CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA DƯỢC SỰ

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 13

Phật lại bảo vua Thắng quang: “thuở xưa ta vì cầu quả Vô thượng chánh đẳng chánh giác làm lợi ích cho các hữu tình như sau, Đại vương hãy lắng nghe:

Thuở xưa có Chuyển luân Thánh vương tên là Đại Hỷ kiến, có đủ bảy báu và bốn Thần thông… như trong phẩm 3 của kinh Trường A cấp ma có nói rõ. Lúc đó vua Hỷ kiến ưa thích chánh pháp nên cúng dường thức ăn cho 500 vị Độc giác, sau đó lại dâng cúng cho mỗi vị Độc giác một tấm giạ rồi nói kệ:

“Đã chứng tâm rộng lớn,
Nhơn giả chớ phóng dật,
Cúng dường người trì giới,
Thì sẽ được tăng ích,
Người cúng dường hiểu rõ,
Tín tâm được giải thoát,
Do chứng, tâm không tội,
Đời sau được an vui”.

Này Đại vương, Chuyển luân Thánh vương có đủ bảy báu và bốn Thần thông ngày xưa, nay chính là thân ta. Xưa nhờ cúng dường 500 vị Độc giác tuy không được quả Vô thượng chánh đẳng chánh giác, nhưng nhờ nhân duyên này tích tụ thiện căn để đến ngày nay được thành tựu đạo quả Chánh giác”.

Phật lại bảo vua Thắng quang: “này Đại vương, để cầu quả Vô thượng chánh đẳng chánh giác, ta đã làm công đức xả thí như sau, Đại vương hãy lắng nghe:

Thuở xưa có một Bà-la-môn tên là Thời chí thuộc dòng hào tộc, thường thực hành bố thí và cúng dường các Bà-la-môn. Ông có 84 vạn con voi lớn được trang sức bằng các đồ trang sức bằng vàng, dùng lụa vàng phủ lên lưng voi và có tua ren rũ xuống dưới. Ông đem những con voi này cúng dường cho các Bà-la-môn… như trong kinh Tý la ma có nói rõ. Kinh Trung A cấp ma có bài kệ về công đức bố thí này:

“Thí rồi nguyện họ vui,
Ta thí trụ vô úy,
Cúng dường cho thế gian,
Trời cùng với mọi người,
Cầu cho tất cả vui,
Xả thí, trụ vô úy,
Thường cầu sẽ giải thoát,
Giàu có làm nhân chủ”.

Này Đại vương, Bà-la-môn cúng dường 84 vạn con voi thuở xưa đó chính là thân ta ngày nay. Xưa kia nhờ xả thí tuy ta chưa chứng được đạo quả Vô thượng chánh đẳng chánh giác, nhưng nhờ nhân duyên đó ta có chánh tín, cho đến nay công đức viên mãn mới thành tựu được quả Vô thượng chánh đẳng chánh giác”.

Phật lại bảo vua Thắng quang: “này Đại vương, để cầu đạo quả Vô thượng chánh đẳng chánh giác, ta đã bố thí tu các phước nghiệp như sau, Đại vương hãy lắng nghe:

Thuở xưa có Chuyển luân Thánh vương tên là Kiết thắng thống lĩnh bốn châu, có đủ bảy báu và được ba thần thông, do không có con nên nhà vua đã tìm đủ cách để có con. Lúc đó có một người đến tâu vua: “có một loại thuốc tên là đa tử, vương phi uống vào sẽ có con”, vua nghe rồi liền cho người đi tìm loại thuốc này. Khi tìm được thuốc vua liền cho vươngphi uống, uống xong vương phi liền mang thai nhưng không biết là nhờ uống thuốc, Đủ ngày tháng sanh một con trai nhưng lại có hình dáng kỳ dị, mặt như sư tử và có sức mạnh như Na-la-diên, vua làm lễ đặt tên cho con là Mao thảo. Khi vương tử trưởng thành, ở phía trước vương tử bỗng xuất hiện một chiếc loa và bánh xe vi diệu; nếu vương tử thổi loa này thì quân địch nghe tiếng loa đều bỏ chạy hoặc bị điếc tai; nếu nghe tiếng bánh xe chuyển động cũng đều bỏ chạy. Sau khi chế phục được vua các ngoại bang, vương tử đến báo cáo với phụ vương, phụ vương vui mừng cho người sang nước lân bang hỏi cưới công chúa cho Thái tử, nhưng trong ngày lễ thành hôn công chúa thấy Thái tử có hình dáng kỳ dị nên sợ hãi bỏ chạy. Thái tử cầm loa, bánh xe và đao đuổi theo công chúa, trên đường đi thấy voi ngựa của nhà vua bị sư tử ăn; Thái tử liền cầm loa thổi khiến cho sư tử, hổ, sói đều bỏ chạy. Những người giữ voi ngựa đem một phần sáu số voi ngựa biếu cho Thái tử, Thái tử nói: “số voi ngựa các vị biếu cho ta, hãy để lại đây, khi quay về ta sẽ lấy”, nói rồi tiếp tục đuổi theo công chúa. Lúc đó thân quyến của Thái tử đem binh mã tới bảo Thái tử: “Thái tử hãy quay về, nếu nhất quyết đuổi theo thì hãy dẫn số binh chúng này đi theo”, Thái tử nói: “tôi đi một mình, không cần binh chúng”, nói rồi một mình đi đến nước của vợ. Thấy Thái tử đến cha vợ bảo: “hãy dẫn công chúa đi”, Thái tử liền dẫn công chúa đi, trên đường trở về Thái tử đến chỗ người giữ voi để nhận số voi ngựa họ đã biếu, họ nói là đã bị gió thổi bay mất hết, Thái tử nghe rồi liền nói kệ:

“Voi ngựa lớn và nhỏ,
Đều bị gió thổi bay,
Huống chi bò và dê,
Suy tư liền tự biết.”

Trở về cung tắm rửa rồi soi gương mới thấy mình hình dung đáng sợ, tự nghĩ: “mặt mũi ta đáng sợ như vậy, hèn chi mọi người đều ghê sợ, ta mang chi thân này nữa”, nghĩ rồi liền vào trong rừng muốn tự tử. Lúc đó vua trời Đế thích quán thấy Thái tử là Bồ-tát trong Hiền kiếp liền suy nghĩ: “nếu làm cho Thái tử được xinh đẹp thì sẽ không muốn tự tử nữa”, nghĩ rồi liền cho Thái tử hạt châu trong búi tóc, sau khi đeo hạt châu này Thái tử trở nên xinh đẹp như thiên tử và có đủ bảy báu. Sau khi vua cha băng hà, Thái tử lên nối ngôi, thống lĩnh bốn cõi, dúng chánh pháp cai trị, có oai lực lớn, ở 0 vạn thành, vua đều thiết lập nghĩa đường, y theo pháp thế tục lập nhà tế tự chuyên tu bố thí trong nhiều năm. Sau khi cúng dường cho các Bà-la-môn trong suốt trăm ngàn năm, vua nói kệ:

“Ai có nhiều thọ dụng,
Chư thiên và loài người,
Keo kiệt không bố thí,
Nhiều của mà không xả,
Người mê lòng chấp chặt,
Phật dạy nên bố thí,
Cầm gậy không phải dũng,
Tâm năng thí mới dũng”.

Này Đại vương, Chuyển luân Thánh vương xưa kia thiết lập nghĩa đường, y theo pháp thế tục lập nhà tế tự chuyên tu bố thí, rộng tu công đức, chính là thân ta ngày nay. Nhờ xả thí nên ngày nay ta mới thành tựu quả Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Ta tu tập phước này còn nhờ nơi nhân duyên, tín căn và tích tụ căn lành nên nay mới chứng quả Chánh giác”.

Phật lại bảo vua Thắng quang: “Đại vương, để cầu quả Vô thượng chánh đẳng chánh giác, ta đã hành bố thí, tu phước nghiệp như sau, Đại vương hãy lắng nghe:

Thuở xưa có một vị vua tên là Loa Ma-đằng-ca với hằng trăm quyến thuộc vây quanh, vua có tâm từ bi thường làm lợi ích cho các hữu tình. Gặp lúc trong nước mất mùa đói kém, vua chí thành phát nguyện, trời liền giáng mưa xuống, nhờ thế nước ấy trở nên giàu có, thời gian sau vua bỏ ngôi vua xuất gia theo tiên nhơn, chứng được năm thông. Lúc đó ở thành Bà-la-nê-tư có vua tên Phạm đức cai trị, dân chúng đông đúc an vui, bỗng có tướng số đoán rằng trong 12 năm tới trời sẽ không mưa, vua liền cho đánh trông bố cáo dân chúng : “ai có thể chuẩn bị lương thực trong 12 năm thì ở lại, ai không thể thì được phép sang nước khác”. Dân chúng nghe rồi nói với nhau: “nghe nói ở nước Ma-đằngca có vị tiên chân thật thệ nguyện thì trời liền giáng mưa, nên nước ấy được giàu có an vui, chúng ta nên sang nước đó”, nói rồi đều cùng nhau bỏ sang nước Ma-đằng-ca sinh sống. Ở nước đó sau khi vua cha xuất gia Thái tử lên nối ngôi, trong suốt 12 năm cung cấp đầy đủ lương thực cho những người sống nhờ ở nước mình. Lúc đó vua Phạm đức hỏi quần thần mới biết dân chúng nước mình đã bỏ sang ở nước Ma-đằng-ca, liền bảo quần thần: “hiện nay thế gian đói kém như thời mạt kiếp, chúng ta nên làm cách gì để thoát khỏi nạn này?”, quần thần tâu: “vua Ma-đằng-ca nay đã xuất gia chứng đạo tiên, chúng ta nên cung thỉnh vị ấy đến”. Vua nghe rồi liền đến chỗ tiên Ma-đằng-ca cung thỉnh đến nước mình phát lời nguyện chân thật, tiên nhơn nhận lời đến nước đó phát lời nguyện chân thật như sau:

“Ta dù sanh dòng Chiên đồ la,
Cũng không ác tâm làm tổn hại,
Tam Loa xin báo cho hết thảy,
Chư thiên và người đều đã thấy,
Nay ta phát lời nguyện chân thật,
Từ lâu đã huân tập tâm từ,
Thường vì chúng sanh khắp pháp giới,
Xin rồng giáng mưa cứu người đói,
Từ khi sanh ra luôn tu thiện,
Từ lâu huân tập tâm từ bi,
Dùng vô lượng lời chân thật này,
Xin rồng giáng mưa cứu chúng sanh”.

Tiên nhơn phát nguyện xong, ờ thành Bà-la-nê-tư liền có mưa to, trong nước được mùa không còn đói kém nữa, dân chúng sống nhờ ở nước Ma-đằng-ca đều trở về lại quê hương.

Này Đại vương, vua Tam Loa Ma-đằng-ca ngày xưa chính là thân ta ngày nay, Ngày xưa ta hành từ bi làm lợi ích cho các hữu tình, nếu phát lời nguyện chân thật thì trời liền giáng mưa, khiến cho trong nước được mùa hết đói kém. Đại vương, không phải chỉ do bố thí mà chứng quả Vô thượng Bồ-đề, còn phải do tu vô lượng phước đức nhân duyên, tích tập căn lành, phát tâm chánh tín nên ngày nay mới chứng quả Vô thượng chánh đẳng chánh giác”.

Phật lại bảo vua Thắng quang: “Đại vương, để cầu quả vô thượng Bồ-đề, ta đã tu bố thí, làm các phước nghiệp như sau, đai vương hãy lắng nghe:

Thuở xưa ở nước Di địa la có vua chuyển luân tên là Đại thiên như trong kinh A Cấp ma có nói rõ, vua tự thấy mình có nhiều thọ dụng nên làm pháp tế tự và nói kệ:

“Nếu mong cầu giàu có,
Ở cõi trời và người,
Nên tùy sức bố thí,
Do vì sợ bần cùng,
Người thí được người trọng,
Sau được chư thiên cúng,
Người, phi nhơn quy y,
Như mưa rơi, kết trái.”

Đại vương, vua chuyển luân ngày xưa chính là thân ta ngày nay, ngày xưa do ta quyết định hướng về đường lành, thường tu phạm hạnh nên trong tám bốn ngàn đời thường ở ngôi vị Chuyển luân. Đại vương, không phải chỉ do bố thí mà chứng quả Vô thượng Bồ-đề, còn phải do tu vô lượng phước đức nhân duyên, tích tập căn lành, phát tâm chánh tín nên ngày nay mới chứng quả Vô thượng chánh đẳng chánh giác.”

Phật lại bảo vua Thắng quang: “Đại vương, để cầu quả Vô thượng Bồ-đề, ta đã tu bố thí làm các phước nghiệp như sau, Đại vương hãy lắng nghe:

Thuở xưa ở thành Di địa la có vua chuyển luân tên là Nê-di-la như trong kinh A Cấp ma có nói rõ, vua thấy mình có nhiều thọ dụng nên làm các pháp tế tự, bố thí cho tất cả rồi nói kệ:

“Thấy ai làm pháp lành,
Thì hãy làm lành theo,
Người biếng nhác không làm,
Chính là người thấp hèn”.

Lúc đó vua trời Đế thích bảo vua Nê-di-la: “vua hãy đến trong cung của tôi để thọ hưởng ngũ dục cõi trời, tùy ý thọ lạc”, vua liền nói kệ:

“Như mượn vật của người,
Hết hạn thì phải trả,
Thiên lạc cũng như vậy,
Giống như vật mượn tạm,
Ta về Di địa la,
Tu tạo các phước nghiệp,
Nhờ phước sanh lên trời,
Sẽ đến trong cung ấy”.

Vua Nê-di-la liền trở về nước mình lo tu bố thí làm các phước nghiệp rồi nói kệ:

“Người hiền khen bố thí,
Tùy thời mà hành xả,
Sát lợi, Phạm, Phệ xá,
Chiên đồ, Tuất đạt la,
Hành xả lúc đói kém,
Giúp họ được no đủ,
Sẽ xa lìa đường ác,
Sau được sanh lên trời,
Người trí biết phước này,
Nên thường hành xả thí,
Do thí được giải thoát,
Phú quý và sanh thiên”.

Này Đại vương, vua chuyển luân ngày xưa chính là thân ta ngày nay, ngày xưa ta lên cõi trời Tam thập tam được vua trời Đế thích chia tòa mời ngồi và mời ở lại thọ hưởng năm dục, ta còn trở về nước Di địa la thiết lập nghĩa đường, y theo pháp thế tục lập nhà tế tự chuyên tu bố thí. Đại vương, không phải chỉ do bố thí mà chứng quả Vô thượng Bồđề, còn phải do tu vô lượng phước đức nhân duyên, tích tập căn lành, phát tâm chánh tín nên ngày nay mới chứng quả Vô thượng chánh đẳng chánh giác”.

Phật lại bảo vua Thắng quang: “Đại vương, để cầu quả Vô thượng Bồ-đề, ta đã hành xả thí tu các phước nghiệp như sau, đai vương hãy lắng nghe:

Thuở xưa có vị vua tên là A-nan-đà, vua có trăm người con, người con nhỏ nhất tên là Cảnh diện. Thời gian sau vua nhiễm bịnh dù đã dùng đủ loại thuốc, bịnh vẫn không khỏi mà còn nặng thêm, khi sắp qua đời vua bảo quần thần nên lập vua mới, quần thần hỏi vua định lập ai, vua nói: “người nào có phước đức, có phước báo của chư thiên, khi mang giày báu thì người trong cung đều nghe lời, là người thấy được sáu phục tàng: 1. Là nội tàng. 2. Là ngoại tàng. 3. Là nội ngoại tàng. 4. Là phục tàng ở trong rừng. 5. Là phục tàng ở trong núi. . Là phục tàng ở dưới nước; thì người đó nên lập làm vua”, nói xong vua băng hà. Sau khi chọn lựa, quần thần thấy chỉ có vương tử út tên cảnh diện là có đủ các điều kiện trên nên lập lên làm vua, sau khi lên ngôi vua thấy có sáu phục tàng. Hễ vua đứng dưới gốc cây nào thì bên dưới có phục tàng, gọi là phục tàng trong rừng cây; vua ở trong khe núi hay vườn hoa cũng vậy, cho đến vua vui đùa trong nước thì dưới nước đó có phục tàng. Vua dúng chánh pháp cai trị, trong nước mất mùa đói kém trong 12 năm, vua y pháp tế tự bố thí khiến cho dân chúng được no đủ rồi nói kệ:

“Nhờ pháp được của cải,
Người trí không cất chứa,
Bố thí là giữ giới,
Thí và người thọ thí,
Sa môn, Bà-la-môn ,
Người nghèo được no đủ,
Sau khi bỏ thân này,
Sẽ được sanh lên trời,
Hiểu rõ được việc này,
Chánh tín niệm giải thoát,
Thường mạnh mẽ bố thí,
Hành xả không lẫn tiếc”.

Này Đại vương, vua Cảnh diện ngày xưa chính là thân ta ngày nay. Ngày xưa dân chúng đói kém trong 12 năm ta đã bố thí cho tất cả được no đủ, không phải chỉ do bố thí mà chứng quả Vô thượng Bồ-đề, còn phải do tu vô lượng phước đức nhân duyên, tích tập căn lành, phát tâm chánh tín nên ngày nay mới chứng quả Vô thượng chánh đẳng chánh giác”.

Phật lại bảo vua Thắng quang: “Đại vương, để cầu đạo quả Vô thượng Bồ-đề, ta đã hành bố thí tạo các phước nghiệp, phát tinh tấn Ba-la-mật như sau, Đại vương hãy lắng nghe: Thuở xưa ở nước Bàn già la có hai ông vua, vua ở phía Bắc tên là Viết tài trụ trong thành Long các, một người làm vua ở phía Nam. Vua Viết tài dùng chánh pháp cai trị nên đất nước phồn thịnh an vui, trong nước không có kiện tụng, dân chúng ấm no, mưa gió thuận thời, ngũ cốc được mùa. Cạnh thành Long các có một cái ao lớn, trên mặt ao phủ đầy các loại hoa sen và có nhiều loại chim đến đây cư trú, dưới ao có một Long tử tên Diệu sanh thường nổi mây giáng mưa đúng thời làm cho ruộng lúa tốt tươi, dân chúng được mùa. Vua phía Nam bản tánh hiểm ác, thô bạo dùng phi pháp cai trị khiến cho dân chúng lầm than nên trời không giáng mưa, dân chúng đều bỏ trốn sang thành Long các để sống. Vua phía Nam khi ra khỏi thành săn bắn thấy xóm làng trống rỗng, miếu thờ thần hư hoại bèn hỏi quần thần nguyên do, quần thần liền tâu rõ nguyên do như trên, vua nghe rồi liền hỏi: “làm cách nào để cho nhân dân quay trở lại?”, quần thần đáp: “nếu Đại vương cũng thục hành từ bi làm lợi ích cho chúng sanh như vua Viết tài phía Bắc, thì không bao lâu sau dân chúng sẽ quay trở về quê cũ. Cạnh thành Long các ở phía Bắc có một cái ao lớn, trên mặt ao phủ đầy các loại hoa sen và có nhiều loại chim đến đây cư trú, dưới ao có một Long tử tên Diệu sanh thường nổi mây giáng mưa đúng thời làm cho ruộng lúa tốt tươi, dân chúng được mùa”, vua hỏi quần thần: “làm cách nào để Long tử Diệu sanh đến sống ở nước ta”, quần thần tâu: “nếu có người trì chú thì Long tử ấy có thể đến đây sống”. Vua liền ra lịnh đánh trống thông báo trong dân chúng:” ai có thể trì minh chú khiến cho Long tử Diệu sanh ở thành Long các phía Bắc đến sống ở nước ta thì sẽ được thưởng một rương vàng ròng và nhiều thứ khác”, lúc đó có một thầy trì chú tên là Chú xà đến chỗ Đại thần nói: “nếu chắc chắn cho tôi một rương vàng ròng thì tôi có thể trì chú gọi Long tử Diệu sanh đến ở nơi đây”, đại thần liền đưa cho ông ta một rương vàng, ông liền nói: “đợi tôi trì chú gọi rồng đến sẽ nhận vàng sau”. Lúc đó thầy trì chú liền đi đến thành Long các quan sát bốn phía ao để biết chỗ rồng ở rồi trở về báo cho đại thần biết đến ngày thứ bảy rồng sẽ đến nước phía Nam. Long tử Diệu sanh biết thầy trì chú đến đây tác pháp, trong bảy ngày nữa sẽ dẫn mình đến nước phía Nam, liền suy nghĩ: “làm cách nào để có thể không xa lìa cha mẹ và quyến thuộc, phải trốn ở đâu để tránh được họa này?”. Cách ao không xa có hai người thợ săn cư trú, một người tên Bà la ca, một người tên Pha la ca. Thời gian sau thợ săn Bà la ca chết, chỉ còn lại thợ săn Pha la ca, Long tử Diệu sanh liền đến chỗ thợ săn này nói rằng: “anh có biết nhờ ai mà dân chúng nơi đây được an vui, no đủ không?”, đáp: “đều là nhờ vua hành từ bi làm lợi ích cho tất cả”, lại hỏi: “ngoài nhà vua ra còn nhờ ai nữa?”, đáp: “còn nhờ có Long tử Diệu sanh ở trong ao thường giáng mưa đúng thời khiến cho lúa và ngũ cốc được mùa”, lại hỏi: “nếu có người nào dẫn rồng đi đến nơi khác thì anh sẽ làm gì người ấy”, đáp là sẽ giết người đó, lại hỏi: “anh có biết Long tử Diệu sanh không?”, đáp là không biết, rồng nói: “tôi chính là Long tử Diệu sanh, hiện nay có thầy trì chú ở nước phía Nam tên là Chú xà sắp đến đây kiết giới tác pháp để dẫn tôi đi. bảy ngày nữa ông ta đến ao tác pháp bốn phía ao, đóng cọc giăng lưới… lúc đó anh hãy ẩn một nơi gần đó, khi thấy tôi quậy nước, anh hãy bắn vào yếu huyệt của ông ta rồi đến bảo ông ta rằng: hãy thu hồi chú pháp, nếu không ta sẽ chém đầu. Anh đợi ông ta giải chú pháp rồi mới giết ông ta, nếu không làm như thế tôi sẽ thường bị chú pháp trói buộc đến chết, thợ săn nói: “nếu chỉ vì lợi ích cho riêng Long tử tôi còn làm, huống chi là vì lợi ích cho tất cả dân chúng nơi đây, xin Long tử chớ lo”, Long tử liền dẫn thợ săn đến gần ao chỉ chỗ ẩn nấp. Đến ngày thứ bảy, thầy trì chú đến chỗ ao lập đàn kiết giới tác pháp như lời Long tử nói, thợ săn liền bắn tên vào yếu huyệt của ông ta và làm đúng như lời Long tử đã dặn. Được cứu thoát, rồng ra khỏi ao ôm người thợ săn nói: “anh chính là cha mẹ tôi, vì đã cứu thoát tôi khỏi nổi khổ xa lìa cha mẹ và quyến thuộc, anh hãy theo tôi xuống Long cung”, nói rồi liền dẫn thợ săn xuống Long cung đãi ăn rồi tăng cho thợ săn viên ngọc quý, cha mẹ của Long tử tặng thêm cho thợ săn nhiều châu báu, thợ săn nhận rồi trở về nhà. Cách ao không xa có trú xứ của một vị tiên, một ngày nọ thợ săn đến chỗ tiên nhơn kể lại sự việc trên, tiên nhân liền nói: “ở trong Long cung có một sợi dây Bất không, anh nên xin sợi dây đó, không nên lấy châu báu làm gì”. Thợ săn nghe rồi sanh lòng tham, thời gian sau lại đến trong Long cung thấy sợi dây như lời tiên nhân nói, liền xin rồng sợi dây đó mà không nhận lấy châu báu, rồng nói: “sợi dây này vô dụng đối với anh, vì sợ chim cánh vàng và để hộ thân nên chúng tôi phải giữ sợi dây này”, thợ săn nói: “nếu Long tử nhớ ân nghĩa thì hãy cho tôi xin sợi dây ấy”, rồng nghe rồi suy nghĩ: “người này đã có ân với ta, ta nên hỏi cha mẹ rồi hãy cho”, nghĩ rồi liền hỏi ý kiến cha mẹ sau đó mới đưa cho thợ săn, thợ săn nhận sợi dây rồi vui mừng trở về nhà.

Lúc đó ở trong cung, vua Viết tài lo buồn vì vương phi không có thai, nghĩ rằng: “ta có vô lượng của báu mà không có con kế thừa, nếu biết ta không có con mọi người sẽ lập người khác lên kế thừa ngôi vị”, quần thần và quyến thuộc của vua sau khi biết rõ nguyên do liền khuyên vua nên cầu con ở các miếu thờ thiên thần, nhưng nếu nhờ khẩn cầu mà có con thì mọi người đều có ngàn người con, thật tế phải hội đủ ba điều mới có thể có con: 1. Là cha mẹ giao hội. 2. Là người mẹ đúng thời kỳ có thai. 3. Là tham Ái hiện hữu. Do nhà vua hết lòng cầu con nên Bồ-tát ở Hiền kiếp giáng thần vào thai của đại phu nhân của vua. Lúc đó vương phi biết mình có thai, tâm sanh hoan hỉ nói với vua: “Đại vương biết chăng, thiếp nay đã có thai, thai nằm bên nách trái nhất định là con trai”. Vua nghe rồi rất vui mừng, lúc đó vương phi suy nghĩ: “sau 10 tháng ta sẽ sanh con, con ta sẽ nối thạnh tổ nghiệp, hy vọng sau khi ta chết nó sẽ vì ta bố thí, tu các phước nghiệp, ta còn sống thì nó thương theo bên ta”. Khi sắp sanh, vương phi dạo chơi, trên thân trang sức chuỗi anh lạc như thiên nữ dạo chơi trong vườn Hoan hỉ… 9 tháng trôi qua, hài nhi ra đời dung mạo đoan nghiêm, ai nhìn cũng yêu mến, lúc đó có chư thiên đánh trống giúp vui khiến vua rất kinh ngạc. Sau đó vua ra lịnh quét dọn sạch sẽ trong thành ấp … cúng dường cho các Sa môn, Bà-la-môn và những người nghèo khổ, phóng thích tù nhân… Trải qua một ngày vì Thái tử tu Các phước nghiệp như thế, vua mới hội quần thần đặt tên cho Thái tử, quần thần bàn luận: “vua tên tài, nên đặt tên cho vương tử là Thiện tài”. Vua giao Thái tử cho tám bà nhũ mẫu chăm sóc… không bao lâu sau Thái tử trưởng thành như hoa sen lên khỏi mặt nước, học thông các môn học và kỹ nghệ, tất cả 4 kỹ năng. Vua lại xây cho Thái tử ba cung điện với ba vườn thượng uyển ứng với ba mùa xuân hạ đông…

Lúc đó thợ săn Pha la ca nhân săn đuổi cầm thú đến một ngọn núi, dưới chân núi có trú xứ của một tiên nhân, nơi đó có hoa quả tốt tươi với đủ loài chim đẹp, lại có ao lớn với đủ loại hoa sen. Vị tiên nhân đó có tóc và móng tay đều dài, mình mặc vỏ cây, do tu khổ hạnh nên thân hình khô đét, thợ săn thấy rồi liền đảnh lễ và hỏi tiên nhân ở đây đã bao lâu, tiên nhơn nói là đã 40 năm, lại hỏi: “tiên nhân ở nơi đây có thây việc gì kỳ lạ không?”, tiên nhân nói: “nước trong ao này trong mát, mùi vị như sữa được hòa với vị hoa. Mỗi tháng vào ngày 15 có vương nữ Khẩn-na-la tên là Duyệt ý cùng 500 quyến thuộc mang theo các loại hương hoa đến tắm trong ao này. Khi tắm họ trổi nhạc, nghe tiếng nhạc này các con chim sống nơi đây đều ngừng hoạt động, bản thân ta cũng cảm thấy vui vẻ, sảng khoái đến bảy ngày. Hiền thủ, ta ở nơi đây chỉ thấy có việc này là kỳ lạ”. Thợ săn nghe rồi suy nghĩ: “ta có được sợi dây bất không của rồng cho, ta nên dùng dây này bắt trói vương nữ Duyệt ý”, nghĩ rồi liền đợi đến ngày 15 núp ở gần ao, khi thấy vương nữ xuống ao tắm liền ném sợi dây bắt trói, thấy vương nữ bị bắt trói, các quyến thuộc đều bỏ chạy tứ tán. Lúc đó thợ săn thấy vương nữ xinh đẹp muốn ôm lấy, vương nữ nói: “ông không thể làm chồng tôi được, vì tôi chỉ có thể làm vợ vua”, thợ săn nói: “chỉ là ta sợ cô bỏ chạy”, vương nữ nói: “tôi sẽ không bỏ chạy nếu ông giữ viên ngọc báu trong búi tóc của tôi”, thợ săn liền giữ viên ngọc báu và dẫn vương nữ đi. Trên đường về gặp Thái tử Thiện tài đi săn, thợ săn suy nghĩ: “Thái tử nếu gặp vương nữ xinh đẹp này nhất định sẽ chiếm đoạt, chi bằng ta tự dân cho Thái tử”, nghĩ rồi liền đem đến dâng cho Thái tử, Thái tử vừa thấy vương nữ liền sanh tâm tham đắm, như con thiêu thân bay vào lửa, như sóng nước không thể dừng được, như bò tơ và chim cánh vàng nhanh nhẹn không thể ngăn cản, như gió bảo thổi không thể quay lại, như khỉ được cây leo chuyền không dừng… Đó là do tâm tham dục phiền não tích tụ từ vô thỉ đến nay, cảnh dục do tâm cấu uế, do vọng tưởng nghĩ đến vị lạc của dục … làm dây cung, tâm dục làm tên và lấy đối tượng vương nữ làm đích, nên Thái tử nói kệ:

“Thấy dung nhan nàng như trăng rằm,
Hoặc như ánh chớp giữa đám mây,
Tâm rối loạn như voi bị bắn,
Đón nhận Duyệt ý mang về thành”.

Thái tử thưởng cho thợ săn nhà cửa và ruộng đất rồi dẫn vương nữ Duyệt ý về trong cung cùng hoan lạc, vương nữ xinh đẹp dịu dàng biết cách săn sóc nên Thái tử rất yêu mến không muốn xa lìa. Thời gian sau có hai Bà-la-môn đến trong thành Long các, một người theo hầu vua được vua tôn là thầy và ban thưởng nhiều của cải; một người theo hầu Thái tử và cũng được Thái tử ban cho nhiều của cải. Lúc đó Bà-la-môn này hỏi Thái tử: “nếu sau này Thái tử được lập lên làm vua, sẽ đối xử với tôi như thế nào?”, Thái tử nói: “như cha ta đã tôn vị kia làm thầy, ta cũng sẽ tôn ông làm thầy, đứng đầu trong số các Bà-la-môn”. Nghe được lời này, Bà-la-môn kia tức giận suy nghĩ: “ta phải làm cách gì để Thái tử không được nối ngôi, huống chi là Bà-la-môn này được địa vị tôn quý”. Thời gian sau có nước lân bang sang xâm lấn, vua sai tướng đi đánh dẹp đều bị thua quay về, quốc sư suy nghĩ: “nay đã đúng thời cơ, ta nên tâu vua cho Thái tử đi chinh phạt khiến cho Thái tử bị giặc giết chết”, nghĩ rồi liền tâu vua: “Thái tử trẻ tuổi lại có sức mạnh, Đại vương hãy cho làm đại tướng đến đó chống địch, chắc chắn sẽ chế phục được giặc”. Vua nghe rồi liền cho gọi Thái tử đến bảo: “con hãy làm đại tướng dẫn binh đến nước khoáng dã đánh dẹp quân địch”, Thái tử tuân lịnh rồi trở về cung từ giã vợ, nhưng khi gặp Duyệt ý liền quên mất lời vua cha đã dạy; vua cho gọi lần thứ hai và cũng như trước khi gặp duyệt ý liền quên mất. Quốc sư tâu vua: “Thái tử tham đắm Duyệt ý, xin Đại vương ra lịnh cho quân binh tập họp ở chỗ Thái tử rồi bảo Thái tử xuất phát trước mặt vua”, vua nghe rồi liền làm y theo lời quốc sư, Thái tử xin được từ giã Duyệt ý vua không cho, lại xin được từ giã mẹ vua liền cho, Thái tử đến chỗ mẹ đưa viên ngọc trên búi tóc của Duyệt ý cho mẹ và nói rằng: “viên ngọc này xin mẹ hãy cất giữ chớ đưa cho Duyệt ý, trừ khi gặp khổ não bức bách có thể chết, lúc đó mẹ mới đưa lại cho nàng”, người nhận lời, Thái tử nhiễu quanh mẹ ba vòng rồi lên đường. Đi cách thành không xa, Thái tử cho quân dừng nghỉ dưới một gốc cây, lúc đó vua trời Phệ thất la mạt noa dẫn quyến thuộc đi ngang qua nơi đó, bỗng nhiên họ không thể chuyển động được, vua trời này kinh ngạc suy nghĩ: “ta từng đi qua nhiều nơi nhưng chưa gặp trường hợp như thế này”, liền quán biết Thái tử là Bồ-tát trong Hiền kiếp sắp đi đến nước kia đánh dẹp giặc, vua trời suy nghĩ: “ta nên giúp Thái tử, đừng để cho vị ấy bị tổn hại”, nghĩ rồi liền ra lịnh cho Dược xoa thứ năm dẫn quân binh đến thành Khoáng dã đánh bại quân địch giúp cho Thái tử. Dược xoa vâng lịnh dẫn bốn binh hóa làm hình người cao lớn như cây Đa la, voi to lớn như núi, ngựa lớn như voi thị hiện oai lực làm cho quân giặc khiếp vía và bảo quân giặc mở cửa thành để đón Thái tử. Thái tử vào thành sắp xếp lại mọi việc và cắt đặt quan mới trấn giữ rồi dẫn quân trở về nước. Trong đêm ấy vua cha nằm mộng thấy diều hâu bay đến quắp ruột của vua nhiễu quanh bốn mặt thành, còn thân vua được đưa vào nhà bằng châu báu. Tỉnh giấc vua lo sợ sẽ bị đoạt vương vị hoặc là bị chết nên hội quần thần kể lại giấc mộng trên. Quốc sư nghe rồi liền biết Thái tử đã thắng trận nhưng lại cố ý giải sai giấc mộng nên tâu vua rằng: “đây là ác mộng, báo điềm vua sẽ bị mất ngôi hoặc bị chết. Trong chú pháp của Bà-la-môn có phương pháp trừ bỏ nguy ách này”, vua liền hỏi là phương pháp gì, quốc sư nói: “nên đào một cái ao trong vườn thượng yuển của vua, giết thú dữ lấy máu đổ đầy ao, chung quanh trang hoàng đẹp đẽ và tô láng bằng cát trắng và tạo bốn đường đi, cửa vào ở một bên, cửa ra ở một bên. Sau đó phải có một Bà-la-môn thông suốt Tứ minh dùng lưỡi liếm chân vua, kế dùng mỡ của Khẩn-na-la để đốt hương làm lễ trừ tai ách cho vua được ở lâu trên ngôi vua”, vua nói:“mọi thứ đều có thể làm được nhưng mỡ Khẩn-na-la tìm đâu ra?”, quốc sư nói: “vợ của Thái tử chính là vương nữ của Khẩn-na-la”, vua nói: “nàng ấy và con ta thương yêu như vậy, ta không thể”, quốc sư nói:

“Đại vương há không nghe:

Bỏ một vì quyến thuộc,
Vì làng bỏ quyến thuộc,
Bỏ làng giữ thành ấp,
Vì thân bỏ đại địa.
Vua cần được bảo vệ,
Và bảo vệ Thái tử,
Sau mới đến người khác,
Cần phải giết Duyệt ý”.

Vua nghe rồi liền ra lịnh làm theo lời quốc sư. Lúc đó các cung nữ trong cung của Thái tử nghe biết việc này vui mừng nói với nhau: “sẽ đến lượt chúng ta hầu hạ Thái tử”, Duyệt ý nghe rồi liền hỏi nguyên do, một cung nữ nói rõ mọi việc cho Duyệt ý biết, Duyệt ý nghe rồi sầu não chạy đến chỗ mẹ của Thái tử than khóc, người mẹ nói: “hãy đợi ta tim hiểu hư thật như thế nào”. Sau khi biết rõ thật hư, mẹ của Thái tử nói với Duyệt ý: “đã đến lúc con phải ra đi, nếu ta không đưa lại cho con viên ngọc trên búi tóc này của con tức là ta phụ lòng Thái tử”, Duyệt ý nhận viên ngọc liền bay đi. Lúc đó vua đã vào trong ao và Bà-la-môn đã liếm dưới chân vua xong muốn lấy mỡ của vương nữ Khẩn-na-la thì vương nữ đã bay lên hư không và nói kệ vọng xuống:

“Thân tôi vì cấu nhiễm,
Ham vui nên đến đây,
Nay đã được giải thoát,
Nương hư không bay đi”.

 

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18