CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA DƯỢC SỰ
Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản
QUYỂN 1
Nhiếp tụng 1:
Khai cho dùng các thuốc,
Dầu, mỡ trị bịnh ghẻ,
Thuốc chữa mắt, phong điên,
Tất lân bà ta vv…
Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc thành Thất-la-phiệt, lúc đó là vào mùa thu, các Bí-sô nhiễm bịnh thân thể vàng vỏ, ốm yếu, tiều tụy không có sức lực, Thế tôn tuy biết nhưng vẫn hỏi A-nan-đà nguyên do, A-nanđà bạch Phật: “các Bí-sô nhiễm thời tiết mùa thu bị bịnh nên thân thể vàng vỏ …”, Phật nói: “do bịnh khổ này, nay ta khai cho các Bí-sô uống dùng các loại thuốc”. Tuy Phật khai cho dùng các loại thuốc nhưng các Bí-sô đúng thời mới uống dùng, phi thời thì không nên vẫn ốm yếu như cũ, Thế tôn lại hỏi A-nan-đà nguyên do, A-nan-đà bạch Phật: “vì các Bí-sô chỉ dùng thuốc đúng thời còn phi thời thì không nên vẫn ốm yếu như cũ”, Phật nói: “nay ta khai cho các Bí-sô được dùng 4 loại thuốc : 1 là Thời dược, 2 là Cánh dược, 3 là Thất nhật dược, 4 là Tận thọ dược.”
1 – Thời dược : như bún (miến, mì, nui … ), bánh bột, ngũ cốc ( xôi, bắp …), thịt (cá), cơm. Những món ăn này đều là đúng thời mới ăn.
2 – Cánh dược ( phi thời dược ): 8 loại nước uống
a – Chiêu giả tương : Chiêu giả là tên của 1 loại cây ở Ấn độ, cũng gọi là Điên trớ lê, trái giống như trái bồ kết nhung có mùi vị như trái mơ, lớn chừng 2 ngón tay, dài khoảng 3, 4 tấc, người đương thời ép lấy nước uống.
b – Mao giả tương : tức là nước ép từ trái chuối với 1 ít bột hồ tiêu.
c – Cô lạc ca tương : nước ép từ trái Cô lạc ca, mùi vị như nước trái táo chua.
d – A thuyết tha tương : nước ép từ trái A thuyết tha.
e – Ô đàm bạt la tương : giống như trái mận, ép lấy nước dùng.
f – Bát lỗ sái tương : giống như trái anh áo, ép lấy nước dùng.
i – Miệt lật trụy tương : giống như trái nho, ép lấy nước dùng.
j – Khát thọ la tương : cấy giống như cây Lâu lư, trái giống như trái tào nhỏ, ép lấy nước dùng.
Khi dùng các loại nước uống này phải rửa tay sạch, lọc lượt rồi mới dùng.
Nội nhiếp tụng:
Trái dưà, trái chuối và táo chua,
Trái A thuyết tha, Ô bạt la,
Anh áo, bồ đào, khát thọ la,
8 loại nước uống này nên biết.
3. Thất nhật dược : như tô, dầu, đường, mật, đường phèn được cất dùng trong vòng bảy ngày.
4. Tận thọ dược : thuốc thuộc loại củ (rễ), cọng (cành, thân cây), lá, hoa, quả được cất dùng trị bịnh trọn đời. Lại có 5 loại thuốc nhựa cây, 5 loại thuốc tro, 5 loại thuốc muối, 5 loại thuốc sáp.
a – Thuốc thuộc loại củ ( rễ ) : như hương phụ tử, xương bồ, gừng vàng, gừng sống, bạch phụ tử và các loại tương tợ đều được tùy ý dùng làm thuốc.
b – Thuốc thuộc loại cọng (cành, thân cây) : như cạy chiên đàn, dây sắn, cây trắc bá diệp, cây thiên mộc hương, dây bất tử, tiểu bách và các loại tương tợ đều được tùy ý dùng làm thuốc.
c – Thuốc thuộc loại lá : như lá Toan thái bà xa ca (Trung Hoa không có ), lá Nhâm bà (lá xoan), lá Cao xa đắc chỉ (Trung Hoa không có) và các loại tương tợ đều được tùy ý dùng làm thuốc.
d – Thuộc thuộc loại hoa : như hoa Bá xá ca, hoa Nhâm bà, hoa Đà đắc kê, hoa sen… và các loại hoa khác đều được tùy ý dùng làm thuốc.
e – Thuốc thuộc loại quả : như quả Ha lê lặc, quả Am-ma-lặc, quả Bí ế đắc chỉ, quả tất bát và các loại quả khác đềi được tùy ý dùng làm thuốc.
f – 5 loại thuốc nhựa: nhựa cây A ngụy, nhựa cây Ô khang, nhựa cây Tử khoáng, nhựa sáp ong vàng, nhựa cây Hương an tất.
i – 5 loại thuốc tro: tro lúa gạo, tro hạt mè, tro bột gạo, tro cỏ Ngưu tất, tro lá cây Bà xa.
j – 5 loại thuốc muối: muối đen, muối đỏ, muối đá trắng, muối làm từ ruộng muối, muối biển.
g – 5 loại thuốc sáp: cây A-ma-la, cây Xoan, cây Thiệm bộ, cây Thi-lợi-sa, cây Cao-thiêm-bạc-ca.
Trong 5 loại dược này, Thời dược là loại dược dùng đúng thời ; nếu đem Cánh dược, Thất nhật dược, Tận thọ dược điều hòa với Thời dược thì chỉ dùng đúng thời, không được dùng phi thời. Nếu đem Cánh dược, Thất nhật dược, Tận thọ dược điều hòa với Cánh dược thì nên dùng vào canh 1, qua canh 1 thì không được dùng. Nếu đem Thất nhật dược điều hòa với Tận thọ dược thì được dùng trong bảy ngày, quá bảy ngày không được dùng. Nếu là tận thọ dược điều hòa với Tận thọ dược thì được cất dùng trọn đời, nhưng 4 loại dược này nếu điều hòa với nhau thì được miễn cưỡng dùng, khi không bịnh và khi bịnh lành thì không được dùng hoặc đem cho đồng phạm hạnh. Nên thọ trì như sau : rửa tay sạch rồi nhận lấy loại dược cần dùng, đối trước 1 Bí-sô tác pháp thọ trì : Cụ thọ nhớ nghĩ, tôi Bí-sô tên ________, vì có bịnh duyên xin được thọ trì loại Tận thọ dược này để uống dùng. ( ba lần ) Thất nhật dược hoặc Cánh dược cũng tác pháp như vậy.
Duyên khởi ở thành Thất-la-phiệt, lúc đó có một Bí-sô mắc bịnh phong đến thầy thuốc hỏi phương thuốc trị bịnh, thầy thuốc nói: “hãy dùng mỡ động vật thì bịnh sẽ khỏi”, Bí-sô nói: “tôi làm sao có thể dùng mỡ động vật được”, thầy thuốc nói: “trừ loại thuốc này ra, các loại thuốc khác không thể trị lành”, các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Bí-sô có bịnh, nếu thầy thuốc nói: trừ loại thuốc này ra, các loại thuốc khác không thể trị lành”, thì hãy dùng mỡ”. Lúc đó các Bí-sô không biết dùng loại mỡ gì nên trở lại hỏi thầy thuốc, thầy thuốc nói: “Đại sư là bậc Nhất thiết trí, thầy nên đến hỏi thì sẽ biết”, các Bí-sô đến hỏi Phật, Phật nói: “có 5 loại mỡ : 1) là mỡ cá, 2) là mỡ lợn biển, 3) là mỡ cá giao, 4) là mỡ gấu, 5) là mỡ heo. Năm loại mỡ này nếu nấu phi thời, lượt phi thời, thọ phi thời, cất giữ phi thời thì không nên dùng. Nếu nấu đúng thời, lượt phi thời, thọ phi thời, cất giữ phi thời thì không nên dùng. Nếu nấu và lượt đúng thời, thọ và cất giữ phi thời thì không nên dùng. Nếu nấu, lượt và thọ đúng thời mà cất giữ phi thời thì không nên dùng. Nếu thọ, lượt, thọ và cất giữ đều đúng thời thì nên dùng như cách dùng dầu, tức là chỉ cất dùng trong bảy ngày, quá bảy ngày thì không nên dùng.” Lúc đó Bí-sô bịnh nhời dùng mỡ nên bịnh được lành, sau khi lành bịnh liền đem mỡ còn dư quăng bỏ. Sau đó có Bí-sô khác cũng mắc bịnh Phong liền đến chỗ thầy thuốc phương thuốc trị bịnh, thầy thuốc chỉ tìm đến Bí-sô mắc bịnh trước đó để xin, Bí-sô này liền đến chỗ Bí-sô hỏi xin mỡ dư, Bí-sô nói: “tôi đã đem vất bỏ rồi”, Bí-sô này nói: “thầy thật không tốt, đã làm việc không nên làm”, các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật nói: “thuốc dùng còn dư không nên vất bỏ, nên thâu cất, nếu có Bí-sô nào cần đến xin thì nên cho ; nếu không có ai đến xin thì nên mang đến trong phòng chứa thuốc để cất giữ, sau này ai có cần thì đến đó hỏi xin để dùng ; nếu làm trái thì phạm tội Việt pháp”.
Sau đó lại có một Bí-sô trên thân mọc ghẻ liền đến chỗ thầy thuốc hỏi phương thuốc trị ghẻ, thấy thuốc nói: “Thánh giả nên dùng loại thuốc sáp (bôi trơn) thì bịnh sẽ khỏi”, Bí-sô nói: “tôi há là người đam mê dục lạc hay sao?”, thầy thuốc nói: “trừ loại thuốc này ra, các loại thuốc khác không thể trị lành”, Bí-sô lại hỏi: “cần dùng laọi thuốc sáp gì ?”, thầy thuốc nói: “Đại sư là bậc Nhất thiết trí, thầy nên đến hỏi thì sẽ biết”, các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “có 5 loại thuốc sáp : 1) là yêm một la, 2) là nhâm bà, 3) là thiệm bộ, 4) là dạ hợp, 5) là câu xa ma. 5) loại cây thuốc này hoặc vỏ cây hay lá cây đem giã nát, chưng cách thủy rồi thoa trên ghẻ”. Sau khi thoa, thân lại mọc ghẻ nữa, Phật bảo nên làm thuốc bột, các Bí-sô giã thuốc ướt làm thành viên, không thể thành bột, Phật nói: “không nên giã thuốc ướt, hãy phơi cho khô”, các Bí-sô phơi thuốc ngoài trời nắng gắt nên thuốc mất công hiệu, Phật nói: “không nên phơi ngoài trời nắng gắt”, các Bí-sô lại phơi trong mát nên khi thoa thuốc dính y, Phật nói: “hãy phơi lúc trời nắng nhẹ”. Bísô sau khi thoa thuốc liền đi tắm, thuốc rơi xuống hết không còn công hiệu, Phật nói: “hãy dùng tay khô thoa cho thuốc thấm vào da, sau đó mới tắm”, các Bí-sô y theo lời dạy bịnh được lành, sau khi bịnh lành liền đem vất bỏ thuốc dư. Sau đó có Bí-sô khác cũng bị ghẻ giống như thế liền đến thầy thuốc hỏi phương thuốc trị, thầy thuốc chỉ tìm đến hỏi thuốc nơi Bí-sô đã mắc bịnh trước, Bí-sô này liến đến chỗ Bí-sô trước hỏi xin thuốc, Bí-sô trước nói là đã vất bỏ rồi, Bí-sô này nói: “sao không cất giữ mà lại vất bỏ như thế ?”, Bí-sô này bạch Phật, Phật nói: “thuốc dùng còn dư không nên vất bỏ, nên thâu cất, nếu có Bí-sô nào cần đến xin thì nên cho ; nếu không có ai đến xin thì nên mang đến trong phòng chứa thuốc để cất giữ, sau này ai có cần thì đến đó hỏi xin để dùng; nếu làm trái thì phạm tội Việt pháp”.
Duyên khởi ở thành Thất-la-phiệt, lúc đó có Bí-sô bị đau mắt liền đến thầy thuốc hỏi phương thuốc trị bịnh, thấy thuốc nói: “Thánh giả hãy dùng loại thuốc An thiện na thì bịnh sẽ khỏi”, Bí-sô nói: “tôi há là người Ái dục hay sao?”, thầy thuốc nói: “trừ loại thuốc này ra, các loại thuốc khác không thể trị lành”, Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “nếu thầy thuốc nói: trừ loại thuốc này ra, các loại thuốc khác không thể trị lành, thì hãy dùng loại thuốc An thiện na”, Bí-sô không biết nên dùng loại An thiện na gì, đến hỏi thầy thuốc, thầy thuốc nói: “Đại sư là bậc Nhất thiết trí, thầy nên đến hỏi thì sẽ biết”, Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “có 5 loại An thiện na : 1) là hoa An thiện na, 2) là mủ An thiện na, 3) là bột An thiện na, 4) là viên An thiện na, 5) là đá An thiện na. 5 loại này đều dùng để chữa bịnh mắt”, Bí-sô dùng thuốc xong bịnh được lành liền đem vất bỏ thuốc còn dư. Sau đó lại có Bí-sô đau mắt, đến thầy thuốc hỏi phương thuốc trị, thầy thuốc chỉ tìm đến hỏi xin thuốc nơi Bí-sô bị đau mắt trước, Bí-sô này đến hỏi xin thì Bí-sô trước nói là đã vất bỏ rồi, Bí-sô này bạch Phật, Phật nói: “thuốc dùng còn dư không nên vất bỏ, nên thâu cất, nếu có Bí-sô nào cần đến xin thì nên cho; nếu không có ai đến xin thì nên mang đến trong phòng chứa thuốc để cất giữ, sau này ai có cần thì đến đó hỏi xin để dùng; nếu làm trái thì phạm tội Việt pháp”.
Duyên xứ giống như trước, lúc đó có Bí-sô Tây yết la mắc bịnh phong điên, đi lang thang khắp nơi, các Bà-la-môn cư sĩ thấy liền hỏi là con của ai, có người nói: “đó là con của cư sĩ ______, do người này cô độc nên mới đến trong giáo pháp của Sa môn Thích tử xuất gia, nếu không xuất gia thì họ hàng thân thích có thể trị bịnh phong điên cho ông ta”, các Bí-sô nghe biết đem việc này bạch Phật, Phật nói: “các Bí-sô nên đến hỏi thầy thuốc phương thuốc trị bịnh phong điên”, Bí-sô liền đến thầy thuốc hỏi, thầy thuốc nói: “hãy cho ăn thịt tươi sống thì bịnh sẽ khỏi”, Bí-sô nói: “Bí-sô ấy há lại ăn thịt tươi sống hay sao?”, thầy thuốc nói: “trừ loại thuốc này ra, các loại thuốc khác không thể trị lành”, Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “nếu thầy thuốc nói: trừ loại thuốc này ra, các loại thuốc khác không thể trị lành, thì hãy cho Bí-sô ấy ăn thịt tươi sống”, các Bí-sô đem thịt tươi sống cho Bí-sô bịnh ăn, Bí-sô bịnh nhìn thấy thịt tươi sống nên không chịu ăn, Phật bảo nên bịt mắt lại rồi cho ăn, các Bí-sô y lời làm theo, Bí-sô bịnh ăn xong khi mở khăn bịt mắt thấy tay dính máu liền nôn mửa ra hết, Phật nói: “không nên mở khăn bịt mắt ra liền, đợi rửa tay sạch rồi đem thức ăn thơm ngon khác đến trước mắt mới mở khăn bịt mắt ra bảo Bí-sô bịnh ăn thức ăn thơm ngon đó bịnh sẽ được lành”. Không ngờ sau khi khỏi bịnh Bí-sô này thường nhớ nghĩ đến loại thuốc ấy, các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “nếu bịnh đã khỏi thì nên thuận hành như trước kia không có bịnh, nấu làm trái thì phạm tội Việt pháp”.
Duyên khởi ở thành Vương xá, lúc đó cụ thọ Tất lân đà bà ta mới xuất gia có nhiều bịnh, các Bí-sô đến thăm hỏi sức khỏe liền đáp là bất an vì thường có bịnh, các Bí-sô hỏi: “trước kia thầy thường dùng loại thuốc gì ?”, đáp: “trước kia tôi thường mang theo một chiếc túi đựng đủ loại thuốc, cần loại nào thì dùng loại ấy”, các Bí-sô hỏi: “sao nay lại không dùng như thế”, đáp là Phật chưa khai cho dùng, các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật nói: “nay ta khai cho các Bí-sô cất giữ túi đựng thuốc”, các Bí-sô chứa đủ loại thuốc không chứa hết, Phật nói nên làm dây cột, các Bí-sô làm dây cột túi thuốc trên cọc ngà voi lâu ngày thuốc hư rã, Phật nói: “hãy phơi cho khô”, các Bí-sô phơi thuốc ngoài trời nắng gắt nên thuốc mất công hiệu, Phật nói: “không nên phơi ngoài trời nắng gắt”, các Bí-sô lại phơi trong mát, thuốc lại hư rã, Phật nói: “hãy phơi lúc trời nắng nhẹ”, gặp trời mưa gió Bí-sô không dám thu cất, Phật nói: nên bảo cư sĩ hay Cầu tịch thu cất, nếu không có ai thì Bí-sô tự thu cất, phần bị mưa ướt nên bỏ, phần không dính ướt thì cất giữ dùng, vì bịnh duyên nên khai cho dùng, nếu không có bịnh duyên thì không được dùng”.
Duyên khởi ở thành Thất-la-phiệt, lúc đó cụ thọ Hiệt ly phạt đa trong tất cả thời đều không thích tìm cầu, nên các Bí-sô đều gọi Hiệt ly phạt đa là người ít mong cầu. Sau đó vào 1 buổi sáng Hiệt ly phạt đa đắp y mang bát vào thành theo thứ lớp khất thực, chợt nghe tiếng ép mía liền đi đến xem thì thấy họ đang làm đường tán bằng cách trộn bột gạo vào trong đường. Bí-sô nói với người làm đường: “chớ có trộn bột vào trong đường”, người làm đường nói: “còn có vật khác trộn vào để làm đuờng tán hay sao?”, đáp: “tôi không biết, chỉ là vì chúng tôi xem đường tán là loại phi thời dược, cho nên ông chớ trộn bột vào trong đường”, người làm đường nói: “là thời dược hay phi thời dược cũng vậy, ngoài cách này ra không còn cách nào làm đường tán cả”, Bí-sô nghe rồi liền bỏ đi. Sau đó ở trong chúng được chia đường tán dùng phi thời, Bí-sô này nghi không dám ăn, đệ tử hỏi nguyên do, đáp: “vì trong đây có hòa trộn thời dược”, đệ tử nghe rồi cũng không dám ăn, các Bí-sô thấy liền hỏi nguyên do, đệ tử đáp: “thầy tôi nói trong đây có hòa trộn thời dược”, các Bí-sô nghe rồi cũng không dám ăn, các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật nói: “không vì lý do đó mà thành nhiễm vì cách làm phải như thế, nếu xuất xứ là tịnh thì được dùng, chớ có nghi”. Hôm khác, Hiệt ly phạt đa cũng vào thành khất thực đến trước phố Hương thành, thấy người làm đường đang vò viên đường tán bằng cách lấy bột xoa vào tay để vò viên, vò viên này xong lại lấy bột xoa vào tay để vò tiếp viên khác. Bí-sô thấy rồi liền nói: “tay đã dính bột đừng có cầm đường vì đây là loại phi thời dược”, người làm đường nói: “Thánh giả, có ai liên tục dùng nước rửa tay rồi mới vò viên đường hay không?”. Bísô này sau đó không dám ăn đường tán phi thời, các đệ tử cũng không ăn … giống như trên, các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “nếu căn bản thành nhiễm thì không nên ăn, nếu thể vốn tịnh thì ăn không phạm”.
Duyên khởi ở thành Thất-la-phiệt, lúc đó cụ thọ Xá-lợi-tử mắc bịnh phong, Đại Mục-kiền-liên thấy rồi liền suy nghĩ: “ta đã từng nuôi bịnh cho Xá-lợi-tử nhưng không hỏi thầy thuốc phương thuốc trị, nay ta nên đến hỏi”, nghĩ rồi liền đến hỏi thầy thuốc, thầy thuốc nói: “xét theo bịnh trạng thì nên dùng giấm muối thì bịnh sẽ được lành”. Sau khi xin được giấm, Đại Mục-kiền-liên muốn xin muối, cụ thọ Tất lân đà bà ta nói: “trước đây tôi có cất giữ muối trong cái sừng để dùng trọn đời, nếu Thế tôn khai cho dùng giấm muối thì tôi sẽ cho muối”, Xá-lợi-tử nghe rồi nói với Đại Mục-kiền-liên: “tôi nghi là nếu đem loại Tận thọ dược hòa trộn với loại Thời dược thì không được dùng phi thời”. Đại Mụckiền-liên bạch Phật, Phật nói: “nếu đem Cánh dược, Thất nhật dược, Tận thọ dược điều hòa với Thời dược thì chỉ dùng đúng thời, không được dùng phi thời. Nếu đem Cánh dược, Thất nhật dược, Tận thọ dược điều hòa với Cánh dược thì nên dùng theo thời hạn của Cánh dược, nếu quá thời hạn thì không được dùng. Nếu đem Thất nhật dược điều hòa với Tận thọ dược thì được dùng trong bảy ngày, quá bảy ngày không được dùng. Nếu là tận thọ dược điều hòa với Tận thọ dược thì được cất dùng trọn đời. Nếu ai làm trái thì phạm tội Việt pháp”.
Lúc đó Thế tôn từ nước Địch miêu du hành đến rừng Thi lộc chỗ Tiên nhơn đọa xứ thành Bà-la-nê-tư, trong thành này có một trưởng giả tên là Đại quân giàu có, vợ tên là Đại quân nữ. Trưởng giả này kính tín Tam bảo ưa thích hiền thiện, nghe tin Phật đến trong thành này liền suy nghĩ: “Thế tôn chính là Đại sư của ta, tuy ta thường cúng dường nhưng chưa đầy đủ, nay ta nên đem tư tài đã có cùng dường Thế tôn”, nghĩ rồi liền đến chỗ Phật đảnh lễ ngồi một bên nghe Phật nói pháp, Thế tôn tùy thuận nói pháp chỉ dạy cho trưởng giả được lợi hỉ rồi liền im lặng.
Trưởng giả nghe pháp xong hoan hỉ bạch Phật: “cúi xin Thế tôn cùng đại chúng thọ con thỉnh ba tháng hạ an cư cúng dường tứ sự”, Phật im lặng nhận lời, Trưởng giả biết Phật nhận lời vui mừng đảnh lễ rồi ra về. Suốt trong ba tháng an cư trưởng giả cúng dường tứ sự đầy đủ không để thiếu thốn, mỗi ngày vào sáng sớm trưởng giả đến đảnh lễ Phật rồi đi thăm các Bí-sô bịnh. Lúc đó có 1 Bí-sô bịnh, thầy thuốc bảo phải dùng canh thịt bịnh mới được lành, trưởng giả nghe rồi liền vế nhà bảo vợ : “Hiền thủ, có 1 Bí-sô bịnh thầy thuốc bảo phải dùng canh thịt bịnh mới được lành. Nàng hãy nấu món canh đó đem dâng cho Bí-sô bịnh”, vợ trưởng giả sai người hầu mang tiền đến lò mổ mua thịt, không may ngày hôm đó quốc vương sanh con nên cấm giết mổ, nếu ai vi phạm sẽ trị tội nặng, cho nên dù có mua thịt với giá cao cũng không mua được. Người hầu trở về báo lại, vợ trưởng giả suy nghĩ: “trong ba tháng vợ chồng ta nguyện cúng dường tứ sự đầy đủ, nếu không có món canh thịt này thì Bísô bịnh kia sẽ qua đời, ta sẽ có lỗi”, nghĩ rồi liền vào trong phòng cầm dao bén cắt thịt nơi đùi đưa cho người hầu nấu canh thịt dâng cho Bí-sô bịnh ăn. Người hầu vâng lời nấu canh thịt đem cho Bí-sô bịnh ăn, Bí-sô ăn xong liền lành bịnh mà vẫn không biết thịt trong canh là thịt nơi thân của vợ trưởng giả, Bí-sô suy nghĩ: “ta thọ cúng dường này thì không nên nằm không, ta phải đắc những pháp chưa đắc, chứng những pháp chưa chứng, hiểu những pháp chưa hiểu”, nghĩ rồi đoan thân chánh niệm, tâm ý tịch nhiên, không bao lâu sau phiền não đốn trừ chứng được quả A-la-hán, đầy đủ 3 Minh Thông và 8 Giải thoát, hiểu rõ “ sanh tử đã tận, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không thọ thân sau ”, thoát ly ba cõi như dao cắt mùi thơm, không sinh sân hận, xem vàng như đất không khác, đáng được chư thiên Đế thích, Phạm vương cúng dường. Sáng sớm hôm sau Phật đắp y mang bát cùng Đại chúng đến nhà trưởng giả, ngồi vào chỗ ngồi rồi hỏi trưởng giả: “vợ của ông đang ở đâu ?”, đáp là đang ở trong phòng. Lúc đó nhờ oai lực không thể nghĩ bàn của Phật khiến cho nơi bị cắt thịt được lành lặn như cũ, vợ trưởng giả sanh tâm hoan hỉ liền bước ra khỏi phòng đến đảnh lễ Phật rồi ngồi một bên, Phật hỏi: “vì nguyên nhân gì mà ở trong đường hiểm sanh tử cô có thể phát tâm hạnh Bồ-tát ?”, vợ trưởng giả chắp tay nói kệ:
“Luân hồi trong sanh tử,
Thân này dễ có được,
Trong trăm ngàn ức kiếp,
Khó gặp cảnh tôn thắng”.
Lúc đó trưởng giả đem các món ăn thơm ngon dâng cúng Phật và đại chúng, sau đó ngồi một bên nghe Phật nói pháp, Thế tôn tùy thuận nói pháp chỉ dạy cho trưởng giả được lợi hỉ rồi trở về trú xứ, tập họp các Bí-sô bảo rằng: “ai ăn thịt người thì bị mọi người chê trách. Trong các thứ thịt thì ăn thịt người là đáng bị chê trách nhất, cho nên các Bísô không được ăn thịt người, nếu ăn thịt người thì phạm Tốt thổ la để. Nay ta nói về hành pháp của vị thượng tòa trong chúng : hễ đến giờ ăn, nếu có người mang thịt đến dâng cúng, vị thượng tọa nên hỏi là thịt gì, nếu thượng tòa già bịnh không nhớ hỏi thì vị thượng tòa thứ 2 nên hỏi, nếu thượng tòa không hỏi thì phạm tội Việt pháp”. Lúc đó các Bí-sô có nghi thỉnh hỏi Phật: “vợ trưởng giả đại quân cắt thịt trên thân cúng dường Bí-sô nên Bí-sô được lành bịnh, trong lòng phấn chấn siêng tu không gián đoạn nên dứt hết các lậu hoặc. Sau khi biết được là đã ăn thịt người bị mọi người chê trách, đối với pháp Phật có trái, đáng quở trách vì sao Bí-sô lại được lậu tận ?”, Phật bảo các Bí-sô: “không phải chỉ đời này Bí-sô nhận người nữ kia cúng dường mà trong vô lượng kiếp đời quá khứ, người nữ đó cũng đã đem thịt trên thân cúng dường Bí-sô đó. Quá khứ nhờ người nữ kia cúng dường mà chứng được năm Thông, ngày nay lại được đầy đủ thông và được Lậu tận. Các thầy lắng nghe: Thuở xưa trong thành Bà-la-nê-tư có một trưởng giả giàu có, tín thuận và trọng nhân nghĩa, vợ trưởng giả cũng vậy. Lúc đó có một Bà-la-môn thông minh hiểu rộng, có 500 đệ tử vây quanh để học Minh luận, trưởng giả tín kính nên thỉnh Bà-la-môn và các đệ tử về nhà cúng dường trọn đời, mỗi sáng trưởng giả đều đến thăm viếng, thấy có một người đệ tử bịnh khổ liền đến hỏi thầy thuốc phương thuốc trị, thầy thuốc bảo nên cho ăn canh thịt. Trưởng giả liền trở về bảo vợ : “có một người đệ tử của Bà-la-môn bịnh, thầy thuốc bảo phải dùng canh thịt bịnh mới được lành. Nàng hãy nấu món canh đó đem dâng cho Bí-sô bịnh”, vợ trưởng giả sai người hầu mang tiền đến lò mổ mua thịt, không may ngày hôm đó hoàng hậu sanh con nên cấm giết mổ, nếu ai vi phạm sẽ trị tội nặng, cho nên dù có mua thịt với giá cao cũng không mua được. Người hầu trở về báo lại, vợ trưởng giả suy nghĩ: “ vợ chồng ta thỉnh Bà-la-môn và các đệ tử cúng dường, nếu không có món canh thịt này thì người đệ tử bịnh kia sẽ qua đời, ta sẽ có lỗi”, nghĩ rồi liền vào trong phòng cầm dao bén cắt thịt nơi đùi đưa cho người hầu nấu canh thịt đưa cho người bịnh ăn. Người bịnh ăn xong liền lành bịnh, bịnh khỏi rồi liền suy nghĩ: “hôm nay nhà vua cấm giết mổ, không biết thịt này từ đâu mà có, chắc là vợ của trưởng giả tự cắt thịt của mình nấu canh cho ta ăn. , ta phải đắc những pháp chưa đắc, chứng những pháp chưa chứng, hiểu những pháp chưa hiểu”, nghĩ rồi liền siêng năng tinh tấn, không bao lâu sau chứng được năm thông.
Này các Bí-sô, vợ trưởng giả thuở xưa chính là vợ trưởng giả ngày nay; người đệ tử bịnh ngày xưa chính là Bí-sô bịnh ngày nay. Quá khứ nhờ người nữ này cắt thịt cúng dường mà chứng được năm thông, ngày nay cũng nhờ người nữ này cắt thịt cúng dường mà được lậu tận. Này các Bí-sô, hễ tạo nghiệp đen thì cảm quả báo dị thục đen ; tạo nghiệp trắng thì cảm quả báo dị thục trắng, tạo nghiệp đen trắng xen tạp thì được quả báo xen tạp. Cho nên các thầy nên bỏ nghiệp đen và nghiệp xen tạp, nên tu nghiệp thuần trắng.”
Lúc đó ở thành Thất-la-phiệt, vua Thắng quang vua nước Kiềutát-la có con voi chiến bậc nhất bỗng bị bịnh dịch chết, lại gặp lúc mất mùa đói kém nên dân chúng đều ăn thịt voi. Sáng sớm hôm đó Lục chúng Bí-sô vào thành theo thứ lớp khất thực đến trước nhà 1 trưởng giả, trong nhà trưởng giả đang nấu thịt voi, mùi thơm bốc ra nên Lục chúng liền bước vào trong nhà xin, vợ trưởng giả nói không có thức ăn, Lục chúng hỏi: “nấu món ăn gì mà mùi thơm bốc ra như thế ?”, vợ trưởng giả nói: “đó là thịt voi, các vị ăn thịt voi được hay sao?”, Lục chúng nói: “chúng tôi dựa vào thí chủ, nếu thí chủ ăn thịt voi thì chúng tôi cũng ăn thịt voi”, vợ trưởng giả nghe rồi liền mang thịt voi ra cúng dường. Lục chúng nhận đầy bát rồi mang đi, các Bí-sô khác thấy liền hỏi: “thầy xin được món gì mà đựng đầy bát như thế ?”, đáp là thịt voi, liền hỏi: “thầy há ăn cả thịt voi hay sao?”, đáp: “lúc này mất mùa đói kém, không ăn há chịu chết đói hay sao?”, các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “Trời rồng, dược xoa, phi nhơn, quốc vương, đại thần đều cung kính Bí-sô, ví sao Bísô lại ăn thịt voi của vua. Nếu vua nghe biết được sẽ nghĩ rằng: do các Bí-sô ăn thịt voi nên con voi chiến bậc nhất của ta mới chết, vua sẽ chê trách các Bí-sô, vì thế các Bí-sô không nên ăn thịt voi, ai ăn sẽ phạm tội Việt pháp. Thịt voi đã như thế thì thịt ngựa cũng thế”.
Phật ở trú xứ gần bên ao Yết già thành Chiêm ba, trong ao có con rồng chúa tên là Chiêm bệ đa tín tâm, mỗi tháng vào ngày 14 và mồng 1 rồng ra khỏi cung biến thành hình người đến chỗ Bí-sô thọ 8 học xứ, sau đó đến chỗ vắng vẻ hiện lại nguyên hình, không làm tổn hại các chúng sanh khác. Gặp lúc mất mùa đói kém nên dân chúng đến cắt xẻ thân rồng mang về ăn, lúc đó Lục chúng Bí-sô vào thành theo thứ lớp khất thực đến trước nhà 1 trưởng giả, trong nhà trưởng giả đang nấu thịt rồng, mùi thơm bốc ra nên Lục chúng liền bước vào trong nhà xin, vợ trưởng giả nói không có thức ăn, Lục chúng hỏi: “nấu món ăn gì mà mùi thơm bốc ra như thế ?”, vợ trưởng giả nói: “đó là thịt rồng, các vị ăn thịt rồng được hay sao?”, Lục chúng nói: “chúng tôi dựa vào thí chủ, nếu thí chủ ăn thịt rồng thì chúng tôi cũng ăn thịt rồng”, vợ trưởng giả nghe rồi liền mang thịt rồng ra cúng dường. Do dân chúng đến lấy thịt rồng ngày một nhiều hơn nên rồng vợ suy nghĩ: “do các Bí-sô ăn thịt rồng nên mọi người càng ăn nhiều hơn, chồng ta biết chừng nào mới thoát ly nổi khổ, ta nên đem việc này bạch Phật”, đợi đến khi đêm xuống, rồng vợ đến chỗ Phật đảnh lễ rồi ngồi một bên, ánh sáng nơi thân rồng chiếu sáng khắp bờ ao Yết già, rồng chắp tay bạch Phật: “Thế tôn, chồng con có tín tâm, mỗi tháng vào ngày 14 và mồng 1 rồng ra khỏi cung biến thành hình người đến chỗ Bí-sô thọ 8 học xứ, sau đó đến chỗ vắng vẻ hiện lại nguyên hình, không làm tổn hại các chúng sanh khác. Gặp lúc mất mùa đói kém nên dân chúng đến cắt xẻ thân rồng mang về ăn, các Bí-sô cũng ăn thịt rồng, như vậy đến lúc nào chồng con mới hết khổ. Cúi xin Thế tôn từ bi thương xót chế ngăn các Bí-sô đừng ăn thịt rồng”, Phật nghe rồi liền im lặng, biết Phật đã nhận lời rồng vợ liền ra về. Sáng hôm sau, Phật đến trong đại chúng bảo các Bí-sô: “đêm qua có rồng vợ của vua rồng Chiêm bệ đa đến chỗ ta bạch rằng: Thế tôn, chồng con có tín tâm, mỗi tháng vào ngày 14 và mồng 1 rồng ra khỏi cung biến thành hình người đến chỗ Bí-sô thọ 8 học xứ, sau đó đến chỗ vắng vẻ hiện lại nguyên hình, không làm tổn hại các chúng sanh khác. Gặp lúc mất mùa đói kém nên dân chúng đến cắt xẻ thân rồng mang về ăn, các Bí-sô cũng ăn thịt rồng, như vậy biết chừng nào chồng con mới hết khổ. Cúi xin Thế tôn chế ngăn các Bí-sô đừng ăn thịt rồng. Vì thương xót rồng nên ta nhận lời, từ nay các Bí-sô không nên ăn thịt rồng. Người ăn thịt rồng thì trời rồng đều chê trách khinh rẽ, làm tiêu mất pháp lành không phải là Thích ca tử. Nếu Bí-sô nào ăn thịt rồng thì phạm tội Việt pháp”.