CĂN BẢN TÁT BÀ ĐA BỘ LUẬT NHIẾP

Nguyên tác: Tôn giả Thắng Hữu – Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường. TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh. Năm 2010.

QUYỂN 4

7. Xây cất chùa lớn:

Phật tại nước Kiều-thiểm-tỳ, lúc đó Lục chúng Bí-sô chặt cây đại thọ để xây cất chùa lớn, tuy làm cho Tăng nhưng vì ngăn ngừa lỗi bị cơ hiềm nên Phật chế học xứ:

Nếu Bí-sô có thí chủ, muốn làm chùa lớn, Bí-sô này nên yêu cầu các Bí-sô chỉ chỗ làm chùa không có nạn và không tranh chấp và dễ tiến tu, các Bí-sô nên chỉ chỗ làm chùa không có nạn và không có tranh chấp và dễ tiến tu. Nếu Bí-sô có thí chủ, vì mình nên làm chùa lớn mà làm ở chỗ có nạn và có tranh chấp và khó tiến tu, cũng không yêu cầu các Bí-sô chỉ chỗ để làm thì Bí-sô này phạm Tăng già bà thi sa.

Nói lớn là vật thí lớn và hình lượng lớn, nói chùa lớn là nơi mà chư Phật và chúng Thanh văn quá khứ đều thọ dụng, Phật cũng cho người có tâm tín kính xây cất trú xứ lớn phụng cúng cho Tăng. Nếu Bí-sô làm chùa lớn, tối Đa-là ba tầng, Phật điện năm tầng, Phật đã chỉ cho trưởng giả Cấp-cô-độc cách thức xây chùa, trưởng giả đã mua khu vườn của Thái tử Kỳ đà bằng cách lót vàng khắp hết đất trong vườn để xây cất tịnh xá, xây xong dâng cúng Phật và Tăng. Nếu có thí chủ xây chùa cúng cho Tăng, sau đó lại có thí chủ muốn xây phòng đặc biệt cúng riêng cho người nào đó thì phải hỏi thí chủ xây chùa rồi mới được làm.

Trước khi an cư hay vào ngày an cư, Bí-sô thọ sự nên chia phòng xá ngọa cụ cho Tăng, nên thông báo trước cho đại chúng biết: “trong các phòng đã có lợi vật, đại chúng nên theo thứ bậc đến nhận phòng”. Nếu lúc đó không đến nhận phòng thứ nhất, khi chia đến phòng thứ ba mới phương tiện theo đòi, đòi lần thứ nhất và thứ hai thì không nên cho, đến lần thứ ba mới cho nhưng người đòi phải sám tội Ác tác. Nếu phòng ít thì nên đếm số người trước rồi mới chia, nên chừa lại một phòng để dành cho khách Bí-sô đến; nếu có Bí-sô từ trú xứ khác đến và người hậu an cư cũng nên theo thứ bậc chia cho phòng, nhưng không nên chia cho người không kịp hậu an cư, người này nên đến chỗ người thân quen ở nhờ. Y thực lợi nên chia đều, có năm hạng người không nên sai làm người chia y vật, đó là người thông hiểu Tu Đa-la, Tỳ-nại-da, Ma trất lý ca, Thượng tòa trong Tăng và người đọc tụng cho chúng. Nếu trú xứ có nhiều phòng nên tùy số người lúc đó nhiều hay ít mà chia, hoặc chia cho một người hoặc hai người hoặc ba người, ở trong phòng nào thì được tùy ý thọ dụng lợi vật ở trong phòng đó. Nếu vật dụng của Tăng có hư hoại nên khuyến hóa bạch y tu bổ, không nên bỏ mặc khiến cho tổn hoại. Nếu trú xứ chật hẹp phải ở chung thì nên chia đều ngọa cụ cho đủ chớ để thiếu thốn, những chỗ như chỗ để bình nước, bình thuốc…, chỗ mọi người qua lại, trước hiên, hành lang, thềm thang lên xuống lầu gác và kho lẫm đều không nên chia.

Nếu thí chủ xây phòng đặc biệt cúng riêng cho người nào thì người ở trong phòng ấy được thọ dụng mọi lợi vật đã có trong đó; tuy được lợi riêng nhưng khi đại chúng chia lợi vật cũng phải chia đều. Nếu vị thọ sự vì việc của chúng mà phải ra ngoài giới thì khi chia phòng xá và lợi vật, nên dành phần cho vị ấy. Nếu ở A-lan-nhã, tất cả đều đi khất thực thì nên cử một hay hai người ở lại coi giữ, khi khất thực trở về nên chia phần cho họ cùng ăn. Nếu vì phòng hộ chùa cũng được nuôi chó, những chỗ như bên tháp hay trong phòng viện nếu bị chó cào xới hay phóng uế bừa bãi thì người nuôi chó nên sửa sang lại và thu dọn sạch sẽ, nếu không làm thế thì phạm tội Ác tác.

Bí-sô không được an cư hai nơi, nếu ở hai nơi an cư thì cũng chỉ được lấy một phần y vật vì người xuất gia đối với lợi dượng không nên tham cầu mà lấy quá phần. Nếu nghe có người đấu tranh sắp đến thì nên chia phòng xá trước, khi họ đến đòi chia phòng thì vị thọ sự nên nói là đã chia hết rồi, đợi khi họ bỏ đi, vị thọ sự nên theo pháp chia phòng lại.

Nếu Bí-sô làm hạn cuộc chia như nhật phân, tức là nói hôm nay ở phòng này, mai ở phòng kia; hoặc thời phân, tức là nói tiểu thực ở chỗ này, đại thực ở chỗ kia; hoặc tôn phân, tức là nói phòng này của A-giá-lợi-da, phòng kia của Ô-ba-đà-da, thì phạm tội Ác tác. Nếu Bí-sô có bịnh thích ở phòng cũ thì không cần theo thứ bậc chia phòng, nhưng Bí-sô không nên không có bịnh mà dối nói là có bịnh.

Nếu sau khi chia phòng xong, người đến sau không được ỷ tuổi hạ cao mà đoạt phòng của người khác; nếu đến vào ban đêm hoặc chỉ nghỉ tạm một đêm thì không nên đòi chia phòng và ngọa cụ mà xúc não người khác, nên đến chỗ người thân quen ở nhờ. Lúc đó trưởng giả Cấpcô-độc xây nhà nghỉ cho các Bí-sô khất thực, Lục chúng Bí-sô tụ đến đó 722 cùng chia phòng, làm thế thì phạm tội Ác tác.

Nếu có nhân duyên đến chùa khác vào đúng giờ thọ thực thì không cần tính theo thứ bậc mà giành chỗ ngồi, nên tùy nghi mà ngồi thọ thực. Nếu có người bên ngoài mang thức ăn đến cúng dường cho người ở trú xứ này, nếu người và thức ăn không có hạn cuộc thì khách được tùy ý ăn; nếu người và thức ăn có hạn cuộc thì khách không được ăn.

Sai phân chia y vật có mười hai hạng người: một là người chia cơm, hai là người chia cháo, ba là người chia bánh trái, bốn là người chia ngọa cụ, năm là người chia các tạp vật, sáu là người cất giữ khí vật, bảy là người cất giữ y, tám là người chia y, chín là người cất giữ y tắm mưa, mười là người chia y tắm mưa, mười một là người cắt sai làm việc lặt vặt, mười hai là người xem xét phòng xá. Cũng như chia phòng xá, ngọa cụ của tăng nên gom lại một chỗ để phân chia theo thứ bậc từ Thượng tòa, nếu còn dư nên chia cho Bí-sô hay Bí-sô ni khách đến. Nếu là ngọa cụ của Tăng thì khi thọ dụng, Bí-sô không được đem ngọa cụ nhỏ, mỏng, dơ xấu thay thế; nếu làm thế thì phạm tội Ác tác và chiêu quả báo lưng đen sạm.

Bí-sô thọ sự nên mỗi nửa tháng đi xem xét phòng xá ngọa cụ, nếu thấy có Bí-sô nào đem ngọa cụ mỏng, hư rách để đổi ngọa cụ của Tăng, nếu Bí-sô này là người lớn thì nên bạch cho Tăng biết rồi thu lại ngọa cụ của Tăng; nếu là người nhỏ thì nên nói cho hai thầy biết rồi thu lại ngọa cụ của Tăng. Nếu thấy dưới mái hiên có tổ chim làm ồn náo thì nên xem xét, tổ chim nào không có trứng hay chim non thì nên phá bỏ, nếu thấy có trứng hay chim non thì chờ đến khi chúng bỏ đi mới được phá tổ. Nếu thấy có tổ ong nên xem xét tổ nào không có trứng và ong con thì khua đọng cho bầy ong bỏ tổ bay đi, nếu có trứng và ong con thì dùng dây tơ cột tổ lại cho chúng không phát triển.

Nếu thí chủ xây chùa cúng cho Tăng rồi, sau đó có việc đi đến nơi khác, thời gian lâu không trở về thì Bí-sô ở chùa đó không nên vì thiếu vật thực mà bỏ đi hết, nên tự khất thực để nuôi sống. Đợi đến năm năm mà thí chủ vẫn chưa trở về thì Bí-sô ở trú xứ này nên cùng Bí-sô ở trú xứ gần bên kết giới đồng lợi dưỡng nhưng Thuyết giới bố tát riêng.

Nếu chùa hư hoại cần tu sửa thì nên làm bằng hoặc lớn hơn không nên làm nhỏ hơn, nếu sức thí chủ không thể thì được làm tùy nghi nhưng tháp thì nên làm lớn hơn, không nên làm nhỏ hơn. Nếu tôn dung, tranh vẽ hay phù điêu hư hoại nên cạo bỏ rồi cho tô vẽ mới lại giống như trước; kinh Phật hư rách hoặc mờ mất chữ cũng nên tu sửa hoặc cạo bỏ lớp mực cũ để viết lại mới.

Trong chùa nên làm tịnh trù, có năm loại tịnh trù:

1. Sanh tâm tác: Bí-sô trông coi việc xây cất hoặc người thế tục ban đầu tạo phòng, khi xây nền móng liền nghĩ rằng: “tại chỗ này sẽ làm tịnh trù cho Tăng”.

2. Cọng ấn trì: Bí-sô trông coi việc xây cất, khi hưng công làm nền móng liền nói với các Bí-sô ở chung rằng: “các thầy nên biết, tại chỗ này sẽ làm tịnh trù cho Tăng”.

3. Như ngưu ngọa: phòng không có định chuẩn.

4. Cố phế xứ (chỗ bỏ phế, hư cũ)

5. Bỉnh pháp tác: chỗ do Tăng bạch nhị yết ma kết làm tịnh trù, là chỗ không có chướng ngại ở tận cùng trong giới và thế phần bên ngoài chừng một tầm.

Khi Tăng đã chấp thuận chọn chỗ này làm tịnh trù thì ở tại chỗ này trải tòa, đánh kiền chùy… sai một Bí-sô tác pháp yết ma kết làm tịnh trù, đây là căn cứ theo chùa lớn, nếu là chùa nhỏ thì có thể làm tịnh trù trong chùa như chọn lấy 1 phòng nhỏ hay nhà nhỏ nào đó kết làm tịnh trù. Khi Tăng kết tịnh trù xong thì ngay tại chỗ này được hai lợi lạc: một là ngoài giới được chứa, trong giới được nấu; hai là trong giới được chứa, ngoài giới được nấu đều không lỗi. Lại có mười nơi không được nấu thức ăn, nếu nấu thì phạm tội Ác tác: một là nơi đất trống, hai là nơi cửa phòng, ba là trước hiên, bốn là trong nhà ấm, năm là trong nhà tắm, sáu là nhà quan, bảy là bên tháp, tám là nhà ngoại đạo, chín là nhà thế tục và mười là trong chùa ni.

Trong học xứ này nói nên đưa các Bí-sô đến xem chỗ xây cất là chỉ cho chúng tăng, ít nhất là bốn người, tướng phạm trong đây chỉ trừ quá lượng ra, những duyên trở ngại khác đều giống như học xứ trên.

8. Không căn cứ vu báng:

Phật tại thành Vương xá, lúc đó hai Bí-sô Mật-đát-la và Bộ nhị ca do đời trước có oán thù với Bí-sô Thật-lực-tử nên bảo em gái là Bí-sô ni Mật-đát-la vu báng Bí-sô Thật-lực-tử phạm Ba la thị ca, hai người sẽ đứng ra làm chứng, Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô vì sân giận không vui đem tội Ba la thị ca không căn cứ vu báng Bí-sô thanh tịnh không phạm tội, muốn phá hạnh thanh tịnh của Bí-sô kia. Thời gian sau, có người hỏi hay không có người hỏi, Bí-sô này biết là việc không căn cứ, chỉ do sân giận mà vu báng, nên nói với các Bí-sô rằng: “tôi vì sân giận nên nói như thế”, thì Bí-sô này phạm Tăng già bà thi sa

Nói Bí-sô sân giận không vui là lòng sân chưa dứt, nói đem tội Ba la thị ca không căn cứ là muốn gây bất lợi cho người nên đem tội trong không có căn cứ thấy nghe nghi để vu báng. Nói tôi vì sân giận nên nói như thế là biết việc đó không thật, vì sân hận nên ác báng.

Cảnh vu báng có bốn: một là người thanh tịnh, hai là người tuy thanh tịnh nhưng tợ không thanh tịnh, ba là người không thanh tịnh, bốn là người không thanh tịnh nhưng tợ thanh tịnh. Nếu vu báng hai hạng người trên thì có mười việc thành phạm, năm việc không thành phạm:

Mười việc thành phạm có bốn trường hợp: trường hợp một có ba việc là không thấy, không nghe, không nghi mà dối nói là có thấy, nghe, nghi; trường hợp hai có hai việc là nghe nhưng quên và nghi nhưng quên mà nói là tôi nghe và nghi như thế; trường hợp ba có hai việc là nghe rồi tin và nghe nhưng không tin mà nói là tôi thấy; trường hợp bốn có ba việc là nghe rồi nghi và nghe nhưng không nghi hoặc tự nghi mà nói là tôi thấy. Khi nói không thật như vậy thì phạm bổn tội.

Năm việc không phạm có hai trường hợp: trường hợp một có ba việc là không thấy, không nghe, không nghi nhưng tưởng có thấy, nghe nghi nên nói là tôi thấy, nghe, nghi ; trường hợp hai có hai việc là nghe nhưng quên và nghi nhưng quên lại tưởng là có nghe và nghi nên nói là tôi nghe, nghi thì đều không phạm.

Vu báng hai hạng người dưới có mười một việc thành phạm và sáu việc không phạm; mười việc thành phạm ở trường hợp trên thêm một việc thấy nhưng quên là mười một việc; năm việc không phạm ở trường hợp trên thêm một việc thấy nhưng quên là sáu việc. Hai hạng người trên vốn là người thanh tịnh nên không có việc thấy nhưng quên.

Nếu Bí-sô đưa thư hoặc sai sứ hoặc in dấu tay để vu báng, hoặc đối trước người cuồng si, người ngủ, người nhập định; hoặc người trước đã phạm, người thọ học để vu bàng người khác nhưng không nói tên thì phạm Tốt-thổ-la để; vu báng Bí-sô ni cũng phạm bổn tội, vu báng Thức xoa ma na phạm Thô tội; nếu đem năm tội nghịch vu báng thì phạm bổn tội. Nếu Ô-ba-sách-ca vu báng Bí-sô thì Tăng nên cho yết ma phú bát, các Bí-sô không nên đến nhà họ thọ cúng dường và cũng không nói pháp cho họ; nếu người kia biết lỗi theo Tăng xin giải yết ma thì Tăng nên cho yết ma ngưỡng bát. Nếu người của tà bộ vào trong bộ chánh để làm yết ma phú bát thì không thành tác pháp; nếu đối người có thiện tâm mà cho yết ma phú bát cũng không thành tác pháp.

9. Lấy phần việc khác vu báng:

Duyên xứ giống như học xứ trên, chỉ khác là hai Bí-sô kia củng thấy hai con nai rừng giao phối, liền lấy việc tương tự này để vu báng Bí-sô Thật-lực-tử, Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô vì sân giận không vui, trong phần việc khác lấy một chút tội hay tội tương tợ Ba la thị ca, để vu báng Bí-sô thanh tịnh không phạm tội, muốn phá hạnh thanh tịnh của Bí-sô kia. Thời gian sau, có người hỏi hay không có người hỏi, Bí-sô này biết là trong phần việc khác lấy chút tội hay tội tương tợ Ba la thị ca, chỉ do sân giận mà vu báng, nên nói với các Bí-sô rằng: “tôi vì sân giận nên nói như thế”, thì Bí-sô này phạm Tăng già bà thi sa.

Nếu Bí-sô khi thấy Bí-sô khác phạm Ba la thị ca mà tưởng là không phạm hoặc tưởng phạm tội khác rồi vu báng nói là phạm tội Ba la thị ca thì phạm bổn tội. Nếu đối với tội Chúng giáo tưởng là không phạm hoặc tưởng phạm tội khác, cho đến tội Đột sắc ngật lý ca cũng vậy, tùy việc vu báng mà kết phạm, khi vu báng, người nghe hiểu được liền phạm bổn tội. Không phạm là thật thấy người kia phạm tội Tha thắng.

10. Phá hòa hợp Tăng trái can:

Phật tại thành Vương xá, lúc đó Đề-bà-đạt-da vì tham lợi dưỡng nên sau khi chứng được thần thông liền giáo hóa vua A xà thế tin theo mình. Sau đó đến chỗ Phật xin cho lãnh đạo đồ chúng, Phật không chấp thuận liền ôm lòng oán giận cùng bốn bạn đảng phá hòa hợp tăng, khi Tăng can ngăn không chịu xả bỏ, Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô muốn phá hòa hợp Tăng, tìm cầu phương tiện thọ trì việc phá Tăng thì các Bí-sô nên can ngăn Bí-sô này rằng: “thầy chớ phá hòa hợp Tăng, chớ tìm cầu phương tiện thọ trì việc phá Tăng, phải cùng Tăng hòa hợp, hòa hợp thì an lạc không tranh, nhất tâm cùng học như nước hòa với sữa, được an lạc trụ. Thầy nên bỏ việc phá Tăng này”. Khi các Bí-sô can ngăn như thế mà không chịu bỏ việc này thì nên can ngăn hai, ba lần cho bỏ việc này, chịu bỏ thì tốt, nếu không chịu bỏ thì Bí-sô này phạm Tăng già bà thi sa.

Nói hòa hợp là đồng một vị, có sáu loại hòa hợp là hình tướng, tác nghiệp, giới, kiến, oai nghi và sinh sống.

Nói Tăng già là chỉ cho chín loại Tăng: Tăng vô sỉ (không có hổ thẹn), Tăng hữu sỉ (có hổ thẹn), Tăng sỉ vô sỉ (có và không có hổ thẹn), Tăng thuận lý, Tăng phi lý, Tăng lý phi lý, Tăng vị thoát (chưa giải thoát), Tăng dĩ thoát (đã giải thoát), Tăng thoát vị thoát (giải thoát và chưa giải thoát). Trừ loại Tăng đầu và hai loại tăng cuối, các loại Tăng khác đều có thể phá được, vì sao, vì loại Tăng không có hổ thẹn thì khi phạm bốn trọng thì việc phá đã thành, không cần phá nữa; hai loại Tăng cuối là Thánh chúng thì không thể phá được. Nói muốn phá là chỉ cho Đề-bà-đạt-da do ngu si sanh tâm dị kiến muốn phá Tăng, tự đặt ra năm pháp khuyên những người trẻ, ngu muội tập hành theo năm pháp tà này, đó là: trọn đời thọ mặc nạp y, trọn đời thọ pháp khất thực, trọn đời thọ pháp ăn một bữa, trọn đời thọ pháp ngồi nơi đất trống, trọn đời thọ pháp đoạn nhục. Tỳ kheo nào thọ trì năm pháp này sẽ mau được Niết-bàn.

Nói đối với việc phá Tăng chấp chặt không bỏ là muốn phá Tăng nên dẫn dắt môn đồ, tự chấp thủ tà tông, kết nhiều ác đảng. Nói chớ có phá hòa hợp Tăng là ý nói nếu phá thiện chúng thì sẽ chiêu nghiệp Vô gián. Nói thầy nên cùng Tăng hòa hợp là lời của nhiều người can riêng hoặc người được tăng sai đến can bỏ ác kiến. Nói ở chung là đồng thọ dụng y thực và lợi dưỡng. Nói hoan hỉ là pháp lành thêm lớn thì mọi người đều vui, nói không tranh là đồng kiến nên không có tranh tụng. Nói nhất tâm là ý nói nếu tâm tán loạn thì nên định tĩnh lại, nếu được định tĩnh rồi thì nên siêng cầu giải thoát. Nói một lời là ý nói thể của mười hai phần giáo không có sai khác, cũng la nghĩa nên dạy bảo lẫn nhau. Nói như nước hòa với sữa là hành và lý thuận một tướng không sai khác. Nói an lạc trụ là nương nơi bốn Thánh chủng được hiện pháp lạc trụ và chứng được thắng quả.

11. Trợ giúp phá Tăng trái can:

Do các bạn đảng trợ giúp Đề-bà-đạt-da phá Tăng nên Phật chế học xứ:

Nếu có Bí-sô muốn phá hòa hợp Tăng, có Bí-sô khác đồng ý trợ giúp, một hay nhiều người nói với các Bí-sô rằng: “các thầy chớ can ngăn Bí-sô này trong việc này, vì sao, vì Bí-sô này nói đúng pháp, đúng luật không phải là nói phi pháp phi luật, Bí-sô này nói điều gì chúng tôi đều vui thích. Đó là biết mới nói không phải không biết mà nói, Bí-sô này nói điều gì chúng tôi đều chấp nhận”. Lúc đó các Bí-sô nên can ngăn các Bí-sô trợ giúp việc phá tăng rằng: “thầy chớ nói rằng Bí-sô này nói đúng pháp đúng luật, Bí-sô này nói điều gì chúng tôi đều vui thích. Đó là biết mới nói không phải không biết mà nói, Bí-sô này nói điều gì chúng tôi đều chấp nhận. Các thầy chớ trợ giúp việc phá Tăng, phải vui giúp Tăng hòa hợp; Tăng hòa hợp thì hoan hỉ không tranh, nhất tâm cùng học như nước hòa với sữa, được an lạc trụ”. Khi các Bí-sô can ngăn như thế mà vẫn chấp chặt không chịu bỏ thì các Bí-sô nên can ngăn ba lần cho bỏ việc này, nếu chịu bỏ thì tốt, nếu không chịu bỏ thì phạm Tăng già bà thi sa.

Nói tốt là chỉ cho việc có lợi ích, xấu là việc không lợi ích, nói pháp ngữ là nói lời trọn vẹn đầy đủ, có thể dẫn thật nghĩa cũng gọi là pháp ngữ. Nói luật ngữ là nói lời hợp lý không sai, nói lời dịu dàng cũng gọi là luật ngữ; nói không hư dối là hiểu rõ việc kia rồi mới nói. Nói chớ nói như vậy là lời khuyên các bạn đảng lìa xa nhóm tà.

Tướng phạm trong đây là nếu mới tùy thuận muốn phá Tăng thì phạm tội Ác tác, được nhiều người can ngăn mà không chịu bỏ thì phạm Thô tội, từ tác bạch cho đến yết ma lần thứ hai xong mà không chịu bỏ thì đều phạm Thô tội, yết ma lần thứ ba xong, như pháp như luật như lời Phật dạy chánh can mà vẫn không bỏ thì phạm bổn tội. Nếu là yết ma phi pháp biệt chúng, phi pháp hòa hợp chúng, tợ pháp biệt chúng, tợ pháp hòa hợp chúng, như pháp biệt chúng, như pháp hòa hợp chúng thì không bỏ không phạm. Có thuyết nói tuy lời nói không đồng nhưng có tâm muốn phá Tăng thì phạm Thô tội, tuy lời nói đồng nhưng không khởi tâm muốn phá Tăng hoặc không đồng với việc làm của họ thì không phạm.

Nếu tự có chủ tâm muốn phá Tăng mà không làm náo loạn thì có bốn câu, náo loạn là bắt đầu từ việc nhóm họp để phá Tăng; hoặc phá Tăng nhưng không chỗ cũng có bốn câu, khác chỗ tức là khác giới; hoặc phá Tăng nhưng không lập bộ riêng cũng có bốn câu, bộ riêng là đủ chín người thanh tịnh ở riêng, trong đó có một người là chủ, tám người còn lại là trợ giúp. Chừng mức độ nào thì gọi là phá?: khi Đề-bà-đạt-da cùng bốn bạn đảng hành trù xong thì gọi là thành phá Tăng, nếu người thọ học, người không giới làm người hành trù thì không thành phá Tăng. Nếu tăng bị phá, có người thuộc bộ khác đang ở trong giới thì không nên làm Bố tát, vì chúng kia không đến nhóm liền thành biệt trụ. Nếu cả hai bộ như pháp và phi pháp cùng ở trong một trú xứ, bọ như pháp giải giới thì thành giải, bọ phi pháp giải giới thì không thành giải, những người trung lập không thuộc hai bộ trên nên theo bộ như pháp ra ngoài giới bố tát, không nên theo bộ phi pháp. Bí-sô trong bộ như pháp nên giáo thọ Bí-sô ni, nếu không có người thì người trung lập nên giáo thọ ni. Nếu ni chúng bị phá thì không nên đến giáo thọ, nên nói với họ: “các cô phải hòa hợp trước rồi mới đến cầu giáo thọ”; nếu Ni chúng không hỏi Bí-sô mà tự ý lập quy chế và tụ tập đồ chúng riêng thì phạm Thô tội. Nếu Bí-sô đối với việc phi pháp, tưởng là phi pháp, đến khi chánh thức phá Tăng vẫn tưởng là phi pháp thì sẽ sanh tội Vô gián và thành nghiệp Vô gián; nếu lúc phá Tăng không khởi tưởng là phi pháp thì chỉ sanh tội Vô gián mà không thành nghiệp Vô gián. Tổng cộng có mười tám trường hợp nặng nhẹ, sáu trường hợp đầu nặng và mười hai trường hợp sau nhẹ:

  1. Phi pháp phi pháp phi pháp
  2. Phi pháp phi pháp pháp
  3. Phi pháp phi pháp nghi.
  4. Phi pháp pháp phi pháp
  5. Phi pháp pháp pháp
  6. Phi pháp pháp nghi.
  7. Pháp phi pháp phi pháp
  8. Pháp phi pháp pháp
  9. Pháp phi pháp nghi
  10. Pháp pháp phi pháp
  11. Pháp pháp pháp
  12. Pháp pháp nghi
  13. Phi pháp nghi phi pháp
  14. Phi pháp nghi pháp
  15. Phi pháp nghi nghi
  16. Pháp nghi phi pháp
  17. Pháp nghi pháp
  18. Pháp nghi nghi.

12. Làm nhơ nhà người:

Phật tại thành Thất-la-phiệt bảo các Bí-sô rằng: “nếu có Bí-sô, Bí-sô ni làm nhơ nhà người thì Tăng nên bạch tứ cho yết ma khu tẫn, đuổi ra khỏi trú xứ. Nếu có người đấu tranh, Tăng nên cho yết ma linh bố và nói với người ấy rằng: “nếu thầy không chịu sửa đổi thì Tăng sẽ trị phạt nặng hơn”, vì muốn làm cho người kia sợ mà sửa đổi nên gọi là linh bố. Nếu thấy môn đồ tranh cãi thì Quỹ phạm sư nên ngăn dứt, nếu Bí-sô thường thường phạm tội thì Tăng nên cho yết ma chiết phục, nếu họ vẫn không ngừng dứt thì Tăng nên bảo họ y chỉ nơi bậc có đức để điều phục họ. Nếu Bí-sô xúc não trưởng giả hay Bí-sô khác thì Tăng nên bảo Bí-sô đó đến sám tạ vị đó, nếu không chịu đi thì Tăng nên cho yết ma cầu tạ và bảo đến sám tạ vị đó. Nếu Bí-sô không thấy tội, không như pháp sám tội và không xả ác tà kiến thì Tăng nên cho yết ma xả trí, do xả bỏ không đồng với chúng pháp nên gọi là xả trí. Nếu người bị xả trí này có nhiều bạn đảng nương cậy thì Tăng nên lượng xét sao cho thích nghi, không để việc đấu tranh xảy ra, đối với tội đã pháp như pháp mà trừ diệt. Nếu người ấy vẫn không chịu nhận tội thì không nên cố gạn hỏi, cũng không nên cưỡng ép nhớ nghĩ; nếu cưỡng ép và làm pháp xả trí thì Tăng phạm tội. Nếu những người đấu tranh ôm lòng oán hận tuy đã trải qua nhiều ngày vẫn không thể trừ diệt, lại là người trì kinh, trì luật, trì luận, đa văn được nhiều người biết đến, có đủ phước đức và có nhiều môn đồ thì Tăng nên diệt tránh giúp họ. Nếu người đấu tranh đến nhà người tục thì nên bảo người trung lập ngăn cách họ, nếu là ở cùng trong giới tranh cãi thì người trung lập nên ra ngoài giới làm trưởng tịnh, nếu cùng bộ khác làm trưởng tịnh thì không thành tác pháp và phạm tội Ác tác. Lại nữa, khi vì người khác tác yết ma mà không gạn hỏi, không cho ức niệm; hoặc người đó thật không phạm, hoặc có phạm nhưng nói không thật, hoặc vì làm yết ma phi pháp thì Tăng phạm tội Ác tác và tác pháp không thành. Lại nữa, khi Tăng đã tác pháp yết ma rồi thì người bị trị phạt phải thuận hành theo những hành pháp đã có như không được cho người xuất gia thọ Cận viên, không được làm y chỉ, không được chứa nuôi Cầu tịch, không được thọ sai làm người giáo thọ ni chúng… Nếu người có hai mươi pháp thì Tăng không nên cho giải yết ma:

1 & 2. Ở trong chúng không hiện tướng cung kính, không siêng năng.

2 & 3. Ở trong chúng không có tâm khiêm hạ, trừ bỏ kiêu mạn.

3. Không tùy thuận hành pháp trị phạt.

4. Ở trong chúng chống trái hành pháp kính.

5 & 6. Ở trong giới không cầu giải phóng tội, không chịu sám hối.

7 & 8. Dựa thế lực vua hay quan xử đoán.

9& 10. Nương tựa ngoại đạo cho đến người khác.

11. Không nương tựa chúng.

12 & 13. Mặc y phục thế tục và của ngoại đạo.

14 & 15. Phụng sự ngoại đạo và làm những việc không nên làm.

16. Không tu tập học xứ của Bí-sô

17 & 18. Mắng Bí-sô hoặc khi sân hận hay quát mắng người khác.

19 & 20. Khiến chúng mất lợi và không muốn ở chung.

Phật dạy nhừng điều trên xong liền bảo tôn giả A-nan cùng các Bí-sô Thượng tòa đến núi Chỉ trá, khi đến giữa đường nên sai người đủ năm đức đến đó gạn hỏi A thấp bạc ca bổ nại phạt tố… rồi mới làm yết ma khu tẫn. Lúc đó những người đồng tội là Bán đậu lô khấu đắc ca… nghe được tin này liền trốn đến thành Thất-la-phiệt, đối trong Tăng như pháp sám hối trừ tội. A thấp bạc ca bổ nại phạt tố… sau khi đến rừng Thệ đa biết được việc này liền nói: “chúng tôi đồng tội mà có người bị đuổi, có người không bị đuổi, các vị tùy ái, tùy sân, tùy si…”, các Bí-sô 730 can ngăn rồi mới tác yết ma quở trách, Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô nương ở nơi tụ lạc mà làm hạnh xấu, làm nhơ nhà người, ai cũng thấy nghe hay biết thì các Bí-sô nên quở: “thầy đã làm hạnh xấu, làm nhơ nhà người, ai cũng thấy nghe hay biết, các thầy hãy đi đi, không nên ở đây nữa”. Bí-sô này nói với các Bí-sô: “các thầy tùy dục hành sân sợ si, vì sao, vì có Bí-sô đồng tội như vậy, mà có người bị đuổi có người không bị đuổi”. Các Bí-sô nên nói với Bí-sô này: “thầy chớ nói các Bí-sô tùy dục hành sân sợ si, vì sao, vì các Bí-sô không có tùy dục hành sân sợ si. Các thầy làm hạnh xấu, làm nhơ nhà người, ai cũng thấy nghe hay biết, các thầy hãy bỏ câu nói tùy dục hành sân sợ si này đi. Các thầy hãy đi đi, không nên ở đây nữa”. Khi nói như thế nếu không chịu bỏ lời nói này thì nên khuyên can đến ba lần cho bỏ nói lời nói này, nếu chịu bỏ thì tốt, nếu không chịu bỏ thì phạm Tăng già bà thi sa.

Làm nhơ nhà người là ở chung và thọ dụng chung với người tục như ngồi chung giường với người tục, ăn chung mâm, uống chung một ly…

Làm hạnh xấu là dùng pháp thô ác hủy báng người khác hoặc dựa trên giới, kiến… nói người khác hủy phạm.

Ai cũng thấy nghe hay biết: thấy là thuộc nhãn thức, nghe là thuộc nhĩ thức, hay biết là thuộc các thức khác.

Thầy hãy đi đi là lời đuổi đi.

Nói tùy ái… là người đồng phạm mà có người không bị đuổi, có nguời đuổi là tùy sân, Tăng không phân biệt rõ là tùy si, không trị phạt những người đồng phạm kia là tùy bố.

Nếu khi mới nói Tăng tùy ái… thì phạm tội Ác tác, được nhiều người can ngăn mà không chịu bỏ thì phạm Thô tội, từ khi Tăng tác bạch cho đến yết ma lần thứ hai xong mà không chịu bỏ thì đều phạm Thô tội, yết ma lần thứ ba xong, như pháp như luật như lời Phật dạy chánh can mà vẫn không bỏ thì phạm bổn tội.

Nếu tăng thật có tùy ái, tùy sân, tưởng không tùy ái… và nghi mà nói thì phạm Thô tội; nếu tưởng có tùy ái… mà nói thì không phạm; nếu tăng thật không có tùy ái…, tưởng có tùy ái… mà nói thì phạm bổn tội. Khi Tăng chưa tác yết ma khu tẫn mà nói Tăng có tùy ái… thì phạm tội Ác tác vì hủy báng chúng tăng.

13. Tánh ác trái can:

Phật nước Kiều-thiểm-tỳ, lúc đó Bí-sô Xiển đà không chịu nghe lời khuyên can như pháp lại còn chống trái, xúc não chúng tăng nên Phật chế học xứ:

Nếu Bí-sô tánh ác khó cùng nói chuyện khi các Bí-sô như pháp như thiện, nói tội mà vị này đã phạm trong giới thì Bí-sô này không chấp nhận còn nói với các Bí-sô rằng: “các thầy chớ nói tôi tốt hay xấu, tôi cũng không nói các thầy tốt hay xấu”. Các Bí-sô nên khuyên rằng: “các Bí-sô như pháp như thiện nói tội mà thầy đã phạm trong giới, thầy đừng nên không chấp nhận, thầy nên chấp nhận. Các Bí-sô như pháp như luật khuyên can thầy, thầy cũng sẽ như pháp như luật khuyên can các Bí-sô, vì sao, vì làm như thế chúng đệ tử của Như lai mới được tăng trưởng lợi ích, vì cùng khuyên can nhắc nhở và xuất tội cho nhau. Thầy hãy bỏ nghiệp không chấp nhận này đi”. Khi các Bí-sô khuyên can như thế mà không chịu bỏ, thì nên khuyên can đến ba lần cho bỏ việc này, nếu chịu bỏ thì tốt, nếu không chịu bỏ thì phạm Tăng già bà thi sa.

Nói những lời Phật dạy trong giới kinh là những học xứ mà phật đã chế, nói như pháp là có căn cứ thấy nghe nghi, nói như luật là đúng sự thật và tương ưng với lý, nói lời dịu dàng. Nói tốt xấu là lợi và không lợi, nói chớ nói là ngăn không cho khuyên can, không chịu nghe lời khuyên can. Nói nên khuyên can lẫn nhau là khi muốn can nên càu thính trước, nếu người kia đồng ý mới nên can, nếu người kia không đồng ý thì không nên cưỡng ép gạn hỏi. Khi gạn hỏi cũng chớ dùng thiên nhãn, thiên nhĩ để thấy nghe; nếu người kia không nhớ nên cho ức niệm, khi nhớ ra rồi mà nổi sân thì nên cầu thính, nếu chấp thuận thì tốt, nếu không chấp thuận thì nên bỏ mặc, không cùng nói chuyện. Nếu người kia dựa vào thế lục vua quan… thì Tăng không nên cùng bố tát, an cư, tự tứ; vào ngày bố tát nên ở trong chúng bạch rằng: “tôi Bí-sô _____ ngăn Bí-sô _____ làm các việc như bố tát…; nếu Bí-sô ấy vào trong chúng thì không nên ở trước người ấy làm bố tát…”. Nếu dựa trên tội đã phạm là Hữu dư hay Vô dư không có định thật mà liền ngăn người khác trưởng tịnh… thì không thành ngăn; nếu dùng thiên nhãn, thiên nhĩ hoặc người điếc, mù, vô tri, ở trên đất hay ở trên không… ngăn cũng không thành ngăn. Nếu dựa trên tội đã phạm là thật thì ngăn thành ngăn, nhưng nếu dựa trên thấy nghe nghi không chính xác mà liền ngăn thì phạm tội Ác tác. Nếu trong giới có nhiều trú xứ, khi một trú xứ ngăn thì các trú xứ khác cũng nên ngăn.

Nếu người có đủ năm pháp được Tăng sai làm người gạn hỏi nên từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch bày vai hữu chắp tay đứng một bên rồi tự xét lượng mình có năm pháp: một là ta có trì giới hay không, hai là ta có hổ thẹn hay không, ba là ta có truy hối hay không, bốn là ta có thu nhiếp các căn hay không, năm là ta có ưa thích giới hay không. Xét lượng mình xong mới hỏi người phạm: “nay tôi muốn gạn hỏi thầy, thấy có chấp thuận không?”, người phạm kia hỏi lại: “thầy muốn gạn hỏi việc gì?”, đáp: “muốn gạn hỏi về tội”, người phạm khi bị gạn hỏi nên đối với năm bộ học xứ (năm thiên giới) tự xét lại mình, người gạn hỏi nên cho nhớ nghĩ: “thầy hãy nhớ lại đã phạm tội đó ở đâu?…”, người phạm nên đáp như thật, chớ đáp hư dối không thật. Gạn hỏi xong nên nói với người phạm: “Tăng sai tôi làm người gạn hỏi, thầy đã đáp như thật xong, Tăng sẽ tác yết ma cho thầy, thầy nên suy nghĩ kỹ chớ có tự hại mình, cũng chớ đùa cợt với người thanh tịnh và người ưa học giới; cũng chớ khinh mạn các bậc kỳ túc”.

Tướng phạm trong đây: khi được nhiều người can ngăn mà không chịu nghe thì phạm Thô tội, từ khi Tăng tác bạch cho đến yết ma lần thứ hai xong mà không chịu bỏ thì đều phạm Thô tội, yết ma lần thứ ba xong, như pháp như luật như lời Phật dạy chánh can mà vẫn không bỏ thì phạm bổn tội.

Các Đại đức, tôi đã nói mười ba pháp Tăng già bà thi sa, chín giới trước vừa làm liền phạm, bốn giới sau cho đến can ba lần mới kết thành tội. Nếu Bí-sô biết mình phạm tội mà vẫn cố ý che giấu, tùy che giấu bao lâu thì buộc họ phải hành Ba lợi bà sa bấy nhiêu. Hành Ba lợi bà sa xong, Tỳ kheo này nên ở trong Tăng hành sáu đêm Ma na đỏa; hành Ma na đỏa xong mới cho pháp A phù ha na. Như pháp sám xong, các Bí-sô hoan hỉ, nên ở trong hai mươi vị Bí-sô cho xuất tội, nếu thiếu một vị không đủ hai mươi mà cho xuất tội thì tội của Bí-sô kia không được xuất, mà các Bí-sô cũng bị quở trách. Đúng pháp nên làm như thế. Nay xin hỏi các Đại đức, trong đây có thanh tịnh không? (3 lần). Các Đại đức, trong đây thanh tịnh vì im lặng. Việc này xin nhớ giữ như vậy.

Nếu Bí-sô tùy mỗi việc đã phạm trong đây muốn được trừ tội thì phải hội đủ năm duyên:

  1. Tùy tội đã phạm.
  2. Phạm rồi che giấu.
  3. Tùy số ngày che giấu mà Tăng cho hành biệt trụ.
  4. Hành biệt trụ xong, Tăng cho hành Ý hỉ.
  5. Hành Ý hỉ xong, Tăng đủ hai mươi người cho yết ma Xuất tội.

Trường hợp che giấu có hai: phú dạ (che giấu qua đêm) và phú tâm (có tâm che giấu), nếu có tâm che giấu tội cho đến sáng hôm sau thì gọi là phú dạ, nếu không biết, không nhớ và không có tâm che giấu thì tuy đã trải qua đêm, cũng không phạm tội che giấu. Nếu sau đó nhớ lại, biết có tội liền phát lồ thì Tăng không cần tác yết ma cho người này hành biệt trụ, nên cho phát lồ sám hối các tội Ác tác. Nếu phạm hai tội, che giấu cả hai hoặc che giấu một tội, phát lồ một tội, hoặc phát lồ cả hai tội; hoặc nhớ phạm hai tội, hoạc chỉ nhớ một, quên một, hoặc quên cả hai tội…; hoặc đối với số ngày che giấu nhớ biết số ngày hoặc không nhớ biết…, pháp trị tội theo đó thành sai khác rất nhiều, đầy đủ như trong văn luật. Lại có bốn hạng người nên cho hành biệt trụ: một là người nhớ biết số tội nhưng không nhớ biết số đêm, hai là người nhớ biết số đêm nhưng không nhớ biết số tội, ba là người không nhớ biết cả hai, bốn là người đều nhớ biết cả hai. Lại nữa, khi đang hành biệt trụ lại tái phạm tội đồng tội trước, Tăng nên cho hành Bổn nhật trị biệt trụ để điều phục, tức là bỏ hết pháp biệt trụ đã làm và làm lại từ đầu; nếu khi đang hành Bổn nhật trị lại tái phạm tội đồng tội trước thì Tăng nên cho Trùng thu, tức là bỏ hết pháp Bổn nhật trị đã làm và làm lại từ đầu. Tóm lại pháp mà người hành biệt trụ đã làm có trắng đen sai khác, phân biệt có sáu:

1. Thuần đen: các ngày đã hành biệt trụ đều phi pháp vì tái phạm.

2. Phần nhiều đen: trừ những ngày hành biệt trụ như pháp ra, các ngày khác đều là phi pháp.

3. Hơn phân nửa đen: trừ những ngày hành Bổn nhật trị như pháp ra, các ngày khác đều là phi pháp.

4. Không tới phân nửa đen: trừ những ngày hành Trùng thu như pháp ra, các ngày khác đều là phi pháp.

5. Phần ít đen: trừ những ngày hành Ý hỉ như pháp ra, các ngày khác đều là phi pháp.

6. Thuần trắng: hành Ý hỉ xong được xuất tội được gọi là khéo xuất tội.

Nếu người hành biệt trụ như pháp xong thì tăng nên cho hành sáu đêm Ma na đỏa, nếu không có che giấu tội cũng nên cho hành pháp Ý hỉ rồi cho xuất tội. Nếu khi đang hành Ý hỉ lại tái phạm tội đồng tội trước thì Tăng nên cho Bổn nhật trị Ý hỉ, tức là bỏ pháp Ý hỉ đã hành và làm lại từ đầu. Nếu khi đang hành Bổn nhật trị Ý hỉ lại tái phạm tội dồng tội trước thì Tăng nên cho Trùng thu, tức là bỏ pháp Bổn nhật trị đã hành và làm lại từ đầu. Nói tội đồng loại là tội giống tội đã phạm trước đó, như phạm tội cố ý tiết tinh, sau đó tái phạm tội này, không phải tội khác, nếu không phải phạm tội đồng loại thì không hoại pháp đã làm. Nếu người phạm tội Chúng giáo thứ nhất che giấu một đêm, cho đến phạm cả mười ba pháp Tăng già bà thi sa che giấu mười ba ngày, muốn phát lồ phải dựa trên tâm mãnh liệt; nếu người có phiền não nặng thì nên cho hành biệt trụ và Ý hỉ trước, người bị trị phạt phải thuận hành theo những hành pháp đã có như không được thọ thiện Bísô kính lễ, cũng không được ngồi chung tòa, cùng đi ngang hàng, phải đi sau; không được cho người xuất gia thọ Cận viên, không được làm y chỉ, không được chứa nuôi Cầu tịch, không được thọ sai làm người giáo thọ ni chúng… Phải làm những việc như mở cửa, đốt đèn, quét dọn trong chùa và trong nhà vệ sinh cho sạch sẽ…; khi lễ Phật thì phải đứng dưới tất cả Cận viên, phải thu dọn ngọa cụ của Tăng và của các Thượng tòa… Khi hành pháp này không được ở chung với người đang hành biệt trụ, Ý hỉ hay người thọ học; không được ở trong chùa không có người, cũng không được ở trong chùa chỉ có hai, ba người; nên ở chung với bốn người thanh tịnh đồng kiến mà hành pháp này. Khi đang hành pháp nếu nghe có người đấu tranh sắp đến trú xứ này,nên đối trước một thiện Bí-sô xả hành pháp này, đợi khi người đấu tranh kia bỏ đi mới đến chỗ thiện Bí-sô thọ lại hành pháp. Nếu chưa hành biệt trụ mà cho hành Ý hỉ, hoặc hành biệt trụ mà không hành ý hỉ thì Tăng không nên cho xuất tội, nếu khéo hành cả hai pháp mới cho xuất tội. Có sáu hạng Bí-sô nếu phạm tội Chúng giáo được đối trước một Bí-sô sám hối trừ tội liền được thanh tịnh:

  1. Là Bí-sô trì hết kinh tạng.
  2. Là Bí-sô trì hết luật tạng.
  3. Là Bí-sô trì hết luận tạng.
  4. Là Bí-sô có tánh hổ thẹn, nếu phát lồ tội và phải hành pháp trị phạt thì sẽ hổ thẹn mà chết.
  5. Là Thượng tòa lớn tuổi hạ nhất trong chúng.
  6. Là Bí-sô có phước đức lớn.

Sở dĩ sáu hạng Bí-sô này cho dễ dàng được sám hối trừ tội vì tội diệt do tâm, không do nơi trị phạt; nếu đối với tội đã phạm, quyết tâm đoạn trừ thề không tái phạm thì tội liền tiêu diệt. Lại nữa, các bậc Thượng tòa kỳ đức thọ trì ba tạng nếu hành pháp trị phạt mà người khác thấy được sẽ chê bai, mất lòng tín kính nên Phật khai cho được đối trước một thiện Bí-sô sám hối trừ diệt.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14