CĂN BẢN TÁT BÀ ĐA BỘ LUẬT NHIẾP

Nguyên tác: Tôn giả Thắng Hữu – Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường. TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh. Năm 2010.

QUYỂN 10

17. Gắng gượng xúc não người khác:

Phật tại vườn Cấp-cô-độc, thành Thất-la-phiệt, lúc đó Bí-sô Ôđà-di vì muốn xúc não người khác nên ở bên ngoài đứng nói chuyện lâu với người, đợi đến tối mới kêu cửa, khi vào phòng lại giành chỗ nằm… Phật nhân việc này chế học xứ: Nếu Bí-sô ở trong phòng Bí-sô, biết các Bí-sô đã trải ngọa cụ ở trước rồi, mình đến sau, gắng gượng ở trong đó tự trải ngọa cụ hay bảo người trải, nghĩ rằng: “nếu không thích thì tự đi khỏi đây”, vì nhân duyên này không phải vì duyên gì khác thì Bí-sô này phạm Ba-dật-đề

Nói biết các Bí-sô đã trải ngọa cụ trước là tự biết hoặc được người khác nói cho biết, gắng gượng chen vào nằm là cố ý xúc não nên phạm bổn tội, nếu không cố ý xúc não nhưng khi chen vào giành nằm cũng phạm tội Ác tác; nếu có nạn duyên thì không phạm.

Tướng phạm trong đây là người đã trải ngọa cụ trước, khởi tưởng đã trải ngọa cụ trước và nghi, cố ý xúc não thì phạm Đọa; người không có trải ngọa cụ trước, khởi tưởng đã trải trước và nghi hoặc người đã trải trước, khởi tưởng không có trải trước và nghi nhưng cố ý xúc não thì phạm tội Ác tác. Nếu bảo người chưa thọ Cận viên cố ý xúc não cũng phạm tội Ác tác, ở trú xứ Ni cố ý xúc não người khác cũng phạm tội Ác tác. Ô-đà-di còn có nhiều trường hợp cố ý xúc não người khác như: khi thấy Bí-sô khác ăn thức ăn thô dỡ không no đủ liền bảo ngồi tụng kinh suốt đêm để xúc não; hoặc khi thấy Bí-sô khác được thức ăn ngon no đủ liền bảo suốt ngày ngồi thiền hệ niệm để xúc não; hoặc vào trời lạnh lại bảo Bí-sô khác ngồi suốt đêm ngoài trời đội sương chịu lạnh để xúc não; hoặc vào trời nóng bức lại bảo Bí-sô khác ngồi trong phòng kín, trùm tấm mền lông ở gần lò lửa để xúc não; hoặc ở trong trú xứ không có chỗ đại tiểu tiện, các Bí-sô đặt bô bên ngoài để đến đêm đi tiện lợi, Ô-đà-di liền đập bể bô khiến họ đến đêm bị đại tiểu tiện bức bách đành phải tiện lợi ở chỗ ống thoát nước, sáng hôm sau Ô-đà-di đem việc này nói cho các bạch y đều biết để xúc não họ. Ô-đà-di thậm chí còn cố ý uống thuốc tả đi tiêu chảy rồi nằm trên giường dối hiện tướng bịnh, để người khác đến thăm bịnh đứng lâu mõi mệt, mục đích để xúc não họ; hoặc ở chỗ các Bí-sô đang thiền tư đọc tụng, làm khủng bố để họ phải đứng dậy bỏ lở việc tiến tu, mục đích để xúc não; hoặc tại trú xứ nghe có nạn khủng bố sắp đến, Ô-đà-di liền ngăn không cho họ đóng cửa để họ kinh sợ suốt đêm không ngủ được. Vì vậy hễ có tâm cố ý xúc não người khác đều phạm Đọa, cũng không nên ở chỗ đại tiểu tiện kinh hành để ngăn trở người khác, cũng không nên dựa vào tuổi hạ lớn nhỏ để xúc não người khác, ai đến trước thì vào trước; tiện lợi xong cũng không được cố ý ở lâu trong đó để ngăn trở người khác. Cho đến các vật dụng của Tăng như nồi nấu thuốc nhuộm…, nếu người khác đang dùng thì không được dựa vào tuổi hạ lớn nhỏ mà đoạt lấy dùng; nếu lấy dao cạo của Tăng dùng xong nên để lại chỗ cũ cho người khác lấy dùng, không được cất giữ để mình lần sau dùng nữa. Nếu ai làm trái hành pháp kể trên đầu phạm tội Ác tác.

18. Cố ý buông thân ngồi nằm trên giường sút chân:

Duyên xứ như trên, lúc đó Ô-ba-nan-đà do ôm lòng giận nên ở trong phòng trên gác, cố ý buông thân ngồi nằm trên giường sút chân, để chân giường này sút ra rơi xuống đánh trúng Bí-sô nằm dưới gác bị thương. Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô ở trên tầng gác của Bí-sô mà dùng sức để ngồi nằm trên giường ngồi hay giường nằm sút chân thì Bí-sô này phạm Ba-dậtđề.

Vì đây là trên tầng gác của nhà lá nên không kiên cố, nếu là nhà kiên cố thì không phạm, lại do cố ý buông thân nên phạm Đọa, nếu không cố ý thì không phạm. Nói giường sút chân là chân giường nhỏ được tra vào lỗ mộng đã lung lay, sắp sút ra, nếu chắc chắn thì không phạm. Về cảnh tưởng của giường sút chân có sáu câu: hai câu đầu phạm Đọa, hai câu kế phạm tội Ác tác, hai câu cuối không phạm; nếu là gác ván hoặc chân giường đã được thay hoặc giường đã lât ngữa lên thì không phạm.

19. Dùng nước có trùng:

Phật tại nước Kiều-thiểm-tỳ, lúc đó Bí-sô Xiển đà dùng nước có trùng để trộn hồ (cỏ với bùn đất) nên bị chê trách, Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô biết nước có trùng mà tự tay dùng tưới lên cỏ hay lên bùn đất để trộn hồ; hoặc bảo người tưới thì Bí-sô này phạm Ba-dật-đề.

Nói biết là nếu không biết nước có trùng thì không phạm, nói có trùng là tự thấy có trùng hay người khác thấy có trùng; thấy trùng có hai trường hợp: một là mắt thấy, hai là dùng lượt lượt nước thấy. Nếu lấy nước chỗ không có trùng hay có người đáng tin nói nước này không trùng thì dùng không phạm. Nước có trùng, khởi tưởng có trùng và nghi… về cảnh tưởng có sáu câu: hai câu đầu phạm Đọa, hai câu kế phạm khinh, hai câu sau không phạm.

Nên dùng gạch nung lát làm chỗ tắm và chỗ rửa chân gần bên giếng, chung quanh xây cao chừng một khuỷu tay, bên trong lát gạch, ở giữa hơi cao giống như dấu chân voi và có chỗ thoát nước xây theo thế của dòng nước chảy. Sàn nước không nên xây vuông hay tròn, nếu xây vuông hay tròn thì phạm tội Ác tác. Những vật dụng cần dùng của Tăng nên để ở chỗ mà mọi người đều thấy, nếu là vật dụng riêng thì nên cất sau cánh cửa hoặc dưới gầm giường…

20. Làm chùa lớn quá hạn cho mau xong:

Duyên xứ như trên, lúc đó Lục chúng Bí-sô xây chùa lớn cao ba tầng chỉ trong một ngày hoàn tất, nhưng không làm ống thoát nước lại không có cửa sổ nên sau một tận mưa lớn, nước ngập úng nước nên chùa bị sụp đổ… Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô muốn làm chùa lớn, các phòng xá nên có cửa cái, cửa sổ, từ đất bằng theo thứ lớp xây lên hai hay ba tầng cho kiên cố và có chỗ thoát nước, nếu xây quá ba tầng thì phạm Ba-dật-đề

Nói lớn là hình lượng lớn hoặc vật thí lớn, trong đây là hình lượng lớn và có thí chủ, nếu thí chủ thúc làm gấp cho mau xong thì Bí-sô không phạm; hoặc ông thầu xây dựng nói với Bí-sô: “tôi biết cách thức xây dựng cho kiên cố, dù cao lớn cũng không sụp đổ”, Bí-sô tin, giao cho ông thầu này làm thì không phạm.

Nhiếp tụng thứ 3:

Không sai, đến chiều tối,
Vì ăn, hai loại y,
Cùng đường và chung thuyền,
Chỗ khuất, giáo hóa ăn.

21. Tăng không sai giáo thọ Ni:

Phật tại vườn Cấp-cô-độc, thành Thất-la-phiệt, lúc đó Lục chúng Bí-sô tự ý ra ngoài giới tác pháp sai lẫn nhau đến giáo thọ Bí-sô ni… Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô không được Tăng sai mà tự ý đến giáo thọ Bí-sô ni thì phạm Ba-dật-đề, trừ người được thắng pháp.

Nói không được Tăng sai là Tăng không bạch nhị yết ma sai, có bốn lỗi sai không thành sai là giới, ngày, chúng và người. Nói giới là ở ngoài giới tác pháp sai, nói ngày là không phải ngày bố tát, nói chúng là không phải Tăng nhóm họp, nói người là người thiếu bảy đức: đó là trì giới, đa văn, là bậc kỳ túc, rành ngôn ngữ đô thành, không từng làm nhơ nhiễm Bí-sô ni, khéo hay phân biệt tám pháp Tha thắng và khéo hay giải thích tám pháp tôn trọng. Nói tám pháp Tha thắng là bốn pháp đầu đồng với Bí-sô, bốn pháp sau khác: một là xúc chạm, tức là cùng người nam có tâm nhiễm xúc chạm nhau để thọ lạc; hai là tâm nhiễm cùng người nam làm tám việc; ba là che giấu tội trọng của Bí-sô ni khác; bốn là tùy thuận Bí-sô bị Tăng tẫn.

Nhiếp tụng:

Ni có tám Tha thắng,
Bốn pháp đồng Bí-sô,
Xúc chạm, làm tám việc,
Giấu, thuận Tăng bị đuổi.

Nói tám kỉnh pháp là

1. Bí-sô ni phải đến trong Bí-sô Tăng cầu thọ Cận viên, thành tánh Bí-sô ni.

2. Bí-sô ni nên mỗi nửa tháng đến trong Bí-sô Tăng cầu thỉnh người giáo thọ ni.

3. Bí-sô ni không được an cư nơi chỗ không có các Bí-sô.

4. Bí-sô ni thấy Bí-sô phạm lỗi, không được gạn trách.

5. Bí-sô ni không được sân mắng Bí-sô.

6. Bí-sô ni dù cao tuổi hạ cũng nên kính lễ Bí-sô nhỏ tuổi.

7. Bí-sô ni phạm tội Tăng tàn, nên ở trong hai bộ Tăng hành nửa tháng Ma na đỏa.

8. Bí-sô ni an cư xong nên đến trong Bí-sô Tăng làm việc Tùy ý (tự tứ).

Nhiếp tụng:

Theo Tăng thọ Cận viên,
Nửa tháng cầu giáo thọ,
Nương Bí-sô an cư,
Thấy lỗi không gạn trách,
Không sân mắng, kính nhỏ,
Trong hai chúng – Ý hỉ,
Đến Bí-sô – Tùy ý.
Đây là tám kỉnh pháp.

Nếu Tăng sai người thiếu bảy đức đến giáo thọ Ni thì Tăng phạm tội Ác tác, dù có tác pháp cũng không thành. Nói Tăng tác pháp sai là một vị, tình không trái lìa. Nếu trong trú xứ Tăng không có ai chịu đến giáo thọ Ni thì Thượng tòa thủ chúng nên hỏi chúng ni có hòa hợp không, kế lại hỏi trong nửa tháng qua trong chúng Ni có lỗi lầm không, kế lại nói: “này các cô, trong chúng tăng tại trú xứ này không có Bí-sô nào đến giáo thọ ni chúng, nhưng có hai loại giáo thọ là rộng và lược, nay Tăng lược giáo thọ cho Ni là các cô nên tự siêng tu, chớ có buông lung”.

Nói trừ người được thắng pháp là như Bí-sô Châu đồ bán thát ca khi chứng quả A-la-hán có thể thuyết pháp khiến người sanh tín kính, dù không được Tăng sai mà đến giáo thọ cho Ni vẫn không phạm. Về cảnh tưởng có sáu câu: hai câu đầu phạm Đọa, hai câu kế phạm tội Ác tác, hai câu cuối không phạm. Nếu giáo thọ cho Ni là người trước đã phạm giới hoặc Ni thọ học hoặc Ni không phải phe nhóm ( tùy thuận trợ giúp Đề-bà-đạt-da phá Tăng ) thì Bí-sô phạm tội Ác tác; giáo thọ cho người không hiểu biết gì cũng phạm tội Ác tác.

22. Giáo thọ cho Ni đến chiều tối:

Duyên xứ như trên, lúc đó Bí-sô Nan đà trong phi thời thuyết pháp giáo thọ cho Ni ở ngoài thành đến chiều tối, cửa thành đã đóng nên không thể vào thành được, phải ngủ đêm ở ngoài thành đến sáng hôm sau, cửa thành mở mới vào thành. Người tục thấy liền cơ hiềm: “Sa môn Thích tử ở xen tạp chung một chỗ thì làm gì có tịnh hạnh”, Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô được Tăng sai giáo thọ Ni chúng mà giáo thọ đến chiều tối, mặt trời đã lặn thì phạm Ba-dật-đề.

Nói mặt trời lặn là phi thời, dù là đúng thời giáo giới mà trong Ni chúng người đứng người ngồi, hoặc đang làm việc nhọc chưa dừng nghỉ, hoặc thân có trở ngại mà Bí-sô vẫn thuyết pháp giáo thọ thì vẫn gọi là phi thời ( trái thời ). Về cảnh tưởng có sáu câu: hai câu đầu phạm Đọa, hai câu kế phạm tội Ác tác, hai câu sau không phạm. Nếu thí chủ bổn ý thỉnh Bí-sô thuyết pháp đến đêm, hoặc trú xứ Ni gần cửa thành hoặc cửa thành ban đêm không đóng, hoặc trú xứ Ni trong thành hoặc Ni chúng ở nhà bạch y… thì Bí-sô không phạm. Nếu vị giáo thọ cho Ni được Tăng sai trọn đời thì không cần tác pháp sai lại nữa.

23. Chê trách Bí-sô vì ăn uống nên giáo thọ Ni:

Duyên xứ như trên, lúc đó Lục chúng Bí-sô thấy các Bí-sô làm nhiều món thức ăn ngon cúng dường vị Giáo thọ sư liền sanh tâm tật đố, nói ra lời chê trách vị Giáo thọ sư nên Phật chế học xứ:

Nếu Bí-sô nói lời chê trách Bí-sô khác rằng: thầy vì ăn uống, vì sự cúng dường mà đến giáo thọ Bí-sô ni, thì Bí-sô này phạm Ba-dật-đề

Nói ăn uống là chỉ cho năm loại Khư đà ni và năm loại Bồ xà ni; cảnh tưởng giống như trên; nếu không có tâm tật đố mà nói vì ăn uống nên giáo thọ Ni thì phạm tội Ác tác.

24. Đem y cho Ni không phải bà con:

Duyên xứ như trên, lúc đó có một Bí-sô đem y của mình cho Ni là vợ cũ trước kia của mình…, Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô đem y cho Bí-sô ni không phải là bà con thì phạm Badật-đề, trừ trao đổi.

Vì nếu Ni không phải là bà con thì phần nhiều sẽ không xét xem Bí-sô này có đủ ba y hay không, ngược lại nếu là bà con thì sẽ đoái hoài, sau đó mới thọ nhận. Như Phật dạy: “nếu cha mẹ nghèo không có đủ thức ăn uống, Bí-sô còn phải tự bớt nửa phần ăn của mình, hoặc khuyến hóa thí chủ để cung cấp cho cha mẹ”. Nói y là chỉ cho y đúng pháp thọ trì, về cảnh tưởng có sáu câu như trên; nếu Ni bị giặc cướp mất y đang thiếu thốn thì dù không phải là bà con, Bí-sô đem y cho thì không phạm.

25. May y cho Ni không phải là bà con:

Duyên xứ như trên, lúc đó Bí-sô Ô-đà-di may y cho Ni Cấp đa vốn là vợ cũ trước kia, khi may y xong, dùng chỉ ngũ sắc thêu hình nam nữ ôm nhau rồi đưa cho Ni này… Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô may y cho Bí-sô ni không phải là bà con thì phạm Badật-đề.

Nói may ya là cắt may giặt nhuộm, cảnh tưởng có sáu câu như trên.

26. Hẹn đi chung đường với Bí-sô ni:

Duyên xứ như trên, lúc đó Lục chúng Bí-sô hẹn đi chung đường với nhóm Thập nhị Bí-sô ni, người tục nhìn thấy liền cơ hiềm: “nam là chồng, nữ là vợ, họ cũng có cặp đôi, giống như chúng ta có khác gì”… Phật nhân việc này chế học xứ: Nếu Bí-sô ước hẹn đi chung đường với Bí-sô ni cho đến một tụ lạc thì phạm Ba-dật-đề, trừ nhân duyên. Nhân duyên là có nhiều người làm bạn cùng đi hay nghi có sợ hãi.

Nếu Bí-sô và Bí-sô ni sắp đi cùng nhau, nên bạch hai thầy trước một ngày: “chúng con có việc cùng đi đến thôn kia”, thầy nếu không cho đi cũng không nên trái nghịch. Nếu không có hai thầy nên bạch với

Thượng tòa thủ chúng, giao cất ngọa cụ rồi báo cho những người cùng đi biết. Khi ra đến cửa nên nhắc lẫn nhau là có quên gì không, các thương nhân mà họ sắp tháp tùng là thiện hay ác… Khi đi chung nên quan tâm cho nhau, nếu có người bịnh không nên bỏ ở lại mà đi trước, cũng không nên đi chung với người có hiềm khích với mình, nếu phải đi chung thì nên sám tạ trước, họ có hoan hỉ mới cùng đi chung. Trên đường đi, nếu có nói chuyện nên nói pháp ngữ, không nên nói lời phi pháp hoặc im lặng như bậc Thánh, chớ để tâm tán loạn. Nếu phải đi quanh qua miếu thờ thiên thần, nên tụng kệ Phật và khảy mong tay cho họ biết rồi mới đi qua vì Bí-sô khng nên hữu nhiễu thiên thần. Nếu tạm dừng nghỉ ở bên đường hoặc đến bên ao suối múc nước, đều phải tụng kệ chú, nghỉ đêm ở nơi nào nên tụng kinh Tam khải. Cũng nên mang theo dây gàu để múc nước giếng, có ba loại dây: dây dài là khoảng một trăm năm mươi khuỷu tay, dây ngắn là khoảng một trăm khuỷu tay, giữa hai loại này là dây vừa; tùy muốn đi đến nơi nào, lượng xét thời nghi mà mang theo loại dây gàu nào.

Khi đi đến một trú xứ nào, ở bên ngoài chùa nên giũ bụi áo, rửa mặt rửa chân cho sạch rồi múc nước thêm vào lại cho đầy bình, kế dùng giẻ lau giày, không nên cầm giày đập vào cột chùa, sau đó sửa sang lại y phục và dung nghi rồi mới vào trong chùa. Vào bên trong chùa chào hỏi Bí-sô cựu trụ, Bí-sô cựu trụ cũng chào hỏi thiện lai, nếu chưa từng quen biết thì nên hỏi tuổi hạ để biết lớn nhỏ để kính kễ lẫn nhau. Bísô khách mới đến nên kính lễ Thượng tòa thủ chúng trước, Thượng tòa cũng nên chào hỏi thiện lai. Bí-sô cựu trụ thấy khách đến nên xét xem có đủ ngọa cụ để cung cấp cho khách không, nếu đủ nên tùy thời cung cấp. Ai không làm theo hành pháp này thì phạm tội Ác tác.

Khi đi chung trên đường, nếu có Bí-sô bịnh nặng nên cõng hoặc cùng khiên đi, nếu ít người thì Ni cũng nên khiên phụ nhưng chỉ nên khiên phía trên đầu, không nên khiên phía dưới chân. Khi đến trong tụ lạc, tùy bịnh mà tìm thầy lo thang thuốc, nếu phải đi khất thực thì nhờ người chăm sóc.

Tướng phạm trong đây là cùng đi chung nửa Câu lô xá thì phạm tội Ác tác, đủ một Câu lô xá thì phạm Đọa. Cảnh tưởng có sáu câu như trên.

27. Đi chung thuyền với Bí-sô ni:

Duyên xứ như trên, lúc đó Lục chúng Bí-sô hẹn đi chung thuyền với các Bí-sô ni, bị cơ hiềm như trên nên Phật chế học xứ:

Nếu Bí-sô ước hẹn đi chung thuyền với Bí-sô ni, ngược dòng hay xuôi dòng thì phạm Ba-dật-đề, trừ đi đò ngang thẳng qua sông.

Nói đi đò ngang thẳng qua sông là do lúc đó có thí chủ thiết trai hội thỉnh hai bộ Tăng, các Bí-sô không dám đi chung thuyền với các Bí-sô ni nên bỏ mất thọ thỉnh thực này, nên Phật khai cho cùng đi đò ngang thẳng qua sông. Tướng phạm và cảnh tưởng giống như giới trên, nếu nam đã thọ Cận viên đi cùng với nữ chưa thọ Cận viên hoặc nam chưa thọ Cận viên đi cùng với nữ đã thọ Cận viên hoặc cả hai đều chưa thọ Cận viên thì phạm tội Ác tác; nếu có một trong tám nạn khởi lên ở trên bờ hay dưới nước, đi chung thì không phạm.

28. Một mình ngồi ở chỗ khuất với người nữ:

Duyên xứ như trên, lúc đó Bí-sô Ô-đà-di một mình ngồi với người nữ Cấp đa ở chỗ khuất… nên Phật chế học xứ:

Nếu Bí-sô một mình ngồi với người nữ ở chỗ khuất thì phạm Badật-đề.

Nói người nữ là người có thể cùng hành dâm, nói một mình là không có người thứ hai nào khác, nói chỗ khuất là chỗ có thể làm việc phi pháp, nói ngồi ở chỗ khuất là ngồi chung trong phạm vi một tầm thì phạm Đọa. Về cảnh tưởng có sáu câu: hai câu đầu phạm Đọa, hai câu kế phạm tội Ác tác, hai câu sau không phạm. Nếu đối tượng là thiên nữ, long nữ… hoặc bé gái hoặc người ngu đần thì phạm tội Ác tác; tuy là thiên nữ nhưng nếu có thể nắm giữ được cũng phạm Đọa. Nếu ngồi cạnh người nữ để sắc thuốc… ở bên cửa, cửa không đóng hoặc có nhiều người qua lại thì không phạm.

29. Một mình ngồi với Bí-sô ni ở chỗ khuất:

Duyên xứ như trên, lúc đó Bí-sô Ô-đà-di ngồi với ni Cấp đa vốn là vợ cũ trước kia ở chỗ khuất… nên Phật chế học xứ: Nếu Bí-sô một mình ngồi với Bí-sô ni ở chỗ khuất thì phạm Ba-dật-đề.

Tướng phạm và cảnh tưởng giống như giới trên.

30. Biết thức ăn do Ni khen ngợi mà ăn:

Duyên xứ như trên, lúc đó ni Thổ-la-nan-đà biết thí chủ thiết thực cúng dường tôn giả Kiều trần như, cô liền ca ngợi Lục chúng Bí-sô để hồi chuyển thức ăn này về cho họ… Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô biết do Bí-sô ni khen ngợi mà được thức ăn, nếu ăn thì phạm Ba-dật-đề, trừ nhân duyên là bạch y thỉnh trước.

Nói khen ngợi có hai hoặc là trì giới hoặc là đa văn, trong đây là quá phần khen ngợi để người nghe tín kính; nói thức ăn là năm loại Bồ thiện ni và năm loại Khư đà ni. Nói trừ thí chủ thỉnh trước là thí chủ trước đã có ý muốn cúng dường cho vị đó rồi, sau đó dù có khen ngợi cũng không phạm.

Tướng phạm trong đây là Bí-sô ni đến trong nhà thí chủ hỏi làm thức ăn ngon hay dỡ, nếu nghe làm thức ăn dỡ thì khuyên làm thức ăn ngon để cúng cho Bí-sô tên _____ là người đã chứng Tứ quả, hiểu rõ ba tạng… sẽ chiêu cảm thắng phước; Bí-sô nếu biết thức ăn này do khen ngợi mà được, ăn thì phạm Đọa. Về cảnh tưởng có sáu câu: hai câu đầu phạm Đọa, hai câu kế khinh, hai câu sau không phạm; lại nữa, không phạm là dựa vào thật đức mà khen, không có giả dối, hoặc đó nhà chánh tín hay nhà bà con thì dù biết có khen ngợi cũng không phạm.

Nhiếp tụng thứ :

Thường ăn, chỗ ngủ một đêm,
Thọ ba bát không cho người khác,
Ăn đủ, riêng chúng, phi thời,
Xúc chạm, không thọ, diệu thực.

(Xúc chạm thức ăn, không thọ mà ăn, đòi thức ăn ngon)

31. Thường thường ăn:

Phật tại Phệ xá ly, lúc đó Lục chúng Bí-sô trước đã thọ trưởng giả Oai nghiêm thỉnh thực nhưng trước giờ ăn lại ghé qua nhà bà con ăn trái Am-một-la và các loại bánh khác no nê rồi mới đến nhà trưởng giả thọ thực, vì thế không thể ăn được nữa. Trưởng giả thấy việc cùng dường này luống uổng nên chê trách, Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô thường thường ăn thì phạm Ba-dật-đề, trừ thời khác là khi bịnh, khi làm việc, khi đi đường, khi thí y.

Nói thường thường ăn là ở nhà này ăn no rồi lại đến nhà khác ăn nữa; nói khi bịnh là do thân bịnh nên ăn một lần không được lạc trụ, hoặc tánh người này hay đói nên khai cho thường thường ăn. Khi làm việc là tùy thời quét dọn trong chùa hay bên tháp, cho đến chỉ quét dọn chỗ bằng một con bò nằm; khi đi đường là đi khoảng một trạm ngựa hoặc nửa trạm và trở về; khi thí y là khi thí chủ thí y vật.

Nếu Bí-sô trước đã thọ thỉnh chỗ có y và thức ăn, sau đó thọ thỉnh chỗ có y hoặc không có y hoặc có tiền y hoặc không có tiền y (trường hợp thứ nhất); hoặc trước thọ thỉnh chỗ có thức ăn không có y hoặc có tiền y, chỗ thọ thỉnh sau có y… (trường hợp thứ hai); hoặc chỗ thọ thỉnh trước có thức ăn có y, có tiền y, chỗ thọ thỉnh sau có y… (trường hợp thứ ba); hoặc chỗ thọ thỉnh trước không có y cũng không có tiền y, chỗ thọ thỉnh sau có y… Nếu chỗ thọ thỉnh trước có thức ăn, có y và có tiền y mà bỏ để thọ chỗ thỉnh sau thì phạm tội Ác tác, khi ăn phạm Đọa. Nếu muốn thọ chỗ thỉnh sau thì nên tâm niệm xả chỗ thỉnh trước mới không phạm. Nếu trong bữa ăn chánh, Bí-sô đang ăn mà có khách Bí-sô đến, nên hỏi thí chủ có thể cúng dường luôn cho khách được không, được thì tốt, nếu không được thì Bí-sô nên bớt phần ăn của mình chia cho khách cùng ăn. Nếu gặp thời buổi đói kém mà Bí-sô được nhiều chỗ thỉnh thực, nên tùy lượng thức ăn nhiều ít chia đều cho các vị đồng phạm hạnh cùng ăn. Nếu ở trong chùa hay ở nơi A-lan-nhã vì cầu mập mạnh hay vì ưa thích ăn ngon nên thường thường ăn thì phạm tội Ác tác. Về cảnh tưởng có sáu câu: hai câu đầu phạm Đọa, hai câu kế khinh, hai câu sau không phạm.

32. Chỗ thí một bữa ăn mà thọ quá:

Duyên xứ như trên,lúc đó có trú xứ ngoại đạo thường cung cấp thức ăn và cho các Sa môn, Bà-la-môn ngoại đạo ở lại ngủ một đêm. Lục chúng Bí-sô đến ở đây đã lâu, nhân lúc chủ nhà đi vắng liền buông lung thân ngữ, nói lời phi pháp với người nữ dọn thức ăn, chủ nhà rình nghe biết được liền cho Lục chúng Bí-sô ăn thức ăn thô dỡ để tự bỏ đi, trước khi ra đi Lục chúng Bí-sô còn đánh nhau với ngoại đạo… Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô tại nhà thí chủ theo ngoại đạo chỉ được nghỉ một đêm, họ cúng một bữa ăn, Bí-sô không bịnh nên ăn một bữa, nếu ăn quá một bữa thì phạm Ba-dật-đề.

Nếu ngủ quá một đêm thì phạm tội Ác tác, ăn thêm một bữa thì phạm Đọa; nếu ngủ ở đây mà ăn chỗ khác thì phạm tội Ác tác; nếu ngủ chỗ khác mà ăn ở đây thì phạm Đọa. Về cảnh tưởng có sáu câu: hai câu đầu phạm Đọa, hai câu kế khinh, hai câu sau không phạm. Nói trừ bịnh là do tôn giả Xá-lợi-phất bịnh nên Phật khai cho không phạm; lại nữa nếu nhà thí chủ là bà con ân cần giữ lại cho ăn hoặc là miéu thờ trời thì không phạm.

33. Thọ quá ba bát thức ăn:

Duyên xứ như trên, lúc đó Lục chúng Bí-sô ở nhà thí chủ ăn no đủ rồi lại còn đựng đầy bát thức ăn mang về; lại do ở nhà của người nữ sắp về nhà chồng, Lục chúng Bí-sô đến khât thực đã xin hết thức ăn cùng bánh trái mang về trú xứ khiến cho họ thiếu thức ăn… Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô đến nhà cư sĩ được tùy ý cúng cho nhiều bánh bún…, Bí-sô cần thì được thọ hai, ba bát, nếu thọ quá thì phạm Ba-dật-đề. Thọ hai, ba bát rồi mang về nên chia cho các Bí-sô khác ăn, việc này đúng pháp nên làm như vậy.

Bí-sô đến nhà thế tục khất thực có hành pháp như sau: nên rung cây tích trượng ra tiếng để báo trước rồi mới vào nhà, nếu ở chỗ có nhiều phòng nhà phức tạp nên ghi ký hiệu để nhớ. Có năm chỗ Bí-sô không nên đến khất thực: một là nhà kỷ nữ, hai là nhà dâm nữ, ba là quán rượu, bốn là trong cung vua, năm là nhà của Chiên-đà-la.

Bát có ba loại: bát thượng là bát thọ được ba bát cơm (hai thăng gạo), một bát canh và nửa bát canh thức ăn khác; bát hạ là bát thọ được một bát cơm, nửa bát canh, nửa bát canh thức ăn khác; bậc giữa của hai loại bát này là bát trung; nếu lớn hơn bát thượng và nhỏ hơn bát hạ thì không gọi là bát. Nói thọ quá ba bát là ba bát lớn hoặc hai bát lớn thêm một bát trung hoặc hai bát lớn thêm một bát nhỏ hoặc một bát lớn thêm hai bát trung. Tóm lại là không thọ quá bốn thăng rưỡi cơm, nếu thọ thì phạm tội Ác tác, ăn thì phạm Đọa; nếu lấy một bát lớn, một bát trung và một bát nho, hoặc chỉ hai bát lớn, hoặc một bát lớn hai bát nhỏ, hoặc hai bát trung một bát nhỏ, hoặc một bát trung hai bát nhỏ, hoặc ba bát nhỏ thì đều không phạm. Thọ rồi mang về nên chia cho các Bí-sô trong trú xứ cùng ăn, nếu không chia thì phạm tội Ác tác. Nếu ở chỗ trời rồng… hoặc chỗ ngoại đạo xuất gia, hoặc ở chỗ Bí-sô không phải phe nhóm thọ quá thì phạm tội Ác tác; nếu thí chủ hoan hỉ cho tùy ý mang đi thì không phạm.

Có ba hạng người làm tổn tín thí:

1. Là thí chủ có tín tâm biết Bí-sô này là người trì giới nên bớt phần ăn của mình để bố thí, nhưng Bí-sô thọ rồi lại đem cho người phá giới ăn.

2. Là thí chủ biết Bí-sô này là người chánh kiến nên tín tâm cúng dường, Bí-sô thọ rồi lại đem cho người tà kiến ăn.

3. Là thọ quá nên không thể ăn hết.

34. Ăn no đủ:

Duyên xứ như trên, lúc đó Phật bảo các Bí-sô: “ta do ngồi ăn một lần nên có thể sanh các công đức như thiểu dục…, vì vậy các thầy nên ngồi ăn một lần”, các Bí-sô vâng lời Phật dạy thọ pháp ngồi ăn một lần, nhưng khi thấy tôn giả đến liền đứng dậy, cho là đủ rồi nên không dám ngồi xuống ăn nữa. Phật nói: “nên ăn no đủ, khi đang ăn dù thấy tôn giả đến cũng không nên đứng dậy”, sau đó lại nhân Lục chúng Bí-sô ăn no đủ rồi lại ăn thêm nữa nên Phật chế học xứ:

Nếu Bí-sô ăn no đủ rồi, không tác pháp dư thực mà ăn nữa thì phạm Ba-dật-đề.

Nói ăn no đủ rồi là nếu đã no nên nói đủ rồi chớ sớt thêm thức ăn nữa, hoặc đưa tay ngăn vì đã sanh tâm xả; nếu tâm chưa xả mà lở nói đủ rồi để ngăn thì chưa thành ngăn, ăn nữa thì chỉ phạm tội Ác tác; nếu tâm đã xả và nói đủ rồi để ngăn thì thành ngăn. Có đủ năm chi mới thành ngăn: một là biết thức ăn này là thuộc năm món ăn chánh; hai là biết có người trao đưa, hoặc là nam, nữ hay bán trạch ca; ba là biết đã đưa thức ăn vào tay và thọ; bốn là biết đã ăn no đủ rồi; năm là đứng dậy đi mà còn ăn nữa thì phạm Đọa. Nếu ăn các thức ăn tạp, ăn vặt cũng không thành no đủ.

Nói thức ăn là bao gồm năm món Bồ thiện ni : cơm, đậu, bún (mì), thịt cá và bánh; năm món Khư đà ni thuộc củ, cọng, lá, hoa, quả. Nếu ăn năm món ăn sau cùng với sữa lạc hay rau cải rồi mới ăn năm món ăn chánh thì không phạm; nếu ăn năm món ăn chánh no rồi, sau đó lại ăn thêm năm món ăn sau cùng sữa lạc, rau cải thì phạm.

Lại có năm cách nói liền thành ngăn, đó là khi thấy người dọn đưa thức ăn đến, nếu chưa cần liền… thì nên nói hãy đợi, hãy đi chút nữa trở lại, hãy đợi tôi ăn món này xong… gồm nhiều tiếng đợi như vậy thì chưa thành ngăn; nếu không dùng từ hãy thì thành ngăn; nếu ý chưa muốn ngăn mà lỡ lời nói ngăn thì cũng không thành ngăn nhưng phạm tội Ác tác.

Không tác pháp dư thực nghĩa là nếu thức ăn dư của người bịnh thì dù không tác pháp, đuợc ăn không phạm; nếu là thức ăn dư khác thì phải tác pháp dư thực thì tự thân mới được lạc trụ và thí chủ cũng được phước. Khi muốn tác pháp, trước phải rửa tay sạch, thọ thức ăn rồi đến trước một Bí-sô đang ăn chưa no, hoặc đã ăn no nhưng chưa đứng dậy, chắp tay bạch rằng: “Đại đức nhớ nghĩ, tôi Bí-sô ____________ đã ăn no đủ rồi, nay lại được món ăn này muốn ăn nữa, xin cho tôi tác pháp dư thực”, Bí-sô kia nếu chưa ăn no đủ thì nên gắp lấy ăn hai ba miếng rồi nói: “thức ăn này của thầy, thầy cứ tùy ý ăn nữa”, nếu Bí-sô kia đã ăn no đủ rồi thì không nên gắp thức ăn ăn, chỉ nên dùng ngón tay chạm vào thức ăn và nói: “thức ăn này của thầy, thầy cứ tùy ý ăn nữa”.

Lại có năm cách không thành tác pháp dư thực: một là thân ở trong giới nhưng lại đối trước người ở ngoài giới; hai là ở chỗ không vói tới nhau được; ba là ở một bên; bốn là ở sau lưng; năm là Bí-sô kia đã đứng dậy. Trái với năm cách trên thì thành tác pháp, nếu có người đã tác pháp dư thực rồi mà người khác ăn cũng không phạm. Về cảnh tưởng có sáu câu: hai câu đầu phạm Đọa, hai câu kế phạm khinh, hai câu cuối không phạm. Nếu là trái cây của phương Bắc hay ngó sen của trời đều là thức ăn hiếm có hoặc gặp năm mất mùa đói kém, thức ăn khó được, không tác pháp dư thực cũng không phạm. Cháo đã nấu chín nếu dựng cái muỗng đứng mà không ngã hoặc khuấy bột chín dùng ngón tay vẽ thấy dấu thì thành no đủ, lỏng thì không thành no đủ.

35. Khuyên người đã no đủ ăn nữa:

Duyên xứ như trên, lúc đó có Bí-sô già thường phạm tội, bị thẩy quở trách nên sanh tâm bất nhẫn, muốn làm cho thầy phạm tội nên vào ngày khác bạch thầy rằng: “Thức ăn ngon này con đã tác pháp dư thực, thầy hãy ăn”, đợi thầy ăn rồi mới nói là chưa tác pháp dư thực, mục đích xúc não thầy nên Phật chế học xứ:

Nếu Bí-sô biết Bí-sô khác đã ăn xong, không thọ pháp thức ăn dư mà đưa thức ăn, gắng gượng khuyên Bí-sô kia ăn nữa, nói rằng: “thầy hãy ăn thức ăn này”, vì muốn xúc não Bí-sô kia, nghĩ rằng: “khiến cho Bí-sô này phiền não cho đến trong chốc lát”, vì nhân duyên này không phải vì duyên gì khác thì Bí-sô này phạm Ba-dật-đề.

Nếu không có tâm muốn xúc não thì dù khuyên ăn cũng không phạm, về cảnh tưởng có sáu câu: hai câu đầu phạm Đọa, hai câu kế khinh, hai câu sau không phạm.

36. Ăn riêng chúng:

Phật tại thành Vương xá, lúc đó Đề-bà-đạt-da và phe nhóm ăn riêng chúng nên Phật chế học xứ:

Nếu Bí-sô ăn riêng chúng thì phạm Ba-dật-đề, trừ nhân duyên. Nhân duyên là khi bịnh, khi may y, khi đi đường, khi đi thuyền, khi đại hội, khi Sa môn ngoại đạo thí thực.

Nói riêng chúng là ăn không đồng chỗ, nếu có bốn Bí-sô trong giới ăn mà có một người không cùng ăn thì gọi là ăn biệt chúng. Nếu là ăn bữa ăn chánh mới phạm, tiểu thực hay ăn vặt thì không phạm; các trường hợp như khi bịnh… giống như giới trước. Nói khi đại hội là đại hội đảnh kế Thế tôn, hoặc đại hội năm năm, đại hội sáu năm, do thí chủ thiết thực cúng dường nhiều nơi nên các Bí-sô chia nhau đến thọ thực, tuy chỗ ăn không đồng nhưng không phạm. Nói Sa môn thí thực là ngoại đạo thỉnh thực cũng khai cho ăn riêng chúng. Nếu ở trong giới, khởi trưởng trong giới và nghi mà ăn riêng chúng thì phạm Đọa; ở ngoài giới và ở trong giới mà tưởng ở trong giới thì không phạm.

Xứ có hai là trú xứ đại viện và phòng bên, nếu trong đại viện có bốn người trở lên thọ thực, nên hỏi người ở phòng bên có đến đồng ăn không, nếu không hỏi và người phòng bên không đến thì gọi là ăn riêng chúng, phạm Đọa. Nếu trong bốn người có một người khai duyên hoặc một Cầu tịch và ba Cận viên… hoặc thí chủ bổn tâm chỉ muốn cúng cho người ở trong phòng này, hoặc người dùng thần thông lực ở trên hư không hoặc ăn một mình thì không phạm.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14