứ,
Thành Bà-la-nê-tư,
Có vua tên Phạm thọ,
Tôi thường hay hầu hạ,
Cắt tỉa râu tóc vua,
Đủ cách làm cho đẹp,
Y phục đều cùng loại,
Xông hương rồi đem dâng,
Kính trọng hầu hạ vua.
Tôi thích ở chỗ vua,
Nói điều chưa từng nghe,
Dục, vị ngọt rất ít,
Là gốc của tội lỗi,
Biển khổ đều do đây,
Không thể được an lạc.
Ai xuất gia lìa dục,
Nghe pháp chưa từng nghe,
Nên thần rất hâm mộ,
Xin vua cho xuất gia.
Vua liền bảo tôi rằng:
Nếu khanh đã quyết định,
Xuất gia được chứng ngộ,
Sẽ trở lại gặp ta,
Ta cho phép xuất gia.
Tôi bèn tâu vua rằng:
Ý thần đã quyết định,
Xin vua hiểu lòng thần,
Xuất gia được chứng ngộ,
Thần hứa sẽ trở lại.
Khi được vua cho phép,
Tôi liền vào trong rừng,
Giữ tâm không hư dối,
Xả tục mà xuất gia,
Tùy sức mình tu tập,
Siêng năng không phóng dật,
Được đến chỗ ly dục.
Dưới thời vua Phạm thọ,
Tôi tên Căng ba la,
Được mọi người yêu quý.
Tôi với tâm chánh trực,
Đến chỗ thầy xin phép,
Đi gặp vua Phạm thọ,
Giúp vua sanh chánh kiến,
Sau khi thầy cho phép,
Tôi từ giã lên đường,
Đến Ba la nê tư,
Vua Phạm thọ nghe tin,
Đích thân đến chỗ tôi,
Do oai đức của vua,
Chư thiên cũng đến theo,
Vua từ xe bước xuống,
Cung kính đảnh lễ tôi,
Ngồi một bên nghe pháp,
Tôi vì nói diệu pháp,
Giúp vua đoạn các dục,
Sau khi dứt các dục,
Vua phát tâm mạnh mẽ,
Nói muốn cầu xuất gia,
Vì không thích dục lạc.
Vua liền cho con trưởng,
Lên nối ngôi vua cha.
Vị vua tối thắng này,
Bỏ nước đi xuất gia.
Tôi bảo vua đi gặp,
Đại tiên ở trong rừng,
Để cầu xin xuất gia,
Vua với tâm chánh trực,
Đảnh lễ các đại tiên,
Nguyện cầu được xuất gia.
Vua cạo bỏ râu tóc,
Thân mặc áo ca-sa,
Quần thần và thân quyến,
Có đến vô lượng người,
Cùng xả tục xuất gia.
Tôi với tâm chánh trực,
Nói diệu pháp cho họ,
Khiến sanh bốn thiền định.
Sau khi tôi qua đời,
Sanh lên Vô biên quang,
Cõi trời ấy hết phước,
Sanh trở xuống nơi đây,
Dù sanh ở nơi nào,
Giàu có nhiều của báu,
Cõi trời và cõi người,
Thường thọ lạc thắng diệu.
Đây là thân sau cùng,
Sanh ở Kiếp-tỷ-la,
Trong dòng họ Thích ca,
Từng hầu hạ Thích tôn,
Do oai đức Thích tôn,
Mới được đi xuất gia.
Khi tôi cạo râu tóc,
Cho vương tử Thích ca,
Có thưa với họ rằng:
Thánh giả không giúp nhau,
Tôi làm gì để sống.
Các vương tử nói rằng:
Chuỗi anh lạc đã có,
Và y phục thượng diệu,
Thảy đều cho anh hết
Tôi thấy các vương tử,
Đều vất bỏ tất cả,
Để cầu được xuất gia,
Tôi là người nghèo khổ,
Giữ nhiều châu báu này,
Nếu có người nghe biết,
Ắt sẽ đến hại tôi.
Tôi nên biết điều độ,
Đem các châu báu này,
Treo lên trên cây cao,
Cũng cầu xin xuất gia,
Cùng với các vương tử.
Các vương tử nghe rồi,
Cho tôi xuất gia trước.
Phật vì thương xót tôi,
Bảo thiện lai Bí-sô,
Cho tôi xuất gia rồi,
Mới độ các vương tử,
Để đốn trừ ngã mạn.
Sau khi được xuất gia,
Được chứng sáu thần thông,
Chứng quả A-la-hán,
Vượt qua bờ bên kia,
Phật thọ ký cho tôi,
Trì luật là bậc nhất.
Bí-sô Ô-ba-ly,
Đối trước các trưởng lão,
Trong ao Vô nhiệt não,
Tự nói nghiệp báo xưa”.
Lúc đó Đại đạo sư,
Bảo tôn giả Vi quang,
Tự nói nghiệp báo xưa,
Từng thọ báo thiện ác,
Tôn giả nghe Phật dạy,
Nhớ lại nghiệp báo xưa,
Liền ở trước đức Phật,
Tự nói nghiệp báo xưa:
“Xưa ở trên Liên hoa,
Đấng cứu thế tối thắng,
Có tháp nơi Khoáng lâm,
Nơi đó nhiều thú dữ,
Nên không ai dám đến,
Để cung kính cúng dường,
Người sống gần nơi đó,
Không biết nghiệp tội phước.
Lúc đó tôi đến tháp,
Dọn sạch các cỏ cây,
Cầm chổi quét sạch tháp,
Trong ngoài tháp đều sạch,
Rồi kính lễ tám phương,
Sau đó mới trở về.
Chính do căn lành này,
Tôi được sanh lên trời,
Cõi trời Tam thập tam,
Hưởng dục lạc thù thắng.
Cho đến ba sáu lần,
Tôi đều làm vua trời,
Thiên cung mà tôi ở,
Thường bằng vàng rực rỡ,
Rộng khoảng 36,
Dài 60 thiện na.
Tôi nhờ duyên kỳ lạ,
Là làm sạch tháp Phật,
Nên sanh xuống nhân gian,
Bảy lần làm nhân chủ.
Tôi nhờ duyên kỳ lạ,
Là làm sạch tháp Phật,
Dù thọ sanh nơi đâu,
Thân quang đều sắc vàng.
Tôi nhờ duyên kỳ lạ,
Là làm sạch tháp Phật,
Thường sanh trong dòng họ,
Bà-la-môn, Sát-lợi.
Tôi nhờ duyên kỳ lạ,
Là làm sạch tháp Phật,
Tùy ý đi kiệu, xe,
Voi, ngựa, không đi bộ.
Tôi nhờ duyên kỳ lạ,
Là làm sạch tháp Phật,
Nếu vào rừng gai góc,
Tự nhiên đều bằng phẳng.
Tôi nhờ duyên kỳ lạ,
Là làm sạch tháp Phật,
Chưa từng bị bịnh tật,
Cũng không có phiền não.
Tôi nhờ duyên kỳ lạ,
Là làm sạch tháp Phật,
Hễ đi đến nơi đâu,
Tướng kiết tường đều hiện.
Tôi nhờ duyên kỳ lạ,
Là làm sạch tháp Phật,
Thường được người quý trọng,
Kính thờ như Đại thiên.
Tôi nhờ duyên kỳ lạ,
Là làm sạch tháp Phật,
Thân chưa từng chịu khổ,
Dù là khổ não nhỏ.
Phật pháp không vết nhơ,
Thật không thể nghĩ bàn.
Tâm tịnh được quả lớn,
Cũng không thể nghĩ bàn.
Ai muốn cầu thắng lạc,
Dứt trừ hết sanh tử,
Nên kính trọng tháp Phật,
Phụng thờ Vô thượng tôn.
Đại đức, tôi nhớ lại,
Đời trước tạo nghiệp lành,
Nên được hưởng báo lành,
Rất đáng được ưa thích.
Bí-sô Vi quang này,
Đối trước chúng Tăng già,
Trong ao Vô nhiệt não,
Tự nói nghiệp báo xưa”.
Lúc đó các Bí-sô Thanh-văn Kỳ-túc bảo cụ thọ Khuê-túc: “cụ thọ Vi quang nói bổn nghiệp xong, giờ đến lượt cụ thọ”, cụ thọ Khuê-túc nói kệ:
“Đại đức, tôi nhớ lại,
Quá khứ câu chi kiếp,
Nơi Phật Nhất thiết siêu,
Đã làm được phẩm thiện.
Lúc đó Phật Thế tôn,
Vô biên trăm ngàn ức,
Chúng Thanh văn vây quanh,
Muốn vào Đại vương đô,
Tôi từ nơi làng khác,
Có việc đến thành này,
Gặp được Đẳng chánh giác,
Đủ 32 tướng tốt,
Sáng như nhật nguyệt chiếu,
Như ánh chớp đêm đen,
Che mờ các ánh sáng,
Phật quang chiếu sáng nhất,
Tôi chưa từng được thấy.
Bỗng thấy ở phía trước,
Có một Bà-la-môn,
Liền hỏi đó là ai,
Đáp là Phật đạo sư,
Trời người không ai bằng.
Lúc đó nghe tiếng Phật,
Tôi sanh tâm tín kính,
Và thích dung nghi Phật,
Toàn thân tôi an lạc.
Bỗng nghe tiếng nhạc trời,
Tiếng phi nhơn tán tụng,
Trời mưa hoa hương bột,
Ở trong thành Thượng thắng,
Hoặc rải hoa sen xanh,
Hoặc mưa Thiệm bát ca,
Hoặc mưa bột Chiên đàn.
Chư thiên ở trên không,
Cung kính hữu nhiễu Phật.
Trong lòng tôi ngưỡng mộ,
Muốn tìm tràng hoa thơm,
Nhưng không ở đâu có,
Bỗng thấy người bán lọng,
Cây lọng trắng sáng đẹp,
Liền vội đến hỏi mua,
Để đem dâng cúng Phật,
Tôi thành tâm cầm lọng,
Lọng bỗng tự vọt đi,
Đến che trên đầu Phật,
Phật đi, lọng cũng đi,
Phật dừng, lọng cũng dừng,
Lọng không rời thân Phật,
Tự nhiên ở trên không.
Tôi cùng với đại chúng,
Thấy thần biến này rồi,
Đều cung kính chắp tay,
Thành tâm kính lễ Phật.
Tôi thấy Đẳng chánh giác,
Chúng Thanh văn uy nghi,
Sau khi trở về nhà,
Tâm tôi thường suy nghĩ,
Mong ước được gặp Phật.
Tôi nhờ dâng cúng lọng,
Cho Vô thượng phước điền,
Do nơi căn lành này,
Thường đầy đủ bảy báu,
Sau khi tôi qua đời,
Sanh làm vua cõi trời,
Cõi trời Tam thập tam ,
Chư thiên đều kính trọng.
Sau đó sanh cõi người,
Làm vua tên Tự lực,
Giàu có nhiều dõng mãnh,
Vua nước khác thần phục.
Do tạo nghiệp lành này,
Dù luân chuyển nơi đâu,
Căn lành không đứt đoạn,
Cũng không đọa đường ác.
Đây là thân sau cùng,
Được làm người xuất gia,
Trong giáo pháp Thích ca,
Thừa sự đức Điều ngự,
Chứng quả A-la-hán,
Nơi tịch tĩnh thanh lương.
Dù Ma biến hoa thân,
Cao đến một do tuần,
Làm hình tướng khủng bố,
Tôi liền hỏi là ai,
Dám làm việc não loạn,
Quán biết đó là Ma,
Cố ý đến não loạn,
Tôi bảo ma Ba tuần:
Cứ tùy ý hiện thân,
Đầu lớn như Tu di,
Rồi hãy đến chỗ tôi.
Tôi đã chứng La hán,
Đủ ba Minh sáu Thông,
Được Phật chỉ dạy pháp,
Đã được an lạc trụ,
Thọ người cúng nắm cơm,
Nhập định suốt bảy ngày,
Thọ giải thoát ý lạc,
Là pháp tôi tu tập.
Đại đức, tôi suy nghĩ,
Do nghiệp lành đời trước,
Nay thọ nhiều quả báo,
Thọ lạc rất tịnh diệu.
Bí-sô Khuê-túc này,
Đối trước chúng Tăng già,
Trong ao Vô nhiệt não,
Tự nói nghiệp báo xưa”.
Lúc đó các Bí-sô đều đã tự nói nghiệp báo xưa xong, liền bạch Phật: “chúng con đã tự nói nghiệp báo xưa xong, cúi xin Thế tôn nói nghiệp báo xưa, Thế tôn xưa đã tạo nghiệp gì mà sau khi thành Chánh giác lại bị đá trên núi xô lăn xuống làm cho chân bị thương?”, Phật bảo các Bí-sô: “xưa kia khi còn là phàm phu, Như lai đã gây nghiệp nay nên nay tự thọ báo. Khi nghiệp đã chín muồi, biến duyên hiện tiền như bóng theo hình, nhất định chiêu lấy quả báo, không ai khác chịu thay. Này các Bí-sô, người nào đã tạo nghiệp thiện ác thì chẳng phải đất nước gió lửa ngoại giới chịu lấy quả báo; mà chính ngay nơi Uẩn xứ giới trong tự thân chiêu lấy quả dị thục.
“Dù trải qua trăm kiếp,
Nghiệp đã tạo không mất,
Khi nhân duyên hội họp,
Tự thọ lấy quả báo”.
Các thầy lắng nghe:
Thuở xưa, trong một làng nọ có một trưởng giả cưới vợ không bao lâu liền sanh một con trai, bé trai này dần dần khôn lớn thì người mẹ bỗng qua đời. Người cha cưới thêm vợ kế, không bao lâu sau người vợ kế này có thai và sanh một con trai. Thời gian sau, người con trai trưởng cưới vợ và sanh rất nhiều con cái; sau đó bà mẹ kế chết, người em trai khác mẹ đến ở chung với anh. Sau khi hỏi rõ thân thế của người em trai này, người vợ của người anh trưởng hỏi chồng: “gia tài có chia cho người em khác mẹ này không?”, người chồng nói là chia đều, người vợ nói: “chú ấy chỉ có một thân, chúng ta đông người, làm sao chia đều được”, người chồng nói là thế pháp quy định như vậy, người vợ nghe rồi liền xúi giục chồng giết chết người em, người chồng nói: “ta đâu thể vì gia tài mà giết chết em mình”. Do người vợ cứ ở bên tai xúi giục mãi, người chồng cũng hồ đồ nghe theo, hễ tâm bị nhiễm dục thì không có việc ác nào mà không làm. Người chồng suy nghĩ: “nếu ta giết nó ở trong làng thì mọi người đều biết, hãy dụ nó đến chỗ vắng vẻ không người”, nghĩ rồi liền rủ người em cùng vào rừng hái trái, hai anh em cùng đi đến một sườn núi dốc, người anh liền xô người em xuống núi, sau đó dùng đá đập chết người em.
Này các Bí-sô, người anh trưởng giết chết em ngày xưa chính là thân ta ngày nay. Ngày xưa vì tài sản, ta đã dẫn người em khác mẹ vào rừng rồi xô xuống sườn núi và dùng đá đập cho chết. Do nghiệp ác này nên trong nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm, nhiều trăm ngàn năm ta bị đọa trong địa ngục chịu các khổ báo. Do nghiệp còn sót nên ngày nay tuy ta đã chứng Đẳng chánh giác, ta vẫn bị đá trên núi xô lăn xuống làm chân bị thương”.
Lúc đó các Bí-sô bạch Phật: “Thế tôn đã tạo nghiệp gì mà sau khi thành Chánh giác vẫn bị cây cọc gỗ Tử khương đâm làm chân bị thương?”, Phật bảo các Bí-sô: “đó là do xưa kia ta đã tạo nghiệp nên nay phải chịu quả báo.
“Dù trải qua trăm kiếp,
Nghiệp đã tạo không mất,
Khi nhân duyên hội họp,
Tự thọ lấy quả báo”.
Các thầy lắng nghe:
Ngày xưa trong một thành lớn có hai thương chủ giỏi kinh doanh mua bán, sau khi lo liệu xong tàu buồm, họ lại ra biển để tìm cầu châu báu. Nhờ thuận buồm xuôi gió nên họ đến được đảo châu báu, một người biết trù lượng sức thuyền để chở số châu báu vừa đủ; người kia không biết trù lượng lại do lòng tham nên chở đầy thuyền. Sau khi ra biển, thuyền chở đầy châu báu quá tải không chịu nổi nên muốn chìm, thương chủ này năn nỉ thương chủ bạn cứu giúp. Thương chủ bạn châm chước cho chứa bớt một ít châu báu lên thuyền mình rồi kéo thương chủ kia qua thuyền của mình trước khi thuyền bị chìm xuống biển. Thương chủ được cứu suy nghĩ: “hai chúng ta cùng ra biển đến đảo châu báu, nay thuyền của ta bị chìm, châu báu cũng mất hết, ta há để cho thương chủ kia trở về với đầy thuyền châu báu hay sao. Ta phải đục thủng thuyền cho thuyền chìm mất hết cũng như ta”, nghĩ rồi liền lén đục thủng thuyền. Thương chủ bạn trông thấy nói rằng: “bạn làm như vậy không những châu báu mất hết mà chúng ta cũng không sống được trở về”. Thương chủ kia do lòng ganh ghét quá mạnh nên không chịu nghe theo lời can ngăn của bạn, vẫn tiếp tục đục thủng thuyền, thương chủ bạn thấy không thể can ngăn được nên đâm chết thương chủ kia.
Này các Bí-sô, thương chủ bạn đâm chết thương chủ đục thuyền kia chính là thân ta ngày nay. Do nghiệp ác này nên suốt nhiều năm, cho đến trăm ngàn năm ta bị đọa vào địa ngục chịu các khổ báo. Do nghiệp còn sót nên ngày nay tuy ta đã thành Chánh giác vẫn bị cây gỗ Tử khương đâm làm chân bị thương”.
Lúc đó các Bí-sô bạch Phật: “Thế tôn trước đã tạo nghiệp gì mà sau khi thành Chánh giác vào làng Sa la khất thực không được gì, phải mang bát không trở về?”, Phật bảo các Bí-sô: “đó là do xưa kia ta đã tạo nghiệp … cho đến câu tự chịu quả báo. Các thầy lắng nghe:
Ngày xưa trong thành Bà-la-nê-tư có một Ma-nạp-bà đi xin ăn để sống, thời đó không có Phật nên chỉ có vị Độc giác là phước điền duy nhất. Lúc đó có vị Độc giác tên là Lạc tịch ở chỗ Tiên nhơn đọa xứ trong rừng Thi lộc thành Bà-la-nê-tư. Vị này vào sáng sớm đắp y mang bát vào thành khất thực, Ma-nạp-bà cũng vào thành xin ăn, đến trước nhà một trưởng xin nhưng không được cho gì. Vừa lúc đó vị Độc giác theo thứ lớp đến trước cửa nhà trưởng giả này khất thực, Ma-nạp-bà thầy liền suy nghĩ: “ta hãy rình xem người xuất gia này có xin được gì không”, nghĩ rồi liền rình bên cửa. Lúc đó vợ của trưởng giả thấy vị Độc giác thân tâm tịch tĩnh liền sanh lòng tín kính, nên đem thức ăn thượng diệu sớt đầy bát để cúng dường. Khi vị Độc giác vừa quay trở ra thì Manạp-bà này liền chặn đường nói rằng: “này người xuất gia, hãy cho tôi xem thức ăn trong bát của Ngài”. Thường pháp của vị Độc giác là nếu không khởi quán thì không biết được tâm ý người khác. Lúc đó vị Độc giác đưa bát cho Ma-nạp-bà xem, do trong lòng ganh ghét nên Ma-nạpbà này buông tay cho bát rơi xuống đất và làm cho thức ăn trong bát đổ hết ra đất rồi lấy chân dẫm lên. Vị Độc giác thấy rồi liền nói: “này Ma-nạp-bà, vì sao lại làm như vậy, nếu cậu cần thì cứ nói, tôi sẽ cho cậu”. Ma-nạp-bà nói những lời thô ác rồi đứng một bên, vị Độc giác tuy không được ăn nhưng do tự điều thuận nên bỏ đi trở về rừng Thi lộc.
Này các Bí-sô, Ma-nạp-bà ngày xưa chính là thân ta ngày nay. Xưa do ta ôm lòng ganh ghét đã làm cho vị Độc giác không được ăn, do nghiệp ác này trải qua nhiều năm cho đến trăm ngàn năm, ta bị đọa vào địa ngục chịu khổ báo. Do nghiệp còn sót nên ngày nay tuy ta đã thành Chánh giác, khi vào làng Sa-la khất thực phải mang bát không trở về”.
Lúc đó các Bí-sô bạch Phật: “Thế tôn trước đã tạo nghiệp gì mà nay bị dâm nữ Mị dung do ngoại đạo xúi bẩy đến để vu báng Thế tôn?”, Phật bảo các Bí-sô: “các thầy lắng nghe: Thuở xưa, khi con người thọ tám vạn tuổi, có Phật Tỳ-bà-thi Như lai xuất hiện ở đời. Vị ấy có hai đệ tử: một tên là Bà-tư-sắt-tra, một tên là Bạt-la-đà-bà-xa. Bà-tư-sắttra y theo lời Phật dạy siêng năng tu tập không có phóng dật nên được chứng quả A-la-hán. Bạt-la-đà-bà-xa do thọ trì ba tạng kinh, đọc tụng thông suốt nên làm đại pháp sư. Thời gian sau có một trưởng giả đối với vị pháp sư em sanh lòng tín kính nên xấy cất một trú xứ với đầy đủ vật dụng cúng dường cho pháp sư. Pháp sư em liền mời sư huynh A-la-hán đến cùng ở chung, trưởng giả này thấy vị A-la-hán này thân tâm tịch tĩnh, oai nghi đĩnh đạc nên sanh lòng tín kính gấp bội, liền lo liệu thức ăn và y phục thượng diệu để dâng cúng. Lúc đó pháp sư em sanh tâm ganh ghét, suy nghĩ: “ta làm thầy của trưởng giả đã lâu nhưng chưa hề cúng cho ta y phục thượng diệu như thế, nay vừa gặp sư huynh ông ta liền dâng cúng”, nghĩ rồi do tâm ganh ghét nên pháp sư em từ đó cố ý vạch tìm lỗi lầm của vị sư huynh. Vị sư huynh biết tâm sư đệ có khác nên nhiếp tâm quán sát, liền quán biết sư đệ đang ganh ghét nên đem y phục thương diệu đó cho lại sư đệ. Tuy được y rồi nhưng vị sư đệ vẫn cố ý vạch tìm lỗi của sư huynh như cũ, nhưng không tìm được. Thời gian sau, trưởng giả sai con gái đến trong trú xứ Tăng làm công quả, vị pháp sư em bảo cô gái: “cô có thể làm giúp ta một việc được không?”, liền hỏi là giúp làm việc gì, đáp: “hãy mặc áo này về, nếu trưởng giả hỏi ai cho thì đáp là của Thánh giả Bà-tư-sắt-tra cho; nếu trưởng giả hỏi vì sao lại cho thì đáp là cho với ý của nam nữ”. Người con gái này làm y theo lời pháp sư en đã dạy, trưởng giả nghe rồi liền sanh tâm bất kính đối với sư huynh A-la-hán. Thường pháp của bậc đại nhân là sợ bị khinh mạn, nên vị ấy rời bỏ trú xứ ấy ra đi.
Này các Bí-sô, vị pháp sư em ngày xưa chính là thân ta ngày nay. Xưa do ta ôm lòng ganh ghét nói ra lời vu báng nên trải qua nhiều năm cho đến trăm ngàn năm, ta bị đọa vào địa ngục chịu khổ báo. Do nghiệp còn sót nên ngày nay tu ta đã thành Chánh giác, vẫn bị ngoại đạo Phạm chí sai dâm nữ đến vu báng”.
Lúc đó các Bí-sô bạch Phật: “Thế tôn xưa đã tạo nghiệp gì mà sau khi thành Chánh giác vẫn bị Ma-nạp-bà nữ Chủy đoan vu báng?”, Phật bảo các Bí-sô: “các thầy lắng nghe: Thuở xưa trong thành Bà-la-nê-tư có một Bà-la-môn học thông Minh luận, lại có 500 đồng tử theo ông thọ học. Lúc đó dân chúng trong thành đều tôn trọng cung kính cúng dường ông như một bậc A-la-hán. Thời gian sau bỗng có một vị tiên chứng năm thông du hành trong nhân gian đến trong thành này, dân chúng thấy tiên nhơn thân tâm tịch tĩnh, dung nhan điều thuận nên sanh tâm tịnh tín. Với phước nghiệp đã có, họ đến chỗ tiên nhơn cung kính cúng dường khiến cho Bà-la-môn kia không còn được kính ngưỡng và được cúng dường như trước nữa. Bà-la-môn sanh lòng ganh ghét tiên nhơn, khởi ý ác nói với học trò rằng: “tiên nhơn ấy rất tham dục”, các học trò cũng nói theo thầy là tiên nhơn ấy rất tham dục rồi đi rao nói khắp trong thành, dân chúng nghe lời này liền sanh tâm khác, tiên nhơn sợ bị khinh mạn nên bỏ đi đến nơi khác.
Này các Bí-sô, Bà-la-môn ngày xưa chính là thân ta ngày nay, 500 đồng tử học trò chính là 500 Bí-sô ngày nay. Xưa do ta ganh ghét nên vu báng tiên nhơn là người tham dục, do nghiệp ác này trải qua nhiều năm cho đến trăm ngàn năm, ta bị đọa vào địa ngục chịu khổ báo. Do nghiệp còn sót nên ngày nay tuy ta đã thành Chánh giác, ta cùng 500 Bí-sô vẫn bị Ma-nạp-bà nữ Chủy đoan đến vu báng”.
Lại nữa các Bí-sô, trong thành Bà-la-nê-tư có vua tên Phạm thọ dùng chánh pháp cai trị, dân chúng giàu có an vui. Trong thành có một dâm nữ tên là Hiền thủ làm nghề bán sắc để sống, lúc đó có một người nam tên là Vi ngẫu, tánh tình bạo ác. Người này đem y phục, chuỗi anh lạc tặng cho dâm nữ để được cùng nàng hoan lạc, nàng mặc áo định đến chỗ Vi ngẫu thì có một người nam khác cầm 500 tiền vàng đến muốn cùng nàng hoan lạc. Hiền thủ suy nghĩ: “nếu ta đến chỗ Vi ngẫu thì sẽ mất 500 tiền vàng này, nhưng có người đem tiền đến dâng thì không nên bỏ mất, ta cùng người nam này hoan lạc, sau đó sẽ đến chỗ Vi ngẫu”, nghĩ rồi liền bảo người hầu: “ngươi hãy đến chỗ Vi ngẫu nói hãy đợi ta chải đầu, tắm rửa, trang điểm xong sẽ đến”. Người hầu đi rồi, Hiền thủ cùng người nam này hoan lạc, do người nam này có nhiều công việc nên không ở lại lâu, Hiền thủ suy nghĩ: “bây giờ ta đến chỗ Vi ngẫu, không biết anh ta có vừa ý không”, nghĩ rồi liền bảo người hầu: “người hãy đến chỗ Vi ngẫu nói là ta đã tắm rửA-trang điểm xong rồi, sẽ đến vườn hoa để cùng hoan lạc”, người hầu đến nói, Vi ngẫu nói: “hồi nãy nói là chưatrang điểm xong, giờ lại nói là trang điểm xong rồi, là có ý gì?”, người hầu do phải đi tới lui hai, ba lượt nên trong long không vui, liền đem việc trên kể lại, nói rằng: “cô ấy mặc áo và đeo chuỗi anh lạc của ông tặng lại cùng người nam khác hoan lạc, nên bảo tôi đến nói đi nói lại như vậy”. Vi ngẫu nghe rồi tâm dục biến mất, tâm giết hại phát sanh liền bảo người hầu về báo lại là hãy đến gặp ở vườn hoa. Khi Hiền thủ đến, Vi ngẫu hỏi: “nàng mặc áo và đeo chuỗi anh lạc của ta tặng lại cùng hoan lạc với người nam khác là nghĩa làm sao?”, Hiền thủ nói: “đó là lỗi của tôi, xin anh tha thứ”, Vi ngẫu nghe rồi liền rút dao chặt đầu Hiền thủ, người hầu thấy liền la lớn, dân chúng nghe tiếng la liền chạy đến. Lúc đó có một vị Độc giác tên Cực lạc đang ngồi nhập định dưới 1 gốc cây gần đó, Vi ngẫu liền để con dao dính máu ở chỗ vị Độc giác rồi chạy lẫn vào trong đám đông. Dân chúng chạy đến thấy con dao dính máu ở chỗ vị Độc giác liền cho rằng vị Độc giác là kẻ giết người, liền lấy dây tròi lại dẫn đến chỗ vua, vị Độc giác nói cách nào họ cũng không tin, vua nghe rồi không truy xét liền ra lịnh đem chém vị Độc giác. Vi ngẫu thấy vị Độc giác sắp bị đem ra chém liền suy nghĩ: “khổ thay người xuất gia giữ giới, đức hạnh mà chịu hàm oan. Đó là lỗi của ta, ta không nên đưa vị ấy đến chỗ chết”, nghĩ rồi liền đến chỗ vua tâu rõ sự thật và xin vua khai ân.
Này các Bí-sô, Vi ngẫu ngày xưa chính là thân ta ngày nay, do nghiệp ác nay nên trải qua nhiều năm cho đến trăm ngàn năm, ta bị đọa vào địa ngục chịu khổ báo. Do nghiệp con sót nên ngày nay tuy ta đã thành chánh giác vẫn cọn bị người đến vu báng”.
Lúc đó các Bí-sô bạch Phật: “Thế tôn trước đã tạo nghiệp gì mà sau khi thành Chánh giác lại còn cùng 498 Bí-sô phải ăn lúa mạch của ngựa ở Biên thành; còn Xá-lợi-tử và Đại Mục-kiền-liên lại được chư thiên cúng dường?”, Phật bảo các Bí-sô: “các thầy lắng nghe: Thuở xưa lúc con người thọ đến tám vạn bốn ngàn tuổi, có Phật hiệu là Tỳ-bà-thi Như lai, Ứng chánh đẳng giác, đủ 10 hiệu. Phật cùng tám vạn bốn ngàn Bí-sô trụ ở gần kinh đô thành Thân huệ, trong thành có một Bà-la-môn dạy học cho 500 đồng tửrất được dân chúng trong thành tôn trọng, cúng dường như một vị Ứng cúng. Khi Tỳ-bà-thi Như lai đến trụ nơi này thì dân chúng trong thành không còn cung kính tôn trọng cúng dường Bàla-môn như trước nữa, điều này khiến ông ta sanh tâm tật đố đối với Phật và tăng. Vào một buổi sáng, các Bí-sô Hữu học và Vô học đắp y mang bát vào thành khất thực được đầy bát thức ăn ngon. Bà-la-môn thấy rồi liền gọi đến để xem đã khất thực được gì, do tật đố nên nói với các học trò: “những người này không đáng được cúng dường các món ăn ngon như thế, chỉ nên thí cho họ lúa mạch thô”, các học trò hùa nhau nói theo: “đúng như lời Thân giáo sư nói, họ chỉ đáng được ăn lúa mạch thô”. Lúc đó trong số học trò có hai người nói: “Ô-ba-đà-da, chớ nên nói lời này. Phật và Tăng chính là bậc ứng cúng, đáng được chư thiên cúng dường không phải có người cúng dường mà thôi”.
Này các Bí-sô, Bà-la-môn ngày xưa chính là ta ngày nay, các học trò nói hùa theo chính là 498 Bí-sô ngày nay, hai học trò hiền thiện ngày xưa chính là Xá-lợi-tử và Đại Mục-kiền-liên ngày nay. Do trước kia ta đối với Tỳ-bà-thi Như lai và các Bí-sô Hữu học, vô học sanh tâm tật đố nói ra lời bất thiện; các học trò nói hùa theo nên ngày nay cùng chịu quả báo này, hai học trò không nói hùa theo, nhờ thiện nghiệp đó nên ngày nay được chư thiên cúng dường”.
Lúc đó các Bí-sô bạch Phật: “Thế tôn trước đã tạo nghiệp gì mà khổ hạnh suốt năm vẫn không thể chứng quả?”, Phật bảo các Bí-sô: “…các thầy lắng nghe:
Thuở xưa ở làng Vô tỉ có một người thợ gốm tên là Hỷ hộ như trong phẩm Vương pháp tương ưng kinh Trung A Cấp ma có nói rõ. Này các Bí-sô, Ma-nạp-bà tên Vô thượng ngày xưa chính là thân ta ngày nay. Xưa do ta nói Phật Ca-nhiếp-ba tu khổ hạnh chưa chứng đầy đủ trí huệ nên ngày nay ta tu khổ hạnh suốt trong sáu năm vẫn không thể chứng đạo quả Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Nếu thuở đó ta không sám hối trước vị Phật đó và nguyện cầu được chứng Đẳng chánh giác ở đời vị lai thì dù trải qua ba A-tăng-kỳ kiếp tu phẩm thiện, ta vẫn chưa thể thành Phật”.
Lúc đó các Bí-sô bạch Phật: “Thế tôn trước đã tạo nghiệp gì mà sau khi thành Chánh giác vẫn còn đau bịnh?”, Phật bảo các Bí-sô: “… các thầy lắng nghe:
Thuở xưa ở một làng nọ có một thầy thuốc, lúc đó con trai của một trưởng giả trong làng mắc bịnh nên trưởng giả mời thầy thuốc đến nhà chữa bịnh cho con, thầy thuốc sau khi ra toa cho uống thuốc, bịnh liền khỏi, trưởng giả liền mang ít của cải ra biếu cho thầy thuốc. Thời gian sau trưởng giả mắc bịnh, ba lần mời thầy thuốc, ba lần đều được chữa khỏi nhưng trưởng giả lại không đem lễ vật đến tạ ân. Thầy thuốc trong lòng tức giận suy nghĩ: “trưởng giả ba phen mắc bịnh, ba phen ta đều chữa khỏi nhưng ông ta đều không tạ ân; nếu lần sau ông ta mắc bịnh nữa ta sẽ cho uống thuốc không đúng bịnh để người ngu đó chịu khổ đau đớn như đứt ruột”. Thời gian sau con của trưởng giả bịnh cũ tái phát liền đến mời thầy thuốc, do trong lòng đã sanh tức giận nên thầy thuốc liền ra toa cho uống thuốc không đúng bịnh khiến cho con của trưởng giả đau đớn như đứt ruột.
Này các Bí-sô, thầy thuốc ngày xưa chính là thân ta ngày nay. Do xưa ta với tâm ác cho con của trưởng giả uống thuốc không đúng bịnh nên ta bị đọa vào địa ngục chịu khổ báo cho đến trăm ngàn năm. Do nghiệp còn sót nên ngày nay sau khi đã thành Chánh giác ta vẫn bị đau bịnh”.
Lúc đó các Bí-sô bạch Phật: “Thế tôn xưa đã tạo nghiệp gì mà sau khi thành Chánh giác, khi người khác tru diệt dòng họ Thích, Thế tôn liền đau đầu?”, Phật bảo các Bí-sô: “… các thầy lắng nghe: Thuở xưa ở cạnh sông Lưu huệ có 500 ngư phủ, lúc đó trong biển cả có hai con cá lớn bị trôi giạt mắc cạn trong sông. Các ngư phủ này bắt được rồi bàn với nhau: “nếu ta giết cá này thịt sẽ thối rữa không ai chịu mua, chúng ta nên cột lại, khi có ai đến mua chúng ta sẽ cắt thịt dần để bán, như vậy thít cá mới tươi”, bàn xong họ làm y như vậy, khi có ai đến mua họ mới cắt bán từng phần khiến cho cá đau đớn giẫy giụa, máu chảy khiến nước sông biến thành màu đỏ. Lúc đó có đứa bé ở trên bờ thấy cảnh này liền vui cười thích thú.
Này các Bí-sô, đứa bé cười thích thú đó chính là thân ta ngày nay. Xưa thấy cảnh ngư phủ giết cá cắt lấy thịt bán, ta vui thích nên trải qua cho đến trăm ngàn năm thường mắc bịnh đau đầu, Do nghiệp con sót nên ngày nay sau khi thành Chánh giác, lúc dòng họ Thích bị tru diệt ta liền bị đau đầu”.
Lúc đó các Bí-sô bạch Phật: “Thế tôn trước đã tạo nghiệp gì mà sau khi thành Chánh giác vẫn còn bị đau lưng trúng gió?”, Phật bảo các Bí-sô: “… các thầy lắng nghe:
Thuở xưa có một tráng sĩ du lịch qua các nước đến một kinh đô, vua ở kinh đô đó có một tráng sĩ nổi danh là vô địch. Hai tráng sĩ này gặp nhau, vì muốn biết ai mạnh yếu nên họ hẹn đấu nhau. Thường pháp củatráng sĩ là chỉ cần nắm tay nhau liền biết được ai mạnh yếu, lúc đó tráng sĩ từ ngoài đến sau khi nắm tay tráng sĩ trong nước xong liền biết tráng sĩ này không thể thắng nổi mình, vị tráng sĩ trong nước cũng biết như thế nên nói với tráng sĩ kia rằng: “anh nên biết dòng họ tôi ở trong nước này nổi danh là vô địch từ lâu đời nay. Tôi biết không thể thắng nổi anh, chỉ xin anh đừng đánh gục tôi để dòng họ tôi khỏi bị chê cười, tôi sẽ đem con gái đẹp của mình gả cho anh”. Tráng sĩ từ ngoài đến nghe nói vậy liền nhận lời, ba lần đánh ba lần đều giả thua nhưng tráng sĩ vô địch lại không giữ lời gả con gái, tráng sĩ kia trong lòng tức giận nên lần thứ tư khi đánh nhau, liền nâng tráng sĩ vô địch trong nước lên và ném mạnh xuống khiến cho tráng sĩ nổi danh vô địch này bị gãy cột sống mà chết.
Này các Bí-sô, tráng sĩ đánh chết tráng sĩ vô địch trong nước đó chính là thân ta ngày nay. Do nghiệp ác này trải qua cho đến trăm ngàn năm ta chịu khổ báo trong địa ngục. Do nghiệp còn sót nên ngày nay sau khi đã thành Chánh giác ta vẫn còn bị đau lưng. Này các Bí-sô, vì lý do này ta thường tuyên thuyết: hễ tạo nghiệp thuần đen thì cảm quả báo dị thục thuần đen; tạo nghiệp thuần trắng thì cảm quả báo dị thục thuần trắng; tạo nghiệp xen tạp thì được quả báo xen tạp, các thầy nên bỏ nghiệp thuần đen và nghiệp xen tạp, phải siêng tu nghiệp trắng, các thầy nên học như thế.”
Lúc đó Thế tôn cùng 500 Bí-sô A-la-hán nói nghiệp báo xưa ở trong ao Vô nhiệt đã xong, liền ẩn mất ở ao Vô nhiệt và hiện ra ở trong vườn của Lộc tử mẫu phía đông thành Thất-la-phiệt. Lộc tử mẫu nghe tin liền đến chỗ Phật đảnh lễ ngồi một bên nghe Phật nói pháp, Thế tôn tùy thuận nói pháp chỉ dạy cho được lợi hỉ rồi liền im lặng. Lúc đó Lộc tử mẫu chắp tay bạch Phật: cúi xin Thế tôn và các Bí-sô ngày mai thọ con thỉnh thực”, Phật im lặng nhận lời, biết Phật đã nhận lời Lộc tử mẫu trở về nhà lo liệu đầy đủ các món ẩm thực rồi sai sứ đến thỉnh Phật… cho đến câu Phật thọ thực xong, nói pháp chỉ dạy cho Lộc tử Mẫu được lợi hỉ rồi trở về trú xứ. Về đến xứ Phật mới bảo các Bí-sô: “Lộc tử mẫu thỉnh Phật và Tăng thọ thực xong lại quên thỉnh Thế tôn đọc kệ chú nguyện”.