CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA DƯỢC SỰ

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 7

Duyên của phu nhân Am-la (tiếp theo)

Lúc đó A-nan-đà vâng lời Phật đến thành Quảng nghiêm, khi chân bước lên ngưỡng cửa thành liền nói chú và kệ như trên. Phu nhơn Am-la nghe tin Phật đến vườn xoài của mình liền cùng các tùy tùng đi trên xe báu ra khỏi thành đến chỗ Thế tôn để lễ bái cúng dường. Đến nơi, phu nhơn xuống xe, lúc đó Thế tôn đang nói pháp cho vô luợng Bí-sô, từ xa trông thấy Phu nhân Am-la đi đến liền bảo các Bí-sô: “các thầy hãy nương theo pháp tu của mình an trụ chánh niệm vì Phu nhân Am-la sắp đến. Sao gọi là an trụ chánh niệm? Nghĩa là những nghiệp ác trước đây nên xả, những nghiệp ác chưa sanh đè nén không cho sanh; những nghiệp lành trước đây đừng cho quên mất và nên siêng tu tập cho viên mãn để chứng được trí huệ. Đó gọi là tinh tấn. Sao gọi là chánh ý?: Khéo tự quán sát khi đi đứng nằm ngồi, sắp xếp y bát như pháp. Sao gọi là chánh định?: Phải tự quán sát nội thân siêng tu chánh niệm, chánh ý, lìa tâm bất thiện đối với tất cả chúng sanh. Nội thân, ngoại thân, nội ngoại thân; nội thọ, ngoại thọ, nội ngoại thọ; nội tâm, ngoại tâm, nội ngoại tâm; thấy pháp tùy thuận, siêng tu tinh tấn, xả ác và an trú chánh niệm. Phu nhân Am-la sắp đến, các thầy hãy khéo tu tập theo lời Ta dạy”. Lúc đó Phu nhân Am-la đến chỗ Phật đảnh lễ ngồi một bên nghe Phật nói pháp, Thế tôn tùy thuận nói pháp chỉ dạy cho phu nhân được lợi hỉ rồi liền im lặng. Phu nhân Am-la chắp tay bạch Phật: “cúi xin Thế tôn và các Bí-sô thọ con thỉnh thực vào ngày mai”, Phật im lặng nhận lời, biết Phật đã nhận lời Phu nhân Am-la đảnh lễ rồi ra về.

Lúc đó các Lật-cô-tỳ nghe tin Phật đang ở trong vườn xoài liền đi xe đến chỗ Phật, nếu đi xe màu xanh thì ngựa, dây cương, roi, càng xe, dù, khăn, kiếm, quạt, y phục cho đến người hầu tất cả đều màu xanh; các xe màu vàng, đỏ, trắng cũng như vậy. Trên đường đi, họ quát tháo xua đuổi người hai bên đường để đi mau đến chỗ Phật, từ xa thấy các Lật-cô-tỳ sắp đến, Phật bảo các Bí-sô: “ai trong các thầy chưa thấy chư thiên cõi trời Tam thập tam đi chơi thì hãy nhìn các Lật-cô-tỳ này. Chư thiên dùng thần thông tự tại dạo chơi trong vườn cũng như các Lật-côtỳ này không khác”. Đến nơi, các Lật-cô-tỳ xuống xe đi đến chỗ Phật đảnh lễ ngồi một bên nghe Phật nói pháp, Thế tôn tùy thuận nói pháp chỉ dạy cho họ được lợi hỉ rồi liền im lặng. Lúc đó có một Ma-nạp-bà tên là Quảng sức ở trong pháp hội chắp tay bạch Phật: “Thiện thệ, con có biện tài, con muốn dùng kệ ca ngợi Phật”, Phật khen lành thay, Manạp-bà liền nói kệ:

“Đại vương Ương già mang giáp báu,
Ở Ma-kiệt-đà được tự tại,
Thế tôn ra đời tại nước ấy,
Danh vang 10 phương như núi Tuyết,
Như hoa Câu mâu đà, hoa sen,
Khi hoa nở tỏa hương thơm ngát.
Đấng Thiện thệ từ bi tự tại,
Xuất thế danh vang khắp mọi nơi,
Khi mặt trời mọc, sen hồng nở,
Khi mặt trăng mọc, Câu mâu nở,
Mọi người thấy Phật đều hoan hỉ,
Giống như thấy trăng sáng trên không,
Thấy trí huệ lực của Như lai,
Như thấy lửa rực sáng trong đêm,
Khai phát mắt sáng cho chúng sanh,
Trừ hết tất cả mọi nghi hoặc”.

Các Lật-cô-tỳ nghe rồi đều khen hay, đồng loạt cởi thượng phục tạng cho Ma-nạp-bà rồi chắp tay bạch Phật: “cúi xin Phật và các Bí-sô thọ con thỉnh thực vào ngày mai”, Phật nói: “Ta đã thọ Phu nhân Am-la thỉnh thực trước rồi”, các Lật-cô-tỳ nói: “chúng con nay đã bị Phu nhân Am-la, người có trí huệ tối thắng đi trước một bước rồi, khiến chúng con không được cúng dường Thế tôn trước, vậy chúng con xin được cúng dường sau”, Phật khen lành thay, các Lật-cô-tỳ nghe Phật chấp nhận rồi vui vẻ ra về. Thấy các Lật-cô-tỳ đã đi, Ma-nạp-bà chắp tay bạch Phật: “do con kheo ca ngợi Thế tôn nên các Lật-cô-tỳ đã cho con 500 thượng phục, nay con xin cúng dường Thế tôn, xin thương xót thọ nhận”, Thế tôn thương xót thọ nhận rồi nói: “Như lai Ứng cúng Chánh biến tri xuất hiện ở thế gian có năm pháp hy hữu:

1. Là thầy của Trời người xuất hiện có đủ 10 hiệu Như lai, Bạc già phạm, Ứng chánh đẳng giác, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế Tôn nói pháp yếu ban đầu, khoảng giữa và sau cùng đều thiện, văn nghĩa xảo diệu, thuần nhất không tạp, đầy đủ tướng phạm hạnh trong sạch.

2. Là ai có lòng tin tôn trọng lời Như lai nói, nghe thọ hành trì, tâm không tán loạn.

3. Là nếu ai nghe Phật nói pháp rồi đều mỗi mỗi phụng hành theo.

4. Là người nghe pháp rồi có thể chứng ngộ, hoan hỉ tín thọ, sanh đại thiện căn tương ưng với xuất ly.

5. Là nếu nghe pháp cú sâu xa thì dùng trí huệ hiểu rõ.

Này Ma-nạp-bà, hễ là người tốt thì mang chút ân cũng không quên huống chi chịu nhiều ân, ngươi hãy ghi nhớ điều này”. Sau khi về đến nhà Phu nhân Am-la lo chuẩn bị mọi thức cúng dường để sáng mai thỉnh Phật và các Bí-sô thọ thực… cho đến Phật thọ thực rồi nói kệ khen ngợi công đức bố thí cho Phu nhân Am-la nghe:

“Ai bố thí đều được kính yêu,
Tiếng tốt đồn xa, hương xông khắp,
Vì thế người trí thường bố thí,
Cầu vui, trừ tham, được vô úy,
Thường sanh làm vua trời Đế thích,
Cùng dạo chơi với các vị trời,
Cung điện chư thiên đang chờ đón,
Sau khi chết sanh lên cõi trời,
Thân quang chiếu sáng dạo vườn Hỉ,
Cùng các thiên nữ thọ ngũ dục,
Các đệ tử Phật nghe pháp này,
Chắc chắn sẽ sanh cõi trời ấy”.

Phật tùy thuận nói pháp chỉ dạy cho phu nhân được lợi hỉ rồi ra về. Lúc đó các Bí-sô đều có nghi thỉnh hỏi Phật: “Thế tôn, do nghiệp duyên gì mà các Lật-cô-tỳ hoặc sanh lên cõi trời hoặc ở nhân gian đếu có oai đức lớn, cho đến trong đời này được hưởng phước báu như cõi trời tam thập tam?”, Phật bảo các Bí-sô: “các thầy nên biết, các Lật-cô-tỳ này đã tích tụ tư lương… như kệ nói:

“Dù trải qua trăm kiếp,
Nghiệp đã tạo không mất,
Khi nhân duyên hội họp,
Tự thọ lấy quả báo”.

Các thầy lắng nghe:

Quá khứ trong Hiền kiếp khi con người sống thọ hai vạn tuổi, có đức Phật ra đời hiệu là Ca-nhiếp-ba có đủ 10 hiệu cùng hai vạn Bí-sô ở trong rừng Thi lộc, chỗ Tiên nhơn đọa xứ, thành Bà-la-nê-tư. Lúc đó có 500 Ô-ba-sách-ca sửa soạn hàng hóa định vào biển tìm châu báu… sau khi đến được đảo châu báu, họ đua nhau nhặt lấy châu báu chất đầy thuyền. Lúc đó bỗng có gió bão thổi giạt thuyền vào một khe núi, thuyền không thể chuyển động được, mọi người lo sợ cùng ở trên bãi cát đắp cát thành tháp rồi bỏ châu báu vào trong tháp để cúng dường Phật Ca-nhiếp-ba. Trong giấc ngủ họ mộng thấy vầng ánh sáng rực rỡ, trong đó phát ra âm thanh: “các ngươi hãy chuẩn bị lên đường chớ có phóng dật. Bảy ngày sau sẽ có hải triều dâng đến, nhờ hải triều này thuyền các ngươi sẽ được an ổn trở về”. Sáng hôm sau các thương nhơn cùng kể lại giấc mộng và nói với nhau: “chúng ta cúng dường Phật Canhiếp-ba là vô thượng phước điền, nhờ căn lành này nguyện cho chúng ta có được oai đức lớn trong trời người, giống như chư thiên trên cõi trời Tam thập tam”.

Này các Bí-sô, 500 thương nhơn ấy chính là 500 Lật-cô-tỳ ngày nay, xưa kia nhờ xây tháp bằng cát và đem châu báu để trong tháp cúng dường Phật Ca-nhiếp-ba nên ngày nay được quả báo có oai đức lớn trong cõi Trời người giống như chu thiên trên cõi trời tam thập tam.

Này các Bí-sô, hễ tạo nghiệp thuần đen thì cảm quả báo dị thục thuần đen ; tạo nghiệp thuần trắng thì cảm quả báo dị thục thuần trắng; tạo nghiệp xen tạp thì được quả báo xen tạp, các thầy nên bỏ nghiệp thuần đen và nghiệp xen tạp, phải siêng tu tập chớ có buông lung”, nghe Phật dạy rồi, các Bí-sô đều hoan hỉ tín thọ phụng hành.

Lúc đó Phật bảo A-nan-đà cùng đi đến tụ lạc Trúc lâm, dừng nghỉ trong rừng Thăng nhiếp ba, ở vùng này gặp lúc mất mùa đói kém, khất thực khó được, Phật bảo các Bí-sô: “gặp lúc thế gian mất mùa đói kém, khất thực khó được, các thầy nên thực hành theo pháp như trong các kinh Cơ kiệm, kinh Đạo phẩm truyền lai, kinh Lục tập, kinh Đại Niếtbàn đã nói”.

Sau đó Phật bảo A-nan-đà cùng đi đến tụ lạc Vô gián, khi đi đến một nơi Phật bỗng mĩm cười, thường pháp của chư Phật là khi Phật mĩm cười, từ trong miệng phóng ra hào quang năm sắc chiếu xuống hay chiếu lên, nếu chiếu xuống thì chiếu đến ngục Vô gián và các ngục khác khiến cho chúng sanh trong đây đang bị đốt nóng liền được mát mẻ, đang bị lạnh cóng liền được ấm áp. Họ cảm thấy an lạc liền suy nghĩ: “ta và mọi người từ cảnh khổ địa ngục chết đi, được sanh vào cõi khác chăng?”. Thế Tôn sau khi làm cho các hữu tình kia sanh tín tâm liền hiện nhiều tướng khác nữa, thấy những tướng này họ liền suy nghĩ: “chúng ta không phải chết ở đây sanh về cõi kia, mà là do sức oai thần của Đại Thánh đã khiến thân tâm chúng ta hiện được an lạc”. Đã sanh tín kính thì có thể diệt các khổ, ở cõi nhơn thiên được thọ thân thắng diệu, thành chơn pháp khí thấy được lý chơn đế. Nếu hào quang chiếu lên thì đến cõi trời Sắc cứu cánh, trong hào quang diễn nói các pháp khổ, không, vô thường, vô ngã… và nói kệ:

“Người phải nghe Phật dạy
Dốc cầu đạo xuất ly
Phá được quân sanh tử
Như voi phá nhà tranh.
Ở trong pháp luật Phật
Dũng tiến thường tu học
Xa lìa đường sanh tử
Bờ mé khổ không còn”.

Hào quang này sau khi chiếu khắp ba ngàn Đại thiên thế giới liền trở về chỗ Phật, nếu Thế Tôn nói việc quá khứ thì hào quang trở vào phía sau lưng, nếu nói việc vị lai thì hào quang trở vào phía trước ngực, nếu nói việc địa ngục thì hào quang trở vào phía dưới chân, nếu nói việc bàng sanh thì hào quang trở vào phía gót chân, nếu nói việc ngạ quỷ thì hào quang trở vào phía ngón chân, nếu nói việc loài người thì hào quang trở vào đầu gối, nếu việc của Lực luân vương thì hào quang trở vào lòng bàn tay trái, nếu nói việc của Chuyển luân vương thì hào quang trở vào lòng bàn tay phải, nếu nói việc cõi trời thì hào quang trở vào rốn, nếu nói việc của Thanh văn thì hào quang trở vào miệng, nếu nói việc của Độc giác thì hào quang trở vào phía giữa hai chân mày, nếu nói việc của đạo quả Chánh đẳng chánh giác thì hào quang trở vào phía trên đảnh đầu. Lúc đó ánh sáng nhiễu quanh Phật ba vòng rồi vào đảnh đầu, cụ thọ A-nan-đà bạch Phật: “Thế Tôn Như Lai Ứng chánh đẳng giác vui vẻ mĩm cười chẳng phải là không có nhơn duyên”, liền nói kệ thỉnh Phật:

“Từ miệng Phật phóng hào quang vi diệu,
Chiếu khắp Đại thiên không phải một tướng,
Chiếu khắp cả 10 phương các quốc độ,
Như mặt trời chiếu sáng khắp hư không.
Phật là nhân tối thắng của chúng sanh,
Có thể trừ kiêu mạn và lo buồn.
Không nhân duyên, kim khẩu không mở lời,
Miệng mĩm cười ắt nói việc kỳ lạ.
Con lặng lẽ quan sát đấng Mâu Ni,
Ai muốn nghe, Phật nói cho nghe,
Như sư tử vương rống tiếng vi diệu,
Cúi xin Phật quyết nghi cho chúng con,
Phật như Diệu sơn vương trong biển cả,
Nếu không nhân duyên, Phật không dao động,
Tự tại từ bi, miệng Phật hiện mĩm cười,
Nói nhân duyên cho người đang khao khát”.

Thế Tôn bảo A-nan-đà: “Đúng vậy A-nan-đà, không phải không có nhân duyên mà Như Lai Ứng chánh đẳng giác miệng hiện mĩm cười, này A-nan-đà, thầy có thấy nơi này không?”, đáp có thấy, Phật nói: “đây là chỗ mà ba vị Chánh đẳng giác trong quá khứ đã ngồi”, A-nanđà liền trải tọa cụ cho Phật ngồi để nơi này thành nơi có bốn Thế tôn đã ngồi. Sau đó Phật bảo A-nan-đà cùng đi đến tụ lạc Di thế la và dừng nghỉ ở trong rừng Ma-ha-đề-bà, như trong phẩm Ma-ha-đề-bà và quốc vương tương ưng có nói rõ.

Sau đó Phật bảo A-nan-đà cùng đi đến giếng A-nậu, đến bên giếng thấy một người nữ cầm gàu dây định tới giếng múc nước. Có 1người nam yêu mên người nữ này, người nữ này cũng yêu mên người nam kia, cả hai cùng nhau nói cười đến bên giếng. Lúc đó người có dẫn con nhỏ đi theo, vì mãi nói cười với người nam nên không biết là đã quấn dây gàu vào cổ đứa con, khi quăng xuống giếng để múc nước mới hay, vội kéo lên thì đứa con đã chết. Người nữ này do thấy đứa con vì mình mà chết nên bất giác buột miệng nói kệ:

“Ta biết gốc tham dục,
Sanh ra từ phân biệt,
Nếu ta không phân biệt,
Dục do đâu phát sanh”.

Phật bảo A-nan-đà: “thầy hãy ghi nhớ bài kệ này, đó là lời chư Phật quá khứ đã dạy, vì trong miệng của kẻ phàm phu ngu tối nên nói câu kệ đó không phát ra ánh sáng. Như lời Phật ấy nói, ta chưa từng thấy một pháp nào chuyển động mau lẹ như tâm”, người nữ kia thấy con chết trong lòng hối hận áo não đến đảnh lễ Phật, Phật quán ý nhạo tùy miên của người nữ, xứng cơ nói pháp khiến người nữ nghe rồi được chứng quả Dự lưu. Được kiến đế rồi liền bạch Phật: “Thế tôn, nhờ Phật khai ngộ khiến con được giải thoát, điều này không phải do cha mẹ… cho đến sa môn, Bà-la-môn có thể làm được. Thế tôn là bậc đại thiện tri thức đã cứu vớt con ra khỏi ba cõi, đặt để con vào cõi trời người, hết khổ sanh tử, được đạo Niết-bàn, làm cạn biển máu, vượt khỏi núi xương, núi thân kiến từ vô thỉ đến nay đếu bị phá tan bằng chày trí Kim cang, chứng được Sơ quả. Nay con xin quy y Tam bảo, từ hôm nay cho đến trọn đời thọ trì năm học xứ, cúi xin Thế tôn chứng biết con là Ô-batư-ca”. Lúc đó Phật bảo A-nan-đà: “xưa kia khi Ta còn là Bồ-tát, ở nơi này có vị tiên tên là Bạt già bà mời ta ngồi và đem hoa quả cúng dường, ở nơi khác cũng cúng dường như vậy. Xưa kia khi Ta còn là Bồ-tát, có vua trời Đế thích giả làm thợ săn đắp y hoại sắc, Ta vì muốn xuất gia nên cởi chiếc áo mềm mại đổi lấy y hoại sắc. Sau này có Bà-la-môn, cư sĩ tín tâm ngay nơi này xây tháp Thọ ca-sa, đến nay các Bí-sô đều lễ bái cúng dường tháp ấy. Vua trời Đế thích đem y Ca thi na của ta cất trên cõi trời Tam thập tam và lập ngày hội Ca thi ca, đến nay chư thiên cõi trời ấy vẫn còn cúng dường. Đến một nơi khác Phật bảo A-nan-đà: “xưa kia khi còn là Bồ-tát, Ta dùng thanh kiếm màu hoa sen xanh tự cắt búi tóc ném lên hư không. Sau này có Bà-la-môn, cư sĩ tín tâm ngay tại nơi này xây tháp Cắt búi tóc, đến nay các Bí-sô vẫn lễ bái cúng dường. Vua trời Đế thích đem búi tóc của Ta cất trên cõi trời Tam thập tam và lập ngày hội búi tóc, đến nay vẫn còn”. Đến nơi khác Phật bảo A-nan-đà: “xưa kia khi Ta hành Bồ-tát đạo, tại nơi này Xiển-đà-ca đã đem ngựa chúa Kiền thát già trở về cung. Sau này có Bà-la-môn, cư sĩ ngay tại nơi này xây tháp Mã hồi, đến nay các Bí-sô vẫn còn cúng dường”. Đến tụ lạc Ngưu uyển, Phật bảo A-nan-đà: “Xiển-đà-ca-sanh ra và lớn lên ở nơi này”. Lúc đó những vị kỳ túc của các lực sĩ dòng Sát-đế-lỵ nghe Phật sắp đến liền bảo các lực sĩ dọn dẹp trang hoàng hai bên đường, còn họ trang hoàng trong thành. Các lực sĩ này lúc đang quét dỏn hai bên đường thấy có một tảng đá lớn chắn ở giữa đường, muốn dẹp bỏ nhưng rinh không nổi. Phật đi đến thấy vậy liền nói: “hãy để ta chuyển giúp cho”, nói rồi dùng tay nâng tảng đá ném lên không trung, tảng đá bay cao đến nổi không thể nhìn thấy khiến các lực sĩ đều kinh sợ, Phật bảo đừng sợ rồi dùng thần lực làm cho tảng đá nát thành bui từ trên không rơi xuống, các lực sĩ hỏi: “bụi này từ đâu rơi xuống?”, Phật nói: “ta đã biến tảng đá này thành bụi, các ngươi có muốn đống bụi này họp lại thành tảng đá như cũ không?”, đáp là muốn, Phật liền dùng năng lực giải thoát làm cho đống bụi họp lại thành tảng đá như cũ, các lực sĩ hỏi: “Thế tôn dùng lực gì có thể nâng tảng đá ấy lên?”, Phật nói là dùng lực của cha mẹ sanh, lại hỏi: “Thế tôn dùng lực gì làm cho tảng đá nát thành bụi?”, Phật nói dùng nănglực thiền định, lại hỏi: “Thế tôn dùng lực gì họp đống bụi lại thành tảng đá ?”, Phật nói dùng năng lực giải thoát, lại hỏi: “lực của cha mẹ sanh ra mạnh yếu như thế nào?”, Phật nói: “lực của mười người bằng lực của một con bò thường; lực của mười con bò thường bằng lực của một con bò xanh; lực của mười con bò xanh bằng lực của một con voi nhỏ; lực của mười con voi nhỏ bằng lực của một con voi lớn; lực của mười con voi lớn bằng lực của một con voi xanh; lực của mười con voi xanh bằng lực của một con voi đỏ; lực của mười con voi đỏ bằng lực của một con voi ngà trắng; lực của mười con voi ngà trắng bằng lực của một con voi Tân đà sơn; lực của mười con voi Tân đà sơn bằng lực của một con Hương tượng; lực của mười con Hương tượng bằng lực của một lực sĩ; lực của 10 lực sĩ bằng lực của một đại lực sĩ; lực của 10 đại lực sĩ bằng lực của một mãnh tượng; lực của 10 mãnh tượng bằng lực của một Dạ xoa Chương trụ la; lực của 10 Dạ xoa Chương trụ la bằng lực của một bán Na-la-diên; lực của hai bán Na-la-diên bằng lực của một Na-la-diên. Mỗi chi phần của Như lai đều có lực Na-la-diên tự nhiên sanh.

Nhiếp tụng:

Người, bò với bò xanh,
Voi xanh, đỏ lớn nhỏ,
Lực sĩ với Dạ xoa,
Không bằng Na-la-diên.

Lực Na-la-diên này là lực của Như lai do cha mẹ sanh ra”, các lực sĩ lại hỏi: “ngoài lực Na-la-diên và lực giải thoát ra còn có lực gì khác không?”, Phật nói: “còn có lực phước đức, nhờ lực phước đức đầy đủ nên Như lai ở dưới cội Bồ-đề đã hàng phục 3 ức ma quỷ, chứng đạo quả Vô thượng giác”, lại hỏi: “ngoài lực phước đức ra còn có lực nào nữa không?”, Phật nói: “còn có lực trí huệ, nhờ lực trí huệ đầy đủ nên Như lai đã trừ bỏ tất cả phiền não tích tụ từ vô thỉ đến nay”, lại hỏi: “ngoài lực trí huệ ra còn có lực nào nữa không ?”, Phật nói: “còn có lực thần thông, do lực thần thông viên mãn nên Như lai có thể hàng phục Lục sư ngoại đạo kỳ cựu vô trí và cống cao”, lại hỏi: “ngoài lực thần thông ra còn có lực nào nữa không?”, Phật nói: “còn có lực vô thường, nhờ lực vô thường viên mãn nên Như lai đối với lực do cha mẹ sanh ra, lực thiền định, lực giải thoát, lực phước đức, lực thần thông thảy đều diệt hết ở nơi cây song lâm.

Nhiếp tụng:

Lực thiền định, giải thoát,
Phước đức và trí huệ,
Tất cả lực như thế,
Lực vô thường hơn hết.

Các lực sĩ nên biết, thân ta như ngọn núi vàng do lực vô thường nên không bao lâu nữa sẽ tiêu diệt. Cho nên người trí phải cầu mong đến chỗ không bị vô thường bức bách. Người đời nay tuổi thọ càng thấp, sức khỏe yếu ớt; tảng đá này người đời xưa thường cầm ném liệng chơi đùa, các ngươi hãy nhìn xem, bên cạnh của tảng đá này còn có dấu ngón tay lưu lại”. Các lực sĩ nghe Phật nói rồi sanh tâm hi hữu, trừ bỏ kiêu mạn, lúc đó Phật quán biết ý nhạo tùy miên của các lực sĩ liền nói lý bốn chơn đế và các pháp chứng đạt trí huệ, khiến cho họ chứng được quả Dự lưu.

Sau đó Phật bảo A-nan-đà cùng đi đến thành Câu thi na, trên đường đi thấy có thành Phạm bà nhưng Phật ghé vào mà đi thẳng đến thành Câu thi na. Đến nơi, Phật chỉ hai cây sa la rồi nói với A-nan-đà: “không bao lâu nữa ta sẽ nhập Bát Niết-bàn tại đây”. Sau đó Phật du hành đến Câu lô số, điều phục vua ở thành Gián sắc, lúc đó Phật bảo các Bí-sô: “Ta biết rõ tất cả các lậu đều đã diệt, không phải là Ta không biết, không thấy. Này các Bí-sô, đó là sắc, sắc tích tập, sắc đoạn diệt; đó là thọ, tưởng, hành, thức cho đến thức tích tập, thức đoạn diệt cũng như vậy. Nếu có Bí-sô nào thường tu tập định, khởi niệm mong cầu không từ các lậu hoặc mà được giải thoát; nhưng Bí-sô ấy lại đều từ các lậu mà tâm được giải thoát, vì sao, vì do Bí-sô ấy không tu tập nên mới như thế”, lại hỏi: “Thế tôn, do vị ấy không tu tập những gì ?”, Phật nói: “do không tu tập bốn; Niệm trụ, bốn; Chánh cần, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy Chi giác phần, tám Thánh đạo. Bí-sô nên biết, như gà mái đẻ trứng, hoặc 5, hay 12 quả trứng, nếu gà mẹ không thường xuyên ấp những quả trứng này, không làm cho nó ấm, cũng không chuyển dời, nghĩ rằng: “những đứa con ta sanh ra sẽ dùng mỏ hoặc móng phá vỡ vỏ trứng”. Nó mong những con gà con an ổn ra khỏi vỏ trứng, nhưng những quả trứng này đã không được ấp đúng pháp nên gà con không thành tựu, không thể ra khỏi vỏ, vì sao, vì gà mẹ không thường xuyên ấp trứng, không làm cho nó ấm, cũng không chuyển dời nên không thể nở ra gà con. Bí-sô tu tập Định cũng như vậy, Bí-sô phải từ việc hữu lậu mà tâm được giải thoát, vì sao, vì do không tu tập nên mới như vậy. Không tu tập những gì ?: Tức là “do không tu tập bốn Niệm trụ, bốn Chánh cần, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy Chi giác phần, tám Thánh đạo.

Bí-sô nào siêng năng tu định, nghĩ rằng không từ hữu lậu mà được giải thoát, nhưng Bí-sô ấy phải từ hữu lậu mà được giải thoát. Tu tập những gì ?: Tức là do tu tập bốn Niệm trụ, bốn Chánh cần, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy Chi giác phần, tám Thánh đạo. Bí-sô nên biết, như gà mái đẻ trứng, hoặc 5, hay 12 quả trứng, nếu gà mẹ thường xuyên ấp những quả trứng này, làm cho nó ấm, chuyển dời đúng pháp, gà mẹ không nghĩ rằng: “những đứa con ta sanh ra sẽ tự dùng mỏ hoặc móng phá vỡ vỏ trứng”. Những con gà con đã được hình thành có thể dùng mỏ và móng phá vỡ vỏ trứng, an ổn ra khỏi vỏ, vì những quả trứng này đã được ấp đúng pháp nên gà con được thành tựu, có thể ra khỏi vỏ, vì sao, vì gà mẹ thường xuyên ấp trứng, làm cho nó ấm, chuyển dời đúng pháp nên có thể nở ra gà con. Bí-sô tu tập Định cũng như vậy, Bí-sô phải từ việc hữu lậu mà tâm được giải thoát, vì sao, vì do tu tập nên được như vậy. Do tu tập những gì ?: Tức là do tu tập bốn Niệm trụ, bốn Chánh cần, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy Chi giác phần, tám Thánh đạo. Bí-sô nên biết, ông thầy thợ mộc và các đệ tử thường dùng búa rìu, do thường dùng nên có vết chai ở ngón tay. Ông thầy thợ mộc và các đệ tử không thể tự thuận theo chánh trí chánh kiến mà dùng được búa rìu, chính là do thường dùng nên tự nhiên thuần thục, khi thần thục rồi mới biết là đã thuần thục việc làm này. Bí-sô tu Định cũng như vậy, vị ấy không thể tự thuận theo chánh trí chánh kiến để biết là đã đoạn được bao nhiêu lậu hoặc. Về sau khi lậu hoặc đoạn hết rồi vị ấy mới biết, vì sao, vì do siêng năng tu tập. Tu tập những gì ?: tức là do tu tập bốn Niệm trụ, bốn Chánh cần, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy Chi giác phần, tám Thánh đạo. Bí-sô nên biết, như chiếc thuyền ra biển vào tháng sáu, trải qua mùa hè nóng nực, bị gió thổi và mặt trời thiêu đốt, sau đó lại gặp mưa thì tự nhiên tan rã. Bí-sô tu định cũng như vậy, các chướng ngại, các kiết sử tương ưng, tùy miên phiền não tự nhiên giải tán, do tu tập nên vị ấy được giải thoát. Tu tập những gì?: Tức là tu tập bốn Niệm trụ… như trên”. Lúc Thế tôn nói pháp này có 0 Bí-sô không sanh các lậu hoặc, tâm được giải thoát.

Sau đó Phật cùng A-nan-đà du hành đến thành Thiên chỉ và nói rằng: “Thiện giác Thích ca sinh trưởng trong thành này”. Đến vườn Lâm-tỳ-ni, Phật bảo A-nan-đà: “Ta được sanh ra trong vườn này, sau khi sanh ra, Ta đi về phía Nam bảy bước không cần ai nâng đỡ, nhìn khắp bốn phương nói rằng: “đây là thân sau cùng, ta không còn thọ sanh nữa”. Đến thành Kiếp-tỷ-la, Phật bảo A-nan-đà: “vua Tịnh-phạn sanh ở thành này và giữ ngôi vua trong một thời gian dài”. Đến thành Tỳ thâu na la, Phật bảo các Bí-sô: “hôm nay ta sẽ phân biệt giảng nói hai thứ quả báo thiện ác, các thầy hãy lắng nghe: những điều ác là tham sân si các hoặc theo trói buộc ta; những điều thiện là không tùy thuận tham sân si các hoặc”. Đến tụ lạc Câu na, Phật bảo A-nan-đà: “Như lai Câu na hàm mâu ni sanh ra, thành tựu quả vị Chánh giác và Bát Niết-bàn tại nơi đây”. Đến tụ lạc Lê địa, Phật bảo A-nan-đà: “lúc còn là Bồ-tát, ta du hành đến làng của Phụ vương, ngồi dưới gốc cây Thiệm bộ, tư duy nhập định, chứng được Sơ thiền vô lậu”. Đến nơi khác, Phật bảo A-nan-đà: “đây là nơi ngày xưa Như lai Câu-na-hàm-mâu-ni cất ca-sa”. Đến tụ lạc tẩy dục, Phật bảo A-nan-đà: “ngày xưa Như lai Câu-na-hàmmâu- ni đã tắm tại đây nên tụ lạc này được gọi là tụ lạc tẩy dục”. Đến tụ lạc Tư ca để, Phật dừng ở trong rừng Thăng nhiếp ba phía Bắc tụ lạc rồi bảo các Bí-sô: “Ngày xưa có một người thợ tên là A-trala thường vác cây sào tre trên vai mà đi, đệ tử của ông tên là Mê-lặc-ca thường đứng trên cây sào tre này múa xiếc. Lúc đó A-trala nói với Mê-lặc-ca: “khi con ở trên sào tre múa xiếc, con phải thường nhìn xuống dưới để hai bên trông chừng lẫn nhau, chớ có sơ suất, chúng ta mới không bị thương tổn. Múa xong trở xuống an ổn, mọi người thấy chúng ta có tài năng sẽ hoan hỉ thưởng tiền cho chúng ta”, Mê-lặc-ca nói: “thầy chớ nói lời này, vì sao, vì thầy tự giữ mình, con cũng tự dụng tâm. Sau khi múa xong con sẽ xuống an ổn và cả hai đều không bị thương tổn, mọi người thấy rồi sẽ thưởng tiền cho chúng ta”.

Này các Bí-sô, lời của Mê-lặc-ca nói là thuận đạo lý, vì sao, vì nếu có thể tự thủ hộ thân mình thì mới có thể thủ hộ người khác; nếu muốn thủ hộ người khác thì không thể tự thủ hộ. Sao gọi là tự thủ hộ thì có thể thủ hộ người khác? Do nổ lực thường xuyên tu tập, do tự thủ hộ nên khi tiếp xúc cảnh hiện tiền, tự có thể thủ hộ và thủ hộ người khác. Sao gọi là muốn thủ hộ người khác thì không thể tự thủ hộ? Do không muốn não loạn người khác, không làm cho họ tức giận, không làm tổn hại, từ bi thương xót mọi người, vì thế có thể thủ hộ người khác nhưng không thể tự thủ hộ. Các Bí-sô nên tu học như thế, nếu muốn tự thủ hộ thì nên tu tập bốn Niệm trụ xứ. Sao gọi là bốn Niệm trụ xứ? Tức là nhớ nghĩ đến các trụ xứ Thân, thọ, tâm và pháp. Các Bí-sô nên tu học như thế”.

Sau đó Phật đến tụ lạc Xa-nan-già-la, dừng nghỉ trong một khu rừng rồi bảo các Bí-sô: “ta sẽ nhập tịch định trong hai tháng ở khu rừng này, trừ người đem thức ăn uống ra, tất cả các Bí-sô khác đều không được đến gặp ta. Tới ngày Bố tát cũng sai người đem thức ăn đến lấy Dục”. Dặn dò rồi Phật nhập tịch định, mãn hai tháng Phật xuất định rồi bảo các Bí-sô: “nếu có ngoại đạo đến hỏi các thầy: “Sa môn Kiều-đápma làm việc gì mà nhập tịch định trong hai tháng?”, thì các thầy nên đáp là nhập Tam muội sổ tức. Vì sao, vì trong hai tháng ta đã ngồi yên quán sổ tức, khi tu pháp quán này ta biết rõ như thật chưa từng bị tán loạn đối với hơi thở vào; cũng biết rõ như thật chưa từng bị tán loạn đối với hơi thở ra. Hơi thở dài ngắn, sanh diệt, toàn thân thở ra, ta đều biết rõ; toàn thân thở vào, ta cũng đều biết rõ; Khinh an hành thở ra, khinh an hành thở vào, ta đều biết rõ như thật. Ta biết rõ như thật khinh an tâm hành mà thở vào, như thật biết rõ khinh an tâm hành mà thở ra, khiến tâm hoan hỉ, khiến tâm chuyên chú trong Định. Ta như thật biết rõ tâm giải thoát mà thở vào, như thật biết rõ tâm giải thoát mà thở ra. Như thật biết rõ cái thấy vô thường, xả ly, nhàm lìa và hoại diệt mà thở vào… cho đến thở ra. Bí-sô nên biết, khi ấy ta biết đây là hành thô, ta vượt qua hành này và dùng khinh an hành để hành các hạnh vi tế khác. Do ta vượt qua hành thô và dùng khinh an hành để tu các hạnh vi tế khác nên có ba vị trời đến chỗ ta ngồi, một vị nói: “Sa môn Kiềuđáp-ma đã diệt độ”; vị thứ hai nói: “vị ấy không phải đã diệt độ,mà là sắp diệt độ”; vị thứ ba nói: “không phải đã diệt độ, cũng không phải sắp diệt độ, mà là an trụ trong thiền định. Tất cả các bậc Ứng cúng đều có Định như thế. Này các Bí-sô, hôm nay ta sẽ như pháp nói việc tu hành của bậc Thánh, của chư thiên, Phạm thiên, của bậc Vô học, Hữu học và của Như lai cho các thầy nghe. Tất cả bậc Hữu học nếu chưa đắc thì sẽ đắc, chưa chứng thì sẽ chứng, chưa thấy hướng đi thì sẽ thấy được hướng đi. Tất cả bậc Vô học đã thấy được hướng đi thì sẽ được tăng trưởng; bậc Hữu học thấy được pháp sẽ được an lạc trụ, như trong kinh Đạo phẩm tập có nói rõ”.

 

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18