CĂN BẢN TÁT BÀ ĐA BỘ LUẬT NHIẾP

Nguyên tác: Tôn giả Thắng Hữu – Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường. TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh. Năm 2010.

QUYỂN 1

Lễ bậc Điều phục trừ phiền não,
Diệt hoặc cho chúng sanh. nhân chánh.
Như mặt trời chiếu. lợi cùng khắp,
Có thể phá hết các tối tăm.
Nay giải thích rộng việc Phật nói,
Ni đà na và Mục đắc ca,
Tăng nhất cho đến tăng mười sáu.
Tôn giả Ưu-ba-ly thỉnh hỏi,
Ma nạp Tỳ ca giải thiết yếu,
Tỳ ni đắc ca và Bản mẫu.
Tôi theo thứ lớp nhiếp luật văn,
Khiến người thích gọn mau tỏ ngộ.
Biệt giải thoát kinh khó được nghe
Trải qua vô lượng trăm ngàn kiếp
Đọc tụng thọ trì cũng như vậy
Như thuyết hành trì càng khó gặp.

Bốn câu đầu của Tựa giới kinh nói rõ giáo hành khó được. Biệt giải thoát: nương nơi kinh Biệt giải thoát, như thuyết tu hành thì đối với chín phẩm Hoặc như hạ hạ phẩm… sẽ lần lượt đoạn trừ, vĩnh viễn không thối chuyển. Do ngay nơi phiền não mà được giải thoát nên gọi là Biệt giải thoát; lại do ở địa vị Kiến đạo và Tu đạo, ngay nơi mỗi mỗi phẩm

Hoặc có thể xa lìa nên gọi là Biệt giải thoát. Hữu tình do các phẩm Hoặc này nên chìm đắm trong ba cõi, vì thế phải siêng cầu giải thoát trước.

Kinh: là lời Phật dạy, lựa khác với giáo pháp của ngoại đạo. Văn nghĩa mà người khác thuyết giảng, người nghe dùng nhĩ thức lãnh hội rồi dùng tâm quyết đoán để hiểu.

Khó được: khi Phật ra đời mới được gặp một lần, lại rất khó sanh vào cõi thiện.

Vô lượng vô số kiếp: tức là đại kiếp, tuy trải qua nhiều vô lượng, nhưng giới pháp khó gặp. Nói vô lượng vô số là hiển chỗ cùng tột của sự khó gặp.

Đọc tụng: văn hoặc nghĩa và dùng huệ lãnh thọ.

Thọ trì: đối với văn và nghĩa luôn nhớ giữ trong thời gian dài mà không quên, do niệm tụng nên tương ưng với Cần.

Như thuyết tu hành: do thân ngữ nghiệp tạo tác, tâm thuận theo lời Phật dạy không trái phạm.

Càng khó gặp: nghe, đọc tụng, thọ trì còn dễ, nếu như lời Phật dạy tu hành thì càng khó gặp hơn, phải dõng mãnh tinh tấn mới toàn giới hạnh, không phải hạng có tâm thấp kém mà làm được. Nói càng là hiển chỗ cùng tột của khó được, khó gặp, đó là giáo và hành. Nghe, đọc tụng, thọ trì là Giáo; tuân phụng tu tập là Hành.

Phật thị hiện ở đời là vui
Diễn nói pháp vi diệu là vui
Tăng nhất tâm đồng kiến là vui
Hòa hợp cùng tu tiến là vui.

Ý của bốn câu này là nói Tam bảo hưng thịnh ở đời, các sự nghiệp đã có đều là nhân của lạc.

Phật thị hiện ở đời là vui: từ khi Phật nhập thai, đản sanh thì gọi là Phật thị hiện ở đời, đây là dựa trên lý sắp thành tựu nên tuy là Bồ-tát mà vẫn được gọi là Phật. Đến khi thành chánh giác, dựa trên Nhất-thiết-trí đã thành tựu nên gọi là Phật, đây là nhân hỉ lạc của diệu giải thoát.

Diễn nói chánh pháp vi diệu là vui: chánh pháp là chỉ cho mười hai phần giáo như khế kinh…

Tăng già nhất tâm đồng kiến: chỉ cho tám bậc đại nhân đối với giới, oai nghi, chánh mạng là đồng kiến nên nhất tâm tuân hành thì khó thể hoại là vui.

Hòa hợp cùng tu tiến: đối với tịnh giới siêng tu, tâm dõng mãnh sách tấn để đoạn dứt phiền não, tâm không thối chuyển là nhân của vui.

Gặp Thánh nhơn hiện hữu là vui.
Được cùng ở chúng cũng là vui.
Nếu không gặp những người ngu si.
Đó mới gọi là thường thọ lạc.

Ý của bốn câu này nói thân gần bạn lành, xa lìa bạn ác là nhân của lạc.

Thánh nhân: chỉ cho bậc đã dứt tội ácm có dức thắng thiện, nếu được gặp cùng ở chung đều được an lạc trụ. Ngược lại người không biết tu phẩm thiện, tạo nhiều ác hạnh, mê nơi chánh lý thì gọi là kẻ ngu si, không nên gần, phải mau xa lìa.

Gặp người trì giới đủ là vui
Nếu gặp Đa văn cũng là vui
Gặp A-la-hán chân thật vui
Vì đời sau không còn tái sanh.

Ý của bốn câu này nói sự sai biệt của bạn lành, vì Thánh nhân có hai hạng: một là thế tục, hai là thắng nghĩa. Thế tục lại có hai hạng: một là trụ nơi định, hai là trụ nơi huệ. Hai câu đầu chỉ cho bậc Thánh nhân thế tục, nói người có đầy đủ thi la là chỉ cho bậc trụ nơi định, vì nhân giới sanh định; nói người đa văn là chỉ cho bậc trụ nơi huệ, vì từ định sanh huệ. Hai câu sau chỉ cho bậc Thánh nhân thắng nghĩa do định huệ cùng vận hành, trụ đến chỗ rốt ráo là chân thật thiện tri thức, vì bậc Ala-hán tuy ở trong lưu chuyển nhưng đã chứng pháp vô sanh; tuy ở trong các khổ phiền não nhưng đã hoàn toàn giải thoát.

Đến thềm diệu bờ sông kia vui
Dùng pháp hàng địch chiến thắng vui
Khi chứng đắc sanh chánh huệ quả
Tận trừ được ngã mạn là vui.

Hai câu đầu nói nhân dưa đến an lac, hai câu sau nói Huệ sanh sẽ đoạn được Hoặc.

Bờ sông: chỉ cho ra khỏi sông sanh tử, lìa lỗi chấp hai bên, bát chánh đạo là thềm diệu là nhân đưa đến an lạc giải thoát. Dùng pháp hàng địch: pháp chỉ cho chánh hạnh là công cụ chống địch, hàng phục ma quân phiền não khiến không sanh khởi nữa nên gọi là là chiến thắng vui. Hai câu sau nói dùng kiếm trí huệ chặt đứt ngã mạn mà được an lạc.

Nếu có thể làm quyết định ý
Khéo điều căn. dục đủ đa văn
Từ trẻ đến già ở trong rừng
Lan nhã nhàn cư, tịch tĩnh vui.

Bốn câu này ý nói nhờ tu chánh hạnh nên cùng hạnh đầu đà tương ưng là nhân của lạc.

Ý quyết định: chỉ cho tâm thanh tịnh ban đầu, cũng là hạnh tri túc, sách tấn siêng tu không mong cầu danh lợi, thúc liễm thân tâm để phòng hộ ngoại cảnh, nhân đây thành tựu thắng quả giải thoát.

Khéo hàng phục căn. dục đủ đa văn: đây là trợ bạn thanh tịnh cùng đi với giới, nhưng muốn được quả thắng thượng phải có đủ đa văn, vì trí có thể đoạn phiền não, không phải kẻ ngu si trụ nơi A-lan-nhã có thể làm được. Nếu không có đủ đa văn, chỉ hiểu rành giới tướng với tâm quyết định thì vẫn có thể trụ nơi A-lan-nhã, xa lìa chốn ồn náo tạp loạn mà được an lạc trụ.

Tựa giới kinh tổng khai làm mười nghĩa: một là nói rõ lời Phật dạy, hai là quở trách không nhóm hết, ba là không đến nhóm họp tùy thuận nghe, bốn là pháp thức cúng dường, năm là chính thức răn nhắc, sáu là lợi ích của răn nhắc, bảy là không răn nhắc thì lỗi sanh, tám là chính thức tác bạch, chín là khuyên chí tâm lắng nghe và mười là khiến đồ chúng thanh tịnh.

1. Nói rõ lời Phật dạy:

Các Đại đức, bốn tháng mùa Xuân (hoặc Hạ, Đông) nửa tháng (hoặc một tháng…) đã qua, còn lại ba tháng rưỡi (hoặc ba tháng…), già chết tới gần, mạng sống giảm dần. Các Đại đức nên tinh tấn tỉnh giác chớ có buông lung, do không buông lung nên chắc chắn chứng quả Phật, huống chi các giác phẩm thiện pháp khác vì các đệ tử Thanh văn của Phật thì ít cầu ít việc.

– Người chưa thọ Cận viên đã ra ngoài chưa?

– Các Bí-sô không đến có gởi dục thanh tịnh không?

– Có ai sai Bí-sô ni đến thỉnh giáo thọ không?

Nói bốn tháng mùa xuân, nửa tháng đã qua, còn lại ba tháng rưỡi: ý nói trong ba mùa xuân hạ đông, khi thuyết Ba-la-đề-mộc-xoa tùy đang ở trong mùa nào thì nói mùa đó và tùy theo số ngày đã thuyết và chưa thuyết mà nói ra.

Già chết tới gần: ý nói già chết thường hiện tiền, trong mười hai chi chỉ nói chi này là vì dối với ưu bi khổ não thì tác dụng của chi lão tử là mạnh nhất. Nói già chết tới gần là nhân khiến hạnh mất viên mãn, vì già chết là sở y, do già chết bức bách, mạng căn dần đoạn hoại thì không thể đạt đến viên mãn. Thế tôn đại bi gióa hóa hữu tình nói ra mười hai phần giáo, hễ là người có duyên thảy đều được hóa độ, nhưng giáo pháp nay không bao lâu nữa cũng sẽ diệt, do pháp diệt nên hạnh cũng thối thất. Đây là hai nhân làm cho hạnh mất viên mãn.

Chớ có phóng dật: không phóng dật là hạnh tối thắng trong các phẩm thiện; tâm không phóng dật, dõng mãnh tiến tu mới làm sáng tỏ Thánh giáo, có thể làm y chỉ cho Thánh đạo xuất thế, chỉ quan song tu sẽ được Thánh đạo.

Do không phóng dật ắt sẽ chứng đắc: ý Phật muốn cho người xuất gia cầu giải thoát được chứng quả nên chế ra các học xứ.

Như thật tri: ý nói Phật hiểu rõ mọi việc như thật.

Ứng: ý nói đối với các hữu tình, Phật xứng đáng thọ sự cúng dường.

Chánh đẳng giác: ý nói Phật hiểu biết tường tận cùng khắp không có điên đảo.

Huống chi giác phẩm thiện pháp khác: ý nói do không phóng dật có thể chứng quả bồ đề, các thiện pháp đã có đều gọi là giác phẩm thiện pháp.

2. Quở trách không đến nhóm họp hết:

Đại đức, Tăng già làm trước việc gì?: ý nói nên đến tập họp, trước nên rưới nước quét dọn chỗ làm trưởng tịnh sạch sẽ trang nghiêm đèn hoa….

Chúng Thanh văn của Phật ít cầu ít việc: ít cầu là nghĩa của thiểu dục thuộc ý nghiệp, ít việc là nghĩa của tri túc thuộc thân ngữ nghiệp. Thanh văn là nghe từ người khác, nói chúng là ý nói đồng tâm đến nhóm họp thì không gì có thể hoại được.

3. Không đến nhóm họp tùy thuận nghe:

Không đến là khi trưởng tịnh không đến nhóm. Nói Đại đức là lời tôn kính, như Phật đã dạy, các Bí-sô dù trẻ hay già đều không được gọi nhau bằng tên họ, nên gọi là cụ thọ hay Đại đức, Phật Thế tôn nên gọi bằng đức hiệu, nếu làm trái thì phạm tội Việt pháp.

Gởi dục thanh tịnh: nếu Bí-sô có bịnh hoặc đang tu phẩm thiện không thể đến nhóm thì nên gởi dục thanh tịnh, Bí-sô muốn gởi dục thanh tịnh, nên đủ oai nghi đối trước một Bí-sô bạch rằng:

Cụ thọ nhớ nghĩ, hôm nay là ngày thứ mười bốn, Tăng làm trưởng tịnh, tôi Bí-sô _____ vào ngày thứ mười bốn cũng làm trưởng tịnh, tôi Bí-sô _____ tự nói thanh tịnh, không có các chướng pháp, vì nhân duyên bịnh, Tăng sự như pháp, xin gởi dục thanh tịnh (ba lần).

Nếu Bí-sô bịnh nặng, không thể gởi dục được thì nên dìu đở đến trong Tăng, nếu cũng không thể thì Tăng nên đến chỗ người bịnh làm trưởng tịnh, nếu không như vậy thì tác pháp không thành, phạm tội Việt pháp.

Nếu không phải làm trưởng tịnh mà là làm yết ma khác thì chỉ nói gởi dục, không nói thanh tịnh. Vị trì dục tịnh nên đối trước một Bí-sô trong Tăng bạch rằng:

Đại đức nhớ nghĩ, trong liêu phòng có Bí-sô _____ bịnh, hôm nay là ngày thứ mười bốn, Tăng làm trưởng tịnh, Bí-sô _____ vào ngày thứ mười bốn cũng làm trưởng tịnh, Bí-sô _____ tự nói thanh tịnh, không có các chướng pháp, vì nhân duyên bịnh, Tăng sự như pháp, xin gởi dục thanh tịnh.

Nếu có nhân duyên khác thì tùy sự việc nêu ra, sở dĩ chỉ đối trước một Bí-sô trong Tăng mà không ở trong Tăng bạch là vì ngăn việc kéo dài thời gian khiến Tăng mõi mệt… Nếu Bí-sô vì lười biếng và xem thường pháp mà gởi dục thì phạm Đột sắc ngật lý ca. Nếu vị yết ma đà na có bịnh hoặc sợ bịnh phát sanh hoặc bịnh vừa mới bớt, hoặc vì khán bịnh hoặc vì mõi mệt, hoặc vì lạnh nóng hoặc vì bẩm tánh hay ngủ gật nên tu phẩm thiện khác nên trừ bịnh hôn trầm, hoặc ở trong phòng tự tụng giới bổn, hoặc ở chỗ khác nghe thọ nghĩa của giới, hoặc từ câu văn hệ tâm suy tư nghĩa lý sợ quên mất, hoặc mới tu được diệu quán hiện tiền để chế ngự tâm, hoặc muốn cho giác phần thiện phẩm không có xen tạp, nếu xen tạp duyên khác thì mất chánh niệm, hoặc được Kiến đế… thì gởi dục không phạm. Người thọ dục mang đến trong Tăng nếu đi mau hoặc nhảy qua hố hoặc ở nơi cao nguy hiểm hoặc ở trên hư không hoặc ở ngoài giới… hoặc ngủ quên hoặc nhập định hoặc chết hoặc hoàn tục hoặc nói tôi là Cầu tịch thì không thành trì dục, nên lấy dục tịnh lại. Nếu một người lấy dục của nhiều người thì tùy nhớ mà nói, nếu người ở dưới đất gởi dục cho người ở trên không và ngược lại thì gởi dục không thành. Người thọ học (học hối Sa di) được gởi dục nhưng không được thọ dục của người khác, người ở trong giới nên gởi dục cho người trong giới, khác với đây thì không thành gởi dục.

Giới có phân đại giới và tiểu giới, ở trong đại giới nên chọn chỗ không có chướng ngại kết làm tiểu giới tràng, trước nên xem xét các tiêu tướng ở bốn phía của tiểu giới, như tiêu tướng phía Đông là cây hoặc là hàng rào, mô đất, trụ đá, trụ sắt, trụ cây…; tiêu tướng ở ba phía kia theo đó mà nhận biết. Sau khi xem thấy các tiêu tướng rồi nên đánh kiền chùy nhóm tất cả các Bí-sô cựu trụ lại, tác tiền phương tiện rồi xướng tiêu tướng ở bốn phía của tiểu giới, sau đó một Bí-sô bạch nhị yết ma kết như sau:

Đại đức Tăng lắng nghe, nay tại trú xứ này, các Bí-sô cựu trụ đã cùng xem xét các tiêu tướng ở bốn phía của tiểu giới, như tiêu tướng phía Đông là cây hoặc là hàng rào, mô đất, trụ đá, trụ sắt, trụ cây…; tiêu tướng phía Nam là __________, tiêu tướng phái Tây là __________, tiêu tướng phía Bắc là __________. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Tăng nay trong phạm vi các tiêu tướng này kết làm tiểu giới tràng. Bạch như vậy.

Đại đức Tăng lắng nghe, nay tại trú xứ này, các Bí-sô cựu trụ nên cùng xem xét các tiêu tướng ở bốn phía của tiểu giới, như tiêu tướng phía Đông là cây hoặc là hàng rào, mô đất, trụ đá, trụ sắt, trụ cây…; tiêu tướngphía Nam là __________, tiêu tướng phía Tây là _________, tiêu tướng phía Bắc là ___________. Tăng nay ở trong phạm vi các tiêu tướng này kết làm tiểu giới tràng. Các Bí-sô chấp thuận ở trong phạm vi các tiêu tướng này kết làm tiểu giới tràng thì im lặng, ai không chấp thuận thì nói.

Tăng đã chấp thuận ở trong phạm vi các tiêu tướng này kết làm tiểu giới tràng xong rồi. Tăng chấp thuận vì im lặng, việc này xin nhớ giữ như vậy.

Kế kết đại giới, phạm vi của đại giới tối Đa-là hai Du thiện na rưỡi, xuống dưới thấp chỗ không có nước chảy cũng vậy, nếu có sông nước thì ngang bằng mặt nước này là giới. Nếu trong giới có cây cao hay núi thì giới cũng tùy theo cây và núi, lên trên cao đến chỗ có nước là giới. Sau khi xem thấy các tiêu tướng rồi nên đánh kiền chùy nhóm tất cả các Bí-sô cựu trụ lại, tác tiền phương tiện rồi xướng tiêu tướng ở bốn phía của đại giới, sau đó một Bí-sô bạch nhị yết ma kết như sau:

Đại đức Tăng lắng nghe, nay tại trú xứ này, các Bí-sô cựu trụ đã cùng xem xét các tiêu tướng ở bốn phía của đại giới, như tiêu tướng phía Đông là cây hoặc là hàng rào, mô đất, trụ đá, trụ sắt, trụ cây…; tiêu tướng phía Nam là __________, tiêu tướng phía Tây là _______, tiêu tướng phía Bắc là ____________. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Tăng nay ở trong phạm vi các tiêu tướng này kết làm đại giới của Tăng, từ A-lan-nhã cho đến trú xứ này, đồng một trú xứ làm Bao-sái-đà, trừ thôn và thế phần của thôn. Bạch như vậy.

Đại đức Tăng lắng nghe, nay tại trú xứ này, các Bí-sô cựu trụ đã cùng xem xét các tiêu tướng ở bốn phía của đại giới, như tiêu tướng phía Đông là cây hoặc là hàng rào, mô đất, trụ đá, trụ sắt, trụ cây…; tiêu tướng phía Nam là __________, tiêu tướng phía Tây là __________, tiêu tướng phía Bắc là _________. Tăng nay trong phạm vi các tiêu tướng này kết làm đại giới của Tăng, từ A-lan-nhã cho đến trú xứ này, đồng một trú xứ làm Bao-sái-đà, trừ thôn và thế phần của thôn. Các Bí-sô chấp thuận ở trong phạm vi các tiêu tướng này kết làm đại giới của Tăng, từ A-lan-nhã cho đến trú xứ này, đồng một trú xứ làm Baosái-đà, trừ thôn và thế phần của thôn thì im lặng, ai không chấp thuận thì nói.

Tăng đã chấp thuận ở trong các tiêu tướng này kết làm đại giới của Tăng, từ A-lan-nhã cho đến trú xứ này, đồng một trú xứ làm Baosái-đà, trừ thôn và thế phần của thôn xong rồi. Tăng chấp thuận vì im lặng, việc này xin nhớ giữ như vậy.

Sau khi Tăng đã kết đại giới xong thì ở trong trú xứ này có bao nhiêu Bí-sô đều phải tập họp lại một chỗ để làm Bao-sái-đà và việc Tùy ý, tất cả các pháp đơn bạch yết ma, bạch nhị yết ma, bạch tứ yết ma đều nên làm. Nếu khi tác pháp mà Tăng không như pháp nhóm họp thì tác pháp không thành, Tăng phạm tội Việt pháp. Nếu muốn ở trong đại giới này kết giới không mất y thì nên nương theo tướng của đại giới mà kết, Tăng nên tác tiền phương tiện rồi sai một Bí-sô bạch nhị yết ma kết như sau:

Đại đức Tăng lắng nghe, Tăng ở trong trú xứ này trước đã hòa hợp kết làm đại giới của Tăng, từ A-lan-nhã cho đến trú xứ này, đồng một trú xứ làm Bao-sái-đà, trừ thôn và thế phần của thôn. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Tăng nên trên đại giới này kết giới Bí-sô không mất y. Bạch như vậy.

Đại đức Tăng lắng nghe, Tăng ở trong trú xứ này trước đã hòa hợp kết làm đại giới của Tăng, từ A-lan-nhã cho đến trú xứ này, đồng một trú xứ làm Bao-sái-đà, trừ thôn và thế phần của thôn. Tăng nay trên đại giới này kết giới Bí-sô không mất y, các Bí-sô chấp thuận ở trên đại giới này kết giới Bí-sô không mất y thì im lặng, ai không chấp thuận thì nói. Tăng đã chấp thuận ở trên đại giới này kết giới Bí-sô không mất y xong rồi. Tăng chấp thuận vì im lặng, việc này xin nhớ giữ như vậy.

Tăng kết giới không mất y xong rồi thì các Bí-sô khi đi lại trong giới chỉ cần mang hai y thượng hạ, không có lỗi lìa y. Khi có duyên sự cần giải đại tiểu giới thì nên bạch tứ để giải, nên giải tiểu giới tràng trước, muốn giải tiểu giới tràng, Tăng phải ở trong tiểu giới tràng, ít nhất bốn Bí-sô tác tiền phương tiện rồi bạch tứ yết ma giải như sau:

Đại đức Tăng lắng nghe, Tăng ở trong trú xứ này trước đã hòa hợp kết làm tiểu giới tràng. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Tăng nay giải tiểu giới tràng này. Bạch như vậy.

Đại đức Tăng lắng nghe, Tăng ở trong trú xứ này trước đã hòa hợp kết làm tiểu giới tràng. Tăng nay giải tiểu giới tràng này, các Bí-sô chấp thuận giải tiểu giới tràng này thì im lặng, ai không chấp thuận thì nói. Đây là yết ma lần thứ nhất (lần thứ hai, lần thứ ba)

Tăng đã chấp thuận giải tiểu giới tràng này xong rồi, Tăng chấp thuận vì im lạng, việc này xin nhớ giữ như vậy.

Trường hợp trước đã kết đại giới nhưng chưa kết tiểu giới tràng, nay muốn kết tiểu giới tràng thì nên bạch tứ yết ma giải đại giới cũ như sau:

Đại đức Tăng lắng nghe, Tăng ở trong trú xứ này trước đã hòa hợp kết làm đại giới của Tăng, đồng một trú xứ làm Bao-sái-đà, trừ thôn và thế phần của thôn. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Tăng nay giải đại giới này. Bạch như vậy.

Đại đức Tăng lắng nghe, Tăng ở trong trú xứ này trước đã hòa hợp kết làm đại giới của Tăng, đồng một trú xứ làm Bao-sái-đà, trừ thôn và thế phần của thôn. Tăng nay giải đại giới này, các Bí-sô chấp thuận giải đại giới này thì im lặng, ai không chấp thuận thì nói. Đây là yết ma lần thứ nhất (lần thứ hai, lần thứ ba)

Tăng đã chấp thuận giải đại giới này xong rồi, Tăng chấp thuận vì im lạng, việc này xin nhớ giữ như vậy.

Giải giới cũ xong mới kết lại giới mới, nên kết tiểu giới tràng trước, kết đại giới và giới không mất y sau, làm giống như trên. Nếu không giải đại giới cũ mà kết đại giới mới chồng lên thì giới kết sau không thành lại phạm tội Ác tác. Nếu muốn một người tác yết ma cho cả hai giới thì nên bạch nhị đồng thời kết và dùng bạch tứ đồng thời giải, vị này nên ngồi ở trên mé của hai giới tập Tăng mà tác yết ma, khi kết thì kết tiểu giới trước, khi giải thì giải tiểu giới sau.

Giới khác không được dùng giới vuợt qua có năm loại: đó là giới Bí-sô, giới Bí-sô ni, tiểu đàn tràng, chỗ nước đọng và khoảng giữa hai giới; vì vậy khi giải giới này, không phải giới khác cũng được giải. Nếu tiêu tướng là đại thọ cũng được xem là tiêu tướng của nhiều giới, nếu dùng huyễn thuật hay thần thông lực để tạo ra tiêu tướng để kết giới thì không thành kết; cũng không được lấy sóng nước, trăng, sao… làm tiêu tướng. Nếu Bí-sô khách đến một trú xứ không có người ở nên ở qua bảy tám ngày, đợi không có cựu trụ đến mới được kết giới, nếu vừa đến ở liền kết giới thì phạm tội Ác tác.

Trường hợp có sông ngăn cách, nếu có cầu thì được thông giới, không có cầu thì không được; nếu cầu hư, có tâm tu sửa thì được trải qua bảy tám ngày, đến đêm thứ tám thì giới mất; nếu không có tâm tu sửa thì tùy cầu hư lúc nào thì giới cũng mất theo. Có năm trường hợp làm cho giới mất:

1. Tất cả Tăng đều chuyển căn.
2. Tất cả Tăng quyết định bỏ đi.
3. Tất cả Tăng đều hoàn tục.
4. Tất cả Tăng đều qua đời.
5. Tất cả Tăng tác pháp giải.

Nếu nơi A-lan-nhã và trong thôn xóm không phải là giới tác pháp thì phạm vi của giới là bao nhiêu?: Nếu là A-lan-nhã thì phạm vi là một Câu lô xá, nếu là thôn xóm thì phạm vi đến có tường, rào và thế phần bên ngoài. Ở trong phạm vi của hai giới này, các Bí-sô nên tập họp lại một chỗ, nơi mà tay chạm đến nhau được, tùy ý tác yết ma; nếu làm trái thì phạm tội Việt pháp.

4. Pháp thức cúng dường:

Chắp hai tay cung kính
Lễ Thích Ca Sư tử,
Biệt giải thoát điều phục
Tôi nói các vị nghe.

Chắp hai tay cung kính: là hiện tướng cung kính, cúng dường Đại sư có hai cách: một là kính lễ, hai là tán thán. Chắp tay cung kính là kính lễ, xưng Thích ca Sư tử là tán thán đức; xưng Thích ca là ý nói khi còn ở thế tục thuộc dòng tộc tôn quý, không phải giai cấp thấp hèn; xưng Sư tử là ý nói sau khi xuất gia chứng được Vô sở úy khiến các ngoại đạo đều khiếp sợ.

Biệt giải thoát điều phục: là kính pháp, lúc khởi phương tiện có thể giải thoát phiền não hoặc, do có đức thù thắng nên gọi là Biệt giải thoát; hữu tình cụ phược bị phiền não trói buộc có thể điều phục được nên gọi là điều phục.

Tôi nói các vị nghe: là khuyên nên nghe pháp.

5. Chánh thức răn nhắc:

Nghe rồi phải chánh hành
Như lời Đại tiên dạy
Ở trong các tội nhỏ
Dõng mãnh siêng phòng hộ
Tâm như ngựa khó kìm
Liên tục quyết chí trừ
Hàm thiết Biệt giải thoát
Có trăm kim cực bén.

Nghe rồi phải chánh hành: ý nói nghe rồi hành trì sẽ không điên đảo, không biếng nhác, tâm dõng mãnh tinh cần là khuyên người tu hành nên xa lìa phi pháp.

Như lời Đại tiên dạy: Đại tiên là chỉ cho Bạc-già-phạm là bậc tối thắng trong thế gian, lại là bậc tối thắng trong các tiên của hàng Thanh văn Duyên giác nên gọi là đại tiên.

Tội nhỏ: là chỉ cho giá tội, không phải là tánh tội, đối với tội nhỏ còn dõng mãnh phòng hộ huống chi là tánh tội; tội là pháp bất thiện bị người trí chê trách, siêng phòng hộ là ở trong thiện pháp khởi tinh tấn. Nói dõng mãnh là vì nếu tham đắm các cảnh sẽ như ngựa không cương phóng nhanh rất là đáng sợ. Nói liên tục là ý nói không ngừng tiếp cận ngoại cảnh thì rất khó ngừng dứt, vì tâm là chủ tể rất khó chế ngự nên phải điều phục tâm, chỉ khéo điều phục thân ngữ thì chưa đủ vì tâm là cội gốc sanh khởi phiền não. Muốn quyết chí trừ sạch cho được hoàn toàn thanh tịnh thì phải thường quán lý vô thường vô ngã; nếu chấp là thường là ngã như hư không, thể không biến đổi thì sẽ không tương ưng với lý đoạn hoặc. Hàm thiết: dùng để điều phục thuận theo lý, xa lìa chấp hai bên; nói có trăm kim cực bén là chỉ cho người phá giới ở trong hiện pháp bị hối hận bức bách.

6. Lợi ích của sự răn nhắc:

Nếu người nào trái pháp
Nghe dạy phải dừng ngay
Đại sĩ như ngựa giỏi
Xông ra trận phiền não.

Trái pháp: tức là trái học xứ, nói nghe dạy liền dừng ngay là ý nói không do dao gậy… mà chế ngăn được.

Đại sĩ: chỉ cho người cận viên, như ngựa giỏi là chỉ bậc hiền thiện giống như Trí mã.

Xông ra trận phiền não: do phiền não khó dứt trừ nên dụ như quân trận, bậc đại sĩ muốn thoát khỏi sanh tử phải sách tu tịnh giới xông ra 2 trận phiền não.

7. Không răn nhắc thì lỗi sanh:

Người thiếu hàm thiết này
Chưa từng có hỉ lạc
Chết trong trận phiền não
Mê chuyển trong sanh tử.

Nói thiếu hàm thiết là chỉ cho các ngoại đạo dong ruỗi theo cảnh tà và dam mê dục lạc; nói chưa từng có hỉ lạc là ý nói không có tánh Niết-bàn, đối với lý viên tịch tâm không ưa thích. Nói chết trong trận phiền não ý nói nhân nơi tà pháp chiến đấu với phiền não, tức là không có hàm thiết Biệt giải thoát, sẽ bị thua trận và chết. Do không có hàm thiết này nên theo nghiệp lưu chuyển mãi trong năm đường, không được cứu độ.

8. Chánh thức tác bạch:

Đại đức Tăng lắng nghe, hôm nay là ngày thứ mười bốn không trăng, Tăng làm trưởng tịnh. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Tăng nay làm trưởng tịnh, thuyết Giới kinh Ba-la-đềmộc-xoa. Bạch như vậy.

Nói Tăng lắng nghe là ý nói chớ sanh niệm tưởng khác, nên lắng nghe, nghe rồi nên nhớ giữ. Nói Tăng là chỉ cho năm loại túc số Tăng tác pháp yết ma:

1. Là túc số Tăng bốn người được làm các pháp yết ma, chỉ trừ làm Tùy ý, thọ Cận viên và xuất tội Tăng tàn.

2. Là túc số Tăng năm người được làm các pháp yết ma, chỉ trừ thọ Cận viên tại Tw và xuất tội Tăng tàn.

3. Là túc số Tăng mười người được làm tất cả các pháp yết ma, chỉ trừ xuất tội Tăng tàn.

4 & 5. Là túc số Tăng hai mươi người và hai mươi người trở lên, được làm tất cả các pháp yết ma.

Nói ngày thứ 1 là thời gian làm Bao-sái-đà, tùy trong bốn tháng của ba mùa xuân hạ đông mà nói ra, trong một năm có sáu lần nửa tháng là ngày thứ 1, mười tám lần nửa tháng là ngày thứ 15. Nói tháng có trăng hay không trăng là tính số ngày để bạch cho chúng biết, hoặc bạch với Thượng tòa hay vị thọ sự trong chúng. Nên bạch như sau:

Các Đại đức, hôm nay là ngày thứ _____ thuộc tháng có trăng hay không trăng, các vị hãy vì thí chủ xây chùa, các thiên thần hộ chùa cùng Tứ ân mà tụng kệ phước thí.

Sở dĩ phải cáo bạch là muốn cho biết thời gian làm Bao-sái-đà và ngăn người tục đến hỏi. Tính biết số ngày hoặc là dựa theo sự vận hành của sao hoặc dựa theo vương pháp để biết tháng thiếu hay tháng đủ.

Bao-sái-đà: bao sái dịch nghĩa là trưởng dưỡng, đà dịch nghĩa là giữ, do đại chúng nhóm họp thuyết giới nên có thể nuôi lớn thiện pháp. Đà cũng dịch nghĩa là tịnh trừ, ý nói thuyết giới có thể nuôi lớn thiện pháp, tịnh trừ bất thiện pháp.

Nói đúng thời đến là chỉ cho lúc làm Bao-sái-đà không có trở ngại nào khác; nói lắng nghe là lúc đang hỏi, đại chúng nơi tòa ngồi nên lắng nghe và chấp thuận làm trưởng tịnh; nói bạch như vậy là bạch cho chúng biết việc đang làm. Sở dĩ chỉ cử một người thuyết giới là vì không thể cả chúng đều tụng giới, trong chúng cũng có người không thuộc hết giới, lại do người nghe pháp trên lý thì không nên như thế. Lại không ở trong phòng riêng thuyết giới vì ở trong phòng riêng không phải là đại chúng làm Bao-sái-đà, vì thế cùng nhóm lại một chỗ thì lợi ích nhiều hơn; nếu thuyết riêng lẻ trong phòng riêng thì có lỗi không nghe pháp. Hễ vào ngày thuyết giới có thiện Bí-sô tụng được giới thì không nên sai người thọ học tụng; ở trú xứ chỉ có bốn người thì phải cùng nhóm họp thuyết giới, không được ở riêng, cũng không được lấy dục. Nếu ở nơi tháp miếu ồn náo hoặc chỗ có người tục hoặc chỗ hiển lộ hoặc chỗ bất tịnh mà làm Bao-sái-đà thì phạm tội Ác tác; nếu không có nơi nào khác thì làm không phạm nhưng không nên đối trước người tục mà làm. Lại nữa vào lúc ngủ, lúc nhập định, lúc khất thực, lúc nghỉ ngơi, lúc cúng dường mà làm trưởng tịnh thì phạm tội Ác tác; nếu vào thời khác gặp có trở ngại thì làm không phạm.

Nếu vào ngày trưởng tịnh, Bí-sô ở trong giới bị quan bắt, không thể đến cùng nhóm họp làm trưởng tịnh thì phạm tội biệt trụ, không thành trưởng tịnh; các Bí-sô khác nên đến chỗ quan xin thả Bí-sô ấy ra, nếu không làm như thế thì phạm tội Ác tác. Nếu Bí-sô bị điên cuồng, Tang nên cho yết ma điên cuồng để ngăn ngừa biệt trụ.

Đến ngày trưởng tịnh, tất cả Bí-sô nên quán tự thân là trong nửa tháng qua, ta không có phạm tội chăng, nếu nhớ có phạm thì nên phát lồ. Nên đối trước vị thanh tịnh với đầy đủ oai nghi nói tội như sau:

Đại đức nhớ nghĩ, tôi Bí-sô _____ đã phạm tội _____, nay đối trước cụ thọ phát lồ sám hối không dám che giấu, do phát lồ nên được an lạc, không phát lồ thì không được an lạc. (ba lần) Bí-sô thọ sám hỏi: thầy có thấy tội không?

Bí-sô đối sám đáp: thấy.

Lại hỏi: sau này thầy có khéo hộ trì các giới không?

Đáp: sẽ cẩn thận hộ trì.

Bí-sô thọ sám nói: tốt.

Đáp: lành thay.

Nếu nơi tội có nghi thì nên đến chỗ vị trì luật để quyết nghi, sau đó phát lồ sám hối. Nên đối trước Bí-sô phát lồ, không nên đối trước Bí-sô ni, nếu đối trước Bí-sô ni phát lồ thì phạm tội Việt pháp. Cũng không nên đối trước người phạm tội đồng phần mà phát lồ; nói phạm tội đồng phần là tội Ba la thị ca đối với tội Ba la thị ca, như thế cho đến tội Đột sắc ngật lý ca đối với tội Đột sắc ngật lý ca gọi là đồng phần, tức là tương tợ. Nếu khi đang ở trong chúng làm trưởng tịnh mà nhớ tội đã phạm thì Bí-sô này nên đối với tội ấy tâm niệm thủ trì như sau:

Hôm nay ngày thứ mười lăm, Tăng đang trưởng tịnh, con Bí-sô _____ cũng đang trưởng tịnh. Con Bí-sô _______ đang ở trong Tăng bỗng nhớ tội đã phạm, con Bí-sô _____ đối vói tội đã phạm tự tâm niệm thủ trì, sau khi Tăng trưởng tịnh xong, con sẽ đối trước Bí-sô thanh tịnh sám hối trừ tội ấy.

Nơi tội có nghi cũng dựa theo đây mà biết, người tụng giới nếu nhớ có tội hay nghi cũng tâm niệm thủ trì như thế. Nếu đến ngày trưởng tịnh, tất cả Tăng đều có tội, Tăng nên sai một thiện Bí-sô đến trú xứ khác để đối trước Bí-sô thanh tịnh như pháp sám hối, sau đó trở về trong trú xứ này cho chúng tăng đối trước vị này sám hối trừ tội rồi mới trưởng tịnh. Nếu không thể làm được việc này thì chúng tăng nên tác Đơn bạch để trưởng tịnh, sau đó đến trú xứ khác đối trước Bí-sô thanh tịnh sám hối trừ tội. Đơn bạch như sau:

Đại đức Tăng lắng nghe, hôm nay là ngày thứ mười bốn trưởng tịnh, ở trong trú xứ này, tất cả Tăng đều có tội nhưng không có ai đến trú xứ khác để đối trước Bí-sô thanh tịnh như pháp sám hối rồi trở về trong trú xứ này cho chúng tăng đối trước vị này sám hối trừ tội. Nếu Tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Tăng nay tác Đơn bạch để trưởng tịnh, sau đó đến trú xứ khác đối trước Bí-sô thanh tịnh như pháp sám hối trừ tội. Bạch như vậy.

Nếu trong chúng có một Bí-sô thanh tịnh không phạm thì Bí-sô này nên đến chỗ Bí-sô đồng ý với tâm thiện khiến Bí-sô kia nhớ nghĩ rồi đối trước các Bí-sô nói tội đã phạm, muốn cho chúng nhơn thảy đều nghe biết và cũng nói ra tội của mình, ai không đồng ý thì im lặng. Nếu biết Bí-sô kia không đồng ý mà cưỡng ép gạn hỏi khiến nhớ nghĩ thì Bísô này phạm tội Việt pháp. Nếu không biết Bí-sô kia trước đây có tội hay không tội, cho là thanh tịnh mà đến nói tội thì không thành nói tội; nếu tưởng biệt trụ và nghi mà làm trưởng tịnh thì phạm tội Việt pháp ; nếu khởi tâm phá hoại mà làm trưởng tịnh, đó là phương tiện phá Tăng, phạm Tốt-thổ-la để, phải nhất tâm hòa hợp mới làm trưởng tịnh.

Vào ngày trưởng tịnh, Bí-sô cựu trụ đã làm trưởng tịnh, nếu Bísô khách đến với số lượng ít hơn thì phải ân cần thỉnh chúng hòa hợp để làm trưởng tịnh lại; nếu không chịu thì Bí-sô khách nên đến trong tiểu giới tràng tự làm trưởng tịnh. Nếu số khách đến bằng hoặc đông hơn thì Bí-sô cựu trụ nên cùng hòa hợp làm trưởng tịnh lại. An cư xong làm tùy ý tức là trưởng tịnh, không cần trưởng tịnh nữa. Nói trú xứ có nghĩa là nơi đó có người biết làm yết ma, nói trú xứ không có nghĩa là nơi đó không có người biết làm yết ma. Nếu trú xứ Bí-sô là nơi có thể cùng ở thì ngày trưởng tịnh nên đến để làm trưởng tịnh, nếu nơi đó có đấu tranh mà đến thì phạm tội Ác tác, nếu nơi đó không có Bí-sô mà có người đồng hạnh được lạc trụ thì tùy ý đến không phạm, nếu nạn sự sắp đến thì được tùy tình bỏ đi. Đến ngày trưởng tịnh, không nên cho các môn nhân đệ tử tùy tình đi đến trú xứ khác; nếu trú xứ này không có người thuyết giới thì cho đến chỗ người thuyết giới ở trú xứ khác để làm trưởng tịnh, nếu không đi thì phạm tội Việt pháp. Nếu tại trú xứ tiền an cư không có người thuyết giới thì không nên ở qua trưởng tịnh lần thứ hai, nên đến chỗ có người thuyết giới nhưng không được ở trước người tục thuyết giới.

Khi an cư nên làm trưởng tịnh cùng Bí-sô đồng ý thanh tịnh đồng kiến, nếu cùng Bí-sô bị điếc hoặc không hiểu biết tại một chỗ làm trưởng tịnh cũng thành túc số. Đến ngày trưởng tịnh, Bí-sô một mình nơi A-lan-nhã nên quét dọn sạch sẽ trú xứ, trải tòa rồi tụng vài bài kinh, sau đó lên chỗ cao nhìn ngó bốn phía nếu thấy có Bí-sô nào đến, nên chào hỏi và nói: “cụ thọ, hôm nay là ngày trưởng tịnh, thầy nên cùng tôi làm trưởng tịnh”. Nếu thấy không có ai đến thì Bí-sô này nên ở trong trú xứ của mình tâm niệm miệng nói rằng:

Hôm nay là ngày thứ mười bốn, Tăng trưởng tịnh, con Bí-sô _____ cũng trưởng tịnh, con Bí-sô _____ đối với các chướng pháp tự nói thanh tịnh. Nay con tạm làm trưởng tịnh, sau này gặp chúng tăng hòa hợp, con sẽ làm trưởng tịnh với đầy đủ các giới tụ (ba lần).

Nếu có một hay hai người đến thì nên làm đối thú trưởng tịnh, dựa theo pháp một mình tâm niệm mà làm. Nếu Bí-sô đi đường khi đến nơi có thôn phường hoặc vào trong thôn hoặc ở ngoài thôn, đến ngày trưởng tịnh nên làm trưởng tịnh đầy đủ theo thứ lớp. Nếu trong thôn thì trong thế phần của thôn không được ở riêng, nếu ngoài thôn thì ngoài thế phần của thôn nên làm trưởng tịnh. Nếu tháp tùng theo đoàn thương buôn, họ không hiềm trách thì tùy đi hay đứng nên làm trưởng tịnh, nếu họ hiềm trách thì nên nên tâm niệm trưởng tịnh. Có sáu việc khai cho làm tâm niệm: một là thủ trì ba y, hai là xả ba y, ba là phân biệt y dư, bốn là xả biệt thỉnh, năm là làm trưởng tịnh, sáu là tác Tùy ý. Nên làm trưởng tịnh mà không làm thì phạm tội Việt pháp, không nên làm trưởng tịnh mà liền làm cũng phạm tội Việt pháp, trừ cát tường trưởng tịnh. Như chúng bị phá mà được hòa hợp lại nên đại chúng hoan hỉ làm trưởng tịnh; hoặc có Bí-sô trước đó bị Tăng cho yết ma xả trí, khi được giải yết ma này, Bí-sô kia thỉnh đại chúng xin làm trưởng tịnh biệt thời.

Có năm trường hợp thuyết Ba-la-đề-mộc-xoa:

1. Là thuyết tựa giới kinh, các pháp còn lại như Tăng đã thường nghe.

2. Là thuyết tựa giới kinh và bốn pháp Ba la thị ca, các pháp còn lại như Tăng đã thường nghe.

3. Là thuyết tựa giới kinh cho đến mười ba pháp Tăng già bà thi sa, các pháp còn lại như Tăng thường nghe.

4. Là thuyết tựa giới kinh cho đến hai pháp Bất định…

5. Là thuyết tựa giới kinh cho đến hết.

Ai nên thuyết Ba-la-đề-mộc-xoa?: tức là Thượng tòa trong chúng, nếu Thượng tòa không thuyết được thì nên sai vị thứ hai, thứ ba hoặc sai theo thứ lớp, hoặc thỉnh riêng trước một người. Nếu Thượng tòa chỉ tụng được Tựa giới kinh thì vị thứ hai nên tụng tiếp bốn pháp Ba la thị ca…; nếu người điên cuồng có thể thuyết giới được thì cũng thành thuyết giới.

9. Khuyên chí tâm lắng nghe:

Các Đại đức, tôi sắp nói giới kinh Ba-la-đề-mộc-xoa, các vị hãy lắng nghe, suy nghĩ kỹ, nếu nhớ có phạm nên phát lồ, không phạm thì im lặng, do im lặng nên biết các Đại đức thanh tịnh. Nếu khi nghe hỏi, các vị nên đáp như thật, ở trong chúng thù thắng này, tôi sẽ hỏi ba lần, các vị nên đáp như thật, nếu Bí-sô nào tự biết có phạm mà không phát lồ thì phạm tội vọng ngữ. Các Đại đức, Phật dạy cố ý vọng ngữ là pháp chướng đạo, nếu Bí-sô mong cầu thanh tịnh thì nên phát lồ, phát lồ thì được an lạc, không phát lồ thì không an lạc.

Các Đại đức, tôi đã nói tựa của giới kinh xong rồi, nay xin hỏi các Đại đức, trong chúng này có thanh tịnh không? (ba lần). Các Đại đức, trong chúng này thanh tịnh vì im lặng, tôi xin nhớ giữ như thế.

Nói tôi sắp nói giới kinh là thời nói giới kinh sắp đến, nếu người nghe không kính ngưỡng thì nước pháp sẽ không thấm nhuần, nên khuyên phải nhiếp tâm chớ có tán loạn.

Nói lắng nghe là tổng khuyên nên dụng tâm.

Nói khéo suy nghĩ là muốn nêu ba hạng người dụ như ba khí vật, nếu kính ngưỡng thì dụ như khí vật hoàn toàn thanh tịnh có thể chứa dùng; nếu che giấu thì dụ như khí vật bị rỉ chảy và dơ bẩn không thể chứa dùng; hạng thứ ba theo đó nên biết.

10. Nói rõ đồ chúng thanh tịnh:

Nói nếu có phạm là trước đó đã có phạm nay im lặng không nói ra thì chiêu thêm tội, như trong thời khác có người khác hỏi nên đáp thật thì bây giờ cũng vậy.

Nói tôi nay ở trong chúng Bí-sô thanh tịnh này là khen ngợi đồ chúng đang nghe giới.

Nói nhớ biết là nếu phạm mà không nhớ biết, im lặng không nói cũng là phạm vọng ngữ vì ngữ nghiệp biểu hiện nơi thân tướng. Có thuyết nói đây là tội thuộc ý nghiệp.

Nói là pháp chướng ngại, tức là trong hai thời đều bị chướng ngại: một là đời hiện tại chướng ngại thiện pháp, hai là đời vị lai chướng ngại sanh cõi thiện.

Nói muốn cầu thanh tịnh tức là cầu Niết-bàn, vì cầu Niết-bàn nên không sợ bị cật cấn hay trị phạt mới nói ra tội.

Nói phát lồ liền được an lạc có năm tướng: một là do siêng năng sách tấn đối trị giãi đãi, hai là do không tội đối trị các tội, ba là do kính trọng đối trị kiêu mạn, bốn là do không hối đối trí Ác tác, năm là do tịch định đối trị tán loạn.

Tựa giới kinh: là phần giải nghĩa sơ lược, trình bày giới tướng sơ lược, không giải rộng. Khi thuyết giới nói Tựa giới kinh trước làm đầu mối cho các phần sau sanh khởi. Sở dĩ chỉ hỏi ba lần là để lìa hai bên: một là quá sơ lược, hai là quá nhiều; nếu quá sơ lược thì người ngu tối khó biết, nếu quá nhiều thì kéo dài thời gian khiến đại chúng mõi mệt.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14