CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA DƯỢC SỰ

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 11

Lúc đó vua Hỏa thọ ở trong thâm cung mong thấy điềm lành, cụ thọ A-nan-đà đến cửa cung vua xin được gặp vua. Vì đã mãn ba tháng nên người giữ cửa liền vào tâu với vua có Thánh giả A-nan-đà xin được gặp, vua nói: “ta đang mong thấy điềm lành, Bí-sô A-nan-đà là người thuộc dòng họ tôn quý, là người có phước đức, có danh văn, dung sắc tốt đẹp, lời nói ra đều hiền thiện, siêng tu các phẩm thiện nên cho vào, không nên ngăn cản”. Lúc đó sứ giả của các nước cũng cùng cụ thọ A-nan-đà vào gặp vua, sau khi hỏi thăm sức khỏe vua rồi, A-nan-đà nói: “Thế tôn gởi lời thăm hỏi Đại vương và bảo rằng: “Phật và Thánh chúng đã an cư trong nước của vua đủ ba tháng, nay muốn ra đi”, nên sai tôi đến báo cho Đại vương biết”, vua nói: “trong mùa hạ vừa qua, Thế tôn có an lạc không, ăn uống có đầy đủ không?”, sứ giả các nước nói: “Đại vương vô đạo, đã thỉnh Phật và Tăng cúng dường ba tháng an cư lại ẩn mình trong thâm cung, không hỏi han gì đến cũng không cho ai gặp mặt, khiến cho Thế tôn đã phải ăn lúa mạch của ngựa suốt ba tháng”, vua hỏi A-nan-đà: “Thánh giả, có thật Thế tôn và chúng tăng đã ăn lúa mạch của ngựa suốt trong ba tháng không?”, đáp là thật, vua nghe rồi liền té xỉu, phải lấy nước rưới lên mặt mới tỉnh lại, vua cho gọi quần thần đến hỏi: “ta đã ra lịnh mỗi ngày chuẩn bị các món ăn ngon, các khanh không làm như vậy hay sao?”, đáp: “Đại vương tuy có bảo như thế, nhưng lại không bảo chuẩn bị các món ăn đó cho ai”. Sau đó vua Hỏa thọ đến chỗ Phật đảnh lễ ngồi một bên nghe Phật nói pháp, Thế tôn tùy thuận nói pháp chỉ dạy cho vua được lợi hỉ rồi im lặng. Vua chắp tay bạch Phật: “Thế tôn, con có lỗi rất lớn, do con ngu si không phân biệt hiền thiện, thiếu khôn khéo nên trước đây đã thỉnh Thế tôn và chúng tăng cúng dường ba tháng an cư, lại ẩn mình trong thâm cung … Cúi xin Thế tôn thương xót cho con sám hối”, Phật nói: “Đại vương, đúng như vua đã nói do vua ngu si không phân biệt…; nhưng Đại vương nên biết, ai gây lỗi lầm mà biết tự hối thì tội tự tiêu diệt, phước đức tăng thêm, vì sao, vì do thấy tội và biết sám hối”, vua bạch Phật: “cúi xin Thế tôn và chúng tăng thọ con cúng dường tứ sự trọn đời”, Phật nói: “Đại vương, Như lai ra đời thọ mạng ngắn ngủi, những người chưa được độ còn rất nhiều mà giờ nhập Niết-bàn sắp đến, ta không thể thọ sự cúng dường của vua trọn đời được”, vua bạch: “nếu Thế tôn không thọ con cúng dường trọn đời thì xin thọ con cúng dường trong bảy năm … cho đến bảy ngày”, Phật đều không nhận, vua lại bạch: “nếu vậy xin Phật và chúng tăng thọ con cúng dường vào ngày mai”, Phật suy nghĩ: “nếu không thọ lời thỉnh này, vua sẽ hộc máu mà chết”, nghĩ rồi Phật im lặng nhận lời, biết Phật đã nhận lời, vua đảnh lễ Phật rồi trở về cung hỏi quần thần: “các khanh có cách gì làm cho Phật và tăng thọ hết các món cúng dường vào ngày mai không?”, đáp: “hãy để trên đất rồi thỉnh Phật và tăng đi qua, như thế cũng coi như là đã ăn”. Vua liền ra lịnh làm theo cách đó, lúc đó trong chúng tăng có một vị lớn tuổi mới xuất gia, trong tâm còn sân hận việc vua thỉnh Phật và Tăng cúng dường ba tháng hạ, lại để cho Phật và tăng ăn lúa mạch của ngựa, nên dùng chân hất đổ các món ăn cúng dường để trên đất. Các trưởng giả, Bà-la-môn thấy đều chê trách, các Bí-sô đem việc này bạch Phật, do nhân duyên này Phật chế học xứ không được dùng chân đá đổ thức ăn để ăn, nếu làm trái thì phạm tội Việt pháp.

Lúc đó các Bí-sô đều có nghi thỉnh hỏi Phật: “Thế tôn trước đã tạo nghiệp gì mà trải qua vô số kiếp xả bỏ đầu mắt… bố thí, đã thành tựu quả vị Chánh đẳng giác mà ngày nay lại còn phải cùng 498 Bí-sô đến trong thành này ăn lúa mạch của ngựa trong ba tháng an cư; 2 cụ thọ Xá-lợi-tử và Đại Mục-kiền-liên vì sao lại được chư thiên cúng dường?”, Phật bảo các Bí-sô: “nghiệp đã tạo xưa kia, ngày nay trở lại tự thọ.

“Dù trải qua trăm kiếp,
Nghiệp đã tạo không mất,
Khi nhân duyên hội họp,
Tự thọ lấy quả báo”.

Các thầy lắng nghe:

Thuở xưa lúc con người thọ đến tám vạn bốn ngàn tuổi, có Phật hiệu là Tỳ-bà-thi Như lai, Ứng chánh đẳng giác, đủ 10 hiệu. Phật cùng tám vạn bốn ngàn Bí-sô trụ ở gần kinh đô thành Thân huệ, trong thành có một Bà-la-môn dạy học cho 500 đồng tử rất được dân chúng trong thành tôn trọng, cúng dường như một vị Ứng cúng. Khi Tỳ-bà-thi Như lai đến trụ nơi này thì dân chúng trong thành không còn cung kính tôn trọng cúng dường Bà-la-môn như trước nữa, điều này khiến ông ta sanh tâm tật đố đối với Phật và tăng. Vào một buổi sáng, các Bí-sô Hữu học và Vô học đắp y mang bát vào thành khất thực được đầy bát thức ăn ngon. Bà-la-môn thấy rồi liền gọi đến để xem đã khất thực được gì, do tật đố nên nói với các học trò: “những người này không đáng được cúng dường các món ăn ngon như thế, chỉ nên thí cho họ lúa mạch thô”, các học trò hùa nhau nói theo: “đúng như lời Thân giáo sư nói, họ chỉ đáng được ăn lúa mạch thô”. Lúc đó trong số học trò có hai người nói: “Ô-bađà-da, chớ nên nói lời này. Phật và Tăng chính là bậc ứng cúng, đáng được chư thiên cúng dường không phải có người cúng dường mà thôi”.

Này các Bí-sô, Bà-la-môn ngày xưa chính là ta ngày nay, các học trò nói hùa theo chính là 498 Bí-sô ngày nay, hai học trò hiền thiện ngày xưa chính là Xá-lợi-tử và Đại Mục-kiền-liên ngày nay. Do trước kia ta đối với Tỳ-bà-thi Như lai và các Bí-sô Hữu học, vô học sanh tâm tật đố nói ra lời bất thiện; các học trò nói hùa theo nên ngày nay cùng chịu quả báo này, hai học trò không nói hùa theo, nhờ thiện nghiệp đó nên ngày nay được chư thiên cúng dường. Cho nên Ta thường tuyên thuyết: “hễ tạo nghiệp đen thì cảm quả báo dị thục đen; tạo nghiệp trắng thì cảm quả báo dị thục trắng, tạo nghiệp xen tạp thì cảm quả báo xen tạp… các thầy nên học như thế.”

Sau đó Phật cùng A-nan-đà đi đến thành Vô năng địch, dừng nghỉ bên bờ sông Căng già, lúc đó có một Bí-sô đến chỗ phật đảnh lễ rồi chắp tay bạch Phật: “Thế tôn, xin hãy lược nói diệu pháp cho con nghe, con sẽ hết lòng lãnh thọ, siêng năng tu tập để được thông đạt. Do nhân duyên này mà con rời bỏ gia đình giàu có, cạo bỏ râu tóc, mặc ca-sa xuất gia, mong cầu được phạm hạnh vô thượng, dùng trí hữu học để đắc pháp, thấy pháp, được tự lợi lợi tha, hiểu rõ “sanh tử đã tận, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không thọ thân sau”, Phật nhìn thấy trong sông Căng già có một cây gỗ lớn đang trôi theo dòng nước liền hỏi Bísô này: “thầy có thấy cây gỗ đang trôi theo dòng nước đó không?”, đáp thấy, Phật nói: “nếu Bí-sô nào giống như cây gỗ đó không vướng vào bờ bên này, không vướng vào bờ bên kia, không ở giữa dòng, không vướng vào cồn bãi, không bị người hay phi nhơn vớt, không rơi vào chỗ nước xoáy, không bị mục rã thì không bao lâu sau sẽ trôi ra biển lớn, Bí-sô cũng vậy, nếu không vướng bờ bên này… giống như trên cho đến câu không bao lâu sau sẽ nhập Niết-bàn”, Bí-sô bạch Phật: “Thế tôn, không vướng bờ bên này… ý nghĩa như thế nào, cúi xin lược nói khiến con được khai ngộ… không còn thọ thân sau?”, Phật nói: “bờ bên này là chỉ cho sáu nội xứ, bờ bên kia là chỉ cho sáu ngoại xứ; trụ ở giữa dòng là chỉ cho tham đắm dục lạc; vướng vào cồn bãi là tâm sanh ngã mạn; bị người vớt là Bí-sô cùng các bạch y ân nghĩa thù đáp qua lại; bị phi nhơn vớt là Bí-sô phát nguyện rằng: do căn lành này nguyện được sanh lên cõi trời hay cõi quỷ thần; rơi vào chỗ nước xoáy là xả bỏ học xứ; bị mục rã là phá tịnh giới làm pháp ác, nhiễu loạn bậc hiền thiện, làm bạn với ma, không phải sa môn mà đội lớp sa môn, không phải phạm hạnh mà tợ như phạm hạnh”. Nghe Phật dạy rồi, Bí-sô hoan hỉ tín thọ đảnh lễ rồi đi, sau đó hành theo lời Phật dạy siêng năng tu tập… hiểu rõ “sanh tử đã tận, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không thọ thân sau”, chứng quả A-la-hán.

Lúc đó có một người chăn bò tên là Hoan hỉ, đứng chống gậy cách Phật không xa đang lắng nghe lời Phật nói, lúc đó có một con ếch nằm gần dưới chân người chăn bò, bị cây gậy chống trên lưng xuyên qua da thịt, tuy nó đau đớn nhưng không dám kêu lên vì sợ người chăn bò tán tâm không nghe được pháp. Do nó cố chịu đựng và phát tâm thanh tịnh đối với Thế tôn nên mạng chung và được sanh lên cõi trời Tứ thiên vương. Người chăn bò nghe pháp xong liền đến chỗ Phật đảnh lễ rồi bạch rằng: “Thế tôn, con không thích vướng vào bờ bên này… không bị mục rã, con nguyện được ở trong pháp luật khéo giảng nói này xuất gia thọ viên cụ, Thánh tánh Bí-sô ở chỗ Thế tôn tu tập phạm hạnh”, Phật nói: “ngươi không giao lại bầy bò cho chủ hay sao?”, đáp là không cần giao lại, Phật hỏi vì sao, đáp: “những con bò mẹ này đều có nghé con ở nhà của chủ, chúng nhớ con sẽ tự trở về, cho nên không cần giao lại. Cúi xin Thế tôn cho con được ở trong pháp luật khéo giảng nói này xuất gia thọ viên cụ, Thánh tánh Bí-sô ở chỗ Thế tôn tu tập phạm hạnh”, Phật nói: “hãy đợi một lát, tuy bầy bò biết tự trở về, nhưng trước đây ngươi đã thọ cơm áo của chủ, không thể bỏ đi mà không nói cho chủ biết”. Lúc đó người chăn bò Hoan hỉ đảnh lễ Phật rồi lớn tiếng kêu lên: “tôi rất lo sợ”, vừa kêu vừa chạy, lúc đó có khoảng 100 người chăn bò khác nghe thấy liền hỏi lo sợ điều gì, đáp là sợ sanh già bịnh chết, vừa đáp vừa chạy khiến họ cũng bỏ chạy theo; những người chăn bò khác cho đến người chăn dê, cắt cỏ, đốn củi… trên đường nghe thấy vậy cũng bỏ chạy theo. Dân trong làng thấy họ ồ ạt chạy đến như vậy, ai nấy đều lo sợ có người bỏ chạy, có người lo cất giấu của cải, có người cầm gậy gộc chạy ra, chận người đi đầu hỏi nguyên do, cũng đáp như trên.

Lúc đó cụ thọ Xá-lợi-tử thấy người chăn bò đi đã lâu liền bạch Phật: “Thế tôn, người chăn bò xin xuất gia vì sao Thế tôn lại để cho người ấy trở về”, Phật nói: “người chăn bò này nếu ở nhà thọ hưởng ngũ dục là không có lý đó, sau khi giao bò lại cho chủ sẽ trở lại đây. Thầy hãy chờ xem, vị tộc tánh thiện ấy sẽ cạo bỏ râu tóc, mặc ca-sa, chánh tín xuất gia, tu tập phạm hạnh, được thấy chơn lý, dùng trí của mình thấy pháp chứng ngộ, cũng làm cho người khác chứng ngộ, sanh tử đã tận, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không thọ thân sau”. Sau đó, người chăn bò tên Hoan hỉ giao bò cho chủ rồi liền cùng 500 người đã chạy theo mình, đến chỗ Phật bạch rằng: “Thế tôn, con đã giao bò xong, cúi xin Thế tôn cho con được ở trong pháp luật khéo giảng nói này xuất gia thọ viên cụ, Thánh tánh Bí-sô ở chỗ Thế tôn tu tập phạm hạnh”, Phật nói: “này Hoan hỉ, ngươi và 500 người cùng đến đều được xuất gia trong giáo pháp của ta… sau khi xuất gia hãy siêng năng tu tập phẩm thiện cho đến khi tâm được giải thoát”.

Lúc đó con ếch mang chung được sanh thiên, thường pháp của chư thiên là khi sanh lên cõi trời đều khởi ba niệm: 1. Là ta từ đâu sanh đến đây. 2. Là nay ta đang ở đâu. 3. Là ta do nghiệp duyên gì. Thiên tử Ếch liền quán biết mình vừa xả thân ếch sanh lên cõi trời Tứ thiên vương là do phát lòng tin đối với Phật. Quán biết rồi liền suy nghĩ: “nếu hưởng thọ thiên lạc trước, không đến gặp Phật là vô ơn, ta nên đến gặp Phật trước”, nghĩ rồi thiên tử Ếch với dung nghi chư thiên, trang nghiêm thân đến chỗ Phật vào lúc nửa đêm, thân quang chiếu sáng bờ sông Căng già. Thiên tử rải hoa trời cúng dường, đảnh lễ Phật rồi ngồi một bên nghe Phật nói pháp. Phật quán biết ý nhạo tùy miên xứng cơ nói bốn Thánh đế khiến cho thiên tử này được chứng quả Dự lưu, thiên tử vui mừng như khách hàng gặp người bán hàng, như nhà nông gặp trời mưa, như đánh trận được thắng, như bịnh được lành, đảnh lễ Phật rồi trở về thiên cung. Thường vào đầu đêm cuối đêm, các Bí-sô tỉnh giác tư duy thấy được ánh sáng này nên sáng hôm sau đến thỉnh hỏi Phật: “Thế tôn, đêm qua phải chăng có chư thiên Phạm, Thích, Hộ thế tứ vương đã đến chỗ Phật?”, Phật nói: “không có, do người chăn bò Hoan hỉ lúc đứng chống cây gậy nghe pháp, có một con ếch nằm gần dưới chân người chăn bò, bị cây gậy chống trên lưng xuyên qua da thịt, tuy nó đau đớn nhưng không dám kêu lên vì sợ người chăn bò tán tâm không nghe được pháp. Do nó cố chịu đựng và phát tâm thanh tịnh đối với Ta nên mạng chung và được sanh lên cõi trời Tứ thiên vương. Đêm qua vị thiên tử này đã đến nghe pháp, được chứng quả rồi trở về cung trời”. Lúc đó các Bí-sô đều có nghi thỉnh hỏi Phật: “người chăn bò tên Hoan hỉ và 500 người đi theo trước đây đã từng tạo nghiệp gì mà phải làm người chăn bò, lại được xuất gia trong giáo pháp của Phật, đoạn trừ phiền não chứng quả A-la-hán? Thiên tử Ếch đã tạo nghiệp gì mà phải mang thân ếch, lại được kiến đế?, Phật bảo các Bí-sô: “do họ tự tạo nghiệp nên nay tự thọ lấy quả báo, như kệ nói:

Dù trải qua trăm kiếp,
Nghiệp đã tạo không mất,
Khi nhân duyên hội họp,
Tự thọ lấy quả báo”.

Các thầy lắng nghe:

Quá khứ trong Hiền kiếp khi con người sống thọ hai vạn tuổi có đức Phật ra đời hiệu là Ca-nhiếp-ba Như lai Ứng chánh đẳng giác, có đủ 10 hiệu ở trong rừng Thi lộc chỗ Tiên nhơn đọa xứ thành Bà-la-nêtư. Lúc đó người chăn bò tên Hoan hỉ xuất gia trong giáo pháp của Phật ấy, là đại pháp sư thông suốt ba tạng, biết rõ phép tắc và giỏi trì tụng; có 500 đệ tử theo học nghiệp được vị pháp sư này dạy bảo. Vị pháp sư này khéo hay hòa giải việc tranh cải trong chúng, lúc đó có hai Bí-sô trong lòng ngã mạn không chịu theo học vị pháp sư này, sau vì việc tranh cải mới tìm đến vị pháp sư này yêu cầu dứt giùm việc tranh cải. Pháp sư suy nghĩ: “nếu ta dứt diệt việc tranh cải này thì hai Bí-sô này sẽ không trở lại đây nữa, ta nên chuyển giao cho Tăng, như vậy cũng không trái pháp”, nghĩ rồi liền nói: “ta không biết rõ nhân duyên tranh chấp của cụ thọ, hãy đến nhờ tăng giải quyết”. hai Bí-sô này đến nhờ tăng quyết đoán, vị pháp sư này cũng có việc tăng phải vào thôn, làm xong việc tăng trở về liền hỏi các đệ tử về việc của hai Bí-sô kia, các đệ tử đem việc Tăng đã quyết đoán kể lại, vị pháp sư này nghe rồi tức giận nói rằng: “Tăng quyết đoán như vậy không khác gì đám chăn bò, họ không khác gì là người chăn bò trước khi xuất gia”, 500 người đệ tử nói hùa theo: “đúng như lời thầy nói Tăng quyết đoán giống như pháp của người chăn bò”.

Này các Bí-sô, vị pháp sư thuở xưa nay chính là người chăn bò tên hoan hỉ, 500 đệ tử nói hùa theo ngày xưa nay chính là 500 người chăn bò cùng đi theo. Do ngày xưa họ nói lời thô ác đối với các đệ tử Thanh văn của Phật Ca-nhiếp-ba nên trong 500 đời thường làm người chăn bò. Do ở trong giáo pháp của Phật kia đã huân tu Uẩn giới nhập duyên khởi, xứ phi xứ nên ngày nay được xuất gia trong giáo pháp của ta, đoạn trừ phiền não chứng quả A-la-hán.

Thiên tử Ếch cũng xuất gia trong giáo pháp của Phật Ca-nhiếp-ba nhưng thường tu định, lúc đó du hành trong nhân gian đến một ngôi chùa trong một làng nọ nghỉ qua đêm. Đầu đêm thầy ngồi nhiếp tâm nhập định thì nghe tiếng đọc tụng của các Bí-sô trong chùa làm cho thầy không thể nhiếp tâm được, liền suy nghĩ là đợi đến nửa đêm sẽ nhập định. Đến nửa đêm thầy sắp nhập định lại nghe tiếng đọc tụng của các Bí-sô trong chùa, liền suy nghĩ là đợi đến cuối đêm. Đến cuối đêm thầy sắp nhập định lại nghe tiếng đọc tụng nữa, do chưa ly dục trong lòng tức giận nên lớn tiếng nói rằng: “các Bí-sô này từ chiều tối đến sáng đều phát ra tiếng ếch kêu”.

Này các Bí-sô, Bí-sô tu định ngày xưa chính là thiên tử Ếch ngày nay. Do nói lời thô ác đối với các đệ tử Thanh văn của Phật Ca-nhiếpba nên trong 500 đời phải mang thân ếch. Do phát tâm thanh tịnh đối với ta trước khi chết, nên sau khi chết được sanh lên cõi trời Tứ thiên vương. Do tu phạm hạnh trong giáo pháp của Phật Ca-nhiếp-ba nên ngày nay được Kiến đế. Cho nên ta thường tuyên thuyết: hễ tạo nghiệp đen thì cảm quả báo dị thục đen; tạo nghiệp trắng thì cảm quả báo dị thục trắng … các thầy nên học như thế.”

Lúc đó Phật muốn qua sông Căng già, có 500 con ngỗng, 500 con cá, 500 con rùa hữu nhiễu Thế tôn, Phật liền nói ba câu diệu pháp: “chư hành vô thường, chư pháp vô ngã, Niết-bàn tịch diệt. Các ngươi nên phát tâm thanh tịnh, nhàm chán thân bàng sanh”. Nghe pháp xong, tất cả ngỗng, cá, rùa đều đoạn thực không muốn ăn nữa, đối với loài bàng sanh nếu bị lửa đói đốt thì qua đời, chúng được sanh lên cõi trời Tứ thiên vương. Thường pháp của chư thiên là khi sanh lên cõi trời đều khởi ba niệm: 1. Là ta từ đâu sanh đến đây. 2. Là nay ta đang ở đâu. 3. Là ta do nghiệp duyên gì. Thiên tử liền quán biết mình vừa bỏ thân bàng sanh, được sanh lên cõi trời Tứ thiên vương là nhờ nghe Phật nói ba câu diệu pháp. Quán biết rồi liền đến chỗ Phật… giống như trường hợp của thiên tử Ếch cho đến câu được chứng quả Dự lưu, đảnh lễ Phật rồi cùng trở về thiên cung. Lúc đó các Bí-sô đều có nghi thỉnh hỏi Phật: “Thế tôn, những con ngỗng, cá rùa này trước đây đã tạo nghiệp gì mà sanh trong loài bàng sanh, lại tạo nghiệp gì mà được Kiến đế?”, Phật bảo các Bísô: “chúng đã tự tạo nghiệp nên nay tự thọ lấy quả báo, như kệ nói:

“Dù trải qua trăm kiếp,
Nghiệp đã tạo không mất,
Khi nhân duyên hội họp,
Tự thọ lấy quả báo”.

Các thầy lắng nghe:

Quá khứ trong Hiền kiếp khi con người sống thọ hai vạn tuổi có đức Phật ra đời hiệu là Ca-nhiếp-ba ở trong rừng Thi lộc chỗ Tiên nhơn đọa xứ thành Bà-la-nê-tư. Những con ngỗng cá rùa này đều đã xuất gia trong giáo pháp của vị Phật ấy, nhưng lại hủy phạm các học xứ nhẹ nên bị đọa trong loài bàng sanh. Do phát tâm thanh tịnh đối với ta nên được sanh lên cõi trời, do đã tu phạm hạnh trong giáo pháp của Phật Ca-nhiếp-ba nên nay được Kiến đế. Cho nên ta thường tuyên thuyết… giống như đoạn văn trên.”

Sau khi Phật qua sông Căng già rồi, bỗng có 500 quỷ đói hiện đến trước mặt, thân tướng đen xấu giống như cây cột nhà cháy, đầu tóc rối tung, bụng lớn như núi Thái, cổ nhỏ như cây kim, toàn thân cháy rực giống như đống lửa. Chúng chắp tay bạch Phật: “Thế tôn, do đời trước chúng con đã tạo nghiệp ác nên đời này không nghe được tên nước, cúi xin Phật từ bi bố thí nước cho chúng con”, Phật liền bảo Đại Mụckiền-liên đi múc nước sông đưa cho các quỷ đói uống. Khi Đại Mụckiền-liên đưa nước cho chúng uống, do cổ họng của chúng quá nhỏ nên không thể uống được, Phật liền dùng thần lực mở rộng cổ họng của chúng để chúng uống được nước, do uống quá nhiều nên bụng chúng bị căng rách phải mạng chung. Do phát sanh tâm tịnh tín đối với Phật nên chúng được sanh lên cõi trời… giống như trường hợp ếch, ngỗng cá rùa ở trên cho đến câu được kiến đế, đảnh lễ Phật rồi trở về thiên cung. Lúc đó các Bí-sô đều có nghi thỉnh hỏi Phật: “những ngạ quỷ này đã từng tạo nghiệp gì mà sanh làm ngạ quỷ, lại tạo nghiệp gì mà lại được kiến đế ?”, Phật bảo các Bí-sô: “do chúng tự tạo nghiệp nên ngày nay tự thọ lấy quả báo, như kệ nói:

“Dù trải qua trăm kiếp,
Nghiệp đã tạo không mất,
Khi nhân duyên hội họp,
Tự thọ lấy quả báo”.

Các thầy lắng nghe:

Quá khứ trong Hiền kiếp khi con người sống thọ hai vạn tuổi có đức Phật ra đời hiệu là Ca-nhiếp-ba có đủ 10 hiệu, ở trong rừng Thi lộc chỗ Tiên nhơn đọa xứ thành Bà-la-nê-tư. Lúc đó Phật và chúng thanh văn theo thứ lớp khất thực và khuyên mọi người cúng dường tam bảo, do giáo hóa rộng lớn nên Bí-sô khất thực ngày càng đông. Lúc đó có 500 Ô-ba-sách-ca vì công việc nên tập trung lại một chỗ, thấy có nhiều Bí-sô đến chỗ họ khất thực nên họ nổi giận nói ra lời thô ác: “các Bí-sô này theo xin ăn giống như quỷ đói”.

Này các Bí-sô, 500 Ô-ba-sách-ca ngày xưa chính là 500 quỷ đói ngày nay. Do ngày xưa gọi các Thanh văn của Phật Ca-nhiếp-ba là quỷ đói nên trong 500 đời thường mang thân quỷ đói. Do phát tâm thanh tịnh đối với ta nên thân quỷ đói này mạng chung được sanh lên cõi trời. Do có tu phạm hạnh làm Ô-ba-sách-ca trong giáo pháp của Phật Ca-nhiếpba nên nay được Kiến đế. Cho nên ta thường tuyên thuyết… giống như đoạn văn trên”.

Lúc đó Phật nhìn ngó hai bên bờ sông Căng già và hỏi các Bí-sô có muốn nghe duyên khởi của sông Căng già hay không, đáp là thích nghe, Phật bảo các Bí-sô: “Thuở xưa có một vị vua tên là Thật trúc, dùng chánh pháp cai trị nên đất nước phồn thịnh an vui, trong nước không có trộm cướp bịnh dịch, dân chúng ấm no, mưa gió thuận thời, ngũ cốc được mùa. Đến mùa xuân vua cùng các thể nữ dạo trong vườn hoa, thấy có một người tóc bạc da nhăn, ốm yếu, suy nhược đang chống gậy đi qua; vua liền hỏi là người gì, đáp: “đó là người già, tất cả mọi người hễ tuổi trẻ qua đi thì tuổi già hiện đến”, vua nghe rồi trong lòng lo buồn. Kế lại thấy một người thân thể ghẻ lở, da nứt nẻ, máu mủ rỉ ra … hơi thở khò khè, chống gậy đi qua ; vua liền hỏi là người gì, đáp: “đó là người bịnh, tất cả mọi người nếu đời trước có tạo nghiệp ác thì đời này phải chịu nghiệp báo như thế”, vua nghe rồi liền suy nghĩ: “nếu như vậy thì ta không nên làm việc ác nữa”. Kế lại thấy một cỗ xe tang… đi sau xe có nhiều người kêu khóc, vua liền hỏi là người gì, đáp: “đó là người chết, tất cả mọi người cuối cùng rồi cũng sẽ chết giống như vậy”. Thấy những cảnh tượng già bịnh chết như vậy rồi, trong lòng nhà vua ưu não liền cho xe quay trở về cung, ẩn mình trong thâm cung. Trong nước vua có một Bà-la-môn tên là ứng thời thuộc dòng quý tộc, giàu có và thông suốt bốn bộ Minh luận. Nghe tin nhà vua sau khi thấy cảnh già bịnh chết… ẩn trong thâm cung, liền cùng các Bà-la-môn khác cỡi xe ngựA-trắng, tay cầm gậy vàng, bình vàng đến chỗ nhà vua thăm hỏi, sau khi hỏi rõ nguyên do liền tâu với vua rằng: “Đại vương, thế gian ai nấy đều tự thọ lấy nghiệp quả, có hữu tình tạo nghiệp lành, có hữu tình tạo nghiệp ác, cũng có hữu tình tạo nghiệp vừa thiện vừa ác. Đại vương chớ có lo buồn, Đại vương là Chuyển luân Thánh vương thường tạo nghiệp lành, sau khi chết sẽ được sanh thiên. Đại vương nên biết, Chuyển luân Thánh vương hơn hẳn mọi người, hiện đời thọ hưởng an lạc, được sanh lên trời còn an lạc hơn. Nay Đại vương nên lập hội bố thí”. Vua nghe rồi liền ra lịnh quần thần thông báo cho dân chúng trong nước biết vua sẽ lập hội thí vô già, ai cần gì thì đến thọ vật thí. Quần thần tuân lịnh vua lập nhà thí thực, người cần thức ăn thì thí thức ăn, người cần áo mặc thì thí áo mặc. Nước vo gạo chảy từ nhà thí thực ra tụ lại thành ao lớn gọi là ao Vô nhiệt, suốt 12 năm nước ao chảy lan ra thành sông gọi là sông nước gạo.”

Khi đi đến thành Đồng trưởng, Phật bảo A-nan-đà: “có vua tên là Trưởng tịnh sanh trưởng tại thành này, nên thành này được gọi là Tượng thanh”. Khi đi đến thành Át già nhĩ ca, Phật dừng chân ở ngoài thành rồi mĩm cười, nói cho A-nan-đà nghe bốn dấu tích hóa duyên của Phật. Khi đi đến thành Thí bảo, Phật nói với A-nan-đà: “ngày xưa ở tại nơi này, Bồ-tát đã thí nhiều châu báu nên thành này được gọi là thí bảo”. Khi đi đến cây Ba la lực, Phật mĩm cười và nói về bốn dấu tích hóa duyên của Phật. Khi đi đến thành Kim thăng, Phật nói: “ngày xưa ở trong thành này Bồ-tát đã lập đàn bô thí, dùng thăng lượng vàng để thí cho người đến xin nên thành này được gọi là Kim thăng”. Khi đi đến thành Tự lai, Phật nói: “trong thành này có vua tên là trưởng tịnh dùng chánh pháp cai trị, dân chúng được an vui. Về sau trên đảnh nhà vua bỗng mọc một cục bướu mềm như bông, không gây khó chịu; khi bướu chín mùi liền tự vỡ ra, trong đó có một đứa bé dung mạo đoan nghiêm đáng yêu… nên mọi người gọi tên là Đảnh sanh. Khi đứa bé được đưa vào cung, trong cung có sáu vạn thể nữ vừa nhìn thấy đứa bé, vú liền tuôn sữa và đều nói câu: “hãy để tôi nuôi”, nên Đảnh sanh còn được gọi tên là Lạc dưỡng. Khi Đảnh sanh khôn lớn, vua Trưởng tịnh mắc bịnh, tuy được chữa trị đủ thuốc thang nhưng bịnh càng ngày càng nặng thêm, vua liền bảo quần thần đưa Đảnh sanh đến để lập lên làm vua. Đảnh sanh chưa kịp đến thì sứ giả lại đến báo là nhà vua đã băng hà, Đảnh sanh liền suy nghĩ: “vua cha đã băng, ta cần gì phải đi”, do nghĩ vậy nên quay về, quần thần sai sứ đến đón, Đảnh sanh nói: “nếu ta có mạng làm vua thì sẽ làm vua tại đây”, quần thần nói: “nếu lập lên làm vua phải có nghi lễ và làm lễ trong hoàng cung nơi tòa sư tử với lọng và vương miện… xin Thái tử hãy đến trong hoàng cung”, Đảnh sanh nói: “nếu ta là pháp vương thì những thứ đó không cầu cũng tự đến”. Lúc đó có dược xoa tên là Tác nhật thường theo một bên thừa sự cho Đảnh sanh, nghe Thái tử nói vậy nên ngay trong đêm đó dời tòa sư tử, lọng, vương miện, và cung điện từ Đô thành đến chỗ Thái tử, do duyên này thành có tên là Tự lai.

 

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18