CĂN BẢN TÁT BÀ ĐA BỘ LUẬT NHIẾP

Nguyên tác: Tôn giả Thắng Hữu – Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường. TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh. Năm 2010.

QUYỂN 5

III. HAI PHÁP BẤT ĐỊNH:

Nhiếp tụng:

Nếu ở chỗ che khuất
Chỗ có thể hành dâm
Và chỗ không che khuất
Không có người thứ ba.

Phật tại vườn Cấp-cô-độc, rừng Thệ đa, thành Thất-la-phiệt, lúc đó Bí-sô Ô-đà-di ngồi kề sát người nữ tên Cấp đa ở chỗ khuất mà nói pháp. Ô-ba-tư-ca Tỳ-xá-khư thấy việc này rồi, trong lòng không nhẫn chịu đuợc liền đến bạch Phật, Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô một mình cùng người nữ ngồi ở chỗ khuất, ở bên trong có thể hành dâm; nếu Ô-ba-tư-ca đáng tin nói Bí-sô này ở trong ba pháp hoặc là Ba la thị ca hoặc là Tăng già bà thi sa hoặc là Ba-dật-đề, tùy nói một việc nào; nếu Bí-sô này tự nói là tôi có ngồi ở chỗ như thế, thì trong ba pháp tùy Bí-sô nói là pháp gì, Tăng nên trị phạt tội đó hoặc là Ba la thị ca hoặc là Tăng già bà thi sa hoặc là Ba-dật-đề; hoặc tùy Ôba-tư-ca đáng tin nói là việc gì thì Tăng nên trị phạt tội đó. Đây là pháp bất định thứ nhất.

Trong pháp này có bốn việc là sự, xứ, tình và chứng làm thể. Nói sự là Bí-sô ngồi một mình với người nữ, nói xứ là ngồi ở chỗ khuất, nói tình là có thể cùng hành dâm, nói chứng là Ô-ba-tư-ca chánh tín tùy nói phạm một pháp trong ba pháp.

Bí-sô là người đã thọ Cận viên, trong giới này là người có tâm dục nhiễm hiện tiền; nói một mình là không có Bí-sô hay người nam nào khác, cũng không có Bí-sô ni hay người nữ nào khác; nói người nữ là chỉ cho người có thể làm việc dâm; nói chỗ khuất là chỗ có ngăn che có thể cùng hành dâm, trong phạm vi một tầm ngồi cạnh nhau cho đến nằm chung, hai thân xúc chạm.

Ô-ba-tư-ca chánh tín là chỉ cho người đã Kiến đế, tuy chưa Kiến đế nhưng nếu là hàng Dị sanh trung tín, lời nói đi đôi với việc làm thì Tăng nên tin lời người này, tùy nói Bí-sô phạm một pháp nào trong ba pháp Ba la thị ca, Tăng già bà thi sa và Ba-dật-đề mà trị phát Bí-sô ấy.

Bí-sô tự nói là như thật nói ra việc đã làm hoặc là Thô tội hoặc là tội Ác tác; sở dĩ nói là bất định là vì thể của tội này không có tướng xác định mà bao gồm nhiều tội.

Tướng phạm trong đây: tùy Bí-sô kia tự nói tội ra mà xử trị, nếu không tự nói thì Tăng nên bạch tứ yết ma cho cầu tự tánh tội, khi Tăng đã tác pháp rồi thì người bị trị phạt phải thuận hành theo những hành pháp đã có như không được cho người xuất gia thọ Cận viên, không được làm y chỉ, không được chứa nuôi Cầu tịch, không được thọ sai làm người giáo thọ ni chúng…; nếu không tuân hành theo thì phạm tội Ác tác. Tăng cũng nên hỏi Ô-ba-tư-ca kia: Bí-sô ngồi chung với người nữ có hình dáng, tướng mạo như thế nào và ở nơi đâu…; nếu có người thứ hai nhìn thấy việc này cũng nên hỏi như thế, nếu cả hai nói tương đương thì như lời của hai người nói mà trị phạt Bí-sô; nếu cả hai nói không tương đương thì nên theo lời Bí-sô tự nói mà xử trị.

Trong pháp bất định thứ hai khác với pháp thứ nhất ở chỗ là duyên khởi ở thành Vương xá, Bí-sô Thất lợi ca ngồi chung một chỗ với người nữ tên Tô đỗ đà. Ô-ba-tư-ca Ô Bao-sái-đà thấy và nói là ngồi ở chỗ không có che khuất, không thể cùng hành dâm nên không thể phạm tội Ba la thị ca. Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô một mình cùng người nữ ngồi chỗ trống vắng là chỗ không thể hành dâm. Nếu có Ô-ba-tư-ca đáng tin nói Bí-sô ở trong hai pháp hoặc Tăng già bà thi sa hoặc Ba-dật-đề, tùy nói một việc nào; nếu Bí-sô này tự nói là tôi có ngồi chỗ đó thì theo lời nói đó mà trị hoặc Tăng già bà thi sa hoặc Ba-dật-đề; hoặc theo lời của Ô-ba-tư-ca đáng tin nói mà trị. Đây là pháp Bất định thứ hai.

Các Đại đức, tôi đã nói xong hai pháp Bất định, nay xin hỏi các Đại đức, trong đây có thanh tịnh không? (3 lần). Các Đại đức, trong đây thanh tịnh vì im lặng. Việc này xin nhớ giữ như vậy.

III. BA MƯƠI PHÁP NI TÁT KỲ BA DẬT ĐỀ:

Nhiếp tụng thứ nhất:

 

Giữ, lìa, chứa, giặt y,
Lấy y, xin, thọ quá,
Đồng giá và khác chủ,
Sai sứ đưa giá y.

1. Y dư không phân biệt:

Phật tại vườn Cấp-cô-độc, thành Thất-la-phiệt, lúc đó các Bí-sô do chứa nhiều y nên phế bỏ việc tu phẩm thiện, Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô đã may y xong, thời y Yết-sỉ-na đã hết, được cất chứa y dư cho đến mười ngày, nếu chứa quá mười ngày mà không làm pháp phân biệt thì phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề.

Nói may y đã xong là do đại y vương Thị phược ca cúng y cho Tăng nên Phật cho các Bí-sô cất chứa y, lúc đó Phật suy nghĩ: “thân ta mềm mại chỉ cất chứa ba y mà vẫn chống đỡ được trời lạnh, huống chi các Bí-sô thân cường tráng, cất chứa ba y lại không chống đỡ được khí lạnh hay sao”. Do nghĩ như thế nên Phật chế các Bí-sô chỉ được thọ trì ba y, không được chứa dư; tuy vậy Phật vẫn khai cho cất chứa mười loại y, ngoài mười loại y này ra, các loại khác không như pháp thì không được cất chứa, đó là loại vải gai trắng, vải gai đỏ, Sô ma, Súy di la, Khâm bà la, Kiếp bối, Kiều thi da…. Nếu lộ hình hay bện tóc là hình nghi của ngoại đạo, không phải hình nghi của người xuất gia, ai làm theo thì phạm Thô tội; nếu mặc y phục của ngoại đạo thì phạm tội Ác tác. Nếu mặc y phục cùa người thế tục hay làm theo hình nghi của Bà-la-môn thì phạm tội Ác tác.

Tùy trường hợp thọ dụng ba y có sai khác, như khi làm việc ở trong chùa thì nên mặc y năm điều; nếu khi làm lễ hay thọ thực thì nên mặc y bảy điều; nếu vào tụ lạc khất thực hay vì chống rét lạnh thì nên mặc đại y. Trong ba y, hai y sau nên cắt rọc, nếu là người nghèo thì y sau nên cắt rọc để mặc khi vào tụ lạc. Vì sao không mặc y cắt rọc thì không được vào tụ lạc, vì y của Bí-sô khác với y phục thế tục ở hai điều: màu sắc và kiểu mẫu. Y phục của người tục toàn trắng và không cắt rọc, còn y phục của người xuất gia là hoại sắc và cắt rọc. Nếu được vải mới nên may y Tăng-già-lê và Ni-sư-đàn hai lớp, y Uất Đa-la tăng và y An-đàhội một lớp; nếu y trước đã may ba lớp thì hai y sau may hai lớp cũng được. Nếu dùng vải chưa làm phân biệt để may thiếp lên y thì phạm tội Ác tác, đến ngày thứ mười một lièn phạm Xả đọa. Nếu suy nghĩ muốn xin thêm vải để may thiếp lên y cho thành nhiều lớp nên tháo bỏ lớp thứ hai thì phạm tội Ác tác, đến ngày thứ mười một liền phạm Xả đọa; nếu suy nghĩ sau khi giặt nhuộm xong sẽ đem lớp vải tháo ra này may thiếp lên y tài này lại như cũ thì không phạm, nhưng đến ngày thứ mười một mà không may thiếp lên lại thì phạm Xả đọa. Nếu được vải cũ thì nên may y Tăng-già-lê và Ni-sư-đàn bốn lớp, y Uất Đa-la tăng và y An-đàhội hai lớp; nếu là y phấn tảo hay y cũ rách thì được may nhiều lớp.

Cách thức may số điều và đàn cách của y: y An-đà-hội có một đàn cách dài và một đàn cách ngắn, y Uất Đa-la tăng có hai đàn cách dài và một đàn cách ngắn, đối với hai loại y này, nếu là người nghèo y tài không đủ để may cắt rọc thì Phật khai cho may thiếp lá, nếu tâm nghĩ là sau sẽ cắt rọc thì dù là y man điều cũng được thọ trì. Y Tăng-già-lê có chín loại đó là y điều, 11 điều, 13 điều, 15 điều, 17 điều, 1 điều, 21 điều, 23 điều và 25 điều. Này ô Ba Ly, ba loại y thứ nhất có hai đàn cách dài, một đàn cách ngắn; ba loại y kế có ba đàn cách dài, một đàn cách ngắn; ba loại y sau cùng có bốn đàn cách dài, một đàn cách ngắn, nên may nên thọ trì, quá điều lượng này thành phá nạp. Y Tăng già chi có ba phẩm thượng trung và hạ, phẩm thượng bề đứng ba khuỷu tay, bề ngang năm khuỷu tay; phẩm hạ bề đứng hai khuỷu tay rưỡi, bề ngang bốn khuỷu tay rưỡi; ở giữa hai phẩm trên là phẩm trung. Y Ốt đát la tăng già và y An đát bà ta cũng có ba phẩm thượng trung hạ như Tăng già chi. Có hai loại An đát bà ta: một là bề đứng hai khuỷu tay, bề ngang năm khuỷu tay; hai là bề đứng hai khuỷu tay, bề ngang bốn khuỷu tay. Y trùm ba luân là lượng y nhỏ nhất để thọ trì, nếu người có thân to lớn mà khuỷu tay ngắn thì nên theo kích lượng của thân mà may y, ngoài trường hợp này ra, nếu may y quá lượng hay không đủ lương như đã chế định thì phạm tội Ác tác.

Cách thức giặt y: Bí-sô không nên bảo người giặt y thuê cho đến những nhà chuyên giặt y để giặt y, vì sợ làm hoại y. Bí-sô nên tự giặt y của mình, cho nước tro (xà bông) vào chậu giặt rồi dùng tay hay chân vò đạp từ từ và tẩy những chỗ dính dơ.

Cách nhuộm y: trước tiên lấy vỏ cây nhuộm đập nát rồi phơi khô, sau đó nấu thành ba lần nước nhuộm đựng trong ba chấu khác nhau. Khi sắp nhuộm nên cho ít nước nhuộm vào chậu rồi mới bỏ y vào từ từ để thử xem màu nhuộm như thế nào, không nên bỏ tất cả y vào một lượt, cũng không được vắt mạnh làm cho y tổn hoại, vắt xong nên rủ nhẹ vài lần rồi đem phơi.

Cách phơi y: khi phơi nên đưa thành viền của y lên trên rồi dùng dây cột hay dùng kẹp kẹp lại, nếu nước nhuộm dọng ở thành viền của y thì nên lật ngược lên, chớ để cho nhỏ giọt xuống và nên thường xuyên trông chừng. Nếu y quá nặng nên phơi trên cây khô và nên thường lật trở cho mau khô; nếu nhuộm y mới nên dùng nước nhuộm mới và phơi dưới ánh mặt trời; nếu là y cũ nhuộm lại thì dùng nước nhuộm cũ và phơi nơi thoáng mát. Đợi y khô rưới lên ít nước thấm đều cho y mềm và cũng để cho màu nhuộm được tươi, không phai. Ở trong chùa nhuộm y nếu làm dơ đất thì nên quét dọn sạch sẽ.

Cách cắt may y: nên cắt rọc và may y theo hình thửa ruộng, lá y day về hai bên, không nên chỉ day về một bên. Lá y có ba bậc thượng trung và hạ, lá y thượng rộng bốn lóng tay may như chân chim, lá y hạ chừng hai lóng tay, giữa hai lượng này là lá y trung. Cắt may đàn cách ngắn nên bằng phân nữa của đán cách dài và day về phía đàn cách dài, sau khi may xong một điều nên xem đường chìm, đường nổi của y sao cho tương xứng nhau, nếu may khác là phi pháp. Thành viền bốn phía của y nên may hơi hẹp, cách thành viền bốn lóng tay ngay chỗ cạnh vai nên đặt cái bàn bà may thành ba lớp, trên đó làm dây khuy hay tra nút, nút có thể lớn như hạt Anh áo hoặc như hạt Quỳ hoặc như hạt Đường lê. Có năm loại không nên cắt rọc, đó là mền nệm, cao nhiếp bà, mền lông, mền dày và vải bá nạp (tấm vải may thành từ vải vụn). Nếu muốn cắt rọc y nên trải chiếu ở dưới đất, nếu không có chiếu nên ruới quét đất cho sạch rồi mới trải vài trên đất để cắt.

Có năm loại y: một là y có thí chủ (biết thí chủ cúng), hai là y không thí chủ (không biết thí chủ cúng là ai), ba là y vãng hoàn (y liệm người chết, người nhà lấy về mang đến cúng chùa ), bốn là y Thâm ma xá na (y vất bỏ trong Thi lâm), năm là y phấn tảo. Có năm loại y phấn tảo: một là y vất bỏ trên đường, hai là y vất bỏ ở bờ sông, ba là y vất bỏ nơi đồng hoang, bốn là y vất bỏ nơi đống phân và năm là y cũ rách. Lại có năm loại y phấn tảo: một là y bị bò nhai, hai là y bị chuột gặm, ba là y bị kiến đục, bốn là y bị cháy, năm là y của phụ nữ mới sanh vất bỏ. Do thể và xuất xứ của y phấn tảo này sai khác nên phân có mười loại như vậy, nói chung có bảy loại y là y lông, y sô ma, y Xa-nạch-ca, y Yết bá tử ca, y Độc cô lạc ca, y Cao thêm bạc ca và y A bàn lan đắc gia.

Cách duỗi và trương y Yết-sỉ-na:

Vào ngày 1 tháng , Bí-sô thọ sự bạch Tăng: “các Đại đức, ngày mai chúng tăng hòa hợp cùng trương y Yết-sỉ-na”, sáng ngày 15 chúng tăng hoà hợp nhóm tác bạch nhị yết ma sai người có đủ năm đức làm người trương y Yết-sỉ-na rồi bạch nhị giao y cho vị này, vị này thọ y rồi cùng các Bí-sô giặt nhuộm cho đến cắt may y tài này, cho đến chỉ may ba mũi kim cũng phải cùng làm. Người may y nên khởi ba tâm: “y này ta và Tăng sẽ trương (đang trương và đã trương) làm y Yết-sỉ-na”, trong ba tâm này, chỉ cần làm theo hai tâm sau thì cũng thành tác pháp, nếu không khởi ba tâm này thì phạm tội Ác tác; nếu người an cư chỗ khác đến trú xứ này làm người trương y thì cũng thành trương y. Vào ngày 15, người trương y nên bạch chúng tăng: “ngày mai tôi sẽ vì Tăng trương y Yết-sỉ-na, các Đại đức nên xả ba y củ mình rồi mang đến trong Tăng”. Sáng hôm sau, vị trương y để y Yết-sỉ-na trên cái mâm sạch rồi dùng hương bột và các loại hoa thơm cúng dường, mang đến trước vị Thượng tòa thủ chúng bạch:

Đại đức tăng lắng nghe, y này Tăng đã chấp thuận trương làm y Yết-sỉ-na, Tăng đã sai tôi là Bí-sô _________ làm người trương y Yếtsỉ-na, nay tôi đem y này vì Tăng trương làm y Yết-sỉ-na. Bạch như vậy (ba lần).

Bạch rồi liền ở trước Thượng tòa duỗi trương y ra, Thượng tòa nói: “lành thay trương y, trong đây có lợi dưỡng cho đến có lợi ích gì, tôi đều sẽ được thọ”, làm như vậy cho đến người cuối cùng. Người trương y không được mang y Yết-sỉ-na đến trong nhà xí, nhà bếp và cũng không được mang y ra khỏi giới, nếu có duyên sự cần đi cũng không được ở qua đêm. Nếu Tăng bị phá thì chúng như pháp nên trương y, nếu cả hai chúng đều cùng trương y thì những lợi dưỡng có được, chúng như pháp đều được thọ. Nếu trong hạ an cư được nhiều y tài, nên chọn lấy một y để làm y Yết-sỉ-na, những y còn lại tùy ý chia. Y được chọn làm y Yếtsỉ-na phải là y mới đã giặt nhuộm, chưa từng đắp mặc và cũng không phải là y cấp thí, tùy trong ba y phải may thành một y, nếu may chưa xong thì không cho duỗi trương làm y Yết-sỉ-na. Y như pháp đúng lượng là dài năm khuỷu tay, nếu thể y thưa mỏng hoặc thuộc loại y vãng hoàn hoặc y Man điều thiếp lá, hoặc đã từng mặc rồi hoặc là y phạm Xả đọa hoặc là cũ rách thì không được trương làm y Yết-sỉ-na. Nếu vào ngày 15 được y đã may xong cũng được lấy làm y Yết-sỉ-na, những người cùng ở trong giới và là thiện Bí-sô đều được cùng trương y Yết-sỉ-na. Có mười hạng người không cho đồng thọ y Yết-sỉ-na: một là người chưa có tuổi hạ, hai là người phá hạ, ba là người hậu an cư, bốn là người an cư ở trú xứ khác, năm là người vắng mặt trong lúc trương y, sáu là người đang hành biệt trụ, bảy là người đã hành biệt trụ xong, tám là người đang hành ý hỉ, chín là người đã hành Ý hỉ xong, mười là người thọ học. Lại có năm hạng người không đựoc thọ lợi dưỡng và các lợi ích, đó là ba hạng người bị xả trí, người an cư ở trú xứ khác và bạn đảng trợ giúp phá tăng. Thọ y Yết-sỉ-na có mười lợi ích:

  1. Là được chứa y dư quá mười ngày.
  2. Là được chứa y dư hơn một tháng.
  3. Là được lìa y ngủ đêm.
  4. Là được mặc hay y thượng hạ tùy ý du hành.
  5. Là được chứa nhiều ba y.
  6. Là được ăn riêng chúng.
  7. Là được thường thường ăn.
  8. Là không thọ thỉnh, được tự đến thọ thực.
  9. Là được phi thời vào tụ lạc mà không cần dặn lại.
  10. Là được tùy ý đến nhà học gia đắc pháp thọ thực.

Xuất y Yết-sỉ-na: đến ngày 15 tháng giêng, người trương y nên bạch chúng tăng: “các Đại đức, ngày mai Tăng cùng xuất y Yết-sỉ-na, mọi người phải thủ trì y của mình”, sáng hôm sau, Tăng nhóm hòa hợp bạch nhị xuất y; nếu nghe có giặc đến sợ bị cướp nên tuy chưa đến giờ cũng được xuất y, nếu có lợi vật cũng cùng chia luôn. Có tám trường hợp xuất y Yết-sỉ-na như nhiếp tụng nói:

Quyết đi không nhất định,
Quyết định đi, mất y,
Nghe xuất, xuất giới, nghi,
Mong dứt, đồng tâm xuất.

Quyết đi không nhất định: như có Bí-sô không thích ở trú xứ này, muốn đi đến nơi khác, không định trở lại nhưng ý quyết ra khỏi giới là không nhất định.

Quyết định đi: như có Bí-sô ra ngoài giới xin y, chưa may hoặc may được phân nửa, đối với lợi vật cho đến trú xứ có tâm muốn trở lại hoặc không muốn trở lại, hoặc muốn hoặc không muốn hoặc muốn trở lại may y tiếp, hoặc khởi nghi niệm nhưng quyết ý đi thì liền mất y.

Mất y: khác với trường hợp trên ở chỗ bỏ đi không muốn trở lại, cũng không muốn may y tiếp nữa thì liền mất y.

Nghe xuất: như có Bí-sô ra ngoài giới may y, vừa may liền nghe xuất y, lúc đó liền mất y.

Xuất giới: như có Bí-sô ra ngoài giới xin y, từ xa nghe đại chúng xuất y, sanh tâm tùy hỉ liền mất y.

Nghi: như có Bí-sô suy nghĩ: “nếu y may không xong sẽ trở lại hoặc không trở lại”, nghĩ rồi bỏ đi, ra khỏi giới liền mất y.

Mong dứt: như có Bí-sô bổn tâm ra ngoài giới rồi sẽ trở lại, nhưng khi đến trú xứ kia không xin được y, dứt hy vọng liền mất y.

Đồng tâm xuất y: như có Bí-sô ra ngoài giới xin y, sau đó trở lại trong giới cùng chúng tăng xuất y.

Nếu Tăng bị phá thì bộ chúng nào trương y nên trở về bộ chúng ấy để hòa hợp xuất y, bộ chúng nào trương y thì được lợi ích trong năm tháng, bộ chúng nào không trương y thì chỉ được lợi ích trong một tháng.

Đứng trên nghĩa chắc thật và tinh diệu mà có tên gọi là Yết-sỉ-na, do đại chúng thọ y nên y có công năng gánh vác khiến không trái phạm nên có nghĩa là chắc thật và do thể của y này tinh diệu.

Nói y dư là ngoài ba y thọ trì, những y khác đều gọi là y dư, nhưng nếu thể của các y dư này là thanh tịnh như pháp thì khai cho làm phân biệt để cất chứa thọ dụng. Bí-sô được cất chứa mười ba tư cụ y: một là Tăng-già-lê, hai là Uất Đa-la tăng, ba là An-đà-hội, bốn là Ni-sư-đàn, năm là quần, sáu là phó quần (quần thứ hai để thay đổi), bảy là Tăng khước kỳ, tám là phó Tăng khước kỳ (cái thứ hai để thay đổi), chín là khăn lau mặt, mười là khăn lau mình, mười một vải băng bó ghẻ (vết thương), mười hai là khăn cạo tóc, mười ba là vải đổi thuốc. Đối với mười ba tư cụ y này, Bí-sô nên thọ trì từng loại, nên đối trước một Bí-sô nói tên ra để tác pháp thọ trì, như y Tăng-già-lê nên nói như sau:

Đại đức nhớ nghĩ, tôi là Bí-sô __________, y Tăng-già-lê này từ nay tôi xin thọ trì, đã cắt rọc thành y là vật mà tôi thọ dụng (ba lần)

Những y khác đều dựa theo đây mà tác pháp thọ trì, nếu là y tài chưa giặt nhuộm, chưa cắt rọc may thành y, tạm thời sung vào số ba y để thọ trì thì nên bạch như sau:

Đại đức nhớ nghĩ, tôi là Bí-sô __________, y tài này nay tôi xin thọ trì, sẽ cắt rọc may thành y Tăng-già-lê chín điều, hai đàn cách dài, một đàn cách ngắn, là y tôi thọ dụng (ba lần).

Nếu có duyên sự phải xả ba y, nên đối trước một Bí-sô bạch như sau:

Đại đức nhớ nghĩ, tôi là Bí-sô _____, y Tăng-già-lê này trước đã thọ trì nay xin xả (ba lần).

Hai y kia cũng nói như vậy, nếu là tấm giạ lông dài hay lớn nặng thì không được thọ trì, nhưng nếu khởi tâm ký gởi cho người khác thì có thể thọ dụng, nên tâm nghĩ miệng nói như sau: “đây là vật của thí chủ tên __________, tôi cất giữ giùm và thọ dụng”, không cần làm phân biệt, vì Phật khai cho cất chứa để ngăn lạnh rét; nếu để ngăn nóng, Phật khai cho cất chứa các loại y vật thưa mỏng tùy thời thọ dụng.

Cách may đãy y: chiều dài ba khuỷu tay, chiều rộng một khuỷu tay rưỡi, gấp chiều dài làm hai lớp may đính hai đầu, chừa miệng đãy ở giữa, để y bên trong; nơi miệng đãy y nên may thêm dây kéo để côn trùng không chui vào bên trong. Khi để y nên để theo thứ tự ba y ở trên các y vật khác, nên giữ ba y như giữ da trên thân: một là khiến thí chủ được thêm phứơc, hai là khiến nguời thọ dụng không bị thiếu thốn.

Cách may áo gối: chiều dài bốn khuỷu tay, chiều rộng hai khuỷu tay gấp lại may dính, chừa một khoảng để dồn bông hay lông dê vào bên trong rồi mới may dính lại, khi nằm dùng để gối đầu.

Cách may mùng: chu vi mười hai khuỷu tay, bên trên có nóc, tùy thân hình lớn nhỏ hay cao thấp mà bốn góc dựng bốn cây cột rồi dùng dây cột vào.

Mỗi người chỉ được chứa ba y, những y dư khác đã may thành hay chưa may thành đều phải làm phân biệt, nên bạch với Thân giáo sư và Quỹ phạm sư rồi đến trước người đồng phạm hạnh, hoặc người trì giới đa văn có đức hạnh để tác pháp ký gởi phân biệt thọ trì như sau:

Đại đức nhớ nghĩ, tôi Bí-sô tên __________ có y dư này chưa tác pháp phân biệt, nay đối trước Đại đức phân biệt để thọ trì. (ba lần).

Nếu người ký gởi đang ở nơi xa, từ xa làm pháp ký gởi cũng không phạm, khi làm pháp phân biệt không nên đối trước người ký gởi mà nên đối trước một người khác, người ký gởi cũng không nên lấy y vật làm phân biệt của người kia,vì tác pháp ký gởi này không phải là thật thí. Nếu người ký gởi qua đời, Bí-sô nếu chưa nghe tin thì pháp làm phân biệt vẫn thành, nhưng khi nghe tin rồi thì phải nói tên người khác làm người ký gởi mà không phải nói cho người đó biết. Sở dĩ Phật khai cho làm pháp phân biệt là để ngăn hai lỗi: một là được cất chứa y dư mà không phạm, hai là không bị thiếu thốn; nhưng người cất chứa y dư nên biết năm điều: một là biết hạng người nào được cất chứa, hai là biết thọ từ đâu, ba là biết tránh điều gì và nên làm điều gì, bốn là biết xả bỏ, năm là biết thọ dụng.

Hạng người được cất chứay dư: là người ít tài lợi hoặc bẩm tánh ưa thích hoặc theo ý thích mà từ cõi trời đọa xuống nhân gian, hoặc thân có bịnh khổ, dơ bẩn, nhiều rận hoặc ở chỗ quá nóng hay quá lạnh, hoặc là người trông coi việc xây cất. Do những người này có thể nhiếp niệm nên Phật khai cho cất chứa y dư.

Thọ từ đâu: từ người xuất gia hay từ tại gia, nhưng nếu đó là người nghèo khổ, tuy họ có tâm bố thí thì Bí-sô cũng không nên đến xin, dù họ mang đến cúng cũng không nên thọ, vì sợ họ bị thiếu thốn khổ sở; cũng không thọ từ người điên cuồng tâm loạn, tâm bịnh hoại, cho đến những hạng người như giặc cướp, đồ tễ, Chiên-đà-la… mang đến cúng cũng không nên thọ. Nhưng Bí-sô được thọ những loại y vật nào: nếu là Giạ lông quý giá, y lông cừu cho đến y vật làm bằng da thú thì không nên thọ. Tuy nhiên Phật khai cho các Bí-sô ở nơi biên địa được mang giày da một lớp, gọi biên địa là từ phía Đông trở ra đến rừng Bôn đồ, phía Tây trở ra đến thôn Nhị tốt thổ nô, phía Nam trở ra đến sông Nhiếp phạt la phạt để, phía Bắc trở ra đến núi Ốt thi la, như nhiếp tụng:

Đông đến rừng Bôn đồ,
Tây. thôn Nhị thổ nô,
Nam đến sông Phạt để,
Bắc. núi Ốt thi la.

Nếu thợ săn cúng da gấu thì thọ không phạm, dùng làm tọa cụ hay vật lau chân có thể trị được bịnh Trĩ và làm cho mắt sáng. Nếu đến trong nhà cư sĩ, có thể ngồi trên ngọa cụ bằng da nhưng chỉ được ngồi không được nằm, vì muốn làm lợi ích cho thí chủ. Đầu tiên Phật vì Bí-sô Ức nhĩ mà khai cho người ở Trung phương được mang giày da một lớp, sau đó vì Bí-sô Mạc ha la nên Phật chế ngăn lại, nhưng sau đó khai cho dùng trở lại. Nếu là giày da nhiều lớp thì nên nhờ người tục mang đi vài bước rồi mới thọ dụng, nhưng nếu là loại giày có đế khi đi phát ra tiếng hoặc có kiểu dáng như sừng dê hoặc có thêu hoa văn nhiều màu sắc thì dứt khoát không được dùng. Giày làm bằng da gân của năm loại thú như voi, ngựa, sư tử, hổ và báo cũng không được dùng. Nếu là nơi lạnh rét, nước ở đó đóng băng thì Bí-sô được mang giày ủng, mang bao tay… để chống rét. Nếu ở trong chùa, khi vào nhà xí được mang guốc gỗ nhưng giày đan bằng cỏ gai… thì không nên mang; nếu Bí-sô có bịnh máu nóng nơi chân thì được mang giày cỏ. Nếu Bí-sô có thể tự may vá giày thì nên làm ở chỗ khuất, chớ để người tục thấy, được cất chứa các dụng cụ như dùi, dao… không phạm.

Tránh điều gì và nên làm điều gì: phải cẩn thận giữ gìn ba y và các y vật khác, không nên để ở những nơi có trùng kiến đục khoét hay có chuột gặm, hoặc đất sạt lở, nước thấm làm tổn hoại. Nếu Bí-sô ở nơi A-lan-nhã thì không nên cất chứa y vật quý giá, nên ký gởi ở trong thôn; cũng không nên ngủ nghỉ ở nơi không có Bí-sô và không có cửa nẻo, khi đi du hành phải mang theo đại y, nhưng có năm trường hợp có thể không mang theo đại y: một là đến chỗ có Bí-sô ở và có cửa nẻo, hai là nghi sẽ có mưa lớn, ba là phải lội qua sông suối, bốn là trong thời thọ y Yết-sỉ-na, năm là được Tăng tác pháp cho lìa y. Khi mặc đại y nên tránh ngồi chỗ đất cứng, thô rít…, nên trải tọa cụ rồi mới ngồi; khi du hành gặp gai góc nên vén y lên đi, đừng để rủ xuống bị gai móc rách; nếu y bị rách nên vá khâu lại, dơ nên giặt; nếu nên giặt, nhuộm, may vá mà không giặt nhuộm hay may vá thì phạm tội Ác tác. Khi làm việc nhọc không nên mặc y Tăng-già-lê, khi đi đường cũng không được dùng lót ngồi hay trải nằm; nếu không có vật khác thì dùng để lót ngồi năm cũng không phạm, nhưng khi nằm phải thức nhiều ngủ ít, cũng không nên bạ đâu nằm đó tùy tiện…

Biết xả bỏ: nếu người có bẩm tánh ưa phục sức nên chứa nhiều y thì nên xả bỏ để đối trị tham dục, nên mặc y phấn tảo. Người mặc y phấn tảo và người thường ở nơi Thi lâm thì không nên thọ y vật quý giá của Tăng như nệm lông, Giạ lông quý giá. Người mặc y của tử thi ở nơi Thi lâm thì không nên vào trong chùa lễ tháp, nếu muốn lễ tháp phải cách xa khoảng một tầm, cũng không được ngồi trên ngọa cụa của Tăng, không được vào trong chúng và cũng không được thuyết pháp cho cư sĩ. Nếu có việc phải đến nhà cư sĩ thì nên đứng ngoài cửa, nếu chủ nhà mời vào thì nên vào nhưng không nên ngồi.

Biết thọ dụng: khi cất chứa y vật thọ dụng nên khởi niệm: “y vật này do thí chủ cúng, cất chứa thọ dụng là để hộ thân và làm trợ duyên cho việc tu phẩm thiện, vì lợi mình lợi người mà thọ dụng”, nếu không khởi niệm như vậy mà cất chứa htọ dụng thì phạm tội Ác tác.

Tướng phạm trong đây là được cất chứa y dư trong mười ngày không phạm, nếu không làm phân biệt thì qua đến ngày thứ mười một, khi mặt trời mọc liền phạm Xả đọa; Xả đọa là y này nên xả, tội này nên sám. Nếu từ ngày mồng một được một y hay nhiều y, trong vòng mười ngày nên làm pháp phân biệt, nên thủ trì hay nên xả; nếu không làm như thế thì đến ngày thứ mười một, khi mặt trời mọc liền phạm Xả đọa. Nếu vào ngày mồng một được y, ngày mồng hai lại được y, cho đến ngày mồng mười cũng được y; y được trong ngày mồng một và những ngày tiếp sau đó nếu không làm phân biệt thì qua ngày thứ mười một liền phạm Xả đọa, vì y được trong ngày trước tương tục lây nhiễm nên phạm; y phạm Xả đọa có kích thước nhỏ nhất là dài rộng một khuỷu tay.

Nếu đã làm phân biệt, tưởng chưa làm phân biệt thì chỉ phạm Đọa, vì không có vật cần xả; nếu vì Tam bảo cất y thì không phạm. Nếu khi thí chủ cúng y nói rằng: “đây là vật của tôi, thầy hãy thọ dụng”, thì tuy không làm pháp phân biệt, thọ dụng không phạm. Nếu khởi niệm: “y này đến ngày __________, tôi sẽ làm pháp phân biệt, hoặc đến ngày thứ mười sẽ làm pháp phân biệt”, thì trong khoảng mười ngày đó cất chứa không phạm. Nếu không khởi niệm này thì mỗi ngày trôi qua đều phạm tội Ác tác, không nhớ thì không phạm. Nếu người nhiều tham nhiễm trói buộc, hoặc vì ngu si, hôn trầm, phóng dật mà không lam pháp phân biệt thì phạm bổn tội. Nếu y phạm Xả đọa là loại bị trùng cắn, kiến đục, chuột gặm… thì chỉ cần sám tội, không cần xả vật; nếu cất chứa trong mười ngày mà y bị tổn thất thì không phạm. Nếu cất chứa y được năm ngày bỗng điên cuồng thì sau khi trở lại được bổn tâm, khai cho cất chứa thêm năm ngày nữa; những nghĩa thông bít khác tùy việc suy ra nên biết.

2. Lìa y ngủ đêm:

Phật tại vườn Cấp-cô-độc, thành Thất-la-phiệt, lúc đó có Bí-sô gởi y cho người rồi mặc hai y thượng hạ du hành trong nhân gian; người nhận y ký gởi phải coi giữ vất vả, Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô đã may y xong, thời y Yết-sỉ-na đã hết, nếu trong ba y, lìa một y nào ra ngoài giới ngủ dù chỉ một đêm thì phạm Ni-tát-kỳ-badật-đề, trừ Tăng yết ma cho.

Lìa một trong ba y này sở dĩ kết phạm là dựa trên thọ trì rồi mà lìa, những y vật khác tuy đã thọ trì nhưng lìa ngủ đêm lại không phạm. Riêng Ni-sư-đàn nếu không mang theo thì không được ở lại qua đêm nơi chùa khác, nếu có trở duyên không về được, phải ở lại đêm thì nên mượn tạm thọ dụng; nếu ban ngày đến chỗ tịch tĩnh thiền tọa hay đi khất thực, định về trong ngày nhưng không trở về kịp, phải ở lại đến sáng hôm sau thì không phạm. Có ba trường hợp lìa y: một là do chỗ cất, hai là do thất niệm, ba là do thọ dụng.

Do chỗ cất là cất y nơi chỗ có chướng nạn nên không thể đến xem, hoặc do đây y bị thất lạc.

Do thất niệm là không nhớ chỗ đã cất y.

Do thọ dụng là vừa cất y bỗng gặp trở duyên nên không thể thọ dụng.

Trong ba trường hợp này tuy lìa y nhưng từ lúc lìa y cho đến khi mặt trời chưa mọc mà trở về kịp bên y thì không phạm. Nói trừ Tăng tác pháp cho lìa y là như trường hợp tôn giả Xá-lợi-phất và Đại Ca-diếp; hoặc người già bịnh không đủ sức mang theo, xả bỏ thì không phạm.

Về chỗ phạm bao gồm một thôn nhà, tức là người ở núi rừng cùng xây một dãy nhà ở chung, trong ngoài phạm vi của dãy nhà khoảng một tầm là thế phần của nhà; nhiều thôn nhà là nhà xây rải rác ở cách xa nhau nên có thế phần riêng biệt. Tường vách thôn có thế phần ngang đến chỗ mà sáu con bò kéo xe chở tre quay đầu lại được, hoặc chỗ mà con gà bay đáp xuống; hàng rào thôn có thế phần ngang đến chỗ mà bò dê in dấu chân khi vào thôn, hoặc đến chỗ mà người có hổ thẹn đi đại tiểu tiện. Hào thành thôn có thế phần ngang đến chỗ mà mười hai cái thang bắt ngang được, hoặc chỗ mà khi đổ rác văng tới được. Nếu Bí-sô ở trong thế phần của thôn và y để trong thôn hoặc ngược lại thì không phạm lìa y, nếu khác với đây thì phạm tội lìa y. Lại có trường hợp một thôn có một thế phần như thôn này có một vườn rừng và một nhà để dân chúng tụ họp và một miếu thờ trời; nhiều thôn có một thế phần thì giống như trên. Lại có trường hợp một thôn có nhiều thế phần la chỗ ở chung có nhiều vườn cây và nhiều cửa ngỏ; nhiều thôn có nhiều thế phần thì giống như trên, cho đến mười hai chỗ như nhà, cửa hàng, quán, lầu, sân, sảnh đường, nhà ngoại đạo, nhà kỷ nhạc, xe, thuyền, rừng, cây như trong văn luật có nói rõ. Trong đây nếu nhà chỉ có một chủ hoặc anh em ở chung thì chỉ có một thế phần, khác với đây thì có nhiều thế phần; chỗ cây giao nhau là một thế phần, khác với đây là có nhiều thế phần… Nếu Bí-sô thân ở trong thế phần này, y để trong thế phần khác thì phạm tội lìa y, nếu khi đang kết giới y, thân và y ở hai chỗ khác nhau, hoặc thân ở trên không trung, y ở trong giới thì phạm tội lìa y, nếu không có kết giới y thì trú xứ của Bí-sô có thế phần ngang tới tường rào, nếu trên đường đi thì thế phần là trong khoảng bốn mươi chín tầm, chỗ ngồi nằm có thế phần là một tầm.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14