CĂN BẢN TÁT BÀ ĐA BỘ LUẬT NHIẾP

Nguyên tác: Tôn giả Thắng Hữu – Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường. TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh. Năm 2010.

QUYỂN 7

Nhiếp tụng thứ ba:

Hai bát, hai thợ dệt,
Đoạt y và Cấp thí,
Lan nhã, Y tắm mưa,
Hồi tăng, thuốc bảy ngày.

21. Chứa bát dư quá mười ngày:

Phật tại vườn Cấp-cô-độc, thành Thất-la-phiệt, lúc đó Bí-sô Ôba-nan-đà vì ham muốn bát mới nên đến chỗ sáu mươi người khuyến hóa và được mỗi người cúng cho sáu mươi Ca lợi sa ba noa. Lại do Lục chúng Bí-sô đi khắp nơi xin được nhiều bát tốt, do tâm tham cất chứa nhưng lại không thọ dụng, cũng không đem cho người nên chiêu cơ hiềm, Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô cất chứa bát dư quá mười ngày mà không làm phân biệt thì phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề.

Nói bát dư là ngoài bát đang thọ dụng, cất chứa thêm bát khác nữa; nếu không làm phân biệt thì mỗi ngày phạm một tội Ác tác, qua mười ngày phạm Xả đọa. Nếu hiện tại không có bát, sau đó được bát thì không gọi là dư, nhưng nếu không thủ trì thì mỗi ngày cũng phạm một tội Ác tác. Bát có hai loại nên thọ dụng là bát gốm và bát sắt, bốn loại bát bằng vàng bạc, lưu ly và thủy tinh nếu chưa thọ thì không nên thọ, nếu thọ rồi nên bỏ; bốn loại bát bằng thâu thạch, đồng đỏ, đồng trắng và bằng gỗ nếu chưa thọ thì không nên thọ, nếu thọ rồi nên dùng làm chén đựng thuốc. Nếu là bát như pháp nên đối trước một Bí-sô tác pháp thủ trì, để bát lên tay trái rồi đưa tay phải đè lên miệng bát và bạch rằng:

Cụ thọ nhớ nghĩ, tôi là Bí-sô _____, Bát Đa-la này là khí vật của bậc Đại tiên dùng để khất thực, nay xin thọ trì thường dùng để thọ thực (ba lần).

Cách xả bát cũng giống như cách xả y, nếu có hai bát thì nên chọn cái tốt hơn, bát dư nên làm phân biệt; bát nhỏ của Bí-sô bằng bát lớn của Bí-sô ni. Nếu bát không đủ lượng hoặc quá lượng, hoặc chứa bát dư để cho người xuất gia thọ Cận viên, tuy không làm phân biệt nhưng không phạm. Được cất chứa hai bát nhỏ để đựng canh hay dùng để uống nước hoặc dùng đựng muối… đều không phạm. Bát nhỏ nên đựng trong bát lớn, tùy chỗ cần dùng được chứa nhiều không phạm, cũng được chứa thêm một bát lớn để dùng khi cần thiết. Vì thế, tuy Phật chế chỉ được cất chứa một bát, không phải nhiều nhưng cũng không phải ít, mà là hợp với lý trung đạo, giúp thân tu chánh nghiệp.

Có trường hợp Bí-sô chứa bát qua một đêm mà phạm Xả đọa hay không?. có, tức là khi Bí-sô được bát liền chuyển căn thành ni thì chứa bát qua một đêm phạm Xả đọa.

Pháp hộ trì bát: Bí-sô không nên sai người chưa thọ Cận viên rửa bát, nếu người có thể giữ tốt thì cho rửa. Không được ghi tên lên bát, nếu ghi tên thì phạm tội Ác tác; nếu làm dấu riêng thì không phạm. Nếu có người mang vật đến cúng cho Tam bảo thì nên ghi tên của họ trên vật cúng. Khi để bát vào trong đãy hay lấy bát ra khỏi đãy hoặc rửa hay phơi đều không nên đứng; không nên để bát trên đất mà nên để trên vật lót, cũng không nên để ở chỗ dơ; nếu bát còn ẩm chưa khô thì không nên cất vào đãy, cũng không nên phơi bát quá lâu ngoài nắng; nên biết lượng thọ dụng bát như giữ tròng con mắt. Có ba loại đãy: đãy đựng bát, đãy đựng thuốc và đãy đựng tạp vật; khi đi nên máng trên vai, cũng không được máng cả ba loại đãy này ở một bên khiến cho phồng lên và ló ra ngoài như cái trống. Nếu ở trong chùa nên làm cái tủ kệ để cất bát, nếu ở A-lan-nhã thì nên đan tre làm thành giỏ để đựng bát nhưng khi muốn đi đến nơi khác, không nên xách mang giỏ tre đựng bát này theo.

22. Xin bát mới:

Phật tại vườn Cấp-cô-độc, thành Thất-la-phiệt, lúc đó Bí-sô Ôba-nan-đà đi khất thực đến chỗ thương nhân xin được cái bát tốt, nên có đến hai bát. Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô, bát đã dùng chưa bị răng nứt đến năm lằn mà xin bát mới, vì muốn tốt thì phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề. Bí-sô này phải đem bát mới này vào trong Tăng xả, Tăng sẽ lấy bát của người cuối cùng đưa lại cho Bí-sô này và nói rằng: “thầy hãy thọ bát này cho đến khi bể”. Việc này đúng pháp nên làm như thế.

Nói chưa đến năm lằn nứt là chưa trám đến năm chỗ, nếu trám đến năm chỗ hay hơn năm chỗ thì được xin bát mới. Có năm loại nấu chảy không được trám bát, đó là đường đen, sáp vàng, chì, thiếc và tử khoáng. Có năm cách trám bát sắt:

1. Là dùng đinh nhỏ trám vào lỗ hổng.

2. Là dùng miếng sắt nhỏ để vào lỗ hổng rồi gõ cho thất chắc.

3. Là khâu lại giống như răng cá, trong ngoài giáp nhau sẽ không vỡ ra.

4. Là dùng miếng sắt lớn để lên lỗ hổng rồi đóng đinh chung quanh.

5. Là dùng mạt vụn. Mạt vụn có hai là sắt vụn hay đá vụn, nếu dùng mạt vụn trám bát thì nên trộn mạt vụn với dầu, kế cho vào chén sắt dùng chày sắt giả nhuyễn rồi mới trét vào chỗ nứt, kế dùng lửa đốt cho khô chắc; nếu bát thô rít thì nên dùng dầu thoa rồi y theo cách nung bát mà nung.

Bát như pháp có bốn viên mãn:

1. Là thể viên mãn, tức là bát tốt.

2. Là tướng viên mãn, tứclà bền chắc, không có lỗ hổng, không răng nứt và không dơ bẩn.

3. Là lượng viên mãn, tức là bát đúng lượng.

4.  Là chỗ được viên mãn, tức là được Tăng chia hay thí chủ cúng hoặc là bát cũ nhưng còn tốt.

Bí-sô có bát đủ bốn viên mãn này mà còn xin bát mới thì phạm Xả đọa. Bí-sô có bát phạm Xả đọa nên ở trong Tăng xả bát dư này, Tăng nên sai người hành bát có phạm này, nếu người có đủ năm đức thì nên sai, đã sai rồi thì nên làm. Nên sai như sau: đánh kiền chùy nhóm tăng, trước hỏi vị nào có thể vì Tăng già hành bát có phạm, nếu có người đáp là có thể thì một Bí-sô trong Tăng tác pháp sai như sau:

Đại đức tăng lắng nghe, Bí-sô _____ này có thể vì Tăng làm người hành bát có phạm. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Tăng nay sai Bí-sô _____ làm người hành bát có phạm. Bạch như vậy.

Văn yết ma dựa theo văn tác bạch mà làm.

Phật nói: “Ta chế hành pháp cho Bí-sô hành bát có phạm như sau: Bí-sô ấy nên ở trong chúng hòa hợp cáo bạch: “Kính bạch Đại đức tăng, tôi Bí-sô tên __________ sẽ hành bát có phạm. Sáng ngày mai các cụ thọ mỗi vị mang bát của mình đến trong Tăng”. Sáng hôm sau Bí-sô hành bát nên mang bát có phạm đến trước vị thượng tòa khen ngợi bát đó như sau: “bát này thanh tịnh viên mãn, có thể thọ dụng, nếu thượng tọa cần xin hãy tùy ý nhận”. Nếu thượng tòa nhận bát ấy thì Bí-sô hành bát nên lấy chiếc bát cũ của thượng tọa thứ nhất chyển trao cho vị thượng tọa thứ hai, thượng tọa thứ hai không nhận thì chuyển trao cho vị thượng tọa thứ ba. Khi thượng tọa thứ ba lấy mà thượng tọa thứ hai đòi lấy thì đòi lần thứ nhất không đưa, lần thứ hai cũng không đưa, lần thứ ba nên đưa, nhưng vị thượng tọa này mắc tội Việt pháp phải như pháp sám hối. Hành pháp xả bát như vậy cho đến vị cuối cùng nhỏ nhất trong Tăng, Bí-sô hành bát nên lấy bát của vị nhỏ nhất cuối cùng này đưa lại cho Bí-sô phạm và nói rằng: “Bát này không nên giữ yên đó, không nên phân biệt, cũng không nên cho ai, mà phải cẩn thận như pháp thọ dụng từ từ cho đến khi bể”. Đây là pháp hành bát, Bí-sô hành bát nếu không y theo pháp này mà hành thì phạm tội Việt pháp.

Ta chế thêm hành pháp cho Bí-sô phạm như sau: Bí-sô phạm được bát này rồi phải sắm hai cái đãy đựng bát, đãy tốt đựng bát dư, đãy không tốt đựng bát cũ. Khi khất thực phải mang cả hai bát theo, thức ăn khô thì đựng trong bát dư, thức ăn ướt thì đựng trong bát cũ. Trở về trú xứ thọ thực thì nên ăn thức ăn trong bát cũ trước, ăn xong khi rửa nên rửa bát dư trước, rửa xong hong phơi cũng phải phơi bát dư trước, khi cất thì cất bát dư ở chỗ tốt. Khi đi đường có thể nhờ người mang giùm bát cũ, còn bát dư phải tự mang, không có ai mang giùm thì bên vai phải mang bát dư, bên vai trái mang bát cũ. Bí-sô phạm được bát đối với hành pháp này nếu không hành theo thì phạm tội Việt pháp. Đây là pháp trị phạt cho đến trọn đời hoặc cẩn thận thọ dụng cho đến khi bể.”.

Nói đây là bát của thầy nhưng thầy không được thủ trì… là vì bát này là bát có phạm Xả đọa, Tăng vì trị phạt nên cho cất chứa nhưng không tác pháp thủ trì, không được làm phân biết và cũng không được cho ai, cũng không được cố ý làm cho bể, nếu cố ý làm bể thì phạm tội Việt pháp.

Nếu bát nứt hay lủng chưa tới năm chỗ, còn thọ dụng được, vì muốn tốt nên xin bát mới thì khi xin phạm tội Ác tác, khi được bát phạm Xả đọa. Không phải bát tốt, tưởng bát tốt thì chỉ phạm Đọa; bát không tốt, tưởng bát không tốt thì không phạm; nếu dùng tiền mua hay do đổi được cũng không phạm. Nếu xin cho người khác hay hai người cùng xin thì phạm tội Ác tác.

23. Tự xin chỉ sợi rồi nhờ thợ dệt không phải bà con dệt y:

Phật tại vườn Cấp-cô-độc, thành Thất-la-phiệt, lúc đó Bí-sô Ôba-nan-đà đến chỗ người kéo sợi xin chỉ sợi rồi nhờ thợ dệt tên là Thật ngạch dệt y cho mình, người thọ dệt này không chịu làm nên Bí-sô nhờ cậy vua quan bắt thợ dệt phải dệt, thợ dệt bị xúc não nên chê trách. Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô tự xin chỉ sợi rồi nhờ thợ dệt không phải bà con dệt thành y cho mình, được y thì phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề.

Nói tự xin chỉ sợi là xin nửa lạng hay hơn một lạng, là sợi Kiếp bối hoặc sợi Cao thế da hoặc lông hoặc Xa-nạch-ca hoặc sô ma… Nếu xin từ bà con hoặc không phải bà con, hoặc tự mua được hay đổi được rồi nhờ thợ dệt không phải bà con, hoặc nhờ nhiều người dệt giúp hay nhờ bà con dệt giúp hay tự mình dệt giúp thợ dệt thì đều phạm Xả đọa. Nếu xin từ bà con rồi nhờ thợ dệt là bà con dệt, hoặc thí chủ có tín tâm bảo thợ dệt dệt rồi trả tiền công thì không phạm; cảnh tưởng và nghi như trên. Nếu có tâm dối gạt, nói mình có đức, khi xin được chỉ sợi thì phạm tội Ác tác; cho đến bảo thợ dệt dệt y mà được cả hai, nếu thật sự có đức thì phạm tội Ác tác và tội Đọa. Nếu thợ dệt là bà con mà nhờ dệt không đúng thời làm xúc não họ hoặc họ hiện tướng khác thì phạm tội Ác tác. Nếu chỉ sợi hay lông là bất tịnh xen tạp hoặc bảo dệt cho người khác thì đều phạm tội Ác tác.

24. Bảo thợ dệt không phải bà con dệt y cho tốt:

Duyên xứ như trên, lúc đó Bí-sô Ô-ba-nan-đà bảo thợ dệt dệt cho mình tấm giạ lớn đẹp rồi mang đến cho thợ dệt đầy bát thức ăn ngon để trả công… Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô, có cư sĩ và vợ cư sĩ không phải bà con bảo thợ dệt dệt y cho Bí-sô _______, Bí-sô này không được tùy ý thỉnh trước, vì muốn y tốt nên làm chút nhân duyên là đến chỗ thợ dệt nói rằng: “này ông, y này là dệt cho tôi, ông nên dệt cho đẹp, rộng dài và bền chắc, tôi sẽ đưa thêm ít vật cho ông”. Bí-sô này tự khuyến dụ hay bảo người khuyến dụ thợ dệt này, sau đó đưa thêm cho thợ dệt ít vật cho đến một bữa ăn hay đáng giá bằng một bữa ăn, vì muốn y tốt, được y thì phạm Ni-tátkỳ-ba-dật-đề.

Nói không được tùy ý thỉnh trước là không thỉnh Bí-sô tùy ý đến lấy y, trong giới này có bốn việc thành phạm: một là bảo thợ dệt dệt cho đẹp, hai là trắng sạch, ba là rộng dài, bốn là bền chắc. Nói đầy bát thức ăn là hoặc thuộc năm loại Khư đà ni hoặc thuộc năm loại Bồ xà ni, cho đến đưa thêm tài vật bằng giá tiền một bữa ăn. Từ khi đến khuyến dụ cho đến khi y chưa vào tay đều phạm tội Ác tác, khi nhận được y vào tay liền phạm Xả đọa.

25. Đoạt lại y:

Duyên xứ như trên, lúc đó Bí-sô Nan đà cho Bí-sô Đạt ma y Tănggià-lê, sau đó giận trách liền đoạt lại… Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô cho Bí-sô khác y rồi, sau vì sân giận không vui nên tự đoạt lại hay bảo người đoạt lại, nói rằng: “hãy trả y lại tôi tôi, tôi không cho thầy nữa”, nếu lấy y rời khỏi thân của Bí-sô kia thì Bí-sô này phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề.

Nói cho y là tổng nêu, khi cho người kia y nên hỏi: “thầy có thể làm việc mà tôi sai bảo làm hay không?”, nếu không hỏi như thế mà đoạt y lại thì phạm Xả đọa. Nói sau đó là vào thời khác, nói sân giận không vui… là hiện tướng sân hận và làm việc tổn hại xúc não. Tướng phạm trong đây là nếu Bí-sô dùng thân hay ngữ hay cả hai hoặc tự mình hay bảo người khác đoạt y lại, khi y chưa rời khỏi thân người kia thì phạm tội Ác tác, khi y rời khỏi thân người kia thì phạm Xả đọa. Cảnh tưởng giống như trên, nếu biết người kia tánh không cẩn thận, đối với y vật cần dùng của Sa môn sợ làm mất nên có lòng tốt đoạt lại đem cất thì không phạm.

26. Cất chứa y cấp thí quá hạn:

Duyên xứ như trên, lúc đó Lục chúng Bí-sô trong an cư cùng chia y lợi…, lại do nhân duyên tướng quân của vua Thắng quang cúng y cấp thí cho Tăng trước khi ra trận nên Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô còn mười ngày nữa mới đến tự tứ mà được y cúng gấp, Bí-sô cần thì được tự tay thọ và được cất chứa cho đến Thời y, nếu cất chứa quá thì phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề.

Lúc đó ở biên thùy có phản loạn, vua Thắng quang sai đại tướng quân Thiện Kiếm thống lãnh bốn binh đi thảo phạt, trước khi di vị tướng quân này đem y đến cúng cho Tăng, bạch rằng: “khi hai binh giao chiến sợ thân mạng khó giữ nên tôi muốn cúng y”, các Bí-sô không dám thọ, tướng quân bèn để y lại đó rồi đi, các Bí-sô cất y ở một nơi, do không coi ngó nên bị trùng kiến cắn rách, bạch Phật, Phật nói: “nên thọ, thọ rồi nên bạch nhị yết ma sai người có đủ năm đức cất giữ y”.

Nói còn mười ngày nữa… mà được y cúng gấp có năm trường hợp: một là do bịnh mà thí, hai là vì người khác bịnh mà thí, ba là sắp chết mà thí, bốn là vì người khác sắp chết mà thí, năm là sắp đi xa mà thí. Cũng có thuyết nói y cúng gấp là y phi thời; nói được cất chứa đến thời y tức là nếu có trương y Yết-sỉ-na thì thời y là năm tháng, nếu không trương y Yết-sỉ-na thì thời y là một tháng; nếu qua thời y này mà vẫn còn cất chứa thì phạm Xả đọa. Khi được năm loại y cấp thí này thì được tùy thọ rồi chia, nếu thí chủ khi cúng y cấp thí nói rằng: “xin hãy cất giữ y này đợi ngày tôi trở về sẽ tự tay dâng cúng”, thì y này không nên chia.

27. Nơi A-lan-nhã lìa y quá sáu đêm:

Duyên xứ như trên, lúc đó Bí-sô ở A-lan-nhã bị giặc đến cướp đoạt, Phật khai cho các Bí-sô này, trong ba y tùy ý gởi một y trong thôn xóm, tuy thân ở A-lan-nhã nhưng không có lỗi lìa y. Nếu vì việc Tam bảo hoặc việc riêng của mình hay của người khác nên cần đi đến trú xứ khác, thì được lìa y sáu đêm không được quá; nhưng Lục chúng Bí-sô lại lìa y đến bảy đêm nên Phật chế học xứ:

Nếu Bí-sô qua ba tháng hạ, có tháng nhuần chưa hết tháng tám, nếu Bí-sô ở nơi A-lan-nhã vắng vẻ có nghi sợ, các nạn nên gởi lại một trong ba y ở trong tụ lạc. Nếu có nhân duyên xuất giới thì được lìa y ngủ đêm cho đến sáu đêm, nếu quá sáu đêm thì phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề.

A-lan-nhã là nơi cách thôn xóm một Câu lô xá, nói có nghi sợ là sợ có giặc cướp, nói các nạn là nạn sư tử hoặc cọp sói, phi nhân… cho đến muỗi mòng, rắn rít hoặc quá nóng, quá lạnh… Nói trong ba y là y đã tác pháp thủ trì, được lìa sáu đếm, đến đêm thứ bảy khi mặt trời chưa mọc thì phạm tội Ác tác, mặt trời mọc liền phạm Xả đọa; có thuyết nói nếu bổn tấm chỉ tạm ra ngoài định sẽ về ngay, nhưng vì trở duyên nên không thể về kịp đến chỗ cất y thì không phạm. Không phạm là một trong tám nạn duyên khởi hoặc được Tăng yết ma cho lìa y…

28. Xin y tắm mưa sớm và cất chứa quá lâu:

Duyên xứ như trên, lúc đó Lục chúng Bí-sô vì tham nên xin y tắm mưa sớm và cất chứa thọ dụng quá lâu… Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô còn một tháng nữa là hết mùa xuân thì được xin áo tắm mưa và được cất chứa nửa tháng, nếu còn một tháng nữa là hết mùa xuân, Bí-sô xin áo tắm mưa cất chứa quá nửa tháng thì phạm Ni-tát-kỳba-dật-đề.

Nói còn một tháng nữa là hết mùa xuân tức là từ ngày 1 tháng đến ngày 15 tháng 5, trong một tháng cuối xuân này nên xin y tắm mưa, không được xin trước và khi đã vào hạ an cư thì không được xin nữa. Trong an cư có những việc cần nên làm là:

Vào ngày 15 tháng 5, Bí-sô thọ sự nên quét dọn phòng xá sạch sẽ rồi ở trong chúng cáo bạch: “các Đại đức, ngày mai Tăng sẽ tác yết ma an cư”. Cáo bạch rồi đi kiểm tra có bao nhiêu người an cư để làm thẻ, không được làm thẻ quá thô xấu hay cong vẹo, nên rửa sạch bằng nước thơm, để trên cái mâm sạch, rắc hoa tươi lên và dùng tấm vải sạch phủ lên. Kế đánh kiền chùy nhóm Tăng rồi để mâm thẻ này ở trước vị Thượng tòa. Bí-sô thọ sư nên tuyên cáo chế lịnh của Tăng trong an cư như trong luật đã nói. Vị Thượng tòa trong Tăng tác Đơn bạch thọ thẻ như sau:

Đại đức Tăng lắng nghe, hôm nay là ngày 15 tháng 5, Tăng muốn hạ an cư. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Tăng hôm nay thọ thẻ, ngày mai tác pháp an cư. Bạch như vậy.

Bí-sô thọ sư bưng mâm thẻ để phát đi trước, người bưng mâm không để thu thẻ đi sau. Trước đến chỗ Đại sư giáo chủ bỏ xuống một thẻ, kế đến trước vị Thượng tòa, Thượng tòa với đủ oai nghi thọ lấy một thẻ rồi để trên mâm không, cứ như thế phát thẻ và thu thẻ từ vị Thượng tòa cho đến vị cuối cùng. Nếu có Cầu tịch thì Ô-ba-đà-da hay A-giá-lợida nên lấy thẻ cho họ, cuối cùng là thẻ của vị thiên thần hộ chùa. Sau đó gom số thẻ đã thu lại để đếm biết số người an cư rồi ở trong Tăng cáo bạch: “số người hiện diện thọ thẻ trong đây gồm có __________ Bí-sô và _________ Cầu tịch”. Người được sai chia phòng xá ngọa cụ cho Tăng an cư nên đi xem xét họ thọ dụng cho như pháp không, nếu ai thọ dụng không như pháp thì trị phạt như trong Luật đã nói. Đến ngày 15 tháng 5, Bí-sô thọ sư nên ở trong Tăng cáo bạch: “các cụ thọ, số người an cư trong trú xứ này tổng cộng là __________, ngày mai tất cả sẽ nương theo thí chủ tên _____________, nương vào thôn phường _____ để khất thực, nương theo __________ làm người cung cấp, nương theo _____ làm người khán bịnh để hạ an cư”. Sau đó các Bí-sô nên tự đi xem xét chỗ khất thực gần thôn phường, xem xét rồi nên suy nghĩ: “ta nên cùng các vị đồng phạm hạnh ở tại trú xứ này an cư để phiền não không sanh, nếu đã phát sanh sẽ khiến mau trừ diệt, nếu an lạc chưa sanh sẽ khiến cho phát sanh, đã phát sanh sẽ khiến cho tăng trưởng. Ở gần thôn phường này khất thực sẽ không gặp khổ nhọc và nếu có bịnh sẽ có người khán bịnh và người cung cấp cho đầy đủ thuốc thang và các vật cần dùng”.

Qua ngày 1 tháng 5, Bí-sô nên với oai nghi đầy đủ đối trước một Bí-sô bạch an cư như sau:

Đại đức nhớ nghĩ, hôm nay là ngày 1 tháng 5, Tăng tác pháp hạ an cư, con Bí-sô _____ vào ngày 1 tháng 5 cũng tác pháp hạ an cư. Con Bí-sô ___________ở trong đại giới của trú xứ này tiền an cư ba tháng, nương theo thí chủ tên ____________, vị thọ sự tên ______________, vị khán bịnh tên _____________. Trong an cư nếu phòng xá có hư dột con sẽ tu sửa lại, con ở trong đây hạ an cư (ba lần).

Nếu là hậu an cư cũng theo như văn trên mà bạch, tiền an cư là từ ngày 1 tháng 5 đến ngày 15 tháng , hậu an cư từ ngày 1 tháng đến ngày 15 tháng . Nếu bốn trú xứ có giới tiếp cận nhau, một Bí-sô muốn tác pháp an cư cho cả bốn trú xứ này thì nên dùng giường hay phản đè trên mép của bốn giới rồi ngồi trên đó tác pháp, lợi dưỡng có được của bốn trú xứ nên chia đều. Trong hạ an cư, Bí-sô không nên ra ngoài giới nhưng nếu có những việc liên quan tới Ô-ba-sách-ca, Ô-ba-tư-ca, Bísô, Bí-sô ni, Thức xoa ma na, Cầu tịch nam, Cầu tịch nữ, hoặc thân tộc thỉnh hoặc vì trừ ác kiến cho ngoại đạo, hoặc đối với tam tạng có nghi cần thỉnh hỏi, hoặc trong sự tu điều chưa đắc cầu đắc, điều chưa chứng cầu chứng, điều chưa hiểu cầu hiểu… thì Phật khai cho thọ pháp bảy ngày xuất giới. Bí-sô thọ nhật xuất giới nên đối trước một Bí-sô chắp tay bạch rằng: “cụ thọ nhớ nghĩ, tôi Bí-sô __________ ở tại trú xứ này tiền (hậu) an cư ba tháng, tôi Bí-sô _____ nay vì việc Tăng xin thọ pháp bảy ngày xuất giới, nếu không có nạn duyên sẽ trở về lại trong trú xứ này an cư” (ba lần). Nếu có duyên sự phải đi trong sáu ngày cho đến một ngày đều dựa theo pháp thọ bảy ngày mà tác pháp thọ. Cầu tịch thọ nhật xuất giới nên đối trước Bí-sô xin; Chánh học nữ và Cầu tịch nữ thọ nhật xuất giới nên đối trước Bí-sô ni xin. Nếu bảy ngày thấy việc làm không xong thì xin tám ngày… như thế cho đến bốn mươi ngày. Muốn thọ pháp bốn mươi đếm xuất giới thì nên theo Tăng xin, nên đánh kiền chùy tập Tăng, một Bí-sô trong Tăng bạch nhị yết ma cho thọ nhật xuất giới như sau:

Đại đức Tăng lắng nghe, Bí-sô __________ ở trong giới của trú xứ này tiền (hậu) an cư ba tháng. Bí-sô ____________ nay vì việc Tăng xin thọ pháp bốn mươi đêm xuất giới, việc xong trở về đây an cư. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Tăng nay cho Bí-sô __________ thọ pháp bốn mươi đêm xuất giới, việc xong trở về đây an cư. Bạch như vậy.

Đại đức Tăng lắng nghe, Bí-sô _______________ ở trong giới của trú xứ này tiền (hậu) an cư ba tháng. Bí-sô ____________ nay vì việc Tăng xin thọ pháp bốn mươi đêm xuất giới, việc xong trở về đây an cư. Tăng nay cho Bí-sô ____________ thọ pháp bốn mươi đêm xuất giới, việc xong trở về đây an cư. Các Bí-sô chấp thuận cho Bí-sô _____ thọ pháp bốn mươi đêm xuất giới, việc xong trở về dây an cư thì im lặng, ai không chấp thuận thì nói.

Tăng đã chấp thuận cho Bí-sô _____ thọ pháp bốn mươi đêm xuất giới, việc xong trở về đây an cư xong rồi. Tăng chấp thuận vì im lặng, việc này xin nhớ giữ như vậy.

Nếu tác pháp cho hai hay ba người cũng theo như văn trên mà làm, thọ nhật xuất giới tối Đa-là bốn mươi đêm vì như Phật nói: “trong ba tháng an cư thời gian ở trong giới phải nhiều hơn thời gian ở ngoài giới”.

Nếu khi xuất giới gặp mạng nạn… không thể trở về lại bổn xứ an cư thì cũng không gọi là phá hạ. Nếu trong hạ an cư thấy các việc như khất thực, bịnh cần thuốc và người khán bịnh… thiếu thốn thì được tùy ý bỏ đi không phạm; hoặc trong hạ an cư có nam, nữ, huỳnh môn… đến hiện tướng phi pháp quấy nhiễu, cũng được tùy ý bỏ đi không phạm; hoặc có một trong tám nạn khởi lên như nạn vua, nạn giặc, nhân hay phi nhân khủng bố, nạn thú dữ, rồng độc, nạn nước, nạn lửa làm cho kinh sợ; cho đến chỗ an cư có phòng ốc hư sụp làm tổn não… cũng được bỏ đi không phạm. Nhưng nếu đang an cư trong bộ chúng như pháp mà bỏ sang ở với bộ chúng phi pháp cho đến sáng hôm sau, khi mặt trời mọc liền mất an cư. Nếu nghe có Bí-sô đồng ý muốn phá tăng thì nên thọ nhật bảy ngày đi đến chỗ Bí-sô đó để can ngăn, nếu hết hạn bảy ngày mà vẫn chưa về kịp cũng không phạm; nếu không đến đó can ngăn thì phạm tội Việt pháp.

Ở chỗ an cư, các Bí-sô nên thường rưới quét cho sạch sẽ, nếu không làm thế thì phạm tội Ác tác vì khiến cho phước của thí chủ không tăng trưởng. Trong hạ an cư có ba việc nên làm là tu sửa, chia y và thọ y Yết-sỉ-na; vị Thượng tòa thủ chúng nên biết khen ngợi khích lệ người trông coi việc tu sửa trong chùa.

Y tắm mưa tuy dùng để tắm mưa nhưng cũng được mặc tâm ở bên giếng hay nơi sông ao suối. Nên xin y này từ bà con, nếu người không phải bà con tự cho thì cũng được thọ hoặc dùng tiền của mình mua hay đổi được đều không phạm, nhưng nếu theo xin người không phải bà con thì phạm Xả đọa. Nếu chưa đến thời xin mà có người đem đến cúng trước, nên thọ rồi làm phân biệt để cất chứa, đợi đến ngày 1 tháng tác pháp thủ trì.

Đến ngày 15 tháng Tăng cùng tác pháp Tùy ý, trước ngày tác pháp Tùy ý khoảng bảy tám ngày, các Bí-sô cựu trụ đến các thôn xóm lân cận thông báo cho các Bí-sô già trẻ và những người chưa thọ cận viên biết để cùng góp phần vào việc cúng dường. Đến ngày 1 tháng , các Bí-sô nên sắp đặt việc cúng dường và trang hoàng nơi Phật điện, bên tháp treo cờ phướn, quét dọn sạch sẽ… Sáng ngày 15 đến giờ tác pháp Tùy ý, Tăng nên sai một vị có đủ năm đức làm người thọ Tùy ý cho Tăng, hoặc hai, ba hay nhiều người nhưng phải là người có đủ năm đức: không thương, không giận, không sợ, không si, khéo hay phân biệt các việc tùy ý. Nếu trái với năm đức trên thì không được sai, nếu trước đó chúng tăng chưa hòa hợp thì phải làm cho hòa hợp; nếu đã hòa hợp thì phải làm cho được an lạc trụ. Nên sai như sau: trải tòa, đánh kiền chùy tập Tăng, Tăng nhóm xong trước nên hỏi vị đủ năm đức: “thầy có thể làm người thọ tùy ý cho tăng già thỉnh nói ba việc thấy nghe nghi để tác pháp tùy ý không?”. Nếu đáp là có thể thì một Bí-sô trong Tăng tác bạch yết ma sai như sau:

Đại đức Tăng già lắng nghe, Bí-sô tên ________ nay làm người thọ Tùy ý cho tăng già hạ an cư. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Tăng nay sai Bí-sô tên _____________ làm người thọ Tùy ý cho tăng già hạ an cư. Bạch như thế.

Đại đức Tăng già lắng nghe, Bí-sô tên _____________ nay làm người thọ tùy ý cho Tăng già hạ an cư. Tăng nay sai Bí-sô tên _____ ________ làm người thọ tùy ý, Bí-sô này tên _____________ sẽ làm người thọ tùy ý cho Tăng già hạ an cư. Nếu các cụ thọ nào chấp thuận Bí-sô tên ____________ làm người thọ Tùy ý cho Tăng già hạ an cư thì im lặng, ai không chấp thuận thì nói. Tăng già đã chấp thuận Bí-sô tên _____________ làm người thọ Tùy ý cho tăng già hạ an cư xong rồi. Tăng chấp thuận vì im lặng, việc này xin nhớ giữ như vậy.

Hành pháp của Bí-sô thọ Tùy ý là Bí-sô thọ Tùy ý nên trao cỏ tranh cho các Bí-sô, nếu chỉ có một người thọ Tùy ý thì từ Thượng tọa cho đến hạ tòa đều phải làm Tùy ý; nếu là hai người thọ Tùy ý thì một người thọ Tùy ý từ Thượng tòa, một người thọ tùy tùy từ nửa số chúng còn lại cho đến người cuối cùng; nếu là ba người thọ tùy ý thì nên bố trí ba chỗ ngồi và chuẩn theo như trên mà làm Tùy ý. Thượng tòa lúc đó nên tác bạch:

Đại đức Tăng già lắng nghe, hôm nay ngày 15 Tăng già tác pháp Tùy ý. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Tăng nay tác pháp Tùy ý, bạch như vậy.

Lúc đó từ Thượng tòa cho đến hạ tòa đều đến trước Bí-sô thọ Tùy ý làm Tùy ý như sau:

Cụ thọ nhớ nghĩ, hôm nay ngày 15 Tăng già làm tùy ý, tôi Bí-sô tên _____ cũng làm Tùy ý. Tôi Bí-sô tên _________ ở trong Tăng đối trước Cụ thọ thỉnh nói ba việc thấy nghe nghi để làm tùy ý. Đại đức tăng già nên nhiếp thọ chỉ bảo cho tôi, xin thương xót làm lợi ích cho tôi, nếu tôi thấy biết có tội, tôi sẽ như luật sám hối. (3 lần).

Bí-sô thọ tùy ý nói: Áo tỉ ca (thiện).

Bí-sô làm tùy ý nói: sa độ (nhĩ).

Cứ như thế cho đến vị hạ tòa, Bí-sô thọ tùy ý nếu là hai, ba người thì nên đối nhau tác pháp, nếu là một người thì nên tâm niệm tác pháp. Bí-sô tác pháp xong, kế đến Bí-sô ni từng người đến tác pháp cũng giống như Bí-sô. Sau đó là Thức xoa ma na, Cầu tịch, Cầu tịch nữ cũng tác pháp giống như trên. Tác pháp xong, Bí-sô thọ Tùy ý đến trước vị Thượng tòa bạch: “hai bộ Tăng già đã làm tùy ý xong”. Lúc đó hai bộ tăng già cùng xướng: “Lành thay, đã tác pháp tùy ý xong”. Nếu cùng xướng lên như thế thì tốt, nếu không xướng thì phạm Ác tác.

Bí-sô thọ Tùy ý cầm dao nhỏ hoặc kim chỉ hoặc các tư cụ tạp vật của Sa môn ở trước Thượng tòa bạch: “Đại đức, các vật thí này có nên trao cho người đã an cư xong làm vật thí Tùy ý không? Nếu trú xứ này được các lợi vật khác, Tăng già nên hòa hợp chia hay không?”, đại chúng cùng đáp nên chia. Nếu làm khác thì Bí-sô thọ Tùy ý và đại chúng đều phạm tội Việt pháp.

Nếu trú xứ chỉ có một Bí-sô thì làm pháp tâm niệm tùy ý giống như tâm niệm trưởng tịnh; nếu có hai, ba người thì nên làm đối thú tùy ý; nếu có bốn người cũng nên làm đối thú tùy ý, không được sai người thọ Tùy ý; nếu đủ túc số năm người trở lên mới được làm Chúng pháp yết ma và không được thọ dục. Có bốn cách nói Tùy ý, đó là nói một lần, nói hai lần, nói ba lần cho đến chúng làm. Nói Tùy ý một lần là như bị bịnh trĩ không thể ngồi lâu hoặc phơi chăn mền mà thấy trời sắp mưa hoặc thí chủ đến cúng dường hoặc vì nghe pháp, hoặc vì dứt tránh hoặc phần đêm sắp qua hết, hoặc một trong tám nạn khởi lên; nếu nạn hãy còn xa thì nên nói Tùy ý hai lần, nếu không có việc gì thì nên nói Tùy ý ba lần. Nếu nạn khủng bố sắp đến phải nói Tùy ý một lần thì từng hai người làm đối thú Tùy ý rồi đi, nên nói như sau:

Cụ thọ nhớ nghĩ, hôm nay ngày 15, Tăng tác pháp Tùy ý nhưng nạn khủng bố sắp xảy đến, Tăng không kịp hòa hợp làm Tùy ý. Sau này nếu có chúng hòa hợp sẽ cùng chúng hòa hợp ấy làm Tùy ý.

Nếu trong Tăng có người phạm Ba la thị ca thì nên tẫn trước rồi mới làm Tùy ý; nếu phạm các tội khác nên đối trước người thanh tịnh đồng kiến, như pháp sám hối rồi mới làm Tùy ý. Thanh tịnh đồng kiến nghĩa là đối với những việc mà Phật đã chế hay khai, đều đồng kiến giải.

29. Hồi chuyển vật Tăng về cho mình:

Duyên xứ như trên, lúc đó có thí chủ đem tấm giạ quý đến cúng cho Tăng, Bí-sô Ô-ba-nan-đà hồi chuyển về cho mình…, Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô biết thí chủ đem lợi đến cúng cho Tăng mà tự hồi chuyển về cho mình thì phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề.

Nói biết là tự biết hay do người khác nói mà biết. Tăng có năm loại:

1. Vô sỉ tăng là chỉ cho người phá giới.

2. Á dương tăng là chỉ cho người không thông hiểu ba tạng.

3. Hòa hợp tăng là chỉ cho người tác pháp yết ma.

4. Thế tục tăng là chỉ cho hàng Dị sanh thuần thiện.

5. Thắng nghĩa tăng là chỉ cho bậc Hữu học và Vô học. Có hai loại lợi vật là y lợi và thực lợi, đều do thí chủ cúng mà có được.

Tướng phạm trong đây là nếu biết lợi vật đó thí cho Tăng, khi khởi phương tiền hồi chuyển về cho mình thì phạm tội Ác tác, khi được lợi vật, khởi tưởng thuộc của mình thì phạm Xả đọa. Nếu biết lợi vật đem đến thí cho một người mà hồi chuyển về cho mình thì phạm tội Ác tác; nếu hồi chuyển về cho một người khác hay hai ba người hay cho Tăng cũng phạm tội Ác tác. Nếu biết lợi vật đem đến thí cho hai người, nhiều người hay cho Tăng mà hồi chuyển cho người khác, cũng phạm tội Ác tác, vì không phải hồi chuyển về cho mình. Nếu biết lợi vật đem đến cúng cho Tăng trú xứ này mà hồi chuyển cho Tăng trú xứ khác, hoặc cúng cho Ni tăng trú xứ này mà hồi chuyển cho Ni tăng trú xứ khác, hoặc cúng cho hai chúng mà hồi chuyển cho một chúng hoặc ngược lại, hoặc Tăng bị phá, đem lợi vật cúng cho chúng như pháp hồi chuyển cho chúng phi pháp và ngược lại thì đều phạm tội Ác tác. Nếu lợi vật đem đến cúng cho làm phòng xá mà hồi chuyển dùng vào việc khác, làm trái bổn ý của thí chủ cũng phạm tội Ác tác. Nếu vật cúng làm tháp, thuộc về tháp mà đem dùng lẫn lộn cũng phạm tội Ác tác, nếu hỏi ý thí chủ mà thí chủ chấp thuận cho làm như thế thì không phạm. Nếu đem thức ăn định thí cho người nghèo khổ, đói rét hoặc cho bàng sanh này mà lại hồi chuyển cho người khác, bàng sanh khác; do trái bổn tâm nên phạm tội Ác tác.

Thật đã hồi chuyển, tưởng đã hồi chuyển và nghi thì phạm Xả đọa; không hồi chuyển mà tưởng là hồi chuyển và nghi thì phạm tội Ác tác; không hồi chuyển, tưởng không hồi chuyển thì không phạm. Nếu biết vật đem cúng cho Tăng mà hồi chuyển về cho mình, dưới cho đến chỉ là một miếng vải để vá y cũng phải xả; nếu là y vật của cha mẹ định cúng cho Tăng mà hồi chuyển về cho mình thì phạm tội Ác tác. Nếu thí chủ cúng y vật cho Hiện tiền tăng thì nên bạch trước rồi đánh kiền chùy nhóm Tăng, đếm số người mà chia đều. Nếu người an cư có duyên sư ra ngoài giới, khi đi có nhắn lấy giùm phần lợi vật thì nên lấy giùm, nếu không nhắn lấy giùm thì không được lấy; nếu người được nhắn gởi mà không lấy phần giùm thì phải lấy phần của mình đền trả lại.

Có tám loại lợi dưỡng:

1. Giới sở đắc lợi: ở trong một giới hoặc hai hay nhiều giới tùy được lợi dưỡng gì, các vị cựu trụ trong giới này được cùng chia.

2. Lập chế sở đắc lợi: các Bí-sô chia thành nhóm hay không chia thành nhóm cùng lập chế rằng: “chúng ta an cư trong tụ lạc này, lợi dưỡng từ các nhà thí chủ trên đường _____ thì thuộc về chúng tôi, lợi dưỡng từ các nhà thí chủ trên đường _____ thì thuộc về các vị”. Khi được lợi dưỡng liền theo như lập chế mà thọ rồi cùng chia.

3. Y chỉ sở đắc lợi: tùy nương ở đâu và nương vào ai để an cư mà được lợi dưỡng.

4. An cư sở đắc lợi: lợi dưỡng có được trong hạ an cư thì tùy thí chủ xử phân.

5. Tăng già sở đắc lợi: lợi vật đem đến cúng cho Tăng tuy đã quyết định nhưng không hạn cuộc là Tăng an cư hay Tăng hiện tiền thì nên hỏi lại thí chủ.

6. Bí-sô sở đắc lợi: lợi vật cúng cho Bí-sô được hạn cuộc là Bí-sô ở trong phòng viện này được thọ dụng.

7. Đối diện sở đắc lợi: lợi vật thọ trực tiếp từ thí chủ.

8. Định xứ sở đắc lợi: trong một đời hành hóa của Phật, tổng cộng có tám nơi được xây tháp:

1. Nơi Phật đản sanh tại vườn Lâm tỳ ni, thành Kiếp-tỷ-la.

2. Nơi Phật thành đạo tại tòa kim cang dưới cội Bồ đề, A-lan-nhã thuộc nước Ma-kiệt-đà.

3. Nơi Phật chuyển pháp luân tại vườn Thi lộc, chỗ Tiên nhơn đọa xứ thuộc thành Bà-la-nê-tư.

4. Nơi Phật nhập Niết-bàn tại Sa la song thọ, thành Câu-thi-na.

5. Tại Trúc lâm, đỉnh núi Thứu, thành Vương xá.

6. Trong giảng đường Cao các bên ờ hồ Di hầu, thành Quảng nghiêm.

7. Tại vườn Cấp-cô-độc, rừng Thệ đa, thành Thất-la-phiệt.

8. Tại tụ lạc Bình lâm, nơi Phật từ cõi trời trở xuống nhân gian.

Bốn nơi trên là định xứ, bốn nơi dưới là bất định xứ, nếu thí chủ muốn cúng dường nơi Phật đản sanh thì nên đem cúng cho chỗ ấy, không được chuyển đem cúng chỗ khác; nếu thí chủ muốn cúng cho bốn định xứ mà sức không thể mang đến cúng cho ba chỗ kia thì tùy cúng cho một chỗ.

Nếu trong hạ an cư Tăng bị phá thì nên chia lợi vật cho người như pháp, không nên chia cho người phi pháp. Nếu Bí-sô qua đời, thực lợi và y lợi của người chết, Tăng nên chia; nếu là y quý giá thì không nên cắt ra chia, nên bán lấy tiền rồi cùng chia. Nếu hai bộ Tăng ni cùng được lợi vật thì nên chia đều, nếu là y vật thì Cầu tịch và Cầu tịch nữ được một phần ba, Chánh học nữ và người sắp thọ Cận viên được một phần hai; nếu là thực lợi thì nên chia đều. Nếu chúng Bí-sô đông, chúng Bí-sô ni ít hơn thì nên đếm số người mà chia; nếu chúng Bí-sô ít hơn thì nên chia một nửa; nếu trong đại hội năm năm… được nhiều lợi vật thì năm chúng xuất gia nên cùng chia.

Phật tại vườn Cấp-cô-độc, thành Thất-la-phiệt, lúc đó Bí-sô Ôba-nan-đà qua đời, y vật và các tạp vật khác để lại trị giá đến ba ức kim tiền nên các Bí-sô từ sáu thành lớn đều tụ đến đòi chia phần, các Bí-sô cựu trú không biết làm sao, đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Bí-sô nào đến kip vào năm thời thì được chia phần: một là khi nghe đánh kiền chùy đến tập họp, hai là khi tụng kinh Tam khải đến, ba là khi lễ chế để đến, bốn là khi hành trù đến, năm là khi tác bạch đến. Tăng nên đơn bạch thủ trì tài vật của người chết, trước khi đơn bạch nên hỏi người khán bịnh và người cọng trụ là người chết có mắc nợ ai không và có ai mắc nợ người chết không. Đơn bạch như sau:

Đại đức tăng lắng nghe, Bí-sô Ô-ba-nan-đà qua đời tại đây, đã để lại nhiều tài vật hiện có và không hiện có cùng nhiều y tài và tạp vật khác, Tăng nay tạm thủ trì. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Tăng nay thủ trì những tài vật hiện có và không hiện có cùng những y tài và tạp vật khác của Bí-sô Ô-ba-nan-đà chết để lại. Bạch như vậy.

Sau khi tác bạch xong, các Bí-sô hiện tiền trong giới đều được chia phần, nếu không tác bạch thì tất cả chúng đệ tử Thanh văn của Phật trụ trong châu Thiệm bộ hoặc trú xứ đều được chia phần, đây là nghi thức chia tài vật của Bí-sô qua đời để lại. Nếu gặp tranh chấp, chúng tăng khó nhóm để tác bạch thì khai cho làm pháp đầu và cuối, tức là lấy tiền của người chết để lại chừng hai bối xỉ đưa cho vị Thượng tòa thủ chúng và vị nhỏ nhất trong chúng để làm định ký.

Nhiếp tụng:

Kiền chùy, tụng Tam khải,
Khi kính lễ tháp Phật,
Cho đến khi phát thẻ,
Hoặc khi chúng tác bạch.
Nếu đại chúng khó nhóm,
Nên làm pháp trước sau,
Lấy ít vật người chết,
Đưa cho người đầu, cuối.
 
Những vật nên chia, khinh trọng như thế nào thì như tụng nói:

Ruộng, nhà, quán, ngọa cụ,
Đồng, sắt, các loại da,
Dao cạo, bình, các y…
Can tre lớn, tạp vật,
Thức ăn uống và thuốc,
Giường tòa và khế ước.
Ba báu như vàng bạc,
Thành, chưa thành không đồng,
Đủ các thứ như thế,
Nên chia, không nên chia,
Tùy phân biệt nên biết,
Thế tôn dạy như thế.

Nếu là nhà cửa, ruộng vườn, quán xá, ngọa cụ, các loại da và các vật dụng bằng đồng sắt, đều không nên chia. Nếu là các vật cần dùng của Bí-sô như bát sắt, bát nhỏ, chén đồng, ống khóa, dùi, kim, thìa sắt hoặc bát gốm sứ, bát nhỏ…, đều nên chia, các thứ khác thì không nên chia. Những vật dụng bằng tre cây, ngọa cụ bằng da, đồ cạo râu tóc cho đến các loại vật thực như lúa gạo… nên sung vào trong vật của Tứ phương tăng, cất vào trong tịnh khố để cho Tăng tứ phương thọ dụng. Nếu là nhà cửa, ruộng vườn… thuộc bất động sản cũng sung vào trong vật của Tứ phương tăng, không nên chia; nếu là y vật nhuộm hay chưa nhuộm, giày dép thì Hiện tiền tăng nên chia; nếu là can tre lớn thì dùng để treo phan lọng ở chỗ thờ tượng Bồ-tát, can tre nhỏ thì cho Bí-sô làm tích trượng. Những loài vật đã có như voi ngựa, xe thì đem cho Vương gia; bò dê thì sung vào trong vật của Tứ phương tăng, không nên chia. Lưới dùng làm cửa sổ lưới, những vật có màu thượng sắc thì cho vào trong Phật đường dùng để vẽ tượng; những vật có màu xanh nhạt và đất trắng, đất đỏ thì chia cho Hiền tiền tăng. Nếu rượu chư biến đổi thì đem chôn dưới đất, đợi đến khi thành giấm để cho Tăng thọ dụng; nếu rượu chưa hoại nên đổ bỏ phần cỏ thuốc xen tạp rồi cất vào trong tịnh khố để cho người bịnh dùng. Trân bảo, vàng bạc… đã thành hay chưa thành nên chia làm ba phần: phần của Phật dùng để tu sửa Phật đường và tháp Phật, phần cho Pháp dùng để chép kinh và sửa sang tòa sư tử, phần cho Tăng nên chia cho Hiện tiền tăng. Nếu là vật làm bằng báu như giường chõng… nên bán lấy tiền chia cho Tăng, vật làm bằng gỗ nên sung vào vật của Tứ phương tăng; kinh luật luận đã có nên cất vào Tàng kinh các cho Tứ phương tăng đọc, không được chia; nếu là ngoại điển nên đem bán lấy tiền chia cho Tăng; nếu là khế ước có thể đòi được thì Tăng nên chia, nếu chưa thể đòi được thì cất vào tịnh khố, đợi khi đòi được thì sung vào vật của Tứ phương tăng. Nếu Bí-sô qua đời ở nhà thế tục thì các y vật để lại nên chia cho người đến trước, nếu đến cùng một lượt thì nên cho người nào xin trước, nếu xin cùng một lượt thì tùy người thế tục muốn cho ai thì người đó được lấy. Nếu chỗ Bí-sô qua đời có Bísô ni thì không nên chia, ngược lại chỗ Bí-sô ni qua đời có Bí-sô cũng không nên chia; nếu đều không có ai thì thu cất. Nếu người chết ở giữa hai giới thì đầu day về hướng nào thì trú xứ ở hướng đó được phần; nếu người chết nằm trên hai giới thì hai trú xứ cùng chia. Nếu trú xứ quá đông thì khi chia nên chia cho từng nhóm mười người, trong nhóm sẽ tự chia; nếu trong nhóm chưa kịp chia mà có người chết thì phần của người chết này trong nhóm nên chia; nếu trong nhóm đã chia phần rồi thì phần của người chết này, đại chúng nên chia. Nếu người bị xả trí ở chung với người thanh tịnh mà chết thì người thanh tịnh nên chia, nếu không có ở chung với người thanh tịnh thì người đồng bị trị phạt cùng chia. Nếu Bí-sô và Cầu tịch không theo phe nhóm ở trong trú xứ theo phe nhóm mà chết thì y vật để lại nên chia cho người theo phe nhóm, nếu người theo phe nhóm không lấy thì nên xả cho Tăng, đây gọi là thiện xả, Tăng nên chia. Nói theo phe nhóm hay không theo phe nhóm là Đề-bà-đạtda xướng năm tà pháp, những người tùy thuận theo thì gọi là theo phe nhóm; những người thuận theo Thế tôn gọi là không theo phe nhóm.

Bí-sô bịnh chết, nếu người khán bịnh là năm chúng xuất gia hay là người thế tục thì trong số y vật của người chết nên lấy sáu vật thưởng cho người khán bịnh để báo ân. Sáu vật gồm có ba y, bát, tọa cụ và đãy lượt nước; nếu Bí-sô bịnh khi sắp chết di chúc rằng: “sau khi tôi chết nên đem y vật này cho người kia”, đây là pháp của người thế tục, không phải là pháp của người xuất gia nên không thành di chúc, y vật của người chết Tăng nên chia; nhưng nếu người bịnh đối diện dưa cho thì thành cho. Nếu chia y vật của người chết thì phải đợi sau khi làm lễ tang cho người chết xong mới được chia, nếu làm trái thì phạm tội Ác tác; nếu người chết gởi y vật ở trú xứ Tăng nào thì trú xứ Tăng đó được cùng chia. Nếu Bí-sô thọ sự chết, y vật để lại xen lẫn với vật của Tam bảo, không thể biện biệt được thì những y vật đó Tăng được cùng chia.

Nếu người ở trong giới, tưởng là ở ngoài giới và nghi mà cùng chia y vật thì phạm tội Việt pháp. Nếu trú xứ chỉ có một Bí-sô được lợi vật an cư nên thọ, thọ rồi nên tâm niệm thủ trì như sau: “y vật an cư này, Hiện tiền tăng nên chia, nhưng trong đây không có Tăng, y vật này tôi nay xin thủ trì”; nếu không làm pháp thủ trì này thì khi có Bí-sô đến nên cùng chia, nếu không chia thì phạm tội Ác tác. Nếu trong hạ an cư được lợi vật thì không nên chia cho người phá hạ; nếu là Thời y hoặc đối diện cúng tì người chưa có tuổi hạ cũng được phần. Nếu hai bộ tăng cũng thọ thực xong, có thí chủ đem y vật tới cúng, nếu không để trước chỗ Thượng tòa thì nên hỏi ý thí chủ rồi mới chia; nếu để trước chỗ Thượng tòa thì y vật đó nên chia làm hai phần cho hai bộ Tăng. Nếu Bí-sô trong hạ an cư vì việc Tăng mà xuất giới chưa về kịp thì khi chia lợi vật an cư nên để dành phần cho vị ấy. Dù là tiền an cư hay hậu an cư, nếu tọa hạ hơn nửa hạ (số ngày ở trong hạ nhiều hơn số ngày xuất giới) thì lợi vật an cư đều nên chia cho.

Thượng tòa thủ chúng có hành pháp là khi thấy người dọn đưa thức ăn cúng cho Tăng, nên bảo người ấy quỳ gối chắp tay bạch Tăng: “bình đẳng cúng, đã đến giờ”, Thượng tòa cũng nên nói: “nên cúng bình đẳng”. Nếu Thượng tòa thứ nhất không nói thì vị thứ hai nên nói, nếu không có ai nói thì các Thượng tòa đều phạm tội Việt pháp.

Nếu thí chủ mở hội cúng dường Tăng, dùng lụa nhiều màu treo trên cây để trang trí, sau khi hội tan, Tăng nên thu cất đợi đến tiết hội sau đem ra treo lên chỗ ấy để trang trí lại, hoặc treo ở chỗ khác. Nếu thí chủ treo ở trên tường thì vật cúng đó dùng để vẽ tường; nếu để trong nhà ấm thì vật cúng đó dùng để cung cấp vật cần dùng cho nhà ấm; nếu để bên giếng hay ao thì vật cúng dùng để cung cấp nước uống cho Thời và phi thời; nếu để trong nhà nuôi bịnh thì vật cúng đó dùng để cung cấp thức ăn ngon cho người bịnh; nếu để nơi phòng Tăng ở trước cửa hay nơi hành lang thì vật cùng đó nên chia cho Hiện tiền Tăng; nếu để ở ngoài sân thì vật cúng đó thuộc về tứ phương tăng thọ dụng, không được chia. Có năm loại vật, thể của vật không nên chia: một là vật của Tứ phương tăng, hai là vật của tháp, ba là vật trong nhà nuôi bịnh, bốn là

Nếu trong vườn cây Am-một-la có nhiều trái nên chia đều cho Tăng để tự thọ dụng, khi hái trái nên giữ im lặng không nên làm ồn náo, ai làm trái thì phạm tội Việt pháp; khi sắp chia nên xem kỹ trái nào có sâu, gom những trái không có sâu lại làm hỏ tịnh rồi mới chia; nếu lúc đó không có tịnh nhân trao thì Bí-sô tự thọ rồi đem đi chia, không phạm. Nếu ở nơi tháp của đệ tử Thanh văn được cúng nhiều lợi vật thì nên dùng để tu bổ lại tháp, nếu có dư thì Hiện tiền tăng nên chia.

Nếu làm tháp thờ xá lợi Phật thì nên xây viên mãn; nếu làm tháp thờ Duyên giác, Độc giác thì trên đỉnh tháp không có bình báu; nếu làm tháp thờ A-la-hán thì trên tháp có bốn luân tướng; nếu làm tháp thờ ba quả vị dưới thì theo thứ lớp giảm bớt 1 luân tướng; nếu làm tháp thờ hàng Dị sanh thuần thiện thì không có luân tướng, gọi là tháp bằng đầu.

Nếu thí chủ cúng tiền xây chùa cho Tăng, tùy tâm thí chủ có thể trích dùng tiền ấy cho việc mua sắm dụng cụ xây dựng và thức ăn uống cho người trông coi việc xây cất, cho đến mua sắm các tạp vật cần dùng khác như dầu đèn…

Nếu có thí chủ xây cất trú xứ, trước đã dâng cúng cho một người, sau đó lại hồi chuyển cúng cho một người khác hoặc cúng cho hai người, ba người hoặc Tăng thì gọi là phi pháp thì và người thọ dụng là bất tịnh. Như thế cho đến đã cúng cho Tăng trú xứ này, hoặc cho Ni tăng trú xứ này, sau đó lại hồi chuyển cúng cho Tăng hay Ni tăng trú xứ khác… thì thí trước là như pháp thí, thí sau là phi pháp thí, người thí và người thọ đều thành phi pháp.

Nếu có thí chủ ngay nơi trú xứ mà mình xây cất cúng dường đầy đủ nhưng vật cần dùng như ngọa cụ… thì Tăng trong trú xứ này được thọ dụng, không được chuyển đem cho trú xứ khác.

Có năm loại thọ dụng, đó là:

1. Chủ thọ dụng: chỉ cho bậc A-la-hán đã vĩnh viễn trừ hết ba độc.

2. Cha mẹ thọ dụng: chỉ cho bậc Học nhân còn có dư hoặc.

3. Khai cho thọ dụng: chỉ cho bậc dị sanh thuần thiện, giới thanh tịnh, siêng tu thiền tụng, không có tâm giãi đãi.

4. Mắc nợ thọ dụng: chỉ cho người tuy có trì giới nhưng không siêng tu giác phẩm thiện pháp.

5. Trộm cắp thọ dụng: chỉ cho người phạm một trong bốn trọng. Đối với loại loại Bí-sô phá giới này thì ta không cho thọ dụng một hạt cơm và cũng không cho bước chân vào chùa. Nếu làm trái thì phạm tội Việt pháp.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14