CĂN BẢN TÁT BÀ ĐA BỘ LUẬT NHIẾP

Nguyên tác: Tôn giả Thắng Hữu – Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường. TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh. Năm 2010.

QUYỂN 6

3. Chứa y phi thời một tháng:

Phật tại vườn Cấp-cô-độc, rừng Thệ đa, thành Thất-la-phiệt, lúc đó các Bí-sô cất chứa y dư phi thời trải qua một tháng hoặc hơn nên phế bỏ chánh nghiệp, Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô đã may y xong, thời y Yết-sỉ-na đã hết, nếu được vải phi thời, Bí-sô cần y thì được tự tay thọ, thọ rồi nên mau may thành y. Nếu đủ vải thì tốt, nếu không đủ mà biết còn có thể được thêm cho đủ thì Bí-sô này được cất chứa trong vòng một tháng để được thêm cho đủ. Nếu cất chứa quá một tháng thì phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề.

Nói được vải phi thời là ngoài thời y năm tháng hoặc một tháng ra đều gọi là phi thời; nếu là thời y, được cất chứa y dư không làm phân biệt thì không phạm; nếu là phi thời mà được y, do không đủ vải để may, lại có chỗ mong cầu cho đủ thì được cất chứa trong vòng một tháng để chờ cho đủ.

Nói có chỗ mong cầu cho đủ là từ nơi thân hữu hoặc từ A-giá-lợida hoặc gặp đại hội năm năm…; nếu dứt hy vọng thì chỉ được chứa trong mười ngày, qua ngày thứ mười một phạm Xả đọa; nếu còn hy vọng thì được chứa trong một tháng chờ xin thêm cho đủ, quá một tháng mà không làm phân biệt thì phạm Xả đọa.

4. Nhờ Bí-sô ni không phải bà con giặt y cũ:

Phật tại vườn Cấp-cô-độc, thành Thất-la-phiệt, lúc đó Bí-sô Ôđà-di bị xuất tinh làm dơ quần nên đưa cho Bí-sô ni Cấp đa vốn là vợ cũ trước kia giặt giùm. Bí-sô ni này lấy chất bất tịnh này để vào trong nữ căn và trong miệng nên có thai… như trong quảng luật có nói rõ. Phật nhân việc này chế học xứ: Nếu Bí-sô nhờ Bí-sô ni không phải là bà con giặt, nhuộm, đập y cũ thì phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề.

Thân tộc là trong bảy đời từ ông bà cha mẹ trở lại có quan hệ về huyết thống thì gọi là thân tộc, khác với đây thì gọi là không phải thân tộc. Nói y cũ là y đã từng mặc qua và thể của y là đã thọ trì thanh tịnh như pháp thì mới phạm; nếu đối tượng được sai là môn đồ thì không phạm, nếu sai giặt chăn nệm thì phạm tội Ác tác. Nói giặt là ít nhất đem ngâm trong nước, nhuộm là ít nhất nhúng vào trong nước thuốc nhuộm, đập là ít nhất dùng tay đập một cái.

Thật không phải là thân tộc, tưởng không phải thân tộc và nghi mà sai giặt, nhưộm đập thì phạm Xả đọa; thật là thân tộc, tưởng không phải thân tộc và nghi mà sai giặt nhuộm đập thì phạm tội Ác tác. Nếu khi đưa y cho giặt mà Bí-sô ni chuyển căn hay hoàn tục thì Bí-sô phạm phương tiện tội; không phạm là nhờ Bí-sô ni là bà con hoặc tự giặt.

Về giặt nhuộm đập có bốn trường hợp: không giặt (nhuộm đập), giặt (nhuộm đập) sơ sơ, giặt (nhuộm đập) kỹ và quá kỹ; tùy trường hợp mà phạm có nặng nhẹ sai khác. Nhuộm có hai loại màu sắc phi pháp: một là tám màu sắc chính và hai là màu đỏ đậm hay lợt, như bài tụng:

Tử khoáng, hồng lam, uất kim hương,
Chu sa, xanh đậm và đỏ hồng,
Vàng, đan tô là tám sắc chính.
Đỏ đậm hay nhạt đều không nhuộm.

Nếu có thí chủ đem y có màu sắc chính đến cúng, Bí-sô thọ rồi nên nhuộm cho hoại sắc rồi mới mặc, khi mặc y nên xả ba tâm và khởi năm tâm. Nói ba tâm là tâm ưa thích phục sức, tâm khinh tiện thọ dụng (không quý tiếc); tâm cầu danh là như giả dối mặc y cũ rách để người khác biết mính có đức hạnh, mong được danh dự và lợi dưỡng. Vì thế, Bí-sô nên xả ba tâm này, mặc y hoại sắc cốt để che thân, thuận theo lời Phật dạy, siêng tu phẩm thiện. Nói năm tâm là biết lượng, biết gián cách, biết suy xét, biết thời và biết số. Biết lượng là khi thọ dụng y nên biết lượng độ cũ mới mà dùng; biết gián cách là không nên mặc hoài một y sẽ khiến y hôi và mau rách, nên mặc thay đổi; biết suy xét là nên xét nghĩ đến công lao của người làm ra nó và của thí chủ mang đến cúng là khó được mà nghĩ báo ân, khi thọ dụng chớ làm điều phi pháp; biết thời là tùy thời lạnh nóng mà mặc cho thích hợp, nếu mặc trái thời sẽ tổn mình và người, tổn mình là không lợi cho bản thân, tổn người là phước thí không tăng; biết số là ngoài ba y còn có mười ba tư cụ giúp thân, nếu chứa nhiều sẽ tăng tham nhiễm, phế bỏ chánh nghiệp như nhiếp tụng:

Biết lượng, biết gián cách,
Suy xét và biết thời,
Biết số thọ dụng y,
Mình người đều được lợi.

Nếu cần giặt y thì nên tự giặt hoặc bảo môn đồ giặt, hoặc người đáng tin giặt. Giặt y có năm lợi: một là tẩy trừ mùi hôi, hai là rận không sanh, ba là thân không ghẻ ngứa, bốn là giữ màu nhuộm được lâu, năm là thọ dụng được lâu. Mặc y hoại sắc cũng có năm lợi: một là thuận theo hình nghi của Phật, hai là khiến lìa kiêu mạn, ba là không bị trần cấu, bốn là không sanh rận, năm là xúc chạm mềm mại dễ mang theo. Giặt y quá kỹ lại có năm lỗi: một là làm y mau rách, hai là thọ dụng không lâu, ba là không yên tâm, bốn là không lợi ích, năm là chướng ngại tu thiện phẩm. Nhuộm y màu sắc đẹp lại có năm lỗi: một là tăng trưởng kiêu mạn, hai là khiến người khác tật đố, ba là người khác thấy cho là mình thích đẹp, bốn là khi cần xin y rất khó được, năm là chướng ngại tu phẩm thiện. Nhuộm quá kỹ và đập quá kỹ cũng vậy, đều khiến thọ dụng không lâu; nếu được thí chủ cúng y cực đả ( y dày chắc ) có màu sắc tươi sáng thì nên làm cho hoại sắc rồi mới dùng.

5. Thọ y từ Bí-sô ni không phải bà con:

Phật tại vườn Cấp-cô-độc, thành Thất-la-phiệt, lúc đó Bí-sô Ôba-nan-đà từ Bí-sô ni Ốt bát la thọ y mà chúa giặc đã cúng cho cô…

Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô thọ y từ Bí-sô ni không phải bà con thì phạm Ni-tát-kỳba-dật-đề, trừ trao đổi.

Nếu thọ y từ Bí-sô ni không phải bà con thì chỉ biết thọ mà không đoái hoài đến người kia có đủ y hay không, ngược lại nếu là bà con thì sẽ đoái hoài đến, vì thế Phật chế không cho thọ từ chỗ không quen biết. Nói trừ trao đổi là lấy y đổi y hoặc đồng thể hay khác thể, hoặc đổi bằng giá hoặc đổi bằng nửa giá, hoặc ít hơn hay nhiều hơn, hoặc xấu hơn hay tốt hơn, hoặc tương tợ hoặc đổi theo ý người chủ y, hoặc quán biết ý người kia vì thương xót mà thọ nhận, hoặc vì báo ân… đều không phạm. Nếu đổi với tâm dối trá, khinh mạn thì phạm tội Ác tác; nếu không có hai y thượng hạ thì được thọ, nếu thọ quá thì phạm Xả đọa; cảnh tưởng và nghi đều giống như giới trước. Không phạm là do nghe diệu pháp sanh tâm kính trong mà cho, hoặc cho lúc đang thọ Cận viên, hoặc trả lại bằng giá, hoặc biết ni kia là người nhiều phước đức, hoặc người kia đem y đến để trước mặt Bí-sô nói rằng: “đây là y dư của tôi, tôi không có thiếu thốn, hãy vì tôi thọ dụng y này”, nói rồi bỏ đi, Bí-sô thọ lấy không phạm; hoặc khởi tưởng là thân hữu, hoặc nghĩ là tạm dùng đều không phạm.

6. Xin y từ cư sĩ và vợ cư sĩ không phải bà con:

Phật tại vườn Cấp-cô-độc, thành Thất-la-phiệt, lúc đó Bí-sô Ôba-nan-đà là người khéo hay thuyết pháp, người nghe sanh tâm tín kính và hứa sẽ cúng y. Ô-ba-nan-đà nghe rồi liền tìm đến nhà đòi hỏi…, Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô đến cư sĩ hay vợ cư sĩ không phải bà con xin y, được y thì phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề, trừ nhân duyên. Nhân duyên là y bị cướp, bị mất, bị cháy, bị trôi.

Đối tượng là cư sĩ và vợ cư sĩ mới phạm, nếu là huỳnh môn, người hai căn, ngoại đạo thì chỉ phạm tội Ác tác. Xin là tự xin hay nhờ người xin giùm; y bị cướp là bị giặc cướp hay người cho rồi sau đó đoạt lấy lại; y bị mất là bị thất lạc hay bỏ quên hay bị trùng cắn chuột gặm làm hư hoại. Nói y là bao gồm giá tiền, màu sắc và kích lượng; giá tiền là như trị giá năm Ca lợi sa ba noa; màu sắc là xanh, vàng, đỏ…; kích lượng là chiều dài năm khuỷu tay…

Tướng phạm trong đây là khi mới xin thì phạm tội Ác tác, xin được vào tay liền phạm Xả đọa; cảnh tưởng và nghi giống như giới trước; nếu hiện thân tướng ân cần cầu xin hay đưa thư sai sứ đến… đều phạm tội Ác tác. Không phạm là y bị mất… hoặc không xin mà tự được, hoặc xin miếng vải nhỏ mà được cả tấm… thì không phạm.

7. Xin y quá lượng:

Phật tại vườn Cấp-cô-độc, thành Thất-la-phiệt, lúc đó Lục chúng Bí-sô bị giặc cướp y liền nhân việc này xin y quá phần… nên Phật chế học xứ:

Nếu Bí-sô, y bị cuớp hoặc bị mất, bị cháy, bị trôi nên đến cư sĩ, vợ cư sĩ không phải là ba con xin y; nếu cư sĩ, vợ cư sĩ không phải bà con cúng cho nhiều vải, Bí-sô được thọ cho đến hai y thượng hạ. Nếu thọ quá thì phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề.

Nói cúng là bao gồm thường cúng, ân cần cúng, chân thật cúng, cúng với tâm dối trá, cúng với tâm thù thắng, cúng với tâm mong cầu, cúng với tâm hoan hỉ… trong đây trừ cúng với tâm dối trá thì khi được y phạm tội Ác tác, các trường hợp khác khi được y đều phạm bổn tội.

Nói được thọ hai y thượng hạ là bao gồm của Bí-sô và của người thế tục, nếu là y thượng hạ của Bí-sô thì thượng là y Tăng-già-lê rộng năm khuỷu tay, dài ba khuỷu tay; hạ là quần và Tăng khước kỳ. Nếu là y thượng hạ của người thế tục thì thượng có chiều dài mười một khuỷu tay, rộng ba khuỷu tay; hạ có chiều dài bảy khuỷu tay, rộng hai khuỷu tay. Nếu xin đúng lượng thì không phạm, nếu xin quá lượng thì khi xin phạm tội Ác tác, được y vào tay thì phạm Xả đọa; nếu xin được y thượng hạ của người thế tục thì dù thiếu cũng không được xin thêm, xin thêm thì phạm, ngược lại nếu dư thì không cần trả lại. Nếu xin y thượng hạ của Bí-sô thì nếu thiếu được xin thêm, nếu dư nên trả lại, không trả lại thị phạm Xả đọa.

8. Biết cư sĩ mua y cúng liền đến xin:

Phật tại vườn Cấp-cô-độc, thành Thất-la-phiệt, lúc đó Bí-sô Ôba-nan-đà biết cư sĩ muốn mua y cúng cho mình liền đến nhà đòi hỏi… nên Phật chế học xứ:

Nếu vì Bí-sô nên cư sĩ, vợ cư sĩ không phải bà con lo liệu số tiền mua y, nghĩ rằng: “ta đem số tiền này mua y như thế như thế… cúng cho Bí-sô __________”. Bí-sô này vốn không được thỉnh tùy ý trước, liền khởi tưởng đồng ý đi đến chỗ cư sĩ nói rằng: “cư sĩ đã lo liệu số tiền mua y như thế cho tôi thì nên mua loại vải như thế như thế…”. Vì muốn tốt, nếu được y thì Bí-sô này phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề.

Nói tiền mua y là dùng vàng bạc, bối xỉ…; mua là không phải do xin mà được; nói nên mua y như thế như thế là giá y bằng năm Ca lợi sa ba noa cho đến năm mươi Ca lợi sa ba noa, hoặc màu xanh, vàng… hoặc dài năm khuỷu tay cho đến năm mươi khuỷu tay, thể là thanh tịnh. Nói vì muốn tốt là giá tiền y, sắc y và lượng y đều tinh diệu; khi xin phạm tội Ác tác, khi được y vào tay liền phạm Xả đọa; không phạm là xin từ chư thiên… hoặc không xin mà tự được…

9. Khuyên hùn chung mua y cúng:

Nếu Bí-sô có hai cư sĩ và vợ cư sĩ không phải bà con, vì Bí-sô nên mỗi người để dành tiền mua y, nghĩ rằng: “ta để dành tiền này, mỗi người sẽ mua y như thế như thế cúng cho Bí-sô _____”, Bí-sô này vốn không được thỉnh tùy ý trước, khởi tưởng đồng ý nên đến chỗ các cư sĩ nói rằng: “các vị mỗi người để dành tiền mua y, nên hùn chung lại mua một y như thế như thế cúng cho tôi”. Vì muốn tốt, nếu được y thì Bí-sô này phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề.

Duyên xứ như giới trên, chỉ khác là mỗi người muốn xuất tiền mua riêng y cúng, Bí-sô khuyên hùn chung lại mua y tinh diệu để cúng cho mình.

10. Đòi y quá hạn:

Phật tại vườn Cấp-cô-độc, thành Thất-la-phiệt, lúc đó ở thành Vương xá có một đại thần tên Bột lý sa ca la gởi tiền may y cho một thương nhân chuyển đưa cho Bí-sô Ô-ba-nan-đà. Ô-ba-nan-đà nghe tin liền đến chỗ thương nhân lấy tiền này rồi đem gởi cho một tiểu thương trong chợ, sau đó đến đòi lấy lại. Các tiểu thương trong chợ có chế định phải đến họp đúng giờ, ai đến trễ thì phải nộp phạt sáu mươi Ca lợi sa ba noa; người này muốn đến họp đúng giờ nên không thể lấy tiền đưa lại cho Ô-ba-nan-đà nhưng Ô-ba-nan-đà nhất định đòi phải đưa ngay, người này do lấy tiền đưa cho Ô-ba-nan-đà và chờ đếm lại có đủ không, nên đến trễ giờ họp và phải nộp phạt, do đó bất mãn chê trách. Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu vì Bí-sô nên vua hoặc đại thần, Bà-la-môn, cư sĩ sai sứ đưa giá tiền y đến, vị sứ này đến nói với Bí-sô: “Đại đức, vua hoặc đại thần, Bà-la-môn, cư sĩ _______ đưa giá tiền y này cho thầy, xin hãy nhận lấy”. Bí-sô nên nói: “pháp của Bí-sô chúng tôi là không được thọ tiền, khi nào cần y, được vải thanh tịnh tôi sẽ nhận để may thành y thọ trì”, vị sứ này nói với Bí-sô: “Đại đức có người chấp sự có thể lo liệu mọi việc cho Bí-sô không?”, Bí-sô nên chỉ người chấp sự là người làm việc trong chùa hay là Ô-ba-sách-ca cho vị sứ biết. Vị sứ đến nói với người chấp sự: “lành thay, ông hãy cất giữ số tiền này rồi mua vải như thế như thế cho Bí-sô __________, khi nào Bí-sô này cần y thì đưa cho vị ấy may thành y thọ trì”, nói xong vị sứ trở lại nói với Bí-sô: “tôi đã đưa tiền cho người chấp sự, Đại đức khi nào cần y thì đến đó lấy”. Khi Bí-sô này cần y thì nên đến chỗ người chấp sự nói là tôi cần y, như thế đến hai, ba lần; nếu đòi được y thì tốt, nếu không được thì nên đến trước người chấp sự đứng yên lặng nhắc, như thế đến bốn, năm, sáu lần; nếu đòi được y thì tốt, nếu không được y mà cố nài cho được y thì phạm Ni-tát-kỳ-ba-dậtđề. Nếu không đòi được đi nên tự đi hay sai sứ đến chỗ người trước kia đưa tiền y đến nói rằng: “số tiền y mà ông đưa cho người chấp sự trước kia, tôi không lấy được y, ông nên tự biết đòi lại tiến, chớ để cho mất”. Việc này đúng pháp nên làm như thế.

Vua là người đã thọ lễ quán đảnh, đại thần là người giúp vua lo về chính sự. Nói tiền may y này tôi không thể nhận là vì pháp của Bísô không được thọ vàng bạc… cho đến ruộng vườn đất đai, nhưng Tăng được thọ rồi sai tịnh nhân hay thuê người canh tác, sau khi thu hoạch chia phần cho họ xong, phần còn lại thuộc của Tăng. Cho đến những khí vật bằng đồng, Bí-sô cũng không được cất chứa nhưng Tăng được cất chứa rồi sai người coi giữ, Bí-sô chỉ được cất chứa tư cụ và những vật cần dùng trong sinh hoạt cá nhân mà thôi. Bí-sô khi đến đòi tiền y nên đứng ở bốn chỗ là chỗ làm việc của họ như lò gốm…, nhà ở riêng, trong ruộng vườn là nơi họ đang canh tác và nơi cửa hàng là chỗ họ mua bán. Nếu người giữ tiền y thấy Bí-sô hỏi đến vì việc gì, hoặc mời ngồi, mời uống nước, mời ăn bánh… thì Bí-sô nên nói là tôi cần y, vì tiền may y mà đến, để nhắc họ nhớ. Chế hạn trong giới này là được nói ba lần để nhắc họ nhớ, họ nhớ và được y thì tốt; nếu họ không nhớ và không được y thì Bí-sô được đến chỗ họ thêm ba lần, đứng im lặng để nhắc, tổng cộng là sáu lần mà vẫn không được y thì không nên đến đòi nữa, nên báo lại cho người cúng tiền y biết; nếu quá sáu lần vẫn đến đòi, được y thì phạm Xả đọa. Nếu qua sáu lần đòi, người chấp sự kia mới đem y đến đưa cho Bí-sô thì Bí-sô nên nói: “tiền y này tôi đã xả, ông nên đưa lại cho chủ của nó”, nếu người kia nói: “thầy hãy lấy y, tôi sẽ nói lại với chủ y sau”, lúc đó Bí-sô nhận y không phạm. Nếu ở chỗ phi nhân đòi y quá hạn thì phạm tội Ác tác, vì người và phi nhân có tám câu kết phạm nặng nhẹ khác nhau, như nhiếp tụng:

Ba chỗ – người là một,
Ba câu – người đều hai,
Ba – phi nhân là một,
Hai câu. hai phi nhân,
Theo nghĩa có thể biết,
Tông cộng có tám câu,
Y giáo thì không phạm,
Đòi quá hạn, tội sanh.

Không phạm là không quá số hạn đòi được y hoặc dùng phương tiện khéo léo mà đòi được.

Nhiếp tụng thứ hai:

Cao thế da (tơ tằm), toàn đen,
Phần, sáu (năm), Ni-sư-đàn,
Gánh lông, giặt, vàng bạc,
Nạp chất và mua bán.

11. Dùng tơ tằm làm phu cụ:

Phật tại vườn Cấp-cô-độc, thành Thất-la-phiệt, lúc đó các Bí-sô dùng kén tơ để làm phu cụ nên sát sanh nhiều, lại do làm phu cụ nên bỏ phế chánh nghiệp, Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô dùng Cao thế da (kén tơ) để làm phu cụ mới thì phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề.

Mới có hai là mới làm và mới được, trong giới này là làm mới; làm là tự làm hay bảo người khác làm, khi mới bắt đầu làm thì phạm tội Ác tác, làm xong thì phạm Xả đọa; là Cao thế da, tưởng Cao thế da và nghi thì phạm Xả đọa; không phải Cao thế da, tưởng là Cao thế da và nghi thì chỉ phạm Đọa vì không có vật để xả; không phải Cao thế da, tưởng không phải Cao thế da thì không phạm. Nếu được cái đã thành hay cái cũ đã dùng qua hoặc sửa lại cái cũ, hoặc có người cúng cao thế da rồi bảo người làm phu cụ cho mình hay dùng Cao thế da này để đổi lấy phu cụ đã làm thành thì không phạm.

12. Dùng lông dê thuần đen làm phu cụ:

Duyên xứ như giới trên, lúc đó các Bí-sô xin được nhiều lông dê đen dùng để làm phu cụ mới, do việc này phế bỏ chánh nghiệp nên Phật chế học xứ:

Nếu Bí-sô dùng lông dê thuần đen để làm phu cụ mới thì phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề.

13. Dùng lông dê quá phần số làm phu cụ mới:

Nếu Bí-sô muốn làm phu cụ mới nên dùng hai phần lông dê thuần đen, một phần lông dê trắng và một phần lông dê tạp xấu. Nếu Bí-sô không dùng hai phần lông dê thuần đen, một phần lông dê trắng và một phần lông dê tạp xấu để làm phu cụ mới thì phạm Ni-tát-kỳ-ba-dậtđề.

Lông dê trắng là lông ở hai bên sườn, lông cổ và lông trên sống lưng; lông dê tạp xấu là lông ở trên đầu, chân và dưới bụng, vì những chỗ này là nơi thường xúc chạm, hoạt động nên lông thô xấu. Như làm phu cụ mới cần có mười cân lông dê thì trong đây nên dùng năm cân lông dê thuần đen, hai cân rưỡi lông trắng và hai cân rưỡi lông thô tạp. Nếu không làm như thế, chỉ dùng toàn lông dê đen thì khi khởi phương tiện, phạm tội Ác tác; làm xong liền phạm Xả đọa. Không phạm là nếu không vì mình mà làm hoặc được cái đã làm thành, hoặc vào thời buổi lông dê đen dễ được, loại lông khác khó tìm được thì tùy tăng giảm phần lượng không phạm.

14. Chưa đủ sáu năm mà làm phu cụ mới:

Duyên xứ như giới trước.

Nếu Bí-sô muốn làm phu cụ mới thì phu cụ cũ phải dùng đủ sáu năm, nếu phu cụ cũ dùng chưa đủ sáu năm dù đem bỏ hay không đem bỏ mà may phu cụ mới thì phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề, trừ Tăng yết ma cho.

Nói dùng đủ sáu năm là như năm nay làm phu cụ, năm sau làm thêm phu cụ nữa, như thế đến năm thứ năm lại làm thêm phu cụ nữa. Khi bắt đầu làm cái thứ hai thì phạm tội Ác tác, làm xong liền phạm Xả đọa, vì thể là phi pháp nên phạm. Nói Tăng yết ma cho là như Bí-sô thọ sự dùng phu cụ chưa đủ sáu năm, muốn làm phu cụ mới thì nên theo Tăng xin yết ma, Tăng phải xét xem phu cụ của người đó, không nên thuận theo sở thích của người đó mà liền tác pháp cho, nếu thấy quá mỏng và đều hư rách thì nên bạch nhị yết ma cho làm phu cụ mới.

15. Làm Ni-sư-đàn mới:

Duyên xứ như trên, lúc đó có Bí-sô già theo các thương nhân phương Bắc xin tấm giạ lông để làm Ni-sư-đàn mới và được họ cúng cho năm trăm tấm giạ lông. Do làm Ni-sư-đàn mới nên vất bỏ bừa bãi cái cũ, không có tâm quý tiếc nên Phật chế học xứ:

Nếu Bí-sô muốn làm Ni-sư-đàn mới, bốn bên thành viền của Nisư-đàn cũ, mỗi bên nên lấy chừng một gang tay của Phật để may chồng lên Ni-sư-đàn mới làm cho hoại sắc. Nếu Bí-sô bốn bên thành viền của Ni-sư-đàn cũ, mỗi bên không lấy chừng một gang tay của Phật để may chồng lên Ni-sư-đàn mới làm cho hoại sắc, vì muốn tốt thì phạm Ni-tátkỳ-ba-dật-đề.

Nói nên lấy miếng cũ chừng một gang tay của Phật để may thiếp lên cái mới để làm cho hoại sắc, mục đích thọ dụng được lâu hơn, nếu kích lượng nhỏ hơn kích lượng này thì không như pháp, liền phạm Xả đọa. Nếu cái cũ hoàn toàn hư rách không thể lấy được một gang tay để may thiếp lên thì không phạm. Ni-sư-đàn nên may hai lớp, màu nên hoại sắc, không nên tạp sắc.

16. Tự gánh lông dê đi quá ba Du thiện na:

Duyên xứ như trên, lúc đó Lục chúng Bí-sô trên đường đi đến nước Nê ba la, gặp xe chở lông dê bị gảy trục nên theo người chủ xin lông dê rồi mỗi người tự gánh đi và bị người tục chê trách, Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô khi đi đường được lông dê muốn thọ thì Bí-sô này được tự mang đi cho đến ba Du thiện na, nếu không có ai mang giùm mà đi quá ba Du thiện na thì phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề.

Nói không có người mang giùm là không có tịnh nhân. Nói Du thiện na là bảy cực vi thành một vi trần, bảy vi trần thành một thủy trần, bảy thủy trần thành một kim trần, bảy kim trần thành một Thố mao trần, bảy Thố mao trần thành một Dương mao trần, bảy Dương mao trần thành một Ngưu mao trần, bảy Ngưu mao trần thành một Khích du trần, bảy Khích du trần thành một con kiến, bảy con kiến thành một con rận, bảy con rận thành một hạt lúa mạch, bảy hạt lúa mạch thành một ngón tay, hai mươi bốn ngón tay thành một khuỷu tay, bốn khuỷu tay thành một cung, năm trăm cung thành một Câu lô xá, đây là thế phần của A-lan-nhã. Nếu Bí-sô ở nơi không có thôm xóm, tự gánh lông dê đi quá ba Du thiện na thì phạm Xả đọa. Nếu trên đường đi có thôn xóm thì khoảng cách giữa mỗi thôn là một Câu lô xá, nếu Bí-sô đi trong thôn được nửa thôn thì phạm tội Ác tác, đi qua một thôn thì phạm Xả đọa.

Nếu cần lông dê để làm mũ hay giày phú la, dây lưng nên gánh về thì không phạm, nhưng pháp của Bí-sô là không nên gánh vác nặng.

17. Nhờ Bí-sô ni không phải bà con chải lông dê:

Duyên xứ như trên, lúc đó Bí-sô Ô-ba-nan-đà sau khi gánh lông dê về chùa xong liền nhờ Đại thế chủ Cù đàm di giặt nhuộm và chải lông dê, khiến chư ni bỏ phế việc tu thiện phẩm, Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô nhờ Bí-sô ni không phải bà con giặt nhuộm và chải lông dê thì phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề.

Về cảnh tưởng nghi, phạm và không phạm đều giống như trong giới nhờ Bí-sô ni giặt y cũ.

18. Cầm giữ vàng bạc:

Phật tại Trúc lâm, thành Vương xá, lúc đó các Bí-sô cầm giữ vàng bạc, vật báu nên bị người thế tục cơ hiềm: “Sa môn Thích tử được cầm giữ vàng bạc thì đối với năm dục lạc thế gian sao lại không hưởng thụ chứ?”, Phật bảo các Bí-sô: “nếu Bí-sô cần củi thì xin củi…, không nên xin vàng bạc…”. Lại do Lục chúng Bí-sô ở thành Thất-la-phiệt tự cất giữ vàng bạc hoặc bảo người cất giữ khiến người thế tục và ngoại đạo chê trách, nên Phật chế học xứ:

Nếu Bí-sô tự cầm giữ vàng bạc, tiền… hoặc bảo người cầm giữ thì phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề.

Nếu là vàng bạc, vật báu… của người khác hoặc nhận của người khác gởi, hoặc nhặt được thì chỉ phạm Đọa, vì không cần xả tài vật. Nếu là tài vật của mình, không làm pháp tịnh mà cầm giữ hoặc bảo người cầm giữ đều phạm Xả đọa. Nếu có người cúng vàng bạc tiền, tuy khởi tâm thọ nhưng khi chưa cầm vào tay thi không phải bổn tội; nếu bảo người cầm giữ thì có mười tám câu thành phạm, tức bảo người kia rằng: “nên lấy vật này, nên lấy ở chỗ này, nên lấy ngần này; nên cầm vật này, nên cầm để ở chỗ này, nên cầm ngần này; nên mang vật này, nên mang để ở chỗ này, nên mang ngần này”, chín câu này đều là bảo người cầm lấy vật ở gần, nếu bảo người cầm lấy vật ở xa thì trong chín câu này đổi chữ thử (này) thành chữ bỉ (kia) liền thành mười tám câu. Nếu ở chỗ có thể lấy được vật, khi bảo người cầm lấy thì phạm tội Ác tác, cầm lấy vào tay thì phạm bổn tội; nếu ở chỗ không thể cầm lấy được vật mà bảo người cầm lấy thì cả hai đều phạm tội Ác tác. Nếu là vàng bạc vật báu, thành hay chưa thành, vừa chạm vào để cầm liền phạm Xả đọa; nếu là loại tiền đang lưu hành, vừa cầm liền phạm tội Ác tác. Nếu trên đường đi nhặt được của rơi, nên để ở chỗ hiển lộ để chủ của vật đến nhận lại; nếu là phục tàng không có chủ nên lấy để vào kho của Tam bảo, tùy dùng vào việc lợi ích; nếu là phục tàng có chủ thì nên nói cho chủ của vật biết, nên hỏi ký hiệu, nếu đáp đúng thì đưa lại cho chủ của vật, nếu đáp không đúng thì để vào kho của Tam bảo.

Thật là vàng, khởi tưởng là vàng và nghi mà cầm giữ thì phạm Xả đọa; không phải vàng, khởi tưởng là vàng mà cầm giữ thì phạm Đọa vì không có vật để xả, nghi mà cầm thì phạm tội Ác tác; không phải vàng, tưởng không phải vàng mà cầm thì không phạm. Bạc và vật báu khác cũng vậy, nếu là Thâu thạch, dồng, sắt, chì, thiết thì câm không phạm. Nếu là tài vật của mình, khi nghe có nạn sự sắp đến, không có tịnh nhân thì được tự cầm giữ không phạm; nếu là tài vật của Tăng, của Tam bảo thì nên đào hố chôn giấu kỹ rồi bỏ đi, thời gian sau trở lại đào lên trả lại chỗ cũ, nếu không có nạn sự xảy đến mà làm thế thì đều phạm bổn tội.

Trong hạ an cư nếu thí chủ đem tiền may y đến cúng, Bí-sô nên khởi tâm ký gởi cho thí chủ rồi thọ, nên chọn ai làm tịnh thí chủ, nên chọn người có tâm tín kính hoặc tịnh nhân trong chùa làm tịnh thí chủ. Chọn được tịnh thí chủ rồi thì khi thọ tài vật bất tịnh nên khởi tưởng là của thí chủ này thì cầm giữ không phạm. Nếu đi xa được tài vật bất tịnh, cũng có thể từ xa khởi tưởng là vật của thí chủ rồi cầm giữ, cho đến khi nào thí chủ còn sống thì cầm giữ đều không phạm. Nếu không tìm được tịnh thí chủ thì Bí-sô nên mang tài vật bất tịnh này đến trước một Bí-sô bạch rằng: “cụ thọ nhớ nghĩ, tôi là Bí-sô __________ được tài vật bất tịnh này, tạm cất giữ sau sẽ đem tài vật bất tịnh này đổi lấy tịnh tài” (ba lần), bạch như vậy rồi có thể tự cất giữ hoặc bảo người cất giữ.

19. Kinh doanh cầu lợi:

Phật tại vườn Cấp-cô-độc, thành Thất-la-phiệt, lúc đó Bí-sô Ôba-nan-đà giao dịch với ngoại đạo, đem tấm giạ thô của mình để đổi lấy tấm giạ tốt nên bị chê trách, Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô đủ cách kinh doanh cầu lợi thì phạm Ni-tát-kỳ-ba-dậtđề.

Nói đủ cách đưa ra thu vào để sanh lợi là như dùng vàng bạc bảy báu cho đến tơ lụa, lúa thóc… để giao dịch cầu lợi, hoặc dùng vật đã thành để đổi vật đã thành… có bốn câu; khi chưa thu vào thì phạm tội Ác tác, khi thu vào rồi liền phạm Xả đọa. Nếu có người đem vật của Bí-sô đổi chác để cầu lợi mà Bí-sô im lặng không ngăn lại thì khi được lợi liền phạm bổn tội. Nếu vì Tam bảo mà đưa ra thu vào hay thí chủ làm kho vô tận cho Tăng thì dù có dong ruỗi cầu lợi cũng không phạm, nhưng cùng người giao dịch phải làm giấy tờ bảo chứng rõ ràng, đến cuối năm kết sổ sách trình cho vị Thượng tòa thủ chúng và vị thọ sự đều biết. Nếu những tài lợi do kinh doanh có được là như pháp thì khi Bí-sô muốn xả, nên xả cho Bí-sô đáng tin; nếu là tài vật bất tịnh thì nên xả cho cư sĩ tín tâm, nhưng đây chỉ là hình thức tác pháp, không phải là thật thí nên tác pháp xong phải giao trả lại, nếu không giao trả lại thì nên cưỡng đoạt lấy lại.

20. Đủ cách mua bán:

Duyên xứ như trên, lúc đó Lục chúng Bí-sô đủ cách mua bán cầu lợi nên Phật chế học xứ:

Nếu Bí-sô đủ cách mua bán cầu lợi thì phạm Ni-tát-kỳ-ba-dậtđề.

Nói đủ cách mua bán cầu lợi là mua hàng hóa ở chỗ bán ra với giá rẽ, mang đến bán ở chỗ bán với giá cao và lúc thời giá xuống thì mua vào nhiều để tích trữ, đợi đến lúc thời giá cao thì đem ra bán; hoặc xem thiên văn để dự đoán là được mùa hay mất mùa để mua hay bán đúng lúc cho được lời nhiều. Những mặt hàng mua bán bao gồm vàng bạc bảy báu, tơ lụa cho đến lúa gạo, đường sữa…; nếu khi mua vào vì lợi thì phạm khinh, khi bán ra không cầu lợi thì không phạm; nếu mua vào không vì lợi nhưng khi bán ra có tâm cầu lợi thì trước không phạm, sau phạm Xả đọa; nếu trước sau đều vì cầu lợi thì trước phạm khinh, sau phạm bổn tội; nếu trước sau đều không có tâm cầu lợi thì không phạm.

Nếu trong lúc mua bán nói không thật, dùng cân non đấu thiếu để gạt người thì thuộc tội vọng ngữ, được tài lợi thì thuộc tội trộm. Khi Bí-sô giao dịch với người tục ở chợ, không nên tự trả giá, nên nhờ người có tín tâm trả giá; nếu phải tự trả giá thì chỉ được trả hai ba giá, không được quá.

Nếu muốn bán đấu giá vật của Hiện tiền tăng thì Thượng tòa nên định giá trước, nên đợi người nói giá cao nhất sau cùng mới bán. Nếu thật tâm không muốn mua mà dối nói tăng giá để tranh mua thì phạm tội Ác tác; nếu nói tăng giá tranh mua được rồi, chưa đưa tiền mà liền lấy y vật thì phạm tội Ác tác. Nếu thí chủ có tín tâm đem vợ con đến thí để Tăng bán đấu giá rồi mua lại thì Tăng nên tùy ý của thí chủ mà nói giá bán, nhưng Bí-sô không nên nói tăng giá, nếu nói tăng giá thì phạm tội Ác tác; tuy nói giá bán nhưng tùy thí chủ đưa bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu. Nếu cha mẹ có tín tâm đem con đến thì cho Tăng, Bí-sô nên nhận nuôi, khi họ đến đòi con thì nên trả lại; nếu họ trả tiền công nuôi dưỡng thì được thọ không phạm. Tiểu đồng tử ở với Bí-sô, Bí-sô nên dùng một miếng ca sa cột nơi cổ và tùy thời coi ngó chăm sóc; đến khi trưởng thành, chúng muốn báo ân nên mang phẩm vật đến cúng dường thì nên nhận.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14